Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tài Liệu "Cảm Thức Đức Tin" – 2014 (3)

0
1425


ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ

TÀI LIỆU CẢM THỨC ĐỨC TIN

05 – 05 – 2014

***

***

CHƯƠNG BỐN

LÀM THẾ NÀO BIỆN PHÂN

CÁC BIỂU HIỆN CHÂN CHÍNH CỦA CẢM THỨC ĐỨC TIN

87. Cảm thức đức tin rất chủ yếu đối với đời sống Giáo Hội, nên nay ta cần xét xem làm thế nào để biện phân và nhận diện được các biểu hiện chân chính của nó. Một biện phân như thế đặc biệt phải có trong các trường hợp căng thẳng lúc ta cần phân biệt cảm thức đức tin chân chính với các phát biểu của ý kiến bình dân, nhất là theo quyền lợi hay tinh thần thời đại. Nhìn nhận rằng cảm thức đức tin là một thực tại trong Giáo Hội mà các tín hữu cá nhân vốn tham dự vào, phần thứ nhất của chương này sẽ cố gắng tìm cách nhận diện các đặc điểm cần có nơi người đã chịu phép rửa nếu thực sự họ muốn là chủ thể của cảm thức đức tin; nói cách khác, là nhận diện các thiên hướng cần có để các tín hữu tham dự đích thực vào cảm thức của các tín hữu. Các tiêu chuẩn được đề xuất trong phần thứ nhất này sau đó sẽ được bổ túc bằng cách xem sét việc áp dụng thực tiễn các tiêu chuẩn của cảm thức đức tin trong phần thứ hai của chương này. Phần thứ hai này sẽ xem xét 3 chủ đề quan trọng sau đây: thứ nhất, mối liên hệ gần gũi giữa cảm thức đức tin và lòng đạo bình dân; sau đó, sự phân biệt cần phải có giữa cảm thức đức tin và công luận bên ngoài hay bên trong Giáo Hội; và sau cùng, vấn đề làm thế nào để tham khảo các tín hữu trong các vấn đề đức tin và luân lý.

1. Thiên hướng cần có để tham gia chân thực vào cảm thức đức tin

88. Không phải chỉ có một thiên hướng đơn độc mà đúng hơn là cả một loạt các thiên hướng chịu ảnh hưởng của các nhân tố Giáo Hội, thiêng liêng và đạo đức. Không thể thảo luận một thiên hướng nào một cách tách biệt được; trái lại, cần phải xét mối liên hệ của nó với mọi thiên hướng khác. Dưới đây chỉ trình bày các thiên hướng quan trọng nhất để tham dự đích thực vào cảm thức đức tin mà thôi; các thiên hướng này được rút ra từ việc tìm hiểu thánh kinh, lịch sử có hệ thống, và được phát biểu nhằm giúp ích cho việc biện phân các hoàn cảnh thực tiễn.

a) Tham gia đời sống Giáo Hội

89. Thiên hướng đầu hết và nền tảng hơn cả là tích cực tham gia đời sống Giáo Hội. Là thành viên chính thức của Giáo Hội mà thôi chưa đủ. Tham gia đời sống Giáo Hội là phải không ngừng cầu nguyện (xem 1Tx 5:17), tích cực tham dự phụng vụ, nhất là Thánh Thể, thường xuyên lãnh nhận bí tích hòa giải, biện phân và thực thi các ơn và các đặc sủng đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần, và tích cực dấn thân vào sứ vụ và các tác vụ (diakonia) của Giáo Hội. Nó tiền giả định việc chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội trong các vấn đề thuộc đức tin và luân lý, nhất quyết tuân theo các lệnh truyền của Thiên Chúa, và can đảm sửa lỗi anh chị em và chấp nhận việc anh chị em sửa lỗi mình.

90. Có muôn vàn cách thế để việc tham gia như trên có thể diễn ra, nhưng cách chung nhất là tích cực liên đới với Giáo Hội, một liên đới phát xuất từ trái tim, một cảm quan đầy tình đồng đạo (fellowship) với các thành viên tín hữu khác và với Giáo Hội như một toàn thể, và từ đó, một bản năng nhận ra đâu là các nhu cầu của Giáo Hội và đâu là các nguy hiểm đối với Giáo Hội. Thái độ cần thiết này vốn từng được phát biểu qua thành ngữ sentire cum ecclesia (cảm nhận với Giáo Hội), tức đồng cảm nhận, đồng cảm thức và đồng tri nhận một cách hòa điệu với Giáo Hội. Điều này không chỉ cần thiết đối với các nhà thần học mà là cần thiết đối với mọi tín hữu; nó hợp nhất mọi thành viên của dân Chúa khi họ cùng nhau thực hiện cuộc lữ hành. Nó là chìa khóa để họ “cùng tiến bước”.

91. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể của Giáo Hội biết tham gia đời sống Giáo Hội, vì biết rằng “chúng ta, tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, và mỗi người chúng ta đều là chân tay của nhau” (Rm 12:5).

b) Lắng nghe lời Thiên Chúa

92. Tham dự đích thực vào cảm thức đức tin nhất thiết tùy thuộc việc lắng nghe lời Thiên Chúa một cách sâu sắc và chăm chú. Vì Thánh Kinh vốn là chứng từ nguyên thủy của lời Thiên Chúa, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ nọ trong cộng đồng đức tin (111), nên việc gắn bó với Thánh Kinh và Thánh Truyền là chỉ tiêu chính của việc lắng nghe này. Cảm thức đức tin là một khiếu nhận thức (appreciation) đức tin sâu sắc nhờ đó dân Chúa “không chỉ tiếp nhận lời lẽ con người, mà thực sự là lời Thiên Chúa” (112).

93. Không hề có việc đòi hỏi mọi thành viên dân Chúa phải nghiên cứu Thánh Kinh cũng như các chứng tá của Thánh Truyền một cách có khoa học. Đúng hơn, đòi họ phải chăm chú lắng nghe với thái độ tiếp nhận các bài đọc Thánh Kinh trong phụng vụ và tận đáy lòng đáp lại: “tạ ơn Chúa” và “Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa”, sốt sắng tuyên xưng mầu nhiệm đức tin, và thưa “Amen” tương ứng với chữ “có” mà Thiên Chúa đã ngỏ với dân Người trong Chúa Giêsu Kitô (2Cor 1:20). Tham dự vào phụng vụ là chìa khóa để tham dự vào Thánh Truyền sống động của Giáo Hội, và liên đới với người nghèo và người túng thiếu là mở lòng mình ra nhìn nhận sự hiện diện và tiếng nói của Chúa Kitô (xem Mt 25:31-46).

94. Chủ thể của cảm thức đức tin cũng là các chi thể Giáo Hội “từng tiếp nhận lời bằng niềm vui do Chúa Thánh Thần gây hứng” (1Tx 1:6).

c) Cởi mở đối với lý trí

95. Một thiên hướng nền tảng cần có để tham dự đích thực vào cảm thức đức tin là nhìn nhận vai trò thích đáng của lý trí trong tương quan với đức tin. Đức tin và lý trí thuộc về nhau (113). Chúa Giêsu vốn dạy rằng Thiên Chúa phải được yêu không chỉ “với hết trái tim ngươi, và với hết linh hồn ngươi,… và với hết sức ngươi” mà còn “với hết trí khôn [nous] ngươi” nữa (Mc 12:30). Vì chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, nên cũng chỉ có một sự thật duy nhất, được thừa nhận từ nhiều quan điểm khác nhau và bằng nhiều cách thế khác nhau của cả đức tin lẫn khoa học. Đức tin thanh lọc lý trí và mở rộng phạm vi của nó, mà lý trí cũng thanh lọc đức tin và làm sáng tỏ sự nhất quán của nó (114).

96. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể của Giáo Hội biết cử hành “việc thờ phượng hợp lý” và nhìn nhận vai trò thích đáng của lý trí được đức tin, trong các niềm tin và thực hành của nó, soi sáng. Mọi tín hữu được mời gọi “tự biến đổi nhờ việc đổi mới tâm trí của anh em, để anh em biết biện phân đâu là thánh ý Thiên Chúa, điều nào tốt, có thể chấp nhận được và điều nào hoàn hảo” (Rm 12:1-2).

d) Gắn bó với huấn quyền

97. Một thiên hướng nữa cần có để tham dự đích thực vào cảm thức đức tin là sự ân cần đối với huấn quyền của Giáo Hội, và sự sẵn lòng lắng nghe giáo huấn của các mục tử trong Giáo Hội, coi nó như một hành vi xác tín đầy tự do và quyết tâm duy trì (115). Huấn quyền bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Giêsu, nhất là từ thẩm quyền giáo huấn của Người (xem Mt 7:29). Nó liên hệ từ trong nội tại cả với Thánh Kinh lẫn với Thánh Truyền; không một thiên hướng nào trong ba thiên hướng này có thể “đứng một mình không cần những cái khác” (116).

98. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể của Giáo Hội biết lưu tâm tới lời lẽ Chúa Giêsu nói với những kẻ Người sai đi rằng: “Bất cứ ai lắng nghe các con là lắng nghe Thầy, và bất cứ ai bác bỏ các con là bác bỏ Thầy, và bất cứ ai bác bỏ Thầy là bác bỏ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16).

e) Thánh thiện, khiêm nhường, tự do và vui tươi

99. Tham dự đích thực vào cảm thức đức tin đòi phải có sự thánh thiện. Sự thánh thiện này là ơn gọi của toàn thể Giáo Hội và của mọi tín hữu (117). Và thánh thiện, từ nền tảng, vốn có nghĩa là thuộc về Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô và trong Giáo Hội của Người, là chịu phép rửa và sống đức tin trong quyền lực Chúa Thánh Thần. Thực thế, thánh thiện là tham dự vào đời sống Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là duy trì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu người lân cận với nhau, là vâng phục thánh ý Thiên Chúa và dấn thân phục vụ đồng loại nhân bản của mình. Một cuộc sống như thế được Chúa Thánh Thần nâng đỡ, Người vốn là Đấng luôn được các Kitô hữu khẩn cầu và lãnh nhận (xem Rm 1:7-8, 11), nhất là trong phụng vụ.

100. Trong lịch sử Giáo Hội, các thánh là những người đem ánh sáng của cảm thức đức tin. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng Tất Cả Là Thánh Thiện (Panaghia), khi hoàn toàn chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên khuôn mẫu đức tin và là Mẹ Giáo Hội (118). Trân qúy lời lẽ của Chúa Kitô trong lòng (Lc 2:51) và ca hát ngợi khen công trình cứu rỗi của Thiên Chúa (Lc 1:46-55), ngài là điển hình của niềm hân hoan đối với lời Thiên Chúa và lòng say mê muốn công bố tin mừng mà cảm thức đức tin vốn phát sinh nơi tâm hồn các tín hữu. Trong mọi thế hệ nối tiếp, ơn Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội đã sản sinh ra mùa gặt thánh thiện phong phú, và con số đầy đủ các Thánh chỉ một mình Thiên Chúa biết được mà thôi (119). Các vị được phong chân phúc và hiển thánh chính là các khuôn mẫu hữu hình của đức tin và đời sống Kitô Giáo. Đối với Giáo Hội, Đức Maria và mọi người thánh thiện, qua việc cầu nguyện và lòng say mê của các ngài, đã trở thành các chứng tá trổi vượt của cảm thức đức tin cho thời các vị và cho mọi thời sau này, cho địa phương các vị và cho mọi nơi chốn khác.

101. Vì từ nền tảng, nó vốn đòi phải imitatio Christi (noi gương Chúa Kitô) (xem Pl 2:5-8), nên sự thánh thiện, trong yếu tính, vốn bao hàm đức khiêm nhường. Sự khiêm nhường này đối nghịch với do dự hay nhút nhát; nó là hành vi của tự do thiêng liêng. Do đó, tính chất công khai (parrhesia) của việc đi theo khuôn thước của Chúa Kitô (xem Ga 18:20) được nối kết với đức khiêm nhường và cũng là một đặc điểm của cảm thức đức tin. Nơi đầu tiên để thực hành đức khiêm nhường là chính ở bên trong Giáo Hội. Nó không những là một nhân đức của người giáo dân trong tương quan với các mục tử của họ, mà cũng là một bổn phận của chính các mục tử khi thi hành thừa tác vụ của mình cho Giáo Hội. Chúa Giêsu dạy Nhóm Mười Hai rằng: “Ai muốn là người đầu phải là người cuối mọi người và làm đầy tớ cho mọi người” (Mc 9:35). Sống đức khiêm nhường là thường hằng nhìn nhận chân lý của đức tin, thừa tác vụ của các mục tử, và các nhu cầu của tín hữu, nhất là những người yếu đuối nhất.

102. Chỉ tiêu đích thực của thánh thiện là “bình an và hân hoan trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14:17; xem 1Tx 1:6). Đây là các ơn phúc chủ yếu được biểu lộ trên bình diện thiêng liêng, chứ không phải tâm lý hay xúc cảm, nghĩa là, bình an trong tâm hồn và âm thầm hân hoan của một người đã tìm được kho tàng cứu rỗi, viên ngọc qúy giá (xem Mt 13:44-46). Quả thế, bình an và hân hoan là hai hoa trái đặc trưng nhất của Chúa Thánh Thần (xem Gl 5:22). Chính Chúa Thánh Thần đánh động trái tim ta và hướng nó về Thiên Chúa, “mở mắt tâm trí và ban ‘hân hoan và thanh thản cho mọi người biết qui phục chân lý và tin nó [omnibus suavitatem in consentiendo et credendo veritati]’” (120). Hân hoan trái nghịch với cay đắng và nóng giận vốn làm Chúa Thánh Thần phiền lòng (xem Eph 4:31), và là đặc điểm của ơn cứu rỗi (121). Thánh Phêrô thúc giục các Kitô hữu hân hoan chia sẻ các đau khổ của Chúa Kitô, “để anh em cũng được vui mừng hoan hỉ khi vinh quang của Người được tỏ hiện” (1Pr 4:13).

103. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể Giáo Hội biết nghe và đáp lại lời thúc giục của Thánh Phaolô: “anh em hãy làm cho niềm vui của tôi nên trọn ven: là hãy cùng một tâm trí, cùng một tình yêu, cùng hòa hợp trọn vẹn và chỉ một tâm trí thôi”. “Anh em đừng làm điều chi do tham vọng vị kỷ hay hư danh, nhưng do khiêm nhường, coi người khác hay hơn mình” (Pl 2:2-3).

f) Tìm cách xây dựng Giáo Hội

104. Một biểu hiện chân chính của cảm thức đức tin là góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội như một thân thể, và không cổ vũ chia rẽ và chủ nghĩa tư riêng bên trong Giáo Hội. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, yếu tính của việc tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội chính là việc xây dựng này (xem 1Cor 14). Xây dựng ở đây có nghĩa là xây dựng Giáo Hội cả về ý thức nội bộ đối với đức tin của mình lẫn về phía những thành viên mới, những người muốn lãnh phép rửa để gia nhập đức tin của Giáo Hội. Giáo Hội là nhà Thiên Chúa, là đền thánh, làm thành bởi các tín hữu đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần (xem 1Cor 3:10-17). Xây dựng Giáo Hội có nghĩa là tìm cách khám phá ra và khai triển các ơn phúc của riêng mình và giúp người khác khám phá ra và khai triển các đặc sủng của họ, sửa chữa các thất bại của họ, và chấp nhận việc được sửa chữa, trong tinh thần bác ái Kitô Giáo, cùng làm việc và cầu nguyện với họ, chia sẻ các hân hoan và các đau buồn của họ (xem 1Cor 12:12, 26).

105. Các chủ thể của cảm thức đức tin là các chi thể Giáo Hội biết suy tư điều Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô: “Mỗi người được tỏ lộ Chúa Thánh Thần vì ích chung” (1Cor 12:7).

2. Các áp dụng

106. Việc thảo luận về các thiên hướng thích hợp đối với cảm thức đức tin cần được bổ túc bằng việc xem xét một vài vấn đề thực tiễn và mục vụ quan trọng liên quan đặc biệt tới mối liên hệ giữa cảm thức đức tin và lòng đạo bình dân; xem sét sự phân biệt cần có giữa cảm thức đức tin một đàng, và đàng khác, ý kiến của công chúng hay ý kiến đa số; và xét xem phải tham khảo các tín hữu ra sao trong các vấn đề đức tin và luân lý. Các điểm này sẽ lần lượt được nghiên cứu dưới đây.

a) Cảm thức đức tin và lòng đạo bình dân

107. Có một thứ “lòng đạo” (religiosity) hết sức tự nhiên nào đó trong con người nhân bản; các vấn đề tôn giáo tự nhiên xuất hiện trong mọi cuộc sống của người ta, tạo nên cả một phức thể bao la các niềm tin tôn giáo và các thực hành bình dân, khiến hiện tượng lòng đạo bình dân trở thành đối tượng được chú ý và nghiên cứu rất nhiều trong những thời kỳ gần đây (122).

108. “Lòng đạo bình dân” cũng có một ý nghĩa chuyên biệt hơn, chỉ nhiều hình thức biểu hiện đức tin Kitô Giáo nơi dân Chúa trong Giáo Hội hay, đúng hơn, chỉ “sự khôn ngoan Kitô Giáo của dân Chúa” được biểu hiện qua man vàn phương cách. Sự khôn ngoan này “tổng hợp một cách sáng tạo thần linh và nhân linh, Chúa Kitô và Đức Mẹ, tinh thần và thể xác, hiệp thông và định chế, cá nhân và cộng đồng, đức tin và quê hương, trí hiểu và xúc cảm” và đối với người ta, nó cũng là “một nguyên tắc biện phân và là một bản năng phúc âm nhờ đó họ tự phát cảm nhận được lúc nào thì Tin Mừng được phục vụ trong Giáo Hội và lúc nào nó trở thành rỗng hết nội dung và bị các quyền lợi khác làm cho tê cứng” (123). Trong tư cách một khôn ngoan, một nguyên tắc và một bản năng như thế, lòng đạo bình dân rõ ràng có liên hệ mật thiết với cảm thức đức tin, nên cần được xem xét cẩn thận trong khuôn khổ cuộc nghiên cứu này.

