Giới thiệu văn kiện: “Kinh tế phục vụ đặc sủng và sứ vụ. Những định hướng”

0
1533

Giới thiệu văn kiện
“Kinh tế phục vụ đặc sủng và sứ vụ. Những định hướng”
của Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ

————–

Ngày 6 tháng giêng năm 2018, Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ  (gọi tắt: Bộ các dòng tu) dã phát hành “Những định hướng về việc quản trị kinh tế phục vụ đặc sủng và sứ vụ”.  Theo chỗ chúng tôi biết, văn kiện này vẫn được giấu kỹ giống như các văn kiện khác của Giáo huấn xã hội của Hội thánh (được đánh dấu với thông điệp Rerum novarrum của ĐTC Lêô XIII  ngày 15 tháng 5 năm 1891, mà năm nay kỷ niệm 120 năm). Thật là đáng tiếc bởi vì văn kiện này không chỉ liên quan đến việc quản trị nội bộ các dòng tu, mà còn trình bày quan điểm của Giáo hội về ý nghĩa của hoạt động kinh tế (thuộc lãnh vực Giáo huấn xã hội), cũng như thần học về đặc sủng và sứ vụ (thuộc lãnh vực Giáo hội học).

Bài này muốn giới thiệu văn kiện ấy, nêu bật những điểm nổi bật cũng như bổ túc với những tài liệu liên quan đến đề tài.

Văn  kiện mang hình thức của “Những định hướng” chứ không phải là “Huấn thị” theo nghĩa chuyên môn của Bộ giáo luật (đ.34). Văn kiện này khá dài gồm 99 số, được in thành tập sách 132 trang, do nhà xuất bản Vatican phát hành năm 2014, và sau đó gắn thêm đường link với Bộ Tu sĩ:
http://www.congregazionevitaconsacrata.va/content/dam/vitaconsacrata/LibriPPDF/Italiano/ECONOMIA%20A%20SERVIZIO%20DEL%20CARISMA%20E%20DELLA%20MISSIONE.pdf

Đừng kể nhập đề và kết luận, văn kiện được chỉa làm bốn phần, với các tựa đề: – I) Sống lại ký ức về  Đức Kitô khó nghèo. – II) Cái nhìn của Thiên Chúa: đặc sủng và sứ vụ. – III) Chiều kích kinh tế và sứ vụ. – IV) Chỉ dẫn hành động. Hai phần đầu tiên muốn phác thảo một học thuyết về kinh tế của các dòng tu nhằm phục vụ đặc sủng và sứ vụ. Hai phần còn lại đề ra những hướng dẫn thực hành, bàn đến việc quản trị đối nội (trong nội bộ mỗi hội dòng) và đối ngoại (trong tương quan với Toà Thánh, với các hội dòng khác, với giáo hội địa phương, với chính quyền dân sự).

Trước khi vào đề, thiết tưởng nên nói qua nguồn gốc của văn kiện. Ai cũng biết là các tu sĩ phải khấn giữ đức khó nghèo, nhưng diều này không có nghĩa là các dòng tu mơ ước một xã hội bần cùng nghèo đói. Ngược lại thì đúng hơn: các tu sĩ muốn trở nên khó nghèo để giúp cho người nghèo được thăng tiến. Lịch sử cho thấy các dòng tu đã góp phần rất lớn trong việc phục vụ người nghèo qua các công tác y tế, giáo dục, bác ái. Những cơ sở này đòi hỏi khoản tiền không nhỏ. Kiếm đâu ra tiền để trang bị cho các công tác ấy? Việc quản trị các cơ sở  đòi hỏi phải tuân theo những quy tắc của quản trị kinh tế, nghĩa là định luật thị trường, đó là chưa nói đến các luật lệ tài chính của Nhà Nước. Sớm muộn gì, một số câu hỏi cũng được đặt ra: các hoạt động của các tu sĩ phải tuân theo tinh thần Phúc âm (với nguy cơ là cái két rỗng), hay là phải quan tâm đến các quy tắc thị trường (với nguy cơ là dòng tu trở thành công ty kinh doanh)? Mặt khác, cơ sở của các dòng tu (chẳng hạn như ở các trường học hoặc bệnh viện) không chỉ sử dụng các tu sĩ làm “nhân công” nhưng còn huy động nhiều nhân lực bên ngoài, và chắc chắn là không thể  nào bó buộc các nhân viên ấy cũng phải sống nghèo như các tu sĩ! Trước hoàn cảnh sụt giảm ơn gọi tu sĩ hiện nay, có nên tiếp tục duy trì các cơ sở ấy nữa hay không?

