Tự do tín ngưỡng 50 năm sau công đồng Vaticanô II

0
1412

 Phan Tấn Thành

Nhật báo L’Osservatore Romano ngày 27/4/2019 cho biết Ủy ban thần học quốc tế vừa công bố văn kiện về “Tự do tín ngưỡng” được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn ngày 21 tháng 3 vừa qua. Có lẽ vì là văn kiện của một “cơ quan nghiên cứu” (chứ không phải “cơ quan quản trị”) của Tòa Thánh[1], cho nên không có buổi họp báo để ra mắt với báo giới. Trong số báo vừa nói, chỉ có một bài giới thiệu vắn tắt của cha Serge-Thomas Bonino O.P., Thư ký của ủy ban. Chúng tôi gọi là “vắn tắt”, bởi vì văn kiện này khá dài (hơn 40 trang A4), với tựa đề không ngắn ngủi (nguyên bản tiếng Ý): “Tự do tôn giáo vì điều thiện của mọi người.- Tiếp cận thần học trước những thách đố thời đại”. Đây không phải là một khảo luận về đề tài tự do tín ngưỡng, nhưng chỉ là những suy tư nhìn lại việc tiếp nhận giáo huấn của công đồng Vaticano II trong Tuyên ngôn Dignitatis humanae (được ban hành vào ngày 7/12/1965), trong vòng 50 năm qua[2]. Văn kiện này gồm 7 chương như sau:

1. Một cái nhìn về bối cảnh hiện nay

2. Viễn ảnh của Dignitatis humanae vào thời ấy và vào thời nay

3. Quyền tự do tín ngưỡng về phía nhân vị

4. Quyền tự do tín ngưỡng về phía các cộng đồng

5. Nhà Nước và tự do tín ngưỡng

6. Sự đóng góp của tự do tín ngưỡng vào sự sống chung và hòa bình xã hội

7. Tự do tín ngưỡng và sứ mạng của Giáo hội.

Chúng ta có thể nhận thấy bố cục như sau. Chương 1 điểm qua tình hình hiện nay về tự do tín ngưỡng. Chương 2 đọc lại văn kiện của công đồng. Chương 3 và chương 4 giải thích hai khía cạnh của quyền tự do tín ngưỡng (nhân vị và cộng đồng). Chương 5 giải thích vai trò của Nhà Nước đối với quyền này; đối lại, chương 6 cho thấy sự đóng góp của tôn giáo vào đời sống xã hội. Chương cuối cùng đề cập trên sứ mạng của Giáo hội đối với tự do tín ngưỡng. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm vào hai mục: 1) Tự do tín ngưỡng vào thời công đồng Vaticanô II. – 2) Tự do tín ngưỡng trong vòng 50 năm qua.

I. Tự do tín ngưỡng vào thời công đồng Vaticanô II

Tuyên ngôn Dignitatis humanae (viết tắt DH) là một văn kiện gây nhiều tranh cãi nhất trong và sau công đồng: trong công đồng, bởi vì phải sửa đi sửa lại 6 lược đồ (trong khi các văn kiện khác chỉ cần 2 hoặc 3 lược đồ); sau công đồng, bởi vì nó là đầu mối của việc ly khai của Đức cha Marcel Lefèbvre (chứ không phải vì việc cử hành phụng vụ bằng tiếng mẹ đẻ, như nhiều người lầm tưởng).

A. Nguồn gốc gây ra các tranh cãi

Một nguyên nhân chính của các cuộc tranh cãi là ý nghĩa hàm hồ của thuật ngữ “Tự do tín ngưỡng” (viết tắt: TDTN). Trải qua lịch sử châu Âu[3], thuật ngữ này được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau, từ phía cá nhân, hoặc từ phía chính quyền, hoặc từ phía Giáo hội.

