THỜI CÁC TÔNG ĐỒ – CHƯƠNG MỘT

0
1376

THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phan Tấn Thành

———————

Nhập đề

Chương Một: BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Mục 1. Bối cảnh tôn giáo

Mục 2. Bối cảnh chính trị

Chương Hai: NHỮNG NGUỒN SỬ LIỆU VỀ HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Các tác phẩm của Phaolô

Mục 2. Tông đồ Công vụ

Mục 3. Các tác phẩm còn lại của Tân ước

Chương Ba: SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA KITÔ GIÁO

Mục 1. Hoạt động của các tông đồ

Mục 2. Sự bành trướng của Kitô giáo

Chương Bốn: TỔ CHỨC NỘI BỘ CỦA HỘI THÁNH TIÊN KHỞI

Mục 1. Những yếu tố cấu thành Hội thánh

Mục 2. Các dịch vụ trong Hội thánh

Mục 3. Sự hình thành những cơ quan điều khiển cộng đoàn

Mục 4. Linh ân và đặc sủng

Mục 5. Hội thánh duy nhất và đa dạng

Mục 6. Những lục đục trong cộng đoàn

Chương Năm: HIỆP THÔNG TRONG NIỀM TIN

Mục 1. Các hình thức giảng thuyết

Mục 2. Giáo huấn của thánh Phaolô

Mục 3. Giáo huấn của thánh Gioan

Chương Sáu: ĐỒNG TÂM CẦU NGUYỆN

Mục 1. Đời sống cầu nguyện của các Kitô hữu tiên khởi

Mục 2. Các bí tích

Mục 3. Các hành vi phụng tự khác

Chương Bảy: DUY TRÌ MỐI DÂY YÊU THƯƠNG

Mục 1. Giáo huấn luân lý của thánh Phaolô

Mục 2. Con người với Thiên Chúa

Mục 3. Đời sống gia đình và xã hội

Kết Luận: QUY CHUẨN CỦA THỜI CÁC TÔNG ĐỒ

Phụ Lục

Tiểu sử các thánh tông đồ

———————

Nhập để

—————

Chương Một

BỐI CẢNH TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ
CỦA ĐẾ QUỐC RÔMA

Trong thời gian thi hành sứ vụ, Đức Giêsu giới hạn khu vực hoạt động của mình trong vùng Galilê và Giuđêa. Sau khi sống lại, Người đã sai các môn đệ mang Tin mừng cho đến tận cùng trái đất. Trên thực tế, vào thời các thánh tông đồ, khu vực rao giang Phúc âm được giới hạn trong khu vực chung quanh Địa trung hải; một cách cụ thể hơn, trong chu vi của đế quốc Rôma. Nói tới đế quốc Rôma, chúng ta không thể chỉ nghĩ tới địa bàn hoạt động, nhưng còn phải nghĩ tới cả một thế giới tư tưởng triết học tôn giáo cũng như những thể chế chính trị luật pháp. Toàn bộ khung cảnh này đã ảnh hưởng không ít tới các tư tưởng thần học cũng như các định chế phụng tự và tổ chức của Kitô giáo sơ khởi.

Mục 1. BỐI CẢNH TÔN GIÁO

I. Đạo Do thái

Các môn đệ đầu tiên của Đức Kitô là người Do thái. Cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên tại Giêrusalem hầu như gồm toàn người Do thái. Trên đường truyền giáo, các thánh tông đồ, đặc biệt là thánh Phaolô, thường tìm đến người Do thái để giảng đạo cho họ.

Khi nói tới đạo Do thái, chúng ta không thể nào tách rời yếu tố chủng tộc ra khỏi yếu tố tôn giáo. Toàn thể dân tộc Do thái đều theo một tôn giáo duy nhất, tôn giáo dựa trên mặc khải của Thiên Chúa. Tuy nhiên, khi bàn về khung cảnh tôn giáo tại Palestina vào thời Chúa Giêsu, chúng ta đã nhận thấy rằng tuy tôn giáo này được thống nhất bởi vì dựa trên một giao ước duy nhất và một đền thờ duy nhất ở Giêrusalem, nhưng trong nội bộ của họ cũng có những trào lưu đạo lý khác nhau (chẳng hạn giữa nhóm Pharisêu và nhóm Sađuxê), và thậm chí có những nhóm ly khai (như nhóm Essêniô ở Qumran và nhóm Samari). Ngoài ra, còn có sự khác biệt tư tưởng giữa những người Do thái ở trong nước với những người sinh sống tại nước ngoài (những người này vốn quen chung đụng với các trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác).