Nhằm tìm ra những giải đáp cho các câu hỏi ấy, Bộ các Dòng tu đã tổ chức hai cuộc hội thảo quốc tế liên quan đến quản trị kinh tế: 1/ Việc quản trị tài sản của các dòng tu nhằm phục vụ con người và sứ vụ trong Giáo hội (Roma, 8-9 tháng 3 năm 2014). 2/ Việc quản trị kinh tế trong các Hội dòng thánh hiến và tu đoàn tông đồ (Roma, 25-27 tháng 11 năm 2016). Văn kiện này có thể coi như kết quả của các cuộc thảo luận ấy (xem số 3).

Sau đây là tóm tắt nội dung văn kiện. Văn kiện gồm 4 phần, không kể Dẫn nhập và Kết luận.

Dẫn nhập (số 1-4): Giới thiệu văn kiện

Sau khi ôn lại hoàn cảnh ra đời, số 4 tóm tắt các mục tiêu của văn kiện, đó là giúp cho các dòng tu: 1/ suy tư về vấn đề tài sản; 2/ nhắc nhớ và giải thích một số khía cạnh giáo luật liên quan đến tài sản; 3/  đề nghị một số công cụ cho việc lên kế hoạch và tổ chức các chương trình đối với việc quản trị các công việc; 4/ thúc giục các  hội dòng suy nghĩ lại về vấn đề kinh tế theo chiều hướng luôn trung thành với đặc sủng của mình

PHẦN I. KÝ ỨC VỀ ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO

Phần này gồm 17 số (từ số 5 đến số 21), được phân phối trong 7 mục.

1.1 Sự khó nghèo của Đức Kitô, Sự mới mẻ của Tin Mừng.

Sống sự mới mẻ của Tin mừng có nghĩa là phản chiếu trong cuộc đời chúng ta sự khó nghèo của Đức Kitô, qua nếp sống giản dị, đạm bạch và khắc khổ.

1.2 Hướng về “thân mình Đức Kitô”.

Việc chọn lựa theo Đức Kitô có nghĩa là chọn lựa người nghèo (số 10): họ là “thân mình của Đức Kitô”. Tìm kiến Đức Kitô có nghĩa là gặp gỡ người nghèo, tìm cách giúp cho họ sống xứng với nhân phẩm (số 11).

1.3  Một nền kính tế có khuôn mặt con người

Nên nhớ rằng việc quản trị tài sản mang theo một chiều kích luân lý. Không phải tất cả các kỹ thuật quản trị đều phù hợp với những nguyên tắc Tin mừng, đặc biệt khi nó không lấy con người làm trung tâm.

1.4 Kinh tế là công cụ của hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

Kinh tế là công cụ, tiền bạc là đầy tớ chứ không phải là chủ nhân. Vì thế các lựa chọn kinh tế cần phải được quy chiếu về đặc sủng của hội dòng. Quan điểm của giáo luật về tài sản Giáo hội (GL đ. 635; 1254;) cũng theo đường hướng ấy.

1.5 Kinh tế chia sẻ và hiệp thông theo tinh thần Phúc âm

Các hội dòng được mời gọi tìm ra những cách thức mới trong cách thức hiểu biết về kinh tế, trong đó dành chỗ cho tình huynh đệ, liên đới, loại bỏ sự lãnh đạm, ban không (số 16).

