Giáo Hội Như Sự Hiệp Thông

0
1764


Tác giả: By Susan K. Wood (The Gift of The Chuch, 159-176).

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB.

 

 

Trong Kinh Tin của các Tông Đồ, chúng ta tuyên xưng có “một GH duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Nhưng, dù GH, GH của Đức Kitô, là một, thì [GH]lại có nhiều giáo hội. Một nền thần học về giáo hội địa phương là một trong những thành tựu lớn lao của Công đồng Vatican II, mặc dù thần học này không được khai triển đầy đủ trong các văn kiện công đồng. Emmanuel Lanne gọi thần học của công đồng về giáo hội địa phương là một “cuộc cách mạng Copernic.”[1] Công đồng tìm lại một sự hiểu biết về GH phổ quát như là toàn thể (sum) và sự hiệp thông của các giáo hội địa phương và tái khám phá ra GH phổ quát trong giáo hội địa phương.[2] Ta không còn nhìn Giáo hội địa phương là thu hút quanh GH phổ quát, nhưng ta thấy GH của TC hiện diện trong mỗi cử hành của GH địa phương.[3]

Trước Vatican II, một nền thần học thiên về GH phổ quát chủ trị. Mặc dù điều này đã đúng từ thời Trung Cổ vì nhiều lý do lịch sử, thì Vatican I đóng góp vào điều này bằng định tín giáo hoàng được ơn bất khả ngộ; thế nhưng, Vatican I lại không triển khai một nền thần học tương xứng về chức giám mục. GH phổ quát được đặc trưng nhờ một sự đồng phục lớn lao được kiện cường bằng một hình thức cai quản tập quyền cao độ. Cả Vatican I lẫn Bộ Giáo luật 1917 nhấn mạnh đến quyền bính trung ương của Đức Giáo hoàng và giáo triều Roma. Các giáo hội địa phương được họa mẫu theo giáo hội Rôma về phương diện các nghi thức phụng vụ và những tuân giữ kỷ luật. Vatican II nói đến một nền thần học về chức giám mục và khi làm như vậy đã tái xác quyết tầm quan trọng của các giáo hội đặc thù. Các giáo hội đặc thù được ghi dấu bằng tính đa dạng, sự hội nhập văn hóa và sự tản quyền nào đó.

Một cuộc đấu tranh giữa những người nhấn mạnh đến GH phổ quát và những người thích nhấn mạnh đến giáo hội đặc thù biểu thị một trong những nguồn của sự phân cực trong GH ngày nay. Rốt cục, hai quan điểm ấy cần phải tồn tại trong sự căng thẳng. GH phổ quát cần được diễn tả cụ thể trong những giáo hội đặc thù, còn các giáo hội đặc thù lại không thể bị cuốn hút vào tính đặc thù đến nỗi các giáo hội ấy quên GH như một toàn thể trong tính phổ quát của nó. Một thách đố trong GH ngày nay là xem xét hai quan điểm này.

Thượng Hội đồng Giám mục 1985 xác quyết rằng sự hiệp thông là hình ảnh chủ trị về GH trong những văn kiện của Vatican II. “Khoa GH học về sự hiệp thông”, tương phản với những nền giáo hội học nhấn mạnh GH như Nhiệm Thể,[4] DânTC,[5] hay xã hội hoàn hảo,[6] lại nhấn mạnh đến giáo hội đặc thù, địa phương và những mối tương giao của nó với những giáo hội địa phương khác cũng như với GH phổ quát. Khoa GH học về sự hiệp thông khai triển từ hai ý nghĩa kinh thánh của Koinonia: “Sự tham dự chung vào những tặng phẩm của ơn cứu độ được Đức Kitô chiếm giữ và ban tặng nhờ Thánh Thần” và “dây thông hiệp hay cộng đoàn của những Kitô hữu vốn từ sự kết kiệp của chúng ta với TC mà ra.”[7]  Do vậy, có cả hai chiều dọc và chiều ngang: một sự hiệp thông chiều dọc trong ân sủng với Chúa Cha, Con, và Thần khí được khuôn rập theo sự hiệp thông của Ba Ngôi, và một sự hiệp thông chiều ngang với những người Kitô hữu trong cộng đoàn giáo hội.

Mối liên hệ cứu độ học của sự hiệp thông chiều dọc trong ân sủng với Cha, Con, và Thánh Thần được hiện thực tiên quyết qua lời công bố Tin mừng và lãnh nhận các bí tích. Chẳng hạn, bí tích thanh tẩy không chỉ là một dấu hiệu của đức tin hay sự tháp nhập vào một tổ chức nhân loại mà thôi, song là tham dự thật sự vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô. Trong Thánh Thể chúng ta thông hiệp (giao cảm, commune) với thân mình Đức Kitô. Những phương tiện bí tích này mang chúng ta vào trong cộng đoàn với TC cũng kiến tạo sự hiệp thông giáo hội. Trong phép rửa chúng ta được tháp nhập vào GH; trong Thánh Thể chúng ta không chỉ giao cảm với Đức Kitô bí tích, nhưng, trong sự hiệp thông với nhau và với Đức Kitô, chúng ta thiết lập GH như Nhiệm Thể Đức Kitô. Sự nhấn mạnh tiên quyết của sự hiệp thông cốt ở những yếu tố của ân sủng và bí tích mà một cách tối hậu đồng nhất những cộng đoàn giáo hội về phương diện mối liên hệ của chúng với Đức Kitô. [có thể dịch như sau cho dễ hiểu hơn: Sự hiệp thông nhấn mạnh tiên vàn đến những yếu tố…] Cơ cấu tổ chức hay tình bạn hữu (comradeship) là thứ phụ trong khoa giáo hội học về hiệp thông.

Khi được nhìn trong chiều ngang của nó, khoa giáo hội học về sự hiệp thông trong những khai triển mới đây nhất của mình cung cấp một mô hình để cai quản giáo hội. Ở đây GH được hiểu như một sự hiệp thông của những giáo hội đặc thù. Mỗi giáo hội địa phương hiệp thông với các giáo hội khác và giáo hội Roma, vốn thực thi tác vụ là gìn giữ sự hiệp nhất và sự hiệp thông của các giáo hội đặc thù. Tính chất liên kết này (bondedness) của các giáo hội địa phương tạo thành sự sung mãn của GH theo một quan điểm Tây phương.

Hạn từ “hiệp thông” thường xuyên được dùng trong sắc lệnh về Đại kết. Một khoa giáo hội học về sự hiệp thông đang minh chứng là phong phú trong những cuộc đối thoại đại kết ngày nay bởi vì nó quan niệm sự hiệp nhất của GH là sự hiệp thông của các giáo hội.[8] Mặc dù GH chưa đạt được sự hiệp nhất thì phạm trù này vẫn cho phép giữa những giáo hội Kitô hữu có những sự hiệp thông bán phần và chưa trọn vẹn, nhưng lại rất thật. Sự hiệp nhất bán phần này được hiện thực nhờ lời thành văn của TC, đức tin vào Đức Kitô và vào Ba Ngôi, phép rửa và đời sống ân sủng.

