THÔNG ĐIỆP DEUS CARITAS EST: NHỮNG VIỄN TƯỢNG CHO THẦN HỌC BÁC ÁI

0
910

Giáo sư Rainer Gehrig

(Trích Thời sự Thần học, Số 92 tháng 5/2021)

Tác giả là giáo sư đại học San Antonio ở Murcia (Tây-ban-nha). Đây là bài thuyết trình tại cuộc hội thảo kỷ niệm 10 năm ban hành thông điệp Deus caritas est do Hội đồng Tòa Thánh “Cor unum” tổ chức tại Vatican vào các ngày 25-26/02/2006. Bài viết trình bày “thần học bác ái” như một ngành chuyên biệt của thần học, kết nạp những suy tư thần học về Tình yêu với những dữ kiện của khoa học nhân văn liên quan đến việc tổ chức công cuộc bác ái.

Nguồn: “The Encyclical Deus Caritas Est: Perspectives for a Theology of Charity”, in: Acts of The International Congress Love Never Fails Perspectives 10 years after the Encyclical Deus Caritas Est, Pontifical Council Cor Unum, Vatican City 2006, trang 105-121.

1. Thời nay, thần học bác ái được hiểu như thế nào?

1.1 Các hướng tiến của một ngành học đang phát triển

1.2 Những khó khăn hiện nay chung quanh chủ đề bác ái

1.3 “Cô bé lọ lem hay Người đẹp ngủ trong rừng” – sự vắng bóng thần học bác ái trong lĩnh vực suy tư, nghiên cứu và giảng dạy

2. Nền tảng thần học của tình yêu: đánh giá lại “Tình yêu” để suy tư thần học và thực tiễn về diakonia

2.1 Tình yêu: viễn tượng thông diễn khái niệm về thần học bác ái (DCE 3-11)

2.2 Hoạt động bác ái bắt nguồn từ Chúa Kitô

2.3 Chân tướng hoạt động bác ái của Hội thánh (DCE 31 tt)

3. Phải sống tình yêu như thế nào?

3.1 Viễn tượng lịch sử của thần học bác ái (DCE 20-26)

3.2 Viễn tượng trắc ẩn của thần học bác ái

3.3 Viễn tượng chứng tá của bác ái (DCE 31; 36 tt)

3.4 Viễn tượng đối thoại đại kết

4. Thần học bác ái như một khoa thần học chuyên biệt

————–

Viết tắt: DCE = Thông điệp Deus caritas est. CIV = Thông điệp Caritas in veritate

————–

Dẫn nhập

Cách đây mười năm, tôi đã có mặt tại đây, trong số những người tham dự Hội nghị Quốc tế về Bác ái (tháng Giêng năm 2006), trong tâm trạng háo hức chờ đợi thông điệp đầu tiên của ĐGH Bênêđictô XVI, đặc biệt là một thông điệp về bác ái. Những ai dõi theo chủ đề này sẽ thấy rằng, thông điệp đã nhìn nhận và vạch ra hướng đi cần thiết, bởi vì lĩnh vực thần học phục vụ bác ái vẫn còn thiếu phần suy tư về phía Huấn quyền Giáo hoàng (Pompey, 2007, tr.20). Trong buổi tiếp kiến ngay trước khi ban hành thông điệp, Đức Thánh Cha đã dành cho chúng tôi bài giới thiệu và hướng dẫn để hiểu được văn kiện của ngài: “Trong Thông điệp này, các chủ đề ‘Thiên Chúa’, ‘Đức Kitô’ và ‘Tình yêu’ được nối kết với nhau như bản chỉ dẫn trung tâm của đức tin Kitô giáo” (Bênêđictô XVI, 2006b). Về phía các nhà thần học có nhiều phản ứng khác nhau: có ý kiến coi Thông điệp như là “dấu mốc cho sự phát triển lâu dài về thần học bác ái” (Baumann, 2014, tr.111), “một chương trình thần học gợi hứng cho một thực hành canh tân của Giáo hội” (Pompey, 2007, tr.9). Trong thông điệp này, mặc dù mục đích của Đức Thánh Cha không phải là xác định những nguyên tắc cho môn thần học bác ái nhưng chúng ta có thể nhận thấy vài viễn ảnh căn bản. Cùng với thông điệp Caritas in Veritate được ban hành năm 2009, kể từ nay, tình yêu trong chân lý đã trở thành một đạo lý trung tâm cho sự phát triển của nền tảng thần học về công cuộc phục vụ bác ái của Giáo hội. Ở đây tôi sẽ trình bày một vài viễn tượng, nhưng không dám nói là tất cả mọi viễn tượng, lại càng không dám coi đó là quy phạm cho sự phát triển của thần học bác ái, mà chỉ là đề xuất về một cuộc đối thoại với những người lãnh đạo hoặc nhân viên trong lãnh vực hoạt động bác ái xã hội. Mục tiêu của tôi là thúc đẩy việc suy tư có hệ thống, được đặt nền tảng trên những giáo huấn và đào tạo thần học, liên quan đến hoạt động bác ái và các cấu trúc của Giáo hội.

1. Thời nay, thần học bác ái được hiểu như thế nào?

Trong thông điệp đầu tiên, Đức Bênêđictô XVI đã xác định điểm then chốt để trả lời cho câu hỏi này, từ phía Huấn quyền Giáo hội. Quan niệm thần học về bác ái xoay quanh đề tài tình yêu xét trong tương quan với Thiên Chúa và với con người, được Đức Giáo hoàng đề cập đến một cách thấu đáo bằng những luận cứ triết học, Kinh Thánh và thần học. Ngày nay, việc quay lại với trung tâm của vấn đề là điều cần thiết, bởi vì thần học bác ái đang bị chất vấn từ nhiều mặt, mà tôi sẽ nêu lên cách vắn tắt dưới đây.

1.1 Các hướng tiến của một ngành học đang phát triển

Các giáo trình truyền thống về “Thần học bác ái”, tựa như của cha Royo Marín (1963), trình bày vấn đề dưới góc độ của một nhân đức hướng Chúa (đức mến hoặc đức ái) dựa theo đạo lý của thánh Tôma: yêu mến Thiên Chúa, yêu mến bản thân yêu mến người thân cận. Các vấn đề được phân phối dựa theo lược đồ quen thuộc của luân lý tổng quát và luân lý chuyên biệt, thêm vào đó là danh sách các việc bác ái, những yếu tố tích cực cũng như những nết xấu đối nghịch. Lối trình bày này nhắm đến độc giả Kitô hữu, người có đức tin, đi tìm sự hướng dẫn có hệ thống và mang tính thần học. Xã hội cũng xuất hiện như là một đối tượng của đức ái dưới hình thức bác ái xã hội. Tác giả trình bày hệ thống phân minh cho một cá nhân muốn tăng trưởng trong nhân đức: thực hành Thế nào, Lúc nào, Bao lâu; nhưng lại ít đề cập đến những tiến trình đồng hành với một người nghèo khổ, những động lực đức tin để làm việc bác ái, các tổ chức hoạt động trong cộng đoàn của chúng ta, cách lên chương trình bác ái, và cách đương đầu với các nguyên nhân dẫn tới tình trạng nghèo đói và bất công cơ cấu trong thế giới toàn cầu hóa của chúng ta. Đối lại với việc giải thích mang tính luân lý truyền thống này để cắt nghĩa rõ ràng các đặc trưng thần học của sự phục vụ (diakonia) của Kitô giáo (Oriol Tataret, 2000, tr. 208-243), kể từ cuối thế kỷ XIX, đã nảy sinh nhu cầu suy tư về hoạt động bác ái có tổ chức trước bối cảnh của các xã hội công nghiệp hóa, Nhà nước phúc lợi chung, công việc tổ chức có khoa học hơn trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, sự phân tích thực trạng xã hội với những phương pháp thực nghiệm mới, cùng với nhu cầu chuyên nghiệp hóa công tác xã hội. Bối cảnh toàn cầu hóa hiện đại làm nảy sinh nhu cầu đào tạo và suy tư đã đưa đến, vào đầu thế kỷ XX bên Đức, việc thiết lập các Trung tâm nghiên cứu và đào tạo đặc thù về khoa Bác ái, cùng với sự phối hợp của các hoạt động bác ái, đầu tiên là ở cấp quốc gia (1897) rồi đến cấp giáo phận lấy tên là Caritas. Trong bối cảnh này, thần học bác ái được trình bày như là: “Một khoa học về bác ái đề cập đến nhân đức bác ái Kitô giáo, xét như nó được bày tỏ trong đời sống cộng đồng Kitô giáo, như là sự diễn tả tự phát do ý thức và ý muốn siêu nhiên của cộng đồng, như là một sự trợ giúp tự do và khẩn cấp cho cộng đồng này, được phát sinh nhờ sức mạnh và động lực siêu nhiên của lòng mến Chúa” (Keller, 1925, tr.45).

