SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – MÙA PHỤC SINH 16

0
214

16. Ba Ngôi Thiên Chúa cư ngụ trong linh hồn

I

Người ta nói về Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa (Kn 9,10): “Từ trời cao xin gửi Đức Khôn Ngoan của Ngài tới, xin phái đến từ toà cao vinh hiển của Ngài.

Theo lời thánh Gioan (14,23), cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cư ngụ trong linh hồn: “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” Khi một Ngôi vị Thiên Chúa được phái đến cho bất kỳ ai bằng ân sủng vô hình, thì đó là một cách thế mới của việc cư ngụ của Ngôi vị ấy và nguồn gốc của một Ngôi vị khác. Như thế việc cư ngụ bằng ân sủng trong linh hồn và việc phát khởi bởi Ngôi vị khác đều phù hợp với cả Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cho nên được gọi phái cử. Về phần Chúa Cha, mặc dù Ngài cư ngụ trong chúng ta bằng ân sủng, nhưng Ngài không phát xuất bởi Ngôi khác và vì thế Ngài không được phái cử.

Nhờ ân sủng mà linh hồn trở nên giống Thiên Chúa. Vì thế để một Ngôi vị Thiên Chúa được cử đến với ai bằng ân sủng, thì người ấy phải nên giống Ngôi vị Thiên Chúa được cử đến ấy bằng một ân sủng nào đó. Vì Chúa Thánh Thần là Tình yêu, nhờ hồng ân của đức mến linh hồn được nên giống Chúa Thánh Thần. Cho nên việc đặc cử của Chúa Thánh Thần được thể hiện do hồng ân của đức mến. Trong khi đó, Chúa Con là Ngôi Lời, không phải bất cứ lời nào, mà là lời nhiệm suy Tình yêu. Do đó, thánh Augustinô nói: “Lời chúng ta nói đến là sự hiểu biết với Tình yêu thương”. Như thế, Chúa Con không được đặc cử vì bất cứ sự hoàn bị nào của trí tuệ nhưng là do sự soi sáng trí tuệ đến độ vọt ra thành tình yêu như vịnh gia (38,4) đã viết: “Càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy.” Vì thế thánh Augustinô viết rõ ràng rằng: “Chính lúc được con người nhận biết và cảm nghiệm đó là lúc Chúa Con được cử đến.” Vì sự cảm nghiệm biểu thị sự nhận biết theo kinh nghiệm, và đây mới chính là sự thông tuệ, tức là sự hiểu biết ngọt ngào.

II

Sự đặc cử này diễn ra như thế nào? Trong quan niệm của việc đặc cử ngầm hiểu điều này là: Đấng được đặc cử hoặc bắt đầu hiện diện tại nơi mà trước kia chưa hiện diện, như xảy ra đối với các vật thụ tạo; hoặc bắt đầu hiện diện cách mới mẻ tại nơi trước đây đã hiện diện, như được quy gán cho các Ngôi vị Thiên Chúa. Vì thế về phía người được cử đến, phải suy đến hai điều, đó là sự cư ngụ nhờ thánh sủng và sự đổi mới nhờ thánh sủng. Cho nên việc đặc cử vô hình thể hiện nơi những ai mà ta nhận thấy hai điều kiện đó

Việc đặc cử vô hình cũng được thể hiện theo sự tiến tới về đức hạnh hay theo sự tăng trưởng về thánh sủng. Nhưng việc đặc cử vô hình được hiểu cách chính yếu theo sự tăng thêm thánh sủng, khi nhờ đó mà một người tiến tới trong một hành vi mới, hay trong một trạng thái mới của ơn thánh: chẳng hạn khi ai tiến tới trong ơn làm phép lạ hay ngôn sứ, hay vì sự nồng nàn của đức ái mà hiến thân trong việc tử đạo, hoặc từ bỏ những tài sản của mình, hoặc xông pha trong công việc gay go nào.

III

Sự phái cử chỉ diễn ra nhờ ân sủng thánh hóa. Một Ngôi vị Thiên Chúa được gọi là được phái cử khi Ngài hiện diện nơi một người nào theo một cách thức mới; hoặc Ngài được trao ban xét như Ngài được một người nào chiếm hữu. Cả hai điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ ân sủng thánh hóa. Có một cách thức chung nhờ đó Thiên Chúa hiện diện trong mọi vật, bằng yếu tính, quyền năng và hiện diện, tựa như căn nguyên hiện diện trong những công hiệu của nó nhờ việc thông dự sự thiện hảo của chính căn nguyên. Bên trên cách thức chung ấy, còn có cách thức riêng, thích hợp với thụ tạo có lý trí, khi ta nói rằng Thiên Chúa ở trong diện thụ tạo đó như là điều được nhận biết ở trong người nhận biết, và như điều được yêu mến ở trong người yêu mến. Và vì nhờ nhận biết và yêu mến, thụ tạo có lý trí với hoạt động của mình đạt tới chính Thiên Chúa, nên nhờ cách thức riêng biệt này, ta nói Thiên Chúa chẳng những ở trong vật thụ tạo, mà còn cư ngụ trong đó như trong đền thờ. Vì thế, không công hiệu nào có thể là lý do để Ngôi vị Thiên Chúa hiện diện trong thụ tạo có lý trí một cách mới mẻ nếu không phải là ân sủng thánh hóa.

Môt cách tương tự như vậy ta chỉ nói được là chiếm hữu điều mà ta có thể tự do sử dụng hay vui hưởng. Nhưng chỉ nhờ ân sủng thánh hoá mà ta có quyền vui hưởng Ngôi vị Thiên Chúa. Vì thế Chúa Thánh Thần được sai đến và ban cho con người như một ân sủng của Thiên Chúa.

(ST I, q. 43, a. 5, 6 và 3)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here