Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng: Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh – 1993 (3)

0
1714


ỦY BAN KINH THÁNH GIÁO HOÀNG

BẢN HƯỚNG DẪN

VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG HỘI THÁNH

***

***

Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP. chuyển ngữ

LTS: Bản Việt ngữ này được dịch (1996) từ bản chính thức bằng Pháp ngữ do Liberia Editrice Vaticana ấn hành (Roma 1993). Tuy nhiên để cho ý tưởng sáng sủa, cũng tham chiếu bản dịch và chú giải bằng Anh ngữ của linh mục Joseph A. Fitzmyer do Editrice Pontificio Instituto Biblico ấn hành (Roma 1995). Trong lần tái bản này (2004), cha Albertô Trần Phúc Nhân đã đọc lại và góp ý sửa chữa cho bản dịch được chính xác và rõ ràng hơn. Chúng con xin chân thành cảm ơn Cha.

***

PHẦN IV

VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG ĐỜI SỐNG CỦA HỘI THÁNH

 

Giải thích Kinh Thánh, tuy là bổn phận đặc biệt của các nhà chú giải, nhưng không vì thế mà trở thàønh độc quyền của các nhà chú giải, vì trong Hội Thánh, việc giải thích bao gồm những khía cạnh đi xa hơn việc phân tích các bản văn một cách khoa học. Quả vậy, Hội Thánh không coi Kinh Thánh thuần tuý là một tổng thể những văn kiện lịch sử liên quan đến nguồn cội của mình. Hội Thánh đón nhận Kinh Thánh như là Lời Thiên Chúa ngỏ với Hội Thánh và với toàn thế giới, trong thời đại hiện nay. Xác tín này xuất phát từ lòng tin lại đưa đến hệ quả là nỗ lực làm cho sứ điệp Kinh Thánh được hiện tại hoá và hội nhập vào văn hoá, cũng như sử dụng các bản văn được linh hứng theo nhiều cách khác, như trong phụng vụ, “lectio divina” (đọc và suy gẫm Lời Chúa), mục vụ và công cuộc đại kết.

A. HIỆN TẠI HÓA

Ngay trong chính Kinh Thánh – như chúng ta đã ghi nhận ở chương trước -, người ta đã làm công việc hiện tại hoá : các bản văn cổ hơn được đọc lại theo những hoàn cảnh mới và được áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của Dân Thiên Chúa. Dựa trên xác tín căn bản ấy, hiện tại hoá vẫn còn là công việc cần phải được tiếp tục thực hành trong các cộng đoàn tín hữu.

1. Các nguyên tắc

Việc hiện tại hoá dựa trên các nguyên tắc căn bản sau đây :

Hiện tại hoá là công việc có thể thực hiện được, vì ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh phong phú sung mãn khiến Kinh Thánh có giá trị cho mọi thời đại và mọi nền văn hoá (x. Is 40,8; 66,18-21; Mt 28,19-20). Sứ điệp Kinh Thánh có thể vừa tương đối hoá vừa phong phú hoá các hệ thống giá trị và các qui tắc ứng xử của mỗi thế hệ.

Hiện tại hoá là công việc cần thiết, vì dầu sứ điệp Kinh Thánh có một giá trị trường tồn, nhưng các bản văn Kinh Thánh lại được viết ra tuỳ theo những hoàn cảnh trong quá khứ và trong một ngôn ngữ tuỳ thuộc những thời đại khác nhau. Muốn bộc lộ tầm quan trọng của các bản văn cho con người ngày nay, bất luận nam nữ, cần phải áp dụng sứ điệp của các bản văn đó vào những hoàn cảnh hiện tại và diễn tả sứ điệp đó ra bằng một ngôn ngữ thích hợp với thời đại hiện nay. Điều đó giả thiết phải có một nỗ lực về mặt giải thích, mục đích là vượt quá các hoàn cảnh lịch sử để xác định được những điểm chính yếu của sứ điệp.

Khi làm công việc hiện tại hoá, phải luôn để ý đến những mối tương quan phức tạp trong Kinh Thánh của Kitô giáo, giữa Tân Ước với Cựu Ước, bởi Tân Ước vừa tự coi như hoàn thành Cựu Ước lại vừa vượt quá Cựu Ước. Phải thực hiện việc hiện tại hoá sao cho phù hợp với sự thống nhất năng động đã được thiết lập như thế giữa Cựu Ước và Tân Ước.

Tính năng động của truyền thống sống động của cộng đoàn đức tin thực hiện việc hiện tại hoá. Cộng đoàn này rõ ràng tiếp nối các cộng đoàn đã cho ra đời, đã bảo tồn và truyền lại Sách Thánh. Trong tiến trình hiện tại hoá, truyền thống đóng hai vai trò : một đàng, che chở cho khỏi những cách giải thích sai lạc, đàng khác lại bảo đảm cho việc thông truyền của tính năng động nguyên thuỷ.

Như thế, hiện tại hoá không có nghĩa là lèo lái bản văn. Đó không phải là việc dọi vào các tác phẩm Kinh Thánh những tư tưởng hoặc những ý thức hệ mới, nhưng là chân thành tìm xem bản văn nói gì cho thời đại hiện nay. Bản văn Kinh Thánh có thế giá trên Hội Thánh Kitô giáo mọi thời và, mặc dù nhiều thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Kinh Thánh được biên soạn, Kinh Thánh vẫn giữ vai trò hướng dẫn đặc biệt mà ta không thể lèo lái được. Huấn Quyền của Hội Thánh “không ở trên Lời Thiên Chúa, nhưng phục vụ Lời Thiên Chúa khi chỉ dạy những gì đã được truyền lại. Do Thiên Chúa uỷ thác và được Chúa Thánh Thần trợ giúp, Huấn Quyền lắng nghe Lời Thiên Chúa với lòng yêu mến, gìn giữ Lời đó một cách thánh thiện và giải thích Lời đó một cách trung thành” (Dei Verbum, số 10).