Là một môn học thực hành, thần học bác ái vận dụng các môn khoa học bổ trợ khác nhau (khoa học nhân văn), nó tiến hành một cuộc khảo sát lịch sử về hoạt động bác ái và phân tích những công tác bác ái được tổ chức dành cho những nhóm người nghèo khổ, trong khuôn khổ hợp tác với Nhà nước phúc lợi chung và các cơ quan từ thiện khác. Chúng ta nên lưu ý sự thay đổi từ lối tiếp cận luân lý cá nhân, chuyển sáng khía cạnh “cộng đồng” và “can thiệp tự do” trong một bối cảnh nhất định (Nhà nước phúc lợi chung và sự phối hợp dựa trên nguyên tắc bổ trợ). Trên cơ sở những kinh nghiệm và điều kiện trong lĩnh vực học thuật hàn lâm ở Đức, thần học bác ái phát triển thành một trong những ngành học bác ái được công nhận như một môn học chuyên biệt, như đã xảy ra với Giáo huấn Xã hội của Giáo hội, được giảng dạy trong các phân khoa thần học, nhất là sau Công đồng Vaticanô II. Việc so sánh các định nghĩa khác nhau của thần học bác ái (Pompey, 1997, 1999, 2001; Haslinger, 2004, 2009; Hilpert, 1997) có thể giúp tóm tắt một vài yếu tố chung giữa các tác giả:

  • Tất cả các tác giả đều đồng ý rằng, thần học bác ái / khoa học bác ái là một môn thần học có vai trò đặc biệt.
  • Nó thuộc lĩnh vực khoa học thực tiễn, khoa học hoạt động.
  • Phạm vi học tập và nghiên cứu là hoạt động bác ái của Hội thánh.
  • Nó đối thoại với các môn khoa học xã hội và nhân văn khác.
  • Việc nghiên cứu bao gồm những phân tích thực nghiệm và lý thuyết về các nội dung nổi bật của đức tin và truyền thống trong việc thực thi bác ái của cá nhân và cộng đồng, và các hình thức có tổ chức có liên hệ.

Ở châu Mỹ-Latinh và vùng Caribê, sự nhận thức ngày càng gia tăng về một thực tại kinh tế, chính trị xã hội và văn hóa được thể hiện và chia sẻ trong các tài liệu chung kết của các Hội nghị chung của các Giám mục Mỹ-Latinh, bắt đầu từ cuộc họp được tổ chức tại Medellín (1968), Puebla (1979) cho đến lần gần nhất ở Aparecida (2007), đã tạo ra một động lực mới trong việc đề ra lĩnh vực thần học bác ái. Nhận thức được sự bùng nổ người nghèo như là một sự kiện trầm trọng, thần học đã được hướng dẫn không chỉ trở về nguồn cội của tình yêu lân tuất, mà còn cần được cấu trúc với phương pháp luận riêng biệt (Scannone, 2000, tr.358tt.): sự hiểu biết về tình yêu – intellectus amoris (Sobrino, 1992, tr.47tt.). Tôi cũng mời gọi thực hiện một sự phân tích và suy tư tương tự đối với Á châu và Phi châu, nhằm cung cấp một bức tranh chi tiết về sự tiến triển của thần học bác ái trong bối cảnh của hai lục địa này.

1.2 Những khó khăn hiện nay chung quanh chủ đề bác ái

Vào thời nay, thần học bác ái đang phải đối diện với nhiều thách đố. ĐGH Bênêđictô XVI nhắc tới một vài khó khăn, bắt đầu từ các thuật ngữ tình yêu / bác ái trong các xã hội hiện đại (DCE 2). Chính vì thuật ngữ này bị lạm dụng nhiều nên cần phải làm sáng tỏ sự phong phú của khái niệm “tình yêu” để nó có thể bao gồm cả cuộc sống nhân sinh lẫn việc thực thi bác ái. Một khó khăn nữa liên quan đến các tiêu chuẩn đánh giá các lĩnh vực xã hội khác nhau, có ảnh hưởng đến khung cảnh của công việc phục vụ (diakonia). Một cách điển hình, có thể mô tả thông qua một mô hình hệ thống (Starnitzke, 1996), theo đó các hệ thống khác như: luật pháp (công lý / bất công), kinh tế (chi trả / không chi trả), y tế (bệnh tật / lành mạnh), khoa học (đúng / sai), chính trị (thống trị / không thống trị), v.v… những tiêu chuẩn này có thể chất vấn hoặc gạt ra bên lề những thứ lôgic trong các dịch vụ bác ái như là: sự ban tặng, cho không và chia sẻ, được hiểu không phải như sự trao đổi hỗ tương nhưng là sự thể hiện tình yêu thương xót của Thiên Chúa trong một cộng đồng yêu thương. Trong Deus Caritas Est, Đức Bênêđictô XVI dành nhiều đoạn cho khung cảnh chính trị (DCE 26-29), và phê bình chủ trương “trọng hoạt động và […] duy thế tục của rất nhiều Kitô hữu” (DCE 37) trong việc tham gia vào hoạt động bác ái, họ coi rẻ việc cầu nguyện như một động lực thúc đẩy tham gia đi làm bác ái. Trong thông điệp Caritas in Veritate, Đức Thánh Cha đã nêu bật các tiêu chuẩn đánh giá theo kinh tế, xã hội và văn hóa, và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải khôi phục tiêu chuẩn “yêu thương trong chân lý” như là liều thuốc giải độc và kế hoạch biến đổi xã hội. Đặc biệt trong lãnh vực công tác xã hội với sự chuyên nghiệp trong hình thức trợ giúp, người ta đang phát triển một thứ đạo đức chuyên nghiệp và một phương pháp làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội, kéo theo việc xây dựng một bối cảnh diễn giải, một dạng thông diễn riêng biệt, không còn tham chiếu về các khung cảnh đạo đức và tôn giáo nữa (Luhmann, 1973). Tự bản chất, tính tự trị này không phải là tiêu cực, tuy nhiên nó gây ra một kết quả mang tính thế tục khi được trình bày như đã vượt lên trên các mô hình luân lý và tôn giáo. Một câu hỏi được đặt ra như sau: liệu thần học bác ái có phải là một đóng góp cần thiết cho sự hiểu biết về công việc cứu trợ, đặc biệt khi thấy các tình trạng bất công mang tính cách cấu trúc và lan rộng khắp thế giới không? Cũng cần ghi nhận rằng, các công tác xã hội được tập trung vào những sự can thiệp được lập trình, giải quyết vấn đề, quản lý các trường hợp đặc biệt và cắt đứt khỏi các môi trường cộng đồng và sự sống. Việc phối kết thần học trong khuôn khổ công tác xã hội chuyên nghiệp gặp thách đố trong việc biện minh cho chỗ dừng của thần học trong lĩnh vực cam kết xã hội (Doležel, 2012; Krockauer; Bohlen & Lehner, 2006; Scales & Kelly, 2012; Singe, 2006), hay nói cách khác, đề xuất thần học như một môn học tham chiếu cần thiết hầu nâng cao chất lượng công tác xã hội chuyên nghiệp. Đặc trưng chính yếu của thần học này là bản chất Kitô giáo của nó, một điều vốn giả định sự phát triển của nó như là một ngành khoa học (tích hợp lý trí), sự hiện hữu của nó như một hệ quy chiếu cho dịch vụ xã hội (thực tiễn, tập trung vào lý thuyết được áp dụng trong hoạt động thực tiễn, các mô hình thực tiễn, phương pháp, v.v…) với lối tiếp cận theo bối cảnh (hoàn cảnh hiện sinh, xã hội và kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ xã hội), mang tính nền tảng, và bắt nguồn từ sự phục vụ (công bằng và nhân ái) cùng với một nền thần học mục vụ thực tiễn (Lechner, 2000, pp.219ff.).

