Văn kiện: Kinh tế phục vụ đặc sủng và sứ vụ. Phần III

0
580

BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

——————–

CÁC HƯỚNG DẪN

QUẢN TRỊ KINH TẾ

HƯỚNG ĐẾN PHỤC VỤ ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

————–

Phần I. SỐNG LẠI KÝ ỨC VỀ ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO

Phần II: CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA: ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

Phần III. CHIỀU KÍCH KINH TẾ VÀ SỨ VỤ

Tính bền vững của các công việc

34. “Việc đòi hỏi khẩn thiết để bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta, cũng đưa đến việc cả gia đình nhân loại phải kết hợp với nhau, tìm cách phát triển lâu dài và trọn vẹn, vì chúng ta biết, mọi vật đều có thể thay đổi”[1]. Trong bối cảnh lịch sử hiện nay, các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ chấp nhận các thách thức của thời đại: xác định những cách tiếp cận mang tính tiên tri đối với sự phát triển con người và kinh tế một cách kỹ lưỡng và tôn trọng. Sự phát triển về nhu cầu và bối cảnh văn hóa, xã hội, và luật pháp khác nhau, một mặt, thường đòi hỏi sự từ bỏ các các thức thực hiện không phù hợp và mặt khác, phải có một cách thức sáng tạo và táo bạo để “tái suy nghĩ về các mục tiêu, cơ cấu và phong cách”[2].

Đức Thánh Cha Phanxicôt trong sứ điêp gửi cho các tham dự viên buổi Hội nghị quốc tế lần thứ hai với được tổ chức bởi Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu đoàn Tông Đồ, đã nhắc nhở rằng: “Sống trung thành đòi hỏi chúng ta phải chăm chỉ thực hiện việc phân định, để các công việc, gắn liền với đặc sủng, tiếp tục là những công cụ hữu hiệu để đem sự dịu hiền của Thiên Chúa đến cho nhiều người. […] Trung thành với đặc sủng luôn đòi hỏi một hành động can đảm: nó không phải là việc bán đi mọi thứ hay “từ bỏ” mọi thứ của cải, nhưng là thực hiện sự phân định thật nghiêm túc […] sự phân định ấy có thể đề nghị chúng ta tiếp tục những công việc gây ra những thất thoát – trong ý thức đầy đủ rằng những thất thoát ấy không do bởi hậu quả của sự thiếu khả năng hay những kỹ năng cần thiết” [3].

Để đánh giá tính bền vững của các công việc, cần phải áp dụng một phương pháp xem xét mọi khía cạnh và tất cả các mối liên hệ hỗ tương có thể có, xem xét các chiều kích đặc sủng, tương quan và kinh tế của cả từng công việc lẫn toàn bộ Dòng tu.

35. Chiều kích đặc sủng và việc thiết lập kế hoạch. “Vì thế, điều cần thiết là phải tiến hành xem xét sứ vụ như một cách diễn tả đặc sủng để xác minh xem đặc tính đặc sủng có tiếp tục được đưa vào trong các hoạt động hiện tại hay không. […] Thật vậy, điều có thể xảy ra là các công việc ấy không còn được quản trị theo một cách thức kiên định với cách diễn tả hiện tại của sứ vụ và các tài sản không còn được sử dụngnhư là những công việc diễn tả đặc sủng”[4]. Điều cần thiết nữa là việc xác định “công việc và các hoạt động nào nên cần tiếp tục, cái nào nên bị hủy bỏ hoặc sửa đổi, và những biên giới mới nào nó ta nên bắt đầu theo đuổi và coi như là việc đáp trả cho nhu cầu thời đại theo cách hoàn toàn trung thành với đặc sủng của Dòng”[5].

Cần phải vượt qua não trạng coi việc thiết kế và lên kế hoạch cho các hoạt động hay công việc như là điều gì đó trái ngược với sự sáng tạo được Chúa Thánh Thần gợi mở. Trái lại, nhiều trực giác đã không thể ra đời bởi chúng không được hỗ trợ bởi một đề án chi tiết và/hoặc việc lập kế hoạch: các mục tiêu không được xác định, củng như các phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ cũng không được chỉ ra hay cả tính khả thi về mặt tài chính kinh tế cũng không được xác minh. Tất cả những điều này gây nguy cơ hình thành khoảng cách giữa lý tưởng và mục tiêu có thể đạt được, giữa sứ mệnh và cơ cấu kinh tế, dẫn đến việc đưa ra những nhận định và đánh giá không chính xác, và dẫn đến việc áp dụng các biện pháp không hiệu quả.

