Ý nghĩa lễ kính Trái tim Chúa Giêsu

0
1161


 

Ý nghĩa lễ kính Trái tim Chúa Giêsu

có giống với lễ kính Trái tim Đức Mẹ không?

Phan Tấn Thành

 

 

Trong tuần lễ này, phụng vụ sẽ kính lễ Trái tim Chúa Giêsu vào ngày thứ 6, và kính Trái tim Đức Mẹ vào ngày thứ 7. Ý nghĩa của hai lễ đó có gì giống nhau và khác nhau không?

Chúng ta thấy có nhiều bức hoạ vẽ trái tim Chúa Giêsu và trái tim của Đức Mẹ đặt kề bên nhau, và xem ra không thấy có nét gì khác biệt. Thực ra thì giữa hai trái tim đó có khá nhiều sự khác biệt. Chúng ta có thể nêu ra những sự khác biệt bắt đầu từ những dữ kiện bên ngoài, rồi đến những ý nghĩa thâm thúy bên trong. Sự khác biệt đơn giản nhất là xét về lễ phụng vụ. Trong lịch phụng vụ, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được mừng như là lễ trọng; còn lễ kính Trái tim Đức Maria được mừng như lễ nhớ. Dưới phương diện lịch sử, lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được Toà thánh cho phép cử hành trong toàn thể Hội thánh từ năm 1856; còn lễ kính trái tim Đức Mẹ thì phải chờ đến gần 100 năm sau, vào năm 1944; tuy rằng những đề nghị cử hành hai lễ đã nảy lên từ thế kỷ XVII, do sáng kiến của thánh Jean Eudes. Ngoài ra, còn một sự khác biệt chi tiết nho nhỏ nữa có thể ghi nhận nơi danh hiệu của hai ngày lễ. Phụng vụ gọi lễ kính Chúa là “Trái tim rất thánh Chúa Giêsu” (mà chúng ta gọi tắt là Thánh Tâm), còn lễ kính Đức Mẹ là “Trái tim vô nhiễm Đức Trinh nữ Maria” (hoặc Trái tim vẹn sạch, hoặc thanh khiết, nói tắt là “khiết tâm”).

Đàng sau sự khác biệt nho nhỏ về danh hiệu có lẽ có sự khác biệt nào đó về đạo lý, phải không?

Đúng vậy. Có lẽ chúng ta đã bị nhiễm bởi văn chương lãng mạn Tây phương cận đại, coi trái tim như biểu hiệu của tình yêu (một mái nhà tranh, hai trái tim vàng), mà quên đi nhiều biểu tượng quan trọng khác của trái tim ở trong Kinh thánh cũng như trong văn hóa Đông phương. Chẳng hạn như trong ngôn ngữ Hán Việt, những từ “tâm hồn, quyết tâm, thành tâm” không ám chỉ con tim như là cơ quan của tình yêu, cho bằng theo nghĩa là “ý chí, lòng dạ” của con người, và cũng vì thế mà có những từ ngữ “phân tâm, manh tâm, tà tâm”. Chính vì những ý nghĩa khác biệt về con tim như vậy, cho nên phải nhận rằng thần học về Trái tim Chúa Giêsu thì khác với thần học về Trái tim Đức Mẹ Maria, bởi vì mỗi trái tim là biểu tượng cho một đạo lý khác nhau.

Trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng cho đạo lý nào?

