Thần học Tự do

0
1242

Trích Thời sự Thần học, Số 94 (11/2021)

I. Khái niệm: Liberal Theology, Théologie libérale

II. Những giai đoạn phát triển: 1/ Phê bình Kinh thánh và tín điều. 2/ Ritschl, Herrmann, von Harnack. 3/ Trường phái lịch sử các tôn giáo.

III. Những ảnh hưởng đối với việc nghiên cứu thần học: 1/ Giải thích Kinh thánh. 2/ Đi tìm Đức Giêsu lịch sử

IV. Khủng hoảng và suy tàn

———-

“Thần học tự do” (liberale Theologie: Liberal Theology), có khi cũng được gọi là “Chủ nghĩa tự do thần học” (theologischer Liberalismus: Theological Liberalism), là một phong trào nghiên cứu nổi lên trong thần học Tin Lành, và phát triển đặc biệt bên Đức trong thế kỷ XIX. Bên cạnh “thần học phục hưng” (restaurative Theologie) và “thần học trung gian” (Vermittlungstheologie)[1], thần học tự do là trào lưu thần học thứ ba có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỷ XIX.

I. Khái niệm

Xét như là một phong trào, thần học tự do (viết tắt: THTD) không có một căn cước đồng nhất, nhưng ít là có thể được mô tả qua một vài nét chung và một mục tiêu khá rõ rệt, đó là đem thần học vào quỹ đạo của thuyết nhân văn hiện đại, phương pháp phê bình lịch sử, và đối lại, giải thoát thần học khỏi sự lệ thuộc các tín điều cổ truyền, được chấp nhận dựa trên truyền thống của Giáo hội. Nói cách khác, THTD muốn giải thích Kitô giáo từ góc độ tư tưởng hiện đại.

Như vậy, kế hoạch của THTD là đem Giáo hội vào văn hóa và nhất là tục hóa các yếu tố huyền thoại của Kitô giáo (hoặc nói ngược lại, giải huyền Kitô giáo), nghĩa là giải thoát các nội dung của đức tin Kitô giáo (chẳng hạn như các trình thuật phép lạ trái ngược rõ ràng với các định luật sắt thép của khoa học tự nhiên) mà con người hiện đại không thể nào chấp nhận được. Nói cách khác, cần duy trì đức tin Kitô giáo nhưng không đòi hỏi phải hy sinh trí tuệ (sacrificium intellectus). Vì thế THTD là một trào lưu đặc trưng của thời hiện đại, muốn áp dụng các chủ trương của thuyết Khai sáng dưới khẩu hiệu của Kant: Sapere Aude! (Hãy có can đảm dùng trí tuệ của mình)[2].

Thuật ngữ “Thần học tự do” xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm Institutio ad doctrinam Christianam liberaliter discendam của J. S. Semler (1725-1791) và trở thành thông dụng vào giữa thế kỷ XIX. Tuy nhiên, nó có một nguồn gốc xa hơn nữa trong chủ trương “tự do lương tâm” (Gewissensfreiheit) mà Martín Luther đòi hỏi cho Kitô giáo khi ông chỉ trích quyền bính giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Theo nghĩa này, THTD là hệ luận rút từ tiền đề của cuộc Cải Cách Tin lành, và không không lạ gì nước Đức là nơi mà THTD gặp được môi trường phát triển mạnh mẽ hơn cả.

Xét về những sáng lập viên, người ta thường kể đến các ông Hermann Samuel Reimarus (1694-1768) và Gotthold Ephraim Lessing (1729-1781, người xuất bản các thủ bản của Reimarus) và Friedrich Schleiermacher (1768–1834), tác giả của những diễn từ “Nói về tôn giáo”[3] thường được tặng biệt hiệu là “cha đẻ của THTD” (Vater der liberalen Theologie). Thật vậy, 1799 được coi như năm thành lập THTD chính do việc xuất bản các bài diễn từ – như đọc thấy trong phụ đề – dành cho những nhà trí thức khinh thường tôn giáo.

