HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ_PHẦN 3 – RỜI BỎ HỘI DÒNG

0
1177

BỘ CÁC HỘI DÒNG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ

NHŨNG ĐỊNH HƯỚNG

“Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”

                                                               (Ga 15,9)

 Chuyển ngữ: Nữ tu Marie Ange O.C.D.

Hiệu đính: Lm. Giuse Phan Tấn Thành O.P.

ĐAN VIỆN CÁT MINH SAIGON
2022

——————–

Dẫn nhập và Giới thiệu

PHẦN 1 – NGẮM NHÌN VÀ LẮNG NGHE

PHẦN 2 –  NHEN NHÚM LÊN NGỌN LỬA NHẬN THỨC

——————–

PHẦN 3

RỜI BỎ HỘI DÒNG

Những Quy Tắc của Giáo Luật và
Thực Hành của Bộ

Trung tín và kiên trì: tái khám phá ý nghĩa của kỷ luật

62. Đôi khi sự trung tín trong kiên trì suy giảm bởi những tình huống khó khăn hoặc có vấn đề – như đã được phác thảo trong thứ nhất. Những hậu quả, không luôn luôn có thể lường trước, làm lung lay sự khả tín của chứng tá hoặc biểu lộ một sự thiếu nhất quán đối với những đòi hỏi khắc khe trong ơn gọi đời sống thánh hiến. Tính nhất quán là sự đáp trả tự do được thúc đẩy bởi tình yêu dành cho Đấng đã đặt tin tưởng vào chúng ta (xc. 1Tx 5,2); những thái độ, mối tương quan, phong cách, những tình huống không thích đáng hoặc trái ngược với kỷ luật đời tu, đều làm lu mờ tính chân thật của lời đáp trả. Không thể nào khẳng định rằng tính nhất quán có thể đạt được một lần cho đến suốt đời: nó được nâng đỡ nhờ ân sủng và được dựa vào việc thực hành liên lỉ và kiên nhẫn cuộc đào luyện chính mình. Sống và cảm nghĩ như là những người môn đệ hàm ý chấp nhận gian lao của tình yêu (1Tx 1,3) và những thất bại của nó. Nếu những điều thiếu nhất quán đã biểu lộ mặt yếu kém trong đời sống thánh hiến, thì những tình huống không thể chấp nhận về phương diện luân lý lại càng tồi tệ hơn biết mấy. Sự trung tín bị thử thách, và trải qua thử thách. Và những thức thách có thể đưa đến những kết quả đáng chất vấn và vi phạm cách nghiêm trọng những nghĩa vụ của đời sống thánh hiến.

Những sự thiếu nhất quán và những phản chứng không chỉ là những chuyện cá nhân, riêng tư mà thôi: những hậu quả tiêu cực làm suy yếu sự khả tín của chứng tá của giáo hội về đời sống thánh hiến. Hội Dòng không thể và không được phép giữ thái độ bàng quan khi đứng trước những tình huống công khai vi phạm các nguyên tắc căn bản của hàng ngũ những người thánh hiến. Truyền thống, luật chung phổ quát và luật riêng, việc thực hành của Bộ các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ đã nhiều lần ban hành những nguyên tắc chỉ đạo, những điều khoản, những quy luật nhằm gìn giữ bảo vệ sự trung tín và sự nhất quán với các nghĩa vụ gắn với hàng ngũ đời sống thánh hiến. Những nghĩa vụ này, nếu chỉ được nhìn và sống chỉ như là bổn phận, thì sẽ làm trống rỗng ý nghĩa của chính ơn gọi sequela Christi.

63. Tái khám phá lại ý nghĩa và những hệ luận của kỷ luật, một trong những truyền thống của đời sống tận hiến, là điều cấp bách, đặc biệt trong lãnh vực đào tạo sơ khởi. Từ ngữ “kỷ luật” gợi lên thái độ của người đến học trường của Phúc Âm, là Luật tối cao của những người thánh hiến (xc. GL.662), và gợi lên việc canh chừng tính nhất quán của người môn đệ, trong việc trung tín đối với những lời cam kết (lời khấn hoặc những giao ước thánh khác) được tuyên thệ trong ngày tuyên khấn hoặc trong ngày thánh hiến. Có thể nói được rằng tuân theo kỷ luật, trong ý nghĩa truyền thống của nó, có nghĩa là được uốn nắn để trở nên nhất quán, chứ không phải là ép mình vào một khuôn đúc. Chúng ta là những người môn đệ được mời gọi đến sự tự do (xc. Gl 5,13), chứng tỏ sự tự do trong quyết định cuộc đời của mình. Trong đời sống thánh hiến, dĩ nhiên lời cam kết nhất quán được đào luyện nhờ vào nhận thức về những trách nhiệm bổn phận của mình, một nhận thức được đâm rễ trong những động lực định hướng dẫn và đồng hành với sự trung tính trong kiên trì của chúng ta. Việc thi hành những trách nhiệm, bổn phận của chính mình nếu không được cỗ vũ, gợi hứng bởi những thúc đẩy từ Phúc Âm thì nó sẽ nhốt kín đời sống thánh hiến trong một chân trời riêng tư cá nhân. Sự cá nhân hóa này, không có một sự mở ra để đương đầu với những gian khổ trong cuộc sống hằng ngày cùng những khó khăn trong các mối tương quan với những người anh chị em, sẽ đưa đến một sự quy ngã về chính mình, tự mình xoay sở cơn khủng hoảng của chính mình, đến mức hợp pháp hóa những quyết định của chính mình, cắt đứt khỏi sự đối thoại thành thực và thanh thản với các Bề Trên, và đôi khi, gần như gạt bỏ hoặc khinh thường các quy luật. Việc phục vụ của quyền bính không chỉ được dùng để củng cố tu luật, nhưng nó còn là người bảo đảm trước Hội Dòng và Hội Thánh; và trên hết nó cổ võ sự nhất quán để bảo vệ sự chứng tá trung tín của tất cả mọi người. Tất cả những điều này cũng được hoàn thành nhờ việc áp dụng đúng đắn các thủ tục: những tiến trình phải được tuân hành không như là các công chức, nhưng trong nhận thức rằng chúng là những phương tiện để đảm bảo những nghĩa vụ và quyền lợi của tất cả, các anh chị em, các Bề Trên và các nhà đào tạo.

64. Tu luật là nguồn tài nguyên quý giá đối với việc đào luyện sự trung tín, được nâng đỡ bởi việc chúng ta sống với nhau trước mặt Chúa. Theo cách này, người ta khám phá lại sự trung tín trong kiên trì như là một cách biểu lộ tình liên đới của việc tỉnh thức đưa đến việc cùng nhau mang lấy gánh nặng của người khác (xc. Gl 6,2) và cảm thấy quan tâm lo lắng cho người anh chị em như là một sự mong chờ lẫn nhau trong việc xây dựng thành cộng đoàn trong Chúa. Trong viễn tượng này, chúng ta mới có thể hiểu được phần thứ ba của văn kiện này, hệ thóng hóa những nguyên tắc pháp lý và thực hành của Bộ trong những vấn đề liên quan đến sự vắng mặt, ngoại vi, rời khỏi Hội Dòng, và sa thải khỏi Hội Dòng. Nó cũng đưa ra sự đóng góp cho việc biện phân đúng đắn đối với những tình huống khó khăn và có vấn đề trong tiến trình đồng hành cùng những người anh em và chị em, là những người đang trong quá trình quyết định tương lai của mình, và cho các Bề Trên là những người phải đưa ra quyết định về mặt này, theo như luật chung và luật riêng.

Trong những lựa chọn tế nhị của việc rời bỏ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ, thì Giáo Hội, các Hội Dòng và Tu Đoàn, cá nhân những người thánh hiến và cộng đoàn không ngừng đồng hành và chỉ dẫn cho những người môn đệ, là người trên hành trình biện phân, đang xem xét bước theo Thầy theo con đường khác ngoài con đường mình đã đi theo.

65. Những thủ tục đối với việc tách rời khỏi Hội Dòng được chia thành hai nhóm: nhóm theo ân huệ (pro gratia): vắng mặt (GL. 665 1), chuyển dòng (GL. 684), ngoại vi (GL. 686 § 1), đặc ân xuất dòng (GL. 691 và 693); và nhóm theo chế tài: ba loại sa thải (GL.700) vì lý do được đề cập đến trong GL. 694, 695 và 696. Xét về thời gian, sự rời bỏ có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời. Sự vắng mặt được nhắc đến trong GL. 665 § 1 và hai hình thức sống ngoại vi được nhắc đến trong GL. 686 là tạm thời. Phép chuẩn xuất dòng đối với các thành viên không giáo sĩ (GL. 691) và sự tách rời vì sa thải (GL. 700) là vĩnh viễn. Việc chuyển dòng (GL. 684) và phép chuẩn rời dòng đối với các giáo sĩ (GL. 691 và 693) trở thành dứt khoát khi đã chu toàn những điều kiện được đặt ra.

VẮNG MẶT KHỎI NHÀ DÒNG

66. Tu sĩ buộc cư ngụ ở nhà, nơi đã được bổ niệm theo luật (xc. GL. 608); để đi vắng, tu sĩ cần có phép của Bề Trên có thẩm quyền.

VẮNG MẶT HỢP PHÁP KHỎI NHÀ DÒNG (GL. 665 § 1)

67. Phép vắng mặt khỏi nhà dòng (hay extra domum) bao hàm sự đình chỉ tạm thời khỏi bổn phận cư ngụ ở nhà dòng của mình và giữ đời sống chung. Khi xin phép vắng nhà, tu sĩ phải viện dẫn lý do cân xứng.

