Huấn Thị: Quyền Bính Và Vâng Phục – Phần Cuối

0
2961


 

Bộ các Hội dòng tận hiến và các Tu đoàn tông đồ

Huấn thị

QUYỀN BÍNH VÀ VÂNG PHỤC

Faciem tuam, Domine, requiram
“Lạy Chúa, con tìm Thánh Nhan Ngài”

 

Huấn thị: Quyền Bính Và Vâng Phục – Phần I

Huấn Thị: Quyền Bính Và Vâng Phục – Phần II

 

 

 

 

PHẦN THỨ BA

ĐI SỨ VỤ

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”

Ga 20,21

*********

 

 

Đi sứ vụ với tất cả con người, giống như Chúa Giêsu

23. Qua lối sống của mình, Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu rằng sứ vụ và vâng phục không thể tách lìa nhau. Trong các Tin mừng, Đức Giêsu luôn được giới thiệu như Đấng được sai đến để thi hành ý Chúa Cha (xc Ga 5,36-38; 6,38-40;7,16-18); Người luôn làm những gì đẹp lòng Chúa Cha. Có thể nói rằng tất cả cuộc đời Đức Giêsu là sứ vụ của Chúa Cha. Người là sứ vụ của Chúa Cha.

Cũng như Ngôi Lời đã đến sứ vụ bằng cách nhập thể trong một nhân tính hoàn toàn để cho Người mặc lấy thế nào, thì chúng ta cũng cộng tác vào sứ vụ của Đức Kitô như vậy, và chúng ta để cho Người đưa đến chỗ thành toàn bằng cách đón nhận Người, dành chỗ cho Người hiện diện và tiếp nối đời sống của Người trong lịch sử, ngõ hầu những người khác có thể gặp được Người.

Trong cuộc sống và hoạt động, Đức Kitô là Amen (xc Kh 3,14), và là tiếng VÂNG hoàn hảo (xc 2Cr 1,20) với Chúa Cha, và nói VÂNG có nghĩa đơn giản là vâng phục; vì thế không thể nào nghĩ đến sứ vụ mà không liên kết với vâng phục. Sống sứ vụ luôn hàm ý là được sai đi, và điều này nói lên mối tương quan với người sai và với nội dung của sứ vụ phải thực hiện. Vì thế, nếu không quy chiếu về vâng phục, thì hạn từ sứ vụ trở nên khó hiểu và có nguy cơ sẽ bị rút gọn vào việc quy chiếu về chính mình. Sứ vụ luôn có nguy cơ bị đồng hoá với một nghề nghiệp cần thực hiện nhằm thể hiện bản thân, và vì vậy, nó do cá nhân điều động.

Đi sứ vụ để phục vụ

24. Trong cuốn Linh thao, thánh Ignaxiô Loyola viết rằng Chúa kêu gọi tất cả mọi người và nói: “Hễ ai đến với Ta thì phải làm việc với Ta, bởi vì khi đi theo Ta trong gian lao và đau khổ, thì cũng sẽ theo Ta vào vinh quang”[1]. Ngày nay cũng ngày xưa, sứ vụ gặp phải nhiều khó khăn đáng kể, mà ta chỉ có thể đương đầu nhờ ân sủng đến từ Chúa, với ý thức cách khiêm tốn và mạnh mẽ rằng mình Chúa được sai đi và, vì thế, có thể dựa vào sự trợ giúp của Chúa.

Nhờ vâng phục, chúng ta biết chắc chắn rằng mình phục vụ Chúa, mình là “tôi tớ của Chúa”, khi hành động và khi chịu đau khổ. Sự thâm tín ấy trở nên nguồn mạch của cuộc dấn thân vô điều kiện, của lòng trung tín kiên trì, của sự thanh thản nội tâm, của sự phục vụ vô vị lợi, của sự hiến dâng hết mọi nghị lực. “Ai vâng phục thì được bảo đảm là mình thi hành sứ mạng, đi theo Chúa chứ không phải là theo ước muốn hay theo cảm hứng riêng của mình. Như thế họ có thể biết rằng mình được Thánh Thần của Chúa dẫn đưa và được bàn tay dũng mãnh của Người nâng đỡ, ngay giữa lúc gặp những khó khăn gian khổ (xc. Cv 20,22-23)[2].

Ta thi hành sứ vụ khi được dẫn dắt bởi lòng khát khao chu toàn tôn ý của Chúa, chứ không phải tìm kiếm danh tiếng cho mình. Lòng khát khao ấy trở nên linh hồn của việc cầu nguyện (“xin cho Nước Cha hiển trị, Ý Cha thể hiện”) và sức mạnh của hoạt động. Sứ vụ đòi hỏi vận dụng hết mọi khả năng và tài trí của con người, nhưng chúng đóng góp vào việc cứu độ khi nào chảy vào dòng sông của ý Chúa, chuyên chở những đồ mau qua vào trong biển cả của thực tại vĩnh cửu, nơi mà Thiên Chúa là hạnh phúc vô hạn sẽ trở thành tất cả trong mọi sự (xc. 1 Cr 15,28).

