Huấn Thị: Quyền Bính Và Vâng Phục – Phần II

0
3325


 

Bộ các Hội dòng tận hiến và các Tu đoàn tông đồ

Huấn thị

QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC

Faciem tuam, Domine, requiram
“Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài

 

Huấn Thị: Quyền Bính Và Vâng Phục – Phần I

 

 

PHẦN THỨ HAI
QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC
TRONG ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ

“Anh em chỉ có một Thầy mà thôi, còn tất cả đều là anh em”
Mt 23,8

**************
 
 

Giới răn mới

16. Đối với những người kiếm tìm Thiên Chúa, ngoài giới răn: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa củangươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”, còn điều răn thứ hai, “cũng giống điều răn thứ nhất”: “ngươi phải yêungười thân cận như chính mình” ( Mt 22, 37-39). Hơn nữa, Chúa Giêsu nói thêm: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”, bởi vì do tình yêu đậm đà của anh em mà “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”(Ga 13,34-35). Xây dựng cộng đoàn huynh đệ là một trong những nhiệm vụ nền tảng của đời sống thánh hiến, mà các phần tử của cộng đoàn được mời gọi dấn thân, nhờ sự thúc đẩy của cùng một tình yêu mà Chúa đã tuôn đổ vào trái tim họ. Thật vậy, đời sống huynh đệ cộng đoàn là một yếu tố cấu tạo đời tu, một dấu chỉ hùng hồn cho thấy hiệu lực nhân bản của sự hiện diện Nước Thiên Chúa.

Thật đúng rằng nếu không có tình yêu huynh đệ thì chẳng có cộng đoàn ý nghĩa, thì cũng thật đúng rằng một quan niệm chính xác về vâng phục và quyền bính có thể đưa ra một sự trợ giúp hợp lý để sống giới luật yêu thương trong đời sống hằng ngày, nhất là khi phải đối diện những vấn đề liên hệ đến tương quan giữa cá nhân và cộng đoàn.

Những người cầm quyền phục vụ cộng đoàn, cộng đoàn phục vụ Nước Thiên Chúa

17. “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều làcon cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Vì thế, chúng ta là anh chị em với nhau trong mức độ Thiên Chúa là Cha Đấng hướng dẫn cộng đoàn các anh em/chị em bằng Thần Khí của Ngài, uốn nắn họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài.

Nhiệm vụ của quyền bính nằm trong kế hoạch này. Các bề trên, hiệp nhất với những người được uỷ thác cho họ, được mời gọi xây dựng một cộng đoàn huynh đệ trong Đức Kitô, trong đó Thiên Chúa được tìm kiếm và yêu mến trên hết mọi sự, để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa[1]. Vì thế, những người cầm quyền bính phục vụ cộng đoàn như Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, để rồi đến lượt cộng đoàn phục vụ Nước Thiên Chúa (xc Ga 13,1-17). Thực thi quyền bính ở giữa anh em / chị em mình có nghĩa là phục vụ họ, theo gương của Đấng “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45) để họ có thể hiến mạng sống mình.

Chỉ khi nào các bề trên sống vâng phục Đức Kitô và chân thành tuân giữ Luật Dòng, thì các phần tử của cộng đoàn mới có thể hiểu rằng, sự vâng phục của họ với các bề trên không những không trái ngược với sự tự do của con cái Thiên Chúa, nhưng còn giúp cho họ trưởng thành trong việc nên giống Chúa Kitô, Đấng vâng phục Chúa Cha[2].

Ngoan ngoãn để Thánh Thần dẫn dắt đến hiệp nhất

18. Cùng một lời gọi từ Thiên Chúa đã quy tụ các phần tử của một cộng đoàn hoặc của một hội dòng với nhau (xc Cl 3,15 ); cùng một niềm khát khao tìm kiếm Thiên Chúa tiếp tục dẫn dắt họ. “Đời sống cộng đoàn vì thế là một dấu chỉ đặc biệt, trước Hội thánh và xã hội, của mối liên kết bắt nguồn từ cùng một tiếng gọi và ý định vâng theo tiếng gọi ấy – cho dù có khác chủng tộc và nguồn gốc, ngôn ngữ hay văn hóa.Trái ngược lại với tinh thần bất thuận và chia rẽ, quyền bính và vâng phục chiếu sáng như một dấu chỉ của tình Hiền Phụ duy nhất đến từ Thiên Chúa, của tình huynh đệ phát xuất từ Thánh Thần, của tự do nội tâm nơi những con người đã đặt niềm tín thác nơi Thiên Chúa, bất chấp những giới hạn nhân loại của những người đại diện Thiên Chúa”[3].