Giáo luật phân biệt hai trường hợp:

  • Sự vắng mặt không vượt quá thời hạn một năm;
  • Sự vắng mặt có thể kéo dài quá thời hạn, và cần đến phép của Bề Trên cao cấp, với sự đồng ý của ban Cố vấn, và một nguyên nhân chính đáng. Bề Trên cao cấp, với sự đồng ý trước đó của ban Cố vấn, được quyền cho phép vắng nhà trên một năm, vì những lý do sức khỏe, học hành hoặc việc tông đồ được thực hiện dưới danh nghĩa của Hội Dòng. Trong những trường hợp như vậy, Bề Trên cần theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Người tu sĩ vắng nhà vẫn là một thành viên của cộng đoàn, bị ràng buộc bởi những lời khấn và bổn phận đã cam kết; vẫn giữ quyền bầu cử và ứng cử, trừ khi được quy định cách khác trong phép vắng nhà; vẫn hoàn toàn tùng phục các Bề Trên hợp pháp của mình và phải trở về nhà dòng nếu được gọi về; phải tường trình với Bề Trên về với số tiền nhận được và tiêu dùng.

Trong văn kiện cho phép vắng nhà, nên xác định rõ ràng:

  • Những liên lạc mà người tu sĩ phải duy trì với Hội Dòng;
  • Việc thi hành các quyền lợi (ứng cử và bầu cử, …);
  • Sự trợ giúp tài chính mà các Bề Trên có thể xét thấy rằng cần phải cấp cho.

Những lơ đễnh trong việc chu toàn các nghĩa vụ đời sống thánh hiến hoặc trong cách ứng xử, tới mức độ đáng gây chú ý, hoặc những tình huống đi vượt quá giới hạn sự cho phép nhận được, là những lý do buộc Bề Trên có thẩm quyền áp dụng những biện pháp sửa trị đối với người tu sĩ.

Việc vắng mặt hợp pháp khỏi nhà dòng được ban cấp với những lý do rõ ràng và trong một khoảng thời gian nhất định. Khi nào những lý do không còn nữa, hoặc thời hạn chấm dứt, thì người tu sĩ phải trở lại cộng đoàn. Trước khi mãn hạn, nếu tu sĩ yêu cầu thì Bề Trên có thể cho phép trở về; đến khi mãn hạn, người tu sĩ phải nhanh chóng trở về cộng đoàn.

Bề Trên cao cấp nên thông báo cho Đức Giám Mục địa phương, ở nơi mà người tu sĩ sẽ cư ngụ trong thời gian vắng mặt khỏi Hội Dòng, nếu cần thì gửi bản sao của đặc ân vắng nhà cùng với những điều khoản trong đó. Nếu là tu sĩ vắng nhà là một giáo sĩ, Đức Giám Mục cần phải được thông báo.

VẮNG NHÀ BẤT HỢP PHÁP (GL 665 § 2)

68. Tu sĩ nào vắng nhà bất hợp pháp với ý định thoát quyền các Bề Trên thì cần phải được mau mắn tìm kiếm và giúp đỡ kiên trì trong ơn gọi của họ.

Nếu nỗ lực của các Bề Trên không mang lại hiệu quả, thì có thể áp dụng những biện pháp kỷ luật, không loại trừ, nếu cần thiết, khả năng sa thải. Trên thực tế, sự vắng nhà bất hợp pháp kéo dài sáu tháng có thể là nguyên nhân sa thải (GL. 696 § 1); nếu nó kéo dài mười hai tháng liên tục, người tu sĩ biệt tăm có thể đương nhiên bị sa thải ipso facto (GL. 694 § 1, 3).[1]

CHUYỂN SANG MỘT HỘI DÒNG KHÁC

69. Việc chuyển sang Hội Dòng khác xảy ra khi một thành viên vĩnh khấn rời khỏi Hội Dòng của mình để gia nhập vào Hội Dòng khác, mà không gây ra sự gián đoạn trong lời khấn. Giáo luật 684 quy định những trường hợp khác nhau của việc chuyển một thành viên đã gia nhập vĩnh viễn từ một Hội Dòng sang Hội Dòng khác:

  • Việc chuyển một thành viên vĩnh khấn sang một Hội Dòng khác (1);
  • Việc chuyển từ một Đan Viện tự trị sang một Đan Viện khác của cùng Hội Dòng hoặc Hiệp Hội hoặc Liên Hiệp Hội (3);
  • Việc chuyển một Dòng tu sang một Tu hội đời hoặc Tu Đoàn tông đồ, hoặc từ những Tu hội và Tu Đoàn sang một Dòng tu (5).

Việc chuyển có thể xảy ra từ một Dòng tu này sang một Dòng tu khác, dù thuộc quyền giáo hoàng hay quyền giáo phận. Trong trường hợp chuyển từ một Dòng tu sang một Tu Đoàn tông đồ hoặc một Tu Hội đời hoặc ngược lại, thì đòi phải có một đặc ân của Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ (GL.684 § 5), và phải làm theo những hướng dẫn trong đó. Việc chuyển Dòng là một ân huệ pro gratia: nó phải được thành viên thỉnh cầu chứ không thể được áp đặt. Đơn thỉnh cầu phải trưng dẫn lý do thích đáng. Sự chấp thuận tùy thuộc vào việc lượng định và quyết định nhiệm ý vị Bề Trên Tổng Quyền của cả Hội Dòng mà người thành viên thuộc về và Hội Dòng mà người ấy muốn chuyển sang, với sự đồng thuận của cả hai ban Cố vấn tương ứng.

Một khi nhận được sự đồng thuận chuyển dòng, thì thành viên sẽ trải qua một thời kỳ thử nghiệm ít nhất là ba năm trong Hội Dòng mới. Việc khởi đầu và thời gian của thời kỳ thử nghiệm phải được vị Bề Trên Tổng Quyền của Hội Dòng mới quyết định; vì này, hoặc luật riêng cũng sẽ quyết định nơi và những hoạt động phải được thực hiện. Trong suốt thời kỳ thử nghiệm, đương sự vẫn được sáp nhập trong Hội Dòng gốc; tình trạng của người ấy được đồng hóa với một thành viên khấn tạm và phải tuân giữ những luật lệ trong Hội Dòng mới. thời kỳ thử nghiệm không mang hình thức của một thời kỳ nhà tập mới.

Nếu người thành viên muốn khấn trọn đời trong Hội Dòng mới, hoặc không được Bề Trên chấp thuận, thì người ấy phải trở về Hội Dòng mà người ấy thuộc về. Mãn thời kỳ thử nghiệm, sau khi đã tuyên khấn trọn đời, thành viên ấy đương nhiên (ipso jure) được sáp nhập vào Hội Dòng mới. Cần phải thông báo cho Hội Dòng gốc về sự chuyển đổi dứt khoát và về sự sáp nhập của thành viên vào trong Hội Dòng mới.

Nếu sự chuyển đổi được thỉnh cầu bởi một thành viên giáo sĩ, được nhập tịch vào một Dòng tu hoặc Tu Đoàn, thì khi kết thúc thời kỳ thử nghiệm thì cùng với sự sáp nhập cũng đương nhiên (ipso iure) xảy ra sự nhập tịch vào Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ mới, nếu có năng quyền.

NGOẠI VI

70. Ngoại vi là sự vắng mặt khỏi đời sống chung của một thành viên vĩnh khấn, tuy vẫn là một thành viên của Hội Dòng, được Bề Trên hợp pháp ban phép cư trú bên ngoài cộng đoàn. Ngoại vi chỉ được cấp ban vì những lý do nghiêm trọng:

  • Cho tới một thời gian không quá ba năm, dù không liên tục, Bề Trên Tổng Quyền là người có thẩm quyền, với sự đồng ý của ban Cố vấn (GL. 686 1);
  • Nếu thời gian quá ba năm, đối với các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo hoàng thì thẩm quyền được dành cho Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ (GL. 686 1); đối với các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ thuộci quyền giáo phận thì thẩm quyền được dành cho Đức Giám Mục giáo phận của nhà dòng mà thành viên được bổ nhiệm;
  • Nó có thể bị áp đặt, theo yêu cầu của Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng thuận của ban Cố vấn, bởi Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ đối với một thành viên của một Dòng dưới quyền giáo hoàng, hoặc bởi Đức Giám Mục của nhà dòng mà thành viên được bổ nhiệm đối với một thành viên của một Dòng dưới quyền giáo phận (GL.686 3).

Đối với những nữ đan sĩ, đặc ân ngoại vi có thể được cấp theo thủ tục được dự trù trong Huấn Thị Cor Orans, sửa đối điều GL.686 § 2:

  • Do Bề Trên cao cấp, với sự đồng thuận của ban Cố vấn, cho một thời gian không quá một năm (Cor Orans, 117);
  • Do vị Chủ Tịch liên hiệp, với sự đồng thuận của ban Cố vấn, cho một nữ đan sĩ đã khấn trọng thể thuộc một đan viện của Hiệp Hội cho một thời gian không quá hai năm (Cor Orans, 130-131; 178-179).

Mọi việc gia hạn đặc ân ngoại vi được dành riêng cho Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ (Cor Orans,180).

