Hội Đồng Tòa Thánh Di Dân Và Du Lịch: Sứ Điệp Nhân Ngày Du Lịch Quốc Tế – Năm 2015

0
1071


HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH DI DÂN VÀ DU LỊCH

SỨ ĐIỆP NHÂN NGÀY DU LỊCH QUỐC TẾ

Năm 2015

***

***

“Một tỷ người du lịch, một tỷ khả năng”

 

 

1. Vào năm 2012, lần đầu tiên hàng rào có tính biểu tượng của một tỷ người du lịch nước ngoài đã bị vượt qua. Và những con số đang tăng lên một cách mãnh liệt đến độ có thể dựa vào đó để tiên đoán rằng, mục tiêu mới sẽ có thể đạt được vào năm 2030 với con số hai tỷ. Thêm vào đó là những con số những người du lịch trong nước.

Nhân Ngày Du Lịch Quốc Tế, chúng tôi muốn tập trung vào những khả năng và những thách đố mà những thống kê nêu trên mang đến với chính nó, và vì thế chúng ta sẽ tiếp nhận đề tài mà Tổ Chức Du Lịch Thế Giới đã đề nghị: “Một Tỷ Người Du Lịch, Một Tỷ Khả Năng”.

Sự phát triển này chính là một thách đối đối với tất cả mọi lãnh vực đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng mang tính toàn cầu ấy: Các nhà du lịch, các doanh nhân, các chính phủ và các cộng đồng địa phương. Và chắc chắn là Giáo Hội cũng liên quan tới đó. Một tỷ người du lịch nhất thiết phải được quan sát trước tiên trong ý nghĩa của một tỷ cơ hội.

Sứ điệp này được công bố chỉ một ít ngày sau khi Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô được giới thiệu, tức Thông điệp được dành để quan tâm tới ngôi nhà chung. Đó là một bản văn mà chúng ta phải trao cho nó một sự quan tâm hoàn toàn đặc biệt, vì nó chứa đựng những đường hướng quan trọng mà chúng ta có trong sự quan tâm của mình để lưu ý tới thế giới du lịch.

2. Chúng ta lưu lại trong giai đoạn biến chuyển, tức giai đoạn mà người ta thay đổi cách thức du lịch, và do đó cũng là kinh nghiệm về du lịch. Ai đi du lịch tới những quốc gia mà những quốc gia ấy khác với đất nước của mình, người ấy thực hiện điều này trong niềm mong muốn được ý thức ít nhiều thông qua sự gặp gỡ, thông qua sự trao đổi và thông qua sự so sánh hầu đánh thức phần sâu kín nhất nơi cái TÔI của mình. Người du lịch luôn luôn lên đường để tìm kiếm một sự giao tiếp trực tiếp với người khác trong sự đặc biệt của chính mình. Khái niệm cổ điển về “người du lịch” sẽ đánh mất ý nghĩa và thay vào đó củng cố cho thuật ngữ “người lữ hành”, đó là một người cảm thấy không đủ nếu chỉ tham quan một chỗ, nhưng là người, trong một cách thế nào đó, trở nên thành phần của toàn bộ nơi đó. “Người công dân thế giới” đã được sinh ra. Không còn chỉ ngắm nhìn nữa, nhưng thuộc về nơi đó, không còn đi loanh quanh nữa, nhưng trải qua, không còn phân tích chi ly nữa, nhưng là tham dự vào. Người ta sẽ hoàn toàn kính trọng trước những điều và những người mà người ta gặp gỡ.

Trong bức Thông điệp mới nhất của ngài, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đòi hỏi chúng ta phải đến gần với thiên nhiên, phải mở ra “cho sự sửng sốt và sự ngạc nhiên”, và phải nói “bằng ngôn ngữ của tình huynh đệ và của sự đẹp đẽ nơi mối tương quan của chúng ta với thế giới”.[1] Điều đó chính là một quan niệm chính xác đối với những nơi và những dân tộc mà chúng ta đến thăm. Và điều đó cũng chính là con đường để đạt tới được một tỷ cơ hội, và trong mức độ bao nhiêu có thể, rút ra từ chúng những lợi ích to lớn.