Nhu cầu thiết kế và lập kế hoạch không thể, theo bất cứ cách nào, được hiểu như là việc thu hẹp những lý tưởng hoặc như là kiểm soát sự sáng tạo, hoặc là thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng, mà ngược lại thì đúng hơn. Khi các mục tiêu mang chiều kích đặc sủng được nêu rõ, các cơ cấu kinh tế tự đặt mình vào vai trò phục vụ của người ngôn sứ với các đề án cụ thể và được thiết kế hiệu quả.

36. Chiều kích tương quan và tình huynh đệ. Như đã nói ở trên, điều căn bản là tái khám phá các cơ cấu kinh tế với khuôn mặt con người, nơi mà tính nhân bản và sự tốt lành thực sự của nó không bao giờ đánh mất đi chỗ đứng trọng tâm của mình. Sự chú ý vào việc đặt nhân phẩm của mỗi con người và công ích[6] vào trung tâm luôn gợi lại sự cần thiết của những tương quan tích cực. Trong sự phong phú của các mối tương quan, vốn là nền tảng của tình yêu huynh đệ, những người thánh hiến kinh nghiệm được cách thức mà sứ vụ truyền giáo có được những con người sẵn sàng chia sẻ cuộc đời và đức tin, và sẵn sàng trải nghiệm sống cộng đoàn và sự hợp tác. Vì thế, mối tương quan hỗ tương này, được dựa trên sự quý trọng chân thành và tin tưởng lẫn nhau,trở thành một nguồn lực quý giá cho công tác quản trị.

Trong cách thức này, các công việc sẽ được quản trị trên tinh thần cởi mở, mang tính cộng đoàn và đồng trách nhiệm, ngay cả khi việc coi sóc những công việc này phải được giao phó chỉ cho một vài tu sĩ nam nữ đảm nhiệm. Mặt khác, trong một số trường hợp, trách nhiệm được giao cho một số cá nhân, nhưng không thiết lập các cơ cấu rõ ràng để có thể tương tác và giải trình. Điều này có thể dẫn đến việc cá nhân hóa trong công tác quản trị, thậm chí vô tình, khi dựa trên tài năng, tính độc đáo và sự nhạy cảm của cá nhân sẽ dẫn đến hạn chế việc hình thành các cách ứng phó với các tình huống khác nhau có thể phát sinh. Thông thường thì chúng ta không quan tâm đến việc đào tạo những người sẽ đảm nhận trách nhiệm quản trị và đưa ra những chỉ dẫn thích hợp cho công việc.

Việc thiết kế và / hoặc lên kế hoạch, bắt nguồn từ sự lắng nghe lẫn nhau, sẽ cho phép một tầm nhìn nhất quán trong các công việc và đáp ứng các nhu cầu đã được đề cập cụ thể. Hơn nữa, hành động này đem đến khả năng khắc phục xu thế thuận qui về bản thân. Khi chia rẽ và khác biệt được khắc phục, các giải pháp có lợi sẽ được tìm thấy có khả năng đem lại sự phong phú và được mọi người chia sẻ. Đây là vấn nạn về việc tách rời khỏi ý thức hệ homo-oeconomicus, tức là sự ham muốn vô độ đối với của cải mà sự chọn lựa của nó luôn nhắm đạt được tối đa hóa lợi ích cá nhân. Vấn nạn này luôn gặp sự thách đố của homo-fraternus là những người không bao giờ mệt mỏi dẫn thân cho tình yêu huynh đệ[7].

37. Đặc sủng và chiều kích kinh tế. Ngân sách cân đối trong các công việc của các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ không thể là một tiêu chí duy nhất khi xem xét đến tính tính bền vững của các công việc. Tuy nhiên, cần nhớ rằng không có mâu thuẫn nào giữa đặc sủng và quản trị các tài sản; việc quản trị theo các nguyên tắc kinh tế không bóp nghẹt đặc sủng, nhưng đúng hơn, nó giúp đặc sủng có thể đi theo và đạt được các mục tiêu chung. Đảm bảo tính liên tục và sức sống của đặc sủng không có nghĩa là vận hành một cách hời hợt và thiếu kinh nghiệm. Kinh nghiệm của Bộ cho thấy rằng ở đâu không có sự chú ý đầy đủ dành cho các vấn đề quản trị, thì kết quả làm cho sứ vụ tan hoang.

Đời sống thánh hiến đem đến cho thế giới một chứng tá Phúc âm khi đời sống ấy giữ cho khởi hứng tông đồ được sống động và đảm bảo tính bền vững của các công việc thông qua sự quản trị cân bằng và có đầy đủ thông tin.

