Thần bí và Ngôn sứ – Truyền thống Đa Minh: Chương 1

0
737

Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh

Richard Woods O.P.

Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.

——————–

Chương 1.

DÒNG ĐA MINH VÀ THUYỀN THỐNG LINH ĐẠO CỦA DÒNG

Từ khi Dòng Giảng Thuyết được thành lập vào đầu thế kỷ XIII, nhiều anh em đã được nhìn nhận như là các bậc thầy, văn sĩ và linh hướng tâm linh lỗi lạc cũng như nhiều  thánh nhân. Dầu vậy, sẽ là sai lầm khi cho rằng có “một” linh đạo Đa Minh khác với Dòng Carmelô, Dòng Phanxicô, Dòng Tên, và các trường phái linh đạo Kitô giáo khác, và cũng thật sai lầm khi nghĩ rằng một học thuyết chung được dùng làm cờ hiệu cho tất cả những ai đi trên con tàu Đa Minh.1

Một mặt, có nhiều linh đạo ngay trong truyền thống Đa Minh, với những nét khác biệt nhau. Trong vòng 800 năm lịch sử, hàng ngàn nhà giảng thuyết, thần học, triết học, thừa sai,  cải cách,  chữa bệnh, khoa học, sử học, họa sĩ, điêu khắc, nhạc sĩ, và văn sĩ đã làm hiện thân tinh thần của Dòng, mỗi người đã cống hiến và tô điểm thêm cho linh đạo theo những cách khác nhau. Mặt khác, có sự đan xen giữa các linh đạo của Dòng Giảng Thuyết với linh đạo của các Dòng tu khác hoặc thậm chí là của các tôn giáo khác.

Nhưng điều ấy không muốn rằng chỉ có một mớ tạp nham  những người mang tên là Đa Minh, hoặc chỉ có một vài nét chung chung phủ lên tính đa dạng của  nhóm ấy. Tôi nghĩ rằng có một vài nhân tố đặc thù tạo ra nét đặc trưng của các anh chị em Dòng Giảng Thuyết xét theo cá nhân hoặc theo toàn thể. Mặc dầu không có tác phẩm nào được dùng làm nền tảng cho linh đạo Đa Minh tương tự  như cuốn Spiritual Exercises (Linh Thao) của thánh Inhaxiô, hay thậm chí là Little Flowers (Tiểu kì hoa) của thánh Phanxicô, nhưng thật là sai lầm nếu khẳng định rằng rằng linh đạo Đa Minh bàng bạc hoặc mơ hồ.

CÁC ANH EM ĐA MINH TIÊN KHỞI VÀ GIA ĐÌNH ĐA MINH HÔM NAY

Những nhà Giảng Thuyết tiên khởi đều là nam giới. Nhưng nữ giới đã giữ vai trò quan trọng trong đoàn giảng thuyết của Đức Giám mục Diego và cha Đa Minh từ buổi ban đầu. Một trong những điều đáng chú ý là việc thành lập nữ đan viện tại Prouille dành làm nơi trú ẩn cho các phụ nữ được hoán cải từ lạc giáo Albigeois lại làm thành cơ sở đầu tiên của dòng Đa Minh. Dù sao, cha Đa Minh đã sớm thành lập những đan viện khác cho các nữ tu, và “Các Chị Em Giảng Thuyết” được sát nhập hoàn toàn vào Dòng năm 1267. Tuy nhiên,  mặc dù ở dưới quyền lãnh đạo của  cha Tổng quyền của Dòng, các chị em vẫn duy trì sự độc lập với các anh em. Điều này cũng đúng đối với con số đông đảo các dòng nữ tu hoạt động Đa Minh trên khắp thế giới. Trong khi phần lớn các anh em đều có chức thánh, giống như các kinh sĩ mà từ đó anh em xuất thân, nhưng cũng có các anh em trợ sĩ làm thành phần của Dòng. Gia đình Đa Minh cũng  bao gồm các giáo dân sống giữa đời nhưng đã tận hiến theo linh đạo của Dòng và tuân giữ luật sống của họ, trong đó có những người đã kết hôn và người sống độc thân.