Quyền bính và sứ vụ

25. Do những điều vừa nói, ta phải nhìn nhận rằng quyền bính giữ một vai trò quan trọng trong việc thi hành sứ vụ, trung thành với đặc sủng của mỗi dòng. Vai trò này không phải là chuyện đơn giản, cũng chẳng thiếu những khó khăn và hiểu lầm. Trước đây, mối nguy có thể đến từ những người cầm quyền chỉ nhắm tới việc điều hành công việc, với nguy cơ là bỏ rơi con người; trái lại ngày nay mối nguy có thể đến từ chỗ sợ làm tổn thương cảm xúc cá nhân, hoặc từ chỗ phân mảnh các cấp thẩm quyền làm suy yếu sự quy tụ về mục tiêu chung và làm tiêu tan ngay cả vai trò của quyền bính.

Tuy nhiên, người cầm quyền không chỉ có trách nhiệm linh hoạt cộng đoàn mà còn có vai trò phối hợp những thẩm quyền khác nhau nhắm đến sứ vụ, tuy vẫn tôn trọng những chức vụ và tuân giữa những quy tắc nội bộ của hội dòng. Mặc dù những người cầm quyền không thể (và không nên) làm tất cả mọi việc, nhưng họ vẫn có trách nhiệm tối hậu về mọi việc[3].

Ngày nay, nhiều thách đố được đặt ra cho những người cầm quyền trong công việc phối kết các năng lực cho sứ vụ. Một vài công tác quan trọng của việc phục vụ của nhà cầm quyền được liệt kê như sau:

a) Khuyến khích việc đảm nhận trách nhiệm và tôn trọng các trách nhiệm đã trao.

Đối với một số người, các trách nhiệm có thể gây ra cảm giác sợ hãi. Vì thế, người cầm quyền cần truyền đạt cho những cộng sự viên sức mạnh và can đảm Kitô giáo để đối diện với những khó khăn, vượt thắng những sợ hãi và thái độ thoái thác.

Người cầm quyền không chỉ quan tâm đến việc chia sẻ thông tin mà cả chia sẻ những trách nhiệm nữa, tuy phải cố gắng tôn trọng sự tự trị chính đáng của mỗi người. Điều này đòi hỏi, về phía người cầm quyền, sự điều phối kiên nhẫn và, về phía người thánh hiến, thái độ sẵn sàng hợp tác.

Người cầm quyền cần “hiện diện” khi cần thiết, để tạo ra nơi các thành viên cộng đoàn cảm thức lệ thuộc lẫn nhau, nhưng phải tránh sự lệ thuộc ấu trĩ cũng như sự độc lập tự túc. Điều này là kết quả của sự tự do nội tâm cho phép mỗi người làm việc và hợp tác, thay thế cũng như được thay thế, đứng tiên phong cũng như âm thầm hoạt động ở hậu trường.

Bất cứ ai thi hành quyền bính hãy cảnh giác sẽ không bị rơi vào cám dỗ tự túc cá nhân, nghĩa là nghĩ rằng tất cả đều tùy thuộc vào mình và việc cổ vũ sự tham gia cộng đoàn là không mấy quan trọng và hữu ích; bởi vì thà cùng nhau đi chung một bước thì tốt hơn là đi hai (hoặc nhiều) bước riêng rẽ một mình.

b) Mời gọi chấp nhận những sự khác biệt trong tinh thần hiệp thông

Những thay đổi văn hóa nhanh chóng hiện nay không chỉ gây ra những biến đổi cơ cấu ảnh hưởng đến các hoạt động và sứ vụ, mà còn có thể gây ra những căng thẳng bên trong cộng đoàn, nơi mà những khác biệt về huấn luyện văn hóa hoặc tinh thần khiến cho các phần tử có những cách đọc khác nhau về dấu chỉ thời đại và, vì thế, đề xuất những dự phóng khác nhau, không dễ gì hoà hợp với nhau. Những tình trạng như thế có thể xảy ra thường xuyên hơn ở thời nay hơn là trong quá khứ, do sự gia tăng con số các cộng đoàn gồm những người đến từ những sắc tộc hoặc văn hóa khác nhau, và những khác biệt giữa các thế hệ cũng sâu đậm hơn. Những người cầm quyền được mời gọi để phục vụ với tinh thần hiệp thông kể cả những cộng đoàn đa hợp này, bằng cách giúp họ cống hiến chứng tá, giữa một thế giới mang dấu tích của các chia rẽ, cho thấy có thể sống với nhau và yêu thương nhau cho dù khác biệt. Cần nắm vững một vài nguyên tắc lý thuyết và thực hành sau đây:

– nhớ rằng, trong tinh thần Phúc âm, sự đối lập tư tưởng không bao giờ được phép trở thành đối lập giữa con người;

– nhớ rằng những lối nhìn khác nhau sẽ giúp đào sâu thêm vấn đề;

– cổ võ việc thông tin, nhờ đó việc tự do trao đổi ý tưởng làm cho các lập trường được sáng tỏ và làm nổi bật sự đóng góp tích cực của mỗi người;

– giúp vượt qua quan niệm sùng thượng cá nhân hoặc chủng tộc, muốn trút đổ nguồn gốc mọi tai ương lên những người khác, hầu tiến đến một sự hiểu biết lẫn nhau;

– gây ra ý thức rằng lý tưởng không phải là một cộng đoàn không có mâu thuẫn, nhưng là một cộng đoàn sẵn sàng đối diện với những căng thẳng của nó, để giải quyết chúng một cách tích cực, bằng cách tìm ra những giải pháp mà không bỏ qua những giá trị cần quy chiếu.

c) Duy trì những quân bình giữa những chiều kích của đời thánh hiến

Thật vậy, những chiều kích này có thể trở thành căng thẳng với nhau. Những người cầm quyền cần cảnh giác để đảm bảo sự thống nhất trong đời sống và cố gắng tôn trọng sự quân bình giữa thời gian dành cho cầu nguyện và thời gian dành cho lao động, giữa cá nhân và cộng đoàn, giữa dấn thân và nghỉ ngơi, giữa quan tâm đến đời sống chung và quan tâm đến thế giới và Hội thánh, giữa việc đào tạo cá nhân và đào tạo cộng đoàn[4].

Một trong những sự quân bình tế nhị nhất là quân bình giữa cộng đoàn và sứ vụ, giữa cuộc sống đối nội và đối ngoại (ad intra – ad extra)[5]. Xét rằng thông thường thì sự cấp bách của những việc phải làm có thể dẫn đến sự xao lãng những việc của cộng đoàn và, bởi vì ngày nay người ta thường được mời làm việc với tư cách cá nhân, cho nên cần phải tôn trọng một số quy luật bất-khả-xâm-phạm nhằm đảm bảo vừa tinh thần huynh đệ trong cộng đoàn tông đồ vừa sự nhạy cảm tông đồ trong đời sống cộng đoàn.

Điều quan trọng là những người cầm quyền phải bảo đảm cho những quy luật ấy và nhắc nhở tất cả và từng người rằng khi một thành viên của cộng đoàn thi hành sứ vụ hoặc thi hành bất cứ việc tông đồ nào đó, thì cho dù làm việc một mình chăng nữa thì cũng luôn hành động nhân danh hội dòng hoặc cộng đoàn; và hơn thế nữa, nhờ có cộng đoàn. Thật vậy, sở dĩ họ có thể thi hành một hoạt động nào đó là bởi vì người khác trong cộng đoàn đã dành thời gian của mình cho họ, hoặc đã cố vấn cho họ, hoặc đã truyền đạt một tinh thần nào đó cho họ. Hơn nữa, người ở lại cộng đoàn thường thay thế một số công tác trong nhà cho những người dấn thân bên ngoài cộng đoàn, hoặc cầu nguyện cho họ, hoặc hỗ trợ họ bằng sự trung thành của cá nhân.

Và như thế những người làm việc tông đồ không chỉ biết ơn sâu xa, mà còn kết hợp chặt chẽ với cộng đoàn trong mọi việc họ làm. Người làm tông đồ không được làm như thể là công việc của riêng mình, nhưng hãy cố gắng bằng mọi giá để cùng đi với cộng đoàn, nếu cần thiết thì chờ đợi người chậm chạp, biết đánh giá sự đóng góp của mỗi người, chia sẻ càng nhiều càng tốt những niềm vui và vất vả, những trực giác và thắc mắc, ngõ hầu mọi người đểu cảm thấy việc tông đồ của mỗi người như là của mình, mà không ganh tị hay ghen tương. Người làm việc tông đồ có thể chắc chắn rằng bất kể họ đã cho cộng đoàn bao nhiêu, thì cũng không tương xứng với những gì họ đã lãnh nhận và sẽ tiếp tục lãnh nhận từ cộng đoàn.

