Thư Placuit Deo

0
952


 

BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

THƯ PLACUIT DEO

KÍNH GỬI CÁC GIÁM MỤC CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA ƠN CỨU ĐỘ KI-TÔ GIÁO

I. Dẫn nhập

1. “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu (x. Ep 1,9), nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 P 1,4). Chân lý thâm sâu về Thiên Chúa cũng như về công cuộc cứu độ con người được bày tỏ cho chúng ta trong Chúa Ki-tô, Đấng vừa là trung gian vừa là sự viên mãn của toàn thể mặc khải”.[1] Giáo huấn về ơn cứu độ trong Đức Ki-tô phải luôn được đào sâu. Kiên định nhìn về Chúa Giê-su, Giáo hội hướng tới mọi người với lòng từ mẫu, để loan báo cho họ ý định Giao ước của Chúa Cha, nhờ Chúa Thánh Thần, “nhằm quy tụ mọi sự trong Đức Ki-tô, thủ lãnh duy nhất” (Ep 1,10). Trong ánh sáng của truyền thống đức tin vĩ đại, cùng với sự tham chiếu đặc biệt vào những lời giảng dạy của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, lá thư này muốn làm sáng tỏ một vài khía cạnh của ơn cứu độ Ki-tô giáo có thể khó hiểu trong thời đại hôm nay, vì những biến đổi văn hóa mới mẻ.

II. Tác động của những biến đổi văn hoá hiện nay trên ý nghĩa của ơn cứu độ Ki-tô giáo

2. Thế giới ngày nay thật khó thông hiểu việc tuyên xưng đức tin Ki-tô giáo vốn công bố Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất của con người toàn vẹn và của toàn thể nhân loại (x. Cv 4,12; Rm 3,23-24; 1 Tm 2,4-5; Tt 2,11-15).[2] Một mặt, chủ nghĩa cá nhân tập trung vào chủ thể tự quản muốn nhìn con người như một hữu thể mà sự thành toàn duy nhất của bản thân chỉ tuỳ thuộc vào sức riêng mình.[3] Trong cách nhìn này, khuôn mặt Đức Ki-tô xuất hiện như một mẫu gương gợi hứng cho những hành động quảng đại nhờ lời nói và nghĩa cử của Người, hơn là Đấng biến đổi thân phận con người, bằng cách tháp nhập chúng ta vào đời sống mới, giao hòa chúng ta với Chúa Cha và với nhau, trong Thánh Thần (x. 2 Cr 5,19; Ep 2,18). Mặt khác, cái nhìn về ơn cứu độ thuần tuý nội tâm đang trở thành phổ biến. Được biểu hiện bằng một xác tín hoặc sự cảm nhận cá nhân mãnh liệt được hợp nhất với Thiên Chúa, lối nhìn này không thấy cần thiết phải đảm nhận, chữa lành và làm mới lại các mối tương quan của chúng ta với tha nhân và với thế giới thụ tạo. Trong viễn cảnh này, thật khó để hiểu ý nghĩa việc Nhập Thể của Ngôi Lời, nhờ đó Người đã trở nên một thành viên của gia đình nhân loại, mặc lấy xác phàm và lịch sử của chúng ta, vì chúng ta và ơn cứu độ của chúng ta.