2. Các phương pháp

Dựa vào các nguyên tắc trên, có thể dùng nhiều phương pháp hiện tại hoá khác nhau :

Việc hiện tại hoá, đã được thực hiện trong chính Kinh Thánh, sau đó được tiếp tục trong truyền thống Do-thái nhờ những phương thức mà ta có thể nhận thấy trong các tác phẩm Targoumim và Midrashim : tìm các đoạn văn song song (gezérah shawah), sửa đổi trong cách đọc bản văn (‘al tiqrey), thêm một nghĩa thứ hai (tartey mishma’)…

Bên cạnh đó, các Giáo phụ của Hội Thánh đã sử dụng lối tiên trưng (typologie) và lối ngụ ngôn (allégorie) để hiện tại hoá các bản văn Kinh Thánh theo cách thế thích ứng với hoàn cảnh của các Kitô hữu ở thời của các ngài.

Đến thời đại chúng ta, khi làm công việc hiện tại hoá cần phải để ý đến những thay đổi trong não trạng và sự tiến bộ của các phương pháp giải thích.

Hiện tại hoá giả thiết chú giải đúng bản văn, xác định được nghĩa theo chữ của bản văn đó. Nếu chính người làm công việc hiện tại hoá không được huấn luyện về những phương thức chú giải, thì phải nhờ đến những cuốn sách hướng dẫn có giá trị. Như thế mới bảo đảm giải thích đúng hướng.

Phương pháp hiện tại hoá chắc chắn nhất và phong phú nhất là dùng Sách Thánh để giải thích Sách Thánh, đặc biệt trong trường hợp các bản văn Cựu Ước được đọc lại trong chính Cựu Ước (như Manna ở Xh 16 trong sách Kn 16,20-29 chẳng hạn) và/hoặc trong Tân Ước (Ga 6). Không thể hiện tại hoá một bản văn Kinh Thánh vào cuộc sống Kitô hữu cho đúng mà không đặt trong tương quan với mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Hội Thánh. Chẳng hạn sẽ là chuyện không bình thường khi chỉ đề nghị cho các Kitô hữu những câu chuyện rút từ Cựu Ước (Xh; 1-2 Mcb) làm khuôn mẫu cho việc đấu tranh giải phóng.

Dựa trên những triết lý giải thích, nhiệm vụ giải thích gồm ba giai đoạn :

1/ Lắng nghe Lời Thiên Chúa trong hoàn cảnh hiện tại.

2/ Phân biệt những khía cạnh của hoàn cảnh hiện tại mà bản văn Kinh Thánh soi sáng hoặc đặt vấn đề cho thấy.

3/ Rút từ sự sung mãn ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh những yếu tố khả dĩ giúp cho hoàn cảnh hiện nay tiến triển một cách phong phú, hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Nhờ việc hiện tại hoá, Kinh Thánh soi sáng cho nhiều vấn đề hiện nay, chẳng hạn như vấn đề các thừa tác vụ, chiều kích cộng đoàn của Hội Thánh, ưu tiên lựa chọn người nghèo, thần học giải phóng, thân phận người phụ nữ. Việc hiện tại hoá cũng có thể chú ý đến những giá trị càng ngày càng được lương tâm nhân loại nhìn nhận nhiều hơn như các quyền con người, bảo vệ sự sống con người, gìn giữ thiên nhiên, khát vọng nền hoà bình thế giới.

3. Những giới hạn

Muốn cho việc hiện tại hoá luôn hợp với chân lý cứu độ đã được diễn tả trong Kinh Thánh, phải tôn trọng một số giới hạn và phải coi chừng những thái độ có thể khiến cho lạc đường. Cho dầu mỗi cách đọc Kinh Thánh tất nhiên đều lựa chọn một quan điểm nhất định, nhưng cần phải tránh những cách giải thích thiên kiến, tức là những cách đọc thay vì để cho mình được bản văn chỉ bảo thì lại chỉ nhằm sử dụng bản văn vào những mục đích hạn hẹp (như là trường hợp hiện tại hoá của các giáo phái, giáo phái Chứng nhân Giêhôva chẳng hạn).

Việc hiện tại hoá sẽ mất hết giá trị nếu như đặt căn bản trên những nguyên tắc lý thuyết mâu thuẫn với những đường hướng căn bản của bản văn Kinh Thánh, chẳng hạn như chủ trương duy lý đối lập với đức tin hoặc chủ trương duy vật vô thần.

Tất nhiên cũng cần phải loại bỏ bất cứ kiểu hiện tại hoá nào đi theo hướng nghịch với công bằng và bác ái theo tinh thần Tin Mừng, chẳng hạn như những lối hiện tại hoá muốn căn cứ vào những bản văn Kinh Thánh để biện minh cho thái độ kỳ thị chủng tộc, bài Do-thái hoặc kỳ thị giới tính, cả về phía nam lẫn phía nữ. Theo tinh thần của Công Đồng Vaticanô II (Nostra aetate, 4), cần phải đặc biệt chú ý tránh tuyệt đối không hiện tại hoá một số bản văn Tân Ước có thể gây ra hay làm gia tăng những thái độ kỳ thị người Do-thái. Những biến cố đau thương trong quá khứ, trái lại, phải thúc đẩy mọi người không ngừng nhớ rằng, theo Tân Ước, người Do-thái vẫn là những người được Thiên Chúa “yêu thương”, vì “Thiên Chúa đã ban các ân huệ và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,28-29).

Sẽ tránh khỏi bị lạc đường nếu như việc hiện tại hoá khởi đi từ một cách giải thích đúng bản văn và được tiếp tục trong dòng Truyền Thống sống động, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền Hội Thánh.

Nhưng dẫu thế nào chăng nữa, những nguy cơ lạc đường không thể là một lý phản bác có giá trị, ngăn cản chúng ta chu hoàn một bổn phận cần thiết, đó là làm cho sứ điệp Kinh Thánh vang đến tai và vào trong tâm hồn của những người thuộc cùng thế hệ với chúng ta.

B. HỘI NHẬP VĂN HÓA

Trong khi hiện tại hoá là làm sao cho Kinh Thánh vẫn tiếp tục sinh hoa kết quả phong phú qua nhiều thời đại khác nhau, thì hội nhập văn hoá lại chú ý đến những nơi chốn khác nhau và nỗ lực làm cho sứ điệp Kinh Thánh bén rễ sâu vào những mảnh đất rất khác nhau. Dĩ nhiên không bao giờ có sự khác biệt hoàn toàn. Thực ra, mỗi nền văn hoá đích thực, theo cách của mình, đều mang những giá trị phổ quát đã được Thiên Chúa đặt định.

