SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 7

0
32

VII. NHỮNG BẰNG CHỨNG CỦA CUỘC PHỤC SINH VỀ TINH THẦN

Giống như Đức Kitô đã chứng minh sự Phục sinh của Người bằng ba cách, cụ thể là bằng thị giác, xúc giác và vị giác, thì sự phục sinh tinh thần của chúng ta cũng phải được chứng minh như vậy. Bằng thị giác, “Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây” Bằng xúc giác, “Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây.” Bằng vị giác, “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc 24,39.41). Do đó sự sống lại tinh thần cũng nên được nhắc đến.

1/ Trước hết, bởi hình dạng của sự thánh thiện: “Vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (Mt 5,16). Thánh Augustinô nói, đừng coi cuộc sống này là mục tiêu của mình, mà hãy hướng nó đến việc chúc tụng Thiên Chúa,” và do đó Đức Kitô thêm: “ngõ hầu họ tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời”.  Hơn nữa, khi Chúa cho thấy tay chân của Người, qua đó Người cho thấy rằng sự phục sinh tinh thần của chúng ta được thể hiện qua lòng yêu mến của chúng ta đối với tình yêu Thiên Chúa và qua tác động của những việc làm tốt lành của chúng ta. “Ta biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thật ra đã chết” (Kh 3,1),  bởi vì thiếu tình yêu Thiên Chúa và thiếu những việc làm tốt.

2/  Thứ hai, do sự đụng chạm nghịch cảnh. Lửa thử vàng (Cn 27,21), nghĩa là con người được thử nghiệm bằng gian nan. Trong sách Sáng thế (27,21), ông Isaac nói với Giacob, “Hãy đến gần đây, để cha rờ con, xem con có đúng là con cha, hay không” . Ông Gióp (6,7) nói rằng: Bây giờ tôi được nuôi sống bởi những điều mà trước đây tôi không muốn đụng chạm đến. Sách Chú giải (Glossa) bàn thêm: “Những điều đau buồn trên đời này giờ đây là lương thực của tôi, vì gây ưu sầu cho tôi. Chúng trở thành những lương thực ngon ngọt bởi vì chúng gây nơi tình yêu và lòng khao khát thiên đàng.” Khi Chúa Giêsu nói: “Các con hãy chạm đến, và sẽ thấy rằng, thần linh không có xương thịt.” Ở đây, Người muốn đến khía cạnh huyền bí, nghĩa là con người tâm linh không còn dựa trên những an ủi của xác thịt nữa, như dựa trên niềm hy vọng về quê hương trên trời, nhờ thế họ không sợ phải chịu đựng những đau khổ. “Ít ra tôi còn có được niềm an ủi này, còn có được niềm vui trong nỗi đau khôn xiết: Lời của Đấng Thánh, tôi không hề quên lãng” (G 6,10).

3/ Thứ ba, bằng hương vị ngọt ngào bên trong và vĩnh cửu. Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Côlôxê (3,2): “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”. Do đó, thánh Bênađô nói: “Phàm ai sau khi sám hối mà không trở lại với những an ủi trần thế, nhưng tiến tới với một niềm tin tưởng nhất định vào lòng thương xót của Chúa; phàm ai dấn thân vào việc tận tâm và và niềm vui của Chúa Thánh Thần; phàm ai không đau buồn khi nhớ lại những tội lỗi trong quá khứ cho bằng vui thích và hăng nồng khi nghĩ đến những phần thưởng vĩnh cửu, quả thật người ấy đã sống lại với Đức Kitô; bởi vì một con người bận rộn với những ước muốn trần tục thì không thể nào hưởng một niềm vui thánh thiện. Niềm vui thiên đường này cũng không thể trộn lẫn với những phù phiếm trần tục, cái vĩnh cửu với cái nhất thời, cái tinh thần với xác thịt cũng không thể hòa trộn được; vì thế không ai có thể đồng thời nếm hưởng những thứ thuộc thượng giới với những thứ hạ giới”.

Ngoài ra, Đức Giêsu đã ăn một khúc cá nướng được đặt trước mặt Người, và một bánh mật ong:  Người chỉ ra một cách mầu nhiệm rằng những ai đã sống lại về mặt tinh thần trước tiên phải nếm trải vị ngọt ngào của thiên tính và nhân tính của Người. Thánh Grêgôriô nói: “Chúng ta tin con cá nướng chứng tỏ điều gì, nếu không phải là Đấng Trung gian đau khổ giữa Thiên Chúa và con người? Người đã muốn ẩn mình dưới dòng nước của con người; Người đã muốn bị bắt trong cái lưới của sự chết, và ra như bị nướng do những gian truân vào lúc Khổ nạn. Thế nhưng kẻ đã muốn nên giống như con cá vào lúc Khổ nạn thì nay trở thành mật ong của sự Phục sinh.”

(Về nhân tính của Đức Kitô, 57)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here