Thần bí và Ngôn sứ – Truyền thống Đa Minh: Dẫn Nhập

0
786

Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh

Richard Woods O.P.

Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.

————————

Giới thiệu

Để kỷ niệm lễ khấn dòng vào dịp 800 năm thánh Đa Minh tạ thế, anh em sinh viên lớp thần I niên học 2020-21 đã dịch cuốn sách Mysticism and Prophecy. The Dominican Tradition của linh mục Richard Woods O.P., do nhà xuất bản Orbis Books, New York phát hành năm 1998.

Tác phẩm này nằm trong loạt sách “Traditions of Christian Spirituality”, nhằm giới thiệu vắn tắt những truyền thống tâm linh Kitô giáo. Tác giả là giáo sư tại Dominican University River Forest và Loyola University Chicago, chuyên nghiên cứu về lịch sử thần học tâm linh thời Trung đại, đặc biệt là Meister Eckhart.

A. Linh đạo Đa Minh: thần bí và ngôn sứ

Có nhiều cách để trình bày linh đạo của Dòng Đa Minh, chẳng hạn như dựa theo những châm ngôn cổ điển: “Contemplata aliis tradere” hoặc “Laudare – benedicare – praedicare”. Tựa đề “Thần bí và Ngôn sứ”, tuy phần nào cũng tương đương với phương châm “Chiêm niệm và hoạt động”, nhưng muốn gợi lên một vài khía cạnh tranh cãi về căn tính Kitô giáo trong lịch sử các tôn giáo.

1) Vào đầu thế kỷ XX, hai nhà thần học và sử học thuộc Giáo hội Luther, Nathan Sӧderblom (Der lebendige Gott im Zeugnis der Religionsgeschichte, Mȕnchen 1942) và Friedrich Heiler (Die Bedeutung der Mystiker fur die Weltreligionen, Mȕnchen 1919) đã phân chia các tôn giáo trên thế giới thành hai nhóm: “huyền bí” (mystic religions) và “ngôn sứ” (prophetic religions). Họ cho rằng huyền bí là đặc tính của các trào lưu tôn giáo Hy lạp cổ đại hoặc các tôn giáo bên Á châu, hoàn toàn trái ngược với Kitô giáo, bởi vì là tôn giáo ngôn sứ (cũng như Do thái giáo). Việc đối chọi này được nhấn mạnh cách triệt để hơn nơi Karl Barth (Der Romerbrief, Zurich 1923) và Emil Brunner (Die Mystik und Das Wort, Tubingen 1928),

2) Giáo hội Công giáo vốn chấp nhận sự hiện diện của truyền thống thần bí ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Tuy vậy, cũng vào đầu thế kỷ XX, một cuộc tranh luận lại nảy lên giữa cha Augustin Poulain S.J. và cha Augustin Saudreau liên quan đến ơn gọi thần bí của Kitô hữu: theo Poulain (và các cha Dòng Tên), ơn gọi thần bí chỉ dành cho một thiểu số; ý kiến thứ hai (được sự ủng hộ của các cha Dòng Đa Minh) cho rằng đời sống Kitô hữu tự nó hướng đến sự kết hiệp thần bí.

3) Từ thời Trung cổ, các dòng tu thường được phân chia thành hai nhóm: “chiêm niệm” và “hoạt động”, chứ ít ai nói đến các dòng “thần bí” và “ngôn sứ”. Tác giả cuốn sách này muốn du nhập các từ ngữ này để giới thiệu linh đạo của Dòng Đa Minh, thậm chí nhấn mạnh đến chiều kích thần bí hơn là chiều kích ngôn sứ.

Thực ra không thiếu lần các cuộc tranh luận vừa nêu bắt nguồn từ những cách hiểu khác nhau về từ ngữ ngay trong các ngôn ngữ Âu châu, và sự khó khăn lại càng tăng lên khi chuyển dịch sang tiếng Việt. Vì thế thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại những nghĩa khác nhau của cùng một từ ngữ.