Nền tảng thần học của việc hội nhập văn hoá là niềm xác tín do đức tin cho rằng Lời Thiên Chúa trổi vượt các nền văn hoá trong đó Lời được diễn tả, và có khả năng truyền bá sang các nền văn hoá khác, sao cho có thể đến với mọi người trong bối cảnh văn hoá họ đang sống. Xác tín này xuất phát từ chính Kinh Thánh. Ngay từ sách Sáng Thế, Kinh Thánh đã theo một đường hướng phổ quát (St 1,27-28), đường hướng này tiếp tục tồn tại trong phúc lành Thiên Chúa hứa ban cho mọi dân tộc qua ông Ápraham và dòng dõi của ông (St 12,3; 18,18) và được xác nhận vĩnh viễn khi việc loan báo Tin Mừng của Kitô giáo vươn tới “mọi dân tộc” (Mt 28,18-20; Rm 4,16-17; Ep 3,6).

Giai đoạn thứ nhất của việc hội nhập văn hoá là chuyển dịch Sách Thánh được linh hứng sang một ngôn ngữ khác. Giai đoạn này đã được vượt qua ngay từ thời Cựu Ước, khi bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hípri được dịch miệng sang tiếng Aram (Nkm 8,8.12), và sau đó bằng chữ viết sang tiếng Hy-lạp. Dĩ nhiên, chuyển dịch không phải chỉ đơn thuần là sao chép lại nguyên văn (transcription). Chuyển từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác nhất thiết là thay đổi bối cảnh văn hoá : những quan niệm không còn đồng nhất và các biểu tượng cũng không còn giữ nguyên được ý nghĩa, vì có liên hệ với những truyền thống tư tưởng và những lối sống khác.

Vì được viết bằng tiếng Hy-lạp, Tân Ước toàn bộ được ghi dấu bởi tính năng động của việc hội nhập văn hoá. Khi chuyển sứ điệp của Đức Giêsu, người xứ Palestine, vào nền văn hoá Do-thái Hy-lạp (judéo-hellénistique), Tân Ước cho thấy ý muốn vượt qua những giới hạn của một môi trường văn hoá độc nhất.

Tuy là giai đoạn căn bản, nhưng việc chuyển dịch các bản văn Kinh Thánh tự nó không đủ để bảo đảm là đã hội nhập văn hoá thực sự. Việc hội nhập này còn phải được tiếp nối nhờ việc giải thích, làm cho sứ điệp Kinh Thánh có được mối tương quan rõ rệt hơn với những cách cảm nghĩ, cách sống và cách diễn tả riêng của mỗi một nền văn hoá địa phương. Tiếp đó, từ việc giải thích người ta bước sang những giai đoạn khác của việc hội nhập văn hoá và đi tới chỗ thành hình một nền văn hoá Kitô giáo địa phương, bao gồm mọi chiều kích của cuộc sống (cầu nguyện, làm việc, sinh hoạt xã hội, phong tục, luật pháp, khoa học và nghệ thuật, suy tư triết học và thần học). Quả thật, Lời Thiên Chúa là hạt giống, hút nhựa sống là những yếu tố hữu ích giúp Lời tăng trưởng và sinh hoa kết quả nơi mảnh đất hạt giống đã được gieo vào (Ad Gentes, số 22). Do đó, các Kitô hữu phải cố gắng phân biệt “đâu là những kho tàng phong phú mà Thiên Chúa, do lòng đại lượng của Người, đã ban phát cho các dân tộc. Đồng thời, họ phải cố gắng chiếu giãi những kho tàng ấy bằng ánh sáng Tin Mừng, giải phóng chúng, đưa chúng về dưới quyền của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ” (Ad Gentes, số 11).

Ta thấy, đó không phải là tiến trình chỉ có một chiều, nhưng là một cố gắngï “làm phong phú lẫn nhau”. Một đàng, các kho tàng phong phú chứa đựng trong các nền văn hoá khác nhau giúp cho Lời của Thiên Chúa sinh nhiều hoa trái mới và, đàng khác, ánh sáng của Lời Thiên Chúa giúp chọn lựa trong các nền văn hoá để loại đi những yếu tố tác hại và phát huy những yếu tố có giá trị. Lòng trung thành hoàn toàn với con người Đức Kitô, với tính năng động trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người và trong tình yêu của Người đối với Hội Thánh sẽ giúp tránh được hai giải pháp sai lầm đó là “thích ứng” sứ điệp một cách hời hợt và tổng hợp sứ điệp một cách hỗn độn (Ad Gentes, số 22).

Trong Kitô giáo ở Đông phương cũng như Tây phương, việc hội nhập văn hoá của Kinh Thánh đã được thực hiện từ những thế kỷ đầu và đã đạt được những kết quả phong phú. Tuy nhiên, không bao giờ được coi công việc đó như đã kết thúc. Vẫn phải thường xuyên thực hiện việc hội nhập này, trong tương quan với sự biến chuyển không ngừng của các nền văn hoá. Trong những xứ mới được loan báo Tin Mừng, vấn đề được đặt ra cách khác. Quả thật, các nhà truyền giáo thế nào cũng mang đến Lời Thiên Chúa dưới hình thức đã được hội nhập vào xứ sở gốc của mình. Những Hội Thánh địa phương mới phải nỗ lực thật nhiều để có thể đi từ hình thức hội nhập Kinh Thánh mang tính cách của nước ngoài sang một hình thức khác phù hợp hơn với văn hoá của xứ sở mình.

C. VIỆC SỬ DỤNG KINH THÁNH

1. Trong phụng vụ

Ngay từ thời đầu của Hội Thánh, việc đọc Sách Thánh đã là một thành phần tất yếu trong phụng vụ Kitô giáo, kế thừa một phần từ phụng vụ Hội đường Do thái. Ngày nay cũng vậy, chính qua phụng vụ, nhất là khi cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật, các Kitô hữu có dịp tiếp xúc với Sách Thánh.

Theo nguyên tắc thì phụng vụ, nhất là phụng vụ bí tích, trong đó đỉnh cao là cử hành Thánh Thể, là cách hiện tại hoá hoàn hảo nhất các bản văn Kinh Thánh, bởi vì bản văn Kinh Thánh được công bố giữa cộng đoàn tín hữu đang qui tụ chung quanh Đức Kitô để tiến lại gần Thiên Chúa. Chính khi ấy, Đức Kitô “hiện diện trong lời của Người, bởi vì chính Người nói khi người ta đọc Sách Thánh trong Hội Thánh” (Sacrosanctum Concilium, số 7). Như thế, chữ viết trở thành lời sống động.

