Văn kiện: Kinh tế phục vụ đặc sủng và sứ vụ. Phần II

0
1030

BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

——————–

CÁC HƯỚNG DẪN

QUẢN TRỊ KINH TẾ

HƯỚNG ĐẾN PHỤC VỤ ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

—————–

Phần I. SỐNG LẠI KÝ ỨC VỀ ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO

Phần II. CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA: ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

Hướng đến Vương Quốc tương lai.

22. Chiều kích cánh chung đã định hình đời sống thánh hiến và đồng thời, đại diện cho tính năng động của đời sống ấy, qua lời khẩn nài “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến ! (Kh 22,20). Niềm chờ mong này không hề thụ động : tuy hướng về Nước Chúa sẽ đến, nhưng nó được diễn tả bằng lao động và sứ vụ […] hầu làm cho Nước Chúa hiện diện ngay từ bây giờ […] Ðời thánh hiến có nhiệm vụ chiếu toả mãi mãi vinh quang Thiên Chúa, khi mọi phàm nhân được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”[1]. Lời cầu nguyện Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến ! luôn đi kèm với lời cầu xin rằng: Nước Cha trị đến (Mt 6,10)[2]. Hiện tại và vĩnh cửu không còn phân biệt trước và sau nhưng tất cả đều được gắn kết cách mật thiết, đức tin “kéo tương lai về với hiện tại đến mức tương lai không còn đơn thuần là một điều gì đó “chưa đến”. Sự kiện là tương lai này đang hiện hữu thì thay đổi hiện tại; hiện tại này được thực tại trong tương lai tác động đến, và vì thế những gì của tương lai tuôn trào vào những gì của hiện tại và những gì của hiện tại tuôn trào vào những gì của tương lai.”[3]

Vì vậy, mối tương quan giữa đặc sủng và viễn cảnh về tương lai cấu hành nên sứ vụ của các Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ[4], những người được kêu gọi để sống đặc sủng của mình trong “sự trông đợi những gì sẽ đến từ viễn ảnh của một hồng ân đã được trao ban”[5]. Xây dựng một tầm nhìn về tương lai, kể cả trong khía cạnh quản lý của công việc này, chính là bổn phận của mỗi Dòng tu. Đây là một cam kết trung thành để khẳng định sự hiện diện của Nước Trời ở đây và ngay lúc này: một tiến trình phân định về Giáo Hội đối với các công việc mà nhờ đó ta có thể gặp gỡ Nước Trời.

23. Do đó, các công việc này không nên được đồng hóa với sứ vụ: nó thiết lập phương thức mà trong đó sứ vụ được tự tỏ lộ, dự đoán trước nhưng lại không làm cạn kiệt hay đóng khung định nghĩa về phương thức ấy. Khi điều đó xảy ra – như nó đã từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ – thì kết quả nghịch lý chính là không thể có được một tương lai nào cho các công việc này. Các công việc có thể thay đổi trong khi sứ vụ vẫn trung thành với hứng khởi đặc sủng thời ban đầu, tức là được làm cho nhập thể vào chính giây phút hiện tại”; sứ vụ phải được kết hợp với cuộc hành trình của Dân Thiên Chúa trong lịch sử[6] và những ai vẫn đang hoạt động trong sứ vụ của Hội Thánh phải nhận ra điều ấy nhờ việc luôn lắng nghe đến tiếng nói của Thánh Thần. Trong những điều kiện này, đặc sủng và các công việc diễn tả đặc sủng ấy phục hồi được khả năng làm cho đặc sủng mở ra trước tương lai. Nếu không, ngay cả những công việc sáng tạo nhất cũng chỉ đưa ra những đáp án tức thì, hiệu quả nhanh chóng, nhưng lại không thể mở ra khả năng ngôn sứ và cuối cùng, thiếu tính Tin Mừng hơn.