1.3 “Cô bé lọ lem hay Người đẹp ngủ trong rừng” – sự vắng bóng của thần học bác ái trong lĩnh vực suy tư, nghiên cứu và giảng dạy

Liên quan đến các nước Đức, Pháp, Ý và Tây-ban-nha, các tác giả như Baumgartner (2002), Hermanns (1997), Haslinger (2009) và Gehrig (2015) đã bày tỏ mối quan tâm của họ về số lượng ít ỏi các trung tâm giảng dạy, nghiên cứu và suy tư về thần học bác ái tại các phân khoa thần học. Chẳng những không phải là một môn bắt buộc trong chương trình đào tạo, thần học bác ái bị giảm thiểu chỉ còn như một vài khóa nhiệm ý hoặc thậm chí không có trong chương trình học tập. Vai trò như “Cô bé lọ lem” của thần học, hoặc thậm chí là “Người đẹp ngủ trong rừng”, chắc chắn là không phù hợp với một chiều kích cốt yếu của Giáo hội. Do đó, với những viễn tượng mà tôi sẽ trình bày, tôi hy vọng sẽ khơi dậy hứng thú trong việc cổ võ vị thế cơ bản phải được thừa nhận của thần học bác ái, được canh tân bởi những đóng góp của Huấn quyền Giáo hoàng.

1.4 Tính cách đa nguyên khi bàn về các nền tảng thần học của hoạt động bác ái hay sự phục vụ (diakonia)

Hiện nay có rất nhiều cách đặt nền tảng thần học cho việc thực thi bác ái, hay sự phục vụ (diakonia), tùy thuộc vào truyền thống của các tôn phái khác nhau và lối tiếp cận của các tác giả (x. Rüegger, H. & Sigrist, C., 2014). Về phía Công giáo, điều quan trọng là phải đi vào đối thoại với các cách đặt nền tảng này để hiểu được những điểm chung, những khác biệt, và hướng tới một đề xuất thần học thực tiễn về đức tin hoạt động nhờ tình yêu (Gl 5,6). Việc suy tư về nền tảng thần học của hoạt động bác ái có thể tạo ra một nhiệm vụ chung cho thần học bác ái và giáo huấn xã hội của Hội thánh, bằng chứng là đã có nhiều cuộc hội thảo khác nhau được tổ chức tại Rôma trong những năm qua (Dal Toso & Schallenberg, 2014 y 2015; Schallenberg & Dal Toso, 2016), và tại những nơi khác nữa (Glatzel, and Pompey, 1991; Marx, 1999). Mặc dù không liên quan đến chuyện đang bàn, nhưng cần phải nói rằng các thông điệp xã hội của ĐGH Bênêđictô XVI cũng tượng trưng cho một thách đố đối với giáo huấn xã hội của Hội thánh dưới phương thức “yêu thương trong chân lý về những vấn đề xã hội – caritas in veritate in re sociali” (CiV 5), sự công bố chân lý về tình yêu của Chúa Kitô trong xã hội (Roos, 2015, p.13), sự xoay chuyển tri thức bổ túc “hai trật tự hiểu biết – duplex ordo cognitionis” (luật tự nhiên và mặc khải, Nothelle-Wildfeuer, 1991) thành “ba trật tự – triplex ordo”, qua việc nhìn nhận cho tình yêu một nguyên lý hiểu biết thần học (Rubio de Urquía & Pérez-Soba, 2014; Pérez-Soba, 2014). Do đó, thông điệp Deus Caritas Est trả lời cho các câu hỏi liên quan đến những nền tảng thần học về bác ái với một loạt các chỉ dẫn mang tính chiến lược:

a) Duy trì sự hợp nhất của tình yêu Thiên Chúa và nhân loại (eros/agape) như cột trụ của công cuộc phục vụ bác ái (DCE 3-11).

b) Đặt cội nguồn của hoạt động bác ái từ Đức Kitô (DCE 12-18).

c) Đề xuất một chân dung đặc thù của công tác bác ái của Hội thánh (DCE 25; 31ff.).

Sau đây chúng tôi sẽ khai triển những điểm vừa kể.

2. Nền tảng thần học của tình yêu: đánh giá lại “Tình yêu” để suy tư thần học và thực tiễn về diakonia

Kể từ sau thông điệp Deus caritas est, viễn tượng thứ nhất cho thần học bác ái là phân tích, miêu tả và hiểu biết các đặc điểm của tình yêu Kitô giáo dưới các chiều kích thần học, nhân học và thực tiễn. Trong phạm vi thực hành, viễn tượng này có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác bác ái phục vụ được nhìn như tình yêu của Kitô giáo có tổ chức.

2.1 Tình yêu: Viễn tượng thông diễn khái niệm về thần học bác ái (DCE 3-11)

Dưới viễn tượng thông diễn, thông điệp này buộc chúng ta phải suy tư, phục hồi và tái đánh giá, đặc biệt là khía cạnh ngữ nghĩa của “tình yêu” từ góc độ thần học, đồng thời cũng đối thoại liên tục với các ý nghĩa của nó theo những nền văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau của thời nay (DCE 22). Sự thông diễn này dựa trên đức tin để tìm kiếm sự thống nhất của khái niệm “tình yêu”, theo quan điểm của ĐGH Bênêđictô XVI, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về trọng tâm của đời sống con người cũng như cốt lõi của mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị. Thần học bác ái sẽ không thể tránh né công việc tư duy để hiểu biết sâu sắc về mối tương liên giữa các chiều kích khác nhau của tình yêu nhân loại từ góc độ thần học, dựa trên đức tin được ghi khắc trong gia sản Sách Thánh và sự diễn tả qua những kinh nghiệm hiện nay. Khởi đi từ những kinh nghiệm về đức tin của các Kitô hữu tiên khởi bén rễ trong truyền thống Kinh Thánh, từ đó tạo ra một trường ngữ nghĩa mới của khái niệm agape để diễn tả tình yêu được sẻ chia, nhận được từ Thiên Chúa trong sự hiện diện của Đức Kitô thông qua Chúa Thánh Linh, một tình yêu tạo nên cộng đồng và làm biến đổi cuộc sống của cá nhân cũng như xã hội. Dưới viễn tượng thông diễn, thần học bác ái không những phải đi vào cuộc đối thoại với những suy tư và đóng góp của triết học (Hildebrand, 1971; Kuhn, 1975; Lotz, 1979; Pieper, 1972), mà còn với những suy tư và đóng góp của thần học Tin Lành (chẳng hạn: Jeanrond, 2010; Knauber, 2006; Stock, 2000; Wischmeyer, 2015), tâm lý học (Fromm, 1967; Sternberg, 1989) và xã hội học (Beck & Beck-Gernsheim, 2001; Kuchler & Beher, 2014; Luhmann, 1982), mặc dù nó vẫn tập trung vào lối tiếp cận thần học và sự nối kết với việc thực thi bác ái. Thông điệp này đóng góp vào nhiệm vụ ấy khi nhấn mạnh đến khả năng yêu thương vốn đã thấm sâu vào bản tính con người. Đó là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt khi có những khuynh hướng muốn thay thế thuật ngữ “bác ái” bằng “liên đới” hoặc “công bình” trong lãnh vực đạo đức xã hội và dấn thân xã hội.

