THỜI CÁC TÔNG ĐỒ – CHƯƠNG HAI

0
797

THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phan Tấn Thành

———————

Nhập đề

Chương Một: BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Mục 1. Bối cảnh tôn giáo

Mục 2. Bối cảnh chính trị

Chương Hai: NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Các tác phẩm của Phaolô

Mục 2. Tông đồ Công vụ

Mục 3. Các tác phẩm còn lại của Tân ước

Chương Ba: SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Mục 1. Hoạt động của các tông đồ

Mục 2. Sự bành trướng của Kitô giáo

Chương Bốn: TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Những yếu tố cấu thành Hội thánh

Mục 2. Các dịch vụ trong Hội thánh

Mục 3. Sự hình thành những cơ quan điều khiển cộng đoàn

Mục 4. Linh ân và đặc sủng

Mục 5. Hội thánh duy nhất và đa dạng

Mục 6. Những lục đục trong cộng đoàn

Chương Năm: HIỆP THÔNG TRONG NIỀM TIN

Mục 1. Các hình thức giảng thuyết

Mục 2. Giáo huấn của thánh Phaolô

Mục 3. Giáo huấn của thánh Gioan

Chương Sáu: ĐỒNG TÂM CẦU NGUYỆN

Mục 1. Đời sống cầu nguyện của các Kitô hữu tiên khởi

Mục 2. Các bí tích

Mục 3. Các hành vi phụng tự khác

Chương Bảy: DUY TRÌ MỐI DÂY YÊU THƯƠNG

Mục 1. Giáo huấn luân lý của thánh Phaolô

Mục 2. Con người với Thiên Chúa

Mục 3. Đời sống gia đình và xã hội

Kết Luận: QUY CHUẨN CỦA THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phụ Lục

Tiểu sử các thánh tông đồ

———————

Nhập để

Chương Một. BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

———————

Chương Hai

NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Vào thế kỷ I của Công nguyên, các tín đồ Kitô chỉ mới là một nhóm nhỏ, chưa lôi kéo sự chú ý của các nhà biên niên của đế quốc Rôma. Các nguồn sử liệu ngoài Kitô giáo cung cấp cho chúng ta rất ít dữ kiện; tuy nhiên chúng hữu ích khi đối chiếu với các nhân vật, địa danh, phong tục được các tác giả Tân ước nhắc đến.[1]

Như vậy, phần lớn các tư liệu liên quan tới sinh hoạt và học thuyết của Giáo hội vào thời các tông đồ nằm trong các tác phẩm của Tân ước. Nên biết là trong số 27 tác phẩm của Tân ước, các sử gia cho rằng ít là 24 tác phẩm ra đời vào thế kỷ I. Tuy không được dồi dào cho lắm, nhưng so sánh với các tôn giáo khác trên hoàn cầu, thì ít tôn giáo nào cung cấp nhiều tài liệu đương thời như vậy.

Vào cuối thời Cựu ước, các người Do thái đã phân chia Kinh thánh thành ba khối: các sách lề luật (hay lịch sử), các sách ngôn sứ, các sách khôn ngoan (xc. Hc 1,1-2; 9-11). Một cách tương tự như vậy, người ta cũng chia các sách Tân ước làm ba khối: lịch sư (Phúc âm và Tông đồ Công vụ), khôn ngoan (các thư của các thánh tông đồ) và ngôn sứ (Khải huyền). Sự phân chia này có hơi gượng ép, nhất là bởi vì trong quá khứ người ta quan niệm ngôn sứ như là tiên tri (báo trước tương lai), đang khi theo nghĩa của Kinh thánh ngôn sứ là người loan báo Lời Chúa chứ không phải là tiên đoán tương lai! Nếu hiểu như vậy thì các thư của các thánh tông đồ đáng phải xếp vào loại ngôn sứ mới đúng, còn sách Khải huyền thì thuộc một văn thể khác hẳn với loại tiên tri (văn thể khải huyền).

Dù sao, khi muốn tìm tư liệu để viết lịch sử của Giáo hội tiên khởi, các sử gia sử dụng hai nguồn chính, đó là: 1/ Tông đồ Công vụ; và 2/ Các thư của các thánh tông đồ, phần lớn là của thánh Phaolô.

Khi sử dụng các tác phẩm Tân ước làm nguồn sử liệu, chúng ta cần phải biết phân biệt ra hai nhãn giới khác nhau: nhãn giới của các tác giả Tân ước và nhãn giới của các nhà sử học hiện nay.

1/ Các tác giả Tân ước (các tông đồ và các thánh sử) không phải là những sử gia chuyên nghiệp, và họ không có chủ ý viết lịch sử của Giáo hội. Mục tiêu của họ là huấn giáo. Các tác phẩm này là chứng tích đức tin của các Kitô hữu tiên khởi, chứ không phải là các niên sử ghi chép hết mọi biến cố đã xảy ra cho Giáo hội vào lúc sơ khai.

2/ Các nhà sử học hiện đại cố gắng tìm các dữ kiện tư các tác phẩm của Tân ước, phân tích, phê bình và đối chiếu với các nguồn sử liệu khác, rồi sau đó viết lại lịch sử của Giáo hội thời đó.

Dựa theo sự phân biệt giữa hai nhãn giới, ở đây chúng tôi sẽ trình bày các tác phẩm của Tân ước dưới khía cạnh sử học (như là nguồn gốc văn chương). Còn nội dung đạo lý của các tác phẩm Tân ước sẽ được bàn đến trong một chương khác.