Sản nghiệp vững bền (tài sản)

38. Với mục đích quản trị có trật tự và có tầm nhìn xa, một cuộc khảo sát chung về tài sản của Dòng tu cần được thực hiện nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn do giáo luật thiết lập với mục đích đảm bảo sự bền vững của Dòng và tạo điều kiện thuận lợi để đạt được các mục tiêu Dòng (vì thế được gọi là Sản nghiệp vững bền). Do đó, đây là cơ hội để kịp thời thực hiện các bước thích hợp nhằm kiểm kê các tài sản được coi là sản nghiệp vững bền, và khi cần thiết, bổ sung các mục cần có trong kiểm kê, nếu việc này vẫn chưa được thực hiện.

Để đạt được mục đích này, luật riêng của mỗi Dòng tu được yêu cầu phải thiết lập, bằng một nghị quyết cụ thể, một bộ phận có thẩm quyền thực sự để thực hiện nhiệm vụ này. Điều khoản này phải xuất hiện trong hiến pháp hoặc trong văn bản quy phạm khác của luật riêng, chiếu theo nội dung văn bản sau hoặc một trong các nội dung tương tự: Sản nghiệp vững bền bao gồm tất cả những bất động sản và động sản mà thông qua môt sự phê chuẩn rõ ràng, chúng được sử dụng để đảm bảo an toàn kinh tế của Dòng tu. Đối với tài sản của toàn Dòng tu, Tổng hội hoặc Bề trên Tổng quyền, với sự đồng ý của Ban Tổng Cố vấn, thực hiện sự xác định này. Đối với tài sản của một tỉnh Dòng, cũng như đối với tài sản của một cộng đoàn được thiết lập hợp pháp, Tỉnh hội hoặc các hội nghị với thẩm quyền tương tự khác (x. GL 632) hoặc Bề trên Giám tỉnh với Ban Cố vấn và được xác nhận bởi Tổng Quyền sẽ thực hiện sự xác nhận này.

39. Sản nghiệp vững bền, bao gồm các tài sản, bất động sản hoặc đồ đạc, đảm bảo sự tồn tại của một Dòng tu, của các tỉnh Dòng được thành lập hợp pháp, của các tu viện và của các thành viên. Hơn nữa, nó đảm bảo việc thực hiện sứ mệnh của Dòng tu. Tính vững bền được hiểu như là một bảo đảm rằng các công việc phải nhất quán với “một mục tiêu hợp với sứ mạng Giáo Hội” (GL 114 §§ 1-2) và với sứ mạng cụ thể của riêng mỗi Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ[8].

Những tài sản sau đây có thể được chỉ định là gia sản vững bền theo luật pháp:

a) các bất động sản, chẳng hạn như những nơi thi hành các công việc, các nhà của cộng đoàn, khu nhà cư trú cho thành viên già cả hoặc bệnh tật, những tài sản đáng giá dưới chiều kích nghệ thuật lịch sử hoặc là một phần của thời kỳ khai sinh hoặc là nơi ghi nhớ đặc biệt của chính Dòng tu, điển hình như nhà mẹ của Dòng. Quy mô của số tài sản này phải cân xứng cho so với khả năng quản trị của Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc các tu viện;

b) các bất động sản đem lại thu nhập để hỗ trợ cho các Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc tu viện. Những tài sản này được gọi là các tài sản tạo ra thu nhập, được thành lập để cho phép một pháp nhân có thể tồn tại hoặc bổ sung thu nhập thông thường. Trong những trường hợp này, phải tránh để những các tài sản này trở thành lý do mà pháp nhân ấy dựa vào để tồn tại hoặc tích lũy lợi nhuận;

c) các động sản mà cung cấp thu nhập để hỗ trợ cho Dòng tu, các tỉnh Dòng, hoặc các tu viện, và cho việc thực hiện sứ vụ của đặc trưng của Dòng. Những tài sản này được cố-định-hóa và chỉ định hợp pháp vào sản nghiệp vững bền. Đây không phải là tài sản để phục vụ cho các hoạt động kinh tế thông thường nhưng đúng hơn là tài sản lưu động được vốn hóa để đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau trong hệ thống tài chính, theo các hướng dẫn chi tiết trong § 84;

d) các bất động sản và động sản có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật và ý nghĩa nội tại mà tạo nên một di sản được gọi là di sản văn hóa, một ký ức lịch sử của Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc của các tu viện. Những tài sản này có thể ở dạng của “của hồi môn” nhưng cũng có thể là một khoản dự trữ kinh tế để bảo trì;

e) quỹ bảo vệ và an ninh, ứng với các công việc của Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc tu viện, cung cấp sự bảo vệ thích hợp cho Dòng tu trước những giao dịch phức tạp có thể làm cho Dòng phải đối mặt với những rủi ro kinh tế đáng kể (được gọi là quỹ an toàn).

