THỜI CÁC TÔNG ĐỒ – KẾT LUẬN

0
791

THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phan Tấn Thành

———————

Nhập đề

Chương Một: BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Mục 1. Bối cảnh tôn giáo

Mục 2. Bối cảnh chính trị

Chương Hai: NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Các tác phẩm của Phaolô

Mục 2. Tông đồ Công vụ

Mục 3. Các tác phẩm còn lại của Tân ước

Chương Ba: SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Mục 1. Hoạt động của các tông đồ

Mục 2. Sự bành trướng của Kitô giáo

Chương Bốn: TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Những yếu tố cấu thành Hội thánh

Mục 2. Các dịch vụ trong Hội thánh

Mục 3. Sự hình thành những cơ quan điều khiển cộng đoàn

Mục 4. Linh ân và đặc sủng

Mục 5. Hội thánh duy nhất và đa dạng

Mục 6. Những lục đục trong cộng đoàn

Chương Năm: HIỆP THÔNG TRONG NIỀM TIN

Mục 1. Các hình thức giảng thuyết

Mục 2. Giáo huấn của thánh Phaolô

Mục 3. Giáo huấn của thánh Gioan

Chương Sáu: ĐỒNG TÂM CẦU NGUYỆN

Mục 1. Đời sống cầu nguyện của các Kitô hữu tiên khởi

Mục 2. Các bí tích

Mục 3. Các hành vi phụng tự khác

Chương Bảy: DUY TRÌ MỐI DÂY YÊU THƯƠNG

Mục 1. Giáo huấn luân lý của thánh Phaolô

Mục 2. Con người với Thiên Chúa

Mục 3. Đời sống gia đình và xã hội

Kết Luận: QUY CHUẨN CỦA THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phụ Lục

Tiểu sử các thánh tông đồ

———————

Nhập để

Chương Một. BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Chương Hai. NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Chương Ba. SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Chương Bốn. TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Chương Năm. HIỆP THÔNG TRONG NIỀM TIN

Chương Sáu. ĐỒNG TÂM CẦU NGUYỆN

Chương Bảy. DUY TRÌ MỐI DÂY YÊU THƯƠNG

———————

KẾT LUẬN

QUY CHUẨN CỦA THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Đến đây chúng ta kết thúc lịch sử Hội thánh nguyên thủy, thời của các tông đồ. Chúng ta đã theo dõi sự phát triển của Kitô giáo, cũng như nghiên cứu các cơ cấu tổ chức của Hội thánh, sự phát biểu đức tin, đời sống phụng tự và luân lý của các Kitô hữu tiên khởi. Chúng ta đã thu thập những dữ kiện đó từ các tác phẩm của Tân ước. Những tác phẩm này không phải chỉ là kho tàng văn chương của Kitô giáo, cũng không phải chỉ là sử liệu về sinh hoạt của các tín hữu vào thế kỷ I. Tầm quan trọng của các tác phẩm đó đối với mọi thế hệ Kitô hữu ở chỗ chúng truyen thụ lại cho chúng ta lời giảng của các thánh tông đồ, và nhờ lời giảng của các tông đồ mà chúng ta tiếp nhận Tin mừng cứu độ của Chúa Kitô. Lời giảng của các tông đồ trở nên mẫu mực (quy chuẩn) cho đức tin và đời sống của các tín hữu. Các tác phẩm của các tông đồ trở thành Quy thư của Hội thánh. Đó là ý nghĩa của việc ấn định sổ “quy thư” (Quy điển) Tân ước vào cuối thời các thánh tông đồ.

“Quy chuẩn” dịch từ tiếng Hy lạp canon, có nghĩa cây gậy dùng để đo. Hiểu theo nghĩa bóng, canon có nghĩa là khuôn mẫu, mực thước, luật lệ, quy chuẩn. Đôi khi nó cũng có nghĩa là danh sách. Trong Hội thánh tiên khởi, từ canon được áp dụng cho “quy tắc đức tin” (regula fidei), tức là chân lý mạc khải do các thánh tông đồ truyền lại: giáo huấn của các thánh tông đồ trở thành quy chuẩn cho niềm tin của Hội thánh.[1] Công đồng Nixêa (năm 325) gọi các quy tắc kỷ luật là canones (ngày nay được gọi là giáo luật). Vào năm 367, thánh Athanaxiô nói tới các sách thánh được ghi vào “canon” (đối lại với các “apokrypha”). Như vậy, “canon” ám chỉ bản danh mục các sách được nhìn nhận như là Sách thánh; vì thế các sách nào có tên trong danh mục ấy thì được gọi là libri canonici (quy thư). Các sách ghi lại giáo huấn của các tông đồ được coi như là Sách thánh của Kito giáo, ngang hàng với Kinh thánh cổ truyền.

I. Kinh thánh trong Hội thánh tiên khởi

Trong những thế hệ Kitô hữu đầu tiên, “Kinh thánh” được hiểu là Sách thánh của Do thái giáo.[2] Điều này được nhận thấy không những nơi chính Đức Kitô mà cả ngay nơi thánh Phaolô (thí dụ 1Cr 15,3-4).

Các thánh tông đồ đã nhiều lần trích dẫn Kinh thánh để chứng tỏ rằng chúng tiên báo về Đức Kitô, chẳng hạn những lời ngôn sứ Isaia về người tôi tớ đau khổ (Is 53,7-8 ở Cv 8,32) và các thánh vịnh về Đấng Mêsia (thí dụ Tv 2,1-2 ở Cv 4,25-26; Tv 16,8-11 ở Cv 2,25 và 13,34; Tv 109,1 ở Cv 2,34). Dần dần, họ ý thức rằng Đức Kitô đã đến để hoàn tất các lời của Kinh thánh: “hoàn tất Lề luật và ngôn sứ” (xc. Lc 24,27), “hoàn tất các lời hứa” (2Cr 1,20).[3] Toàn thể Kinh thánh nói về Đức Kitô (xc. Gl 3,23-28; Rm 10,4). Các lời nói của Đức Kitô được coi là “lời Chúa” (xc. 1Tx 4,15; 1Cr 7,10; 9,14; 11,23-25). Đức Kitô chính là Lời của Thiên Chúa làm người (Ga 1,14).

Vào giai đoạn cuối cùng của các tác phẩm Tân ước, người ta nhận thấy các thư của ông Phaolô cũng được đọc trong cộng đoàn phụng vụ, nghĩa là được đặt ngang hàng với Kinh thánh (Cl 4,16; 2Pr 3,15-16). Dĩ nhiên, đây không phải là các tín hữu tôn sùng cá nhân ông Phaolô cho bằng Tin mừng mà ông rao giảng (tức là Đức Kitô). Các tín hữu đón nhận các tác phẩm của ông cũng như trước đay họ đã đón nhận lời giảng của ông (xc. 1Tx 1,5-6; 2,13).

Thực ra, có lẽ các tác giả Tân ước không hề nghĩ tới việc xuất bản các tác phẩm với giá trị tương đương với Kinh thánh. Mục tiêu của họ chỉ có tính cách mục vụ mà thôi. Với dòng thời gian, thế hệ các tông đồ qua đi. Nhiều tín hữu không hề được tiếp xúc với Chúa Giêsu. Vì thế, cần phải thu thập các lời giảng và việc làm của Người ngõ hầu kể lại cho hậu thế. Mặt khác, thánh Phaolô viết thư cho các cộng đoàn để hướng dẫn họ trong đời sống đức tin. Xem ra đó là động lực chính của sự ra đời của các tác phẩm Tân ước. Còn việc nhìn nhận giá trị của các tác phẩm đó như là ngang hàng với Sách thanh là một chuyện về sau.