 Mysticism có thể dịch là “thần bí, huyền bí, huyền nhiệm, huyền đạo, mật đạo”, đôi khi ám chỉ một cảm nghiệm sâu xa về sự kết hợp với Thiên Chúa, đôi khi  ám chỉ một hiện tượng diễn tả sự kết hiệp ấy (chẳng hạn như: ngất trí, mang dấu tích). Trong sách này, tác giả muốn nói đến “ngôn ngữ” diễn tả cảm nghiệm ấy. Bởi vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt ngàn trùng, đang khi trí tuệ và ngôn ngữ bất toàn của con người không thể nào diễn tả được. Chỉ có một lối tiếp cận an toàn nhất là “thinh lặng” và “khát khao”.

Prophecy trước đây được dịch là “tiên tri”, nhưng ngày nay được dịch là “ngôn sứ”. Trong nguyên ngữ Hy-lạp, prophetes không có nghĩa là “biết trước” nhưng là “nói thay”. Có điều là việc nói thay không chỉ được thực hiện bằng lời nói mà còn bằng chứng tá đời sống.

Không có gì khó khăn khi áp dụng đặc tính “ngôn sứ” cho Dòng Đa Minh, bởi vì Dòng được thiết lập để rao giảng Lời Chúa (Ordo Praedicatorum). Nhưng có thể gọi là một Dòng “thần bí” không? Nếu ai gán đặc tính “chiêm niệm” cho Dòng Đa Minh thì đã thấy chướng tai rồi, phương chi là nói đến “thần bí”! Tốt hơn nên dành đặc tính này cho Dòng Cát-minh nổi tiếng với các thánh Têrêsa Avila hoặc Gioan Thánh giá; cùng lắm chỉ nên áp dụng cho “luồng thần bí” của ba tu sĩ thuộc trường phái sông Rhin: Eckhart, Tauler, Suso. Thế nhưng tác giả sách này muốn mở rộng chiều kích thần bí cho toàn bộ truyền thống Đa Minh. Cách riêng về “ngôn ngữ thần bí”, tác giả muốn trưng ra ba khuôn mẫu điển hình: Tôma Aquino, Eckhart, Catarina Siena, còn chiều kích “ngôn sứ” nổi bật nơi Catarina hơn là ở hai vị kia.

B. Bố cục

Cuốn sách gồm tám chương.

1/ Trong chương Một, tác giả giới thiệu Dòng Đa Minh cũng như linh đạo của Dòng, và lưu ý rằng có nhiều nguồn dữ liệu trong linh đạo này. Đồng thời tác giả cũng nêu lên một vài đặc tính cốt yếu của đời sống Đa Minh: đơn sơ, cầu nguyện, học hành, truy tầm Chân lý, nghèo khó tinh thần, chiêm niệm, được diễn tả qua việc tham gia vào sứ vụ giảng thuyết của Chúa Kitô.

2/ Sang chương Hai, tác giả lượt qua những nhân vật nổi danh vào thời buổi đầu tiên của Dòng: cha thánh Đa Minh, chân phước Giorđano người kế vị đấng sáng lập, Reginaldo Orleans, Hugues de Saint Cher, Humbertô Romanô, Tôma Aquinô, Meister Eckhart, và Albertô Cả.

3/ Trong chương Ba, tác giả đi vào đề tài “thần học phủ định”, nghĩa là bàn về Thiên Chúa như là “tối tăm”, “vô tri”, và những hình thức tiêu cực như là : vô, không, bất.. khởi đi từ Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước), tiếp nối qua các giáo phụ như Augustinô, Clementê, Origen, Gregoriô Nyssa, Gregoriô Nazianzenô, Lêo Cả, Đionysiô, Gioan Scottus, Gioan Sarracenus, Columbanô, Gioan Đamascô.

