Tôn Giáo và Bạo Động

0
1513

Tôn Giáo và Bạo Động

Thiên Chúa Tam Vị, Nhân Loại Hợp Nhất.
Niềm tin độc thần Kitô giáo bài trừ bạo động

Thời sự Thần học Số 68 (5/2015) trang 184-197

Trên đây là tựa đề của một văn kiện do Uỷ Ban Thần học Quốc tế soạn thảo được công bố ngày 16-1-2014. Văn kiện dài 40 trang, chia làm 5 chương (và 100 đoạn), viết bằng tiếng Ý[1] và cho đến nay chưa được dịch ra tiếng Anh. Đây là kết quả của 5 năm làm việc (2009-2013), được giao cho một tiểu ban dưới sự điều phối của cha Philippe Vallin, gồm các giám mục Savio Honn Tai-Fai SDB, Charles Morerod OP, Paul Rouhana, các linh mục: Peter Damian Akpunonu, Gilles Emery, OP, Thomas Norris, Javier Prades López, Pierangelo Sequeri, Guillermo Zuleta Salas. Văn kiện đã được Uỷ ban bỏ phiếu chấp thuận ngày 6-12-2013.

Mục tiêu của văn kiện này là đào sâu một vài khía cạnh trong cách trình bày Thiên Chúa của Kitô giáo, đặc biệt khi đối chiếu với những học thuyết cho rằng có sự liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo độc thần với bạo động. Đứng trước lời cáo buộc ấy, thần học Kitô giáo sẽ trả lời thế nào? Phải chăng các cuộc chiến tranh bắt nguồn từ tôn giáo? Bằng cách nào, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất có thể trở thành nguyên uỷ và nguồn mạch cho tình yêu giữa lòng nhân loại?

Văn kiện trả lời rằng: đức tin Kitô giáo nhìn nhận rằng sự kích thích bạo động nhân danh Thiên Chúa là sự suy đồi của tôn giáo. Cùng với nhiều người thời đại, dù có tín ngưỡng hay không, văn kiện xác tín rằng: những cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo cũng như những cuộc chiến chống các tôn giáo đều là phi lý.

Trong chương I (số 1-18), văn kiện tìm hiểu ý nghĩa từ ngữ “tôn giáo độc thần”. Trải qua lịch sử triết học, thuật ngữ này đã thay đổi ý nghĩa, từ những khuynh hướng cổ điển cho đến các luồng triết học vô thần. Mặt khác, cũng cần phân biệt những quan niệm “tôn giáo độc thần” xét cách khái quát và ba tôn giáo độc thần của lịch sử (đạo Do thái, Islam, Kitô giáo). Một vài lý thuyết muốn đối chọi một bên là các tôn giáo độc thần bạo động và bên kia là tôn giáo đa thần bao dung. Thật ra điều này không đúng với lịch sử.

Chương II (số 19-42) phân tích vài đoạn văn “khó nuốt” của Kinh thánh, trong đó sự mặc khải của Thiên Chúa mang theo những sự bạo động giữa loài người.

Chương III (số 43-66) đào sâu biến cố của cái chết và phục sinh của Đức Giêsu như là chìa khoá giao hoà giữa nhân loại. Việc mặc khải Thiên Chúa nơi Đức Kitô cho thấy việc bộc lộ tình thương của Thiên Chúa, đi ngược lại với mọi hình thức bạo động nhân danh tôn giáo.

Chương IV (số 67-84) bàn thêm những hàm ngụ triết học liên quan đến Thiên Chúa, khi đối thoại với với chủ thuyết vô thần.

Chương V (số 85-100) suy nghĩ đến cách thức mà các Kitô hữu làm chứng tá cho sự hoà giải giữa loài người.

Chúng tôi xin tóm lược và giới thiệu những tư tưởng chính của văn kiện, đặc biệt là ba chương đầu tiên.

I. Chương I. Những nghi vấn đặt ra cho tôn giáo độc thần

Xưa nay, tôn giáo độc thần được xem như hình thức văn hóa cao cấp nhất của nhân loại, khi triết học và tôn giáo đạt đến sự nhận biết một Thượng đế duy nhất. Tuy nhiên, trong lịch sử tư tưởng Âu châu, đôi khi tôn giáo độc thần cũng được sử dụng làm chiêu bài để biện minh cho hình thức quân chủ (monarchia: một nguyên uỷ, nhất nguyên). Dần dần các học thuyết triết học cũng tạo ra những quan niệm về tôn giáo độc thần khác với quan niệm về Thiên Chúa của Kitô giáo: đó là một vị thần linh tuyệt đối.

