BONAVENTURA VÀ LỘ TRÌNH ĐI VÀO THIÊN CHÚA: CỨU CÁNH LUẬN ĐI LÊN

0
672

BONAVENTURA VÀ LỘ TRÌNH ĐI VÀO THIÊN CHÚA: CỨU CÁNH LUẬN ĐI LÊN[1]

Seamus Mullholand, OFM

Franciscan Center, Cantebury, ENGLAND

Chúng ta đã cố gắng khám phá Thiên Chúa là ai và là gì theo thần học và linh đạo của Bonaventura, điều đó dẫn chúng ta đến việc hiểu biết về mầu nhiệm Nhập thể và qua đó hiểu được tương quan của con người đối với Thiên Chúa. Sự sống của Ba Ngôi, được diễn tả một cách năng động như là một tình yêu lan tỏa với Ngôi Lời như là trung tâm, điều đó chứng minh rằng cuộc hành trình của con người lên đến Thiên Chúa phải là một cuộc hành trình năng động.

Cuộc hành trình này như Bonaventura quan niệm là một cuộc hành trình đi vào Thiên Chúa qua Đức Ki-tô để đi vào những chiều kích sâu thẳm của tình yêu thần linh. Cuộc hành trình đến Thiên Chúa là một đề tài căn bản trong cố gắng suy tư thần học và tâm linh của Bonaventura, nhưng sẽ là sai lầm nếu xem đó như là nguyên lý tổng hợp của nền thần học của Bonaventura.

Bonaventura chỉ ra rằng chính Đức Ki-tô là trung tâm của nền thần học của Ngài (và có lẽ cho tất cả nền thần học), vì chỉ có qua Đức Ki-tô, Ngôi Lời, mà mọi sự được hiện hữu và trở về với Thiên Chúa. Thật ra Bonaventura đã rõ ràng cho thấy đó là nguồn gốc và trung tâm của toàn bộ công trình của Ngài:

Đây là toàn bộ siêu hình học của chúng tôi: sự lan tỏa, mô mẫu, và sự hoàn thành, qua đó các bạn có thể được soi sáng bởi những tia sáng tâm linh và trở về với đấng Tối Cao.

Đối với Bonaventura, Đức Kitô là trung tâm liên kết mọi sự với nhau và bởi vì mọi sự được phát xuất từ Lời, tất cả mọi thực tại được đặt nền móng trong Đức Kitô như là trung tâm. Chính vì thế, Lời là điểm cốt yếu cho việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như là trung tâm tuyệt đối của Thiên Chúa. Lời, đặc biệt là Lời chịu đóng đinh là nguyên lí tổng hợp của nền Thần học của Bonaventura (và của tất cả mọi nền Thần học khác).

Lộ trình vào Thiên Chúa (IT) của Bonaventura là một tuyệt tác đi sâu vào mầu nhiệm  Ngôi Lời Nhập thể và khổ nạn như là con đường tuyệt đối đến Thiên Chúa. Đối với Bonaventura, con đường đó bắt đầu và kết thúc với Phanxico, người mà Bonaventura coi là mô mẫu của Đức Kito huyền nhiệm, và đưa thấu thị (vision) của Phanxico về thiên thần sê-ra-phim bốc lửa (bốc lửa sốt mến) với ba cặp cánh dưới hình một người chịu đóng đinh như là nguyên lí tổng hợp của cuộc hành trình.

Và hình ảnh của Sê-ra-phim bốc lửa đã cho ta cơ cấu của IT (lộ trình đi vào Thiên Chúa):

Sáu cánh của thiên thần Sê-ra-phim có thể tượng trưng một cách đúng đắn sáu cấp độ của soi sáng, như là các bước hay giai đoạn qua đó linh hồn có thể vượt qua để đến sự bình an, thông qua những sự nâng cao xuất thần của khôn ngoan Ki-tô-giáo. Không có lối đi nào khác ngoài lối đi của tình yêu cháy bỏng của Đức Ki-tô chịu đóng đinh, một tình yêu đã biến đổi Phao-lô thành Đức Ki-tô khi Phao-lô được đưa lên đến tầng trời thứ ba đến độ Ngài có thể nói Với Đức Ki-tô tôi đã chịu đóng đinh vào thập giá, bây giờ tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, nhưng là Đức Ki-tô sống trong tôi (Gal 2.20). Tình yêu ấy cũng đốt cháy linh hồn Phan-xi-cô để tinh thần chói sáng qua thân xác của Ngài trong thời gian hai năm trước khi qua đời, khi Ngài mang trên thân thể các dấu đinh thánh. Vì thế sáu cánh thiên thần Sê-ra-phim tượng trưng sáu bước của sự soi sáng được bắt đầu từ các tạo vật và dẫn lên cùng Thiên Chúa, đấng mà không ai có quyền đi vào ngoại trừ thông qua Đấng chịu đóng đinh.

Ở đây các cánh của thiên thần Sê-ra-phim tượng trưng cho Thiên Chúa, linh hồn, và tạo vật, bao gồm các giai đoạn của cuộc hành trình. Bonaventura đã dùng lối nói của Richard of St. Victor để dùng cụm từ Sê-ra-phim rực cháy vì đó là “một tình yêu cháy bỏng” .

