THỜI SỰ THẦN HỌC – SỐ 96

0
1906

CHỦ ĐỀ: CÁC SÁCH KHÔN NGOAN

—————

LỜI GIỚI THIỆU

Trong số 95, bàn về Tình ca, chúng ta thấy trong Kinh Thánh, tác phẩm này được xếp vào nhóm các sách Khôn ngoan. Tình ca ít được biết đến vì không được đọc trong phụng vụ; còn các sách Khôn ngoan khác tuy được công bố trong phụng vụ nhưng không được quan tâm như các sách thuộc nhóm Lịch sử và Ngôn sứ. Số báo này muốn dành cho việc nghiên cứu các tác phẩm này, bởi vì chúng cho thấy rằng Thiên Chúa không chỉ mặc khải trong khung cảnh của giao ước với dân tộc Israel mà còn qua văn hóa của các dân tộc khác nữa.

Trước khi đi vào nội dung, thiết tưởng cần nói qua hai điểm:

1/ Từ ngữ: khôn ngoan là gì?

2/ Các sách Khôn ngoan trong Cựu Ước.

I. Từ ngữ: khôn ngoan là gì?

Trong tiếng Việt, tựa đề “Các sách Khôn ngoan” chuyển dịch cụm từ Latinh “Libri sapientiales”. Như vậy “khôn ngoan” tương đương với danh từ “sapientia” (và tính từ “sapiens”) tiếng Latinh. Khi đối chiếu với các ngôn ngữ khác, chúng ta gặp thấy các danh từ và tính từ như sau: sagesse / sage (Pháp); wisdom / wise (Anh); sapienza / saggio (Ý); sabiduria / sabio (Tây Ban Nha).

Tuy nhiên, trong thần học, “khôn ngoan” không chỉ dùng để chuyển dịch sapientia mà còn để chuyển dịch prudentia (một trong bốn nhân đức trụ). Câu chuyện trở thành phức tạp hơn nữa khi mở rộng đến các từ ngữ liên quan đến lãnh vực tri thức, chẳng hạn như khi giải thích các ân huệ của Thánh Linh (intellectus / scientia, được dịch sang tiếng Anh là insight, knowledge). Nếu chúng ta lật từ điển thì những từ ấy có thể dịch nhiều cách: thông minh, thông hiểu, hiểu biết, tài giỏi, hiền tài, hiền triết, hiền nhân, khôn ngoan sáng suốt, cao minh, minh mẫn, uyên thâm, thức giả. Phải chăng đó là những từ đồng nghĩa? Chúng tôi không muốn đi sâu vào ý nghĩa của những từ trong tiếng Việt[1]; nhưng xét vì chúng ta nghiên cứu các sách Khôn ngoan trong Cựu Ước, viết bằng tiếng Híp-ri, cho nên chúng ta hãy điểm qua ý nghĩa của từ ngữ dựa theo văn hóa này[2].

Trong Kinh Thánh tiếng Híp-ri, từ ngữ đặc trưng hơn cả để gọi khôn ngoan là hokmah, bởi gốc hkm (340 lần, trong đó 29 lần trong Ngũ thư, 43 lần trong các sách Ngôn sứ, 13 lần trong các Thánh vịnh và 183 lần trong các sách Châm ngôn – Gióp – Giảng viên).

1/ Ý nghĩa căn bản của từ ngữ này là khả năng hiểu biết tường tận về một điều gì đó. Có thể là tài khéo về kỹ thuật, chẳng hạn như một thợ thủ công (x. Xh 28,3; 35,25: các thợ xây dựng đền thờ), hoặc bất cứ hoạt động chuyên môn nào (x. 1V 7,14; Is 10,13 và trong Tv 107,27, hokmah được hiểu về sự khôn khéo trong việc chèo thuyền). Theo nghĩa này, thuật ngữ cũng được áp dụng cho Thiên Chúa trong việc tạo dựng trời đất (x. Gr 51,15; Cn 3,19; Tv 104,24). Với gốc hkm, trong lãnh vực chính trị, người ta cũng hiểu về nhà cầm quyền khôn khéo (x. 2Sm 20,22; Is 29,14); nhà vua biết cai trị quốc gia (x. 1V 3,12); và ngay người nào tinh khôn biết cách cư xử đúng thời đúng lúc (x. Sự khôn ngoan của phụ nữ được nhắc đến ở 2Sm 14,2; 20,16-22).