3. Trong giáo huấn thông thường của mình, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô thường nhắc đến hai khuynh hướng được mô tả ở trên. Hai khuynh hướng này giống với một vài khía cạnh của hai lạc thuyết cổ xưa, thuyết Pê-la-gi-ô và thuyết Ngộ đạo.[4] Một hình thái mới của thuyết Pê-la-gi-ô đang được truyền bá trong thời đại chúng ta, theo đó cá nhân được hiểu là tự quản triệt để, có tham vọng tự cứu lấy chính mình mà không nhận thức rằng, ở tận thẳm sâu nhất của chính mình, cá nhân ấy tuỳ thuộc vào Thiên Chúa và tha nhân. Theo lối suy tư này, ơn cứu độ tuỳ thuộc vào sức riêng của cá nhân, hoặc vào những cơ cấu thuần tuý nhân loại, không có khả năng tiếp nhận tính mới mẻ của Thần Khí Thiên Chúa.[5] Mặt khác, một hình thái mới của thuyết Ngộ đạo trình bày một khuôn mẫu về ơn cứu độ thuần tuý nội tâm, đóng kín trong thuyết duy chủ thể của riêng mình.[6] Theo khuôn mẫu này, ơn cứu độ hệ tại việc tự hoàn thiện bản thân, “nhờ tri thức, có khả năng vượt lên trên thân xác Chúa Giê-su, đạt tới những mầu nhiệm thần tính vô danh.[7] Khuôn mẫu này muốn giải thoát con người khỏi thân xác và vũ trụ vật chất, trong đó những dấu vết bàn tay quan phòng của Đấng Tạo Hóa không còn tìm thấy, nhưng chỉ có một thực tại mất hết ý nghĩa, xa lạ với căn tính nền tảng của con người, và dễ bị thao túng bởi những lợi lộc của con người.[8] Rõ ràng, việc so sánh với những lạc thuyết Pê-la-gi-ô và Ngộ đạo chỉ muốn nhắc lại những nét đặc trưng chung và tổng quát, mà không đi vào những đánh giá về bản chất đích thật của những sai lầm thời cổ xưa. Có một sự khác biệt lớn lao giữa xã hội tục hóa hiện đại và bối cảnh xã hội của Ki-tô giáo buổi ban đầu, trong đó hai lạc thuyết này phát sinh.[9] Tuy nhiên, trong mức độ thuyết Ngộ đạo và thuyết Pê-la-gi-ô tiêu biểu cho những nguy hại dai dẳng vì hiểu sai đức tin Kinh Thánh, [chúng ta] có thể tìm thấy những điểm tương đồng giữa những lạc thuyết cổ xưa và những khuynh hướng hiện đại vừa được mô tả.

4. Cả chủ nghĩa cá nhân tân Pê-la-gi-ô lẫn thái độ khinh thị thân xác tân Ngộ đạo đều gây tổn hại cho việc tuyên xưng niềm tin vào Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát. Làm thế nào Đức Ki-tô có thể trở nên trung gian Giao ước của toàn thể gia đình nhân loại, nếu các nhân vị bị tách biệt thành những cá thể, tự thành toàn bản thân bằng những nỗ lực của riêng mình, như thuyết tân Pê-la-gi-ô đề xướng? Cũng vậy, làm sao ơn cứu độ có thể đến với chúng ta, nhờ việc Nhập Thể của Chúa Giê-su, [nghĩa là] đời sống, cái chết và sự Phục Sinh trong thân thể đích thật của Người, nếu hiểu ơn cứu độ chỉ là sự giải thoát thực tại nội tâm của con người khỏi những giới hạn của thân xác và vật chất, như lối nhìn tân Ngộ đạo mô tả? Đối diện với hai khuynh hướng này, lá thư hiện hành muốn khẳng định lại rằng ơn cứu độ hệ tại việc kết hợp với Đức Ki-tô, là Đấng mà nhờ việc Nhập Thể, cái Chết và sự Phục Sinh của Người, đã mang đến một thể thức tương quan mới mẻ với Chúa Cha và giữa con người với nhau, dẫn chúng ta vào trong những mối tương quan này, nhờ hồng ân Thánh Thần, để chúng ta có thể kết hợp với Chúa Cha như những người con trong Người Con, và trở nên một thân thể trong Đấng là “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29).

III. Con người khát khao ơn cứu độ

5. Cách trực tiếp hoặc gián tiếp, con người nhận biết chính mình như một mầu nhiệm: “Tôi là ai? Tôi hiện hữu, nhưng không có nguyên lý hiện hữu của chính mình nơi bản thân”. Mỗi người đều tìm kiếm hạnh phúc theo cách thức của riêng mình, và cố gắng để đạt được hạnh phúc bằng cách cậy dựa vào những phương thế sẵn có. Tuy nhiên, niềm khát vọng phổ quát này không nhất thiết được biểu lộ hay tỏ bày; đúng hơn, niềm khát vọng ấy thường là bí mật và được ẩn giấu hơn là được tỏ bày, và niềm khát vọng ấy sẵn sàng tỏ hiện chính mình khi gặp phải những khủng hoảng đặc biệt. Thông thường, niềm khát vọng này trùng hợp với ước vọng về sức khoẻ thể lý; đôi khi, khát vọng mặc lấy hình thức lo toan cho phúc lợi kinh tế lớn lao hơn; nhưng cách phổ biến, khát vọng ấy tự biểu lộ như nhu cầu an bình nội tâm và đời sống chung hòa bình với tha nhân. Mặt khác, công cuộc tìm kiếm ơn cứu độ, tự tỏ bày như niềm khát vọng điều thiện hảo lớn lao hơn, vẫn duy trì nghị lực phản kháng và vượt thắng đau khổ. Đi đôi với cuộc chiến đấu tìm kiếm sự thiện là cuộc chiến đấu chống lại sự ác: ngu dốt và lầm lỗi, mong manh và yếu đuối, bệnh tật và chết chóc.