40. Trong việc lựa chọn tài sản để được liệt kê vào danh sách sản nghiệp bền vững, điều cần thiết là phải xem xét tài sản đó là gì mà nếu không có chúng, một pháp nhân sẽ không có các phương tiện cần để đạt tới mục đích của mình. Ngoài ra, cũng cần đánh giá số lượng và bản chất của các tài sản mà phù hợp với mục đích và nhu cầu của chính một pháp nhân đó. Cần phải lưu ý rằng một số tài sản về bản chất là không được phép sử dụng, vì việc sử dụng chúng có thể có nguy cơ làm mất tư cách của chính pháp nhân ấy.

Hơn nữa, không được phép tiến hành việc chuyển nhượng sản lượng vững bền với mục đích duy nhất là tránh các yêu cầu của giáo luật về liên quan đến việc chuyển nhượng. Thực tế, việc lập sản nghiệp này nhằm mục đích bảo vệ, đảm bảo cho chính những tài sản này.

Đối với việc quản trị riêng dành cho các tài sản được liệt vào sản nghiệp bền vững, cần phải thực hiện việc kiểm kê chính xác tài sản bất động sản của Dòng, tỉnh Dòng hay tu viện, ghi rõ dữ liệu đăng ký, nguồn gốc của các công trình, sự tồn tại của bất kỳ chế tài nào, giá trị các tài sản, và tình trạng bảo trì của chúng. Chúng tôi khuyến khích xem xét định kỳ các điều khoản và điều kiện cho bên thứ ba thuê các cơ sở tòa nhà hoặc một vài bộ phận của nó. Thật hữu ích nếu giữ một một danh sách các tài sản và đồ đạc bên trong mà có giá trị lịch sử, nghệ thuật hoặc ý nghĩa nội tại. Cuối cùng, luôn cần đảm bảo rằng việc quản trị các tài sản được liệt vào danh sách sản nghiệp bền vững phải tiếp tục phù hợp với sứ mệnh của Dòng, để Dòng không bị gánh nặng với những tài sản ấy hoặc các nghĩa vụ không liên quan gì đến sứ vụ của mình. Theo đó, sự bền vững không đồng nghĩa với việc không thể bị mất đi. Sự biến động không thể tránh khỏi trong hệ thống tài chính kinh tế đề nghị sự đánh giá định kỳ (theo một khung thời gian hợp lý) các tài sản riêng lẻ được bao gồm trong sản nghiệp này.

Trách nhiệm, sự minh bạch và sự tín nhiệm

41. Trách nhiệm, sự minh bạch và bảo vệ sự tín nhiệm là những nguyên tắc được gắn kết với nhau: Sẽ chẳng có trách nhiệm gì nếu không có sự minh bạch; sự minh bạch tạo nên sự tín nhiệm; và chính sự tín nhiệm xác minh cho cả hai.

Trách nhiệm là nguyên tắc nhận thức gắn kết sứ vụ truyền giảng Tin Mừng liên quan đến các tài sản của Giáo Hội.

Nhận thức về các yếu tố đang bị đe dọa sẽ cung cấp các điều kiện cơ bản để giúp đưa ra các chọn lựa có định hướng mục tiêu và cuối cùng giúp cải thiện chúng hoặc thậm chí thay đổi chúng một cách triệt để. Trên hết, việc hạch toán cẩn thận và kịp thời các tác động của việc quản trị sẽ giúp cho việc áp dụng các biện pháp khắc phục cần thiết trở nên khả thi hơn trước khi xảy ra những kết quả tiêu cực không thể thay đổi được. Ngược lại, một nỗ lực trên phương diện kinh tế mà được giám sát không phù hợp sẽ làm lãng phí các nguồn lực, phản bội lại mong ước cơ bản của Giáo Hội là sử dụng tài sản hướng đến công ích hầu “phục vụ công ích ấy một cách đầy đủ, chứ không theo những cái nhìn giản lược nhằm lợi ích riêng của mình; trái lại, phải xây dựng công ích dựa trên một logic sẽ đưa người ta tới chỗ chịu trách nhiệm nhiều hơn.”[9].