Công cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng Vaticanô II khởi xướng đã cố gắng cung cấp cho người công giáo lương thực Kinh Thánh dồi dào hơn. Các bài đọc Kinh Thánh trong các thánh lễ Chúa Nhật, theo chu kỳ ba năm, dành vị trí ưu tiên cho các sách Tin Mừng, nhằm làm nổi bật mầu nhiệm Chúa Kitô. Mầu nhiệm này là nguyên uỷ đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Khi thường đặt một bản văn Cựu Ước tương ứng với một bản văn Tin Mừng, chu kỳ này thường gợi cho thấy cách giải thích Kinh Thánh theo chiều hướng khuôn mẫu tiên trưng. Như ta đã biết, đây không phải là cách giải thích duy nhất.

Bài giảng cũng là thành phần tất yếu của phụng vụ, vì bài giảng hiện tại hoá Lời Thiên Chúa rõ ràng hơn nữa. Chúng ta sẽ nói lại vấn đề này khi đề cập đến tác vụ mục vụ.

Theo các chỉ dẫn của Công Đồng (Sacrosanctum Concilium., số 35), Sách Bài Đọc phải giúp cho việc đọc Kinh Thánh “phong phú hơn, đa dạng hơn và thích hợp hơn”. Trong tình trạng hiện nay, Sách Bài Đọc mới chỉ đáp ứng được phần nào mục đích này. Tuy vậy, sách này đã tạo được những hiệu quả đáng mừng theo hướng đại kết. Tại một số nước, cuốn sách này cũng là thước đo cho thấy người công giáo đã quen với Kinh Thánh đến mức nào.

Phụng vụ Lời Chúa là một yếu tố quyết định trong việc cử hành mỗi bí tích của Hội Thánh. Đây không phải chỉ là đọc bài này tiếp theo bài kia, bởi vì cũng cần có những khoảng thời gian thinh lặng và cầu nguyện. Phụng vụ này, nhất là Phụng vụ Các Giờ Kinh, đã sử dụng sách Thánh vịnh để giúp cộng đoàn Kitô hữu cầu nguyện. Các thánh thi cũng như các lời nguyện đều đầy dẫy ngôn ngữ Kinh Thánh và biểu tượng Kinh Thánh. Như thế, thực hành việc đọc Kinh Thánh là cần thiết để chuẩn bị và đi kèm theo việc tham dự phụng vụ.

Nếu qua các bài đọc, “Thiên Chúa nói với dân Người” (Sách Lễ Rô-ma, số 33), thì cần phải hết sức quan tâm đến phụng vụ Lời Chúa, cả trong việc công bố bản văn lẫn việc giải thích. Vì thế, khi đào tạo những người sẽ giữ vai trò chủ toạ cộng đoàn cũng như những người phụ giúp, cần lưu tâm tối đa đến những đòi hỏi của việc cử hành phụng vụ Lời Chúa đã được canh tân sâu xa. Như thế, nhờ cố gắng của mọi người, Hội Thánh tiếp tục sứ mạng đã được trao phó cho mình, là “lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa mà trao tặng các tín hữu” (Dei Verbum, số 21).

2. Đọc và suy gẫm Lời Chúa (Lectio divina)

Lectio divina là đọc một đoạn Kinh Thánh, dài hay ngắn, đọc cá nhân hay đọc chung trong cộng đoàn. Đoạn văn này trước tiên được đón nhận như là Lời Chúa, sau đó được triển khai qua việc suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần.

Mối bận tâm làm thế nào để đọc Kinh Thánh đều đặn, thậm chí hàng ngày, phản ánh một tập tục cổ kính trong Hội Thánh. Việc đọc tập thể được chứng nhận từ thế kỷ III, thời giáo phụ Origène. Ông quen giảng dựa vào một bản văn Kinh Thánh được đọc liên tục suốt cả tuần. Thời bấy giờ đã có những buổi hội họp mỗi ngày để đọc và giải thích Kinh Thánh. Sau đó, thói quen này bị quên lãng và không phải lúc nào cũng được các Kitô hữu hưởng ứng (Origène, Hom. Gn., X,1).

Còn lectio divina xét như là một việc đọc cá nhân thì đã có trong sinh hoạt đan viện thời xa xưa. Thời nay, Huấn thị của Uỷ Ban Kinh Thánh, do Đức Giáo Hoàng Piô X phê chuẩn, đã khuyên các giáo sĩ cả triều lẫn dòng giữ thói quen ấy (De Scriptura Sacra, 1950; EB, số 592). Như vậy, lectio divina dưới cả hai hình thức, cá nhân cũng như cộng đoàn, ngày nay lại được nhấn mạnh. Mục đích là làm sao khơi dậy và nuôi dưỡng “một lòng yêu mến thiết thực và bền bỉ” đối với Kinh Thánh, nguồn mạch củng cố đời sống nội tâm và làm cho hoạt động tông đồ đạt kết quả dồi dào (EB, số 591 và 567), đồng thời cũng nhằm giúp hiểu phụng vụ thấu đáo hơn và bảo đảm cho Kinh Thánh có một vị trí quan trọng hơn trong việc nghiên cứu thần học và cầu nguyện.

Hiến chế Lời Thiên Chúa (Dei Verbum, số 25) của Công Đồng cũng nhấn mạnh về việc các linh mục và tu sĩ phải chăm chỉ đọc Kinh Thánh. Ngoài ra, đây là điểm mới mẻ : Hiến chế cũng mời “mọi tín hữu Chúa Kitô siêng năng đọc Kinh Thánh” để “được sự hiểu biết tuyệt vời về Đức Kitô” (Pl 3,8). Nhiều cách thế khác đã được đềù nghị. Ngoài việc đọc cá nhân, còn có việc đọc theo nhóm. Bản văn Công Đồng nhấn mạnh rằng kinh nguyện phải đi kèm với Kinh Thánh, vì kinh nguyện là sự đáp trả Lời Thiên Chúa mình gặp được trong Kinh Thánh dưới sự linh hứng của Thánh Thần. Nhiều sáng kiến vềù việc đọc Kinh Thánh trong cộng đoàn đã nảy sinh trong giới Kitô hữu, và người ta chỉ có thể khích lệ khát vọng này, muốn hiểu biết ngày càng sâu xa hơn về Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người trong Đức Giêsu Kitô, qua Kinh Thánh.