Ba chương Bốn, Năm, Sáu có thể coi như cốt lõi của tác phẩm, khi đề tài “thần bí và ngôn sứ” được phân tích ở ba tác giả điển hình: Tôma Aquinô, Meister Eckhart, Catarina Siena.

4/ Thật vậy, độc giả có thể ngỡ ngàng khi thánh Tôma Aquinô được gọi là “lãnh tụ của thần học thần bí” (the Prince of mystical theology), và là “điển hình cho đặc sủng và linh đạo Đa Minh”. Tác giả chứng tỏ điều này qua việc mô tả cuộc đời của thánh nhân, dấn thân vào việc học hành và chiêm niệm, và cách riêng đến “linh đạo” của ngài, nghĩa là đời sống cầu nguyện, cách thức diễn tả Thiên Chúa, qua những đường lối “biết và không biết” (chương bốn).

5/ Chương Năm trình bày cuộc đời và tư tưởng Meister Eckhart, một người được biết đến nhiều nhất trong giới nghiên cứu thần bí kể cả bên ngoài Kitô giáo. Đặc trưng của nhân vật này là sử dụng những thuật ngữ “sự hư vô của Thiên Chúa”, hoặc sự “dứt bỏ triệt để”. Tác giả cũng giới thiệu thêm các nhân vật thuộc “trường phái sông Rhin” mà Meister Eckhart vốn được coi như thủ lãnh.

6/ Chương Sáu trình bày thánh Catarina Siena, một nhà chiêm niệm sâu xa và đồng thời cũng là một người dấn thấn hết mình cho cuộc canh tân Giáo hội và giúp đỡ người nghèo khổ; thánh nữ vừa hăng say bảo vệ công lý lại vừa tỏ lòng trắc ẩn với tha nhân.

7/ Sau khi đã dừng lại ở ba nhân vật chính, chương Bảy nói đến những người chịu ảnh hưởng của Eckhart, kể cả bên ngoài Dòng Đa Minh, chẳng hạn như Henry Suso, John Tauler, trường phái nước Đức, Đám mây vô tri, Jan van Ruysbroeck, Nicola Cusa.

8/ Chương Tám lướt qua ảnh hưởng của Catarina Siena đối với công cuộc cải tổ Giáo hội và Dòng Đa Minh. Cuốn sách kết thúc với việc nhìn lại ý nghĩa của con đường phủ định đối với việc tìm kiếm Thiên Chúa.

Ngay từ đầu, tác giả nhìn nhận rằng không thể tóm tắt linh đạo Đa Minh vào phương thức “thần bí và ngôn sứ”, lại càng không thể chỉ giới hạn vào một vài khuôn mặt điển hình. Tuy vậy, lối tiếp cận này cũng mang tính cách thời sự của nó, khi biết rằng Liên hiệp các bề trên tổng quyền (quy tụ 800 hội dòng khắp thế giới) đã chọn đề tài “Thần bí và ngôn sứ, căn tính đời sống thánh hiến” cho phiên họp khoáng đại vào tháng 11 năm 2010.

C. Lưu ý về việc dịch thuật

Như đã nói trên đây, các từ ngữ trong ngành thần học tâm linh bao hàm nhiều nghĩa khác nhau, và từ đó đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến nội dung của chúng. Sự khó khăn này tăng thêm khi chuyển sang tiếng Việt.

Trên đây, chúng tôi đã nói sơ qua ý nghĩa các từ mysticism prophecy. Bây giờ cần phải thêm vài từ ngữ chuyên môn được dùng trong sách này:

Spirituality là một danh từ trừu tượng gốc bởi tĩnh từ spiritual. Từ này có thể hiểu theo nhiều nghĩa, như là “thiêng liêng”, “tâm linh”, “thuộc về tinh thần”, “thuộc về thần khí”! Vì thế spirituality cũng mang nhiều nghĩa. Một cách cụ thể, tác giả thường dùng theo hai nghĩa chính, như sẽ nói trong bài dẫn nhập: 1/ “đời sống tâm linh” (hay đời sống thiêng liêng), chú trọng đến cảm nghiệm sống tương quan với Thiên Chúa; 2/ học thuyết (đạo lý) về đời sống thiêng liêng.