Tính trách nhiệm là nghĩa vụ của một người đối với cộng đồng dân sự và cộng đoàn Hội Thánh, và trên hết là đối với Hội Dòng của mình. Do đó, một mặt tính trách nhiệm là để nhận ra người mà mình phải trả lời, và mặt khác, là khả năng đưa ra lý do các quyết định quản trị của người đó. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, giám sát và kiểm soát là một phần của tính trách nhiệm này. Những điều này không nên được hiểu là hạn chế quyền tự chủ của các Dòng tu hoặc là một điều gì đó thể hiện sự thiếu tin cậy, nhưng nó thể hiện cho một cách thức giao tiếp và minh bạch và việc đem đến sự bảo vệ cho những người thi hành các nghĩa vụ khó khăn của việc quản trị [10].

42. Chiếu theo những gì đã nêu trước đây: thuật ngữ “minh bạch” nhắm đến năng lực báo cáo về các hoạt động, các chọn lựa đã thực hiện và kết quả đạt được. Trách nhiệm giải trình và các báo cáo tài chính – là những công cụ minh bạch – cho phép có một báo cáo ngắn gọn, nhưng đồng thời, củng rất chính xác về các hoạt động đã thực hiện và kết quả của chúng. Nhờ chúng, các vị chịu trách nhiệm chính sẽ có khả năng giải trình về các hành động, quyết định của họ và hơn thế nữa, cả hành vi của các vị. Trách nhiệm giải trình thường xuyên về sự quản trị cũng thúc đẩy sự thận trọng trong việc quản lý các tài sản. Trên thực tế, hiểu biết cao hơn cũng tương ứng với độ chính xác cao hơn trong việc xác định các rủi ro và, ở những lúc thích hợp, trong việc theo đuổi các hướng đi mới.

Từ góc độ này, chúng ta có thể hiểu rõ mối tương quan nội tại giữa tính trách nhiệm và sự minh bạch. Sự nhấn mạnh không chỉ liên quan đến các nhiệm vụ cụ thể (bề trên, thủ quỹ / nhân viên phụ trách, cộng tác viên) mà còn – như đã đề cập ở trên – khả năng truyền đạt các lý do/ động lực vốn hướng dẫn việc quản trị và các quyết định, cũng như cam kết tương xứng  để ứng phó với các vấn đề hoặc các nguy cơ quan trọng có thể phát sinh.

Các quy tắc về tính minh bạch, như được thấy ngày nay, được qui định bởi luật dân sự với cường độ và tầm quan trọng ngày càng tăng để đảm bảo hoạt động chính xác và hợp pháp của bất kỳ thực thể nào, cũng như tính bền vững trong hoạt động kinh tế của các công việc thuộc Dòng tu. Cần phải nói thêm rằng các quy tắc này ngày càng phức tạp và chính xác hơn. Do đó, nó yêu cầu phải có các kỹ năng chuyên môn và các qui trình thích hợp. Điều này không chỉ nên tồn tại ở cấp độ đơn vị hoạt động đơn lẻ, mà còn ở cấp độ phức tạp hơn, ở cấp độ quốc gia và quốc tế.

43. Sự giải trình các sổ sách và báo cáo tài chính giúp nâng cao uy tín của người thực hiện chúng và do đó, làm gia tăng sự tín nhiệm. Và “không có luật lệ thì không thể có sự tín nhiệm”[11], cụ thể là sự tín nhiệm này được hình thành cũng nhờ vào luật lệ mà xác định tính trách nhiệm và kêu gọi sự minh bạch. Vốn liếng của sự tín nhiệm này không thể bị hủy hoại bởi những tình huống hay sự kiện đang làm yếu đi uy tín của các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ trong cộng đoàn Hội Thánh và cả trong dân sự, mà đúng lý ra chúng đã có thể làm cho chứng tá cá nhân và cộng đoàn về sự khó nghèo thánh hiến trở thành “có vấn đề”. Trên thực tế, tính minh bạch trong văn hóa và thực hành là một khía cạnh của sự trung tín với lịch sử của chính mình và trong việc thi hành đặc sủng của lời khấn khó nghèo được qui định bởi luật lệ thích hợp liên quan đến sự phụ thuộc vào cộng đoàn và các hạn mức trong việc sử dụng và phân bố tài sản (x. GL 600). Mối quan hệ giữa việc nhìn nhận sự tín nhiệm và việc áp dụng các kết quả báo cáo về tài chính và ngân sách dẫn đến một kinh nghiệm chung là: càng có sự minh bạch trong quản trị, thì khả năng và sự sẵn có của cả nguồn lực công và tư sẽ càng tăng.