Chúng ta không có một tài liệu nào xác định thời gian biên soạn các tác phẩm Tân ước và thời gian xác định quy thư. Các học giả đề ra những giả thuyết dựa theo chứng cứ của chính các bản văn hay dựa vào truyền thống mà thôi. Dù sao, chúng ta cần phải phân biệt hai vấn đề: vấn đề biên soạn tác phẩm và vấn đề nhìn nhận quy thư. Các tác phẩm Tân ước ra đời trong thế kỷ I hoặc muộn lắm là vào các thập niên đau của thế kỷ II. Còn sổ quy thư (các tác phẩm vừa nói được nhìn nhận như Sách thánh) thì thành hình muộn hơn: nó kéo dài từ thế kỷ II cho đến thế kỷ IV.

II. Việc biên soạn các tác phẩm Tân ước

Trong bộ sách Tân ước hiện hành, đứng đầu là bốn quyển Phúc âm, tiếp đến là Tông đồ Công vụ, các thư của thánh Phaolô, các thư của các tông đồ khác, sau cùng là sách Khải huyền. Đó là thứ tự thần học, dựa theo tầm quan trọng của đạo lý. Con xét theo thời gian biên soạn thì phải xếp các thư thánh Phaolô lên đầu, rồi đến các Phúc âm và Tông đồ Công vụ, tiếp đến là các thư của các tông đồ, và sau cùng là sách Khải huyền (tất cả các tác phẩm đều được viết bằng tiếng Hy lạp).

A. Thư của thánh Phaolô

Chúng tôi đã có dịp đề cập đến các thư của thánh Phaolô trong chương Hai, bàn về nguồn sử liệu.

Theo ý kiến cổ truyền, các thư này ra đời trong khoảng từ năm 50 cho đến năm 67, nghĩa là cho đến khi thánh nhân chịu tử đạo. Nhưng vài học giả cận đại cho rằng hai thư gửi Côlôxê và Êphêxô cũng như các thư mục tử (1-2Tm, Tt) được xuất bản sau khi thánh Phaolô qua đời, vào khoảng thập niên 90. Dù sao, chắc là thư gửi Hípri không do thánh Phaolô viết: giọng văn hoàn toàn khác hẳn (ở đầu không có lời chào thăm); nhiều đề tài thần học quan trọng của thánh Phaolô không xuất hiện. Đối lại, chủ đề về Đức Kitô Thượng tế lại được nhấn mạnh.

Thánh Phaolô đã viết những bức thư cho các cộng đoàn mà mình đã thành lập (trừ cộng đoàn Rôma) và cho một vài tư nhân thân tín (Timôthê, Titô, Philêmôn). Có một khoảng cách thời gian và không gian giữa người viết và các nơi nhận thư. Vì thế, một câu hỏi đã được đặt lên là: ai đứng ra thâu thập tất cả các thư ấy? Các học giả đã đưa ra ba giả thuyết khác nhau. Một giả thuyết cho rằng một cộng đoàn đã nhận đươc thư của thánh Phaolô, và đã muốn thu thập các thư mà ông đã gửi cho các cộng đoàn khác nữa. Giả thuyết thứ hai cho rằng một môn đệ của thánh Phaolô (ông Timôthê chẳng hạn) đã sưu tầm tất cả các thư liền sau khi thánh nhân chịu tử đạo. Giả thuyết thứ ba nghĩ tới một trường phái gồm các cộng sự viên của thánh tông đồ đã lãnh trách nhiệm xuất bản bộ sưu tập.

Dù sao, có thể còn vài thư nữa đã bị thất lạc (xc. 1Cr 5,9; 2Cr 2,4; 10,10; Cl 4,16). Đối lại, cũng không thiếu các thư mạo danh như sẽ thấy sau đây.

B. Bốn Phúc âm

Khi trình bày các nguồn tư liệu về cuộc đời Chúa Giêsu, chúng tôi đã nói qua sự thành hình của các sách Phúc âm. Các học giả đưa ra giả thuyết như sau.

Sau khi Chúa lên trời, các tông đồ đã nghiền ngẫm các lời nói việc làm của Người, và tìm hiểu ý nghĩa của chúng khi đối chiếu với các lời Kinh thánh Cựu ước. Đồng thời, giữa lòng các cộng đoàn cung đã lưu hành những sưu tập ghi lại các lời nói và phép lạ của Chúa dùng làm tài liệu huấn giáo (xc. Lc 1,1). Dựa trên các tài liệu đó, các thánh sử đã biên soạn bốn quyển Phúc âm.

Thứ tự hiện hành của bốn Phúc am là: Mátthêu, Máccô, Luca, và Gioan. Từ thời thánh Augustinô, người ta nghĩ rằng Mátthêu là người đầu tiên viết Phúc âm; rồi các tác giả kia đã hoàn chỉnh thêm (như vậy Mt được coi như là bản gốc). Mãi đến thế kỷ XVIII, Johann Jacob Griesbach (1789-90) mới đòi sửa lại quan điểm đó. Theo ông, Mt ra đời trước, Lc lấy lại của Mt; còn Mc đúc kết cả hai và rút gọn lại. Ngày nay, các học giả đã đảo ngược hoàn toàn thứ tự: tác phẩm của Mc ra đời trước hết, rồi đến Mt và Lc. Lý do không phải chỉ vì Mc ngắn hơn hai tác phẩm kia, nhưng bởi vì khi đối chiếu các bản văn, người ta nhận thấy sự lệ thuộc của Mt và Lc vào Mc. Đó là nói đại cương, chứ khi đi sâu vào chi tiết, các học giả còn đưa ra nhiều giả thuyết khác (một nguồn hay hai nguồn chung?). Ngoài ra, chuyện phát hành cũng đặt nhiều câu hỏi: các tác phẩm được xuất bản mấy lần? Bản gốc viết bằng tiếng Aram hay Hy lạp?

Về thơi gian biên soạn, người ta giả thiết như sau: Máccô khoảng 65-75; Mátthêu khoảng 75-80; Luca khoảng 80-95, và Gioan khoảng năm 90.

Nên biết là trong Hội thánh tiên khởi, danh từ “Phúc âm” (Tin mừng) được dùng ở số ít, bởi vì chỉ có một Tin mừng duy nhất là Đức Giêsu Kitô (Mc 1,1; 2Cr 11,4). Mỗi quyển Phúc âm được viết cho một cộng đoàn cụ thể để trình bày cho họ biết Tin mừng của Chúa Kitô (Mátthêu viết cho các tín hữu Siria; Máccô viết từ Rôma và được lưu hành tới Alêxanđria; Luca có liên hệ với Hy lạp và Rôma; Gioan viết từ Êphêxô). Sang thế kỷ II, người ta mới sưu tập tất cả bốn quyển Phúc âm. Năm 170, ông Taxianô muốn soạn ra một quyển tổng hợp bốn Phúc âm (Diatessaron, theo nguyên ngữ Hy lạp có nghĩa là “một qua bốn”). Tuy nhiên, các giáo đoàn đã chấp nhận hết cả bốn quyển tách biệt, và chỉ có bốn quyển mà thôi.[4] Như sẽ thấy sau, vào thời đó đã lưu hành nhiều quyển Phúc âm ngụy thư.

C. Tông đồ Công vụ

Truyền thống cho rằng thánh Luca viết Tông đồ Công vụ đồng thời với sách Phúc âm (nghĩa là khoảng năm 70-80). Tuy nhiên, ngày nay không ít học giả đã đặt lại vấn đề. Một đàng, không chắc tác giả có phải là ông Luca bạn đồng hành của thánh Phaolô trên đường truyền giáo hay không, bởi vì có nhiều đoạn thiếu đồng nhất giữa Tông đồ Công vụ và các thư của thánh Phaolô. Phải chăng tác giả sách Tong đồ Công vụ đã không cơ hội tham khảo các thư của Phaolô? Ông Mackiôn (khoảng năm 144) chấp nhận Phúc âm thứ ba, nhưng loại bỏ Tông đồ Công vụ: phải chăng tại vì ông không coi hai tác phẩm do cùng một bàn tay viết ra?