Vào thời cận đại, nhằm chống lại các thể chế độc tài, người ta đề xướng chủ thuyết đa nguyên chính trị và đem áp dụng cả trong lãnh vực triết học: họ quan niệm rằng chân lý duy nhất là đầu mối cho những cuộc tranh chấp trong xã hội, vì thế cần phải nhường chỗ cho thuyết tương đối. Không thể chối rằng việc chấp nhận các ý kiến khác nhau là điều cần thiết trong cuộc chung sống xã hội. Tiếc rằng, việc phủ nhận một chân lý tuyệt đối đã dẫn đến thái độ nghi kỵ, không thể đạt được một mục tiêu duy nhất để phục vụ con người. Thái độ buông xuôi này đưa đến sự thống trị một chiều của các nguyên tắc kỹ thuật, và sự độc tài của kỹ-thuật-trị không phải là chuyện ảo tưởng.

Trong bối cảnh văn hoá như vậy, ai khẳng định sự hiện hữu của một chân lý duy nhất sẽ bị nghi ngờ là kẻ thù của tự do, vì người ta sợ rằng những kẻ tự hào là nắm được chân lý sẽ loại trừ những kẻ đối lập. Một bằng chứng thường được trưng dẫn là các phong trào “bảo căn” (fundamentalism)[2] gặp thấy nơi các tôn giáo độc thần. Điều trớ trêu là nếu trong quá khứ, các tôn giáo độc thần tượng trưng cho sự tiến hóa tột đỉnh của văn minh, thì ngày nay lại bị coi là lạc hậu, đầu mối cho những rối loạn xã hội. Người ta cũng chủ trương rằng các tôn giáo đa thần mới thực sự bảo đảm cho sự bao dung. Như vậy, độc thần được gắn liền với bạo động, còn đa thần đi đôi với bao dung. Vì thế cuộc tranh đấu cho bao dung (nghĩa là hòa bình trong xã hội) thường bao hàm sự chống đối các tôn giáo độc thần (Do thái, Kitô giáo, Islam), tuy phần lớn nhắm vào các tín đồ Kitô giáo.

Chúng ta không thể phủ nhận hiện tượng “bạo động tôn giáo” đang diễn ra trên thế giới (tuy không hoàn toàn chỉ vì động lực tôn giáo). Chúng ta cũng không thể phủ nhận những việc bạo động đã diễn ra trong lịch sử Kitô giáo. Chúng ta tự hỏi: vì đâu bạo động đã len lỏi vào đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất? Những suy tư dưới đây cần phải nêu bật đặc trưng của độc thần Kitô giáo là nơi mặc khải mầu nhiệm thương yêu của Thiên Chúa Tam Vị. Chúng ta cần phải chứng tỏ rằng đạo Kitô độc thần mang lại tình yêu và công bằng, chứ không phải bạo động. Không thể nào vì thấy bạo động nơi một vài tôn giáo độc thần để tẩy chay tất cả các tôn giáo độc thần, hoặc tẩy chay tất cả các tôn giáo. Ngoài ra, chủ trương rằng tôn giáo đa thần bao dung hơn tôn giáo độc thần là một điều trái ngược với lịch sử. Thật vậy, các tín hữu của đạo Do thái đã bị bách hại bởi đế quốc đa thần Hy lạp; các tín hữu Kitô giáo đã bị bách hại bởi đế quốc đa thần Rôma. Đó là chưa kể các cuộc chiến giữa các thần được kể lại trong các thần thoại. Dĩ nhiên, các chế độ vô thần cũng chẳng tỏ ra bao dung hơn đối với những kẻ đối lập với mình. Điều này dễ hiểu: ngày nào người ta đã “hạ bệ” Thiên Chúa, thì chính họ sẽ tôn mình làm chủ tể vạn vật, và áp đặt những quy luật mà họ đã đặt ra.

Trong những phần còn lại, khi cố gắng tìm hiểu bản chất của Kitô giáo, chúng tôi cũng khiêm tốn nhìn nhận rằng nhiều lần các Kitô hữu chưa sống xứng với lý tưởng của mình. Chúng ta cần phải cải hoán liên lỉ để khỏi rơi vào tình trạng sa đoạ, trái nghịch với đức tin của chúng ta, chẳng hạn như khi tách rời luật thương yêu tha nhân ra khỏi việc phụng tự.