Như vừa nói, hai nguồn tài liệu lịch sử chính về lịch sử của Giáo hội tiên khởi là Tông đồ Công vụ và các thư của thánh Phaolô. Xét theo niên biểu xuất bản, thì các thư của thánh Phaolô ra đời trước tiên. Vì lý do đó, chúng tôi xin bắt đầu với việc giới thiệu các tác phẩm của thánh Phaolô.

Mục 1. CÁC TÁC PHẨM CỦA PHAOLÔ

Ngày nay chúng ta còn giữ được 14 lá thư của thánh Phaolô. Các lá thư đó vừa cho chúng ta biết được đạo lý mà thánh nhân rao giảng vừa cung cấp vài chi tiết về cuộc đời của tác giả. Những chi tiết này cần được đối chiếu với các dữ kiện khác của Tân ước, cách riêng là sách Tông đồ Công vụ.

I. Tiểu sử

Không thiếu tác giả đã ví thánh Phaolô như là đệ nhị sáng lập viên của Kitô giáo (sau Đức Kitô). Dù đánh giá vai trò của ông thế nào đi nữa, một điều chắc chắn là Phaolô đã góp phần rất lớn trong việc mở rộng biên cương của Kitô giáo (vượt ra khỏi lãnh thổ của dân tộc Do thái), cũng như trong việc diễn tả học thuyết của Kitô giáo và rút ra những hệ luận thực tiễn.

Hai nguồn tư liệu chính để viết lại tiểu sử của Phaolô là: sách Tông đồ Công vụ và các đoạn tự thuật trong các thư của người (xc. Gl 1,11-2,14; 1Cr 15,9; 2Cr 11,22-23; 12,1-10; Rm 11,1; Pl 3,4-6; Plm 9). Tuy nhiên, các học giả nhận thấy rằng có những chi tiết không trùng hợp nhau giữa hai nguồn đó.

Trong các thư viết bằng tiếng Hy lạp, thánh tông đồ tự xưng là Paulos. Nguồn gốc La tinh là Paulus (nghĩa là nhỏ bé). Trong Tông đồ Công vụ, Luca gọi ngài bằng tên Do thái là Saul (giống như vị vua đầu tiên của dân Do thái: 1Sm 9,2.17), cho đến khi gặp thống đốc Syprô tên là Sergius Paulus (Cv 13,9), thì gọi bang tên Rôma là Paulos, có vẻ như muốn nêu bật sứ mạng truyền giáo mở rộng tới thế giới Hy-La. Thực ra vào thời đó nhiều người Do thái sinh sống ở nước ngoài đã mang hai tên (Do thái và Hy lạp), như chúng ta thấy nhiều nhân vật trong Tông đồ Công vụ: Giuse Giustô (1,23), Gioan Máccô (12,25). Không lạ gì mà bên cạnh tên Do thái Saul (phiên âm Hy lạp là Saulos), song thân (mang quốc tịch Rôma, xc. 22,28) đã ghép thêm một tên gần đồng âm là Paulos.

Ông Phaolô sinh tại Tarsô, một hải khẩu của miền Kilikia, địa điểm thương mại phồn thịnh. Sinh trưởng trong một gia đình Do thái, trung thành tuân giữ Lề luật (Pl 3,5), ông hãnh diện về nòi giống Do thái cũng như về nhóm Pharisêu mà ông là thành viên (Rm 11,1; 2Cr 11,22). Khi còn nhỏ, ông được gửi đi Giêrusalem để thụ giáo với pháp sư Gamaliel (Cv 22,3; 26,5). Nền giáo dục của ông xem ra nặng về đạo giáo, nhưng nghèo về văn chương. Điều đó biểu lộ qua giọng văn khi viết thư: thiếu ngôn từ văn hoa bóng bảy.

Việc đi thụ giáo với ông Gamaliel không phải chỉ để tìm hiểu đạo giáo sâu sắc hơn, nhưng hẳn còn nhằm để trở thành rabbi. Theo thói thường, các thanh niên lập gia đình vào khoảng 18 tuổi và muộn lắm là 30 tuổi. Nhưng Phaolô không bao giờ nhắc tới bà vợ của mình. Mặt khác, theo 1Cr 7,7-8 ông tự xếp mình vào hạng những người độc thân. Nên biết là hiện tượng độc thân không phải là chuyện họa hiếm, bởi vì đã được nhiều phần tử thuộc nhóm Essêniô thực hành.

Theo lời tự thú ở Gl 1,13 (xem thêm 1Cr 15,10-11; Pl 3,5), ông Phaolô vì nhiệt thành bảo vệ truyền thống của cha ông nên đã bách hại các Kitô hữu. Theo Cv 7,60 ông Saulô đã tham gia vào việc ném đá giết ông Stêphanô. Sang đến Cv 9,1-9 ta biết rằng ông ta xin được phép của Thượng Hội đồng để truy nã các người Kitô hữu, kể cả ở ngoài biên cương của Palestina (Cv 26,10-12). Thế nhưng trên đường đi Đamascô (thuộc vùng Siria), ông đã được Đức Kitô hiện ra và kêu gọi ông đi làm tông đồ cho Người (Cv 9,3; 22,6; 26,12). Trong các thư, ông Phaolô đã nhiều lần nhắc lại sự biến cải từ chỗ “người bách hại” sang chỗ “người tông đồ” của Đức Kitô, nhờ hồng ân của Chúa (xc. Gl 1,13-16; 1Cr 15,9-10; Pl 3,6.12).