Ở đây Bonaventura liên kết giữa “tình yêu rực cháy” và cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô khi Ngài nói rằng :

Ngọn lửa tình yêu không bao giờ dập tắt của Phan-xi-cô đối với Đức Giê-su nhân lành đã đươc thổi bùng lên thành đám cháy mà bao nhiêu nước cũng không thể làm dập tắt nổi  một tình yêu mãnh liệt như thế.

Như thế thiên thần Sê-ra-phim rực lửa tượng trưng cho cuộc hành trình đi vào Thiên Chúa, cuộc hành trình đã dẫn đưa Phan-xi-cô đến sự kết hiệp tình yêu  với tình yêu bừng cháy của Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

Bất cứ cuộc hành trình nào cũng có một khởi điểm, và đối với Bonaventura thì khởi điểm không phải là Mầu nhiệm Nhập thể, hay giáo thuyết về Ngôi Lời như là trung tâm, nhưng khởi điểm đó là tạo vật. Bonaventura nói rằng Phan-xi-cô có một tình yêu đối với tạo vật và Ngài bị quyến rũ và mê hoặc bởi sự tốt lành của Chúa. Ngài thích thú với những sự vật hữu hình và thế giới tạo thành mà Ngài thấy và cảm nghiệm xung quanh Ngài.

Bonaventura đã dùng nhiều hình ảnh để mô tả sự tốt đẹp và sự linh thánh của tạo vật (chúng ta đã xem xét một vài hình ảnh đó) và một trong những hình ảnh quen thuộc nhất đó là dòng sông. Tạo vật giống như một con sông chảy ra từ sự tốt lành của Thiên Chúa. Về mục đích của tạo vật, thực ra Bonaventura đã xem đó như là một mục đích “linh thánh”, tạo vật có mục đích đánh thức tinh thần của nhân loại hướng về Thiên Chúa, đấng Tạo hóa. Tạo vật là một cuộc Hiển linh, dấu chỉ của thần linh, một thế giới của hình ảnh ẩn dụ và biểu tượng. Đọc và giải thích chúng sẽ đưa ta trở về với “nguồn mạch” của con sông đó.

Từ suy tư và cảm nghiệm về thế giới này sẽ dẫn đến “tri thức tạo thành”. Tất cả những thực tại bất tất đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phản ảnh về sự tốt lành (sự thiện) của Thiên Chúa, Đấng tự mình là bản chất, bản tính, ousia, là sự thiện lan tỏa. Như thế chúng ta có thể nhìn thấy và hiểu được sự hiện diện của Thiên Chúa qua lối tiếp cận cầu nguyện đối với tạo vật – vì tạo vật có tính bí tích – đó là một dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.

Chúng ta biết tạo vật vì nó nội tại và quan trọng đối với ta, nhưng cũng cần biết khía cạnh siêu việt của tạo vật, để sự hiểu biết này dẫn chúng ta đến một sự hiểu biết xa hơn đó là mọi sự bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa dẫn chúng ta đến việc tôn trọng và hiểu biết thế giới; và Thiên Chúa hoạt động trong tạo vật trong khi chúng ta tìm kiếm tri thức qua ánh sáng thần linh hoạt động ở bên trong ta (sự soi sáng).

Khi chúng ta bắt đầu hiểu biết Thiên Chúa, chúng ta ước ao được hiểu biết hơn nữa, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa; và như thế chúng ta có sự định hướng bẩm sinh hướng tới sự hiểu biết thần linh.Chúng ta nên hiểu thần học của Bonaventura và các ẩn dụ về tạo vật theo nghĩa trên: tạo vật là tượng trưng; chúng chỉ về một cái gì đó sâu sắc hơn nhiều.

Chúng ta nhận ra rằng sự sống còn cao cả hơn nhiều so với chiều kích vật chất, và qua sự hiểu biết này chúng ta có thể đi sâu vào huyền nhiệm siêu việt của chính tạo vật, và chúng ta có một khuôn mẫu về điều này đó là thái độ của Phan-xi-cô đối với thiên nhiên được tạo thành. Chúng ta có được sự hiểu biết về các tạo vật qua kinh nghiệm về thế giới, và tìm được ý nghĩa thâm sâu của chúng khi chúng dẫn ta đến gần hơn với Thiên Chúa. Nhưng sự hiểu biết từ tạo vật có những hạn chế, chúng đi từ kinh nghiệm giác quan bên ngoài để đi vào quang cảnh bên trong.

Một khi chúng ta đã thấy, nhận biết và bắt đầu chiêm ngưỡng huyền nhiệm của linh thánh trong tạo vật, chúng ta phải tìm Thiên Chúa ở một nơi nào khác, vì tạo vật tự nó không thể thỏa mãn cơn khát ấy. Và chính là từ những chiều sâu thẳm của linh hồn mà chúng ta bắt đầu cuộc hành trình vào bên trong của chính chúng ta.

