Ý NGHĨA SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊSU ĐỐI VỚI CON NGƯỜI HÔM NAY

0
779

José Ignacio González Faus, S.I.

Trích Thời sự Thần học, số 100, tháng 05/2023, trang 162-185

            Trong bài thuyết trình này, tác giả đặt ra ba câu hỏi liên quan đến khía cạnh thực tiễn của niềm tin vào Đức Kitô phục sinh:

1/ Chúng ta hiểu thế nào về Đức Kitô phục sinh? Dựa trên những chứng cớ gì?

2/ Ý nghĩa của niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Phần này dài hơn cả. Sự phục sinh không chỉ liên can đến bản thân Đức Giêsu mà còn đáp ứng các yêu sách của nhân loại: a) sự bất công không có tiếng nói cuối cùng; b) cái chết không có tiếng nói cuối cùng; c) vật chất được biến đổi; d) lịch sử có ý nghĩa.

3/ Sự tiến bộ là kết quả của văn minh hiện đại hay là của Tin mừng?

Tác giả là một giáo sư Kitô học tại đại học Catalunya (Barcelona), đã xuất bản hơn 30 đầu sách. Vì là bài thuyết trình nên tác giả không trích dẫn thư mục.

Nguồn : Significado de la resurrección de Jesús para el hombre de hoy
https://web.unican.es › campuscultural › Documents

I. Chúng ta hiểu sự Phục sinh của Đức Giêsu như thế nào?

Giả như tôi có thể đặt lại tựa đề cho buổi thuyết trình, tôi sẽ thay đổi bằng một câu hỏi mà triết gia Emmanuel  Kant đã đặt ra cho con người: “Chúng ta có thể hy vọng cái gì?” Tôi nghĩ rằng sự phục sinh của Đức Giêsu là giải đáp cho câu hỏi mà mọi người đều đặt ra, và được khắc ghi phần nào vào thân phận con người.

  1. Sống cuộc đời của Thiên Chúa.

Khi nói đến sự phục sinh của Đức Giêsu, sự khó khăn mà người Kitô gặp phải khi loan báo điều này nằm ở chỗ họ chưa từng gặp một trường hợp tương tự ở bất cứ nơi nào khác. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến những cuộc hồi sinh, nghĩa là người chết trở lại cuộc đời trần thế, nhưng chắc chắn Đức Giêsu thì khác.

Vì thế rất khó nói đến sự phục sinh của Đức Giêsu, bởi vì khi đụng đến những điều chúng ta chưa có kinh nghiệm thì chúng ta phải so sánh với những trường hợp tương tự, bằng cách dùng óc tưởng tượng để so sánh. Chẳng hạn người nào chưa từng thấy cầu thủ Messi thì có thể nói anh ta giống với Maradona, Canales… mà họ đã quen; và đó là cách thức mỗi người chúng ta diễn tả quan điểm dựa theo kinh nghiệm của mình.

Trong sự phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta không có khả năng đối chiếu, bởi vì đức tin Kitô giáo không nói rằng Người trở lại cuộc đời này, giống như anh Ladarô chẳng hạn. Chúng tôi sẽ không đi vào khảo sát các đoạn văn Tin mừng, bởi vì đề tài mà tôi sắp bàn không phải là sự kiện “trở lại cuộc đời này”, mà là “chuyển từ đời sống này sang đời sống của Thiên Chúa”.

Chúng ta không thể nào nói về một con người sống cuộc đời của Thiên Chúa, bởi vì điều này vượt quá khả năng của chúng ta; chúng ta có thể tưởng tượng nhiều điều, giống như các Kitô hữu đầu tiên, nhưng chắc hẳn là  tưởng tượng không đúng, và cần phải điều chỉnh lại.

  1. Sự phục sinh và cuộc đời Đức Giêsu

Người Kitô hữu không khẳng định rằng “một ai đó” đã trỗi dậy từ cõi chết, nhưng là một người cụ thể, Đức Giêsu Nazaret, là kẻ được Thiên Chúa làm trỗi dậy.

Thần học cận đại đã lấy lại một ý tưởng rất hay, khi nói rằng “Đức Giêsu đã chịu chết bởi vì Người sống như thể đã sống” có thế thôi. Người ta đã sửa lại một cách diễn tả trước đây, là Thiên Chúa cần đến một hy lễ vô tội để làm nguôi cơn thịnh nộ.! Cách diễn tả như vậy xem ra man rợ làm sao ấy!

Đức Giêsu đã chịu chết bởi vì Người sống như thể đã sống và Người đã phục sinh bởi vì đã Người đã sống và đã chết như vậy. Cần ghi nhận những điều ấy khi bước sang phần thứ hai, nói về ý nghĩa của sự phục sinh như là yêu sách chống lại mọi hình thức bất công của nhân loại, vv..

  1. Những cảm nghiệm phục sinh, chúng như thế nào?

Nên biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ đến với sự phục sinh bằng sức lực của chúng ta hoặc là nhờ một thứ suy diễn đặc biệt nào đó. Chúng ta chỉ có thể đến với sự phục sinh nếu chính Đấng phục sinh tỏ hiện. Tân ước nói rất rõ về điều này. Trong Tân ước, hạn từ mà chúng ta gặp nhiều lần là :  họ đã thấy, nhưng xét trong cấu trúc ngữ học của tiếng Hy-lạp (thời aoristo) thì phải dịch là Người đã tỏ hiện, đã cho thấy. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng tìm hiểu kinh nghiệm của các chứng nhân, ngõ hầu có thể hiểu biết đôi chút về ý nghĩa của sự phục sinh của Đức Giêsu.

Theo nghĩa này, một điều chắc chắn là chúng ta có các chứng nhân, tuy rằng họ không thuật lại  chi tiết các cảm nghiệm như chúng ta mong mỏi. Chứng tá về việc Đấng phục sinh tỏ hiện được mô tả bằng nhiều cách khác nhau trong Tân ước. Trong chương 15 của thư thứ nhất gửi các tín hữu Corintô, – một kiểu kinh Tin kính ra đời khoảng thập niên 40 của Hội thánh nguyên thủy -, có rất nhiều câu nói như là: Đức Chúa đã trỗi dậy và đã tỏ hiện hoặc đã hiện ra với. Tôi sẽ không đi sâu vào chuyện này trong phần thứ nhất.

