Chúa Nhật V – Năm C – Phục Sinh

0
384

LM Anthony Đinh Minh Tiên, OP

1/ Bài đọc I: Cv 14,20b-26

Hôm sau, ông trẩy đi Đéc-bê cùng với ông Ba-na-ba.

21 Sau khi đã loan Tin Mừng cho thành ấy và nhận khá nhiều người làm môn đệ, hai ông trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a.

22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.”

23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a,

25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a.

26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.

2/ Bài đọc IIKh 21,1-5a

1 Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.

3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ.

4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”

5 Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.” Rồi Người phán: “Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật.”

3/ Phúc ÂmGa 13,31-33a, 34-35

31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.

32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy.

34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

———————

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiện tại là kết quả của quá khứ và dọn đường cho tương lai.

Giáo Hội được thành hình không phải là chuyện tự nhiên dễ dàng; nhưng là do biết bao nhiêu công khó huấn luyện các tông đồ của Chúa Giêsu, sự hăng say rao giảng không biết mỏi mệt của các tông đồ và những người kế vị, và sự bảo vệ của biết bao các nhà lãnh đạo gìn giữ các tín hữu khỏi mọi lạc thuyết và tấn công của quỉ thần cũng như thế gian qua bao thời đại. Gian khổ không làm cho Giáo Hội yếu đi; nhưng càng làm cho Giáo Hội kiên trì hơn và chứng tỏ niềm tin của Giáo Hội dành cho Đức Kitô.

Các bài đọc hôm nay nêu bật giá trị của đau khổ trong việc đào luyện cá nhân cũng như Giáo Hội. Trong bài đọc I, Phaolô và Barnabas cho các tín hữu tân tòng biết sự thật: Họ phải trải qua nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa, và chính các ông cũng phải trải qua biết bao gian khổ để thành lập và nuôi dưỡng các cộng đoàn tiên khởi. Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền nuôi dưỡng niềm hy vọng của các tín hữu để họ trung thành giữ vững đức tin bằng cách cho các tín hữu thấy trước những gì sẽ được: họ sẽ được ở với Thiên Chúa suốt đời, họ sẽ được chính Thiên Chúa cai trị, và họ sẽ không bao giờ phải chịu những đau khổ nữa. Trong Phúc Âm theo Gioan, giờ của Chúa Giêsu chịu treo trên Thập Giá là giờ Ngài được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được nơi Ngài. Trước giờ ra đi, Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ một giới răn yêu thương cách vô vị lợi, cách hy sinh tất cả, và trung thành yêu thương đến cùng. Người ta cứ nhìn vào cách yêu thương của các môn đệ, họ sẽ nhận ra ai là môn đệ thực thụ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.”

1.1/ Phaolô và Barnabas hoạt động không ngừng để xây dựng Hội Thánh.

(1) Giáo Hội cần nhiều thợ nhiệt thành rao giảng Tin Mừng như Phaolô và Barnabas: Chỉ trong hai câu ngắn ngủi, nhưng đã nói lên công việc rao giảng của Phaolô và Barbabas trong 4 thành phố: Derbe, Lystra, Iconium và Antioch. Nếu hai ông không mạnh dạn chịu đựng đau khổ bước ra ngoài lãnh thổ của Do-thái, làm sao đạo của Đức Kitô tràn sang được Âu-châu?

(2) Hai ông không giấu các tín hữu con đường vinh quang qua đau khổ: Các ông không lừa dối các tín hữu bằng việc hứa hẹn theo Thiên Chúa sẽ không phải chịu đau khổ; trái lại, các ông báo trước cho họ biết: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” Các ông muốn nói: Đức tin của họ sẽ bị thử thách bằng đau khổ; nhưng qua đau khổ, họ mới có cơ hội chứng tỏ niềm tin vào Đức Kitô và làm cho đức tin của họ ngày càng mạnh mẽ hơn.

1.2/ Sáng kiến của Phaolô và Barnabas trong việc xây dựng Hội Thánh.