Sách Công vụ đã ba lần kể lại biến cố đó: lần đầu tiên khi tường thuật những diễn tiến của Giáo hội tiên khởi (9,1-19); lần thứ hai và thứ ba là chính lời biện hộ của Phaolô (22,3-21; 26,12-20). Trong cả ba lần tường thuật, ông đều coi biến cố đó như là việc Chúa Kitô “kêu gọi” ông, và ủy thác sứ mạng rao truyen Phúc âm. Trong các lá thư, thì Phaolô nhấn mạnh tơi ơn gọi làm tông đồ, tuy không nhất thiết gắn liền với biến cố trên đường Đamascô.[2]

Sau đó ông rút vào nơi cô tịch bên Arabia một thời gian không rõ là bao lâu, có le để hồi tâm suy nghĩ. Rồi ông trở lại Đamascô; sau 3 năm, ông lên Giêrusalem, gặp ông Phêrô và Giacôbê. Đó là theo lời tự thuật của Phaolô trong thư gửi Galát (1,13-19). Tông đồ Công vụ không đả động gì đến thời gian lưu trú tại Arabia, mà chỉ nói rằng sau khi được Đức Kitô kêu gọi thì ông bắt đầu công cuộc rao giảng ngay tại chính Đamascô, nhưng không được bao lâu thì phải rời nơi đây bởi vì người Do thái mưu toan ám sát ông (9,19-25). Vao ban đêm, người ta đưa ông qua tường thành bằng cách đặt ông ngồi trong một cái thúng rồi thòng dây thả xuống. Câu chuyện này còn được ông kể lại trong 2Cr 11,32-33.

Sau khi thuật lại cuộc hội kiến của ông Phaolô với các tông đồ tại Giêrusalem, tác giả của Tông đồ Công vụ đã để ông trong bóng tối một thời gian. Sang chương 11, câu 25 thì mới thấy nói tới ông Banaba sang tìm ông Phaolô ở Tarsô để đưa về Antiôkia. Dựa theo Galát (1,18-21), ta biết rằng ông Phaolô chỉ dừng lại Giêrusalem 15 ngày, rồi trở về hoạt động tại quê hương mình (miền Kilikia, mà thủ phủ là Tarsô), có lẽ trong vòng 10 năm.

Từ Antiôkia, ông bắt đầu các hành trình truyền giáo. Chuyến đau tiên vào khoảng năm 46 (Cv 13,1-14,28). Cũng từ ngày đó mà ông Phaolô bắt đầu viết các thư gửi đến các giáo đoàn mà mình đã thành lập, nhằm trả lời những thắc mắc mà họ nêu lên hoặc nhằm bổ túc cho lời giảng. Trong các thư đó, ông Phaolô có nhắc tới nhiều chuyến hành trình (xc. 1Cr 16,1tt; Rm 15,19.24-29; 1Tx 3,1-3; Pl 4,15-16), nhưng không thuật theo thứ tự ký sự. Sách Tông đồ Công vụ đã dành 2/3 tác phẩm để thuật lại chi tiết của ba chuyến hành trình.

1/ Chuyến thứ nhất được kể lại trong hai chương 13-14. Khởi hành từ Antiôkia, ông Phaolô cùng với ông Banaba sang đảo Chyprô, rồi dọc theo ven biển miền Pamphylia, đến Antiôkia ở Pisiđia, Icôniô, Lystra, Đerbe. Đi tới đâu, các ông cũng dành ưu tiên rao giảng cho dân Do thái. Đến khi bị đồng bào khước từ, các ông mới quay sang dân ngoại. Sau đó các ông trở về Antiôkia (Siria). Tại đây xảy ra cuộc tranh luận giữa ông Phaolô và ông Phêrô về việc ngồi bàn chung với các tín hữu gốc Do thái và gốc dân ngoại (Gl 2,11-14). Tông đồ Công vụ không nói tới biến cố này, mà chỉ đề cập tới đại hội ở Giêrusalem giữa các tông đồ để bàn về việc có bó buộc các tín hữu gốc dân ngoại giữ luật Môsê hay không (Cv 15).

2/ Chuyến hành trình thứ hai được sách Tông đồ Công vụ kể tiếp trong các chương 16-18, kéo dài ba năm. Lần này ông Phaolô đi một mình chứ không có ông Banaba nữa. Ông Phaolô trở lại thăm viếng các địa điểm đã đến trong chuyến đi trước, và tiếp theo một thị kiến (Cv 16,9-10), ông đã sang vùng Makêđônia (tức là từ miền Tiểu Á tiến sang Âu châu), giảng Phúc âm tại các thành phố Philípphê, Thêxalônica, Athen, Côrintô. Sau vài tháng tại Côrintô, ông Phaolô lại trở về Antiôkia.

3/ Với chuyến hành trình thứ ba (Cv 18-20), ông Phaolô rảo qua các vùng Galát, Phrygia, để đến Êphêxô, một thành phố quan trọng của Tiểu Á. Từ Êphêxô, ông đáp tàu sang Côrintô, rồi đi ngược lại thăm viếng các địa điểm thuộc vùng Acaia và Makêđônia mà ông đã đến lần trước. Tại Philípphê, ông được Thánh Thần cho biết phải trở về Giêrusalem để làm chứng cho đức tin. Trên đường về ông đã ghé lại Troađê, Mitilênê, Tirô, và chấm dứt hành trình lại Cêsarêa ở Palêstina, từ đó ông tiến về Giêrusalem, mang theo tiền quyên góp của các nơi truyền giáo để giúp đỡ các tín hữu tại Giuđêa.