3. Trong tác vụ mục vụ

Theo lời khuyên của Hiến chế Lời Thiên Chúa (Dei Verbum, số 24), trong tác vụ mục vụ, có nhiều cách khác nhau để thường xuyên sử dụng Kinh Thánh, tuỳ theo loại giải thích các mục tử dùng và các tín hữu có thể hiểu được. Có thể chia thành ba loại chính : huấn giáo, giảng thuyết và tông đồ Kinh Thánh. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tuỳ theo trình độ chung của đời sống Kitô giáo ảnh hưởng vào nữa.

Việc giải thích Lời Chúa trong huấn giáo (Sacrosanctum Concilium., số 35; Hướng dẫn tổng quát về huấn giáo, 1971, số 16) lấy Sách Thánh làm nguồn mạch đầu tiên. Được giải thích trong bối cảnh Thánh Truyền, Kinh Thánh sẽ là khởi điểm, là nền tảng và là qui tắc cho việc dạy giáo lý. Một trong những mục đích của huấn giáo phải là giúp người học hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh cũng như biết đọc Kinh Thánh sao cho hiệu quả. Sự hiểu biết này sẽ giúp khám phá sự thật về Thiên Chúa hàm chứa trong Kinh Thánh, đồng thời khơi lên lời đáp trả quảng đại tối đa đối với sứ điệp Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại qua lời của Người.

Huấn giáo phải khởi đầu từ bối cảnh lịch sử của mặc khải của Thiên Chúa, nhằm trình bày những nhân vật và những biến cố trong Cựu Ước và Tân Ước theo ánh sáng kế hoạch của Thiên Chúa.

Để đi từ bản văn Kinh Thánh sang ý nghĩa cứu độ của bản văn cho thời hiện tại, người ta sử dụng những lý thuyếtù giải thích khác nhau. Những lý thuyết này sinh ra những lối chú giải khác nhau. Huấn giáo phong phú chừng nào là tuỳ thuộc giá trị của lý thuyết giải thích được sử dụng. Nguy cơ là người ta hay thoả mãn với cách chú giải bề mặt, tức là chỉ lo trình bày niên biểu của những sự kiện và các nhân vật tiếp nối nhau trong Kinh Thánh.

Dĩ nhiên, huấn giáo chỉ có thể khai thác một phần nhỏ các bản văn Kinh Thánh. Nói chung, huấn giáo sử dụng nhiều nhất là các câu truyện trong Tân Ước cũng như Cựu Ước. Huấn giáo chú trọng đến Mười điều răn. Huấn giáo cũng phải lưu tâm đến những lời sấm của các ngôn sứ, giáo huấn trong các sách khôn ngoan, và những diễn từ quan trọng trong Tin Mừng, như Bài giảng trên núi chẳng hạn.

Phải trình bày các sách Tin Mừng thế nào để khơi lên cuộc gặp gỡ với Đức Kitô. Người là Đấng nắm giữ chìa khoá giúp hiểu toàn bộ mặc khải Kinh Thánh và là Đấng chuyển đạt lời mời gọi của Thiên Chúa mà mỗi người phải đáp lại. Lời của các ngôn sứ và của “những người phục vụ Lời Chúa“ (Lc 1,2) phải được trình bày như là những lời đang được nói cho người Kitô hữu hôm nay.

Những nhận định tương tự cũng áp dụng cho tác vụ giảng thuyết. Tác vụ này phải rút tỉa từ những bản văn cổ lương thực thiêng liêng phù hợp với nhu cầu hiện nay của cộng đoàn Kitô hữu.

Tác vụ này hiện nay được thực hiện cách đặc biệt ở cuối phần thứ nhất trong buổi cử hành Thánh Thể, trong bài giảng theo sau phần công bố Lời Thiên Chúa.

Trong bài giảng, không thể giải thích quá chi tiết các bản văn Kinh Thánh. Vì thế, nên nhấn mạnh đến những điểm nhấn chính trong các bản văn, những điểm nhấn đặc biệt giúp soi sáng đức tin và giúp đời sống Kitô giáo của cả cộng đoàn lẫn cá nhân tiến triển. Khi trình bày những điểm nhấn trên, phải quan tâm đến việc hiện tại hoá và hội nhập văn hoá, theo như những gì đã được nói trên. Muốn đạt được hiệu quả này, cần phải có những nguyên tắc giải thích có giá trị. Thiếu chuẩn bị trong lãnh vực này sẽ dẫn đến hậu quả là không chú ý đào sâu những bản văn Kinh Thánh mà chỉ thoả mãn với việc đưa ra những bài học luân lý hoặc nói về những vấn đề thời sự, thay vì lấy Lời Chúa mà soi sáng những vấn đề ấy.

Tại một số quốc gia, đã có những sách báo thực hiện với sự cộng tác của các nhà chú giải, nhằm giúp những người có trách nhiệm mục vụ giải thích đúng đắn các bài đọc Kinh Thánh trong phụng vụ và áp dụng phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Ước mong ngày càng có nhiều nỗ lực tương tự.

Những người giảng thuyết phải tránh nhấn mạnh một chiều đến những bổn phận áp đặt lên các tín hữu. Sứ điệp Kinh Thánh phải giữ được đặc tính chính yếu của mình, tức là Tin Mừng về ơn cứu độ do Thiên Chúa ban nhưng không. Giảng thuyết sẽ ích lợi hơn và phù hợp với Kinh Thánh hơn nếu trước hết giúp các tín hữu “nhận biết ân huệ của Thiên Chúa“ (Ga 4,10), như được mặc khải trong Kinh Thánh, đồng thời giúp họ hiểu một cách tích cực những bôûn phận phát xuất từ Kinh Thánh.

