Xã hội học: lịch sử và tương lai

0
826

Pablo de Jesús Castro Hernandez

(Trích Thời sự Thần học, Số 92 tháng 5/2021)

Bài viết muốn trình bày khái quát về nguồn gốc lịch sử, sự tiến triển và dự phóng tương lai của khoa Xã-hội-học (viết tắt: XHH), gồm ba phần:

1/ Lịch sử: những nhà tư tưởng nổi bật đã khai sinh môn XHH cổ điển và còn để lại gia sản cho các thế hệ đương đại: Auguste Comte, Emile Durkheim, Max Weber, Karl Marx và Friedrich Engels.

2/ Sự phát triển XHH trong thế kỷ XX, với hai trào lưu: a) Cơ cấu chức năng; b) Duy vật biện chứng.

3/ XXH trong thế kỷ XXI. Những tiến trình nghiên cứu mới nhằm đáp ứng những nhu cầu và thực tại trong hiện tại và tương lai: a) “Xã hội đặc và lỏng” (Zygmunt Bauman); b) “Xã hội mạng” (Manuel Castells).

Tác giả là Khoa trưởng trường Khoa học Xã hội tại Đại học El Salvador. Nguồn: Evolución de la Sociología. Futuro e historia. In: Revista De Museología Kóot, 6 (2016), n.º 7, Págs. 60-86.

—————–

Phần thứ nhất

I. Xã hội và xã hội học trong thời kỳ công-nghệ-hóa tư bản. Thế kỷ XVIII và XIX

Một môn học mà quên những người sáng lập thì coi như là tiêu tan” (Alfred N. Whitehead). “Thế nhưng, để quên thì tiên vàn cần phải biết đã. Một môn học mà không biết những người sáng lập thì sẽ không biết mình đã đi được bao xa cũng như không biết đi về đâu, thì rồi cũng tiêu tan” (Alvin Gouldner).

1. Bối cảnh lịch sử của xã hội châu Âu. Tình trạng xã hội, chính trị và kinh tế

Vào thời triết học Khai sáng, cuộc cách mạng Pháp (1789-1819), cuộc độc lập của Hoa Kỳ (1776) và Cách mạng công nghệ bên Anh (1760-1830), xã hội mới đang thành hình đã tạo cơ hội cho nhiều nhà trí thức, triết gia, chính trị gia, kinh tế gia, v.v… cố gắng giải thích các hiện tượng mới, bằng cách tạo ra những phương pháp khoa học mới để giải thích vũ trụ. Khoa học xã hội ra đời trong bối cảnh ấy. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng bỏ qua sự đóng góp của các kiến thức cổ truyền vào việc giải thích và tổ chức xã hội, chẳng hạn như văn chương, nghệ thuật, tôn giáo, cách riêng từ các trào lưu Nhân văn và Lãng mạn của những thế kỷ liền trước đó.

Vào lúc đầu, các “khoa học xã hội” (hay “nghiên cứu xã hội”) bao gồm nhiều ngành khác nhau: lịch sử, kinh tế, chính trị, giáo dục, tâm lý học. Dần dần khoa XHH mới định hình cho mình một đường hướng riêng, với phương pháp riêng, đó là phương pháp thực nghiệm: khởi đi từ việc nghiên cứu thực trạng xã hội ở địa phương hay thế giới, với những biến chuyển của nó; kế đó đưa ra những giả thuyết để giải thích, và phát biểu những định luật. Chính lối tiếp cận này cũng làm biến đổi quan niệm về sự cấu thành và tiến triển của xã hội. Chúng ta thử so sánh vài cách thức hình dung xã hội vào thời ấy, để dễ nhận ra những đóng góp mới mẻ của khoa XHH thực nghiệm.

2. Khái niệm về xã hội và chủ nghĩa tư bản tự do

Những quan niệm đầu tiên về xã hội là kết quả của sự thay đổi xã hội trong đời sống hằng ngày. Nhiều ý tưởng truyền thống đã được thay thế, và đã có những sự thay đổi trong các hình thức suy nghĩ về thực tại, từ quan niệm vật lý-tự nhiên đến chỗ hiểu biết xã hội bị chi phối bởi những định luật tự nhiên hay những định luật xã hội.

  • Xã hội – cộng đồng theo quan niệm thời Trung đại. Triết học thời Trung đại có một khái nhiệm đơn giản về xã hội: “Xã hội là một toàn bộ liên kết hữu cơ như là cộng đồng; những mối dây kinh tế gắn chặt với những mối dây luân lý, tuân theo quy tắc của truyền thống và tôn giáo” (Kon, 1989: 7).
  • Quan niệm của nhóm bảo thủ lãng mạn. Các tác giả Edmond Burque (1729-1799), Louis de Bonald (1754-1840) và Joseph de Maistre (1753-1821) đã chỉ trích sự hỗn loạn xã hội do cách mạng Pháp gây ra, và họ kêu gọi hãy trở về với sự hòa hợp và trật tự của thời Trung đại. Theo họ, xã hội là một cơ quan hữu cơ, quan trọng hơn cá nhân; xã hội đi trước cá nhân, và tập hợp các cá nhân để thực hiện các mục tiêu chung. Các định luật điều hành xã hội đã bắt nguồn từ thời xa xưa. Điều quan trọng không phải là các cá nhân, nhưng là vị trí của họ trong xã hội: mỗi người cần phải chu toàn phận sự của mình trong xã hội: “Tất cả các thành phần của tổng bộ đều có liên lạc hữu cơ với nhau; nếu thay đổi một phần thì các phần khác cũng thay đổi” (Kon: 14). Do đó, nếu muốn du nhập một thay đổi nào thì phải hết sức thận trọng (Ritzer-I 1994: 13).