Đối lại, các sách Tin mừng đều kết thúc với những trình thuật hiện ra, và chúng đã đặt ra nhiều nghi vấn về tính lịch sử. Lý do không phải tại vì các tông đồ không phải là những con người lịch sử, chân thực, đáng tin cậy, nhưng  tại vì khái niệm về lịch sử vào thời ấy không giống như khái niệm của chúng ta thời nay. Ai đã đọc Tito Livio hay những sử gia khác của thời ấy đều hiểu rằng lịch sử được viết ra để truyền đạt một tư tưởng hơn là truyền đạt một sự kiện.

Các trình thuật về những cuộc hiện ra mà chúng ta nhận được trong các sách Tin mừng tiên vàn muốn chuyển tải một giáo huấn; và cách thức duy nhất để làm điều này trong một thế giới phần lớn mù chữ, không quen suy tư và lý luận, không có các trường cao đẳng và đại học, vv như chúng ta, đó là kể chuyện theo một cách thức nào đó. Thí dụ, Luca muốn thuyết phục những người Hy-lạp rằng, mặc dù họ nghĩ rằng vật chất là xấu xa và vì thế người phục sinh không thể nào có thân xác vì thân xác xấu xa, nhưng điều đó không đúng, kẻ sống lại – theo cách mà lát nữa tôi sẽ nói – có một thân xác giống như chúng ta, tuy rằng đã được biến đổi.

Thế nhưng, nếu muốn giải thích điều ấy bằng ý tưởng thì có lẽ người ta sẽ không  hiểu. Vì thế Luca kể lại câu chuyện của một sự hiện ra và có lẽ đã xảy ra, và ông không thấy khó khăn khi nói rằng sau khi đã xuyên qua các bức tường – điều này chứng tỏ là thân xác ấy không có kích thước như chúng ta – Người đã hỏi có gì ăn không. Đó là cách thức mà Luca muốn nói rằng Người thuộc cùng thực tại thể chất như chúng ta.  Chúng ta không có thể quả quyết rằng xét theo lịch sử điều đó có hay không, cũng như chúng ta không thể phủ nhận. Chúng ta chỉ thú nhận rằng chúng ta không biết.

Ở một chỗ khác của sách Tin mừng, Luca kể lại việc Chúa hiện ra với các môn đệ Emmaus. Điều mà thánh sử muốn nói trong câu chuyện này, có lẽ trình thuật đẹp nhất trong các lần hiện ra, đó là cho dù chúng ta có nhiều dữ liệu đến mấy đi nữa, cũng như các dữ liệu được giải thích cho các ông dọc theo lộ trình, thì chắc chúng ta vẫn không tin. Bên trên các dữ kiện và lập luận, cần có một cử chỉ ngõ hầu, bỗng dưng, các mảnh được đặt vào đúng chỗ và có sức mở ra cho chúng ta con đường dẫn tới đức tin. Đó là điều đẹp nhất trong câu chuyện này: khi thấy Người bẻ bánh,  thì mắt các ông mở ra và họ nhận ra Người qua cử chỉ đó. Vì thế, những lần hiện ra không cung cấp cho chúng ta những dữ kiện mà chúng ta tìm kiếm để xem xét cảm nghiệm của các trình thuật, do những nghi vấn mà các trình  thuật đặt ra.

Dù sao đí nữa, trong các lần hiện ra, có ba nét hầu như chung cho tất cả, và khoa chủ giải cận đại chấp nhận như là đặc trưng của các trình thuật Tin mừng: sáng khởi, nhìn nhận và sứ vụ.

Sáng khởi muốn nói rằng không ai nhận ra Đấng phục sinh, cho dù Người đứng bên cạnh, nếu Người không tỏ hiện. Chính ông Luca nói như vây khi viết rằng đôi mắt họ ra như đui mù, không thể nhận ra Người… hoặc ông Gioan, khi thuật lại rằng bà María, chỉ muốn nhìn thấy Đức Giêsu, khi có Người bên cạnh thì bà tưởng là người canh vưòn nên mới hỏi ông ấy… Cần có sáng khởi của Đức Giêsu tựa như gọi tên bà Maria, hoặc bẻ bánh cho những người đồng bàn.

Sáng khởi phát sinh sự nhìn nhận, nghĩa  là nhận biết rằng Kẻ đứng trước mặt cũng là kẻ mà trước đây họ đã chung sống, nhưng nay đã biến đổi. Có thể diễn tả qua lối chơi chữ, hoán đổi giữa đại danh từ và danh từ như thế này: chính là Người nhưng không phải là người ấy. Cũng là một nhân vật ấy, nhưng lại không phải là người ấy, bởi vì Người đứng trước mặt mà họ không nhận ra.

Tiếp theo sự nhìn nhận là điều còn quan trọng hơn nữa: sứ vụ. Tất cả những lần hiện ra đều là sứ vụ, và điều này giúp chúng ta phần nào đi vào động lực của những lần hiện ra với những người được chọn làm chứng nhân.

Thứ nhất, điều này muốn nói rằng sự phục sinh không chỉ ảnh hưởng đến Đức Giêsu mà thôi; bởi vì nếu như vậy thì đâu cần phải lên đường, đi rao giảng. Cùng lắm là chỉ cần nói cho người Do thái biết rằng kẻ mà họ đã giết thì hiện nay đang khỏe mạnh; đó là một  thứ trả thù! Nhưng sở dĩ họ trở thành những người được sai đi là vì sự phục sinh không chỉ ảnh hưởng đến Đức Giêsu mà còn ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Khi nói đến sự phục sinh của Đức Giêsu, Tân ước không ngừng nói đến sự phục sinh của chúng ta, nếu chúng ta cùng phục sinh với Đức Kitô.

Tiếp theo sự phục sinh của Đức Giêsu, sự phục sinh của chúng ta được bảo đảm, được gắn chặt với sự phục sinh của Người, đến nỗi tác giả thư Colosê có thể nói rằng: nếu anh em đã phục sinh cùng với Đức Kitô, thì hãy sống như những người đã phục sinh (Cl 3,1-4).

Dù sao đi nữa, những cảm nghiệm của các tông đồ – hoàn toàn khác với những cảm nghiệm của những người được Đức Mẹ hay Thánh Giuse hiện ra – là những cảm nghiệm về sự phục sinh phổ quát, sự phục sinh bản thân và sự phục sinh của toàn thể nhân loại, kể cả của những lý hình, bởi vì đối với các chết của Đức Giêsu, không phải tất cả đã lên án hay giết Người, nhưng một số người làm thinh, một số người bỏ chạy, một số người đã bỏ rơi Người; tất cả đều có một phần lỗi trong đó.