God tự nó có nghĩa là “thần linh”, nhưng đối với Kitô giáo, God là Thiên Chúa. Tuy nhiên, các tác giả thần bí đôi khi còn dùng từ trừu tượng Godhead, Divinity (thần tính, thiên tính), nhưng trong mức độ có thể, chúng tôi vẫn dịch là “Thiên Chúa”.

The Way là con đường (tương đương với “đạo” trong Hán Việt). Tuy nhiên, đôi khi bàn về ngôn ngữ phủ định, tác giả nói đến “wayless way” (chương 5 và chương 7) mà chúng tôi tạm dịch là “đường không lối”.

– Thần học thần bí thích sử dụng ngôn ngữ “phủ định” (negative, apophatic), nghĩa là chối bỏ, khước từ, chẳng hạn như: Thiên Chúa “Không tên” (Vô danh: nameless), “Không thể biết” (Vô tri: unknown, unknowing, unknowable), “Hư vô” (Nothing, nothingness). “Tối tăm” (Darkness) – Đối lại với ngôn ngữ phủ định là “khẳng định” (affirmative, kataphatic). Hơn thế nữa, các nhà thần bí còn dùng những lối nói “nghịch lý” (paradox) hay “đối nghịch” (“tương phản”: opposites), chẳng hạn như: Thiên Chúa vừa siêu việt vừa nội tại; đêm tối sáng sực; ánh sáng tối om.

Sau cùng, xin đừng quên rằng “theologia” không phải là “thần học” (học về Thiên Chúa), nhưng là “nói về Thiên Chúa” hoặc “nói với Thiên Chúa”, gồm bởi hai từ Hy-lạp theos (Thiên Chúa) và logos (lời, lý luận). Tập sách này chú trọng đến ngôn ngữ sử dụng khi “nói về Thiên Chúa”, Đấng đã tỏ mình ra cho nhân loại, nhưng đồng thời cũng là Đấng ẩn mình (Is 45,15-17). Nói cách khác, tác giả nói đến “ngôn ngữ” thần bí hơn là “cảm nghiệm” thần bí, và đó cũng là cây cầu nối kết với “ngôn sứ”.

Bởi vì có những đoạn văn không rõ, chúng tôi sẽ thêm giải thích ở cuối trang (footnotes), với mẫu tự; các chú thích trong nguyên bản thì đặt ở cuối sách (endnotes), với các số ả-rập.

Phan Tấn Thành, Gò Vấp ngày 8 tháng 8 năm 2021

————————

 DẪN NHẬP

DUNG HỢP NHỮNG ĐIỀU ĐỐI NGHỊCH

Từ khi Dòng Giảng Thuyết được thành lập vào năm 1216, các anh chị em Đa Minh đã đóng góp trực tiếp cho linh đạo Kitô giáo qua việc dạy học, viết lách, nghệ thuật, và nhất là giảng thuyết. Hoa trái đầu tiên của linh đạo Đa Minh được trổ sinh vào thế kỷ thứ XIII và đạt đến cực thịnh vào thế kỷ thứ XIV, đặc biệt ở Tây Âu. Tôma Aquinô, Meister Eckhart, Catarina Siena, Fra Angelico, Martin Porres, Rosa Lima, và nhiều vị thánh khác cùng các bậc thầy tâm linh vẫn gợi hứng và ảnh hưởng tới nhiều người trên toàn thế giới hôm nay. Cách gián tiếp, các tu sĩ Đa Minh cũng đã góp phần vào linh đạo Kitô giáo nhờ những môn sinh mà họ đã hướng dẫn, gợi hứng, và giảng dạy, chẳng hạn Inhaxiô Loyola, Têrêsa Avila, Philipphê Neri và nhiều vị thánh và linh hướng khác.