Bonaventura theo mô hình (sê-ma) của Plotinus về nội hướng và thượng hướng (ascension) được phác thảo trong Enn.1.6,8-9, và Ngài dùng tấm gương của tạo vật với dấu ấn của Ba Ngôi như là nền tảng cho chuyển động vào nội tâm, Bonaventura viết trong IT 3.1 như sau:

Hãy đi vào chính mình, sau đó sẽ thấy linh hồn yêu chính nó càng ngày càng mãnh liệt hơn; linh hồn không thể yêu chính nó trừ khi nó biết chính nó, và linh hồn không biết chính nó trừ khi nó nhớ lại chính nó. Vì trí năng của ta chỉ có thể nắm bắt những gì có trong kí ức của ta.

Linh hồn là một trung tâm độc nhất vô nhị và huyền nhiệm của cá nhân phản ánh về Thiên Chúa vì nó được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa tương ứng với 3 khả năng:

  • Ký ức
  • Ý chí
  • Trí năng

Theo cách của Au-gút-tinh, Bonaventura nói rằng 3 khả năng này của linh hồn làm cho nó trở thành hình ảnh của Ba Ngôi. Ngài chỉ ra rằng trong các chiều sâu của các khả năng của linh hồn, trong kí ức, trí năng, và ý chí, con người phản ảnh Thiên Chúa, Bonaventura nói trong IT 3,4 như sau:

Vì thế, ta thấy linh hồn gần với Thiên Chúa thế nào, và qua các hoạt động của chúng, kí ức dẫn ta đến với vĩnh cửu, trí năng dẫn đến chân lí, và khả năng chọn lựa dẫn đến đến sự thiện cao cả nhất.

Bằng cách này tạo vật phản ánh Thiên Chúa, đấng tam vị ở một mức độ sâu hơn, đó là trong con người được tạo thành theo hình ảnh của Thiên Chúa. Bonaventura đã dùng hai bộ ba của Au-gút-tinh để mô tả con người:

Kí ức Trí óc
Trí năng Trí thức
Ý chí Tình yêu

Tạo vật tri thức có trí nhớ, ý chí và trí thông minh; hay là có trí óc,sự  hiểu biết, và tình yêu; Trí óc giống như cha mẹ, sự hiểu biết giống như con cái, và tình yêu giống như mối liên kết phát xuất từ cả hai và nối kết cả hai lại với nhau. Vì trí óc không thể không yêu ngôn từ mà nó đẻ ra. Vì thế, tất cả những khả năng trên không chỉ cho thấy nguồn gốc và sự lưu xuất dẫn đến sự phân biệt giữa chúng, mà chúng còn cho thấy phẩm chất, tính đồng bản thể, không thể tách chia, từ đó chúng cho ta chứng lí về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bonaventura cho rằng con người được tạo dựng như là hình ảnh của Thiên Chúa “một sự hợp nhất về bản thể và một bộ ba của các khả năng”, và Ngài đánh giá nó như là một “hình ảnh” được xếp đặt bên trong của bản tính con người để nói lên mầu nhiệm của Ngôi Hai trong Ba Ngôi, là Chúa Con, hay Ngôi Lời của Thiên Chúa (III Sent.d.1).

Vị thế của con người như là hình ảnh của Thiên Chúa được đặt nền móng trên Ngôi Lời như là hình ảnh của Chúa Cha. Bonaventura mô tả sự xếp đặt bên trong của con người trong tương quan với Ngôi Lời như là Convenientia ordinis – nói cách khác, đó là nền tảng hữu thể học và tri thức luận về con người như là hình ảnh.

Trong mầu nhiệm Nhập thể, hình ảnh được tao dựng đuộc đổ đầy bởi Hình ảnh vĩnh cửu và mô mẫu để nhân loại có thể đạt được sự sung mãn của các khả thể của nó (IT, 6,7), như thế Bonaventura xem các “chiều sâu” của linh hồn như là mầu nhiệm của Ba Ngôi và của Đức Ki-tô. Ngài nói trong IT 3,5 rằng khi linh hồn xem xét chính mình thì linh hồn vượt lên chính nó như qua một tấm gương để nhìn thấy Ba Ngôi là Cha, Ngôi Lời và Tình yêu, ba ngôi vị đồng vĩnh cửu, bằng nhau, và đồng bản thể.

Cuối cùng khi linh hồn tiến vào trung tâm một cách gần gủi hơn, linh hồn sẽ thấy mầu nhiệm Ba Ngôi được ẩn chứa trong Đức Ki-tô, đấng là trung tâm của linh hồn, điều đó nói lên rằng “hình ảnh” là sự xếp đặt của bản tính con người theo mầu nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa.

Trong Pro.II Sent (lời mở đầu của Luận đề) Bonaventura nói rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người “tốt đẹp”  bằng cách tạo dựng nó theo hình ảnh của Ngôi Lời và hướng họ về với Thiên Chúa qua ân sủng. Trong Breviloquium 2, Ngài nói rằng toàn thể con người được Thiên Chúa tạo dựng được đặt vào trong vườn địa đàng và cho nó một tri giác lưỡng diện, bên trong và bên ngoài, gồm có trí tuệ và thân xác, và một loạt giác quan lưỡng diện, bên trong và bên ngoài, một bên là trong lí trí và một bên là trong xác thịt…

Qua con mắt xác thịt, con người có thể nhìn thấy những sự vật trong thiên nhiên, với con mắt lí trí có thể thấy sự vật bên trong, và với con mắt chiêm ngưỡng, họ có thể thấy các sự vật bên trên. Tuy nhiên, con người tự do quay lưng lại với Thiên Chúa.  Theo Bonaventura tội lỗi có nghĩa là sự thối nát ý chí của tạo vật, một sự quay lưng lại với Thiên Chúa để đến với các tạo vật khác, đi tìm chân lí và sự thiện từ các tạo vật, mà đúng ra chân lí và sự thiện chỉ thuộc về Thiên Chúa.