Văn khố

44. Bộ Giáo luật, điều 1283 và 1284, khuyến khích việc bảo tồn có trật tự các tài liệu và quy định, với mục đích đáp ứng cho qui trình thủ tục hành chính và kế toán có hiệu quả, sự chuẩn bị và cập nhật liên tục trong việc kiểm kê tài sản và của cải đã nhận, một danh mục cẩn thận và sự lưu trữ các tài liệu, cụ thể các ghi chép kế toán và chứng khoán để phòng rủi ro. Các văn khố, nếu được quản lý tốt, sẽ là một công cụ hữu ích để thẩm định cho các sáng kiến ​​được thực hiện trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vì vậy, cần phải thiết lập các qui trình thu nhận tài liệu, sắp xếp thứ tự chúng một cách có tổ chức và phân biệt chúng theo chủ đề. Cần phải thông báo cho mỗi vị đảm nhận vai trò quản trị các tài sản Giáo Hội về các trách nhiệm liên quan đến việc lưu giữ tài liệu theo các yêu cầu của Giáo luật.

Bản kiểm kê tài sản phải ghi lại việc thủ đắc, xây dựng, dâng tặng hoặc bất kỳ hành vi dân sự nào khác hoặc hoạt động kinh doanh mà làm tăng thêm tài sản, thay đổi tình trạng hoặc chi tiêu tài sản. Cụ thể hơn, phải được lưu giữ cẩn trọng tất cả các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các bất động sản và động sản.

Các tài liệu dành cho hoạt động kinh doanh có thể giúp trong việc biết được qui trình hành chính của một Dòng tu; cung cấp cho việc lập kế hoạch cân nhắc các nguồn lực một cách đầy đủ; chứng minh các quyền hợp pháp trong trường hợp có tranh chấp; giúp để hoạt động hành chính minh bạch; lưu giữ ký ức lịch sử; và nghiên cứu cách thức mà đặc sủng đã được thực hiện qua thời gian. Về vấn đề này, trong việc lưu trữ của một thực thể thuộc Giáo Hội, đôi khi cần phải, nếu có thể, các hệ thống quản lý dữ liệu đối chiếu với các công nghệ hiện đại. Khi ứng dụng những công nghệ này, chúng tôi khuyên cũng nên giữ một bản sao của các tài liệu có giá trị lớn ở một nơi được bảo vệ riêng biệt, để khi trường hợp tai nạn lớn xảy ra thì không bị mất tất cả các tài liệu ấy[12].

Bốn nguyên tắc của Tông huấn Evangelii Gaudium

45. Dựa trên các tiêu chí mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra cho toàn thể Giáo Hội trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ta có thể xác định một số ghi chú liên quan đến việc quản trị mà được gợi hứng bởi các đặc sủng của các Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ, vốn “có thể hướng dẫn sự phát triển của đời sống trong xã hội và xây dựng một dân tộc mà ở đó các khác biệt được trở nên hoà hợp trong một cố gắng chung”[13].

46. Thời gian thì lớn hơn không gian[14]. Đức Thánh Cha thường đề cập đến “các tiến trình khởi đầu”[15]. Đời sống thánh hiến được kêu gọi để bắt đầu các tiến trình, được gọi tiến đến những kế hoạch mới. “Trong nhiều năm, chúng ta đã bị cám dỗ để tin, và nhiều người đã lớn lên với ý tưởng rằng các Dòng tu nên chiếm lấy không gian hơn là bắt đầu các quy trình, và đây là một sự cám dỗ. Chúng ta phải bắt đầu các quá trình, chứ không được chiếm lấy không gian”[16]. Đặc điểm đầu tiên của tất cả các biểu hiện của một đặc sủng là việc chúng không nhắm đến trước hết yếu tố kinh tế, tìm kiếm không gian quyền lực, nhưng chúng diễn tả một lý tưởng một tầm nhìn vươn xa, một khả năng thấu hiểu nhu cầu của anh chị em, đặc biệt là những người nhỏ nhất, dễ bị tổn thương và tìm cách đáp ứng nhu cầu ấy bằng những phương thế sáng tạo.Nếu đặc sủng vốn bừng cháy trong Dòng lịch sử có thể tượng trưng cho một tiến trình thay đổi về tâm linh, nhân bản, kinh tế và dân sự, thì cần lưu ý rằng quá trình này sẽ diễn ra thông qua sự biểu lộ của một đặc sủng trong hiện tại và theo thời gian lâu dài.