109. Lời lẽ của Chúa Giêsu rằng “Lạy Cha, là Chúa Tể trời đất, Con tạ ơn Cha vì Cha đã giấu những điều này khỏi kẻ khôn ngoan và thông thái và đã tỏ chúng cho các người bé nhỏ” (Mt 11:25; Lc 10:21) quả có liên quan tới ngữ cảnh này. Chúng cho thấy: sự khôn ngoan và việc hiểu thấu các sự việc của Thiên Chúa đã được ban cho những ai có đức tin khiêm nhường. Đại đa số các tín hữu khiêm nhường của Kitô Giáo (gồm cả những ai ở bên ngoài biên giới hữu hình của Giáo Hội) đều có đặc quyền vươn tới các chân lý thẳm sâu của Thiên Chúa, ít nhất cũng trên bình diện tiềm năng. Lòng đạo bình dân phát sinh cách riêng từ việc nhận biết Thiên Chúa từng được ban cho những người vừa nói. Nó chính là “sự biểu hiện của đời sống đối thần được nuôi dưỡng nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn được đổ tràn vào tâm hồn ta” (xem Rm 5:5)” (124).

110. Vừa như một nguyên tắc hay bản năng, vừa như một thực hành Kitô Giáo phong phú, nhất là dưới hình thức các sinh hoạt phụng tự như tôn sùng, hành hương và rước xách, lòng đạo bình dân trổ sinh từ cảm thức đức tin và làm nó ra hiển hiện, nên phải được tôn trọng và cổ vũ. Cần phải nhìn nhận cách riêng rằng lòng đạo bình dân là “hình thức đầu tiên và nền tảng nhất của việc ‘hội nhập văn hóa’ đức tin” (125). Lòng đạo này là “một thực tại tôn giáo được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn” (126); Người là Đấng đã xức dầu cho dân Chúa để họ đảm nhiệm “chức linh mục thánh thiện”. Điều tự nhiên đối với chức linh mục của dân này là tìm cách phát biểu bằng nhiều cách khác nhau.

111. Hoạt động tư tế của dân Chúa quả có cao điểm của nó trong phụng vụ, nên phải lo liệu bảo đảm cách nào để các lòng sùng kính bình dân “phù hợp với phụng vụ thánh” (127). Nói tổng quát hơn, như lời Đức GH Phaolô VI từng dạy, chính vì nguy cơ bị xâm nhập bởi ‘nhiều bóp méo tôn giáo và ngay cả mê tín nữa’, nên lòng đạo bình dân cần được phúc âm hóa (128). Tuy nhiên, ngài nói rằng khi được cẩn thận lưu ý kiểu này, và “được điều hướng tốt”, nó “có nhiều giá trị phong phú”. “Nó biểu lộ lòng khát khao Thiên Chúa, một lòng khát khao chỉ những người đơn sơ và nghèo khó mới biết. Nó giúp người ta có khả năng đại lượng và hy sinh, đến độ anh hùng, khi có vấn đề cần phải biểu dương niềm tin. Nó bao hàm một nhận thức sắc bén đối với các thuộc tính của Thiên Chúa, như tình cha, ơn quan phòng, sự hiện diện sống động và thường hằng. Nó sản sinh ra các thái độ nội tâm với một mức độ hiếm thấy ở những nơi khác, như kiên nhẫn, cảm nhận Thánh Giá trong cuộc sống hằng ngày, siêu thoát, cởi mở với người khác, sùng đạo… Đối với đa số dân Chúa, khi được điều hướng tốt, lòng đạo bình dân này mỗi ngày mỗi có thể trở thành cuộc gặp gỡ thực sự với Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô” (129). Khi ca ngợi câu nói của người phụ nữ cao niên (130), Đức GH Phanxicô quả đã lặp lại sự đánh giá cao từng được Đức GH Phaolô diễn tả ở đây. Một lần nữa, ta có thể cho rằng khi được điều hướng tốt, lòng đạo bình dân, cả trong cái nhìn thấu suốt của nó đối với các mầu nhiệm sâu thẳm của Tin Mừng lẫn trong các chứng tá can đảm của nó đối với đức tin, quả là một biểu hiện và là một biểu thức của cảm thức đức tin.

112. Có thể nói lòng đạo bình dân “được điều hướng tốt” khi nó có tính “Giáo Hội” thực sự. Đức GH Phaolô, trong cùng văn kiện nói trên, đã chỉ ra các tiêu chuẩn chắc chắn cho tính Giáo Hội này. Có tính Giáo Hội là được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, không bị chính trị hóa hay các ý thức hệ phong tỏa, luôn hiệp thông mạnh mẽ với cả Giáo Hội địa phương lẫn Giáo Hội hoàn vũ, cả với các mục tử lẫn huấn quyền của Giáo Hội, và sốt sắng làm việc truyền giáo (131). Những tiêu chuẩn này xác định ra các điều kiện cần có đối với tính chân chính của cả lòng đạo bình dân lẫn cảm thức đức tin vốn nâng đỡ nó. Như tiêu chuẩn cuối cùng đã cho thấy, trong hình thức chân chính của chúng, cả hai thực thể này đều là những nguồn tài nguyên vĩ đại đối với sứ vụ của Giáo Hội. Đức GH Phanxicô từng cho thấy rõ “sức mạnh truyền giáo” của lòng đạo bình dân, và xem ra ngài muốn nói tới cảm thức đức tin khi qủa quyết rằng “nâng đỡ lòng đạo bình dân” là cả “một sức mạnh phúc âm hóa tích cực mà ta không nên đánh giá thấp: vì đánh giá thấp là không biết nhìn nhận công trình của Chúa Thánh Thần” (132).

b) Cảm thức đức tin và công luận

113. Một trong các chủ đề tế nhị nhất là mối tương quan giữa cảm thức đức tin và công luận hay ý kiến đa số, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Công luận là một quan niệm xã hội học, áp dụng trước nhất vào các xã hội chính trị. Việc xuất hiện của công luận được liên kết với việc ra đời và phát triển của mô thức chính trị trong nền dân chủ đại biểu. Vì quyền lực chính trị có được sự hợp pháp của nó từ dân, nên dân phải lên tiếng nói rõ các suy nghĩ của mình, còn quyền lực chính trị thì phải lưu tâm tới các suy nghĩ này khi thi hành việc cai trị. Do đó, công luận là điều chủ yếu đối với việc điều hành lành mạnh sinh hoạt chính trị, và điều quan trọng là nó phải được soi sáng và thông tri một cách hợp năng quyền và trung thực. Đó là vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, những giới sẽ đóng góp lớn lao vào ích chung của xã hội, khi không tìm cách thao túng ý kiến vì các quyền lợi tư riêng.

114. Giáo Hội đánh giá các giá trị nhân bản và luân lý cao vốn được nền dân chủ tán thành, nhưng tự mình, Giáo Hội không bị cấu trúc theo các nguyên tắc của xã hội chính trị thế tục. Vì là mầu nhiệm hiệp thông nhân loại với Thiên Chúa, Giáo Hội tiếp nhận hiến pháp của mình từ Chúa Kitô. Chính từ nơi Người, Giáo Hội lãnh nhận được cơ cấu bên trong của mình cũng như các nguyên tắc cai quản. Do đó, trong Giáo Hội, công luận không thể đóng vai trò quyết định mà nó vốn đóng trong các xã hội chính trị, là các xã hội vốn phải dựa vào nguyên tắc chủ quyền toàn dân, dù nó có một vai trò thích đáng bên trong Giáo Hội, như chúng ta sẽ minh xác sau đây.

115. Các phương tiện truyền thông đại chúng thường hay nhận định về các vụ việc của tôn giáo. Sự quan tâm của công chúng đối với các vần đề đức tin là một dấu hiệu tốt, và tự do báo chí vốn là một nhân quyền căn bản. Giáo Hội Công Giáo không sợ các cuộc thảo luận hay tranh cãi về giáo huấn của mình. Ngược lại, đã hoan nghênh việc tranh luận này như một biểu hiện của tự do tôn giáo. Mọi người được tự do phê bình hay ủng hộ Giáo Hội. Thực vậy, Giáo Hội thừa nhận rằng phê bình ngay thẳng và xây dựng có thể giúp Giáo Hội nhìn các vấn đề rõ ràng hơn và tìm ra được nhiều giải pháp tốt hơn. Đến lượt mình, Giáo Hội cũng tự do phê bình những tấn công bất công và cần sử dụng các phương tiện truyền thông để bảo vệ đức tin khi cần. Giáo Hội trân trọng lời mời của các phương tiện truyền thông độc lập muốn mình góp phần vào các cuộc tranh luận công cộng. Giáo Hội không muốn việc độc quyền thông tin, nhưng đánh giá cao tính đa nguyên và việc trao đổi ý kiến. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng biết sự quan trọng của việc thông tri cho xã hội biết ý nghĩa và nội dung chân thực của cả đức tin lẫn giáo huấn luân lý của mình.

116. Ngày nay trong Giáo Hội, tiếng nói của người giáo dân được nghe thường xuyên hơn, đôi khi là tiếng nói bảo thủ đôi lúc là tiếng nói cấp tiến, nhưng nói chung, đều tham gia một cách xây dựng vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Sự phát triển lớn lao của xã hội nhờ giáo dục đã có những tác động đáng kể đối với các mối tương quan bên trong Giáo Hội. Chính Giáo Hội cũng đã dấn thân trên khắp thế giới vào những chương trình giáo dục nhằm đem lại cho người ta tiếng nói riêng và các quyền lợi riêng của chính họ. Do đó, quả là một dấu hiệu tốt khi thấy nhiều người ngày nay lưu tâm tới giáo huấn, phụng vụ và việc phục vụ của Giáo Hội. Nhiều chi thể Giáo Hội muốn thực thi khả năng của họ, và tham gia vào đời sống Giáo Hội theo cách riêng của họ. Họ tự tổ chức bên trong các giáo xứ và trong nhiều nhóm và phong trào khác nhau để xây dựng Giáo Hội và gây ảnh hưởng tới xã hội nói chung, và họ tìm cách liên hệ với các tín hữu khác và với những người có thiện chí khác qua các phương tiện truyền thông xã hội.