2/ Thứ đến, hokmah cũng có thể hiểu về khả năng điều khiển cuộc sống. Thực vậy, sự khôn ngoan gắn liền với sự sống, mà ta đọc thấy trong đoạn văn tiêu biểu của Cn 3,18 trong đó cây sự sống có lẽ gợi lên cây được nói đến ở sách Sáng thế 2–3 mà nhân loại tưởng như đã mất đi mãi. Như vậy, người “khôn” là người biết sống, nghĩa là biết “làm” và “nói” tốt, người sở đắc một kiến thức thủ đắc nhờ kinh nghiệm, nhờ quan sát (x. Cv 22,29; 24,32; 26,12; 29,20; vv.). Như vậy sự khôn ngoan trở thành công trình giáo dục toàn diện con người, bao gồm khía cạnh luân lý cũng như tôn giáo. Thực vậy, người “khôn” là kẻ kính sợ Thiên Chúa (x. Cn 1,7; 9,9; 15,33; Hc 1,14.20); sở dĩ như vậy là vì Đấng Khôn ngoan bậc nhất là chính Thiên Chúa (Gr 10,12; Tv 104,24; Cv 3,19;…), và chính Người ban đức khôn ngoan cho con người (Xh 28,3; Is 40,13;…).

3/ Từ hokmah thường được ghép với những từ khác, trong đó có da’at, “hiểu biết” (và nói chung với gốc yada’, “biết”); bînah, “hiểu”; mûsar, “giáo dục, đào tạo”. Đối lại là những từ kesîl (dại dột, khờ dại), hoặc sakal (ngu si): x. Cn 3,35; 14,16.24; 15,20; Gv 2,14; 6,8; 7,4.

Như vậy hokmah được liên kết với sự hiểu biết sâu sắc về thực tại, dẫn đến việc thông hiểu thế giới cũng như biết cách sống, bao gồm cả chiều kích xã hội cũng như chiều kích luân lý và tôn giáo (x. Gb 28,28). Bản LXX dịch sang tiếng Hy-lạp là sophia khai triển chiều kích trí thức nhiều hơn. Dù sao, một đặc trưng của hokmak trong Kinh Thánh là bao hàm một mối tương quan với Thiên Chúa: kính sợ Chúa là đầu mối sự khôn ngoan.

4/ Con người có thể thủ đắc sự khôn ngoan nhờ học hỏi (Hc 6,32; Cn 6,6), nhờ kinh nghiệm, nhờ tiếp xúc với các người tài giỏi (Cn 15,2; Hc 15,10). Đặc biệt, đối với Israel, khôn ngoan là một ân huệ do Chúa ban (Hc 11,15; Cn 2,6; Hc 38,2). Thiên Chúa là nguồn mạch khôn ngoan; hay nói đúng hơn nữa, Thiên Chúa là chính đức khôn ngoan (Hc 1,8). Trên thực tế, có những đoạn Kinh Thánh “nhân cách hóa” đức khôn ngoan, như là một nhân vật bên cạnh Thiên Chúa (x. Cn 8,22-30; Kn 7,22-28; Hc 24). Đối lại, trường học tốt nhất về đức khôn ngoan là suy gẫm Lề Luật mà Chúa đã ban cho dân riêng của Người (Đnl 4,6). Điều này, không loại trừ các “trường học” khác, bắt đầu từ gia đình, làng xóm, xã hội, nơi thành hình các kho tàng tục ngữ, châm ngôn, thu tích “túi khôn người đời”.

5/ Ngoài ra, các sách Khôn ngoan nhìn nhận rằng các dân tộc khác cũng có truyền thống khôn ngoan, điển hình nơi các bậc thầy quen gọi là “nhà hiền triết” (hoặc các “hiền sĩ”: sapientes). Một vấn đề còn đang tranh luận là: phải chăng ở Israel cũng có một “giai cấp” hiền sĩ, đặc biệt là những người làm việc ở triều đình? Các “hiền sĩ” (hakam) có phải là một thành phần nòng cốt của Israel bên cạnh các “ngôn sứ” (nabi) và các “tư tế” (cohen) không (x. Gr 18,18; Ed 7,26)?

Trong các bài trong số này, sapientia được dịch là “khôn ngoan” (mặc dù có lúc nên dịch là “cao minh”, “thượng trí” mới đúng. Sapientes được dịch là “người khôn ngoan”, hoặc “hiền nhân” (hoặc “hiền triết”), khi nói đến một “đẳng cấp chuyên gia” trong dân Israel.

II. Các sách Khôn ngoan

Kinh Thánh Do-thái thường được chia làm ba phần: Lề luật, các Ngôn sứ, các Văn phẩm khác (x. Lời tựa sách Huấn ca và Lc 24,44). Tuy nhiên, nội dung của mỗi phần được xếp đặt khác nhau giữa Kinh Thánh Híp-ri và Kinh Thánh Hy-lạp (bản LXX). Trong bản Híp-ri, thứ tự các sách như sau:

– “Lề luật” bao gồm Ngũ thư.

– “Các Ngôn sứ” bao gồm các “tiền Ngôn sứ” (Gs, Tl, Sm, V) và các “hậu Ngôn sứ” (Is, Gr, Ed cùng với 12 tiểu Ngôn sứ)

– “Các Văn phẩm khác” gồm: Tv, G, Cn, R, Dc, Gv, Ac, Et, Đn, Er, Nkm, Sb.