6. Lưu tâm đến những khát vọng này, và bác bỏ mọi tham vọng tự thành toàn, niềm tin vào Đức Ki-tô dạy rằng những khát vọng này chỉ có thể được thành toàn cách trọn vẹn nếu chính Thiên Chúa làm cho chúng nên khả thể, bằng cách lôi cuốn chúng ta đến với Ngài. Ơn cứu độ con người toàn vẹn không hệ tại những gì con người có thể đạt được nhờ sức riêng mình, như tài sản, phúc lợi vật chất, kiến thức hoặc tài năng, quyền lực hoặc sức ảnh hưởng trên người khác, thanh danh hoặc sự tự mãn.[10] Chẳng có loài thụ tạo nào có thể làm chúng ta thoả mãn trọn vẹn, vì Thiên Chúa đã định phần cho chúng ta được hiệp thông với Ngài, và lòng chúng ta sẽ chỉ được yên nghỉ khi nghỉ yên trong Ngài.[11] “Thật vậy, ơn gọi chung cuộc của con người là duy nhất và thần linh”.[12] Như thế, Mặc Khải không tự giới hạn vào việc loan báo ơn cứu độ được hiểu như đáp số cho bất kỳ ước muốn đặc thù nào của thời đại. “Trái lại, nếu ơn cứu độ được đánh giá hay đo lường theo những nhu cầu hiện sinh của con người, làm sao chúng ta không thể hoài nghi việc chỉ tạo ra một Thiên Chúa – Đấng Cứu Độ theo những nhu cầu của chính chúng ta?”[13]

7. Cũng phải khẳng định rằng, theo niềm tin Kinh Thánh, nguồn gốc của sự ác không tìm thấy được trong thế giới vật chất hữu hình, được trải nghiệm như một giới hạn hoặc một ngục tù, khiến chúng ta muốn được giải thoát khỏi thế giới ấy. Trái lại, niềm tin Kinh Thánh công bố rằng toàn thể vũ trụ đều tốt lành vì đã được Thiên Chúa sáng tạo (x. St 1,31; Kn 1,13-14; 1 Tm 4,4), rằng sự ác nguy hại nhất đối với con người là sự ác xuất phát từ lòng người (x. Mt 15,18-19; St 3,1-19). Khi phạm tội, con người đã ruồng bỏ nguồn suối tình yêu, và tự đánh mất bản thân trong những hình thức yêu thương lệch lạc, nhốt kín con người hơn trong chính bản thân mình. Chính việc xa lìa Thiên Chúa, Đấng là nguồn suối của sự hiệp thông và sự sống, đã làm mất đi sự hài hoà giữa con người với nhau và giữa nhân loại với thế giới, dẫn đến tình trạng thống trị của sự hự mất và sự chết (x. Rm 5,12). Vì thế, ơn cứu độ mà đức tin loan báo cho chúng ta không chỉ liên quan đến thực tại nội tâm của chúng ta, nhưng toàn vẹn hữu thể chúng ta. Thật vậy, con người toàn vẹn, thân xác và linh hồn, đã được tình yêu Thiên Chúa tạo dựng, theo hình ảnh và giống như Ngài, được mời gọi sống hiệp thông với Ngài.

