THỜI CÁC TÔNG ĐỒ – NHẬP ĐỀ

0
948

THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phan Tấn Thành

———————

Nhập đề

Chương Một: BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Mục 1. Bối cảnh tôn giáo

Mục 2. Bối cảnh chính trị

Chương Hai: NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Các tác phẩm của Phaolô

Mục 2. Tông đồ Công vụ

Mục 3. Các tác phẩm còn lại của Tân ước

Chương Ba: SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Mục 1. Hoạt động của các tông đồ

Mục 2. Sự bành trướng của Kitô giáo

Chương Bốn: TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Những yếu tố cấu thành Hội thánh

Mục 2. Các dịch vụ trong Hội thánh

Mục 3. Sự hình thành những cơ quan điều khiển cộng đoàn

Mục 4. Linh ân và đặc sủng

Mục 5. Hội thánh duy nhất và đa dạng

Mục 6. Những lục đục trong cộng đoàn

Chương Năm: HIỆP THÔNG TRONG NIỀM TIN

Mục 1. Các hình thức giảng thuyết

Mục 2. Giáo huấn của thánh Phaolô

Mục 3. Giáo huấn của thánh Gioan

Chương Sáu: ĐỒNG TÂM CẦU NGUYỆN

Mục 1. Đời sống cầu nguyện của các Kitô hữu tiên khởi

Mục 2. Các bí tích

Mục 3. Các hành vi phụng tự khác

Chương Bảy: DUY TRÌ MỐI DÂY YÊU THƯƠNG

Mục 1. Giáo huấn luân lý của thánh Phaolô

Mục 2. Con người với Thiên Chúa

Mục 3. Đời sống gia đình và xã hội

Kết Luận: QUY CHUẨN CỦA THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phụ Lục

Tiểu sử các thánh tông đồ

———————

NHẬP ĐỀ

Với cuộc phục sinh của Đức Kitô, chúng ta bước sang giai đoạn khởi điểm của Kitô giáo. Chúng ta sẽ theo dõi chặng đường đầu tiên của sự phát triển Kitô giáo, thời chuyển tiếp từ một nhân vật lịch sử (Đức Giêsu Kitô) sang những định chế của một tôn giáo, bao gồm một tổng bộ đạo lý, phụng tự và cơ cấu nhân sự. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể kéo dài việc nghiên cứu đến hết thời kỳ các giáo phụ, đặc biệt là 5 thế kỷ đầu tiên. Chúng ta có thể coi đây là thời kỳ nguyên thủy của Kitô giáo, không những theo nghĩa thời gian (những thời buổi đầu tiên) mà còn theo nghĩa chất lượng (thời kỳ xác định những nền tảng đức tin và phụng vụ của Hội thánh, với việc sử dụng các phạm trù của văn hoá đương thời).

Mặc dù chúng tôi coi thời kỳ nguyên thủy của Kitô giáo kéo dài trên dưới 5 thế kỷ, nhưng không thể nào phủ nhận được tầm quan trọng vô song của thời các thánh tông đồ, kéo dài cho đến hết thế kỷ I.

I. Thời các thánh tông đồ

Các thánh tông đồ được gọi như những viên đá tảng của Hội thánh. Lời khẳng định này không chỉ áp dụng cho thánh Phêrô (Mt 16,18: “Con là Phêrô, nghĩa là Đá; trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”), mà còn cho tất cả các thánh tông đồ (Ep 2,19-20: “Anh em là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các tông đồ và ngôn sứ; còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu”).