Bản LXX thêm nhiều tác phẩm nữa. Kitô giáo tiếp nhận quy thư Kinh Thánh theo bản LXX, với cách xếp đặt cũng hơi khác:

1- Đứng đầu là Ngũ thư và các sách Lịch sử.

2- Rồi đến các sách Khôn ngoan.

3- Cuối cùng là các sách Ngôn sứ.

Trong khối các sách Khôn ngoan (mà nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ gọi là “các sách Giáo huấn”), ta thấy liệt kê: Gióp, Thánh vịnh, Châm ngôn, Giảng viên, Diễm ca, Khôn ngoan, Huấn ca. Thực ra, Thánh vịnh và Diễm ca thuộc loại “thi phú” hơn là “khôn ngoan”; và vì thế có thể nói đến “Ngũ thư khôn ngoan”[3], xếp theo thứ tự biên soạn như sau: Châm ngôn, Gióp, Giảng viên, Huấn ca, Khôn ngoan. Đây cũng là nội dung của số báo này. Sau bài dẫn nhập tổng quát vào văn chương khôn ngoan, sẽ có năm bài giới thiệu bộ “Ngũ thư” vừa nói, và kết thúc với bài viết về các sách Khôn ngoan trong lịch sử mặc khải và cho Giáo hội thời nay.

1. Khôn ngoan trong Kinh Thánh

Mở đầu số báo là bài giới thiệu tổng quát đề tài khôn ngoan trong Kinh Thánh, của nữ tu Nuria Calduch-Benages, giáo sư đại học Gregoriana Roma, và hiện là Thư ký của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh. Tác giả giải thích ý nghĩa của “Các sách Khôn ngoan” trong Cựu Ước (một khối đặc biệt bên cạnh khối Lịch sử và Ngôn sứ), “Văn chương khôn ngoan” được gặp thấy rải rác trong toàn bộ Kinh Thánh cũng như trong nền văn minh Cận Đông; cuối cùng, tác giả cũng cho thấy sự tiến triển của quan niệm sự khôn ngoan từ một đức tính đến một nhân vật, được hiện thân trong Tân Ước nơi Đức Kitô, Đấng Khôn ngoan của Thiên Chúa.

2. Sách Châm ngôn

Tuy rằng tác phẩm được gán cho vua Salômôn, nhưng giáo sư Gonzalo Aranda Perez cho thấy đây là hợp tuyển của nhiều bộ sưu tập các châm ngôn dân gian và khoa bảng trải qua nhiều thế kỷ. Trong phần kết, tác giả điểm qua vị trí của cuốn sách này trong toàn bộ lịch sử mặc khải.

3. Sách Gióp

Tác phẩm này thường được biết đến như biểu tượng của một con người vô tội mà phải chịu đau khổ. Xem ra mục tiêu là tìm cách lý giải cho tình trạng nghịch lý, trái ngược với nguyên tắc “làm lành được thưởng, phạm tội bị phạt”. Tuy nhiên, linh mục Giuseppe De Carlo muốn mời các độc giả thay đổi lối tiếp cận, bằng cách đọc tác phẩm vừa theo lối lịch đại vừa theo lối đương đại. Câu hỏi chính được nêu lên trong tác phẩm là: “Làm thế nào nói về Thiên Chúa trong lúc đau khổ?” Ông Gióp đã trải qua một cuộc thay đổi tám thứ ngôn ngữ để tìm ra câu trả lời: 1) Bình dân. 2) Thinh lặng. 3) Nghi ngờ. 4) Thần học. 5) Cầu nguyện. 6) Khôn ngoan. 7) Ngôn sứ. 8) Huyền bí.

4. Sách Giảng viên

Sách Châm ngôn được coi như tiêu biểu của sự khôn ngoan truyền thống dựa theo nguyên tắc “ở hiền gặp lành”. Thế nhưng, luận đề này trái ngược với thực tế, và hai tác giả sách Gióp và Giảng viên đã vạch ra điều ấy: nói cách khác, hai tác phẩm ấy tượng trưng cho phản đề về sự khôn ngoan. Dù sao, tuy sách Giảng viên nổi tiếng là bi quan yếm thế (“mọi sự đều là phù vân”), nhưng linh mục Nguyễn Đình Chiến, O.P. nêu bật một khía cạnh bất ngờ khác, đó là: “Niềm vui sống theo quan điểm Cô-he-lét”.