d) Có một trái tim xót thương

Thánh Phanxicô Assisi, trong một lá thư cảm động gửi đến một vị bề trên, đã ban những huấn thị như sau về những yếu đuối cá nhân của các anh em mình: “Và trong vấn đế này tôi muốn biết anh yêu mến Chúa và yêu mến tôi là tôi tớ của Chúa và của anh, nếu anh làm điều này, đó là, làm sao cho không một tu sĩ nào trên trái đất đã phạm tội nhiều như anh ta có thể phạm, và sau đó anh ta đến gặp anh, thì sẽ không ra về mà không nhận được lòng thương xót tha thứ của anh, nếu anh ta xin điều đó. Giả như anh ta không xin lòng thương xót, thì anh hãy hỏi anh ta xem có muốn lòng thương xót không. Và nếu sau đó anh ta lại phạm tội cả ngàn lần trước mắt anh, thì anh hãy yêu thương anh ta hơn là yêu tôi vì điều này: để anh lôi kéo anh ta đến với Chúa; và để anh luôn phải thương xót những anh em như thế”[6].

Những người cầm quyền được mời gọi phát triển một khoa sư phạm về sự tha thứ và lòng thương xót, nghĩa là, trở thành dụng cụ của tình yêu Thiên Chúa: đón nhận, sửa chữa và luôn ban thêm một cơ hội khác cho người anh em/chị em lỗi lầm và sa phạm tội. Nhất là họ sẽ cần nhớ rằng: nếu không có niềm hy vọng được tha thứ thì người ta sẽ khó lòng trở lại con đường ngay chính và đương nhiên sẽ có khuynh hướng tăng thêm điều sai quấy và vấp phạm. Trái lại, viễn cảnh của lòng thương xót xác định rằng Thiên Chúa có thể vạch ra một lộ trình dẫn đến sự thiện, kể cả từ những tình huống tội lỗi[7]. Vì thế, ước mong những người cầm quyền không khước từ bất cứ một nỗ lực nào để tất cả cộng đoàn học được kiểu khoan dung này.

e) Có ý thức công bình

Nếu lời mời gọi của Thánh Phanxicô Assisi xin tha thứ cho anh em phạm tội có thể xem như một quy luật chung quý báu, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng có thể có những cách cư xử nơi các phần tử của một vài cộng đoàn những người thánh hiến làm tổn hại nghiêm trọng đến những người thân cận, và mang theo một trách nhiệm đối với người ngoài cộng đoàn cũng như đối với hội dòng. Nếu cần có sự thông cảm về những lỗi lầm của các cá nhân, thì cũng cần có một ý thức chặt chẽ về trách nhiệm và bác ái đối với những người bị tổn hại do cách cư xử sai lệch của một vài người thánh hiến.

Ước gì người sai lầm biết rằng cá nhân họ phải trả lời về những hậu quả hành vi của mình. Sự thông cảm đối với người anh em không thể loại trừ công lý, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương và những nạn nhân của lạm dụng. Biết chấp nhận điều sai trái mà mình đã làm và đảm nhận trách nhiệm về điều đó cùng với những hậu quả của nó thì đã là một bước trên con đường dẫn đến lòng khoan dung: cũng như đối với dân Israel lìa xa khỏi Thiên Chúa, chấp nhận những hậu quả của tội ác (đó là kinh nghiệm bị lưu đầy) là bước đầu tiên để đi vào con đường hoán cải và tái khám phá sâu xa hơn tương quan đích thực với Chúa.

f) Cổ võ sự hợp tác với giáo dân

Sự tăng gia hợp tác với các giáo dân trong những cơ sở và công việc được điều khiển bởi những người thánh hiến đã đặt ra nhiều câu hỏi mới, đòi hỏi những giải đáp mới về phía cộng đoàn cũng như phía người cầm quyền. “Sự tham gia của các giáo dân thường mang lại một số cái nhìn mới mẻ và sâu sắc hơn về một số khía cạnh của đoàn sủng,” xét vì các giáo dân được mời gọi để mang lại cho “các dòng tu một phần đóng gớp quy báu của họ là ‘sự hiện diện của họ nơi trần thế’ và việc phục vụ chuyên môn của họ”[8].

Thật phù hợp để nhắc lại rằng để đạt được mục tiêu của sự hợp tác giữa tu sĩ và giáo dân, “cần phải có những cộng đoàn tu trì với một căn tính đoàn sủng rõ ràng, được thấm nhuần hóa và được sống, có khả năng chuyển trao và sẵn sàng chia sẻ cho người khác; những cộng đoàn tu sĩ với một linh đạo sâu sắc và nhiệt tình truyền giáo để thông truyền cùng một tinh thần và cùng một lực đẩy để loan báo Tin mừng; những cộng đoàn tu sĩ biết cách linh hoạt và khích lệ giáo dân chia sẻ đoàn sủng của hội dòng mình, theo đặc tính trần thế của họ và theo kiểu sống khác biệt của họ, mời gọi họ khám phá những phương thức mới để thực thi cùng một đoàn sủng và cùng một sứ vụ. Như thế, một cộng đoàn tu sĩ trở thành trung tâm chiếu tỏa, một sức mạnh thiêng liêng, một trung tâm linh hoạt, nơi những đóng góp khác nhau của mỗi người giúp xây dựng Thân Thể Chúa Kitô là Hội thánh”[9].