117. Nhiều hệ thống truyền thông mới cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội đang kêu gọi phải có những hình thức chú ý và phê bình mới mẻ cũng như phải đổi mới các kỹ năng biện phân. Có những ảnh hưởng từ nhiều nhóm quyền lợi chuyên biệt không tương ứng, hay không hoàn toàn tương ứng, với đức tin Công Giáo; có những xác tín chỉ có thể áp dụng cho một nơi hay một thời nào đó; và có những áp lực nhằm làm giảm vai trò của đức tin trong các cuộc tranh luận công cộng hay nhằm thay đổi học lý Kitô Giáo truyền thống cho phù hợp với các quan tâm và ý kiến hiện đại.

118. Điều rõ ràng là không thể có chuyện đồng hóa giản đơn giữa cảm thức đức tin và công luận hay ý kiến đa số. Hai thực tại này không hề như nhau.

i) Trước nhất, cảm thức đức tin hiển nhiên có liên hệ với đức tin, mà đức tin vốn là một ơn phúc, không nhất thiết ai cũng có được, thành thử cảm thức đức tin chắc chắn không thể giống như công luận trong xã hội nói chung. Rồi còn điều này nữa: dù đức tin, theo lẽ đương nhiên, là nhân tố hàng đầu để hợp nhất các chi thể của Giáo Hội, nhưng rất nhiều ảnh hưởng khác nhau, kết hợp lại, đã lên khuôn cho các quan điểm của Kitô hữu đang sống giữa lòng xã hội hiện đại. Do đó, như cuộc thảo luận trên đây về các thiên hướng đã mặc nhiên cho thấy, cảm thức đức tin cũng không thể được đồng nhất hóa với công luận hay ý kiến đa số trong Giáo Hội. Đức tin, chứ không phải ý kiến, là tập chú cần thiết. Ý kiến thường chỉ là những phát biểu, hay thay đổi và nhất thời, nói lên tâm tính hay ước muốn của một nhóm người hay một nền văn hóa nào đó, trong khi đức tin là tiếng vang dội của Tin Mừng duy nhất vốn có giá trị cho mọi nơi và mọi thời.

ii) Trong lịch sử dân Chúa, thường không phải đa số mà đúng hơn thiểu số mới thực sự sống và làm chứng cho đức tin. Cựu Ước từng biết tới số tín hữu “thánh thiện còn sót lại”, đôi khi rất ít so với vua chúa, tư tế và phần đông người Do Thái. Chính Kitô Giáo cũng đã bắt đầu như một thiểu số rất nhỏ, bị nhà cầm quyền đổ lỗi và bách hại. Trong lịch sử Giáo Hội, các phong trào sống Tin Mừng như Dòng Phanxicô và dòng Đa Minh, hay sau này, Dòng Tên, đều đã bắt đầu như những nhóm nhỏ bị nhiều giám mục và thần học gia đối xử cách nghi ngờ. Ngày nay, tại nhiều nước, các Kitô hữu phải sống dưới áp lực nặng nề của nhiều tôn giáo khác hay nhiều ý thức hệ duy tục, buộc họ phải lãng quên chân lý đức tin và làm suy yếu các biên giới của cộng đồng Giáo Hội. Cho nên, điều hết sức quan trọng là phải biện phân và lắng nghe tiếng nói của “những người bé nhỏ biết tin” (Mc 9:42).

119. Chắc chắn một điều: ta cần phân biệt cảm thức đức tin với công luận hay ý kiến đa số, do đó, phát sinh nhu cầu phải nhận diện các thiên hướng cần thiết cho việc tham dự vào cảm thức đức tin, như những thiên hướng đã được khai triển trên đây. Tuy thế, chính toàn thể dân Chúa tuyên xưng và sống đức tin chân thực, trong sự hợp nhất nội bộ. Huấn quyền và thần học phải làm việc không ngừng nhằm đổi mới việc trình bày đức tin trong các hoàn cảnh khác nhau, bằng cách đối chất, nếu cần, các ý niệm nổi bật trong chân lý Kitô Giáo với chân lý đích thực của Tin Mừng, nhưng cần phải nhớ rằng kinh nghiệm của Giáo Hội vốn chứng tỏ rằng đôi khi chân lý đức tin chỉ được duy trì không do cố gắng của các nhà thần học hay giáo huấn của đa số các giám mục mà là trong tâm hồn các tín hữu.

c) Các cách tham khảo tín hữu

120. Có một sự bình đẳng đích thực về phẩm giá nơi mọi tín hữu, vì nhờ phép rửa, tất cả mọi tín hữu đều được tái sinh trong Chúa Kitô. “Vì sự bình đẳng này, tất cả mọi người trong số họ đều góp phần, mỗi người theo hoàn cảnh hay chức vụ riêng, vào việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô” (133). Cho nên, mọi tín hữu “đều có quyền, và có khi có bổn phận, theo hiểu biết, khả năng và địa vị của mình, mà bày tỏ với các mục tử thánh quan điểm của mình về các vấn đề liên quan tới lợi ích của Giáo Hội”. “Họ có quyền làm cho quan điểm của mình được các Kitô hữu khác biết đến, nhưng khi làm thế, họ phải luôn luôn tôn trọng sự vẹn toàn của đức tin và luân lý, tỏ lòng kính trọng các mục tử và để ý tới ích chung và phẩm giá các cá nhân” (134). Thành thử, các tín hữu, và đặc biệt các tín hữu giáo dân, phải được các mục tử của Giáo Hội cư xử một cách kính trọng và ân cần, và được tham khảo cách thích đáng vì lợi ích của Giáo Hội.

121. Hạn từ “tham khảo” bao hàm ý tưởng tìm một phán đoán hay một ý kiến cũng như truy tầm nội dung của sự kiện (matter of fact). Một đàng, trong các vấn đề cai quản và các vấn đề mục vụ, các mục tử của Giáo Hội, trong một số trường hợp, có thể và nên tham khảo các tín hữu theo nghĩa xin họ cho ý kiến hay phán đoán. Đàng khác, khi huấn quyền muốn định tín một học lý, thì điều thích đáng nên làm là tham khảo các tín hữu theo nghĩa tìm hiểu nội dung của sự kiện, “đoàn ngũ tín hữu là đoàn ngũ làm chứng cho sự kiện lưu truyền học lý mạc khải, và vì đồng cảm thức của họ khắp thế giới Kitô Giáo vốn là tiếng nói của Giáo Hội Bất Khả Ngộ” (135).

122. Tập tục tham khảo các tín hữu không phải là tập tục mới mẻ trong đời sống Giáo Hội. Trong Giáo Hội thời trung cổ, người ta đã sử dụng nguyên tắc của luật Rôma sau đây: Quod omnes tangit, ab omnibus tractari et approbari debet (điều gì tác động tới mọi người, cần được mọi người thảo luận và chấp thuận). Trong cả ba lãnh vực của đời sống Giáo Hội (đức tin, các bí tích, việc cai quản), “truyền thống vẫn tổng hợp cơ cấu phẩm trật với chế độ cụ thể của liên hợp và thỏa thuận”, và việc này vốn được coi là “tập tục tông truyền” hay “truyền thống tông đồ” (136).

123. Nhiều vấn đề đã được đặt ra khi đa số tín hữu tiếp tục dửng dưng đối với các quyết định tín lý hoặc luân lý do huấn quyền đưa ra hay khi họ thẳng tay bác bỏ chúng. Việc thiếu tiếp nhận này có thể là dấu chỉ sự yếu kém hay thiếu đức tin nơi dân Chúa, do việc ủng hộ một cách không đủ phê phán nền văn hóa đương đại gây ra. Nhưng trong một số trường hợp, nó có thể là dấu chỉ cho thấy một số quyết định do các vị có thẩm quyền đưa ra đã không xem sét gì tới kinh nghiệm và cảm thức đức tin của các tín hữu, hay huấn quyền không tham khảo đủ các tín hữu (137).

124. Chuyện hết sức tự nhiên là nên có sự thông đạt luôn luôn và đối thọai đều đặn về các vấn đề thực tiễn và các vấn đề thuộc đức tin và luân lý giữa các chi thể của Giáo Hội. Trong Giáo Hội, công luận là một hình thức quan trọng của diễn trình thông đạt này. “Vì là một cơ thể sống động, Giáo Hội cần công luận để duy trì việc cho và nhận giữa các chi thể của mình. Không có hình thức này, Giáo Hội không thể tiến triển về tư tưởng và hành động” (138). Sự tán thành việc trao đổi tư tưởng và ý kiến cách công khai trong Giáo Hội đã được ban hành sau Vatican II không lâu, chính là dựa vào giáo huấn của Công Đồng về cảm thức đức tin và tình yêu Kitô Giáo, và các tín hữu được mạnh mẽ khuyến khích tham dự tích cực vào việc trao đổi công khai này. “Người Công Giáo nên ý thức trọn vẹn việc họ được thực sự tự do nói lên tâm tư của mình vốn phát sinh từ ‘cảm thức đức tin’ và từ tình yêu. Nó phát sinh từ cảm thức đức tin vốn được Thần Khí chân lý khêu gợi và nuôi dưỡng, để, dưới sự hướng dẫn của giáo huấn Giáo Hội mà họ vốn chấp nhận một cách cung kính, Dân Chúa có thể gắn bó một cách không nao núng với đức tin vốn được ban cho Giáo Hội tiên khởi, đào sâu ý nghĩa của nó hơn nữa bằng phán đoán chân thực, và áp dụng nó một cách trọn vẹn hơn trong cuộc sống của mình [Lumen Gentium 12]. Sự tự do này cũng phát sinh từ tình yêu. Vì chính nhờ tình yêu… mà dân Chúa đã được nâng lên tới chỗ có thể tham dự một cách thân mật vào sự tự do của chính Chúa Kitô, Đấng đã tẩy rửa ta khỏi tội lỗi để ta có thể tự do phán đoán phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Những vị thi hành thẩm quyền trong Giáo Hội sẽ hết sức quan tâm bảo đảm sao cho có được việc trao đổi có trách nhiệm các ý kiến từng được duy trì và phát biểu tự do trong dân Chúa. Hơn thế, các ngài sẽ còn thiết lập ra các quy tắc và các điều kiện để việc này có thể xẩy ra” (139).