Chúng tôi đã nêu lên những vấn nạn khi đề cập đến nguồn sử liệu về Hội thánh tiên khởi, vì thế không cần dài dòng ở đây.

D. Các thư công giáo (hay: phổ quát)

Ngoài các thư của thánh Phaolô, Tân ước còn chứa đựng 7 lá thư khác quen gọi là “công giáo” (catholica) hay “phổ quát” (universalis), bởi vì hướng tới toàn thể Hội thánh chứ không dành riêng cho một cộng đoàn nào. Danh xưng này đã xuất hiện vào khoảng năm 300, dựa theo chứng tích của sử gia Eusêbiô (Historia Ecclesiastica II,23.25). Như chúng ta sẽ thấy, trong các thế kỷ đầu tiên, đã có nhiều vấn nạn được đặt lên chung quanh tác giả của các thư này, tuy rằng truyền thống quen gán cho các tông đồ Giacôbê, Phêrô, Giuđa và Gioan.

1/ Đứng đầu là thư của thánh Giacôbe. Truyền thống đồng hoá nhân vật này với ông Giacôbê, “người anh em với Chúa Giêsu, giám mục tiên khởi của Giêrusalem” (xc. Mc 6,3; Cv 12,17; 15,13-21), bị người Do thái giết khoảng năm 62. Nếu mà đúng thực như vậy, thì lá thư này ra đời khoảng năm 50-60. Nhưng gần đây nhiều học giả đã đặt nghi vấn về căn cước của tác giả, khi phân tích lối hành văn cũng như sự tiến triển thần học của Hội thánh tiên khởi. Từ đó, họ lùi thời gian biên soạn vào khoảng năm 80-100. Nói chung, lá thư này chứa đựng các lời khuyên luân lý. Một chi tiết về lối trình bày đã gây ra khá nhiều vấn nạn, đó là lá thư này được gửi đến “mười hai chi tộc” (1,1) và Đức Giêsu Kitô chỉ được nhắc đến 2 lần (1,1; 2,1). Người ta tự hỏi: phải chăng nguyên gốc là một tác phẩm của người Do thái, và được xếp vào quy thư Tân ước bằng cách xen thêm danh Giêsu Kitô mà không thay đổi nội dung? Dù sao cũng nên biết là Công đồng Trentô đã dựa vào một đoạn văn từ tác phẩm này (5,14-15) làm cơ sở cho bí tích xức dầu bệnh nhân.

2/ Thư của thánh Phêro viết từ Rôma (Babilônia: 5,12) được dành cho các tín hữu trong các tỉnh ở miền Bắc Tiểu Á (1Pr 1,1). Lá thư do ông Silvanô viết (xc. 1Pr 5,12),[5] và chắc hẳn là trước năm 64, khi bùng nổ cuộc bách hại của hoàng đế Nêrô đưa đến cuộc tử đạo của ông Phêrô. Cũng có học giả lùi lại thời gian mãi đến năm 80, vào lúc mà cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem đã bị tan rã, vì thế tác giả lá thư mới lưu ý đến các tân tòng ở Tiểu Á, và đề cao phẩm tính của họ: họ không thua kém gì các Kitô hữu gốc Do thái trở lại. Các tín hữu này đang trải qua cơn thử thách do cuộc bách hại (1,6; xc. 4,12). Tác giả khuyến khích họ can trường khi nhớ đến ơn gọi của mình. Phần lớn bức thư mang tính cách huấn giáo về bí tích Thánh tẩy (1,3-2,10), được ví như “tái sinh” (1,3.23), nhờ đó họ được biến đổi thành đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa và tư tế thánh (2,4-10). Chúng ta cũng gặp thấy nơi đây thần học về sự tham dự vào cuộc tử nạn của Đức Kitô (1,2.11.19; 2,4.7.21-24; 3,18; 4,1.13; 5,1). Đấy là bàn về 1Pr; còn 2Pr thì chắc là ra đời muộn hơn nhiều. Khi phân tích lối hành văn cũng như tư tưởng thần học, các học giả không cho rằng hai lá thư do cùng một người viết. Thư 2Pr giống với thư của Giuđa hơn là với 1Pr.

3/ Ba lá thư mang tên của thánh Gioan tông đồ (tác giả của Phúc âm thứ tư) ra đời vào cuối thế kỷ I (khoảng thập niên 90), có lẽ không phải do chính thánh tông đồ nhưng do trường phái của ngài. Xét về chiều kích, ba lá thư dài ngắn không đều nhau; lá thư đầu còn phân ra thành chương và câu, còn hai lá thư kia chỉ gồm có 15 câu. Xét về nội dung tư tưởng, thư thứ nhat dồi dào phong phú hơn nhiều, và có những điểm tương đồng với thư thứ hai; vì thế, các học giả đã nêu nghi vấn: thư thứ hai là toát yếu của thư thứ nhất, hay là thư thứ nhất khai triển thư thứ hai? Mặt khác, thư thứ nhất không mang thể văn của một lá thư (lời chào, lời kết) nhưng đáng gọi là một sứ điệp: tác giả xưng là “chúng tôi”, gửi đến “quý vị” (các anh, các bạn: 1,3), “các con yêu quí” (2,1.12.18). Ở đầu thư thứ hai, tác giả xưng la “kỳ mục”, gửi đến Bà và các con cái (có lẽ là cộng đoàn do thánh Gioan đã lập). Thư thứ ba cũng do “kỳ mục” viết nhưng lại gửi cho ông Gaiô, một tư nhân.

4/ Lá thư của Giuđa, tự xưng là” anh em với ông Giacôbê” (câu 1; xc. Lc 6,16; Cv 1,13); tuy nhiên xem ra không phải là một tông đồ mà chỉ là “tôi tớ của Chúa Giêsu”, và có lẽ là thuộc hàng thân thích với Người (xc. Mc 6,3; Mt 13,55). Thực ra, xem ra tác giả đã sống xa thời các tông đồ (xc. câu 17: “Anh em hãy nhớ lại những lời các tông đồ của Đức Giêsu Kitô đã nói trước kia”). Vì thế, các học giả cho rằng nó ra đời vào cuối thế kỷ I (k.80-90), cũng như thư thứ hai của Phêrô. Giữa hai bức thư này có nhieu điểm tương đồng về đạo lý, tuy rằng khó xác định được bên nào lệ thuộc bên nào. Thư của Giuđa rất ngắn (25 câu), hầu như lặp lại những điều đã viết trong 2Pr (2,1-18; 3,1-3). Cả hai lưu ý các tín hữu hãy đề phòng các “thầy dạy giả hiệu” (Gđ 4; 2Pr 2,1-3;3,3): họ tuyên truyền những điều trái ngược đức tin và nghịch với luân lý nữa.Nên biết là thư 2Pr đã để lại đạo lý về ơn linh hứng của các tác giả Kinh thánh (1,21; xc. 2Tm 3,16), cũng như về sự thành hình của Kinh thánh Tân ước (3,15).