Ở Giêrusalem ông Phaolô bị bắt, tiếp theo một vụ rối loạn xảy ra trong đền thờ. Vì sợ ông Phaolô có thể bị người Do thái ám sát, vị chỉ huy quân đội cho điệu ông về Cêsarêa, nộp cho tổng trấn Fêlix. Tổng trấn không thấy ông vi phạm luật pháp, nên định giao lại cho Thượng hội đồng Do thái xét xử. Nhưng ông Phaolô lấy danh nghĩa là công dân Rôma, đã khiếu nại lên Hoàng đế Rôma. Tổng trấn Felix chần chừ khá lâu, cho tới khi mãn nhiệm, và người thay thế là tổng trấn Festô mới quyết định áp giải về Rôma. Sách Tông đồ Công vụ đã thuật lai chuyện lênh đênh trên tàu ở các chương 27-28, và kết thúc khi tù nhân Phaolô đến Rôma. Trong vòng 2 năm bị quản thúc, ông Phaolô lợi dụng để rao giảng Tin mừng (28,30-31). Sau đó, chắc là ông Phaolô tiếp tục công cuộc truyền giáo, chẳng hạn việc thành lập cộng đoàn Côlôxê và Laođikia (xc. Cl 4,16), Crêta (xc. Tit 1,5). Một truyền thống nữa cho rằng ông sang Tây ban nha, dựa theo Rm 15,24-28, và chứng tích của thư của Clêmentê Côrintô 5,7 (viết khoảng năm 95).

Sau cùng, cũng dựa theo truyền thống, ông Phaolô bị hành quyết tại Rôma trong thời hoàng đế Nêrô bắt đạo.

Sách Tông đồ Công vụ và các thư của thánh Phaolô không cho ta biết những năm tháng về cuộc đơi của vị tông đồ dân ngoại. Người ta chỉ có thể dựa theo vài chi tiết liên hệ đến vài nhân vật thuộc lịch sử Rôma để tính.

+ Trong 2Cr 11,32, Phaolô cho biết là ông bị tổng đốc của vua Arêta vây bắt đang khi ở Đamascô. Vua Arêta IV băng hà năm 40 CN. Như vậy chuyện này phải xảy ra trước đó. Đây là một dấu mốc cho hoạt động truyền giáo của ông Phaolô, nghĩa là ông được Chúa gọi trước năm 40.

+ Một chi tiết nữa có thể giúp xác định các chặng đường đời của ông Phaolô là các năm Sabát. Theo lịch Do thái, cứ 7 năm một lần thì có năm Sabát (năm xoá nợ nần). Các chu kỳ này được Phaolô nhắc tới trong các biến cố quan trọng của đời mình, thí dụ ở Gl 2,1 (sau 14 năm tôi lên Giêrusalem) và 2Cr 12,2 (trước đây 14 năm tôi được nhấc lên tầng trời thứ ba). Trong thời của Phaolô, các năm Sabát là 34-35; 41-42; 48-49; 55-56. Như vậy có thể phỏng đoán như thế này: ông được Chúa gọi vào khoảng năm 34-35; mười bốn năm sau, ông lên Giêrusalem mang theo tiền dâng cúng (dựa theo Gl 2,1).

+ Theo sách Tông đồ Công vụ (chương 18, câu 12-17), sau 18 tháng hoạt động tại Côrintô (trong chuyến hành trình truyền giáo lần 2), ông Phaolô bị người Do thái bắt và đưa ra tòa của ông Galion, thống đốc miền Akhaia. Dựa theo một tấm bia tìm thấy tại Đelphi (năm 1905) ông Galion (L. Junius Gallio Annaeus) trú ngụ tại Côrintô từ tháng 5 năm 51 tới tháng 5 năm 52. Như vậy, ông Phaolô đến đây vào khoảng năm 50. Rồi tính lùi lại trên dưới 2 năm, người ta đoán Đại hội các tông đồ tại Giêrusalem diễn ra vào khoảng năm 48-49.

+ Dựa theo Cv 23,24 và 24,1-27, ông Phaolô bị giam tai Cêsarêa dưới thời chuyển tiếp của hai tổng trấn Felix và Festô. Tiếc rằng các nguồn sử liệu Rôma không trùng hợp với nhau về thời gian này. Đối chiếu nhiều nguồn tư liệu với nhau, người ta chỉ đoán là vào khoảng những năm 56-57.

+ Sau cùng, như đã nói trên đây, truyền thống cho rằng thánh Phaolô chịu tử đạo cùng thời với thánh Phêrô, dưới thời hoàng đế Nêrô, khoảng năm 64-68, nhưng cũng có học giả đã tính lùi lại hơn kém 10 năm (nghĩa là liền sau 2 năm bị giam tại Rôma). Dĩ nhiên, khó mà đoán được thánh tông đồ sống bao nhiêu tuổi! Nên biết là không ít tác giả đã đưa ra giả thuyết là ông sinh vào những năm đầu của công nguyên, nghĩa là chỉ thua Đức Giêsu vài tuổi.

II. Các Thư

Thánh Phaolô đã mở đầu cho việc ra đời các tác phẩm Tân ước với các thư của mình. Nên biết là thể văn viết thư nằm trong kho tàng văn chương Hy lạp Rôma cổ thời. Người ta ước tính khoảng 14 ngàn bức thư (kể cả của các tác giả Kitô giáo) còn được lưu giữ, nổi tiếng hơn cả là 774 thư của ông Cicero và 125 thư của ông Seneca.