2.2 Hoạt động bác ái bắt nguồn từ Chúa Kitô

Thông điệp này chứa đựng rất nhiều điều liên hệ giữa Chúa Kitô với tình yêu tự nhiên và siêu nhiên cùng với việc thực thi bác ái của Giáo hội. Thật vậy, điều răn yêu thương người thân cận được ghi khắc trong chính bản tính con người, vốn được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (DCE 31). Viễn tượng nhân học trên bình diện tự nhiên giúp cho sự mở rộng đến việc cộng tác với các người khác: sự hiện diện của Đức Giêsu nơi người nghèo, sự đồng hóa Người với họ (Mt 25,40) đã hòa nhập ở nơi Người lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận (DCE 15).

Trong Chúa Kitô, chúng ta hiểu được sự khiêm hạ của mình trong việc phục vụ, mà đỉnh cao là hành vi tự trao hiến: “Tôi phải là một nhân vị hiện diện ở trong món quà của tôi” (DCE 34). Từ cuộc gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, tôi học cách nhìn người thân cận từ góc độ của Chúa Giêsu Kitô (DCE 18). Đức Thánh Cha ý thức rằng, hình thức yêu thương người thân cận cách triệt để như thế đòi hỏi cần có sự nuôi dưỡng tinh thần, một mối liên hệ sống còn với hai chiều kích khác của Giáo hội là leiturgia (phụng vụ) và martyria (chứng nhân), và đòi hỏi thần học bác ái phải bao gồm viễn tượng của linh đạo. Theo các nhà nghiên cứu chuyên sâu về tư tưởng thần học của Joseph Ratzinger tựa như giáo sư Menke, thì đối với Đức Thánh Cha, điều quan trọng là phải tiếp tục lập luận của huấn thị Dominus Jesus, kết hợp tình yêu, eros và bác ái với Kitô học:

“Cùng với hoạt động bác ái của mọi Kitô hữu, việc bác ái của Hội thánh trước hết phải được hiểu như là sự thông dự vào tình yêu của Đấng Cứu Độ chịu đóng đinh, hay hơn nữa, như là việc được bao hàm trong tiến trình làm cho Chúa Kitô hiện diện (representatio Christi). Nếu chúng ta chỉ hiểu việc trợ giúp như là sự áp dụng, hệ luận hay bắt chước tình yêu của Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ chỉ có một kế hoạch chính trị hay ý thức hệ để cải thiện các điều kiện sống của một nền văn hóa hay của nhân loại nói chung” (Menke, 2008, p.57).

Việc tạo ra một phong cách cộng đồng đặc thù, tình huynh đệ nội bộ, bao hàm việc mở rộng sứ mạng ad extra (hướng ra bên ngoài) của Hội thánh, được cấu thành do sứ mạng làm cho Chúa Kitô hiện diện (representatio Christi). Trong phần thứ hai của thông điệp, lối tiếp cận Kitô học này cho phép hiểu rõ hơn tầm quan trong của Hội thánh xét như là cộng đồng yêu thương, một nơi không còn nghèo đói (DCE 20), cùng với việc phê bình việc chiêu dụ vào đạo (proselytism). Các tác phẩm của Koch vào năm 2010 và 2012 đã bổ túc việc phân tích chiều kích Kitô học được gói ghém trong thông điệp này: “Trong các tổ chức bác ái, Thiên Chúa và Đức Kitô không phải là những lời ngoại lai; trên thực tế, chúng vạch ra nguồn gốc sơ khai của việc bác ái của Hội thánh. Sức mạnh của Caritas phụ thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả các thành viên và cộng tác viên” (Benedict XVI, 2006b).

Căn nguyên Kitô-luận như vậy không thể nào được hiểu đầy đủ nếu không xem xét nền tảng của nó trong Tam vị Chí thánh. Thông điệp đề cập đến nền tảng này ngay từ đầu xét như một nền tảng thần học, và trong DCE 19, nó được dùng như là tham chiếu cho hoạt động bác ái của Hội thánh. Các lý do này tập trung vào thực tại của Thánh Linh, từ đó làm nảy sinh tình yêu của Hội thánh xét như chiều kích hướng nội ad intra (sự hiệp nhất của cộng đoàn) và hướng ngoại ad extra (phục vụ người nghèo). Chúng ta vẫn còn cần thêm một lời giải thích rộng hơn về tầm quan trọng của nền tảng này đối với việc thực thi bác ái và suy tư thần học về bác ái.

2.3 Chân tướng hoạt động bác ái của Hội thánh (DCE 31ff)

Trong mục này, vai trò của thần học là tập trung vào các đặc điểm của sự trợ giúp bác ái trong tổ chức bác ái của Hội thánh xét như công tác đặc thù opus proprium (DCE 29ff). Ở mục trước, chúng tôi đã đề cập đến chân tướng độc đáo của việc trợ giúp bác ái xét trong tương quan với Nhà nước. Về khía cạnh này, Đức Thánh Cha cũng cảnh báo về nguy cơ sẽ rơi vào ý thức hệ muốn giải quyết mọi vấn đề của thế giới. Mặc dù có thể hiểu rằng – đặc biệt ở các Quốc gia có bộ máy chính quyền rất yếu kém hay siêu tham nhũng – Giáo hội dường như là không gian duy nhất cổ võ sự phát triển xã hội, với nguy cơ là những cấu trúc của chúng ta có thể biến thành các bộ phục vụ cho sự phát triển. Chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng những lý lẽ thuận lợi và bất lợi, suy tư về vị trí của Giáo hội trong tình huống này, xem xét các chọn lựa thay thế hiện có và cách thức bảo tồn căn tính của Giáo hội.

Tương ứng với Agape ám chỉ chính Thiên Chúa, được mô tả trong phần đầu của thông điệp, phải được đáp trả bằng agape của Giáo hội. Agape làm nên bản tính của Giáo hội (DCE 25), được thể hiện qua ba nhiệm vụ (kerygma-martyria, leiturgiadiakonia). Đức Thánh Cha còn đi xa hơn khi nhấn mạnh rằng đây không chỉ là hoạt động bác ái, nhưng là toàn thể Hội thánh được nhìn như một không gian và một mối quan hệ đặt nền trên agape (các bí tích, lời nói, việc loan báo Tin mừng, các tổ chức, v.v…). Hội thánh là chủ thể của agape, từ các Giáo hội địa phương đến Giáo hội hoàn vũ (DCE 32). Những chỉ dẫn cơ bản về cấu trúc việc phục vụ của Giáo hội, vốn thuộc trách nhiệm của Giám mục trong các Giáo hội địa phương, cần tương ứng chính xác với tính Giáo hội của tình yêu (ecclesiality of love), được hoàn chỉnh bởi Tự sắc Intima Ecclesiae natura (2012). Chúng ta có thể tóm tắt lối tiếp cận thứ nhất này như là trách nhiệm mang tính thể chế phải sống như một cộng đồng yêu thương đích thực, một Giáo hội xét như Thân thể Chúa Kitô, bí tích của tình yêu và lòng thương xót. Những đặc tính tiếp theo đây sẽ đưa chúng ta đến gần sự hiểu biết về việc thực thi bác ái hơn.