Những lý thuyết tự nhiên

  • Quan niệm máy móc. Lý thuyết này, bị coi là duy lý, thu gọn các dữ kiện xã hội vào một số định luật tổng quát nằm trong tự nhiên. Việc nghiên cứu xã hội liên kết với “Vật lý xã hội” (Kon, cit.), được quan niệm như một hệ thống to lớn gồm những cá nhân có tương quan với nhau do sự hấp dẫn hay thúc đẩy xã hội, giống như ta quan sát được nơi các ngôi sao và tinh tú trên trời. Các khuôn mẫu của Toán học, Thiên văn học và Cơ khí học được sử dụng để rút ra những suy diễn xã hội. Quan niệm này đã thay đổi nhờ sự phát triển của Vật lý học theo Isaac Newton, đỡ máy móc hơn.
  • Quan niệm hữu cơ. Herbert Spencer (1820-1903) đã du nhập vào khoa học xã hội những ý tưởng về sự tiến hóa của Charles Darwin. Xã hội là một “tập hợp hữu cơ, tăng trưởng và tiến hóa như một cơ thể hữu cơ của các tế bào vốn đã có sự hiện hữu riêng biệt. Nếu cơ thể bỗng nhiên bị chết, thì các phân tử vẫn tiếp tục sống một thời gian. Xét như là một cơ thể hữu cơ, các tế bào sinh ra, sống và chết tại chỗ, điều này khiến cho chúng không đồng nhất. Cấu trúc của chúng trở thành phức tạp khi chúng tăng trưởng và tiến triển từ những đàn bầy sơ khai, hầu như thuần nhất, tiến tới các bộ tộc trong đó có sự phân chia phận vụ giữa các phần tử.

Các giai cấp xã hội được thành hình kể từ khi chính quyền tách rời khỏi công nghệ: các nhà cầm quyền được phân chia thành chính trị gia, quân đội và chức sắc tôn giáo; dân chúng thì chia thành các thủ công và công nhân; và tiếp tục những sự phân chia khác. Một xã hội văn minh thì có sẵn một vài quy định và cấu trúc trường tồn, và vẫn tồn tại sau khi các cá nhân đã qua đi (Spencer, 1942: 64 ss.). Từ đây sẽ nảy sinh thuyết “Darwin xã hội”: trong xã hội, kẻ mạnh sẽ tồn tại.

  • Xã hội và Nhà Nước. Nhóm Bách khoa từ điển của Pháp đã nêu bật sự khác biệt giữa Xã hội và Nhà Nước. Xã hội được hình dung giống như một khuôn mẫu cơ động, với sự phân chia việc làm và hoán đổi giữa các cá nhân; một bộ máy cơ cấu mà ta có thể phân tích và hiểu biết chức năng thực sự của các định chế xã hội hoặc các cơ chế; kinh tế và văn hóa hoặc Nhà Nước và Pháp luật, được quan niệm như là luật tự nhiên do khế ước. Sự phân chia xã hội tự nhiên và quy tắc pháp luật nhân tạo mở đường cho nhận thức rằng đời sống kinh tế thì biệt lập khỏi chính trị (Kon: 8).

Với các khái niệm sơ khởi như vậy về xã hội, dần dần những kiến thức cần thiết được tích góp để khai sinh ra XHH, nghĩa là tìm cách giải thích theo khoa học những biến chuyển sâu xa của thời đại.

Vào thời kỳ chuyển tiếp giữa thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX, nảy ra những quan điểm về xã hội như là phản ứng lại những niềm hy vọng rằng cuộc cách mạng Pháp và sự tiến triển công nghệ sẽ mang lại sự tiến bộ. Các quan điểm này thường mâu thuẫn với nhau, do địa vị giai cấp của người đề ra.

  • Quan điểm tự do vụ lợi. Các nhà tư tưởng người Anh, Jeremy Bentham (1748-1832) và James Mills (1773-1836), coi xã hội như là một thân thể giả tạo, gồm bởi các cá nhân làm nên thành phần. Nguyên tắc tối thượng của chủ trương này là đề cao cá nhân và tự do kinh doanh. Nguyên tắc này cần phải được luân lý và luật pháp bảo vệ bởi vì lợi ích xã hội. Chủ nghĩa tự do này chỉ nhìn nhận cho giới tư sản được quyền thay đổi và kiện toàn luật pháp. (Kon: 15).

3. Những nhà tiền bối của XHH thực nghiệm

Quan niệm thứ nhất thịnh hành trong thế kỷ XIX khi nổi lên những nhà tiên phong và sau đó là những nhà sáng lập. Trước đây, vào thời Khai sáng, đã có những dự định muốn hiểu biết và kiểm soát vũ trụ bằng lý trí và nghiên cứu thực nghiệm. Bây giờ, người ta muốn mở rộng thêm những lý thuyết về xã hội xã hội học, tìm cách giải thích thế giới theo lý trí, đối lại với quan điểm thời Trung đại dựa theo tôn giáo và truyền thống. Đây là khởi điểm của XHH thực nghiệm.

3.1 Những đóng góp của Adam Ferguson (1723-1816)

Vào đầu thế kỷ XIX, Ferguson muốn phân tích theo phương pháp thực nghiệm những hệ quả trầm trọng của sự xáo trộn xã hội. Với một cái nhìn mới, ông cho rằng sự phân mảnh của cộng đồng và các cá nhân là “kết quả của sự phân chia công việc làm, đòi hỏi một sự chuyên môn, do sự tiến triển của xã hội công nghệ” (Raison, 1970: 10). Sự phân chia công việc làm đã đưa đến sự phân chia “giai cấp”, một khái niệm mới so với khái niệm “giai tầng” của thời Trung đại.

Việc phân chia chuyên ngành, liên kết với sự phân biệt giai tầng xã hội (đối tượng của XHH cổ truyền), theo các giai cấp được thành hình do sự phân phối không đồng đều về tư sản, dẫn đến những tiểu-văn-hóa (sub-culture) và những khuôn mẫu nhân cách.

Với những ý tưởng ấy, ông đã phát biểu hai lý thuyết, một về tư hữu và một về sự tha hóa (phạm trù căn bản theo XHH của chủ nghĩa duy vật lịch sử). Ông đã viết cuốn “Khảo luận về lịch sử xã hội dân sự”, một khái niệm mới mà sau này được coi như tác phẩm của XHH hệ thống tiến hóa. Quan niệm mới mẻ về xã hội ở chỗ ông du nhập sự phân chia tư hữu vào việc nghiên cứu cấu trúc xã hội. Tư hữu mang lại sự giàu sang và quyền lực. Tư hữu là nguồn gốc cho sự phát triển xã hội, nhưng cũng hàm chứa mầm mồng của sự tranh chấp xã hội.

Như vậy, ông khởi đi từ chỗ những tình trạng cụ thể tựa như sự phân chia công việc làm, đến những khái niệm mang tính triết học về sự tiến triển xã hội.