Thời kỳ của các thánh tông đồ được ví như là thời lập quốc (nói theo nghĩa chính trị) hay lập hiến (nói theo nghĩa luật pháp) của Kitô giáo. Đây la thời kỳ mà tất cả thân thế sự nghiệp của Chúa Kitô được diễn đạt ra thành sứ điệp giảng thuyết (đặc biệt là các sách thánh của Tân ước), các bí tích để chuyển thông ơn cứu rỗi, các cơ cấu của cộng đoàn. Thời của các thánh tông đồ trở thành “quy chuẩn” (canon) cho các thời đại mãi mãi về sau. Hội thánh của hết mọi thời cần phải quay về với Kinh thánh và truyền thống các tông đồ để kiểm chứng xem mình còn trung thành với chân lý là Đức Kitô hay không? Hội thánh biết chắc rằng mình còn là Hội thánh của Đức Kitô bao lâu lời giảng và đời sống còn phù hợp với tiêu chuẩn mà các thánh tông đồ đã để lại. Đó là ý nghĩa của lời tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Tôi tuyên xưng một Hội thánh… tông truyền” (xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 857). Đó cũng là ý nghĩa của niềm xác tín: “Mặc khải công đã kết thúc với cái chết của vị tông đồ cuối cùng”. Thường thì người ta cho rằng thời các thánh tông đồ chấm dứt với cái chết của thánh Gioan tông đồ vào khoảng năm 100. Tuy nhiên, ngày nay, khi nghiên cứu lịch sử Hội thánh nguyên thủy và sự thành hình của các tác phẩm Tân ước, các học giả đã tỏ ra uyển chuyển hơn.

– Một đàng, phải nhìn nhận một khúc ngoặt quan trọng vào những năm 65-70. Ba vị đại tông đồ Phêrô, Phaolô, Giacôbê đã bị tử đạo; đền thờ Giêrusalem bị tàn phá. Những cơ sở căn bản của Hội thánh đã được thiết lập, và việc ly khai khỏi Do thái trở thành dứt khoát. Từ đó cho đến hết thế kỷ I, lần lượt các quyển Phúc âm được xuất bản.

– Đàng khác, tuy dù thánh Gioan tông đồ qua đời vào cuối thế kỷ I (khoảng năm 100), nhưng vài tác phẩm của Tân ước vẫn còn được tiếp tục ra đời (chẳng hạn: 2Pr). Cơ cấu quản trị của các cộng đoàn tín hữu còn đa dạng, mãi cho tới khoảng năm 110 thì mới thấy cơ cấu phẩm trật: giám mục điều khiển cộng đoàn, với sự cộng tác của hàng linh mục và phó tế (xem các thư của thánh Inhaxiô tử đạo).

Giữa Phần Một (thuật lại thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô) với Phần Hai (thời các thánh tông đồ), ta thấy có sự liên tục và khác biệt. Sự liên tục ở chỗ các tông đồ là những môn đệ đã được Đức Giêsu tuyển chọn khi vừa khai mạc sứ vụ công khai ở Galilê. Sự khác biệt ở chỗ trước đây Đức Giêsu là nhân vật chính của cac hoạt động, còn các môn đệ chỉ núp bóng của Thầy; còn bây giờ thì các tông đồ trở thành các nhân vật chính: họ trở thành những vị lãnh đạo của Hội thánh, điều khiển sinh hoạt nội bộ cũng như công tác truyền giáo cua Hội thánh. Dưới khía cạnh lịch sử, mối liên lạc giữa Đức Giêsu với Hội thánh như thế nào? Câu hỏi được vài học giả nêu lên vào đầu thế kỷ XX, lật ngược lại quan điểm cổ truyền coi Đức Kitô như là vị sáng lập Hội thánh. Chúng ta hãy dừng lại để xét vấn đề trước khi đi vào các chương của phần này.

II. Việc thiết lập Hội thánh

Từ thời các giáo phụ, thần học vốn chủ trương rằng Chúa Giêsu đã có ý định thiết lập Hội thánh như là dân Israel mới, khi tuyển chọn 12 tông đồ (tượng trưng cho 12 chi tộc Israel) với Phêrô làm thủ lãnh. Sau khi Chúa Thánh Thần Hiện xuống, các thánh tông đồ đã đi rao giảng Tin mừng và thiết lập các cộng đoàn các Kitô hữu, khởi sự từ cộng đoàn Giêrusalem, rồi Antiôkia, và lan rộng dần.