I. NHỮNG BẢN VĂN CÔNG ĐỒNG

Những bản văn then chốt của công đồng hỗ trợ cho một nền thần học về giáo hội đặc thù bao gồm:

1. Hiến chế về Phụng vụ Thánh: “Giáo hội được đặc biệt biểu lộ khi toàn thể dân thánh Chúa tham dự trọn vẹn và linh động vào những cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong cùng một lễ Tạ ơn, trong một lời nguyện duy nhất, một bàn thờ mà tại đó Giám mục chủ tọa giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên bao quanh” (SC 41).[9]

2. Hiến chế tín lý về GH: “Mỗi Giám mục là nguyên lý (nguồn mạch, source) và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong giáo hội đặc thù của họ. Các giáo hội này được thành lập theo hình ảnh GH phổ quát; chính nhờ và trong những giáo hội ấy mà có một GH công giáo, duy nhất. Vì thế mỗi Giám mục đại diện cho giáo hội mình, và tất cả các Giám mục cùng với Giáo hoàng đại diện cho toàn thể GH trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất” (LG 23).

3. Hiến chế tín lý về GH: “GH Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân ước cũng được gọi là GH. Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân tộc mới được TC kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn (x. 1 Tx 1:5). Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tu họp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa được cử hành “để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành anh chị em và thành một thân thể”. Mỗi lần Giám mục cử hành nhiệm vụ với cộng đoàn tu họp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi”. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, GH hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Bởi vì “việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành điều mà chúng ta lãnh nhận” (LG 26).

4. Sắc lệnh về Chức vụ Giám mục trong GH: “Giáo phận là một phần Dân TC được giao phó cho một Giám mục coi sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận được làm nên một cộng đoàn trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một giáo hội đặc thù mà trong đó GH duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự” (CD 11).

Theo Vatican II, hai điều cần thiết cho một giáo hội đặc thù: Thánh Thể và Giám mục. Một giáo hội đặc thù cốt yếu là một cộng đoàn bàn thờ (thờ phượng, altar) quanh Giám mục của mình. Xác quyết đó trong Hiến chế về Phụng vụ trình bày cộng đoàn phụng vụ như là một nơi chốn mà ở đấy GH biểu lộ chính mình cách rõ ràng nhất. Nếu chỉ riêng Thánh Thể đã đủ cho một giáo hội đặc thù, giáo hội đó sẽ đóng kín trên chính mình hay ít nhất sẽ không có mối liên kết hữu hình nào với những cộng đoàn thánh thể khác. Chúng ta sẽ thấy rằng sự hiện diện của Giám mục khiến giáo hội đặc thù được hiệp thông hữu hình với những giáo hội đặc thù khác.[10] Tuy nhiên, những bản văn này cũng nhấn mạnh rằng suy tư thần học về giáo hội địa phương như thế không hoàn toàn giáo sĩ, vì giáo hội ấy được biểu lộ trong “sự tham gia đầy đủ, tích cực của toàn thể dân thánh của TC,” và GH của Đức Kitô thực sự hiện diện “trong tất cả những nhóm tín hữu được tổ chức hợp pháp.” Do vậy, khoa giáo hội học về hiệp thông xây dựng trên một nền thần học về dân TC.

II. NHỮNG ĐỊNH NGHĨA VÀ NHỮNG MINH TỎ

Hạn từ “giáo hội đặc thù” và “giáo hội địa phương” thường được dùng hoán chuyển cho nhau. Rất thường xuyên Vatican II dùng hạn từ “giáo hội đặc thù” để quy chiếu về địa phận,[11] nhưng hạn từ này cũng quy chiếu đến những giáo hội trong cùng một miền hay văn hóa.[12] Henri de Lubac dành hạn từ “giáo hội đặc thù” cho cộng đoàn bàn thờ (thờ phượng) quanh giám mục. Như vậy, định nghĩa về một giáo hội đặc thù mang tính chất bí tích hơn là địa lý.[13] Đối lại, theo de Lubac, hạn từ “giáo hội địa phương” quy chiếu tới những nhóm (groupings) của các giáo hội đặc thù mà “có kỷ luật của chính mình, vui hưởng lối phụng vụ của mình, và thừa hưởng một gia sản thần học và thiêng liêng.”[14] Những điều này tương ứng với những giáo hội được bao gồm trong một hội đồng Giám mục. Không may ta lại chẳng theo một tiêu chuẩn nào để điều hành viêc sử dụng những hạn từ này. Mặc dù Vatican II sử dụng từ ngữ “giáo hội đặc thù”, thì hạn từ này vẫn không được chấp nhận rộng khắp.[15] Giáo Luật đồng nhất giáo hội đặc thù với một địa phận;[16] nhưng phần nhiều tác giả nói đến “giáo hội địa phương” là quy chiếu đến địa phận. Mặc dù giáo luật quy chiếu đến một địa phận trong những hạn từ có tính cách bí tích và hữu vị như là “một phần của dân TC được trao phó cho một giám mục săn sóc mục vụ,”[17] thì rất thông thường nó được hiểu theo bình diện địa dư và quản trị. Do đó nó có nguy cơ được nhìn như một đơn vị quản trị nhỏ hơn của một tổng thể lớn hơn là GH phổ quát. Hervé Legrand ghi nhận rằng điều này khuyến khích một lời giải thích sai lạc về công giáo tính và một chủ nghĩa phổ quát (universalism) ở đó người ta vừa tìm kiếm công giáo tính ở bên ngoài giáo hội địa phương vừa đồng nhất phổ quát tính với địa dư.[18] Tuy nhiên, như chúng ta sẽ thấy, tính đặc thù và chủ nghĩa phổ quát (universalism) không phải là những hạn từ đối nghịch, và GH phổ quát hiện hữu cụ thể trong và qua giáo hội đặc thù.

III. THÁNH THỂ, TRUNG TÂM CỦA GH ĐẶC THÙ

Một giáo hội đặc thù không phải là một phân nhánh (subdivision) của GH phổ quát, nhưng được liên kết với GH phổ quát như Thánh Thể liên hệ với những cử hành đa dạng của nó: “Trong mỗi giáo hội đặc thù hiện diện một cách cốt yếu, một cách huyền nhiệm (mystically) toàn GH phổ quát vì Đức Kitô ở đó qua Thánh Thể được giám mục cử hành; nhưng một cách bình đẳng, mỗi giáo hội đặc thù hiện hữu đầy đủ chỉ trong một GH “duy nhất và công giáo.”[19] GH phổ quát không phải là một khái niệm được lý tưởng hóa (idealized) hay chỉ là một tổng số của những giáo hội đặc thù. Nó được định nghĩa về mặt Thánh Thể vốn siêu việt lên tính đặc thù địa phương hóa của sự hiện diện thánh thể trong một cộng đoàn biệt loại. GH phổ quát tồn tại trong, nhưng không bị giới hạn vào, mỗi giáo hội đặc thù theo một cách thức loại suy với cách thức mà Đức Kitô hoàn toàn hiện diện trong, nhưng không bị giới hạn vào, mỗi cuộc cử hành thánh thể. Chúng ta thấy sự liên hệ này trong hai xác quyết: (1) mặc dù là một hy tế, Thánh thể không nhân bội hy tế độc nhất của Đức Kitô, và (2) dù thân mình Đức Kitô hiện diện trong nhiều chỗ, thì chỉ có một thân mình thôi.[20] Nói cách khác, “mọi giáo hội địa phương không gì khác hơn là sự biểu lộ của Thân mình Đức Kitô vốn cũng hiện diện, vẫn là như nhau trong mọi chỗ, trong tất cả những chỗ khác.”[21] GH hiện diện ở bất kỳ nơi nào Đức Kitô hiện diện vốn hiện hữu ở bất kỳ ở đâu khi Thánh Thể được cử hành. Bởi thế, “các giáo hội địa phương mang lấy toàn thể thực tại giáo hội, chứ không phải là một phần được cắt ra khỏi toàn thể.”[22]

Khi nói thế, ta phải mau chóng thêm rằng mặc dù từng giáo hội đặc thù là GH cách toàn vẹn, thì không một giáo hội đặc thù nào có thể là GH của TC trong sự cô lập.[23] Mỗi giáo hội đặc thù mang một trách nhiệm đối với toàn thể vốn bao gồm việc công bố tin mừng cho toàn thế giới, đang khi cộng tác với nhau và với đấng kế vị thánh Phêrô, trợ giúp việc truyền giáo, trải rộng sự giúp đỡ đến những giáo hội khác.[24] Giáo hội đặc thù mang tính chất là hiệp thông với những giáo hội đặc thù khác.

