Linh đạo Đa Minh

0
890

Linh đạo “đồng hành – đồng nghị” của các Dòng tu.

Nhằm chuẩn bị cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới về “đồng hành – đồng nghị” (synodality), văn phòng Tổng thư ký xin các dòng tu trình bày kinh nghiệm trong linh đạo của mình. Sau bài về linh đạo thánh Augustinô là linh đạo dòng Đa Minh.

—————————

Linh đạo Đa Minh

Fr. Benjamin Earl, OP

Tổng Biện lý

Các đặc trưng

Để kỷ niệm 800 năm sinh nhật trên trời của thánh tổ phụ Đa Minh (6-8-2021), chúng tôi đã lấy tiêu đề “đồng bàn với thánh Đa Minh”, được minh họa bằng một trong những bức ảnh sớm nhất mà chúng tôi có về cha thánh, đó là bức ảnh Tavola della Mascarella (chiếc bàn ăn Mascarella) tại Nhà thờ Santa Maria e San Domenico della Mascarella, Bologna. Bức vẽ đơn sơ mô tả thánh Đa Minh đang ngồi cùng bàn với anh em của ngài, chắc hẳn đang cùng nhau chiêm niệm lời Thiên Chúa. Chắc chắn là các vị chỉ có chút ít thức ăn cho tới khi xảy ra một phép lạ kỳ diệu: bánh ăn được nhân lên dư dật. Tôi đề cập đến sự đồng bàn này ngay từ đầu, bởi vì nó là một chủ đề mà tôi sẽ còn trở lại. Thánh Đa Minh hầu như không để lại bút tích gì, vì thế một hình ảnh mang tính cận-đương đại như thế cùng với sách Hiến pháp của Dòng vốn thể hiện dự án của ngài, là rất quan trọng đối với mối liên hệ cá nhân của chúng tôi với đấng sáng lập.

Trước khi thiết lập dòng Anh em Thuyết giáo, thánh Đa Minh là một kinh sĩ sống theo tu luật thánh Augustinô. Vì thế, và thêm những lý do khác, thật là hợp lý khi Dòng tu mới của ngài nên chọn cho mình bản Tu luật của thánh Augustinô. Trong chiều hướng này, chúng tôi cũng là những tu sĩ Augustinô, mặc dù tất nhiên chúng tôi cũng đã và đang phát triển linh đạo riêng biệt của chúng tôi, một linh đạo được thể hiện trong Hiến pháp của chúng tôi, do đó tôi sẽ không lặp lại tất cả những gì mà vị thuyết trình viên trước[1] đã nói. Nhưng có hai nguyên tắc vốn là “đầu và cuối” của Tu luật thánh Augustinô mà tôi cho là rất quan trọng đối với cách tiếp cận của một tu sĩ Đa Minh trước những vấn đề đã có trước chúng ta hôm nay.

Nguyên tắc đầu tiên là một điều đã được đề cập. Mở đầu Tu luật, anh em được nhắc nhở: “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một trước hết là để anh em sống đồng tâm nhất trí (unanimes) trong một nhà và để anh em chỉ có một tâm hồn và một trái tim trong Thiên Chúa.”[2] Thánh Augustinô tiếp tục trình bày cách thức mà anh em phải sống, và sau đó, trong phần kết luận, ngài khuyến khích họ tuân giữ các giới luật “như những người yêu mến vẻ đẹp thiêng liêng … không như nô lệ dưới ách lề luật, nhưng như những người có tự do (liberi) đã được dựng nên trong ân sủng.”[3]

Vì vậy, chúng tôi đến với nhau vì sự đồng tâm nhất trí; nhưng chúng tôi thực hiện điều này trong tự do [libertas]. Tất nhiên ở đây, thánh Augustinô muốn nói đến toàn bộ đời sống tận hiến của chúng tôi, nhưng những gì là đúng với cuộc sống của chúng tôi nói chung thì cũng đúng với việc quản trị của chúng tôi nói riêng; đặc biệt đối với các tu sĩ Đa Minh, vì chúng tôi muốn nói rằng việc quản trị cũng là biểu hiện của linh đạo chúng tôi. Vì vậy, trong các công hội hay trong các “synod” (hội nghị) của chúng tôi, chúng tôi đến với nhau vì sự đồng tâm nhất trí nhưng cũng hoàn toàn tự do.

Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn! Đừng quên, ở những đất nước mà các cơ quan lập pháp thường đạt được sự đồng tâm nhất trí thì có xu hướng hơi thiếu tự do; còn ngược lại ở các quốc gia đề cao tự do nhiều hơn thì cơ quan lập pháp có thể bị chia rẽ nhiều hơn, thậm chí dẫn tới phân cực. Nhưng cả hai điều này đều không phải là mô hình quản trị của chúng tôi trong sự đồng tâm nhất trí và tự do.

Tất nhiên, không phải lúc nào các tu sĩ Đa Minh cũng đồng thuận với nhau. Nhưng theo truyền thống của thánh Tôma Aquinô, chúng tôi chia sẻ sự hiểu biết về ý nghĩa của việc thực sự “tự do” là như thế nào. Vấn đề không đơn giản là giải thoát khỏi những ràng buộc ngăn cản chúng tôi chọn lựa một cách tùy tiện, điều mà cha Servais Pinckaers, OP gọi là “tự do của sự không khác biệt”[4]. Đúng hơn, tự do của chúng tôi là “tự do hướng tới ưu việt”[5], một sự tự do để đạt tới sự hoàn thiện, hướng tới một đời sống nhân đức. Cuối cùng, chúng tôi được tạo nên như những người tự do trong ân sủng để yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận, và đây là sự tự do mà trong đó chúng tôi đến với nhau để tìm kiếm sự đồng tâm nhất trí. Tôi có thể không đồng ý với anh em tôi, nhưng nếu tôi yêu mến người anh em ấy thì tôi sẽ ngồi xuống và cố gắng hiểu anh ấy, và tôi thiết nghĩ đó cũng là cách để giúp người anh em ấy hiểu tôi. Và nếu đối phương yêu mến tôi thì anh ấy cũng sẽ làm như vậy. Chúng ta sẽ ngồi lại với nhau.

Tại đích đến của một tiến trình tự do trong yêu thương như vậy, ngay cả khi không thể đạt được sự đồng tâm nhất trí thực thụ, thì ít nhất cũng có được một sự đồng thuận rằng: đã có một sự dàn xếp đầy yêu thương trước những vấn đề, và do đó quyết định đưa ra cũng là quyết định chung, dù cho tôi có muốn một kết quả khác. Nói gì thì nói, đến cuối cùng, vì mọi sự “đồng nghị” của chúng tôi cho nên lời khấn duy nhất mà các tu sĩ Đa Minh tuyên thệ là lời khấn vâng phục, và cuối cùng chúng tôi phải rập ý muốn của mình theo những gì đã được phân định một cách hợp pháp trong Tổng hội.

Một vài anh em của tôi trong những thập kỷ gần đây muốn mô tả việc quản trị Đa Minh như là việc quản trị “dân chủ”. Đó không phải là một thuật ngữ đã từng được tìm thấy trong Hiến pháp của chúng tôi, và tôi cũng muốn tránh thuật ngữ này. Điều này một phần là do có nguy cơ rơi vào các khuyết điểm của mô hình chính trị của các quốc gia dân chủ hiện đại, đồng thời cũng vì chính hạn từ “dân chủ” gợi nhớ đến hạn từ “dân” (δῆμος) là nguồn gốc của “quyền lực” (κράτος). Rõ ràng trong Giáo hội, thẩm quyền cai trị đến từ Chúa Kitô. Sự quản trị cộng đồng, tức Giáo hội, chỉ là sự thông dự vào chức vụ vương đế của Chúa Kitô mà thôi. Vì vậy, theo Hiến pháp của chúng tôi[6], tôi muốn nói rằng, việc quản trị của dòng Đa Minh được đặc trưng hơn bởi các khái niệm thần học về sự hiệp thông và thông dự.