Thánh Thần khiến cho mỗi người sẵn sàng phục vụ Nước Thiên Chúa, trong sự khác biệt về ân điển và chức phận (xc 1Cr 12,11). Sự vâng phục tác động của Thánh Thần tạo ra sự hiệp nhất cộng đoàn trong việc làm chứng cho sự hiện diện của Người, làm cho bước đi của họ trở nên hân hoan (xc Tv 37,23), và trở thành nền tảng của đời sống cộng đoàn trong đó tất cả đều vâng phục, tuy với những phận vụ khác nhau. Việc tìm kiếm thánh ý Chúa và sự sẵn sàng thi hành thánh ý là mối dây thiêng liêng gắn chặt nhóm cho khỏi bị phân mảnh một khi nhiều chủ thể mà không có một nguyên lý thống nhất.

Hướng tới một linh đạo hiệp thông và một sự thánh thiện cộng đoàn

19. Trong những năm gần đây, một quan niệm mới về nhân học đã làm nêu bật tầm quan trọng của chiều kích tương quan của con người. Khái niệm ấy tìm được sự xác nhận rộng rãi nơi hình ảnh của con người dựa theo Kinh Thánh và hẳn nhiên đã ảnh hưởng đến cách quan niệm tương quan trong cộng đoàn tu trì, khiến người ta lưu tâm hơn đến giá trị của sự cởi mở đối với người-khác-với-mình, đến tính phong phú của sự đa dạng và những hoa trái của nó đối với từng cá nhân.

Quan niệm nhân-học-tương-quan như thế cũng gây một ảnh hưởng, ít nhất một cách gián tiếp, đến linh đạo hiệp thông, và đã góp phần vào việc đổi mới quan niệm về sứ vụ, được hiểu như một sự dấn thân được chia sẻ với tất cả phần tử của dân Chúa, trong một tinh thần hợp tác và đồng trách nhiệm. Linh đạo hiệp thông được xem như bầu khí thiêng liêng của Hội thánh khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba và, vì thế, được coi như một bổn phận tích cực và gương mẫu cho đời tu ở mọi cấp độ. Nó là đường hướng cho tương lai của đời sống đức tin và chứng nhân Kitô giáo. Nó tìm gặp điểm quy chiếu tất yếu nơi mầu nhiệm Thánh Thể bởi vì “Thánh Thể cấu thành hữu thể và hoạt động của Hội thánh” và “Thánh Thể cho thấy cội nguồn của Hội thánh là mầu nhiệm của hiệp thông”[4].

Sự thánh thiện và sứ vụ trải qua cộng đoàn, bởi vì Chúa Phục sinh tỏ hiện trong và qua cộng đoàn[5], làm cho cộng đoàn nên thánh thiện và thánh hóa các tương quan. Đức Giêsu đã chẳng hứa hiện diện nơi đâu có hai hay ba người qui tụ nhân danh Người sao ( xc Mt 18,20)? Vì thế, các anh em / chị em trở thành bí tích của Chúa Giêsu và của cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, một khả năng cụ thể để sống giới luật yêu thương nhau. Do đó đường lối nên thánh trở nên lộ trình mà mọi phần tử của cộng đoàn cùng bước theo; không chỉ là con đường của từng cá nhân, nhưng luôn là một kinh nghiệm cộng đoàn: trong sự đón tiếp lẫn nhau, trong việc chia sẻ các ơn ban, nhất là ơn ban của tình yêu, của tha thứ, và của sửa bảo huynh đệ; trong việc cùng tìm kiếm ý Chúa là Đấng giàu ân huệ và lân tuất; trong việc mỗi người sẵn lòng vác gánh nặng của nhau.

Trong bầu khí văn hóa ngày nay, sự thánh thiện cộng đoàn là một chứng từ thuyết phục, có lẽ hơn cả sự thánh thiện của cá nhân: điều này cho thấy giá trị vĩnh cửu của hiệp nhất, một ân ban mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta. Cách riêng, điều này trở nên hiển nhiên trong các cộng đoàn đa-quốc-gia và đa-văn-hóa đòi hỏi những mức độ cao về tiếp đón và đối thoại.