(1) Những kỳ mục trong Hội Thánh: Phaolô và Barnabas biết hai ông không thể ở cố định một nơi để nâng đỡ và bảo vệ đức tin cho các tín hữu; nên “trong mỗi giáo đoàn, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.” Các Kỳ-mục là những người lớn tuổi, đã có kinh nghiệm nhiều, nên có thể đứng ra điều khiển các giáo đoàn địa phương cách trực tiếp. Phần Phaolô và Barnabas, hai ông tiếp tục lên đường thiết lập các giáo đoàn mới; nhưng hai ông sẽ trở lại để nâng đỡ và củng cố các giáo đoàn cũ khi có dịp.

(2) Tất cả là ân sủng của Thiên Chúa: Phaolô và Barnabas thú nhận việc hai ông hoàn thành sứ vụ được các tông đồ trao phó là do ân sủng của Thiên Chúa; chứ không phải do sức riêng của hai ông. Sau cuộc hành trình thứ nhất, hai ông vượt biển về Antioch, nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để lên đường truyền giáo cho Dân Ngoại.

2/ Bài đọc II: Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa.

2.1/ Những gì là cũ sẽ biến mất, cái mới sẽ xuất hiện.

(1) Quan niệm về “hình dạng lý tưởng” của Hy Lạp: Theo triết gia Plato, tất cả những gì hiện hữu nơi trái đất, đều có “hình dạng lý tưởng” nơi thế giới không thấy được. Vì thế, theo tác giả của Sách Khải Huyền trong một thị kiến, ông thấy: “trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Jerusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.” Người xưa rất sợ đi biển, vì họ không có địa bàn để định hướng như chúng ta bây giờ. Khi phải đi tàu, họ thường lái song song với đất liền. Ngoài ra, dân chúng khắp nơi đã biết sức mạnh của gió, bão, nước, những cơn sóng thần đã tiêu diệt cả hàng trăm ngàn người. Theo thị kiến của tác giả Sách Khải Huyền: “biển sẽ không còn nữa,”

(2) Quan niệm của Do-thái về Jerusalem mới: Riêng về việc tái tạo Thành Jerusalem mới, chúng ta thấy bàng bạc trong các Sách ngôn sứ như Isaiah 54:11-12, 60:10-20; Haggai 2-9; Ezekiel 48:31-35; Tobit 13:16-18. Sách Khải Huyền cũng nhiều lần nói về Jerusalem mới trong tương lai sẽ được xây dựng toàn bằng đá quí, Con Chiên là ngọn đuốc soi thành, thành có 12 cửa, người muôn nước sẽ kéo đến để nhìn xem Jerusalem.

2.2/ Hiệu quả của sự trung thành với Thiên Chúa: Mục đích của tác giả khi viết Sách Khải Huyền là để củng cố đức tin của các tín hữu trong những cơn bách hại. Trình thuật hôm nay nêu bật 3 phần thưởng các tín hữu sẽ được nếu họ trung thành với Thiên Chúa.

(1) Thiên Chúa sẽ ở với họ: Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ.” Trong hành trình của con cái Israel suốt 40 năm trong sa mạc, Thiên Chúa đã ra lệnh cho ông Moses căng một chiếc Lều Hội Ngộ, trong đó có để Hòm Bia Thiên Chúa. Mục đích là để cho dân chúng biết Thiên Chúa luôn ở với họ. Những người chiến thắng cũng thế, họ sẽ được ở với Thiên Chúa suốt đời.

(2) Mối liên hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người: “ Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ ở với họ và là Thiên Chúa của họ.” Như Thiên Chúa đã hứa trong Sách Ngôn Sứ Jeremiah 31:31-34, Ngài sẽ ký kết với họ một giao ước mới. Theo giao ước này, Thiên Chúa sẽ là Chúa của họ; còn họ sẽ là dân của Ngài. Ngài sẽ bảo vệ họ tới muôn đời.

(3) Đau khổ và nước mắt sẽ không còn nữa: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” Những gì các tín hữu phải trải qua trên thế gian chỉ tạm thời: bệnh tật phần xác, đau khổ phần hồn, chia ly cách biệt… Khi về với Thiên Chúa, Ngài sẽ cất sạch những đau khổ bất toàn này, và họ sẽ không còn phải chịu bất cứ một thứ đau khổ gì nữa. Điều này cũng đã được nói tới bởi ngôn sứ Isaiah 25:5-8.