125. Việc công khai trao đổi ý kiến như trên là phương thế hàng đầu và thông thường để đo lường cảm thức đức tin. Tuy nhiên, từ Công Đồng Vatican II, nhiều phương thế có tính định chế đã được thiết lập, nhờ đó, tín hữu có thể được lắng nghe và tham khảo, như các hội đồng đặc thù, trong đó, các linh mục và nhiều người khác trong số các tín hữu của Chúa Kitô được mời tham dự (140), rồi các công đồng giáo phận, trong đó, giám mục giáo phận cũng có thể mời các tín hữu giáo dân làm thành viên (141), hội đồng mục vụ của mỗi giáo phận “gồm các thành viên tín hữu Chúa Kitô hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo: giáo sĩ, thành viên các viện tận hiến, và nhất là các tín hữu giáo dân” (142), và hội đồng mục vụ giáo xứ, trong đó “các tín hữu Chúa Kitô, cùng với những vị, do chức vụ của các ngài, dấn thân trong việc chăm sóc mục vụ trong giáo xứ, góp công vào việc phát huy hoạt động mục vụ” (143).

126. Các cơ cấu tham khảo giống như các cơ cấu vừa kể trên đây có thể đem lại lợi ích lớn lao cho Giáo Hội, nhưng chỉ khi nào các mục tử và tín hữu giáo dân hỗ tương tôn trọng các đặc sủng của nhau và cẩn trọng cũng như liên tục lắng nghe các kinh nghiệm và quan tâm của nhau. Khiêm nhường lắng nghe trên mọi bình diện và tham khảo thích đáng những người liên hệ là những khía cạnh chủ yếu của một Giáo Hội sống động và sinh động.

Kết luận

127. Vatican II là một Lễ Hiện Xuống mới (144), đã trang bị để Giáo Hội đương đầu với một cuộc tân phúc âm hóa mà các vị giáo hoàng từ đó đến nay vẫn hằng kêu gọi. Công Đồng đã nhấn mạnh một cách mới mẻ tới ý tưởng truyền thống này: mọi người đã lãnh nhận phép rửa đều có một cảm thức đức tin, và cảm thức đức tin tạo nên một nguồn tài nguyên quan trọng nhất cho việc tân phúc âm hóa (145). Nhờ cảm thức đức tin, các tín hữu có khả năng không những nhìn nhận những gì phù hợp với Tin Mừng và bác bỏ những gì trái ngược với nó, mà còn cảm nhận được điều Đức GH Phanxicô từng gọi là “những con đường hành trình mới” trong đức tin của toàn thể dân lữ hành. Một trong các lý do tại sao các giám mục và các linh mục cần phải gần gũi với dân của mình trên đường lữ thứ và cùng đi với họ chính là để nhận ra “những con đường mới” khi dân Chúa “hửi được hơi họ” (146). Sự biện phân được những con đường mới mẻ này, vốn do Chúa Thánh Thần mở ra và soi sáng, sẽ có tính sống còn đối với việc tân phúc âm hóa.

128. Cảm thức đức tin có liên hệ mật thiết với “infallibilitas in credendo” (ơn vô ngộ khi tin) mà Giáo Hội, như một toàn thể, vốn có trong tư cách “chủ thể” tin đang thực hiện cuộc hành trình của mình trong lịch sử (147). Được Chúa Thánh Thần nâng đỡ, nó giúp Giáo Hội có khả năng làm chứng tá và giúp các chi thể của Giáo Hội, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách cộng đồng, không ngừng biện phân được việc phải sống và hành động tốt nhất cũng như ăn nói thế nào cho trung thành với Chúa. Nó là một bản năng nhờ đó mỗi người và mọi người “cùng suy nghĩ với Giáo Hội” (148), cùng chia sẻ một đức tin và một mục đích. Nó chính là điều hợp nhất các mục tử và dân, và làm cho cuộc đối thoại giữa họ với nhau, dựa trên các ơn phúc và ơn gọi liên hệ, trở thành vừa chủ yếu vừa sinh nhiều hoa trái cho Giáo Hội.

Vũ Văn An chuyển ngữ

––––––––––––––––

* Trong kế hoạch năm năm lần thứ tám, Uỷ ban Thần học Quốc tế đã nghiên cứu về bản chất của cảm thức đức tin (sensus fidei) và vai trò của nó trong đời sống Giáo hội. Công việc này được tiến hành trong một tiểu ban dưới sự chủ trì của Đức ông Paul McPartlan và gồm các thành viên sau đây: cha Serge-Thomas Bonino, O.P. (Tổng thư ký); nữ tu Sara Butler, M.S.B.T.; cha Antonio Castellano, S.D.B.; cha Adelbert Denaux; cha Tomislav Ivanĉić, Đức giám mục Jan Liesen; cha Leonard Santedi Kinkupu; giáo sư Thomas Söding và cha Jerzy Szymik.

Các cuộc thảo luận chung về chủ đề này đã diễn ra trong nhiều cuộc họp của tiểu ban, và trong các phiên họp toàn thể của Ủy ban từ năm 2011 đến năm 2014. Tài liệu mang tên “Cảm thức đức tin trong đời sống Giáo hội”, đã được đa số thành viên của Uỷ ban thông qua theo hình thức đặc biệt với việc bỏ phiếu bằng văn bản, và sau đó được Đức hồng y Gerhard Ludwig Müller, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, phê chuẩn và cho công bố.

**  “Uỷ ban Thần học Quốc tế” là một trong sáu Uỷ ban của Toà Thánh, được Đức giáo hoàng Phaolô VI thành lập ngày 11-04-1969. Nhiệm vụ của Uỷ ban là “giúp Tòa Thánh, và đặc biệt là Bộ Giáo lý Đức tin, trong việc nghiên cứu các vấn đề thần học có tầm quan trọng”. Chủ tịch Uỷ ban Thần học Quốc tế là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin – hiện nay là Đức hồng y Gerhard Ludwig Müller. Uỷ ban Thần học Quốc tế gồm 30 thành viên, được Đức giáo hoàng bổ nhiệm với nhiệm kỳ năm năm và có thể được tái bổ nhiệm một lần. Hồi tháng Giêng 2014, Uỷ ban này đã công bố một tài liệu về thuyết độc thần và bạo lực, đề cập đến mối liên hệ giữa việc tôn thờ Thiên Chúa và tôn trọng con người.

________________

(1) Đức Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 17 /3/2013.

(2) Xem Đức Phanxicô, Tông Huấn, Niềm Vui Tin Mừng (2013) các số 119-120.

(3) Các trích dẫn Thánh Kinh trong bản tiếng Anh, lấy từ New Revised Standard Version. Chúng tôi dịch sang tiếng Việt theo lối trích dẫn này.

(4) Trong văn kiện của mình về Việc Giải Thích Tín Điều (1989), Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (ITC) nói tới “cảm thức đức tin” như một “cảm thức nội tâm” nhờ đó, dân Chúa “nhận ra rằng các lời giảng dạy là lời của Thiên Chúa chứ không phải lời lẽ con người và do đó, tiếp nhận và bảo vệ chúng hết dạ trung thành” (C,II,1). Văn kiện đó cũng nhấn mạnh tới vai trò của đồng thuận tín hữu (consensus fidelium) trong việc giải thích tín điều (C, II, 4).

(5) Trong một vă nkiện mới đây tựa là Thần Học Ngày Nay: Viê4n Tượng, Nguyên T7ác và Tiêu Chuẩn (2012), ITC nhận diện cảm thức đức tin như một chủ đề nền tảng hay điểm qui chiếu của thần học (số 35).

[6] Theology Today, §13.

[7] Tertullian, De oratione, I, 6; Corpus Christianorum, series latina (từ đây viết tắt là CCSL), 1, p.258.

(8) Yves M.-J. Congar nhận diện một số vấn nạn học lý trong đó cảm thức của các tín hữu được sử dụng trong Jalons pour une Théologie du Laïcat (Paris: Éditions du Cerf, 1953), 450-53; Bản dịch tiếng Anh: Lay People in the Church: A Study for a Theology of Lay People (London: Chapman, 1965), Phụ Lục II: “Cảm Thức Của Các Tín Hữu” trong các giáo phụ, 465-67.

(9) Tertullianô, De praescriptione haereticorum, 21 và 28, CCSL 1, các trang 202-203 và 209.

