Người Kitô Hữu Có Được Phép Thương Khóc Thân Nhân Qua Đời Không?

0
1404


 

Người Kitô Hữu Có Được Phép Thương Khóc Thân Nhân Qua Đời Không?

=========

 

Kính thưa quý vị,

Chúng ta đang ở trong tháng 11, tháng cầu cho những người qua đời. Trong thư thứ nhất gửi các tín hữu Thesalonica, thánh Phaolô viết rằng : “về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng”. Phải chăng người Kitô hữu không được phép buồn phiền khi có thân nhân qua đời? Linh mục Phan Tấn Thành trả lời.

=========

 

Thỉnh thoảng tôi nhận được vai tờ cáo phó mở đầu với những lời như thế này: “Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh, gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin ông Xoài đã qua đời, …”. Và đã hơn một người nêu lên thắc mắc: “lối hành văn có mâu thuẫn hay không? bởi vì nếu mình tin vào Chúa Phục sinh thì phải vui mừng ca hát Alleluia, chứ sao lại vô cùng thương tiếc?”. Tôi đã dự nhiều lễ an táng trong đó linh mục mặc áo lễ màu trắng, màu của vui tươi (thay cho màu tím ảm đạm). Thậm chí, sau khi chấm dứt nghi thức an táng, cộng đoàn còn vỗ tay nữa. Chắc hẳn chúng ta còn nhớ đám tang của đức thánh cha Gioan Phaolô II: lễ xong người ta vỗ tay.

 

Như vậy, khi nghe tin có ai qua đời thì ta phải vỗ tay chứ không được thương tiếc hay sao?

Tôi chỉ mới ghi nhận một chi tiết chung quanh lễ nghi an táng diễn ra vài nơi, chứ chưa dám bình luận gì hết. Thực ra, vấn đề này rất là phức tạp. Khi các Kitô hữu vỗ tay trong lễ nghi an táng đức Gioan Phaolô II, thì tôi nghĩ rằng tràng pháo tay đó biểu lộ lòng cám ơn Thiên Chúa vì đã ban cho Giáo hội một vị lãnh đạo tài ba. Trong các đám tang khác, sự vỗ tay cũng có thể mang ý nghĩa là chúc mừng một người anh chị em đã hoàn thành một cuộc hành trình trên đời, và cầu chúc cho họ được an nghỉ trong Chúa. Tuy nhiên, khi một nhà độc tài qua đời mà nhân dân vỗ tay thì chắc chắn là không phải vì chúc tụng tạ ơn, cho bằng vui mừng vì đã thoát khỏi bầu khí ngột ngạt do ông đã gây ra. Nói khác đi, cái vỗ tay trong đám tang có thể mang ý nghĩa hàm hồ, tuỳ theo ta có thiện cảm hay ác cảm đối với người đã mất.

 

Còn ý nghĩa của cái khóc thì rõ rệt, chứ không hàm hồ như sự vỗ tay. Cái khóc biểu lộ sự nhớ nhung thương tiếc, đúng thế không?

Chưa chắc đâu. Có người thương tiếc mà không khóc. Có người khóc mà không thương tiếc, điển hình là những người được thuê để khóc trong đám ma: họ càng khóc nhiều và khóc to tiếng thì càng được trả tiền nhiều. Tuy nhiên, tôi không muốn phê bình các phong tục xã hội, nhưng chỉ muốn đi tìm hiểu thái độ của người Kitô hữu khi đối diện với cái chết của người thân: nên vui hay nên buồn? Như vừa nói, vấn đề này rất là phức tạp, bởi vì khi đứng trước cái chết, ngay cả các thánh cũng có những thái độ xem ra trái ngược nhau: có người buồn, có người vui.

 

Các thánh mà cũng buồn à? Các thánh cũng sợ chết hay sao?