LINH ĐẠO ĐA MINH: TÌM VỀ NGUỒN

Vào buổi đầu, việc xác định điều gì tạo ra sự khác biệt giữa Anh Chị Em Giảng Thuyết với những dòng khác, không đáng quan tâm cho bằng  việc định nghĩa căn tính, tức là  sứ vụ của mình. Trong lá thư của Đức Giáo hoàng Hônôriô III  viết cho cha Đa Minh và các anh em tiên khởi vào năm 1216, ngài đã diễn tả chủ đích của Dòng rất đơn giản: “…một đời sống thanh bần và tuân giữ nếp sống tu trì, …loan báo Lời Thiên Chúa và công bố danh thánh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới.”2 Và cha Bede Jarrett ghi nhận rằng các anh em tiên khởi “đã luôn hãnh diện về điều mà Mát-thêu Paris [dòng Biển Đức] thường bông đùa về họ rằng ‘cả thế giới là tu phòng của họ còn đại dương là tu viện của họ.’”3

Theo tự ngôn của Hiến Pháp Tiên Khởi, “ngay từ buổi đầu, Dòng được biết đến như là được thành lập nhằm giảng thuyết và cứu độ các linh hồn”. Khi trích dẫn những dòng này, Hiến Pháp hiện hành nói tiếp, “vì thế, các anh em của chúng ta, theo ý định của đấng sáng lập phải cư xử cách chính trực và đạo đức như những người muốn tìm kiếm ơn cứu độ cho mình và cho tha nhân, như những con người của Tin Mừng theo chân Đấng Cứu Thế, chỉ nói với Chúa hay nói về Chúa, cho anh em mình hoặc cho tha nhân’” (Hiến Pháp Tiên Khởi, phần II, chương 31).

Nét đặc trưng dễ thấy của Dòng được tóm gọn cách khéo léo trong đoạn văn sau của Hiến Pháp (triệt IV):

Khi tham gia vào sứ vụ tông đồ, chúng ta cũng nhận lấy nếp sống của các Tông đồ theo thể thức đã được thánh Đa Minh cưu mang, là chung sống đồng tâm nhất trí, trung thành tuân giữ các lời khuyên Tin Mừng, sốt sắng cử hành phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể và kinh thần vụ cũng như việc cầu nguyện, chuyên cần học hỏi, kiên tâm tuân giữ nếp sống tu trì. Tất cả những việc đó không những tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá chúng ta, mà còn trực tiếp phục vụ ơn cứu độ con người, bởi những việc ấy chuẩn bị và thức đẩy một cách hài hoà việc giảng thuyết, làm cho việc giảng thuyết có một hình thể riêng và ngược lại, các việc đó cũng có được thể thức riêng nhờ việc giảng thuyết. Những yếu tố này, một khi liên kết chặt chẽ với nhau, giữ được quân bình và làm phong phú lẫn nhau, thì làm nên tổng thể đời sống riêng của Dòng: một đời sống tông đồ theo nghĩa trọn vẹn nhất, nghĩa là việc giảng dạy phải phát sinh từ sự sung mãn của việc chiêm niệm.

Cha William Hinnebusch, một trong những sử gia lỗi lạc nhất thời nay của Dòng đã đưa ra một lý lẽ hết sức thuyết phục rằng đặc trưng của Dòng cũng là linh đạo của Dòng được bén rễ sâu bởi nguồn gốc là một dòng kinh sĩ, nghĩa là các giáo sĩ sống chung tại một nhà thờ chính toà và tuân giữ nếp sống đời đan tu. Chúng ta biết rằng thánh Đa Minh vốn là một kinh sĩ tại nhà thờ chính toà Osma, nơi mà các kinh sĩ  giữ Tu luật thánh Augustinô. Không lạ gì (nhưng thường ít người để ý) mà khi quyết định thành lập một dòng các anh em giảng thuyết, thánh Đa Minh  đã  nhào nặn theo một khuôn quen thuộc với  mình. Hinnebusch chỉ ra điều này:

Sắc lệnh xác nhận dòng do Đức Giáo hoàng Hônôriô III ban hành ngày 22 tháng 12 năm 1216 bắt đầu với những lời Religiosam vitam (Đời sống Tu trì). Hàng trăm sắc lệnh bắt đầu với những từ ngữ và tương tự và cùng nội dung phổ quát. Chúng có thay đổi về chi tiết nhưng luôn được ban hành nhắm tới các công hội kinh sĩ. Phận vụ chính của vị kinh sĩ là chiêm niệm – thờ phượng Ba Ngôi Chí Thánh. Lý do hiện hữu của vị kinh sĩ  là để thi hành việc thờ phượng thánh thiêng của Giáo hội cách long trọng.4