IV. Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Độ và Ơn Cứu Độ

8. Chẳng một phút giây nào trong dòng lịch sử, Thiên Chúa lại ngừng ban ơn cứu độ cho con cái A-đam (x. St 3,15), nhờ việc thiết lập giao ước của Ngài với toàn thể nhân loại qua ông Nô-e (x. St 9,9), và sau đó, với Abraham và dòng dõi của ông (x. St 15,18). Vì thế, ơn cứu độ của Thiên Chúa mặc lấy trật tự thụ tạo vốn được toàn thể nhân loại chia sẻ, và ơn cứu độ ấy đồng hành cùng lộ trình cụ thể của nhân loại trong lịch sử. Bằng việc chọn một dân tộc và ban cho họ các phương tiện để chống lại tội lỗi và đến gần với Ngài, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho việc ngự đến của “một Vị Cứu Tinh quyền thế, từ nhà Đa-vít, tôi tớ Ngài” (Lc 1,69). Khi thời gian đến hồi viên mãn, Chúa Cha đã sai Người Con của Ngài đến thế gian; Người Con ấy đã loan báo Nước Thiên Chúa, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 4,3). Những việc chữa lành mà Chúa Giê-su thực hiện, qua đó Người làm tỏ rạng sự quan phòng của Thiên Chúa, là dấu chỉ qui hướng về chính bản thân Người, Đấng được mặc khải trọn vẹn như là Chúa của sự sống và sự chết trong biến cố Vượt Qua của Người. Theo Tin Mừng, ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại bắt đầu bằng việc đón nhận Chúa Giê-su: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9). Tin Mừng cứu độ có một tên gọi và một khuôn mặt: Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ. “Trở nên Ki-tô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là kết quả của cuộc gặp gỡ với một biến cố, một con người, cuộc gặp gỡ trao tặng cho đời sống một chân trời mới và một định hướng dứt khoát”.[14]

9. Qua dòng lịch sử hằng bao thế kỷ, với nhiều diện mạo, đức tin Ki-tô giáo đã làm tỏ rạng công trình cứu độ của Người Con Nhập Thể. Công trình cứu độ ấy được thực hiện mà không hề có sự tách biệt giữa chiều kích chữa lành của ơn cứu độ, nhờ đó Chúa Ki-tô cứu chúng ta khỏi tội lỗi, với chiều kích vinh thăng, nhờ đó Chúa Ki-tô làm cho chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, bằng việc thông phần bản thể thần linh của Người (x. 2 Pr 1,4). Khi nhìn viễn cảnh cứu độ theo hướng từ trên xuống, nghĩa là khởi sự từ Thiên Chúa, Đấng đến cứu độ con người, Chúa Giê-su là Đấng soi sáng và mc khải, cứu chuộc và giải thoát, thần linh hóa và công chính hóa con người. Theo cái nhìn từ dưới lên, nghĩa là khởi sự từ con người qui hướng lên Chúa, Chúa Ki-tô là vị Thượng Tế của Giao Ước Mới, dâng lên Chúa Cha việc thờ phượng hoàn hảo, nhân danh toàn thể nhân loại: Người tự hiến, đền tội và hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta. Bằng cách này, một sự hợp nhất lạ lùng giữa hành động thần linh và nhân loại tỏ hiện trong đời sống của Đức Giê-su, một sự hợp nhất chỉ cho thấy rõ lối nhìn cá nhân chủ nghĩa là không có nền tảng. Cái nhìn từ trên xuống làm chứng cho tính trổi vượt tuyệt đối của những hành động nhưng không của Thiên Chúa; vượt trước mọi hành động của chúng ta, sự khiêm nhường là điều thiết yếu để đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và là điều kiện cần thiết để lãnh nhận quà tặng của Ngài. Đồng thời, cái nhìn hướng lên nhắc nhớ rằng, nhờ những hành động hoàn toàn nhân loại của Người Con của Ngài, Chúa Cha muốn đổi mới hành động của chúng ta, để một khi nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, chúng ta có thể thực hiện “những công trình tốt đẹp mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta (Ep 2,10).

10. Hơn nữa, rõ ràng ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến nơi bản thân Người không xảy ra theo cách thức thuần tuý nội tại. Quả thực, Người Con đã mặc lấy xác phàm, để chia sẻ cho mọi người sự hiệp thông cứu độ với Thiên Chúa (x. Ga 1,14). Bằng việc mặc lấy xác phàm (x. Rm 8,3; Dt 2,14; Ga 4,2), và sinh ra bởi người nữ (x. Gl 4,4), “Con Thiên Chúa đã trở nên con loài người”[15]nên anh em của chúng ta (x. Dt 2,14). Như thế, vì đã trở nên thành phần của gia đình nhân loại, “Người đã liên kết với hết mọi người cách nào đó”[16] và đã thiết lập một thể thức tương quan mới mẻ với Thiên Chúa, Cha của Người, và với toàn thể nhân loại; chúng ta có thể được tháp nhập vào thể thức tương quan mới mẻ này và thông phần vào chính sự sống của Con Thiên Chúa. Bởi thế, việc mặc lấy xác phàm chẳng những không giới hạn hành động cứu độ, mà còn cho phép Đức Ki-tô trở nên trung gian ơn cứu độ của Thiên Chúa cho toàn thể con cái A-đam.