3.2 Claude Henri, Bá tước Saint-Simon (1760-1825). XHH và chủ nghĩa xã hội không-tưởng

Ông đã học hỏi nhiều ngành, triết học cũng như khoa học (Vật lý, Hóa học, Toán, Y khoa, Sinh học), và ông muốn áp dụng vào việc nghiên cứu xã hội, được quan niệm như là “sinh lý học xã hội”: physiologie sociale (Raison, op. cit).

Như một nhà tiên phong và sáng lập của môn học mới, ông đề xướng những ý tưởng nền tảng và nội dung của nó, liên quan đến công nghệ hiện đại và tái xây dựng xã hội. Theo ông, đối tượng của XHH là phân tích cuộc khủng hoảng của châu Âu. Ông nhận xét rằng xã hội trải qua nhiều giai đoạn: giai đoạn có tổ chức, khi các thể chế chính trị và xã hội hòa điệu với văn minh; tiếp theo là giai đoạn khủng hoảng, cho dù ngắn ngủi đi nữa, cũng gây ra xung đột và tan rã. Theo ông, động cơ làm thay đổi lịch sử thế giới là sự xung đột giữa các giai cấp xã hội. Duy chỉ có kỹ thuật mới có thể chấm dứt được cuộc cách mạng xã hội.

Trật tự xã hội và sự thay đổi xã hội chỉ có thể thực hiện nhờ việc kế hoạch và kỹ trị, ngõ hầu thiết lập một chủ nghĩa tư bản nhân ái: “Chừng nào có một lý thuyết tương ứng với tình trạng giáo dục hiện nay, thì mới thiết lập trật tự mới, một định chế chung cho tất cả các dân tộc châu Âu và một hàng tư tế thành thạo khoa học, mang lại hòa bình nhờ biết chế ngự tham vọng của các dân tộc và các vua chúa” (ibíd.).

Ông cố gắng mô tả những giai cấp xã hội mới. Các vua chúa sẽ được thay thế bởi các nhà tư bản, ngân hàng và công nghệ. Hàng ngũ tư tế sẽ là hàng ngũ trí thức gồm các nhà khoa học, các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng. Còn giai cấp bên kia của xã hội là các công nhân, một giai cấp sản xuất, họ có thể tự do trao đổi các sản phẩm của lao động. Những quan tâm dành cho giai cấp này dẫn ông đến những tư tưởng xã hội không-tưởng; ông cho rằng cần phải đổi mới giới lãnh đạo để tránh cho công nghệ khỏi tàn phá xã hội, tránh cho xã hội khỏi tàn phá công nghệ, và tránh cho cả hai khỏi tàn phá nhân loại. Với tầm nhìn ấy, ông chủ trương cần có những cuộc cải cách xã hội, đặc biệt là thảo kế hoạch tập trung vào hệ thống kinh tế” (Ritzer: 15). Chính vì quan điểm này mà ông bị tố cáo là phản động.

Quan niệm của ông về chính phủ, như là quyền hành chính trị và nền tảng của uy lực, cho phép kết hợp một cơ cấu xã hội mới, nhờ sản xuất công nghệ để thay thế hệ thống cổ truyền dựa trên đẳng cấp cai trị (Raison, op. cit.).

XHH của ông Saint-Simon mang lại nhiều khái niệm mới mẻ về các luật lệ của đời sống xã hội và đặt nền tảng cho các khoa học thực nghiệm, gây ảnh hưởng lớn lao cho chủ nghĩa tự do ở Pháp và Anh, chủ nghĩa quốc gia ở Ý, và chủ nghĩa xã hội của Marx và Engels.

4. Những nhà sáng lập Xã hội học. Các thỉnh-đề về lý thuyết và phương pháp

4.1 Auguste Comte (1798-1857). Xã hội học thực chứng (sociologie positiviste)

Các khoa học thực chứng về thiên nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học …) được đưa vào áp dụng cho các hiện tượng xã hội và nhân văn. Năm 1839, Auguste Comte bắt đầu quan sát và phân tích các cơ cấu xã hội dưới cái nhìn thực nghiệm: ông đổi tên gọi từ “sinh lý học xã hội” (physisologie sociale) thành “vật lý xã hội” (physique sociale) (Timasheff, 1983: 16). Ông đề xuất những khái niệm đầu tiên của môn học mới gọi là “xã hội học” (sociologie) để nghiên cứu cái thực tại quen gọi là “xã hội” (Elías, 2006: cf. p. 41). Ông tìm cách tìm hiểu, giải thích, xếp loại những tiến trình tái cấu trúc các mối tương quan tựa như giai cấp xã hội, gia đình, cộng đồng và định chế: Nhà nước, quân đội, Giáo hội, pháp luật, nghệ thuật, văn chương, v.v… Như vậy là XHH, xét như là khoa học lý thuyết, được xếp vào những khoa học thực nghiệm nhằm phân tích xã hội, tìm cách khám phá những định luật căn bản gắn liền với các hiện tượng xã hội. Nó đánh dấu một giai đoạn mới trong sự chiến thắng của cuộc cách mạng thực nghiệm của trí tuệ và xã hội con người, vượt khỏi các khung kinh viện của những thế hệ trước. Chủ nghĩa của ông là tôn giáo mới của nhân loại, các vị tư tế mới sẽ là các nhà trí thức, khoa học và nghệ sĩ; Thiên Chúa của ông là xã hội, cần phải được tôn kính như thượng đế (Kon: op. cit., p. 20ss). XHH của Comte không chỉ dựa trên các nguyên lý của khoa học thực chứng mà còn được trang bị thêm bằng những tư tưởng thực chứng và duy vật lấy từ phong trào Khai sáng và Cách mạng Pháp. Ông có tham vọng làm thay đổi một loạt các quan niệm đang thịnh hành thời đó.

4.2 Những đóng góp chính về lý thuyết: một quan niệm mới về xã hội

Ba trạng thái của xã hội nhân loại. Một đóng góp căn bản của triết học thực chứng và XHH của Comte là phát biểu một lý thuyết xã hội về sự tiến triển xã hội trải qua ba giai đoạn, mỗi giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi một luồng tư tưởng: a) thần học và tưởng tượng (tôn giáo); b) siêu hình và trừu tượng (triết học); c) thực chứng và khoa học. Ông muốn xây dựng trật tự mới của giai đoạn ba, độc lập với hai giai đoạn trước. (Elías, op. cit, p. 44).