Vào những thế kỷ XVIII-XIX, các nhà sử học duy lý đã xét lại toàn bộ vấn đề. Ông H.S. Reimarus (1694-1768) cho rằng Đức Giêsu không hề có ý định thiết lập Hội thánh (một cộng đoàn tôn giáo mới), nhưng chỉ muốn khôi phục triều đại của nhà Đavít mà thôi. Sang đầu thế kỷ XX, các nhà chú giải Kinh thánh thuộc khuynh hướng tự do (A. Harnack, A. Sabatier, G. Tyrrell, A. Loisy) đưa ra giả thuyết là Đức Giêsu chỉ loan báo triều đại của Thiên Chúa mang tính cách cánh chung. Thế nhưng Người đã vỡ mộng, bởi vì triều đại Thiên Chúa vẫn chưa đến! Sau khi Người bị phản bội và bị giết, một số đồ đệ tụ tập nhau lại, phao tin rằng Người đã phục sinh; thế rồi họ đã tạo thành một cộng đoàn mới lấy danh nghĩa của Đức Giêsu. Khuynh hướng này thường lấy câu khẳng định của Alfred Loisy làm châm ngôn: “Đức Giêsu đã loan báo Nước Trời và rồi Hội thánh đã đến”.[1]

Thoạt tiên, xem ra đây chỉ là chuyện tiểu thuyết hoang đường. Kỳ thực, luận đề vừa nói đã dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng các bản văn của Tân ước nói về Hội thánh.

Như chúng ta đã biết, chu đề nổi bật nhất trong Phúc âm nhất lãm (gồm tóm các lời giảng và hoạt động của Đức Giêsu) là Nước Thiên Chúa (hoặc các thuật ngữ tương đương: “Nước Trời”, “Triều đại của Thiên Chúa”). Từ ngữ này xuất hiện hơn 80 lần trong Phúc âm nhất lãm; còn hạn từ “Hội thánh” (Ekklesia, trong nguyên bản Hy lạp) xuất hiện 3 lần và chỉ thấy ở Mátthêu (16,18; 18,17), chứ không thấy trong Máccô và Luca. Như vậy có lý để hoài nghi rằng từ “Hội thánh” không xuất phát bởi miệng của Đức Giêsu nhưng là của ông Mátthêu; vì lẽ nếu do chính Đức Giêsu đã nói thì tại sao hai thánh sử kia đã không ghi lại? Và giả như Đức Giêsu đã không hề sử dụng từ ngữ “Hội thánh”, thì lam sao có thể quả quyết được rằng Người có ý định thành lập Hội thánh? Từ đó, người ta dễ đi tới kết luận rằng Hội thánh không do Đức Kitô thành lập, nhưng là do các môn đệ của Người đã khai sinh ra. Để củng cố cho luan đề, người ta thêm nhận xét này về việc sử dụng từ ngữ. Như vừa nói, trong bốn quyển Phúc âm, từ “Hội thánh” chỉ xuất hiện 3 lần ở Mátthêu. Ngoài các quyển Phúc âm, thì danh từ ấy tăng vọt lên: 23 lần ở Tông đồ Cong vụ và 72 lần trong các thư của Phaolô. Phải chăng điều đó muốn nói lên rằng Hội thánh chỉ xuất hiện sau khi Chúa Kitô phục sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống?

Dĩ nhiên là thần học công giáo không thể nào chấp nhận những luận đề quá khích của nhóm duy lý. Tuy nhiên, sau giai đoạn hộ giáo tự vệ, các nhà chú giải Công giáo (chẳng hạn: R. Schnackenburg, A. Voegtle, A. Descamps. H. Schlier) cũng dám đặt lại vấn đề ý định của Đức Giêsu về việc thành lập Hội thánh. Họ đồng ý rằng Hội thánh chính thức thành hình kể từ biến cố Phục sinh và Hiện xuống. Nhưng Đức Giêsu đã chuẩn bị biến cố đó bằng những lời giảng và việc làm của mình.