3. Trong lãnh vực này, các doanh nhân chính là những người đầu tiên phải tham dự vào mối quan tâm tới niềm hạnh phúc chung. Trách nhiệm của các doanh nhân rất to lớn, ngay cả trong lãnh vực du lịch, và để có được một tỷ cơ hội, người ta phải ý thức về điều đó. Mục tiêu cuối cùng không được phép trở thành vấn đề lợi nhuận, nhưng là việc gới thiệu những con đường có thể, chẳng hạn như người lữ hành có thể tìm thấy sự trải nghiệm mà người ấy muốn tìm kiếm. Các doanh nhân phải thực hiện điều ấy trong sự kính trọng trước những con người và trước môi trường. Điều quan trọng là đừng bao giờ đánh mất đi niềm ý thức về con người. Những người du lịch không được phép bị biến thành một sự thống kê hay một nguồn thu nhập. Đối với hoạt động kinh doanh dành cho khách du lịch, các hình thức mà chúng được phát triển với và cho cá nhân, và ở đây đặt trên những cá nhân và trên sự bền vững, phải được tìm thấy, hầu cho những khả năng tìm kiếm công ăn việc làm trong sự kính trọng đối với ngôi nhà chung, cũng được giới thiệu.

4. Đồng thời, các chính phủ phải bảo đảm trước sự tuân thủ pháp luật, cũng như phải viết ra những bộ luật nhằm bảo vệ phẩm giá con người, phẩm giá của các cộng đồng và phẩm giá của khu dân cư. Một hành động kiên quyết là điều vô cùng cần thiết. Ngay cả trong lãnh vực du lịch, các cơ quan thuộc các quốc gia khác nhau cũng phải phát triển những chiến lược chung, để phát triển mạng lưới kinh tế và xã hội mang tính toàn cầu vì lợi ích của các cộng đồng địa phương cũng như của khách du lịch, hầu cho một tỷ cơ hội được giới thiệu nhờ vào sự phối hợp của các cơ quan này, có thể được sử dụng một cách tích cực.

5. Trong mối liên hệ ấy, các cộng đồng địa phương cũng được kêu gọi hãy mở những rào cản của mình ra hầu đón nhận tất cả những ai đi đến với các nước khác chỉ vì bị thôi thúc bởi niềm đói khát sự hiểu biết của mình. Đó chính là cơ hội duy nhất để làm phong phú hóa lẫn nhau, cũng như để cùng phát triển. Việc giới thiệu tính hiếu khách sẽ mở ra những khả năng để khai thác những tiềm lực kinh tế, xã hội và văn hóa, hầu tạo ra những chỗ làm việc mới, để phát triển căn tính riêng cũng như tạo điều kiện cho khu vực phát triển. Đó là một tỷ cơ hội đối với sự tiến bộ mà tiên vàn là tại những quốc gia đang phát triển. Sự phát triển đối với du lịch, trước hết là đối với nền du lịch có trách nhiệm, sẽ cho phép người ta tìm ra được con đường trong tương lai, trong sự ý thức về những nét đặc biệt về lịch sử và văn hóa của riêng mình. Sự sắp xếp khoản thu nhập và việc thúc đẩy di sản duy nhất của mình sẽ tạo điều kiện để đánh thức niềm tự hào và sự tự tin, và tăng cường cảm giác về việc được tôn trọng nơi cộng đồng khách, nhưng cùng lúc đó, cần phải lưu ý để không phản bội lại khu vực dân cư, phản bội lại truyền thống, phản bội lại căn tính chỉ vì người du lịch. Trong những cộng đồng địa phương, “một trách nhiệm to lớn và một sự ý thức mạnh mẽ về cộng đồng chung sẽ có thể hình thành nên một khả năng thận trọng đặc biệt, một tinh thần sáng tạo hào hiệp và một tình yêu nồng thắm đối với đất nước mình, như người ta sẽ nghĩ về điều mà người ta sẽ để lại cho con cháu của mình như thế nào”.[2]

6. Một tỷ người du lịch mà tìm thấy được sự đón tiếp một cách nồng hậu, sẽ có thể trở thành một nguồn quan trọng của sự phồn thịnh và của sự phát triển bền vững trên toàn hành tinh. Việc toàn cầu hóa du lịch sẽ vượt lên trên và vượt ra ngoài một sự nhận thức thiển cận vừa mang tính cá nhân lẫn tập thể. Bất cứ người lữ hành nào mà họ tiếp nhận được một thái độ đứng đắn và hợp lý trong cuộc du lịch của họ trên thế giới, cũng đều tham gia một các tích cực vào việc bảo vệ trái đất. Sự cố gắng cá nhân nếu được nhân lên với một tỷ sẽ tạo ra một cuộc đại cách mạng.