5. Ben Sira (Huấn ca)

Hai tác phẩm Huấn ca và Khôn ngoan không được nhận là Sách thánh trong quy thư Do-thái (và Tin Lành), một phần bởi vì không có nguyên bản Híp-ri (bản gốc Híp-ri của Huấn ca không còn nữa; sách Khôn ngoan được biên soạn bằng tiếng Hy-lạp). Trong các sách Kinh Thánh Công giáo, sách Huấn ca thường được xếp trước sách Khôn ngoan, nhưng ngày nay thứ tự được đảo lộn cho phù hợp với thời gian biên soạn.

Huấn ca là tác phẩm dài nhất trong các sách khôn ngoan, và xem ra không theo một cấu trúc nào rõ rệt. Thế nhưng, giáo sư Gonzalo Aranda cho thấy Ben Sira họa lại sơ đồ của Lề luật, gồm có năm phần giống như năm quyển Ngũ thư; mỗi phần gồm một mục dẫn nhập đạo lý và một mục hướng dẫn thực tiễn. Tất cả mọi suy tư xoay quanh đức khôn ngoan: bản tính, nguồn gốc, sự biểu lộ trong công trình tạo dựng và lịch sử Israel.

6. Sách Khôn ngoan

Đây là tác phẩm cuối cùng của Cựu Ước, được biên soạn bằng tiếng Hy-lạp, vì thế chỉ có trong bản Kinh Thánh LXX và được các giáo phụ tiếp nhận vào sổ quy thư. Tác phẩm ra đời ở Alexandria, vừa muốn bảo vệ truyền thống tôn giáo Do-thái vừa muốn mở rộng đến văn hóa Hy-lạp, hay nói cách khác, tượng trưng cho một nỗ lực hội nhập văn hóa. Trong những đóng góp thần học nổi bật nhất của tác phẩm, giáo sư Luca Mazzinghi ghi nhận: những suy tư về thân phận con người (linh hồn bất tử); tương quan giữa Khôn ngoan và Thần khí; Thiên Chúa yêu thương con người.

7. Kết luận

Bài viết cuối cùng cũng của giáo sư Luca Mazzinghi suy tư về ý nghĩa của các sách Khôn ngoan trong lịch sử mặc khải và đối với Giáo hội ngày nay. Các tác giả sách Khôn ngoan nhìn nhận giá trị độc nhất của mặc khải mà Thiên Chúa đã dành cho Israel, nhưng đồng thời cũng nhìn nhận giá trị của các thực tại thụ tạo. Đây là bài học cho cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa.

Mong rằng các Kitô hữu Việt Nam cũng khám phá được mặc khải của Đấng Khôn ngoan nơi kho tàng truyền thống văn học và luân lý của dân tộc.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

—————

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU

KHÔN NGOAN TRONG KINH THÁNH, Nuria Calduch-Benages

SÁCH CÁC CHÂM NGÔN, Gonzalo Aranda Perez

SÁCH GIÓP : NÓI VỀ THIÊN CHÚA NHƯ THẾ NÀO TRONG LÚC ĐAU KHỔ ?, Giuseppe De Carlo

“KHÔNG CÓ GÌ TỐT HƠN…” : NIỀM VUI SỐNG THEO QUAN ĐIỂM CỦA CÔ-HE-LÉT, Giuse Nguyễn Đình Chiến

BEN SIRA (HUẤN GIÁO), Gonzalo Aranda

SÁCH KHÔN NGOAN, Luca Mazzinghi

CÁC SÁCH KHÔN NGOAN CỰU ƯỚC : SỨ ĐIỆP THẦN HỌC, Luca Mazzinghi

—————

[1] Khôn có thể là dựa vào “khoan” (rộng rãi, chứa chất được nhiều sự hiểu biết). Ngoan vừa có nghĩa là cứng đầu (ngoan cố) vừa có nghĩa là dễ dạy (ngoan ngoãn). Khôn ngoan: có khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có. Trái nghĩa: dại dột; dại khờ, ngu ngốc. Đồng nghĩa: thông thái thông minh. Thông: sáng suốt, suốt hết. Thông thạo: thông minh suốt hết và thạo việc. Thông tuệ: đầu óc sáng suốt. Thông thái: rất thông minh sáng suốt. – Hiền triết. “Hiền”: có tài năng và đức độ; “Triết”: sáng suốt, hiểu thấu cái lẽ tận cùng của sự vật. “Hiền sĩ, Hiền triết”: người cực tài giỏi, thông suốt mọi lẽ. – Cao minh. “Cao” ở trên cao; “minh”: sáng.

[2] Luca Mazzinghi, Il pentateuco sapienziale, EDB Bologna, 2012, trang 32-34. José Vílchez Líndez SJ, Sabios y Sabiduria en Israel, Verbo Divino, Estella (Navarra) 1995.

[3] Maurice Gilbert, Les cinq libres des Sages. Les Proverbes de Salomon. Le libre de Job. Qohélet ou l’Ecclésiaste. Le libre de Ben Sira. La Sagesse de Salomon, Cerf, Paris 2003.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here