Vai trò của người cầm quyền đối với việc tăng trưởng tình huynh đệ

20. Sự tăng trưởng của tình huynh đệ là kết quả của một đức ái “có trật tự”. Bởi vậy, “luật riêng của mỗi Hội dòng cần phải xác định càng rõ càng tốt thẩm quyền liên hệ của cộng đoàn, của những hội đồng khác nhau, của những vị điều phối các ban ngành và của bề trên. Thiếu rõ ràng trong lãnh vực này sẽ là nguồn gốc gây ra lộn xộn và xung đột. Những dự phóng cộng đoàn có thể giúp gia tăng việc tham gia vào đời sống cộng đoàn và vào sứ vụ trong những bối cảnh khác nhau, cũng phải lưu ý xác định rõ vai trò và thẩm quyền của các vị hữu trách, phù hợp với hiến pháp”[6].

Trong bức tranh này, những người cầm quyền yểm trợ sự tăng trưởng đời sống huynh đệ qua việc lắng nghe và đối thoại, tạo ra một bầu khí thuận lợi cho việc chia sẻ và đồng trách nhiệm, sự tham gia của mọi người vào những việc chung, sự quân bình giữa phục vụ cá nhân và phục vụ cộng đoàn, biện phân và thúc đẩy sự vâng phục huynh đệ.

a. Việc phục vụ lắng nghe

Việc thực thi quyền bính bao hàm rằng những người cầm quyền nên vui vẻ lắng nghe những người được ủy thác cho họ[7] .Thánh Biển Đức nhấn mạnh: “ Viện phụ nên kêu gọi tất cả cộng đoàn”, “ tất cả cần được kêu gọi để bàn hỏi…” “bởi vì Chúa thường tỏ ra giải pháp tốt nhất cho người trẻ nhất”[8]

Lắng nghe là một trong những tác vụ chính của các bề trên, vì thế họ luôn phải sẵn sàng, đặc biệt là đối với những kẻ cảm thấy bị cô lập và cần được quan tâm. Thật vậy, lắng nghe có nghĩa là chấp nhận người khác một cách vô điều kiện, cho họ một chỗ đứng trong trái tim của mình. Vì thế sự lắng nghe chuyển đạt cảm tình và hiểu biết, cho biết rằng mình trân trọng họ, và quan tâm đến sự hiện diện cũng như ý kiến của họ.

Người lãnh đạo phải nhớ rằng kẻ nào mà không biết lắng nghe anh chị em mình thì cũng không biết lắng nghe Chúa. Một sự lắng nghe chăm chú cho phép người ta phối kết các nghị lực và tài năng mà Thánh Thần ban cho cộng đoàn, cũng như biết rõ những giới hạn và khó khăn của một số phần tử mỗi khi phải đưa ra quyết định. Thời gian dành cho việc lắng nghe không bao giờ là thời gian lãng phí cả, và việc lắng nghe có thể ngăn ngừa những khủng hoảng và những thời khắc khó khăn cả trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn.

b) Tạo ra một bầu khí thuận lợi cho đối thoại, chia sẻ và đồng trách nhiệm

Những người cầm quyền hãy quan tâm đến việc tạo nên một bầu khí tín nhiệm, thúc đẩy việc nhìn nhận những khả năng và nhạy cảm của các cá nhân. Hơn nữa, bằng lời nói và việc làm, họ hãy vun trồng lòng xác tín rằng cộng đoàn đòi hỏi sự tham gia và vì thế cần thông tin.

Bên cạnh việc lắng nghe, những người cầm quyền bính hãy coi trọng sự đối thoại chân thành và tự do để chia sẻ những cảm nghĩ, những tầm nhìn và kế hoạch: trong bầu khí ấy, mỗi người có thể thấy căn tính của mình được nhìn nhận và phát huy những khả năng sống tương quan. Những người cầm quyền đừng sợ nhận ra và chấp nhận những vấn đề có thể dễ dàng phát sinh bởi việc cùng nhau tìm kiếm, cùng nhau quyết định, cùng nhau làm việc, cùng nhau đảm nhận những cách thức tốt nhất để thực hiện một sự cộng tác hiệu quả. Trái lại, họ sẽ tìm ra những nguyên nhân của bất cứ băn khoăn và hiểu lầm nào nếu có, biết cách đề xướng những giải pháp, càng được chia sẻ thì càng tốt. Hơn nữa, họ hãy cố gắng tìm cách vượt qua mọi hình thức ấu trĩ, và can ngăn những mưu toan trốn tránh trách nhiệm hoặc lẩn trốn những cam kết quan trọng, hay khép mình vào trong cái thế giới và những ích lợi riêng tư hoặc làm việc đơn độc.