Dĩ nhiên, vị kinh sĩ còn có những phận vụ khác, và tuy còn mang những nét đời đan tu, nhưng họ không phải là đan sĩ. Dù vậy, một đời sống chiêm niệm tập trung vào phụng vụ là ơn gọi riêng của họ. Và , “việc Đức Giáo hoàng Hônôriô  ban hành đúng lúc sắc lệnh Religiosam vitam (Đời sống Tu trì)  đã nhắc nhở Anh em Giảng Thuyết rằng họ là Kinh sĩ kỷ luật và nhiệm vụ chính là thờ phượng Thiên Chúa theo cách thức chiêm niệm.”5

Những người cùng thời với các anh em tiên khởi ý thức rõ nét đặc trưng này trong đời sống của họ. Về điều này Lester Little trưng dẫn bằng chứng của Giám mục Jacques Vitry, một trong những nhà quan sát tinh tế nhất về các phong trào tu trì thể kỷ XIII:

Trong cuốn Histories of the East and of the West (Các chuyện lịch sử Đông và Tây), của Giám mục Vitry được viết vào đầu những năm 1220, một chương đã được dành cho các anh em Đa Minh tại Bologna, mặc dầu họ không được gọi bằng danh hiệu chính thức. Ngài nhìn thấy họ như  một nhà các kinh sĩ, cử hành các giờ kinh phụng vụ và  tuân giữ tu luật  thánh Augustinô. Đồng thời ngài cũng nhận ra những phẩm tính nổi trội của họ. Hoàn toàn sẵn sàng theo Đức Kitô trần trụi, họ coi tất cả mọi thứ vật chất và của cải thế gian như rơm rác vậy; họ lãnh nhận của bố thí, nhưng chỉ đủ cho ngày hôm nay chứ lo lắng gì cho tương lai cả. Họ dạy và học tại trường đại học và trong các ngày lễ họ  giảng thuyết do một ủy nhiệm đặc biệt của đức giáo hoàng. “Họ kết  hợp đời sống của những nhà giảng thuyết và đời sống của các kinh sĩ”. Sự kết hợp khéo léo này cùng với những yếu tố tốt lành thu hút, kích thích và thắp lửa cho nhiều người đi theo họ; mỗi ngày, cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô đầy thánh thiện và đáng chú ý này vừa phát triển về số lượng vừa khuếch trương trong đức ái.”6

Cha Hinnebusch kết luận rằng, linh đạo của Các Anh Em Giảng Thuyết, xét theo cơ bản là một một nhóm các kinh sĩ,

đồng thời mang những nét quy về Thiên Chúa, Đức Kitô, giáo sĩ, … đan tu, chiêm niệm, và tông đồ. Đây đúng là linh đạo của Đức Kitô nhà Giảng thuyết và của các tông đồ. Ý định tiên vàn là nâng cao anh em lên tầm cao của sự chiêm niệm, nhưng xa hơn nữa, sự chiêm niệm của anh em Đa Minh phải hướng đến sự trổ sinh hoa trái thành việc tông đồ dành cho các linh hồn, đặc biệt qua việc giảng thuyết, dạy học, và viết lách. Chiêm niệm là yếu tố chung, giống như nhiều Dòng chiêm niệm khác; còn việc cứu độ các linh hồn bằng việc giảng thuyết là nét đặc trưng để phân biệt Dòng Đa Minh với tất cả các Dòng khác.7

Trong cuốn lịch sử Dòng ngắn gọn mới đây, cha Benedict Ashley sử dụng lối tiếp cận chức năng hơn là cấu trúc, ngài đã chỉ ra bốn đặc trưng căn bản trong linh đạo Đa Minh. Đầu tiên, sứ vụ của Dòng Giảng Thuyết là loan báo Phúc âm – truyền bá Tin mừng Đức Kitô, Tin mừng về Vương Quyền Thiên Chúa, đặc biệt qua việc giảng thuyết. Đáng nói hơn, việc giảng thuyết là “một công tác cộng đồng và vì thế tiên vàn là trách nhiệm  của toàn Dòng”.8 Vì vậy, đời sống và linh đạo Đa Minh cơ bản mang tính cộng đoàn. Thứ ba, phụng vụ và cầu nguyện là những diễn đạt hàng đầu của tính cộng đoàn ấy.