Thật vậy, sứ vụ này trên thực tế không thể tách giữa hai nhiệm vụ sequela Christi (Theo Chúa Kitô) và phục vụ trẻ em, người nghèo. Vì được sinh ra từ trong một kinh nghiệm cụ thể đến từ Thần Khí, vốn trình bày và làm sâu sắc hơn mầu nhiệm của Chúa Kitô trong Hội Thánh, thế nên sứ vụ đích thực phải giữ được một chiều kích thần bí. Nếu thiếu đi sự kết nối giữa sứ vụ xuất phát từ đặc sủng và công việc, thì công việc chỉ dừng lại ở chiều kích của sự chuyên nghiệp, của các kỹ năng chứ không có được chiều kích của một cuộc sống thực sự, của tình yêu và của chiều sâu nữa.

Về vấn đề này, những giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy một cách nhìn xa hơn. Những lời của ngài mời gọi một sự thấu hiểu về chứng tá cho đặc sủng của cá nhân và của cộng đoàn mà tự bản chất những chứng tá có thể nhìn vượt xa hơn, thấy và đọc dưới cái nhìn của Chúa về những gì đang xảy ra: “Tương lai của chúng ta được đặt dưới cái nhìn của Chúa. Chúng ta cần một ai đó, nhờ để mình hòa vào nhiều hơn trong cánh đồng rộng lớn của Thiên Chúa chứ không bó hẹp trong cách đồng chật chội của mình, mà họ có thể đảm bảo với chúng ta rằng những gì mà con tim của chúng ta đang khao khát không phải là một lời hứa viển vông”[7].

Cái nhìn vượt xa hơn: sự phân định

24. Sự đối chiếu đặc sủng với chiều kích lịch sử sẽ dẫn tới sự phân định; nó cho phép chúng ta nhìn với cái nhìn của Thiên Chúa. Đây chính là một kỹ năng để giúp cho ta biết cách thức để nhìn được vấn đề dưới nhiều con mắt khác nhau, một kỹ năng để thấy những thứ mà người khác không thể thấy. Đặc sủng cho phép ta thấy được khả năng ở những nơi mà người khác chỉ thấy được sự thiếu hụt.

Sự phân định giữ cho khả năng này để có thể biết được chiều dài trong cánh đồng của Thiên Chúa, cũng như ngăn cho những thứ nhỏ nhặt –là khu vườn hạn hẹp mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói –  khỏi chiếm vị thế tuyệt đối và cuối cùng những cái lớn lao trở nên tương đối hoặc thậm chí không được tồn tại. Cái nhìn của Chúa, vì thế, chuyển dịch một nhận thức nhất định về lịch sử mà kết nối những vấn nạn xuất phát từ kinh nghiệm con người, kinh tế và quản trị với vấn nạn căn bản nhất của đức tin. Trong vấn đề này, sự xác quyết của Evangelii Gaudium là rõ ràng: “Chúng ta cũng lưu ý không bao giờ nên trả lời những câu hỏi mà không ai hỏi”.[8]

Hơn thế nữa, người ta thấy rằng “các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh”[9]. Đây cũng là một tiêu chí không thể tránh được trong cách thức quản trị và điều hành các tài sản của các Dòng tu, mà đôi lúc dường như là một sự cứng nhắc của cá nhân trong các trách nhiệm và tầm nhìn tương ứng và không thể giữ được một khả năng để khắc phục những phương pháp kém hiệu quả và định hướng lỗi thời.

25. Cái nhìn xa hơn tìm cách làm nổi bật một kế hoạch, hay có thể nói, một kinh nghiệm tâm linh và của Hội Thánh vốn được hình thành cách từ từ rồi được tiến triển vào những khái niệm cụ thể, và cả trong những hành động thực tế nữa. Đây không phải là một cách nhìn tiên thiên, vốn hướng đến một loạt những ý tưởng và nội dung đã được định hình sẵn, nhưng đó là một kinh nghiệm trong thời gian, nơi chốn và con người cụ thể (như đòi hỏi của thánh Inhaxiô Loyola) và vì thế, không là những sự trừu tượng của ý thức hệ. Do đó, nó trở thành một tầm nhìn về tương lai mà không áp đặt chính mình vào lịch sử qua việc cố gắng sắp xếp lịch sử dựa theo sự phù hợp của riêng mình, nhưng thay vào đó, biết đối thoại với thực tại, làm cho nó trùng khớp với lịch sử nhân loại và diễn ra trong thời gian. Như vậy, một con đường được hình thành, một hành trình được bắt đầu nhờ sự bước đi.