1.6 Sự huấn luyện về các vấn đề kinh tế

Đứng trước những phức tạp của việc quản trị kinh tế, các tu sĩ dễ có thái độ phủi tay, và uỷ thách các vấn đề này cho những người lãnh đạo, hoặc thậm chí cho một cá nhân (quản lý). Bộ Tu sĩ yêu cầu hết mọi người hãy quan tâm đến chiều kích quan trọng này đối với đời tu, khám phá chiều kích Tin mừng của kinh tế, và đặt nặng các nguyên tắc huynh đệ, công bình, trao tặng (số 18).

1.7 Sự thúc bách trình bày khuôn mặt ngôn sứ

Văn kiện kêu mời các hội dòng hãy can đảm khám phá những hình thức mới, những nếp sống mới hầu cải thiện cách thức điều hành các cơ sở, kể cả qua sự hợp tác với các cơ quan tương tự (giáo dục, y tế, từ thiện) thuộc các hội đồng giám mục.

PHẦN II. CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA: ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

Phần thứ hai gồm 11 số (từ số 22 đến số 33) phân chia thành 5 mục

2.1 Hướng đến vương quốc tương lai

Đặc sủng và viễn tượng tương lai cấu tạo nên sứ vụ của hội dòng. Sứ vụ cần được nhìn trong tương quan với đặc sủng, nghĩa là cần mang chiều kích huyền nhiệm. Nếu thiếu chiều hướng này, một cơ sở của dòng có thể phát triển mạnh xét về mặt chuyên nghiệp, nhưng sẽ mất đi chiều sâu của nó. Vì thế cần thiết phải xúc tiến một sự phân định.

2.2 Cái nhìn vượt xa hơn: sự phân định

Viễn tượng về tương lai của một hội dòng phải là một cái nhìn dưới ánh sáng của Thiên Chúa, tìm hiểu ý định của ngài, biết nhìn xa trông rộng, lưu ý đến những hoàn cảnh lịch sử.

2.3  Thiết lập kế hoạch

Cái nhìn về tương lai cần dẫn đến một tâm thức lên kế hoạch. “Điều này, trước hết, dẫn đến một cách thức tiến hành và sự phát triển các công cụ có thể dự đoán, phác thảo và hướng dẫn sự thay đổi và tăng trưởng trong các giao dịch hằng ngày, ngõ hầu cung cấp cho mọi người, các cộng đoàn và các công trình khả năng nhìn xa hơn, giải thích thế giới và những đòi hỏi hiện tại. Nó bao gồm việc phát triển các chiến lược và các kỹ thuật phân tích, để đánh giá tính khả thi của một công việc, nâng cao sự hiểu biết của nhà Dòng về các đề án và công việc đã thực hiện trong quá khứ, cũng như có sự tham gia của các chuyên gia bên ngoài, cố gắng học hỏi những phương pháp thực hành hiệu quả của các Hội Dòng khác, tập hợp các kỹ năng và khả năng làm việc trong một mạng lưới” (số 26)

2.4 Các đặc sủng: ý nghĩa đối với Giáo hội

Đặc sủng mang một ý nghĩa Giáo hội, nghĩa là hội nhập vào đời sống của Dân Thiên Chúa. Các tài sản của các dòng tu (kể cả dòng giáo phận) đều có vai trò phục vụ Giáo hội phổ quát và giáo hội địa phương.  Vì thế cần nghĩ đến sự hoà hợp với kế hoạch mục vụ của giáo phận mỗi khi khai mở hoặc đóng cửa một cơ sở.

2.5 Các đặc sủng:  khả năng hội nhập

Đặc tính Giáo hội của các đặc sủng mời gọi các dòng tu không chỉ nghĩ đến ích lợi của một cơ sở đối với Giáo hội mà còn tìm cách phát triển uy tín của nó dựa trên khía cạnh chuyên môn, nhờ những sáng kiến canh tân (số 33).

PHẦN III. CHIỀU KÍCH KINH TẾ VÀ SỨ VỤ

Phần thứ ba gồm 16 số (từ số 34 đến 49), được phân phối trong 5 mục, chuyển sang các khía cạnh hành động.