Thánh Đa Minh duy trì Phụng vụ các giờ kinh và việc cử hành Thánh lễ chung của đời đan tu (đang khi các dòng cận đại muốn cử hành phụng vụ riêng tư để có thêm thời gian làm việc), mặc dầu ngài sẵn sàng miễn chuẩn cho các anh em khỏi phải tham dự các giờ kinh hay cử hành thánh lễ cộng đoàn vì lý do  học hành hoặc giảng thuyết. Việc giảng thuyết phải tuôn tràn từ sự chiêm niệm Lời Chúa sẽ được rao giảng, và điều này được diễn tả cách hoàn hảo nhất trong phụng vụ cộng đoàn dựa trên việc suy niệm Thánh Kinh và tưởng nhớ các sự kiện cứu độ vĩ đại trong cuộc đời Đức Kitô mà các thánh đã noi gương.9

Kỷ luật tu trì hay thực hành “khổ chế” là  khía cạnh quan trọng trong linh đạo Đa Minh, và là yếu tố hàng đầu, xét về lịch sử, thể hiện rõ ở sự khó nghèo Tin mừng, tự ý khước từ tư sản.10 Hơn thế nữa, việc lao động chân tay được thay thế bằng việc học hành, đặc biệt là học hỏi Thánh kinh,  như là bổn phận cá nhân và kỷ luật tu trì đặc thù của Dòng. Theo cha William Hinnebusch, một hệ quả đáng kể cho toàn thể Giáo Hội do việc đổi mới này “là lần đầu tiên trong lịch sử ngàn năm của đời đan, một Dòng tu đã đưa vào pháp luật những quy định về việc học hành.”11

Như vậy,  theo cha Ashley, đây là bốn yếu tố này tóm tắt linh đạo Đa Minh: (1) linh đạo Đa Minh là một tham gia vào sứ vụ của Đức Giêsu Kitô – Lời Thiên Chúa, trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ mà nội dung là chính Ngài; (2) Ơn gọi này được thực hiện bởi một cộng đoàn đã có kinh nghiệm sống với Chúa và vì tha nhân; (3) Nguồn mạch ánh sáng cho sứ vụ là lời cầu nguyện, đặc biệt lời cầu nguyện phụng vụ, được chuẩn bị bằng kỷ luật khổ chế và đời sống giản dị; (4) Lời cầu nguyện này được nuôi dưỡng bởi việc chuyên chăm nghiên cứu Thánh khoa và tất cả các nguồn mạch chân lý giúp chúng ta hiểu Lời Chúa”.12

Xét về lịch sử, các hình ảnh biểu tượng của Dòng đã cung cấp thêm nhiều thông tin theo cách riêng của nó. “Huy hiệu” nguyên thuỷ, gặp thấy nơi những triện ấn của Dòng Đa Minh, trên các phong bì, sách vở, tài liệu, bia đá, vẽ một tam giác trắng ở chính giữa được phủ với hai phần màu đen bên cạnh tượng trưng cho chiếc áo dòng và áo choàng của các anh em. Nó thường được tô điểm bởi một lá cờ bao quanh tấm khiên với những động từ Latinh: Laudare, Benedicere, Praedicare: “ngợi khen, chúc tụng, giảng thuyết”. Ba khẩu hiệu La tinh này  vạch ra những yếu tố chính trong đời sống, sứ vụ của chúng tôi, và do đó linh đạo nữa, đó là: cầu nguyện và thờ phượng, cách riêng là cử hành cộng đoàn Phụng vụ chung Hội thánh; tác vụ Tin mừng được diễn tả trong việc ban các bí tích, công cuộc truyền giáo, dạy học, chữa lành, mục vụ giáo xứ, và hơn hết, việc giảng thuyết dưới nhiều hình thức khác nhau, gồm cả viết sách báo nghệ thuật diễn cảm.