11. Tóm lại, để trả lời cho cả chủ thuyết giản lược mang tính cá nhân chủ nghĩa theo khuynh hướng Pê-la-gi-ô, lẫn lời hứa về ơn cứu độ thuần tuý nội tại theo khuynh hướng tân Ngộ đạo, chúng ta cần nhận biết cách thức nhờ đó Chúa Giêsu trở thành Đấng Cứu Độ. Người đã không tự giới hạn vào việc chỉ giới thiệu cho chúng ta con đường gặp gỡ Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể tiến bước trên nẻo đường riêng của chúng ta, bằng việc vâng nghe lời Người và noi theo gương Người. Đúng hơn, Chúa Ki-tô mở cho chúng ta cánh cửa tự do, và chính Người trở thành con đường: “Thầy là đường” (Ga 14,6).[17] Hơn nữa, lộ trình này không chỉ là một hành trình nội tâm ở bên lề các mối tương quan của chúng ta với người khác và với thế giới thụ tạo. Đúng hơn, Chúa Giê-su đã ban tặng chúng ta một “con đường mới và sống động qua bức màn chính là thân xác Người” (Dt 10,20). Chúa Ki-tô là Đấng Cứu Độ vì Người đã mặc lấy toàn vẹn nhân tính của chúng ta và đã sống một cuộc sống nhân loại trọn vẹn trong sự hiệp thông với Cha của Người và với tha nhân. Vì thế, ơn cứu độ hệ tại việc tháp nhập chúng ta vào trong sự sống của Người, nhờ lãnh nhận Thần Khí của Người (x. 1 Ga 4,13). Người đã trở thành, “theo cách thế đặc biệt, nguồn cội của mọi ân sủng theo nhân tính của Người.”[18] Người vừa là Đấng Cứu Độ vừa là Ơn Cứu Độ.

V. Ơn cứu độ trong Giáo hội, Thân Mình của Đức Ki-tô

12. Giáo hội là nơi chúng ta được đón nhận ơn cứu độ do Chúa Giê-su thiết lập, đây là một cộng đồng gồm những người đã được kết hợp trong mối tương quan mới do Đức Ki-tô khởi xướng (x. Rm 8,9). Việc hiểu được tính trung gian cứu độ của Giáo hội là một trợ lực thiết yếu để vượt thắng mọi khuynh hướng của giản lược thuyết. Ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta không đạt được bằng những nỗ lực riêng của từng người chúng ta như thuyết tân Pê-la-gi-ô chủ trương. Đúng ra, ơn cứu độ có trong các mối tương quan nảy sinh từ Con Thiên Chúa nhập thể và các mối tương quan này tạo nên sự hiệp thông của Giáo hội. Giáo hội là một cộng đồng hữu hình bởi vì ân sủng Đức Ki-tô ban cho chúng ta không chỉ là ơn cứu độ nội tại như quan niệm tân Ngộ đạođòi hỏi, song còn bởi vì ân sủng dẫn đưa chúng ta vào các mối tương quan cụ thể mà chính Người đã sống. Trong mầu nhiệm Giáo hội chúng ta được chạm đếncác chi thể của Chúa Giê-su, đặc biệt nơi các anh chị em nghèo nhất và đau khổ nhất. Vì thế, tính trung gian cứu độ của Giáo hội, “Bí tích phổ quát về ơn cứu độ”,[19] bảo đảm cho chúng ta rằng, ơn cứu độ không hệ tại việc tự mình thực hiện đơn lẻ, cũng không hệ tại việc liên kết bên trong giữa cá nhân với thần thánh. Đúng hơn, ơn cứu độ hệ tại việc được kết hợp vào sự thông hiệp của nhữngngười cùng tham gia vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

