Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng: Văn Kiện Hướng Dẫn Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh – 1993

0
1816


ỦY BAN KINH THÁNH GIÁO HOÀNG

BẢN HƯỚNG DẪN

VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG HỘI THÁNH

***

***

Lm. Giuse Nguyễn Tất Trung, OP. chuyển ngữ

LTS: Bản Việt ngữ này được dịch (1996) từ bản chính thức bằng Pháp ngữ do Liberia Editrice Vaticana ấn hành (Roma 1993). Tuy nhiên để cho ý tưởng sáng sủa, cũng tham chiếu bản dịch và chú giải bằng Anh ngữ của linh mục Joseph A. Fitzmyer do Editrice Pontificio Instituto Biblico ấn hành (Roma 1995). Trong lần tái bản này (2004), cha Albertô Trần Phúc Nhân đã đọc lại và góp ý sửa chữa cho bản dịch được chính xác và rõ ràng hơn. Chúng con xin chân thành cảm ơn Cha.

***

DIỄN VĂN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

VỀ VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG HỘI THÁNH

LTS: Bài diễn văn này đã được đọc ngày thứ sáu, 23 tháng tư 1993, trong buổi tiếp kiến kỷ niệm bách chu niên thông điệp “Providentisimus Deus” của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và ngũ thập chu niên thông điệp “Divino afflante Spiritu” của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Cả hai thông điệp trên đều nói về việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Cuộc tiếp kiến đã diễn ra trong Hội Trường Clêmentina ở điện Vaticanô, trước sự hiện diện của các Hồng y, Ngoại giao đoàn chính thức tại Toà Thánh, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng và ban giáo sư của Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng.

Trong buổi tiếp kiến, Hồng y J. Ratzinger đã đệ trình Đức Giáo Hoàng văn kiện của Uỷ Ban Kinh Thánh về việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh.

* * *

 

Thưa Quý vị Hồng y,

Thưa Quý vị trưởng các phái đoàn ngoại giao,

Thưa Quý vị thành viên Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng,

Thưa Quý vị giáo sư Viện Kinh Thánh Giáo Hoàng,

1. Tôi xin hết lòng cảm ơn Hồng y Ratzinger về những tâm tình người vừa phát biểu khi trình cho tôi văn kiện được Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng soạn thảo về vấn đề giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh. Tôi xin vui mừng đón nhận văn kiện này. Đây là kết quả của một công trình tập thể tiến hành theo sáng kiến của Đức Hồng y và đã được người kiên trì theo đuổi suốt nhiều năm qua. Văn kiện này đáp ứng một điều tôi vẫn hằng quan tâm, vì việc giải thích Kinh Thánh có một tầm quan trọng chủ yếu đối với đức tin Ki-tô giáo và đời sống của Hội Thánh. Công Đồng đã nhắc cho chúng ta nhớ kỹ : “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời lấy lòng âu yếm đến gặp con cái mình và ngỏ lời với họ. Vậy sức mạnh và quyền năng chứa đựng trong Lời của Thiên Chúa rất lớn đến độ trở thành điểm tựa đầy năng lực cho Hội Thánh và là sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn sống thiêng liêng tinh tuyền và trường tồn cho con cái của Hội Thánh” (Dei Verbum, số 21). Cách thức giải thích các bản văn Kinh Thánh cho những con người nam nữ đang sống trong thời đại hôm nay có những hệ quả trực tiếp đối với mối quan hệ của họ, cá nhân cũng như cộng đoàn, với Thiên Chúa, đồng thời cũng liên quan chặt chẽ với sứ mạng của Hội Thánh. Đây là một vấn đề tuyệt đối cần thiết đáng cho tất cả quí vị quan tâm.

2. (Lịch sử : Huấn Quyền và Kinh Thánh)*. Công trình này của quí vị hoàn thành vào một thời điểm rất thích hợp, vì cho tôi cơ hội cùng với quí vị mừng hai dịp kỷ niệm đầy ý nghĩa : bách chu niên thông điệp Providentissimus Deus và đệ ngũ thập chu niên thông điệp Divino afflante Spiritu. Cả hai thông điệp đều đề cập đến các vấn đề Kinh Thánh. Ngày 18 tháng mười một 1893, Đức Lêô XIII, một vị giáo hoàng rất chú ý đến các vấn đề trí thức, đã công bố thông điệp về việc nghiên cứu Kinh Thánh nhằm mục đích, như người viết, “thúc đẩy và khuyến khích việc nghiên cứu Kinh Thánh” cũng như “xác định hướng đi cho việc nghiên cứu Kinh Thánh theo cách thức phù hợp với nhu cầu của thời đại hơn” (Enchiridion Biblicum, số 82). Năm mươi năm sau, trong thông điệp Divino afflante Spiritu, Đức Piô XII gửi tới các nhà chú giải công giáo những khích lệ và những chỉ dẫn mới. Trong khoảng thời gian giữa hai thông điệp trên, Huấn Quyền giáo hoàng vẫn thường xuyên quan tâm đến các vấn đề Sách Thánh qua nhiều lần can thiệp. Năm 1902, Đức Lêô XIII thiết lập Uỷ Ban Kinh Thánh. Năm 1909, Đức Piô X thiết lập Viện Kinh Thánh. Năm 1920, Đức Bênêđitô XV kỷ niệm một ngàn năm trăm năm ngày qua đời của thánh Giêrônimô bằng một thông điệp về việc giải thích Kinh Thánh. Nỗ lực thúc đẩy việc nghiên cứu Kinh Thánh như thế đã được khẳng định trọn vẹn trong Công Đồng Vaticanô II, để toàn thể Hội Thánh được hưởng nhờ ích lợi. Hiến chế tín lý Dei Verbum (Mặc khải của Thiên Chúa) làm sáng tỏ công việc của các nhà chú giải công giáo, đồng thời mời gọi các mục tử và các tín hữu siêng năng lấy lời của Thiên Chúa, được chứa đựng trong Sách Thánh, mà nuôi dưỡng linh hồn nhiều hơn nữa.

Hôm nay, tôi mong được nêu bật một vài khía cạnh giáo huấn trong hai thông điệp trên cũng như giá trị bền vững do hướng đi của hai thông điệp nêu ra, qua những hoàn cảnh thay đổi, để chúng ta rút được nhiều ích lợi hơn nữa từ đóng góp của hai thông điệp ấy.

I. TỪ “PROVIDENTISSIMUS DEUS” ĐẾN “DIVINO AFFLANTE SPIRITU”

3. Trước hết, ta nên lưu ý một khác biệt quan trọng giữa hai thông điệp, đó là ở phần tranh luận, hay chính xác hơn, phần minh giáo. Thật vậy, cả hai đều quan tâm đến việc trả lời những đả kích chống đối cách giải thích Kinh Thánh của công giáo, nhưng những đả kích này không theo cùng một hướng như nhau. Một đàng, thông điệp Providentissimus Deus muốn bảo vệ đặc biệt cách chú giải công giáo đối lại những chỉ trích của khoa học duy lý. Đàng khác, Divino afflante Spiritu lại ưu tiên quan tâm bênh vực lối giải thích công giáo đối lại những thái độ phản đối việc các nhà chú giải sử dụng khoa học và muốn áp đặt một cách giải thích Sách Thánh phi khoa học, gọi là lối giải thích “thiêng liêng”.

Việc thay đổi triệt để cách nhìn này rõ ràng là do hoàn cảnh mà ra. Providentissimus Deus ra đời trong một thời đại đầy những cuộc tranh cãi dữ dội chống lại đức tin của Hội Thánh. Lối chúù giải tự do cung cấp cho các tranh luận này một điểm tựa quan trọng, vì nóù sử dụng mọi khoa học : từ phê bình văn bản đến địa chất học, qua ngôn ngữ học, phê bình văn chương, lịch sử các tôn giáo, khảo cổ học và các môn học khác. Trái lại, Divino afflante Spiritu được công bố ít lâu sau một cuộc tranh luận hoàn toàn khác hẳn, nhất là ở Italia, chống lại việc dùng khoa học để nghiên cứu Kinh Thánh. Một tập sách nhỏ vô danh đã được phổ biến rộng rãi nhằm cảnh giác mọi người đề phòng cái mà nó gọi là “một mối nguy rất trầm trọng đe doạ Hội Thánh và các linh hồn : đó là hệ thống khoa học-phê bình, với những lệch lạc và những sai lầm tai hại của nó, được dùng trong việc nghiên cứu và giải thích Kinh Thánh”.

4. Trong cả hai trường hợp, phản ứng của Huấn Quyền rất có ý nghĩa, bởi lẽ thay vì lo đưa ra một câu trả lời thuần tuý tự vệ, Huấn Quyền đã đi vào trọng tâm của của vấn đề và như thế cho thấy – chúng ta ghi nhận ngay điểm này – đức tin của Hội Thánh vào mầu nhiệm Nhập Thể.

Đối lại lời đả kích của lối chú giải tự do, trình bày các lập luận cũng như các kết luận trên cơ sở những thành quả của khoa học, Huấn Quyền lẽ ra có thể phản ứng bằng cách lên án việc sử dụng khoa học trong việc giải thích Kinh Thánh và ra lệnh cho các nhà chú giải công giáo phải cắt nghĩa các bản văn theo lối “thiêng liêng”.

Providentissimus Deus đã không theo con đường ấy. Ngược hẳn lại, thông điệp tha thiết mời gọi các nhà chú giải công giáo lo cho mình có một khả năng thực sự chuyên môn về khoa học, để có thể vượt quá các đối thủ ngay trong lãnh vực của họ. Thông điệp nói : “Phương thế tự vệ đầu tiên là nghiên cứu các ngôn ngữ cổ của Đông phương và thực hành việc phê bình có khoa học” (EB, số 118). Hội Thánh không sợ việc phê bình có khoa học. Hội Thánh chỉ e ngại những ý tưởng tiên kiến tự cho mình là có cơ sở khoa học, nhưng thực ra lại lén lút đẩy khoa học ra ngoài lãnh vực của mình.

Năm mươi năm sau, trong Divino afflante Spiritu, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã có thể chứng nhận kết quả phong phú của các chỉ thị do Providentissimus Deus đưa ra : “Nhờ biết rõ các ngôn ngữ Kinh Thánh hơn và biết tất cả những gì liên quan đến Đông phương…, một số lớn những vấn đề như đả kích tính xác thực, tính cổ xưa, tính toàn vẹn và giá trị lịch sử của Sách Thánh… đã được nêu lên ở thời Đức Lêô XIII, ngày nay đã được tháo gỡ và giải quyết” (EB, số 546). Công việc của các nhà chú giải công giáo, “những người đã sử dụng đúng đắn các vũ khí trí thức mà những đối thủ của họ đã dùng” (số 562), đã mang lại những kết quả. Và chính vì lý do đó, Divino afflante Spiritu tỏ ra ít lo chống lại các lập trường của lối chú giải duy lý hơn Providentissimus Deus.

5. Nhưng khi ấy lại cần phải trả lời những đả kích xuất phát từ phía những người theo một lối chú giải tự nhận là “thần bí” (số 562), những người đang tìm cách làm cho Huấn Quyền kết án những nỗ lực chú giải theo khoa học. Thông điệp đã trả lời như thế nào ? Thông điệp lẽ ra có thể chỉ nhấn mạnh : những nỗ lực nói trên có ích lợi và thậm chí cần thiết để bảo vệ đức tin, điều này có thể tạo ra một thứ phân đôi giữõa chú giải có khoa học, để sử dụng bên ngoài, với giải thích thiêng liêng, dành để sử dụng bên trong. Trong Divino afflante Spiritu, Đức Pi-ô XII đã cố ý tránh đi theo hướng đó. Trái lại, người đòi phải có sự liên kết chặt chẽ hai tiến trình này, một mặt, bằng cách đề cao tầm quan trọng “thần học” của nghĩa theo chữ, được xác định có phương pháp (EB, số 551), mặt khác, bằng cách khẳng định rằng, muốn được nhìn nhận là nghĩa của một bản văn Kinh Thánh, nghĩa thiêng liêng phải đưa ra được những bảo đảm về tính xác thực của mình. Một hứng khởi chủ quan đơn thuần không đủ. Phải làm sao chứng minh được đó là một ý nghĩa “do chính Thiên Chúa muốn”, đó là một nghĩa thiêng liêng “Thiên Chúa dành cho” bản văn được linh hứng (EB, số 552-553). Do đó, ngay việc xác định nghĩa thiêng liêng cũng thuộc phạm vi của khoa học chú giải.

Như thế, chúng ta nhận thấy là, dù rất khác biệt về những khó khăn phải đối phó, hai thông điệp hoàn toàn hợp nhau ở mức độ sâu xa nhất. Cả hai đều từ chối không chấp nhận việc cắt đứt liên hệ giữa cái thuộc về nhân loại với cái thuộc về linh thiêng, giữa việc nghiên cứu có khoa học với cái nhìn đức tin, giữa nghĩa theo chữ với nghĩa thiêng liêng.Như vậy, hai thông điệp tỏ ra hoàn toàn hoà hợp với mầu nhiệm Nhập Thể.

II. HOÀ HỢP GIỮA CHÚ GIẢI CÔNG GIÁO VỚI MẦU NHIỆM NHẬP THỂ

6. (Lời nhập thể và lời trong ngôn ngữ loài người). Mối tương quan chặt chẽ liên kết các bản văn Kinh Thánh được linh hứng với mầu nhiệm Nhập Thể được thông điệp Divino afflante Spiritu trình bày như sau : “Cũng như Lời bản thể của Thiên Chúa đã trở nên giống loài người về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi, cũng vậy, những lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng các ngôn ngữ loài người, đã trở nên giống ngôn ngữ loài người trong mọi sự, ngoại trừ sự sai lầm” (EB, số 559). Khi lặp lại gần nguyên văn lời khẳng định trên, hiến chế Công Đồng Dei Verbum (số 13) nêu bật sự song song đầy ý nghĩa này.

Việc lời của Thiên Chúa được ghi lại thành chữ viết, nhờ đặc sủng linh hứng Kinh Thánh, quả là một bước đầu tiên hướng về việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Thật vậy, những lời được viết ra này tạo nên một phương thế vững bền để trao đổi và hiệp thông giữa Dân tuyển chọn với Đức Chúa duy nhất của mình. Đàng khác, chính nhờ khía cạnh ngôn sứ của những lời này, Dân Thiên Chúa có thể nhận ra việc kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn thành, khi “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đã cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Sau khi nhân tính của Ngôi Lời làm người đã được tôn vinh trên thiên quốc, cũng vẫn nhờ các lời được viết ra mà việc Người đã đến sống giữa chúng ta được chứng nhận một cách vững bền. Các tác phẩm linh hứng của Giao Ước Mới, được nối kết với các tác phẩm thuộc Giao Ước Thứ Nhất làm nên một phương thế trao đổi và hiệp thông giữa đoàn dân tín hữu với Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Phương thế này chắc chắn không thể bị tách ra khỏi dòng sông sự sống thiêng liêng vọt lên từ Thánh Tâm của Đức Giêsu chịu đóng đinh, và đang tràn lan nhờ các bí tích của Hội Thánh. Tuy nhiên, phương thế này có tính chất vững bền riêng, đúng ra là tính chất vững bền của một bản văn chứng thực điều đó.

7. (Nghiên cứu bối cảnh lịch sử). Do đó, hai thông điệp yêu cầu các nhà chú giải công giáo phải hoà hợp trọn vẹn với mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm kết hợp cái thuộc về Thiên Chúa với cái thuộc về nhân loại trong một cuộc sống lịch sử hoàn toàn có thể xác định được. Cuộc sống của Đức Giêsu ở trần gian không chỉ được xác định bằng nơi chốn và thời gian của đầu thế kỷ thứ nhất ở Giuđê và Galilê, nhưng còn bằng việc Người bắt rễ trong lịch sử lâu dài của một dân tộc nhỏ bé vùng Cận Đông thời cổ, với những yếu đuối và vĩ đại của dân tộc này, với những người của Thiên Chúa và những tội nhân trong dân tộc ấy, với những tiến hoá chậm chạp về văn hoá và những hình thái chính trị của dân tộc ấy, với những thất bại và những chiến thắng của họ, với những khát vọng về bình an và về triều đại của Thiên Chúa. Hội Thánh của Đức Kitô đánh giá nghiêm túc thực tại Nhập Thể, và chính vì lý do đó, Hội Thánh dành cho việc nghiên cứu “phê bình-lịch sử” Kinh Thánh một tầm quan trọng đặc biệt. Không những không lên án phương pháp “phê bình-lịch sử” như những người theo lối chú giải “thần bí” muốn, các vị tiền nhiệm của tôi còn chấp thuận mạnh mẽ. Đức Lêô XIII viết : “Artis criticae disciplinam quippe percipiendae penitus hagiographum sententiae perutilem, Nobis vehementer probantibus, nostri (exegetae, scilicet, catholici) excolant” (Môn phê bình có khoa học hẳn rất hữu ích để hiểu sâu xa ý các thánh ký muốn nói. Chúng tôi nhiệt liệt tán thành việc người của chúng tôi (tức là các nhà chú giải công giáo) quí trọng môn đó” (Tông thư Vigilantiae, thành lập Uỷ Ban Kinh Thánh, ngày 30 tháng mười 1902, EB, số 142). Cùng một từ “nhiệt liệt” tán thành, cùng một phó từ “nhiệt liệt” này lại gặp thấy trong Divino afflante Spiritu, liên quan đến việc nghiên cứu phê bình văn bản (x. EB, số 548).

8. (Nghiên cứu ngữ học). Chúng ta biết Divino afflante Spiritu đặc biệt yêu cầu các nhà chú giải nghiên cứu những văn loại dùng trong các Sách Thánh, đến độ nói rằng lối chú giải công giáo phải “xác tín rằng không thể lơ là phần trách nhiệm này của mình mà không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho khoa chú giải công giáo” (EB, số 560). Lời yêu cầu này phát xuất từ mối quan tâm muốn hiểu chính xác và chi tiết tối đa ý nghĩa của các bản văn. Và như thế nghĩa là hiểu trong bối cảnh lịch sử và văn hoá của các bản văn đó. Một tư tưởng sai lạc về Thiên Chúa và về mầu nhiệm Nhập Thể đã đẩy một số Kitô hữu đi theo hướng ngược lại. Họ có khuynh hướng tin rằng : Thiên Chúa là Hữu Thể Tuyệt Đối, nên mỗi lời của Người cũng có giá trị tuyệt đối, độc lập với mọi điều kiện của ngôn ngữ nhân loại. Theo họ, không cần phải nghiên cứu các điều kiện ấy mới có những phân biệt giúp tương đối hoá ý nghĩa của các lời. Nhưng thực tế, đó là họ ảo tưởng và chối bỏ các mầu nhiệm linh hứng Kinh Thánh và Nhập Thể, bằng cách bám chặt vào một ý niệm sai lạc về Tuyệt Đối. Thiên Chúa của Kinh Thánh không phải là một Hữu Thể Tuyệt Đối, đè bẹp mọi thứ Người chạm tới, huỷ diệt mọi dị biệt và mọi sắc thái. Trái lại, Người là vị Thiên Chúa sáng tạo, đã dựng nên muôn loài khác biệt nhau lạ lùng, “mỗi giống tuỳ theo loại” , như trình thuật sáng thế (x. St 1) nói và hay lặp đi lặp lại. Không những không triệt tiêu những khác biệt, Thiên Chúa còn tôn trọng và cho chúng giá trị (x. 1 Cr 12,18.24.28). Khi Thiên Chúa muốn nói bằng một ngôn ngữ loài người, Người không có ý cho mỗi lời nói một giá trị hệt như nhau, nhưng Người đã sử dụng những sắc thái có thể có trong ngôn ngữ loài người cách khéo léo tuyệt vời, và Người cũng chấp nhận cả những giới hạn trong ngôn ngữ ấy nữa. Đó chính là điểm làm cho nhiệm vụ của nhà chú giải trở nên phức tạp, nhưng lại cần thiết và đầy thú vị ! Không một khía cạnh nhân loại nào của ngôn ngữ có thể bị bỏ quên. Những tiến bộ trong nghiên cứu ngữ học, văn chương và giải thích hồi gần đây đã đưa khoa chú giải Kinh Thánh đến chỗ phải thêm vào việc nghiên cứu văn loại nhiều quan điểm khác (tu từ học, thuật chuyện, cấu trúc học). Những khoa học nhân văn, như tâm lý và xã hội học, cũng có phần đóng góp., Ta có thể áp dụng lời chỉ dẫn của Đức Lêô XIII dành cho các thành viên Uỷ Ban Kinh Thánh về tất cả những điều trên : “Ước mong họ đừng cho là xa lạ với lãnh vực của mình bất cứ điều gì mà nghiên cứu miệt mài của con người thời nay lại tìm thấy. Trái lại, mong rằng họ có tinh thần tỉnh thức để tiếp nhận không trì hoãn điều gì hữu ích mà mỗi thời mang đến cho khoa chú giải Kinh Thánh” (Vigilantiae, EB, số 140). Cần phải theo đuổi việc nghiên cứu những hoàn cảnh nhân loại của Lời Thiên Chúa với một sự quan tâm được đổi mới không ngừng.