Vào đầu thế kỷ XX, ông A. Deissman đã đề nghị phân biệt hai loại thư: a/ thư “giao thiệp” (littera), nhằm thông tin cho một cá nhân cụ thể; b/ “điệp văn” (epistola), lấy hình thức viết thư để trình bày một học thuyết hay để trình diễn tài viết văn. Thư giao thiệp mang tính cách tư riêng, không cần lời lẽ trau chuốt, và giữ kín giữa người gửi với người nhận. Điệp văn là một kiệt tác văn chương, với chủ ý phổ biến. Dĩ nhiên là có những thư nằm ở giữa hai loại. Khỏi nói ai cũng đoán được, hầu hết các thư của Phaolô (cũng như của Tân ước và của các tác giả đầu tiên của Kitô giáo: Clêmêntê, Inhaxiô) thuộc loại điệp văn.

Thường các thư được thảo dựa theo một bố cục gồm 3 phần: 1/ Mở đầu (Praescriptum): tên người gửi (superscriptio), tên người nhận (adscriptio). Lời chào thăm (salutatio). 2/ Thân bài: nội dung thông tin. 3/ Kết luận (Postscriptum): chào và chúc.

Các thư của Phaolô cũng dựa theo bố cục đó. 1/ Lời chào thăm ở phần mở đầu thường là: “Chúc anh em được ân sủng và bình an”. “Bình an” (eirêne) là lời chúc thông dụng đối với người Do thái (shalom!); Phaolô thêm vào lời chúc “ân sủng” (kharis), vì là đặc trưng của công trình mà Đức Kitô mang đến cho nhân loại. Đôi khi công thức này được bổ túc với chủ từ: “Ân sủng và bình an do Thiên Chúa là Cha chúng ta và do Chúa Giêsu Kitô”. Về phía người gửi, đôi khi Phaolô thêm danh tánh của các cộng sự viên của mình (thí dụ: Silvanô, Timôthê). Địa chỉ người nhận đôi khi cũng được kéo dài (thí dụ: 1Cr 1,2; Rm 1,7). Liền sau công thức chào thăm là lời mở đầu bằng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa vì tình hình tốt đẹp của cộng đoàn (trừ lá thư gửi Galát, vì mang tính cách khiển trách). 2/ Phần thứ hai dài hay ngắn tùy theo nội dung vấn đề. Đôi khi phần này còn được phân ra hai mục: đạo lý và khuyên nhủ thực hành. 3/ Trong phần kết thúc, thay vì lời chào từ giã, Phaolô thường dùng công thức phụng vụ, chẳng hạn như 1Tx 5,28: “Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”; hoặc 1Cr 16,23-24: “Cầu chúc anh em đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu! Tôi thương mến tất cả anh em trong Đức Kitô Giêsu”; hay là 2Cr 13,13: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen”.

Quy điển Tân ước nhìn nhận 14 thư của thánh Phaolô. Thực khó mà biết được Hội thánh tiên khởi đã dựa vào tiêu chuẩn nào để biết chắc rằng các thư ấy do thánh Phaolô viết. Rất có thể là còn một số thư nữa đã bị thất lạc vào hồi thu thập chúng. Dựa theo các bức thư hiện hành, tác giả đả động tới vài thư khác mà hậu thế không còn lưu giữ, chẳng hạn như 1Cr 5,9 (“trong thư đã gửi cho anh em, tôi có viết là đừng đi lại với người dâm đãng”), 2Cr 2,3-4 (“Tôi đã viết trong thư như vậy là để khi đến, tôi khỏi phải ưu phiền… Thực thế, tôi đã vô cùng đau khổ, lòng se lại, nước mắt chan hòa mà viết cho anh em…”) thư trong nước mắt chắc không phải là 1Cr; Cl 4,16 (“Sau khi anh em đọc thư này, xin liệu sao cho Hội thánh Laođikia cũng được đọc nữa. Xin anh em cũng đọc thư của tôi gửi cho Hội thánh Laođikia”). Đoạn văn này xem ra cho thấy rằng vào lúc đó đã có một tục lệ các giáo đoàn trao đổi với nhau các thư mà thánh tông đồ gửi cho mình, hoặc là đã có một bộ sưu tập các thư đó. Chắc chắn là bộ sưu tập này đã thành hình khi thư thứ 2 của Phêrô ra đời (đầu thế kỷ II), như ta đọc thấy ở chương 3, 15-16 (“Anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phaolô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong các thư của ông, khi bàn đến vấn đề này”). Tuy nhiên, các sử gia còn muốn biết thêm là bộ sưu tập đó gồm bao nhiêu lá thư? Việc tìm ra câu trả lời không phải là đơn giản.

Vào khoảng năm 144, ông Mackiôn cho lưu hành một bộ tuyển tập gồm 10 thư (Galát, 1 và 2 Côrintô, Rôma, 1 và 2 Thêxalonika, Êphêxô, Côlôxê, Philípphê, Philêmôn), và như vậy là loại bỏ 3 thư mục tử và Do thái. Vào cuối thế kỷ II, các bộ sưu tập đều bao gồm các tác phẩm hiện hành, chỉ trừ thư gửi Hípri thì còn bị nghi ngờ một thời gian khá lâu (nhất là bên Tây phương). Thứ tự xếp đặt các lá thư cũng không đồng nhất. Thứ tự mà chúng ta có hiện nay (dựa theo bản dịch Vulgata) không phải là cổ điển nhất, và căn cứ trên tiêu chuẩn ngoại diện (các thư dài xếp trước các thư ngắn, các thư dành cho cộng đoàn thì đi trước các thư gửi cho tư nhân).

Các học giả thường chia các thư của thánh Phaolô thành 3 nhóm: 1/ Các thư “lớn”, viết trong thời kỳ truyền giáo (1Tx, 1Cr, Gl, Rm; thêm vào 2Cr, 2Tx). 2/ Các thư viết trong tù (Pl, Cl, Ep, Plm). 3/ Các thư mục tử (1 và 2Tm; Tt). Thư Hípri thì ngoại hạng, bởi vì mang hình thức của một bài giảng về chức tư tế của Đức Kitô, với lối hành văn khác với các thư khác.