Hơn nữa, cần ấn định rõ rệt những thẩm quyền và trách nhiệm của các giáo dân cũng như của các tu sĩ, của những định chế trung gian (các hội đồng quản trị, hoặc tương tự). Trong tất cả các cơ quan này, người phụ trách cộng đoàn những người thánh hiến cần giữ một vai trò không thể nào thay thế được.

Những khi vâng phục gặp khó khăn

26. Khi thi hành sứ vụ, một vài thứ vâng phục có thể trở thành khó khăn cách đặc biệt, do bởi những quan điểm hay phương thế hành động phục vụ có thể được nắm bắt hoặc suy nghĩ với những cách khác nhau. Trước một số tình huống vâng phục khó khăn và thậm chí xem ra “phi lý”, có thể nảy sinh cám dỗ mất tin tưởng và ngay cả buông xuôi: có nên tiếp tục nữa không? phải chăng tôi không thể thực hiện những ý tưởng của tôi tốt hơn trong một bối cảnh khác hay sao? tại sao lại phí sức vì những mâu thuẫn vô nghĩa như vậy?

Thánh Biển Đức đã đối diện với vấn nạn về một sự vâng phục “rất nặng nề và thậm chí không thể nào thi hành nổi”; và thánh Phanxicô Assisi đã nghiên cứu trường hợp trong đó “ bề dưới nhìn thấy những điều tốt và hữu ích cho linh hồn mình còn hơn là những điều mà vị bề trên ra lệnh”. Trong phần giải đáp, vị Tổ Phụ đời đan tu yêu cầu một sự đối thoại tự do, cởi mở, khiêm tốn và tín nhiệm giữa đan sĩ và viện phụ, mặc dù cuối cùng, nếu được yêu cầu, đan sĩ “hãy vâng phục vì yêu mến Chúa và phó thác vào sự giúp đỡ của Ngài”[10]. Vị Thánh Assisi mời gọi hãy áp dụng một thứ “ vâng phục yêu mến”, trong đó tu sĩ tự nguyện hy sinh quan điểm của mình và thi hành điều truyền khiến, bởi vì như vậy tu sĩ “làm vui lòng Thiên Chúa và đồng loại”[11], và nhận thấy một “sự vâng phục hoàn hảo” kể cả khi mặc dầu không thể vâng phục bởi vì anh bị ra lệnh “làm điều chống lại linh hồn anh”, những người tu sĩ không bẻ gẫy sự hiệp nhất với bề trên và cộng đoàn, và cũng sẵn sàng chịu bách hại vì đó. Thánh Phanxicô nhận xét: “Thật vậy, bất cứ ai chịu bách hại hơn là muốn tách rời khỏi anh em, thì sự vâng phục quả là hoàn hảo, bởi vì anh hiến dâng mạng sống mình cho anh em”[12]. Điều này nhắc nhớ chúng ta rằng, tình yêu và sự hiệp nhất tượng trưng cho những giá trị tối thượng mà cả việc hành sử quyền bính và việc vâng phục cũng đều phải phụ thuộc.

Phải nhận rằng, một đàng, sự bám chặt vào những tư tưởng và xác tín cá nhân, hoa quả của suy tư hoặc kinh nghiệm và được chín muồi trải qua thời gian, cũng là chuyện thường tình; tìm cách bảo vệ và thúc đẩy chúng, trong một cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng họ, luôn nhắm tới Nước Thiên Chúa, thì cũng là chuyện hợp lý. Đàng khác, đừng quên rằng mẫu gương luôn luôn là Đức Giêsu Nazareth, Đấng mà ngay cả trong cuộc thương khó đã xin Thiên Chúa hãy thực hiện ý muốn của Cha, và Người đã không thối lui khi đối diện với cái chết trên thánh giá (xc Dt 5,7-9).

Khi được yêu cầu từ bỏ ý tưởng hoặc dự phóng riêng, người thánh hiến có thể cảm thấy choáng váng và có cảm giác bị loại trừ bởi người cầm quyền, hoặc cảm thấy bên trong mình “tiếng kêu la và nước mắt” (Dt 5,7) và khẩn nài cất chén đắng đi. Nhưng đó cũng là lúc ký thác mình cho Chúa Cha để ý của Người được thể hiện, và như thế có thể tham dự một cách tích cực hết mình vào sứ vụ của Chúa Kitô “vì sự sống của thế giới” (Ga 6,51).