Xét như là một khoa học thực chứng, XHH của Comte tách rời khỏi Thần học và Siêu hình học. Ông quan niệm rằng các sự kiện xã hội không rời rạc nhưng có liên hệ chặt chẽ với nhau, mang dấu ấn của kiến thức mà con người tạo ra cho mình. Thỉnh-đề phương-pháp-luận của ông là: thực chứng có nghĩa là hữu cơ, chính xác; thực hữu, hữu dụng; đối nghịch với hão huyền, vô dụng, tiêu cực, nghi ngờ. Quan trọng hơn nữa là quan niệm của ông về nhiệm vụ của XHH: khám phá những định luật diễn tả những tương quan thường xuyên giữa các hiện tượng, ngõ hầu đạt tới những hiểu biết chính xác và dự đoán tương lai; đối chiếu cơ cấu và phẩm chất của các cơ quan và hiện tượng của đời sống xét trong mối tương quan với thời đại, văn minh và nhân loại; và sau cùng, phát biểu những phạm trù có giá trị phổ quát. Nói tóm lại, mối bận tâm của Comte là có thể áp dụng những phương pháp của khoa học tự nhiên vào các khoa học nhân văn hsy không.

Ông nghiên cứu sự tiến triển của trí tuệ và tâm thần do ảnh hưởng của đời sống xã hội. Bản tính trừu tượng và bất biến của con người được thay thế bằng những định luật tự nhiên và những hiện tượng xã hội không ngừng thay đổi và phát triển theo dòng thời gian. Nói cách khác, bản tính con người là tính lịch sử. Chính trong tiến trình xã hội mà tư tưởng khoa học tiến bộ, tùy thuộc vào sự tiến triến của lịch sử.

  • Tĩnh học xã hội (statique sociale): bàn về Lý thuyết về Trật tự, tổ chức và hài hòa xã hội, như là điều kiện hiện hữu cho các định luật về sự vận hành của hệ thống xã hội.
  • Động học xã hội (dynamique sociale): là những định luật về sự phát triển và biến đổi các hệ thống xã hội. XHH trở thành định chế trong tầm mức nó phân tích xã hội như là một “tổng bộ hữu cơ, trong đó nhờ có cơ cấu được nối kết với nhau mà sự hài hòa và trật tự được bảo đảm. Điều này chỉ có thể đạt được nhờ gia đình, nhà nước, tôn giáo, là những định chế nhờ đó mà có sự hòa nhập xã hội” (Kon, cit.).
  • Xã hội và sự phân chia việc làm. Quan điểm của ông khác với những nhà tư tưởng đi trước bối. Sự chuyên-nghiệp-hóa quá mức sẽ gây ra sự tan rã xã hội, phá hủy sự hợp nhất, phát sinh sự cạnh tranh, khai thác và những tâm tình đê tiện khác. Vì vậy ông tẩy chay nguyên tắc “không can thiệp” (chính quyền không can thiệp vào thị trường: laissez-faire, laissez-passer), vì nó đề cao tính ích kỷ của con người. Điều ông muốn đề cao là sự hài hòa, hợp tác và hòa đồng xã hội (Kon, cit.).
  • Nhà nước và chính quyền. Những định chế quan trọng khác được khoa XHH nghiên cứu đặc biệt là Nhà Nước và chính quyền. Việc tuân phục Nhà Nước được coi là một nghĩa vụ thánh thiêng, bởi vì đó là một cơ quan của tình liên đới xã hội, bảo vệ trật tự công cộng. Chính phủ giữ các chức vụ kinh tế, chính trị và luân lý, nhằm duy trì tinh thần chung, để phòng ngừa những sự dị biệt làm tan vỡ sự thống nhất hữu cơ.
  • Trật tự và tiến bộ. Trong XHH của Comte, không thể nào quan niệm trật tự mà không có tiến bộ. Tiến bộ được hiểu như là sự thăng tiến xã hội, hoặc là về phần chính yếu (như là tâm linh và trí thức) hoặc là về phần thứ yếu (như là khí hậu, chủng tộc, tuổi thọ cá nhân, tăng gia dân số). Sự tiến bộ có thể là về vật chất (thăng tiến về điều kiện sinh sống), vật lý (kiện toàn về bản tính con người), trí tuệ (chuyển từ thế giới tôn giáo và siêu hình sang thế giới thực nghiệm) và luân lý (những tâm tình luân lý và tinh thần tập đoàn).
  • Gia đình và phái tính. Quan niệm của ông về gia đình tương phản với phái tính. Theo ông, gia đình là sự kết hợp luân lý và tình cảm dựa trên sự chăm sóc và thân mật hỗ tương. Nhiệm vụ của gia đình là giáo dục các thế hệ mới về tinh thần vị tha và dạy cho chúng biết thắng tính ích kỷ bẩm sinh. Con người cần phải liên kết với xã hội hầu trở nên hữu ích và biết sống với thân nhân, dựa trên những mối tương quan quân bình giữa các thế hệ già và trẻ, nuôi dưỡng tâm tình xã hội, đoàn kết, tương trợ. Gia đình phải là nguồn mạch giáo dục luân lý và nền tảng cho tổ chức chính trị, chuẩn bị cho xã hội tương lai. Đối với vấn đề giới, Comte không chấp nhận sự bình quyền nam nữ, vì ông cho rằng người nữ thua kém người nam về trí tuệ và sức mạnh ý chí. Người nam, vì là cha và là chồng, cho nên cần có quyền uy và quyền lực.

Môn XHH của Comte đã gây ảnh hưởng đến nhiều khoa học thời ấy: Lịch sử, Luân lý, Tâm lý học, v.v…, cũng như trên nhiều nhà tư tưởng đương thời như Emile Durkheim. Ngành XHH đã được vào giảng dạy tại các đại học châu Âu (Pháp, Đức, Anh,…) và sau đó tại các đại học ngoài châu Âu. Năm 1848 ông thành lập Hội Thực chứng (Société positiviste) cùng với các môn đệ nhằm giáo dục dân chúng biết quan niệm thực chứng về thế giới.

Những tác phẩm chính của Auguste Comte: Cours de philosophie positive (1830-1842), bộ sách 6 quyển, bàn về việc phân loại các khoa học; triết học thực chứng và xã hội học. Système de politique positive ou Traité de sociologie instituant la religion de l’Humanité (1851-1854) gồm 4 quyển, đặt nền tảng cho chính trị và tôn giáo tương lai.