E. Sách Khải huyền

Chúng tôi đã bàn đến tác phẩm khi giới thiệu hoạt động của thánh Gioan tông đồ (Chương Ba). Truyền thống gán cho ngài là tác giả, nhưng các học giả ngày nay khó chấp nhận rằng Phúc âm thứ tư và sách Khải huyền do cùng một bàn tay soạn ra, bởi vì thể văn và tư tưởng giữa hai quyển rất khác biệt. Như chúng ta đã biết, “khải huyền” là một thể văn khá phổ thông trong văn chương Do thái và Kitô giáo trong những thế kỷ cuối thời Cựu ước va đầu thời Tân ước. Tuy nhiên, sách Khải huyền đang nói không chỉ bao gồm thể văn khải huyền mà còn gồm những thể văn khác: chẳng hạn như trong chương Hai và Ba, chúng ta thấy 7 bức thư gửi cho các giáo đoàn Tiểu Á; rải rác đó đây chúng ta thấy những thánh thi thánh ca. Phải chăng đây là một tác phẩm phụng vụ? Việc giải thích sách Khải huyền đã đặt ra cho các học giả nhiều thắc mắc. Xét về thời gian biên soạn, các học giả xếp vào thap niên 90.

III. Sự hình thành quy điển Tân ước

Đồng thời với các tác phẩm vừa liệt kê, Hội thánh tiên khởi cũng thấy lưu hành nhiều tác phẩm với thể văn tương tự, nghĩa là các sách thuật lại cuộc đời Chúa Giêsu, các thư gửi cho các giáo đoàn, các sách ghi lại hoạt động của các thánh tông đồ. Tại sao các sách đó không được nhận vào sổ bộ các Sách thánh của Tân ước? Dựa vào tiêu chuẩn gì mà nhận hay gạt bỏ một tác pham? Sổ bộ Sách thánh Tân ước thành hình lúc nào?

Như đã nói trên đây, chúng ta không tìm thấy một quy tắc nào ấn định những tiêu chuẩn để nhìn nhận một tác phẩm linh ứng. Dựa theo các chứng tích khác nhau thuộc thời các giáo phụ, các học giả đã đưa ra giả thiết về ba tiêu chuẩn sau đây:

1/ Tiêu chuẩn quan trọng nhất là nguồn gốc tông đồ, nghĩa là tác phẩm do một tông đồ viết ra. Tiêu chuẩn này xem ra khá đơn giản, nhưng trên thực tế khong dễ gì mà áp dụng, bởi vì thời xưa đâu có chuyện nạp bản quyền cầu chứng tại tòa! Thiếu gì tác phẩm mạo danh các tông đồ nhưng đâu có được nhìn nhận? Ngược lại, có những tác phẩm chỉ núp bóng các tông đồ mà lại được nhận, chẳng hạn các tác phẩm của Luca, Máccô, và thư gửi Hípri.

2/ Tiêu chuẩn nguồn gốc tông đồ cần được bổ túc bởi một tiêu chuẩn thực nghiệm là sự chứng nhận của các giáo đoàn địa phương. Những giáo đoàn nào đã nhận được tác phẩm của các tông đồ sẽ đứng ra chứng thực tính cách chính xác của nó. Chắc hẳn rằng đã có sự trao đổi thông tin giữa các giáo đoàn với nhau. Dần dần, vài giáo đoàn nổi bật (chẳng hạn Rôma, Hy lạp, Tieu Á) đã gây ảnh hưởng đối với các giáo đoàn khác. Dù sao chúng ta đừng nên hiểu việc nhìn nhận theo kiểu một hành vi pháp lý (văn bản công chứng). Một tác phẩm được coi là nhìn nhận khi được sử dụng (nghĩa là được tuyên đọc) vào buổi cử hành phụng vụ hoặc được trích dẫn trong các bài giảng.

3/ Một tiêu chuẩn thứ ba không kém quan trọng là đạo lý tinh tuyền. Nếu tác phẩm nào nhiễm mùi lạc giáo thì chắc chắn là không thể chấp nhận được. Đó là lý do vì sao sách Khải huyền đã bị hoài nghi một thời gian, bởi vì lạc giáo “Thiên Niên”[6] đã dựa vào đó để bênh vực lập trường của mình.

Từ những nhận xét vừa nói, chúng ta dễ hiểu rằng không phải tất cả các tác phẩm Tân ước đã được nhìn nhận vào cùng một lúc và trong tất cả các giáo đoàn. Đối lại, có những tác phẩm đã được một giáo đoàn nhìn nhận nhưng lại bị giáo đoàn khác loại bỏ, và rồi biến dạng luôn.

Dựa theo chứng tích vào thời các giáo phụ, những chặng tiến triển của sự thành hình quy điển Tân ước có thể mô tả như sau.

– Trong 2Pr 3,15, các tác phẩm của ông Phaolô được đặt ngang hàng với Kinh thánh (Cựu ước). Tiếc rằng tác giả không kê ra danh sách các thư đó. Ngoài ra, các học giả không nhất trí trong việc xác định thời gian biên soạn thư thứ hai của Phêrô (có thể kéo dài cho tới khoảng năm 100 -120).

– Vào giữa thế kỷ II (khoảng năm 150), thánh Giustinô (Apologia I,67) giải thích cho hoàng đế Rôma Antôniô Piô (138-161) nội dung các buổi hội họp của các Kitô hữu như sau: “Ngày chúa nhật (thời đó gọi là ngày Mặt trời: Dies solis, Sunday), tất cả chúng tôi, dan cư thành thị hay thôn quê, tụ họp nhau tại một địa điểm. Người ta đọc ký ức các tông đồ hay các sách các Ngôn sứ, tùy thời gian cho phép”. Như vậy, trong các buổi cử hành Thánh Thể, cộng đoàn Kitô hữu đã đọc các tác phẩm của các tông đồ (ở I,66 ông Giustinô còn thêm: “các sách Phúc âm”) cùng với các Sách thánh Cựu ước. Nhưng tác giả không cho biết con số các sách Phúc âm và tác phẩm các tông đồ.

– Có lẽ một sự kiện ngoài ý muốn đã thúc đẩy Hội thánh phải xác định sổ bộ Kinh thánh là các lạc giáo. Từ thế kỷ II, một vài nhóm Ngộ đạo đã lưu hành vài tác phẩm mà họ coi là Sách thánh. Do đó, các giáo phụ cần phải xác định những tác phẩm nào thực sự truyền lại giáo huấn chân chính. Theo các sử gia, một biến cố nổi bật nhất là chủ thuyết của ông Markiôn (khoảng năm 144). Ông đã gạt bỏ tất cả các sách Cựu ước và thiết lập một danh sách Kinh thánh chỉ bao gồm 10 thư thánh Phaolô và Phúc âm Luca. Để phản ứng lại, các giáo đoàn nhận thấy nhu cầu thiết lập một danh sách đầy đủ các tác phẩm Kinh thánh, bao gồm cả Cựu ước lẫn Tân ước. Cách đó không lâu, ông Taxianô (k. 170) soạn ra quyển Diatessaron, như “Phúc âm tinh hoa” rút từ bốn quyển Phúc âm. Điều này giả thiết rằng bốn quyển Phúc âm đã được lưu hành trong Hội thánh rồi. Tuy nhiên, sự kiện một cá nhân tự tiện biến báo bản văn sẽ mở đường cho những dự án thêm thắt rút gọn các tác phẩm Kinh thánh. Để ngăn chặn nguy cơ đó, Hội thánh đã xác định những tác phẩm nào thuộc về Kinh thánh (do đó không ai được sửa đổi) và những tác phẩm nào chỉ là thuan túy do sáng kiến tư nhân.