Thực ra việc phân nhóm không phải chỉ dựa theo thứ tự thời gian mà thôi, nhưng còn dựa theo nhiều tiêu chuẩn khác nữa, cách riêng là chung quanh xác nhận tác giả của các bức thư. Dựa vào việc phan tích từ ngữ, văn thể và tư tưởng, một vài nhà phê bình chỉ nhìn nhận 4 lá thư lớn (1Tx, 1Cr, Gl, Rm) và Plm là do ngòi bút của Phaolô. Các thư “viết trong tù” (đặc biệt là thư gửi Êphêxô) đánh dấu một sự chuyển hướng thần học. Các ý niệm “mầu nhiệm”, “mặc khải”, “hiểu biết” đã thay thế các ý niệm “tin mừng” “truyền thống” “đức tin”; đời sống kết hiệp thân mật với Đức Kitô thay thế lòng trông mong cuộc quang lâm. Sự khác biệt về lối diễn tả chỉ có thể giải thích bằng hai cách: a/ hoặc là do một ngòi bút khác, b/ hoặc là do một sự chuyển biến tư tưởng sâu xa. Lối giải thích thứ nhất (cho rằng có hai tác giả khác nhau) thì đơn giản hơn. Lối giải thích thứ hai thì chấp nhận có sự thay đổi tư tưởng; và sự thay đổi này không có gì khó hiểu cả. Một đàng là khoảng cách thời gian giữa những lá thư “lớn” với các lá thư “trong tù”: tác giả không những là già dặn hơn về tuổi đời, mà còn đã tiếp xúc với nhiều nền văn hoá tôn giáo trên các chặng hành trình; nhờ vậy tác giả đã có khả năng diễn đạt mầu nhiệm Kitô giáo với những hình thức tư tưởng mới. Đàng khác, chắc là tác giả không the nào tự mình viết hết các lá thư được. Nguyên chỉ ngồi chép tay lá thư gửi Rôma[3] thì đã mất 98 giờ liên tục; còn nếu phải soạn thảo nó trong thời gian làm việc tự nhiên, thì ắt là phải kéo dài trên dưới một tháng. Trong khoảng thời gian đó, vài tư tưởng đã có thể chín mùi hơn, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra những chỗ thiếu thống nhất. Từ đó ta dễ hiểu được sứ tiến triển tư tưởng của các lá thư cách xa nhau cả chục năm. Trên thưc tế, vào thời cổ, ít khi tác giả đích thân biên soạn tác phẩm; họ đọc cho các thư ký viết. Ta nhận thấy dấu vết của sự hiện diện của các thư ký ở phần cuối của vài lá thư của Phaolô (Rm 16,22; 1Cr 16,21; Cl 4,18; 2Tx 3,17). Người thư ký có lúc chỉ phải viết từng chữ từng lời như là nghe đọc ám tả, nhưng có lúc được giao phó cả việc thảo lời lẽ và hình thức văn chương nữa, bởi vì tác giả chỉ gợi lên vài tư tưởng chính mà thôi. Có lẽ các thư gửi Êphêxô, Côlôxê và các thư mục vụ thuộc vào loại này: người thư ký sử dụng vài tư tưởng của thánh Phaolô (vắng mặt hay đã qua đời) và thảo ra bản văn.

Gần đây, các học giả đề nghị một giả thuyết khác. Thay vì nói tới các thư ký thảo ra các thư dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô, có lẽ phải nói tới một “trường phái Phaolô”. Lúc đầu họ gồm một số cộng sự viên thân tín của thánh nhân (chẳng hạn các ông Titô và Timôthe), dần dần mở rộng đến những người ái mộ và muốn bắt chước ngài, được ngài coi như con cái (xc. 1Tx 2,7-8.11; 1Cr 4,15; Gl 4,19). Không những họ thâu thập các bút tích của thầy mình, mà còn muốn áp dụng tư tưởng của ngài để giải quyết những vấn đề mới, và không ngại sử dụng danh nghĩa của ngài khi xuất bản. Nên biết là những trường hợp này không phải là họa hiếm vào thời cổ.[4]

Xét như là nguồn tài liệu lịch sử của Kitô giáo tiên khởi, chúng ta nên biết rằng các thư của Phaolô không những chỉ chứa đựng các học thuyết đạo lý, mà còn gồm những đoạn tự thuật về cuộc đời và hoạt động của thánh tông đồ và của các cộng sự viên; ngoài ra chúng ta còn tìm thấy các chứng tích về công thức phụng vụ, các thánh thi, thánh ca, hoặc cách thức cử hành bí tích cũng như cách thức tổ chức nội bộ cộng đoàn các tín hữu.

Mục 2. TÔNG ĐỒ CÔNG VỤ

Phải nhìn nhận rằng đây là nguồn tư liệu phong phú nhất về đời sống của Kitô giáo tiên khởi. Từ thánh Irênêo[5] (thế kỷ II), truyền thống nhìn nhận tác gia của sách là ông Luca, người đã viết quyển Phúc âm thứ ba (xc. Cv 1,1). Ông này là một y sĩ (xc. Cl 4,14: “Luca, thầy thuốc yêu quý”), đã tháp tùng ông Phaolô trong các chuyến hành trình truyền giáo, và có lẽ đã viết lại hồi ký của mình trong những đoạn nói về “chúng tôi” ở phần thứ hai của tác phẩm (thí dụ Cv 16,10; 20,5-15; 21,1-18; 27,1-28,16).