Nếu muốn cung cấp một tác phẩm bao quát về linh đạo của Dòng, cần một công trình biên soạn rộng lớn, đòi hỏi truy tầm nhiều tài liệu bao gồm một thời gian hơn kém 800 năm và các nguồn từ nhiều nơi trên thế giới1. Trong cuốn sách tóm lược này, tôi chọn lựa một cách trình bày dựa theo một chủ đề bao hàm linh đạo Đa Minh, tuy không dám nói là rốt ráo tất cả mọi khía cạnh, đó là: sự tương tác giữa việc “biết” và “không biết” như là những yếu tố trong phép biện chứng rộng lớn hơn của sự chiêm niệm thần bí và hoạt động ngôn sứ.

Hẳn nhiên là có nhiều khía cạnh của linh đạo Đa Minh không ăn khớp với cái khung này; đối lại những nét này không hẳn là đặc thù của riêng Dòng bởi vì chúng cũng được gặp thấy nơi nhiều nhân vật ngoài Dòng Đa Minh và ngay cả ngoài Kitô giáo nữa. Chúng ta gặp thấy những khuôn mặt kết hợp con đường thần bí “biết và không biết” (docta ignorantia) với hoạt động ngôn sứ2 chẳng hạn như Philô, Augustinô Hippo, Dionysius Areopagita, Gioan Scottus (Eriugena), Ibn Arabi, Bonaventura, Marguerite Porete, tác giả cuốn Đám mây vô tri, Nicola Cusa, Denis Carthusian, và Gioan Thánh Giá. Mặc dù vậy, tôi nghĩ rằng lối trình bày này rất thích hợp để nêu bật nét đặc trưng của linh đạo Dòng xét trong toàn bộ. Hay nói khác đi một chút, những thành viên của Dòng được coi như hiện thân nổi bật của tinh thần Đa Minh đều làm lộ nét tiếp cận với Thiên Chúa như vậy trong đời sống và những tác phẩm của mình, đặc biệt là Tôma Aquino, Meister Eckhart, và Catarina Siena.

Việc tập trung vào sự tương tác giữa yếu tố thần bí và ngôn sứ trong các linh đạo của một vài anh em Đa Minh trổi vượt thuộc thời Trung cổ có nguy cơ sẽ bóp méo sự thật khi tách rời vài chi tiết ra khỏi tổng thể. Lối tiếp cận độc đáo của Tôma Aquinô, Meister Eckhart và Catarina Siena, dựa trên đạo lý về Thiên Chúa là Đấng khả tri và mệnh lệnh phục vụ đức ái, chỉ có thể hiểu được cách thích đáng ở trong bối cảnh linh đạo rộng hơn, phong phú hơn của Dòng và của toàn thể Giáo Hội, đó là những chiều kích khẳng định, bí tích và nghệ thuật của linh đạo Kitô giáo. Đây là điều cần thiết phải có. Ngay cả Dionysius cũng quả quyết rằng thần học phủ định chỉ là bản sao cần thiết trong bộ ba cấu tạo nên thần học, tức là những yếu tố khẳng định, phủ định, và biểu tượng.

Phụ đề của cuốn sách (Truyền thống Đa Minh) xem có vẻ mơ hồ, và thực sự còn bỏ ngỏ vì muốn mở ra cho những câu hỏi mới: Đâu là tiềm năng của linh đạo Đa Minh để làm thay đổi cuộc sống và những hoàn cảnh trong thế giới ngày nay, và đặc biệt là cho ngày mai? Cụ thể hơn, phải chăng truyền thống Đa Minh, được diễn tả trong đời sống và giáo huấn của Tôma, Eckhart, và Catarina Siena, cũng như với các anh chị em khác trong quá khứ, chỉ có một nguồn số liệu lịch sử dành cho các học giả và sử gia nghiên cứu, hay còn là những đường lối chỉ đạo cho một con đường sống có ý nghĩa và thích thời cho hiện tại và tương lai?