THTD được nuôi dưỡng bởi thuyết Khai sáng (lòng tin tưởng vào lý trí và sự tiến bộ), và thuyết duy tâm (con đường hướng về nội tâm và ý tưởng tự do tôn giáo). Vì thế, THTD lấy phương châm hoạt động là việc phê bình Kinh thánh và tín lý, nhờ việc áp dụng thuyết phê bình (criticism) của Kant, thuyết chủ quan (subjectivism) của Schleiermacher và triết học lịch sử của Hegel. Khởi đi từ các tiền đề ấy, câu hỏi căn bản của THTD có thể phát biểu như sau: Làm thế nào giúp cho chân lý đức tin Kitô giáo có thể hiểu được bằng ngôn ngữ của tư tưởng hiện đại? Tư tưởng hiện đại cảm thấy xa lạ với nhãn quan của một thế giới huyền thoại xa xưa. Vì thế cần phải “chuyển dịch”, ngõ hầu có thể hiểu được cốt yếu của Kitô giáo, mà cho đến nay vẫn còn mang nặng nhiều nội dung giáo điều không thể nào chấp nhận được. Về điểm này, ảnh hưởng của Schleiermacher rất rõ rệt, bởi vì trong diễn từ về tôn giáo của ông, người ta không thấy nói đến sự hiểu biết các chân lý đức tin hoặc một hành động nào phải thi hành, nhưng tôn giáo nằm trong lãnh vực tâm tình (Gefühl). Thực vậy, trong quyền Glaubenslehre (1821), Schleiermacher định nghĩa tôn giáo như là “tâm tình lệ thuộc vô điều kiện” (Gefühl der schlechthinnigen Abhängigkeit). Định nghĩa này hoàn toàn đi ngược hướng với quan niệm thần học cổ truyền: thay vì nhắm đến các mệnh đề với một nội dung thuộc về sự hiểu biết, thì lại quay sang lãnh vực cảm nghiệm đức tin.

Tuy vậy, Schleiermacher cũng như các nhà thần học chịu ảnh hưởng của Hegel không tự nhận mình là những nhà “thần học tự do”. Thuật ngữ THTD được sử dụng vào thế kỷ XIX bởi những các học giả duy lý, phần nào có khuynh hướng tự do về chính trị, đi kèm theo chính sách văn hóa của xã hội đương thời, muốn tiến đến việc “tục hóa” Nhà Nước.

II. Những giai đoạn phát triển

Có thể chia sự phát triển THTD làm ba giai đoạn chính. Đặc trưng của giai đoạn thứ nhất là phê bình các tín điều và bản văn Kinh thánh, do ảnh hưởng của triết học suy diễn của thuyết duy tâm, nhất là triết học tôn giáo của Hegel. Trong giai đoạn hai, tác giả nổi bật nhất là Albrecht Ritsch đi theo triết học của Kant. Giai đoạn ba được đánh dấu bởi “Trường phái lịch sử các tôn giáo” ‘ (religionsgeschichtliche Schule) chú trọng đến việc nghiên cứu. Dĩ nhiên, sự phân biệt các giai đoạn không chặt chẽ bởi vì chúng trà trộn lẫn nhau, và cũng pha lẫn với các trào lưu thần học môi giới (Vermittlungstheologie) và phong trào tự do tư tưởng.

Giai đoạn 1: Phê bình Kinh thánh và phê bình tín lý

Ferdinand Christian Baur (1782-1860), người sáng lập trường Tubingen, được coi như kẻ mở đầu cho giai đoạn này. Đối với ông, hai tính từ ‘lịch sử’ và ‘phê bình” được coi như đồng nghĩa: đọc bản văn Kinh thánh với một nhãn quan lịch sử có nghĩa là có thái độ phê bình các bản văn mà mình nghiên cứu. Phương pháp lịch sử và nghiên cứu ngôn ngữ sử dụng trong việc phân tích các bản văn cổ điển cũng phải được áp dụng cho các bản văn Kinh thánh.