NGOẠI VI DO THÀNH VIÊN THỈNH CẦU (GL. 686 § 1)

71. Việc sống ngoại viện có thể được thỉnh cầu bởi thành viên đã sáp nhập vĩnh viễn vì lý do nghiêm trọng, do đương sự tự nguyện bày tỏ trong một đơn xin, và có thể được ban cấp cho một thời gian không quá ba năm.

Việc gia hạn đặc ân ngoại vi trên ba năm thì thuộc thẩm quyền Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ đối với những thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền Giáo hoàng, hoặc Đức Giám Mục giáo phận của nhà mà thành viên được bổ nhiệm, đối với những thành viên của các Hội Dòng và Tu Đoàn thuộc quyền giáo phận.

Luật riêng hoặc thực hành của Hội Dòng sẽ ấn định thời hạn ba năm có được hiểu theo nghĩa liên tục hay không. Bộ cấp cho Bề Trên Tổng Quyền khả năng ban đặc ân thêm ba năm nữa nếu đã ít nhất ba năm đã trôi qua từ lúc hết hạn của phép chuẩn trước đây.

Nếu ngoại vi được thỉnh cầu bởi một giáo sĩ, thì cần có sự đồng ý trước đó của Đức Giám Mục giáo phận tại nơi mà giáo sĩ sẽ cư ngụ.

Những nghĩa vụ và quyền lợi phát sinh từ ngoại vi

72. Với việc được phép sống ngoại vi, thành viên không mất hết các nghĩa vụ và quyền lợi mà việc thuộc về Dòng tu hoặc Tu Đoàn tông đồ mang lại.

Điều kiện pháp lý của thành viên ngoại vi được vạch rõ ở điều GL.687: – Vẫn là một thành viên của Hội Dòng hoặc Tu Đoàn, vẫn tùy thuộc các Bề Trên hợp pháp, và – nếu là giáo sĩ – phải lệ thuộc Bản quyền địa phương;

  • Mất quyền bầu cử và ứng cử;
  • Buộc tuân giữ luật riêng của Hội Dòng trong tất cả những gì không xung khắc với hoàn cảnh sinh sống mới.

Đối với thành viên ngoại vi, các Bề Trên cần cảm thấy trách nhiệm đảm bảo một sự đồng hành ân cần, và nếu cần thiết, một sự trợ cấp tài chính tương xứng. Nếu có thể được, thành viên sống ngoại vi cam kết lo liệu các nhu cầu cá nhân. Nếu luật riêng không đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, Bề Trên Tổng Quyền hãy liệu xác định rõ bằng văn bản những điều khoản cụ thể.

Bề Trên có thẩm quyền hãy thông báo cho Đức Giám Mục khi một thành viên không giáo sĩ sống ngoại vi đang cư ngụ trong giáo phận của ngài.

Bề Trên cao cấp, vẫn chịu trách nhiệm đối với thành viên sống ngoại vi, có thể ra những quy định cho người ấy, miễn là không xung khắc với hoàn cảnh của đương sự. Bề Trên cao cấp có thể áp dụng những biện pháp kỷ luật và chế tài, tương tự như Giám Mục giáo phận, trong phạm vi thẩm quyền của mình; và nếu cần thiết, có thể sa thải thành viên khỏi Hội Dòng theo như quy tắc GL. 700. Bề Trên cao cấp và Giám Mục giáo phận đều chăm sóc những thành viên sống ngoại vi và giữ liên lạc thường xuyên với nhau.

NGOẠI VI DO ÁP ĐẶT (GL 686 § 3)

73. Theo thỉnh cầu của Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng thuận của ban Cố vấn, phép ngoại vi có thể bị áp đặt bởi Tòa Thánh đối với các thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo hoàng, hoặc bởi Đức Giám Mục giáo phận đối với các thành viên của Hội Dòng dưới quyền giáo phận. Để yêu cầu điều này, Bề Trên cũng như ban Cố vấn phải cân nhắc có những lý do nghiêm trọng hay không, và tuân theo những yêu cầu về công bằng và bác ái.

Đây là biện pháp kỷ luật được đặt ra trong những trường hợp đặt biệt, nhằm bảo vệ thiện ích của cộng đoàn hoặc của chính thành viên, khi những khó khăn đặc biệt làm ngăn cản đời sống huynh đệ, cản trở việc thi hành sứ vụ chung của Hội Dòng, và liên tục tạo ra những khó khăn trong công việc tông đồ.

Biện pháp này được đề ra cho một khoản thời gian cụ thể – 3 hoặc 5 năm – và có thể kéo dài khi hết hạn. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, nó được đề ra ad nutum Sanctae Sedis (tùy ý Tòa Thánh), đối với những thành viên của một Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo hoàng; ad nutum Episcopi (tùy ý Giám mục) đối với những thành viên của một Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo phận. Những điều kiện, những quy định nếu có và thời gian sẽ được xác định trong sắc lệnh ngoại vi được ban hành bởi Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ đối với những thành viên của các Hội Dòng hoặc các Tu Đoàn thuộc quyền giáo hoàng, hoặc bởi Đức Giám Mục giáo phận đối với những thành viên của Hội Dòng thuộc quyền giáo phận. Thành viên phải được thông báo về ý định yêu cầu áp đặt ngoại vi của Bề Trên Tổng Quyền, các lý do và bằng chứng tố cáo thành viên ấy, cũng như quyền biện hộ (GL. 50).

Những hâu quả pháp lý của ngoại vi áp đặt thì cũng tương tự như ngoại viện đơn thường (xem số 72 trên đây).

Trong thực hành, đối với các giáo sĩ, nếu xét thấy thích đáng, thì nên yêu cầu Giám mục tuyên bố chấp nhận trong Giáo Phận- thông thường bằng văn bản – tại nơi mà thành viên sẽ cư trú. Bề Trên cao cấp cũng như Giám mục đều có bổn phận theo dõi tình hình cá nhân và mục vụ của thành viên sống ngoại vi.

ĐẶC ÂN XUẤT DÒNG

74. Giáo Luật các số 688-693 liệt kê những dạng thức khác nhau có thể rời bỏ Hội Dòng cách vĩnh viễn:

  • Việc tự ý rời bỏ Hội Dòng của một thành viên khấn tạm, khi hết hạn lời khấn (GL. 688 1) hoặc trong thời gian khấn tạm (GL. 688 § 2);
  • Việc rời bỏ Hội Dòng của một thành viên khấn tạm do ý muốn của Hội Dòng (GL. 689);
  • Việc rời bỏ Hội Dòng trong thời gian vĩnh khấn (GL. 691);
  • Việc rời bỏ Hội Dòng của một thành viên giáo sĩ (GL. 693).

Việc xuất Dòng luôn luôn bao hàm sự mất tư cách thành viên và do đó cũng mất những nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

ĐẶC ÂN RỜI BỎ HỘI DÒNG CỦA THÀNH VIÊN KHẤN TẠM (GL. 688 § 1-2)

75. Thành viên khấn tạm khi đã mãn hạn khấn, có thể tự do rời khỏi Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ (GL. 688 1).

Vì một lý do nghiêm trọng, một thành viên khấn tạm có thể rời khỏi Hội Dòng hoặc Tu Đoàn ngay cả trong thời gian mà thành viên vẫn còn bị ràng buộc bởi lời khấn. Trong trường hợp này, đương sự phải đệ trình thỉnh cầu lên vị Bề Trên Tổng Quyền, là người sẽ ban cấp đặc ân, với sự đồng thuận trước đó của ban Cố vấn. Đặc ân rời bỏ Hội Dòng đối với thành viên khấn tạm trong một Hội Dòng thuộc quyền giáo phận hoặc đối với một thành viên của một Đan Viện, thuộc dạng GL. 615, để được hữu hiệu cần được ban cấp bởi Giám Mục của nhà dòng mà thành viên được bổ nhiệm.

ĐẶC ÂN RỜI BỎ HỘI DÒNG ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN KHẤN TẠM DO Ý MUỐN CỦA HỘI DÒNG (GL. 689)

76. Thành viên được sáp nhập tạm thời vào Hội Dòng hoặc vào Tu Đoàn, nếu có lý do chính đáng, có thể bị khai trừ bởi Bề Trên cao cấp, sau khi đã tham khảo ý kiến của ban Cố vấn, không được lặp lại lời khấn hoặc không được khấn vĩnh viễn (GL.689 1).

Giáo Luật cũng dự trù như một lý do để khai trừ không cho khấn lại là bệnh tật thể chất hoặc tâm lý, mắc phải sau khi khấn, khiến cho thành viên không thích hợp với đời sống trong Hội Dòng (GL. 689 § 2). Để đảm bảo quyền lợi của người thành viên, phán quyết về tình trạng ứng viên không thích hợp vì bệnh tật yếu đuối thì được trao cho các chuyên gia; phán quyết về tình trạng thích hợp với đời sống trong Hội Dòng thì được trao phó cho các Bề Trên.

Trong trường hợp bệnh tật gây ra do sự lơ đễnh của các Bề Trên, vì đã không đảm bảo những sự giúp đỡ và sự điều trị cần thiết, hoặc khi bệnh tật yếu đuối mắc phải vì lý do thực hiện công tác trong Hội Dòng hoặc Tu Đoàn, thì thành viên ấy phải được chấp nhận cho khấn lại hoặc khấn vĩnh viễn.

Khoản 3 của Giáo Luật dự trù rằng một thành viên trở nên điên cuồng mất trí sau khi khấn tạm thì vẫn có quyền ở lại trong Hội Dòng, ngay cả khi người ấy không có khả năng khấn lại. Hội Dòng phải mang lấy trách nhiệm này.

