HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ_PHẦN 4 – KẾT LUẬN

0
1701

BỘ CÁC HỘI DÒNG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
VÀ CÁC TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ

HỒNG ÂN TRUNG TÍN VÀ NIỀM VUI KIÊN TRÌ

NHŨNG ĐỊNH HƯỚNG

“Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”

                                                               (Ga 15,9)

 Chuyển ngữ: Nữ tu Marie Ange O.C.D.

Hiệu đính: Lm. Giuse Phan Tấn Thành O.P.

ĐAN VIỆN CÁT MINH SAIGON
2022

——————–

Dẫn nhập và Giới thiệu

PHẦN 1 – NGẮM NHÌN VÀ LẮNG NGHE

PHẦN 2 –  NHEN NHÚM LÊN NGỌN LỬA NHẬN THỨC

PHẦN 3 – RỜI BỎ HỘI DÒNG

——————–

KẾT LUẬN

“Hãy ở lại trong tình yêu của thầy” (Ga 15,9)

Sức mạnh của ơn gọi

99. Ngày nay, đứng trước việc đánh mất kiên trì của rất nhiều anh chị em, đã quảng đại con đường làm môn đệ, chúng ta có thể trở thành những người thẩm phán cay nghiệt, nêu bật những thiếu sót và mỏng dòn đã không được đối diện cách đúng đắn, do những nguyên nhân cá nhân, thể chế hoặc trách nhiệm tập thể. Những người ra đi phải nghiêm túc tự vấn về những lý do của việc giảm mất sự lựa chọn ơn gọi của mình. Những người ở lại cũng phải nghiêm túc tự vấn về sự nhất quán của việc ở lại của mình và về việc có thể liên can tới chuyện xa cách hoặc giảm sút kiên trì của những người ra đi. Tất cả chúng ta đều đồng trách nhiệm với nhau và là những người trông nom (xc. St 4,9) về những người anh em và chị em của chúng ta, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, bởi vì chúng ta “được quy tụ trong Chúa Kitô như là một gia đình đặc biệt”, và mối dây liên kết huynh đệ cần được trung thành nuôi dưỡng ngõ hầu tạo ra “sự nâng đỡ nhau trong việc thực hiện ơn gọi riêng của mỗi người.”[1]

100. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15,9): là lời yêu cầu mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Hãy ở lại: “đây là sức mạnh cho ơn gọi của người thánh hiến.”[2] Mệnh lệnh này cũng là một món quà, một lời đề nghị chân lý căn bản, cho phép được “ở lại trong sự hiệp thông sinh động với Chúa Kitô.”[3] Món quà này được trao các môn đệ của hôm qua và hôm nay, đặc biệt cho những người nam nữ thánh hiến đang đối diện với thách thức của việc sống trong môi trường tục hóa rất cao, hứng chịu nguy cơ đánh mất sự nhiệt thành và vui tươi của việc trao hiến bản thân cho Chúa Kitô và Giáo Hội.

Một giao ước tình yêu

101. Tin Mừng thứ bốn đặt lời mời gọi hãy ở lại trong tình yêu vào một giây phút đặc biệt trong cuộc đời Chúa Giêsu: trước cuộc Khổ Nạn. Khi Người tiến đến giờ được tiên báo tại Cana (xc. Ga 2:4), tiến đến việc hoàn tất sứ mệnh của Người và trao nộp mạng sống của Người, thánh sử Gioan dừng lại ở trình thuật bữa ăn cuối cùng với các môn đệ, để rút ra những kho báu làm sáng tỏ căn tính của Người là Con Thiên Chúa, và căn tính của các môn đệ. Ngồi tại bàn ăn, trong một bầu không khí thân mật và chia sẻ, Chúa Giêsu mở trái tim của Người Con để thông truyền cho các môn đệ – dưới hình thức của giao ước- tình yêu, tình yêu mà Người không chỉ có và ban tặng, nhưng tình yêu là chính bản tính của Người.