Baur cũng như trường phái Tubingen chịu ảnh hưởng triết học Hegel và trường phái lịch sử (historicism) của thế kỷ XIX. Một môn đệ của Baur là David Friedrich Strauß (1808-1874) có tư tưởng rất cực đoan. Trong cuốn “Cuộc đời Đức Giêsu (Leben Jesu 1835), Đức Kitô được trình bày như là chính sự nhập thể của ý tưởng về Đức Kitô. Đối với Strauß, tín điều chẳng phải là chân lý mặc khải mà chỉ là con đẻ của lịch sử và vì thế cần được khảo sát bằng phương pháp lịch sử và phê bình. Vì thế, phương châm của ông là “sự phê bình tín điều chính là lịch sử của nó” (Die wahre Kritik des Dogmas ist seine Geschichte).

Ảnh hưởng của Strauß rất lớn, đến nỗi ông có thể được coi như cha đẻ của cuộc truy tìm Đức Giêsu lịch sử (Leben-Jesu-Forschung). Đối với những đồ đệ chịu ảnh hưởng của Strauß, một cuộc truy tầm lịch sử về cuộc đời Đức Giêsu không thể nào chỉ giới hạn vào việc học hỏi các bản văn Tin mừng: để hiểu biết các bản văn Thánh kinh cần phải làm quen với những bản văn cổ thời nữa. Đó là chủ trương của Franz Overbeck (1837-1905), William Wrede (1859-1960), Rudolf Bultmann (1884-1976) và Albert Schweitzer (1875-1965).

Việc phê bình lịch sử các tín điều và các bản văn Kinh thánh là đường hướng nổi bật của THTD cho đến giữa thế kỷ XIX.

Giai đoạn 2: Ritschl, Herrmann, von Harnack

Mặc dù trường Tubingen chịu ảnh hưởng của Hegel, nhưng THTD vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX được nuôi dưỡng bởi triết học Kant.

Trong giai đoạn này, tác giả nổi bật nhất là Albrecht Ritschl (1822-1889), người đã đoạn giao với thần học của trường Tubingen. Đối với Ritschl, ơn gọi của Đức Kitô hệ tại việc thiết lập vương quốc Thiên Chúa trên mặt đất này, và việc thiết lập này cần được xem như mục tiêu đích thực của lịch sử. Ta thấy quan điểm về niềm tin tưởng vào sự tiến bộ rất gần với tư tưởng của Baur.

Wilhelm Herrmann (1846-1926), tuy có những quan điểm riêng, nhưng nói chung, ông khai triển ý kiến của Ritschl. Đặc biệt là bởi vì trong thần học của ông, Đức Kitô được mô tả như mẫu gương luân lý, và bởi vì các hiệu quả của đức tin cần phải được phản chiếu trong luân lý xã hội. Rudolf Butlmann, một sinh viên của Herrmann và sau đó trở thành giáo sư ở Marburg, đã chứng tỏ một vài ảnh hưởng của Hermann trong thần học kerygma của mình (Kerygma-Theologie), vì thế mà Bultmann được mang nhãn hiệu là theo phái tân-tự-do. Đối với Bultmann, cuộc gặp gỡ Thiên Chúa không mang lại một chứng cớ gì cho “Đức Giêsu lịch sử” mà chỉ là một cuộc gặp gỡ với sự công bố Đức Giêsu, nhờ đó ta hiểu rõ thêm thế nào là được giải thoát khỏi thế gian (Entweltlichung). Dù sao, vấn đề là giải thích Tin mừng theo quan điểm nội tại và lịch sử hiện đại.

Trong số những môn sinh nổi tiếng nhất của Herrmann cần phải kể đến Adolf von Harnack (1851-1930). Harnack được biết đến qua bộ sách lịch sử các tín điều (Lehrbuch der Dogmengeschichte, 3 vol. 1886–1890), trong đó ông cho thấy các tín điều là một việc Hy-lạp-hóa đạo Kitô. Bản chất đạo Kitô (tựa đề của một tác phẩm: Das Wesen des Christentum) hệ ở tính đơn giản của Tin mừng Đức Giêsu lịch sử; tính đơn giản của sứ điệp luân lý Đức Giêsu không gây ra bất cứ mối nguy hại nào cho tâm thức con người hiện đại. “Vương quốc Thiên Chúa” là tâm thức tôn giáo và niềm xác tín về giá trị linh hồn con người. Nhiệm vụ của các con cái của Thiên Chúa là thi hành ý muốn của ngài, người cha yêu quý. Đối với Harnack, đó là nguồn gốc của những bổn phận luân lý và công dân của cộng đồng Kitô hữu. Đây là khởi điểm của quan niệm Kitô giáo văn hóa (Kulturprotestantismus) mà Harnack cố gắng tạo ra và được phổ biến vào thời chuyển tiếp từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX.

