Thánh Antôn Pađua

0
5162

Trích ĐGH Bênêdictô XVI, 36 Thánh Tiến Sĩ (Tp. HCM: Nxb Phương Đông, 2017),
tr. 277-287.

Đây là một trong những vị thánh được đông đảo các tín hữu trên toàn thế giới sùng kính, một nhân vật lỗi lạc thuộc trường phái Phanxicô, với quan điểm “quy Kitô” mạnh mẽ. Ngài đặc biệt nói đến mầu nhiệm Nhân Tính, mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài cũng nổi bật với tài năng giảng thuyết, dẫn đưa nhiều linh hồn về với Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI dành buổi tiếp kiến chung ngày 10 tháng 02 năm 2010 để chia sẻ về giáo huấn và tư tưởng quan trọng của thánh nhân.

*****

Anh chị em thân mến,

Cách đây ít lâu, tôi đã chia sẻ về thánh Phanxicô Assisi, hôm nay, tôi muốn giới thiệu một vị thánh khác, cũng thuộc thế hệ các Anh Em Hèn Mọn tiên khởi, đó là thánh Antôn Pađua hay còn gọi là thánh Antôn Lisbon, theo tên thị trấn, nơi ngài chào đời. Antôn Pađua là một trong những vị thánh nổi tiếng nhất của Giáo Hội Công Giáo, không những được tôn kính ở vùng Pađua (với một Vương cung Thánh đường lộng lẫy được xây dựng để tôn kính di hài thánh nhân) mà còn được sùng mộ ở khắp nơi trên thế giới. Thánh Antôn gần gũi và quen thuộc với nhiều tín hữu qua những tấm ảnh, bức tượng phác hoạ ngài đang cầm một cành hoa huệ, biểu trưng cho sự thanh khiết của ngài, hoặc với Hài Nhi Giêsu trên tay, để ghi nhớ một cuộc hiện ra kỳ diệu mà nhiều nguồn văn học đề cập đến.

Trước tiên, phải nói rằng thánh Antôn là người đã góp phần quan trọng trong việc phát triển linh đạo dòng Phanxicô, bằng tri thức uyên bác, bằng sự quân bình trong nếp sống, bằng nhiệt huyết tông đồ lớn lao và nhất là bằng lòng sốt mến thần bí của ngài.

Antôn được sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Lisbon vào khoảng năm 1195 và lãnh nhận bí tích Rửa Tội với tên gọi là Fernando. Ngài gia nhập Hội các Kinh sĩ tuân giữ Tu luật thánh Augustinô, mới đầu tại đan viện thánh Vinh Sơn ở Lisbon và sau đó tại đan viện Thánh Giá ở Coimbra, một trung tâm văn hóa danh tiếng của Bồ Đào Nha. Ngài dành hết tâm lực, hăng say nghiên cứu Kinh Thánh và các Giáo phụ, thủ đắc những tri thức thần học đáng quý, mang lại hoa trái cho các hoạt động giảng thuyết và dạy học. Một sự kiện tiêu biểu có tính quyết định, bước ngoặt trong cuộc đời thánh nhân xảy ra ở Coimbra. Tại đây, vào năm 1220, người ta trưng bày thánh tích của năm nhà truyền giáo dòng Phanxicô đầu tiên tới Marốc và đã chịu tử đạo. Câu chuyện của các vị đã truyền cảm hứng, khơi lên trong tâm hồn chàng thanh niên Fernanđo một lòng khát khao theo gương sáng của các ngài và tiến triển trên con đường trọn lành Kitô giáo. Vì vậy, Fernando xin phép được rời khỏi Hội Kinh sĩ thánh Augustinô để trở thành một Người Anh Em Hèn Mọn. Lời thỉnh cầu được chấp thuận và ngài nhận lấy tên gọi mới là Antôn. Ngài cũng lên đường đi Marốc, nhưng Thiên Chúa quan phòng sắp đặt cho ngài một con đường khác.