Một tầm nhìn rộng mở đồng thời cũng có nghĩa để chính ai đó nhìn lại một lần nữa thực tại xung quanh họ, làm cho ai đó thấy được vấn nạn về thực tại, và nhìn vào chính mình không qua những câu hỏi mà nó đã gợi lên. Điều này cho phép đời sống thánh hiến trong các chọn lựa của mình đối với sứ vụ và sự quản trị các công việc của mình được phù hợp với cái nhìn của tầm nhìn ấy xét về bản chất.

Chúa Thánh Thần, nguồn vĩnh cửu của mọi đặc sủng, là sự thông hiệp tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Điều này vén mở qua một chuyển động kép của Thánh Thần, ad intra (hướng vào trong)ad extra (hướng ra bên ngoài): sự đối thoại và tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, Đấng là Sự Hiện Điện của Tình Yêu Thiên Chúa trong lịch sử. Động cơ này trở thành nguồn phát soi dẫn đời sống thánh hiến: sự duyệt xét mỗi ngày đối với nhiệm vụ làm cho sự mới mẻ của đặc sủng luôn hiện diện trong lịch sử. Thế nên, mối tương quan với lịch sử trở nên cần thiết đối với sức sống của đặc sủng. Đây đã từng và vẫn tiếp tục có được hiệu quả tới mức mà nó làm đặc sủng ấy này trở thành động cơ bên trong của nó. Nhờ đó, người tu sĩ mang đến cho thế giới đang thay đổi một Tình Yêu chẳng bao giờ đổi thay.

Thiết lập kế hoạch

26. Khả năng vững bền trong tương lai của một đặc sủng luôn bị thách thức bởi sự thay đổi toàn cầu đang diễn ra với tốc độ rất nhanh (như thay đổi về xã hội – kinh tế, chính trị hay pháp luật …). Đây chính là bằng chứng cho thấy tính phức tạp của các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, bao gồm cả sự phức tạp trong cách quản trị. Trong khía cạnh này, rất khó để mong đợi có được những quyết định ngay tức khắc. Một cách thực tế hơn là chúng ta cùng nhau xem xét những chỉ dẫn nào có thể đứng vững trong tương lai gần, miễn là chúng không tự giới hạn mình vào khu vườn hạn hẹp của chúng ta. Vấn đề không chỉ giới hạn vào việc duy trì các công việc diễn tả đặc sủng, nhưng mở rộng đến ý nghĩa xã hội và Giáo Hội của chúng, hoặc, nói cách khác, hiệu quả Tin Mừng của chúng.

Để được như vậy, điều cấp bách là có một tâm thức về việc thiết lập kế hoạch. Điều này, trước hết, dẫn đến một cách thức tiến hành và sự phát triển các công cụ có thể dự đoán, phác thảo và hướng dẫn sự thay đổi và tăng trưởng trong các giao dịch hằng ngày, ngõ hầu cung cấp cho mọi người, các cộng đoàn và các công trình khả năng nhìn xa hơn, giải thích thế giới và những đòi hỏi hiện tại. Nó bao gồm việc phát triển các chiến lược và các kỹ thuật phân tích, để đánh giá tính khả thi của một công việc, nâng cao sự hiểu biết của nhà Dòng về các đề án và công việc đã thực hiện trong quá khứ, cũng như có sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài, cố gắng học hỏi những phương pháp thực hành hiệu quả của các Hội Dòng khác, tập hợp các kỹ năng và khả năng làm việc trong một mạng lưới. Tâm thần lên kế hoạch bắt đầu từ những kinh nghiệm thiêng liêng của Giáo Hội và từ đó, nó làm cho tầm nhìn tương lai của một Dòng tu thực tế hơn nhờ một kế hoạch hoạt động có tính chiến lược mà sử dụng các phương pháp tiếp cận đã được chia sẻ.