9. (Nghiên cứu trong cầu nguyện). Tuy nhiên, việc nghiên cứu này không đủ. Muốn tôn trọng sự liên lạc giữa đức tin của Hội Thánh với ơn linh hứng Kinh Thánh, khoa chú giải công giáo phải chú ý để đừng bám vào các khía cạnh nhân loại của các bản văn Kinh Thánh. Trước hết và trên hết, khoa chú giải phải giúp dân Kitô giáo hiểu rõ hơn Lời của Thiên Chúa trong các bản văn này, để họ có thể đón nhận tốt hơn hầu sống trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Để đạt mục đích này, hiển nhiên chính nhà chú giải cần thấu hiểu được lời thần linh trong các bản văn. Nhà chú giải chỉ có thể làm được điều này nếu lao động trí thức của ông được đời sống thiêng liêng mạnh mẽ nâng đỡ.

Thiếu sự nâng đỡ này, việc nghiên cứu chú giải vẫn không đầy đủ, bị mất mục đích chính yếu của mình và chỉ còn luẩn quẩn trong những nhiệm vụ thứ yếu. Công việc này thậm chí có thể trở thành một thứ trốn tránh nữa. Nghiên cứu khoa học chỉ những khía cạnh nhân loại của các bản văn mà thôi có thể khiến cho quên rằng Lời Thiên Chúa đang mời gọi mỗi người ra khỏi chính mình để sống trong đức tin và đức ái.

Về vấn đề này, thông điệp Providentissimus Deus đã nhắc lại tính chất đặc biệt của các Sách Thánh và đòi hỏi phát xuất từ tính chất đó đối với việc giải thích. Thông điệp viết : “Không thể đồng hoá các Sách Thánh với các sách thông thường. Nhưng vì các Sách Thánh đã được chính Thánh Thần đọc cho và mang những nội dung cực kỳ nghiêm trọng, nhiệm mầu và khó về nhiều phương diện, nên muốn hiểu và cắt nghĩa, chúng ta luôn cần cùng một Thánh Thần đó ngự đến, nghĩa là cần ánh sáng và ân sủng của Người, một điều mà chắc chắn phải nài xin bằng một thái độ cầu nguyện khiêm tốn và phải duy trì bằng một đời sống thánh thiện” (EB, số 89). Divino afflante Spiritu diễn tả cùng yêu cầu đó bằng công thức vắn hơn, mượn của thánh Augustinô : “ Cầu nguyện để hiểu” (EB, số 569).

Đúng vậy, muốn đi tới chỗ giải thích những lời được Thánh Thần linh hứng cho có giá trị đầy đủ, thì chính mình phải được Thánh Thần hướng dẫn và, để được như vậy, phải cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều. Trong khi cầu nguyện, phải xin Thánh Thần ban cho ánh sáng nội tâm và phải đón nhận ánh sáng này với thái độ ngoan ngoãn, phải xin lòng yêu mến, điều duy nhất có khả năng giúp cho hiểu được ngôn ngữ của Thiên Chúa, Đấng “là tình yêu” (1 Ga 4,8.16). Chính trong lúc giải thích, phải hết sức giữ cho mình luôn hiện diện trước tôn nhan Thiên Chúa.

10. (Nghiên cứu trong lòng trung thành với Hội Thánh). Thái độ ngoan ngoãn vâng phục Thánh Thần sẽ phát sinh và củng cố một thái độ khác, cần để định hướng đúng công việc chú giải : đó là lòng trung thành với Hội Thánh. Nhà chú giải công giáo không nuôi ảo tưởng cá nhân chủ nghĩa, dẫn đến chỗ tin rằng : ngoài cộng đoàn tín hữu, ta có thể hiểu các bản văn Kinh Thánh rõ hơn. Ngược lại mới đúng, vì các bản văn này không được trao cho các nhà nghiên cứu để họ tìm hiểu riêng tư, “nhằm thoả mãn tính tò mò hay để có đề tài học hỏi và nghiên cứu” (Divino afflante Spiritu, EB, số 566).Nhưng các bản văn này đã được uỷ thác cho cộng đoàn tín hữu, cho Hội Thánh, để nuôi dưỡng đức tin và hướng dẫn đời sống đức ái. Tôn trọng cùng đích này là điều kiện để giải thích đúng cách. Providentissimus Deus đã nhắc lại chân lý nền tảng này và nhận định rằng : thay vì gây trở ngại, việc tôn trọng dữ kiện này tạo thuận lợi cho tiến bộ đích thực trong việc nghiên cứu Kinh Thánh (x. EB, số 108-109). Thật đáng khích lệ khi nhận thấy những nghiên cứu gần đây của triết học giải thích đã xác nhận cách nhìn này, cũng như các nhà chú giải thuộc nhiều hệ phái khác nhau đã làm việc theo những nhãn giới tương tự, ví dụ, bằng cách nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giải thích mỗi bản văn Kinh Thánh như là thành phần của Thư Qui Sách Thánh được Hội Thánh nhìn nhận, hoặc bằng cách chú ý tới các đóng góp của chú giải giáo phu hơn.

Thực vậy, trung thành với Hội Thánh là cương quyết đặt mình vào trong dòng Truyền Thống vĩ đại, một Truyền Thống, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, được sự trợ giúp đặc biệt của Thánh Thần, đã nhìn nhận các sách thuộc Thư Qui là lời Thiên Chúa ngỏ với dân Người, đồng thời không bao giờ ngừng suy niệm các lời ấy và khám phá ra sự phong phú vô tận của các sách này. Công Đồng Vaticanô II còn khẳng định : “Mọi điều liên quan đến cách thức giải thích Kinh Thánh, cuối cùng, đều phải tuân phục phán quyết của Hội Thánh, vì Hội Thánh thi hành tác vụ và sự uỷ nhiệm đã được Thiên Chúa giao cho là gìn giữ và giải thích Lời Thiên Chúa” (Dei Verbum, số 12).

Hơn nữa, Công Đồng còn xác định thêm điều này bằng cách lặp lại một quả quyết của Providentissimus Deus : “Nhiệm vụ của các nhà chú giải là nỗ lực thấu triệt và trình bày ý nghĩa Kinh Thánh sâu hơn, để cho những nghiên cứu của họ, một cách nào đó, trở thành những chuẩn bị, giúp phán quyết của Hội Thánh được chín chắn” (Dei Verbum, số 12; x. Providentissimus Deus, EB, số 109).

11. (Đừng tách rời nghiên cứu khỏi mục vụ). Để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ rất quan trọng này của Hội Thánh, các nhà chú giải phải lưu tâm gần gũi với việc giảng thuyết Lời Thiên Chúa, hoặc bằng cách dành một phần thời gian của mình để thi hành tác vụ này, hoặc bằng cách duy trì những mối liên hệ với những người đang thi hành tác vụ này và giúp đỡ họ bằng các sách báo chú giải theo hướng mục vụ (x. Divino afflante Spiritu, EB, số 551). Như thế, họ sẽ tránh khỏi lạc hướng trong những rắc rối phức tạp của một nghiên cứu khoa học trừu tượng có thể làm họ xa ý nghĩa đích thực của Sách Thánh. Thực vậy, không thể tách rời hướng đi này khỏi mục tiêu họ đang theo đuổi là giúp các tín hữu có được tương quan bản thân với Thiên Chúa.

III.  VĂN KIỆN MỚI CỦA ỦY BAN KINH THÁNH

12. Theo những viễn tượng này, Providentissimus Deus đã quả quyết, “một lãnh vực nghiên cứu bao la được mở ra chờ đón cố gắng cá nhân của mỗi nhà chú giải” (EB, số 109). Năm mươi năm sau, Divino afflante Spiritu lặp lại y nguyên lời khích lệ trên bằng những từ ngữ khác : “Còn nhiều điểm, một số điểm rất quan trọng đang chờ đợi trí sắc sảo và tài năng của các nhà chú giải công giáo có thể và phải tự do bàn luận hay giải thích” (EB, số 565).

Điều đã đúng ở năm 1943 vẫn còn đúng cho thời đại chúng ta hôm nay, vì sự tiến bộ của các công trình nghiên cứu đã giúp giải đáp một số vấn đề, nhưng đồng thời đặt ra những vấn đề mới cần phải nghiên cứu. Trong khoa chú giải cũng như trong các khoa học khác, ta càng đẩy lùi được những giới hạn của những gì chưa biết, ta lại càng mở rộng lãnh vực cần khai thác hơn. Divino afflante Spiritu công bố chưa được năm năm, thì việc khám phá những văn kiện Qumrân đã mở ra một thời đại mới cho một số lớn những vấn đề Kinh Thánh và mở ra những lãnh vực nghiên cứu khác. Kể từ đó, nhiều khám phá mới đã được thực hiện, nhiều phương pháp tìm tòi và phân tích mới đã được hoàn chỉnh.

13. Chính sự thay đổi hoàn cảnh này khiến cho cần phải xem xét lại các vấn đề. Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã đảm nhận nhiệm vụ đó, và hôm nay giới thiệu kết quả công việc của mình, đó là văn kiện mang tựa đề Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh.

Điều gây ấn tượng mạnh cho chúng ta khi thoạt đọc văn kiện này, chính là tinh thần cởi mở. Những phương pháp, những lối tiếp cận, những cách đọc ngày nay đang được sử dụng trong khoa chú giải đều được xem xét. Và mặc dù cần phải nêu lên một vài dè dặt đôi khi nghiêm trọng, văn kiện vẫn nhận rằng, trong hầu như mỗi phương cách, đều có những yếu tố hữu ích giúp giải thích trọn vẹn bản văn Kinh Thánh.

Chú giải công giáo không có một phương pháp giải thích nào riêng và độc chiếm, nhưng khi bắt đầu từ nền tảng của phương pháp phê bình-lịch sử, giải gỡ đi những tiên kiến triết học hay những gì khác nghịch với chân lý đức tin của chúng ta, chú giải công giáo lợi dụng tối đa mọi phương pháp hiện hành, bằng cách tìm kiếm “hạt giống của Lời” trong mỗi phương pháp đó.

14. Một nét đặc sắc khác của tổng hợp này là tính cách quân bình và dung hoà. Khi giải thích Kinh Thánh, lối chú giải công giáo tìm cách hoà hợp hướng xuyên thời gian với đồng thời gian (diachronie và synchronie)*, khi nhìn nhận rằng cả hai hướng này bổ túc lẫn nhau và cả hai đều không thể thiếu để làm cho chân lý của bản văn hiện lên, cũng như để thoả mãn những yêu cầu chính đáng của độc giả hiện đại.

Quan trọng hơn nữa, chú giải công giáo không chỉ tập trung chú ý vào những khía cạnh nhân loại của mặc khải Kinh Thánh, đó là khuyết điểm thỉnh thoảng phương pháp phê bình-lịch sử mắc phải, hay vào các khía cạnh thần linh như lập trường bảo thủ (fondamentalisme) chủ trương. Chú giải công giáo cố gắng làm nổi bật cả hai, được kết hợp trong sự “hạ mình” của Thiên Chúa (Dei Verbum, số 13) là nền tảng của toàn thể Sách Thánh.

15. (Lời Thiên Chúa trong hiện tại). Cuối cùng, ta có thể nhận thấy văn kiện nhấn mạnh đến sự kiện Lời trong Kinh Thánh hiện đang ngỏ với mọi người trong nhân loại, thuộc mọi thời gian và không gian. Nếu “những Lời của Thiên Chúa… đã trở nên giống ngôn ngữ loài người” (Dei Verbum, số 13), chính là để mọi người có thể nghe và hiểu được. Những lời này không được ở xa, “vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em… vì Lời ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,11.14).

Đó chính là mục đích của việc giải thích Kinh Thánh. Nếu nhiệm vụ đầu tiên của khoa chú giải là đạt tới ý nghĩa đích thực của bản văn thánh hoặc cả các nghĩa khác nữa, thì nhiệm vụ sau đó là phải thông truyền ý nghĩa này cho độc giả Sách Thánh, cho mỗi con người nếu có thể.

Kinh Thánh có ảnh hưởng trong suốt các thế kỷ. Tiến trình thường xuyên hiện tại hoá là nhằm thích nghi việc giải thích Kinh Thánh cho phù hợp với não trạng và ngôn ngữ đương thời. Đặc tính cụ thể và trực tiếp của ngôn ngữ Kinh Thánh giúp cho việc thích nghi này được dễ dàng rất nhiều, nhưng việc ngôn ngữ Kinh Thánh bắt nguồn trong một nền văn hoá cổ gây ra nhiều khó khăn. Vì thế, chúng ta phải không ngừng chuyển dịch lại tư tưởng Kinh Thánh sang ngôn ngữ đương thời, để Kinh Thánh được diễn tả theo những cách thế thích hợp với thính giả. Tuy nhiên, bản dịch này phải trung thành với nguyên bản và không được ép các bản văn phải hợp với một cách đọc hay một cách tiếp cận đang thịnh hành trong một thời điểm nhất định. Phải làm sao để Lời Chúa xuất hiện trong tất cả vẻ huy hoàng chói lọi, cho dù Lời này “được diễn tả bằng tiếng nói của loài người” (Dei Verbum, số 13).

Ngày nay, Kinh Thánh đã được phổ biến trên khắp mọi lục địa và mọi quốc gia. Nhưng muốn cho Kinh Thánh đạt hiệu quả sâu xa, cần phải có một sự hội nhập văn hoá tuỳ theo đặc tính riêng của từng dân tộc. Có thể các dân tộc ít bị ảnh hưởng những sai chệch của văn minh phương tây hiện đại sẽ hiểu sứ điệp Kinh Thánh dễ dàng hơn những dân tộc đã trở nên gần như lãnh đạm đối với tác động của Lời Thiên Chúa, vì trào lưu tục hoá và những thái quá của trào lưu giải trừ huyền thoại.

Thời đại chúng ta cần có một nỗ lực lớn lao, không chỉ về phía các học giả và những nhà giảng thuyết, nhưng cả phía những người đang làm cho tư tưởng Kinh Thánh đến được với quảng đại quần chúng : họ phải sử dụng mọi phương tiện có thể có được – ngày nay có rất nhiều – để làm cho tầm mức phổ quát của sứ điệp Kinh Thánh được nhận biết rộng rãi và hiệu năng cứu độ của Kinh Thánh có thể bộc lộ ở khắp mọi nơi.

Nhờ văn kiện này, việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh có thể có được một đà tiến mới để phục vụ lợi ích của toàn thế giới, để làm cho chân lý rạng ngời và tôn dương đức ái trước thềm Thiên niên kỷ thứ ba.

KẾT LUẬN

16. Cuối cùng, cũng như các vị tiền nhiệm của tôi là Đức Lêô XIII và Đức Piô XII, tôi vui mừng gửi đến các nhà chú giải công giáo và, đặc biệt, đến quí vị thành viên của Uỷ Ban Kinh Thánh, những lời cám ơn cũng như những lời khích lệ.

(Cám ơn). Tôi xin hết lòng cám ơn quí vị về công trình tuyệt vời quí vị thực hiện để phục vụ Lời Thiên Chúa và Dân Thiên Chúa : việc nghiên cứu, giảng dạy và phổ biến, việc trợ giúp cho thần học, phụng vụ và tác vụ giảng thuyết, những sáng kiến cổ võ việc đại kết và các mối quan hệ tốt đẹp giữa các Ki-tô hữu và người Do-thái, việc tham gia vào nỗ lực của Hội Thánh nhằm trả lời cho những khát vọng và những khó khăn của thế giới hôm nay.

(Khích lệ). Tôi xin thêm vào đó những lời khích lệ nồng nhiệt cho giai đoạn mới sắp tới. Nhiệm vụ ngày càng phức tạp đòi hỏi mọi người phải nỗ lực và phải có sự cộng tác rộng rãi của nhiều ngành. Trong một thế giới mà việc nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng đáng kể trong nhiều lãnh vực, khoa chú giải nhất thiết cũng phải đạt tới một mức độ tương xứng. Đây là một trong những phương diện của việc hội nhập văn hoá đức tin, là thành phần của sứ vụ Hội Thánh, liên kết với việc đón nhận mầu nhiệm Nhập Thể.

(Cầu xin). Xin Đức Kitô Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, hướng dẫn quí vị trong những công việc nghiên cứu của quí vị, chính Người là Đấng đã mở trí cho các môn đệ của Người am hiểu Sách Thánh (Lc 24,45). Ước chi Đức Trinh Nữ Maria là khuôn mẫu cho anh em, không chỉ qua thái độ vâng phục quảng đại đối với Lời của Thiên Chúa, nhưng còn đặc biệt qua cách thức Mẹ đón nhận những gì được nói với mình. Thánh Luca thuật lại cho chúng ta rằng Đức Maria để tâm suy niệm những lời của Thiên Chúa và những biến cố đã được hoàn tất, “symballousa en tê kardia autês” (“suy đi nghĩ lại trong lòng”, Lc 2,19). Qua việc đón nhận Lời, Mẹ là khuôn mẫu và là Mẹ của các môn đệ (x. Ga 19,27). Vì thế, xin Mẹ dạy quí vị biết đón nhận trọn vẹn Lời Thiên Chúa, không chỉ bằng công việc nghiên cứu trí thức, nhưng còn bằng toàn thể đời sống của quí vị.

Để công việc và hoạt động của quí vị ngày càng góp phần làm cho ánh sáng của Kinh Thánh rạng ngời hơn, tôi xin gửi đến quí vị Phép Lành Toà Thánh.