Việc tông đồ Kinh Thánh có mục đích giúp người khác biết Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa và là nguồn mạch sự sống. Trước hết, công tác này cổ võ việc phiên dịch Kinh Thánh ra các ngôn ngữ khác nhau và việc phổ biến các bản dịch này. Công tác này khơi lên và nâng đỡ nhiều sáng kiến như : lập các nhóm học hỏi Kinh Thánh, tổ chức các buổi thuyết trình về Kinh Thánh, các tuần lễ học hỏi Kinh Thánh, ấn hành sách báo, vv…

Về điểm này, có sự đóng góp quan trọng của các hiệp hội và phong trào trong Hội Thánh. Các đoàn thể này coi việc đọc Kinh Thánh theo cái nhìn đức tin và nhằm sự dấn thân của Kitô hữu là ưu tiên hàng đầu. Nhiều “cộng đoàn cơ bản” tập trung các cuộc họp của mình vào Kinh Thánh và đề ra ba mục tiêu : hiểu biết Kinh Thánh, xây dựng cộng đoàn và phục vụ dân chúng. Ở đây, sự trợ giúp của các nhà chú giải cũng là điều hữu ích để tránh những cách áp dụng vào hiện tại mà không có cơ sở vững chắc. Thế nhưng, thật đáng mừng khi thấy sách Kinh Thánh được trao vào tay những người khiêm tốn, những người nghèo. Những người này có thể đem lại một ánh sáng sâu xa, cả về phương diện thiêng liêng lẫn hiện sinh, cho việc giải thích và hiện tại hoá Kinh Thánh, hơn là ánh sáng phát xuất từ thứ khoa học quá tự tin (x. Mt 11,25).

Các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, càng ngày càng có tầm quan trọng. Điều này đòi hỏi việc loan báo Lời Thiên Chúa và sự hiểu biết về Kinh Thánh phải được phổ biến cách tích cực nhờ các phương tiện này. Các phương tiện này có những khía cạnh rất riêng biệt, và đàng khác, có tầm ảnh hưởng đối với quảng đại quần chúng, nên muốn sử dụng các phương tiện này, cần được chuẩn bị đặc biệt hầu tránh được những ngẫu hứng tồi tệ cũng như những gì tạo được ấn tượng mạnh nhưng kém phẩm chất.

Vậy, dù là huấn giáo, giảng thuyết hay tông đồ Kinh Thánh, bản văn Kinh Thánh vẫn luôn phải được trình bày với thái độ tôn trọng xứng đáng.

4. Trong công cuộc đại kết

Công cuộc đại kết, xét như một phong trào đặc biệt và có tổ chức, chỉ mới xuất hiện gần đây, nhưng ý tưởng về sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa mà phong trào này muốn khôi phục thì đã bắt nguồn sâu xa trong Kinh Thánh. Đó là mục tiêu Chúa Giêsu hằng bận tâm lo lắng (Ga 10,16; 17,11.20-23). Mục tiêu đó đòi hỏi sự hiệp nhất các tín hữu trong đức tin, đức cậy và đức mến (Ep 4,2-5), trong sự tôn trọng lẫn nhau (Pl 2,1-5) và trong tình liên đới (1 Cr 12,14-27; Rm 12,4-5), nhưng nhất là đòi hỏi sự hiệp nhất hữu cơ giữa các tín hữu với Chúa Kitô như cành nho với Cây Nho (Ga 15,4-5), như chi thể với Đầu (Ep 1,22-23; 4,12-16). Sự hiệp nhất này phải hoàn hảo, theo hình ảnh sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con (Ga 17,11.22). Kinh Thánh đã xác định nền tảng thần học của sự hiệp nhất đó (Ep 4,4-6; Ga 3,27-28). Cộng đoàn tiên khởi thời các Tông Đồ là kiểu mẫu cụ thể và sống động về sự hiệp nhất này (Cv 2,44; 4,32).

Phần lớn các vấn đề mà cuộc đối thoại đại kết phải đương đầu đều có liên hệ với việc giải thích các bản văn Kinh Thánh. Một số vấn đề thuộc lãnh vực thần học : cánh chung luận, cơ cấu của Hội Thánh, quyền tối thượng và tính tập đoàn, hôn nhân và ly dị, việc truyền chức linh mục thừa tác cho phụ nữ, v.v…

Một số vấn đề khác thuộc lãnh vực giáo luật và quyền tài phán, các vấn đề này liên quan đến việc quản trị của Hội Thánh phổ quát và của các Giáo Hội địa phương. Sau cùng, một số vấn đề khác nữa thuộc lãnh vực Kinh Thánh đúng nghĩa : danh mục các sách thuộc thư quy, một số vấn đề chú giải.

Tuy không có tham vọng một mình giải quyết hết mọi vấn đề trên đây, nhưng khoa chú giải Kinh Thánh được kêu gọi đóng góp một phần quan trọng cho công cuộc đại kết. Đã có những bước tiến đáng kể. Nhờ chấp nhận cùng những phương pháp và những quan điểm chú giải giống nhau, các nhà chú giải thuộc các hệ phái khác nhau trong Ki-tô giáo đã gặp nhau ở một số điểm chung đáng kể trong việc giải thích Sách Thánh, như ta thấy qua các bản văn và các chú thích trong nhiều bản dịch Kinh Thánh do công cuộc đại kết thực hiện, cũng như nhiều sách vở khác.

Đàng khác, cũng cần nhìn nhận rằng ở những điểm đặc thù, những bất đồng trong lối giải thích Sách Thánh thường lại huy động những nỗ lực tìm kiếm chân lý, và có thể lại bổ túc và làm phong phú lẫn nhau. Đó là trường hợp những điểm bất đồng cho thấy những giá trị thuộc các truyền thống riêng của những cộng đoàn Kitô hữu khác nhau, và như thế cũng nói lên những khía cạnh đa dạng của Mầu Nhiệm Chúa Kitô.

Vì Kinh Thánh là nền tảng chung của qui luật đức tin, nên đối với mọi Kitô hữu, nỗ lực đại kết phải thực hiện cũng bao gồm một lời kêu gọi cấp bách là hãy đọc lại các bản văn linh hứng trong tinh thần vâng phục Thánh Thần, trong đức mến, trong thái độ chân thành và khiêm tốn, đồng thời phải suy niệm và sống những điều đã học làm sao để đạt tới sự hoán cải trong tâm hồn cùng sự thánh thiện trong đời sống. Hai yếu tố này một khi được liên kết với lời cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất, sẽ trở thành hồn của toàn thể công cuộc đại kết (x. Unitatis redintegratio, số 8). Để được như vậy, phải cố gắng làm cho càng có nhiều Kitô hữu am hiểu Kinh Thánh càng tốt, khuyến khích các bản dịch đại kết – bởi vì một bản văn chung sẽ giúp có chung một lối đọc và một cách hiểu -, đồng thời phát động những nhóm cầu nguyện đại kết, để nhờ chứng từ tích cực và sống động, tất cả những nỗ lực đó góp phần thể hiện được sự hiệp nhất trong đa dạng (x. Rm 12,4-5).