Thay vì “đứng thẳng” (rectus) và quay hướng về Thiên Chúa, con người lại “cúi xuống trên tạo vật” và quay đi khỏi Thiên Chúa, bị mù quáng trong tri thức, và bị đày đọa bởi chính ước muốn vị kỉ của mình. Với tội lỗi con người tự cho mình là ngang hàng với Thiên Chúa, đó là một sự chống báng lại với Ngôi Con, vì chỉ mình Ngài là hình ảnh tuyệt hảo của Cha, có tất cả phẩm tính của Thiên Chúa và ngang hàng với Cha. (II Sent d.1). Bởi vì tội lỗi nhân loại đã té ngã xuống đất ngụp lặn trong những sự vật của giác quan và cần được giúp đỡ để được nâng lên.

Trong IT 1.7 chúng ta nắm được một nét đặc sắc trong giáo thuyết của Bonaventura về tội lỗi, tội lỗi ảnh hưởng đến cả linh hồn và thể xác. Ngài xem thân xác liên quan mạnh mẽ trong việc phạm tội, vì ngay từ đầu Adam đã được ban cho một sự nhận thức tri giác lưỡng diện: cả trí óc và xác thịt. Bonaventura khẳng định trong Brev 2 rằng tội lỗi đã xẩy ra qua sự kiêu ngạo về mặt tinh thần và sự lòng tham ăn về mặt thể xác.

Vì ngay từ ban đầu thân xác vâng lời linh hồn một cách hoàn toàn, nó được tự do khỏi sự thù hận và phản kháng. Tuy nhiên, vì cùng đi song song với linh hồn, thân xác có trách nhiệm về sự sa ngã vào trong tội lỗi và đau khổ. Trong Bre 2.4 Bonaventura nói rắng thân xác có tiềm năng chết hay không chết, hoàn toàn vâng lời linh hồn hay đứng lên chống lại nó.

Từ bỏ điều thiện thật sự của linh hồn để chạy theo sự thỏa mãn vật chất, linh hồn đã bị chia tách với ước muốn phát xuất từ thân xác qua cái chết của thân xác. Vì thế, theo Bonaventura thân xác không phải là nạn nhân của sự sa đọa của linh hồn nhưng là một đối tác có trách nhiệm trong đó.

Vì tội lỗi ảnh hưởng cả thân xác lẫn linh hồn, cho nên cả hai phải lãnh nhận trách nhiệm để được chữa lành. Kết quả của sự sa ngã là lối đi ra (line of egressus) lại theo một chiều hướng hủy hoại xa cách khỏi Thiên Chúa; nhân loại nằm ngã sõng soài trên đất chìm ngập trong những sự vật của giác quan và thực sự cần được giúp đỡ để được nâng lên hầu có thể nhìn thấy chính mình như là hình ảnh của Thiên Chúa, với chân lí vĩnh cửu chiếu soi từ bên trong bản ngã của mình. Mặc dầu nhân loại té ngã xa cách sự chính trực (uprightness) , đánh mất sự công chính, đánh mất thói quen về sự công chính, nhưng không đánh mất chiều hướng hay khả năng về sự công chính.

Để giải thích về sự tái lập hình ảnh này, Bonaventura dùng hình ảnh tương trưng là cái thang. Tội lỗi của nhân loai đã làm gãy nấc thang đầu tiên nhưng Đức Ki-tô đã tái tạo nắc thang nối liền với Thiên Chúa đã bị gãy đổ đó trong chính cuộc đóng đinh của Ngài. Chính qua sự tuân phục của Đức Giê-su Ki-tô mà chuyển động đi ra ngoài (egressus) uốn theo chuyển động trở về (regressus) và chu kì một lần nữa được khép lại (Hex 1.17).

Chính qua nhân vật trung gian (persona media) của Ba Ngôi và là phương thế (medium) mà Thiên Chúa và thế giới lại gặp nhau, Đức Ki-tô đã nhận vào mình những chiều sâu thẳm của hữu hạn và gánh nặng của tội lỗi trong công cuộc Nhập thể. Bằng cách đi vào cái chết, Đức Ki-tô đem lại sự sống và tái tạo lại hình ảnh sa ngã của nhân loại trở về với sự công chính ban đầu.