Do đó, việc đặt lên câu hỏi về linh đạo Dòng Đa Minh cũng không kém phức tạp như cuộc tranh luận về căn tính, mục đích và đặc trưng của Dòng. Thực ra, “linh đạo” dịch bởi danh từ spirituality, một thuật ngữ mới lưu hành trong tiếng Anh từ thế kỷ XVI (và trong tiếng Pháp trước đó không lâu). Vì thế, để giải quyết vấn đề này cách thoả đáng, cần phải nói vắn tắt, linh đạo có nghĩa là gì?

LINH ĐẠO LÀ GÌ?

Như vừa nói, linh đạo dịch bởi danh từ spirituality trong tiếng Anh. Danh từ này có thể hiểu như là một môn học lý thuyết được dạy trong các học viện, hoặc như một lối sống. Ở đây tôi muốn hiểu theo nghĩa thứ hai. Tìm hiểu linh đạo của Dòng Đa Minh là tìm hiểu lối sống đã hướng dấn các phần tử của Dòng, và đôi khi cũng đã gợi hứng cho nhiều người ở ngoài Dòng nữa.

Dù sao, trước khi định nghĩa linh đạo Dòng Đa Minh là gì, cần phải hiểu: linh đạo là gí? Có nhiều ý kiến được đưa ra, mà tôi chỉ muốn trưng dẫn vài tác giả làm thí dụ.

(1) William Stringfellow, một nhà thần học và văn hào thuộc Anh giáo, đã tóm kết nhiều định nghĩa trong cuốn sách “The Politics of Spirituality” như thế này:

… dù nói gì về giáo huấn linh đạo của kinh thánh, hoặc sự trưởng thành tâm linh hay sự hoàn hảo tâm linh đi nữa, thì chúng đều bao hàm toàn thể con người – thân xác, tâm trí, linh hồn, không gian, các mối quan hệ – liên kết với toàn thể thụ tạo trải qua mọi thời đại ấy. Linh đạo của kinh thánh bao gồm toàn thể con người xét trong toàn thể cuộc sống trong thế giới, chứ không phải một mảng hay một khoảnh khắc vụn vặt của một con người3.

(2) Trong cuốn sách “Soul Friend”(Bạn Linh Hồn), Kenneth Leech còn đưa ra một khái niệm vắn tắt thế này: “đời sống tâm linh là đời sống của tất cả con người hướng về Thiên Chúa”4. Trong một cuốn sách tuyệt vời viết về phụng vụ, cầu nguyện và tâm linh, Kevin W. Irwin giải thích khái niệm ấy cách thú vị như sau:

…đời sống tâm linh có thể được miêu tả như là kinh nghiệm về tương quan giữa ta với Thiên Chúa trong đức tin và những con đường chúng ta sống niềm tin của mình. Linh đạo bao gồm việc chúng ta nhận biết Thiên Chúa, đáp trả với tiếng Chúa gọi, và lời cầu nguyện cũng như công việc chúng ta thực hiện bởi đức tin. Đối với các Kitô hữu, đời sống tâm linh diễn ra ở trong và giữa lòng cộng đoàn Giáo Hội, cộng đoàn được hình thành nhờ việc lắng nghe và đáp lại cùng một tiếng gọi và lời mời phát xuất từ Thiên Chúa5.