3. Phải sống tình yêu như thế nào?

Thần học bác ái không chỉ mô tả một cách lý thuyết về các khía cạnh nền tảng của đức bác ái xét như tình yêu Thiên Chúa, nhưng nó còn bị thách thức bởi câu hỏi thực tiễn về cách thức sống tình yêu này trong thế giới hôm nay như thế nào, trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, trong các công tác phục vụ bác ái và trong các cộng đồng yêu thương.

3.1 Viễn tượng lịch sử của thần học bác ái (DCE 20-26)

Từ số 20 đến số 26, Thông điệp DCE trình bày tổng quan về nguồn cội lịch sử của hoạt động bác ái của Hội thánh. Điều này muốn cho thấy rằng thần học bác ái có thể và cần phải dựa trên truyền thống lịch sử của Hội thánh, để nhờ đó mà lưu giữ sức sống của truyền thống phong phú về việc thực thi bác ái. Truyền thống phong phú này báo hiệu khả năng sáng tạo để tái đổi mới tình yêu của Hội thánh, sức mạnh vĩnh cửu mà Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta trong các thời kỳ chịu bách hại, chối bỏ, khủng hoảng nhân loại và thế giới. Điều thú vị là vào đầu thế kỷ XX, với việc tái thiết lập thần học bác ái tại Đức, được đánh dấu bởi sự phát triển của công nghiệp hóa và Nhà nước phúc lợi chung, một trong những trụ cột của việc tổ chức môn học mới này là cuộc nghiên cứu di sản lịch sử của truyền thống bác ái Kitô giáo, đặc biệt của Giáo hội Công giáo. Khởi đi từ di sản của thế kỷ XIX và XX này, với khá nhiều tác phẩm đã được xuất bản, ngày nay chúng ta có trách nhiệm tiếp tục mở rộng kiến thức phong phú ấy với những thành tựu được cập nhật và với những tiến bộ gần đây trong các lĩnh vực khoa học lịch sử, để duy trì sức sống của ý thức về lịch sử, cũng như tầm quan trọng của nó đối với thực tiễn hiện nay.

3.2 Viễn tượng lòng trắc ẩn của hoạt động bác ái dựa trên sự hợp nhất của tình yêu (Eros + Agape)

Sự hợp nhất của eros / agape (DCE 5 và 6), được ĐTC Bênêđictô XIV nêu bật, phải là một yếu tố nằm trong chân tướng của cuộc phục vụ bác ái của Giáo hội dành cho người nghèo (Pompey, 2006; 2007, tr.56tt.). Thật vậy, bên cạnh lý trí và khả năng chuyên môn, sự can thiệp bác ái cần bao gồm cả Eros nữa. Eros này đã hiện diện trong các đoạn Kinh thánh mô tả một vị Thiên Chúa yêu thương dân Người (DCE 11), gây nên lòng xúc động sâu sắc. “Eros” của Thiên Chúa không chỉ là một năng lực vũ trụ nguyên khởi; nó là chính tình yêu đã dựng nên con người và cúi mình xuống trên con người, giống như người Samaritanô nhân hậu cúi mình xuống với kẻ bị cướp và bị thương nằm bên vệ đường trên con đường từ Giêrusalem đến Giêricô (ĐTC Beneđictô XVI, 2006b). Trong Chúa Giêsu Kitô, tình yêu Thiên Chúa trở nên tình yêu trao hiến. Sự trao nộp này được cử hành và hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, Sacramentum Caritatis. Sự biến đổi trong Bí tích Thánh Thể dẫn đến sứ mạng trợ giúp bác ái, được hiểu như là sự biến đổi giữa các cá nhân nhằm mang lại tính liên tục cho cuộc trao nộp của Chúa Kitô. Sự hợp nhất của eros / agape làm cho các mối quan hệ trong Chúa Thánh Linh trở nên năng động. Trên thực tế, người nghèo không chỉ muốn có sự chỉ dẫn (nội dung), sự giúp đỡ vật chất, hay mối quan tâm chuyên nghiệp. Họ còn muốn có một mối liên hệ cá nhân, tình cảm và thể lý (miseri cor dare) (DCE 34): bạn có tin vào những khả năng của tôi không? Đức tin của chúng ta là một lòng tin mang tính tương quan trong Chúa Giêsu Kitô, và các nội dung của đức tin chỉ có thể hiểu được thông qua mối tương quan bác ái này (Pompey, 2006, p.119).

3.3 Đào luyện con tim – Viễn tượng chứng tá của bác ái (DCE 31; 36tt)

Công cuộc cứu trợ trực tiếp và cấp thời cần phải được thực hành và tổ chức cách chuyên nghiệp và trách nhiệm. ĐTC còn thêm một đặc điểm nữa là sự cần thiết của việc đào luyện con tim (DCE 31tt). Tôi nghĩ rằng đây là điều Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh trong phần thứ hai, và thần học bác ái giữ một vai trò quan trọng: tìm kiếm các chương trình đào luyện nhằm giúp cho các nhân viên trong tiến trình phát triển cá nhân và trong việc tăng trưởng đức tin, ngõ hầu họ có thể sống cuộc gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng giúp họ có khả năng làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa trong các mối quan hệ phục vụ này một cách chân thực, chứ không bị áp đặt hoặc giả tạo. Không nên hiểu việc đào luyện con tim như một kỹ thuật truyền thông, nhưng là sự hiện diện cá nhân được đức tin thúc đẩy. Việc đào luyện tinh thần và đời sống tâm linh trong các mối quan hệ trợ giúp, việc thực hành đức tin trong cộng đồng yêu thương vốn được nuôi dưỡng từ cội nguồn của nó, tất cả làm nên một nền văn hóa làm chứng về tình yêu thương xót của Thiên Chúa, về bản chất riêng tư và vô vị lợi của tình yêu đó.

Chúng ta cần có sự nghiên cứu, việc đào tạo các nhà đào tạo, tiến trình đồng hành, các không gian được chia sẻ, nguồn lực và thời gian dành cho nhiệm vụ này, để có thể cảm nghiệm tốt hơn tình yêu của Đức Kitô đang thúc bách chúng ta (2 Cr 5,14). Trong một xã hội tách xa Giáo hội, nhưng đồng thời đó lại là nơi chúng ta duy trì mạng lưới rộng lớn của các cuộc phục vụ bác ái, chúng ta đang thiếu một lượng người có khả năng mong muốn cộng tác trong những kinh nghiệm này, và với nền văn hóa tình yêu này. Do đó, điều quan trọng không kém là tạo ra các khu vực để loan báo Tin mừng từng bước một trong các cấu trúc của chúng ta, hoàn toàn tôn trọng tự do cá nhân, nhưng luôn cho biết chúng ta là ai và chúng ta chia sẻ điều gì.

Trong công cuộc giải thích này không thể nào thiếu mẫu gương của các vị thánh có lòng bác ái, xét như phần thiết yếu của di sản sống động này, đặc biệt là Đức Maria, Thân mẫu của Chúa (DCE 40-42). Tuy nhiên, đây không chỉ là ký ức thuần túy lịch sử, các thánh còn đồng hành với chúng ta về mặt tâm linh, chúng ta có thể chia sẻ cuộc sống của các ngài. Cuộc sống của các ngài cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các tổ chức lâu bền, các đặc sủng được canh tân, chẳng hạn các Hiệp Hội thánh Vinh Sơn Phaolô kể từ thế XVII đã nảy sinh một gia đình bác ái.