GH phổ quát là corpus mysticum, Nhiệm Thể Đức Kitô, và đây là một thân mình không bị phân chia, song lại hiện diện toàn vẹn và toàn bộ trong cộng đoàn thánh thể địa phương và giáo hội đặc thù quanh giám mục của mình. Do vậy thật hiển nhiên rằng GH phổ quát không do từ một sự bổ sung hay một liên bang của các giáo hội đặc thù mà ra. Giáo hội đặc thù là GH phổ quát theo nghĩa rằng nó là chỗ đặc thù, cụ thể mà ở đó ta tìm thấy được GH phổ quát. Tính duy nhất giữa giáo hội đặc thù và GH phổ quát không phải là tính duy nhất của nhiều giáo hội, nhưng là tính duy nhất của một GH vốn tìm được sự khách thể hóa cụ thể, lịch sử trong tính đa phức của những giáo hội đặc thù. Khi nói về những liên hệ hỗ tương của từng giám mục với GH phổ quát, Lumen Gentium quy chiếu đến Nhiệm thể như một “cơ thể của các GH.”[25]

IV. NHỮNG CƠ CẤU CỦA HIỆP THÔNG

Đồ họa sau đây cho thấy mối liên hệ giữa các giáo hội đặc thù và giám mục đoàn.

Trong Công giáo Rôma, khi chúng ta gọi một đơn vị nền tảng của GH là “giáo hội đặc thù”, “một cộng đoàn thờ phượng được quy tụ quanh một giám mục,” lối nói cộng đoàn thờ phượng nhắm đến tính đặc thù của mình trong một nơi chốn đặc thù. Qua chức giám mục giáo hội đặc thù được liên kết với GH phổ quát vì một chức năng đệ nhất của giám mục là biểu thị (đại diện) giáo hội đặc thù trong sự hiệp thông của các giáo hội trong giám mục đoàn. Mối đồng tương quan này của các giáo hội đặc thù với GH phổ quát thì hiển nhiên trong sự kiện rằng một kitô hữu trở thành một giám mục chỉ nhờ vào khi ông được chấp nhận vào thân thể không bị phân chia của chức giám mục.[26] Do đó, dù giáo hội đặc thù được biểu lộ trong sự thờ phượng thánh thể tại một nơi biệt loại dưới quyền lãnh đạo của mỗi một giám mục, GH ấy chỉ hiện hữu khi quy chiếu đến toàn GH. Toàn GH, trong chức giám mục không bị phân chia, tác thánh một giám mục. Mỗi giám mục có trách nhiệm quan tâm tới toàn GH.[27] GH phổ quát được đặc trưng tốt nhất như một “sự hiệp thông của những sự hiệp thông”, nghĩa là, một sự hiệp thông của các GH đặc thù mà trong đó có một mối liên hệ của tính nội tại hỗ tương giữa giáo hội đặc thù và GH phổ quát.

Có ba mối liên hệ loại suy giữa từng thực thể và một toàn thể lớn hơn. (1) từng giám mục và giám mục đoàn hay cơ thể giám mục, (2) một sự cử hành thánh thể đặc thù và Thánh Thể trong đặc tính nhất thể (unitary) của nó, và (3) giáo hội đặc thù và GH phổ quát.[28] Theo de Lubac, “chức giám mục thực sự là một. Nó không được sở hữu theo từng mảng.”[29] Như vậy, chức giám mục là một, Thánh Thể là một, và GH là một. Giám mục có thể được nói là nhập thể toàn bộ chức giám mục, hay, một cách ngược lại, chức giám mục được nhập thể trong từng giám mục. Thân mình thánh thể của Đức Kitô hiện diện toàn bộ và trọn vẹn trong mỗi lần cử hành thánh thể. GH phổ quát hiện diện trong từng giáo hội địa phương. Trong mỗi trường hợp, cái phổ quát hiện hữu trong cái đặc thù. Cái phổ quát không phải là tổng số của nhiều thành phần, cũng thế, cái đặc thù không phải là một phần của cái toàn thể.

Trong mô hình này, tác vụ được thụ phong là những mối liên hệ giáo hội được bí tích hóa. Điều này có nghĩa rằng các giám mục trong khi liên hệ hiệp thông trong giám mục đoàn là dấu chỉ và sự biểu thị hữu hình của sự hiệp thông của các giáo hội đặc thù. Tư cách thành viên trong và sự kết hiệp với giám mục đoàn là một yếu tố cốt yếu trong sự thánh hiến giám mục và một cách có thể biện luận biểu thị “sự sung mãn của các chức thánh: mà đặt chức giám mục tách khỏi những chức khác.[30] Mỗi giám mục biểu thị (đại diện) giáo hội đặc thù của mình và cùng giám mục đoàn đại diện (biểu thị) sự hiệp thông của các giáo hội. Điều được biểu thị cách bí tích trong khi thánh hiến giám mục là tính chất tập đoàn của GH như một “sự hiệp thông của những hiệp thông.” Giám mục đoàn biểu tượng hóa tính duy nhất vốn có giữa những cộng đoàn thờ phượng (bàn thờ) mà từng giám mục biểu thị trong chức vụ của mình. “Trật tự” (“chức, order”) của chức giám mục thật sự phản ánh trật tự giữa những cộng đoàn thánh thể. Sự hiệp thông của các giáo hội được đại diện (biểu thị) trong sự hiệp thông hữu vị của các giám mục.

Chiều kích hữu vị này trong mối liên hệ giữa các cộng đoàn giáo hội hoạt động một cách vừa đồng thời gian (synchronically) vừa xuyên thời gian (diachronically), nghĩa là, trong sự hiệp thông của các giáo hội qua khắp thế giới và trong sự hiệp thông lịch sử của các giáo hội trong sự kế tục tông truyền. Do vậy, trong Công Giáo Roma ta nhấn mạnh đến sự kế tục của việc đặt tay trong sự kế tục tông truyền (mặc dù điều này đã không thể được dẫn chứng (substantiated) trong thời kỳ sơ khai nhất) và sự kế tục của các giáo hội trong đức tin tông truyền. Sự kế tục tông truyền vừa là một sự kế tục trong tác vụ cá nhân và vừa là một sự kế tục của các cộng đoàn đức tin. Bằng nhiều cách mối liên hệ này gợi nhắc những lời của Cypriano, “giám mục ở trong giáo hội và giáo hội ở trong giám mục.”[31]

Giám mục Roma thực thi một chức năng quan trọng khi hoạt động cho sự hiệp nhất và hiệp thông của tất cả các giáo hội đặc thù; chức năng đó được gọi là “tác vụ của Phêrô.” Trong những lời của Vatican II: “Để chức giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Chúa đã đặt thánh Phêrô làm Thủ lãnh các Tông đồ và trong ngài, Chúa đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của sự hiệp nhất đức tin và hiệp thông.”[32] Chức năng này của Phêrô tiếp tục trong sự thiết lập quyền giáo hoàng. Vai trò này của giáo hoàng không giảm bớt nhưng kiện cường vài trò của các giámmục hay sự tự trị (autonomy) của các giáo hội địa phương.