27. Cần phải nỗ lực hơn nữa để hành trình đã thực hiện trong những năm gần đây có thể làm cho chiều kích đặc sủng trong các công việc và sự quản trị của các Dòng tu trở nên rõ ràng hơn. Gần đây, một vài Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, đúc kết từ lịch sử lâu đời của mình, đã phát triển những tài liệu mang chiều kích đặc sủng có sức lôi kéo vốn có thể tìm thấy nguồn gốc của mình trong thực tế đang sống. Những tài liệu này đề xuất việc đọc lại những tiêu chuẩn pháp lý và quản trị gắn liền với công việc của các Dòng tu, trong ánh sáng của những yếu tố nền tảng của đặc sủng sáng lập. Những tài liệu này đã cấu trúc lại những yếu tố với một tầm nhìn có hệ thống, mang lại định hướng cho các công tác phục vụ kinh tế, quản trị và tài chính. Việc tái cấu trúc này cũng được thực hiện rõ ràng trong một số kết quả cơ bản vốn diễn tả được chính đặc sủng của Dòng tu. Chẳng hạn, các kết quả tìm cách xác minh sự hiện diện của tinh thần sống diakonia (phục vụ) bác ái trong chứng tá sống động của những giá trị đặc sủng của Hội Dòng, cũng như trong những mục tiêu và các kết quả mong đợi. Các tài liệu kể trên – thường là kết quả của việc biên chỉnh kiên nhẫn và tốn nhiều công sức – có thể được các đón nhận bởi các Hội Dòng đời sống thánh hiến khác. Việc chia sẻ các kinh nghiệm và hiểu biết là điểm khởi đầu hữu ích cho các quá trình phân định liên quan đến việc tái tổ chức các công việc sao cho “bảo vệ được cảm thức đặc sủng của mỗi Dòng tu”[10].

Các đặc sủng: ý nghĩa đối với Giáo Hội

28. Trong viễn tượng hướng về tương lai, ý nghĩa của đặc sủng có nghĩa là diễn tả chiếu kích Giáo Hội. Đây là chiều kích được Đức Thánh Cha Phanxicô rất nhấn mạnh : đặc sủng “có mục đích canh tân và xây dựng Hội Thánh, Các đặc sủng không phải là một di vật được cất giữ an toàn và được uỷ thác cho một nhóm nhỏ để cất giữ; đúng hơn, chúng là những ân huệ được Chúa Thánh Thần tháp nhập vào thân thể Hội Thánh […] Một dấu hiệu chắc chắn về đặc sủng đích thực là đặc tính Giáo Hội của nó, khả năng nó kết hợp hài hoà vào đời sống của dân thánh trung thành của Thiên Chúa vì lợi ích của mọi người. […] Một đặc sủng càng được qui hướng nhiều về tâm điểm của Tin Mừng bao nhiêu thì việc thực thi đặc sủng ấy sẽ càng có đặc tính Hội Thánh nhiều hơn”[11].

Hai khía cạnh rất đáng được nhấn mạnh. Đặc sủng không phải là một di vật được cất giữ an toàn. Dấu chỉ đích thực của bản chất Giáo Hội trong đặc sủng chính là “khả năng nó kết hợp hài hoà vào đời sống của dân thánh trung thành của Thiên Chúa”[12].

Giữ cho đặc sủng luôn sống động bao gồm việc bảo tồn cách cẩn trọng bản chất Giáo Hội của ân huệ này: một đặc sủng được đổi mới qua Dòng thời gian để có thể đóng góp cho việc xây dựng Hội Thánh![13].

29. “Sứ mạng của đời thánh hiến thì rất phổ quát, và nhiều Dòng tu mang một sứ mạng toàn cầu, nhưng sứ mạng này cần được nhập thế vào trong những tình huống ở các khu vực cụ thể”[14]. Thật vậy, các tài sản của các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ không chỉ có ý nghĩa bên trong bối cảnh của Hội Thánh địa phương. Bên cạnh đó, qua thời gian, việc sử dụng các tài sàn này luôn hữu dụng đối với chiều kích hoàn vũ của sứ vụ trong Hội Thánh: từ giải quyết các hình thức nghèo đói, tới các đề án liên đới trong các khu vực truyền giáo, và, cũng không thể quên: trong việc huấn luyện các ứng sinh của Dòng và cả chăm sóc những thành viên lớn tuổi.