1) Xét từ phía cá nhân:

– Tự do là gì? Phải chăng tự do có nghĩa là: muốn làm gì thì làm? Làm sao dung hòa giữa tự do của cá nhân với sự sống chung trong xã hội? Dưới khía cạnh luân lý, tôi có quyền tự do làm điều xấu không (phạm tội ác), hay là tôi luôn luôn buộc phải làm điều tốt?

– Tự do tín ngưỡng là gì? Tôi có quyền theo bất cứ đạo nào tôi thích (bởi vì đạo nào cũng như đạo nào)? Hoặc là tôi có quyền không theo đạo nào hết (bởi vì đâu có đạo nào thỏa mãn hết các đòi hỏi của tôi)?

2) Xét từ phía chính quyền:

– Chính quyền có bổn phận bảo vệ thuần phong mỹ tục không? Hay là cứ để cho các công đân, các đoàn thể muốn làm gì thì làm, chẳng hạn: chồng muốn lấy bao nhiêu vợ cũng được, (theo giáo lý của họ)?

– Chính quyền có nên dung túng tất cả các hình thức tín ngưỡng không, kể cả các chuyện mê tín dị đoan? Chính quyền phải có thái độ nào đối với các phong trào quá khích chủ trương “thánh chiến”?

3) Xét từ phía Giáo hội (khía cạnh thần học)

– Phải chăng, TDTN đồng nghĩa với “tự do lương tâm”, đặt lương tâm lên trên các đạo lý đức tin?

– Phải chăng TDTN đồng nghĩa với việc “tự do cải đạo”, có thể bỏ đạo Chúa để chuyển sang các đạo khác?

B. Những lựa chọn của Tuyên ngôn Dignitatis Humanae

Sau những cuộc tranh cãi lâu dài, cuối cùng ban soạn thảo lược đồ đã quyết định hạn chế lại vấn đề như sau:

1) Tuyên ngôn không bàn về tất cả mọi khía cạnh của TDTN, cách riêng không đi vào khía cạnh thần học của vấn đề (DH 1).

– Tuyên ngôn không đề cập đến vấn đề Thiên Chúa đã mặc khải đạo chân thật trong Giáo hội.

– Tuyên ngôn không đề cập đến nghĩa vụ của con người phải đi tìm chân lý, và phải gắn bó với chân lý.

– Tuyên ngôn không đề cập đến tương quan của người tín hữu đối với các vị lãnh đạo tôn giáo của họ (trong nội bộ Giáo hội).

2) Tuyên ngôn chỉ giới hạn vào khía cạnh pháp luật (DH 2): tương quan giữa công dân với Nhà Nước, được phát biểu qua các quyền lợi và nghĩa vụ (x. Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ).

– Nội dung của quyền TDTN được phát biểu cách tiêu cực: “không ai bị cưỡng bách hành động trái ngược với lương tâm, hoặc bị ngăn cản không được hành động phù hợp với lương tâm của mình”.

– Chủ thể của quyền TDTN là tất cả mọi nhân vị, xét vì là những hữu thể có lý trí và tự do (DH 3). Gắn liền với các cá nhân là các cộng đồng tôn giáo và đặc biệt là các gia đình (DH 4-5).

– Ai phải tôn trọng quyền này? Thưa là: các công dân khác; các nhóm xã hội; các cộng đồng tôn giáo khác; công quyền.

– Tuy nhiên, quyền này không có tính cách tuyệt đối, nhưng phải chịu những giới hạn (DH 7): a) luân lý (trách nhiệm cá nhân và xã hội; quyền lợi tha nhân; công ích) và b) pháp lý (trật tự công).

3) Nền tảng của quyền TDTN là phẩm giá con người. Vì là một hữu thể có lý trí và tự do, con người không thể bị cưỡng chế trong việc truy tầm chân lý. Mặt khác, vai trò của công quyền là bảo đảm an ninh trật tự xã hội, chứ không có thẩm quyền can thiệp vào những lãnh vực thiêng liêng[4].