Trong văn kiện của Ủy Ban thần học quốc tế bàn về Giáo hội học (Themata selecta de ecclesiologia, xuất bản ngày 7/10/ 1985, đánh dấu 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II), vấn đề thành lập Hội thánh được trình bày trong viễn tượng của chương trình cưu rỗi, như một tiến trình bao gồm nhiều chặng.

Trước tiên, cần lưu ý là danh từ “Hội thánh” (ekklesia) nguyên gốc ám chỉ “đoàn dân do Thiên Chúa triệu tập” (qahal). Vào thời Đức Giêsu, “dân Thiên Chúa” là dân Israel. Mặc dù Đức Giêsu bị dân Israel khước từ nhưng Người đã không thành lập một hội đường biệt lập cũng chẳng muốn gây nên một nhóm ly khai. Ngược lại, Người đã muốn hoán cải Israel, mang sứ điệp cứu rỗi muôn dân đến cho họ trươc đã (xc. Mt 8,5-13; Mc 7,24-30). Danh từ “Hội thánh” đạt tới mức sung mãn sau khi Đức Kitô phục sinh, nghĩa là một cộng đoàn bao gồm cả dân Do thái và dân ngoại trong Chúa Thánh Thần (Rm 9,24).

Trước đây người ta quen gán ý định thành lập Hội thánh với hai biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu, đó là: việc đặt tên cho ông Phêrô (xc. Mt 16,16tt) và việc thiết lập bí tích Thánh Thể (xc. Mc 14,22tt; Mt 26,26tt; Lc 22,14; 1Cr 11,23). Tuy nhiên ngày nay người ta không muốn chỉ chú trọng vào một lời nói hay hành động nào cụ thể, nhưng muốn nới rộng ra toàn thể cuộc đời của Đức Giêsu. Nếu Hội thánh thành hình nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu cũng như nhờ sứ vụ của Thánh Thần, thì có thể nói rằng tất cả những hành vi mà Đức Giêsu đã thực hiện trước cuộc Vượt qua đều mang yếu tố thiết lập Hội thánh. Những yếu tố này được coi như có tính cách chuẩn bị, và được phát triển tiệm tiến cho tới lúc Hội thánh thành hình. Văn kiện kê ra 10 yếu tố sau đây:

  1. Các lời hứa trong Cựu ước về Dân Thiên Chúa được Đức Giêsu sử dụng trong các lời giảng của mình, hàm ý cứu độ.
  2. Lời Đức Giêsu mời gọi hết mọi người hãy hoán cải và tin vào Người.
  3. Việc kêu gọi và thiết lập nhóm Mười Hai, như là dấu hiệu của việc tái lập toàn thể Israel trong tương lai.
  4. Việc đặt tên cho Phêrô (Đá), dành cho ông một vị thế trụ cột trong hàng ngũ các môn đệ và một sứ mạng.
  5. Việc Đức Giêsu bị dân Israel khước từ, và sự ly khai giữa dân Do thái với các môn đệ của Đức Giêsu.
  6. Việc Đức Giêsu, khi thiết lập bí tích Thánh Thể và tình nguyện chấp nhận cuộc tử nạn, đã kiên trì rao giảng Nước Thiên Chúa dành cho hết mọi người.
  7. Sau khi Đức Giêsu phục sinh, việc tái lập cộng đoàn các môn đệ đã bị phân tán, và các môn đệ thực sự được du nhập vào đời sống Hội thanh.
  8. Việc sai Thánh Thần đến, tạo Hội thành nên một “thọ tạo của Thiên Chúa”.
  9. Việc các tông đồ được sai đến dân ngoại, và sự thành hình Hội thánh của dân ngoại.
  10. Việc cắt đứt vĩnh viễn của “dân Israel đích thực” ra khỏi dân tộc Do thái.