***

 

LỜI NÓI ĐẦU VĂN KIỆN CỦA ỦY BAN KINH THÁNH

 

Việc nghiên cứu Kinh Thánh ví được như hồn của thần học. Đó là điều Công Đồng Vaticanô II (Dei Verbum, số 24) đã nói khi mượn lại lời của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Việc nghiên cứu này vẫn chưa kết thúc. Mỗi thời lại phải theo cách của mình mà cố gắng tìm hiểu Sách Thánh. Trong lịch sử giải thích, sự xuất hiện phương pháp phê bình-lịch sử đã đánh dấu bước đầu của một kỷ nguyên mới. Nhờ phương pháp này, nhiều khả năng mới giúp hiểu bản văn Kinh Thánh theo ý nghĩa nguyên thuỷ đã được khai mở. Nhưng cũng như tất cả những gì của con người, phương pháp này có những khả năng tích cực và cũng kèm theo một số nguy cơ. Việc tìm hiểu ý nghĩa nguyên thuỷ có thể dẫn đến chỗ đẩy Lời Thiên Chúa hoàn toàn lùi về quá khứ, đến nỗi không còn nhận thấy tầm quan trọng của Lời Thiên Chúa trong hiện tại nữa. Việc tìm kiếm ý nghĩa nguyên thuỷ có thể dẫn đến chỗ chỉ nhằm làm cho chiều kích nhân loại của Lời xuất hiện như là cái gì thực hữu, còn tác giả đích thực là Thiên Chúa thì lại vượt khỏi tầm với của phương pháp, vốn đã được khai triển nhằm tìm hiểu những thực tại thuộc về con người. Ứng dụng một phương pháp “đời” vào Kinh Thánh tất nhiên đưa đến tranh luận.

Tất cả những gì giúp hiểu chân lý rõ hơn và giúp trình bày tư tưởng cho thích đáng đều đóng góp cho thần học một giá trị đáng kể. Theo chiều hướng đóù, sử dụng phương pháp phê bình-lịch sử để nghiên cứu thần học là điều chính đáng. Nhưng cần phải loại bỏ tất cả những gì thu hẹp cái nhìn của chúng ta và ngăn không cho chúng ta nhìn và nghe những điều vượt quá những gì thuần tuý nhân loại, để luôn giữ được tinh thần cởi mở. Chính vì thế khi phương pháp phê bình-lịch sử xuất hiện, lập tức nảy sinh một sự tranh luận về lợi ích và hình dạng riêng của phương pháp này. Cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc.

Trong cuộc tranh luận này, Huấn Quyền của Hội Thánh công giáo đã hơn một lần xác định lập trường qua những văn kiện quan trọng. Trước hết, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ấn định một số cột mốc xác định hướng đi cho khoa chú giải, qua thông điệp Providentissimus Deus, ngày 18 tháng mười một 1893. Vào thời đại chủ nghĩa tự do tỏ ra cực kỳ tự tín đến độ trở thành giáo điều, Đức Lêô XIII đã trình bày nặng về tính cách phê bình, nhưng không vì thế mà loại trừ khía cạnh tích cực của những khả năng mới. Năm mươi năm sau, nhờ nỗ lực làm việc phong phú của những nhà chú giải công giáo có tầm cỡ, Đức Piô XII đã có thể dành vị trí nhiều hơn cho việc khích lệ, và trong thông điệp Divino Afflante Spiritu ngày 30 tháng chín 1943, người mời gọi làm sao cho những phương pháp hiện đại giúp hiểu Kinh Thánh được sinh hoa kết quả. Hiến chế của Công Đồng Vaticanô II về Mạc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, ngày 18 tháng mười một 1965, đã lập lại tất cả những điểm trên. Khi nối kết những quan điểm thường hằng của thần học giáo phụ với những kiến thức mới, có phương pháp, của các tác giả hiện đại, Hiến chế đã cho chúng ta một tổng hợp có uy tín và chắc chắn.

Từ đó tới nay, có cả một loạt những phương pháp nghiên cứu chú giải được mở ra, ba mươi năm về trước người ta không thể lường được. Những phương pháp mới và những lối tiếp cận mới được đề nghị, từ lối giải thích theo cấu trúc học cho tới lối chú giải duy vật, phân tâm và giải phóng. Bên cạnh đó, lại có những cố gắng mới, nhằm phục hồi giá trị của những phương pháp chú giải theo khuynh hướng giáo phụ,ï và mở đường cho những hình thức mới, giải thích Kinh Thánh theo chiều hướng thiêng liêng. Vì thế, một trăm năm sau thông điệp Providentissimus Deus và năm mươi năm sau thông điệp Divino Afflante Spiritu, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã phải làm nhiệm vụ là tìm cách xác định lập trường chú giải của công giáo trong hoàn cảnh hiện tại. Theo hình thức mới của mình sau Công Đồng Vaticanô II, Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng không phải là một cơ quan của Huấn Quyền, nhưng là một Uỷ Ban gồm có những nhà chuyên môn. Những nhà chuyên môn này, với tư cách là những nhà chú giải công giáo, ý thức trách nhiệm khoa học và giáo hội của mình, đã xác định lập trường đối với những vấn đề căn bản của việc chú giải Kinh Thánh và biết rằng về việc này, mình được Huấn Quyền tín nhiệm. Chính trong khung cảnh đó, văn kiện này đã được soạn ra. Văn kiện này trình bày một cái nhìn toàn thể, có nền tảng chắc chắn, về toàn cảnh của những phương pháp hiện nay, và như thế cung cấp cho những ai đang muốn biết hướng đi liên quan đến những khả năng và những giới hạn của những con đường này. Làm như thế, văn kiện phải đương đầu với vấn đề ý nghĩa của Kinh Thánh: Làm sao ta có thể nhận biết ý nghĩa này, trong đó lời của con người và Lời của Thiên Chúa thấm nhập với nhau, trong đó biến cố lịch sử cụ thể và sự kiện Lời vĩnh cửu, có giá trị trường tồn, nhưng lại đồng thời với mỗi thời đại, thấm nhập vào nhau. Lời trong Kinh Thánh xuất phát từ một quá khứ có thực, nhưng không phải chỉ thuộc về quá khứ. Lời đó còn xuất phát từ sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Lời đó đưa chúng ta vào trong sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhưng lời đó dẫn chúng ta đi qua thời gian, bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi tin rằng văn kiện này thực sự đem lại sự trợ giúp quí báu giúp soi sáng vấn đề đâu là con đường đúng đắn để có thể hiểu Kinh Thánh và đồng thời mở ra những viễn tượng mới. Văn kiện này vừa tiếp tục lại vừa mở rộng đường hướng của các thông điệp năm 1893 và 1943.

Tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với các thành viên trong Uỷ Ban Kinh Thánh vì nỗ lực kiên trì, và thường là vất vả, đã dần dần làm nên văn bản này. Tôi mong ước văn kiện này được phổ biến rộng rãi để góp phần hữu hiệu vào nỗ lực tìm kiếm một cách thích ứng sâu xa hơn Lời Thiên Chúa trong Sách Thánh.

Rôma, lễ thánh Mátthêu, tác giả sách Tin Mừng, 1993.

+ Joseph Ratzinger

Hồng y – Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin

 

***

ỦY BAN KINH THÁNH GIÁO HOÀNG

BẢN HƯỚNG DẪN

VIỆC GIẢI THÍCH KINH THÁNH TRONG HỘI THÁNH

 

 

DẪN NHẬP

Ngày nay, việc giải thích các bản văn Kinh Thánh vẫn là vấn đề được quan tâm đặc biệt và tạo ra những cuộc tranh luận quan trọng. Trong những năm vừa qua, các cuộc tranh luận thậm chí còn mang những chiều kích mới. Vì Kinh Thánh có tầm quan trọng cơ bản đối với đức tin Kitô giáo, đối với đời sống của Hội Thánh và đối với những tương quan giữa các Kitô hữu với các tín hữu theo các tôn giáo khác, nên Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đã được yêu cầu lên tiếng về vấn đề này.

A. VẤN ĐỀ HIỆN NAY

Vấn đề giải thích Kinh Thánh không phải là một phát minh của thời nay như đôi khi người ta vẫn tưởng. Chính Kinh Thánh cũng chứng nhận rằng việc giải thích Kinh Thánh có nhiều khó khăn. Ngoài những bản văn sáng sủa, Kinh Thánh còn có nhiều đoạn tối nghĩa. Khi đọc một số bản văn sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia, ông Đanien đã phải suy nghĩ lâu để xem ý nghĩa của những sấm ngôn đó là gì (Đn 9,2). Theo sách Công vụ Tông đồ, một người Êthiôpi, thế kỷ thứ nhất, cũng đã gặp phải tình trạng như thế đối với một đoạn sách của ngôn sứ Isaia (Is 53,7-8), và ông thấy cần phải có người giải thích (Cv 8,30-35). Thư 2 Phêrô nói rõ là “không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2 Pr 1,20). Đàng khác thư ấy còn quả quyết rằng trong các thư của tông đồ Phaolô “có những chỗ khó hiểu, những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy hoạ diệt vong” (3,16).

Như vậy, vấn đề này đã có từ xưa. Nhưng theo dòng thời gian, nó càng trở thành vấn đề : ngày nay, muốn tiếp xúc với những lời nói việc làm được Kinh Thánh tường thuật, độc giả phải lùi lại khoảng hai mươi hoặc ba mươi thế kỷ. Và đó là điều không thể không gây nên những khó khăn. Đàng khác, vào thời hiện đại, các vấn đề giải thích trở nên phức tạp hơn, vì lẽ các khoa học nhân văn đã đạt được những tiến bộ. Những phương pháp khoa học đã được đưa ra để nghiên cứu các bản văn cổ xưa. Các phương pháp này có thể được xem là thích hợp với việc giải thích Sách Thánh trong mức độ nào ? Trong một thời gian lâu dài, thái độ thận trọng vì lý do mục vụ của Hội Thánh đã trả lời câu hỏi ấy một cách dè dặt, bởi vì thường thường các phương pháp, cho dù có những yếu tố tích cực, nhưng lại gắn liền với những quan điểm đối nghịch với đức tin Kitô giáo. Thế nhưng một thái độï chuyển biến tích cực đã diễn ra qua một loạt các văn kiện của các Đức Giáo Hoàng, từ thông điệp Providentissimus Deus của Đức Lêô XIII (18 tháng mười một 1893) cho tới thông điệp Divino afflante Spiritu của Đức Piô XII (30 tháng chín 1943). Rồi sự chuyển biến ấy đã được phê chuẩn do tuyên ngôn Sancta Mater Ecclesia (21 tháng sáu 1964) của Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, và nhất là do Hiến chế tín lý về Mạc khải, Dei Verbum, của công đồng Vaticanô II (18 tháng mười một 1965).

Thái độ đầy xây dựng đó đã sinh hoa kết quả một cách khó có thể chối bỏ được. Những nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh đã có được đà tiến đáng kể trong Hội Thánh công giáo, và giá trị khoa học của những công trình nghiên cứu đó ngày càng được giới chuyên môn và các tín hữu nhìn nhận. Công việc đối thoại đại kết nhờ đó đã có được thuận lợi đáng kể. Ảnh hưởng của Kinh Thánh đối với thần học được đào sâu hơn và đã góp phần canh tân thần học. Thái độ quan tâm đối với Kinh Thánh đã gia tăng trong giới công giáo, và đã giúp đời sống Kitô hữu có điều kiện thuận lợi để tiến triển. Tất cả những ai đã được đào tạo nghiêm túc trong lãnh vực này đều nghĩ rằng từ nay trở đi không thể quay về giai đoạn giải thích tiền-tiền bình, vì thấy rằng cách giải thích tiền-phê bình không thoả đáng. Nhận xét như thế không phải là không có lý.

Nhưng đúng vào lúc phương pháp khoa học phổ biến nhất, tức là phương pháp “phê bình-lịch sử”, đang được áp dụng trong khoa chú giải, kể cả chú giải công giáo, thì phương pháp này lại bị đem ra đặt vấn đề, một mặt trong chính giới khoa học, vì có nhiều phương pháp và nhiều cách tiếp cận khác xuất hiện; mặt khác, vì có nhiều Kitô hữu chỉ trích phương pháp này bởi thấy phương pháp này có phần khiếm khuyết về quan điểm đức tin. Khi đặc biệt chú ý – như tên gọi của phương pháp cho thấy – đến sự chuyển biến lịch sử của các bản văn hoặc các truyền thống theo dòng thời gian – hoặc có thể tóm tắt bằng từ ngữ “xuyên thời gian” (diachronie) – phương pháp phê bình-lịch sử hiện nay, trong một số lĩnh vực, đang phải cạnh tranh với các phương pháp chú trọng đến việc hiểu các bản văn theo cách “đồng thời gian” (synchronie), tức là chú ý đến ngôn ngữ, bố cục kết cấu, diễn tiến trình thuật hoặc nỗ lực thuyết phục của các bản văn. Hơn nữa, thay vì lo tái tạo quá khứ như các phương pháp xuyên thời gian, nhiều phương pháp khác lại có khuynh hướng chất vấn các bản văn bằng cách đặt các bản văn vào số những quan điểm của thời nay thuộc lãnh vực triết lý, phân tâm, xã hội, chính trị… Một số người cho việc có nhiều phương pháp và nhiều lối tiếp cận là dấu hiệu cho thấy sự phong phú, nhưng một số người khác lại có cảm tưởng đó là một tình trạng lộn xộn vô cùng.

Cho dù có thật hay chỉ là bề ngoài, tình trạng lộn xộn này đã cung cấp những lập luận mới cho những người chống lại lối chú giải theo phương pháp khoa học. Theo họ, cuộc xung đột giữa các cách chú giải cho thấy người ta chẳng được lợi gì khi nghiên cứu các bản văn Kinh Thánh theo những đòi hỏi của các phương pháp khoa học, ngược lại người ta mất mát nhiều. Họ nhấn mạnh rằng cách chú giải theo phương pháp khoa học gây được hiệu quả là tạo nên rối rắm và nghi ngờ đối với vô số điểm mà cho tới giờ vẫn được chấp nhận một cách êm thắm. Họ còn thêm rằng lối chú giải theo phương pháp khoa học đã đẩy một số nhà chú giải đến chỗ đưa ra những lập trường trái ngược với đức tin của Hội Thánh về những vấn đề thật quan trọng, như việc Đức Maria thụ thai Đức Giêsu mà vẫn còn đồng trinh, các phép lạ của Đức Giêsu, và ngay cả việc Đức Giêsu phục sinh và thần tính của Người nữa.

Ngay cả khi lối chú giải theo phương pháp khoa học không đưa đến những hậu quả tiêu cực như thế, thì lối chú giải ấy, theo họ, vẫn mang đặc tính là cằn cỗi đối với những gì liên hệ đến việc làm cho đời sống Kitô hữu tiến triển. Thay vì giúp người ta càng ngày càng dễ tiếp xúc với những nguồn mạch sống động của Lời Thiên Chúa một cách chắc chắn hơn, lối chú giải theo phương pháp khoa học lại biến Kinh Thánh thành một cuốn sách đóng kín, làm cho việc giải thích Kinh Thánh vốn là vấn đề khó khăn lại phải có những kỹ thuật sắc sảo, biến việc giải thích thành một lãnh vực dành riêng cho một số nhà chuyên môn nào đó mà thôi. Một số trong họ áp dụng cho những nhà chuyên môn đó câu Tin Mừng : “Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết, các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (Lc 11,52; x. Mt 23,13).

Vì thế, họ cho rằng cần phải thay thế công phu kiên trì của lối chú giải theo phương pháp khoa học bằng những lối tiếp cận đơn giản hơn, như một cách đọc đồng thời gian cụ thể nào đó mà họ coi là đủ, hoặc thậm chí khi chối bỏ mọi nỗ lực nghiên cứu, họ còn tán dương một cách đọc Kinh Thánh gọi là cách đọc “thiêng liêng”, tức là một cách đọc chỉ do cảm hứng cá nhân chủ quan hướng dẫn và nhằm để nuôi dưỡng cảm hứng này. Một số người còn đặc biệt tìm trong Kinh Thánh một Đức Kitô theo nhãn quan cá nhân của mình, cũng như tìm thoả mãn tình cảm đạo đức tự phát của mình. Nhiều người khác cho rằng có thể tìm thấy ở đó những giải đáp trực tiếp cho bất cứ vấn đề nào, của cá nhân cũng như tập thể. Hơn thế nữa, nhiều giáo phái còn đưa ra một cách giải thích mà họ quả quyết đó là cách giải thích duy nhất, chỉ được mặc khải cho họ mà thôi.

B. MỤC ĐÍCH CỦA VĂN KIỆN NÀY

Vì thế, cần phải nhận định nghiêm chỉnh những khía cạnh khác nhau của tình trạng hiện nay liên quan đến vấn đề giải thích Kinh Thánh, cần phải chú ý đến những lời bình phẩm, phàn nàn và những khát vọng liên quan đến vấn đề này, cần phải đánh giá những khả năng do những phương pháp và những cách tiếp cận mới đã mở ra, và cuối cùng cần phải xác định hướng đi phù hợp nhất với sứ mạng của khoa chú giải trong Hội Thánh công giáo.

Đó là mục đích của văn kiện này. Uỷ Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng muốn nêu lên những con đường thích hợp có thể theo để đi đến chỗ giải thích Kinh Thánh sao cho trung thành tối đa với tính chất vừa nhân loại vừa linh thánh của Kinh Thánh. Ở đây, Ủy Ban không có ý minh định lập trường đối với mọi vấn đề đang được đặt ra liên quan tới Kinh Thánh, như vấn đề thần học về ơn linh hứng chẳng hạn. Điều Uỷ Ban muốn, đó là nghiên cứu những phương pháp khả dĩ chấp nhận để góp phần hữu hiệu làm cho tất cả kho tàngï phong phú chứa đựng trong các bản văn Kinh Thánh được nổi bật lên, ngõ hầu Lời Thiên Chúa luôn ngày càng trở nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng các phần tử trong dân của Người, trở thành nguồn mạch đời sống đức tin, đức cậy và đức mến cho họ, cũng như trở thành một ánh sáng chiếu soi toàn thể nhân loại (x. Dei Verbum, số 21).

Để đạt mục đích ấy, văn kiện này sẽ:

1. Trình bày vắn tắt các phương pháp và các lối tiếp cận khác nhau[1], đồng thời cũng nêu cả những khả năng lẫn những giới hạn của các phương pháp và các lối tiếp cận đó;

2. Cứu xét một số vấn đề của khoa giải thích;

3. Đề nghị một suy nghĩ về những chiều kích đặc biệt của lối giải thích Kinh Thánh theo công giáo và những tương quan của nó với các môn thần học khác;

4. Cuối cùng, xem việc giải thích Kinh Thánh có vị trí nào trong đời sống của Hội Thánh.

 

PHẦN I

CÁC PHƯƠNG PHÁP VÀ CÁC LỐI TIẾP CẬN

ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ GIẢI THÍCH KINH THÁNH

 

A. PHƯƠNG PHÁP PHÊ BÌNH – LỊCH SỬ

Phương pháp phê bình lịch sử là phương pháp không thể thiếu nếu muốn nghiên cứu một cách khoa học ý nghĩa của các bản văn cổ. Vì Kinh Thánh, xét như là “Lời của Thiên Chúa trong ngôn ngữ của con người”, đã được các tác giả con người soạn ra trong mọi phần và mọi nguồn, nên muốn hiểu đúng, không những phải nhìn nhận đây là phương pháp chính đáng, mà còn phải sử dụng phương pháp này nữa.