II. 50 năm sau công đồng Vaticanô II

Tình hình của thế giới đã thay đổi rất nhiều trong vòng nửa thế kỷ.

Vào thời công đồng, mỗi khi nói những sự hạn chế quyền TDTN, người ta liên tưởng ngay đến khối các quốc gia Cộng sản (ở phía Đông Âu và trải dài suốt phần lớn châu Á). Tuyên ngôn Dignitatis humanae được soạn theo tinh thần của bản tuyên ngôn nhân quyền của LHQ (năm 1948), cách riêng là về quan niệm về “Nhà Nước pháp quyền” (Etat de Droit), được đề cao tại các quốc gia thuộc khối tự do.

Ngày nay bản đồ thế giới đã thay đổi, cách riêng sau sự sụp đổ của bức tường Bá Linh. Tuy nhiên, tình hình TDTN không vì thế mà trở nên khả quan hơn. Điều trớ trêu là quyền TDTN bị hạn chế tại các nước quen được xếp vào loại “dân chủ tự do”. Văn kiện này không theo dõi các thống kê của các cơ quan quốc tế, nhưng chỉ muốn trình bày vấn đề dưới góc độ triết học và thần học (giống như phương pháp trình bày giáo huấn xã hội của Giáo hội)[5].

Điểm đầu tiên đáng ghi nhận là hiện tượng tôn giáo vẫn tồn tại trên thế giới, bất chấp những dự đoán cho rằng tôn giáo sẽ lùi bước và tan biến trước tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Điều đáng lo ngại là tại vài nơi, hiện tượng “bảo căn” (fundamentalism)[6] phát triển: phải chăng đây là một phản ứng chống lại trào lưu tục hóa trong các xã hội Tây phương? Đối lại, phía Tây phương lại muốn đồng hóa tôn giáo với hiện tượng fundamentalism, gây ra một ấn tượng tiêu cực về tôn giáo. Nói một cách cụ thể, các phương tiện truyền thông Âu Mỹ thường đồng hóa Islam với “khủng bố”, chứ không chịu khám phá những bộ mặt khác của tôn giáo này.

Trong bối cảnh này, văn kiện (số 5) muốn cho thấy rằng những hình thức vi phạm quyền TDTN bị vi phạm tại các nước “tự do”[7].

1/ Một hình thức vi phạm TDTN cách tinh vi là muốn loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội. Dưới danh nghĩa là “Nhà Nước phải đứng bên ngoài các tôn giáo”, người ta tìm cách loại trừ tất cả các biểu tượng tôn giáo trong đời sống công cộng. Theo họ, tín ngưỡng là chuyện cá nhân, vì thế chỉ được thực hành riêng tư (tư gia) chứ không được phô trương công khai. Điều này dẫn đến việc tháo gỡ các tượng thánh giá ra khỏi các công sở, trường học, bệnh viện (tại các nước vốn theo truyền thống công giáo). Một bước kế tiếp là loại bỏ việc dạy tôn giáo tại các trường công lập (và như vậy là khước từ cả một truyền thống văn hóa của dân tộc). Trên phương diện lập pháp, người ta thông qua các đạo luật bất chấp giá trị luân lý (chẳng hạn như chấp nhận phá thai, hôn nhân đồng tính), dựa theo biểu quyết của đa số. Một khi luật đã được ban hành thì không ai được phép chỉ trích nữa! Đến đây, ta thấy một hiệu ứng trái ngược với bản chất của “Quốc gia tự do”, đó là ngăn cấm phát biểu ý kiến cá nhân, ngăn cấm “vấn nạn lương tâm” (objection de conscience), chẳng hạn như các bác sĩ không được phép khước từ phá thai vì muốn tuân theo tiếng nói của lương tâm!