Vào năm 1221, sau một cơn bạo bệnh, thánh Antôn buộc phải trở về Italia và được tham dự Tổng hội Mats của dòng ở Assisi, chính tại đây, ngài đã gặp thánh Phanxicô. Sau đó, Antôn sống một thời gian hoàn toàn ẩn dật tại tu viện Forli, phía Bắc Italia, rồi Thiên Chúa mời gọi ngài thi hành sứ mạng khác. Một lần tình cờ, Antôn được mời chia sẻ trong thánh lễ thụ phong linh mục và ngài đã chứng tỏ khả năng hiểu biết, tài hùng biện sắc sảo, vì thế, các vị Bề trên đã giao phó cho ngài trách vụ giảng thuyết. Từ đó, thánh Antôn hoạt động tông đồ ở Italia và Pháp, dấn thân hết mình, mang lại những kết quả tốt đẹp, lôi cuốn nhiều người đang rời xa Giáo Hội trở lại nẻo chính đường ngay, từ bỏ lối sống lầm lạc. Thánh Antôn cũng là một trong những giáo sư thần học đầu tiên của dòng Anh Em Hèn Mọn. Ngài bắt đầu công tác giảng dạy của mình ở Bologna, với lời chúc lành của thánh Phanxicô, công nhận các nhân đức và gởi cho ngài một bức thư ngắn bắt đầu bằng những lời này như sau: “Ta muốn con giảng dạy thần học cho anh em.” Antôn đã thiết lập những nền tảng căn bản cho thần học theo trường phái Phanxicô, sau này được nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khai triển thêm nữa, đạt đến đỉnh cao nơi thánh Bônaventura và chân phước Dunc Scotus.

Khi đã trở thành Bề trên của Tỉnh dòng Bắc Italia, thánh Antôn vẫn tiếp tục sứ vụ giảng thuyết của mình, rồi đảm nhận công việc quản trị. Khi kết thúc nhiệm kỳ giám tỉnh, thánh nhân rút về một nơi gần Pađua, đảm nhận những công tác khác nữa. Chưa đầy một năm sau, ngài qua đời tại cổng thành vào ngày 13 thánh 06 năm 1231. Pađua là nơi đã chào đón thánh Antôn với lòng yêu mến và sự kính trọng suốt cuộc đời dương thế của ngài, nay vẫn luôn tôn kính và mộ mến thánh nhân. Sau khi nghe bài giảng của thánh Antôn, đức giáo hoàng Grêgôriô IX đã gọi ngài là “Hòm Bia Giao Ước” và tiếp đó, năm 1232, một năm sau khi thánh nhân qua đời, đức giáo hoàng đã tôn phong ngài lên bậc hiển thánh, vì có rất nhiều phép lạ xảy ra nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân.

Trong những năm cuối đời, thánh Antôn chấp bút viết hai tập bài giảng, lần lượt có tựa đề là “Các Bài Giảng Chúa Nhật” và “Các Bài Giảng Về Lễ Các Thánh”, dành riêng cho những nhà giảng thuyết, các giáo sư nghiên cứu thần học của dòng Phanxicô. Trong các bài giảng này, thánh Antôn chú giải những bản văn Sách Thánh có trong Phụng vụ, sử dụng lối giải thích của các vị Giáo phụ và của thời Trung Cổ, với bốn ý nghĩa phân biệt: nghĩa văn tự hoặc nghĩa lịch sử, nghĩa ẩn dụ hoặc quy Kitô, nghĩa dẫn đường hay luân lý, và nghĩa thần bí, đưa con người đến cuộc sống vĩnh cửu. Ngày nay, người ta tái khám phá rằng những ý nghĩa này là những phương diện của cùng một nghĩa trong Sách Thánh và cần phải giải thích Sách Thánh bằng cách tìm ra cả bốn ý nghĩa ấy. Tập các bài giảng của thánh Antôn là những bản văn mang tính chất thần học và giải thích đạo lý, vọng lại những lời giảng sống động, trong đó, thánh nhân phác thảo một lộ trình đúng đắn và thích hợp cho đời sống Kitô giáo. Giáo huấn tâm linh trong các bài giảng của thánh Antôn quá phong phú, tuyệt vời đến độ năm 1946, đức giáo hoàng đáng kính Piô XII đã tuyên bố thánh nhân là “Tiến Sĩ Hội Thánh,” trao tặng tước hiệu “Tiến SĩTin Mừng”, bởi lẽ những nét mới mẻ và vẻ đẹp của Tin Mừng nổi bật trong các tác phẩm của thánh nhân. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể đọc các tác phẩm này bởi ích lợi tuyệt vời về mặt thiêng liêng mà bản văn mang lại.

Trong các bài giảng này, thánh Antôn nói về việc cầu nguyện, xem đó là mối tương quan yêu thương thúc đẩy con người nhẹ nhàng thưa chuyện với Thiên Chúa, tạo nên một niềm vui khôn tả, ngọt ngào chiếm trọn linh hồn khi cầu nguyện. Thánh Antôn nhắc nhớ chúng ta rằng cầu nguyện cần có bầu khí thinh lặng, điều đó không có nghĩa là xa tránh khỏi sự ồn ào bên ngoài, nhưng là một sự trải nghiệm nội tâm, loại bỏ những sự chia trí, bận tâm, lo lắng, từ đó tạo nên sự thanh tịnh trong chính tâm hồn.