Chính vì thế mà bất cứ ai đọc Tân ước đều nhận thấy rằng, kèm theo việc loan báo sự phục sinh là việc loan báo sự tha thứ. Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều có lỗi vì thế giới này không tương hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Ngày nay có nhiều người không có đức tin   bởi vì thế giới tàn ác, bởi vì vấn đề sự dữ. Khi ai đó đến xin tôi giải thích ý nghĩa sự dữ, tôi phải nói rằng tôi không có lời giải đáp. Cách đây không lâu, một người bạn vô thần nói với tôi rằng ông không thể tin đạo đươc, “do những sự dữ của Thiên Chúa trong thế giới này”, và người ấy xin lỗi tôi về câu nói này khi nhắc đến trận động đất ở Haiti, ở Chile, đến bom hạt nhân. Điều duy nhất mà tôi có thể nói với người ấy là cảm nghiệm của họ rất gần gũi với đức tin và với những người viết Kinh thánh, bởi vì trong chương của Sách Sáng thế có viết rằng Thiên Chúa hối hận vì đã dựng nên con người (St 6,6). Chuyện xảy ra là Thiên Chúa không phá hủy thế giới, nhưng tìm cách để chinh phục nó, thay đổi nó.  Tức là sự tha thứ, sự phục sinh của Đức Giêsu có nghĩa rằng, cho dù thế giới này có xấu xa, tàn ác đến mấy đi nữa, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi nó. Ngài đang hoà giải với nó và muốn chinh phục nó như lúc khởi đầu.

II. Ý nghĩa sự phục sinh của Đức Giêsu

Chúng ta sẽ rất thiển cận nếu chì nhìn sự phục sinh như đối nghịch với cái chết. Khi nghe người nào khẳng định rằng cái chết chưa phải là hết, thì có người phản ứng lại cách tích cực nhưng có người cho rằng chuyện ấy chẳng có ý nghĩa gì hết.

  1. Sự bất công không có tiếng nói cuối cùng; sự đòi hỏi của tất cả các nạn nhân.

Trước khi vấn đề sự chết được đặt ra, có một đề tài khác đã làm người Do thái bị dằn vặt bởi vì nó là thử thách lớn cho đức tin: đó là chủ đề công bằng và sự đòi hỏi cho các nạn nhân. Kinh nghiệm tôn giáo đầu tiên của dân Do thái là Thiên Chúa công bình, vì thế, đức công bình của Ngài phải dành cho những người tốt; nghĩa là người tốt sẽ gặp điều lành, còn người xấu phải bị trừng phạt. Đó là kinh nghiệm của tất cả chúng ta, mỗi khi chúng ta tự hỏi: tôi đã làm gì mà đáng được như vậy?

Kinh nghiệm đầu tiên, coi như tóm lược đức tin người Do thái, tương phản với kinh nghiệm mà phần lớn các thánh vịnh đã trải qua, bởi vì nhiều lần người công chính phải gặp tai họa, còn ác nhân lại được thịnh đạt.

Khi người gian ác hoạt động, bóc lột kẻ nghèo .. thì xem ra Thiên Chúa không nhìn thấy, và họ cứ thẳng tiến. Vì thế vịnh gia kêu lên: Lạy Chúa, Ngài không thấy sao…? Lạy Chúa, cho đến bao giờ…?

Trong sách  Giêrêmia, ở đầu chương 12, chúng ta thấy ngôn sứ đối chất với Thiên Chúa: Lạy Chúa, mặc dù Ngài có lý khi con tranh luận với Ngài, nhưng con muốn nêu ra một trạng huống: tại sao bọn ác nhân cứ thịnh đạt, quân phản trắc lại sống yên hàn?

Kinh nghiệm này đã củng cố đức tin của người Do thái – mặc dù cũng đã đe dọa đức tin của họ không biết bao nhiêu lần – bởi vì kinh nghiệm rằng Thiên Chúa công bình rất là đúng. Trong Cựu ước, đức công bình – sedaqá – là thuật ngữ chính xác nhất để định nghĩa Thiên Chúa, đối lại với thế giới này, vì là bất công, thì trái ngược với Thiên Chúa.

Vì thế, khi anh bạn vô thần mà tôi nói trên đây kể cho tôi rằng nếu đôi khi anh đọc kinh Lạy Cha là  để xin cho ý Chúa được thể hiện trên trời chứ không ở dưới đất, thì tôi cắt nghĩa cho anh rằng khi đọc Lạy Cha chính là lúc chúng ta nhìn nhận rằng ý muốn của Thiên Chúa chưa được thể hiện ở dưới đất, vì thế mà chúng ta mới cầu xin điều đó.

Chúng ta thường được dạy rằng khi có kẻ gây ra một điều bất công, cho ta, khi họ chèn ép ta, khi họ sa thải hoặc trả đồng lương không tương xứng, thì hãy cầu nguyện rằng “xin vâng theo ý Chúa”, ra như là ý Chúa muốn như vậy; nhưng có lẽ chính Chúa là Đấng phản đối sự bất công mà người ta  đã gây ra cho ta.

Vì thế, nếu Thiên Chúa là sự công bình, thì thế giới phải trở nên khác đi. Vào lúc ban đầu, người tín đồ Do thái tin vào Thiên Chúa ở đời này, và không cần gì hơn nữa; thế nhưng, khi va chạm với thực tế, dần dần trong Cựu ước nổi lên sự nghi ngờ rằng, bởi vì Thiên Chúa là sự công bình mà người tín đồ Do thái không ngừng tin tưởng, cho nên những sự bất công dưới đất cần phải được đập tan và bù đắp ở thế giới bên kia. Đến đây, chúng ta có hai hình ảnh nổi bật trong Cựu ước, một hình ảnh lịch sử và một hình ảnh tưởng tượng:

Trong chương 7 của Sách Macabê quyển hai, khi kể lại cái chết của bảy anh em và bà mẹ, thì ta thấy vào chính lúc sự tra tấn và tàn ác đang thống trị thì thoáng thấy ý tưởng rằng tình trạng như vậy không thể kéo dài mãi, bởi vì Thiên Chúa là Đấng trả báo cho kẻ bị áp bức và lần đầu tiên, nảy ra hy vọng vào sự phục sinh ở thế giới bên kia.