3.1 Tính bền vững của các công việc

Việc duy trì các công việc (công cuộc, cơ sở) không chỉ dựa theo tiêu chỉ của kết quả về kinh tế, nhưng còn cần được xét đến trong tương quan với đặc sủng, và biết lắng nghe.

3.2 Sàn nghiệp vững bền

Khái niệm “sản nghiệp bền vững” (patrimonium stabile) được bộ giáo luật nói đến ở  điều 1291 khi bàn về sự chuyển nhượng tài sản của các pháp nhân công. Nó bao gồm tổng hợp những động sản và bất động sản tạo thành cơ sở tối thiểu và an toàn để cho pháp nhân tồn tại và thực hiện những công tác hợp với mục tiêu của mình. Văn kiện (số 38) yêu cầu luật riêng của mỗi hội dòng và tỉnh dòng phải xác nhận bằng văn bản rõ rệt những gì thuộc về khối sản nghiệp bền vững, và gợi ý vài tiêu chuẩn (số 39):

a) các bất động sản, chẳng hạn như những nơi thi hành các công việc, các nhà của cộng đoàn, khu nhà cư trú cho thành viên già cả hoặc bệnh tật, những tài sản đáng giá dưới chiều kích nghệ thuật lịch sử hoặc là một phần của thời kỳ khai sinh hoặc là nơi ghi nhớ đặc biệt của chính Dòng tu, điển hình như nhà mẹ của Dòng. Quy mô của số tài sản này phải cân xứng cho so với khả năng quản trị của Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc các tu viện;

b) các bất động sản đem lại thu nhập để hỗ trợ cho các Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc tu viện. Những tài sản này được gọi là các tài sản tạo ra thu nhập, được thành lập để cho phép một pháp nhân có thể tồn tại hoặc bổ sung thu nhập thông thường;

c) các động sản mà cung cấp thu nhập để hỗ trợ cho Dòng tu, các tỉnh Dòng, hoặc các tu viện, và cho việc thực hiện sứ vụ của đặc trưng của Dòng. Những tài sản này được cố-định-hóa và chỉ định hợp pháp vào sản nghiệp vững bền. Đây không phải là tài sản để phục vụ cho các hoạt động kinh tế thông thường nhưng đúng hơn là tài sản lưu động được vốn hóa để đầu tư dưới nhiều hình thức khác nhau trong hệ thống tài chính, theo các hướng dẫn chi tiết trong § 84;

d) các bất động sản và động sản có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật và ý nghĩa nội tại mà tạo nên một di sản được gọi là di sản văn hóa, một ký ức lịch sử của Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc của các tu viện.

e) quỹ bảo vệ và an ninh, ứng với các công việc của Dòng tu, tỉnh Dòng hoặc tu viện, cung cấp sự bảo vệ thích hợp cho Dòng tu trước những giao dịch phức tạp có thể làm cho Dòng phải đối mặt với những rủi ro kinh tế đáng kể (được gọi là quỹ an toàn).

Văn kiện còn trở lại khái niệm “sản nghiệp bền vững” trong phần Bốn (số 72).

3.3 Trách nhiệm, sự minh bạch và sự tín nhiệm

Cả ba nguyên tắc móc nối với nhau: “Sẽ chẳng có trách nhiệm gì nếu không có sự minh bạch; sự minh bạch tạo nên sự tín nhiệm; và chính sự tín nhiệm xác minh cho cả hai” (số 41). Văn kiện đưa ra định nghĩ của ba nguyên tắc ấy sau: “Trách nhiệm là nguyên tắc nhận thức gắn kết sứ vụ truyền giảng Tin Mừng liên quan đến các tài sản của Giáo Hội”. Minh bạch gắn liền với trách nhiệm, nghĩa là “nhắm đến năng lực báo cáo về các hoạt động, các chọn lựa đã thực hiện và kết quả đạt được” (số 42). Sự giải trình các sổ sách và báo cáo tài chính giúp nâng cao uy tín của người thực hiện chúng và do đó, làm gia tăng sự tín nhiệm. Và “không có luật lệ thì không thể có sự tín nhiệm”, cụ thể là sự tín nhiệm này được hình thành cũng nhờ vào luật lệ mà xác định tính trách nhiệm và kêu gọi sự minh bạch (số 43).