Chúng ta có thể giả thiết rằng các Kitô hữu đầu tiên gốc Do thái gồm đủ các thành phần khác biệt vừa nói. Hơn thế nữa, lúc đầu các Kitô hữu vẫn còn lui tới các nơi thờ phượng (đền thờ, hội đường) của đạo Do thái. Có lẽ người ta chỉ coi các Kitô hữu như là một phái mới, (cũng tương tự như phái Pharisêu) giữa lòng đạo Do thái mà thôi. Một điều chắc là nhà cầm quyền Rôma đã đồng hoá các môn đệ của Đức Kitô với các tín đồ Do thái, chịu chung một chế độ pháp luật (xc. Cv 18,2; 24,14)

Dần dần, các Kitô hữu kết nạp cả dân ngoại nữa.[1] Dĩ nhiên, đối với người Do thái thì họ là người ngoại. Trên thực tế thì các người ngoại cũng theo một tín ngưỡng nào đó, chứ không phải là vô thần. Với dòng thời gian, con số các tín hữu thuộc dân ngoại càng tăng và lấn hẳn con số tín hữu gốc Do thái, đến nỗi đã tách rời hẳn ra khỏi Do thái giáo bởi vì họ ý thức rằng Kitô giáo là một tôn giáo mới.

Tưởng cũng nên biết là các người Do thái thời đó cũng đã thu nhận dân ngoại vào hàng ngũ của mình, gọi là các “tân tòng” (proselyti). Họ là những người bị thu hút bởi lòng tin vào một Thiên Chúa duy nhất và bởi luân lý của Do thái. Nếu họ không chịu cắt bì và nhập tịch vào dân Do thái thì được gọi là “những người kính sợ Chúa” (timorati). Ngoài ra, người Do thái cư ngụ ở nước ngoài cũng có thái độ cởi mở đối với các nen triết học Hy lạp. Cuộc đối thoại văn hoá đã diễn ra từ vài thế kỷ trước Công nguyên tại Alexanđria (Ai cập), không những qua việc dịch Sách thánh sang tiếng Hy lạp mà còn qua việc du nhập vào bộ Sách thánh những tác phẩm nguyên gốc bằng tiếng Hy lạp.

Khi đọc các tác phẩm của Tân ước, ta thấy mối liên hệ giữa Kitô giáo với Do thái giáo đã đặt ra nhiều vấn đề.

  1. Cuộc tranh luận sôi nổi hơn cả là: các người dân ngoại gia nhập Kitô giáo có phải tuân giữ các giới luật của Do thái giáo hay không? Vấn đề này đã đưa đến Hội nghị Giêrusalem (được nhiều sử gia coi như là công đồng đầu tiên của Giáo hội), mà sách Tông đồ Công vụ kể lại ở chương 15. Chung ta biết rằng thánh Phaolô chủ trương rằng các người thuộc dân ngoại không cần phải gia nhập Do thái giáo (điển hình qua việc cắt bì) để có thể trở thành tín đồ của Đức Kitô. Lập trường của thánh Phaolô còn được quảng diễn trong các thư Galát và Rôma, nhấn mạnh đến việc con người được nên công chính nhờ đức tin vào Đức Kitô chứ không phải là nhờ việc tuân giữ luật Môsê.
  2. Như vậy xem ra thánh Phaolô là nhân vật chủ chốt trong việc tách rời các Kitô hữu thuộc dân ngoại ra khỏi Do thái giáo. Sự thực thì không đơn giản như vậy. Thánh Phaolô hãnh diện về nguồn gốc Do thái của mình. Trên đường truyền giáo, thánh Phaolô luôn tìm đến các hội đường Do thái, nơi họ tụ họp ngày sabát, để thuyết giảng cho họ về ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thực hiện nhằm hoàn tất những lời hứa với các tổ phụ. Mặc dù những lần thuyết pháp đó không đưa lại kết quả mong muốn, khiến cho thánh Phaolô đành phải quay sang việc truyền giáo cho dân ngoại, nhưng ngài vẫn tin rằng một ngày nào đó người Do thái và dân ngoại sẽ đoàn tụ thành một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa (Rm 11,25-29). Dù sao không thể nao chối được ảnh hưởng của Do thái giáo đối với đạo lý, phụng vụ, đời sống kỷ luật của Kitô giáo, như sẽ thấy ở những chương sau. Ở đây chỉ xin ghi nhận sơ lược vài điểm.

– Kitô giáo thừa hưởng từ Do thái giáo toàn bộ Sách thánh (nay gọi là Cựu ước). Đồng thời, các thánh tông đồ cũng áp dụng các phương pháp giải thích Kinh thánh của các rabbi. Ngoài ra, các trào lưu khải huyền cũng để lại dấu vết trên các sách Tân ước.

– Các thánh tông đồ, cách riêng là Phaolô, cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của Do thái giáo trong thái độ đối xử với người ngoại đạo. Tuy dù người Do thái ý thức rằng Thiên Chúa đã tuyển chọn họ làm Dân riêng của Chúa, nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi các dân tộc khác. Thiên Chúa yêu thương hết mọi loài người đã dựng nên, và đã an bài xếp đặt cho họ nhận biết và yêu mến Người. Vài tác giả trong Cựu ước nhìn nhận rằng Thiên Chúa đã mặc khải cho muôn dân qua tiếng nói lương tâm, qua cảnh vật diệu huyền, qua các nền triết học. Vào thời Đức Giêsu, ông Philô bên Alexanđria (sinh khoảng năm 25 và 13 tCN) đã cố gắng kết hợp Kinh thánh với Đấng Khôn ngoan của Hy lạp. Thanh Phaolô đã có dịp trình bày sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các dân tộc khi diễn giảng tại Lystra (Cv 14,15-17) và tại Athen (Cv 17,23-31).