Tương tự như vậy, danh từ Veritas – “Chân Lý”, thường được khắc trên con dấu của Dòng Đa Minh, khẩu hiệu này tóm tắt mục đích và lý tưởng của Dòng. Ý nghĩa của từ  này không bị thu hẹp lại vào những lời lẽ chính xác thuộc triết học, hoặc chuẩn xác ngữ nghĩa, nhưng nó bao hàm toàn bộ thực thể Thiên Chúa, thế giới và con người. Thánh Tôma Aquinô có thể sẽ viết ba tập sách bàn về ý nghĩa của chân lý theo những khía cạnh ấy, nhưng đối với ngài, cũng như đối với tất cả các anh em Đa Minh, khuôn mẫu tối thượng và hoàn hảo vẫn là Chân Lý Vĩnh Cửu, được bày tỏ trong lịch sử nơi Đức Giêsu Kitô: Nơi những người khác chúng ta tìm thấy các chân lý được chia sẻ, xét vì Chân Lý Đệ Nhất đã chiếu sáng vào trong tâm trí họ qua nhiều điều tương tự; nhưng Đức Kitô là chính Chân Lý.  Điều này được nói đến: “Trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3).13

Còn một khẩu hiệu khác nữa được dùng để làm sáng tỏ linh đạo và các thành viên của Dòng: Contemplata aliis Traders, “Chiêm niệm và trao cho người khác điều đã chiêm niệm”. Được rút ra từ những lời dạy của Tôma Aquinô,14 khẩu hiệu này không có ý tách rời chiều kích chiêm niệm và thần bí trong linh đạo Đa Minh khỏi những hình thức hoạt động, nhưng là để liên kết chúng với nhau. Hai vế cũng không được liệt kê theo kiểu một bên là phương tiện còn một bên là mục đích, nhưng cả hai đều họp thành một cứu cánh.

Tóm lại, những chủ đề đặc trưng gặp thấy trong linh đạo Đa Minh nói chung sẽ bao gồm những yếu tố sau đây:

Vị trí ưu tiên dành cho việc giảng thuyết, đời sống cộng đoàn, cầu nguyện và học hành

Khó nghèo tinh thần

Sùng thượng Chân Lý

Chiêm niệm được diễn tả trong tác vu hoạt động

Thêm vào đó, tôi đề nghị việc tìm kiếm sự hiệp nhất ngày càng khắng khít hơn với Thiên Chúa, Nguồn mạch và Cứu cánh bất khả tri của hiện hữu, cuộc sống và ý thức của chúng ta, thông qua việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô dưới tác động của các ân huệ Thánh Linh. Dĩ nhiên, điều này, cốt lõi thần bí của linh đạo chúng ta, tuy không chỉ giới hạn vào các phần tử của Dòng, nhưng thật sự đã đánh dấu đặc trưng của các vị thánh lớn trong Dòng,  như các bậc thầy của truyền thống đã để lại cho chúng ta.15

ĐƯỜNG KHÔNG CÓ LỐI:  MỘT TRUYỀN THỐNG KHÔNG CÓ PHƯƠNG PHÁP

Nét đặc trưng của việc giảng thuyết của Dòng Đa Minh trải qua các thế kỷ (và vì thế của đời sống và linh đạo Đa Minh), có lẽ được diễn tả chính xác nhất là nó mang tính cách đạo lý (doctrinal). Điều này không có nghĩa là uyên bác (mặc dầu có thể có), hoặc  nặng về tín lý (tuy có thể hiểu như là quyết đoán), nhưng muốn nói đến mối ưu tư dành cho Chân lý trong đời sống Kitô hữu và của Giáo Hội. Đối với Anh em Đa Minh, việc dạy học và giảng thuyết không phải là hai chức năng hay hai công tác khác nhau, nhưng là hai khía cạnh của một công tác, như hai mặt của một đồng tiền. Nếu việc giảng thuyết của chúng ta không đặt nền trên việc học hỏi Chân Lý Thiên Chúa trong Thánh Kinh và cuốn sách của thế giới, thì nó không còn là Đa Minh nữa; cũng vậy, nếu việc dạy học của chúng ta không diễn đạt Chân Lý ấy thì không còn là Đa Minh nữa.