VIỆC NHẬN LẠI MỘT THÀNH VIÊN RỜI BỎ HỘI DÒNG CÁCH HỢP PHÁP (GL. 690)

77. Giáo Luật 690 cho phép Bề Trên Tổng Quyền, với sự đồng ý trước đó của ban Cố vấn, được nhận lại vào Hội Dòng, mà không buộc phải lặp lại khóa tập, một thành viên, sau khi khấn tạm hoặc khấn vĩnh viễn, đã rời bỏ Hội Dòng cách hợp pháp. Quy tắc này không áp dụng cho các thành viên bị sa thải, vì sa thải là một hình thức khác với việc rời bỏ Hội Dòng.

Việc nhận lại mà không cần phải lặp lại khóa tập giả thiết rằng cần có một giai đoạn thử nghiệm thích hợp trước khi khấn tạm; thời gian và thể thức của giai đoạn đó sẽ do Bề Trên Tổng Quyền quyết định.

ĐẶC ÂN RỜI BỎ HỘI DÒNG CỦA MỘT THÀNH VIÊN ĐÃ KHẤN VĨNH VIÊN (GL. 691- 692)

78. Một thành viên đã sáp nhập vĩnh viễn vào Hội Dòng hoặc Tu Đoàn có thể đặc ân xuất Dòng. Điều này phải được viện dẫn bởi những lý do rất nghiêm trọng (causas gravissimas) đã được cân nhắc trước mặt Thiên Chúa. Một quyết định triệt để như thế đòi hỏi phải suy gẫm một cách nghiêm túc:

  • Bởi thành viên – là người đã cam kết sống ơn gọi trong trung tín và kiên trì, với sự giúp đỡ và Cố vấn của những người khôn ngoan và từng trải;
  • Bởi các Bề Trên cao cấp, là những người phải tiến hành thủ tục về việc ban cấp đặc ân xuất Dòng;
  • Bởi quyền bính có thẩm quyền ban cấp đặc ân.

Những người có thẩm quyền ban cấp đặc ân xuất Dòng gồm có: Tòa Thánh đối với những Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo hoàng và các Đan Viện; Đức Giám Mục giáo phận của nhà dòng mà thành viên được bổ nhiệm, đối với các Hội Dòng thánh hiến và Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo phận (GL. 691 § 2).

Thành viên đệ trình thỉnh cầu đặc ân xuất Dòng lên Bề Trên Tổng Quyền, là người sẽ chuyển nó đến cho quyền bính có thẩm quyền cùng với ý kiến của mình và của ban Cố vấn (GL. 691). Các Bề Trên cao cấp của một Tỉnh Dòng hoặc một phần tương đương của Hội Dòng (xc. GL. 620), đặc biệt trong các Hội Dòng quốc tế, cùng bày tỏ ý kiến của mình có viện dẫn lý do về việc ban cấp đặc ân xuất Dòng, lên Bề Trên Tổng Quyền. Trên thực tế, sự hiểu biết trực tiếp về đương sự có thể góp phần hữu hiệu vào việc làm sáng tỏ những tình huống và khó khăn thực sự dẫn thành viên đến việc xin đặc ân.

Trước hết, Bề Trên có thẩm quyền lượng định về căn cứ vững chắc và nghiêm trọng của những lý do mà thành viên ấy đưa ra, vì thiện ích của đương sự, của Hội Dòng và của Giáo Hội. Bề Trên Tổng Quyền, cùng với ban Cố vấn, được yêu cầu bày tỏ ý kiến liên quan đến lời thỉnh cầu, và phải chuyển lên cho quyền bính có thẩm quyền, cho dù ý kiến có thể trái ngược với việc cấp đặc ân.

Đặc ân xuất dòng phải được thông tri cho thành viên thỉnh cầu bởi các vị Bề Trên hoặc trực tiếp bởi Bộ. Việc thông tri hệ tại cho đương sự biết đặc ân được ban cấp, được soạn thảo thành văn bản hoặc được truyền đạt bằng lời trước các nhân chứng, để nó có thể được chứng minh. Vào lúc thông tri, thành viên có quyền khước từ đặc ân (GL. 692), trong trường hợp đó thì đặc ân không có hiệu lực.

Một khi được thông tri cách hợp pháp, đặc ân xuất Dòng, chiếu theo luật, bao hàm việc giải trừ tất cả mọi hiệu lực của việc tuyên khấn: các lời khấn, các nghĩa vụ và quyền lợi trong Hội Dòng.

ĐẶC ÂN RỜI BỎ HỘI DÒNG CỦA MỘT THÀNH VIÊN GIÁO SĨ (GL. 693)

79. Giáo Luật 693 ấn định rằng đặc ân xuất Dòng sẽ không được ban cấp cho một thành viên giáo sĩ bao lâu đương sự chưa tìm được một Giám Mục cho nhập tịch vào giáo phận, hoặc ít nhất tiếp nhận để thử nghiệm.

Để tránh hiện tượng giáo sĩ lang thang hoặc không đầu, thành viên giáo sĩ dòng phải tìm một Giám Mục sẵn sàng cho nhập tịch vào giáo phận của ngài, theo phương thức hoàn toàn và đơn thuần (pure et simpliciter), hoặc tiếp nhận để thử nghiệm (ad experimentum).

Việc nhập tịch được coi là hoàn toàn và đơn thuần khi Giám Mục sẵn sàng cho giáo sĩ nhập tịch vào giáo phận của ngài. Trong trường hợp này, thành viên giáo sĩ và muốn rời khỏi Hội Dòng sẽ đệ trình thỉnh cầu lên cho Bề Trên Tổng Quyền, và vị này chuyển nó lên cho quyền bính có thẩm quyền, kèm theo ý kiến của mình và của ban Cố vấn, cùng với tuyên bố bằng văn bản của Đức Giám Mục sẵn sàng cho nhập tịch vào giáo phận của ngài. Nếu quyền bính có thẩm quyền, chiếu theo GL. 691, ban cấp đặc ân, thì giáo sĩ đương nhiên (ipso iure) được nhập tịch vào giáo phận. Việc nhập tịch được hoàn tất khi Đức Giám Mục đã nhận được, ít là bản sao, đặc ân xuất Dòng và đã ban hành sắc lệnh liên quan.

Việc nhập tịch để thử nghiệm xảy ra khi Đức Giám Mục sẵn sàng tiếp nhận giáo sĩ vào giáo phận trong một thời gian thử nghiệm. Trong trường hợp này, quyền bính có thẩm quyền, chiếu theo GL. 691, sau khi đã nhận được hồ sơ cần thiết, ban cấp đặc ân ngoại vi cho giáo sĩ, đặt họ tùy thuộc Đức Giám Mục trong thời gian thử nghiệm. Điều này có thể kéo dài tối đa là năm năm: khi thời gian thử nghiệm đã hết hạn, người giáo sĩ dòng có thể được Đức Giám Mục trả về Hội Dòng gốc của mình, hoặc đương nhiên được nhập tịch vào trong giáo phận. Đặc ân ngoại vi nhắm nhằm lượng định khả năng nhập tịch. Thời gian thử nghiệm có thể bị gián đoạn, thậm chí đơn phương, bởi Đức Giám Mục hoặc bởi giáo sĩ dòng, vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, giáo sĩ dòng sẽ trở về Hội Dòng gốc của mình.

Việc tiếp nhận vào giáo phận để nhập tịch hoặc với thời gian thử nghiệm đều được quyết định bằng một sắc lệnh được Đức Giám Mục ban hành khi ngài nhận được một bản sao của đặc ân được thông tri cho đương sự. Nếu Đức Giám Mục ban hành sắc lệnh nhập tịch trước khi có thông tri đặc ân xuất Dòng, thì hành vi sẽ vô hiệu. Trong trường hợp này, Đức Giám Mục cần phải ban hành một sắc lệnh mới, sau sự ban cấp đặc ân từ phía quyền bính có thẩm quyền. Gần đây, một thực hành đã được đưa vào, đó là việc lồng vào trong văn bản đặc ân một điều khoản yêu cầu Đức Giám Mục chuyển cho Bộ một bản sao sắc lệnh nhập tịch hoặc hoặc tiếp nhận thử nghiệm. Bao lâu sắc lệnh nhập tịch chưa được ban hành, thì người thành viên giáo sĩ, về mặt pháp lý vẫn là thành viên của Hội Dòng, trừ khi luật riêng quy định cách khác liên quan đến những bổn phận và quyền lợi mà tư cách thành viên bao hàm.

Giả như Giám Mục, sau khi nhận được đặc ân xuất Dòng, mà không ban hành sắc lệnh nhập tịch, thì đặc ân không có hiệu lực và thành viên giáo sĩ vẫn là một phần tử của Hội Dòng.

Bộ cũng du nhập thực hành xác định trong đặc ân xuất Dòng một giới hạn thời gian mà Giám Mục phải ban hành sắc lệnh nhập tịch.

Nếu Giám Mục rút lại tuyên bố nhập tịch hoặc tiếp nhận giáo sĩ, và người này vẫn muốn rời khỏi Hội Dòng, thì thủ tục phải được bắt đầu lại để xin ban cấp một đặc ân mới. Thực vậy, đặc ân đã được ban cấp để được nhập tịch hoặc tiếp nhận để thử nghiệm ad experimentum trong một giáo phận nhất định.

Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc ban cấp đặc ân xuất Dòng trong khi đang tiến hành biện pháp kỷ luật và đang chờ đợi thủ tục sa thải hoặc thủ tục kháng cáo.

SA THẢI KHỎI HỘI DÒNG

80. Việc sa thải cốt ở sự rời bỏ vĩnh viễn của một thành viên khỏi Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ. Nó được áp đặt bởi Hội Dòng hoặc Tu Đoàn ngược với ý muốn của thành viên, và hàm ý những vi phạm nghiêm trọng đối với những nghĩa vụ của hàng ngũ đời thánh hiến và đòi hỏi một thủ tục khắt khe.

Giáo Luật quy định bốn dạng thức khác nhau:

  • Việc sa thải ipso facto (đương nhiên), xảy ra do sự kiện phạm một trọng tội (GL. 694);
  • Việc sa thải bắt buộc bằng sắc lệnh (GL. 695);
  • Sự sa thải nhiệm ý tùy vào sự cân nhắc của Hội Dòng (GL. 696);
  • Việc sa thải tiếp theo một trục xuất ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp đặc biệt (GL. 703).

SA THẢI IPSO FACTO (GL. 694)

81. Sự sa thải ipso facto (GL. 694) xảy ra do việc vi phạm một điều đã quy định trong Giáo Luật. Trong những trường hợp như vậy, thành viên không còn là thành viên của Hội Dòng hoặc Tu Đoàn nữa; sự can thiệp của Bề Trên Nhà chỉ giới hạn vào việc tuyên bố sự việc.

Có ba trường hợp sa thải ipso facto:

  • Sự rời bỏ đức tin Công Giáo cách tỏ tường;
  • Đã kết hôn thành sự hoặc mưu toan kết hôn, dù chỉ là về dân sự;
  • Vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng kéo dài mười hai tháng liên tục, nếu tu sĩ biệt tăm tích.[2]

Rời bỏ đức tin Công Giáo cách tỏ tường (GL. 694 § 1,)

82. Thành viên rời bỏ đức tin Công Giáo cách tỏ tường là đánh mất điều kiện thứ nhất để được nhận vào đời sống thánh hiến. Thực tế, nếu không có đức tin Công Giáo thì ứng viên đã không thể được thu nhận vào bất cứ Hội Dòng hoặc Tu Đoàn nào.

Việc rời bỏ đức tin Công Giáo xảy ra khi người nào khước từ chấp nhận những chân lý thuộc đức tin thần linh và công Giáo, chiếu theo điều GL.750. Vì thế, bị coi là thiếu đức tin công Giáo, dựa theo quy định của điều GL.751: người lạc giáo, là người cố chấp phủ nhận hay nghi ngờ một chân lý thần linh và công giáo; người bội giáo, là người chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo đã được lãnh nhận trong bí tích rửa tội; người ly giáo, là người chính thức từ chối quy phục Đức Giáo Hoàng Roma hoặc từ chối thông hiệp với Phẩm Trật của Hội Thánh.

Việc rời bỏ đức tin Công Giáo được xem là tỏ tường khi sự kiện được phổ biến đến nỗi nó trở thành công khai, do những phương tiện được sử dụng (báo chí, web, công khai tuyên bố), hoặc việc quảng bá sự kiện.

Việc rời bỏ đức tin Công Giáo cũng có thể mang hình thức của một hành vi chính thức ra khỏi Hội thánh (actus formalis defectionis ab Ecclesia) cụ thể bằng: a) quyết định nội tâm ra khỏi Hội Thánh Công Giáo; b) việc thi hành và biểu lộ ra bên ngoài quyết định đó; c) sự chấp nhận về quyết định đó về phía nhà chức trách có thẩm quyền của giáo hội.[3]

Kết hôn thành sự hoặc mưu toan kết hôn, dù chỉ là về dân sự (GL. 694 § 1, 20)

8. Trường hợp thứ hai của việc sa thải ipso facto là kết hôn thành sự hoặc mưu toan kết hôn. Trên thực tế, thành viên đã tuyên khấn khiết tịnh, thì bao hàm việc cam kết sống đời sống độc thân và do đó cấm không được kết hôn.

Một thành viên kết hôn thì bị sa thải khỏi Hội Dòng, cho dù không không có ngăn trở theo giáo luật, như trong trường hợp của thành viên khấn tạm. Việc kết hôn, do ngăn trở được nhắc đến trong các điều GL. 1087-1088, được gọi là mưu toan, nghĩa là vô hiệu, đối với các giáo sĩ và tu sĩ bị ràng buộc bởi lời khấn công giữ khiết tịnh suốt đời trong một Dòng tu.

Vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng kéo dài hơn một năm (GL. 694 § 1, 3°)[4]

84. Tự sắc Communis vita của Đức Thánh Cha Phanxicô đã thêm một lý do thứ ba cho việc sa thải ipso facto khỏi Dòng tu trong đoạn 1 của GL. 694: sự vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng kéo dài, theo nghĩa của điều GL. 665 2, kéo dài mười hai tháng liên tục, cùng với sự biệt tích của người thành viên. Sự sửa đổi này đưa ra một cơ hội để tìm ra một giải pháp cho những trướng hợp vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng, đặc biệt quy chiếu đến những người “đôi khi không thể xác định được vị trí” hoặc những người tự ý khiến cho mình không thể tìm thấy được.

Một người được coi là có thể tìm thấy khi biết được địa chỉ cư ngụ hoặc ít là cư sở; cũng giống như người đã thông báo địa chỉ/nơi cư trú của mình. Một người được xem là không thể tìm thấy được nếu người ta chỉ biết được: một số điện thoại; một địa chỉ email; một tiểu sử sơ lược trên mạng; một địa chỉ hư cấu.[5]

Thủ tục tuyên bố sa thải ipso facto

85. Người thành viên có trách nhiệm về những hành vi được nói đến ở điều GL.694 1,1°-2°thì bị sa thải ipso facto. Để cho việc sa thải được minh bạch về pháp luật, Bề Trên cao cấp, cùng với ban Cố vấn, phải:

– Nhanh chóng thu thập bằng chứng về những sự việc đã xảy ra và lắng nghe đương sự;

– Đưa ra lời tuyên bố về việc sa thải, sau khi đã đạt được sự chắc chắn luân lý về sự kiện.

Trong những trường hợp sa thải ipso facto, cùng với sắc lệnh sa thải, cũng phải đưa ra tuyên bố vạ latae sententiae huyền chức đối với những thành viên giáo sĩ và vạ cấm chế đối với những thành viên không phải là giáo sĩ cũng phải được tuyên bố. Ngoài ra, cũng phải tuyên bố sự bất hợp luật để hành chức đối với các tu sĩ giáo sĩ (GL. 1044 § 1,3° và GL. 1041, 3°), và bất hợp luật đối với việc lãnh chức thánh đối với những tu sĩ không phải là giáo sĩ (GL.1041, 3°).

Nếu một thành viên bị sa thải ipso facto được chấp nhận và nhập tịch vào một giáo phận, thì cần thiết phải giải vạ huyền chức và được Bộ Giáo sĩ miễn chuẩn khỏi sự bất hợp luật.

Một thành viên không phải là giáo sĩ, bị mắc vạ cấm chế latae sententiae, do mưu toan kết hôn, dù chỉ là dân sự, nếu muốn cử hành hôn lễ đạo, thì trước hết phải thỉnh cầu và đạt được sự chuẩn miễn vạ, nếu không thì việc kết hôn, mặc dù hữu hiệu nhưng là bất hợp pháp.

Để hợp tình hợp lý, nên gửi một bản sao về tuyên bố sa thải cho đương sự.

Thủ tục tuyên bố vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng kéo dài hơn một năm

86. Trong tự sắc Communis vita, Đức Thánh Cha quy định rõ, bằng việc thêm vào khoản 3 của điều GL.694, thủ tục phải được tuân theo trong những trường hợp phải áp dụng hình thái vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng trong khoảng thời gian kéo dài hơn một năm.

Bề Trên cao cấp có bổn phận đi tìm thành viên vắng mặt bất hợp pháp và biệt tích, và như vậy biểu lộ sự quan tâm dành cho người tu sĩ, để họ có thể trở về và kiên trì trong ơn gọi của mình (xc. GL. 665 § 2).

Nếu việc tìm kiếm không đưa lại kết quả, kể cả sau khi lặp lại nhiều lần, hoặc đành phải ghi nhận sự kiện là thành viên ấy cố tình không để mình được tìm gặp, thì cần thiết phải “đưa ra sự chắc chắn pháp lý về sự kiện”.

Để được như vậy, Bê trên có thẩm quyền:

  • Được yêu cầu cung cấp bằng chứng chắc chắn, qua tài liệu có thể kiểm tra được, về việc tìm kiếm đã được thực hiện, và về những cố gắng liên lạc hoặc giao tiếp với người thành viên;
  • Đứng trước kết quả tiêu cực về việc tìm kiếm, Bề Trên tiến tới việc tuyên bố rằng người thành viên ấy không thể tìm được Vị Bề Trên có thẩm quyền sẽ lượng định vụ việc cùng với ban Cố vấn, và ban hành một thông cáo về việc không thể tìm được. Thông báo này cần thiết để đảm bảo sự chắc chắn trong việc tính toán thời gian:
  • Ngày khởi hạn (a quo), kể từ lúc ghi nhận việc không thể tìm được, điều này phải xác định, nếu không thì giai đoạn mười hai tháng liên tục trở nên mập mờ (xc. GL. 203 1);
  • Sự mãn hạn để xác định thời kỳ mười hai tháng liên tục đã trôi qua.