Các việc thực hành phân định cụ thể

Vì giới hạn thời gian, khi nói đến các việc thực hành phân định cụ thể, tôi sẽ tập trung vào Tổng hội của Dòng vì đây có lẽ là chủ đề thích hợp nhất cho ngày nay. Nhưng tất nhiên, phần lớn những gì là đặc trưng của các cuộc họp định kỳ ở cấp độ toàn cầu thì cũng diễn ra ở các tỉnh dòng và các tu viện, cũng như trong công việc quản trị hàng ngày.

Dòng Giảng thuyết có được cái điều mà người ta gọi là hệ thống “lưỡng viện” của các Tổng hội. Lúc khởi đầu, chúng tôi có các Tổng hội hàng năm, để nghe chi tiết về các chuyến thăm viếng và đưa ra một số quyết định khá chi tiết về từng anh em. Đến năm thứ ba, các vị Giám tỉnh sẽ họp với Bề trên Tổng quyền trong Tổng hội, nhưng trong hai năm còn lại sẽ là Tổng hội của các “Giám định viên”, nghĩa là những người đại diện do mỗi Tỉnh dòng bầu chọn, họp với Bề trên Tổng quyền. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào trong Hiến pháp đều cần có sự chấp thuận của ba Tổng hội liên tiếp, có nghĩa là nó cần được các vị Giám tỉnh và các vị Giám định viên chấp thuận. Như thế, các vị Giám tỉnh và các vị Giám định viên trong Tổng hội có thẩm quyền ngang nhau, nhưng không được phép làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến quyền lợi của nhóm khác. Quyết định của bất kỳ Tổng hội nào cũng luôn được các Tổng hội khác xem xét. Cuối cùng, khi cần thiết phải bầu chọn một vị Tổng quyền mới, các vị Giám tỉnh và Giám định viên họp lại với nhau trong một Tổng hội Bầu cử.

Ngày nay, các Tổng hội ít thường xuyên hơn – ba năm một lần – và Bề trên Tổng quyền có nhiệm kỳ là chín năm. Vì vậy, nhịp điệu bây giờ là một chu kỳ chín năm của ba dạng Tổng hội luân phiên: Tổng hội các Giám định viên, Tổng hội các Giám tỉnh và Tổng hội Bầu cử. Tuy nhiên, cấu trúc cơ bản vẫn được giữ nguyên, cần có sự đồng thuận của anh em với những quan điểm khác nhau và vượt trên một khoảng thời gian. Có lẽ cần lưu ý rằng, các khoản hiến pháp “đang được xây dựng” – tức là các luật đã được phê duyệt bởi một hoặc hai Tổng hội – là một phần của các Công vụ Tổng hội đã xuất bản, và do đó bất kỳ anh em nào cũng có thể xem xét và nêu ý kiến cho vị Giám tỉnh hay vị Giám định viên sẽ tham dự Tổng hội lần tới. Thật vậy, ngày nay, vì anh em có thể theo dõi trên website của Dòng cho nên bất kỳ ai quan tâm đều có thể vào xem tiến trình lập pháp đã đi tới đâu.

Tôi chuyển sang các chi tiết của việc tổ chức Tổng hội. Là một ví dụ về việc quản quản trị, Tổng hội được coi là biểu hiện của sự hiệp thông và của cộng đoàn của Dòng. Vì thế, những gì là đặc trưng của đời sống chung nơi các tu viện chúng tôi – phụng vụ và cầu nguyện hàng ngày, học hành, đồng bàn, giải trí, giảng thuyết – thì cũng là những phần của Tổng hội. Tôi đề cập đến điều này vì nó là một phần của câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để giải quyết xung đột hay bất đồng ý kiến trong tiến trình này?” Chúng tôi cầu nguyện cùng nhau, chúng tôi suy ngẫm và học hành cùng nhau, chúng tôi ăn uống cùng nhau, chúng tôi giải trí cùng nhau, chúng tôi đi dạo cùng nhau và cuối cùng chúng tôi cùng nhau bàn luận các vấn đề – thường là với các anh em mà chúng tôi chưa bao giờ gặp gỡ trước Tổng hội – đồng thời dành không gian để lắng nghe sự thúc đẩy của Thần Khí.