II. Chương II. Sáng khởi của Thiên Chúa trên nẻo đường của nhân loại

1. Sự tiến triển của quan niệm độc thần trong lịch sử Israel

Dân Israel đạt tới quan niệm độc thần cách tiệm tiến, trải qua một thời gian lâu dài. Thoạt đầu, xem ra việc thờ kính JHWH[3] (Giavê) còn pha trộn với các thần linh khác (Gs 24,16-24). Dần dần Israel tiến đến tôn giáo “đơn thần” (monolatria)[4] sau kinh nghiệm về tình yêu của JHWH dành cho mình qua biến cố giải phóng khỏi Ai cập. JHWH đòi hỏi dân Isarel phải trung tín với giao ước, và loại trừ việc tôn thờ những thần linh khác (Xh 6,6; Gr 31,13). Israel ý thức rằng mình chỉ thuộc về một mình JHWH mà thôi (Đnl 5,6-9).

Nhờ kinh nghiệm lưu đày, Israel hiểu rằng JHWH không chỉ là thần linh của một dân tộc, không gắn liền với một lãnh thổ, nhưng Ngài hiện diện khắp nơi và là Chủ tể vũ trụ, là Đấng tạo dựng muôn loài. JHWH không giống như các thần linh của các dân tộc khác. Dần dần Israel nhận ra rằng JHWH là Thiên Chúa duy nhất; ngoài Ngài ra, không còn thần linh nào khác (Is 45, 20b-22; Kn 14,13-14). Tuy nhiên, cùng với ý thức JHWH là Thiên Chúa độc nhất, dân Israel cũng tuyên xưng rằng ơn cứu rỗi được dành cho tất cả muôn dân: Thiên Chúa chúc lành cho mọi dân trên mặt đất qua ông Abraham (St 12,3), muôn dân sẽ cùng tiến lên núi thánh (Is 2,3). Vị Mêsia tương lai sẽ mang lại thái bình cho muôn nước (Dc 9,9-10; Is 42,1-14; 49,6b).

Khi đọc lại lịch sử cứu độ, công đồng Vaticanô II không những nhìn nhận một mối liên hệ giữa Kitô giáo với dân Israel qua ông Abraham (Tuyên ngôn Nostra Aetate số 4), mà còn tuyên xưng rằng ơn cứu độ được dành cho hết các dân tộc nhờ những cách thế khác nhau mà Thiên Chúa tỏ mình cho họ: nơi các tôn giáo hoàn cầu, người ta nhận thấy nhiều chứng tích của việc tìm kiếm Thiên Chúa (x. Cv 17,28).

2. Những trang sách bênh vực bạo động trong Cựu ước

Cựu ước không thiếu những trang mô tả những cuộc chiến tranh, tàn sát cũng tương tự như lịch sử của các dân tộc khác. Trong quá khứ, có những lần người ta đối chọi giữa Thiên Chúa tàn bạo của Cựu ước với Thiên Chúa tình yêu của Tân ước. Tuy nhiên, đọc Kinh thánh như vậy là lệch lạc, bởi vì không thiếu những trang Cựu ước nói đến tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử của Thiên Chúa.

Thật vậy, Cựu ước có những trang mô tả một Thiên Chúa trừng phạt (đại lụt), huỷ diệt những thành phố tội lỗi (Sodoma), tàn sát các trưởng nam và quân đội Ai cập (Xh các chương 7-13), ra lệnh tiêu huỷ sát (anatema) các dân tộc Cana mới chinh phục (Gs 6,12; 8,22-25; 1Sm 15,3). Những trang ấy gây ra nhiều ngỡ ngàng cho các Kitô hữu. Để có cái nhìn chính xác về ý nghĩa của các hành động này, ta cần biết sử dụng vài tiêu chuẩn chú giải: a) tính cách sư phạm của mặc khải lịch sử (những người lãnh nhận mạc khải sống trong một khung cảnh các dân bộ lạc bán khai, khác với tâm thức của người hiện đại: b) có sự tiến triển trong việc đánh giá bạo động theo dòng thời gian: các sự kiện cứu độ của Thiên Chúa được diễn đạt qua não trạng và thể văn của văn hóa đương thời.