Sau mười hai tháng liên tục, trong suốt thời gian này không có gì thay đổi tình trạng không thể tìm được thành viên vắng mặt bất hợp pháp, thì Bề Trên có thẩm quyền tiến hành việc tuyên bố sự kiện, để sự sa thải có giá trị pháp lý, chiếu theo điều GL. 694. Việc tuyên bố này cần được sự xác nhận của Tòa Thánh nếu người thành viên ấy thuộc về Hội Dòng thuộc quyền giáo hoàng, hoặc bởi Đức Giám Mục của trụ sở trung ương nếu Hội Dòng thuộc quyền giáo phận.

Quy định mới (GL. 694 § 1, 3°) không được áp dụng cho những trường hợp trước ngày 10-4-2019, nói cách khác, nó không thể được nói là có hiệu lực hồi tố, vì giả đúng như vậy thì nhà lập pháp đã phải tuyên bố rõ ràng (xc. GL. 9).

Tự sắc Communis Vita kéo theo việc sửa đổi GL.729, chi phối đời sống của các tu hội đời, bởi vì sa thải khỏi tu hội vì vắng mặt bất hợp pháp không được áp dụng cho những thành viên của những tu hội như vậy.

SA THẢI BẮT BUỘC (GL. 695 § 1)

87. Sự sa thải bắt buộc xảy ra khi phạm những trọng tội được dự liệu ở điều GL.695, quy chiếu các điều GL.1397,1398, 1395:

  • Giết người, bắt cóc, giam giữ, hủy hoại thân thể, đả thương trầm trọng (GL. 1397);
  • Thi hành việc phá thai có hiệu quả (GL. 1398);
  • Tư hôn và thường xuyên ở trong một tội trái nghịch điều rằng thứ sáu gây ra tai tiếng (GL. 1397).

Những dạng thức được nói ở điều GL. 1395 chỉ là trọng tội nếu bị phạm bởi các giáo sĩ dòng hoặc triều.

Tội giết người, bắt cóc và giam giữ, hủy hoại thân thể, đả thương trầm trọng một người (GL 1397)

88. Giáo Luật điều 1397 quy định rõ một vài trọng tội tự ý, phạm đến sự sống và tự do của con người. Đối với những tội này, sẽ áp dụng những hình phạt thục tội được dự liệu ở điều GL.1336, tương xứng với mức độ trầm trọng của tội phạm.

Nếu phạm tội ám sát Đức Giáo Hoàng hoặc một Đức Giám Mục đã được tấn phong hoặc một giáo sĩ hoặc một tu sĩ, thì hình phạt được ấn định ở điều GL.1370:

  • Đối với tội ám sát Đức Giáo Hoàng: vạ tuyệt thông tiền kết, với việc thêm vào những hình phạt khác, cũng không loại trừ việc bị sa thải khỏi hàng ngũ giáo sĩ, nếu người phạm tội là một giáo sĩ;
  • Đối với tội ám sát một Đức Giám Mục đã được tấn phong: vạ cấm chế tiền kết, và nếu người ấy là giáo sĩ, thì còn bị vạ huyền chức tiền kết;
  • Đối với tội ám sát một giáo sĩ hay một tu sĩ: một hình phạt thích đáng, hậu kết.

Tội phá thai (GL. 1398)

89. Phá thai là một trọng tội đối với mọi người tín hữu, giáo sĩ, tu sĩ hay không tu sĩ, được thánh hiến hay không. Điều Giáo Luật 1398 xem xét sự tự nguyện làm gián đoạn sự thụ thai như là một trọng tội, dù là bằng cách tống khứ bào thai non nớt hoặc giết bào thai bằng bất cứ cách nào và vào bất cứ thời điểm nào của sự thụ thai.[6]

Việc phá thai bị phạt vạ tuyệt thông tiền kết, gồm cả người phụ nữ tự nguyện phá thai và tất cả những ai cộng tác trực tiếp và có hiệu quả về thể lý hoặc tâm lý.[7]

Tội tư hôn hoặc tội khác bên ngoài trái nghịch điều răn thứ sáu (GL.1395 § 1)

90. Khoản 1 của đièu GL. 1395 xem xét trường hợp của một giáo sĩ trong tình trạng tư hôn, hoặc thường xuyên ở trong một tội bề ngoài trái nghịch điều răn thứ sáu và gây gương xấu.

Tư hôn có nghĩa là quan hệ vợ chồng, với đặc điểm với một sự ổn định nào đó, cho dù không sống chung với nhau dưới một mái nhà.

Tội khác trái nghịch điều răn thứ sáu, khác với tư hôn, liên quan đến trường hợp của một giáo sĩ tiếp tục trong một tình trạng tội lỗi bên ngoài nào đó, mà nó gây ra tai tiếng.

Hình phạt được thiết lập cho những trường hợp này là vạ huyền chức tiền kết; những hình phạt khác có thể được thêm vào, không loại trừ việc bị sa thải khỏi hàng giáo sĩ, nếu giáo sĩ, sau khi đã bị cảnh cáo vẫn tiếp tục ngoan cố trong tội phạm.

Giáo sĩ sống trong tình trạng tư hôn hoặc tiếp tục trong một tội bên ngoài nào trái nghịch điều răn thứ sáu thì không thể củ hành Bí Tích Thánh Thể cách hợp pháp được (GL. 900 § 2), và cũng không thể lãnh Mình Thánh Chúa (GL. 915).

Những tội khác trái nghịch điều răn thứ sáu (GL. 1395 § 2)

91. Khoản 2 của GL. 1395 xem xét những tội phạm khác trái nghịch điều răn thứ sáu:

  • Bằng vũ lực, khi tước mất tự do của một người;
  • Hoặc bằng việc hăm dọa; khi gây ra sự sợ hãi;
  • Cách công khai;
  • Hoặc với một trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi, nếu là tu sĩ;
  • Hoặc với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, nếu là tu sĩ giáo sĩ.[8] Đối với những tội như vậy, Giáo Luật quy định bổn phận của vị Bề Trên là phải xem xét trường hợp tội phạm, lượng định nó và đưa ra quyết định nhiệm ý về sự cần thiết phải tiến hành sa thải hay không.

Trong trường hợp lạm dụng tình dục với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, được coi như ngang bằng với những người thường xuyên khả năng sử dụng lý trí cách bất toàn,[9] [10] nếu bị cáo là một giáo sĩ, thì thẩm quyền xét xử duy nhất thuộc về Tòa Án Tối Cao của Bộ Giáo Lý Đức Tin, dựa theo Tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela.15 Giống như những trọng tội khác được bao hàm trong đó, thời hiệu hai mươi năm, chỉ duy trong trường hợp lạm dụng tình dục với một trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, thời hiệu bắt đầu tính từ khi nạn nhân tròn 18 tuổi.

Khi bị cáo là một thành viên không phải giáo sĩ, thì thẩm quyền xét xử thuộc về Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các

Tu Đoàn Tông Đồ.

Trong những trường hợp được đề cập trong khoản 2 của điều GL.1395, Bề Trên buộc phải tiến hành việc sa thải, trừ khi ngài cho rằng nên áp dụng biện pháp để sửa bảo thành viên, phục hồi công lý và sửa chữa gương mù (GL. 695 § 1). Trong tất cả những trường hợp trên, nghĩa vụ thuộc về Bề Trên cao cấp phải tiến hành tiến trình sa thải, tuân theo thủ tục đã được quy định trong Giáo Luật (GL. 695 § 2).

Thủ tục sa thải bắt buộc (GL. 695 § 2)

92. Thẩm quyền tiến hành thủ tục trong những trường hợp bắt buộc sa thải là nằm Bề Trên cao cấp (GL. 620), với sự trợ giúp của công chứng viên. Hành động kỷ luật không bị lệ thuộc vào thời hiệu như trong hành động hình luật (GL.1362). Do đó, mặc dầu khi tội phạm đã mãn thời hiệu, hành động kỷ luật vẫn phải luôn luôn tiến hành, chiếu theo điều GL. 695 1. Vào lúc nhận được một tố giác hay một thông tin về những hành vi có vẻ là tội phạm tội, thì Bề Trên có thẩm quyền:

  • Thu thập các bằng chứng về các sự kiện và về việc quy trách nhiệm;
  • Nếu đã đạt được sự chắc chắn luân lý về sự thật của các sự kiện và việc quy trách nhiệm do gian tình hoặc do lỗi, thì Bề Trên sẽ thông báo cho thành viên sẽ bị sa thải về lời buộc tội và các bằng chứng, và cho đương sự khả năng tự bào chữa;
  • Chuyển tất cả các hồ sơ lên Bề Trên Tổng Quyền.

Bề Trên cao cấp có thể sử dụng thủ tục được dự vạch ra cho việc điều tra sơ bộ nói ở các điều GL.1717-1719.

Bề Trên Tổng Quyền, cùng với ban Cố vấn, sẽ lượng định thêm nữa về lời cáo buộc, các bằng chứng, lời biện hộ, và, bằng việc bỏ phiếu tập đoàn, sẽ quyết định có sa thải thành viên hay không. Để có hiệu lực pháp lý, thì ban Cố vấn phải đủ mặt hoặc ít là bốn thành viên. Việc bỏ phiếu luôn luôn là tập đoàn, dù quyết định là ủng hộ hay chống lại sự sa thải, và do đó nó phải bao gồm ít nhất là năm lá phiếu. Để quyết định việc sa thải, không cần sự nhất trí: chỉ cần đa số tuyệt đối là đủ; và phải bỏ phiếu kín (GL.699 § 1).