4.3 Xã hội học của Émile Durkheim (1858-1917)

  • Xã hội học, khoa học về xã hội. Ông gọi XHH là khoa học về luân lý (đạo đức), cung cấp cho nó đặc tính khoa học (Torres-Rivas: 18). Ông chịu ảnh hưởng của luân lý học của trường phái Kant bên Đức, một thứ luân lý trí thức, trừu tượng và độc lập khỏi ý chí của con người. Ông quan niệm rằng cần nghiên cứu các luật lệ luân lý cách khoa học chứ không theo kiểu siêu hình như là các ý tưởng tôn giáo sơ khai.

Ông đề nghị rằng xã hội như là một gia sản chung, gồm có kinh tế, nghệ thuật, văn hóa, và tất cả mọi cá nhân đều phải tôn trọng và tuân thủ các quy tắc, được ví như các tín điều trong các tôn giáo. Trong tác phẩm đầu tiên, Những hình thức sơ khởi của đời sống tôn giáo, ông đồng hóa xã hội với Thiên Chúa, và tìm hiểu sự vận hành của nó. Ngoài ra ông cũng để ý đến thuyết hữu dụng của Spencer, một người cho rằng điều tốt là cái gì mang lại thích thú.

  • Liên đới máy móc, liên đới hữu cơ. Năm 1893 ông xuất bản cuốn Việc phân chia lao động xã hội, để giải thích rằng việc phân chia này rất sơ đẳng trong các xã hội sơ khai, và nhờ vậy xã hội được ổn định, bởi vì mọi cá nhân đều bình đẳng với nhau và tôn giáo là yếu tố hàn gắn, gây ra một tình liên đới máy móc, bởi vì lợi ích của người này lệ thuộc vào lợi ích của người kia, và điều này tạo ra sự gắn bó (Torres-Rivas, cit.).

Điều đó không xảy ra trong xã hội công nghệ bởi vì do sự chuyên biệt hóa cho nên phát sinh chủ nghĩa cá nhân; người ta đề cao lý tưởng tự do, đánh giá mỗi người tùy theo điều mà mình làm được. Từ đó, sự tiến bộ trở nên phức tạp hơn, bởi vì xã hội gây ra nhiều khác biệt về trật tự, sự đoàn kết, nhất trí; nói cách khác, xã hội bị phân hóa, và vì vậy mà nhiều luật lệ được đặt ra để điều hành xã hội và họa lại các quy tắc luân lý. Trong xã hội công nghệ phức tạp như vậy, nảy sinh khuynh hướng áp dụng những chế tài chứ không phải là hình phạt để cải cách. Durkheim đặt tên là sự liên đới hữu cơ cho động cơ áp dụng những chế tài bồi hoàn, khởi đi từ những niềm tin và phong tục mang hệ lụy tập thể (Torres R, op. cit.).

  • Những quy tắc và giá trị luân lý. Cũng giống như Saint-Simon và Comte, ông Durkheim sợ và ghét sự hỗn loạn trong xã hội, bộc lộ qua những tranh chấp lao động, bất đồng giữa Giáo hội và Nhà nước. Ngoài việc nghiên cứu luân lý, ông còn phân tích sự áp dụng các quy tắc dưới khía cạnh pháp luật, và ông nhận thấy rằng đàng sau một quy tắc pháp luật có một quy tắc luân lý, nhờ vậy mà sinh ra các hình thức liên đới được xem như sự liên hệ với nhau. Từ đó, người ta ấn định những quy tắc và giá trị: nếu tuân thủ thì sẽ có trật tự và hội nhập; ngược lại, nếu không tuân thủ thì sẽ sinh ra tình trạng anomia, nghĩa là một cách cư xử lệch lạc. Dưới khía cạnh xã hội học, anomia được dùng như một phạm trù để tìm hiểu và phân tích tình trạng rối loạn trong xã hội; nó có thể là cá nhân hay tập thể: nếu là cá nhân thì ta thấy những kẻ phạm pháp, còn nếu là tập thể thì ta thấy những cuộc cách mạng xã hội. Từ đó, ông đề nghị cần kiểm soát xã hội, trật tự, hội nhập, luân lý, tôn giáo, và có thể giải quyết nhờ việc du nhập những cuộc cải cách xã hội (Ritzer: 18 và Álvarez-Uría: tr. 116 và tt).
  • “Những sự kiện xã hội”, nghiên cứu và phương pháp. Một đặc trưng của XHH của Durkheim là xã hội trở thành định chế, được nghiên cứu với những đường lối khoa học mới với những khái niệm, phương pháp mới. Các cuộc nghiên cứu đối tượng được thực hiện ở cấp độ vi mô và vĩ mô, sử dụng phương pháp khảo sát thực nghiệm vào các “sự kiện xã hội”. Các sự kiện xã hội được coi là đối tượng, nhưng không chỉ như là sự vật mà là những tiến trình xã hội ở bên ngoài, chẳng hạn như khi một con người ra đời thì đã gặp thấy một xã hội cụ thể và trở thành một yếu tố của xã hội toàn chế. Sự kiện xã hội mang tính cách cưỡng chế: nhờ việc tuân hành các quy tắc luật lệ mà một cá nhân được hội nhập vào xã hội.

Durkheim đã xuất bản hai công trình nghiên cứu xã hội học dựa theo phương pháp mới, đó là “Những quy tắc của phương pháp xã hội học” (Les Reggles de la méthode sociologique, 1895) và “Sự tự tử” (Le suicide, 1897). Tác phẩm thứ nhất liên quan đến việc nghiên cứu các sự kiện xã hội bằng phương pháp thực nghiệm: tìm hiểu những nguyên nhân sinh ra các hiện tượng, và những chức năng giúp cho xã hội được sinh tồn. Tác phẩm thứ hai áp dụng thống kê cho biết con số những người tự tử vào những giai đoạn và thời kỳ khủng hoảng trong xã hội. Sự tự tử có thể là: a) ích kỷ, khi một người coi cái “tôi” cá nhân lớn hơn cái “tôi” xã hội; b) vị tha, tức là cái chết như một thành phần của bộ luật danh dự, chẳng hạn nhằm bảo vệ tổ quốc hay tỏ lòng trung thành với cấp trên; c) Anómico, khi những người thất nghiệp rơi vào tình trạng trầm uất và lo âu, trước cảnh nghèo túng hay loại trừ do cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc chính trị.