Giai đoạn 3: Trường phái lịch sử tôn giáo

Chương trình của trường phái lịch sử tôn giáo (Religionsgeschichtliche Schule) là đặt các bản văn Kinh thánh trong bối cảnh của nó, với một mục tiêu tích cực là đừng để mất tính cách độc đáo của sứ điệp Kitô giáo. Các học giả theo trường phái này là Hermann Gunkel (1862-1932), Wilhelm Bousset (1865-1920), Wilhelm Heitmüller (1869-1926), Johannes Weiß (1863-1914) và, dưới một mức độ nào đó, có thể kể Ernst Troeltsch (1865-1923) và Albert Schweitzer (1875-1965).

Troeltsch, Rothe, Schweitzer

Theo một nghĩa rộng, Ernst Troeltsch và Albert Schweitzer đáng được xếp vào Trường phái lịch sử tôn giáo, còn Richard Rothe (1789-1867) đi theo chiều hướng của Ritschl, tuy cũng giữ được sự độc lập của mình. Ernst Troeltsch (1865-1923) cho rằng, do những lý do lịch sử có nền tảng sâu xa, không thể nào khẳng định tính cách “tuyệt đối” cho Kitô giáo (Absolutheit des Christentums). Theo Troeltsch, thời hiện đại không khởi đầu với cuộc Cải cách Tin lành, nhưng là với thuyết khai sáng. Nói chung, Troeltsch chia sẻ lập trường của THTD: vương quốc Thiên Chúa được hiểu về thế giới “bên này”; đức tin mang tính chủ quan, vv. Thế nhưng, càng ngày ông càng tỏ ra bi quan khi khi nghĩ đến chuyện thể hiện luân lý của vương quốc Thiên Chúa ở trong lịch sử. Cuối cùng, ông cho rằng vương quốc Thiên Chúa ở ngay trong chúng ta (inwendig in uns).

Albert Schweitzer (1875-1965) có thể được xếp vừa trong THTD theo nghĩa rộng, vừa trong Trường phái lịch sử tôn giáo, bởi vì tác phẩm “Lịch sử việc nghiên cứu cuộc đời Đức Giêsu” (Geschichte der Leben Jesu Forschung : 1906) đã góp phần vào việc chẩn đoán cơn khủng hoảng của phong trào. Thậm chí ông còn phá hủy hình ảnh của Đức Giêsu mà THTD đã nặn ra. Đối với Schweitzer, Đức Giêsu không phải là thầy dạy minh triết nhân loại để rồi từ đó rút ra những giáo huấn thực hành cho xã hội (theo như chủ trương của nhóm Kitô giáo văn hóa Kulturprotestantismus). Đức Giêsu là một ngôn sứ khải huyền. Thật vậy đặc trưng của Kitô giáo nguyên thủy là niềm hy vọng vào vương quốc Thiên Chúa sắp đến. Như vậy, Schweitzer đã chất vấn THTD ngay từ tiền đề (theo đó vương quốc Thiên Chúa là chuyện nội tâm và chủ quan).

Dù sao Ritschl và các đồ đệ cũng như các tác giả của Trường phái lịch sử các tôn giáo đã không tự nhận là “nhà thần học tự do”. Nhãn hiệu này được các tác giả thuộc khuynh hướng bảo thủ gán cho. Nói đúng ra, để chống lại các khuynh hướng bảo thủ trong nội bộ Tin lành Luther, các nhà thần học cấp tiến họp thành “Liên minh Tin lành Đức”, và chấp nhận sự hòa hợp giữa thuyết tự do chính trị và thuyết tự do thần học.

III. Những ảnh hưởng của THTD đối với việc nghiên cứu thần học

Chúng ta có thể kể ra hai ảnh hưởng chính: 1/ liên quan đến khoa chú giải Thánh Kinh; 2/ liên quan đến cuộc khảo cứu Đức Giêsu lịch sử.