Chứng từ của giám mục đối với sự hiệp nhất của các giáo hội đặc thù trong giám mục đoàn, cũng như trách vụ là “nguồn mạch và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất”[33] trong giáo hội đặc thù của mình, là bất khả chia tách với vai trò chủ sự thánh thể của giám mục.Vai trò phụng vụ của giám mục là bí tích hóa vai trò cai quản của ngài. Việc giám mục chủ sự trên thân mình của Đức Kitô trong Thánh Thể song đối với việc giám mục cai quản trên thân mình giáo hội của Đức Kitô. Do vậy trách vụ làm chứng cho sự duy nhất trong giáo hội thì không thể tách rời khỏi thánh thể, bí tích của sự hiệp nhất. Giống như Thánh thể cung cấp cái khung suy tư (paradigm) cho mối tương giao giữa các giáo hội đặc thù và GH phổ quát, cũng thế việc giám mục chủ sự thánh thể cung cấp sự diễn tả khả giác của mối tương giao giữa một giáo hội đặc thù và sự hiệp thông của các giáo hội đặc thù được đại diện (biểu thị) một cách bí tích do giám mục đoàn. Giám mục đoàn thực thi như mối dây hữu hình giữa các giáo hội đặc thù. Điều này được phản ánh trong lời xác quyết của Lumen Gentium:

Còn mỗi giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong giáo hội địa phương. Các giáo hội này được thành lập theo hình ảnh GH phổ quát: chính nhờ và trong các giáo hội ấy mà có một GH công giáo, duy nhất. Vì thế mỗi giám mục đại diện cho giáo hội mình, và tất cả các giám mục cùng với Giáo hoàng dại diện cho toàn thể GH trong mối dây bình an, yêu thương và hiệp nhất.[34]

V. TÍNH TẬP ĐOÀN, TÍNH PHỤ THUỘC, TÍNH ĐA BIỆT

Patrick Granfield nói rằng nếu GH phổ quát tiên vàn không phải là một thực thể pháp lý, nhưng là một sự hiệp thông của những giáo hội địa phương, thì “những nguyên lý tập đoàn tính, phụ thuộc tính và sự đa biệt hợp pháp phải được phản ánh trong đời sống quản trị của GH phổ quát.”[35] Tập đoàn tính là việc thực thi trách nhiệm của một hàng giám mục có tầm rộng lớn thế giới, trong sự kết hiệp với đức giáo hoàng, đối với GH như một toàn thể. Mặc dù từ ngữ “tính tập đoàn” không thực sự xẩy ra trong những văn kiện công đồng Vatican II, thì hai văn kiện, Hiến chế tín lý về GH, số 22, 23 và sắc lệnh về chức vụ của các giám mục trong GH, miêu tả sự cai quản của giám mục là “tập đoàn” tới 15 lần và quy chiếu về “collegium” của các giám mục tới 37 lần[36]. Bản tường thuật chung cục của Thượng Hội đồng Giám mục 1985 nhận diện một khoa giáo hội học về sự hiệp thông như nền tảng bí tích của tập đoàn tính; nó ghi nhận rằng thần học về tập đoàn tính thì rộng lớn hơn nhiều khía cạnh pháp lý của nó mà thôi.[37] Sự thực thi đầy đủ tính tập đoàn xẩy ra trong một công đồng chung. Mặc dù tập đoàn tính theo nghĩa hẹp và đầy đủ áp dụng cho giám mục đoàn như một toàn thể, những hiện thực từng phần của tính tập đoàn vốn là những tỏ lộ của một tinh thần tập đoàn bao gồm những Thương hội đồng Giám mục, các hội đồng giám mục, Giáo triều Roma, và những cuộc thăm viếng ad limina của các giám mục đối với đức giáo hoàng.

Giải thích nguyên lý về tập đoàn tính như là xác định quyền bính và uy quyền của các giám mục trên và chống lại đức giáo hoàng quả là một sai lầm. Đức giáo hoàng vừa là một thành viên vừa là thủ lãnh của giám mục đoàn. Tổng giám mục John R. Quinn nhận xét rằng “tính hiệp nhất tập đoàn là khung suy tư (paradigm) nền tảng cho tất cả mọi cách thức khác mà trong đó giáo hoàng là dấu chỉ và người đảm bảo sự hiệp nhất.”[38] Nói cách khác, giáo hoàng thực thi tác vụ Phêrô để hiệp nhất và hiệp thông GH trong một cách thức tối cao (preeminent) đối với giám mục đoàn. Một số người phê bình lý luận rằng tính tập trung vào giáo hoàng (papal centrism) và cơ cấu của giáo triều (Curia) đôi khi cản trở việc thực thi tập đoàn tính giám mục. Chẳng hạn, Tổng giám mục Quinn ghi nhận: “Có những trường hợp cụ thể mà tương đương với việc làm cho giám mục thành một người quản trị (manager), những người chỉ làm việc theo những chỉ thị hơn là những chứng nhân chân thật của đức tin vốn dạy dỗ – trong sự hiệp thông với Đức giáo hoàng – nhân danh Đức Kitô.”[39] Giáo triều là cánh tay của giáo hoàng và làm việc để phục vụ các giám mục.[40] Tuy nhiên, đức tổng giám mục Quinn bình luận rằng thay vì cơ cấu tín lý của giáo hoàng và phần còn lại của giám mục đoàn:

Ở đó trồi hiện một cơ cấu mới và tam diện: đức giáo hoàng, giáo triều và giám mục đoàn. Điều này khiến giáo triều có thể coi mình đang thực thi một kiểm soát (giám thị, supervision, oversight) và thẩm quyền trên giám mục đoàn. Tới mức độ điều này là như thế và được phản ánh trong những chính sách và hành động của giáo triều, nó khiến cả giáo lý lẫn thực tại của giám mục đoàn lu mờ và suy giảm.[41]

Những thí dụ về những hành động của giáo triều vốn đã ưu thắng trên những quyết định của các hội đồng giám mục bao gồm việc chống lại những bản dịch có tính chất bao gồm (inclusive) của sách Giáo lý của GH công giáo và sách bài đọc.