Sự tái tạo mà Đức Ki-tô đem đến trong Nhập thể đáp ứng tiềm năng cao cả nhất của nhân loại là khả năng hợp nhất với thần linh (Bài giảng về Giáng sinh). Bonaventura theo tư tưởng của Au-gút-tin cho rằng trí nhớ có thể chứa đựng hay cưu mang một bản chất tâm linh, do đó nó làm cho linh hồn có thể tiếp nhận Thiên Chúa (capax Dei). Ý tưởng về linh hồn như “capax Dei” (capax có nghĩa là có thể chứa đựng, có chỗ rộng rãi) được nói đến trong I Sent:

Linh hồn là hình ảnh của Thiên Chúa qua đó nó có thể chứa đựng Thiên Chúa và có thể tham dự vào Ngài. Có thể chứa đựng không có nghĩa là Thiên Chúa ở trong bản chất của yếu tính của nó, vì như thế là Ngài hiện diện trong mỗi tạo vật, nhưng có thể chứa đựng Chúa có nghĩa là Ngài hiện diện qua sự hiểu biết và tình yêu.  Như thế Thiên Chúa có thể được nhận biết bởi các tạo vật.

Vì thế, linh hồn chứa đựng Thiên Chúa như là một đối tượng được nhận biết và được yêu mến; linh hồn đạt được Thiên Chúa trong những từng sâu thẳm của trí nhớ. Xem như thế khả năng chứa đựng Thiên Chúa của linh hồn là rất cao cả đến nỗi Bonaventura nói trong Soliloquy 1,6 rằng không một tạo vật nào thấp hơn Thiên Chúa có thể tự mình thỏa mãn khát vọng ấy. Vì thế, một con người có thể được biến đổi qua sự gặp gỡ đầy ân sủng với Thiên Chúa vì chúng ta được kêu gọi đến với Thiên Chúa một cách tức khắc.

BONAVENTURA NÓI VỀ SỰ SOI SÁNG CỦA CHÚA

Tiềm năng kết hợp với Thiên Chúa của chúng ta tương ứng với sự tương giao với Thiên Chúa qua Đức Ki-tô. Như là hình ảnh của Thiên Chúa, con người giống như một tấm gương hướng về ánh sáng tỏa lan của yếu tính thần linh. Chúng ta có thể biết Thiên Chúa với một mức độ xác thực nào đó vì chúng ta có ánh sáng thần linh trong ta.

Sự hiểu biết Thiên Chúa không phải đến với ta một cách trọn vẹn từ thế giới được tạo thành, nhưng nó được nâng đỡ bởi sự hiểu biết Thiên Chúa đã có trong linh hồn. Bonaventura nói rằng trong linh hồn có “một thứ ánh sáng không thay đổi có thể làm cho linh hồn nhớ lại chân lí không thay đổi” (IT 3,3).

Ánh sáng không thay đổi này chính là mô mẫu vĩnh cửu, và với phương tiện này chúng ta phán đoán mọi sự bao gồm cả linh hồn và các suy tư của nó. Ánh sáng không thay đổi này là cần thiết cho linh hồn để đi đến những chân lí không thể lay chuyển và vĩnh cửu. Và linh hồn làm được điều đó bằng cách ảnh hưởng trên trí năng.

Mặc dầu chân lí vĩnh cửu không phải là nền tảng hiểu biết nhân loại của linh hồn, cũng không phải là Thiên Chúa được trí năng nhận biết trong thực tại tuyệt đối, trí năng “ nhìn thấy” (contuits??? = có phải từ động từ contueor, eris, eri, tuitus sum = regarder avec grands yeux, avec attention, observer, apercevoir?) những lí do vĩnh cửu. “Contuits” nghĩa là gì theo Bonaventura? Ngài nói rằng nguyên lí của sự hiểu biết không có nghĩa là Thiên Chúa là phương tiện độc nhất hay là tối thiểu, hay toàn bộ của sự hiểu biết.

Nếu điều đó là đúng thì không có sự khác biệt giữa hiểu biết trong Lời và hiểu biết về một sự vật trong giới hạn của nó. Hơn nữa, nếu Lời là nền tảng tối thiểu và mở của sự hiểu biết, thì không có sự khác biệt giữa sự hiểu biết trong cuộc sống này và sự hiểu biết trên trời. (Christ One Teacher, 36). Đúng hơn, sự hiểu biết phát xuất trong ta qua giác quan, trí nhớ và kinh nghiệm, từ đó các phổ hữu (universal – Triết học Trung cổ) được hình thành trong ta.

Là trung tâm của linh hồn, Đức Ki-tô là vị thầy nội tâm của chân lí và là nguồn suối của sự soi sáng tâm linh, vì Ngài là mặt trời vĩnh cửu, là hình ảnh của Cha, và là sự chói lọi của vinh quang của Cha. Là nguyên mẫu và biểu lộ của Ba Ngôi Thần Linh, Đức Ki-tô là thực tại cao cả nhất có thể tự giới thiệu chính mình cho trí năng, như là một ý tưởng hay quan niệm, nhưng ở tương quan nhân vị sâu thẳm nó được thể hiện bởi tinh thần tạo thành.

Như Bonaventura nói trong 1 Sent, vì nguyên tượng (archetype = cổ mẫu) tỏ hiện ra trong một bản sao, nó được nhận biết và công nhận như là vị thầy nội tâm, khi sự thúc đẩy tâm linh đến với tuyệt đối thể (absoluteness) trong tất cả quá trình cố gắng hiểu biết được hiểu một cách đúng đắn, và chấp nhận việc vươn tới tuyệt đối như mục tiêu của sự hiểu biết (Các vấn nạn về sự Hiểu biết của Đưc Ki-tô 4).