3.4 Văn khố

Văn kiện (số 44) lặp lại quy định của bộ giáo luật (đ.1283-1284) liên quan đến việc bảo tồn có trật tự các tài liệu và quy định, với mục đích đáp ứng cho qui trình thủ tục hành chính và kế toán có hiệu quả, sự chuẩn bị và cập nhật liên tục trong việc kiểm kê tài sản và của cải đã nhận, một danh mục cẩn thận và sự lưu trữ các tài liệu, cụ thể các ghi chép kế toán và chứng khoán để phòng rủi ro.

3.5 Bốn nguyên tắc của tông huấn “Evangelii gaudium

Gợi hứng từ bốn nguyên tắc mà ĐTC Phanxicô nhắc đến trong tông thư trích dẫn, văn kiện rút ra vào hệ luận cho đường hướng quản trị kinh tế.

a) “Thời gian thì lớn hơn không gian”. Cần làm quên với việc thảo ra những quy trình hành động dài hạn, phù hợp với đặc sủng chứ không chỉ nhắm đến động lực kinh tế (số 46).

b) “Thực tại quan trọng hơn ý tưởng”. Sứ vụ của một hội dòng cần hội nhập vào thực tại cuộc sống, cách riêng trong việc đón nhập những người nghèo, những người bị bỏ rơi (số 47).

c) “Toàn thể lớn hơn thành phần” (số 48). Đời sống thánh hiến không khép kín trong chính mình, nhưng được mời gọi hợp tác với các thành phần khác trong Giáo hội (giáo dân, giáo sĩ) và các cộng đồng Giáo hội.

d) “Hiệp nhất lướt thắng xung đột” (số 49). Các dòng tu được mời gọi hợp tác với nhau trong công cuộc chữa lành những vết thương xã hội, gây ra bởi tâm thức thời nay muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

PHẦN IV. CHỈ DẪN HÀNH ĐỘNG

Phần này dài nhất, gồm 47 số (từ số 50 đến 97), chiếm một nửa văn kiện, chia thành 3 mục, gồm những chỉ dẫn cụ thể, đặc biệt là đường lối làm việc của Bộ Tu sĩ.

Mở đầu cho phần thực hành này, văn kiện nhắc đến ba viễn tượng cần nắm chắc trước khi bắt đầu mọi quyết định kinh tế, đó là:

a) một nền kinh tế đặt con người là trọng tâm, con người toàn thể và đặc biệt là người nghèo;

b) giải thích các cấu trúc kinh tế như một công cụ của hoạt động truyền giáo trong Giáo Hội;

c) một cấu trúc kinh tế truyền giáo mang đặc tính chia sẻ và cộng đoàn.

Đó là những nguyên tắc đã được giải thích ở các phần trước. Từ ba viễn ảnh vừa nói, văn kiện rút ra 8 tiêu chí căn bản (số 51-54):

1/ Trung thành với Thiên Chúa và với Tin mừng

2/ Trung thành với đặc sủng, nghĩa là “sự hài hòa giữa các lựa chọn thực tế trong một hoàn cảnh nhất định và bản sắc cốt lõi của Dòng tu”.

3/ Khó nghèo, nghĩa là “sự khổ hạnh có trách nhiệm, khiêm tốn lành mạnh và sự thanh đạm vui tươi”.

4/ Tôn trọng bản chất Giáo hội của các tài sản.

5/ Tính bền vững của các công việc.

6/ Sự cần thiết trong việc lập báo cáo.

7/ Lưu ý đến các truyền thống lành mạnh của mỗi Dòng và những yêu sách của tu, và trong các yêu cầu riêng của mỗi bối cảnh xã hội và luật pháp.

8/ Không bao giờ được phép bỏ qua những đòi hỏi của luật pháp dân sự.

4.1 Quản trị kinh tế

Văn kiện tóm tắt những thẩm quyền quản trị kinh tế theo các quy tắc của giáo luật (đ.634-640):

1/ Đức Thánh Cha (số 56).