Nguyên lý thứ hai điều khiển mối liên hệ giữa những giáo hội địa phương và GH phổ quát là nguyên lý về sự phụ thuộc. Theo nguyên lý này, những cơ chế hay tập thể lớn hơn và cao hơn không đảm nhận cho chính mình những chức năng mà những cơ quan lệ thuộc và thấp hơn có thể chu toàn và cung cấp được.[42] Từ Vatican II nguyên lý về sự phụ thuộc được áp dụng cho GH. Chẳng hạn, Thượng hội đồng Giám mục 1967 bỏ phiếu để áp dụng sự phụ thuộc trong việc duyệt xét lại Bộ Giáo luật. Thượng hội đồng Giám mục 1969 bỏ phiếu tán thành việc áp dụng nó cho các hội đồng giám mục. Lời nói đầu cho Bộ Giáo luật 1983 cho rằng tính lệ thuộc là một trong những nguyên tắc quan trọng vốn nằm dưới bộ luật mới và nó là “một nguyên lý mà được đâm rễ trong một nguyên lý cao hơn bởi vì chức vụ giám mục có những quyền bính gắn liền trong một thực tại là lề luật TC.”[43]

Nhiều người chỉ ra sự chỉ định các giám mục như một lãnh vực mà ở đó ta nên thực thi đầy đủ hơn nguyên lý lệ thuộc.[44] Theo lịch sử, Roma ít khi can thiệp vào việc chỉ định các giám mục bên ngoài quốc gia thuộc giáo hoàng mãi tới khoảng 1800. Việc thực hành của ngày nay có những cội rễ lịch sử khi cuộc Cách Mạng Pháp gây ra sự rối ren và khi chính quyền Ý rút lui khỏi tiến trình ấy vào thời gian thống nhất đất nước. Ngày nay vị sứ thần giáo hoàng (papal nuncio) thường có một vai trò trong việc lựa chọn hơn địa phận địa phương và hội đồng Giám mục của một quốc gia.

Sự đa dạng hợp pháp trong GH kính trọng gia sản lịch sử và căn tính văn hóa của giáo hội địa phương. Khuôn mẫu cho sự hiệp nhất của GH là sự đa dạng được giao hòa hơn là sự đồng bộ (phục). Sự hội nhập văn hóa, tiến trình nhờ đó tin mừng được thích ứng với một văn hóa đặc thù, do từ tính đa dạng mà ra. Một cách thiết yếu, sự hội nhập văn hóa chỉ là sống đời sống Kitô hữu trong một bối cảnh đặc thù. Hiến chế mục vụ về GH trong thế giới ngày nay biểu thị lời xác quyết chi tiết đầu tiên của GH về mối tương quan của GH với những văn hóa khác nhau.[45] Hiến chế nói rằng “GH không bị ràng buộc cách độc quyền và bất khả phân ly với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hay một tập tục cũ hay mới nào, vì GH được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời.”[46] Ta rất thường nói đến hội nhập văn hóa khi quy chiếu đến phụng vụ về mặt dùng tiếng mẹ đẻ, âm nhạc, và đi đứng. Sự tuân giữ những lễ phụng vụ và những ngày lễ của các thánh biểu thị những thí dụ khác.

VI. NHỮNG KHUYNH HƯỚNG THEO “CHỦ NGHĨA PHỔ QUÁT” VÀ “CHỦ NGHĨA ĐẶC THÙ”

Người ta không phải không tranh cãi về mối tương quan giữa GH phổ quát và giáo hội đặc thù (uncontested). Avery Dulles đã nhận diện hai lối tiếp cận tới khoa GH học về hiệp thông là những khuynh hướng theo “chủ nghĩa phổ quát” và “chủ nghĩa đặc thù.” Những người chủ trương một khái niệm có tính cách duy phổ quát hơn về GH chỉ ra rằng GH nguyên thủy được thiết lập trên Phêrô và các tông đồ như một GH phổ quát và chỉ sau đó mới được phân thành những giáo hội miền hay địa phương.[47] Những người theo chủ nghĩa phổ quát nhìn đức giáo hoàng tiên vàn như đấng kế vị Phêrô và thủ lãnh hữu hình của toàn thể đoàn chiên Đức Kitô. Thứ đến ngài mới là giám mục Roma.[48] Quan điểm này thừa nhận rằng chỉ định các giám mục làm các chủ chăn của địa phận là thích hợp, nhưng chủ trương rằng các thành viên của phẩm trật mà không nhận được một sự chỉ định như thế vẫn có thể là các giám mục theo nghĩa chân thật của hạn từ.[49] Trong quan điểm duy phổ quát ấy, hiệp nhất là dữ kiện và tính đa dạng là một vấn đề của thu xếp cho tiện (accommodation).[50] Sự hiểu biết tiên quyết về sự hiệp thông theo lập trường duy phổ quát ấy là sự hiệp thông tham dự vào sự sống thần linh, được thành tựu qua những phương thế khách quan của ân sủng, cách đáng chú ý là các bí tích.

Đàng khác, “những người theo chủ nghĩa đặc thù” chỉ tới sự đa dạng của các giáo hội được biểu thị trong các thư của Tân ước. Sự hiệp thông giáo hội hệ tại ở sự hiệp thông của những cộng đoàn khác nhau này. GH Roma hưởng được sự tối thượng (primacy) vì là nơi Phêrô và Phaolô tử đạo. Sự tối thượng của đức giáo hoàng rút ra từ địa vị của ngài như Giám mục Roma. Một giám mục tiên vàn là vị chủ chăn của một địa phận; vì vậy, theo nguyên tắc, chính như các mục tử của các giáo hội mà các giám mục có tiếng nói trong giám mục đoàn. Cuối cùng, trong khuôn mẫu duy đặc thù, tính đa dạng là tình trạng độc đáo của các giáo hội, và sự hiệp nhất là một cái gì phải được thành tựu (hoàn thành). Ta phải đòi buộc sự hiệp nhất chỉ trong những khuôn mẫu cần thiết. Như vậy, những khác biệt vùng là đặc tính của GH.

Avery Dulles chủ trương rằng sự hiệp thông trong khuôn mẫu theo chủ nghĩa đặc thù có nghĩa là (signify) sự hiệp thông tình yêu và sự mật thiết được hoàn thành trong một cộng đoàn địa phương. Đây là cách thức ông nhận diện dây hiệp thông trong khuôn mẫu hiệp thông theo tác phẩm Models of the Church của ông.[51] Theo khoa kiểu loại học (typology) của Dulles, khuôn mẫu sự hiệp thông nhấn mạnh đến mối liên hệ hữu vị giữa tín hữu và Thánh Thần. Nó nhấn mạnh trên sự liên kết mật thiết của người tín hữu vốn được nối kết với nhau bằng “những ân sủng và tặng phẩm bên trong của Thánh Thần, mặc dù những dây bên ngoài được nhìn nhận là quan trọng theo một cách lệ thuộc.”[52]

Quan điểm này chắc chắn dường như tương xứng với loại hiệp thông trong những cộng đồng Kitô hữu cơ bản được Leonardo Boff trau chuốt trong cuốn Ecclesiogenesis: The Base Communities Reinvent the Church. Theo Boff, những cộng đoàn này được đặc trưng “bằng sự vắng bóng những cơ cấu gây ra vong thân, bằng những liên hệ trực tiếp, bằng tính hỗ tương, bằng một sự hiệp thông sâu xa, bằng sự trợ giúp hỗ tương, bằng tính cộng đoàn (communality) của những lý tưởng tin mừng, bằng sự bình đẳng giữa các thành viên.”[53] Nhưng câu hỏi ở đây là một câu hỏi về tính giáo hội. Những cộng đoàn Kitô hữu cơ bản có là những giáo hội không? Khi vắng bóng tác vụ được thụ phong và Thánh Thể, những cộng đoàn này không chu toàn được định nghĩa của một giáo hội đặc thù như được trao ban trong Lumen gentium.