Trong Cựu ước chúng ta thấy khuôn mặt của người tôi tớ đau khổ của Giavê. Có nhiều bài ca cùng mang tựa đề ấy, nhưng nổi bật nhất là bài ca ở Isaia 52,13-53,12, khi nói đến một người được tán dương ở đầu và cuối, nhưng mà trong suốt bài ca, người ấy bị lăng nhục, hành hạ, giống như một người phong hủi mà ai đi ngang cũng đều lánh mặt. Chìa khóa của sự tương phản này ở chỗ người ấy mang lấy gánh nặng các tội lỗi của chúng ta, và là nạn nhân của các tội lỗi của chúng ta; bài ca kết thúc với một cuộc suy tôn người tôi tớ của Giavê. Thế giới Do thái không hề biết nhân vật ấy là ai, và dân Israel áp dụng cho chính họ.

Sau cuộc phục sinh của Đức Giêsu, người ta thấy tất cả mảnh được chắp nối với nhau, và vì thế Tân ước  chứa đầy những quy chiếu về hình ảnh người tôi tớ của Giavê.

Trong thế giới chúng ta có nhiều người nam nữ, tuy không đáng mang danh hiệu tôi tớ Giavê, nhưng cũng mang gánh nặng của tội lỗi tất ca thế giới, đó là những người bị xã hội khinh thường và loại trừ. Chúng ta hãy nghĩ đến cuộc khủng hoảng kinh tế, và  cách đây 10 năm, đã xảy ra khủng hoảng bên Á châu, – những con rồng Á châu. Như hậu quả của khủng hoảng ấy, gây ra bởi các công ty đa quốc Tây phương, tăng thêm 30% con số các thiếu nữ mại dâm để nuôi sống gia đình; điều kinh tởm là họ buôn dâm cho khách du lịch thuộc thế giới thứ nhất, là những kẻ đã gây ra tình trạng ấy và bây giờ khai thác hậu quả của nó.

Vì thế, tiên vàn sự phục sinh là sự đòi hỏi của các nạn nhân. Trong thế giới chúng ta, kể từ thời cận đại và nhờ ảnh hưởng Kitô giáo, người ta dần dần khám phá giá trị con người, các quyền lợi con người, nhưng có lẽ chưa nhận ra giá trị của các nạn nhân, bởi vì chúng ta tiếp tục gây ra các nạn nhấn. Những ai có ý thức và giàu tình người lắm lần đã  ngẫm nghĩ: “dù cho chúng ta có tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, (giả như làm được điều ấy), thì chúng ta sẽ thực hiện bằng giá của những người tranh đấu cho điều ấy và họ sẽ không thấy kết quả; rút cuộc cũng chỉ là bất công”. Thật vậy, nếu ngày nào người ta tạo được một thế giới tốt đẹp hơn, thì nó được xây dựng trên những người đã hiến mạng sống vì nó, và rồi chúng ta than rằng làm như vậy là không phải!

Theo nghĩa này, việc loan báo sự phục sinh có một sức mạnh kinh khủng, bởi vì nó có nghĩa là sự đòi hỏi cho tất cả mọi nạn nhân; chúng ta cũng có thêm sự đòi hỏi cho những lý hình của họ, nhưng ở đây tôi chỉ dừng lại ở các nạn nhân. Đây là một đặc trưng chỉ có nơi Kitô giáo.

  1. Cái chết không có tiếng nói cuối cùng, cái chết của bản thân hoặc của tha nhân

Xã hội chúng ta rất sợ cái chết. Thế rồi bởi vì cái chết đặt ra nhiều câu hỏi, trong đó có thắc mắc về Thiên Chúa, cho nên chúng ta nói rằng mình không sợ chết, và chúng ta sống yên hàn cho đến ngày nào vì một lý do nào mà cái chết đe dọa, chẳng hạn như một cơn bệnh nặng, chúng ta bắt đầu sử dụng thuốc thang, và điều này cho thấy rằng chúng ta sợ chết.

Người ta nói rằng chết là điều tự nhiên, vì thế không có gì phải lo sợ! Điều ấy đúng, nhưng chỉ một phần. Cái chết là chuyện tự nhiên bởi vì vật chất, nếu không được Thiên Chúa nâng đỡ, thì sẽ tan rã. Đó là định luật tự nhiên. Xưa này chưa có sinh vật nào tồn tại mãi mãi. Thú vật không biết rằng chúng bị lên án sẽ chết. Chính bản năng thúc đẩy chúng tự vệ, có thế thôi. Con người biết rằng mình chết và vì thế coi cái chết như là cái gì trái nghịch với bản tính.

Thánh Phaolô nói rằng vì tội lỗi mà cái chết đã xâm nhập trần gian (Rm 5,12), ra như cái chết là một hình phạt dành cho tội lỗi. Theo nghĩa này, nhiều nhà chú giải Tân ước nói rằng thánh Phaolô không đề cập đến mà chúng ta gọi là cái chết “tự nhiên”, nhưng là những cái chết do bạo lực, khủng bố, ám sát, tai nạn, vv… những cái chết mà thời nay cũng như thời xưa đều tràn lan. Điều mà thánh Phaolo muốn nói, và đáng cho chúng ta lưu ý, đó là vì tội lỗi và cái chết “hung bạo” đã xâm nhập trần gian.

Vì thế một đàng chúng ta thấy cái chết là điều tự nhiên, bởi vì chúng ta biết là mình sẽ chết, nhưng đàng khác, cái chết lại không tự nhiên bởi vì có nhiều cái chết không tự nhiên: ám sát, tai nạn, vân vân.

Ngoài ra thế giới chúng ta còn có một cảm nghiệm nữa, đó là lão hóa, cũng là một hình thức chết. Nếu không phải như vậy, thì tại sao người ta cứ bị ám ảnh muốn trẻ mãi, bằng cách sửa sắc đẹp, giải phẫu thẫm mỹ? Con người nhận ra rằng mình không còn như trước nữa, và cho dù quả quyết rằng mình vẫn như trước đây, nhưng thực sự đâu phải như vậy. Theo nghĩa này, quả là đúng “sống là chết đi mỗi ngày một chút”.