1. Lịch sử phương pháp

Muốn đánh giá đúng phương pháp này trong hiện trạng của nó, cần phải nhìn lại lịch sử của phương pháp này. Một số yếu tố trong phương pháp giải thích này rất cổ. Các yếu tố này thời cổ đại đã được các nhà bình luận văn chương cổ điển Hy-lạp, và sau này, suốt thời kỳ giáo phụ, được các tác giả như linh mục Origène, thánh Giêrônimô và thánh Augustinô sử dụng. Lúc bấy giờ phương pháp này chưa được khai triển bao nhiêu. Những hình thức hiện nay của phương pháp này là kết quả của những cố gắng kiện toàn, nhất là kể từ các nhà nhân bản thời Phục Hưng và chủ trương recursus ad fontes (về nguồn) của họ. Trong khi khoa hiệu đính bản văn Tân Ước mãi khoảng năm 1800 mới được khai triển thành một bộ môn có tính cách khoa học, sau khi người ta tách khỏi Textus receptus, thì những bước chập chững của khoa phê bình văn chương lại lùi về mãi thế kỷ XVII, với tác phẩm của Richard Simon. Tác giả này đã khiến người ta chú ý đến những chỗ điệp văn (doublets), những bất đồng trong nội dung và những dị biệt về văn phong thấy được trong Ngũ Thư -những nhận xét khó có thể dung hoà với việc gán tất cả bản văn cho một tác giả độc nhất là ông Môsê. Vào thế kỷ XVIII, Jean Astruc vẫn còn đưa ra cách giải thích cho rằng ông Môsê đã sử dụng nhiều nguồn (nhất là hai nguồn chính) để soạn sách Sáng thế. Nhưng tiếp theo đó, khoa phê bình càng ngày càng nhất định không chịu gán cho ngay cả ông Môsê việc biên soạn Ngũ Thư. Khoa phê bình văn chương từ lâu được đồng hoá với nỗ lực phân biệt những nguồn khác nhau trong các bản văn. Vì vậy, vào thế kỷ XIX, giả thuyết “các tài liệu” đã được khai triển. Giả thuyết này tìm cách nghiên cứu việc biên soạn Ngũ Thư. Theo giả thuyết này, bốn tài liệu, một phần song song với nhau nhưng ra đời vào những thời kỳ khác nhau, có lẽ đã được trộn lẫn với nhau : tài liệu Giavít (J), tài liệu Êlôít (E), tài liệu Đệ nhị luật (D) và tài liệu Tư tế (P). Chính tài liệu cuối cùng này đã được nhà biên soạn chung cuộc sử dụng để tạo nên cấu trúc cho toàn bộ. Tương tự như thế, để cắt nghĩa vừa những chỗ tương đồng, vừa những chỗ bất đồng giữa ba sách Tin Mừng nhất lãm, người ta đã nại vào giả thuyết “hai nguồn”. Theo giả thuyết này, các sách Tin Mừng của thánh Mátthêu và thánh Luca có lẽ đã được biên soạn dựa vào hai nguồn chính : một đàng là sách Tin Mừng của thánh Máccô và đàng khác là một sưu tập các lời của Đức Giêsu (sưu tập Q, viết tắt chữ Quelle, tiếng Đức,có nghĩa là nguồn). Xét về căn bản, hai giả thuyết này hiện vẫn còn được lưu dụng trong khoa chú giải theo phương pháp khoa học, nhưng cũng là đối tượng cho những cuộc tranh luận.

Vì muốn thiết lập niên đại của các bản văn Kinh Thánh, loại phê bình văn chương này tự giới hạn ở chỗ chia cắt và tách rời bản văn để phân biệt các nguồn khác nhau, cũng như không quan tâm đủ đến cấu trúc chung cuộc của bản văn Kinh Thánh và sứ điệp mà bản văn trong tình trạng hiện thời muốn diễn tả (đánh giá không cao lắm công trình của các nhà biên soạn). Do sự kiện này, có thể lối chú giải theo phương pháp phê bình-lịch sử xem như có khuynh hướng chỉ phân tán và huỷ hoại bản văn. Còn một số nhà chú giải chịu ảnh hưởng của khoa lịch sử đối chiếu các tôn giáo, như đang được sử dụng thời đó, hoặc khởi đi từ những quan niệm triết học, đã đưa ra những phán đoán tiêu cực đối nghịch với Kinh Thánh.

Hermann Gunkel là người đã đưa phương pháp ra khỏi cái ghetto (khu vực đóng kín) của lối phê bình văn chương được quan niệm như trên. Dầu vẫn coi các sách trong bộ Ngũ Thư là những sưu tập, nhưng ông đã chú ý đến cách cấu tạo đặc biệt của những đoạn văn khác nhau. Ông tìm cách xác định văn loại mỗi đoạn văn (tỉ dụ “truyện”, ‘thánh thi”) cũng như môi trường xuất xứ, tức “Sitz im Leben”, của đoạn văn (tỉ dụ như bối cảnh pháp lý, phụng vụ… ). Liên kết với cố gắng tìm kiếm văn loại này là “nghiên cứu phê bình các hình thức”, “Formgeschichte” do Martin Dibelius và Rudolf Bultmann khởi xướng áp dụng vào việc chú giải nhất lãm. R. Bultmann pha trộn lối giải thích Kinh Thánh cảm hứng từ triết lý hiện sinh của Martin Heidegger với những nghiên cứu của “Formgeschichte”. Do đó, Formgeschichte thường được nhìn với thái độ dè dặt thận trọng. Nhưng một trong những hiệu quả của phương pháp này làø cho thấy rõ hơn truyền thống Tân Ước đã bắt nguồn và thành hình trong cộng đoàn Ki-tô hữu, tức là trong Hội Thánh tiên khởi, đi từ lời giảng của chính Đức Giêsu đến lời giảng công bố rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Thêm vào “Formgeschichte“, phải kể đến “Redaktionsgeschichte”, “nghiên cứu phê bình việc biên soạn”. Nỗ lực nghiên cứu này nhằm cho thấy phần đóng góp riêng của mỗi tác giả sách Tin Mừng, và những khuynh hướng thần học đã chi phối công việc biên soạn của ông.

Khi phương pháp sau cùng này được đưa vào sử dụng, loạt các giai đoạn khác nhau của phương pháp phê bình-lịch sử đã trở thành đầy đủ hơn : từ hiệu đính bản văn, người ta đi sang phê bình văn chương nhằm mổ xẻ bản văn (tìm các nguồn), rồi tới việc nghiên cứu phê bình các hình thức, cuối cùng tới việc phân tích công tác biên soạn, tức là chú ý đến bản văn trong hình thức biên soạn của nó. Chính như thế mới có thể hiểu rõ hơn ý hướng của các tác giả và các người biên soạn Kinh Thánh, cũng như hiểu sứ điệp mà họ đã gởi đến các độc giả đầu tiên. Qua đó phương pháp phê bình-lịch sử đã đạt tới một tầm quan trọng cao nhất.

2. Các nguyên tắc

Các nguyên tắc căn bản của phương pháp phê bình-lịch sử, trong hình thức cổ điển, là những nguyên tắc sau :

Đây là một phương pháp lịch sử, không phải chỉ vì nó được ứng dụng vào các bản văn cổ – trường hợp các bản văn Kinh Thánh – và nghiên cứu tầm quan trọng lịch sử của bản văn, nhưng nhất là, vì phương pháp này tìm cách minh giải những tiến trình lịch sử của việc các bản văn Kinh Thánh ra đời, những tiến trình xuyên thời gian đôi khi phức tạp và trong một thời gian dài. Vào những giai đoạn soạn thảo khác nhau, các bản văn Kinh Thánh được gửi tới các loại thính giả hoặc độc giả khác nhau, sống trong những hoàn cảnh khác nhau về không gian và thời gian.

Nói đây là một phương pháp phê bình, bởi vì ở mỗi bước (từ hiệu đính bản văn tới phê bình công việc biên soạn), phương pháp này vận hành nhờ sự trợ giúp của các tiêu chuẩn khoa học khách quan tối đa, sao cho độc giả hiện đại có thể tiếp cận ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh, ý nghĩa vốn khó lĩnh hội.

Vì là phương pháp phân tích, phương pháp phê bình-lịch sử nghiên cứu bản văn Kinh Thánh theo cùng một cách thức giống như bất kỳ bản văn cổ nào khác, và bình luận bản văn xét như là ngôn ngữ nhân loại. Tuy nhiên, phương pháp này giúp cho nhà chú giải, nhất là trong khi nghiên cứu phê bình việc biên soạn các bản văn, lĩnh hội rõ hơn nội dung mạc khải của Thiên Chúa.

3. Miêu tả

Ở giai đoạn khai triển hiện nay, phương pháp phê bình-lịch sử đi qua các giai đoạn sau :

Hiệu đính bản văn đã được thực hiện từ lâu. Công việc này mở ra một loạt những hoạt động có tính cách khoa học, dựa trên chứng từ của các bản sao cổ nhất và tốt nhất, cũng như dựa vào các bản papyrus, các bản dịch cổ và các bản văn giáo phụ. Mục đích của công việc này là cố gắng, dựa theo những qui tắc nhất định, lập nên một bản văn Kinh Thánh gần với nguyên bản tối đa.

Tiếp đó, bản văn được đem ra phân tích về ngữ học (từ pháp và cú pháp) và ngữ nghĩa. Công tác phân tích này sử dụng những kiến thức của khoa nghiên cứu ngữ học lịch sử. Bấy giờ việc phê bình văn chương mới tìm cách phân biệt phần đầu và phần kết của những đơn vị bản văn lớn và nhỏ, đồng thời tìm cách kiểm định sự mạch lạc nội tại của các đoạn văn.

Những điệp văn, những khác biệt không thể dung hoà được và những dấu vết khác cho thấy tính cách phức hợp của một số bản văn. Bấy giờ, người ta chia bản văn thành những đơn vị nhỏ, rồi nghiên cứu xem những đơn vị đó có thể thuộc về những nguồn khác nhau nào. Phê bình văn loại tìm cách xác định các thể văn, môi trường xuất xứ, những nét đặc biệt và sự chuyển biến của các thể văn. Phê bình các truyền thống đặt các bản văn vào các trào lưu truyền thống, rồi cố gắng xác định sự chuyển biến của dòng truyền thống qua lịch sử. Cuối cùng, phê bình biên soạn nghiên cứu những sửa đổi trong các bản văn trước khi được cố định trong tình trạng hiện nay. Phê bình biên soạn phân tích tình trạng chung cuộc này, bằng cách cố gắng phân biệt những khuynh hướng riêng biệt của trình trạng này. Trong khi những giai đoạn trước cố gắng giải thích bản văn bằng cách tìm về nguồn gốc và sự phát triển, theo quan điểm xuyên thời gian, thì giai đoạn cuối cùng này lại kết thúc bằng việc nghiên cứu có tính cách đồng thời gian : giải thích bản văn như bản văn hiện có, dựa trên căn bản những mối quan hệ hỗ tương của những yếu tố khác nhau, và nhìn bản văn theo khía cạnh là sứ điệp mà tác giả có ý thông truyền cho những người đồng thời với mình. Khi đó, người ta có thể xét đến chức năng thực dụng của bản văn.

Khi các bản văn được nghiên cứu thuộc thể văn lịch sử hoặc có liên quan đến những biến cố trong lịch sử, thì phê bình lịch sử sẽ bổ túc cho phê bình văn chương để xác định tầm quan trọng lịch sử của các bản văn ấy.

Chính bằng cách đó, người ta đã làm sáng tỏ các giai đoạn khác nhau trong tiến trình cụ thể của mạc khải Kinh Thánh.

4. Đánh giá

Phương pháp phê bình-lịch sử, nhất là sau khi đã trải qua quá trình chuyển biến để có tình trạng như hiện nay, có giá trị thế nào?

Đây là phương pháp mà khi được sử dụng một cách khách quan, sẽ không hàm ẩn một a priori (tiên thiên) nào. Nếu sử dụng phương pháp này kèm theo những a priori nào đó, thì không phải là do chính phương pháp, nhưng do những quan điểm giải thích nào đó đã chi phối việc giải thích và có thể có tính cách thiên kiến.

Ngay từ những bước đầu, phương pháp này đã được hướng theo chiều hướng phê bình các nguồn văn và lịch sử các tôn giáo, nên phương pháp tạo được hiệu quả là mở ra một hướng mới để tiếp xúc với Kinh Thánh, bằng cách cho thấy Kinh Thánh là một tuyển tập các tác phẩm. Các tác phẩm này, nhất là đối với Cựu Ước, rất thường không phải là thành quả sáng tạo của một tác giả độc nhất, nhưng đã có cả một tiền sử dài, liên kết mật thiết với lịch sử Israel và với lịch sử Hội Thánh tiên khởi. Trước đó, lối giải thích Kinh Thánh của Do-thái hoặc của Kitô giáo không ý thức rõ rệt về những điều kiện lịch sử cụ thể và khác biệt trong đó Lời Thiên Chúa bén rễ sâu trong dân. Lối giải thích đó chỉ biết các điều kiện này một cách chung chung và xa xa. Việc đối chọi lúc đầu giữa khoa chú giải truyền thống với lối tiếp cận có tính cách khoa học, mà ngay từ những bước đầu đã cố tách ra khỏi đức tin và đôi khi còn đối nghịch với đức tin, hẳn là điều đáng buồn. Tuy nhiên, sau đó nó lại tỏ ra bổ ích : một khi đã loại khỏi phương pháp những thiên kiến ngoại tại, phương pháp đưa đến chỗ hiểu biết chân lý của Sách Thánh một cách chính xác hơn (x. Dei Verbum, số 12). Theo thông điệp Divino Afflante Spiritu, tìm nghĩa theo chữ của Sách Thánh là một nhiệm vụ chính yếu của khoa chú giải và, muốn hoàn thành nhiệm vụ này, nhất thiết phải xác định văn thể của các bản văn (x. Ench. Bibl., số 560). Điều này thực hiện được là nhờ phương pháp phê bình-lịch sử.

Hẳn nhiên, việc dùng phương pháp phê bình-lịch sử theo lối cổ điển tỏ ra có những giới hạn, vì phương pháp tự giới hạn vào việc tìm ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh trong các hoàn cảnh lịch sử bản văn đã ra đời, chứ không chú ý đến những tiềm năng khác của ý nghĩa được biểu lộ qua các giai đoạn về sau của mạc khải Kinh Thánh và của lịch sử Hội Thánh. Nhưng phương pháp này đã góp phần sản sinh ra những tác phẩm chú giải và thần học Kinh Thánh có giá trị lớn lao.

Từ lâu, người ta đã thôi không liên kết phương pháp này với một hệ thống triết học nữa. Mới đây một khuynh hướng chú giải đã uốn nắn phương pháp theo hướng nhấn mạnh nhiều hơn tới hình thức bản văn, mà ít chú ý đến nội dung. Nhưng khuynh hướng này đã được sửa chữa nhờ áp dụng khoa ngữ nghĩa nhiều hơn (ngữ nghĩa các từ, các câu, bản văn) và nhờ nghiên cứu khía cạnh thực dụng của bản văn.

Còn về vấn đề đưa vào phương pháp một sự phân tích các bản văn theo quan điểm đồng thời gian, ta phải nhận rằng đó là một hoạt động chính đáng, bởi vì chính bản văn trong tình trạng chung kết, chứ không phải một dạng biên soạn trước đó, diễn tả Lời Thiên Chúa. Nhưng nghiên cứu xuyên thời gian vẫn còn là điều không thể bỏ qua nếu muốn hiểu được tính năng động lịch sử của Sách Thánh, và nếu muốn cho thấy tính cách phức tạp nhưng phong phú của Sách Thánh : chẳng hạn, luật Giao Ước (Xh 21 – 23) phản ánh một tình trạng chính trị, xã hội và tôn giáo trong xã hội Israel, khác với tình trạng được phản ánh qua các luật pháp khác được lưu giữ trong sách Đệ nhị luật (Đnl 12 – 26) và sách Lêvi (Luật về sự thánh thiện, Lv 17 – 26). Tiếp theo sau khuynh hướng duy lịch sử mà người ta đã trách lối chú giải theo phương pháp phê bình-lịch sử, không nên để xảy ra thái cực ngược lại, tức là quên đi lịch sử, nhằm phục vụ một lối chú giải chỉ có tính cách đồng thời gian.

Tóm lại, mục đích của phương pháp phê bình-lịch sử là nhằm xác định, đặc biệt theo cách xuyên thời gian, ý nghĩa đã được các tác giả và các nhà biên soạn Kinh Thánh diễn tả. Nhờ có các phương pháp và các lối tiếp cận khác trợ giúp, phương pháp phê bình-lịch sử mở cho người đọc hiện đại lối đi đến với ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh, bản văn như ta đang có.

B. CÁC PHƯƠNG PHÁP MỚI ĐỂ PHÂN TÍCH VĂN CHƯƠNG

Không có phương pháp khoa học nào nhằm nghiên cứu Kinh Thánh lại có khả năng đáp ứng tất cả sự phong phú của các bản văn Kinh Thánh. Vì thế, cho dù có giá trị, phương pháp phê bình-lịch sử cũng không thể tự hào là hoàn toàn đầy đủ để có thể đáp ứng được tất cả. Phương pháp pháp ấy buộc phải bỏ qua một bên nhiều khía cạnh của những tác phẩm đang được phương pháp khảo cứu. Vì vậy, ta đừng ngạc nhiên khi thấy hiện nay nhiều phương pháp và nhiều lối tiếp cận khác đã được đềû nghị, nhằm đào sâu khía cạnh này hoặc khía cạnh kia đáng chú ý.

Trong phần B này, chúng tôi xin trình bày một số phương pháp phân tích văn chương đã được khai triển hồi gần đây. Trong phần kế tiếp (C,D,Đ), chúng tôi sẽ khảo sát vắn tắt những cách tiếp cận khác, trong đó một số có liên quan với việc nghiên cứu truyền thống, một số khác lại có liên quan với những môn “khoa học nhân văn”, một số khác nữa lại có liên quan với những hoàn cảnh đặc thù của thời nay. Cuối cùng (E), chúng tôi sẽ xem xét cách đọc Kinh Thánh theo khuynh hướng bảo thủ (fondamentaliste), là cách đọc chối bỏ mọi cố gắng giải thích có phương pháp.

Lợi dụng tiến bộ của những nghiên cứu ngữ học và văn chương đã đạt được ở thời đại chúng ta, khoa chú giải Kinh Thánh ngày càng sử dụng nhiềúu phương pháp mới để phân tích văn chương, đặc biệt là cách phân tích tu từ học, cách phân tích kể chuyện và cách phân tích ký hiệu.

1. Cách phân tích tu từ học

Nói cho đúng, lối phân tích tu từ học tự nó không phải là một phương pháp mới. Cái mới, đó là nó được sử dụng một cách có hệ thống để giải thích Kinh Thánh và, đàng khác, đó là sự ra đời và phát triển của một “khoa tân tu từ học”.

Tu từ học là nghệ thuật soạn ra những bài văn sao cho thuyết phục. Vì mọi bản văn Kinh Thánh là những bản văn có tính cách thuyết phục ở một mức độ nào đó, nên một số kiến thức về tu từ học trở thành hành trang thông thường của các nhà chú giải. Nhưng phân tích tu từ học cần phải được tiến hành một cách có phê bình, bởi vì chú giải theo phương pháp khoa học là một công việc nhất định phải tuân theo những đòi hỏi của tinh thần phê bình.