Tuy nhiên, nếu Bề Trên cao cấp kiểm chứng là lời cáo buộc vô căn cứ thì phải gạt bỏ vụ việc.

SA THẢI NHIỆM Ý (GL. 696 § 1)

93. Giáo Luật 696 để tùy sự thẩm định của Bề Trên cao cấp về việc sa thải một thành viên vì những trường hợp khác với những gì đã dự liệu đối với việc sa thái đương nhiên và bắt buộc. Xét vì tính chất nghiêm trọng của biện pháp sa thải, Giáo Luật đòi hỏi những trường hợp nghiêm trọng, bên ngoài, có thể quy trách và được chứng minh về mặt pháp lý. Giáo Luật 696 1 dự liệu vài dạng thức về những tác phong không đứng đắn, mặc dù nó không được kể là dạng thức tội phạm, nhưng trái ngược nghiêm trọng đối với kỷ luật của đời sống thánh hiến. Giáo Luật đưa ra một danh sách những trường hợp này, tuy không đầy đủ:

  • Thường xuyên chểnh mảng, lơ đễnh đối với những trách nhiệm bổn phận trong đời sống thánh hiến.
  • Nhiều lần vi phạm những dây ràng buộc thánh;
  • Ngoan cố không vâng phục những mệnh lệnh hợp pháp của các Bề Trên trong một vấn đề nghiêm trọng;
  • Tai tiếng nghiêm trọng phát sinh bởi cách ứng xử có lỗi của thành viên;
  • Ngoan cố ủng hộ hoặc truyền bá những giáo thuyết bị Huấn Quyền của Giáo Hội lên án;
  • Công khai gắn bó với những ý thức hệ nhiễm mùi duy vật hoặc vô thần;
  • Vắng mặt bất hợp pháp khỏi nhà dòng, nếu nó kéo dài hơn sáu tháng, với ý định tránh thoát quyền bính của các Bề Trên (GL. 665 2);

Luật riêng của Hội Dòng có thể dự liệu những lý do khác với tính nghiêm trọng tương tự.

Một thành viên khấn tạm có thể bị sa thải vì những trường hợp nghiêm trọng – cho dù kém nghiêm trọng hơn là những lý do đã kể trên (GL. 696 § 1) – bên ngoài, có thể quy trách và được chứng minh về mặt pháp lý, đã được ấn đinh trong luật riêng của Hội Dòng (GL. 696 § 2).

Trong thực tế, những trường hợp thường xảy ra là: ngoan cố không vâng phục và vắng mặt bất hợp pháp.

Để cấu thành nguyên nhân sa thải, sự bất tuân phục mang hình thức pháp lý nếu thành viên hành động trái ngược lại một quy định về sự việc nghiêm trọng, được Bề Trên ban hành dựa theo luật phổ quát và luật riêng, hoặc ít nhất không xung khắc với nó.

Thủ tục đối với việc sa thải nhiệm ý (GL. 697-700)

94. Để bảo vệ quyền lợi của cá nhân và những đòi hỏ của công lý, các điều Giáo Luật 697-700 cẩn thận ấn định thủ tục phải được tuân thủ trong việc sa thải.

Khác với thủ tục sa thải bắt buộc (GL. 695 § 2), trong những trường hợp được nhắc đến ở khoản 1 của điều GL. 696, Bề Trên cao cấp buộc phải lắng nghe ý kiến của ban Cố vấn, trước khi bắt đầu tiến trình (GL. 697). Ban Cố vấn phải được triệu tập hợp lệ và hợp pháp, bày tỏ ý kiến quan điểm của mình, không cần thiết phải nhất trí, về sự thích hợp khởi đầu tiến trình và lý do để mở cuộc điều tra.

Khi Bề Trên cao cấp nhận thấy đã hội đủ một trong những hình thái được nhắc đến ở điều GL. 696, có thể biện minh cho việc sa thải, thì trước hết ngài phải nhắc nhở người tu sĩ về việc chu toàn các bổn phận của mình, và không loại trừ việc sử dụng những biện pháp chế” tài theo giáo luật. Nếu điều này không có kết quả, Bề Trên cao cấp:

– Bàn hỏi ban Cố vấn về sự thích hợp khởi đầu tiến trình sa thải, soạn thảo “trích lục biên bản của buổi họp”;

  • Sau khi đã lắng nghe ban Cố vấn, nếu xét là cần thiết tiến hành việc sa thải, thì thu thập và bổ túc tất cả bằng chứng về những sự kiện có thể quy trách;
  • Trong trường hợp muốn cho một tu sĩ vắng mặt bất hợp pháp trở về, thì phải lo liệu ban hành bằng văn bản một mệnh lệnh vâng phục; thông báo cho đương sự thư bảo đảm và biên nhận hồi báo, hoặc thông báo bằng lời trước mặt hai nhân chứng. Trong mệnh lệnh ấy, Bề Trên cao cấp chỉ định rõ ràng một hạn kỳ hợp lý để trở về một cộng đoàn nhất định. Cũng vậy, đối với những lý do khác, Bề Trên cao cấp phải thông báo chính thức và rõ ràng cho thành viên rằng nếu người ấy không từ bỏ cách cư xử không đúng đắn, thì sẽ tiến hành tiến trình sa thải;
  • Tiến hành cảnh cáo theo giáo luật lần thứ nhất, thông báo bằng văn bản, hoặc trước mặt hai nhân chứng, hoặc bằng sắc lệnh nếu thành viên biệt tích; lời cảnh cáo phải minh thị bao gồm việc đe dọa sa thải, trong trường hợp không chịu sửa đổi, và phải diễn tả rõ ràng điều mà thành viên phải làm hoặc bỏ để tránh biện pháp đó; phải bày tỏ cách rõ ràng và chính xác về vụ việc mà đương sự bị tố cáo, và trao khả năng biện hộ cho chính mình, trong vòng ít nhất là mười lăm ngày từ khi được thông báo về sự cảnh cáo;
  • Nếu lần cảnh cáo thứ nhất không có kết quả, thì sau thời gian ít nhất là mười lăm ngày, phải đưa ra lần cảnh cáo thứ hai, theo cùng một thể thức;
  • Sau ít nhất mười lăm ngày từ ngày thông báo sự cảnh cáo lần thứ hai, nếu lần này cũng không đem lại kết quả, thì triệu tập ban Cố vấn và – bằng việc bỏ phiếu kín – để, sau khi có đầy đủ bằng chứng về tính không chịu sửa đổi, và những lời biện hộ của đương sự là không đủ, xét xem phải tiến hành gởi lời thỉnh cầu sa thải lên Bề Trên Tổng Quyền;
  • Chuyển lên cho vị Bề Trên Tổng Quyền tất cả những văn kiện, đã được công chứng viên ký tên, kèm theo những trả lời của đương sự cùng với chữ ký.

Phải có bằng chứng chắc chắn về tất cả các lần thông báo.

Thành viên luôn có thể liên lạc riêng với Bề Trên Tổng Quyền, và trực tiếp trình bày những luận cứ để biện hộ cho mình (GL. 698).

Bề Trên Tổng Quyền, sau khi đã nhận được tất cả hồ sơ từ Bề Trên cao cấp, sẽ triệu tập ban Cố vấn của mình, gồm ít nhất bốn thành viên để được thành hiệu, và tiến hành cách tập đoàn, tức là:

  • Cân nhắc các chứng cứ, các lý luận, các lần cảnh cáo, tính hợp pháp của thủ tục, lời biện hộ của bị cáo, đương sự không chịu sửa mình;
  • Sau khi nhận thấy có dủ tất cả những nhân tố được nhắc đến ở trên, thì tập đoàn sẽ bỏ phiếu kín quyết định có tiến hành việc sa thải hay không (GL. 119). Vì đây là một hành động tập đoàn, vị Bề Trên Tổng Quyền có thể giải quyết số phiếu ngang nhau với phiếu lần thứ hai của mình. Thư ký hoặc công chứng viên thảo biên bản cùng với những lý do của việc quyết định.
  • Nếu quyết định nghiêng về việc sa thải, thì Bề Trên Tổng Quyền sẽ ban hành sắc lệnh sa thải, và để hữu hiệu thì phải bao gồm, ít là cách vắn tắt, những lý do về luật và về sự kiện (GL.699 1);
  • Chuyển sắc lệnh sa thải lên Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, cùng với tất cả hồ sơ.

Nếu là một Đan Viện tự trị theo GL. 615, thì Bề Trên Đan Viện, sau khi đã hoàn thành bổn phận của mình như là Bề Trên cao cấp, sẽ chuyển tất cả lên cho Đức Giám Mục giáo phận.

Để có hiệu lực, sắc lệnh của vị Bề Trên Tổng Quyền (GL. 700) phải được xác nhận:

–  Bởi Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, đối với một thành viên của một Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo hoàng;

  • Bởi Đức Giám Mục giáo phận của nhà dòng mà thành viên được bổ nhiệm, nếu là một Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo phận.

Việc duyệt xét sắc lệnh và các hồ sơ đính kèm, cho phép Tòa Thánh hoặc Đức Giám Mục thẩm tra thủ tục đã áp dụng và những lý do được viện dẫn.