Chắc nhiều ngươi đã biêt lập luận cổ điển của triết gia Epicurô (342-270 TCN): Cái chết chẳng là gì hết, bởi vì khi tôi sống thì không có cái chết, đến khi cái chết đến thì tôi không còn nữa. Kết luận là chẳng nên bận tâm làm chi! Nhưng sự thật không phải như vậy. Thứ nhất, bởi vì tôi còn sống thì đã có những cái chết nho nhỏ, tựa như sự lão hóa vừa nói trên đây, và lắm khi thật là nặng nề. Văn hào Francisco Quevedo (1580-1645) đã viết như sau khi được 52 tuổi:

Hôm nay tôi được 52 tuổi. Trong thời gian, tôi đếm được bao nhiêu cuộc an táng của tôi. Tuổi thơ của tôi đã chết, tuổi thiếu niên của tôi đã chết, tuổi thanh niên của tôi dã chết, tuôi tráng niên của tôi đã chết, tuổi trưởng thành của tôi đã chết. Và làm sao còn gọi là sống đối với một người từng là nấm mồ chôn 5 người chết đã qua đi. Tại sao tôi còn ước ao sống, ôi nấm mồ của cái chết của tôi. Không có cái gì trong tôi khiến tôi ghê tởm hơn là tấm gương mà tôi soi mình.

Như vậy, cái chết không phải là điều mà khi nó tới thì tôi không còn nữa, nhưng khi tôi còn sống nó cứ đến trình diện. Ngoài ra lập luận xem ra rõ ràng của Epicuro đã bỏ qua một yếu tố quan trọng của cái chết, đó là cái chết của những người thân yêu.  Khi mất một người thân yêu là ta mất đi một phần của ta. Nhà văn Unamuno (1864-1936) nói rằng: Không những bà vọ tôi chết, mà còn thói quen của tôi cũng chết theo. Ông ta nói đúng: ông đã mất đi một phần của cuộc đời mà bây giờ ông không thể có nữa.

Cái chết của một người thân yêu là một trong những điều nghiêm trọng nhất. Tôi xin đọc lại điều tôi đã viết trong nhật ký khi em gái của tôi còn trẻ mà mất vì ung thư. Tôi viết như sau:

Có một phần trong anh đã ra đi cùng với em, và hôm nay anh không có em, anh thấy mình cũng mất mát. Sau khi mất đi sự hiện diện của em, thời gian tiếp tục trôi, và đe dọa sẽ mất luôn cả sự vắng mặt của em. Anh quen dần với việc mất đi sự vắng mặt của em. Anh muốn dừng lại ở những ngày đen tối khi sự đau khổ nói cho anh biết là em còn sống.

Điều cuối cùng đã xảy ra cho nhiều người, họ muốn giữ lại người thân yêu cho dù phải đau đớn vì bệnh tật. Vì thế, khi nói đến cái chết, ta không thể bỏ qua đề tài cái chết của những người thân yêu.

Ngoài ra còn cái chết của chính mình nữa. Đây không hẳn là biết rằng  một ngày nào tôi sẽ chấm dứt cuộc đời, nhưng là câu hỏi: cuộc đời tôi hướng về chỗ nào? Nó có phải là một kế họach gì không? Tôi sẽ tạo được cái gì? Chúng ta đã nhận được biết bao nhiêu là lời hứa bất tử…

Triết gia Gabriel Marcel có nói rằng: Yêu ai là nói cho họ rằng: “bạn không thể chết”[1]. Nietzsche nói: “Cái sướng thì sâu xa hơn cái khổ: Cái khổ nói: hãy qua đi! Còn tất cả mọi cái sướng điều ưa thích được trường tồn, mãi mãi trường tồn. Tôi không dám nói rằng tất cả mọi cái sướng đều như vậy, nhưng chắc có những cái sướng là như vậy đó.

Phải chăng câu hỏi về cuộc sống là phi lý? Có lẽ các bạn dã biết dụ ngôn sau đây, rất ấn tượng.

Hai bé sinh đôi được thụ thai trong cùng một bụng mẹ. Thời gian trôi qua, và hai bé sinh đôi cũng lớn lên. Dần dần chúng bắt đầu có ý thức, và nói chuyện với nhau:

  • Này, cuộc sống quả là tuyệt vời phải không? Ở đây thật là thích thú phải không?

Hai bé bắt đầu khám phá thế giới của chúng. Khi chúng gặp được cái nhau kết nối chúng với bà mẹ và qua đó lương thực được chuyển đến cho chúng, thì chúng hớn hở reo lên:

  • Mẹ chúng ta thương yêu chúng ta quá đến nỗi đã chia sẻ cuộc sống cho chúng ta!

Tháng ngày trôi qua. Bỗng nhiên chúng khám phá rằng có cái gi đang thay đổi. Một em đặt câu hỏi:

  • Thế này có nghĩa là gì?
  • Điều này có nghĩa là sắp sửa không còn chỗ chúng ta ở đây nữa. – Em kía trả lời. Chúng ta không thể ở đây. Chúng ta sắp sinh ra đời.

Nhưng em thứ nhất vặn lại:

  • Tớ không muốn ra khỏi đây bằng bất cứ giá nào; tớ thích ở đây mãi..
  • Nghĩ lại đi – bé kia nói – Không còn giải pháp nào khác. Có lẽ có một đời sống khác sau khi sinh ra..
  • Làm sao có thể được? Em thứ nhất khẳng khái trả lời. Nếu không cái nhau mang lại sự sống cho chúng ta thì không thể nào sống dược. Ngoài ra, những người khác trước chúng ta đã ra khỏi lòng mẹ và không ai trở lại để kể lại cho chúng ta rằng có một cuộc sống sau khi sinh ra. Không, không được. Rời khỏi chỗ này là hết. Đó là sự kết thúc.
  • Người em ghi khắc vào tâm khảm những lời của anh mình, và tỏ ra băn khoăn. Em nghĩ rằng: nếu sự thụ thai kết thúc với việc sinh ra, thì cuộc sống ở đây có ý nghĩa gì không? Chẳng có ý nghĩa gì. Rất có thể là cũng chẳng có bà mẹ như chúng vẫn tin .. Thế rồi, em phản đối: Phải có cuộc sống khác chứ; nếu không thì chẳng còn gì nữa hết.
  • Nhưng mà em có khi nào thấy mẹ chưa? Có lẽ chúng ta tưởng tượng ra đấy thôi; chúng ta tìm cách để giải thích cuộc sống ở trong này ….

Thế rồi, giữa những nghi nan và thắc mắc gây ra biết bao nỗi lo lắng, hai anh em đã trải qua những ngày chót trong bụng mẹ. Cuối cùng thì tới giờ sinh ra. Khi hai anh em rời bỏ thế giới của mình, chúng mở mắt ra và la lên: Ôi, điều mình thấy vượt xa những giấc mơ táo bạo nhất!