Một niềm khao khát những điều đích thực cũng được giấu kín trong một cuộc du lịch, mà niềm mong muốn đó được bày tỏ trong sự trực tiếp của các mối tương quan cũng như trong sự tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng được thăm viếng. Vì thế phát sinh ra nhu cầu cần phải tránh xa thế giới ảo, tức thế giới mà nó rất tốt để tạo ra bên trong nó những khoảng cách và những mối tương quan lạnh nhạt, cũng như có nhu cầu trong việc tái khám phá ra sự chân thực của một cuộc gặp gỡ với người khác. Và như thế nền kinh tế có tính sẻ chia sẽ ở trong tình trạng tạo nên một mạng lưới mà lòng nhân và tình huynh đệ có thể phát triển trong đó, và lòng nhân và tình huynh đệ ấy lại cũng ở trong tình trạng có khả năng phát triển một sự trao đổi hợp lý những tài sản và những dịch vụ.

7. Ngành du lịch cũng giới thiệu cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội một tỷ cơ hội. “Không có bất cứ điều chi thực sự thuộc về con người mà nó lại không được tìm thấy tiếng vọng của nó trong con tim Giáo Hội”.[3] Điều quan trọng trước tiên là, Giáo Hội đồng hành với những người Công giáo qua Phụng Vụ và qua những lớp thường huấn. Giáo Hội cũng phải soi sáng cho những con người mà kinh nghiệm về sự du lịch sẽ mở con tim của họ ra, cũng như cho những người mà họ tự đặt ra cho mình những câu hỏi, và cho người mà một cuộc công bố Tin Mừng trước tiên và đích thực được nhận thức đối với họ. Việc Giáo Hội đi ra khỏi chính mình và gần gũi với những người lữ hành để trao cho họ những câu trả lời vừa thích hợp vừa có tính cá nhân trên con đường kiếm tìm có tính nội tại của họ, là điều vô cùng cần thiết; trong khi Giáo Hội mở tấm lòng mình ra cho người khác, Giáo Hội sẽ làm cho một cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa trở nên có thể. Với mục đích ấy, các cộng đoàn Giáo xứ nên thúc đẩy thái độ sẵn sàng tiếp nhận và sự nâng cao kiến thức tôn giáo cho các nhân viên làm việc trong lãnh vực du lịch.

Sứ mạng của Giáo Hội cũng chính là việc giáo dục để người ta sống sự tự do. Đức Thánh Cha đã nhắc nhớ chúng ta rằng: “Linh đạo Kitô giáo cũng bao gồm các giá trị của những thời gian rảnh và của những cuộc lễ hội. Con người có thể hạ thấp sự tĩnh mịch có tính chiêm niệm vào những lãnh vực cằn cỗi và vô ích, và vì thế quên đi rằng, con người đã lấy đi mất điều quan trọng nhất của công việc mà họ thực hiện, đó là ý nghĩa của nó. Chúng ta được kêu gọi hãy bao hàm trong những hành động của mình một chiều kích mang tính thính nhậy và nhưng không, tức chiều kích mà nó là một cái gì khác với việc hoàn toàn không làm gì cả”.[4]

Chúng ta cũng không được phép quên lời mời gọi của Đức Thánh Cha trong việc cử hành Năm Thánh về Lòng Thương Xót. Chúng ta phải tự hỏi, việc chăm sóc cho những người du lịch và cho những người hành hương phải như thế nào để nó có thể trở thành một lãnh vực mà tại đó người ta có thể “có được kinh nghiệm về Tình Yêu an ủi của Thiên Chúa, tức Tình Yêu tha thứ và ban tặng niềm Hy Vọng”.[5] Không hề phải ngờ gì nữa, một dấu chỉ đặc biệt của thời gian cử hành Năm Thánh chính là việc hành hương.[6]