  1. Sau cùng, thiết tưởng cũng nên nói thêm về tình hình chính trị và tôn giáo tại Palestine vào thời các tông đồ.

Trong suốt cuộc đời Đức Giêsu, vùng Galilê ở dưới quyền vua Hêrôđê Antipa (4 tCN đến 39 CN; thực ra thì ông chỉ là vương hầu, nhưng cứ tự phong là vua). Năm 39 ông ta bị hoàng đế Caligola (của Rôma) bắt đi đày. Sau đó Tân ước còn nói tới hai vua Hêrôđê khác: Hêrôđê Agrippa I (cháu của Hêrôđê Cả), người đã ra lệnh giết tông đồ Giacôbê vào năm 42 (Cv 12,1-3); nhưng một thời gian sau, ông ta cũng chết bất ưng (Cv 12,22-23), vào năm 44. Con ông là Hêrôđê Agrippa II còn trẻ nên không kế nghiệp ngay, nhưng còn phải chờ một thời gian. Khi bị bắt giam tại Cêsarêa, ông Phaolô đã có dịp đối chất với vua Agrippa II (Cv 25,13-26.32). Có thể vua này luôn trung thành với đế quốc Rôma, và vẫn còn tiếp tục ngự trị cho đến hết thế kỷ I, kể cả sau khi đền thờ bị triệt hạ.

Đây là một biến cố đen tối nhất của dân tộc Do thái. Các mầm mống nổi loạn đã có từ lau rồi, nhất là do nhóm Zêlôt nhen nhúm. Ngọn lửa bốc cháy vào năm 66, khi tổng trấn Gessius Flôrus lấy trộm 66 nén vàng khỏi kho bạc của đền thờ. Người Do thái chế diễu bằng cách tổ chức một cuộc lạc quyên để giúp đơ tổng trấn đang túng tiền. Ông ta nổi giận, đem quân đội tiến vào thủ đô và bắt mọi người phải ra nghênh đón; nhưng đồng thời, để hạ nhục họ, ông ta ra lệnh cho quân sĩ không chào đáp lễ. Nhân dân căm phẫn, đã khởi nghĩa. Lúc đầu, quân Rôma thua, và rút về Siria. Như vết dầu loang, từ Giêrusalem, cuộc khởi nghĩa lan ra cả miền Galilê. Dân Do thái xây dựng các pháo đài để chuẩn bị cuộc kháng chiến. Quả thực, hoàng đế Nêrô đã cử tướng Vespanianô và con là Titô qua bình định Palestina. Vùng Galilê đã sớm thất thủ và đầu hàng vào năm 67. Nhưng mãi tới năm 69 miền Giuđêa mới được tái chiếm. Lý do của việc chần chừ này là vì hoàng đế Nêrô bị ám sát vao năm 68, và tại thủ đô lần lượt ba tướng quân lên ngôi thanh toán lẫn nhau. Tướng Vespanianô được quân sĩ tại Palêstina tung hô làm hoàng đế, và ông ta trở về Rôma, trao lại vai trò chỉ huy mặt trận cho ông Titô. Sau hai năm vây hãm, ngày 10 tháng 8 năm 70, quân đội Rôma mới tiến vào thủ đô Giêrusalem. Không hiểu ai đã châm lửa đốt rụi đền thờ, mặc dù đã có lệnh ngăn cấm của ông Titô. Viên tướng này chỉ kịp cứu được cây đèn 7 ngọn và bàn thờ bằng vàng để mang về Rôma (cùng với các tướng giặc) làm chiến lợi phẩm.

Sau khi đền thờ bị phá hủy, giới tư tế và Sađuxê coi như cũng mất vị thế. Việc lãnh đạo tôn giáo được chuyển sang các kinh sư và Phariseu. Nên biết là nhóm Pharisêu không ủng hộ cuộc nổi dậy của nhóm Zêlôt. Dưới sự lãnh đạo của ông Yokhanan Ben Zakkai, họ rút về Giamnia (Javne), gần Giaffa, và tụ họp thành Thượng Hội đồng mới (gồm 72 rabbi). Họ sáng che phụng tự mới trong các hội đường để thay thế cho phụng tự trong đền thờ. Họ cũng chuyển các lưu truyền thành tác phẩm, và xác định bộ quy điển Kinh thánh.

Sự sụp đổ đền thờ có hậu quả không nhỏ đối với mối liên lạc giữa Do thái giáo với Kitô giáo. Như đã nói trên đây, lúc đầu các Kitô hữu còn lui tới đền thờ để tham dự các lễ nghi cổ truyền. Sau khi đền thờ bị tàn phá, phụng vụ được chuyển sang các hội đường. Nhóm Pharisêu muốn xác định đạo lý, loại trừ hết các phe nhóm “lạc giáo” (minim), nghĩa là không thuộc nhóm Pharisêu. Dĩ nhiên là các Kitô hữu bị xếp vào hạng này. Việc trục xuất các Kitô hữu khỏi các hội đường được phản ánh ở vài đoạn trong Phúc âm thứ tư (chương 9,35; 12,42; 16,2).