Khác với Dulles, tôi nhận diện sự hiệp thông trong khuôn mẫu theo chủ nghĩa đặc thù (particularist model) như một sự hiệp thông giữa những giáo hội đặc thù vốn được trung gian không chỉ nhờ điều mà Dulles nhận diện là một tình hiệp thông yêu thương và mật thiết, nhưng cũng bằng những cấu trúc khả giác. Những ai chủ trương một khuôn mẫu theo chủ nghĩa đặc thù sẽ không chối bỏ sự hiệp thông là sự tham dự vào sự sống thần linh được thành tựu qua các bí tích hay một sự trung gian của sự hiệp thông qua những cấu trúc thuộc tác vụ.[54]

Sự lộn xộn ấy phần nào có thể do hai phương pháp luận khác nhau được biểu thị do tác phẩm Models of the Church của Dulles và do điều mà nay được biết đến như khoa giáo hội học hiệp thông. Trong việc cấu thành nên những khuôn mẫu khác nhau, Dulles nhấn mạnh điều mà rõ ràng trong những khái niệm khác nhau về GH theo họ nhấn mạnh GH thể chế, giá trị bí tích và dấu chỉ của GH, những sợi dây của sự hiệp thông giữa các phần tử, sứ mệnh tin mừng loan báo lời Chúa, hay [nhấn mạnh] sự cam kết của GH cho phục vụ và công bằng xã hội. Đàng khác, phương pháp luận của khoa giáo hội học hiệp thông thì toàn bộ và tổng hợp hơn (synthetic). Nó tương liên nhiều yếu tố trong GH để nhấn mạnh đến những nối kết.

Như vậy, trong khoa GH học hiệp thông, ngay cả trong một khuôn mẫu theo chủ nghĩa đặc thù, có nhiều những yếu tố hữu hình và thể chế vốn trung gian và làm dễ dàng cho sự hiệp thông. Trước tiên giữa những điều này là quyền giáo hoàng, vốn phục vụ như tiêu điểm của sự hiệp thông giáo hội vì tác vụ Phêrô là một tác vụ của hiệp nhất và hiệp thông. Thứ đến có giám mục đoàn, vốn biểu thị (tiêu biểu) sự hiệp thông của các giáo hội đặc thù. Những nhóm nhỏ hơn bao gồm những Thượng hội đồng Giám mục và hội đồng giám mục các quốc gia. Thêm vào những cơ cấu GH này dĩ nhiên có những bí tích, cách riêng Thánh Thể, mà thực hiện sự giao hòa và sự hiệp thông giữa dân TC và, như những bí tích, là những dây khả giác của sự hiệp thông. Như vậy, thật sai lầm khi giả định (presume) rằng khoa giáo hội học hiệp thông, ngay cả trong khôn mẫu theo chủ nghĩa đặc thù, thì không có những yếu tố cơ cấu và thể chế của sự hiệp thông.

Mối quan tâm này đối với những cơ cấu khả giác của sự hiệp thông dường như là một trong những vấn đề mà Bộ Giáo lý đức tin nêu lên trong lá thư gởi cho các giám mục GH Công giáo, “Một số khía cạnh của GH như sự hiệp thông.”[55] Một trong những quan tâm của Bộ Giáo lý là sự hiệp thông giáo hội thì đồng thời vừa vô hình trong ân sủng vừa khả giác trong cơ cấu giáo hội. Nó sợ rằng sự tái khám phá khoa giáo hội học mang đặc tính Thánh Thể có thể dẫn đến sự nhấn mạnh một chiều trên nguyên lý của giáo hội địa phương trong một cách thức đến nỗi làm cho  bất kỳ nguyên lý hiệp nhất hay phổ quát tính thành không cốt yếu. Cách riêng, nó sợ rằng một sự giải thích nào đó về khoa giáo hội học hiệp thông có thể giải thích không đầy đủ về vai trò của chức giám mục và sự tối thượng và như vậy làm suy yếu khái niệm về tính duy nhất của GH trên bình diện khả giác và thể chế. Tóm lại, nó sợ rằng một sự nhấn mạnh trên giáo hội địa phương có thể làm nghèo đi khái niệm về GH phổ quát.

Ngoài ra, Bộ Giáo Lý đức tin nhấn mạnh hơn một khoé nhìn mang tính chất chủ nghĩa phổ quát khi nó xác quyết tính ưu tiên về hữu thể và thời gian của GH phổ quát.[56] Bộ Giáo lý muốn tránh một chủ nghĩa chiều ngang nào đó (horizontalism) khi quan niệm về GH như “sự nhận biết hỗ tương về phía các giáo hội đặc thù” được coi như những chủ thể đầy đủ trong chính mình. Lá thư ghi nhận rằng một quan điểm như thế làm suy yếu khái niệm về sự hiệp nhất của GH trên bình diện khả giác và thể chế.

Một cách khác thường, hai thí dụ ở hai đầu đối nghịch của toàn bộ GH (quang phổ giáo hội, ecclesial spectrum) có thể được nhìn ra do sự phê bình này. Trong giáo hội học của chính thống, người ta định nghĩa GH theo góc độ thánh thể với một cách thức đến nỗi bất kỳ ở đâu Thánh thể được cử hành ở đó có một GH theo nghĩa đầy đủ của hạn từ. Trong trường hợp này, sự hiệp thông giáo hội được đồng nhất với sự hiệp thông thánh thể. Những cơ cấu bên ngoài (vượt xa) sự hiệp thông này không biểu thị một sự đầy đủ hay gia tăng của tính giáo hội.[57] Ở một cực khác của toàn bộ GH (quang phổ GH) là những cộng đoàn Kitô hữu cơ bản mà không có Thánh Thể cũng chẳng có tác vụ được thụ phong.

Lá thư của Bộ đức tin nhận được lời phê bình có ý nghĩa vì nó tuyên bố phải nhìn nhận GH phổ quát là có trước xét theo hữu thể học lẫn thời gian. Một sự có trước như thế dường như hàm ẩn rằng có một GH vô hình vốn hiện hữu tách khỏi những biểu lộ đặc thù, cụ thể, lịch sử. Một năm sau một lá thư không được ký xuất hiện trong số phát hành vào ngày 23 tháng Sáu năm 1993 của Osservatore Romano mà vừa nhuận sắc vừa giải thích bản văn trong communionis notio. Bài viết này nhấn mạnh tính nội tại hỗ tương giữa GH phổ quát và những giáo hội đặc thù và tóm tắt mối liên hệ: “Mỗi giáo hội đặc thù đúng thực là GH, mặc dù nó không phải là toàn thể GH; đồng thời, GH phổ quát không tách biệt khỏi sự hiệp thông của những giáo hội đặc thù, tuy thế, không được quan niệm như tổng số của những giáo hội ấy. Bởi vì mối liên hệ mật thiết này, bài viết khẳng định rằng “sự tháp nhập vào GH phổ quát là tức thời như sự tháp nhập vào một giáo hội địa phương. Thuộc về GH phổ quát và thuộc về một GH địa phương là một thực tại Kitô hữu mà thôi.”