c) Thúc giục mọi người tham gia vào những việc chung

Người lãnh đạo mang trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng[9] , nhưng quyết định này không phải là của riêng mình, nhưng cần biết đánh giá sự đóng góp tự do của tất cả anh chị em. Cộng đoàn ra làm sao là do các phần tử đã làm nên như vậy: vì thế, cần phải kích thích và thúc đẩy sự đóng góp của hết mọi người ngõ hầu mỗi người đều cảm thấy bổn phận phải mang lại lòng yêu mến, tài năng và sự sáng tạp của mình. Thật thế, tất cả những nguồn nhân lực được củng cố và đổ đồng với nhau trong dự phóng cộng đoàn, nhờ được thúc đẩy và tôn trọng.

Đặt các tài sản vật chất làm quỹ chung thì chưa đủ; quan trọng hơn nữa là hiệp thông những điều tốt và những khả năng cá nhân, những thiên tài và năng khiếu, những trực giác và cảm hứng, và điều sâu xa hơn nữa và cần phải cỗ võ là sự chia sẻ những của cải thiêng liêng, lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ đức tin: “chúng ta càng chia sẻ những thứ là trung tâm và quan trọng của đời sống, thì mối dây huynh đệ càng chặt chẽ”[10].

Có lẽ không phải tất cả mọi người sẽ sẵn sàng đi tới thứ chia sẻ này. Đứng trước những sự kháng cự có thể xảy ra, người cầm quyền thay vì bỏ rơi kế hoạch thì hãy tìm cách khôn khéo duy trì sự cân bằng giữa việc thôi thúc hiệp thông với sự kiên nhẫn, đừng mong thấy ngay tức khắc hiệu quả những nỗ lực của mình. Họ cũng phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa là vị Chủ tể duy nhất mới có thể chạm đến và thay đổi trái tim con người.

d) Phục vụ cá nhân và phục vụ cộng đoàn

Khi ủy thác những công tác khác nhau cho các phần tử của cộng đoàn, những người cầm quyền phải lưu ý đến tư cách của mỗi anh chị em, những khó khăn và khuynh hướng của mỗi người, để giúp cho mỗi người cách thế để bộc lộ tài năng riêng của mình, tuy vẫn tôn trọng sự tự do của tất cả mọi người. Đồng thời họ buộc phải để ý đến thiện ích của cộng đoàn và việc phục vụ công việc đã được trao phó cho họ.

Không phải lúc nào sự kết hợp hai mục tiêu cũng dễ thực hiện. Lúc đó cần đến sự can thiệp của nhà cầm quyền để duy trì sự quân bình, hoặc là qua khả năng nắm bắt những khía cạnh tích cực của mỗi người và sử dụng tối ưu những tiềm lực sẵn có, hoặc là qua ý định ngay thẳng giúp cho mình được tự do nội tâm, không quá quan tâm đến chuyện làm vui lòng hay chiều chuộng, nhưng thẳng thắn vạch ra ý nghĩa đích thực của sứ vụ đối với những người thánh hiến; sứ vụ không thể chịu lệ thuộc vào những năng khiếu của mỗi người.