1. Chú giải Thánh Kinh

Việc chú giải và phê bình Kinh thánh là hai cột trụ căn bản của THTD. Trong lãnh vực chú giải Kinh thánh, trước đây, phong trào nhân văn và nhóm Tin lành đã đòi hỏi phải quay lại với nguyên bản, nghĩa là bản văn nguyên gốc (tiếng Hípri, Aram, Hy-lạp), nếu không thì sẽ không thể nào nắm bắt được ý nghĩa của nó . Chủ trương này phần nào nhằm chỉ trích thần học Công giáo chỉ biết dựa trên bản dịch Latinh Vulgata. Hơn thế nữa, bản văn Kinh thánh thuộc về văn học cổ thời, vì thế cần phải giải thích giống như các bản văn khác, dựa theo các quy tắc của ngành lịch sử, ngôn ngữ học.

Tiến thêm bước nữa, việc phê bình lịch sử và ngữ học còn đưa tới việc phê bình tác giả các sách của Cựu ước và Tân ước. Trái với quan niệm cổ truyền gán cho những người được ơn linh hứng, khoa phê bình đưa ra các giả thuyết mới, nổi bật nhất là hai thuyết sau đây:

a) Giả thuyết về các tài liệu, do Julius Wellhausen đề nghị. Xưa này, tác giả Ngũ thư được gán cho ông Môsê. Wellahausen cho rằng Bộ Ngũ thư là kết quả của một sự phối hợp bốn nguồn gốc khác nhau J-E-D-P: truyền thống Javist; truyền thống Elohist; truyền thống Đệ-nhị-luật; truyền thống Tư tế.

b) Giả thuyết về các hình thái, do Rudolf Bultmannvà Martin Dibelius đề xuất. Sách thánh là kết quả của sự kết hợp nhiều hình thái truyền khẩu đã có trước; những hình thái này không đương nhiên từ những nguồn như nhau.

2. Khảo sát Đức Giêsu lịch sử

Dự án khảo sát Đức Giêsu lịch sử (Leben-Jesu-Forschung) đã bắt đầu từ các tác giả thời Khai sáng hồi thế kỷ XVIII, như là Hermann Samuel Reimarus và Gotthold Ephraim Lessing. Thực ra, dự án này vẫn tiếp tục suốt thế kỷ XIX và kéo dài sang thế kỷ XX.

Reimarus cho rằng các phép lạ của Đức Giêsu không đáng tin tưởng. Ông muốn viết lại cuộc đời Đức Giêsu theo những đòi hỏi của khoa sử học cận đại. Trong tác phẩm “Cuôc đời Đức Giêsu”, D. F. Strauß cho rằng các sự kiện siêu nhiên và phép lạ chỉ là những chuyện tự nhiên, nhưng đã bị các nhân chứng hiểu sai. Ernest Renan là văn hào đầu tiên quả quyết rằng Đức Giêsu chỉ là một con người bình thường. Mặc dù Albrecht Ritschl tỏ ra dè dặt với dự án này, nhưng các đóng góp của ông tượng trưng cho nòng cốt của tất cả THTD. Martin Kähler phản đối dự án, vì cho rằng Đức Kitô đích thực là người được Kinh thánh đề cập chứ không phải là một giả thuyết lịch sử. William Wrede đặt lại vấn đề sử tính của Tin mừng Marcô. Albert Schweitzer cho thấy rằng tất cả những cuốn tiểu sử của Đức Giêsu đều là những giải thích theo thiên kiến, bởi vì người ta có thể gặp thấy đủ mọi chân dung của Người: một Giêsu lãng mạn, một Giêsu theo Kant, một Giêsu theo Hegel. Sau cùng, thần học biện chứng của Karl BarthRudolf Bultmann và Friedrich Gogarten đã gạt bỏ tất cả dự án của THTD, và cho rằng họ là làm lệch lạc đức tin Kitô giáo.

IV. Khủng hoảng và suy tàn

Như đã nói, các tác phẩm của Troeltsch và Schweitzer đã cho thấy cuộc khủng hoảng của THTD. Nhưng trước đó đã có những chỉ trích của OverbeckD. F. Strauß và Jakob Burckhardt.