Chúng ta hãy đi từ từ. Khi nói đến buồn vui trước cái chết, thì cần phân biệt là cái chết của chính mình hay của người thân. Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu bằng cái chết của người thân. Không thiếu vị thánh cho rằng mình đã tin vào Chúa sống lại rồi, cho nên không được phép buồn khi người thân qua đời. Và chắc là chúng ta còn nhớ thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, khi còn bé đã có lần chúc cho ba má mau chết. Trước sự trách móc của các anh chị em, cô bé hồn nhiên giải thích rằng cô muốn cho ba má được sớm về hưởng hạnh phúc bên Chúa chứ đâu có nói gì gở đâu. Dù sao, xem ra đó chỉ là một lý luận tự phát của một cô bé ngây thơ và không đáng chấp. Tuy nhiên, một đoạn văn của một vị giáo phụ nổi tiếng có lẽ đã để lại ảnh hưởng không nhỏ trên lịch sử linh đạo Kitô giáo là của thánh Augustinô. Trong cuốn sách “Tuyên xưng” (Confessiones, đôi khi cũng được dịch là “Tự thú”), viết vào lúc khoảng 45 tuổi và bắt đầu làm giám mục, ngài đã ôn lại cuộc đời của mình. Khi mô tả lại cảnh bà mẹ qua đời (xảy ra 13 năm trước đó), ngài đã thưa với Chúa như sau (quyển Chín chương 12): “Con đã vuốt cặp mắt của bà, đang khi một nỗi buồn thấm thía tràn ngập tim con và biến thành nước mắt. Thế nhưng, do lệnh truyền nghiêm khắc của linh hồn, cặp mắt của con đã chặn lại dòng lệ. Cuộc chiến đấu này đã làm cho con phải khổ sở rất nhiều. Khi mẹ con tắt thở, cháu Adeodato òa lên khóc, nhưng vì bị tất cả chúng con trách cho nên cháu đã im. Một cách tương tự như vậy, đứa bé ở trong con người của con cũng muốn bật tiếng khóc, nhưng một tiếng nói phát xuất từ con tim đã mắng nó cho nên nó im. Chúng con nghĩ rằng không nên cử hành đám tang với những tiếng than khóc, rên siết, dòng lệ, bởi vì đó là những cái mà người đời xót xa cho số phận bất hạnh của ai đó, hoặc cho sự hủy diệt hoàn toàn. Còn bà mẹ chúng con thì khác: bà đâu có chết cách thảm thương, cũng đâu có bị hủy diệt hoàn toàn. Chúng con tin chắc rằng bà đã sống cuộc đời lành thánh”… Liền đó, cả nhà liền hát thánh vịnh 100: “Con xin ca ngợi tình thương và công lý, con đàn hát kính Ngài”. Ngày hôm ấy Augustinô đã cầm được nước mắt, cho đến khi đưa bà mẹ ra mộ, tuy lòng vẫn tê tái. Nhưng hôm sau, khi thức dậy, Augustinô mới thấy trống vắng, thế rồi ông đã khóc.

 

Khóc vì mất mẹ thì có gì là khác thường đâu?

Đó là lý luận thường tình của chúng ta. Còn thánh Augustinô thì nghĩ khác. Theo ông, mình khóc khi thương tiếc số phận hẩm hiu bạc bẽo, khóc vì tội lỗi xấu xa, chứ ba mẹ mình là người đức hạnh thì không có lý gì mà khóc. Thậm chí ông cho rằng khóc thương mẹ là một tội. Ở cuối chương, ông viết như thế này: “Lạy Chúa, con xin xưng thú ra giấy trắng mực đen, ai muốn đọc thì đọc, ai muốn giải thích thế nào là quyền của họ. Nếu ai cho rằng con đã phạm tội vì đã khóc thương bà mẹ tạm thời chết trước mắt con, một bà mẹ trước đó đã khóc lâu năm vì con, thì con xin họ đừng cười nhạo con; nhưng vì lòng mến Chúa xin cũng hãy khóc thương cho tội lỗi của con trước tòa Chúa”.

 

Tóm lại, đối với thánh Augustinô, khóc mẹ là một tội hay sao?

Nếu căn cứ vào bản văn, thì có thể kết luận như vậy, và chúng ta đã biết lý do. Một mặt khác, thánh nhân tìm cách biện minh cho một hành vi bị coi là xấu xa như vậy bằng cách giải thích rằng mình đã khóc lóc tội lỗi của mình theo gương của bà mẹ trước đây đã chảy bao nhiêu nước mắt để cầu xin cho mình được ăn năn trở lại. Tuy nhiên, vài học giả gần đây đã đặt nghi vấn về những động lực mà thánh Augustinô trưng dẫn, nghĩa là không chắc có phải trăm phần trăm ngài bị thúc đẩy bởi động lực đức tin Kitô giáo, hay còn do ảnh hưởng của trường phái khắc kỷ Stoa, đòi hỏi con người phải làm chủ cảm xúc. Chúng ta có thể hình dung một thành kiến tương tự tại nhiều dân tộc, cấm đàn ông không được khóc nơi công cộng, bởi vì nước mắt chỉ dành riêng cho nữ giới mà thôi.