Hai điểm có thể giúp để soi sáng mối tương quan này hơn nữa. Trước tiên, Lumen gentium thay đổi một tuyên ngôn trước kia được Đức Pio XII trong thông điệp Mystici corporis (1943) rằng “GH Đức Kitô là GH công giáo Roma.” Vatican II nhuận sắc điều này trong câu nói của mình, “GH này, được thiết lập và tổ chức trong thế giới này như một xã hội tồn tại trong GH công giáo…”[58] Đức Gioan Phaolô II sau này trương rộng khái niệm bằng cách nói rằng GH phổ quát tồn tại trong những giáo hội đặc thù:

Chính GH Công giáo tồn tại trong mỗi giáo hội đặc thù, mà chỉ có thể thật sự trọn vẹn nhờ hiệp thông hữu hiệu trong đức tin, các bí tích và sự hiệp nhất với toàn thân thể Đức Kitô. . . Chính bởi vì anh em là những mục tử của các giáo hội đặc thù nơi đó tồn tại sự sung mãn của GH phổ quát mà anh em hiệp thông và phải luôn luôn hiệp thông với đấng kế vị Phêrô.[59]
Lời xác quyết của Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh hơn nữa tính nội tại hỗ tương của giáo hội phổ quát và giáo hội đặc thù.

Thứ đến, sự nhấn mạnh của Hồng y Giuse Ratzinger đến GH phổ quát có thể được hiểu từ viễn cảnh của nguyên lý rằng GH, để là “công giáo” phải là “từ và cho toàn thể.”[60] Đối với ngài, mặc dù giáo hội địa phương là giáo hội đầy đủ, thì nó không phải là toàn GH. Điều này mang chúng ta lại tới nguyên lý trong Công giáo Roma rằng sự sung mãn của GH không nằm ở cộng đoàn thánh thể vốn cấu thành GH đặc thù, nhưng ở trong sự hiệp thông của các giáo hội đặc thù. Một GH đặc thù không thể là một giáo hội đứng cô lập.

Cuối cùng, việc thảo luận thần học phản ánh sự căng thẳng giữa giáo hội địa phương và GH phổ quát hiện diện trong chính những văn kiện công đồng. Giuse Komonchak đề nghị rằng câu hỏi dai dẳng về tính tiên quyết giữa giáo hội địa phương và GH phổ quát là do tính hàm hồ hay đặc tính chuyển tiếp (transitional) của giáo lý công đồng về GH. Ông cho thấy rằng công đồng bắt đầu công trình của mình từ một viễn cảnh của một khoa giáo hội học có tính duy phổ quát và ghi nhận rằng “sự khôi phục của một khoa giáo hội học về sự hiệp thông thì ngần ngại và không hệ thống.”[61] Đàng khác, lời xác quyết rằng các giáo hội đặc thù được “thành hình theo hình ảnh của giáo hội phổ quát” tạo nên tính ưu tiên cho GH phổ quát, đang khi lời tuyên bố rằng GH phổ quát hiện hữu trong và qua các giáo hội địa phương lại trao ban tính ưu việt cho các giáo hội đặc thù. Rõ ràng có sự hỗ trợ cho cả hai lập trường “duy đặc thù” và “duy phổ quát” trong những văn kiện, hầu không lập trường nào có thể tuyên bố rằng nó độc quyền biểu thị giáo lý công đồng.

Những hàm ẩn thực tiễn sinh ra từ hai lập trường này minh chứng nhu cầu phải nắm vững sự quân bình giữa hai lập trường. Lập trường duy phổ quát bảo vệ GH khỏi làm mồi cho một thứ quốc gia chủ nghĩa hẹp hòi. Tính chuyên viên và bề rộng của viễn ảnh sẵn sàng đối với GH phổ quát cung cấp một sự sửa sai và cân bằng đối với sự khôn ngoan và tài khéo tất yếu giới hạn của từng giám mục. Đàng khác, sự thông phần tích cực hơn của người giáo dân, sự chú ý lớn lao hơn tới sự định vị xã hội và văn hóa của dân tộc trong việc công bố tin mừng và một sự tản quyền của sự quản trị bàn giấy là có thể đối với sự chú ý đến một thần học về giáo hội địa phương. Tối hậu, nó không phải là một câu hỏi của cái này vượt trên và đối lại cái kia, vì GH phổ quát là sự hiệp thông của các giáo hội đặc thù.[62] Sự căng thẳng vẫn còn đó.
 


[1] E. Lanne, “L’Eglise local et l’Eglise universelle: Actualité et portée du thème,” Irenikon 43 (1970) 490.

[2] H. Vorgrimler, ed. Commentary on the Documents of Vatican II, vol. I (New York: Herder and Herder, 1967) 167.

[3] Hervé Legrand, “La réalisation de l’Eglise en un lieu”, Dogmatique II, vol. 3. of Initiation a la pratique de la theologie (Paris: Editions du Cerf, 1986), 150.

[4] Pope Pius XII, Mystici corporis, 1943.

[5] LG 2.

[6] R. Bellarmine, De controversies christianae fidei.

[7] Patrick Granfield, “The Church Local and Universal: Realization of Communion”, The Jurist 49 (1989) 451.

[8] x. “Communio/Koinonia: A New Testament-early Christian Concept and Its Contemporary appropriation and Significance”, một nghiên cứu do Institute for Ecumenical Research, Strasbourg, 1990, trong A Commentary on “Ecumenism: The Vision of the ELCA,” ed. William G. Rusch (Minneapolis: Augsburg Press, 1990), 119-41; Heinrich Holz, ed., The Church as Communion: Lutheran Contributions to Ecclesiology (Geneva: The Lutheran World Federation, 1997); G. Vandervelde, “Koinonia Ecclesiology-Ecumenical Breakthrough?” One in Christ 29:2 (1993), 126-42. Để thảo luận về đề tài này trong nhiều cuộc đối thoại khác nhau với GH Công giáo Roma, xem Susan Wood, “Ecclesial Koinonia in Ecumenical Dialogues” One in Christ 30:2 (1994) 124-45.

[9] A. Flannery, gen. ed., The Basic Sixteen Documents, Vatican II: Constitution and Decrees, A Completely Revised Translation in Inclusive Language (Noth-Port, N.Y.: Costello Publishing Group, 1996). LG 26.

[10] Một trong những lời phê bình về thần học này là sự kiện rằng, căn cứ vào kích thước của các giáo hội đặc thù ngày hôm nay, một cách thực tế là không thể cho mọi người đế qui tụ quanh giám mục trong một cử hành Thánh Thể. Một thần học về chức linh mục vốn giải thích một linh mục như một sự trải rộng của đức giám mục biểu thị một giải đáp phiến diện. Không như nhiều giáo hội Tin lành khác vốn nhìn GH như nơi chốn mà ở đó Tin mừng được rao giảng thực sự và các bí tích được cử hành đúng đắn, GH Công giáo Roma nhìn nhận đơn vị căn bản của GH ở một mức độ bao quát hơn.

[11] CD 11.

[12] AG 22.

[13] Đối với lời phê bình của Giuse Komonchak về điều này, hãy coi “The Local Church and the Church Catholic: The Contemporary Theologogical Problematic,” The Jurist 52 (1992), 435-36. Theo ý kiến của ông, giáo hội đặc thù dường như “trôi nổi trong không gian, được thiết lập chỉ nhờ những yếu tố thần học, thần linh, siêu nhiên.” Lanne thấy định nghĩa này như gắn bó với vai trò thánh hóa của giám mục hơn là những trách nhiệm của họ đối với việc cai quản mục vụ hay trách nhiệm đối với truyền giáo trong “L’Eglise locale et l’Eglise universelle,” 496.

