HỘI ĐỒNG TÒA THÁNH VỀ ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
SỨ ĐIỆP GỬI CÁC TÍN ĐỒ ẤN GIÁO
NHÂN DỊP LỄ DEEPAVALI (LỄ HỘI ÁNH SÁNG)
NĂM 2013
***
***
“Kitô hữu và người Ấn giáo:
cổ vũ các mối tương quan giữa con người qua tình bằng hữu và liên đới“
Các Bạn tín đồ Ấn giáo thân mến,
1. Trong tinh thần bằng hữu, Hội Đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn xin gửi đến các bạn lời chúc tốt đẹp nhất và lời chào thân ái nhân dịp các bạn mừng lễ Deepavali vào ngày 3 tháng 11 sắp tới. Nguyện xin Thiên Chúa, là nguồn mọi ánh sáng và sự sống, chiếu sáng cuộc sống các bạn và ban cho các bạn hạnh phúc và bình an sâu thẳm.
2. Trong một thế giới ngày càng cạnh tranh và mang nặng khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân và duy vật chất, gây ảnh hưởng tai hại đến các mối tương quan giữa con người và thường gây ra chia rẽ trong gia đình và toàn xã hội, chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của mình về cách thức mà Kitô hữu và tín đồ Ấn giáo có thể tạo thuận lợi cho các mối tương quan con người, vì lợi ích của toàn thể nhân loại, qua tình bằng hữu và liên đới.
3. Các mối tương quan này thiết yếu đối với cuộc sống con người. An ninh và hòa bình ở địa phương, trong quốc gia và các cộng đồng quốc tế được quyết định chủ yếu bởi phẩm chất của sự tương tác giữa con người của chúng ta. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, các tương quan của chúng ta càng sâu xa, thì chúng ta càng tiến tới trong sự hợp tác, xây dựng hòa bình và hòa hợp thực sự. Khả năng thúc đẩy các mối tương quan tôn trọng lẫn nhau là thước đo sự tiến bộ đích thực của con người và thiết yếu để thúc đẩy hòa bình và phát triển toàn diện.
4. Những mối tương quan như vậy phải chiếu tỏa một cách tự nhiên trong cộng đồng nhân loại của chúng ta. Thật vậy, những mối tương quan giữa con người là tâm điểm của cuộc sống con người cũng như của sự tiến bộ và, tất nhiên sẽ kèm theo tinh thần liên đới với tha nhân. Mặc cho có những khác biệt về căn tính chủng tộc, văn hóa, tôn giáo và ý thức hệ, thực ra tất cả chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất.
5. Đáng buồn thay, trong một xã hội đề cao vật chất và xem thường những giá trị sâu sắc của tinh thần và tôn giáo, sự tiến bộ kéo theo một xu hướng nguy hiểm là gán giá trị vật chất cho những mối tương quan của con người. Vì vậy, con người từ một “ai đó” bị giản lược thành “cái gì đó” mà người ta có thể gạt sang một bên. Hơn nữa, những xu hướng cá nhân chủ nghĩa còn tạo ra một cảm giác giả tạo về an toàn mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả là “một nền văn hóa loại trừ”, “một nền văn hóa vứt bỏ” và “sự dửng dưng được toàn cầu hóa”.
6. Do đó, việc cổ vũ “nền văn hóa tương quan” và “nền văn hóa liên đới” mang tính bó buộc đối với mọi dân tộc; và mời gọi chúng ta thúc đẩy các mối tương quan xây dựng trên tình bằng hữu và tôn trọng lẫn nhau, nhằm thiện ích cho toàn thể gia đình nhân loại. Điều này đòi hỏi chúng ta nhìn nhận và thăng tiến phẩm giá vốn gắn liền với ngôi vị con người. Tình bằng hữu và sự liên đới có quan hệ chặt chẽ với nhau là điều hiển nhiên. Sau cùng, một “nền văn hóa của tình liên đới có nghĩa là nhìn người khác không phải như một đối thủ cạnh tranh hay như một con số, mà như người anh em”.[1]
7. Để kết luận, chúng tôi muốn nêu rõ xác tín rằng, một nền văn hóa của tình liên đới chỉ có thể đạt đến khi đó là “kết quả của một cố gắng phối hợp giữa tất cả các bên, nhằm phục vụ công ích”.[2] Được hướng dẫn bởi giáo huấn tôn giáo riêng của chúng ta và ý thức tầm quan trọng của việc xây dựng những mối tương quan đích thực, mong sao người Ấn giáo và Kitô hữu chúng ta, cùng với các truyền thống tôn giáo và mọi người thiện chí, sẽ hành động cả trên phương diện cá nhân lẫn tập thể, để thúc đẩy và củng cố gia đình nhân loại nhờ tình bằng hữu và liên đới.
Chúng tôi xin chúc các bạn một lễ Deepavali hạnh phúc!
Hồng y Jean-Louis Tauran
Chủ tịch
Lm. Miguel Ángel Ayuso Guixot, M.C.C.J.
Thư ký
[1] Phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi đến thăm cộng đồng dân cư Varginha (Manguinhos), Rio de Janeiro, 25-07-2013
[2] Diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo xã hội Brazil, Rio de Janeiro, 27-07-2013