Nhiều nỗ lực nghiên cứu Kinh Thánh mới đây đã chú ý nhiều đến sự hiện diện của những yếu tố tu từ học trong Sách Thánh. Ta có thể phân biệt ba cách tiếp cận khác nhau. Cách thứ nhất dựa trên tu từ học Hy-La. Cách thứ hai chú ý đến những phương thức biên soạn Sêmít. Cách thứ ba cảm hứng từ những khám phá hiện đại mà người ta gọi là “Tân tu từ học”.

Mỗi hoàn cảnh của một bài văn đều gồm ba yếu tố : người hùng biện (hoặc tác giả), bài văn (hoặc bản văn) và thính giả (hoặc người nhận). Vì thế, khoa tu từ học cổ điển phân biệt ba động lực thuyết phục góp phần vào phẩm chất của một bài văn là : uy tín của người nói, cách lập luận của bài văn và những cảm xúc mà bài văn tạo nên trong thính giả. Hoàn cảnh khác nhau cũng như thính giả khác nhau ảnh hưởng nhiều đến cách nói. Khoa tu từ học cổ điển, kể từ thời Aristote, phân biệt ba thể loại tu từ học : thể loại luật pháp (trước các pháp đình), thể loại nghị luận (trong các hội đồng chính trị) và thể loại minh chứng (trong các buổi cử hành lễ lạc).

Nhận thấy khoa tu từ học có tầm ảnh hưởng to lớn trong văn hoá Hy-lạp, càng ngày càng có nhiều nhà chú giải sử dụng các khảo luận tu từ học cổ điển để phân tích rõ hơn một số khía cạnh trong các tác phẩm Kinh Thánh, nhất là các sách Tân Ước.

Nhiều nhà chú giải khác lại chú ý nhiều hơn đến những nét đặc biệt của truyền thống văn chương Kinh Thánh. Vì đã bén rễ sâu trong văn hoá Sêmít, truyền thống này rõ ràng thích dùng những cách biên soạn cân đối hơn, nhờ những cách đó, người ta dễ nhận ra mối tương quan giữa những yếu tố khác nhau của bản văn. Nghiên cứu nhiều hình thức song đối và những phương thức đặc biệt trong cách biên soạn Sêmít khác sẽ giúp phân biệt rõ hơn cấu trúc văn chương của các bản văn và, như thế, đi đến chỗ hiểu sứ điệp một cách thấu đáo hơn.

Đứng trên quan điểm tổng quát hơn, “Tân tu từ học” muốn là một cái gì khác hơn là một bản liệt kê đơn thuần những dạng thức hành văn, những xảo thuật tu từ học và những loại bài văn. Khoa này muốn tìm xem tại sao cách sử dụng đặc thù của ngôn ngữ như thế lại hữu hiệu và có thể giúp truyền thông một xác tín. Khoa này muốn “có tính cách duy thực”, hiểu theo nghĩa không muốn chỉ giới hạn vào việc thuần tuý phân tích hình thức mà thôi. Khoa này để ý tới tình trạng tranh luận hoặc bàn cãi hiện nay. Nó nghiên cứu văn phong và việc biên soạn xét như là phương thế để tác động vào thính giả. Để đạt mục đích này, nó lợi dụng những thành quả gần đây của các bộ môn như ngữ học, ký hiệu học, nhân học và xã hội học.

Ứng dụng vào Kinh Thánh, khoa “Tân tu từ học” muốn thấu nhập vào tận trung tâm của ngôn ngữ mạc khải xét như là ngôn ngữ tôn giáo để thuyết phục và đo lường tầm ảnh hưởng của nó trong bối cảnh xã hội của việc truyền thông.

Vì những nghiên cứu tu từ học góp phần làm cho việc nghiên cứu phê bình các bản văn thêm phong phú, nên những nghiên cứu đó đáng được đánh giá cao, nhất là trong những cố gắng khai triển hồi gần đây. Những phân tích đó sửa chữa lại một thái độ lơ là đã kéo dài lâu nay và giúp tái khám phá, hoặc làm rõ hơn, những hướng nhìn nguyên thuỷ đã bị mai một hoặc chìm trong bóng tối.

“Khoa tân tu từ học” có lý khi kéo sự chú ý vào khả năng thuyết phục và xác tín của ngôn ngữ. Kinh Thánh không chỉ là phát biểu thuần tuý những chân lý. Đó là một sứ điệp, có sẵn nơi mình một chức năng thông truyền trong một bối cảnh cụ thể nào đó, một sứ điệp mang theo mình một sức mạnh lập luận và một chiến lược tu từ học nào đó.

Tuy nhiên phân tích tu từ học cũng có những giới hạn. Khi lối phân tích này chỉ giới hạn ở cấp độ miêu tả thì kết quả thường chỉ là chú ý đến văn phong mà thôi. Vì tự căn bản mang tính chất đồng thời gian, các phân tích này không thể tự cho mình là một phương pháp đôïc lập, tự mình đã đủ. Việc áp dụng phương pháp phân tích này vào các bản văn Kinh Thánh nêu lên nhiều vấn đề : các tác giả của những bản văn này có thuộc về những môi trường văn hoá ở cấp cao nhất không ? Họ đã theo các qui tắc tu từ học tới đâu khi biên soạn các tác phẩm của mình ? Loại tu từ học nào, Hy-La hay Sêmít, thích đáng hơn cả để phân tích cụ thể bản văn này bản văn kia ? Liệu ta có gán cho một số bản văn Kinh Thánh một cấu trúc tu từ học quá công phu không ? Những vấn đề trên và nhiều vấn đề khác không có ý ngăn cản ta dùng loại phân tích này, nhưng chỉ có ý nhắc ta nhớ rằng đừng chạy theo mà không phân biệt rõ ràng.

2. Cách phân tích thuật chuyện

Cách chú giải theo lối thuật chuyện đưa ra một phương pháp hiểu và truyền thông sứ điệp Kinh Thánh ứng với hình thức câu chuyện và chứng từ, tức là cách thế căn bản trong việc truyền thông giữa những con người. Trình thuật và chứng từ cũng là những nét đặc biệt của Sách Thánh. Quả vậy, Cựu Ước trình bày một lịch sử cứu độ, trình thuật hữu hiệu của lịch sử ấy trở thành bản chất của việc tuyên xưng đức tin, phụng vụ và huấn giáo (x. Tv 78,3-4; Xh 12,24-27; Đnl 6,20-25; 26,5-11). Bên cạnh đó, việc công bố Lời rao giảng tiên khởi (kêrygma) của Ki-tô giáo gồm loạt chuyện kể về đời sống, cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Các sách Tin Mừng trình bày cho chúng ta trình thuật chi tiết về những biến cố đó. Huấn giáo cũng thế, được trình bày dưới hình thức kể chuyện (x. 1 Cr 11,23-25).

Về lối tiếp cận thuật chuyện, cần phân biệt những phương pháp phân tích và suy tư thần học.

Hiện nay, nhiều phương pháp phân tích được đề nghị. Một số khởi đi từ việc nghiên cứu những mẫu kể chuyện cổ. Một số khác đặt căn bản trên khoa “thuật chuyện học” nào đó hiện nay, có thể có những điểm chung với khoa ký hiệu học. Vì đặc biệt chú ý đến những yếu tố của bản văn liên quan đến bố cục, nhân vật và quan điểm của người thuật chuyện, lối phân tích thuật chuyện nghiên cứu cách một câu chuyện được kể để đưa người đọc vào trong “thế giới của câu chuyện” với hệ thống những giá trị của thế giới đó.

Nhiều phương pháp đưa ra sự phân biệt giữa “tác giả thật sự” với “tác giả tiềm ẩn”; “độc giả thật sự” với “độc giả tiềm ẩn”. “Tác giả thật sự” là người soạn ra câu chuyện. “Tác giả tiềm ẩn” là cách nói để chỉ hình ảnh tác giả mà bản văn từ từ cho ra đời theo tiến trình đọc (với văn hoá, tính khí, các khuynh hướng, lòng tin… ). “Độc giả thật sự” là bất cứ ai tiếp xúc với bản văn, từ những độc giả đầu tiên đã đọc hay nghe đọc bản văn cho tới các độc giả hoặc thính giả ngày hôm nay. “Độc giả tiềm ẩn” được hiểu là người mà bản văn giả định và sản sinh ra, người có khả năng vận hành những hoạt động của trí não và tình cảm cần phải có để đi vào thế giới của câu chuyện và trả lời theo cách tác giả thực sự đã nhằm qua tác giả tiềm ẩn.

Một bản văn vẫn đang có được tầm ảnh hưởng tuỳ theo độc giả thực sự (như chúng ta, những người đang sống ở cuối thế kỷ XX này chẳng hạn) có thể tự đồng hoá với tác giả tiềm ẩn đến mức nào. Một trong những nhiệm vụ to lớn của khoa chú giải này là làm sao cho việc tự đồng hoá ấy được dễ dàng.

Đi liền với cách phân tích thuật chuyện là một cách mới để đánh giá tầm quan trọng của bản văn. Trong khi phương pháp phê bình-lịch sử cứu xét bản văn nhiều hơn, coi bản văn như một cái “cửa sổ” giúp nhìn vào mà quan sát thời đại này thời đại kia (không phải chỉ quan sát những sự kiện được thuật lại mà thôi, nhưng còn quan sát cả tình trạng cộng đoàn nhận những sự kiện được kể lại đó nữa), thì người ta nhấn mạnh rằng bản văn cũng có chức năng như một “Tấm gương”, hiểu theo nghĩa bản văn phản chiếu một hình ảnh nào đó về thế giới – “thế giới của câu chuyện” – hình ảnh về thế giới này ảnh hưởng vào các cách nhìn của độc giả và đưa độc giả đến chỗ nhận một số giá trị này hơn là những giá trị khác.

Đi liền với thể loại nghiên cứu có đặc tính văn chương điển hình này là suy tư thần học, bằng cách xem xét những hậu kết gói ghém trong bản chất của câu chuyện – và cũng là của chứng từ – trong Sách Thánh với lòng tin gắn bó và bằng cách lấy từ đó ra một phương thức giải thích thực hành và mục vụ. Bằng cách này, người ta phản ứng lại việc giản lược bản văn linh hứng vào một lô những đề tài thần học, thường là được lập theo những phạm trù và theo một thứ ngôn ngữ phi Kinh Thánh. Người ta muốn khoa chú giải thuật chuyện phục hồi lại, trong những bối cảnh lịch sử mới, những cách thức truyền thông và ý nghĩa thuộc riêng trình thuật Kinh Thánh, để có thể mở rộng hơn con đường đi tới ơn cứu độ. Người ta nhấn mạnh đến sự cần thiết phải “thuật lại ơn cứu độ (khía cạnh “thông tri” của câu truyện) và phải thuật lại nhằm ơn cứu độ (khía cạnh “hành động”). Quả thế, trình thuật Kinh Thánh bao gồm – một cách rõ rệt hoặc tiềm tàng tuỳ trường hợp – một lời mời gọi có tính cách hiện sinh gởi tới người đọc.

Cách phân tích thuật chuyện hiển nhiên là hữu ích đối với khoa chú giải Kinh Thánh, bởi vì cách này phù hợp với bản chất thuật chuyện của rất nhiều bản văn Kinh Thánh. Lối phân tích này giúp cho việc chuyển – thường là khó khăn – từ ý nghĩa của bản văn trong bối cảnh lịch sử của nó – giống như phương pháp phê bình-lịch sử cố gắng xác định -, sang tầm quan trọng của bản văn đối với độc giả ngày nay. Ngược lại, sự phân biệt giữa “tác giả thực sự“ với “tác giả tiềm ẩn“ làm cho những vấn đề phức tạp trong việc giải thích càng gia tăng.

Áp dụng vào các bản văn Kinh Thánh, cách phân tích thuật chuyện không được đem những khuôn mẫu sẵn có chụp lên các bản văn Kinh Thánh. Đúng ra, phải cố gắng để phù hợp với tính cách chuyên biệt của bản văn đó hơn. Lối tiếp cận đồng thời gian (synchronique) của cách phân tích này đối với các bản văn đòi phải được những nghiên cứu đồng thời gian (diachronique) bổ túc cho. Đàng khác, cách phân tích này phải ý tứ coi chừng một khuynh hướng có thể có, đó là loại trừ mọi cố gắng khai triển đạo lý từ các dữ kiện bao gồm trong các trình thuật Kinh Thánh. Khi đó lối phân tích này sẽ không hợp với chính truyền thống Kinh Thánh, truyền thống vẫn thực hành thể loại khai triển này, và không hợp với truyền thống Hội Thánh, truyền thống vẫn tiếp tục đi theo con đường này. Cuối cùng cần lưu ý rằng người ta không thể coi tính hiệu quả hiện sinh chủ quan của Lời Thiên Chúa như là một tiêu chuẩn đủ để hiểu chân lý của Lời Thiên Chúa….

3. Cách phân tích ký hiệu

Trong số các phương pháp được gọi là đồng thời gian (synchroniques), tức là những phương pháp tập trung vào việc nghiên cứu bản văn Kinh Thánh như bản văn được đọc trong tình trạng chung kết, phải kể đến cách phân tích ký hiệu. Từ khoảng hai mươi năm nay, cách phân tích này đã được khai triển nhiều trong một số môi trường. Trước tiên, phương pháp này được gọi bằng một từ tổng quát là “duy cấu trúc”, coi nhà ngữ học người Thuỵ Sĩ Ferdinand de Saussure là ông tổ. Đầu thế kỷ này, Ferdinand đã khai triển một lý thuyết cho rằng mỗi ngôn ngữ là một hệ thống những tương quan. hệ thống này tuân theo những qui luật nhất định. Nhiều nhà ngữ học và văn chương đã có một ảnh hưởng đáng kể trong quá trình chuyển biến của phương pháp này. Đa số các nhà Kinh Thánh sử dụng phương pháp ký hiệu để nghiên cứu Kinh Thánh lại cho Algirdas J. Greimas và Ecole de Paris mà ông là người sáng lập là đơn vị chủ xướng lý thuyết này. Những cách tiếp cận và những phương pháp tương tự, đặt căn bản trên khoa ngữ học hiện đại, được khai triển ở những chỗ khác. Ở đây chúng tôi xin trình bày và phân tích vắn tắt phương pháp của Greimas.

Phương pháp ký hiệu dựa trên ba nguyên tắc hoặc ba giả thuyết chính :

– Nguyên tắc nội tại : Mỗi một bản văn tạo nên một toàn thể nghĩa. Phân tích là xem xét toàn thể bản văn, nhưng chỉ bản văn mà thôi, chứ không nại vào những dữ kiện “ngoại tại” như tác giả, độc giả, những biến cố được kể lại, lịch sử việc biên soạn.

– Nguyên tắc cấu trúc của ý nghĩa : Chỉ có ý nghĩa qua và trong mối tương quan, đặc biệt là tương quan dị biệt. Như thế, phân tích một bản văn là thiết lập hệ thống những tương quan (đối nghịch, chuẩn nhận…) giữa những yếu tố với nhau, khởi từ đó mà kiến tạo ý nghĩa của bản văn.

– Nguyên tắc ngữ pháp của bản văn : Mỗi bản văn liên quan đến một ngữ pháp, nghĩa là một số những qui luật hoặc cấu trúc nào đó. Trong một toàn bộ những câu được gọi là bài văn (discours), có những cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ lại có ngữ pháp riêng.

Nội dung toàn thể của một bản văn có thể được phân tích dựa trên ba cấp độ khác nhau :

– Cấp độ thuật trình. Người ta nghiên cứu trong trình thuật những biến đổi đã xảy ra từ tình trạng đầu tiên đến tình trạng chung cuộc. Bên trong tiến trình thuật chuyện, lối phân tích này cố gắng vạch lại những giai đoạn khác nhau đã được liên kết chặt chẽ với nhau, các giai đoạn này đánh dấu sự biến đổi từ tình trạng này sang tình trạng khác. Trong mỗi một giai đoạn này, người ta xác định những tương quan giữa những “vai trò” được những “tác năng” hoàn tất, các tác năng này qui định những tình trạng và sản sinh ra những biến đổi.

– Cấp độ suy lý – Phân tích hệ tại ba hoạt động :

a. Đánh dấu và sắp xếp các dạng thức (figures), tức là những yếu tố của nghĩa trong một bản văn (các tác nhân, thời gian và nơi chốn).

b. Thiết lập đường đi của mỗi dạng thức trong một bản văn để xác định các bản văn sử dụng dạng thức đó.

c. Tìm giá trị chủ đề của các dạng thức. Hoạt động cuối cùng này hệ tại xác định “nhân danh cái gì” (= giá trị) các dạng thức theo đường đi này đường đi kia, trong bản văn nhất định đó.

– Cấp độ luận lý – ngữ nghĩa. Đây là cấp độ được gọi là sâu xa và cũng là cấp độ trừu tượng nhất. Nó xuất phát từ định đề này là các hình thức luận lý và nghĩa đều ngầm trong tổ chức thuật trình và suy lý của mỗi bài văn. Việc phân tích ở cấp độ này hệ tại xác định luận lý đã chi phối những khớp căn bản của đường đi thuật trình và dạng thức của một bản văn. Để được như vậy, một dụng cụ thường được sử dụng gọi là “ô vuông ký hiệu”, dạng thức sử dụng những tương quan giữa hai từ “trái ngược” với hai từ “mâu thuẫn” (tỉ dụ trắng và không trắng, đen và không đen).

Các nhà chủ trương lý thuyết về phương pháp ký hiệu không ngừng đưa ra những khai triển mới. Những nghiên cứu hiện nay chú trọng nhiều về phát biểu và về tính cách liên bản văn (intertextualité). Được áp dụng trước tiên vào các bản văn thuật truyện của Kinh Thánh, các bản văn này ứng dụng dễ hơn, phương pháp này ngày càng được sử dụng nhiều vào những loại diễn từ khác trong Kinh Thánh.

Miêu tả như trên về khoa ký hiệu, và nhất là về phát biểu của những giả thiết của khoa này, đã cho thấy những đóng góp và những giới hạn của phương pháp. Khi chú trọng nhiều đến sự kiện mỗi bản văn Kinh Thánh là một toàn thể có mạch lạc, theo những cơ cấu ngữ học rõ rệt, phương pháp ký hiệu góp phần giúp ta hiểu Kinh Thánh, Lời Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.

Chỉ được sử dụng khoa ký hiệu để nghiên cứu Kinh Thánh nếu ta tách ra khỏi phương pháp phân tích một số giả thiết đã được khai triển trong triết lý cấu trúc, tức là sự phủ nhận những chủ thể và sự qui chiếu ngoại-văn bản. Kinh Thánh là một Lời nói về cái thực mà Thiên Chúa đã loan ra trong lịch sử, mà Người đang ngỏ với chúng ta hôm nay qua trung gian những tác giả con người. Lối tiếp cận ký kiệu phải mở ra đón nhận lịch sử, trước tiên là lịch sử của những nhân vật có vai trò trong các bản văn, rồi đến lịch sử của các tác giả và độc giả của bản văn đó. Những người sử dụng lối phân tích ký hiệu có thể gặp nguy cơ lớn là chỉ dừng lại ở cấp độ phân tích hình thức của nội dung mà không rút ra được sứ điệp của các bản văn đó.