Tất nhiên, chúng tôi cũng có các thủ tục chính thức để giải quyết xung đột và bất đồng ý kiến. Rõ ràng là có một giới hạn đối với những gì có thể được thực hiện trong phòng họp Tổng hội với số lượng có thể lên đến hàng trăm người tham gia đang bàn luận với nhiều mục đích đối lập bằng các ngôn ngữ khác nhau, nhưng có thể trì hoãn các vấn đề gây tranh cãi và sẽ trở lại bàn luận sau những giây phút bình tĩnh hơn. Chúng tôi có thể thiết lập các ủy ban trong suốt công hội, có thể đón nhận sự đóng góp của các anh em không tham gia Tổng hội lần ấy cho những gì bất đồng ý kiến, để xem liệu có thể tìm ra giải pháp hay không. Trong điều này, vai trò của vị chủ tọa và vị điều hành cao nhất – đầy khôn ngoan, hiệu quả và lòng mến – của các phiên họp Tổng hội và các ủy ban là rất quan trọng.

Cuối cùng, đôi khi Tổng hội phải khiêm tốn nhìn nhận rằng, không thể giải quyết mọi vấn đề trước đó. Không có Tổng hội nào có lời kết luận cuối cùng, cho nên có lẽ sẽ có một Tổng hội trong tương lai đạt được nhiều thành công hơn, có thể là với một chương trình nghị sự được chuẩn bị kỹ lưỡng; hoặc có lẽ sẽ có một số bộ phận khác phù hợp hơn có thể giải quyết vấn đề; hoặc, thực sự, có thể vấn đề thực tế sẽ không thể giải quyết được.

Sự sáng suốt để phát triển tiến trình hội nghị

Xâu chuỗi những điều trên đây, tôi gợi ý hai cách thức mà ở đó kinh nghiệm của chúng tôi về việc quản trị mang tính công hội trong hơn tám thế kỷ qua có thể mang lại cho mối quan tâm đổi mới về tính đồng nghị (hay đồng hành, hiệp hành) trong Giáo hội.

1. Sự thừa nhận các đơn vị bầu cử khác nhau

Dòng Anh em Giảng thuyết đã nhận ra giá trị của việc lắng nghe cả người có trách nhiệm quản trị lẫn người không có trách nhiệm, cả đặc tính riêng biệt (trong Tổng hội của các Giám tỉnh và Tổng hội của các Giám định viên) lẫn cùng nhau (trong Tổng hội Bầu cử). Tương tự như vậy, Bộ Giáo luật 1983 nhìn nhận các vai trò của giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ trong các Công nghị Giáo phận, các Công đồng Giáo tỉnh và các Công đồng miền; nếu tính đồng nghị được thúc đẩy, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách thực sự sử dụng các cấu trúc đồng nghị, điều mà ở hầu hết các nơi chỉ là những bản văn chết.