KẾT LUẬN

Phần trình bày trên đây khá dài nhưng về nhiều điểm còn quá ngắn gọn. Từ những gì đã nói, trước hết ta có thể kết luận rằng trong Hội Thánh và trong thế giới, khoa chú giải Kinh Thánh đảm nhận một trách vụ không thể thiếu. Muốn hiểu Kinh Thánh mà không cần khoa chú giải tức là rơi vào ảo tưởng và tỏ ra thiếu kính trọng đối với cuốn sách được Thiên Chúa linh hứng.

Các người hiểu Kinh Thánh theo chủ trương bảo thủ muốn giới hạn vai trò của các nhà chú giải vào công việc phiên dịch (hoặc không hiểu rằng phiên dịch Kinh Thánh đã là làm công việc chú giải rồi), và vì không muốn theo các nhà chú giải xa hơn trong các công trình nghiên cứu, làm như thế họ không thấy được rằng chính thái độ lo lắng rất đáng khen của họ, muốnï hoàn toàn trung thành với Lời Chúa, thực ra lại đang đẩy họ vào những con đường khiến họ lìa xa ý nghĩa đích thực của những bản văn Kinh Thánh, cũng như không chấp nhận trọn vẹn những hệ luận của Mầu Nhiệm Nhập Thể. Lời Vĩnh Cửu đã nhập thể trong một giai đoạn lịch sử nhất định, trong một môi trường xã hội và văn hoá nhất định. Ai muốn nghe được Lời, phải khiêm tốn tìm kiếm Lời ở bất cứ nơi nào Lời đểû cho ta lĩnh hội được, bằng cách chấp nhận sự trợ giúp cần thiết của tri thức nhân loại. Để nói với những con người, nam cũng như nữ, ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã vận dụng mọi khả năng ngôn ngữ nhân loại có thể có, nhưng đồng thời Người cũng chấp nhận để cho Lời của Người phải lệ thuộc những giới hạn của thứ ngôn ngữ đó. Tôn trọng thực sự Sách đã được linh hứng là phải huy động mọi nỗ lực cần thiết để có thể thấu triệt được ý nghĩa của Sách Thánh. Tất nhiên mỗi Kitô hữu không thể một mình thực hiện mọi loại nghiên cứu giúp hiểu các bản văn Kinh Thánh rõ hơn. Công việc này được uỷ thác cho các nhà chú giải. Trong lãnh vực này, họ là những người có trách nhiệm lo cho thiện ích của mọi người.

Kết luận thứ hai là : chính bản chất của những bản văn Kinh Thánh đòi người ta phải tiếp tục sử dụng phương pháp phê bình-lịch sử, ít là trong những hoạt động chính yếu của nó, để giải thích những bản văn đó. Thực vậy, không được coi Kinh Thánh là một mặc khải trực tiếp về những chân lý siêu thời gian, nhưng thực sự là một lời-chứng-nghiệm-thành-văn về một chuỗi những can thiệp, qua đó Thiên Chúa tự mặc khải trong lịch sử nhân loại. Khác với những đạo lý thánh thiêng của các tôn giáo khác, sứ điệp Kinh Thánh đã bén rễ sâu trong lịch sử. Do đó không thể hiểu đúng các bản văn Kinh Thánh nếu không xét đến những giới hạn lịch sử của những bản văn đó. Những nghiên cứu có tính cách xuyên thời gian (diachroniques) sẽ luôn còn cần thiết cho công tác chú giải. Những nghiên cứu có tính cách đồng thời gian (synchroniques), dù lợi ích thế nào đi nữa, cũng không có khả năng thay thế cho loại nghiên cứu kia. Để hoạt động có kết quả, những nghiên cứu thuộc loại sau tiên vàn phải chấp nhận những kết luận của loại nghiên cứu trước, ít là trong những đường nét căn bản.

Nhưng một khi chấp nhận điều kiện ấy, những lối tiếp cận đồng thời gian (tu từ học, nghệ thuật kể chuyện, ký hiệu học và những phương pháp khác) có thể canh tân phần nào khoa chú giải và đem lại một phần đóng góp rất hữu ích. Thật vậy, phương pháp phê bình-lịch sử không thể cho mình là có độc quyền, mà phải ý thức về những giới hạn của mình cũng như về những nguy cơ đang đe đoạ. Những phát triển gần đây của những lý thuyết giải thích triết học, và bên cạnh đó là những nhận xét chúng ta đưa ra về việc giải thích trong Truyền Thống Kinh Thánh cũng như trong Truyền Thống Hội Thánh, đã làm sáng tỏ nhiều khía cạnh trong vấn đề giải thích mà phương pháp phê bình-lịch sử đã có khuynh hướng bỏ qua. Thậït vậy, vì bận tâm xác định rõ ràng ý nghĩa các bản văn, bằng cách đặt những bản văn này vào trong bối cảnh lịch sử nguyên thuỷ của chúng, phương pháp phê bình-lịch sử đôi khi ra như không chú ý đúng mức tới khía cạnh năng động của ý nghĩa cũng như khả năng phát triển của nghĩa. Khi phương pháp này không đi tới việc nghiên cứu quá trình biên soạn, mà chỉ lo những vấn đề nguồn gốc và sắp xếp bố cục của các bản văn, thì sẽ không chu toàn được nhiệm vụ chú giải.