– Sang đến thế kỷ II, nhiều giáo phụ đã trích dẫn các tác phẩm của Tân ước song hành với các tác phẩm của Cựu ước.[7] Vào thời này xuất hiện một danh mục các sách Tân ước được lưu hành tại Rôma hồi cuối thế kỷ II, được đặt tên là Fragmentum Muratorianum,[8] (vì do sử gia Luđôvicô Antôniô Muratori tìm thấy năm 1740 trong một thủ bản lưu trữ tại thư viện Milano). Trong danh sách này thiếu các tác phẩm sau: Hr, Gc, 1 và 2Pr, một thư của Gioan, nhưng lại thêm sách Khôn ngoan (coi như của Tân ước) và sách Khải huyền của Phêrô (quyển sách được chấp nhận với dè dặt). Theo sử gia Eusêbiô (HE VI.25,3-14), ông Origen (thế kỷ III) vẫn còn đặt nghi vấn về 2Pr, 2Ga và 3Ga. Chính ông Eusêbiô (k.310), khi tra cứu về lưu truyền chung quanh các tác phẩm Tân ước, đã phân biệt ba hạng như sau (HE III.25.3): 1/ các tác phẩm được hết mọi nơi chấp nhận (homologoumena); 2/ các tác phẩm còn trong vòng tranh luận (antilegomena), trong số này có Gc và Gđ; 3/ các tác phẩm giả mạo (notha).

– Phải chờ đến cuối thế kỷ IV, mới thấy có sự đồng nhất giữa các giáo đoàn bên Đông phương (thánh Athanaxiô, thư mừng lễ Phục sinh năm 367: PG 26,1436), và Tây phương (thánh Augustinô, công đồng Carthagô III năm 397) về danh sách 27 tác phẩm của Tân ước. Dù vậy, cũng còn vài dị biệt tại vài giáo đoàn. Bên Ai cập, vài ban danh sách kể thêm thư của Clêmentê và thư của Banaba. Bên Siria và Antiôkia, 7 thư Công giáo và sách Khải huyền được nhìn nhận muộn hơn, nhưng lại thêm thư thứ 3 Côrintô.

Tóm lại, việc xác định quy thư Tân ước là một tien trình lâu dài. Thực ra, đã có những tác phẩm được nhìn nhận ngay từ đầu (chẳng hạn các thư của Phaolô và Phúc âm nhất lãm). Một vài tác phẩm bị nghi ngờ bởi vì không rõ tác giả (Hr, 2Pr, Gc và Gđ); còn 2Ga và 3Ga quá ngắn ngủi và không có nội dung thần học quan trọng nên không được chú ý. Sách Khải huyền bị đặt nghi vấn nhiều hơn cả vì đã được nhóm Thiên Niên trưng dẫn để tuyên truyền.

IV. Các ngụy thư

Sau khi đã xác định sổ bộ các quy thư, các sách còn lại đương nhiên bị xếp vào ngụy thư. Đó là một kết luận hiển nhiên. Trên thực tế, vấn đề không đơn giản như vậy, bởi vì đã có tác phẩm được xếp vào quy thư tại một giáo đoàn này nhưng bị coi là nguy thư tại một giáo đoàn khác. Dù sao, trước tiên cần phải xác định ý nghĩa của từ ngữ “ngụy thư”.

Theo nguyên ngữ Hy lạp, apokryphos chỉ có nghĩa là “bí mật, giữ kín”. Lúc đầu nó được dùng để chỉ Sách thánh: cần phải cất giữ các tác phẩm này, không nên để lọt vào tay người ngoại. Ý nghĩa này được sử dụng cách riêng trong các nhóm ngộ đạo: chỉ có ai đã được khai tâm thì mới được đọc các sách thiên khải.

Trong Hội thánh tiên khởi, từ ngữ apokryphos mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Lúc đầu, nó được áp dụng cho toàn thể Sách thánh. Sau đó, nó được áp dụng cho những sách chỉ nên đọc tư, chứ không được phép đọc chính thức trong các buổi cử hành phụng vụ. Đến khi sổ bộ quy thư được xác định, thì nó ám chỉ những sách nào không thuộc quy thư, vì thế cấm không được đọc công khai. Từ đó, người ta dịch là “ngụy thư” (đối lại với “quy thư”), và mang một ý nghĩa xấu. Thực ra, các ngụy thư không hẳn lúc nào cũng xấu. Một quyển sách có thể được xếp vào ngụy thư bởi vì không phải là do các tông đồ viết, mặc dù nội dung của nó rất lành mạnh: thí dụ như “thư của Clêmentê”, “thư của Banaba”. Như đã nói tren đây, có giáo đoàn coi đó như là quy thư và sau đó đã loại ra khỏi sổ quy thư (và trở thành ngụy thư). Ngược lại, sách Khải huyền của thánh Gioan từng bị coi là ngụy thư nhưng sau đó được xếp vào quy thư. Ngày nay, các hoc giả đã dùng nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phân loại các apocrypha.

– Một số tác phẩm ra đời vào thời các thánh tông đồ, đã được vài giáo đoàn nhìn nhận làm Sách thánh nhưng sau đó bị gạt ra vì không do các tông đồ viet. Những tác phẩm này được đặt tên là “Văn chương Kitô giáo nguyên thủy”, đó là: sách Điđakhê, thư Clêmentê, sách Mục tử của Hermas, thư của Banaba. Ngược lại, một tác phẩm tuy mang danh một tông đồ nhưng sau khi bị lật tay thì đương nhiên bị xếp vào hàng ngụy thư, chẳng hạn thư thứ ba của thánh Phaolô gửi Côrintô, hoặc thư gửi Laođikia

– Đa số các ngụy thư ra đời sau thế kỷ II, dựa theo thể văn của các tác phẩm Tân ước. Mục tiêu của các soạn giả khác nhau. Đôi khi vì muốn thoả mãn tính tò mò, bằng cách thêu dệt nhiều phép lạ. Đôi khi muốn biện minh cho một học thuyết nào đó (chẳng hạn chủ trương của nhóm Ngộ đạo, Ảo nhân thuyết). Các tác phẩm này đươc phân ra bốn loại: Phúc âm, hoạt động tông đồ, Thư, Khải huyền. Nhiều tác phẩm chỉ được biết qua sự trích dẫn của các giáo phụ chứ không còn được lưu lại nguyên bản.

A. Phúc âm

Tuy được gom một loại mang danh là “Phúc am ngụy thư”, nhưng giá trị của chúng khác nhau xét về lịch sử cũng như đạo lý.

1/ Một số tác phẩm ra đời đồng thời với các Phúc âm quy điển, và dĩ nhiên là được xếp vào hạng nhất xét về giá trị lịch sử. Như đã nói trên đây, trong tiến trình biên soạn các sách Phúc âm, các thánh sử đã sử dụng những nguồn tư liệu đã được thu thập trước đó, gồm các lời nói (đặc biệt là các dụ ngôn). Vài tác giả đương thời cũng sử dụng những nguồn tư liệu đó và soạn ra tác phẩm song hành. Các sử gia đặt tên cho chúng là agrapha, (những lời nói của Chúa Giêsu). Thường các “lời nói” được thuật lại trong bối cảnh của một cuộc đàm thoại với các môn đệ, chẳng hạn như: Phúc âm theo thánh Tôma, thu thập 114 câu nói của Chúa Giêsu, hoặc do tự Ngươi dạy hoặc để trả lời cho câu hỏi mà môn đệ đặt ra; hoặc Cuộc đàm đạo của Chúa Cứu the, thuật lại cuộc đàm đạo của Chúa Phục sinh với ông Giuđa và ông Mátthêu, với thể văn tương tự như cuộc đàm đạo tại nhà Tiệc ly theo Phúc âm thánh Gioan.

2/ Hạng thứ hai sử dụng các tư liệu vừa nói để soạn những tác phẩm biện minh cho chủ thuyết nào đó, chẳng hạn hoặc phủ nhận nhân tính của Đức Giêsu (thuyết ảo nhân), hoặc phủ nhận thiên tính của Người (các Phúc âm của người Do thái).