Nếu xét từng chặng riêng rẽ, thì không yếu tố nào đủ để thiết lập Hội thánh; nhưng nếu kết hợp lại tất cả với nhau thì có thể thấy được việc thiết lập Hội thánh như là một tiến trình lịch sư, xuất phát từ kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.[2]

Như vậy, khi nói rằng Đức Kitô đã thiết lập Hội thánh thì ta không nên hiểu theo kiểu giống như là sáng lập viên của một đoàn thể: vào một ngày giờ nào đó, ông ta tuyên bố ý định thành lập, với bản tuyên ngôn về cương lĩnh, điều lệ, cách tổ chức. Việc thiết lập Hội thánh không xảy ra vào một thời điểm cụ thể (vào một ngày giờ nhất định), nhưng là một tiến trình kéo dài, đến nỗi có thể nói là Hội thánh chỉ thành hình cách nhất định vào ngày cánh chung, khi được đồng hoá với thành Giêrusalem trên trời!

Đức Giêsu biết rằng mình được sai đến để hoàn tất những lời hứa của Thiên Chúa dành cho Israel. Người đã dốc hết tâm lực để thi hành sứ mạng đó. Người đã kêu gọi các môn đệ đến hợp tác với mình để mang ơn cứu độ cho Israel. Nhưng đồng thời Người cũng ý thức rằng ơn cứu độ không phải chỉ giới hạn cho dân Israel mà còn được mở rộng cho toàn thể nhân loại. Đức Giêsu đã bị Israel khước từ, nhưng Người không nghĩ rằng mình thất bại, bởi vì Người thấy trước mắt cả một đám đông dân ngoại sẽ đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa. Viễn ảnh đó được thành hình sau biến cố Phục sinh, như chúng ta sẽ thấy khi theo dõi sự phát triển của Hội thánh vào thời các tông đồ. Theo một văn kiện của Ủy ban Thần học quốc tế xuất bản năm 1986, tựa đề Ý thức của Đức Giêsu về bản thân và về sứ mạng của mình, ta có thể nói rằng trong thời gian tại thế, Đức Giêsu đã thiết lập Hội thánh cách ám tàng (ecclesiologia implicita), theo nghĩa là Người đã chuẩn bị những yếu tố căn bản để Hội thánh ra đời sau khi hoàn tất mầu nhiệm Vượt qua (xc. Ga 19,3.4; 12,32). Đức Giêsu đã có ý thức về sứ mạng của mình là quy tụ nhân loại vào Nước Thiên Chúa, với một mầm mống đã bắt đầu từ một “đàn chiên bé nhỏ” (Lc 12,32) mà Người là mục tử (Mc 14,27; Ga 10,1-29). Thâm tín về tình yêu của Thiên Chúa dành cho hết mọi người, Đức Giêsu cũng ý thức rằng mình được sai đến với hết mọi người: Người tuyên bố là mình đến để phục vụ hết moi người (Mc 9,35), hiến dâng mạng sống làm giá chuộc mọi người (Mc 10,45). Người kêu gọi các môn đệ đi theo Người, để chia sẻ sứ mạng đó (Mc 10,25; Ga 15,20).