13. Cả hai quan niệm “duy cá nhân” và “thuần túy nội tại” về ơn cứu độ đều trái ngược với nhiệm cục bí tích, qua đó Thiên Chúa muốn cứu độ con người. Sự thông phần vào thể thức mới trong các mối tương quan do Chúa Giê-su khởi xướng, diễn ra trong Giáo hội nhờ vào các bí tích, trong đó Bí tích Thánh Tẩy là cửa vào,[20] và Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh.[21] Trong đó, chúng ta có thể nhận ra sự thiếu vững chắc của các chủ trương về tự thân cứu độ, vốn chỉ dựa hoàn toàn vào những nỗ lực của con người. Đức tin tuyên xưng rằng, chúng ta đuợc cứu độ nhờ Bí tích Thánh Tẩy, bí tích này đóng ấn vào chúng ta một dấu không thể phai nhạt là thuộc về Đức Ki-tô và Giáo hội. Sự chuyển đổi cách sống cácmối tương quan của chúng tavới Thiên Chúa, với con người, và với tạo thành phát sinh từ Bí tích Thánh Tẩy (x. Mt 28,19). Quả vậy, được thanh tẩy khỏi tội nguyên tổ và mọi tội lỗi khác, chúng ta được mời gọi vào sự sống mới đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô (x. Rm 6,4). Nhờ ân sủng của bảy bí tích, các tín hữu tiếp tục tăng trưởng và được canh tân về đời sống thiêng liêng, đặc biệt khi hành trình tâm linh trở nên khó khăn hơn. Khi từ bỏ tình yêu của mình đối với Đức Ki-tô bằng cách phạm tội, các tín hữu lại có thể được dẫn nhập vào các mối tương quan do Đức Ki-tô đã khởi sự trong Bí tích Hòa Giải, cho phép họ lại bước đi trên con đường Người đã đi(x. 1 Ga 2,6). Bằng cách này, chúng ta hy vọng hướng tới Cuộc Phán Xét Cuối, trong đó mỗi người sẽ được phân xử theo độ chân thực của tình yêu mình đã thể hiện (Rm 13,8-10), cách đặc biệt là đối với những người yếu đuối nhất (x. Mt 25,31-46).

14. Nhiệm cục cứu độ cũng đối nghịch với những khuynh hướng đề xướng một sự cứu độ thuần túy nội tâm. Thật vậy, thuyết Ngộ đạo tự liên kết với quan điểm tiêu cực về trật tự đuợc tạo dựng, trật tự này bị hiểu là sự giới hạn tự do tuyệt đối của tinh thần nhân loại. Vì thế, ơn cứu độ bị hiểu là sự giải thoát khỏi thể xác và các mối tương quan cụ thể mà con người đang sống. Ơn cứu độ đích thực, trái nghịch với tình trạng giải thoát khỏi thân xác, còn bao gồm cả việc thánh hoá thân xác (x. Rm 12,1) đến mức chúng ta được cứu độ nhờ “việc hiến dâng thân mình làm lễ tế của Đức Ki-tô Giê-su” (Dt 10,10; x. Cl 1,22). Thân xác con người đuợc Thiên Chúa nặn hình, Ngài khắc vào đó một ngôn ngữ mời gọi con người nhận biết các tặng ân của Đấng Tạo Dựng và sống thông hiệp với anh chị em của mình.[22] Đấng Cứu Độ tái lập và canh tân ngôn ngữ nguyên thủy này qua Mầu nhiệm Nhập Thể và Phục Sinh của Người, đồng thời thông truyền mầu nhiệm ấy trong nhiệm cục các bí tích. Nhờ các bí tích, các Ki-tô hữu mới có thể sống trung thành với máu thịt Đức Ki-tô và nhờ đó, trung thực với thể thức tương giao mà Người đã ban cho. Thể thức tương giao này, đặc biệt đòi hỏi phải chăm sóc hết thảy nhân loại khổ đau bằng các công việc của lòng thương xót về phương diện tinh thần cũng như thể xác.[23]