3/ Hạng thứ ba chỉ mang danh là “Phúc âm” theo nghĩa là kể lại cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng mục tiêu chúng không còn là loan báo Tin mừng cứu độ cho bằng thoả mãn tính tò mò. Nội dung của chúng xoay quanh hai giai đoạn đặc biệt của cuộc đời của Chúa Cứu thế, đó là thời thơ ấu và hồi tử nạn phục sinh.

– Một nhóm chú trọng đến nguồn gốc gia thế và thời thơ ấu của Chúa. Nổi tiếng hơn cả là Phúc âm tiên khởi của Giacôbê. Nên biết tựa đề tác phẩm này do ông Guillaume Postel đặt ra khi xuất bản năm 1522 tại Bale, dựa vào tên của tác giả, tự xưng là Giacôbê, một người anh cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu (Phúc âm tiên khởi – hay “tiền Phúc âm” – muốn nêu bật là nó được viết trước các quyển Phúc âm chính thư). Các thủ bản cổ điển mang tựa đề là “việc sinh hạ Đức Maria” (De Nativitate Mariae. Gennêsis Marias), bởi vì nói nhiều đen Đức Maria. Ngài là con của ông Gioakim và bà Anna, được dâng vào đền thờ lúc lên 3 tuổi. Khi lên 12, vị thượng tế Dacaria lo liệu việc gia thất cho cô. Tất cả các ông goá vợ được triệu đến, mỗi người mang một cây que. Duy có ông Giuse được chọn bởi vì từ cành cây của ông vọt ra một con chim câu. Trong khi ông ta vắng nhà vì công chuyện làm ăn, thiên thần hiện đến truyền tin cho cô Maria. Sau khi đi thăm bà Ysave trở về, thiên hạ thấy co mang bầu nên đã sinh nghi. Cả ông Giuse và bà Maria đều phải trải qua cuộc trắc nghiệm bằng việc uống nước đắng. Khi đã nhận ra sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa, toàn dân đã trầm trồ thán phục. Còn nhiều phép lạ nưa xảy ra khi Đức Mẹ sinh con tại Bêlem, khi trốn cảnh tàn sát thơ nhi. Có lẽ dụng ý chính của tác giả là muốn chứng minh rằng Đức Maria hoàn toàn trinh khiết trước khi sinh và sau khi sinh con. Các anh em của Chúa Giêsu được nói trong Phúc âm là con riêng của ông Giuse trước khi kết hôn với Đức Maria. Tác phẩm này ra đời vào khoảng năm 150, và được quảng bá trong nhiều cộng đoàn phụng vụ bên Đông phương. Cùng với tác phẩm “Cuộc từ trần cua Đức Maria” (Transitus Mariae) nó đánh dấu khởi điểm của lòng tôn kính Đức Maria trong các thế kỷ đầu tiên.

Nói chung, các Phúc âm thời thơ ấu thích kể lại các phép lạ xảy ra lúc Chúa Giêsu ra đời, lúc tị nạn bên Ai cập và thời niên thiếu, chẳng hạn Phúc âm thơ ấu của ông Tôma (khác với Phúc âm thánh Tôma nói trên đây)…

– Một nhóm chú trọng đến cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu: Phúc âm của Nicôđêmô, Phúc âm của Phêro.

B. Công vụ các tông đồ

Như chúng tôi đã có lần lưu ý, nếu muốn theo sát nguyên bản thì phải dịch là “Những hoạt động của các tông đồ” (Actus apostolorum), chứ không phải là “Công vụ” (Acta). Dù sao, tác giả không chỉ đóng vai trò một ký giả ghi chép các biến cố đã xảy ra trong Hội thánh nguyên thủy nhưng còn muốn trình bày một thần học về đường hướng truyền giáo của Hội thánh.

Các tác phẩm ngụy thư không còn duy trì viễn ảnh thần học, nhưng chỉ thích kể các phép lạ, có vẻ như muốn đề cao các tông đồ như là các “siêu nhân” hoặc ít là “người hùng” của Kitô giáo. Các tác phẩm này ra đời vào thế kỷ thứ hai. Các giáo phụ nhiều lần nhắc đến các “Hoat động của ông Phêro” (soạn khoảng năm 180-190), của ông Phaolô (khoảng 185-195), Anrê, Gioan và Tôma. “Hoạt động của ông Tôma” được duy trì trọn vẹn hơn cả trong bộ sưu tập 5 cuốn, lưu hành trong nhóm Manikê vào cuối thế kỷ IV.

C. Các thư

Như đã nói trên, ngoài các thư của thánh Phaolô được nhận vào sổ quy thư, còn một số thư khác được lưu hành giữa các giáo đoàn, chẳng hạn: thư thứ ba Côrintô, thư gửi Laođikia, thư gửi Alêxanđria.

D. Khải huyền

Ngoài các sách Khải huyền mang danh các tông đồ (Phaolô, Tôma), tại vài nơi còn có các tác phẩm của đạo Do thái, chẳng hạn: Sự lên trời của ông Isaia.

Nên biết là vào thời các giáo phụ, những các tác phẩm nói trên được đánh giá khác nhau. Có những tác phẩm được trích dẫn trong các bài giảng ngang hàng với các quy thư (vào lúc mà sổ quy thư chưa nhất định). Có những tác phẩm khác đã bị gạt bỏ bởi vì chứa đựng đạo lý sai lầm hoặc bởi vì chỉ lưu hành trong các nhóm lạc giáo.

Cùng với việc thiết lập sổ quy thư, các giáo đoàn cũng thiết lập sổ ngụy thư.

————————————–

Phụ Lục

TIỂU SỬ CÁC THÁNH TÔNG ĐỒ

Ngoài các tông đồ Phaolô, Phêrô, Gioan, các tài liệu của Tân ước không cho chúng ta biết gì về cuộc đời của các vị tông đồ khác. Vì thế không lạ gì mà nhiều lưu truyền đã được dựng lên để lắp đầy lỗ hổng đó. Thiết tưởng không phải là thừa khi thêm vào một phụ lục về những lưu truyền chung quanh các thánh tông đồ và vài nhân vật được nhắc đến trong Tân ước và trong lịch phụng vụ.[9]

I. Các tông đồ (không kể Phaolô, Phêrô, Gioan)

Các sách Tin mừng không nhất trí trong việc xếp đặt thứ tự các thánh tông đồ. Ở đây chúng tôi theo thứ tự ABC.

1. Anrê

Cùng với em là Simon Phêrô, ông Anrê thuộc vào số những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu (Mt 4,19; Mc 1,16; Lc 6,14; Ga 1,40-42). Trong danh sách các tông đồ, có khi ông được xếp đứng chỗ thứ hai (Mt 10,2; Lc 6,14) có lúc chỗ thứ Tư (Mc 3,18; Cv 1,3). Sau ngày lễ Hiện xuống, chúng ta không thấy Tan ước nhắc đến tên ông nữa.

Theo các lưu truyền được Eusêbiô ghi lại (Historia Ecclesiastica III,1), ông Anrê giảng đạo ở Scythia (thuộc tỉnh Đôbroudja hiện nay của nước Rumani). Những lưu truyền muộn hơn thì thêm rằng ông sang Hy lạp và chịu tử đạo tại Patras: ông bị tổng trấn Êgêatê kết án xử tử trên thập giá. Năm 356/7, hoàng đế Constantinô truyền di chuyển hài cốt về thủ đô Constantinôpôli. Năm 1208, hài cốt được chuyển về Amalfi (Italia) và từ năm 1462, về đền thờ thánh Phêrô tại Vatican. Năm 1964, đức Phaolô VI trả lại hài cốt cho giáo hội chính thống ở Patras.