Đối lại, người thánh hiến cũng cần phải chấp nhận công tác được uỷ thác, với tinh thần đức tin dường như đến từ bàn tay của Chúa Cha, ngay cả khi công tác không đáp ứng với những ước muốn và kỳ vọng của họ hoặc với cách thức họ hiểu về ý muốn của Thiên Chúa. Mặc dù vẫn có thể trình bày những khó khăn cá nhân (sự thẳng thắn trình bày như vậy cũng là một cách đóng góp cho sự thật), nhưng vâng phục trong những trường hợp như thế có nghĩa là thuận tuân quyết định cuối cùng của người có thẩm quyền, với xác tín rằng vâng phục như thế là một cống hiến quí báu – dù phải đau khổ- cho việc xây dựng Nước Chúa.

e) Biện phân cộng đoàn

“Trong đời sống huynh đệ được Thánh Thần linh hoạt, mỗi người trân trọng đối thoại với các người khác để tìm ra ý Chúa Cha. Đồng thời, tất cả mọi người đều nhận ra nơi người phụ trách hiện thân tình phụ tử của Thiên Chúa và quyền bínhThiên Chúa trao ban là để dùng vào việc biện phân và hiệp thông.”[11]

Đôi khi, theo như luật riêng đã dự trù hoặc tầm quan trọng của quyết định đòi hỏi, việc tìm kiếm cho một đáp ứng thỏa đáng được ủy thác cho việc biện phân cộng đoàn, để lắng nghe điều Thần Khí nói với cộng đoàn (xc Kh 2,7).

Tuy dù việc biện phân đích thực và đúng nghĩa được dành cho những quyết định quan trọng nhất, nhưng tinh thần biện phân phải là đặc điểm của mọi tiến trình làm quyết định liên quan đến cộng đoàn. Trong trường hợp ấy, không thể nào bỏ qua một thời gian cầu nguyện và suy tư cá nhân, cùng với một chuỗi những thái độ quan trọng để cùng nhau chọn lựa điều gì là hợp lý và đẹp lòng Thiên Chúa. Sau đây là một số thái độ cần thiết:

– quyết tâm không tìm kiếm gì khác hơn là ý Chúa, bằng cách để cho mình được soi sáng bởi cách thức Thiên Chúa hành động như ta đã thấy trong Kinh Thánh và trong lịch sử của đoàn sủng hội dòng, và với ý thức rằng logic của Phúc âm thuờng là “ngược chiều” với logic của loài người tìm kiếm thành công, hiệu năng và danh tiếng;

– sẵn sàng nhìn nhận ra ở nơi mỗi anh em/ chị em khả năng khám phá sự thật (tuy dù chỉ là một phần), và do đó, sẵn sàng đón nhận những ý kiến của họ như trung gian cho việc cùng nhau khám phá ý Thiên Chúa, đến độ biết nhìn nhận rằng những ý tưởng của người khác tốt hơn ý tưởng của mình;

– quan tâm đến những dấu chỉ thời đại, những khát vọng của con người, những đòi hỏi của người nghèo, những nhu cầu cấp thiết của việc truyền giáo, những ưu tiên của Hội thánh toàn cầu và Hội thánh địa phương cũng như những chỉ thị của các tổng hội và Bề trên thượng cấp;

– tự do khỏi những thành kiến, khỏi những bám sát quá đáng với ý tưởng cá nhân, khỏi những khuôn khổ tư duy quá cứng ngắc hoặc lệch lạc, và khỏi những óc bè phái làm tăng thêm những quan điểm khác biệt;

– can đảm đưa ra lý lẽ của những ý tưởng và lập trường của mình, nhưng cũng mở ra những tầm nhìn mới và thay đổi quan điểm của mình;

– cương quyết duy trì sự đoàn kết trong mọi hoàn cảnh, dù cho quyết định cuối cùng thế nào đi nữa.

Biện phân cộng đoàn không thay thế cho tính chất và nhiệm vụ của người cầm quyền là kẻ phải đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, người cầm quyền không thể không biết rằng cộng đoàn là chỗ ưu tiên để nhận ra và chấp nhận ý Chúa. Dù sao, biện phân là một trong những thời điểm cao nhất trong một cộng đoàn thánh hiến, nơi làm nổi bật vị trí trung tâm của Thiên Chúa như là mục tiêu tối hậu mà mọi người tìm kiếm, cũng như làm nổi bật trách nhiệm và sự đóng góp của mỗi người trong hành trình tiến về Chân lý.

f) Biện phân, quyền bính và vâng phục

Những người cầm quyền cần kiên nhẫn trong tiến trình tế nhị của biện phân: họ hãy tìm cách đảm bảo diễn tiến của nó qua mọi chặng và nâng đỡ trong những bước gay cấn, và phải cương quyết trong việc thực hiện những gì đã được quyết định. Họ phải cẩn thận đừng từ bỏ trách nhiệm của mình, với lý do là yêu chuộng sống bình an hoặc sợ làm tổn thương cảm xúc của ai đó. Họ hãy cảm thấy trách nhiệm không được tránh né những tình huống trong đó cần phải ra những quyết định rõ rệt và đôi khi gây mất lòng[12]. Tình yêu đích thực đối với cộng đoàn chính là điều làm cho những người cầm quyền có khả năng dung hòa sự kiên quyết với nhẫn nại, lắng nghe từng người và can đảm quyết định, vượt thắng cám dỗ trở thành điếc và câm.