Theo tục truyền, các Kitô hữu (gốc Do thái) đã rời bỏ Giêrusalem trước khi thành phố bị bao vây. Họ bị đồng bào ghép vào hạng phản động bởi vì đã không tham gia kháng chiến. Theo sử gia Eusêbiô (Historia Ecclesiastica 4.5.3), sau khi thành phố bị tàn phá, họ đã quay trở về, họp thành một cộng đoàn do Simêon (con ông Clêopha) làm giám mục, cho đến khi ông này chịu tử đạo vào năm 107. Có người coi ông Simêon này là “người anh em của Chúa Giêsu” (theo Mc 6,3). Sau ông Simêon, Eusêbiô còn ghi lại danh sách của 13 giám mục nữa cho đến thời hoàng đế Hađrianus.[2]

II. Các tín ngưỡng trong đế quốc Rôma

Trên đường truyền giáo, các thánh tông đồ đã gặp các tín đồ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo này là những thửa đất đã dọn sẵn để đón nhận Tin mừng, hay là những đá sỏi cản trở Tin mừng? Câu trả lời không đơn giản. Một đàng, phải nhận rằng tình trạng tôn giáo thời đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho việc đón nhận Tin mừng: họ đang khao khát một Đấng Cứu tinh. Đàng khác, Tin mừng của Đức Kitô có nhiều điểm trái ngược với tín ngưỡng cổ truyền, vì thế không thể chấp nhận được. Chúng ta có thể lấy một thí dụ của ông Phaolô tại Athen. Thánh tông đồ nhìn thấy các tôn giáo tại đây là cửa ngõ dẫn đến Tin mừng. Các tín đồ chăm chú theo dõi diễn văn của Phaolô. Thế nhưng khi đụng tới chuyện thân xác con người sống lại thì họ đứng lên ra về, vì cho rằng ông Phaolô nói nhảm! Lý do tại vì theo họ, thân xác là nhà tù của linh hồn: muốn được hạnh phúc, linh hồn can phải được giải thoát khỏi thân xác. Như vậy nếu thân xác được sống lại thì con người sẽ chỉ thêm khổ chứ đâu có được sung sướng gì? Tại Êphêxô, ông Phaolô gặp một sự chống đối khác của các tôn giáo, nhưng lần này không phải vì lý do đạo lý mà vì lý do kinh tế. Khi thấy các tín đồ bị lôi cuốn bởi lời giảng của ông Phaolô, các người thợ bạc đúc tượng thần Arthêmi lo sẽ bị thất nghiệp nên đã sách động quần chúng để trục xuất ông (Cv 19,27). Một vấn đề nữa mà thánh Phaolô phải giải quyết cho các tín hữu tại Côrintô là việc tham dự vào các buổi cúng tế (chương 8,1-12; chương 10,14-29).

Dù sao, khi nghiên cứu các tôn giáo trong đế quốc Rôma, các sử gia không chỉ lưu ý tới vấn đề tìm hiểu xem các tôn giáo ấy đã chuẩn bị cho các tín đồ hay là gây trở ngại cho việc đón nhận Kitô giáo, nhưng còn muốn phân tích ảnh hưởng của chúng đối với cách diễn tả đức tin, phụng tư, luân lý của Kitô giáo nữa. Ở đây, chúng tôi xin giới hạn vào việc giới thiệu sơ lược các tín ngưỡng, còn vấn đề ảnh hưởng thì sẽ được bàn tới trong các chương khác.

A. Các thần linh địa phương

Trong toàn cõi đế quốc Rôma rộng lớn, người ta ghi nhận có rất nhiều thần linh khác nhau. Ngay từ trước kỷ nguyên Kitô giáo, nhờ những cuộc giao dịch thương mại, chính trị quân sự, các vị thần linh của một địa phương đôi khi cũng được xuất cảng sang vùng khác, hay được tập trung vào những “Đền Vạn thần” (Panthêon). Nhiều khi những lần chuyển dịch cũng làm biến thái bản chất của một thần linh: từ biểu tượng động vật sang biểu tượng hình nhân, hoặc từ nam thần sang nữ thần, hoặc từ hung thần sang hộ thần.[3]

Thực ra, từ mấy thế kỷ trước Kitô giáo, đã có nhiều triết gia Hy lạp chế diễu các thần, bởi vì họ nhận thấy nhiều vị thần chẳng qua chỉ là các hiện tượng thiên nhiên khiến cho con người khiếp sợ (Jupiter, Thần Sấm sét; Posêiđôn, thần Bão táp), hoặc chỉ là sự phóng dọi các bản năng của con người (Aphrođitê: thần ái tình; Mars: thần chiến tranh; các bợm nhậu thì thờ thần Điônisiô). Tuy nhiên, những tư tưởng đó không gây ảnh hưởng trong đám bình dân. Sách Tông đồ Công vụ kể lại người dân tại Lystra sau khi thấy ông Phaolô chữa một người bại chân thì liền nghĩ tới chuyện thần linh giáng thế, và tôn ông là than Hermes (Cv 14,11-12).