Theo những lời giáo huấn của vị tiến sĩ lỗi lạc dòng Phanxicô, việc cầu nguyện được cấu trúc dựa trên bốn thái độ không thể bỏ qua mà thánh Antôn đã xác định bằng tiếng Latinh như sau: obsecratio, oratio, postulatio, gratiarum actio. Chúng ta có thể diễn giải các thái độ đó như thế này:

– Bước đầu tiên trong việc cầu nguyện là mạnh dạn mở rộng tâm hồn ra với Thiên Chúa, điều này không đơn thuần chỉ là chấp nhận một lời gọi nào đó nhưng là mở rộng tâm hồn trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

– Bước tiếp theo là trìu mến thưa chuyện với Thiên Chúa, nhận ra Người đang hiện diện với chúng ta. Bước thứ ba, một cách tự nhiên, trình bày những nhu cầu của mình với Thiên Chúa.

– Bước sau hết, là ca ngợi, tán dương và tri ân Thiên Chúa.

Trong những lời giáo huấn về cầu nguyện của thánh nhân, chúng ta nhận ra một trong những nét tiêu biểu, đặc trưng của thần học trường phái Phanxicô mà thánh Antôn đã đặt nền tảng: cụ thể, đó là vai trò được gán cho tình yêu thần linh, vốn thấm nhập vào bên trong phạm vi của sự yêu mến, của ý muốn và của tâm hồn, đồng thời đó cũng là nguồn mạch tuôn trào một tri thức tâm linh, vốn trổi vượt trên hết mọi tri thức khác. Thật vậy, chính trong tình yêu mà chúng ta đạt tới sự hiểu biết.

Thánh Antôn còn viết thêm rằng: “Đức ái là linh hồn của đức tin. Đức ái trao tặng sự sống cho đức tin. Không có đức ái, đức tin sẽ chết.”[1]

Chỉ những linh hồn nào chuyên chăm cầu nguyện mới có thể tiến triển trong đời sống thiêng liêng: đây là đối tượng đặc trưng của việc giảng thuyết nơi thánh Antôn. Ngài biết rõ những yếu đuối nơi bản tính con người, biết rõ con người dễ sa vào đường tội lỗi, vì thế không ngừng nhắc nhớ các tín hữu hãy chiến đấu chống lại thói tham lam, kiêu ngạo và tất cả những gì ô uế, thay vào đó cần phải tập luyện nhân đức khó nghèo và quảng đại, khiêm nhường và vâng phục, thanh khiết và trong sáng.

Đầu thế kỷ XIII, nhiều thành phố mới ra đời, thương mại phát triển, ngày càng có nhiều người thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu của kẻ nghèo khó. Đó là lý do vì sao nhiều lần thánh Antôn tha thiết mời gọi các tín hữu hãy suy nghĩ về sự giàu có đích thực nơi tâm hồn, vốn làm cho con người nên tốt lành, nhân từ và tích trữ kho tàng trên Trời. Ngài thúc đẩy họ: “Người giàu có, khá giả, hãy đối xử tốt với những kẻ nghèo khổ, đói kém, tiếp đón họ vào nhà của bạn, rồi sau này, chính họ sẽ tiếp đón bạn vào Nhà Tạm vĩnh cửu, nơi có sự bình an tươi đẹp, nền hoà bình viên mãn và sự yên hàn vĩnh cửu làm thoả chí toại lòng.[2]

Anh chị em thân mến, giáo huấn của thánh Antôn vẫn còn giá trị đối với chúng ta ngày nay, khi mà cuộc khủng hoảng tài chính và sự mất quân bình kinh tế trầm trọng đang bần cùng hóa nhiều người và tạo nên tình trạng đói kém, nghèo khổ. Xin nhắc lại một điều trong Thông điệp Caritas in Veritate: “Kinh tế cần có đạo đức để thể hiện đúng chức năng của nó, nhưng không phải là bất kỳ nền đạo đức nào, mà là nền đạo đức vốn đặt con người ở trung tâm” (số 45).