3/ Phúc Âm: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

3.1/ Giờ tôn vinh trên Thánh Giá: “Khi Judah đi rồi, Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.”

(1) Chúa Giêsu được tôn vinh:

+ Giờ Chúa Giêsu được giương cao trên Thập Giá là giờ Ngài được tôn vinh (Isa 52:13; Jn 12:23, 13: 1). Khi Ngài được giương cao trên Thập Giá, Ngài sẽ lôi kéo mọi người đến với Ngài (Jn 12:32). Trên Thập Giá, Chúa Giêsu hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó, và mang ơn cứu độ cho mọi người.

+ Khi Chúa Giêsu bị giương cao trên Thập Giá, Thiên Chúa siêu tôn Chúa Giêsu bằng cách ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu (Phi 2:11).

(2) Thiên Chúa được tôn vinh:

+ Nhờ sự vâng phục của Chúa Giêsu, Thiên Chúa được tôn vinh: Tất cả những gì Chúa Cha đã phác họa trong Kế hoạch Cứu Độ được thành công, nhờ sự vâng lời của Chúa Giêsu. Ngài vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập Giá (Phi 2:7c).

+ Nhờ sự vâng phục của Chúa Giêsu, con người yêu thương Thiên Chúa; thay vì chỉ biết kính phục và sợ hãi Ngài. Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu của Chúa Cha cho con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Jn 3:16). Khi nhìn lên Thập Giá, con người không chỉ cảm thấy tình yêu của Chúa Giêsu đã hy sinh chết thay cho con người, mà còn cảm thấy tình yêu của Chúa Cha đã hy sinh Con Một cho thế gian đóng đinh Ngài.

3.2/ Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ:

(1) Cách vô vị lợi: Khi con người yêu thương, họ luôn trông tìm được gì nơi người họ yêu; khó lòng có thể kiếm được một người yêu thương người khác cách vô vị lợi. Khi Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ, Ngài không trông mong được hưởng gì nơi các ông, nhưng hoàn toàn cho đi.

(2) Cách hiểu biết: Khi mới gặp hay chỉ ở với nhau vài lần, con người thường dễ che đậy tật xấu và khuyết điểm của mình; nhưng khi đã ở với nhau lâu, mọi tật xấu và khuyết điểm bắt đầu lộ ra. Chúa Giêsu đã biết rõ tính tốt cũng như tật xấu của các môn đệ; tuy vậy, Ngài vẫn chấp nhận, hy sinh và yêu thương các ông.

(3) Cách trung thành đến cùng: Con người dễ ngừng yêu thương khi đối tượng không còn đáng yêu nữa; nhất là còn phản bội người đã yêu thương lo lắng cho mình. Chúa Giêsu yêu thương các môn đệ đến cùng cho dẫu các ông đã phản bội Ngài. Chúa luôn đi bước trước, Ngài tìm đến với các ông khi Ngài sống lại.

3.3/ Dấu để mọi người nhận ra một người là môn đệ Chúa Giêsu: Chúa Giêsu trăn trối cho các môn đệ giới răn duy nhất: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

Dấu để mọi người nhận biết một người là môn đệ Chúa Giêsu là yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương. Điều này bao gồm tất cả những điều trên là yêu thương cách vô vị lợi, yêu như người đó là, và trung thành yêu thương đến cùng cho dẫu bị phản bội.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

– Con đường hy sinh chấp nhận đau khổ là con đường Chúa Cha đã chọn, Chúa Giêsu đã đi qua, và người tín hữu phải chấp nhận mới có thể làm môn đệ của Chúa Giêsu.

– Con đường dễ dãi, tuy nhiều người chọn để đi; nhưng chỉ dẫn tới đổ vỡ và diệt vong.

– Phần thưởng cho những người chọn đi con đường thánh giá: họ sẽ được ở với Thiên Chúa mãi, không còn phải chịu hành hạ bởi đau khổ, và được sống muôn đời với Thiên Chúa.

Nguồn: https://loi-nhap-the.com/ch-nht-5-phc-sinh/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here