Đối với các Đan Viện tự trị thuộc quyền giáo hoàng, việc sa thải do Đức Giám Mục quyết định, cũng như do vị Bề Trên Tổng Quyền quyết định nếu Đan Viện trực thuộc dòng, cần Tòa Thánh xác nhận.

Những cảnh cáo theo giáo luật

95. Cần lưu ý đến hình thức soạn thảo những cảnh cáo theo giáo luật; chùng phải rõ ràng và ngắn gọn; nội dung phải giống nhau cho lần đầu và lần thứ hai. Lệnh cảnh cáo phải bao gồm ít nhất ba nhân tố:

  • Lý do pháp lý, nghĩa là viện dẫn quy định giáo luật có liên quan đến lý do đưa ra;
  • Trình bày vắn tắt về những sự kiện, nghĩa là điều mà người thành viên đã làm hoặc đã bỏ sót;
  • Quyết định, ngắn gọn và rõ ràng, về những gì mà thành viên phải làm hoặc không được làm.

Bản văn cảnh cáo phải ghi rõ rằng thành viên có quyền trình bày lời biện hộ cho Bề Trên Cao cấp đã khởi đầu tiến trình, hoặc trực tiếp lên Bề Trên Tổng Quyền, tùy theo đương sự xét thấy điều nào thích hợp hơn.

Những cảnh cáo phải được thông báo và vì thế’ cần thiết phải có bằng chứng rằng thành viên đã nhận được chúng. Những cách thức thông báo có thể khác nhau; Bề Trên cao cấp có quyền chọn lựa, sau khi đã cân nhắc các hoàn cảnh.

Cần phải có một khoảng thời gian ít nhất là 15 ngày giữa việc gởi một lệnh cảnh cáo và lệnh cảnh cáo tiếp theo, hoặc một thời hạn khác được ấn định trong lệnh cảnh cáo, để cho đương sự thi hành lệnh truyền. Thời hạn đó có thể hơn 15 ngày, nhưng không được ngắn hơn, nó bắt đầu tính từ ngày thông báo lệnh cảnh cáo, tức là kể từ khi thành viên nhận được lệnh cảnh cáo, chứ không phải kể từ khi lệnh cảnh cáo được Bề Trên cao cấp ban hành, cũng không phải từ khi nó được gởi đi, hoặc từ một thời gian được ấn định bởi lệnh cảnh cáo.

Thông báo về sắc lệnh sa thải

96. Sắc lệnh sa thải, sau khi đã được Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, hoặc Đức Giám Mục giáo phận xác nhận, thì phải được vị Bề Trên có thẩm quyền thông báo cho đương sự bằng thư bảo đảm có biên nhận hồi báo, hoặc đích thân thông báo trước sự hiện diện của hai nhân chứng. Để được hữu hiệu, sắc lệnh phải cho đương sự biết quyền được kháng cáo lên quyền bính có thẩm quyền, trong vòng 10 ngày kể từ nhận được thông báo.

Để việc sa thải được hữu hiệu, Bề Trên có thẩm quyền phải thông báo nguyên gốc sắc lệnh và phúc thư xác nhận do Bộ hoặc Đức Giám Mục ban hành,cũng là bản gốc hoặc ít nhất là bản sao được chứng thực.

Khi nhận được thông báo, nếu thành viên có ý định không chấp nhận quyết định:

  • Trước khi đệ trình kháng cáo, đương sự phải viết đơn yêu cầu tác giả của nó thu hồi hoặc sửa đổi sắc lệnh. Đơn thỉnh cầu này đương nhiên đình chỉ việc thi hành sắc lệnh (GL. 1734 1)
  • Nếu là thành viên của một Hội Dòng thánh hiến hoặc một Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo hoàng, đương sự có thể kháng cáo lần thứ nhất lên Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, lần thứ hai lên Tối Cao Pháp viện, và lần thứ ba cũng lên Tối Cao Pháp viện;

– Nếu là thành viên của một Hội Dòng thánh hiến hoặc một Tu Đoàn tông đồ thuộc quyền giáo phận, đương sự có thể kháng cáo lần thứ nhất lên Đức Giám Mục đã xác nhận sắc lệnh, lần thứ hai lên Bộ các Hội Dòng Thánh Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ, và lần thứ ba lên Tối Cao Pháp viện.

Chỉ cần thành viên bị sa thải, trong vòng 10 ngày kể từ ngày được thông báo sắc lệnh, bày tỏ bằng văn bản – dù khi chỉ ngắn gọn – lên một quyền bính của giáo hội về ước muốn kháng cáo của mình. Người nhận được đơn kháng cáo phải chuyển nó lên cho quyền bính có thẩm quyền để giải quyết nó và ấn định một khoảng thời gian, trong đó người kháng cáo phải đệ trình đơn thỉnh cầu đầy đủ, kèm theo những lý do và bằng chứng.

Trong suốt thời gian kháng cáo, hiệu lực pháp lý của lệnh sa thải bị đình chỉ.

Những hệ quả của việc sa thải (GL. 701)

97. Với sự sa thải hợp pháp, thì do chính sự kiện này, chấm dứt các lời khấn cùng với những nghĩa vụ bắt nguồn từ việc tuyên khấn.

Nếu thành viên bị sa thải là một phó tế hoặc một linh mục, người ấy vẫn thuộc về hàng ngũ giáo sĩ, nhưng do bởi việc sa thải người ấy không thể thi hành tác vụ cho đến khi tìm được một Giám Mục đồng ý tiếp nhận vào giáo phận để nhập tịch hoặc cho một giai đoạn thử nghiệm (GL. 693), hoặc ít là cho phép thi hành tác vụ (GL. 701).

VIỆC GIÚP ĐỠ THÀNH VIÊN BỊ SA THẢI HOẶC ĐƯỢC MIỄN CHUẨN (GL. 702)

98. Thành viên bị sa thải hoặc được miễn chuẩn không thể đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào từ Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ mà người ấy đã từng là một thành viên (GL.702 1). Công tác cung cấp cho Hội Dòng hoặc Tu Đoàn, và hoa trái từ việc làm mang lại cho Hội Dòng hoặc Tu Đoàn trong thời gian ở trong dòng (xem GL. 668 § 3), không cấp cho thành viên, tự nguyện rời bỏ hoặc bị sa thải, bất cứ quyền nào để nhận thù lao. Thật vậy, những người thành viên đã cam kết hiến dâng công việc của họ như là một biểu hiện của tình yêu ban không và bác ái đối với những người anh chị em của họ, cả bên trong cũng như bên ngoài Hội Dòng hoặc Tu Đoàn.

Mặt khác, Hội Dòng thánh hiến hoặc Tu Đoàn tông đồ, nên thể hiện công lý và bác ái Tin mừng đối với thành viên tách rời bỏ, dù là qua việc xuất dòng hoặc qua việc sa thải. Công lý được xét theo tình trạng cá nhân và những hoàn cảnh cá nhân, cũng như theo khả năng thật sự của Hội Dòng; tình bác ái được xét theo những đòi hỏi của việc hội nhập và đồng hành của thành viên, ít nhất trong giai đoạn ngay sau khi xuất dòng hoặc bị sa thải, cho đến khi người ấy có thể chu cấp cho chính mình cách khác, cũng theo những khả năng của Hội Dòng.

——————–

[1] Xc. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Tông Thư dưới dạng Tự sắc Communis vita, thay đổi một vài quy tắc trong Giáo Luật, (19-3-2019); Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ, Thư Luân Lưu về motu proprio Communis vita của Đức Thánh Cha Phanxicô, (8-9-2019).

[2]      Xc. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Tông Thư dưới dạng Tự sắc Communis vita, thay đổi một vài quy tắc trong Giáo Luật, (19-3-2019); Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ, Thư Luân Lưu về motu proprio Communis vita của Đức Thánh Cha Phanxicô, (8-9-2019).

[3]       HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ NHỮNG BẢN VĂN PHÁP LÝ, Actus Formalis Defectionis ab Ecclesia Catholica, 13-3- 2006, “Communicationes,” 38 (2006) 170-172.

[4]       Xc. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Tông Thư Ban Hành motu proprio Communis vita, quy định đối với sự thay đổi một vài nguyên tắc trong Giáo Luật, (19-3-2019); Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ, Thư Luân Lưu về motu proprio Communis vita của Đức Thánh Cha Phanxicô, (8-9-2019).

[5]      Xc.Bộ các Hội Dòng thánh hiến và các Tu Đoàn tông đồ, Thư Luân Lưu về motu pro­prio Communis vita của Đức Thánh Cha Phanxicô, (8-9-2019), 2.

[6]      ỦY BAN GIÁO HOÀNG GIẢI THÍCH CHÍNH THỨC GIÁO LUẬT, Responsio Utrum abortus, de abortu (c. 1398), 23-5-1988, in AAS 81 (1989) 388.

[7]      Giáo Lý HTCG, số 2270-2273, BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Giải thích về việc thi hành phá thai, 11-7-2009, trong L’Osservatore Romano, Anno CXLIX n. 157 (11-7-2009), trang 7.

[8]       ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư dưới hình thức tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela, Roma (30-4-2001).

[9]      CONGREGATIO PRO DOCTRINA FIDEI, Normae de delictis Congregationi pro Doctrina Fidei reservatis seu Normae de delictis contra fidem necnon de gravioribus delic­tis, 21-5-2010, AAS 102 (2010) 419-434, art. 6, § 1, 1°.

[10]     ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư dưới hình thức tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela, Rôma (30-4-2001).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here