Nếu không ngụp lặn trong rừng ngôn ngữ xa lạ và phức tạp và nếu những yếu tố chính được giảng dậy bằng những từ ngữ đơn giản, lối phân tích ký hiệu có thể đem đến cho các Ki-tô hữu cái thú nghiên cứu bản văn Kinh Thánh và khám phá được một số chiều kích về ý nghĩa của bản văn mà không cần phải có mọi kiến thức lịch sử liên quan đến việc bản văn được ra đời và khung cảnh xã hội-văn hóa của bản văn. Như thế lối phân tích này xem ra có thể hữu dụng cả trong mục vụ, giúp thích ứng Kinh Thánh một cách nào đó cho những người không chuyên môn về lãnh vực này.

C. NHỮNG LỐI TIẾP CẬN ĐẶT CĂN BẢN TRÊN TRUYỀN THỐNG

Các phương pháp văn chương vừa trình bày trên, dầu có khác với phương pháp phê bình-lịch sử vì chú trọng nhiều đến sự thống nhất nội tại của các bản văn, vẫn không đủ để giải thích Kinh Thánh, vì các phương pháp đó cứu xét mỗi tác phẩm riêng rẽ. Nhưng Kinh Thánh lại không phải là một tập hợp các bản văn không có liên hệ gì với nhau, trái lại, đó là một toàn bộ những chứng từ của một Truyền Thống vĩ đại. Muốn tương ứng hoàn toàn với đối tượng nghiên cứu, khoa chú giải Kinh Thánh cần phải lưu ý đến sự kiện này. Đấy là quan điểm mà nhiều lối tiếp cận đã theo và hiện đang khai triển.

1. Lối tiếp cận thư qui

Nhận thấy phương pháp phê bình-lịch sử đôi khi bộc lộ những khó khăn khiến cho khó đạt, trong những kết luận của mình, đến cấp độ thực sự thần học, lối tiếp cận “thư qui”, ra đời ở Hoa Kỳ được chừng hai mươi năm nay, có ý đưa nhiệm vụ thần học trong việc giải thích đến kết quả mỹ mãn hơn, khởi đi từ khung cảnh minh bạch của đức tin : Kinh Thánh xét như toàn thể.

Để thực hiện mục tiêu trên, lối tiếp cận này giải thích mỗi bản văn Kinh Thánh dựa vào Thư Qui Sách Thánh, tức là Kinh Thánh xét như được cộng đoàn các tín hữu nhìn nhận là qui luật hướng dẫn đời sống đức tin. Lối tiếp cận này cố gắng đặt mỗi bản văn vào trong kế hoạch độc nhất của Thiên Chúa, nhằm hiện thực hoá SáchThánh cho thời đại ngày nay. Lối tiếp cận này không có ý thay thế nhưng chỉ mong bổ túc cho phương pháp phê bình-lịch sử.

Có hai quan điểm khác nhau đã được đề nghị :

Brevard S. Childs chú ý đến hình thức thư qui cuối cùng của bản văn ( bản văn đây có thể là một cuốn sách hoặc sưu tập gồm một số sách), hình thức đã được cộng đoàn chấp nhận là có thế giá để diễn tả đức tin và hướng dẫn đời sống của cộng đoàn.

Đi xa hơn hình thức chung kết và cố định của bản văn, James A. Sanders lại chú ý đến “tiến trình thư qui” hoặc sự phát triển tiệm tiến của Sách Thánh, Sách đã được cộng đoàn tín hữu nhìn nhận là có giá trị pháp qui. Nghiên cứu phê bình tiến trình này sẽ tìm hiểu xem các truyền thống cổ kính đã được tái sử dụng trong những bối cảnh mới như thế nào, trước khi lập nên một toàn thể vừa vững bền vừa có thể thích ứng, vừa mạch lạc vừa thống nhất những dữ kiện bất đồng, nói tóm lại là một tổng thể trọn vẹn, trong đó cộng đoàn đức tin tìm được chân tính của mình. Những phương thức giải thích đã được sử dụng trong suốt tiến trình này và vẫn còn được sử dụng sau khi Thư Qui đã được cố định. Thường thường các phương thức này thuộc thể loạt Midrash, dùng để hiện tại hoá bản văn Kinh Thánh. Các phương thức này giúp cho luôn có một sự tương tác giữa cộng đoàn và Sách Thánh của cộng đoàn, nhờ cách giải thích nhằm làm sao cho truyền thống được cập nhật hoá.

Lối tiếp cận thư qui có lý khi phản ứng lại việc coi trọng quá đáng những gì được giả thiết là nguyên thuỷ và tiên khởi, như thể chỉ có những cái đó mới chân thực thôi. Sách Thánh được linh hứng chính là Sách Thánh như Hội Thánh đã nhận làm qui luật cho đức tin của mình. Về điểm này, ta có thể nhấn mạnh vừa vào hình thức chung kết của mỗi cuốn sách, vừa vào toàn thể làm nên Sách Thánh xét như Thư Qui. Một cuốn sách chỉ gọi là Kinh Thánh căn cứ vào toàn thể Thư Qui.

Cộng đoàn tín hữu thực sự là bối cảnh tương xứng để giải thích các bản văn thuộc Thư Qui. Trong bối cảnh cộng đoàn ấy, đức tin và Chúa Thánh Thần làm cho việc chú giải được phong phú. Thế giá của Hội Thánh, thế giá nhằm phục vụ cộng đoàn, phải luôn giũ cho việc giải thích trung thành với Truyền Thống vĩ đại đã sản sinh ra các bản văn (x. Dei Verbum, số 10).

Lối tiếp cận thư qui gặp một số vấn đề, nhất là khi tìm cách xác định “tiến trình thư qui”. Ta có thể nói một bản văn thuộc Thư Qui chính xác từ khi nào ? Ra như có thể nói một bản văn thuộc Thư Qui từ khi cộng đoàn gán cho bản văn một thế giá qui phạm, thậm chí trước khi bản văn ấy hoàn toàn có được hình thức cố định. Người ta có thể nói đến một thứ giải thích “Thư Qui” khi việc lập lại những truyền thống, được thực hiện bằng cách chú ý đến những khía cạnh mới của hoàn cảnh (tôn giáo, văn hoá, thần học), vẫn giữ được chân tính của sứ điệp. Nhưng lại có một vấn đề được đặt ra : Phải chăng tiến trình giải thích đã dẫn đến việc thành hình Thư Qui được nhìn nhận là qui luật để giải thích Kinh Thánh cho tới ngày nay ?

Đàng khác, những tương quan phức tạp giữa Thư Qui Kinh Thánh của Do-thái với Thư Qui Kitô giáo làm phát sinh nhiều vấn nạn cho việc giải thích. Hội Thánh Kitô giáo nhìn nhận là “Cựu Ước” những tác phẩm từng có thế giá trong cộng đoàn Do-thái theo văn minh Hy-lạp, nhưng một số trong các tác phẩm ấy lại không có trong Kinh Thánh bằng tiếng Hípri hoặc có nhưng dưới hình thức khác. Như thế toàn thể, corpus, có khác. Vì thế, cách giải thích thư qui không thể nào hệt như nhau trong mọi trường hợp, vì mỗi bản văn phải được đọc trong tương quan với toàn thể, corpus. Nhưng trên hết, Hội Thánh đọc Cựu Ước theo ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua – cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô – mầu nhiệm này mang lại một nét hoàn toàn mới và dùng một thế giá siêu việt làm cho Sách Thánh có một ý nghĩa quyết định và chung cuộc (x. Dei Verbum, số 4). Sự xác định mới về ý nghĩa là thành phần trọn vẹn của đức tin Ki-tô giáo. Tuy nhiên việc xác định đó không có ý nói là lối giải thích thư qui có trước không có gì chắc chắn, tức là lối giải thích có trước Lễ Vượt qua của Kitô giáo. Ta cần phải tôn trọng mỗi giai đoạn trong lịch sử cứu độ. Làm cạn bản chất của nó đi, Cựu Ước sẽ làm cho Tân Ước mất đi gốc rễ sâu xa trong lịch sử của nó.

2. Lối tiếp cận dựa vào những truyền thống giải thích của Do-thái

Bốn hoặc năm thế kỷ sau cùng trước kỷ nguyên Kitô giáo, Cựu Ước đã có được hình thức chung cuộc trong Do-thái giáo. Do-thái giáo này cũng là môi trường xuất xứ của Tân Ước và của Hội Thánh sơ khởi. Nhiều cố gắng nghiên cứu lịch sử Do-thái cổ và nhất là những những khám phá ở Qumrân đã làm cho thấy rõ tính cách phức tạp của thế giới Do-thái, ở tại đất Israel cũng như ở trong cộng đoàn Do-thái kiều suốt thời kỳ này.

Chính trong thế giới đó, việc giải thích Sách Thánh đã bắt đầu. Một trong những chứng tá cổ nhất của việc giải thích Kinh Thánh theo Do-thái là bản dịch Hy-lạp, bản Bảy Mươi. Bản Targumim tiếng Aram là một bằng chứng khác về cũng một cố gắng như thếù, cố gắng vẫn còn được theo đuổi cho tới nay, bằng cách tích tụ một khối vĩ đại những phương thức uyên bác nhằm bảo trì bản văn Cựu Ước và để giải thích ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh. Ở bất cứ thời nào, những chú giải Kitô giáo thượng thặng, từ linh mục Origène và thánh Giêrônimô trở đi, đều cố gắng lợi dụng sự uyên bác về Kinh Thánh của Do-thái để hiểu rõ Kinh Thánh hơn. Nhiều nhà chú giải hiện đại cũng theo gương này.

Đặc biệt, các truyền thống Do-thái cổ kính giúp biết rõ hơn bản Bảy Mươi, bản Kinh Thánh Do-thái mà sau đó đã trở thành phần thứ nhất của Kinh Thánh Kitô giáo trong ít là bốn thế kỷ đầu của Hội Thánh và ở Đông phương cho tới ngày nay. Văn chương Do-thái ngoại thư qui, được gọi là ngoại thư hay liên ước (intertestamentaire), vừa nhiều vừa đa dạng, là một nguồn quan trọng cho việc giải thích Tân Ước. Những phương thức chú giải khác nhau đã được Do-thái giáo gồm nhiều khuynh hướng khác nhau sử dụng có thể thấy ngay trong chính Cựu Ước, chẳng hạn trong các sách Sử biên niên so với các sách Samuen và các Vua, rồi trong Tân Ước, chẳng hạn trong một số cách lập luận theo kiểu Sách Thánh của thánh Phaolô. Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước cũng như văn chương của các nhóm Do-thái trước và sau thời Đức Giêsu đều có rất nhiều hình thức khác nhau (dụ ngôn, ngụ ngôn, thi ca, liên khúc (florilegia), thi tuyển, đọc lại, pesher, ráp nhiều bản văn cách xa nhau lại gần nhau, Thánh vịnh và thánh thi, thi kiến, mạc khải và giấc mơ, văn chương khôn ngoan). Văn chương Targum và Midrash cho thấy truyền thống giảng giải và cách thức giải thích Kinh Thánh của nhiều phái thuộc Do-thái giáo ở những thế kỷ đầu như thế nào.

Ngoài ra, nhiều nhà chú giải Cựu Ước còn tham khảo các nhà bình luận, các chuyên gia ngữ pháp và từ điển Do-thái của thời Trung cổ và thời gần đây hơn. Họ coi đó là những ánh sáng giúp hiểu nhiều đoạn văn tối nghĩa hoặc những từ hiếm hay chỉ được dùng có một lần. Hơn hẳn ngày xưa, ngày nay người ta thường thấy những tham chiếu từ các tác phẩm trên trong những bài tranh luận chú giải.

Từ thời cổ xưa cho đến ngày nay, sử dụng kho tàng phong phú của Do-thái để phục vụ Kinh Thánh là một sự trợ giúp rất có giá trị để chú giải Cựu và Tân Ước, nhưng với điều kiện là sử dụng một cách thận trọng. Do-thái giáo cổ xưa cũng có nhiều hình thức khác nhau. Hình thức của Biệt phái không phải là hình thức duy nhất, cho dù hình thức ấy sau đó chiếm ưu thế trong phong trào Rabbi. Các bản văn Do-thái giao thoa với nhau suốt nhiều thế kỷ. Điều quan trọng là đặt các bản văn ấy theo thứ tự thời gian trước khi tiến hành những phương thức so sánh. Nhất là, khung cảnh chung của các cộng đoàn Do-thái và Kitô giáo khác nhau từ căn bản : về phía Do-thái, trong chính những hình thức rất khác nhau, đó là một tôn giáo xác định nên một dân tộc và một lối sống căn cứ vào một tác phẩm được mặc khải và được truyền khẩu, trong khi về phía Kitô giáo, chính lòng tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã chết, đã phục sinh và nay đang sống, Đấng Mêsia và Con Thiên Chúa, là căn bản qui tụ nên một cộng đoàn. Hai khởi điểm ấy, đứng về phương diện giải thích Kinh Thánh, làm nên hai bối cảnh về căn bản khác nhau cho dầu có nhiều điểm chung và giống nhau.

3. Lối tiếp cận nhờ lịch sử hiệu quả của bản văn (Wirkungsgeschichte)

Lối tiếp cận này dựa trên hai nguyên tắc sau :

a. Bản văn chỉ trở thành một tác phẩm văn chương nếu nó gặp những độc giả đem lại cho nó sức sống bằng cách biến nó thành của mình.

b. Việc biến bản văn thành của mình này được thực hiện theo cách cá nhân hoặc cộng đoàn, và có nhiều hình thức tuỳ những lãnh vực khác nhau (văn chương, nghệ thuật, thần học, khổ chế và tu đức) góp phần hiểu chính bản văn nhiều hơn nữa.

Cách tiếp cận này không phải là thời cổ hoàn toàn không biết đến, nhưng nó được khai triển giữa những năm 1960 và 1970 trong những nghiên cứu văn chương, khi khoa phê bình chú ý đến những mối tương quan giữa bản văn và độc giả. Khoa chú giải Kinh Thánh có thể lợi dụng được thành quả của việc nghiên cứu này, nhất là khi khoa giải thích theo triết học, bên cạnh đó, nhấn mạnh đến khoảng cách cần phải có giữa tác phẩm với tác giả đã viết nên tác phẩm đó. Theo chiều hướng này, vấn đề lịch sử hiệu quả do một quyển sách hay một đoạn văn Kinh Thánh (“Wirkungsgeschichte”) tạo nên bắt đầu được đưa vào trong việc giải thích. Người ta cố gắng đo lường sự chuyển biến của việc giải thích qua dòng thời gian dựa vào những điều được các độc giả quan tâm khi đọc bản văn. Người ta cũng cố gắng đánh giá tầm quan trọng vai trò của Truyền Thống để soi sáng ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh.

Việc đặt chung bản văn và độc giả với nhau tạo nên một sức năng động, vì bản văn có một ảnh hưởng toả và gây nên những phản ứng. Bản văn làm vang lên một lời mời gọi. Lời mời gọi này được các độc giả lắng nghe cá nhân hoặc cả nhóm. Đàng khác, độc giả không bao giờ là một chủ thể đơn độc. Độc giả thuộc về một bối cảnh xã hội và sống trong một truyền thống. Độc giả đến với bản văn mang theo những vấn nạn. Độc giả tuyển chọn, đề nghị một cách giải thích và, cuối cùng, độc giả có thể sáng tạo ra một tác phẩm khác hoặc có những sáng kiến xuất phát trực tiếp từ việc đọc Kinh Thánh.

Có nhiều ví dụ về lối tiếp cận này. Lịch sử việc đọc sách Diễm ca là một ví dụ tuyệt vời về cách tiếp cận này. Nó cho thấy cuốn sách đã được tiếp nhận ở thời các Giáo phụ, trong những môi trường đan tu La-tinh thời Trung cổ hoặc, hơn nữa, nơi một nhà thần bí như thánh Gioan Thánh Giá như thế nào. Do đó, lối tiếp cận này cho ta cơ may khám phá rõ hơn mọi chiều kích ý nghĩa của văn phẩm này. Trong Tân Ước cũng thế, có thể và là điều hữu ích khi soi sáng ý nghĩa của một đoạn văn (chẳng hạn, đoạn nói về người thanh niên giầu có trong Mt 19,16-36) bằng cách cho thấy sự phong phú ý nghĩa của đoạn văn này theo dòng lịch sử Hội Thánh như thế nào.

Nhưng lịch sử cũng cho thấy có những dòng giải thích có ý xuyên tạc và sai lầm, đưa đến những hậu quả tệ hại, như đẩy đến khuynh hướng bài Sêmít hoặc những hình thức phân biệt chủng tộc hoặc, hơn nữa, đến những ảo tưởng của thuyết ngàn năm chẳng hạn. Qua đó, ta thấy lối tiếp cận này không thể là một môn độc lập được. Cần phải có sự phân biệt. Phải giữ sao cho đừng dành ưu tiên cho giai đoạn này hay giai đoạn kia của lịch sử hiệu quả của một bản văn để rồi lấy đó làm qui luật độc nhất mà giải thích bản văn đó cho mọi thời.

D. NHỮNG LỐI TIẾP CẬN NHỜ CÁC KHOA HỌC NHÂN VĂN

Để thông truyền cho loài người, Lời Thiên Chúa đã bén rễ sâu trong đời sống của một nhóm người (x. Hc 24,12) và đã mở cho mình một con đường xuyên qua những điều kiện, hoàn cảnh tâm lý của những con người khác nhau, đã biên soạn ra các tác phẩm Kinh Thánh. Do đó, các khoa học nhân văn – nhất là xã hội học, nhân học và tâm lý học – có thể góp phần giúp hiểu một số khía cạnh của các bản văn Kinh Thánh thấu đáo hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong lãnh vực này có nhiều trường phái tư tưởng, với những khác biệt đáng kể về chính bản chất của các khoa học này. Nhưng dẫu sao, một số đông các nhà chú giải trong những năm gần đây đã rút tỉa được ích lợi từ lối nghiên cứu này.

1. Lối tiếp cận theo xã hội học

Các bản văn tôn giáo gắn liền với các xã hội trong đó các bản văn ra đời bằng một mối tương quan hỗ tương. Nhận xét này dĩ nhiên có giá trị cả đối với các bản văn Kinh Thánh. Do đó, nghiên cứu phê bình Kinh Thánh cũng cần phải có sự hiểu biết chính xác càng nhiều càng tốt về những điều kiện xã hội đặc biệt của những môi trường khác nhau trong đó các truyền thống Kinh Thánh đã thành hình. Lối tìm hiểu theo xã hội-lịch sử này cần được bổ túc bằng một giải thích xã hội học đúng đắn, tức là trong mỗi trường hợp, cung cấp một cách giải thích khoa học về tầm quan trọng của những điều kiện xã hội có giá trị.

Quan điểm xã hội học từ lâu đã có một vị trí trong lịch sử chú giải. Sự chú ý mà “Formgeschichte” dành cho môi trường xuất xứ của các bản văn (“Sitz im Leben”) là một bằng chứng : nhìn nhận rằng các truyền thống Kinh Thánh mang dấu ấn của những môi trường xã hội-văn hoá đã truyền thông các truyền thống đó. Trong thời gian khoảng một phần ba đầu thế kỷ XX, trường phái Chicago đã nghiên cứu hoàn cảnh xã hội-lịch sử của Kitô giáo sơ khai, và như thế đem lại cho lối phê bình-lịch sử một bước tiến đáng kể theo hướng đó. Trong vòng hai mươi năm gần đây (1970-1990), lối tiếp cận các bản văn KinhThánh theo xã hội học đã trở thành một phần không thể thiếu của khoa chú giải.