3.4 Viễn tượng đối thoại đại kết về thần học bác ái

Thông điệp đã gây được tiếng vang lớn nơi các Giáo hội khác, và nó tái khẳng định sự cởi mở và hợp tác trong lĩnh vực này, bởi vì trong Kitô giáo, chúng ta chia sẻ di sản chung về Kinh thánh và Kitô học, thậm chí về các khía cạnh Giáo hội học (Pompey, 2006, p.113; Pompey, 2007 pp.143ff.). Đức Thánh Cha mời gọi sự cởi mở đại kết với diakonia bên Giáo hội Tin Lành và philanthropia bên phía Giáo hội Chính thống, và kể cả đối thoại liên tôn liên quan đến chủ đề lòng từ bi và tình yêu. Về vấn đề này, ta thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ các dự án nghiên cứu; các hội nghị, sự hợp tác cụ thể ở cấp địa phương và các dự án hợp tác quốc tế.

4. Thần học bác ái như một khoa thần học chuyên biệt

Bằng những cử chỉ khác nhau, triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI và của Đức Phanxicô hiện nay đã cho thấy vai trò then chốt của tình yêu trong đời sống Kitô giáo và trong sứ mạng loan báo Tin mừng của Giáo hội ngày nay. Sự chuyển hướng về tâm điểm đức tin Kitô giáo bao gồm nỗ lực thực hiện việc làm chứng và tổng hợp toàn bộ căn tính của Giáo hội trong mối tương liên giữa leiturgia, martyriadiakonia ở thời đại chúng ta. Suy tư sâu sắc của thông điệp về mối liên hệ giữa công bằng và bác ái (DCE 26-29) không chỉ giúp hiểu được mối tương liên giữa công bằng và bác ái hay giúp bảo vệ tự do tôn giáo trong hoạt động bác ái độc lập. Nó còn giúp phân định giữa sứ mạng của Giáo hội trong việc thiết lập một trật tự công bằng thông qua việc hướng dẫn lương tâm nhờ các nguyên tắc được diễn tả trong Giáo huấn Xã hội của Hội thánh, với các nghĩa vụ của Nhà nước và của chính trị.

Chính các tín hữu giáo dân dấn thân vào xã hội là những người giữ vai trò chủ yếu trong lĩnh vực này, nhờ được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Giáo huấn Xã hội (thực thi công bằng). Nhưng đối với Giáo hội, công tác riêng biệt opus proprium trên hết vẫn là việc phục vụ bác ái trong cộng đồng yêu thương, với những đặc điểm đặc thù của nó, như đã thấy trong các mục trước. Theo tôi nghĩ, để có thể diễn tả bản chất sâu xa nhất của Giáo hội cần dành một không gian đặc thù cho việc suy tư, nghiên cứu, đào luyện và định hướng, ngõ hầu Giáo hội, qua các tổ chức Caritas của mình cũng như các tổ chức khác tham gia bác ái, có thể:

a) Đưa ra một đáp ứng hữu hiệu đối với nhu cầu đào luyện con tim của các thành viên (DC 31a), trong bối cảnh của một cuộc phục vụ có tổ chức trong một xã hội phức tạp với nhiều tác nhân khác nhau.

b) Liên tục cải tiến công cuộc phục vụ chứng tá có tổ chức.

c) Thiết lập một cuộc đối thoại trên cơ sở khoa học với các ngành khoa học nhân văn khác, tập trung vào việc thực hành bác ái và cách thức tổ chức.

d) Thúc đẩy sự phát triển của lối tiếp cận khoa học cụ thể (tình yêu được hiểu như là nguyên lý tri thức luận).

e) Đảm bảo sự kết nối liên tục với thần học và Giáo hội dựa trên kinh nghiệm thực tiễn.

f) Tăng cường sự hợp tác liên ngành với các bộ môn thần học có liên quan đến tình yêu.

Sau đây, tôi sẽ trình bày chi tiết về các yếu tố đặc biệt của ngành học này bằng biểu đồ bên dưới, dựa trên những suy tư trong thông điệp Deus Caritas Est cũng như những đóng góp của các bạn đồng nghiệp từ Freiburg và Olomouc.

Trong sơ đồ khái niệm này, thần học bác ái mang nghĩa tạo điều kiện thuận lợi cho nền tảng thần học của việc thực thi bác ái trong chân lý. Nền tảng này khởi đi mặc khải của Thiên Chúa Tam vị xét như một cộng đồng yêu thương. Những đóng góp chính của thần học về mầu nhiệm này (thần học hệ thống) và triết học hỗ trợ cho sự hiểu biết thiên về ý tưởng tình yêu và mối liên hệ giữa nó với nhân học. Phần này sẽ cung cấp những nền tảng thần học cho sự phục vụ bác ái của cộng đồng yêu thương.

Biểu đồ tiếp tục với sự phát triển theo hai chiều kích: các chiều kích hiện sinh và các chiều kích luân lý cùng với các khoa học và chức năng tương ứng, bao gồm cả những nền tảng khoa học khác nhau.

Duy trì một cuộc đối thoại sống động liên ngành giữa thần học với các các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác về bản chất của tình yêu / bác ái; vai trò của nó xét như một phạm vi thần học; phạm vi của nó xét như một năng lực biến đổi, ở cấp độ cá nhân cũng như trong cộng đồng; khả năng “đối nội” của nó xét về mặt tri thức luận (đối với đức tin và thực tại Giáo hội), và cả “đối ngoại” trong việc phân tích xã hội với những nhiệm vụ của nó.

Kế đó, biểu đồ này đi xuống các mục tiêu theo hai chiều bổ sung của nó, được thể hiện trong kinh nghiệm và cách diễn đạt Kinh Thánh, cũng như trong hoạt động bác ái của Kitô giáo, đồng thời đáp trả cho một tầm nhìn nhân học toàn diện.

Biểu đồ chủ yếu phản ánh bản chất liên ngành của thần học bác ái, không chỉ dừng lại ở phần thứ nhất liên quan đến nền tảng thần học: khởi đi từ nội dung lý thuyết này, điểm đến của nó là phân tích việc thực hành cụ thể trong các tổ chức được kết hợp bởi sự suy tư phê bình, và cùng nhau xây dựng các việc thực hành tốt nhất để sự phục vụ bác ái ngày càng trở nên chứng tá đích thực của tình yêu Thiên Chúa.

Biểu đồ 1: Sơ đồ ý niệm của Thần học Bác ái

– MẶC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA XÉT NHƯ MỘT CỘNG ĐỒNG TAM VỊ CỦA TÌNH YÊU TRONG ĐỨC GIÊSU KITÔ

– THẦN HỌC & TRIẾT HỌC (SUY TƯ VÀ GIÁO HUẤN VỀ THIÊN CHÚA TÌNH YÊU)

– NHÂN HỌC NHẬP THỂ (GIÁO HUẤN VỀ NHÂN LOẠI)

 

CÁC NỀN TẢNG CỦA TÁC VỤ BÁC ÁI TRONG CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG

Các chiều kích hiện sinh / hữu thể của tác vụ bác ái

Các chiều kích luân lý
của tác vụ bác ái

Thần học thực hành bác ái

 

Chức năng cấu tạo

 

 

Trợ giúp và chữa lành về mặt tâm linh – hiện sinh

Các khoa học nhân văn

 

Chức năng hỗ trợ

 

Trợ giúp và chữa lành về mặt thể lý – y tế, tâm lý, xã hội – vật chất

Luân lý cá nhân

 

 

Chức năng hướng dẫn

 

Hướng dẫn đạo đức cá nhân

Luân lý xã hội

 

 

Chức năng đồng hành

 

Cải thiện về mặt cấu trúc các điều kiện sống

Tình yêu trong Chân lý – hoàng đạo của thần học về
Tác vụ và Cộng đồng Yêu thương

Sức mạnh của Tình yêu

Nền tảng khoa học

 

Thần học Tín lý, Tâm linh,

Mục vụ, Truyền giáo

Nền tảng khoa học

Các khoa học Tự nhiên và Xã hội (Y khoa, Tâm lý học, Sư phạm, Công tác Xã hội, v.v…)

Các quy tắc cơ bản về khoa học

Thần học Luân lý,

đặc biệt là Luân lý các nhân đức

 

Các quy tắc cơ bản về khoa học

 

GHXH và Luân lý Xã hội (các Thông điệp Xã hội)

Mục tiêu

Hòa giải và Canh tân:

– Sức mạnh cho cuộc sống, sinh lực đời sống, lòng can đảm và động lực.