2. Bartôlômêô

Từ thời thánh Augustinô, người ta cho rằng tông đồ Bartôlômêô (nguyên gốc Do thái là Bar Talmai) cũng là ông Nathanael được nói đến trong Phúc âm thứ tư (Ga 1,45-46; 21,2).

Theo Eusêbiô (HE V,10,3), một lưu truyền cổ điển cho rằng ông Bartôlômêô đã đi truyền giáo bên Ấn độ và chịu tử đạo tại đây (xc. Acta Bartholomei). Nhưng Công vụ thánh Anrê thì nói rằng ông Bartôlômêo giảng đạo tại Biển Đen, đồng thời với ông Anrê, còn Công vụ thánh Philípphê thì cho rằng ông cùng đi truyền giáo với ông Philípphê ở Hierapolis và Licaônia. Những lưu truyền muộn hơn thì kể lại việc tử đạo của ông bên Armêni (người thì nói bị ông lột da sống, người thì bảo rằng ông bị đóng đinh vào thập giá).

3. Giacôbê Tiền

Anh của ông Gioan, con của Salômê (Mt 27,56) và Dêbêđê (Mt 10,2). Cùng với ông Phêrô và Gioan, ông họp thành một nhóm thân tín với Chúa Giêsu, được chứng kiến việc cho con gái của ông Giairô sống lại (Lc 8,51), việc biến hình trên núi (Mt 17,1) và cảnh hấp hối trong vườn Cây dầu (Mt 26,37).

Theo sách Tông đồ Công vụ (12,1-3), ông Giacôbê đã bị chém đầu. Ông là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo, vào khoảng năm 42.

Theo lưu truyền từ thế kỷ VII (Breviarium Apostolorum), ông Giacôbê đã đi giảng đạo bên Tây Ban Nha. Một tài liệu đầu tiên nói đến việc di chuyển hài cốt của ông Giacôbê sang Compostela là Tử-đạo-thư của Florus (808-809).

4. Giacôbê Hậu

Đúng ra phải gọi là Giacôbê thứ (nhỏ: minor, Mc 15,40) để phân biệt với ông Giacôbê con ông Dêbêđê.

Ông là con ông Alphê (Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,15), anh em với Chúa Giêsu (Mt 13,55; Mc 6,3; Gl 1,19), một trong những cột trụ của Hội thánh Giêrusalem (Gl 2,9; Cv 15,13; 21,18). Vào lúc Chúa Giêsu chết trên thập giá, vài thánh sử còn nói tới bà Maria, thân mẫu của ông Giacôbê và Giuse (Mt 27,56; Mc 15,40).

Ngay từ thời các giáo phụ, người ta đã tranh luận xem ông Giacôbê tông đồ có phải là người anh em với Chúa Giêsu hay không. Các giáo phụ La tinh coi như một người; còn các giáo phụ Đông phương (và thánh Hiêrônimô, Comment. in Is V, 18,5-6)) cho rằng đó là hai nhân vật khác biệt. Một lý do để phân biệt là tại vì Phúc âm nói rằng “các anh em của Chúa Giêsu không tin Người” (Ga 7,5) nhưng không có chỗ nào các tông đồ bị xếp vào hàng “những người không tin”. Vì thế, những đoạn văn nói về ông Giacôbê người anh em của Chúa (Mc 6,3; Mt 13,55; Cv 12,17; 15,13; 21,18; 1Cr 15,7; Gl 1,19; 2,9; Gc 1,1; Gđ 1,1) không có dính dáng gì với tông đồ Giacôbê hậu.

Trong Hội thánh nguyên thủy, ông Giacôbê người anh em của Chúa giữ vai trò quan trọng. Ông bị thượng tế Anan ra lệnh ném đá năm 62 (Josephus Flavius, Antiquitates XX,9,1; Eusêbiô, HE II,23,4-20). Người kế vị ông để điều khiển giáo đoàn Giêrusalem là ông Simêon, anh em họ với Chúa (chịu tử đạo khoảng năm 107).

5. Giuđa Tađêô

Trong danh sách các tông đồ, tên ông Giuđa được xếp liền với ông Giacôbê (Mt 10,3; Mc 3,18; Lc 6,16; Cv 1,13), và luôn luôn được phân biệt với ông Giuđa Iscariôt.

Tông đồ Giuđa còn mang những biệt hiệu khác: Tađêô (Mt và Mc; có thủ bản đọc là Lebbêô), con ông Giacôbê (Lc và Cv). Như vậy là khác với ông Giuđa, anh em với các ông Giacôbê, Giôxép và Simôn (Mt 13,55; Mc 6,3), tức là “một người anh em với Chúa”.

Trong bữa Tiệc ly, tông đồ Giuđa hỏi Chúa Giêsu vì sao Người chỉ tỏ mình ra cho các môn đệ mà không tỏ ra cho thế gian (Ga 14,22).

Tân ước còn nói tới ông Giuđa, tác giả của mot lá thư. Ông tự xưng là “tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, anh em với ông Giacôbê” (Gđ 1,1). Các học giả đã tranh luận nhiều về căn cước của ông: phải chăng ông là tông đồ? Là người anh em với Chúa? Hay là một người khác?

Theo lưu truyền, ông là chàng rể đã chứng kiến phép lạ ở tiệc cưới Cana.

Về địa bàn truyền giáo, truyền thuyết cho rằng ông đi từ Palestina, sang tận miền Nam Ả-rập, Ba tư, Mêsôpotamia, và Bắc Armêni. Một lưu truyền cho rằng ông chịu tử đạo ở Eđessê; truyền thuyết khác cho rằng ông chịu tử đạo tại Arad (gần Beyrut).

6. Mátthêu

Cũng mang tên là Lêvi. Ông làm nghề thu thuế (Mt 10,3), và đã từ bỏ tất cả khi được Chúa gọi (Mt 9,3). Dựa theo lưu truyền được Papias (khoảng năm 138) thuật lại, ông là tác giả của sách Tin mừng thứ nhất lúc đầu viết bằng tiếng Aram.

7. Mátthia

Ngoài việc ông được bầu làm tông đồ thay thế cho Giuđa Iscariôt (Cv 1,15-26), Tân ước khong cho biết gì hơn về lai lịch của ông. Vài giáo phụ đã đồng hóa ông với ông Dachêô, hay Nathanael. Về địa bàn truyền giáo, có truyền thuyết cho rằng ông giảng đạo tại Palestina và bị ném đá bởi vì đã nói ngược lại với Lề luật. Một lưu truyền nữa thì cho ông giảng đạo ở Etiôpia và chịu tử đạo tại đây.

8. Philípphê

Trong danh sách các tông đồ, ông được xếp giữa Gioan và Bartôlômêô (Mt 10,3; Lc 6,14); sau ông Anrê (theo Mc 3,18; Cv 1,13) hay cùng với ông Anrê (Ga 12,22).

Theo Ga 1,44, sinh quán của ông là Bethsaiđa (cùng quê với các ông Anrê và Phêrô. Ông được Chúa hỏi ý kiến trước khi làm phép lạ tăng bánh (Ga 6,5-7). Một vài người ngoại đã nhờ ông dẫn tới giới thiệu với Chúa (Ga 12,20-23).

Nhiều giáo phụ đã lẫn tông đồ Philípphê với ông “trợ tá” nói ở sách Tông đồ Công vụ (6,5; 8,4.13.26-40; 21,8). Theo một lưu truyền cổ thời được ông Clêmentê Alêxanđria ghi lại (Stromata IV, 71,3), tông đồ Philípphê không chịu tử đạo.