Nhìn dưới khía cạnh lịch sử, những hậu quả tàn khốc của cuộc thế chiến thứ nhất đã đưa đến sự suy tàn của THTD, nhất là vì những tiền đề lạc quan của họ về sự tiến bộ của nhân loại. Thuyết lạc quan và niềm tin vào sự tiến bộ là những điều không có cơ sở.

Trong thế kỷ XX, THTD đã bị tàn phá do những phê bình của thần học biện chứng (dialectical theology)[4] hay cũng gọi là “tân chính thống” (neo-orthodoxy) dưới sự lãnh đạo của Karl BarthRudolf Bultmann và Friedrich Gogarten.

Tóm tắt

Tuy rằng THTD mang nhiều hình dạng khác nhau, nhưng ta có thể vạch ra vài nét chung như sau.

1) THTD cố gắng bắt tay với thuyết Khai sáng, theo đó các đạo lý đức tin cũng như các chân lý về tôn giáo có thể khám phá và giải thích bằng lý trí.

2) THTD cũng chịu ảnh hưởng không ít bởi học thuyết của Hegel, theo đó Kitô giáo là tột đỉnh của sự tiến bộ của tinh thần con người. Tuy nhiên, tuy rằng đạo lý của Đức Giêsu cao siêu hơn các tôn giáo khác, nhưng điều này không bắt nguồn từ một mặc khải bên ngoài, mà chỉ nằm trong tiến trình nội tại của nhân loại.

3) Những hệ luận: cần xóa bỏ sự phân biệt giữa đức tin và lý trí: các tín điều được thu gọn vào triết học tôn giáo (điển hình là Schleiermacher); quan niệm lạc quan về sự tiến bộ của con người (do đó, giảm bớt những gì liên quan đến tội lỗi và sa ngã); đề cao cảm nghiệm và lương tâm như là thẩm quyền tối cao trong lãnh vực tôn giáo.

 —————————-

Tài liệu tham khảo.

Mục từ : “Liberal Theology” trong các từ điển bách khoa thần học: New Catholic Encyclopedia, Sacramentum Mundi, Gran Enciclopedia Rialp.

Thư mục

Ulrich Neuenschwander: Die neue liberale Theologie. Eine Standortbestimmung, Bern: Stämpfli, 1953.

Manfred Jacobs: Art. Liberale Theologie. In: Theologische Realenzyklopädie21 (1991), S. 47–68.

Liberale Theologie. Eine Ortsbestimmung, Hrsg. von Friedrich Wilhelm Graf (Troeltsch-Studien 7), Gütersloh: Gütersloher Verlagshaus Mohn, 1993.

Hartmut Ruddies: Karl Barth und die Liberale Theologie. Fallstudien zu einem theologischen Epochenwechsel, Univ. Göttingen, Diss. theol. 1994.

Matthias Wolfes: Protestantische Theologie und moderne Welt. Studien zur Geschichte der liberalen Theologie nach 1918, Berlin – New York: de Gruyter, 1999.

Mark D. Chapman: Ernst Troeltsch and liberal theology. Religion and cultural synthesis in Wilhelmine Germany, Oxford: Oxford Univ. Press, 2001.

——————————-

[1] “Trung gian”: tìm cách dung hòa giữa các dữ kiện lịch sử của đức tin và chân lý khách quan; giữa cảm giác cụ thể và khái niệm phổ quát; hay vắn tắt, giữa lý trí và đức tin.

[2] I. Kant, Beantwortung der Frage: Was is Aufklaerung? in “Berlinische Monatsschrift”, I-V, 1784, pp. 481-94 (Trả lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì? 5-12-1783).

[3] Über die Religion. Reden an die Gebildeten unter ihren Verächtern, 1799.

[4] “Thần học biện chứng”. Đối lại với cố gắng của THTD nhằm rút gọn mặc khải Kitô giáo vào những dữ kiện tự nhiên, thần học biện chứng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa (mặc khải, đức tin) hoàn toàn khác biệt với thế giới, vì thế không thể nào nắm bắt được bằng các phạm trù tự nhiên.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here