Dù sao, nói cho cùng, sự mặc khải của Thiên Chúa trong Cựu ước vẫn nhằm đến sự biểu lộ lòng lân tuất và sự công bình. Các ngôn sứ đã góp phần vào việc thanh luyện đức tin của dân Israel, qua việc chỉ trích những nghi thức cúng bài hình thức mà thiếu lòng nhân, qua việc chỉ trích các thể chế chính trị tìm kiếm sự biểu dương rầm rộ mà không quan tâm đến công bình lễ nghĩa. Các sách Khôn ngoan tìm cách đi lùi về giao ước nguyên thuỷ của Thiên Chúa, và đã khám phá ra tiếng nói đầu tiên và tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa là tình yêu. Ngài muốn đến với con người bằng con đường tình yêu chứ không phải qua việc biểu dương quyền lực.

Điều này được thánh Phaolô nhận ra: khi sử dụng những ngôn ngữ của vũ khí và chiến tranh, thánh Tông đồ hiểu về cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại tội lỗi (Ep 6, 10-17), chứ không chống lại con người. Theo chiều hướng đó, các giáo phụ đã giải thích những cuộc giao chiến trong Cựu ước theo nghĩa thiêng liêng, nghĩa là chống lại các lực lượng sự dữ đe doạ tương quan với Thiên Chúa và giữa các dân tộc.

3. Thực hành tình thương, duy trì công bình

Dù sao, việc đề cao tình thương như là trọng tâm của mạc khải không được bỏ qua tầm quan trọng của công bình. Tình yêu chân chính không ngần ngại lên tiếng bảo vệ công lý. Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa với con người bao hàm một thái độ “dũng cảm” để bảo vệ lòng trung thành với giao ước. Tiếng nói cuối cùng của lịch sử hẳn nhiên là tiếng nói của tình yêu, nhưng đồng thời cũng là lời tuyên bố của công lý, tỏ bày sự chiến thắng của công lý chống lại những lần nó đã bị chèn ép trong dòng lịch sử. Vì thế việc đề cao tình yêu đòi buộc những người hữu trách hãy thiết lập những định chế phù hợp với công lý trong xã hội, ngõ hầu các công dân tìm được môi trường thuận tiện cho việc thi hành các nghĩa vụ của mình.

4. Tin vào Đức Kitô, để chống lại sự thù ghét giữa loài người

Đức tin của Kinh thánh mở ra đến ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người. Niềm tin này xóa bỏ mọi hiềm khích thù hận giữa các dân tộc. Đức Kitô đã trở nên chỗ giao hòa của con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau (2 Cr 5,20). Đức Kitô đã xoá bỏ mọi hàng rào ngăn cách giữa Israel và các dân ngoại (x.Ep 2,14-16). Từ này tất cả mọi dân tộc đều có thể gặp gỡ Thiên Chúa (Cv 10,34-36). Do đó, không thể nào ủng hộ các việc bạo động “nhân danh Thiên Chúa”. Không thể chấp nhận chiến tranh giữa nước này với nước nọ để khẳng định vị trí hàng đầu của mình lên trên các quốc gia, dân tộc, văn hóa khác.

III. Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi bạo động

1. Thiên Chúa Cha cứu chúng ta bằng thập giá của Con

Tiên vàn, Thiên Chúa duy nhất là Cha của hết mọi người. Nhờ việc phái cử Con và trao tặng Thần Khí, mối tình cha của Thiên Chúa mở rộng đến hết mọi người mà chính Ngài mong cho họ được cứu rỗi (x.1Tm 2,4), trong giao ước của cuộc Nhập thể và Vượt qua của Đức Kitô (Gl 4,4-6). Sự mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất trong tam vị gắn liền với việc cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Nơi hy tế vượt qua, Đức Kitô Giêsu đã tự nguyện mang lấy trên thân mình sự bạo động của tội lỗi và những đau khổ của con người. Thập giá là nơi Đức Kitô bày tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em mình (x. Rm 5,5-8; Ga 13,1): đó là trọng tâm của Tin mừng và phải được loan báo cho muôn dân. Thập giá biểu lộ chân lý về tội lỗi mà duy chỉ Thiên Chúa mới có thể tha thứ, cũng như biểu lộ chân lý về tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người.