Ở đây chúng ta chỉ bàn về ý nghĩa biểu tượng dựa theo Kinh thánh, chứ không có giờ đi sâu phân tích tư tưởng triết học Á châu. Tuy rằng lễ kính trái tim Chúa Giêsu mới được đưa vào lịch phụng vụ của Hội thánh từ thế kỷ XIX, nhưng những suy tư thần học về trái tim Chúa Giêsu đã bắt đầu từ thời các giáo phụ. Khi chiêm ngắm đoạn văn của thánh Gioan tông đồ mô tả cảnh tượng một người lính đâm thủng cạnh sườn của Chúa Giêsu chết trên thập giá, và từ đó trào ra nước và máu, các giáo phụ đã rút ra hệ luận là trái tim Chúa Giêsu là nguồn mạch ban ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu không những chỉ rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa ban cho loài người, nhưng chính Người còn là máng chuyển thông tình yêu đó nữa. Trái tim của Chúa Giêsu trở thành biểu tượng của việc chuyển thông ân sủng. Nước và máu trào ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu được các giáo phụ giải thích theo hai nghĩa chính: một đàng là chính Hội thánh được khai sinh từ cạnh sườn của Chúa Giêsu, ví như xưa kia, bà Evà được dựng nên từ cạnh sườn của ông Ađam. Đàng khác, nước và máu tượng trưng cho hai bí tích Thánh tẩy và Thánh thể, nhờ đó nhân loại được rửa sạch tội lỗi và được nuôi dưỡng bằng lương thực thần linh, cả hai đều bắt nguồn từ trái tim của Chúa Giêsu.

Trái tim Chúa Giêsu có mang biểu tượng của tình yêu không?

Ý nghĩa về biểu tượng tình yêu xuất hiện vào thời Trung cổ, do ảnh hưởng của nhiều nhà huyền bí nữ giới, với những cuộc xuất thần trong đó họ cảm thấy Chúa Giêsu đã trao đổi con tim với họ (chẳng hạn như thánh nữ Matilđê Hackeborn hoặc thánh nữ Catarina Siena). Tuy nhiên, những nhà thần học thì không chú trọng đến khía cạnh tâm lý tình cảm cho bằng khía cạnh đạo lý. Đối với thánh Albertô và Bonaventura, trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng cho chính bản tính độc đáo của Người. Chúa Giêsu có một con tim giống như bao nhiêu con người khác, bởi vì là một con người thực sự. Tuy nhiên, do sự kết hiệp ngôi vị, Chúa Giêsu không chỉ yêu thương theo khả năng của con người bình thường, nhưng còn yêu nhân loại với tình yêu của Ngôi Hai Thiên Chúa nữa; tình yêu vô hạn bao trùm tất cả mọi sinh linh, tình yêu đưa đến sự trao hiến mạng sống vì những kẻ mà mình yêu mến. Nói cách khác, đó là một tình yêu mang công hiệu cứu chuộc.

Thế còn trái tim Đức Maria là biểu tượng cho đạo lý nào?

Trước khi trả lời câu hỏi này, thiết tưởng nên lưu ý về việc dịch thuật các từ ngữ. Các bản dịch Kinh thánh ra tiếng Việt đã đổi tiếng “tim” thành ra “lòng”. Thế nhưng “tim” với “lòng” không hẳn là đồng nghĩa. Ví dụ như trong bài giảng về tám mối phúc theo thánh Matthêu, chúng ta thấy nói đến mối phúc dành cho kẻ có “lòng khó khăn”, và có “lòng trong sạch”. Trong nguyên bản, cách hành văn của hai mối phúc khác hẳn, một bên là: “phúc cho kẻ khó nghèo về tinh thần” và một bên là “phúc cho kẻ trong sạch về con tim”. Chính vì thế mà nhiều lần các từ nói về “con tim” đã nhường chỗ cho “tấm lòng” trong bản dịch Việt ngữ, trong đó có cả một đoạn văn quan trọng liên quan đến Đức Maria. Thánh Luca, ở chương 2 của sách Phúc âm, đã hai lần viết rằng: “Đức Maria đã ghi khắc những điều này và suy gẫm trong con tim” (câu 19 và câu 51). Thoạt tiên, xem ra lối nói hơi ngược đời, bởi vì chúng ta quen suy gẫm ở trong đầu, chứ không suy gẫm trong tim! Thế nhưng, theo tư tưởng Do thái, con tim không phải là biểu tượng của tình yêu cho bằng là biểu tượng của suy tưởng và quyết định. Ta có thể ví phần nào như là “lương tâm”, nơi đắn đo và cân nhắc, và quyết định hành động. Dĩ nhiên đã nói đến “lương tâm” thì hiểu ngậm rằng cái “tâm” (tim) lương thiện! Tiếc rằng cái tim của con người chúng ta thường bị lệch lạc, vì thế mà trong Cựu ước, không thiếu những lời kêu gọi con người hãy “thay đổi” con tim, hoặc những lời cầu khẩn xin Chúa ban cho một trái tim mới.