Những đóng góp khác của ông cho XHH là sự phân tích tôn giáo và văn hóa, là những hiện tượng sinh ra các biểu tượng, hoặc tôn giáo hay chính trị, tạo ra sự đoàn kết của dân chúng đứng trước cảnh hỗn loạn trong xã hội. Đường lối là tìm cách đạt sự thỏa hiệp nhắm tới lợi ích xã hội, để tái lập sự liên đới và đoàn kết. Các bài ca, nghi thức, nhịp điệu, v.v… là những biểu tượng tôn giáo và chính trị giúp tạo ra căn tính cho những người tìm kiếm sự gắn bó với nhau.

Ông Emile Durkheim đã mang lại cho XHH một dấu ấn khoa bản, nhờ vậy nó được đưa vào các đại học ở Pháp, rồi sau đó tại các nước khác ở châu Âu. XHH của ông muốn giải thích những sự bất bình đẳng trong nền kinh tế tư bản công nghệ, khảo sát những hiện tượng nổi bật nhất của xã hội nhân loại vào cuối thế kỷ XX, bước sang thế kỷ XX.

4.4 Xã hội học thông hiểu (comprehensive sociology) của Max Weber (1864-1920)

Tư tưởng của Max Weber cũng ra đời đồng thời với những khái niệm tiên phong của XHH. Ông tìm cách giải thích sự nảy sinh trật tự xã hội tư bản như là văn minh của Tây Âu, khi đối chiếu với văn minh của các tôn giáo bên Đông Phương (Ấn Độ, Trung Hoa). Nói cách khác, ông muốn tìm hiểu sự nảy sinh xã hội tân tiến vào thời hiện đại; để được như vậy, ông đã thực hiện những nỗ lực phi thường để tìm hiểu những tiến trình và diễn biến vào cuối thể kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ở tầm vi mô và vĩ mô (cuộc cách mạng Liên Xô, thế chiến thứ nhất).

Ông có biết tư tưởng XHH của A. Comte, Ferguson, Saint-Simon và Durkheim, nhưng quan niệm của ông thì khác hẳn:

  • Lý thuyết về hành động xã hội, những Loại hình lý tưởng và Đặc sủng. Ông du nhập một quan niệm mới, mang tên là XHH thông hiểu được bổ túc thêm bằng Lý thuyết về hành động xã hội, được coi như là khoa học tìm cách giải thích “hành động xã hội”, nghiên cứu các con người chủ thể và ý nghĩa của cách ứng xử. Ông đề ra khái niệm những Loại hình lý tưởng (ideal-type), nghĩa là những khái niệm nhằm nghiên cứu thực tại và tạo ra những dụng cụ tri thức để phân tích và tìm hiểu ý nghĩa của nó. Với những lối tiếp cận ấy, ta sẽ tổ chức một cuộc khảo sát tạm thời, và sẽ thay đổi dọc theo tiến trình khảo sát (Ritzer, cit).
  • Bốn loại hình lý tưởng: a) Dựa theo cứu cánh (tức là tính toán để hành động). b) Dựa theo các giá trị (tức là nhằm đạt đến một lý tưởng). c) Các hành động tình cảm (đạt đến lý tưởng nhờ cảm xúc, hướng đến những cứu cánh tinh thần). d) Hành động cổ truyền (theo nhận thức chung).

Cùng với việc xây dựng phương pháp, ông cũng tạo ra những khái niệm mới để phát biểu các lý thuyết. Trong các tác phẩm chính, Kinh tế và Xã hội, ông nghiên cứu những hiện tượng lớn, được giải thích như là lý thuyết về tương quan giữa sự tăng trưởng kinh tế và các hình thức tôn giáo của cuộc sống, xuyên qua các lý tưởng về quyền bính và quản trị. Với những lý thuyết khác, ông đưa ra giải thích về chế độ quan liêu, các giai cấp xã hội, các hiệp hội, các nhóm, Đảng phái, những loại hình pháp luật và hệ thống, nhằm hiểu biết các diễn tiến của xã hội Đức.

Trong một tác phẩm khác, Luân lý đạo Phản kháng và tinh thần chủ nghĩa tư bản (The Protestant Ethics and the Spirit of Capitalism), ông mở rộng sự giải thích hệ luận kinh tế về việc đạo Phản kháng[1] đã phá vỡ truyền thống tôn giáo. Điều này dẫn đến một cuộc phát triển kinh tế, nhờ một thứ luân lý (đạo đức) thúc đẩy người ta làm việc, không chỉ vì muốn làm giàu mà còn vì muốn được an tâm. Doanh nhân cần được huấn luyện để làm việc, bởi vì lao động là một ơn gọi, điều này được đề cao trong phong trào Cải cách hơn là bên đạo Công giáo. Doanh nhân đạo Công giáo tiêu xài những gì đã kiếm được; còn doanh nhân đạo Phản kháng theo tinh thần khắc kỷ sẽ tích lũy lợi nhuận để tăng gia ơn tiền định, hạnh phúc vĩnh cửu, và coi đó như là dấu hiệu được Chúa kêu gọi (Torres Rivas. op. cit.).

  • Đặc sủng và lý thuyết về hệ thống quan liêu. Ông Weber đã phát triển nhiều khái niệm cho môn XHH chính trị, xoay quanh các hành động, quy tắc, luật lệ, quyền hành. Đặc sủng (charisma) là một đức tính để thuyết phục các công dân tôn trọng quyền bính (Giáo hoàng, vua, lãnh tụ, tổng thống). Quyền bính này cần được hợp thức hóa và có thể diễn tả dưới hình thức một ân ban thuộc mô hình đặc sủng hay quan liêu, và đòi hỏi người dân phải suy phục. Từ đó ông đề ra lý thuyết về hình thức quan liêu (bureaucracy), như một bộ máy để điều hành việc quản trị hữu hiệu, thúc đẩy việc tuân thủ các luật lệ của Nhà Nước hay doanh nghiệp.

Ông Weber đã góp phần quan trọng cho XHH qua việc định nghĩa các khái niệm và các phạm trù, tựa như: tính duy lý, giai cấp, quyền lực, uy tín, để giúp giải thích các hiện tượng lịch sử. Các đối tượng nghiên cứu của môn này được kể vào loại XHH cổ điển.

4.5 Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895). Những đóng góp cho XHH.