Tác giả thuật lại chặng đường phát triển của Giáo hội từ Giêrusalem cho đến Rôma, trong khoảng thời gian trên dưới 30 năm. Khởi điểm là mệnh lệnh của Chúa Giêsu trước khi lên trời: “Các con sẽ là chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđêa, Samaria và cho đến cùng cõi thế giới” (Cv 1,8). Tuy nhiên, chủ ý của tác giả không phải là ghi lại hết các chi tiết theo kiểu lối văn niên ký, nhưng là trình bày cho thấy sự bành trướng Tin mừng giữa dân ngoại do quyền năng của Thánh Thần. Ta có thể ví với thể văn của sách Phúc âm. Tuy rằng sách Phúc âm chứa đựng nhiều chi tiết về cuộc đời của Chúa Giêsu, nhưng chủ ý cua tác giả không phải là viết một quyển tiểu sử về Người, cho bằng sứ điệp cứu rỗi mà Người mang lại cho nhân loại. Một cách tương tự như vậy, sách Tông đồ Công vụ muốn diễn tả sự bành trướng của Tin mừng Đức Kitô do quyền năng Chúa Thánh Thần, khởi đầu từ Giêrusalem, lan rộng sang các vùng lân cận và cho tới thủ đô Rôma. Tác phẩm chấm dứt ở đây vì thấy đã đạt mục tiêu rồi. Tác giả không bận tâm gì về sinh hoạt của các Kitô hưu tại thủ đô của đế quốc.

Tuy mang danh là “Công vụ của các thánh tông đồ”[6] nhưng trên thực tế, tác giả chú trọng đến hai vị tông đồ nổi bật hơn cả, đó là Phêrô và Phaolô. Vài nhà phê bình văn chương đã nhận thấy rằng không những là tác giả đã lần lượt thuật lại hoạt động của hai vị tông đồ mà còn chủ ý đối chiếu với nhau nữa. Chẳng hạn như Phêrô cho bà Tabitha sống lại (9,36) thì Phaolô cũng cho cậu Euticô sống lại (20,9); Pherô phạt Anania và Saphira chết tươi (5,1) thì Phaolô cũng phạt Elymas phải bị mù (13,8); bóng dáng của Phêrô có khả năng chữa bệnh (5,15) thì khăn áo của Phaolô cũng có khả năng chữa bệnh (19,12); ông Phêrô không cho phép Cornêliô bái lạy mình (10,25) thì Phaolô ngăn cản không cho dân Lystra dâng lễ cho mình (14,15); ông Phêrô bị giam trong ngục được thiên sứ giải thoát (12,7) thì ông Phaolô cũng được giải thoát khỏi tù nhờ một trận động đất (16,27). Sự đối chiếu giữa hai vị đại tông đồ có lẽ nhằm một dụng ý nào đó. Phải chăng tác giả muốn cho thấy rằng những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện cho dân Do thái (đối tượng hoạt động của ông Phêrô) thì cũng dien ra trong công cuộc truyền giáo dành cho dân ngoại (đối tượng hoạt động của ông Phaolô)?

– Về thời gian biên soạn, các học giả Công giáo xưa nay cho rằng tác phẩm này ra đời vào khoảng từ năm 62 cho đến năm 70. Một lý do để kết luận như vậy là vì tác giả không nói gì tới việc thánh Phaolô bị bắt lần thứ hai và bị tử đạo tại Rôma. Nhưng có những học giả Tin lành thì cho rằng nó được viết sau năm 70. Lý do thứ nhất là vì sách này viết sau Phúc âm thứ ba; thế mà Phúc âm thứ ba được viết sau khi thành phố Giêrusalem sụp đổ vào năm 70 (căn cứ vào bài giảng tiên báo sự tàn phá- 19,42-44; 21,20-24- khác với lúc tận thế). Một lý do khác là bởi vì các hoc giả đặt nghi vấn về người biên soạn, không chắc có phải là của Luca bạn đồng hành của Phaolô hay không. Đừng kể những chi tiết dị biệt về tiểu sử của Phaolô so với các thư mà chúng tôi đã nêu trên đây, tác giả của Tông đồ Công vụ đã làm thinh về những biến cố hay những tư tưởng thần học then chốt của Phaolô.

– Về những biến cố lịch sử: cuộc đụng độ giữa Phêrô và Phaolô tại Antiokia về việc tuân giữ các phong tục Do thái (Gl 2,11tt). Công vụ trình bày Phaolô như là người tôn trọng các tục lệ Do thái (thí dụ việc cắt bì cho Titô: Cv 16,3; việc giữ lời khấn hứa: Cv 18,18); đang khi trong các thư gửi Galát và Rôma, ông Phaolô đả kích các phong tục đo.

– Về tư tưởng, trong các bài giảng của Phaolô còn được ghi lại trong Công vụ, người ta không thấy đả động đến các chủ đề chính của các thư, như: đức tin và việc nên công chính.

Để trả lời những vấn nạn này, các học giả Công giáo nêu bật rằng Luca không chủ ý viết một tác phẩm lịch sử theo nghĩa cận đại, nhưng ông đã sử dụng các dữ kiện thu thập được vào mục tiêu huấn giáo. Nói chung, khuynh hướng của ông là cổ võ sự “dĩ hòa vi quy” trong cộng đoàn. Vì thế ông đã loại bỏ những bất đồng ý kiến giữa các cấp lãnh đạo (đã được giải quyết êm đẹp ở công đồng Giêrusalem: 15,22-29), cũng như ông đã trình bày một hình ảnh rất lý tưởng của cộng đoàn Gierusalem, nơi mà tất cả mọi người đều tâm đồng hợp ý, có vẻ như chỉ có một linh hồn và một con tim (2,46; 4,32). Những cãi cọ xích mích giữa lòng cộng đoàn nảy lên chung quanh việc vấn đề phân phát lương thực (6,1) coi như không đáng kể trong một bối cảnh thơ mộng đó.