– Ý nghĩa của cuộc sống, các quan niệm sống, lối sống.

 

Hỗ trợ thông qua:

– Kinh nghiệm đức tin

– Rèn luyện Niềm Hy vọng, và

– Tình yêu

trong các mối quan hệ đối mặt hay “các Cộng đồng yêu thương” trong các giáo xứ thông qua:

– Chia sẻ về Cuộc sống

– Chia sẻ về sự Đau khổ, và

– Chia sẻ về Đức tin.

 

Mục tiêu

Phục hồi và bảo tồn các yếu tố thiết yếu của cuộc sống trong các chiều kích khác nhau của nó:

– thân thể,

– nhận thức,

– tâm thần,

– xã hội,

– vật chất,

– chính trị.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục tiêu

Bảo tồn theo hệ thống vi mô các giới hạn luân lý trong lĩnh vực các tác vụ bác ái và trong lối sống của người thụ hưởng:

– Không nói dối,

– Không lừa đảo,

– Không bóc lột lợi dụng,

– Không lạm dụng ngược đãi,

– Không phá hoại.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mục tiêu

Các nguyên tắc xã hội theo hệ thống vĩ mô cho lối sống này:

– Thiện ích chung

– Tình liên đới

– Bổ trợ

Trật tự cuộc sống và sự bảo tồn các điều kiện đời sống:

– vật lý

– sinh học

– xã hội

– kinh tế, và

– chính trị.

 

 

 

 

 

 

 

 

Các Định hướng theo Kinh Thánh

 

Các Hoạt động Tâm linh về Lòng thương xót, Các Đặc sủng của Thánh Linh, và “Bài ca Đức Ái” (1 Cr 13).

Các Định hướng theo Kinh Thánh

 

Các Hoạt động Thể lý về Lòng thương xót, Diễn từ về Cuộc Phán xét Chung thẩm (Mt 25,31-46), Người Samaritanô Nhân hậu (Lc 10,25-37).

Các Định hướng theo Kinh Thánh

 

Mười Điều Răn

 

 

 

Các Định hướng theo Kinh Thánh

 

Các Mối phúc trong Bài giảng trên núi (Mt 5,3-12).

 

 

THỰC THI SỨ VỤ BÁC ÁI TRONG CỘNG ĐỒNG YÊU THƯƠNG

——————————————-

THƯ MỤC

Baumann K. (2014), Die katholische lehr­amtliche Position zur Sorge um die Armen und Bedrängten aller Art, In C. Sigrist & H. Rüegger (Eds.), Helfendes Handeln im Span­nungsfeld theologischer Begründungsan­sätze, TVZ, Zürich, 2014, pp.111-122.

Baumgartner I. (2002), Kann man Men­schennähe durch ein Studium der Caritaswissenschaft lernen? Herausforderungen der Caritaspraxis heute, In S. Demel, L. Gerosa, P. Krämer & L. Müller (Eds.), Im Dienst der Gemeinde, Wirklichkeit und Zukunfts­gestalt der kirchlichen Ämter, LIT, Münster, 2002, pp.272-284.

Beck U. & Beck-Gernsheim E. (2001), El nor­mal caos del amor, Las nuevas formas de la relación amorosa, Paidós, Barcelona, 2001.

Benedetto XVI (2006a), Encíclica Deus ca­ritas est sull’amore cristiano, in AAS 98,3 (2006), 217-252.

Benedetto XVI (2006b), Discorso del San­to Padre Benedetto XVI ai partecipanti ad un congresso internazionale organizzato dal Pontificio Consiglio Cor Unum (23 gennaio 2006), Tratto da http://w2.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2006/january/documents/hf_ben-xvi_spe_20060123_cor-unum.html

Benedetto XVI (2012), Lettera Apostólica in forma di Motu Proprio Intima ecclesiae na­tura sul servízio della carita, Librería Editrice Vaticana, Roma, 2012.

Dal Toso G. P. & Schallenberg P. (Eds.) (2014), Nächstenliebe oder Gerechtigkeit. Zum Ver­hältnis von Caritastheologie und Christlicher Sozialethik, Schöningh, Paderborn, 2014.

Dal Toso G. P. & Schallenberg P. (Eds.) (2015), Iustitia et caritas. Soziallehre und Diakonie als kirchlicher Dienst an der Welt, Schöningh, Paderborn, 2015.

Dolezel J. (2012), Cirkevni socidlni prdce na pozadi encykliky Deus caritas est, Palacky University Publishing House, Olomuc, 2012.

Fromm E. (1967),El arte de amar, Paidös, Bu­enos Aires, 1967. Traduzione italiana: L’arte d’amare, II Saggiatore, Arnoldo Mondadori Editore, 1963.

Gehrig R. (2015), Training and formation on Caritas-Theology (CT) and Catholic Social Teaching (CST), In G. P. Dal Toso, H. Pompey, R. Gehrig & J. Dolezel, Church Caritas Ministry in the Perspective of Caritas-Theo­logy and Catholic Social Teaching Palacky University, Olomuc, 2015, pp.91-123.

Glatzel N„ & Pompey H. (Eds.), Barmherzig­keit oder Gerechtigkeit? Zum Spannungsfeld von christlicher Sozialarbeit und christlicher Soziallehre, Lambertus, Freibürg.

Haslinger H. (2004), Was ist Caritaswissen­schaft? Theologie und Glaube, 94(2), 2004,

145-164.

Haslinger H. (2009), Diakonie. Grundlagen für die soziale Arbeit der Kirche, Schöningh, Paderborn, 2009.

Heim M„ & Pech J. C. (Eds.) (2013), Zur Mitte der Theologie im Werk von Joseph Ratzinger / Benedikt XVI. (Ratzinger Studien Vol. 6), Friedrich Pustet, Regensburg, 2013.

Hermanns M. (1997), Die Verknüpfung von Sozialethik und Caritaswissenschaft bei Heinrich Weber. Jahrbuch für Christliche So­zialwissenschaften, 38,1997,92-114.

Hildebrand D. v. (1971), Das Wesen der Liebe. Gesammelte Werke Vol III, Regensburg, 1971.

Hilpert K, (1997). Caritas und Sozialethik. Elemente einer theologischen Ethik des Helfens, Ferdinand Schöningh, Pader- born-München-Wien-Zürich, 1997.

Jeanrond W.G. (2010), A Theology of Love, T&T Books, London, New York, 2010.

Keller F. (1925), Caritaswissenschaft, Herder, Freiburg, 1925.

Knauber B. (2006), Liebe und Sein: Die Aga­pe als fundamentalontologische Kategorie, Walter de Gruyter, Berlin, New York, 2006.

Koch K. (2010), Das Geheimnis des Senfkorns. Grundzüge des theologischen Denkens von Papst Benedikt XVI (Ratzinger Studien V0I.3), Friedrich Pustet, Regensburg, 2010.

Koch K. (2012), Die Offenbarung der Lie­be Gottes und das Leben der Liebe in der Glaubensgemeinschaft der Kirche, In: M. C. Hastetter & H. Hoping (Eds.), Ein hörendes Herz: Hinführung zur Theologie und Spiritu­alität von Joseph Ratzinger / Papst Benedikt XVI Friedrich Pustet, Regensburg, 2012, pp.21-51.