Cuối cùng, cần ghi nhận rằng một cộng đoàn không thể ở trong tình trạng biện phân liên miên. Sau thời gian biện phân là thời gian vâng phục, nghĩa là thực hành quyết định. Cả hai đều là những thời gian cần phải sống tinh thần vâng phục.

g) Vâng phục huynh đệ

Ở cuối bản Tu luật, thánh Biển Đức khẳng định: “Anh em hãy vâng phục không những Viện phụ, nhưng cũng phải vâng phục nhau nữa, biết rằng chính là nhờ con đường vâng phục này mà ta đi đến Thiên Chúa”[13]. “Hãy coi người khác trọng hơn mình (xc. Rm 12,10 ). Hãy hết sức kiên nhẫn chịu đựng những bệnh tật thân xác hay luân lý của nhau; hãy ganh đua trong sự vâng phục lẫn nhau. Mỗi người đừng tìm ích lợi tư riêng nhưng là ích lợi của những người khác”[14]. Thánh Basiliô đặt câu hỏi: “Chúng ta phải vâng phục nhau như thế nào?”và trả lời: “Như những đầy tớ đối với chủ, theo như Chúa đã truyền cho chúng ta: ‘Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đấy tớ mọi người’ (xc Mc 10,44); người còn thêm những lời nhấn mạnh hơn nữa: ‘Như Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ’ (Mc 10,45); và như thánh Tông đồ nói: ‘Nhờ đức mến của Thánh Thần, anh em hãy trở nên những tôi tớ phục vụ lẫn nhau’ (Gl 5,13)”[15].

Tình huynh đệ đích thực dựa trên sự nhìn nhận phẩm giá của anh em/ chị em, và được thể hiện qua việc quan tâm dành cho người khác và những nhu cầu của họ, qua khả năng vui mừng vì những tài năng và sự thành tựu của họ, qua việc dành thời gian lắng nghe và để cho mình được chỉ dẫn. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi ta phải đạt được sự tự do nội tâm.

Dĩ nhiên con người không thể nào nói được là tự do khi họ xác tín rằng những ý tưởng và giải pháp của mình luôn là tuyệt hảo; khi quả quyết rằng mình có thể tự ý quyết định mà không cần bất cứ trung gian nào khác để nhận biết ý Chúa; khi nghĩ rằng mình luôn luôn đi đúng đường và chỉ có những người khác mới cần thay đổi; khi chỉ nghĩ đến những chuỵên riêng tư và không để ý đến nhu cầu của người khác; khi nghĩ rằng vâng phục là chuyện thuộc về thuở xa xưa, chứ không còn chỗ đứng trong thế giới tiến bộ nữa.

Đúng hơn, người tự do là kẻ luôn biết chăm chú và đón nhận trong mọi tình huống cuộc sống, nhất là nơi mỗi người sống bên cạnh mình, một trung gian của ý Chúa, cho dù là bí nhiệm. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Người đã giải thoát chúng ta để chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa dọc theo vô vàn nẻo đường của cuộc sống mỗi ngày.

“Người đứng đầu thì phải hầu hạ” (Mt 20, 27)

21. Ngày nay, mặc dầu lãnh nhận trách nhiệm cầm quyền xem ra là một gánh nặng đặc biệt và đòi hỏi sự khiêm tốn trở nên đầy tớ của người khác, nhưng cũng nên luôn luôn nhớ lại những lời nghiêm nghị mà Chúa Giêsu nói với những kẻ bị cám dỗ thi hành quyền bính theo lối phô trương thế gian : “Ai làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em, cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” ( Mt 20.27-28).