VI. Kết luận: Thông truyền đức tin, mong đợi Đấng Cứu Độ

15. Việc hiểu biết đầy đủ về sự sống mà Đức Ki-tô, Đấng Cứu Độ giới thiệu cho chúng ta, sẽ thúc đẩy các Ki-tô hữu hướng tới sứ vụ loan báo cho mọi người niềm vui và ánh sáng của Tin Mừng.[24] Trong công trình này, các Ki-tô hữu cũng phải được chuẩn bị – để thiết lập với các tín hữu của các tôn giáo khác cuộc đối thoại chân thành và xây dựng – với niềm tin rằng Thiên Chúa có thể dẫn đưa “tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh tác động một cách vô hình trong tâm hồn”[25] tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô. Trong khi tận hiến mọi nỗ lực của mình cho công cuộc loan báo Tin Mừng, Giáo hội tiếp tục khẩn cầu cuộc quang lâm tất định của Đấng Cứu Độ, bởi chính trong “hy vọng chúng ta được cứu độ” (x. Rm 8,24). Công trình cứu độ nhân loại sẽ chỉ hoàn tất sau khi đã chinh phục được kẻ thù cuối cùng là sự chết (x. 1 Cr 15,26), khi ấy chúng ta sẽ tham gia cách đầy đủ vào vinh quang của Chúa Giê-su Phục Sinh, Đấng sẽ đưa tới mức độ viên mãn mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với anh chị em của mình và với toàn thể tạo thành. Cứu độ cả xác lẫn hồn là định mệnh chung cuộc mà Thiên Chúa kêu gọi toàn thể nhân loại hướng đến. Được xây nền trong đức tin, được nâng đỡ nhờ đức cậy, và hoạt động trong đức ái, theo gương Đức Ma-ri-a, Mẹ Đấng Cứu Độ và là người đầu tiên trong những người được hưởng ơn cứu độ, chúng ta chắc chắn rằng “quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Ki-tô Giê-su từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh quang của Người” (Pl3,20-21).

Lá thư này được Phiên họp khoáng đại của Bộ Giáo Lý Đức Tin thông qua ngày 24-01-2018, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã chuẩn y vào ngày 16-02-2018, và ban lệnh phát hành thư.

Văn phòng Bộ Giáo Lý Đức Tin,

Rô-ma, ngày 22-02-2018, dịp lễ kính Ngai Tòa Thánh Phê-rô

(đã ấn ký)

+ Luis F. Ladaria, S.J.

Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Thibica,

Tổng trưởng

(đã ký)

+ Giacomo Morandi

Tổng Giám Mục Hiệu Tòa Cerveteri,

Thư ký

———————————————

Bản dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin

 


[1] Công đồng Va-ti-ca-nô II, Hiến chế tín lý về Mặc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 2.

[2] X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus (ngày 06 tháng 8 năm 2000), 5-8: AAS 92 (2000), 745-749.

[3] X. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, Tông huấn Evangelii gaudium (ngày 24 tháng 11 năm 2013), 67: AAS 105 (2013), 1048.

[4] X. Id., Thông điệp Lumen fidei (ngày 29 tháng 6 năm 2013), 47: AAS 105 (2013), 586-587; Tông huấn Evangelii gaudium, 93-94: AAS (2013), 1059; Diễn văn gởi các tham dự viên Công Nghị Lần Thứ Năm Của Giáo hội Ý (ngày 10 tháng 11 năm 2015), Florence: AAS 107 (2015), 1287.

[5] X. Id., Diễn văn gởi các tham dự viên Công Nghị Lần Thứ Năm Của Giáo hội Ý (ngày 10 tháng 11 năm 2015), Florence: AAS 107 (2015), 1288.

[6] X. Id., Tông huấn Evangelii gaudium, 94: AAS 105 (2013), 1059: “sự hấp dẫn của thuyết Ngộ đạo, một đức tin hoàn toàn chủ quan, chỉ bận tâm đến kinh nghiệm nào đó hoặc một tập hợp các ý tưởng và những mẩu kiến thức được cho là có khả năng an ủi và soi sáng, nhưng chung cuộc chỉ giam hãm con người trong những tư tưởng và tình cảm của riêng mình”; Hội đồng Giáo Hoàng về Văn Hoá-Hội đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn, Đức Giê-su Ki-tô Đấng mang nước hằng sống. Một suy tư Ki-tô giáo về trào lưu “Thời Đại Mới” (tháng 01 năm 2003), Thành phố Vatican, 2003.

[7] Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, Thông điệp Lumen fidei, 47: AAS 105 (2013), 586-587.