Dụ ngôn này diễn tả sâu sắc một cảm nghiệm rất nhân bản về ý nghĩa của sự phục sinh, khi nghe loan báo về sự chiến thắng trên sự chết; sự chiến thắng vĩnh viễn, bởi vì chúng ta không trở lại cuộc đời này như ông Ladaro để rồi phải chết lần nữa; nhưng chúng ta sẽ sống cuộc sống của Thiên Chúa, không thể nào chết nữa.

  1. Vật chất được biến đổi chứ không bị bỏ rơi.

Kitô giáo đã phải rao giảng sự phục sinh trong một thế giới chịu ảnh hưởng của triết học Platon, theo đó, vật chất là điều xấu xa bỉ ổi. Vì thế khi các Kitô hữu mới trở lại đạo  bàn về Đức Giêsu thì cũng nói rằng Người không có thân xác như chúng ta, bởi vì sợ rằng không xứng đáng với Thiên Chúa.

Ngày nay, đã có sự thay đổi não trạng. Trong một thế giới chạy theo tuổi trẻ, người ta không nói “tôi có một thân xác”, nhưng “tôi là một thân xác”; người ta không chấp nhận lối nói thân xác là nhà tù của linh hồn,  giống như thuyết Platon, vì thế người ta không chấp nhận kiểu nói linh hồn cần được giải thoát khỏi thân xác.

Cũng như vốn đã xảy ra trong lịch sử tư tưởng nhân loại, cả hai cảm thức vừa nói đều có phần đúng. Dĩ nhiên, sự tiến triển của y khoa, công nghệ, việc kéo dài tuổi trẻ, đã mang lại cho ta nhiều kinh nghiệm quý báu về thân xác, trong vũ điệu, trong thể dục, trong tình yêu. Tuy nhiên, dó không phải là chiều kích duy nhất của thân xác con người. Khi ta gặp một người chống nạn, ngồi xe lăn, mắc bệnh Alzheimer, chúng ta lại nghĩ rằng có lẽ triết học Hy-lạp có lý, bởi vì đối với những người như vậy, thân xác quả là một tù ngục, mặc dù vào lúc khác thân xác có thể là một cơ hội biểu lộ sự sống. Vì thế cả hai lối nhìn  đều có phần đúng.

Kitô giáo đã phải vất vả để chống lại những hệ luận của quan niệm Hy-lạp về thân xác, bởi vì thật ra, đàng sau đó là quan niệm cho rằng vật chất thì xấu xa. Đối với Kitô giáo, một phần vì ảnh hưởng của tư tưởng Do thái nhưng nhất là nhờ mầu nhiệm Nhập thể, vật chất không những là không xấu, mà còn theo kiểu nói của vài giáo phụ, nhờ vật chất mà Thiên Chúa đã tạo ra vật vũ trụ này, nhờ vật chất mà Thiên Chúa thực hiện công trình của mình (theo thánh Irênê).

Đối với người xưa, “thể xác” (caro) là một từ ngữ tiêu cực để ám chỉ vật chất. Tertullianô nói rằng thể xác là cột chống của ơn cứu độ. Teilhard de Chardin đã soạn ra một bài thơ ca ngợi vật chất, và từ đó có thể nói rằng Kitô giáo chủ trương duy vật. Xin quý vị hãy lưu ý đến điều này khi tôi tìm câu trả lời cho câu hỏi được nêu ở đầu bài thuyết trình: Chúng ta có thể hy vọng điều gì?

Ông Félix de Azúa, một ký giả mang tâm thức bất-khả-tri (agnostic), đã viết trong bài báo mang tựa đề Carne, (thể xác) đăng trên tờ El País ngày 21-6-2000 như thế này:

Cách đây mấy bữa, tôi tham dự lễ tang của một người rất được bạn bè yêu mến. Giáo xứ buồn rười rượi khi nghe linh mục giảng. Vị linh mục nói rằng điều tốt nhất mà ta có thể làm ở trên đời này là chết, bởi vì liền sau đó chúng ta sẽ được tan biến trong ánh sáng của Thiên Chúa, giống như những tia lửa được bao trùm trong một đám cháy hân hoan. Điều này cũng đúng thôi, nhưng chỉ mới đụng tới phần thiêng liêng của con người, nhưng chẳng có một lời nào về thể xác. Thế nhưng, nếu không có sự phục sinh thể xác, thì vinh quang hằng cửu chỉ là một bài trong lớp triết học của Platon mà thôi. Nếu không có sự phục sinh thể xác, thì lời hứa bất tử của người Công giáo chỉ còn là một địa chi trên mạng internet vĩnh cửu. Này các bạn công giáo, đừng để bị giật mất Vinh quang thể xác, đừng biến thành đồ đệ của Platon. Thân xác vĩnh hằng là niềm hy vọng lớn nhất mà ta có thể nghĩ ra, và chỉ có thể gặp thấy trong một tôn giáo trong đó Thiên Chúa đã để cho mình bị giết ngõ hầu cả sự chết cũng được cứu độ.

Những người như chúng tôi không được may mắn có đức tin, chúng tôi ghen với các bạn về phép lạ ấy, đó là, đối với Thiên Chúa, thân xác chúng ta có cùng một phẩm giá như  tinh thần, thậm chí còn hơn nữa, bởi vì thân xác chịu đau khổ nhiều hơn. Chúng tôi, những người vô tín ngưỡng, chúng tôi cầu xin cho các bạn là những người ở về phía của chân lý, và cầu cho chúng tôi là những người ở về phía đen tối dốt nát, bởi vì tất cả chúng ta đều muốn rằng, sau khi chết rồi, được gặp lại đôi mắt của những người tốt, và cả đôi mắt của người xấu nữa; nhưng là thấy những đôi mắt chứ không chỉ nhìn thấy ánh sáng.

  1. “Thân thể thần khí”.

Dĩ nhiên, vật chất của chúng ta sẽ được biến đổi. Thánh Phaolô sử  dụng thuật ngữ thân thể thần khí (1Cr 15,44: sôma pneumatikon; corpus spiritale; spiritual body)[2]. Thật là khó hiểu vì xem ra mâu thuẫn! Chúng ta có thân thể, chúng ta nhìn thấy, chúng ta chạm đến. Thân thể chính là con người xét như là có thể giao tiếp với người khác. Thần khí không có nghĩa lầ vô hình (phi vật thể); trong Tân ước, thần khí (tinh thần) là một cách thức diễn tả tính cách phổ quát: Thần khí đã được đổ tràn xuống tất cả và bao trùm tất cả (Kn 1,7).