Do lòng trung thành với truyền thống lớn, mà chính Kinh Thánh là một bằng chứng, khoa chú giải công giáo phải hết sức tránh bệnh méo mó nghề nghiệp trên đây và phải cố duy trì căn tính của mình là một bộ môn thần học, có mục đích chính là đào sâu đức tin. Nói thế không có nghĩa là khoa chú giải này ít dấn thân vào việc nghiên cứu có tính khoa học nghiêm túc nhất, hoặc để cho những bận tâm về mặt minh giáo bóp méo các phương pháp. Mỗi lãnh vực nghiên cứu (hiệu đính bản văn, nghiên cứu ngữ học, phân tích văn thể…) đều có những qui tắc riêng, cần phải theo với tất cả sự độc lập. Nhưng không một lãnh vực chuyên môn nào tự mình là một mục đích. Trong tổ chức toàn bộ của công việc chú giải, phải thực sự qui hướng về mục đích chính yếu, và nhờ đó tránh được sự lãng phí năng lực. Khoa chú giải công giáo không được giống như một dòng nước ngấm vào bãi cát, tức là lối phân tích quá thiên về phê bình. Nhiệm vụ khoa chú giải, trong Hội Thánh cũng như trong thế giới, là phải chu toàn một chức năng tuyệt đối cần thiết, tức là góp phần vào việc truyền đạt nội dung của cuốn Sách được linh hứng sao cho trung thực hơn.

Đó chính là mục đích mà khoa chú giải công giáo đang cố gắng vươn tới, trong sự liên kết với công cuộc canh tân các bộ môn thần học khác cũng như với công tác mục vu,ï nhằm hiện tại hoá Lời Thiên Chúa và đưa Lời Thiên Chúa hội nhập vào văn hoá. Khi khảo sát các vấn đề hiện đang được đặt ra và trình bày một vài suy tư về những vấn đề này, tập khảo cứu trên đây hy vọng giúp cho mọi người có được một ý thức rõ ràng hơn về vai trò của các nhà chú giải công giáo.

Làm tại Rôma, ngày 15 tháng tư 1993.

 

———

MỘT SỐ TỪ VỰNG ĐỐI CHIẾU

Ám dụ                                        métaphore

Biên soạn                                  rédaction

Biên soạn (người)                   rédacteur

Ám dụ                                        métaphore

Biên soạn                                  rédaction

Biên soạn (người)                   rédacteur

Cấu trúc học                             structuraliste

Cấu trúc chung cuộc                structure finale

Chú giải duy lý                          exégèse rationaliste

Chú giải theo khoa học           exégèse scientifique

Chú giải tự do                          exégèse libérale

Chú giải thần bí                        exégèse mystique

Chú giải duy vật                       exégèse matérialiste

Chú giải theo phân tâm học   exégèse psychanalytique

Chú giải khách quan hoá       exégèse objectivante

Chú giải của các giáo phụ     exégèse patristique

Chú giải (nhà)                          exégète

Chứng từ                                  témoignage

Cú pháp                                    syntaxe

Duy cấu trúc                             structuralisme

Duy lịch sử                               historicisme

Điệp văn                                    doublet

Đồng thời gian                         synchronie

(Xuyên thời gian                      diachronie)

Giải thích                                   interprétation

Giải thích sát chữ                    interprétation littérale

Giải thích thiêng liêng            interprétation spirituelle

Giải thích công giáo                interprétation catholique

Giải thích trọn vẹn                   interprétation intégrale

Giải thích tiền-phê bình          interprétation précritique

Giải thích nghi ngờ                 herméneutique du soupcon

(Lý thuyết giải thích -)             théorie herméneutique)

Giải thích (khoa)                      herméneutique

(Vòng tròn giải thích)              cercle herméneutique)

Giải trừ huyền thoại                démythologisation

Hiện tại hoá                              actualisation

Hình thể học                             morphologie

Hình thức bản văn                  forme du texte

Khoa học nhân văn                science humaine

Khoa giải thích                         herméneutique

Khoa chú giải                           exégèse

Không thuần nhất                   hétérogène

Ký hiệu học                              sémiotique

Lịch sử hoá                               historicisant

Nghĩa của Sách Thánh          sens de l”Ecriture

Nghĩa cứ chữ                           sens littéraliste

Nghĩa theo chữ                        sens littérale

Nghĩa thần bí                            sens mystique

Ngụ ngôn                                  allégorie

Ngữ học                                    philologie, linguistique

Ngữ nghĩa                                 sémantique

Ngữ học (phân tích)                (analyse) linguistique

Nhân học                                  anthropologie

Nhân học văn hóa                  anthropologie culturelle

Nhị thứ                                      binôme

Phân tích văn chương           analyse littéraire

Phân tích tu từ học                  analyse rhétorique

Phân tích thuật chuyện          analyse narrarive

Phân tích ký hiệu                    analyse sémiotique

Phê bình (việc) biên soạn      critique de la rédaction             (redactionsgeschichte)

Phê bình có khoa học            critique scientifique

Phê bình các hình thức         critique des formes   (formgeschichete)

Phê bình lịch sử                      historico-critique

Phê bình các nguồn               crique des sources

Phê bình các văn bản (bản văn)  critique textuelle

Phê bình văn chương            critique littéraire

Phê bình văn loại                    critique des genres

Phê bình các truyền thống    critique des traditions

Phương pháp                          méthode

Phương pháp lịch sử             méthode historique

Phương pháp phê bình         méthode critique

Phương pháp phân tích        méthode analytique

Phong trào đoàn sủng            mouvement charismatique

Song đối                                    parallélisme

Thể loại                                      genre

Thuật chuyện                           narratif

(thuật chuyện học                   narratologie)

Tu từ học                                   rhétorique

(tân tu từ học                            nouvelle rhétorique)

Thủ bản                                     manuscrit

Thư quy Sách Thánh              canon des Écritures

(tiến trình quy thư                    processus canonique)

Tiền dự                                      anticipation

Tiền thức                                    précompréhension

Tiền niệm                                  préconception

Tiền kiến                                   présuppose

Tiền sử                                      préhistoire

Tiếp cận (lối)                              approche

Tiếp cận theo xã hội                approche sociologique

Tiếp cận thư quy                      approche canonique

Tiếp cận nhân học                  approche anthropologique

Tiếp cận tâm lý và phân tâm  approche psychologie et       (psychanalytique)

Tiếp cận theo hoàn cảnh       approche contextuelle

Tiếp cận giải phóng                approche libérationiste

Tiếp cận đề cao quyền phụ nữ     approche féministe

Tiếp cận bảo thủ                      approche fodamentaliste

Tiên trưng                                 typologie

Tục hoá                                     sécularisation

Văn kiện                                    document

Văn loại                                     genre littéraire

Văn phong                                style

Văn mạch                                  contexte

Vô ngộ về văn từ                     inerrance verbale

Xuyên thời gian                       diachronie

(Đồng thời gian                      synchronie)