Trong lãnh vực này, có nhiều vấn đề được đặt ra đối với việc chú giải Cựu Ước,. Thí dụ người ta không biết những hình thức tổ chức xã hội và tôn giáo khác nhau của Israel suốt dòng lịch sử của dân ấy là những hình thức nào. Trong thời kỳ trước khi trở thành một quốc gia, có phải mẫu nhân chủng của một xã hội không đầu nhiều nhóm (acéphale segmentaire) là cơ sở khởi điểm đủ rồi không ? Một liên minh các chi tộc không gắn bó với nhau chặt chẽ lắm chuyển sang một quốc gia đã được tổ chức theo chính thể quân chủ và, từ đó, sang một cộng đồng đặt căn bản thuần tuý trên những liên lạc tôn giáo và hệ tộc như thế nào ? Những biến đổi về kinh tế, quân sự và nhiều phương diện khác nhau đã đưa sự tập quyền chính trị và tôn giáo dẫn đến chế độ quân chủ như thế nào ? Chẳng lẽ nghiên cứu những qui tắc ứng xử trong Đông phương thời cổ và trong Israel không đóng góp gì nhiều để hiểu Mười điều răn hơn là những cố gắng thuần tuý văn chương nhằm tái lập lại hình thức nguyên thuỷ của bản văn hay sao ?

Đối với việc chú giải Tân Ước, các vấn đề quả có khác. Xin trưng dẫn vài ví dụ : Để giải thích lối sống của Đức Giêsu và các môn đệ trước phục sinh, ta phải dành cho lý thuyết về một phong trào đoàn sủng lữ hành, không nơi ăn chốn ở, không gia đình, không của cải, giá trị nào ? Liệu một mối tương quan liên tục đặt căn bản trên lời Đức Giêsu mời gọi đi theo Người có tồn tại được giữa thái độ dứt bỏ triệt để của Đức Giêsu với thái độ của phong trào Kitô hữu sau phục sinh, trong những môi trường rất khác nhau của Ki-tô giáo nguyên thuỷ không ? Chúng ta biết gì về cấu trúc xã hội của các cộng đoàn chịu ảnh hưởng của thánh Phaolô, cùng với văn hoá thành thị tương ứng trong mỗi trường hợp ?

Nói chung, lối tiếp cận xã hội học giúp cho việc chú giải mở rộng nhiều hơn nữa và đem tới nhiều khía cạnh lịch sử tích cực. Hiểu biết các dữ kiện xã hội học là điều không thể thiếu đối với phương pháp phê bình-lịch sử, những dữ kiện ấy giúp hiểu cách tổ chức kinh tế, văn hoá và tôn giáo của thế giới Kinh Thánh. Trách nhiệm của nhà chú giải là hiểu rõ chứng tá đức tin của Hội Thánh thời các Tông Đồ, trách nhiệm đó không thể tiến hành một cách nghiêm túc mà không có việc tìm tòi khoa học, tức là nghiên cứu những mối tương quan chặt chẽ giữa bản văn Tân Ước với “đời sống thực” có tính cách xã hội của Hội Thánh sơ khai. Việc sử dụng những khuôn mẫu do khoa học xã hội cung cấp cống hiến những nghiên cứu lịch sử vào trong thời đại của Kinh Thánh một khả năng canh tân đáng kể, nhưng dĩ nhiên những khuôn mẫu dược sử dụng ấy phải được điều chỉnh cho hợp với thực tại được nghiên cứu.

Cần chú ý đến một vài nguy cơ mà lối tiếp cận xã hội học có thể đem tới cho khoa chú giải. Quả vậy, nếu công việc của khoa xã hội học là nghiên cứu những xã hội sống động, thì cần để ý đến những khó khăn khi tìm cách áp dụng những phương pháp của nó vào những môi trường lịch sử đã thuộc về một quá khứ xa xăm. Các bản văn Kinh Thánh và ngoài Kinh Thánh không tất nhiên cung cấp tài liệu đủ để đưa ra một hình ảnh thấu đáo về xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên phương pháp của xã hội học lại quan tâm nhiều đến những khía cạnh kinh tế và thể chế của đời sống con người hơn là những chiều kích cá nhân và tôn giáo.

2. Lối tiếp cận qua khoa nhân học văn hoá

Lối tiếp cận các bản văn Kinh Thánh sử dụng những thành quả của khoa nhân học văn hoá có liên quan chặt chẽ với lối tiếp cận xã hội học. Sự phân biệt giữa hai lối tiếp cận này vừa nằm trên bình diện nhận thức, lại vừa đồng thời nằm trên bình diện phương pháp và bình diện của những khía cạnh về thực tại đang được xem xét. Trong khi lối tiếp cận xã hội học – chúng ta vừa nói trên – nghiên cứu nhiều về phương diện kinh tế và thể chế, thì lối tiếp cận nhân học lại chú ý đến tổng thể rộng lớn của nhiều khía cạnh khác phản ánh nơi ngôn ngữ, nghệ thuật, tôn giáo, và cả nơi y phục, đồ trang sức, lễ lạc, nhảy múa, thần thoại, truyện hoang đường và tất cả những gì liên quan đến khoa mô tả dân tộc học nữa.

Nói chung, nhân học văn hoá tìm cách xác định những đặc nét của những mẫu con người khác nhau trong môi trường xã hội của họ – chẳng hạn như “con người Địa Trung Hải” – với tất cả những gì hàm ẩn trong đó, như nghiên cứu về bối cảnh nông thôn hoặc thị thành và chú ý đến những giá trị được xã hội bấy giờ nhìn nhận (danh dự và ô nhục, tính cẩn mật, lòng trung tín, truyền thống, các loại giáo dục và học đường) theo cách mà sự kiểm soát xã hội thực hiện, chú ý đến những tư tưởng của người dân bấy giờ về gia đình, nhà cửa, họ hàng, tình trạng của người phụ nữ, thể chế nhị thức (chủ nhân/ khách hàng, sở hữu chủ/ người mướn, ân nhân/ người thụ ân, người tự do/ người nô lệ), và cũng không quên quan niệm về sự thánh thiêng và phàm tục, những cấm kỵ, nghi lễ khi chuyển từ một tình trạng này sang một tình trạng khác, ma thuật, nguồn lợi tức, nguồn quyền hành và thông tin…

Trên cơ sở những yếu tố khác nhau đó, người ta kiến tạo những điển hình và những “khuôn mẫu” chung cho nhiều nền văn hoá.

Hẳn nhiên loại nghiên cứu này hữu ích cho việc giải thích các bản văn Kinh Thánh và thực sự đã được sử dụng để nghiên cứu các quan niệm về họ hàng trong Cựu Ước, về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Israel, về ảnh hưởng của những nghi tiết liên quan đến sinh hoạt đồng áng… Trong các bản văn thuật lại giáo huấn của Đức Giêsu, chẳng hạn các dụ ngôn, nhiều chi tiết có thể được giải thích nhờ lối tiếp cận này. Đối với những quan niệm căn bản cũng thế, chẳng hạn quan niệm về Nước Thiên Chúa, hoặc cách quan niệm thời gian liên quan đến lịch sử cứu độ, cũng như tiến trình các Kitô hữu tiên khởi qui tụ thành những cộng đoàn. Lối tiếp cận này giúp phân biệt rõ hơn đâu là những yếu tố thường tồn trong sứ điệp Kinh Thánh, vì có nền tảng trong bản tính của con người, đâu là những yếu tố bất tất, vì thuộc về những nền văn hoá đặc thù. Tuy nhiên, cũng giống như những lối tiếp cận cụ thể khác, lối tiếp cận này tự nó không đủ khả năng cho thấy nội dung đặc loại của Mặc Khải. Cần phải ý thức điều đó khi đánh giá tầm mức quan trọng của những kết quả do lối tiếp cận này.

3. Lối tiếp cận tâm lý và phân tâm

Tâm lý học và thần học không ngừng đối thoại với nhau. Ngày nay, những nghiên cứu tâm lý học mở rộng đến chỗ nghiên cứu những cấu trúc năng động của cõi vô thức, đã tạo nên những thử nghiệm mới nhằm giải thích các bản văn cổ, gồm cả bản văn Kinh Thánh nữa. Có những tác phẩm được dành hẳn để giải thích các bản văn Kinh Thánh theo kiểu phân tâm học. Những cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra sau đó : trong mức độ nào và với những điều kiện nào những nghiên cứu tâm lý và phân tâm có thể góp phần hiểu Sách Thánh sâu xa hơn ?

Những nghiên cứu của tâm lý học và phân tâm học giúp cho khoa chú giải được phong phú, vì nhờ hai khoa đó, các bản văn Kinh Thánh có thể được hiểu như là kinh nghiệm sống và những qui luật của cách cư xử hành động. Ta biết tôn giáo luôn ở trong tình trạng xung đột hoặc tranh cãi với vô thức. Tôn giáo đóng một vai trò đáng kể vào việc định hướng đúng đắn cho những xung lực của con người. Các giai đoạn của khoa phê bình có tính cách lịch sử cần được bổ túc thêm nhờ nghiên cứu những mức độ khác nhau của thực tại được diễn tả trong các bản văn. Tâm lý học và phân tâm học cố gắng mở con đường theo hướng này. Hai khoa đó mở ra con đường giúp hiểu Sách Thánh theo nhiều chiều kích và giúp giải mã ngôn ngữ nhân loại trong Mặc Khải.

Tâm lý học và, một cách khác, phân tâm học đặc biệt đã đem lại một cách hiểu mới về biểu tượng. Ngôn ngữ biểu tượng giúp diễn tả những vùng kinh nghiệm tôn giáo mà lý luận thuần lý trí không thể đạt tới nhưng lại có giá trị đối với vấn đề chân lý. Chính vì thế nghiên cứu chung giữa hai môn này do các nhà chú giải cùng với các nhà tâm lý hoặc phân tâm sẽ đem lại một số lợi ích, đặc biệt khi có cơ sở khách quan và được kinh nghiệm mục vụ xác nhận.

Có thể trưng nhiều ví dụ cho thấy cần có một nỗ lực chung giữa các nhà chú giải và các nhà tâm lý để có thể hiểu rõ ý nghĩa của các nghi thức phụng tự, những hy lễ, những cấm đoán, để cắt nghĩa ngôn ngữ bóng bẩy của Kinh Thánh, ý nghĩa ám dụ của những trình thuật phép lạ, những nguồn mạch của những thị kiến và sấm ngôn khải huyền. Đó không phải thuần tuý là viết lại ngôn ngữ biểu tượng của Kinh Thánh, nhưng là tìm hiểu xem ngôn ngữ biểu tượng đó có chức năng nào đối với việc mặc khải mầu nhiệm và đưa ra lời chất vấn – ở đó thực tại cao cả của Thiên Chúa đi vào gặp gỡ con người.

Cuộc đối thoại giữa khoa chú giải với tâm lý học hoặc phân tâm học, nhằm hiểu Kinh Thánh rõ hơn, hiển nhiên phải có tính cách phê bình và tôn trọng những biên cương của mỗi bộ môn. Nhưng dầu thế nào đi nữa, tâm lý học hoặc phân tâm học chủ trương vô thần sẽ không thể nào đưa ra được những dữ kiện đức tin. Dầu hữu ích cho việc xác định rõ hơn phạm vi trách nhiệm con người, tâm lý học và phân tâm học không được loại bỏ thực tại tội lỗi và ơn cứu độ. Đàng khác, ta phải ý tứ đừng lầm lẫn tính tôn giáo tự phát với mặc khải Kinh Thánh hoặc làm tổn thương tính cách lịch sử của sứ điệp Kinh Thánh, vì đó là yếu tố bảo đảm cho Kinh Thánh có giá trị của một biến cố độc nhất.

Ngoài ra, chúng ta cần chú ý là người ta không thể nói về một thứ “chú giải theo phân tâm học” như thể nó chỉ có mỗi một hình thức mà thôi. Thực tế, vì phát xuất từ những lãnh vực khác nhau của khoa tâm lý và những trường phái tư tưởng khác nhau, nên có nhiều lối tiếp cận có thể soi sáng giúp giải thích Kinh Thánh cả về phương diện nhân văn lẫn thần học. Tuyệt đối hoá lập trường này lập trường nọ của trường phái này trường phái kia không những không cổ võ sự phong phú của nỗ lực chung, mà còn có thể tác hại là đàng khác.

(Kết luận). Không thể giản lược khoa học nhân văn vào các môn xã hội học, nhân học văn hoá và tâm lý học. Nhiều môn khác cũng có thể rất hữu ích đối với việc giải thích Kinh Thánh. Trong tất cả những lãnh vực ấy, cần phải tôn trọng thẩm quyền trong những lãnh vực chuyên môn và phải nhận rằng hiếm khi cùng một con người vừa có khả năng về chú giải, lại vừa giỏi giang về một khoa học nhân văn.

E. NHỮNG LỐI TIẾP CẬN THEO BỐI CẢNH

Việc giải thích một bản văn luôn luôn tuỳ thuộc vào não trạng người đọc và những điều người đọc bản văn ấy quan tâm. Người đọc chú ý nhiều hơn đến một số khía cạnh và, dầu không chủ ý, ít chú ý đến một số khía cạnh khác. Vì thế, khó tránh khỏi việc một số nhà chú giải đưa vào công việc nghiên cứu của mình những quan điểm mới tương ứng với những dòng tư tưởng hiện đại, những dòng tư tưởng cho đến nay vẫn chưa có được một vị trí đầy đủ. Họ cần phải làm việc với tinh thần phân biệt và có phê phán. Hiện nay, những phong trào đang đặc biệt lôi kéo được nhiều chú ý là phong trào thần học giải phóng và đề cao quyền phụ nữ.

1. Lối tiếp cận theo thần học giải phóng

Thần học giải phóng là một hiện tượng phức tạp, không nên đơn giản hoáù một cách tuỳ tiện. Thần học giải phóng trở thành phong trào vào đầu những năm 1970. Khởi điểm của thần học này, ngoài những hoàn cảnh kinh tế, chính trị và xã hội của các nước thuộc Mỹ châu La-tinh, phải kể đến hai biến cố lớn trong Hội Thánh : Trước hết là Công Đồng Vaticanô II với ý muốn cập nhật hoá (aggiornamento) và hướng mục vụ của Hội Thánh về những nhu cầu của thế giới hiện nay. Thứ đến là Hội Nghị Giám mục Mỹ châu La-tinh lần thứ hai ở Medellín năm 1968. Hội nghị này đã áp dụng giáo huấn của Công Đồng vào những nhu cầu của Mỹ châu La-tinh. Phong trào cũng lan tràn ở nhiều nơi khác trên thế giới (Phi châu, Á châu, dân tộc da đen ở Hoa Kỳ).

Khó phân biệt xem có thực sự “một” thần học giải phóng hay không, cũng như khó xác định phương pháp của nó. Và cũng khó xác định một cách tương xứng cách đọc Kinh Thánh của thần học này, để rồi nêu lên những đóng góp và những giới hạn của nó. Ta có thể nói rằng thần học giải phóng không theo một phương pháp nào đặc biệt. Nhưng, khởi đi từ những quan điểm xã hội-văn hoá và quan điểm chính trị riêng, nó theo một cách đọc Kinh Thánh nhằm vào nhu cầu của những người dân đang muốn tìm trong Kinh Thánh lương thực nuôi dưỡng đức tin và đời sống.

Thần học giải phóng không hài lòng với một lối giải thích khách quan hoá, tập trung vào những gì bản văn nói, trong văn mạch nguyên thuỷ của nó, nên đã tìm một cách đọc phát sinh từ hiện trạng của người dân , ở đây và lúc này. Nếu dân chúng đang sống trong những hoàn cảnh bị áp bức, cần phải cậy đến Kinh Thánh để tìm lương thực khả dĩ nâng đỡ họ trong những cuộc đấu tranh và nuôi dưỡng những niềm hy vọng của họ. Không được quên thực trạng hiện tại, trái lại phải đương đầu để soi sáng cho thực tại ấy nhờ vào ánh sáng của Lời Chúa. Từ ánh sáng này sẽ xuất phát cách hành xử (praxis) Kitô giáo đích thực, hướng đến việc biến đổi xã hội nhờ hành động công bằng và lòng yêu thương. Trong quan điểm đức tin, Kinh Thánh được biến đổi thành động lực thúc đẩy nhằm giải phóng trọn vẹn.

Những nguyên tắc của lối tiếp cận này như sau :

Thiên Chúa đang hiện diện trong lịch sử của dân Người để đem ơn cứu thoát đến cho họ. Người là Thiên Chúa của những người nghèo, Người không dung thứ sự áp bức và bất công.

Chính vì thế, khoa chú giải không được trung dung, nhưng phải noi gương Thiên Chúa, lựa chọn lập trường bênh vực người nghèo và dấn thân đấu tranh để giải phóng những người bị áp bức.

Việc tham gia vào cuộc đấu tranh đó hẳn nhiên làm xuất hiện những ý nghĩa chỉ được khám phá khi bản văn Kinh Thánh được đọc trong một bối cảnh thực sự liên đới với những người bị áp bức.

Vì việc giải phóng những người bị áp bức là một tiến trình tập thể, nên cộng đoàn những người nghèo là nơi tốt nhất để đón nhận Kinh Thánh xét như lời có sức giải phóng. Ngoài ra, các bản văn Kinh Thánh vốn đã được viết cho các cộng đoàn, nên việc đọc Kinh Thánh được trao trước tiên cho các cộng đoàn. Lời Thiên Chúa mang tính cách hiện tại trọn vẹn, nhất là vì biến cố sáng lập (ra khỏi Ai-cập, cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu) có khả năng tạo nên những cách thể hiện mới mãi trong dòng lịch sử.

(Tích cực). Thần học giải phóng hàm chứa những yếu tố mới chắc chắn có giá trị : ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng cứu thoát, nhấn mạnh đến chiều kích cộng đoàn của đức tin, nhu cầu cấp bách cần có một praxis (lối hành xử) giải phóng đặt căn bản chắc chắn trên công bình và bác ái, đọc lại Kinh Thánh cách mới mẻ để tìm cách làm cho Lời Thiên Chúa nên ánh sáng và lương thực cho Dân Thiên Chúa giữa những đấu tranh và những hy vọng. Cách đọc Kinh Thánh như thế cho thấy bản văn linh hứng vẫn còn trọn vẹn khả năng ngỏ lời với thế giới ngày nay.

(Tiêu cực). Nhưng một cách đọc Kinh Thánh nhấn mạnh nhiều đến dấn thân như thế cũng hàm chứa những nguy cơ. Vì cách đọc ấy gắn liền với một phong trào vẫn còn đang chuyển biến, nên những nhận định theo đó có thể chỉ có tính cách nhất thời.

Cách đọc này tập trung vào những bản văn thuật chuyện và ngôn sứ nhằm soi sáng những hoàn cảnh áp bức và gợi lên một praxis hướng đến việc thay đổi xã hội. Đôi lúc, cách đọc này đã có thể bị thiên lệch, vì không chú ý đủ đến những bản văn khác trong Kinh Thánh. Đúng là chú giải không được trung lập, nhưng cũng phải coi chừng để đừng trở thành chú giải một chiều. Đàng khác, hoạt động xã hội và chính trị không phải là nhiệm vụ trực tiếp của nhà chú giải.