B. Quốc giáo

Tại xã hội thời cổ, tôn giáo không những chỉ mang lại cho con người những giải đáp cho vấn đề nhân sinh, mà còn là yếu tố liên kết nhân dân nữa. Tôn giáo là biểu tượng của sự đoàn kết xã hội. Điều này quá rõ đối với dân tộc Do thái, nơi mà sự sống còn của dân tộc gắn liền với việc tôn thờ Thiên Chúa và tuân giữ giao ước.

Tại các đô thị của Hy lạp, người ta cũng nhận thấy hiện tượng tương tự. Đành rằng mỗi người có quyền tự do thờ phượng vị thần nào mà mình tin tưởng, nhưng các thành phố xây dựng một ngôi đền cho vị thành hoàng. Đến ngày lễ hội của vị này tất cả các công dân có nghĩa vụ tham dự để cầu cho quốc thái dân an (thí dụ: thần Dionysos và Athêna ở thành phố Athen, thần Zeus ở Olympia, thần Apollô ở Đelôs, thần Artêmiđê ở Êphêxô).

Hiện tượng như vậy cũng xảy ra trong đế quốc Rôma. Nhà cầm quyền tôn trọng tín ngưỡng của mỗi địa phương, và sẵn sàng xây cất một ngôi đền Vạn thần tại thủ đô. Đồng thời, nhà cầm quyền yêu sách phải tuân giữ một nghi lễ dành cho Hoàng đế được phong thần: nghi lễ này là biểu tượng của sự thống nhất trong đế quốc cũng như của quyền lực của Hoàng đế. Việc phong thần cho nhà Vua bắt nguồn từ Ai cập (các Pharaon), rồi lan sang Hy lạp (Hoàng đế Alêxanđrô đã tự ví như Con Trời). Các hoàng đế Rôma mang tước hiệu là “Cứu tinh”, “Đại ân nhân”, bởi vì họ đã mang lại an bình thịnh trị cho thế giới. Hoàng đế Octaviô (63 tCN – 14 CN), sau khi đã chấp nhận cho Cêsarê được phong làm thần (Divus), thì cũng được hưởng tước “Thiên tử” (Imperator Caesaris Divi Filius), và “Đại tư tế” (Pontifex Maximus: năm 12 CN). Hoàng đế Nêrô đã cho tạc hình trên các đồng tiền như là thần Apollô. Hoàng đế Đômitianô đã thảo các chiếu chỉ với lời mở đầu như sau: “Đức Chúa chúng ta truyền như sau”, và cho dựng tượng của mình tại trung tâm các thành phố lớn. Trước đây các người Do thái đã gặp khó khăn khi phải tham dự vào các buổi tế tự công cộng; họ xin được miễn chuẩn, và thay thế bằng hy lễ dâng tại đền thờ Giêrusalem để cầu nguyện cho Hoàng đế. Lúc đầu, khi các Kitô hữu còn bị đồng hóa như là một nhóm của Do thái giáo thì cũng được hưởng đặc ân nói trên; nhưng đến khi họ tách ra thành một cộng đoàn riêng thì không còn được miễn chuẩn nữa. Dĩ nhiên là các Kitô hữu không chịu tùng phục luật này, bởi vì họ tuyên xưng rằng duy chỉ một mình Đức Kitô mới là “Vua các vua, Chúa các chúa”, như ta đọc thấy trong sách Khải huyền (17,14; 19,16).

C. Chiêm tinh bói toán

Khoa chiêm tinh bói toán bắt nguồn từ Babilônia (Calđê) và lan tràn khắp cả đế quốc. Người ta tin rằng số mệnh con người đã được quyết định trên các hành tinh và ngôi sao. Không phải các nhóm bình dân dốt nát mà ngay cả các tầng lớp thượng lưu cũng tin theo tướng số. Thậm chí hoàng đế Tibêriô lơ là việc cúng tế các thần linh bởi vì chẳng thấy ích lợi gì nữa, xét vì mọi sự việc đã được định đoạt đâu vào đấy trên các tinh tú rồi. Bởi vậy, nhiều hoàng đế và tướng lãnh trước khi xuất trận, thay vì dâng lễ tế cầu khẩn thần linh phù hộ, thì tìm cách giải sấm, đoán điềm. Nên biết là số mệnh có lúc cũng được kính như thần linh: thần May (Hên: Tychê, Fortuna), thần Xui (Rủi: Heimarmênê, Fatum).

D. Các tôn giáo huyền bí

Giữa lúc con người sắp rơi vào tuyệt vọng trước số mệnh khắc nghiệt phũ phàng, thì may thay họ tìm được một lối thoát do các tôn giáo huyền bí mang lại. Theo nguyên ngữ, các “huyền nhiệm” (mystêria) chỉ có nghĩa là nghi thức tôn giáo; tuy nhiên, trong các tôn giáo huyền bí, thì nó ám chỉ các nghi thức bí mật, chỉ hé mở cho những ai đã khai tâm nhập đạo.