[8] X. Id., Diễn văn gởi các tham dự viên cuộc hành hương của Giáo phận Brescia (ngày 22 tháng 6 năm 2013): AAS 95 (2013), 627: “trong thế giới này, nơi người ta chối bỏ con người, nơi người ta thích đi theo đường lối của Ngộ đạo, […] của “không thân xác” – một Thiên Chúa đã không mặc lấy xác phàm […]”.

[9] Theo lạc thuyết Pê-la-gi-ô, được phát triển vào thế kỷ thứ năm quanh Pê-la-gi-ô, để chu toàn những giới luật của Thiên Chúa và để được cứu độ, con người chỉ cần đến ân sủng như một sự trợ giúp từ bên ngoài cho tự do của mình (như ánh sáng, sức mạnh chẳng hạn), chứ không như một sự chữa lành và tái tạo tận căn tự do, không cần công trạng đi trước, cho đến khi con người có thể làm điều thiện và đạt đến sự sống vĩnh cửu. Nổi lên vào thế kỷ thứ nhất và thứ hai, phong trào Ngộ đạo còn phức tạp hơn với những hình thức khác nhau. Cách chung, những người theo thuyết Ngộ đạo tin rằng ơn cứu độ đạt được nhờ một tri thức bí nhiệm hoặc sự Ngộ đạo. Sự Ngộ đạo này tỏ lộ cho người Ngộ đạo biết được bản thể đích thật của họ, nói cách khác, một tia sáng của Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ ở nội tâm họ. Tia sáng này phải được giải thoát khỏi thân xác, vốn xa lạ với nhân tính chân thật của họ. Duy chỉ bằng cách này, người Ngộ đạo trở về với hữu thể nguyên tuyền của họ trong Thiên Chúa, Đấng họ đã lìa xa vì sự sa ngã nguyên thuỷ.

[10] X. Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, I-II, q.2.

[11] X. Âu-tinh, Tự thuật, I, 1: Corpus Christianorum, 27, 1.

[12] Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et spes, 22.

[13] Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, Những câu hỏi chọn lọc liên quan đến thần học về Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ (1995), 2.

[14]Bê-nê-đic-tô XVI, Thông điệpDeus caritas est (25/12/2005), 1: AAS 98 (2006), 217; x. Phan-xi-cô, Tông huấn  Evangelii gaudium, 3AAS 105 (2013), 1020.

[15] I-rê-nêAdversus haereses, III, 19,1: Sources Chrétiennes, 211, 374.

[16]Va-ti-ca-nô II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et spes, 22.

[17]X. Âu-tinhTractatus in Ioannem, 13,4: Corpus Christianorum, 36,132: “‘Thầy là đường là sự thật và là sự sống’ (Ga14,6). Nếu bạn tìm kiếm sự thật ấy, hãy đi theo con đường ấy, vì con đường ấy cũng chính là sự thật ấy. Đích bạn nhắm và con đường bạn đi là một. Bạn không thể đến đích bằng việc đi con đường khác, bạn cũng không thể đến với Chúa Ki-tô qua một con con đường khác. Bạn chỉ có thể đến với Chúa Ki-tô qua Chúa Ki-tô. Đến với Chúa Ki-tô qua Chúa Ki-tô có nghĩa là gì? Bạn đến với Chúa Ki-tô là Thiên Chúa qua Chúa Ki-tô là con người. Qua Ngôi Lời làm người, bạn đến được với Ngôi Lời mà ngay từ khởi nguyên là Thiên Chúa và ở với Thiên Chúa.”

[18]Tô-ma A-qui-nô, Quaestio de veritate, q. 29, a. 5, co.

[19] LG, số 48.

[20] X. Tô-ma A-qui-nô, Summa theologiae, III, q. 63, a. 3.

[21] X. LG, số 11; SC, số 10.

[22]X. Laudato si’, số 155: AAS 107 (2015), 909-910.

[23] X. Tông thư Misericordia et misera (20-11-2016), 20: AAS 108 (2016), 1325-1326.

[24]Gio-an Phao-lô II, Thông điệp Redemptoris missio (7-12-1990), 40: AAS 83 (1991), 287-288; Phan-xi-cô, Tông huấn Evangelii gaudium, 9-13AAS 105 (2013), 1022-1025..

[25]Va-ti-ca-nô II, Gaudium et spes, 22.