Tuy nhiên, đời sống thánh hiến cuãng là một phần trong gia đình Giáo Phận[15]. Vì lý do này, quyền tự trị chính đáng – mà bổn phận của Bản quyền địa phương là tôn trọng và bảo vệ quyền ấy (x. GL 586 § 2) – không thể bỏ qua kế hoạch mục vụ của Giáo phận hoặc lẩn tránh tham khảm ý kiến trước với Giám Mục, trước khi tiến hành quá trình tạm ngưng các công việc. “Ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải hoàn thiện một quyền tự trị chính đáng và miễn trừ, trong các Dòng tu có quyền hạn này, trong mối tương quan chặt chẽ với thâm nhập, để sự tự do mang chiều kích đặc sủng và tính công giáo của đời sống Thánh Hiến được diển tả trong bối cảnh ở mỗi Giáo Hội cụ thể. Sẽ không đáp ứng đầy đủ được những gì Chúa Giêsu mong muốn cho Giáo Hội của Ngài, nếu Giáo Hội bị mất đi đời sống tận hiến, vốn là một phần của cấu trúc căn bản của Giáo Hội, cũng giống như vị trí của giáo dân và giáo sĩ vậy. Với lý do này, trong ánh sáng của Công đồng Vaticanô II, hôm nay chúng tôi nói đến tính đồng yếu tính  của hệ thống phẩm trật và đặc sủng (x. LG 4), tất cả đều xuất phát từ một Thần Khí của Thiên Chúa và được nuôi dưỡng trong đời sống và hoạt động sứ vụ của Giáo Hội”[16].

30. Các Giám Mục giáo phận, về phần mình, được kêu gọi hãy tôn trọng các tu sĩ như là “một ký ức sống động về lối sống và hành động của Ðức Giê-su”[17], thay vì đánh giá họ theo chức năng và hữu dụng. Các Giám mục nên phát triển một sự hiểu biết tốt hơn về tính phổ quát trong sứ vụ phục vụ của các tu sĩ nam nữ và phát triển sự cộng tác với họ. “Các mục tủ được kêu gọi tôn trọng, không được thao túng, tính đa chiều cấu thành nên Giáo Hội và qua đó Giáo Hội thể hiện chính mình”[18].

Bắt đầu từ quan điểm thần học về sự hiệp thông là điều cần thiết hầu giúp cho sự hiểu biết toàn diện về sự cởi mở hướng đến Giáo Hội hoàn vũ, và đồng thời, nhu cầu và cam kết cộng tác với Giáo Hội địa phương. Khi sự hiệp thông không được là điều giả định trước hết trong mọi mối tương quan của Giáo Hội, chúng ta có nguy cơ rơi vào một thứ logic của sự tranh chấp. Do đó, cần phải thúc đẩy các mối tương quan dựa trên nguyên tắc hiệp thông đặt nền tảng trên tình huynh đệhợp tác với nhau.

Các đặc sủng: khả năng hòa nhập

31. Tình yêu huynh đệ là khái niệm then chốt diễn tả tốt trọn vẹn nhất sự đóng góp đích thực của đời sống thánh hiến đối với việc xây dựng Giáo Hội. Thật vậy, các đặc sủng bày tỏ tính xác thực của Phúc âm qua tình huynh đệ, và bên trong đời sống của các cộng đoàn. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo hối thúc chúng ta tìm ra cách thức để đưa tình huynh đệ này vào thực tiễn cuộc sống như là nguyên tắc hướng dẫn cho các quyết định kinh tế của chúng ta. Trong khi các lối suy nghĩ khác chỉ nói tới sự liên đới, thì Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo đề cập tới tình huynh đệ, bởi một xã hội huynh đệ thì luôn có tính liên đới chứ không luôn luôn ngược lại, như đã được kiểm chứng qua nhiều kinh nghiệm.