Là một thần học gia thuộc trường phái Phanxicô, thánh Antôn luôn đặt Đức Kitô ở trung tâm cuộc đời, tư tưởng, hành động và sứ mạng giảng thuyết của ngài. Có thể nói, đây là một nét đặc trưng khác của thần học Phanxicô: quy Kitô. Thần học Phanxicô khát khao chiêm niệm và mời gọi mọi người cùng chiêm niệm mầu nhiệmNhân Tính của Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu, cách riêng nơi mầu nhiệmGiáng Sinh: Thiên Chúa đã trở nên một Hài Nhi bé nhỏ và trao hiến chính mình trong vòng tay chúng ta. mầu nhiệm ấy làm nảy sinh lòng cảm mến trước tình yêu vô biên và thái độ tri ân vì sự tốt lành của Thiên Chúa.

Ngoài mầu nhiệmGiáng Sinh, điểm trọng tâm của tình yêu Đức Kitô dành cho nhân loại, thì việc chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh đã khơi lên nơi thánh Antôn lòng tri ân Thiên Chúa và quý trọng phẩm giá con người, vì vậy cả tín hữu cũng như lương dân có thể tìm thấy nơi Đấng Chịu Đóng Đinh và nơi thánh Antôn một ý nghĩa làm phong phú cuộc sống. Thánh Antôn viết: “Đức Kitô, Đấng là sự sống của bạn, đang treo mình lên trước bạn, để bạn có thể nhìn lên Thánh Giá như một mẫu gương. Nơi đó bạn có thể nhận thấy rằng những vết thương chí tử của bạn, mà không loại thuốc nào khác có thể cứu chữa được ngoài Máu Con Thiên Chúa. Nếu bạn quan sát cẩn thận, bạn có thể nhận ra phẩm giá của bạn và giá trị của bạn cao cả như thếnào… Khi nhìn thấy chính mình nơi tấm gương Thập Giá chứ không phải nơi nào khác, con người mới hiểu được bản thân giá trị dường bao.”[3]

Khi suy niệm những lời này, chúng ta có thể hiểu tầm quan trọng về hình ảnh của Đấng Chịu Đóng Đinh đối với nền văn hóa của chúng ta, đối với nhân loại vốn được sinh ra từ niềm tin Kitô giáo. Quả thật, đúng như thánh Antôn nói, bằng việc chiêm ngắm Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta nhận thấy rằng phẩm giá của con người vĩ đại dường bao. Không một điểm nào khác mà chúng có thể hiểu giá trị cao quý của con người. Bởi vì Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên cao trọng, xem chúng ta quan trọng đến nỗi, theo ý định của Người, chúng ta đáng giá để Người chịu khổ hình.Vì thế, toàn bộ phẩm giá con người tỏ lộ trong hình ảnh của Đấng Chịu Đóng Đinh và việc chiêm ngắm Đấng ấy sẽ luôn là nguồn mạch để chân nhận phẩm giá con người.

Nguyện xin thánh Antôn Pađua, Đấng đã được các tín hữu tôn kính khắp nơi, chuyển cầu cho toàn thể Giáo Hội, và cách riêng, cho những người dấn thân trong việc giảng thuyết Tin Mừng.

Chúng ta hãy thành tâm cầu nguyện, xin Chúa giúp chúng ta học được những điều bổ ích từ nghệ thuật giảng thuyết của thánh Antôn. Mong sao các nhà giảng thuyết kín múc nguồn cảm hứng nơi thánh nhân, trở nên người truyền giảng hiệu quả, bằng cách nối kết các đạo lý tinh tuyền, vững chắc, với lòng  mộ mến chân thành, mãnh liệt.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các linh mục và phó tế, những người sẽ mang theo mối bận tâm về sứ vụ loan báo Lời Chúa, biết làm cho Lời Chúa trở nên phù hợp với các tín hữu, đặc biệt qua các bài giảng trong Thánh lễ. Xin cho họ trình bày cách hữu hiệu vẻ đẹp vĩnh cữu của Đức Kitô, đúng như thánh Antôn đã đề nghị: “Nếu bạn giảng vềĐức Giêsu, Người sẽ làm tan chảy những tâm hồn cứng cỏi; Nếu bạn cầu khẩn Người, Người sẽ làm dịu những cám dỗ cheo leo; Nếu bạn nghĩ về Người, Người sẽ soi sáng tâm trí bạn; Nếu bạn đọc biết về Người, Người sẽ làm thỏa mãn tâm trí bạn.”[4]

[1]Sermones Dominicales et festivi II, Messagero, Pađua, 1979, p.37.

[2]Ibid., p.29.

[3]Sermones Dominicales et festivi III, pp. 213-214.

[4]Sermon Dominicales et festivi III, pp. 59.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here