Vì muốn đưa sứ điệp Kinh Thánh vào bối cảnh xã hội-chính trị, các nhà thần học và chú giải đã đi đến chỗ nhờ cậy nhiều dụng cụ khác nhau để phân tích thực tế xã hội. Theo hướng đi đó, một số trào lưu thần học giải phóng đã thực hiện một lối phân tích chịu ảnh hưởng từ những học thuyết duy vật và họ cũng đọc cả Kinh Thánh trong chính khung cảnh đó, điều này không thể không bị đặt thành vấn đề, nhất là những gì liên quan đến nguyên tắc mác-xít về đấu tranh giai cấp.

Do sức ép của những vấn đề xã hội to lớn, người ta đã phải nhấn mạnh nhiều hơn đến một thứ cánh chung luận trần thế. Việc này đôi khi làm phương hại đến chiều kích cánh chung siêu việt của Kinh Thánh.

Những thay đổi về xã hội và chính trị đã đưa lối tiếp cận này đến chỗ đặt ra cho chính mình nhiều câu hỏi mới và phải tìm ra những đường hướng mới. Muốn tiếp tục phát triển và giữ được sự phong phú trong Hội Thánh, một nhân tố quyết định là cần phải làm rõ những tiền đề chú giải, các phương pháp cũng như sự ăn khớp của nó với đức tin và với toàn thể Truyền Thống của Hội Thánh.

2. Lối tiếp cận đề cao quyền phụ nữ

Lối giải thích Kinh Thánh đề cao quyền phụ nữ ra đời ở Hoa Kỳ khoảng cuối thế kỷ XIX, trong bối cảnh xã hội-văn hoá của cuộc đấu tranh đòi quyền của phụ nữ, với một uỷ ban duyệt lại Kinh Thánh. Uûy ban này đã cho ra đời bộ “The Woman’s Bible” gồm hai cuốn (New York 1885, 1898). Phong trào này lại có một sức sống mới trong những năm 1970 và phát triển rộng lớn cùng với phong trào giải phóng phụ nữ, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Nói đúng ra, cần phân biệt nhiều hình thức giải thích Kinh Thánh đề cao quyền phụ nữ, bởi vì những lối tiếp cận được sử dụng rất khác nhau. Tất cả các lối tiếp cận đó có được sự thống nhất vì xoay quanh một đề tài chung là phụ nữ và theo đuổi cùng một mục đích là giải phóng phụ nữ và đòi các quyền bình đẳng với các quyền của nam giới.

Ở đây, chúng ta đề cập đến ba hình thức chính của lối giải thích Kinh Thánh đề cao quyền phụ nữ : hình thức triệt để, hình thức tân chính thống và hình thức phê bình.

Hình thức triệt để chối bỏ mọi thế giá của Kinh Thánh, vì chủ trương rằng Kinh Thánh do đàn ông sản xuất ra nhằm duy trì sự thống trị của đàn ông đối với phụ nữ (androcentrisme : lấy người nam làm trung tâm).

Hình thức tân chính thống chấp nhận Kinh Thánh xét như là có tính ngôn sứ và có thể dùng được, ít là trong mức độ Kinh Thánh đứng ra bênh vực những người yếu, và vì thế cũng bênh vực phụ nữ. Hướng đi này được nhận như là một “thư qui trong thư qui”, để làm nổi những gì trong Kinh Thánh ủng hộ việc giải phóng phụ nữ và đòi quyền phụ nữ.

Hình thức phê bình sử dụng một phương pháp luận tinh vi và tìm cách tái khám phá vị trí và vai trò của người phụ nữ Kitô giáo trong phong trào Đức Giêsu và trong các Hội Thánh chịu ảnh hưởng của thánh Phaolô. Thời đó, có lẽ người ta đã chấp nhận một sự bình đẳng nào đó, nhưng sự bình đẳng ấy một phần lớn đã bị che đậy trong các tác phẩm Tân Ước, và sau đó còn hơn nữa, vì khuynh hướng phụ hệ và lấy nam giới dần dần chiếm ưu thế.

Lối giải thích đề cao quyền phụ nữ đã không phát triển thành một phương pháp mới, nhưng sử dụng những phương pháp chú giải hiện hành, nhất là phương pháp phê bình-lịch sử. Tuy nhiên nó thêm vào hai tiêu chuẩn nghiên cứu.

Một là tiêu chuẩn đề cao quyền phụ nữ, mượn của phong trào giải phóng phụ nữ, theo đường hướng rộng rãi hơn của phong trào thần học giải phóng. Tiêu chuẩn này sử dụng một lý thuyết giải thích đáng nghi : lịch sử thường do những người chiến thắng viết ra, nên muốn gặp được chân lý thì đừng tin vào các bản văn, nhưng phải tìm ở đó những dấu vết cho thấy một cái gì khác.

Hai là tiêu chuẩn thuộc xã hội học. Tiêu chuẩn này đặt căn bản trên việc nghiên cứu các xã hội thời Kinh Thánh, các tầng lớp trong xã hội đó và vị trí của người phụ nữ trong đó.

Đối với những những bản văn Tân Ước, đối tượng nghiên cứu, cuối cùng, không phải là quan niệm về người phụ nữ như được diễn tả trong Tân Ước, nhưng là việc phục chế có tính cách lịch sử hai tình trạng khác nhau của người phụ nữ ở thế kỷ I : tình trạng thường có trong xã hội Do-thái và Hy-La, và tình trạng có tính cải tân, đã được lập trong phong trào Đức Giêsu và trong các Hội Thánh chịu ảnh hưởng của thánh Phaolô, trong đó có lẽ người ta đã lập “một cộng đoàn những môn đệ của Đức Giêsu, mọi người đều bình đẳng”. Gl 3,28 là một bản văn thường được trưng dẫn để làm điểm tựa cho quan điểm này. Mục đích là tái khám phá cho ngày nay lịch sử đã bị bỏ quên về vai trò của người phụ nữ trong Hội Thánh thời khai nguyên.

(Tích cực). Cách chú giải đề cao quyền phụ nữ đem lại nhiều đóng góp tích cực. Như vậy, phụ nữ đã có một phần tích cực hơn trong việc nghiên cứu chú giải. Thường phụ nữ thành công nhiều hơn nam giới trong việc khám phá ra sự hiện diện, ý nghĩa và vai trò của phụ nữ trong Kinh Thánh, trong lịch sử thời khai nguyên Kitô giáo và trong Hội Thánh. Chân trời văn hoá hiện đại, nhờ càng ngày người ta càng chú ý nhiều đến phẩm giá và vai trò của người phụ nữ trong xã hội và trong Hội thánh, đặt ra cho bản văn Kinh Thánh những câu hỏi mới, do đó phát sinh những cơ hội khám phá mới. Sự nhạy cảm của phụ nữ giúp tìm ra và sửa chữa một số cách giải thích hiện hành, có thiên kiến và nhằm biện minh cho sự thống trị của đàn ông đối với phụ nữ.

Đối với những gì liên quan đến Cựu Ước, có nhiều nghiên cứu đang cố gắng đạt đến chỗ hiểu biết hình ảnh Thiên Chúa một cách rõ ràng hơn. Thiên Chúa trong Kinh Thánh không phải là hình ảnh phản chiếu của một não trạng phụ hệ. Người là Cha, nhưng Người cũng là Thiên Chúa đầy tình âu yếm và đầy lòng yêu thương của người mẹ.

(Tiêu cực). Trong mức độ lối chú giải đề cao quyền phụ nữ đặt căn bản trên thiên kiến nào, nó sẽ giải thích các bản văn Kinh Thánh một cách thiên lệch và vì thế có thể bị bàn cãi. Muốn minh chứng các chủ đề của mình mà lại thiếu một chỗ dựa tốt hơn, lối chú giải này nhiều khi phải cậy dựa vào những lý chứng ex silentio (những gì Kinh Thánh không nói). Mà ta biết loại lý chứng này nói chung là khả nghi. Chúng không bao giờ có thể đủ để đưa ra một kết luận có nền tảng chắc chắn. Đàng khác, cố gắng dựa vào những dấu vết thoáng qua trong bản văn để thử phục chế một hoàn cảnh lịch sử mà ngay cả các bản văn ra như cũng muốn che giấu, cố gắng đó hoàn toàn không phù hợp với việc chú giải đúng nghĩa, vì nó đưa đến chỗ loại bỏ nội dung của những bản văn được linh hứng để chọn một một sự phục chế khác có tính cách giả thuyết.

Lối chú giải đề cao quyền phụ nữ nhiều khi nêu lên những vấn đề liên quan đến quyền bính trong Hội Thánh. Những vấn đề này, ai cũng biết, là đối tượng của những cuộc tranh luận và thậm chí đối đầu nữa. Trong lãnh vực này, lối chú giải đề cao quyền phụ nữ sẽ chỉ hữu ích cho Hội Thánh ở mức độ nó không sa vào chính những cái bẫy nó vốn tố giác và không quên mất cái nhìn của giáo huấn Tin Mừng : quyền bính là một sự phục vụ, đó là giáo huấn mà Đức Giêsu gởi gắm mọi môn đệ của Người, bất luận nam nữ [2].

F. CÁCH GIẢI THÍCH BẢO THỦ (FONDAMENTALISTE)

(Nguyên tắc). Cách giải thích bảo thủ khởi đi từ nguyên tắc cho rằng Kinh Thánh vì là Lời Thiên Chúa, đã được linh hứng và không vướng sai lầm, nên phải được đọc và giải thích sát chữ trong mọi chi tiết. Nhưng “giải thích sát chữ” ở đây hiểu là một cách giải thích sơ đẳng, cứ chữ, nghĩa là loại bỏ bất kỳ cố gắng nào nhằm hiểu Kinh Thánh mà có để ý đến nguồn gốc lịch sử và sự phát triển của Kinh Thánh. Như thế, lối giải thích này đi ngược lại việc sử dụng phương pháp phê bình-lịch sử, cũng như bất kỳ phương pháp khoa học nào nhằm giải thích Kinh Thánh.

(Lịch sử). Cách giải thích Kinh Thánh bảo thủ đã bắt nguồn từ thời Cải Cách, xuất phát từ mối lo lắng làm sao trung thành với nghĩa đen của Sách Thánh. Sau thế kỷ Ánh Sáng (thế kỷ XVIII), cách giải thích này đã có mặt trong phong trào Tin Lành, như một bức tường thành chống lại lối chú giải tự do. Từ “bảo thủ” (fondamentalisme) gắn liền trực tiếp với Hội Nghị Kinh Thánh Hoa Kỳ họp ở Niagara, tiểu bang New York, năm 1895. Trong hội nghị đó, các nhà Tin Lành bảo thủ đã xác định “năm điểm căn bản” (fondamentalisme) : sự vô ngộ về từng chữ của Sách Thánh, thần tính của Chúa Kitô, việc Người được sinh ra bởi Mẹ đồng trinh, giáo lý về việc Người đền tội thay thế cho loài người và sự phục sinh thân xác khi Chúa Kitô đến lần thứ hai. Khi lối đọc Kinh Thánh bảo thủ lan tràn sang nhiều nơi khác trên thế giới, nó cho ra đời nhiều lối giải thích khác, cũng là lối đọc “cứ chữ” ở châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ Nam. Trong phần cuối thế kỷ XX, lối đọc này ngày càng có nhiều người trong những nhóm tôn giáo và giáo phái cũng như trong số các người công giáo sử dụng.

Cho dầu chủ trương bảo thủ có lý khi nhấn mạnh đến ơn linh hứng của Kinh Thánh, sự vô ngộ của Lời Thiên Chúa cũng như các chân lý khác của Kinh Thánh được gói ghém trong năm điểm căn bản, nhưng cách trình bày các chân lý này lại bắt nguồn từ một ý thức hệ phi Kinh Thánh, bất chấp những người chủ trương lối tiếp cận này nói là có. Bởi vì ý thức hệ này đòi phải không ngừng theo những quan điểm có tính cách giáo điều, cứng ngắc, và áp đặt một cách đọc Kinh Thánh chối bỏ mọi thứ tra vấn và mọi thứ nghiên cứu có tính cách phê bình, như thể đó là nguồn giáo huấn độc nhất liên quan đến đời sống Kitô giáo và ơn cứu độ.

Vấn đề căn bản đặt ra cho lối giải thích Kinh Thánh bảo thủ này là : khi từ chối không đếm xỉa đến tính chất lịch sử của mạc khải Kinh Thánh, nó làm cho mình không có khả năng chấp nhận trọn vẹn chân lý của chính việc Nhập Thể. Chủ trương bảo thủ trốn tránh bất cứ liên hệ chặt chẽ nào giữa cái thiêng thánh với cái phàm nhân trong những mối tương giao với Thiên Chúa, không chịu nhận rằng Lời Thiên Chúa, được linh hứng, đã được diễn tả bằng ngôn ngữ nhân loại và đã được các tác giả nhân loại, mà khả năng và phương tiện có giới hạn, biên soạn dưới tác động của ơn thần hứng. Vì lý do đó, chủ trương này có khuynh hướng xử lý bản văn Kinh Thánh như thể bản văn đã được Thánh Thần đọc từng chữ cho chép. Chủ trương này không thể nhận rằng Lời Thiên Chúa đã thành văn trong một ngôn ngữ và một cách diễn tả chịu ảnh hưởng của thời đại này, thời đại kia. Chủ trương này không hề chú ý tới các hình thức văn chương cũng như những cách suy nghĩ của con người trong các bản văn Kinh Thánh. Nhiều bản văn đó là kết quả của một quá trình soạn thảo kéo dài qua những thời gian dài và mang dấu vết của những hoàn cảnh lịch sử rất khác nhau.

Chủ trương bảo thủ cũng nhấn mạnh quá đáng về sự vô ngộ của các chi tiết trong các bản văn Kinh Thánh, nhất là về những gì liên quan đến những sự kiện lịch sử hoặc những chân lý được coi là có tính cách khoa học. Chủ trương này thường lịch sử hoá cái chẳng có ý đòi có tính cách lịch sử, bởi vì chủ trương này coi mọi điều được tường thuật hoặc kể lại với những động từ ở thì quá khứ là có tính lịch sử, mà không cần chú ý đến khả năng có thể có một nghĩa biểu tượng hoặc nghĩa bóng.

Chủ trương bảo thủ thường có khuynh hướng không đếm xỉa hoặc chối bỏ những vấn đề mà bản văn Kinh Thánh, trong hình thức nguyên bản Hipri, Aram hoặc Hy-lạp, nêu ra. Chủ trương thường được gắn chặt với một bản dịch nhất định nào đó của thời xưa hoặc thời nay. Chủ trương này cũng bỏ không để ý đến những “việc đọc lại” (relectures) của một số bản văn trong chính Kinh Thánh.

Đối với những gì liên quan đến các sách Tin Mừng, chủ trương bảo thủ không để ý đến sự tiến triển của truyền thống Tin Mừng, nhưng lại lẫn lộn một cách ngây thơ giai đoạn chung kết của truyền thống này (tức là những gì các tác giả sách Tin Mừng đã viết) với giai đoạn khởi đầu (các lời nói việc làm của Đức Giêsu lịch sử). Đồng thời chủ trương này coi thường một dữ kiện quan trọng : đó là cách thức chính các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi đã hiểu về ảnh hưởng do Đức Giêsu Nadarét và sứ điệp của Người sản sinh ra. Thế nhưng đó lại là một lời chứng về nguồn gốc tông truyền của đức tin Kitô giáo và cách diễn tả trực tiếp của đức tin ấy. Như thế, chủ trương bảo thủ đã làm biến chất lời mời gọi do chính Tin Mừng đưa ra.

Chủ trương bảo thủ cũng có khuynh hướng theo những quan điểm cực kỳ hẹp hòi, bởi vì phong trào coi quan niệm vũ trụ học cổ xưa, lỗi thời là phù hợp với thực tại, vì quan niệm vũ trụ học ấy được Kinh Thánh nói đến. Điều đó ngăn cản việc đối thoại với một quan niệm rộng rãi hơn về những tương quan giữa văn hoá với đức tin. Chủ trương này dựa trên một cách đọc không phê bình một số văn bản Kinh Thánh để củng cố những tư tưởng chính trị và những thái độ xã hội nặng thiên kiến – như phân biệt chủng tộc chẳng hạn – hoàn toàn trái ngược với Tin Mừng Kitô giáo.

Cuối cùng, khi chỉ biết có nguyên tắc “Sola Scriptura” (duy Kinh Thánh), chủ trương bảo thủ tách việc giải thích Kinh Thánh ra khỏi truyền thống được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, một truyền thống được khai triển đích thực gắn liền với Sách Thánh giữa lòng cộng đoàn đức tin. Chủ trương này khiếm khuyết ở chỗ không nhận thấy rằng Tân Ước đã thành hình trong Hội Thánh Kitô giáo và đó là Kinh Thánh của Hội Thánh này, một Hội Thánh đã hiện hữu trước khi các bản văn của mình được biên soạn. Vì đó, chủ trương bảo thủ nhiều khi chống lại Hội Thánh. Chủ trương này coi các Kinh Tin Kính, các tín điều và các việc phụng vụ, những điều đã trở thành một phần của truyền thống Hội Thánh, là không đáng quan tâm. Cả đến chức năng dạy dỗ của chính Hội Thánh cũng bị coi như thế. Chủ trương này tự coi mình như là một hình thức giải thích riêng tư, không nhìn nhận rằng Hội Thánh được đặt nền trên Kinh Thánh và kín múc sự sống và cảm hứng từ Sách Thánh.

Lối tiếp cận bảo thủ nguy hiểm, vì nó hấp dẫn đối với những con người đang tìm kiếm những câu trả lời có sẵn của Kinh Thánh cho những vấn đề của cuộc sống. Nó có thể đánh lừa họ khi đem lại cho họ những cách giải thích đạo đức nhưng lại là ảo tưởng hão huyền, thay vì nói cho họ biết rằng Kinh Thánh không nhất thiết chứa đựng một câu trả lời trực tiếp cho mỗi vấn đề như thế. Chủ trương bảo thủ đưa tới một hình thức tự sát của tư tưởng, dù không nói ra. Nó đưa vào trong đời sống một xác tín giả dối, bởi vì nó vô tình lẫn lộn những giới hạn của con người trong sứ điệp Kinh Thánh với bản chất thần linh của sứ điệp ấy.

 


[1] Khi dùng từ “phương pháp”, chúng tôi muốn nói đến một toàn bộ những phương thức khoa học được đem ra áp dụng để giải thích các bản văn. Còn khi nói về một cố gắng nghiên cứu do một quan điểm đặc thù chi phối, chúng tôi gọi đó là “lối tiếp cận”.

[2] Đoạn văn cuối cùng này đã được đưa ra bỏ phiếu : 11/19 phiếu thuận, 4 phiếu chống, và 4 phiếu không ý kiến. Những người bỏ phiếu chống đã yêu cầu là phải ghi kết quả cuộc bỏ phiếu này kèm theo bản văn. Ủy Ban đã chấp thuận.

 
 
 

* Những chữ nghiêng trong ngoặc đơn đầu mỗi số không có trong nguyên bản văn kiện, bản dịch thêm vào để dễ hiểu nội dung.

* Nghiên cứu đồng thời gian là tìm hiểu bản văn Kinh Thánh trong hiện trạng của nó, không xét đến những gì ở đằng sau bản văn. Nghiên cứu xuyên thời gian là nghiên cứu sự hình thành của bản văn : bản văn đã sử dụng tài liệu thành văn hoặc truyền khẩu nào, đã qua những giai đoạn biên soạn nào, các tác giả kế tiếp nhau đã thêm hoặc bớt điều gì … (chú thích của người dịch).