2. Thập giá Đức Kitô vượt thắng bạo động

Đức Kitô đã tự hiến mình cho chúng ta. Người không muốn các môn đệ dùng khí giới để can thiệp bảo vệ (Người nói với ông Phêrô: hãy đút gươm vào bao; chẳng lẽ Thầy lại không uống chén mà Chúa Cha đã trao cho hay sao? Ga 18,11).

Đức Giêsu đã tự ý nộp mình chịu chết, và không tự vệ bằng bạo động. Người tố cáo những kẻ dùng bạo động để tấn công mình (“Các ông tìm cách giết tôi vì tôi nói sự thật”: Ga 8,40); nhưng chính vào lúc chết, Người lại xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình (Lc 23,34). Qua cử chỉ này, Người đã tách rời bạo động ra khỏi việc mặc khải Thiên Chúa: Người không muốn dùng bạo động để bênh vực chân lý, mà chỉ muốn làm chứng cho chân lý bằng tình yêu (Rm 8,31-34).

Quả thật, “quyền năng” của tội lỗi thì khác hẳn “quyền năng” của ân sủng. Quyền năng của tội lỗi tìm quyền lực để thống trị (và làm hư hại ngay cả tôn giáo nữa), và không ngừng đổ máu để củng cố địa vị. Còn sức mạnh của đức tin (1Ga 5,4; Ga 16,33) thì tránh cho người khác khỏi phải chết bằng cách hy sinh chính mạng sống của mình. Đức Giêsu đã chuốc lấy cái chết cho mình, ngõ hầu những người khác khỏi phải chết: qua đó, Người đã cắt đứt mọi hình thức sử dụng bạo động nhân danh tôn giáo. Người đổ máu cho chúng ta để chúng ta khỏi bị đổ máu, và cũng muốn loại trừ hết các hình thức đổ máu giữa loài người. Bức thư gửi Hipri nêu bật rằng Đức Kitô đã hiến mình, mang lấy tội lỗi của nhân loại (9,28); Người là nạn nhân của bạo động, nhưng đã đáp lại bằng thái độ hiền lành và tha thứ; Người không đòi báo oán, nhưng khẩn nài ơn thá thứ cho mọi người.

3. Con người được gọi chia sẻ vinh quang Thiên Chúa

Nhờ sự Phục sinh, thân xác của Đức Giêsu đã được biến đổi, được thông phần vinh quang với Thiên Chúa. Người kết nạp chúng ta vào thân thể của Người, và nhờ Thánh Linh mà Người trao ban, chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa, sống hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa (x. 1Ga 3,24; 4,13.16). Chúng ta sống ơn gọi làm con cái Thiên Chúa thì không thể nào lại huỷ diệt mạng sống của tha nhân.

4. Niềm hy vọng của muôn dân

Các Kitô hữu nhận được sứ mạng làm chứng nhân cho Đức Kitô giữa thế giới hôm nay. Đứng trước những cuộc xung đột chống lại tôn giáo hoặc dưới danh nghĩa tôn giáo, chúng ta cần đào sâu chân lý về tình yêu Thiên Chúa, khám phá mối dây liên kết chặt chẽ giữa lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân, và trở nên những tác nhân giao hòa trên thế giới.

Kitô giáo đã khai trừ sự bạo động tôn giáo. Chúng ta cần xác tín về chân lý ấy, đồng thời cũng khiêm tốn nhìn nhận những thiếu sót của chúng ta trải qua dòng lịch sử. Chúng ta cũng cần lên tiếng trước những làn sóng bạo động chống tôn giáo vào thời nay.

IV. Đức tin và lý trí

Những chương vừa rồi muốn khai trừ mọi hình thức bạo động dưới danh nghĩa tôn giáo, đặc biệt khi đối chiếu với mặc khải Kitô giáo. Trong chương bốn, văn kiện muốn bàn riêng đến cuộc chiến chống lại tôn giáo, cách riêng của các chủ nghĩa vô thần cận đại chống lại Kitô giáo.

Văn kiện ghi nhận rằng hiện tượng vô thần chỉ trở thành “phong trào” vào những thế kỷ gần đây, và cụ thể là tại châu Âu vốn chịu ảnh hưởng của Kitô giáo. Không lạ gì mà các chủ nghĩa vô thần cận đại nhắm cách riêng đến Kitô giáo.