Krockauer R„ Bohlen S. & Lehner, M. (Eds.) (2006), Theologie und Sozialer Arbeit. Hand­buch fürs Studium, Weiterbildung und Beruf, Kösel, München, 2006.

Kuchler B. & Beher S. (Eds.) (2014), Soziologie der Liebe: romantische Beziehungen in theo­retischer Perspektive, Suhrkamp, Berlin, 2014.

Kuhn H. (1975), Liebe. Geschichte eines Be­griffs, Kösel, München, 1975.

Lechner M. (2000), Theologie in der Sozia­len Arbeit. Begründung und Konzeption einer Theologie an Fachhochschulen für Soziale Arbeit, Don Bosco, München, 2000.

Lotz J. B. (1979), Die Drei-Einheit der Liebe. Eros – Philía – Agápe, Knecht, Frankfurt a.M., 1979.

Luhmann N. (1982), Liebe als Passion. Zur Kodierung von Intimität Suhrkamp. Frank­furt. Traduzione italiana: L‘amore come passione, Mondadori, 2008.

Luhmann N. (1973), Formen des Helfens im Wandel gesellschaftlicher Bedingungen, In H. W. Otto & S. Schneider (Eds.), Gesellschaft­liche Perspektiven der Sozialarbeit. Vol.i, Luchterhand, Neuwied, 1973, pp.21-43.

Marx R. (1999), Social Doctrine of the Church and Charity, In Pontifical Council Cor Unum (Ed.), Acts of the World Congress on Charity, Vatican City, 1999, pp. 152-176.

Menke K.-H. (2008), “Die Liebe Christi drängt uns”. Der theologische Ort der Enzyklika Deus Caritas est, In P. Klasvogt & H. Pom- pey (Eds.), Liebe bewegt… und verändert die Welt. Programmansage für eine Kirche, die liebt. Eine Antwort auf die Enzyklika Papst. Benedikts XVI. Deus caritas est, Paderborn, Bonifatius, 2008, pp.47-66.

Nothelle – Wildfeuer U. (1991), Duplex ordo cognitionis – Zur systematischen Grundle­gung einer katholischen Soziallehre im An­spruch von Philosophie und Theologie, Fer­dinand Schöningh, Paderborn, 1991.

Oriol Tataret A. M. (2000), Diaconía cristiana y Estado social del derecho, In Corintios XIII: Revista de teología y pastoral de la caridad, 95, 2000, 207-356.

Pérez Soba J. J. (2014), Creer en el amor. Un modo de conocimiento teológico, BAC, Madrid, 2014.

Pieper J. (1972), Über die Liebe, Kösel, Mün­chen, 1972.

Pompey H. (1997a), Caritas als lebensteilige, freie Vergeblichkeit: Caritas-philosophische Grundlagen des Helfens, In H. Pom­pey (Ed.), Caritas – Das menschliche Gesicht des Glaubens: Ökumenische und internatio­nale Anstöße einer Diakonietheologie, Ech­ter, Würzburg, 1997, pp. 72-91.

Pompey H. (1997b), Spiritualität und Praxis der Diakonie des Helfens und Heilens, In H. Pompey (Ed.), Caritas – Das menschliche Gesicht des Glaubens: Ökumenische und internationale Anstöße einer Diakonietheo­logie, Echter, Würzburg, 1997, pp. 358-394.

Pompey H. (1997e), Beziehungstheologie – Das Zueinander theologischer und psy­chologischer „Wirklichkeiten und die bib­lisch-theologische Kontextualisierung von Lebens- und Leidenserfahrung, In H. Pom­pey (Ed.), Caritas – Das menschliche Gesicht des Glaubens: Ökumenische und internatio­nale Anstöße einer Diakonietheologie, Ech­ter, Würzburg, 1997, pp. 92-128.

Pompey H. (1999), Biblical and Theological Foundations of Charitable Works, In Pontifi­cal Council Cor Unum (Ed.), Acts of the Wor­ld Congress on Charity, Vatican City, 1999, pp.106-132.

Pompey H. (2001), Caritaswissenschaft im Dienst an der caritativen Diakonie der Kir­che – Was ist Caritaswissenschaft? Theolo­gie und Glaube, 91, 2001,189-223.

Pompey H. (2006), Die Caritas-Enzyklika Benedikt XVI, »Deus Caritas est« – Ein Plä­doyer für die Energetisierung und Huma­nisierung der helfenden Agape/Caritas, In M. Lahtinen, T. Pohjolainen, T. Toikkanen & K. Kießling (Eds.), Anno Domini 2006. Diakoniatieteen vuosikirja, Lähden Diakoniasäätiö, Lahti, 2006, pp.112-140.

Pompey H. (2007), Deus caritas est. Zur Neuprofilierung der caritativen Diakonie der Kirche. Die Enzyklika “Deus caritas est”. Kom­mentar und Auswertung, Echter, Würzburg, 2007.

Pompey H. (2008), Wie im Himmel so auf Er­den. Wenn Liebe göttlich wird…- Kirche als Ikone der Dreifaltigkeit, In P. Klasvogt & H. Pompey (Eds.), Liebe bewegt… und verändert die Welt. Programmansage für eine Kirche, die liebt. Eine Antwort auf die Enzyklika Papst Benedikts XVI. “Deus caritas est”, Bonifatius Verlag, Paderborn, 2008, pp.387-419.

Roos L. (2015), »Wahrheit der Liebe Christi in der Gesellschaft«. Benedikt XVI. und die Sozialverkündigung der Kirche, In L Roos. W. Münch & M. Spieker, Benedikt XVI. und die Weltbeziehung der Kirche, Ferdinand Schöningh, Paderborn, 2015, pp.13-65.

Royo Marín A. (1963), Teología de la caridad, 2aed„ BAC, Madrid, 1963.

Rubio de Urquía R. & Pérez-Soba J. J. (Eds.) (2014), La Doctrina Social de la Iglesia. Estu­dios a la luz de la encíclica Caritas in veritate, Biblioteca de Autores Cristianos, Madrid, 2014.

Rüegger H. & Sigrist C. (2014), Grundlegen­de Aspekte einer theologischen Begrün­dung von Diakonie, In ibid. (Eds.), Helfendes Handeln im Spannungsfeld theologischer Begründungsansätze, TVZ, Zürich, 2014, pp. 271-278.

Scales T. L. & Kelly M. S. (Eds.) (2012), Christianity and Social Work. Readings on the In­tegration of Christian Faith and Social Work Practice, 4a ed. St. Davids, NACSW, 2012.

Scannone J. C. (2000), Aportaciones de la teología de la liberación a la teología de la caridad, In Corintios XIII: Revista de teología y pastoral de la caridad, 95,2000,357-374.

Schallenberg P. & Dal Toso G. P. (Eds.) (2016), Der Mensch im Mittelpunkt. Die Anthropolo­gische Frage in Caritastheologie und Sozia­lethik, Schöningh, Paderborn, 2016.

Singe G. (2006), Theologische Grundlagen für eine postmoderne soziale Arbeit, Lit, Ber­lin, 2006.

Sobrino J. (1992), El principio misericordia. Bajar de la cruz a los pueblos crucificados, Sal Terrae, Santander, 1992.

Sternberg R. J. (1989), El triángulo del amor: intimidad, pasión y compromiso, Paidós, Barcelona, 1989.

Starnitzke D. (1996), Diakonie als soziales System. Eine theologische Grundlegung dia- konischer Praxis in Auseinandersetzung mit Niklas Luhmann, Kohlhammer, Stuttgart, 1996.

Stock K. (2000), Gottes wahre Liebe: Theo­logische Phänomenologie der Liebe, Mohr Siebeck, Tübingen, 2000.

Wischmeyer O. (2015), Liebe als Agape. Das frühchristliche Konzept und der moderne Diskurs, Mohr Siebeck, Tübingen, 2015.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here