9. Simon

Được mang biệt hiệu là “cananêô” (Mc 3,18; Mt 10,4) và “nhiệt thành” (Lc 6,15; Cv 1,13). Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích hai biệt hiệu đó. Có ngươi giải thích “cananêô” là tên chỉ quê quán, tức là Cana, và đồng hoá ông với ông chủ đám tiệc cưới Cana. Nhưng các học giả ngày nay cho rằng “cananêô” gốc bởi kênana (tiếng Aram) có nghĩa là “nhiệt thành”. Nhiệt thành theo nghĩa nào? Đã có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng “nhiệt thành” theo nghĩa tôn giáo (nhiệt tình hăng say với việc đạo: xc. Gl 1,14). Có người cho rằng “nhiệt thành” là tên của phong trào khởi nghĩa (Zelôt). Lưu truyền cho rằng ông đi giảng đạo ở Ai cập và Ba tư.

Chúng ta không nên lẫn tông đồ Simon với ông Simon, bà con với Chúa Giêsu (Mt 13,55; Mc 6,2), người kế vị ông Giacôbê để điều khiển Hội thánh Giêrusalem (62-106).

10. Tôma

Ngoài các bản danh sách các tông đồ (thí dụ Mc 3,18), ông còn được nói đến ở Ga 11,16; 20,24-28; 21,2. Ông còn mang biệt hiệu là Điđymo (sinh đôi), có lẽ vì gốc Do thái của tên ta-am có nghĩa là “đôi, kép”. Có khi ông cũng được gọi là Giuđa Tôma.

Trong số các ngụy thư, có một tác phẩm mang tên là Phúc âm theo thánh Tôma (về thời thơ ấu của Chúa Giêsu), và Công vụ của thánh Tôma (đầu thế kỷ III), kể lại hành trình truyền giáo của thánh tong đồ sang tới Ấn độ. Tục truyền rằng ngài được an táng tại Calamina (nay là Mylapore, Madras).

II. Các nhân vật Tân ước: Banaba, Luca, Timôthê, Titô

1. Banaba

Danh xưng Banaba được giải thích là “con của sự an ủi”, “con của ngôn sứ”, “con của ông Neb”. Đây là tên mà các tông đồ đã đặt cho ông, thay cho tên Giuse (Cv 4,36). Ông là một thầy Lêvi quê quán ở đảo Sýp. Trong thời gian đầu, ông hoạt động sát cánh với Phaolô, nhất là trong chuyến truyền giáo đầu tiên (Cv chương 13-14) và tại hội nghị Giêrusalem (chương 15). Tuy nhiên, sang chuyến truyền giáo thứ hai, thì ông tách biệt khỏi Phaolô, lý do vì ông Phaolô không đồng ý cho ông Banaba mang theo Gioan Máccô với mình (Cv15,39). Ông Banaba lên tàu đi đảo Sýp. Từ đó sách Tông đồ Công vụ không nói tới ông nữa.

Dù sao, sau đó thánh Phaolô lại tin dùng Máccô (Cl 4,10; Plm 24), tuy không thấy nhắc tới ông Banaba. Trong 1Cr 9,6, ông Phaolô đã có lời ca ngợi Banaba. Phải chăng đó là dấu hai ông đã làm hòa với nhau?

Một truyền kỳ vào thế kỷ V cho rằng ông Banaba chịu tử đạo ở Salamina.

Tertullianô gán cho ông Banaba là tác giả lá thư gửi người Do thái. Một tác phẩm khác mang tên là Thư của Banaba, ra đời vào cuối thế kỷ I. Ngày nay, các học giả cho rằng ông Banaba này khác với nhân vật nói trong sách Tông đồ Công vụ.

2. Luca

Theo Eusêbio Cêsarêa (HE III,4,6), Luca là ngươi gốc Antiôkia bên Syria, là một y sĩ, và trở thành môn đệ của thánh Phaolô. Tên ông được nhắc đến trong thư thứ hai thánh Phaolô gửi Timôthê (4,11): “Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi”. Nhờ thư gửi Côlôxê mà chúng ta biết ông làm y sĩ (Cl 4,14). Truyền thuyết cho rằng ông là người đồng hành với thánh Phaolô trong các hành trình truyền giáo, và là tác giả sách Tin mừng thứ ba và sách Tông đồ Công vụ. Ông cũng được gán làm tác giả của nhiều icôn về Đức Mẹ.

3. Timôthê

Một cộng sự viên thân tín của thánh Phaolô, được nhắc tới 17 lần trong các thư, 6 lần trong Tông đồ Công vụ và một lần trong thư gửi Hípri (13,23).

Theo Eusêbiô (HE III,4,5), một lưu truyền lâu đời cho rằng ông Timotê làm giám mục Êphêxô và tử đạo tại đây.

4. Titô

Ông được thánh Phaolô nhắc đến trong các thư (2Cr 2,13; 8,6.16.23; Gl 2,1-3) và đã dành cho ông một lá thư. Theo Eusêbiô (HE III,4,5) ông làm giám mục Crêta (xc. Tt 1,5).

————————————-

[1] Xc. Thánh Irênêô, Adversus haereses, I,9,4 (k.180-190).

[2] Các học giả đã tranh luận xem các Đức Giêsu và các Kitô hữu tiên khởi đã sử dụng bản văn Kinh thánh bằng tiếng Aram hay bằng tiếng Hy lạp. Nhưng chắc chắn là các tác giả Tân ước đã trích dẫn Kinh thánh theo bản LXX bằng tiếng Hy lạp.

[3] Cách riêng thánh Mátthêu, sau mỗi biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu, đã bình luận rằng: “hầu ứng nghiệm lời xưa qua miệng ngôn sứ” (41 lần) và trích dẫn một câu Kinh thánh. Chẳng hạn: Mt 1,22; 2,5.15.17.23…

[4] Dựa theo thánh Irênêo, bốn thánh sử được ví với 4 con vật trong sách Khải huyền (4,7; xc. Ed 1,5-21). Thiết tưởng cũng có thể ví Mc với Tin mừng dành cho người dự tòng, giúp cho họ tiến đến việc chấp nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, giống như viên đội trưởng ngoại giáo (Mc 1,1; 15,39). Mt được ví như Tin mừng của giáo lý viên, đào sâu mầu nhiệm của Đức Kitô, Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23; 28,20), giải thích mau nhiệm Nước Trời, được thể hiện nơi Hội thánh. Lc là Tin mừng dành cho người tín hữu làm chứng nhân giữa đời: Đức Kitô tỏ bày lòng khoan dung của Thiên Chúa dành cho hết mọi người, Đức Kitô đi tìm các chiên lạc, Đức Kitô yêu sách các môn đệ đi vào con đường hẹp, vác thập giá “mỗi ngày” (Lc 9,23) để theo Người. Ga là Tin mừng của nhà chiêm niệm đi sâu vào cảm nghiệm tri âm với Chúa Kitô.

[5] Ông Silvanô là một cộng sự viên của Tông đo Phaolô (1Tx 1,1; 2Cr 1,19).

[6] “Thiên niên” có nghĩa là 1000 năm. Dựa theo sách Khải huyền (20,1-10), họ cho rằng trước khi đến ngày tận thế, các người công chính sẽ sống lại và được hưởng một ngàn năm hạnh phúc trên đời này.

[7] Danh từ “Cựu ước – Tân ước” được Tertulliano sử dụng vào khoảng năm 200 (Adversus Marcionem 4,1,6; 4,22,3).

[8] Chỉ là một “mảnh” (fragmentum), ghi các tác phẩm sau: 4 Phúc âm, Cv, 13 thư của Phaolô, Gđ, 1-2Ga, Kh.

[9] Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã dành một loạt bài huấn dụ nhân các buổi triều yết ngày thứ tư để trình bày các thánh tông đồ, từ ngày 17/5 đến 18/10/2006.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here