Thế còn trái tim của Đức Maria thì sao? Tại sao gọi là trái tim vô nhiễm, trái tim thanh khiết?

Lúc nãy, tôi đã trưng dẫn lời chúc phúc trong bài giảng trên núi dựa theo phúc âm thánh Matthêu: “Phúc cho kẻ thanh sạch về con tim”. Từ ngữ “thanh sạch về con tim” đã được nói đến trong Cựu ước (chẳng hạn ở thánh vịnh 24 câu 4). Con tim được hiểu về toàn thể con người: người có “con tim thanh sạch” là người công chính, luôn đi theo đường lối của Chúa, người ngay thẳng không gian dối, người gắn bó tuân hành ý Chúa. Như chúng ta đã biết, trong bài giảng trên núi (chương 6 Phúc âm theo thánh Matthêu), Chúa Giêsu nhấn mạnh rất nhiều đến việc giữ đạo trong “con tim” (từ việc cầu nguyện, cho đến việc ăn chay và làm việc nghĩa), theo nghĩa là không chỉ lo tuân giữ lề luật cách bôi bác bên ngoài để che mắt thiên hạ, nhưng cần phải cư xử trong sáng đối với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt con tim. Chúa Giêsu cũng kêu gọi chúng ta hãy học nơi Người về sự hiền lành và khiêm nhường trong con tim (Mt 11,29). Đối lại với “con tim trong trắng” là con tim dơ bẩn, độc địa, được Marcô mô tả ở chương 7 câu 21 như sau: “từ bên trong, từ con tim của con người mà phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng”.

Phụng vụ muốn nói lên điều gì khi kính trái tim vô nhiễm của Đức Maria?

Khi kính Trái tim Chúa Giêsu, phụng vụ muốn tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta với con tim của một Đấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa, tình yêu hiến tế và cứu chuộc. Còn khi kính trái tim của Đức Mẹ, phụng vụ muốn đề cao mẫu gương của một người tín hữu đón nhận tình yêu của Chúa bằng việc lắng nghe lời Chúa và tuân hành. Phụng vụ cũng ca ngợi con tim của Đức Maria, vì đã được ơn Chúa giữ gìn cho được trong sạch khỏi mọi tội lỗi, nhờ vậy có thể gắn bó với Chúa cách vô điều kiện, không chút dè sẻn. Con tim đó không những trở nên hiền từ và khiêm tốn giống như con tim của Chúa Giêsu, mà cũng đã được thanh luyện qua nhiều cuộc thử thách, theo như ông Simeon đã tiên báo. Nhìn lên tấm gương đó, người tín hữu cũng xin Đức Maria chuyển cầu cho chúng ta cũng được đổi mới con tim, luôn gắn bó với Thiên Chúa, bất chấp mọi thử thách. Cũng nhờ gắn bó vô điều kiện với Thiên Chúa, trái tim của Đức Maria cũng biết mở rộng ôm ấp hết mọi người được Chúa cứu chuộc. Lòng sùng kính Trái tim Chúa Giêsu và trái tim Đức Maria cũng muốn thúc đẩy chúng ta một đàng biết trở về với đời sống nội tâm, đàng khác cũng quan tâm đến nhu cầu của anh chị em đồng loại.