Ở cấp độ hoàn vũ, khi thừa nhận vai trò đặc biệt và không thể thiếu của Tập đoàn các Giám mục (Collegium episcoporum), có thể sẽ có một sự tham gia đa dạng hơn không chỉ trong các giai đoạn chuẩn bị của một Thượng Hội đồng – như chúng ta đang thực hiện lúc này – mà còn cả trong chính các cuộc họp của Thượng Hội đồng. Trong những năm mà Thượng Hội đồng Giám mục không họp, Đức Thánh Cha có thể chủ tọa một “Thượng Hội đồng Giáo dân”, “Thượng Hội đồng Giáo sĩ” hoặc “Thượng Hội đồng những Người sống đời Thánh hiến”? Hoặc thi thoảng, Đức Giáo hoàng và các Giám mục có thể gặp gỡ những tín hữu khác trong một “Thượng Hội đồng Mục vụ”,[7] hoặc “Thượng Hội đồng Dân Thiên Chúa”, thay vì chỉ gia tăng thành phần giam dự Thượng Hội đồng Giám mục với một ít các nghị phụ, các quan sát viên và khách mời không phải là giám mục.

2. Đời sống của thượng hội đồng

Tôi từng có cơ hội nói chuyện với nhiều anh em Đa Minh đã từng tham dự các Thượng Hội đồng trước đây, cả giám mục, cựu Bề trên Tổng quyền lẫn các chuyên viên (periti). Nhiều người trong số họ nhận ra sự thiếu vắng yếu tố đời sống chung vốn là một phần bình thường trong các Tổng hội của chúng tôi. Một giờ nghỉ nhỏ và thời gian giải lao uống cà phê không thực sự có thể thay thế cho đặc tính đồng bàn, giải trí và nhịp điệu hàng ngày của Thánh lễ và Kinh Thần vụ. Cộng đoàn Giêrusalem, nơi đã truyền cảm hứng cho thánh Augustinô và thánh Đa Minh, cũng như đang truyền cảm hứng cho chúng ta, đã có một đời sống chung về mọi thứ.[8] Do đó, các Tông đồ – vốn nên một với nhau trong tâm trí, tâm hồn và trái tim với toàn thể cộng đoàn – đã có thể đưa ra chứng tá của họ với sức mạnh rất to lớn.

Điều này nghe có vẻ tầm tường, nhưng nếu việc cử hành Thánh Thể cùng nhau và ăn trưa cùng nhau được xem xét cách đặc biệt trong các thượng hội đồng của chúng ta thì điều đó sẽ là một cái gì đó thách đố cho sự hiệp nhất với nhau trong tâm trí, tâm hồn và trái tim để có thể cố gắng giải quyết những vấn đề khó khăn mà cộng đoàn và các tín hữu phải đối mặt.

Cùng với đó, tôi cảm ơn Đức Hồng y và Văn phòng Thượng hội đồng đã dành cho tôi cơ hội để chia sẻ những suy tư nhỏ này, và tôi đặc biệt cảm ơn các ngài về bữa trưa mà tôi đã háo hức chờ đợi.

———————————

[1] Fr. Joseph Farrell OSA.

[2] AUGUSTINUS, Tu luật, 1: “Primum, propter quod in unum estis congregati, ut unanimes habitetis in domo; et sit vobis anima una et cor unum (Acts 4:32) in Deo.” Các trích dẫn từ Tu luật trong bài này đều tuân theo textus receptus của dòng Anh em Giảng thuyết trong nguyên bản vào thế kỷ XIII, được lưu giữ trong Tổng Công hàm của Dòng. Phiên bản này có phần khác biệt so với các phiên bản phê bình gần đây.

[3] AUGUSTINUS, Tu luật, 8: “tamquam spiritualis pulchritudinis amatores… non sicut servi sub lege, sed sicut liberi sub gratia constituti.” Ở đây ám chỉ đến đoạn thư Rm 6,15-19.

[4] S. PINCKAERS, The Sources of Christian Ethics (T&T Clark, 1995), 354. Translated by Sr Mary Thomas Noble OP from Les sources de la morale chrétienne, 3rd ed. (Fribourg : University Press, 1993).

[5] ibid., 375.

[6] X. Liber Constitutionum et Ordinationum Fratrum Prædicatorum (LCO), 1 §§ VI and VII.

[7] Tôi đề xuất tên gọi này là để phản ánh vai trò và thành phần của Hội đồng Mục vụ cấp Giáo phận.

[8] X. Cv 4,32.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here