Một trong những khảo luận sớm nhất của Anh em Đa Minh bàn về “tâm linh”, theo nghĩa quen thuộc với chúng ta ngày nay,  là Talks of Instruction (Những bài nói chuyện về đào tạo) của Meister Eckhart, được lưu hành vào cuối thế kỷ XIV. Trong tập sách này, có lẽ được soạn thảo khi cha làm tu viện trưởng Erfurt, dành cho các tập sinh và những người trẻ trong tu viện, ngài không chỉ giải thích cách đầy sáng tạo về đời sống tu trì thường nhật của các Anh em Giảng Thuyết, nhưng còn phác thảo  nhiều khía cạnh sẽ được khai triển hai mươi năm sau, trong các bài giảng và khảo luận. Trong tập này, cũng như trong những tác phẩm sau đó,  Eckhart đã tuân theo lối tiếp cận đặc trưng của thế kỷ XIII, đó là tránh đề cập đến “những cảm nghiệm”, “những thực hành”, nhưng  tập trung vào những nguyên tắc và giải thích. Trong tác phẩm Talks of Instruction (Những bài nói chuyện về đào tạo), Eckhart đã tỏ ra dè dặt đối với “những con đường” riêng của lòng đạo đức; đối lại, cha muốn làm thấm nhuần một quan điểm phổ quát hơn, cách riêng là điều mà ngài gọi là “dứt bỏ”, abegesheidenheit, cho các sinh viên, hơn là cố gắng “rèn luyện” họ theo một vài lối thực hành tâm linh đã định sẵn.

Cuối cùng, linh đạo của chúng ta mang đặc trưng của một linh đạo không có một phương pháp, kỹ thuật, hay một chuỗi các bài tập đặc biệt nào. Linh đạo ấy được xây dựng trên sứ vụ của chúng ta và sứ vụ đó giống như nó vốn có lúc ban đầu: là công bố Tin mừng cứu độ, ngày hồng phúc của Thiên Chúa. Hôm nay và ngày mai cũng như qua mọi thời sau chúng ta, các Anh em Đa Minh đơn giản là những nhà giảng thuyết, còn nếu không thì họ chẳng là gì hết.