(10) Thánh Augustinô, De praedestinatione sanctorum, XIV, 27 (PL 44, 980). Ngài nói điều này có ý chỉ tính hợp qui điển của Sách Khôn Ngoan.

(11) Thánh Augustinô, Contra epistolam Parmeniani, III, 24 (PL 43, 101). Xem De baptismo, IV, xxiv, 31 (PL 43, 174) (liên quan tới việc rửa tội trẻ sơ sinh): “Quod universa tenet Ecclesia, nec conciliis institutum, sed semper retentum est, nonnisi auctoritate apostolica traditum rectissime creditur”.

(12) Cassian, De incarnatione Christi, I, 6 (PL 50, 29-30): “Sufficere ergo solus nunc ad confutandum haeresim deberet consensus omnium, quia in dubitatae veritatis manifestatio est auctoritas universorum”.

(13) Thánh Vincent thành Lérins, Commonitorium II, 5 (CCSL, 64, tr.149).

(14) Thánh Giêrôm, Adversus Vigilantium 5 (CCSL 79C, tr.11-13).

(15) Thánh Epiphaniô thành Salamis, Panarion haereticorum, 78, 6; Die griechischen christlichen Schriftsteller der ersten Jahrhunderte, Epiphanius, Bd 3, tr.456.

(16) Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium tractatus, XX, 3 (CCSL 36, tr.204); Ennaratio in psalmum 120, 7 (PL 37, 1611).

(17) Chân phúc John Henry Newman, On Consulting the Faithful in Matters of Doctrine, John Coulson chủ biên và viết dẫn nhập (London: Geoffrey Chapman, 1961), các tr.75-101; ở các tr. 75 và 77. Cũng nên xem cuốn The Arians of the Fourth Century của ngài (1833; xuất bản lần thứ ba, 1871). Cha Congar phát biểu một số thận trọng đối với việc sử dụng lối phân tích vấn đề này của Chân Phúc Newman; xem, Congar, Jalons pour une Théologie du Laïcat, tr.395; Bản dịch tiếng Anh: Lay People in the Church, các tr.285-6.

(18) Newman, On Consulting the Faithful, tr.104.

(19) Xem DH 1000.

(20) Newman, On Consulting the Faithful, tr.70.

(21) Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.9, s.c.; IIIa, q.83, a.5, s.c. (liên quan tới phụng vụ Thánh Lễ); Quodl. IX, q.8 (liên quan tới việc phong thánh). Cũng nên xem Thánh Bonaventura, Commentaria in IV librum Sententiarum, d.4, p.2, dub. 2 (Opera omnia, vol.4, Quaracchi, 1889, tr.105): “[Fides Ecclesiae militantis] quamvis possit deficere in aliquibus personis specialiter, generaliter tamen numquam deficit nec deficiet, iuxta illud Matthaei ultimo: “Ecce ego vobiscum sum usque ad consumationem saeculi”’; d.18, p.2, a. un. q.4 (p.490). Trong Summa theologiae, IIa-IIae, q.2, a.6, ad 3, St Thánh Tôma liên kết việc Giáo Hội hoàn vũ không thể sai lầm với lời Chúa Giêsu hứa với Thánh Phêrô rằng đức tin của ngài sẽ không sai lầm (Lc 22:32).

(22) Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.10; q.11, a.2, ad 3.

(23) Xem Martin Luther, De captivitate Babylonica ecclesiae praecludium, WA 6, 566-567, và John Calvin, Institutio christianae religionis, IV, 8, 11; các lời hứa của Chúa Kitô được tìm thấy tại Mt 28:19 và Ga 14: 16, 17.

(24) Xem Gustav Thils, L’Infaillibilité du Peuple chrétien ‘in credendo’: Notes de théologie post-tridentine (Paris: Desclée de Brouwer, 1963).

(25) DH 1637; cũng nên xem DH 1726. Muốn có các kiểu nói tương đương, xin xem Yves M.-J. Congar, La Tradition et les traditions, II. Essai théologique (Paris: Fayard, 1963), các tr.82-83; Bản dịch tiếng Anh Tradition and Traditions (London: Burns & Oates, 1966), 315-17.

(26) De locis theologicis, Juan Belda Plans chủ biên (Madrid, 2006). Cano liệt kê 10 chủ đề: Thánh Kinh, các truyền thống Chúa Kitô và các tông đồ, Giáo Hội Công iáo, Công Đồng, Giáo Hội Rôma, các giáo phụ, thần học kinh viện, lý trí tự nhiên, các nhà triết học, lịch sử con người.

(27) De locis theol., Bk. IV, ch. 3 (Plans biên tập., tr.117). ‘Si quidquam est nunc in Ecclesia communi fidelium consensione probatum, quod tamen humana potestas efficere non potuit, id ex apostolorum traditione necessario derivatum est.’

(28) De locis theol., Bk. I, ch. 4 (các tr.144-46).

(29) De locis theol., Bk. I, ch. 4 (tr.149): ‘Non solum Ecclesia universalis, id est, collectio omnium fidelium hunc veritatis spiritum semper habet, sed eundem habent etiam Ecclesiae principes et pastores’. Trong Sách VI, Cano khẳng định thẩm quyền của Giám Mục Rôma khi ngài định tín một tín điều ex cathedra.

(30) De locis theol., Bk. I, ch. 4 (các tr.150-51): ‘Priores itaque conclusiones illud astruebant, quicquid ecclesia, hoc est, omnium fidelium concio teneret, id verum esse. Haec autem illud affirmat pastores ecclesiae doctores in fide errare non posse, sed quicquid fidelem populum docent, quod ad Christi fidem attineat, esse verissimum.’

(31) Robert Bellarmine, De controversiis christianae fidei (Venice, 1721), II, I, lib.3, cap.14: ‘Et cum dicimus Ecclesiam non posse errare, id intelligimus tam de universitate fidelium quam de universitate Episcoporum, ita ut sensus sit eius propositionis, ecclesia non potest errare, idest, id quod tenent omnes fideles tanquam de fide, necessario est verum et de fide; et similiter id quod docent omnes Episcopi tanquam ad fidem pertinens, necessario est verum et de fide’ (tr.73).

(32) De controversiis II, I, lib.2, cap.2: ‘Concilium generale repraesentat Ecclesiam universam, et proinde consensum habet Ecclesiae universalis; quare si Ecclesia non potest errare, neque Concilium oecumenicum, legitimum et approbatum, potest errare’ (tr.28).

(33) J. A. Möhler, Die Einheit in der Kirche oder das Prinzip des Katholizismus [1825], J. R. Geiselmann chủ biên (Cologne và Olten: Jakob Hegner, 1957), 8tt., 50tt.

(34) J. A. Möhler, Symbolik oder Darstellung der dogmatischen Gegensätze der Katholiken und Protestanten, nach ihren öffentlichen Bekenntnisschriften [1832], J.R. Geiselmann chủ biên (Cologne và Olten: Jakob Hegner, 1958), §38. Chống lại nguyên tắc giải thích tư của Thệ Phản, ngài tái khẳng định ý nghĩa của việc toàn thể Giáo Hội phán đoán.

(35) Năm 1847, Chân Phúc Newman gặp Perrone và hai vị đã thảo luận ý niệm của Chân Phúc về việc phát triển học lý. Chân phúc sử dụng ý niệm sensus ecclesiae (cảm thức của Giáo Hội) trong ngữ cảnh này. Xem T. Lynch, chủ biên, ‘The Newman-Perrone Paper on Development’, Gregorianum 16 (1935), các tr.402-447, nhất là chương 3, các số 2, 5.

(36) Ioannis Perrone, De Immaculato B. V. Mariae Conceptu an Dogmatico Decreto definiri possit (Romae, 1847), 139, 143-145. Perrone kết luận rằng tín hữu Kitô Giáo sẽ “vấp phạm sâu xa” nếu mầu nhiệm vô nhiễm thai của Đức Maria “bị nghi vấn dù nhẹ nhàng bao nhiêu” (tr. 156). Ngài còn thấy nhiều trường hợp khác trong đó, huấn quyền dựa vào cảm thức của các tín hữu để định tín tín lý, thí dụ, tín lý tin rằng linh hồn người công chính đã được hưởng vinh phúc trước ngày kẻ chết sống lại (các tr. 147-148).

(37) Xem Đức GH Piô IX, Thông Điệp, Ubi primum (1849), số 6.

(38) Đức GH Piô IX, Tông Hiến Ineffabilis Deus (1854).

(39) Newman, On Consulting the Faithful, các tr.70-71.

(40) Newman, On Consulting the Faithful, tr.63, xem thêm tr.65. Chân Phúc Newman thường phân biệt “các mục tử” và “các tín hữu”. Đôi khi ngài thêm “các tiến sĩ” (thần học gia) như một loại chứng nhân khác biệt, và ngài xếp các giáo sĩ cấp nhỏ vào số “tín hữu” dù không phải là “tín hữu giáo dân”.

(41) Newman, On Consulting the Faithful, tr.104.

(42) Newman, On Consulting the Faithful, các tr.64-70; xem số 37 trên đây.

(43) Mansi, III (51), 542-543. Chương này quả quyết rắng tính vô ngộ của Giáo Hội bao quát mọi chân lý mạc khải trong Thánh Kinh và trong Thánh Truyền, nghĩa là trong Kho Tàng Đức Tin, và bao hàm bất cứ điều gì, dù không được mạc khải, nhưng cần thiết đối với việc bênh vực và bảo tồn kho tàng này.