Khi thưa những lời “Vâng… vâng” khó khăn này, ta có thể thấu hiểu được ý nghĩa của vâng phục như một hành động tự do tột đỉnh, được diễn tả trong sự phó thác hoàn toàn tin tưởng vào Đức Kitô, Người Con đã tự do vâng phục Chúa Cha; và ta có thể hiểu được ý nghĩa của sứ vụ như một hiến dâng vâng phục của bản thân, đem lại phúc lành của Đấng Tối cao: “Ta sẽ chúc phúc cho ngươi với mọi phúc lành…(và) tất cả các nước trên mặt đất sẽ nhận phúc lành cho họ, vì ngươi đã vâng nghe tiếng Ta” (St 22,17.18). Trong phúc lành đó, người thánh hiến vâng phục biết rằng họ sẽ gặp lại tất cả những gì mà mình đã khước từ làm hy lễ; trong phúc lành đó cũng ẩn giấu sự thể hiện đầy đủ bản tính con người của mình (xc Ga 12,25).

Vâng phục và vấn nạn lương tâm

27. Một câu hỏi có thể nảy lên: Có thể có những tình huống trong đó lương tâm dường như không cho phép tuân theo những chỉ thị của người cầm quyền không? Nói cách khác, liên quan đến những luật lệ hoặc với các bề trên, có thể xảy ra trường hợp người thánh hiến buộc phải tuyên bố: “Cần phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29) không? Đây là trường hợp của điều gọi là vấn nạn lương tâm mà Đức Phaolô VI đã bàn[13], và ta cần phải hiểu ý nghĩa xác thực của nó.

Đúng là lương tâm là nơi mà tiếng của Chúa vang lên, chỉ dẫn cho ta biết phải cư xử thế nào, và cũng thật đúng là ta cần học biết lắng nghe tiếng này rất chăm chú để nhận ra nó và phân biệt nó khỏi những tiếng khác. Quả vậy, đừng nên lẫn lộn tiếng này với những tiếng khác xuất phát từ một cái nhìn chủ quan chẳng biết đến hoặc coi nhẹ các nguồn mạch và tiêu chuẩn bất-khả-vi-phạm và ràng buộc trong việc huấn luyện phán đoán của lương tâm: «nguồn mạch của những phán đoán đúng đắn của lương tâm là “trái tim” trở về với Chúa và với sự yêu thích điều thiện»[14], và «tự do lương tâm không bao giờ có nghĩa là tự do “khỏi” sự thật, nhưng luôn và chỉ tự do “trong” sự thật»[15].

Vì thế người thánh hiến sẽ phải suy nghĩ nhiều trước khi kết luận rằng không phải sự vâng phục lệnh truyền nhưng là tiếng nói bên trong mới thực sự là ý muốn của Thiên Chúa. Ngoài ra, người thánh hiến cũng hãy luôn luôn nhớ đến quy luật của sự trung gian, cho nên đừng đưa ra những quyết định nghiêm trọng mà không bàn thảo hoặc xác minh. Dĩ nhiên, điều quan trọng là cần phải đạt đến sự nhận biết và thi hành ý Chúa; tuy vậy, cũng hiển nhiên không kém là người thánh hiến, do lời khấn, đã cam kết là sẽ chấp nhận thánh ý qua các trung gian đã được xác định. Khẳng định rằng điều quan trọng là ý Chúa chứ không phải là các trung gian, để rồi từ đó khước từ các trung gian hoặc chỉ chấp nhận tùy theo sở thích, thì có thể đánh mất ý nghĩa của lời khấn, và làm cho đời sống của mình họ thiếu mất một trong những đặc tính thiết yếu.

Do đó, trừ ra khi nào một mệnh lệnh rõ ràng trái với luật Thiên Chúa hay là trái với Hiến pháp của Dòng, hoặc chắc chắn mệnh lệnh ấy sẽ mang đến một điều xấu lớn lao – trong những trường hợp ấy, nhiệm vụ vâng phục không còn buộc nữa – những quyết định của bề trên liên quan đến một lãnh vực mà việc thẩm định một điều thiện tốt đẹp hơn có thể thay đổi tùy theo quan điểm riêng của mỗi người. Khi gặp một mệnh lệnh xét theo khách quan xem ra kém, và kết luận rằng mệnh lệnh ấy bất hợp lý và trái ngược với lương tâm, thì kết luận như thế là thiếu thực tế vì không nhận rằng có vô số những thực tại nhân loại lờ mờ khó hiểu và có giá trị lưỡng diện. Đàng khác, từ chối vâng phục thường gây thiệt hại nặng cho ích chung. Một tu sĩ không thể dễ dàng cho rằng có mâu thuẫn giữa phán đoán của lương tâm mình với phán đoán của bề trên. Và hoàn cảnh bất thường này đôi khi tạo nên một sự đau khổ thực sự bề trong, theo gương chính Đức Kitô, ‘Đấng đã nhờ đau khổ để học cho biết vâng phục là gì’ (Dt 5,8)”[16].