Chắc rằng ông Luca còn có nhiều dụng ý thần học khác nữa. Dù nói thế nào đi nữa về cách thức sử dụng các nguồn tư liệu, ta phải nhận rằng qua tác phẩm này, ông Luca đã chúng ta đã biết được các Kitô hữu tiên khởi đã ý thức như thế nào về căn cước của mình. Điều này được biểu lộ qua những nét mô tả sinh hoạt của Hội thánh, qua các bài giảng truyền giáo của các thánh tông đồ Phêrô, Phaolô dành cho người Do thái (sáu bài giảng: 2,14-39; 3,12-26; 4,9-12; 5,29-32; 10,34-43; 13,16-41) và dành cho dân ngoại (2 bài giảng: 14,15-17; 17,22-31), cũng như những lời biện hộ của Têphanô (chương 7), và của Phaolô trước mặt nhà lãnh đạo Do thái và Rôma (22,1-21; 24,10-21; 26,1-23).[7]

Mục 3. CÁC TÁC PHẨM CÒN LẠI CỦA TÂN ƯỚC

1. Ngoài sách Tông đồ Công vụ và các thư của thánh Phaolô, Tân ước còn gồm 7 lá thư (của thánh Giacôbê, 2 thư của Phêrô, 3 thư của Gioan, thư của Giuđa), và sách Khải huyền. Chúng tôi sẽ bàn đến các tác phẩm này trong chương nói về đạo lý của các thánh tông đồ. Ở đây chỉ cần ghi nhận rằng 7 lá thư vừa nói quen được gọi là các thư “phổ quát” (universalis) bởi vì không nhằm đích danh một người nào hay cộng đoàn nào, hoặc là “Công giáo” (catholica) bởi vì viết cho toàn thể Giáo hội chứ không phải viết riêng cho một giáo đoàn nào.

2. Như đã nói ở đầu, nguồn tư liệu chính để tìm hiểu sinh hoạt của Hội thánh tiên khởi là các tác phẩm Tân ước. Bên cạnh đó, đôi khi các sử gia cũng đối chiếu với các nguồn sử liệu khác, chẳng hạn như khi cần xác nhận các niên biểu hay địa danh. Ngoài ra, còn có các tài liệu văn chương khác tuy xuất bản muộn hơn nhưng cũng cung cấp vài dữ kiện hữu ích, và có giá trị ít là như chứng tích của lưu truyền. Quan trọng hơn cả là bộ “Lịch sử Giáo hội” (Historia ecclesiastica) của Eusêbius, Giám mục Cêsarêa (k.265-k.340). Ông đã thu thập các nguồn tư liệu từ các thánh tông đồ cho tới thế kỷ IV.

3. Một nguồn tài liệu nữa là các ngụy thư. Chúng tôi sẽ bàn đến các ngụy thư của Tân ước khi kết luận phần này, trong mục nói về sự thành hình quy điển Tân ước. Ở đây chỉ cần điểm qua tựa đề của vài tác phẩm liên hệ tới các thánh tông đồ. Dựa theo thể văn của sách “Tông đồ Công vụ” (nguyên văn: “Các viec làm của các tông đồ”: Actus apostolorum), trong các thế kỷ đầu tiên, người ta cũng thấy lưu hành nhiều tác phẩm mang danh “Các việc làm” (praxeis, actus) của mỗi tông đồ. Theo chứng tích của ông Tertullianô và của thánh Augustinô, trong khoảng các thế kỷ II-V, đã lưu hành 5 quyển “Các việc làm” (hoạt động, công vụ) của tông đồ Gioan, Phêrô, Anrê, Phaolô, Tôma.

—————————

[1] Chẳng hạn như ông Joseph Flavius (k. năm 37-100 CN), một sử gia Do Thái kể lại lịch sử của dân tộc, đặc biệt là các biến cố tại Palestina vào thời kỳ chiến tranh đưa đến việc tàn phá đến thờ trong các tác phẩm De bello iudaico (Cuộc chiến tranh Giuđêa, viết năm 75-79), và Antiquitates iudaicae (Lịch sử Do Thái, viết năm 93-94).

[2] Xc. Gl 1,13-19: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông. Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải Con của Người, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là tông đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả rập; rồi lại trở về Đamascô. Ba năm sau tôi mới lên Giêrusalem diện kiến ông Kêpha, và ở lại với ông mười lăm ngày. Tôi đã không gặp vị tông đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa”.

[3] Thư gửi Rôma gồm 7101 từ, 34.240 chữ, và 956 hàng (36 chữ mỗi hàng).

[4] Các học gia đặt tên cho loại tác phẩm như vậy là pseudoepigraphia.

[5] Xc. Adversus haereses, III, 14,1.

[6] Nếu muốn dịch sát thì phải gọi là “Các hoạt động – hay việc làm – của các tông đồ (Actus apostolorum, Praxeis tôn apôstôlon). Nên biết là tựa đề này chỉ được gán cho tác phẩm vào thế kỷ II.

[7] Có học giả đã đếm trong sách Tông đồ Công vụ được 24 bài giảng (hay diễn văn) hoặc dài hoặc ngắn, chiếm tới khoảng 300 câu trong tổng số 1000 câu của toàn tác phẩm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here