SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 8

0
33

8. SỰ HIỆN RA CỦA ĐỨC KITÔ VỚI CÁC MÔN ĐỆ

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em!’” (Ga 20,19).

1. Theo một số người, đi vào một nơi mà cửa đóng là phù hợp với một thân thể vinh quang; bởi vì họ cho rằng, do điều kiện của tình trạng mới, nó có thể ở cùng một thân thể khác cùng lúc ở cùng một nơi, xét vì là một thân thể được vinh quang; hơn nữa, họ khẳng định điều này có thể xảy ra mà không cần tới phép lạ. Nhưng ý kiến ​​​​này không thể đứng vững. Đúng hơn chúng ta phải nói rằng Đức Kitô đã làm điều này một cách kỳ diệu nhờ quyền năng Thiên tính của Người,

Thánh Augustinô nói: “Bạn có muốn biết Đức Kitô đã bước qua những cánh cửa đóng kín như thế nào không? Nếu bạn hiểu Người đã làm điều đó như thế nào thì đó không phải là một phép lạ. Nơi nào lý trí thất bại, ở đó đức tin bắt đầu. Chắc chắn Người có thể bước vào khi cửa đóng lại, Đấng khi sinh ra đã giữ được sự đồng trinh của Mẹ Người – không bị xâm phạm. Vì vậy, giống như sự ra đời của Đức Kitô từ Mẹ Đồng Trinh của Người là một điều kỳ diệu bởi quyền năng Thiên Chúa, thì việc bước vào giữa các môn đệ của Người cũng là một điều kỳ diệu.

Qua sự việc này, chúng ta có thể hiểu theo một nghĩa huyền nhiệm rằng Đức Kitô hiện ra với chúng ta khi những cánh cửa đóng kín, tức là khi các giác quan bên ngoài của chúng ta khép lại trong lời cầu nguyện. Chúa nói trong Tin mừng Matthêu (6,6): “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.”.

Ngoài ra, tâm tình của các môn đệ được mô tả để chúng ta bắt chước. “Họ đã quy tụ lại với nhau”. Thật là một mầu nhiệm. Đức Kitô đã đến với các môn đệ khi các ông đang quy tụ. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên những người quy tụ cùng nhau vì Đức Kitô và Chúa Thánh Thần chỉ hiện diện với những ai hiệp nhất trong đức ái: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).

2. “Đức Giêsu đến và đứng giữa các môn đệ”. Chính Người đã đích thân đến, đúng như Người đã hứa với họ. “Thầy ra đi và thầy trở lại với anh em” (Ga 14,28). “Chúa Giêsu đứng giữa họ,” ngõ hầu tất cả mọi người chắc chắn có thể nhận ra Người, nhận ra sự giống nhau của bản chất con người mà Người có chung với họ. “Người đứng ở giữa họ,” bằng sự hạ cố, vì Người nói chuyện với họ như là một thành viên trong số họ. Và điều này chỉ cho chúng ta rằng chúng ta cần phải ở giữa các nhân đức.

3. “Và Người nói: ‘Bình an cho anh em’.” Lời chào này là cần thiết, vì sự bình an của họ đã bị xáo trộn vì nhiều lý do, trước hết là liên quan đến Thiên Chúa; thứ hai, đối với chính họ, thứ ba, đối với người Do Thái.

a) Đối với Thiên Chúa, Đấng mà họ đã phạm tội, người thì chối bỏ Ngài, một số khác lại bỏ trốn. Người đã nói: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31). Và đối lại sự xáo trộn ấy, Đức Giêsu đã đề xuất với họ bình an của sự hòa giải với Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người” (Rm 5,10). Cuộc Khổ Nạn của Người đã mang lại sự hòa giải ấy.

b) Tương tự như vậy, sự bình an đối với chình mình cũng bị xáo trộn, bởi vì các môn đệ buồn bã và đức tin đầy nghi nan; và do đó Đức Kitô đã ban bình an cho họ. “Bình an cho những ai yêu mến Luật Chúa” (Tv 118).

c) Sau cùng, từ bên ngoài, sự bình an của họ đã bị xáo trộn bởi những cuộc bách hại về phía những người Do Thái. Đối lại Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người: “Bình an cho anh em”.

(Chú giải Tin Mừng Gioan, chương 20)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here