Các tôn giáo huyền bí mang nhiều hình dạng khác nhau tùy theo từng vùng, nhưng đồng thời cũng dễ lan tràn sang vùng khác: đạo Eleusis bên Hy lạp, đạo Điônisiô gốc từ Traxia, đạo Isiđis và Osiriđê từ Ai cập; các đạo ấy đều để lại dau tích tại Rôma.

Một yếu tố chung của các tôn giáo này là niềm tin vào một vị thần đã chết và sống lại. Người tín đồ có thể kết hợp với vị thần đó nhờ lễ nghi “khai tâm” (initiatio), mang lại bảo đảm cho sự trường sinh bất tử. Nhờ sự che chở của vị thần đó, tín đồ hy vọng thoát khỏi định mệnh khắc nghiệt của vũ trụ dưới quyền điều khiển của ma quỷ. Chẳng hạn như đạo thờ Mitra (thần Mặt trời, gốc từ Ba tư) đã giới thiệu vị thần này như là vị cứu tinh có khả năng giải thoát con người khỏi vòng kiềm toả của các tinh tú.

Cũng nên biết là các tôn giáo này không được bành trướng rộng lớn. Các tín đồ bao gồm hạng thượng lưu, học thức. Đám bình dân hầu như không thể nào gia nhập các tôn giáo này: một phần bởi vì họ không đủ kiến thức để thấu hiểu các đạo lý huyền nhiệm, một phần vì họ không đủ tiền để trả lệ phí ghi danh. Mặt khác, nhiều môn phái đã từ chối không chấp nhận nữ giới làm hội viên.

Những tầng lớp không được thu nhận vào các tôn giáo huyền bí thì còn cách là tìm về ma thuật bùa chú để tìm sự che chở.

E. Phái ngộ đạo

Thực mà khó xếp phái này vào hàng tôn giáo hay triết thuyết. Theo nguyên ngữ “ngộ giáo” (gnosis) có nghĩa là sự hiểu biết, quán thông. Nó có liên hệ với các tôn giáo huyền bí, bởi vì chủ trương rằng nhờ việc tham dự vào các lễ nghi huyền bí mà con người đạt tới sự thông hiểu các điều bí nhiệm.

Mặt khác, phái ngộ đạo chịu ảnh hưởng của triết thuyết nhị nguyên, đối lập giữa tinh thần và vật chất, giữa linh hồn và xác thể. Sự đối lập đó dựa trên một giả thuyết về sự sa đoạ vào hồi nguyên thủy. Vào hồi khởi nguyên, con người sống trên trời, nhưng vì sa ngã cho nên bị ném xuống trần gian, bị tan vỡ thành trăm mảnh. Các ma quỷ đã thâu gom các mảnh vụn đó, ghép lại thành vũ trụ hỗn mang. Các yếu to tinh thể (gọi là linh hồn) tuy phải sống dưới sự cương tỏa của ma quỷ nhưng vẫn khát vọng được trở về thiên giới. Từ thiên cung Thượng đế cảm thấy thương xót các tàn đóm đang bị tù đày trong chất thể, nên đã sai một vị Cứu tinh xuống trần để giao tranh với ma quỷ, và sau đó lại trở về trời. Nhờ đó mà các sinh linh bị tù đày có cơ may sẽ được giải thoát. Sự giải thoát có thể thành tựu nhờ sự “giác ngộ” (từ đó gọi là ngộ đạo). Mặc dù phải chờ tới thế kỷ II ta mới thấy tác phẩm đề xuất phong trào ngộ đạo, nhưng vào thời các tông đồ, các tôn giáo huyền bí đã khai sinh cho tư tưởng này. Điểm tích cực của các tôn giáo này là sự trông mong một Đấng cứu tinh giải thoát con người khỏi quyền lực của tăm tối.

Vào thế kỷ I CN, phái Ngộ đạo chỉ mới chớm nở cách riêng là bên Tiểu Á. Các tác phẩm của thánh Gioan tông đồ đã cảnh giác các tín hữu về nguy cơ này (xc. 1Ga 2,18-19.22; 4,1-13; 2Ga 7-11. Phe Nicôla nói ở Kh 2,14-15.20-24 có khuynh hướng ngộ đạo).

III. Các triết thuyết

Lãnh thổ của đế quốc Rôma bao trùm một vùng chịu ảnh hưởng của các triết thuyết Hy lạp: Plato, Aristote. Tuy nhiên, thế kỷ I của Công nguyên không nổi bật bởi những suy tư siêu hình cho bằng bởi các học thuyết về luân lý, trong số đó ta phải kể tới phái Stoa và phái Epicuriô mà thánh Phaolô đã gặp tại Athen (Cv 17,18).