Trên phương diện lý thuyết, chủ nghĩa vô thần tự nhận là mang tính khoa học, dựa trên luận cứ khoa học; họ cho rằng “Thiên Chúa” chỉ là một ý niệm do óc tưởng tượng bày đặt ra. Thuyết vô thần tìm được liên minh nơi nhiều học thuyết triết học, như thuyết bất khả tri, thuyết tương đối.

Trong lịch sử, thần học Kitô giáo đã nhiều lần đương đầu với vấn đề lý trí và đức tin liên quan đến sự hiện hữu của Thiên Chúa: đức tin vượt lên trên lý trí, nhưng không phản lại lý trí, chẳng hạn như thánh Tôma Aquinô đã cho thấy lý trí có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa và một vài ưu phẩm của Ngài. Từ nền tảng này, con người được chuẩn bị để đón nhận những chân lý cao siêu hơn của mặc khải.

Tuy nhiên, trong thông điệp Humani generis, đức thánh Piô XII nhận xét rằng những chân lý liên quan đến Thiên Chúa vượt lên thế giới khả giác; hơn thế nữa, khi những chân lý ấy đòi hỏi hy sinh và từ bỏ, thì dễ bị người ta thoái thác, khước từ, lấy cớ là không đúng sự thật. Ngoài ra, Công đồng Vaticanô II cũng khiêm tốn nhìn nhận rằng chính nếp sống phản chứng của các tín hữu đã dẫn nhiều người đến thái độ khước từ Thiên Chúa (hiến chế Vui Mừng và Hy vọng, số 19). Hẳn nhiên, các cuộc “chiến tranh tôn giáo” cũng đáng được kể vào những điều ấy. Ý thức điều đó, trong một buổi cử hành ngày 12-3-2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xin lỗi Chúa về những tội mà các Kitô hữu đã phạm như là phần tử của Hội thánh.

V. Những con cái Chúa tản mác và đoàn tụ

Chương cuối cùng mang tính cách thực hành: trách nhiệm của người Kitô hữu trong hoàn cảnh hiện nay.

Vào thời đại mà người ta nghi ngờ giá trị của chân lý, các tín hữu có nhiệm vụ tìm hiểu sâu xa chân lý đức tin, và làm chứng cho niềm tin ấy. Việc chứng tá được diễn tả qua những nỗ lực kiến tạo xã hội trong công bình và bác ái.

Chân lý về Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại qua thập giá của Đức Kitô nhắc nhở chúng ta hãy đi theo con đường khiêm tốn phục vụ, chứ không theo con đường quyền lực thống trị. Cuộc phục sinh của Đức Kitô thúc đẩy chúng ta đặt niềm hy vọng vào quyền năng của Thần khí, không chịu khuất phục trước quyền lực của sự dữ. Chúng ta cần phải liên lỉ thanh lọc tâm hồn để đừng đồng hóa quyền lực của thế gian với quyền năng Thiên Chúa (x. Mc 10,35-45; Lc 22,24-27). Đồng thời chúng ta phải cảnh giác về những nguy cơ làm cho tôn giáo sa đọa khi lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để thúc đẩy những cuộc bạo động bắt nguồn từ lợi ích kinh tế và chính trị.

Trong hoàn cảnh lịch sử hiện nay, các Kitô hữu hãy ý thức sứ mạng của mình là loan báo Tin mừng hoà bình, công bố phẩm giá của con người, cổ võ đoàn kết, bắt đầu từ bên trong Giáo hội bằng nỗ lực đại kết.

Nhận xét bổ túc            

Khi giới thiệu văn kiện này trên nhật báo L’Osservatore Romano ngày 16-1-2014, cha Serge-Thomas Bonino, tổng thư ký Uỷ Ban Thần học Quốc tế, ghi nhận rằng trong khi soạn thảo, các tác giả quan tâm đến hai giải pháp cực đoan để giải quyết vấn đề liên hệ giữa tôn giáo độc thần và bạo động:

1/ Chấp nhận tôn giáo độc thần là nguồn gốc gây bạo động, và khẳng định rằng Kitô giáo không phải là tôn giáo độc thần, bởi vì tin vào Thiên Chúa Tam vị.

2/ Chấp nhận tôn giáo gây ra bạo động, và khẳng định rằng Kitô giáo không phải là tôn giáo nhưng là niềm tin (chủ trương của Karl Barth đối chọi giữa đức tin và tôn giáo).