Lời Nhập Thể là nguồn đích thực của hiểu biết, vì Ngài là Lời, đấng là suối khôn ngoan. Đối với Bonaventura, đó là khía cạnh tuyệt đối yếu tính của mầu nhiệm Đức Ki-tô. Vì tội lỗi, con người không thể đi lên cùng Thiên Chúa; vì thế Lời đã trở thành xác phàm để con người có thể được nâng lên đến ánh sáng mà con người tự nó không thể đến được (1 Tim.6.16).

Đức Ki-tô là ánh sáng thật của sự hiểu biết, đấng dạy dỗ cả bên trong và bên ngoài. Ngài là Thầy, Bonaventura nói trong bài giảng Chúa Nhát thứ ba Mùa Vọng rằng: vì “Ngài đã mặc lấy xác phàm va đứng giữa chúng ta”. Như là vị Thầy nội tâm, chỉ qua Ngài chân lí mới được biết trong sự soi sáng thần linh, Bonaventura viết trong Hex.12:

Đức Ki-tô dạy từ bên trong, để chỉ qua Ngài chân lí được nhận biết, không phải qua ngôn từ như chúng ta, nhưng qua sự soi sáng bên trong. Như thế Ngài phải có trong chính Ngài ý tưởng rõ ràng nhất về giống loài, mà Ngài không thể nhận từ ai khác. Như thế, chính Đức Ki-tô gần gủi thân thiết với mọi linh hồn và chiếu sáng bằng các phương tiện là các giống loài (hình thái) rõ ràng nhất trên những giống loài(hình thái)  mờ tối của sự hiểu biết của chúng ta. Và trong cách ấy, các giống loài (hình thái) mù tối, lẫn lộn với sự đen tối của các hình ảnh đã được chiếu sáng đến độ chúng ta có thể hiểu biết chúng. Thực vậy, nếu hiểu biết một sự vật là hiểu rằng nó không là cái gì khác nó đang là, thì tất yếu chỉ mình Ngài làm cho nó được hiểu biết vì Ngài là đấng biết chân lí và có chân lí trong chính mình.

Sự soi sáng thần linh đến từ Đức Ki-tô hướng dẫn con người đi theo con đường từ đức tin thông qua lí trí để đến chiêm ngưỡng (Một vị Thầy). Trong bài “Đức Ki-tô một vị thầy của tất cả mọi người”, Bonaventura chứng minh làm thế nào Đức Ki-tô tổng hợp cả quà tặng của khôn ngoan và quà tặng trí thức, và qua đó cho thấy những thiếu sót trong triết học của cả Platon và Aristote.

Bonaventura nói rằng Aristote đã đúng khi cho rằng sự hiểu biết của con người đến từ con đường giác quan, kí ức, và kinh nghiệm, và Bonaventura lí luận rằng Aristote đã đúng để phê bình Platon, vì Platon cho rằng tất cả trí thức đến từ thế giới các ý tưởng. Nhưng Platon đã quan niệm đúng về sự hiện hữu của các linh tượng hay các lí do vĩnh cửu của hiện hữu.

Bonaventura nói rằng cuộc hôn nhân thành công giữa lí tưởng và thực tại đã được hoàn thành qua Mai-sen trong Cựu-ước và Plao-lô trong Tân-ước và trên hết qua Đức Ki-tô vì Ngài vừa là người lữ hành vừa là người chiếm hữu (Brev. 49), và như thế Ngài chiếm hữu sự hiểu biết toàn diện về Thiên Chúa.

Đức Ki-tô cũng là thầy dạy về thế gới bên ngoài vì là hình ảnh và mô mẫu tuyệt hảo. Ngài là nền tảng cho mọi thái độ của tạo vật trước mặt Thiên Chúa. Bonaventura nói rằng sự hiểu biết đích thực có được không chỉ bằng con đường trí năng nhưng còn qua con đường của mô mẫu (gương mẫu). Bonaventura nói Đức Ki-tô là thầy dạy vì Ngài đã nhận lấy xác phàm và đứng giữa chúng ta.

Vì Đức Ki-tô là mô mẫu thần-linh-tạm-thời (trong thời gian), chính qua lời và mô mẫu, nghĩa là bằng cách bắt chước mô mẫu mà nhân loại đạt đến khôn ngoan đích thực. Vì thế, trong kiến trúc tri thức của Bonaventura, bắt chước Đức Ki-tô được đặt nền tảng trên nguyên lí siêu hình của tính mô mẫu. Trong IT 7.4, Bonaventura viết:

Đức Giê-su ở giữa những người Do-thái như là gương mẫu của sự thánh thiện vì Ngài đứng đó vì nhu cầu dạy dỗ và gương mẫu, vì gương mẫu đánh động hơn lời nói. Ngài là Đấng không ai chê trách được điều gì đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, và đã làm cho chính mình trở thành có thể bắt chước được. Đối với thế hệ chúng ta, huấn luyện và sáng tạo đi theo hình ảnh của Lời… Lời đã xuống với nhân loại chúng ta để chúng ta có thể đi theo gương mẫu của Ngài và được tái tạo qua việc bắt chước Ngài.