 

Nói thế có nghĩa là đức tin Kitô giáo không cấm khóc thương người qua đời hay sao?

Ta có thể tìm thấy câu trả lời khi đọc lại các bản văn Phúc âm. Thánh Luca thuật lại rằng khi đang đi đường đến thành Naim, Chúa Giêsu đã thấy đám tang người con trai duy nhất của một bà goá. Thánh sử ghi nhận rằng Chúa đã chạnh lòng thương (Lc 7,13). Chúng ta đoán được là ngài đã chảy nước mắt. Điều này được nói rõ hơn nữa khi thánh Gioan mô tả thái độ của Chúa Giêsu trước mộ của ông Ladarô: ngài đã khóc (Ga 11,35). Trong cả hai trường hợp, Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho người chết sống lại; nhưng điều này không ngăn cản ngài chia sẻ sự buồn phiền của thân quyến. Duy có điều là cái khóc của Ngài không phải là cái khóc của tuyệt vọng mà thánh Phaolô đã cảnh giác các tín hữu Thesalonica.

 

Niềm hy vọng Phục sinh không ngăn cản chúng ta vui với người vui, khóc với người khóc. Niềm hy vọng đó có cấm chúng ta lo sợ trước cái chết của chính bản thân không?

Đứng trước cái chết của thân nhân, chúng ta thấy có sự khác biệt trong thái độ của các vị thánh. Khi bước sang cái chết của bản thân, ta cũng nhận thấy một sự khác biệt tương tự. Nói chung, ai cũng ham sống và sợ chết. Thế nhưng cũng có người đi tìm cái chết bởi vì họ thấy cuộc đời này quá khổ, và họ hy vọng một kiếp sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia. Điều này thường xảy ra nơi những người tự tử. Nói khác đi, trên bình diện tâm lý, ta thấy có nhiều thái độ khác nhau trước cái chết của bản thân. Trong hiến chế “Vui mừng và hy vọng”, công đồng Vaticanô II thú nhận rằng sự chết là một điều bí hiểm đối với con người (số 18). Kitô giáo không xúi giục các tín hữu đi tìm cái chết, nhưng công bố Tin mừng sự sống vĩnh cửu. Dĩ nhiên, sự sống vĩnh cửu không có ở trên đời này, nhưng chỉ hứa ban ở đời sau, nghĩa là sau khi chết. Đó là lý do vì sao trong lịch sử, nhiều Kitô hữu đã ước mong chóng chết để được về với Chúa. Mặt khác, người Kitô hữu cũng có một sứ mạng ở tran gian này: mỗi người được giao phó những nén bạc và cần phải sinh lợi, chứ không được phép giấu đi. Không ai được phép ăn không ngồi rồi, chờ cái chết đến để về với Chúa! Điều này cũng được áp dụng cho cả những người sống trong tình trạng bệnh tật đau yếu: họ cũng có một sứ mạng xây dựng Hội thánh nhờ những đau khổ của mình. Chính vì có những khía cạnh phức tạp như vậy mà ta hiểu được những phản ứng khác nhau của các thánh nhân khi nói đến cái chết. Có người mong sớm được về với Chúa. Có người muốn ở lại để phục vụ Nước Chúa. Thánh Phaolô đã diễn tả sự giằng co ấy trong lá thư gửi cho các tín hữu Philipphê: “đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần; nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1,21-23). Đó là xét theo sự thâm tín về phần lý luận. Đến khi bước sang phần tâm lý, chắc chắn là câu chuyện trở nên phức tạp hơn nhiều. Chỉ cần ghi nhận thái độ của đức Giêsu thì đủ rõ: ngài biết trước rằng mình sẽ phải chết để cứu chuộc nhân loại, và ngài sẵn sàng chấp nhận. Thế nhưng điều này không miễn cho ngài khỏi bồn chồn xao xuyến trong cơn hấp hối, như ta đọc thấy trong Tin mừng (Ga 12,27; Lc 22,44; Dt 5,7-8). Tóm lại, không thể khẳng định đơn giản rằng ai buồn rầu trước cái chết là thiếu đức tin; cũng như không thể khẳng định rằng ai có đức tin thì mong chóng chết! Thiết tưởng chúng ta đành khiêm tốn thú nhận với công đồng Vaticanô II rằng cái chết là một mầu nhiệm kể cả với người tín hữu, và điều này còn được nhắc lại trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1006.