Nỗi khó khăn của người cầm quyền

28. Nhưng những người cầm quyền cũng có thể trở nên chán nản và buông xuôi. Trước những sự chống đối của một số cá nhân hoặc cộng đoàn, trước một vài vấn đề xem ra không giải quyết được, họ có thể bị cám dỗ nhượng bộ và nghĩ rằng mọi nỗ lực cải thiện tình hình là vô ích. Và rồi ta thấy mối nguy là họ trở thành những người điều hành theo thủ tục, cam chịu sự tầm thường, buông xuôi chứ không muốn can thiệp, chẳng còn can đảm để vạch ra những mục đích của đời thánh hiến chân chính, và liều mình đánh mất tình yêu của nhiệt tình thuở ban đầu và lòng khát khao làm chứng tá cho điều đó.

Khi việc thực thi quyền bính trở nên nặng nề và khó khăn, ta nên nhớ lại Chúa Giêsu đã coi nhiệm vụ này như một hành vi tình yêu đối với Người: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mếnThầy không?” ( Ga 21,16). Và cũng hữu ích khi nghe lại những lời thánh Phaolô: “Hãy vui mừng lúc hy vọng, hãy mạnh mẽ lúc gặp gian truân, hãy bền chí cầu nguyện, hãy ân cần đối với các nhu cầu của anh em” (Rm 12,12-13).

Nỗi khổ tâm âm thầm kèm theo sự trung thành với nhiệm vụ của mình, thường cộng thêm cảnh cô độc hoặc hiểu lầm từ phía những người mà mình hiến thân phục vụ, trở thành con đường thánh hóa bản thân và phương thế cứu độ cho những kẻ đã gây ra đau khổ cho mình.

Vâng phục cho đến tận cùng

29. Nếu tất cả cuộc đời của người tín hữu là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, thì mỗi ngày trong cuộc sống trở thành một việc học tập liên tục để biết cách lắng nghe tiếng Chúa ngõ hầu thi hành ý muốn của Ngài. Đã hẳn đây là một trường học đòi hỏi rất nhiều, ra như một cuộc đấu tranh giữa cái tôi mang khuynh hướng muốn làm chủ bản thân và lịch sử của mình và Thiên Chúa là “Chủ tể của mọi lịch sử; một trường trong đó người ta học phó thác mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và cho tình Hiền Phụ của Người cho đến nỗi dám đặt tin tưởng vào những người con cái của Chúa và anh chị em của ta. Nhờ vậy mà tăng gia niềm tin chắc rằng Cha không bao giờ bỏ rơi, ngay cả khi cần phải ký thác sự chăm sóc đời mình vào trong bàn tay của những người anh chị, mà ta nhìn nhận nơi họ dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa và những kẻ làm trung gian của thánh ý Ngài.

Với một hành vi vâng phục, cho dù không ý thức , chúng ta đã lãnh nhận sự sống, bằng cách chấp nhận Ý muốn tốt lành đó đã muốn cho chúng ta hiện hữu hơn là không hiện hữu. Chúng ta sẽ kết thúc hành trình của chúng ta với một hành vi khác của vâng phục, mà chúng ta mong rằng sẽ có ý thức và tự do càng nhiều càng tốt, nhưng nhất là diễn tả sự phó thác vào Cha nhân lành là Đấng sẽ gọi chúng ta đến với Ngài vĩnh viễn, trong vương quốc của ánh sáng vô tận, nơi sự tìm kiếm của chúng ta sẽ chấm dứt và cặp mắt chúng ta sẽ thấy Ngài trong ngày Chúa nhật không tàn. Lúc ấy chúng ta sẽ trở nên hoàn toàn vâng phục và thành tựu, bởi vì chúng ta sẽ mãi mãi nói ‘VÂNG” với Tình yêu đã cấu tạo nên chúng ta ngõ hầu được hưởng hạnh phúc với Ngài và trong Ngài.

Lời cầu nguyện cho những người cầm quyền

30. “Lạy Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, mục tử từ bi, mục tử âu yếm, này đây một người mục tử nghèo nàn và đáng thương, đang kêu lên Chúa; kẻ ấy là một mục tử yếu đuối, vụng về và vô dụng, nhưng thực sự vẫn là một mục tử của đàn chiên của Chúa.