Vì thế, theo Bonaventura, mầu nhiệm Đức Ki-tô có nghĩa là nhân tính của Đức Ki-tô giúp ta đạt đến sự hiểu biết đích thực về Thiên Chúa. Đó là một sự hiểu biết không chỉ là khái niệm và trừu tượng nhưng là cảm nghiệm, vì sự hiểu biết này không chỉ đạt được nhờ lời nhưng còn bởi gương mẫu của Đức Ki-tô làm nền tảng cho việc bắt chước có tính chất thể lí. Hiểu biết qua việc bắt chước Đức Ki-tô dẫn đến chiêm ngưỡng đích thực Thiên Chúa; vì sự hiểu biết là một bước cần thiết trên con đường chiêm ngưỡng.

TRUNG TÂM THẦN BÍ

Khi linh hồn tiến sâu hơn vào mầu nhiệm của Lời, nó tiến gần đến trung tâm và thấy rằng mầu nhiệm Ba ngôi được tỏ hiện trong Đức Ki-tô. Linh hồn đi vào nhà tạm nơi đó hai thiên thần Kê-ru-bim (hình ảnh tượng trưng của sự hiểu biết trong IT) đối diện nhau trên Nắp Xá Tội, hình ảnh tượng trưng của của Đức Ki-tô chịu đóng đinh và là nơi chuộc tội (IT 5,1).

Các Kê-ru-bim tượng trưng hình thức cao nhất của hiểu biết, một Kê-ru-bim liên quan đến nhận thức về các phẩm tính yếu tính của Thiên Chúa, còn Kê-ru-bim kia liên quan đến các phẩm tính đặc biệt của các Ngôi vị trong Ba Ngôi. Trước hết Bonaventura chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong sự hiệp nhất yếu tính bằng cách đi vào biện chứng của hiện hữu và không-hiện-hữu, nhận ra lí chứng hữu thể của An-xen-mô về Thiên Chúa: Thiên Chúa là đấng mà không có gì cao cả hơn mà trí óc con người có thể nghĩ đến (IT 6,2).Sau đó Bonaventura nối kết nguyên lí này của An-sen-mô với lý chứng minh nhiên của Pla-tông rằng sự thiện thì tự lan tỏa. Bonaventura dùng lí chứng minh nhiên này để mô tả mầu nhiệm Ba Ngôi, như chúng ta đã khám phá, từ đó cho ta lời giải thích về nguyên mẫu của tạo dựng, cho chúng khả năng tìm dấu vết để trở về với nguồn gốc của chúng, mà không làm chúng tan biến một cách đơn nhất vào trong các tia của ánh sáng, là nguồn gốc của chúng.     

Dựa trên quan niệm về sự thiện lan tỏa, Bonaventura cho thấy làm thế nào sự tự-lan-tỏa tối thượng của thần tính cần đến sự nhiệm xuất của Con và Thánh Thần, lí luận của Bonaventura theo đường thẳng: khởi đầu với quyền tối thượng của Cha, cái giếng của mọi sự viên mãn, là nguồn gốc, và là nguồn suối. Từ sự phong nhiêu/khả năng sinh sản/khả năng sinh hoa kết trái/ nảy sinh Ba ngôi vị, từ đó sự chia sẻ và thân mật tối thượng tiếp tục lưu chảy. Bonaventura viết:

Từ sự thiện tối thượng, tất yếu phải có trong các ngôi vị sự tương giao tối thượng; từ sự tương giao tối thượng, có tính đồng bản thể tối thượng; từ đồng bản thể tối thượng, có sự đồng hình đồng dạng; và từ đồng hình đồng dạng tất yếu có tính bình đẳng tối thượng và như thế có tính vĩnh cửu tối thượng. Cuối cùng, từ những điều trên, sự thân mật qua lại tối thượng qua đó một ngôi vị tất yếu phải ở trong ngôi vị kia do sự thâm nhập vào nhau tối thượng, và ngôi vị này hành động với ngôi vị kia mà tuyệt đối không có sự sự chia tách về bản chất, quyền lực và là hoạt động của chính Ba ngôi (IT 6.2).

Và Bonaventura tiếp tục nói rằng khi đã chiêm ngưỡng các sự ấy thì đừng mắc sai lầm để nghĩ rằng bạn đã hiểu được điều không thể hiểu. Điều gây sửng sốt nhất về sự hiệp nhất thần linh này là sự “trùng hợp của các đối nghịch” một cách đồng thời qua sáu đặc tính của sự thiện tự lan tỏa. Và Ewart Cousins đã nói đến phần nhiều điều này trong cuốn sách của ông Sự trùng hợp sáng tạo của các đối nghịch:

Vì ở đây tính thông giao tối thượng đi với cá nhân tính hay các ngôi vị, đồng bản thể tối thượng đi với đa nguyên tính của các ngôi vị, đồng hình đồng dạng đi với nhân cách riêng biệt, bình đẳng tối thượng đi với cấp độ, đồng vĩnh cửu đi với lưu xuất, sự thân mật qua lại tối thượng đi với sứ mệnh (IT 6.3)

Sự trùng khớp của các đối nghịch này là cơ cấu nguyên tượng của Thiên Chúa trong mức độ sự thiện tự-lan-tỏa của Cha làm phát sinh Con và Thánh Thần. Trong khi Cha là giếng và nguồn của sự thiện và như thế là sự sản sinh toàn diện, Thánh Thần phát sinh bởi Cha và Con và như thế là sự nhận lãnh toàn diện; Con vừa là sinh ra bởi bản tính của sự thiện của Cha và cùng với Cha làm phát sinh ra Thánh Thần theo cùng một nguyên lí.