Những ai tìm kiếm trong chức vụ của mình một phương thế để trở nên nổi tiếng hoặc để khẳng định chính mình, để được phục vụ hoặc bắt người khác phục vụ họ, thì rõ ràng là họ tự đặt mình ra khỏi khuôn mẫu quyền bính theo Tin mừng. Thật là đáng ngẫm nghĩ những lời sau đây của thánh Bênađô nói với một môn đệ về sau trở thành đấng kế vị Thánh Phêrô: “ Hãy xét xem con có tiến tới trên đường nhân đức, về đức khôn ngoan, đức thông hiểu, đức nhân ái không? Con kiêu căng hay khiêm nhường hơn? Nhân từ hay ngạo mạn hơn? Khoan dung hay cứng cỏi hơn? Điều gì đã phát triển nơi con: lòng kính sợ Chúa hay là tính trâng tráo?”[16]

Kể cả trong những điều kiện tốt nhất, sự vâng phục chẳng dễ dàng gì; nhưng nó sẽ nên êm dịu hơn khi người thánh hiến nhìn thấy nơi người cầm quyền đặt mình vào tư thế khiêm tốn và nhiệt tâm phục vụ cộng đoàn và sứ vụ: một người cầm quyền, dù với tất cả những hạn chế nhân loại, vẫn cố gắng diễn đạt ra hành động những thái độ và tình cảm của Vị Mục tử nhân lành.

Thánh Clara Assisi quả quyết trong chúc thư của bà rằng: “Tôi cầu xin để ai lãnh trách nhiệm đối với chị em hãy cố gắng trổi vượt về nhân đức và lối sống thánh thiện, hơn là về quyền bính, để cho các chị em, được hướng dẫn bởi gương sáng của chị, sẽ vâng phục chị không phải vì quyền bính, nhưng là vì tình yêu”[17].

Đời sống huynh đệ như sứ vụ

22. Được hướng dẫn bởi người cầm quyền, những người thánh hiến được kêu gọi đối chiếu đời mình với giới răn mới, giới răn đổi mới mọi sự: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương có nghĩa là vượt lên trên công đức cá nhân của những anh em/chị em, có nghĩa là vâng phục không phải những ước muốn riêng tư nhưng là vâng phục Thiên Chúa, Đấng nói qua các điều kiện và nhu cầu của anh em hay chị em. Nên nhắc lại rằng thời gian dành cho việc thăng tiến phẩm chất của đời sống huynh đệ không phải là thời gian hao phí bởi vì, như Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn nhấn mạnh: “tất cả kết quả của đời tu tùy thuộc vào phẩm chất của đời sống huynh đệ”[18].

Sự khát khao thực hiện những cộng đoàn huynh đệ không chỉ là chuẩn bị cho sứ vụ mà chính là thành phần nòng cốt của nó, bởi vì “hiệp thông huynh đệ tự nó đã là một công việc tông đồ”[19]. Thực hành sứ vụ như là những cộng đoàn hằng ngày xây dựng tình huynh đệ, trong việc liên lỉ tìm ý Chúa, thì đã có nghĩa là khẳng định rằng nhờ đi theo Chúa Giêsu, ta có thể thực hiện sự chung sống nhân loại theo một cách thế mới mẻ và đượm tình người.

 *************

Huấn Thị: Quyền Bính Và Vâng Phục – Phần Cuối

 

 

 


[1] Xc. GL điều 619; 602; 618.

[2] Xc. DT số 14.

[3] TH số 92.

[4] Đức Bênêđictô XVI, tông huấn Bí tích Tình yêu, số15.

[5] Xc. TH số 42

[6] HĐ số 51.

[7] Xc. DT số 14.

[8] T. Biển Đức, Tu luật, 3,1.3.

[9] Xc. TH số 43; HĐ số 50c; Phát xuất lại từ Đức Kitô số 14.

[10] HĐ số 32

[11] TH số 92.

[12] Xc. TH số 43.

[13] T. Biển Đức, Tu luật, 71, 1-2

[14] T. Biển Đức, Tu luật, 72, 4-7

[15] T. Basiliô, Regulae brevius tractatae, 115: PG 31, 1161

[16] T. Bênađô, De consideratione, II, XI, 20: PL 182,754D.

[17] T. Clara Assisi, Di chúc, 61-62.

[18] Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi đến Phiên họp Khoáng đại của Bộ các hội dòng thánh hiến và các tu đoàn tông đồ,(20 -11-1992). Xc. HĐ số 54, 71.

[19] HĐ số 54.