Các môn đệ được chỉ định mang về hoa trái

102. Trong bài diễn từ giã biệt dành cho các môn đệ (Ga 13,31-17,26), Đức Giêsu bộc lộ ý muốn thông truyền cho họ tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu có khả năng làm cho mọi sự sinh hoa kết quả, đảm bảo cho việc sinh sản chân chính. Trót cuộc sống của Người tràn ngập tình yêu của Chúa Cha, và Người không muốn gì khác hơn là trút đổ nó vào cuộc sống của các môn đệ. Vì lí do này, trong Ga 15,1-17, Người mời gọi các môn đệ hãy đâm rễ sâu trong tình yêu của Người, đắm chìm mình trong bầu khí con thảo của bản tính của Người, và cư ngụ trong việc trao đổi liên lỉ tình yêu giữa Người và Chúa Cha.

103. Trong Ga 15,9-17, Người giải thích ám dụ của những câu trước đó và mặc khải bí quyết về sự nảy sinh hoa trái của các môn đệ: tình yêu. Điều này trở thành môi trường sinh sống trong mức độ nó được nhận lãnh từ chính nguồn là Đức Kitô. Nền tảng tình yêu mà Đức Giêsu dành cho các môn đệ là tình yêu mà Người đã được Chúa Cha yêu mến: như Chúa Cha đã yêu mến Thầy, thì Thầy cũng yêu mến anh em (Ga 15,9). Đức Giêsu bày tỏ cho các môn đệ biết rằng nguồn mạch tình yêu mà Người dành cho họ là tình yêu mà Chúa Cha dành cho Người.

Ở lại là kiên trì

104. Cụm từ ở lại trong, được lặp lại nhiều lần trong Tin Mừng Gioan,[4] cho phép giải mã biểu tượng của cây nho- người trồng nho – cành nho – trái trong viễn tượng của sự kiên trì. Đức Giêsu dạy chúng ta “hãy cư ngụ trong dòng chảy tình yêu của Thiên Chúa, hãy đặt nơi cư trú vĩnh viễn ở đó, là điều kiện đảm bảo rằng tình yêu của chúng ta đánh mất nhiệt tình và dũng cảm dọc đường.”[5]

Vì thế’ để tránh thảm kịch rời bỏ việc làm môn đệ hoặc khả năng trở nên cằn cỗi trong ơn gọi, các môn đệ được tha thiết mời gọi hãy ở lại. Động từ này, rất được Tin Mừng thứ bốn quý chuộng, ám chỉ đến một ước muốn và quyết tâm liên lỉ đáp trả tình yêu giao ước và gắn bó với mẫu gương Chúa Kitô.

Điều cho phép chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu là tuân giữ các giới răn của Ngài (Ga 15,10), ngoan ngoãn lắng nghe Lời của Ngài. Sự lắng nghe này làm biến đổi con tim của các môn đệ: từ một trái tim của những người nô lệ trởi thành một trái tim của những người bạn hữu và kiến tạo một mối tương quan chân thành và bền vững với Đức Giêsu (Gn 15,13-15).

Để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn

105. Sứ mạng của những người được rửa tội cốt ở làm cho những hồng ân Thiên Chúa phát sinh hoa trái nhằm lợi ích của tất cả mọi người, như Chúa Giêsu đã hiến tặng bản thân cho các bạn hữu của mìnhi và cho sự sống của thế gian (Ga 6,51). Thật vậy, ở lại trong tình yêu, thì cũng được hiểu là “tình yêu là phục vụ,”[6] là chăm sóc những người khác. Chỉ duy tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ nơi Đức Giêsu mới có sức mạnh giật lấy các môn đệ ra khỏi nguy cơ tấu thoát và trệch đường, và hướng họ về việc mang lại hoa quả dồi dào: Thầy đã cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại (Gn 15,16).