2/ Bộ Tu sĩ, đặc biệt liên quan đến vấn đề cấp phép đối với các hành vi chuyển nhượng và các hành vi mà theo đó những pháp nhân công có thể bị tổn hại. Trong phạm vi này, Bộ cũng chấp nhận mức độ chi tiêu tối đa mà Hội đồng giám mục ấn định cho mỗi quốc gia (số 57).

3/ Tổng tu nghị, là cơ quan quản trị tối cao trong mỗi hội dòng. Văn kiện khuyến khích soạn thảo ba hình thức văn bản: a) kế hoạch đặc sủng; b) kim chỉ nam kinh tế; c) cẩm nang quản trị (số 58; 62). Trên bình diện thi hành, luật riêng phải ấn định thẩm quyền của các cấp độ khác nhau: toàn dòng, tỉnh dòng, địa phương (số 59-60).

Trong tổ chức nội bộ, ngoài các bề trên và ban cố vấn (số 59-60), luật riêng cũng phải quy định vai trò của các quản lý (số 64), hội đồng cố vấn kinh tế (số 61, có thể bao gồm các thành viên giáo dân), đại diện pháp lý (số 65). Văn kiện cũng không bỏ qua việc thanh tra nội bộ hoặc do một người bên ngoài (audit), một kỹ thuật đã trở thành thông dụng ở nhiều quốc gia (số 67).

4.2 Việc quản trị và điều hành sản nghiệp

Sau khi nhắc nhở các hội dòng về sự cần thiết phải thủ đắc tư cách pháp nhân theo dân luật (số 69), văn kiện giải thích việc áp dụng các quy tắc giáo luật về việc thủ đắc tài sản (số 70), quản trị tài sản (GL đ.1290-1298), liên quan đến:

1/ Các bất động sản: việc thủ đắc (số 73), các công trình mới (số 74), cho thuê (76),  chuyển nhượng không đòi phí (số 77), chuyển nhượng (số 80). Những thủ tục cần thi hành (chẳng hạn lượng giá phí tổn và ích lợi, những phép về phía dân luật và giáo luật, vv). Văn kiện đề ra những hướng dẫn cụ thể, cách riêng trong việc trình bày hồ sơ lên Tòa Thánh.

2/ Các động sản. Cần phải xin phép Tòa thánh đối với việc chuyển nhượng các tài sản quý giá có giá trị nghệ thuật hoặc lịch sử, dù cho số tiền của nó không vượt quá hạn mức tối đa (số 82). Kế đó, văn kiện đề cập đến việc đầu tư tài chính (số 84); tái tổ chức các công việc tông đồ (số 85-86); việc kết nợ (số 87).

Văn kiện cũng không quên nhắc nhở việc tôn trọng dân luật (số 92), việc lưu trữ tài liệu văn khố (số 93) .

4.3 Các mối tương quan trong Giáo hội

Mục cuối cùng bàn về các tương quan:

1/ Đối với Giáo hội địa phương (tương quan hai chiều: dòng tu đóng góp cho giáo phận, và giáo phận đừng quên trả lương cho các nữ tu thường phải phục vụ không công, số  94).

2/ Giữa các dòng tu (trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các quản lý các dòng, số 95).

3/ Đối với Bộ tu sĩ (số 96).

Phần thứ Bốn kết thúc với lời mời gọi đào tạo kinh tế dành cho tất cả các tu sĩ, cách riêng cho các bề trên và quản lý (số 97).

Văn kiện kết thúc với những suy tư  thần học về ý nghĩa của việc sử dụng tài sản: “Các tài sản và công việc được giao phó cho chúng ta như là một hồng ân mà Thiên Chúa quan phòng ban tặng giúp ta hoàn thành sứ mạng của mình. Trên cương vị một quản gia chính nghĩa, dựa trên các cách thức tiến hành đã được đề nghị, sẽ cho phép chúng ta sống lời khuyên Phúc Âm về khó nghèo và trở thành người trung thành với đặc sủng đã được trao ban cho các Đấng sáng lập của mỗi Dòng, để phục vụ sứ mệnh của Giáo Hội” (số 99).