Tình huynh đệ, vì thế, là “một cách sống, đưa đến khả năng cùng chung sống với mọi người và trở thành cộng đoàn. Đức Giêsu nhắc nhớ chúng ta, Thiên Chúa là Cha chung của mọi người và điều này đã khiến tất cả chúng ta trở thành anh em, chị em với nhau. Tình huynh đệ phải là nhưng không và không ai phải trả giá cho điều kẻ khác thực hiện, cũng không phải một tiên liệu mà chúng ta mong chờ nơi người ấy”[19]. Trong cảm thức này, “chúng ta phải lấy lại sự xác tín rằng chúng ta cần đến nhau; chúng ta phải có trách nhiệm đối với kẻ khác và với thế giới”[20].

Tính trách nhiệm cũng có nghĩa là tham gia vào việc xem xét sự quản trị theo một cách thức mới mà có thể tôn trọng và thúc đẩy những nỗ lực của Giáo Hội địa phương.

Đây là một cách thức hoạt động mà người ta đạt được thông qua một cuộc đối thoại chung và sự xây dựng bộ tiêu chí đối hướng đến sự bảo vệ và quảng bá gia sản của Giáo Hội. Gia sản này vượt xa những bất động sản và bao hàm các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, sự chuyên nghiệp mà phát triển được tính tông đồ cả về mức độ lớn bé hay trong cả quá khứ và hiện tại: một lịch sử cho thấy được những nhu cầu và sự quan tâm của các Giáo Hội địa phương.

32. Ngày nay, người ta không còn có thể suy nghĩ một cách riêng rẽ, như thể những vấn đề nảy sinh trong việc quản trị các công việc chỉ là vấn đề của các Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ. Ở đây, chúng tôi nêu bật một tình huống có thể hiểu được theo chiều kích lịch sử: các tu sĩ luôn nói về công việc “của chúng ta” và Giáo Hội tại địa phương thì coi những công việc ấy là những “công việc của các tu sĩ”.

Trong bối cảnh Giáo Hội ngày nay, ta phải thay đổi cách suy nghĩ: cùng với các thành phần khác của Giáo Hội, chúng ta cam kết tìm kiếm các giải pháp khả thi mà có thể đảm bảo chiều kích Giáo Hội trong các công việc của chúng ta, cũng như chú tâm tới vấn đề cụ thể là duy trì sự giám sát tốt. Vì vậy, hành trình hoán cải, nói tóm lại, là một hành trình mang tính hiệp thông. Tương lai của các công việc này liên hệ đến chúng ta như là Giáo Hội và hơn thế nữa, phải được giải quyết như là Giáo Hội.

Năng lực hội nhập chính mình vào Giáo Hội là điều cơ bản để những công việc được tạo ra có thể đáp ứng các nhu cầu của mọi người. Ngày nay, vấn đề hội nhập đã chuyển thành cùng nhau làm việc: “Nó truyền cảm hứng cho mọi người hợp tác, chia sẻ, và chuẩn bị một nền tảng tương quan được điều hướng bởi một ý thức trách nhiệm chung. Con đường này mở ra cho các đồng truyền giáo với những chính sách mới, con đường mới và thái độ mới. […] “Cùng nhau làm việc” có nghĩa, trên thực tế, không để các công việc dựa trên một tài năng riêng biệt của một cá nhân, nhưng được điều hướng bởi sự đồng hợp tác của nhiều người. Nói cách khác, nó có nghĩa là “tạo ra một mạng lưới” để tận dụng những ân huệ mà mọi người đã lãnh nhận, tuy nhiên, không được bỏ qua sự độc đáo riêng biệt của mỗi người. […] Việc thực hiện những bước đi can đảm này để có thể “sống và làm việc cùng nhau” không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là một chương trình của hiện tại và tương lai”[21]. Lời kêu gọi cộng tác này cũng hướng đến các Dòng tu và tu đoàn những người được hối thúc “mạnh dạn ra khỏi biên cương của Dòng mình, để cùng nhau thảo hoạch những dự án chung về đào tạo, loan báo Tin mừng, hoạt động xã hội, ở cấp địa phương và hoàn vũ”[22].