Vấn đề ở chỗ chúng ta phải trân trọng và kiên nhẫn bước theo điểm xuất phát của các quá trình, của việc vươn tầm nhìn ra xa bằng một tầm nhìn của tương lai bất kể những kết quả trước mắt mà dù cho ngay cả cảm thức trách nhiệm và những ý định tốt nhất có thể nghĩ đến, “Không gian – dưới cái nhìn của Thông điệp Lumen fidei – ghìm giữ các qui trình, còn thời gian luôn vươn tới tương lai và thúc giục chúng ta lên đường trong hy vọng”[17].

47. Thực tại thì quan trọng hơn ý tưởng[18]. “Ngày nay, thực tại thách đố chúng ta – Tôi nhắc lại – thực tại mời gọi chúng ta hãy trở thành một chút muối, một chút men […] Một thiểu số những người có phúc, một lần nữa được mời gọi trở nên muối men, đã để mình lớn lên hòa hợp với những gì Chúa Thánh Thần khởi hứng trong trái tim của Đấng sáng lập và trong cả chính trái tim họ. Đó là những gì chúng ta cần ngày hôm nay”[19].

Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại một cách mạnh mẽ và rõ ràng về tầm quan trọng của thực tại. Một ý tưởng là kết quả của một qui trình thuần lý thuyết vốn luôn có nguy cơ rơi vào ngụy biện, tách rời khỏi thực tại. Đôi khi, ngay cả các Dòng tu của chúng ta, qua việc xây dựng những đề xuất hoặc các tài liệu hợp lý và rõ ràng, thậm chí có thể là những thứ rất hấp dẫn, nhưng lại xa rời thực tại và những người mà họ được gửi đến. Trên thực tế, đôi khi, chúng ta để mình bị lóa mắt bởi sự mới mẻ của các sáng kiến hoặc những cơ cấu mới mà quên đi rằng thay đổi quan trọng nhất phụ thuộc vào chúng ta, mong muốn của chúng ta và khả năng để biến nó thành hiện thực. Ý tưởng nhập thể (1 Ga 4: 2) là tiêu chí hướng dẫn của nguyên tắc này.

Các công việc của các Dòng tu tìm lại nguồn gốc của mình qua việc lắng nghe tiếng Chúa đang kêu gọi họ hãy đáp ứng những nhu cầu của những con người thực. Các công việc ấy không nảy sinh từ những hình vẽ trừu tượng trên bàn, nhưng đó là một phản hồi cụ thể trước nhu cầu của những người mà cuộc sống, lịch sử và những khó khăn đã quá quen thuộc với chúng ta. Đặc biệt, khi chúng ta đọc lại nguồn gốc lịch sử của Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ, ta thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa sự khởi hứng của đặc sủng và việc đón tiếp những người hèn mọn, nghèo nàn và kẻ bị loại trừ.

Ngày nay, đời sống thánh hiến được kêu gọi đáp lại những câu hỏi mà lịch sử đặt ra. Điều này thường xảy ra nhờ những kinh nghiệm đơn giản: chúng ta lắng nghe từ cuộc sống, là nơi nảy sinh là những trực giác và là nơi luôn có sự thật hiện diện, và thông qua hành động này, các đề án của chúng ta được hình thành. Cuộc sống luôn là trên hết, đó là một cuộc sống được “lắng nghe và tôn trọng”, cùng với sự hiện diện của lòng khiêm tốn.

48. Toàn thể lớn hơn thành phần[20]. Chúng ta được kêu mời hãy mở rộng tầm nhìn của mình để luôn nhận ra những điều tốt đẹp nhất. Đời sống thánh hiến không thể rút lui vào chính mình, nó không được để mình bị ám ảnh bởi những vấn đề hạn hẹp và đặc thù. Đời sống này phải hiểu rằng điều gì là tốt đẹp nhất thì sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Nguyên tắc này phải được hiểu ví theo hình của khối đa diện với nhiều sự đa dạng. Những khác biệt nội tại này cần được hỗ trợ bởi một nền văn hóa đối thoại cũng giống như con đường nhiều thách đố khi đi tìm ra những mong muốn chung: chúng ta được mời gọi hãy khám phá các liên kết và mối tương quan trên các khía cạnh không đồng nhất ở nhiều cấp độ khác nhau (từ địa phương đến toàn cầu) và trong các trải nghiệm khác nhau trên nhiều khía cạnh (từ vật chất đến tinh thần). Điều này bao hàm việc học cách làm việc cùng nhau, trong các cộng đoàn, giữa các Dòng tu và Tu đoàn, với giáo dân, với tất cả những ai đang tìm kiếm điều thiện hảo.