Cũng vào thời ấy, Marx và Engels đã đặt ra nhiều câu hỏi về lý thuyết và phương pháp không những cho XHH mà còn cho kinh tế học, giáo dục, văn hóa và nhiều ngành khác. Khởi điểm của họ cũng là thực tại của châu Âu mà Comte, Durkheim và Weber đã sống và phân tích. Họ đã gây ảnh hưởng không chỉ trong thế kỷ XIX mà còn kéo dài sang thế kỷ XX nữa.

Những nghiên cứu của họ chú trọng đến việc phân tích các tương quan nhân bản dưới tác dụng của sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, ý thức hệ của cuộc công nghệ hóa theo chủ nghĩa tư bản, dẫn đến hệ quả là sự tranh đấu giữa các giai cấp xã hội (tư sản và vô sản), một Nhà nước và thị trường mới. Các ông đã dựa trên triết học, lịch sử, các ngành khoa học xã hội đang trên đường hình thành. Các ông đã sử dụng phép biện chứng duy tâm của Hegel và biến đổi thành phép biện chứng duy vật để nghiên cứu các cuộc biến chuyển sâu xa về lịch sử và xã hội.

Các tác phẩm của Marx và Engels mô tả diễn tiến lịch sử của văn minh mới phát sinh bởi chủ nghĩa tư bản. Trong tác phẩm đồ sộ mang tựa đề Tư bản, Marx giải thích những tiến trình thu tích nguyên thủy, về sau được biến thành tư bản thương mại, nông nghiệp và công nghệ. Có thể tóm lại vắn tắt như sau:

Marx và Engels chỉ trích xã hội tư bản, bởi vì sản xuất hàng hóa bắt nguồn từ giá trị thặng dư lấy của giới công nhân, và biến thành sự tích lũy tư bản công nghệ do giai cấp tư sản mới ra đời do sự bành trướng thị trường ở cấp độ toàn cầu. Các ông đã vạch ra những sự tàn ác của việc khai thác các công nhân (Ritzer: 28). Sau đây là vài phạm trù phân tích căn bản:

  • Phương tiện sản xuất: “Tiến trình sản xuất chi phối đời sống vật chất, xã hội, chính trị và trí thức nói chung. Đến một cấp độ nào đó của phát triển vật chất thì sẽ có sự mâu thuẫn với các lực lượng sản xuất hiện hành, biến thành sự ngăn cản và mở ra một giai đoạn cách mạng xã hội làm đảo ngược hạ tầng kinh tế và toàn bộ thượng tầng kiến trúc được xây dựng trên đó” (Marx được trích dẫn bởi Torres-R, cit.).
  • Những tương quan xã hội của sự sản xuất: phối hợp các lực lượng sản xuất, cho phép con người biến đổi thiên nhiên nhờ lao động, và đưa tới sự phân công lao động trong xã hội, và nhờ kỹ thuật, có thể thay đổi việc làm và thay đổi xã hội. Hai tác giả đã giải thích sự biến đổi xã hội cách toàn diện, làm thay đổi hình thức sinh sống, tư duy và tình cảm, sự hợp tác, văn hóa, v.v… Nó có thể mở đường cho một xã hội theo chủ nghĩa xã hội ở bước đầu và tiến tới chủ nghĩa cộng sản (Ibidem).
  • Sự tha hóa: Điều mà con người tạo ra lại quay về chống lại con người, biến thành lực lượng thù nghịch, ở bên ngoài, đàn áp con người; chẳng hạn như tiền bạc làm cho con người thành nô lệ(Ibidem).

Khuôn khổ bài viết không cho phép nói rộng hơn về những chìa khóa và lý thuyết khác nhằm giải thích thực tại phức tạp của xã hội con người.

Tư tưởng Marx cổ điển đã giúp hiểu biết những cuộc cách mạng làm biến đổi những cơ cấu lỗi thời của xã hội nông nghiệp hoặc công nghiệp tư bản. Học thuyết này đã bị suy yếu khi nó trở thành giáo điều và tự coi như là nguồn duy nhất để giải thích thực tại cụ thể. Nhiều người theo chủ nghĩa Marx chỉ biết lặp lại cách máy móc và làm mất đi tinh thần cách mạng và bản chất đích thực của phép biện chứng: nguồn hứng khởi của nó là phá hủy tất cả những khái niệm thủ đắc nào không có khả năng nắm bắt các động lực đang diễn ra, hoặc không có khả năng khám phá những sự phong phú tiềm ẩn của thực tại (Gurvitch, 1971: 8).

XHH thu nhận các đóng góp có giá trị của những lý thuyết tạo nên đối tượng nghiên cứu liên quan đến sự phát triển lịch sử của xã hội trải qua những tiến trình kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và những hiện tượng xảy ra trong thế kỷ XX.

Phần thứ hai

Sự bành trướng của XXH trong thế kỷ XX

5. Từ châu Âu sang Hoa kỳ

Các nhà tư tưởng cổ điển của xã hội học đã để lại một gia sản kiến thức (triết học, kinh tế, chính trị, nhân văn, và kể cả khoa học tự nhiên) về những biến đổi xã hội trong thế kỷ XIX, và tiếp tục gây ảnh hưởng trong thế kỷ XX.

Từ khối gia sản ấy đã nảy lên hai trào lưu lớn liên quan đến lý thuyết, phương pháp và thực hành trong việc khảo sát và giải thích các hiện tượng nhân văn, xã hội. Nhiều trường phái XHH đã bắt nguồn từ hai trào lưu ấy:

a) Trào lưu cơ cấu-chức năng

Từ chủ thuyết thực chứng, nhiều khuynh hướng được tổ chức để lặp lại, đào sâu thêm hoặc phê bình những lối đặt vấn đề của Comte, Durkheim và Weber hoặc của Marx liên quan đến xã hội công nghệ tư bản.

Khoa XHH thực chứng bước theo chủ nghĩa tư bản công nghệ (Anh và Hoa Kỳ), trong thời kỳ làm bá chủ kinh tế hoàn cầu. Những diễn biến lịch sử vào hồi tiền bán thế kỷ XX đã làm thay đổi cục diện xã hội, cung cấp cho các nhà trí thức của khoa học xã hội nhiều cơ hội để đề ra các lý thuyết phân tích: cuộc khủng hoảng chủ nghĩa tư bản năm 1929 (sự suy sụp thị trường chứng khoán New York); hai cuộc thế chiến làm rung động các nước Âu châu và Á châu, kéo dài sang cuộc chiến tranh lạnh, và học thuyết về an ninh quốc gia.