Trung thành với sứ vụ của mình và căn cứ vào sự xác tín rằng, chúng ta cũng sẽ “loan báo Tin Mừng nếu chúng ta cố gắng đặt mình trước những thách đố khác nhau, mà những thách đố ấy có thể đột ngột xuất hiện”, Giáo Hội dấn thân nhằm biến một dự án đơn giản nhưng thực sự công hiệu, từ sự du lịch thông qua sự phát triển, trở thành một công cụ phát triển đối với các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc đang bị coi thường một cách đặc biệt. Nhưng Giáo Hội và các cơ quan phải luôn luôn canh chừng để phòng tránh trước việc một tỷ cơ hội bị biến thành một tỷ mối nguy hiểm, và hãy dấn thân một cách tích cực để bảo vệ phẩm giá con người, bảo vệ quyền lợi tại nơi làm việc, bảo vệ căn tính văn hóa và bảo vệ môi trường,.v.v…

8. Một tỷ khả năng cũng được dành cho môi trường. “Toàn bộ vũ trụ vật chất chính là một sự diễn tả của Tình Yêu Thiên Chúa, cũng như diễn tả về sự trìu mến vô bến bờ của Ngài đối với chúng ta. Ruộng vườn, nước non, núi đồi – tất cả đều là một sự âu yếm của Thiên Chúa”.[7] Ngành du lịch và môi trường được liên kết với nhau một cách nội tại. Lãnh vực du lịch sẽ có thể nuôi dưỡng môi trường hay cũng có thể hủy hoại nó một cách kỳ quặc thông qua việc lạm dụng sự phong phú về thiên nhiên cũng như về văn hóa của nó. Trong mối liên hệ này, Thông điệp Laudato si’ thể hiện như một người bạn đồng hành rất tốt của những người lữ hành.

Chúng ta vẫn thường hành động như thể là chúng ta chẳng thấy vấn đề gì hết. “Thái độ nhún nhường đang làm cho chúng ta duy trì phong cách sống của mình, cũng như duy trì thói quen sản xuất và tiêu thụ của chúng ta”.[8] Nếu người ta không hành đồng với tư cách là một lãnh chúa, nhưng với tư cách là “người quản lý có trách nhiệm”,[9] thì mỗi người sẽ được dẫn tới với những bổn phận tương ứng với mình, mà những bổn phận ấy được diễn tả trong những hành vi đúng đắn, và trải dài từ việc ban hành luật pháp một cách đặc biệt và có tính phối hợp cho tới những cử chỉ đơn giản trong cuộc sống hằng ngày, trên những chương trình giáo dục thích hợp và những dự án bảo vệ môi trường có tính vững bền. Tất cả đều rất quan trọng. Nhưng một sự thay đổi lối sống và thay đổi cách tổ chức là điều rất cần thiết, và chắc chắn là còn quan trọng hơn. “Linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự nhận thức khác về chất lượng cuộc sống, cũng như đề nghị một khả năng vui mừng một cách sâu sắc bên những điều ít ỏi”.[10]

9. Lĩnh vực du lịch có thể giới thiệu một khả năng hay một tỷ khả năng tốt hơn, nhằm kiến tạo con đường dẫn tới hòa bình. Cuộc gặp gỡ, sự trao đổi và những hành động chung sẽ thúc đẩy sự hòa điệu và sự đồng tâm nhất trí.

Có một tỷ cơ hội để có được kinh nghiệm cho cuộc sống từ một cuộc du lịch. Có một tỷ khả năng để trở thành một người sáng tạo của một thế giới tốt hơn, trong sự ý thức về sự phong phú, mà sự phong phú ấy được cất giữ trong va-ly của bất cứ người lữ hành nào, “trở thành những khí cụ của Thiên Chúa Cha, để cho hành tinh của chúng ta trở thành điều mà Ngài ước mơ khi Ngài sáng tạo nên nó, và tương xứng với kế hoạch của Ngài về hòa bình, về sự mỹ miều và về sự tròn đầy”.[11]

Làm tại Vatican, ngày 24 tháng 06 năm 2015.

+ Cardinal Antonio Maria Vegliò

Chủ tịch

+ Joseph Kalathiparambil

Thư ký

 

 

– Lm. Đaminh Thiệu O.Cist chuyển ngữ

 

 

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Ngày 24-05-2015, số 11.

[2] Ibid., số 179.

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), số 1.

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Ngày 24-05-2015, số 237.

[5] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông thư Misericordiae Vultus (Khuôn mặt Xót Thương), Ngày 11-04-2016, số 3.

[6] Ibid., số 14.

[7] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Ngày 24-05-2015, số 84.

[8] Ibid., số 59.

[9] Ibid., số 116.

[10] Ibid., số 222.

[11] Ibid., số 53.