Như vậy, thân thể thần khí xem ra muốn đến một con người, không phải là đặc thù nhưng là phổ quát; chúng ta sẽ như một con người toàn thể. Thật khó diễn tả nội dung của tư tưởng, nhưng có thể hình dung như thế này. Điều thường gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống xã hội là sự hạn hẹp của cá nhân chúng ta: chúng ta muốn khẳng định cái tôi của mình, và nếu người khác không nghĩ như tôi thì tôi đâm ra bực bội.

Khi nói đến sự đòi hỏi của vật chất, còn một điểm cuối cùng cần bàn đến, đó là đòi hỏi của lịch sử.

  1. Lịch sử nhân loại được mời gọi trở thành cái gì khác hơn là tiêu khiển.

Khái niệm về lịch sử đã trải qua nhiều thăng trầm trong những thế kỷ gần đây. Kitô giáo đã khám phá chiều kích lịch sử của cuộc đời con người và vận hành của nhân loại. Ở ngoài Kitô giáo, người ta quan niệm lịch sử nhiều cách khác nhau. Lịch sử có thể quan niệm như vòng luân hồi, một đặc trưng của triết học: mọi việc lặp đi lặp lại như nhau từ đời nọ đến đời kia, và chúng ta sẽ lặp lại những cuộc đời của mình, các thể chế của mình, và chúng ta sẽ làm y như vậy trải qua thiên thu vạn đại, cũng tựa như những vòng xoay của các tinh tú; hoặc theo như quan niệm Đông phương, lịch sử hoàn toàn là chuyện tưởng tượng; ta cứ tưởng nó là thực khi chúng ta nằm mơ.

Kitô giáo mang đến cho thời gian một chiều kích tiến bộ. Từ thế kỷ thứ hai, thánh Irênê nói rằng Thiên Chúa dựng nên chúng ta ngõ hầu chúng ta tăng trưởng và tiến bộ. Thế nhưng đến khi Kitô giáo đi vào thế giới Hy-lạp, thì đã làm mất khá nhiều chiều kích lịch sử,.

Vào thời cận đại, với Hegel, Dilthey và Marx, người ta khôi phục lại chiều kích lịch sử và nghĩ rằng chúng ta đang tiến tới một thiên đàng, một thế giới tốt đẹp hơn. Và lịch sử được khôi phục bên ngoài Hội thánh và nhiều lần chống lại Hội thánh. Và tuy rằng lịch sử thuộc về minh, nhưng Hội thánh đã kìm hãm lại, và lên án nhiều người chủ trương sự tiến bộ.

Thế rồi chúng ta rơi vào một khái niệm sai lầm khác, đó là quan niệm rằng thời gian và lịch sử  là một sự tiến bộ không ngừng. Chẳng hạn như Marx – theo thuyết duy vật biện chứng: sự biện chứng của vật chất luôn mang theo sự cải tiến, và sự tiến bộ là tiến trình không thể nào cản ngăn được.

Ngày nay chúng ta nhận ra rằng, chúng ta đã bị mắc lừa bởi những hứa hẹn của thiên đường cộng sản hay thiên đường tư bản, khi mà những “cha đẻ của tiến bộ” đã mở mắt ra, và xem ra chúng ta chẳng tiến bộ dược bao nhiêu, hay là nói theo lời một văn gia, sự tiến bộ của chúng ta nằm ở chỗ, không phải là chúng ta không còn ăn thịt nhau nữa, nhưng chúng ta ăn thịt nhau với dao dĩa và khăn bàn. Hình ảnh này thật là sống động để cho thấy rằng chúng ta chẳng tiến bộ bao nhiêu trong vấn đề con người. Đành rằng một bản tuyên ngôn nhân quyền đã được soạn ra, nhưng nó được thi hành như thế nào thì mọi người cũng biết rồi. Trong lãnh vực công nghệ đã có sự tiến bộ, nhưng nếu sự tiến bộ kỹ thuật không đi kèm sự tiến bô nhân bản, thì có nguy cơ là các mối đe dọa sẽ trở thành hiện thực: chiến tranh hạt nhân, ô nhiễm môi sinh, vv.

Thời buổi hiện tại, quen được đặt tên là “hậu hiện đại”, đến nói rằng chẳng còn gì để hy vọng nữa, tốt nhất là hãy bỏ qua các tiến bộ lịch sử đi. Nói tóm lại, cuộc đời chẳng dẫn tới đâu hết, vì thế sống tới đâu thì biết tới đó, hãy tận dụng thời gian bằng các cuộc tiêu khiển.

Đứng trước thái độ như vậy, cái nhìn Kitô giáo về lịch sử phải là cống hiến một sự tiến bộ: có thể có tiến bộ, nhưng chúng ta có trách nhiệm đối với sự tiến bộ. Điều làm tôi chú ý là trong Tân ước có hai viễn tượng hoàn toàn trái ngược nhau về mục tiêu lịch sử. Mặc dù xem ra nghịch lý nhưng cả hai viễn tượng đều có thể xảy ra:

Có một viễn tượng lạc quan, ở cuối chương 15 của thư thứ nhất gửi Corinto, nói rằng tất cả mọi thứ nô lệ đè nặng trên con người sẽ bị tiêu diệt, và một khi tất cả các thứ nô lệ đã bị tiêu diệt thì thứ nô lệ cuối cùng là sự chết cũng bị tiêu diệt. Bấy giờ Đức Kitô sẽ trao vương quốc cho Chúa Cha, và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự (xc. 1 Cr 15,24-28). Đây là một viễn tượng thẳng tiến quý báu cho sự tiến bộ; điều đó không hẳn sẽ xảy ra như vậy, nhưng nó có thể xảy ra bởi vì đó là chương trình của Thiên Chúa.