33. Cùng nhau làm việc cũng bao gồm hành động cộng tác và chia sẻ trong việc thảo kế hoạch, quản trị, tư duy, văn hóa và các thủ tục, mà nếu được thực hiện đúng cách, hành động này có thể đảm bảo sự ổn định của nhiều công việc, cũng như hiệu quả truyền giáo và tính bền vững về mặt kinh tế trong các công việc này; tính hiệu quả là chứng tá cho Tin mừng của tình bác ái; tính bền vững vén mở một Giáo Hội kiến tạo mạng lưới của tình liên đới để thúc đẩy các công việc phục vụ có chất lượng tốt.

Một mạng lưới của sự liên đới được duy trì không chỉ bởi tiêu chí chất lượng của những công việc được thực hiện, nhưng trên hết là bởi tính khả tín của nó. Đây chính là một gia sản về các giá trị mà chúng ta mong muốn kết nối: Khả tín, sự tin cậy, sự gắn kết và tính nhất quán của một tầm nhìn trong việc lập kế hoạch và quản trị; chuyên nghiệp, biết chú tâm và cởi mở để học hỏi nhưng không chỉ vì thành quả hoặc tính hiệu quả; và kinh nghiệm, nhận thức về các kết quả trong quá khứ, nhưng đồng thời mở ra với sự đổi mới và sáng tạo.

Tính khả tín tái cấu trúc phẩm trật của các ưu tiên và vì thế của cả tầm quan trọng trong việc nhận ra nhau và cách thức sống tương quan với nhau. Ngày nay, chúng ta phải đầu tư một nền văn hóa của các mối tương quan trong Giáo Hội nhiều hơn. Những tương quan này luôn tìm cách đảm bảo rằng các thành viên vẫn đóng góp vào hoạt động của chúng ta với nhận thức rằng phần lớn người tham gia được kể trong các tình huống của chúng ta hơn là việc chỉ chúng ta được tham dự vào thực tế hội nhập này.

—————-

[1] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 27.

[2] X. Sđd

[3] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi (ngày 30 tháng 11 năm 2007), số 7.

[4] X. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 27.

[5] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thông điệp Spe Salvi (ngày 30 tháng 11 năm 2007), số 9.

[6] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 130.

[7]Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn trong liên hiệp Hội Đồng các Giám Mục, Rôma (ngày 27 tháng 2 năm 2014), số 1.

[8] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 155.

[9] Sđd, số 27.

[10] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 63.

[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Evangelii Gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 130.

[12] Sđd.

[13] X. Sđd, số 130-131

[14] Bộ Đời Sống Thánh Hiến Và Các Tu Đoàn Tông Đồ, Thư luân lưu. Hướng dẫn việc quản trị tài sản trong các Dòng tu và Tu đoàn Tông Đồ, Rôma (ngày 2 tháng 8 năm 2014). 16,2.1

[15] X. Thánh Bộ Tu Sĩ và Giáo Sĩ – Bộ Giám Mục, Tiêu chí hướng dẫn về mối tương quan giữa Giám Mục và các Tu sĩ trong Hội Thánh Mutuae Relationes, Rôma (ngày 14 tháng 5 năm 1978), số 18.

[16] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các tham dự viên Hội nghị dành cho các Tổng đại diện và vị đại diện Giám Mục đặc trách Đời sống thánh hiến, Rôma (ngày 28 tháng 10 năm 2016), số 1. X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Văn Thư Iuvenescit Ecclesia về tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, Rôma (ngày 15 tháng 5 năm 2016), số 10.

[17] Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu thượng Hội Đồng, Vita Consecrata (ngày 25 tháng 3 năm 1996), số 22.

[18] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các tham dự viên Hội nghị dành cho các Tổng đại diện và vị đại diện Giám Mục đặc trách đời sống thánh hiến, Rôma (ngày 28 tháng 10 năm 2016), số 1.

[19] Đức Thánh Cha Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (ngày 24 tháng 5 năm 2015), số 228.

[20] Sđd, 229.

[21] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn dành cho các nhà doanh nhân đang có cuộc gặp mặt tại Tổng liên đoàn Công nghiệp Ý (Confindustria), Rôma (ngày 27 tháng 2 năm 2016).

[22] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông thư gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, Rôma (ngày 23 tháng 11 năm 2014), số 2.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here