[14] LG 23. H. De Lubac, “The Particular Churches in the Universal Church,” Homiletic and Pastoral Review 82 (1982) 13; De Lubac, The Motherhood of the Church (San Francisco: Ignatius Press, 1982) 171-211.

[15] P. Granfield, “The Local Church as a Center of Communication and Control,” CTSA Proceedings 35 (1980) 257.

[16] GL 368: “Những giáo hội đặc thù mà trong đó và từ đó hiện hữu một GH Công giáo duy nhất hiện hữu trước hết là các địa phận.”

[17] GL 369.

[18] Legrand, “La réalisation de l’Eglise en un lieu,” 158.

[19] Henri de Lubac, De Lubac: A Theologian Speaks (Los Angeles: Twin Circle Publishing Co., 1985) 20.

[20] Susan Wood, “The Theological Foundation of Episcopal Conferences and Collegiality,” Studia canonica 22 (1988) 330.

[21] Lubac, The Motherhood of the Church, 202, citing Louis Bouyer, L’Eglise de Dieu (Paris: Editions du Cerf, 1970) 488.

[22] J. Ratzinger, The Nature and Mission of Theology (San Francisco: Ignatius Press, 1993) 86.

[23] Jean-Marie R. Tillard, L’Eglise locale: Ecclésiologie de communion et catholicité (Paris: editions du Cerf, 1995) 394.

[24] LG 23.

[25] LG 23.

[26] LG 23.

[27] LG 23. Trong bài giảng được đề nghị cho nghi thức thụ phong, vị giám mục được chọn được quản trị để “liên lỷ quan tâm đến tất cả mọi giáo hội và vui sướng giúp đỡ và trợ giúp những giáo hội thiếu thốn.”

[28] Wood, “The Theological Foundation,” 331.

[29] Lubac, The Motherhood of the Church, 10.

[30] Susan Wood, “The Sacramentality of Episcopal Consecration,” Theological Studies 51 (1990) 479-96.

[31] Epist. 66,8 (“scire debes episcopum in Ecclesia esse et ecclesiam in episcopo.”

[32] LG 18.

[33] LG 23.

[34] LG 23.

[35] P. Granfield, “Legitimation and Bureaucratisation of Ecclesial Power,” Power in the Church, ed. James Provost and Knut Walf (Edinburgh: T. & T. Clark, 1988) 92.

[36] M. A. Fahey, “Collegiality,” The Harpercollins Encyclopedia of Catholicism, ed. R. P. McBrien (San Francisco: HarperSanFrancisco, 1995) 329.

[37] 2.C.4

[38] Tổng Giám mục Quinn, bài nói chuyện ngày 29, tháng Sáu, năm 1996, tại Campion Hall, Oxford. “The Exercise of the Primacy: Facing the Cost of Christian Unity,” Commonweal (July 12, 1996) 13.

[39] Ibid., 15.

[40] CD 9.

[41] Quinn, “The Exercise of the Primacy,” 15.

[42] Đức Giáo hoàng Pio XI trong Quadragesimo Anno (1931) lần đầu tiên nối kết nguyên lý này của giáo huấn xã hội của Công giáo.

[43] Bộ Giáo luật, Latin-English Edition (Washington, D.C.: Canon Law Society of America, 1983) xxi.

[44] x. Joseph F. Eagan, Restorationand Renewal (Kansas City: Sheed and Ward, 1995) 337-8; Tổng Giám mục J. Quinn, “The Exercise of the Papacy,” Commonweal (July 12, 1996) 17. Đối với lịch sử của thực hành này xem Tillard, L’Eglise Locale, 228-41.

[45] R. S. Pelton, “Inculturation,” The Harpercollins Encyclopedia of Catholicism (San Francisco: HarperSanFrancisco, 1995) 660.

[46] GS 58.

[47] A. Dulles, “The Church as Communion,” New Perspectives on Historical Theology, ed. Bradley Nassif (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1996) 134.

[48] Ibid., 137.

[49] Ibid., 136.

[50] Ibid., 137.

[51] A, Dulles, Models of the Church (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1974) 61.

[52] Ibid.

[53] L. Boff, Ecclesiogenesis: The Base Communities Reinvent the Church (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1986) 26.

[54] x. Tillard, L’Eglise locale, 219-91.

[55] Bản dịch Anh ngữ trong Catholic International 3:16 (1-30 September 1992) 761-7.

[56] Bộ Giáo lý Đức tin, “Some Aspects of the Church as Communion.” Bản dịch Anh ngữ trong Ecumenical Trends 21:9 (October, 1992) 133-4, 141-7. Ratzinger lý luận điểm này trong Church, Ecumenism and Politics (New York: Crossroad, 1988) 75. Ngài cũng lý luận điểm này tại phiên họp của Hồng y đoàn năm 1985: “Nếu một đàng phải nói rằng GH không phải là một thứ quân chủ giáo hoàng, thì đàng khác cũng không được coi nó là một hợp liên bang (confederation) của những giáo hội đặc thù mà sự hiệp nhất của nó chỉ do từ sự thêm vào của các giáo hội cá lẻ như một cái gì tuỳ phụ, hầu tác vụ của sựhiệp nhất chỉ bao gồm trong việc là một người điều hành (moderator) của sự thỏa thuận của các giáo hội. Như trong một thân thể, sựhiệp nhất của các chi thể đi trước và nâng đỡ từng cơ quan,bởi vì các cơ thể không thể hiện hữu nếu thân xác không hiện hữu,thì cũng vậy sự hiệp nhất của Giáo hội Công giáo đi trước tính đa dạng của các giáo hội đặc thù vốn được sinh ra từ sự hiệp nhất này và nhận được đặc tính giáo hội của chúng từ đó. Trật tự thời gian này được xác định bằng nhiều cách trong các bản văn Tân ước. Trích một vài thí dụ là đủ rồi. Theo trình thuật của Luca trong Công vụ Tông đồ, GH bắt đầu vào ngày lễ Ngũ Tuần trong cộng đoàn của các môn đệ Chúa Kitô khi nói mọi thứ ngôn ngữ. Ở đây, thánh Luca, thực sự Thánh Thần, đang nói rằng GH công giáo phổ quát, là mẹ chúng ta, đã hiện hữu trước khi những giáo hội riêng rẽ được sinh ra, vốn nảy sinh từ người mẹ duy nhất này và luôn liên hệ với người mẹ này.” “De Romano Pontifice deque collegio episcoporum” (typescript) 3. Được J. Komonchak trích dẫn, “The Local Church and the Church Catholic” 429.

[57] Miroslav Volf, After Our Likeness: The Church as the Image of the Trinity (Grand Rapids, Mich.: Eerdmans, 1998) 43, trích dẫn J. Ratzinger, Theologische Prinzipienlehre: Bausteine zur Fundamentaltheologie (Munich: Eich Wewel, 1982) 308.

[58] LG 8.

[59] Diễn từ ngày 12 tháng Chín năm 1987. Bản văn có thể được tìm thấy trong Origins 17:16 (1 tháng Mười 1987) 258.

[60] J. Ratzinger, Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology, trans. Mary Frances McCarthy (San Francisco: Ignatius Press, 1987) 309.

[61] Komonchak, “The Local Church and the Church Catholic” 427.

[62] Ibid., 435.