Bên cạnh viễn tượng đó, có những viễn tượng khác trong các sách Tin mừng, ở các chương trước cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, thường được đọc trong mùa Vọng, trong đó mô tả các thiên tai: mặt trời ra tối tăm, mặt trăng hết ánh sáng. Những chương này, thuộc thể văn khải huyền – mà Khải huyền của thánh Gioan là một thí dụ – không phải là lời tiên báo về tương lai, nhưng là một lời cảnh báo về tương lai có thể xảy ra. Cách đây không lâu tôi đọc một cuốn tiểu thuyết diễn tả cảnh tượng sẽ xảy ra cho nước Tây-ban-nha; tiểu thuyết mô tả một cuộc khủng hoảng môi sinh sẽ tiêu diệt địa cầu. Tác giả không muốn nói rằng điều ấy sẽ xảy ra trên thực tế, nhưng cảnh báo rằng điều gì có thể xảy đến nếu chúng ta không chăm sóc thiên nhiên.

Vì thế, ý nghĩa của lịch sử, xét như là một khả năng tiến bộ, biến thành sự tiến bộ có trách nhiệm. Khi mà sự tiến bộ mà chúng ta đang theo đuổi lâu nay, theo như Walter Benjamin (1892-1940), một nhà tư tưởng Do thái sâu sắc nhất về lịch sử, đang trên đường biến thành sự man rợ. Ý tưởng này xem ra quá bi quan, nhưng chắc hẳn rằng sự tiến bộ vô trách nhiệm là điều đang liên tục gây ra, và càng trở nên trầm trọng hơn với những cuộc khủng hoảng kinh tế: đó là trên thế giới này, những người giàu thì càng giàu hơn, và người nghèo càng ngày càn nghèo hơn. Rồi những tiến bộ trong các ngành công nghệ cũng như thiên văn và tình dục, đã không tránh cho nhân loại những nỗi khổ đau cùng cực.

Một sự tiến bộ có trách nhiệm phải là một sự tiến bộ cho tất cả mọi người, một sự tiến bộ biết dừng lại để tạo cơ hội hội nhập cho những người đi chậm; một sự tiến bộ không biến thành nạn nhân của điều được đặt tên là “mệnh lệnh công nghệ”, tức là “nếu điều gì có thể làm được thì cứ làm đi!”, mà chẳng quan tâm đến những hậu quả của nó. Đây là sự tiến bộ vô trách nhiệm mà chúng ta đang chứng kiến trong những trường hợp luân lý sinh học, công nghệ sao chép, vân vân.

III. Niềm tin vào sự phục sinh

Niềm tin vào sự phục sinh không chỉ là sự loan báo một sự kiện, và ai muốn thì tin, nếu không muốn thì thôi. Niềm tin của sự phục sinh là sự loan báo ý nghĩa của sự kiện đó.

Trong niềm tin vào sự phục sinh, chúng ta tìm gặp lời giải đáp cho tất cả những thắc mắc mà con người đặt ra: thắc mắc về sự bất công, về sự chết, về vật chất, về lịch sử… Thực vậy, niềm tin vào sự phục sinh là sự cống hiến một Tin mừng.

Tôi xin kết luận với việc trích dẫn một đoạn sách của ông Jean Claude Guillebaud,  một ký giả người Pháp, đã từng tham dự vào các cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Somalia, Iran. Trong tác phẩm Tôi đã lại trở thành Kitô hữu như thế nào[3], được chín muồi từ những kinh nghiệm vừa nói, ông viết: Tôi chẳng có một cảm nghiệm thần bí, tôi cũng chẳng bỗng dưng trở lại từ một cuộc đời tội lỗi, nhưng đơn giản chỉ do việc suy nghĩ và nghiệm ra rằng tất cả những quyền lợi con người và tất cả sự tiến bộ của thời hiện đại, vì đó mà tôi đã dấn thân tranh đấu, không có một nền tảng trên lý trí, nhưng là trên các giá trị của Tin mừng, bởi vì các quyền lợi của con người chỉ là hữu lý dưới một nhãn quan nào đó của lịch sử mà thội.

Nhãn quan ấy chính là điều mà tôi đã trình bày ở đây, nhưng chắc là không ích lợi gì cho một người Ấn độ  bởi vị họ coi lịch sử là một giấc mơ thuần túy, hoặc tin rằng con người sẽ tái sinh vào những kiếp khác để đền tội… Sự khám phá các quyền lợi của con người đặt nền tảng trên Tin mừng, là chính Đấng cứu dộ con người.

Sau đó vài trang, ông viết tiếp: Tin mừng là sự lật đổ tính hiện đại, bởi vì, mặc dù tôi tin rằng Tin mừng là bạn đồng minh của tính hiện đại, nhưng tôi cũng nhận thấy rằng tính hiện đại đã gây ra nhiều nạn nhân, và Tin mừng đứng bên cạnh các nạn nhân. Rồi ông kết luận: Toi nghĩ rằng tôi vẫn chưa trở lại.

Thực ra ông đã trở lại rồi, và ngày nay tên ông xuất hiện trên nhiều tờ báo công giáo bên Pháp. Tôi trích dẫn ông như là kết quả cho thấy Tin mừng đã mang lại cho ông cảm nghiệm như thế nào về ý nghĩa lịch sử.

————————–

[1] Gabriel Marcel, La mort de demain, Paris 1931, 161.

[2] Chú thích của người dịch. Khi đối chiếu giữa tình trạng của thân xác hiện tại với thân xác được phục sinh mai hậu, thánh Phaolô nêu lên bốn đặc điểm: “gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đưới, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44, theo bản dịch của nhóm các GKPV). Việc phiên dịch rât khó đối với cả hai từ ngữ: corpus (thân thể / thân xác / thể xác)? spiritale (thần khí / tinh thần / thiêng liêng)? Xin đừng quên rằng thánh Phaolô sử dụng hai từ ngữ khác nhau: một đàng là sarx (tiếng Hy-lạp; caro tiếng Latinh, flesh tiêng Anh, chair tiếng Pháp); một đàng là soma (tiếng Hy-lạp; corpus tiếng Latinh, body tiêng Anh, corps tiếng Pháp). Traong các tác phẩm Tân ước, hai danh từ này không hoàn toàn đồng nghĩa. Khi chuyển sang tiếng Việt, sự phân biệt giữa hai từ ấy không rõ rệt: thân xác, thể xác, xác phàm, xác thịt, thân thể, thân mình.

[3] Comment je suis redevenu chrétien, Éditions du Seuil, Paris 2007.. Chú thích của người dịch. Ông cũng đã viết về chiến tranh Việt Nam La Colline des Anges : Retour au Viêt Nam avec Raymond Depardon, Éditions du Seuil, 1993 Prix du festival des Grands Voyageurs

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here