(44) Mansi, IV (52), 1213-14.

(45) Ibid., 1217. Gasser thêm: ‘sed talis casus non potest statui pro regula’ (nhưng trường hợp như thế không thể coi là qui luật được).

(46) DH 3074. Một trong “bốn điều” của chủ trương Pháp Giáo quả quyết rằng phán đoán của Đức Giáo Hoàng “không thể không sửa đổi được trừ khi toàn Giáo Hội đã đồng thuận về nó”.

(47) Xem Gasser, trong Mansi, 52, 1213-14.

(48) Đề xuất bị kết án nói như thế này: “Trong việc xác định các chân lý, ‘Giáo Hội học hỏi’ và ‘Giáo Hội giảng dạy’ hợp tác với nhau một cách đến nỗi ‘Giáo Hội giảng dạy’ chỉ có mỗi việc là tán thành các ý kiến của ‘Giáo Hội học hỏi’ (DH 3406).

(49) Đức GH Piô XII, Tông Hiến Munificentissimus Deus, số 12.

(50) Munificentissimus Deus, số 41.

(51) Munificentissimus Deus, số 12.

(52) Xem Congar, Jalons pour une Théologie du Laïcat, chương 6. Đường lối này tìm thấy trong lời nói đầu ấn bản thức ba cuốn Via Media (1877) của chân phúc Newman.

(53) Congar, Jalons pour une Théologie du Laïcat, tr.398; Bản tiếng Anh, Lay People in the Church, 288.

(54) Jalons pour une Théologie du Laïcat, tr.399; Bản tiếng Anh, Lay People in the Church, 289.

(55) LG 4.

(56) LG 12. Trong một vài chỗ khác, công đồng nhắc tới “cảm thức” của các tín hữu hay của Giáo Hội giống như nói về cảm thức đức tin của LG 12. Công đồng nói tới cảm thức của Giáo Hội (sensus Ecclesiae [DV 23]), cảm thức tông đồ (sensus apostolicus [AA 25]), cảm thức Công Giáo (sensus catholicus [AA 30]), cảm thức của Chúa Kitô và của Giáo Hội (sensus Christi et Ecclesiae) và cảm thức hiệp thông cùng với Giáo Hội (sensus communionis cum Ecclesia [AG 19]), cảm thức Kitô Giáo của các tín hữu (sensus christianus fidelium (GS 52)], và một cảm thức Kitô hữu toàn diện (integer christianus sensus (GS 62]).

(57) LG 35.

(58) DV 8.

(59) DV 10; Xem Ineffabilis Deus, số 18, và Munificentissimus Deus, số 12.

(60) Thí dụ, xem giáo huấn của Đức GH Gioan Phaolô II trong tông huấn của ngài tựa là Christifideles Laici (1988), ngài dạy rằng mọi tín hữu đều tham dự vào 3 chức vụ của Chúa Kitô và ngài gọi giáo dân là “những người tham dự vào cảm thức đức tin siêu nhiên của Giáo Hội” (sensum fidei supernaturalis Ecclesiae), là cảm thức ‘không thể sai lầm trong các vấn đề đức tin’” (số 14); còn về giáo huấn của Lumen Gentium 12, 35 và của Dei Verbum 8, xem Tuyên Bố của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF), Mysterium Ecclesiae (1973), số 2.

(61) Đức GH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Familiaris Consortio (1981), số 5. Trong Chỉ Thị về Ơn Gọi Giáo Hội của Thần Học Gia, Donum Veritatis (1990), CDF cảnh cáo chống lại việc đồng hóa “ý kiến của số đông Kitô hữu” với cảm thức đức tin: cảm thức đức tin là “một đặc tính của đức tin thần học” và là hồng ân của Thiên Chúa giúp tín hữu “đích thân gắn bó với chân lý” đến độ điều họ tin cũng là điều Giáo Hội tin. Vì không phải mọi ý kiến của tín hữu đều phát sinh từ đức tin, và vì nhiều người bị chao đảo bởi công luận, nên cần phải nhấn mạnh đến “dây nối kết bất khả tiêu giữa cảm thức đức tin và sự hướng dẫn Dân Thiên Chúa của Huấn Quyền mục tử” (số 35).

(62) Cảm thức đức tin của tín hữu đòi hỏi tín hữu trước đó phải có nhân đức đức tin rồi. Thực vậy, chính kinh nghiệm sống đức tin giúp tín hữu biết biện phân liệu một học lý nào đó có thuộc kho tàng đức tin hay không. Cho nên, chỉ có thể nói một cách khái quát và theo nghĩa phái sinh (derivatively) rằng có thể gán việc biện phân cần có đối với hành vi khởi đầu của đức tin cho cảm nghiệm đức tin của tín hữu.

(63) Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1804.

(64) Vatican II, Perfectae Caritatis 12.

(65) Xem Thánh Tôma, Summa theologiae, IIa-IIae, q.45, a.2.

(66) Thánh Tôma, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.4, ad 3. Cf. IIa-IIae, q.2, a.3, ad 2.

(67) Xem Thomas Aquinas, Scriptum, III, d.23, q.3, a.3, qla 2, ad 2: ‘Habitus fidei cum non rationi innitatur, inclinat per modum naturae, sicut et habitus moralium virtutum, et sicut habitus principiorum; et ideo quamdiu manet, nihil contra fidem credit.’

(68) Xem J. A. Möhler, Symbolik, §38: ‘Der göttliche Geist, welchem die Leitung und Belebung der Kirche anvertraut ist, wird in seiner Vereinigung mit dem menschlichen ein eigenthümlich christlicher Tact, ein tiefes, sicher führendes Gefühl, das, wie er in der Wahrheit steht, auch aller Wahrheit entgegenleitet.’

(69) Vì liên hệ tức khắc với đối tượng của nó, bản năng không sai lầm. Nó vô ngộ tự trong nó. Tuy nhiên, bản năng động vật chỉ không sai lầm trong bối cảnh một môi trường nhất định. Khi bối cảnh thay đổi, bản năng động vật tỏ ra thiếu thích ứng. Trái lại, bản năng thiêng liêng có nhiều tầm xa hơn và nhiều tinh tế hơn.

(70) Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.1, a.3, ad 3.

(71) Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Donum Veritatis, số 35.

(72) Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.2, a.5-8.

(73) Lumen Gentium 15.

(74) Thánh Tôma Aquinô, Expositio super Ioannis evangelium, c.14, lect.4 (Marietti, số 1916).

(75) Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Theology Today, §§91-92.

(76) Dei Verbum 8. Trong nền thần học về các ơn của Chúa Thánh Thần mà Thánh Tôma từng khai triển, ơn suy biết là ơn đặc biệt hoàn hảo hóa cảm thức đức tin của tín hữu thành một khả năng biết biện phân điều phải tin. Xem Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, IIa-IIae, q.9, a.1 co. et ad 2.

(77) Thánh Tôma Aquini6, Quaestiones disputatae de veritate, q.14, a.10, ad 10; cf. Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 2, ad 3.

(78) Thánh Tôma Aquinô, Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 4, ad 3: “[Tín hữu] không nên qui phục giáo phẩm nào giảng dạy ngược với đức tin… Thuộc cấp không hoàn toàn được miễn chước vì ngu dốt. Thực vậy, thói quen đức tin tự nhiên hướng họ về phía chống lại lối giảng dạy như thế vì thói quen này nhất thiết dạy họ bất cứ điều gì dẫn họ tới cứu rỗi. Ngoài ra, vì không ai nên tin bất cứ thần khí nào một cách dễ dãi, nên họ không được qui phục lời giảng dạy khác lạ nhưng phải tìm hiểu thêm nữa hay đơn sơ phó thác nơi Thiên Chúa không cần phải đi sâu thêm vào các bí nhiệm của Thiên Chúa quá cả khả năng của mình”.

(79) Xem Thánh Tôma Aquionô, Scriptum, III, d.25, q.2, a.1, qla 2, ad 3; Quaestiones disputatae de veritate, q.14, a.11, ad 2.

[80] Xem số 30 trên đây.

[81] Xem Congar, La Tradition et les traditions, II, các tr.81-101, về “L’ ‘Ecclesia’, sujet de la Tradition” (L’ ‘Ecclesia’, chủ thể của Thánh Truyền), và các tr. pp.101-108, về “Le Saint-Esprit, Sujet transcendant de la Tradition” (Chúa Thánh Thần, Chủ Thể siêu việt của Thánh Truyền); Bản tiếng Anh, Tradition and Traditions, các tr.314-338, về “The ‘Ecclesia’ as the Subject of Tradition”, và các tr.338-346, về “The Holy Spirit, the Transcendent Subject of Tradition”.

[82] Xem số 3 trên đây.

[83] Dei Verbum 10.

[84] Dei Verbum 8; cũng nên xem Lumen Gentium 12, 37; Apostolicam Actuositatem 2, 3; Gaudium et Spes 43.

[85] Gaudium et Spes 44.

[86] Xem Chương một, phần 2 trên đây.

[87] Xem Heinrich Denzinger”s Enchiridion Symbolorum et Definitionum 2722-2724.

[88] Xem Chương bốn dưới đây.

[89] Lumen Gentium 12.

[90] Xem Lumen Gentium 10, 34.

[91] Xem Lumen Gentium 21, 26; Sacrosancum Concilium 41.

[92] Xem Sacrosanctum Concilium 10; Lumen Gentium 11.