Văn kiện muốn cho thấy rằng ngày nay, chính các quốc gia tự do lại trở thành “toàn chế” (totalitarisme), khi áp đặt ý thức hệ của mình như chân lý tuyệt đối, không chấp nhận bất cứ sự phản kháng nào (cho dù, trên nguyên tắc, họ không chấp nhận có chân lý nào là tuyệt đối). Tệ hơn nữa, các quốc gia tự do trở lại chế độ thần quyền (théocracie) theo nghĩa trái của nó. Như ta đã biết, trong các xã hội cổ truyền, các vua chúa “thay trời trị dân”: người dân phải tuân theo luật của nhà vua như là tuân theo lệnh trời vậy! Kitô giáo đã du nhập nguyên tắc phân biệt “thần quyền” và “thế quyền”. Thế quyền không còn giữ vai trò thay mặt Trời nữa. Tiếc rằng, vào thời nay, nhiều quốc gia muốn trở lại chế độ cũ, áp đặt ý thức hệ của mình như là quy tắc tuyệt đối ràng buộc hết mọi người.

2/ Trong bối cảnh này, văn kiện nhắc nhớ rằng sự đóng góp quan trọng của tôn giáo vào đời sống xã hội (Chương 6 của văn kiện). Điều này có thể nhận thấy nơi sự đóng góp của Kitô giáo vào văn minh châu Âu và Mỹ châu, không những qua các kiến trúc nghệ thuật, nhưng nhất là qua các giá trị tinh thần của các dân tộc. Vì thế, không có lý do gì mà đòi gạt bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội. Phải chăng sự gạt trừ chiều kích siêu việt ra khỏi đời sống đã khiến cho nhiều người rơi vào các hình thức bạo động, những hình thức kỳ thị, đó là chưa kể tình trạng sống tuyệt vọng, thiếu tin tưởng vào tương lai nơi các bạn trẻ?

3/ Một cách tích cực hơn, văn kiện trình bày sự tiến triển của giáo huấn Hội thánh liên quan đến đề tài này (xem các số 23-27).

Tuyên ngôn Dignitatis humanae đã nêu bật giá trị của việc tôn trọng nhân phẩm khi đề cao TDTN. Đạo lý này dựa trên nền tảng Kinh thánh: Thiên Chúa đã dựng nên con người với lý trí và tự do, và Ngài muốn cho con người gắn bó với Ngài cách ý thức và tự do, chứ không do áp lực sợ hãi.

Sau công đồng Vaticanô II, các vị giáo hoàng đã đào sâu các khía cạnh khác nhau của đề tài TDTN[8].

a. ĐTC Gioan Phaolô II coi quyền TDTN như là nền tảng của các quyền lợi căn bản khác của con người. Nói cách khác, việc tôn trọng quyền TDTN được xem như “thước đo” cho việc tôn trọng các quyền lợi khác của công dân. Thực vậy, quyền TDTN là một yêu sách cơ bản nhất của phẩm giá con người, nó bảo đảm cho các quyền tự do khác nhằm đến công thiện của các cá nhân và các dân tộc[9].

b. Đối với ĐTC Bênêđictô XVI, quyền TDTN không phải là một quyền lợi dành riêng cho những người có tín ngưỡng, nhưng là một quyền lợi của tất cả mọi người. Đây là một quyền lợi không chỉ là của các cá nhân mà còn là quyền lợi của cộng đồng. Việc tôn trọng quyền này góp phần vào sự xây dựng công ích[10].

c. ĐTC Phanxicô lôi kéo chú ý đến hiện tượng của nhiều tín hữu đang chịu bách hại vào thời nay, bởi những ý thức hệ muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi xã hội, hoặc bởi những cuộc đàn áp nhân danh tôn giáo. Sự bách hại có thể dẫn đến cái chết, hoặc ít là sự kỳ thị trong việc thực hành các quyền lợi công dân (và thậm chí trong việc thi hành nghề nghiệp hoặc hưởng các dịch vụ công). Chúng ta cần biết tôn trọng lẫn nhau, tạo ra khung cảnh hợp tác với nhau để kiến tạo xã hội[11].