1) Phái Stoa là những đồ đệ của ông Zênôn Ciziô (k. 336-263 tCN), đề cao tình huynh đệ đại đồng và sự tu thân tích đức. Vào thế kỷ thứ nhất của CN, một hiền triết nổi tiếng tại Rôma là ông Seneca (4 tCN – 65 CN) thuộc phái Stoa. Nói chung, các đồ đệ của phái Stoa tuân giữ nếp sống khắc khổ; họ tỏ ra siêu thoát, không dính bén với tiền tài thế lực. Họ sinh sống bằng việc làm thủ công. Không thiếu sử gia cho rằng phái Stoa đã chuẩn bị lòng người để đón nhận tinh thần bác ái Kitô giáo. Trong diễn từ tại Athen, ông Phaolô đã trích dẫn tư tưởng của một triết gia Stoa. Chắc là những khái niệm “lương tâm, luật tự nhiên, sự bình đẳng giữa hết mọi người” gặp trong các thư của Phaolô bắt nguồn từ nhóm Stoa.

2) Phái Epicurio (341-270 tCN) cũng khuyến khích các đồ đệ của mình hãy từ bỏ thế sự, tìm cảnh an nhàn và hưởng cảnh vui thú. Cần biết là họ không chủ trương hưởng lạc phóng túng, bởi vì họ biết rằng hạnh phúc đích thực thuộc về lãnh vực tinh thần (bằng việc rèn luyện nhân đức). Dù vậy, họ rất dễ bị hiểu lầm, bởi vì họ nghĩ rằng hạnh phúc hoặc là chỉ có ở đời này hay là sẽ không bao giờ có, chứ ho không tin một thứ hạnh phúc dành riêng cho linh hồn sau khi qua đời.[4] Epicuriô cũng không tin rằng các thần thánh có tác dụng đối với cuộc sống con người. Không lạ gì mà nhiều người đồng hoá thuyết này với nhóm hưởng lạc duy vật, tuy rằng gán ghép như vậy là oan uổng!

Mục 2. BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ

Khung cảnh tôn giáo và văn hoá trong đế quốc Rôma tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho việc rao giảng Tin mừng, cụ thể là lòng mong đợi một Đấng cứu tinh mang lại giải đáp cho bao nhiêu nỗi khắc khoải của con người đứng trước định mệnh.

Khung cảnh chính trị cũng là một nhân tố thuận tiện không kém. Khi nói tới bối cảnh chính trị của đế quốc Rôma, chúng ta thường gắn liền với các cuộc bắt đạo kéo dài hơn hai thế kỷ. Chúng ta sẽ có dịp xét tới các lý do đưa tới cuộc bách hại đó. Dù sao chúng ta cần mở rộng tầm nhìn. Đã hơn một lần, có người đã nêu câu hỏi: giả như các thánh tông đồ xoay kim địa bàn đi sang truyền bá Phúc âm bên Ấn độ và Trung quốc thay vì đi Rôma thì bộ mặt Kitô giáo ngày nay sẽ như thế nào? Và câu trả lời mà người ta muốn tới là: Kitô giáo sẽ chú trọng vào “tâm” (giống như Ấn giáo, Phật giáo), hơn là vào tín điều đạo lý, thể chế phụng tự và quản trị! Dù vậy, ta cũng có thể lật ngược lại vấn đề và tự hỏi: tại sao các thánh tông đồ lại sang Rôma thay vì sang Ấn độ? Đừng kể đường loi của Thiên Chúa vượt quá tầm suy luận của con người, chúng ta có thể tìm câu giải đáp khá đơn giản như thế này: đó là tại vì thuận buồm xuôi gió! Trong thế kỷ I của Kitô giáo, đế quốc Rôma đang được hưởng một nền thai bình (pax romana), tuy dù đó đây thỉnh thoảng cũng có những cuộc nổi dậy dành độc lập. Cảnh thái bình ấy được kèm theo hệ thống giao thông và thương mại rộng lớn. Các đường sá nối liền thủ đô Rôma tới những miền xa xôi hẻo lánh. An ninh được bảo đảm dọc theo các lộ trình đó, tạo hoàn cảnh thuận tiện cho việc giao lưu về nhân sự, tư tưởng văn hoá cũng như sản phẩm kinh tế. Một nhân tố khá quan trọng nữa là ngôn ngữ. Mặc dầu thủ đô chính trị của đế quốc đặt tại Rôma, nhưng ngôn ngữ thông dụng để giao dịch lại là tiếng Hy lạp phổ thông (gọi là koine), vốn được lưu hành tại Hy lạp, Ai cập, Siria và thâm nhập vào Italia nhờ các thương gia và nô lệ. Nhà cầm quyền Rôma không ngại học ngôn ngữ này, không những vì thấy hữu dụng cho việc giao dịch mà còn vì muốn nghiên cứu các tư tưởng triết học của Hy lạp. Xét về mặt truyền giáo, các thánh tông đồ và các cộng sự viên chỉ cần học biết một ngôn ngữ thì đã đủ hy vọng rằng nhân dân sống trên lãnh thổ đế quốc sẽ hiểu được. Như đã biết, các tác phẩm Tân ước được viết bằng tiếng Hy lạp.