Sự trung tín trong việc ở lại hỗ tương giữa cây nho và các cành nho, nghĩa là giữa Thầy và các môn đệ, là một hồng âm của việc tin tưởng lẫn nhau, nhưng nó phải được thực hành trong sự kiên trì kéo dài trong những thời kỳ và các giai đoạn của cuộc sống. Tất cả chúng ta đều cần đến kiên trì (Dt 10,36), vừa hướng mắt về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn đức tin (Dt 12:2), vừa phải hành động bạo dạn và sáng tạo khi trải qua qua những giây phút tối tăm và khi nâng đỡ lẫn nhau, để thẳng thắn tiến bước với đôi chân của mìnhi (xc. Dt 12,13). Không thể nào tránh né các thử thách được; nhưng điều cần thiết là vượt qua nó bằng tình yêu, làm cho sự kết hợp với Chúa Kitô trở nên vững mạnh hơn. Như thế’, thử thách trở thành một cơ hội giúp cho việc học hiến dâng chính mình hơn, để không còn chỉ sống cho chính mình nữa (xc. Rm 14:7), và để thiết lập lại một tình bạn vững bền với Đức Kitô và với những người khác, mang lại hoa trái và niềm vui trọn vẹn (Gn 15:11).

Đức Maria, người phụ nữ trung tín và kiên trì

106. Chúng ta hãy ký thác tất cả những người nam nữ thánh hiên cho Đức Maria, người Mẹ của chúng ta, người phụ nữ trung tín mong muốn cho con cái mình trung tín trong việc đáp trả tình yêu và trọn vẹn hiến dâng chính mình cho Đức Kitô, để xin cho họ kiên trì trong niềm vui ơn gọi mà họ đã lãnh nhận.

Ôi Maria, người nữ tín trung,

Mẹ đã ngoan ngoãn đón tiếp

Thánh Thần chân lý xuất phát từ Chúa Cha,

qua Đức Giêsu Con Mẹ,

xin dạy chúng con gìn giữ tặng phẩm ơn gọi và, mỗi ngày, khám phá lại sức sống của nó.

Chúng con ngước nhìn lên Mẹ,

để chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa phục hồi khả năng yêu thương của chúng con và chữa lành sự trung tín bị thương tích của chúng con.

Chúng con ngước nhìn lên Mẹ, kiên trì trong việc bước theo, tỉnh thức giữ gìn và yêu mến Lời Chúa (xc. Lc 2,19; 2,51b), để chiêm ngắm nơi Mẹ mối phúc lành của những ai nhờ trung tín mà mang lại nhiều hoa trái.

Chúng con ngước nhìn lên Mẹ,

kiên trì dưới chân thánh giá (xc. Ga 19,25) để đứng kề bên vô vàn thập giá trên thế giới, nơi Đức Kitô vẫn còn bị đóng đinh trong những người nghèo và bị bỏ rơi, để mang đến sự ủi an và chia sẻ.

Chúng con ngước nhìn lên Mẹ,

kiên trì với các Tông Đồ trong cầu nguyện (xc Cv 1,12-14), để được bừng cháy bởi Tình Yêu chẳng hề tắt, bước đi trong vui tươi

và đương đầu với những thất bại và thất vọng mà không phải lo lắng.

Ôi Maria, người phụ nữ tín trung, xin cầu cho chúng con. Xin cầu cho chúng con lãnh được từ Người Con của Mẹ và là Đấng Cứu Độ chúng con một đức tin sống động và say mê, một đức ái khiêm nhường và cần cù, để sống hồng ân trung tín trong kiên trì

là ấn tín khiêm tốn và vui tươi của đức hy vọng.

Amen.

Vatican, ngày 2 tháng 2 năm 2020,

Lễ tiến dâng Chúa Giêsu trong đền thánh

Hồng Y João Braz. de Aviz

Bộ trưởng

Tổng Giám Mục José Rodríguez Carballo, O.F.M.

Tổng thư ký

—————-

[1]      Giáo Luật 602.

[2]      ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Sức Mạnh của ơn gọi. Đời Sống Thánh Hiến Ngày Nay. Cuộc Đối Thoại với Fernando Prado, EDB, Bologna, 2018, trang 44.

[3]      ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Regina Coeli, Vaticano, (3-5-2015)

[4]      Xc. Ga 8,31; 14,10; 15,4[x2],5,6,7,9,10.

[5]      ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Regina Coeli, Vaticanô, (6-5-2018).

[6]      ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Bài giảng trong dịp viếng thăm mục vụ giáo xứ Mình Thánh Chúa tại Tor de’ Schiavi, Roma, (6-6-2018).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here