(3) Tuy không đề cập cách trực tiếp, nhưng Simon Tugwell đã đưa ra một nhận xét sâu sắc rằng: “đời sống tâm linh không chỉ liên quan đến việc cầu nguyện và chiêm niệm và các việc đạo đức, nhưng nó còn bao hàm cách thức nhận định sự vật, cách thức con người cố gắng mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống thực tiễn và chiếu soi các niềm hy vọng cùng những rối ren của người Kitô hữu.”6

(4) Cuối cùng, theo Joann Wolski Conn,

Thuật ngữ “linh đạo” đề cập tới vừa là một kinh nghiệm sống vừa là một môn học. Đối với các Kitô hữu, nó muốn nói đến toàn bộ đời sống của một con người được hiểu biết, cảm nhận, tưởng tượng, và chọn lựa sống mối tương quan với Chúa, trong Đức Kitô, do quyền năng của Thần Khí. Nó còn ám chỉ những nghiên cứu liên ngành về kinh nghiệm tôn giáo, bao gồm nỗ lực cổ võ cho nó được phát triển sung mãn.7

Đứng trước một rừng giải thích như vậy, tôi xin hiểu linh đạo như thế này. Trước hết, dựa theo Thánh Kinh, linh đạo là điều mà “nhờ đó con người mở ra và truyền đạt sự sống của Chúa”.8 Nhìn dưới viễn cảnh xã hội và lịch sử, thuật ngữ “linh đạo” còn muốn nói tới kho tàng của những niềm tin, thái độ, giá trị, thực hành của các cộng đoàn Kitô hữu (hay ngoài Kitô giáo), từ đó họ có thể thủ đắc và phát triển căn cước cá nhân và đời sống tâm linh của mình. Thứ ba, xét như hình thức rõ ràng về lý lịch của một “hành trình cuộc đời” cá nhân, linh đạo có thể được xem như là kết quả của sự trao đổi miên trường trong đó đương sự diễn tả khả năng đón nhận và chuyển trao quà tặng cuộc sống nhờ những cuộc gặp gỡ cụ thể trong thế giới kinh nghiệm tự nhiên và xã hội. Thứ bốn, linh đạo có thể còn được hiểu như là một lãnh vực nghiên cứu, điều này cũng giống như nghiên cứu tôn giáo hay kinh nghiệm tâm linh; điều này lắm lúc gây ra bối rối cho nhiều sinh viên về đối tượng của môn học, – thường liên quan đến nghĩa thứ hai hoặc thứ ba vừa nói trên đây. Và đó là điều mà tôi sẽ tập trung các cuộc nghiên cứu trong những trang dưới đây, liên quan đến nếp sống của một tập thể hoặc cuộc đời của vài cá nhân.

Sau thánh Đa Minh, những nhân bật nổi bật của truyền thống linh đạo Đa Minh gồm có Humberto Romans, Albertô Cả, Tôma Aquinô, Dietrich Freiberg, Eckhart, Henri Susô, Gioan Tauler, Catarina Siena, Vinh Sơn Phêriê, Giêrônimô Savônarôla, Catarina Ricci, Bartolomé de las Casas, Rôsa Lima, Fra Angelico, Gioan Tôma, Martin de Porres, Rose Hawthorn Lathrop, Henry Lacordaire, và gần với thời chúng ta hơn, cha Lagrange một học giả Thánh kinh và chị Mary Joseph Rogers, người đã thành lập dòng nữ tu Maryknoll[1]. Dĩ nhiền là không thể nào bàn tỉ mỉ về các vị trong một tập sách nhỏ, nhưng tôi hy vọng rẳng khi tập trung vào ba vị: Tôma, Eckhart, và Catarina, là những người mà tôi thiết nghĩ đã diễn đạt nổi bật nhất về linh đạo Đa Minh qua cách thức họ diễn đạt về đạo lý, thần bí, ngôn sứ, cuộc sống, thì cũng làm nổi bật các đóng góp của nhiều anh chị em khác

Đặc biệt, tôi hết lòng tri ân những cộng tác viên, bạn bè, giáo viên và tất cả các nhà giảng thuyết trong Dòng Đa Minh với sự nghiên cứu đầy kiên trì và suy tư sâu sắc của Benedict Ashley, Brian Davies, Suzanne Noffke, Simon Tugwell, và đặc biệt James Weisheipl (1923-1985) mới qua đời mà tôi muốn kính tặng cuốn sách này.