Như vậy, khung cảnh chính trị xã hội của đế quốc Rôma tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá Tin mừng. Tuy vậy, không nên bỏ qua những nghịch cảnh. Ngoài việc bó buộc phải tham dự các lễ nghi công cộng để tôn kính Hoàng đế như thần linh, các Kitô hữu cũng chia sẻ những thảm trạng luân lý xã hội thời đó: sưu thuế, chế độ nô lệ… Xem ra bức tranh luân lý mà thánh Phaolô mô tả trong chương 1 của thư gửi Rôma (Rm 1,18-32) phản ánh tác phong suy đồi của thời đại.

Sau cùng, khi bàn về mặt chính trị, ngoài những cuộc khởi nghĩa ở các miền biên cương, cũng nên nhắc đến những chính biến xảy ra ngay tại triều đình. Thiết tưởng không phải là thừa khi điểm qua danh tánh các Hoàng đế Rôma trong thế kỷ thư nhất của kỷ nguyên Kitô giáo.

Khi Đức Giêsu ra đời, thì đế quốc ở dưới thời cai trị của hoàng đế Octavianus. Ông ta lên ngôi từ năm 27 tCN, với tước hiệu dành cho thần linh là Augustus (cao vời), và 15 năm sau lại thêm tươc hiệu Pontifex Maximus (Thượng tế), cộng thêm tước hiệu Pater patriae (Cha của tổ quốc) vào năm 2 tCN. Triều đại của ông kéo dài hơn 40 năm.

Ông Tibêrius (con nuôi của Octavianus) lên ngôi kế vị lúc 56 tuổi. Ông bổ nhiệm Philatô làm tổng trấn miền Giuđêa và Samaria (năm 26-36), trùng vào thời gian sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Triều đại của ông kéo dài 13 năm (năm 14-37).

Tiếp theo ông Tibêrius là ông Caligula (37-41) lên ngôi lúc mới 25 tuổi, và bị ám sát trong một cuộc nội biến. Quân đội cử người chú của ông lên thay, tức là hoàng đế Claudius (41-54). Ông này bị vợ là bà Agrippina đầu độc chết, vì bà ta muốn đưa con mình lên ngôi. Tân vương là Nêrô mới có 17 tuổi. Khi còn được thái sư Seneca hướng dẫn, ông ta còn tôn trọng kỷ luật; đến khi được hoàn toàn tự chủ thì ông tha hồ thao túng, bất chấp luật pháp. Triều đình đang có âm mưu lật đổ ông, nhưng ông đã tự sát vào ngày 9/6 năm 68. Sau một thời gian tranh ngôi của ba ông Galba (Tây ban nha), Othô (Rôma) và Vitellius (Đức), tướng Vespasianus từ Palestina tự phong vua, và ve chiếm ngôi năm 69. Sau 10 năm trị vì, ông nhường lại cho con là ông Titus, người đã chiếm đóng Giêrusalem. Sau khi ông Titus băng hà vào năm 81, ông Đômitianus (em của Titus) lên ngôi. Hoàng đế Đômitianus (81-96) thích uy quyền và danh vọng, nên đã áp đặt một chính sách độc đoán. Hậu quả là sau khi ông ta đã bị ám sát tiếp theo một cuộc chính biến, thượng nghị viện quyết định từ nay sẽ bầu một người đức độ lên làm Hoàng đế chứ không tiếp tuc chính sách cha truyền con nối nữa. Nhờ vậy, các hoàng đế của cuối thế kỷ I và của thế kỷ II hai đã được hậu thế ca ngợi như là các vị anh quân. Hoàng đế Nerva (96-98), Traianus (98-117), Hadrianus (117-138), Antoninus Pius (138-161) và triết gia Marcus Aurelius (161-180).

Trong số các hoàng đế vừa nói, có lẽ các Kitô hữu mang ác cảm với Nêrô hơn cả. Ông bị mang danh là bạo chúa, bởi vì hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô cùng với bao nhiêu tín hưu khác đã bị giết dưới thời của ông.Tuy nhiên, theo các sử gia, cuộc bách hại ấy không dữ dằn cũng không kéo dài. Cuộc bách hại tôn giáo đúng nghĩa xảy ra dưới triều của hoàng đế Đômitianus.

————————-

[1] “Dân ngoại”. Thực ra người Do thái gọi những dân tộc khác là goim (được dịch ra tiếng Hy lạp là: Ethnê, và tiếng La tinh là Nationes, Gentes, Gentiles). Tự nó, các danh từ chỉ có nghĩa là “chư dân”, chứ không hàm ngụ ý nghĩa “nội – ngoại” gì cả.

[2] Sang thế kỷ II, một số Kitô hữu gốc Do Thái đã rơi vào lạc giáo, chẳng hạn nhóm Ebiônisti.

[3] Thần Jupiter từ Hy lạp đổi thành Zeus ở Roma; Aphrôđitê thành Venus, Hermes thành Mercurius, Posiđône thành Neptunus…

[4] Epicuriô nổi tiếng vì câu nói: “Đối với ta, cái chết không có nghĩa lý gì hết. Bao lâu ta sống, thì không có cái chết. Khi cái chết đến, thì ta không còn nữa!”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here