[93] Sách Giáo Lý GHCH 1124. Xem Thánh Irênê, Adv.Haer., IV, 18, 5: “ Lối suy nghĩ của ta pù hợp theo Thánh Thể và ngược lại Thánh Thể củng cố lối suy nghĩ của ta” (xem thêm Sách Giáo Lý GHCG, số 1327).

[94] Dei Verbum 8.

[95] Newman, On Consulting the Faithful, tr.63.

[96] Xem Vatican I, Pastor Aeternus, Heinrich Denzinger”s Enchiridion Symbolorum et Definitionum 3051.

[97] Vatican I, Pastor Aeternus, chương 4 (DH 3074).

[98] Xem số 40 trên đây.

[99] Xem các số 38, 42 trên đây.

[100] Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Theology Today, số 35.

[101] Dei Verbum 8.

[102] Xem các số 107-112 dưới đây.

[103] Xem Chương bốn dưới đây

[104] Ủy Ban Thần Học Quốc tế, Theology Today, số 35; Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị về Ơn Gọi Trong Giáo Hội của Nhà Thần Học, Donum Veritatis (1990), các số 2-5, 6-7.

[105] Xem Theology Today, số 35.

[106] Về phương diện này, điều đặc biệt đáng lưu ý là các phần được chỉ rõ trong các tuyên bố đã được nhất trí sau đây: Ủy Ban Quốc Tế Hỗn Hợp Để Đối Thoại Thần Học Giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hôi Chính Thống, Các Hậu Quả Giáo Hội Học và Giáo Luật của Bản Chất Bí Tích của Giáo Hội: Sự Hiệp Thông, Tính Công Đồng và Thẩm Quyền Trong Giáo Hội (2007; Tuyên Bố Ravenna), số 7; Ủy Ban Quốc Tế Anh Giáo và Công Giáo, Ơn Thẩm Quyền (The Gift of Authority) (1999), số 29; Cuộc Đối Thoại Tin Lành – Công Giáo Rôma về Truyền Giáo, 1977-1984, Phúc Trình, Chương 1.3; Ủy Ban Đối Thoại Quốc Tế Các Môn Đệ Chúa Kitô và Công Giáo Rôma, Giáo Hội như Hiệp Thông Trong Chúa Kitô, (1992), các số 40, 45; Ủy Ban Đối Thoại Quốc Tế giữa Giáo Hội Công Giáo và Hội Đồng Methodist Thế Giới, Lời Sự Sống (1995), các số 56, 58.

[107] Xem Đức GH Gioan Phaolô II, thông điệp Ut Unum Sint (1995), số 3.

[108] Xem số 56 trên đây.

[109] Xem Lumen Gentium 8.

[110] Ut Unum Sint, số 14; xem các số 28, 57, trong đó, Đức Gioan Phaolô II nhắc tới “việc trao đổi ơn phúc” diễn ra trong cuộc đối thoại đại kết. Trong thư gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về Một Số Khía Cạnh của Giáo Hội Hiểu Như Hiệp Thông, Communionis Notio (1992), Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng nhìn nhận rằng Giáo Hội Công Giáo “bị thương tổn” vì việc mất hiệp thông với các Giáo Hội và các cộng đồng Giáo Hội Kitô Giáo khác (số 17).

[111] Xem Lumen Gentium 12; Dei Verbum 8.

[112] Lumen Gentium 12, với tham chiếu 1Tx 2:13.

[113] Xem Đức GH Gioan Phalô II, Thông Điệp, Fides et Ratio (1998).

[114] Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Theology Today, các số 63, 64, 84.

[115] Xem các số 74-80 trên đây.

[116] Dei Verbum 10.

[117] Xem Lumen Gentium, chương 5, Về “ơn gọi nên thánh phổ quát trong Giáo Hội”

[118] Sách Giáo Lý Của GHCG 963.

[119] Xem Gaudium et Spes 11, 22.

[120] Dei Verbum 5.

[121] Xem Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 5.

[122] Xem Thánh Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích (CDWDS), Sách Hướng Dẫn về Lòng Sùng Kính Bình Dân và Phụng Vụ: Các Nguyên Tắc và Chỉ Dẫn (2001), số 10: “ ‘Lòng đạo bình dân’ chỉ một kinh nghiệm phổ quát: luôn luôn có một chiều kích tôn giáo trong trái tim người ta, nơi các dân tộc, và các phát biểu tập thể của họ. Mọi dân tộc đều có khuynh hướng nói lên quan điểm toàn bộ hóa của họ về siêu việt, các ý niệm của họ về thiên nhiên, về xã hội, và về lịch sử qua các phương thế phụng tự. Các tổng hợp có tính đặc điểm này có tầm quan trọng lớn về linh đạo và nhân bản”

[123] Hội Nghị Các Giám Mục Châu Mỹ La Tinh (CELAM), (Puebla, 1979), Hội Nghị Toàn Thể Lần Thứ Ba, Văn Kiện Cuối Cùng, số 448, như đã được trích dẫn trong Sách Giáo Lý Của GHCG số 1676.

[124] Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 125.

[125] Joseph Ratzinger, Commento teologico, trong Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Il messaggio di Fatima (Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano, 2000), tr.35; như đã được trích trong CDWDS, Sách Hướng Dẫn, số 91.

[126] CDWDS, Sách Hướng Dẫn, số 50.

[127] Sacrosanctum Concilium 13.

[128] Đức GH Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (1975), số 48. Congar nhắc tới “các hâm mộ đáng hoài nghi và lòng sùng kính sai lầm” và cảnh cáo rằng “người ta nên dè dặt đừng quá gán cho cảm thức đức tin: không những liên quan tới các đặc quyền của hàng giáo phẩm… mà cả trong chính nó nữa” (Jalons pour une théologie du laïcat, tr 399; Bản tiếng Anh, Lay People in the Church, tr. 288).

[129] Đức GH Phaolô VI, TH Evangelii Nuntiandi (1975), số 48. Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị toàn thể lần thứ tư của CELAM (Santo Domingo, ngày 12 tháng 10 năm 1992), Đức GH Gioan Phaolô II nói rằng, với “các gốc rễ chủ yếu có tính Công Giáo”, lòng đạo bình dân tại Châu Mỹ La Tinh là “một phản cực chống lại các giáo phái (sects) và là một bảo đảm cho lòng trung thành với sứ điệp cứu rỗi” (số 12). Nhắc tới Văn Kiện Cuối Cùng Của Hội Nghị Toàn Thể Lần Thứ Ba của CELAM, Đức GH Phanxicô tuyên bố rằng, khi đức tin Kitô Giáo được hội nhập văn hóa một cách đích thực, “lòng đạo bình dân” là một phần quan trọng của diễn trình nhờ đó “một dân tộc tự phúc âm hóa mình một cách liên tục” (Evangelii Gaudium, số 122).

[130] Xem số 2 trên đây.

[131] Xem Đức GH Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 58; có nhắc tới nhu cầu phải bảo đảm sao cho các cộng đoàn căn bản (communautés de base) thực sư có tính Giáo Hội.

[132] Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 126.

[133] Bộ Giáo Luật, điều 208.

[134] Bộ Giáo Luật, điều 212, §3.

[135] Newman, On Consulting the Faithful, tr. 63; về nghĩa kép của chữ “tham khảo”, xin xem các tr. 54-55.

[136] Y. Congar, ‘Quod omnes tangit, ab omnibus tractari et approbari debet’, trong Revue historique de droit français et étranger 36(1958), các tr.210-259, nhất là các tr.224-228.

[137] Xem các số 78-80 trên đây.

[138] Huấn Thị Mục Vụ về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội soạn thảo theo Lệnh của CĐ Vatican II, ‘Communio et Progressio’ (1971), số 115, là văn kiện cũng trích dẫn Đức GH Piô XII: “Một điều gì đó sẽ rất thiếu trong đời sống [Giáo Hội] nếu Giáo Hội không có công luận. Cả các mục tử linh hồn lẫn người giáo dân đều bị trách cứ vì việc này” (Diễn văn, ngày 17 tháng Hai năm 1950, AAS XVIII[1950], tr. 256).

[139] ‘Communio et Progressio’, số 116.

[140] Xem Bộ Giáo Luật, điều 443, §4.

[141] Xem Bộ Giáo Luật, điều 463, §2.

[142] Bộ Giáo Luật, điều 512, §1.

[143] Bộ Giáo Luật, điều 536, §1.

[144] Đây là câu nói được Đức GH Gioan XXIII sử dụng nhiều lần khi phát biểu các niềm hy vọng và các lời cầu nguyện của ngài cho công đồng sắp đến; xem Tông Hiến, Humanae Salutis (1961), số 23.

[145] Xem các số 2, 45, 65, 70, 112 trên đây.

[146] Xem Đức GH Phanxicô, diễn văn cho các giáo sĩ, những người sống đời tận hiến và thành viên các hội đồng mục vụ, San Rufino, Assisi, 4 tháng 10 năm 2013. Đức GH nói thêm rằng các công đồng giáo phận, các cử hành đặc thù “việc cùng bước đi” trong tư cách môn đệ của Chúa, cần lưu ý tới “điều Chúa Thánh Thần đang nói với giáo dân, với dân Chúa”, [và] với mọi người”.

[147] Phỏng vấn Đức GH Phanxicô của Cha Antonio Spadaro, 21 tháng 9 năm 2013; xem Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 119.

[148] Phỏng vấn Đức GH Phanxicô của Cha Antonio Spadaro; xem số 90 trên đây.