Khi nghiên cứu mối liên hệ giữa Đức Giêsu với Hội thánh, chúng ta đừng nên dừng lại ở khía cạnh từ ngữ, đếm xem từ ngữ “Hội thánh” xuất hiện bao nhiêu lần trong Phúc âm! Chúng ta cũng đừng nên quên rằng Tân ước còn sử dụng nhiều từ ngữ và hình ảnh khác nhau để ám chỉ cộng đoàn các môn đệ của Đức Kitô, như: dân của Chúa (1Pr 2,10), đoàn chiên của Chúa (Ga 10,11-16; 1Pr 5,4; Cv 20,28), thân thể Đức Kito (1Cr 12,17), nhà của Thiên Chúa (1Cr 3,9), vườn nho, cây nho (Ga 15,1-8). Ở Đông phương, các tôn giáo thường được gọi là “đạo” (Đạo Thiên Chúa, Đạo Phật, Đạo Khổng…). Tân ước cũng gọi nhóm các tín đồ của Đức Kitô là “đạo” (con đường, hodos): họ theo “đạo” của Đức Kitô. Thí dụ trong sách Tông đồ Công vụ, ông Saulô đa xin chứng minh thư để đi bắt những ai theo “Đạo” (9,2); và sau khi đã trở lại, thánh Phaolô thú nhận rằng mình theo Đạo (24,14), tuy dù bị người đồng hương tố cáo là đi theo một phe nhóm. (Xem thêm các đoạn văn: 19,9.23; 22,4; 24,22; và 16,17; 18,25-26).

Xét theo tiến trình lịch sử, vài học giả ghi nhận rằng các môn đệ đầu tiên của Đức Kitô đã coi mình như là một “cộng đoàn thông hiệp” (koinonia: Cv 2,42), từ ngữ đã được sử dụng tại cộng đoàn Qumran. Đến chương 10 (câu 26) của sách Tông đồ Công vụ, chúng ta thấy xuất hiện từ ngữ “Kitô hữu”: Christianoi, (những người thuộc về Đức Kitô). Đây là một từ ngữ do dân chúng Antiôkia đặt ra, có lẽ để phân biệt với các tín đồ Do thái. Điều đáng ghi nhận là họ không được gọi là “nhóm của ông Giêsu” (hoặc: “nhóm của ông Nadarét”: xc. Cv 24,5), nhưng là “các người theo Đức Kitô”. Ở đây có lẽ “Kitô” được hiểu như là tên riêng, chứ không còn mang nghĩa “Mêsia” như người Do thái quen hiểu.

———-co0od———-

Phần này gồm bảy chương:

Chương Một. Bối cảnh tín ngưỡng, tư tưởng, chính trị của đế quốc Rôma vào thế kỷ I.

Chương Hai. Các nguồn tư liệu về lịch sử Hội thánh tiên khởi, đặc biệt là các tác phẩm của thánh Phaolô và Tông đồ Công vụ.

Chương Ba. Sự bành trướng của Kitô giáo trong thế kỷ I.

Chương Bốn. Tổ chức nội bộ của Hội thánh, bàn đến các yếu tố cấu tạo Hội thánh, và vài cơ cấu cơ bản (các dịch vụ, các đặc sủng). Đặc biệt chúng ta sẽ đào sâu ba yếu tố chính tạo nên sự thông hiệp trong ba chương kế tiếp: việc tuyên xưng đức tin, cử hành phụng vụ, mối dây đức ái.

Chương Năm. “Hiệp thông trong niềm tin”. Các hình thức giảng thuyết. Giáo huấn về đức tin, dựa theo các tác phẩm của thánh Phaolô và thánh Gioan.

Chương Sáu. “Đồng tâm cầu nguyện”. Đời sống cầu nguyện của các Kitô hữu.

Chương Bảy. “Duy trì mối dây đức ái”. Đời sống luân lý của Kitô giáo.

Kết luận. Việc thành hình quy điển Tân ước.

———-co0od———-

[1] “Jésus annonçait le royaume, et c’est l’Eglise qui est venue”. Thực ra Loisy hiểu theo nghĩa khác: theo ông, sứ điệp về Nước Thiên Chúa cần phải có Hội thánh thì mới có thể tiếp tục được. Nhưng câu nói của ông đã được giải thích theo nghĩa là Đức Giêsu chỉ có ý định loan báo Nước Thiên Chúa chứ không có ý định lập Hội thánh.

[2] Xc. Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 758-769 (Hội thánh được chuẩn bị trong Cựu ước, được thiết lập do Chúa Kitô, được biểu lộ do Chúa Thánh Thần).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here