Vì thế, trong bản tính của Thiên Chúa có một sự trùng hợp của các đối nghịch: sinh sản tính và thu nhận tính. Lời, đấng trung gian của Ba Ngôi, là trung tâm của sự trùng hợp các đối nghịch vì Lời vừa nhận lãnh từ Cha và cùng với Cha phát sinh Thánh Thần (spirates??)

Như thế Bonaventura tạo nên một sự song song giữa sự trùng hợp các đối nghich trong bản tính thần linh và sự diễn tả đáng kinh ngạc hơn trong Đức Ki-tô bằng cách tập trung vào các Kê-ru-bim đang chiêm ngưỡng mầu nhiệm của các đối nghịch trong Ngôi Lời Nhập Thể:

Vì chúng ta phải kinh ngạc không chỉ trước các đặc tính yếu tính và riêng biệt của Thiên Chúa trong chính chúng nhưng còn phải so sánh với sự hợp nhất siêu kinh ngạc của Thiên Chúa và con người trong sự hợp nhất của ngôi vị Đức Ki-tô (IT 6.4)

Ở đây Bonaventura cho thấy tương quan của Ba Ngôi và Đức Ki-tô trong ánh sáng của sự trùng hợp của các đối nghịch, cơ cấu của các đối nghịch nói lên bản tính đặc biệt của Thiên Chúa. Bonaventura nói rằng nếu chúng ta kinh ngạc trước sự trùng hợp của hợp nhât và đa nguyên trong mầu nhiệm Ba Ngôi, thì chúng ta càng sửng sốt trước mầu nhiệm Đức Ki-tô.

Sau khi đã mô tả sự đối nghịch giữa hợp nhất (duy nhất) và đa nguyên trong Ba Ngôi, Ngài mời gọi ta hãy nhìn vào mầu nhiệm của Đức Ki-tô:

Nếu bạn là thiên thần Kê-ru-bim kia đang chiêm ngưỡng các phẩm tính của các ngôi vị và bạn sửng sốt nhìn vào Bia Xá Tội và bạn kinh ngạc rằng trong Đức Ki-tô có sự kết hiệp ngôi vị với bộ ba của các bản thể và bộ hai của bản tính; sự đồng thuận hoàn toàn đó có với sự đa dạng của ý chí; sự xác nhận lẫn nhau của Thiên Chúa và con người có với sự đa nguyên của các đặc tính, việc cùng thờ lạy có với sự đa dạng của sự vượt trội, sự chúc tụng vượt lên trên mọi sự có với sự đa dạng của phẩm giá; sự đồng thống trị có với sự đa dạng của quyền lực (IT 6.6)

Cái nhìn sâu sắc của Bonaventura là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của tình yêu được hiện thân trong mầu nhiệm Đức Ki-tô. Đức Ki-tô chịu đóng đinh là mầu nhiệm được ẩn dấu từ muôn đời. Bonaventura kêu gọi ta hãy chiêm ngưỡng các đối nghịch trong Đức Ki-tô, không chỉ trong thiên tính mà còn trong sự thể hiện chứng tỏ chúng là một trong Đức Ki-tô cùng với tất cả những thuộc tính của nhân tính.

Nhận diện mầu nhiệm Đức Ki-tô như là sự hiệp nhất của tất cả những đối nghich trong vũ trụ, chúng ta có các cặp sau đây:

  • Sự mênh mông với sự nhỏ bé
  • Sức mạnh với yếu đuối
  • Sự rõ ràng với tăm tối
  • Vĩnh cửu với tử vong
  • Cái khởi thủy với cái tận cùng
  • Cái cao nhất và cái thấp nhất
  • Chu vi và trung tâm
  • Alpha và Omega
  • Cái được gây nên (hậu quả) và nguyên nhân
  • Tạo hóa và tạo vật

Bonaventura chỉ ra rằng trong Đức Ki-tô chúng ta đạt đến thực tại toàn hảo. Đức Ki-tô là trung tâm điểm của tất cả tạo thành, trong Ngài có thể thấy trật tự hoàn hảo. Đức Ki-tô là sự thể hiện hoàn hảo của tiềm năng của nhân loại, và cũng là sự toàn hảo của vũ trụ. Và Đức Ki-tô như là đấng chịu đóng đinh là sự thông giao hoàn hảo của tình yêu Thiên Chúa. Vì vậy chỉ trong sự kết hợp với Đức Ki-tô, và trên hết là với Đức Ki-tô chịu đóng đinh, mà nhân loại chúng ta có thể chiêm ngưỡng sự toàn hảo và trở về với Thiên Chúa.

                                                                (Chuyển ngữ: Paul Vinh, OFM)

———————

[1] Giáo Trình Triết Học Phan Sinh. Học Viện Phanxiccô, Thủ Đức, 2021.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here