SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 17

0
48

17. SỰ HOÀN HẢO THIÊNG LIÊNG

Nếu anh muốn nên hoàn hảo, hãy bán những gì anh có, và phân phát cho người nghèo; rồi, hãy đến đây và đi theo tôi (Mt 19,2)

(Chú thích của người dịch: perfectus có thể dịch là hoàn hảo, hoặc: trọn lành, trọn hảo)

Sự hoàn hảo của đời sống thiêng liêng được đo lường bởi đức mến. Ai không có đức mến thì chẳng là gì hết về mặt thiêng liêng, như thánh Phaolô đã nói (1 Cr 13). Chính nhờ sự hoàn hảo này mà người ta nên hoàn hảo cách đơn thuần. Thánh Phaolô nói: Trên hết, anh em hãy mặc lấy đức mến là dây ràng buộc sự hoàn hảo (Cl 3,14). Thế nhưng tình yêu có một sức thay đổi, theo đó, người yêu được biến đổi một cách nào đó trong người được yêu. Ông Đionysiô nói: “Tình yêu Thiên Chúa gây ra một sự xuất thần, không cho phép những người yêu nhau còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về người được yêu.”

Và xét vì cái “tất cả” và cái “hoàn hảo” đều giống như nhau, cho nên người đã có đức mến hoàn hảo thì cũng được biết đổi tất cả trong Thiên Chúa bằng tình yêu, đặt Thiên Chúa ở trên mình và ở trên tất cả. Vì thế thánh Augustinô nói rằng lòng yêu mến chính mình đưa đến chỗ khinh dể Thiên Chúa, như tình trạng của thành phố Babylone, còn lòng mến Thiên Chúa đưa tới chỗ kinh dể chính mình, điều này tạo ra thành phố của Thiên Chúa. Nơi khác, thánh nhân nói rằng sự hoàn hảo của đức mến hệ ở chỗ không còn dính bén với thụ tạo. Thánh Grêgôriô cũng nói rằng kẻ nào dâng cho Chúa một vài điều tốt và dành lại cho mình những điều khác thì đó là dâng hy lễ; nhưng kẻ nào dâng cho Thiên Chúa toàn năng tất cả những gì mình có, theo lời thánh Phaolô: Những gì trước đây tôi coi là lợi lộc, thì vì Chúa Kitô, tôi coi là thiệt thòi (Pl 3,7), ai làm như vậy là hoàn hảo, dù là tu sĩ hay người đời, giáo sĩ hay là giáo dân, hay đã kết hôn. Ông Abraham là người đã kết hôn và giàu có, và Thiên Chúa nói với ông: Hãy đi trước mặt ta và trở nên hoàn hảo (St 17,1).

(Quodlibet III, q. 8, a. 3)

Nếu anh muốn nên hoàn hảo: không phải là anh phải nên hoàn hảo ngay lập tức, nhưng là anh hãy một nguyên lý về hoàn hảo, ngõ hầu một khi đã từ bỏ những của cải trần tục, anh có thể dễ dàng chiêm ngắm những sự trên trời. Thánh Augustinô nói rằng những sự khắc khổ cổ truyền là những dụng cụ của sự hoàn thiện, nhưng điều thêm vào là chính sự hoàn thiện: Và hãy theo tôi. Như vậy, lòng yêu mến Thiên Chúa là sự hoàn hảo; nhưng việc từ bỏ của cải là con đường của hoàn hảo. Tại sao vậy? Thánh Augustinô nói rằng sự tiến triển về đức ái là sự suy giảm về lòng ham muốn: lòng mến Chúa hoàn hảo, thì không còn ham muốn nữa. Kẻ hoàn hảo về đức mến là người yêu mến Thiên Chúa đến nỗi khinh thường chính mình và những tài sản của mình.

(Chú giải Tin mừng Gioan, ch 19)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here