Đời sống thánh hiến có thể giúp Giáo Hội địa phương mở ra trước sự năng động của sự phổ quát, đồng thời lại có thể giúp chính mình đón nhận tinh thần của Giáo Hội địa phương nơi mình sinh sống và thực hiện công tác tông đồ, nhưng phải tránh rơi vào cám dỗ rằng “thành phần (tức là bộ phận hay tầm nhìn về thế giới nhỏ bé của chúng ta) lại lớn hơn Giáo Hội toàn thể”[21]

49. Hiệp nhất lướt thắng xung đột, khác biệt[22]. Chúng ta được mời gọi đón nhận những xung đột, sẵn lòng để bàn tay mình dính bẩn khi giải quyết thách đố này nhưng không để chúng làm mình mắc kẹt, hầu có thể biến những xung đột trở thành những qui trình mới có thể hỗ trợ cho hiệp thông ngay cả với những khác biệt mà buộc phải chấp nhận như vậy. “Hiệp thông cũng bao gồm việc cùng nhau đối mặt và hợp nhất những câu hỏi cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta, chẳng hạn như cuộc sống, gia đình, hòa bình, cuộc chiến chống đói nghèo dưới mọi hình thức, tự do tôn giáo và giáo dục. Đặc biệt, các Phong trào và Cộng đoàn mới được kêu gọi cùng nỗ lực chung trong việc chăm sóc những người bị tổn thương do tâm lý toàn cầu hóa vốn đặt tiêu dùng làm trung tâm mà bỏ quên Thiên Chúa và những giá trị thiết yếu cho cuộc sống[23].

Tính liên đới, khi được hiểu theo cảm thức sâu xa và đầy thách đố nhất của nó, sẽ trở thành cách kiến thiết lịch sử, một thành phần quan trọng trong nơi mà những xung đột, căng thẳng và đối lập có thể đạt đến sự thống nhất đa chiều vốn có thể tạo nên một cuộc sống mới. Điều này không có nghĩa là nhắm vào chủ nghĩa đồng bộ hóa tất cả, hay hấp thụ cái này vào cái kia, mà là hướng tới một giải pháp ở cấp độ cao hơn, khi có thể giúp chính nó bảo tồn tiềm năng quý giá bên trong các đối cực tương phản.

————————–

Phần IV. CHỈ DẪN HÀNH ĐỘNG

————————–

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015), số 13.

[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 33.

[3] Đức Thánh Cha Phanxicô, Sứ điệp gửi cho các tham dự viên trong buổi Hội nghị quốc tế lần thứ hai với chủ đề: “Với sự trung thành với đặc sủng, tái suy nghĩ về về Kinh tế trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ”, Rôma (ngày 25 tháng 11 năm 2016).

[4] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Thư luân lưu. Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, Rôma (ngày 2 tháng 8 năm 2014), 8, 1.1.

[5] Sđd.

[6] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 203.

[7] X. Sđd, số 91.

[8] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 4; 72.

[9] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội, Roma (ngày 2 tháng 4 năm 2004), Số 167.

[10] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Thư luân lưu. Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, Rôma (ngày 2 tháng 8 năm 2014), 10, 1.2.

[11] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Bản ghi chú của Tòa Thánh về tài chính và sự phát triển trong Hội nghị được tài trợ bởi Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại Doha (ngày 18 tháng 11 năm 2008), Số 3c.

[12] Ủy ban Giáo hoàng về tài sản văn hóa của Giáo Hội, Chức năng của các mục tử trong việc lưu trữ của Giáo Hội, thành phố Vatican (ngày 2 tháng 2 năm 1997).

[13] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 221.

[14] Sđd, số 225.

[15] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các Linh mục và tu sĩ nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Milan, Milan (ngày 25 tháng 3 năm 2017).

[16] Sđd.

[17] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Lumen fidei (ngày 28 tháng 6 năm 2013), số 57.

[18] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 231-233.

[19] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các Linh mục và tu sĩ nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Milan, Milan (ngày 25 tháng 3 năm 2017).

[20] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 234-237.

[21] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các Linh mục và tu sĩ nhân chuyến viếng thăm mục vụ tại Milan, Milan (ngày 25 tháng 3 năm 2017).

[22] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 223-230.

[23] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các tham dự viên Hội nghị Thế Giới về các phong trào của Giáo Hội và các cộng đoàn mới lần thứ III, Rôma (ngày 22 tháng 11 năm 2014).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here