—————-

Chú thích Chương 1

Chương 1: DÒNG ĐA MINH VÀ TRUYỀN THỐNG LINH ĐẠO CỦA DÒNG

  1. Ở đây, tôi không đồng ý Anselm Townsend, khi viết rằng: “…đời sống tu trì xét về cơ bản thì chỉ có một, đó là phụng thờ Thiên Chúa qua việc sống trọn lành đức ái, nhưng mỗi Dòng đều khác biệt nhau bởi vì mỗi Dòng có những mục tiêu trực tiếp  và những phương thế  khác nhau. Chính bởi những khác biệt về phương thế ấy mà xuất hiện nhiều linh đạo, nhiều lý thuyết và lối thực hành  về tu đức và khổ chế khác nhau,  là những yếu tố xác định căn tính của mỗi gia đình tu trì . Do đó mà có linh đạo Đa Minh, đặt nền trên những giáo huấn tu đức của Thánh Tôma, cũng như có linh đạo của Dòng Tên được xây dựng từ Những bài Linh Thao (Spiritual Exercises) của thánh I Nhã hay linh đạo Cát Minh từ thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, vân vân” (Townsend 1934, lời tựa, vii). Linh đạo Đa Minh có nền tảng phong phú hơn rất nhiều chứ không chỉ dựa theo giáo huân tu đức của thánh Tôma hay từ toàn bộ học thuyết  của thánh nhân. Linh đạo ấy tuôn trào từ toàn thể đời sống Dòng xuống mọi chi thể và được diễn tả cách mạch lạc nhờ những thầy dạy xuất chúng, mà không phải tất cả đều gợi hứng trực tiếp từ tư tưởng Tôma.
  2. Trích Ashley 1990, 16.
  3. Bede Jarrett, The English Dominicans (London: Bums, Oates and Washboume, 1937), tr. 18.
  4. Hinnebusch 1965, 44.
  5. Sđd.
  6. Lester K. Little, Religious Poverty and the Profit Economy in the Middle Ages (Ithaca: Cornell University Press, 1978), 166.
  7. Sđd.,2. Hinnebusch cho biết thêm, yếu tố chiêm niệm trong đời sống Dòng được vay mượn chủ yếu từ các đan sĩ và các kinh sĩ (x. Summa Theologiae, II-II, Question 188, Article 8, trả lời objection 2. Từ đây, tôi sẽ viết tắt theo tiêu chuẩn là ST, sau đó là số phần bằng số La Mã, tiếp theo là Q cho “Question”, A cho “Article”, và đứng trước “ad” trả lời cho các Objection). Hiến Pháp Dòng có liệt kê ba đặc trưng về tinh thần khổ hạnh trong đời đan tu truyền thống cùng với bốn phương thế nền tảng dẫn đường đến cứu cánh của Dòng, đó là “…ba lời khuyên Phúc Âm, vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo; đời sống chung cùng việc tuân giữ các kỷ luật đan tu; cử hành Các Giờ kinh Thần vụ và chuyên cần nghiên cứu thánh khoa”. Đây là những phương thế thiết yếu không bao giờ được phép thay đổi. Những yếu tố này giúp người Đa Minh tách biệt mình khỏi thế gian mà hướng lòng về Thiên Chúa và trợ giúp họ sống đời chiêm niệm, sám hối trên hành trình theo đuổi sự trọn hảo Ki-tô giáo” (Sđd., 3).
  8. Ashley 1990, 20.
  9. Ashley 1990, 21. Cha nói thêm, “Gắn liền với việc cầu nguyện, gắn chặt đến mức không kể như hai yếu tố tách biệt, là việc sám hối, vốn là nét nổi bật trong đời sống Đa Minh…Tất cả các tôn giáo chú trọng đến sự chiêm niệm đều xác tín rằng việc yêu thích lạc thú thân xác hay xúc cảm cần phải được chế ngự nếu muốn đạt được sự thanh thản đích thực nơi tâm trí. Kế đến, niềm xác tín Ki-tô giáo về tội nguyên tổ và tội cá nhân là những thực tại trong thân phận con người (Ashley 1990, 22).
  10. Ashley nhận định rằng: “Một số người cho rằng thánh Đa Minh đã chép lại tinh thần khó nghèo của thánh Phan-xi-cô. Nhưng … tinh thần khó nghèo của thánh Đa Minh lại có nguồn gốc và mục đích khác hẳn. Người muốn nên nghèo khó để lời giảng của mình trở nên khả tín đối với những người nghèo, khi họ thấy sự khó nghèo của những người Albigeois Trọn lành như là dấu chỉ thánh thiện vượt trội hàng giáo sĩ Ki-tô giáo giàu sang (Ashley 1990, 23).
  11. Hinnebusch 1965, 105. Một thế hệ trước đó, M.-R. Cathala đã lưu ý “phải thấu triệt rằng nghĩa vụ học hành là một đòi hỏi cần thiết của việc cầu nguyện của tu sĩ Đa Minh. Mặt khác,  cầu nguyện cũng chẳng kém cần thiết hơn việc học hành bởi vì nếu sẽ là điều mâu thuẫn khi nói đến một thần học gia – hoặc một nhà giảng thuyết của Chúa mà lại không có đức mến. (“Dominican Prayer”, in Townsend 1934, 108).
  12. Ashley 1990, 24 (bản gốc in nghiêng).
  13. Chú giải Tin mừng Gioan (Commentary on the Gospel of John), chương 1, Lect. 8, số. 188.
  14. Tham chiếu ST, II-II, q. 188, a. 6: Sicut enim maius est illuminare quam lucere solum, ita maius est contemplata aliis traders quam solum contemplari. (Vì khi soi sáng cho kẻ khác thì tốt hơn là việc chỉ tỏa sáng, cũng vậy, trao cho người khác điều đã chiêm niệm thì cũng hơn là chỉ  chiêm niệm mà thôi.
  15. Xem những tác phẩm gợi hứng của Yves Congar O.P, I Believe in the Holy Spirit 3 tập. (London: Geoffrey Chapman/New York: Seabury, 1983), của Ambrose Gardeil O.P, The Gifts of the Holy Ghost in Dominican Saints (Milwaukee: Bruce, 1937), và của A.-M. Henry O.P, The Holy Spirit (New York: Hawthorn Books, 1960).
  16. X. Meister Eckhart, Sermons and Treatises, dịch M. O’C. Walshe, quyển III (Longmead, Shaftesbury, Dorset: Element Books, 1987), tr. 11-60.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here