Trong số những điểm quan trọng của văn kiện, thiết tưởng có thể tóm lại như sau:

1/ Về phía nhận thức, cần ý thức hơn về ý nghĩa lời khấn khó nghèo. Tài sản là dụng cụ nhằm phục vụ sứ vụ, trong đó bao gồm việc phục vụ người nghèo.

2/ Về phía thực hành, cần lưu tâm đến những chỉ dẫn của giáo luật liên quan đến việc quản trị tài sản, đồng thời cũng lưu ý đến những kỹ thuật quản trị hiện đại: thảo kế hoạch, trách nhiệm báo cáo, minh bạch.

Tài liệu tham khảo: Miguel Campo Ibáñez, “Economía al servicio del carisma y de la misión. Orientaciones. Presentación y Comentario.”, in: Estudios Eclesiásticos, vol. 93 (2018),  pp. 819-874.

Bản dịch văn kiện là của Tu sĩ  Giuse Nguyễn Hoàng Tâm O.P, dựa theo bản tiếng Anh. Xin lưu ý vài từ ngữ.

Kinh tế” gốc bởi “kinh bang tế thế” (trị nước giúp đời). Lúc đầu được hiểu về hoạt động chính trị (trị nước, sắp đặt việc nước); ngày nay, được hiểu về việc sản xuất vật dụng tiền của (gắn liền với các từ: kinh doanh, kinh tài, tài chính), Thực ra, “kinh tế” được dùng để chuyển dịch các từ ngữ économie (Pháp), economics (Anh), gốc bởi tiếng Hy-lạp oikonomia gồm bởi oikos (nhà) và nomos (quy tắc): quy tắc quản trị gia đình; từ đó áp dụng cho người quản lý, người phân phát. Từ chỗ quản trị tài sản trong gia đình, danh từ được mở rộng đến việc quản trị tài sản của các cộng đồng rộng lớn hơn (quốc gia, quốc tế).

Đặc sủng” có nghĩa là ơn đặc biệt (sủng: ơn ban; yêu quý). Đây là từ ngữ dùng để dịch danh từ charisma trong Tân ước; thế nhưng danh từ này cũng được dịch là “đoàn sủng” vì muốn nêu bật mục tiêu của nó: đây là một ơn ban nằm ích lợi của cộng đồng. Việc áp dụng charisma cho các dòng tu mới trở thành phổ thông từ sau công đồng Vaticano II, đặc biệt là kể từ tông huấn Vita consecrata của ĐTC Gioan Phaolo II, nhẳm mô tả căn tính của đời tu nói chung và của mỗi hội dòng nói riêng. Xem Phan Tấn Thành, Thánh Linh trong đời sống Kitô hữu (Đời sống tâm linh XV), NXB Tôn giáo Hà Nội 2017, trang 137-163

Sứ vụ” (hay: sứ mạng) là danh từ dùng để chuyển dịch từ missio (Latinh) có nghĩa là việc sai đi, phái cử,  để thi hành một công tác nào đó. Tân ước nói đến sứ vụ của Đức Kitô (Ga 3,16; 10,36), của Thánh Linh (Ga 14,26; 15,25-26), của Giáo hội (Ga 20,21). Thần học cũng nói đến sứ vụ của toàn thể Hội thánh hoặc của các các cộng đoàn. Tông huấn Vita consecrata dành chương Ba để bàn về các hình thức sứ vụ khác nhau của đời sống thánh hiến.

Công việc” (hay công cuộc, công tác) dịch  oeuvres (tiếp Pháp), works (tiếng Anh) ám chỉ các cơ sở, hoạt động tông đồ của các dòng.

———————

Phần I. SỐNG LẠI KÝ ỨC VỀ ĐỨC KITÔ KHÓ NGHÈO

Phần II: CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA: ĐẶC SỦNG VÀ SỨ VỤ

Phần III. CHIỀU KÍCH KINH TẾ VÀ SỨ VỤ

Phần IV. CHỈ DẪN HÀNH ĐỘNG

——————-

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here