4/ Trong chương cuối cùng (chương 7), văn kiện nhắc nhở rằng việc tuyên bố quyền TDTN không chỉ nhằm bảo vệ quyền này trước mặt các quốc gia hoặc những người ở ngoài Giáo hội, nhưng còn nhằm đến chính các phần tử của Giáo hội nữa. Chúng ta cần phải biết tôn trọng quyền TDTN của các người khác, các cộng đồng khác, cách riêng trong bối cảnh di dân hiện nay. Việc loan báo Tin mừng cần được thực hành trong khung cảnh của việc tôn trọng TDTN và đối thoại tôn giáo.

Dù sao, việc làm chứng cho Tin mừng luôn cần được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Thiên Chúa và đồng loại. Đôi khi việc làm chứng đức tin đưa đến sự tử vì đạo; nhưng người tín hữu làm chứng cho đức tin với lòng mến yêu tha thứ, chứ không phải bằng bạo lực thù hận. Việc chứng tá Kitô giáo không thể nào chấp nhận việc chém giết hoặc tự sát nhân danh Thiên Chúa.

—————————-

[1] Nên biết là trong các cơ quan của Tòa Thánh, bên cạnh các Bộ (mang tính cách hành chính) còn có các cơ quan mang tính cách nghiên cứu, chẳng hạn các Hội đồng Giáo hoàng, hoặc các Ủy ban Giáo hoàng.

[2] Bản văn có thể đọc trên website của Ủy ban thần học quốc tế (cho đến ngày 6/6/2019, mới chỉ có bản bằng tiếng Pháp và tiếng Ý): http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20190426_liberta-religiosa_it.html. (

[3] Khi chuyển sang tiếng Việt, vấn đề trở thành phức tạp hơn nữa, bởi vì religion được dịch là “tín ngưỡng” và “tôn giáo”. Hai từ này không đồng nghĩa. Trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016, điều 2 định nghĩa: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”. Dĩ nhiên, tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo lại càng khác nhau hơn nữa.

[4] Trên thực tế, không dễ gì chấp nhận cho tất cả các “cộng đồng tôn giáo” được tự do hành động, cách riêng là các “giáo phái”. Nhưng dựa trên tiêu chuẩn nào mà phân biệt tôn giáo và giáo phái? Thí dụ điển hình là các cuộc tranh tụng gần đây bên Hoa kỳ liên quan đến ScientologySatanism.

[5] X. chương 1 của văn kiện đang bàn.

[6] Fundamentalism thường được dịch là “cực đoan, quá khích”. Chúng tôi muốn dịch sát với tầm nguyên là “bảo căn”, nghĩa là bảo vệ căn tính (fundamentum: cơ sở, nguồn gốc). Đây là một hiện tượng xuất hiện ở nhiều tôn giáo. Xc. Bài viết Fundamentalism của Massimo Introvigne, trong “Thời sự thần học” số 68 (tháng 5/2015), trang 160-183.

[7] Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là các Kito hữu không gặp khó khăn tại các quốc gia theo chủ nghĩa “vô thần” hoặc tại quốc gia nhận một quốc giáo (cách riêng là Islam).

[8] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo bàn về TGTN ở các số 2104-2109 dưới nhiều khía cạnh. 1/ Trước hết con người có bổn phận phải truy tấm chân lý, và thờ phượng Thiên Chúa chân thật (số 2104-2105). 2/ Con người có quyền TDTG (số 2106-2109). Xem thêm số 2467 (bổn phậm tìm kiếm chân lý); quyền được hành động phù hợp với lương tâm trong lãnh vực luân lý (số 1782).

[9] X. Sứ điệp ngày hòa bình thế giới các năm 1988, 1989, 1991.

[10] X. Sứ điệp ngày hòa bình thế giới năm 2011.

[11] X. Tông huấn “Niềm vui Tin mừng” số 257.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here