Văn kiện không đi theo hướng ấy, và khẳng định rằng Kitô giáo là một tôn giáo độc thần và là một tôn giáo. Điều này có nghĩa là Kitô giáo nhìn nhận giá trị tích cực của các tôn giáo. Đức tin đến thanh luyện và kiện toàn các tôn giáo chứ không huỷ bỏ tâm thức tôn giáo tự nhiên nơi con người.

Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ lịch sử tôn giáo, thiết tưởng cũng nên nêu bật sự khác biệt giữa ba tôn giáo độc thần: quan niệm về Thiên Chúa trong Kitô giáo không hoàn toàn giống với quan niệm trong đạo Do thái và đạo Islam. Đối lại, hai tôn giáo này cũng tố cáo Kitô giáo là đã không còn duy trì tính cách “độc thần” nữa.

Dù sao, cũng như các văn kiện khác của Tòa Thánh, văn kiện này cố gắng tránh né những điểm “nhạy cảm” có thể gây xung đột với các tôn giáo khác. Một cách cụ thể, văn kiện không đả động đích danh các cuộc “thánh chiến” (jihad) của Islam. Những cuộc nghiên cứu lịch sử cho thấy rằng từ jihad đã mang nhiều ý nghĩa khác nhau trong sách Coran; tiếc rằng ngày nay, người ta chỉ hiểu một chiều theo nghĩa quân sự, đang khi có những nhóm khác muốn trở về với nghĩa nguyên thuỷ của nó, như là cố gắng, dấn thân sống niềm tin của mình[5].

Sau cùng, chúng ta đừng nên gắn chặt “bạo động” (chiến tranh) với “tôn giáo”. Chiến tranh gắn liền với lịch sử nhân loại, chiến tranh xảy ra ở các dân tộc, dù là “độc thần”, “đa thần”, hoặc “vô thần”! Trong bối cảnh này, Kitô giáo sẽ có công rất lớn cho nhân loại nếu có khả năng xây dựng tình yêu, đoàn kết, thay vì tranh chấp oán thù. Dù sao, trải qua 20 thế kỷ, người ta dễ nhấn mạnh đến những cuộc thánh chiến do các Kitô hữu gây ra nhưng quên đi các Kitô hữu đã đáp trả những cuộc bách hại bất công bằng thái độ bất bạo động và tha thứ.

————————————-

[1] Tựa đề tiếng Ý: Dio Trinità, unità degli uomini. Il monoteismo cristiano contro la violenza. (God the Trinity and the unity of humanity. Christian monotheism and its opposition to violence). Hình như các tác giả muốn “chơi chữ”. Mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị thường được diễn tả qua biểu thức Mistero di Dio Uno e Trino, hoặc Unità nella Trinità; tuy nhiên, ở đây Trinità được áp dụng cho Thiên Chúa, còn unità lại được áp dụng cho loài người. Xin tạm dịch unità là “hợp nhất” (tuy cũng có thể dịch là duy nhất, đoàn kết); violenza tạm dịch là “bạo động” (bị phản đối bởi các phong trào “bất bạo động”), nhưng cũng thể dịch là “vũ lực, bạo lực”. Có thể truy cập bản gốc tại nguồn của Uỷ Ban Thần học quốc tế: http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20140117_monoteismo-cristiano_it.html

[2] Về Fundamentalism xem bài viết đăng trong số này.

[3] JHWH là bốn phụ âm của Jahweh (Giavê) danh Thiên Chúa. Vì kính trọng, Israel không đọc danh xưng này, mà chỉ “viết tắt” (không có nguyên âm) và đọc là Adonai (Tôn Chủ).

[4] Cần phân biệt hai hình thức tôn giáo: monolatry (đơn thần hoặc nhất thần) và monotheism (độc thần). Trong hình thức thứ nhất, người ta chỉ thờ lạy một thần linh (của dân tộc), chứ không thờ những thần khác. Trong hình thức thứ hai, người ta thờ lạy một thần linh, đồng thời nhìn nhận rằng đó là thần linh duy nhất trên đời; các thần linh khác đều là hư ảo. Dân tộc Israel đã đạt đến trình độ “đơn thần” từ thời ông Abraham, nhưng phải chờ đến thời các ngôn sứ thế kỷ VIII trước CN (Isaia, Giêrêmia, Hosea) thì mới tiến đến “độc thần”.

[5] Hans Kueng, Religion, violence and “holy wars”, International Review of the Red Cross, vol. 87, n.858 June 2005, p.253-268.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here