————————

[1] Dòng nữ tu đầu tiên có trụ sở tại Hoa Kỳ được thành lập vào đầu thế kỷ XX để làm việc truyền giáo nước ngoài.

Chú thích Dẫn Nhập

  1. Một số tác phẩm gần đây bằng tiếng Anh đã nghiên cứu về linh đạo qua các thời kỳ và qua các nhân vật, trong đó có những tác phẩm của Gutiérrez, McGinn, Noflfke, O”Driscoll, Tobin, Torrell, Tugwell, và Vicaire (xem thư mục hoặc phần tham khảo). Tác phẩm The Dominicans của Benedict Ashley (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1990) cung cấp một bản tóm lược hữu ích về những điểm chính yếu trong linh đạo Đa Minh nói chung. Tương tự như vậy, tập sách của William Hinnebusch viết trước Công Đồng Vaticanô II, Dom­inican Spirituality: Principles and Practices (Washington, DC: The Thomist Press, 1965) vẫn chứa đựng nhiều trực giác có giá trị, cũng như cuốn sưu tập các bài khảo luận Dominican Spirituality (Milwaukee: Bruce Pub­lishing Co., 1934) của Anh em Đa Minh Pháp do Anselm Townsend chủ biên. Dù sao, vì nhiều lý do, như sẽ trình bày dưới đây, lịch sử toàn thể linh đạo Dòng Anh Em Thuyết Giáo vẫn là một chuyện khó nắm bắt và chắc hẳn là vẫn sẽ mãi như vậy.
  2. Josef Pieper mở đầu cuộc tranh luận sâu sắc của mình về con đường phủ định (via negativa) của Thánh Tôma, với trích dẫn đoạn văn của Lão Tử: “Danh khả danh/ phi thường danh” (The Silence of St Thomas, dịch John Murray SJ và Daniel O”Connor (Chicago: Henry Regnery, 1965), tr. 50).
  3. William Stringfellow, The Politics of Spirituality (Philadelphia: Westminster Press, 1984), tr. 22.
  4. Kenneth Leech, Soul Friend (New York: Harper and Row, 1980), tr. 34. Tu sĩ Đa Minh, So sánh với định nghĩa cổ điển của Reginald Garrigou-Lagrange O.P.: “Đời sống nội tâm là đời sống nơi sâu thẳm linh hồn; đó là đời sống của toàn thể con người chứ không chỉ của một hay vài khía cạnh nào đó” (Three Ways of the Spiritual Life (Rockford, IL: TAN Books, 1977), tr. 1).
  5. Kevin W. Irwin, Liturgy, Prayer and Spirituality (New York: Paulist Press, 1984), tr. 13. Cũng vậy, nhưng một cách học thuật hơn,tiến sĩ Sandra Schneiders viết rằng: “Linh đạo Ki-tô giáo là hiện thể hóa một cách cụ thể khả năng tự vươn lên siêu việt, nhờ ơn biến đổi tận căn ban bởi Thánh Linh, Đấng thiết lập một mối dây thông ban sự sống với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô và giữa cộng đoàn tín hữu. Do đó, đây là kinh nghiệm tôn giáo mang chiều kích Ba Ngôi, Chúa Ki-tô học, và Giáo hội học.” (Sandra Schneiders IHM, “Theology and Spirituality: Strangers, Rivals or Part­ners?” in Horizons, 13, 2 (1986): 266).
  6. Simon Tugwell O.P, Ways of Imperfection (Springfield, IL: Templegate, 1985), vii-viii.
  7. Joann Wolski Conn, Spirituality and Personal Maturity (New York: Paulist Press, 1989), tr. 21.
  8. J.A.T. Robinson, The Body: A Study in Pauline Theology (Philadelphia: Westminster Press, 1952), tr. 19.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here