“Lạy Chúa, xin hãy dạy con là tôi tớ của ngài, con van nài Chúa, xin hãy dạy con nhờ Thần khí của Chúa, biết cách phục vụ anh em con và tiêu hao bản thân mình vì họ. Lạy Chúa, nhờ ân sủng khôn tả của ngài, xin ban cho con biết kiên nhẫn chịu đựng những yếu đuối của họ, biết cảm thông chia sẻ những nỗi đau buồn của họ, và biết khôn khéo giúp đỡ họ. Ước chi nơi trường của Chúa Thánh Thần, con học cho biết an ủi kẻ sầu khổ, khích lệ kẻ nhát đảm, nâng đỡ kẻ sa ngã, trở nên yếu với người yếu, phẫn nộ với kẻ bị vấp phạm bởi gương mù, trở nên tất cả cho mọi người để cứu vớt tất cả mọi người. Xin đặt vào miệng con những lời chân thật, công minh và êm ái, nhờ vậy họ được xây dựng trong đức tin, đức cậy, đức mến, đức khiết tịnh và khiêm hạ, đức nhẫn nại và vâng phục, nhiệt thành trong tinh thần và hăng say trong trái tim.

“Con ký thác họ vào bàn tay thánh thiện và sự quan phòng âu yếm của Chúa, để đừng ai giật họ ra khỏi tay Chúa cũng như ra khỏi tay của người tôi tớ mà Chúa đã trao phó cho. Xin cho họ luôn vui tươi bền đỗ trong quyết tâm thánh thiện, và nhờ bền đỗ họ đạt được đời sống vĩnh cửu với ơn Chúa giúp, lạy Chúa rất dịu dàng của chúng con, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen”[17].

Lời cầu xin Đức Maria

31. Ôi trinh nữ Maria dịu dàng và thánh thiện, khi thiên sứ truyền tin, nhờ việc vâng phục với lòng tin và sửng sốt, Mẹ đã ban Chúa Kitô cho chúng con. Tại Cana, với tấm lòng ân cần, Mẹ đã cho thấy thế nào là hành động có trách nhiệm. Mẹ đã không chờ đợi một cách thụ động sự can thiệp của Con Mẹ, nhưng Mẹ đã đi bước trước, để làm cho Chúa nhận ra nhu cầu của người khác cũng như ra lệnh cách khéo léo bảo các đầy tớ hãy đến với Chúa.

Dưới chân thập giá, sự vâng phục đã làm cho Mẹ trở thành Thân mẫu của Hội thánh và của các tín hữu, đang khi tại nhà Tiệc Ly, mỗi người môn đệ đều nhận ra nơi Mẹ quyền bính dịu dàng của tình yêu và phục vụ.

Xin giúp chúng con hiểu rằng mọi quyền bính đích thực trong Hội thánh và trong đời thánh hiến đều đặt nền tảng trên việc trở nên dễ dạy đối với ý Chúa, và xin cho chúng con hiểu rằng mỗi người chúng con thực sự trở thành quyền bính đối với người khác bằng cách sống cuộc đời của mình trong sự vâng phục Thiên Chúa.

Ôi Mẹ xót thương và nhân hậu, “Mẹ đã thi hành ý Chúa Cha, mau mắn vâng phục”[18], xin hãy làm cho cuộc đời chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, trung thành bước theo Đức Giêsu, là Chủ tể và là Người Tôi Tớ, trong ánh sáng và với sức mạnh của Thánh Thần, hân hoan trong hiệp thông huynh đệ, quảng đại trong sứ vụ, mau mắn trong việc phục vụ người nghèo, trông mong đến ngày mà sự vâng phục trong đức tin sẽ chảy vào lễ hội của Tình yêu bất tận”.

 

Ngày 5 tháng 5 năm 2008,

Đức Thánh Cha đã phê chuẩn Huấn thị này

của Bộ các hội dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ,

và ban phép công bố.

Vatican, ngày 11-5-2008

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống

Hồng y Franc Rodé, C.M., Tổng trưởng
Tổng giám mục Gianfranco A. Gardin, OFM, Tổng thư ký

 

 

 

 


[1] T. Ignaxiô Loyola, Linh Thao, 95, 4-5.

[2] TH số 92.

[3] Xc. TH số 43.

[4] Xc. HĐ số 50.

[5] Xc. HĐ số 59.

[6] T. Phanxicô Assisi, Thư gửi một Giám tỉnh, 7-10

[7] Xc.Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, số 6.

[8] TH số 55; xc. Phát xuất lại từ Đức Kitô số 31.

[9] HĐ số 70.

[10] T. Biển Đức, Tu luật, 68, 1-5

[11] T. Phanxicô Assisi, Admonitio III, 5-6.

[12] T. Phanxicô Assisi, Admonitio III, 9.

[13] Xc. CT số 28-29.

[14] Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor, (6-8-1993), số 64.

[15] Veritatis splendor, số 64.

[16] CT số 28.

[17]Aelred Rievaulx, Oratio pastoralis, 1; 7; 10, in CC CM I, 757-763.

[18] TH số 112.