Gia sản XHH được tái tổ chức thành những trường phái khác nhau từ thập niên 30 cho đến thập niên 70. Nhiều nhà xã hội học Hoa Kỳ và Âu châu đã giải thích và đưa ra những lý thuyết, dưới viễn ảnh vĩ mô và vi mô, về những tương quan kinh tế xã hội và chính trị quân sự, dựa trên những nền tảng phương pháp luận của các tác giả cổ điển, và mở đầu cho giai đoạn hậu-cổ điển, với những trường phái Chicago và Har­vard.

Bên Hoa kỳ nổi bật nhất là Talcott Parsons, thừa kế của Weber. Năm 1937, ông cho rằng XHH đã trải qua một giai đoạn mới xét như là một khoa học. Ông khai triển một khái niệm mới về xã hội theo quan điểm của thuyết cấu trúc. Xã hội là “một hệ thống hay cấu trúc xã hội với sự định chế hóa của những chủ nhân văn hóa tự lập, chu toàn ba yêu sách: a) tổ chức những tương quan lãnh thổ và họ hàng; b) hệ thống xác định các chức năng và ấn định những lợi ích và lương bổng; c) được thành hình bởi các cơ cấu kiểm soát những việc phân phối, điều chỉnh những tranh chấp và tiến trình cạnh tranh” (Parsons, a và b).

Trong tác phẩm Cơ cấu của hoạt động xã hội, ông kết nạp với các lý thuyết của Durkheim và Weber để hiểu một hình thức mới trong đó xã hội vận hành như là hệ thống (system), hệ thống con (tiểu hệ thống: subsystems) và khuôn mẫu (models). Ông đưa ra nhiều lý thuyết chẳng hạn như bốn chức năng của hệ thống: thích ứng (adaptation), đạt mục đích (goal attaintement); đoàn kết (integration), duy trì khuôn mẫu tiềm ẩn (latent pattern maintenance). Tư tưởng của ông bị chỉ trích ở chỗ không coi sự thay đổi xã hội như là thành phần cơ bản của xã hội tư bản.

Trong trào lưu chức năng, ông Robert K. Merton phê bình Parsons vì chỉ xây dựng một lý thuyết tổng quát về xã hội; ông thêm vào các lý thuyết trung gian với các khái niệm “chức năng tiềm ẩn” và “chức năng công khai” để phân tích các vấn đề nhất định của xã hội. Alfred Schütz bắt đầu những nghiên cứu về hiện tượng luận. Harold Harold Garfinkel đòi hỏi phải nghiên cứu cách ứng xử của các cá nhân trong đời sống thường nhật, chứ không chỉ coi xã hội như một tổng bộ mà thôi. George Herbert Mead đề nghị nghiên cứu xã hội của toàn thể loài người. C. Wrigt Mills (1916-1962) đề nghị nghiên cứu lý thuyết về sự xung đột và thành phần ưu tuyển cầm quyền. Những nhà xã hội học khác bên Hoa Kỳ là Robert Park và Ernest W. Burgess (nghiên cứu xã hội học đô thị), George Homans, Herbert Blummer.

Ở châu Âu, xuất hiện trường phái Frankfurt (Đức), khởi đi từ lý thuyết marxist về “Lý thuyết phê bình xã hội”, với những nhân vật tiêu biểu là T. Adorno, Horkheimer y Marcuse. Trong trường phái Frankfurt, J. Habermas đã phát triển một sự phối hợp các lý thuyết tân-chức-năng, tân-marxit, và luân lý truyền thông. Ông cho rằng đã có sự tiến triển thực sự trong các xã hội hiện đại, so sánh với các xã hội tiền hiện đại; ông bất đồng với các nhà hậu hiện đại như Lyotar, Foucault, Derrida (Vargas-Mendoza, op. cit).

Trong trường phái của Pháp, nổi bật nhất là Pierre Bourdieu, một người có đầu óc phê phán: khi đề cập đến XHH như là khoa học và về đối tượng của nó, ông ghi chú như sau: “mặc dù từ lâu XHH đã bước ra khỏi thời tiền sử … là một khoa học khó khăn bởi vì khi nó vén tấm màn lên và đưa ra ánh sáng những vật bị che đậy, giấu kín, và lắm khi bị dồn nén, thì nó trở thành khích động và quấy rối, và những lời chỉ trích của nó gây ra hoang mang sợ hãi” (Bourdieu: 2).

b) Trào lưu duy vật biện chứng

Trào lưu này nảy sinh từ tư tưởng kinh tế, chính trị và xã hội của Marx và Engels như là phản đề của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Những nhà tư tưởng của giới vô sản hoặc công nhân đã lấy lại những nền tảng lý thuyết vừa nói và đề xướng nhiều lý thuyết cách mạng và phương pháp nghiên cứu dựa trên biện chứng của những mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp. Đây là một sự phê phán triết học tự do của chính sách kinh tế và sự tích lũy tư bản của giới tư sản.

Trong những cuộc cách mạng chính trị xã hội mà trào lưu này đã gợi ra, ta có thể kể đến cuộc cách mạng Bolshevik (1917) thiết lập chủ nghĩa xã hội Nhà nước (phải chăng lấy bởi đề xướng của Saint-Simon?) thành Liên bang các Cộng hòa xã hội Xô-viết vào đầu thế kỷ XX, trong đó nổi bật các nhân vật V. I. Lenin, J. Stalin, Nicolai Bujarin, León Trotsky; Rosa Luxemburg và cuộc cách mạnh bên Đức không thành công; Mao Trạch Đông (1948) bên Trung Hoa. Vào cuối thế kỷ XX, gia sản của marxist bị suy yếu do sự tan rã của chủ nghĩa xã hội bên Liên bang Xô-viết và sự sụp đổ của bức tường Berlin bên Đức. Trào lưu này, sau khi đã trải qua nhiều phê bình tri-thức-luận, lý thuyết, phương-pháp-luận và thực hành, đã gợi hứng cho nhiều cuộc tranh đấu bình dân của các phong trào xã hội mới chống lại sự toàn cầu hóa và chống lại hệ thống.

Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, với những mâu thuẫn của chúng trong xã hội hoàn vũ hay địa phương, đã gây ra nhiều biến đổi mau chóng, mở ra những vận hội mới, đặt ra những thách thức cho tư tưởng xã hội học và các khoa học xã hội. Hai trào lưu truyền thống tìm cách canh tân đổi mới, tạo ra một chuỗi những lý thuyết mới mang danh là “tân chức năng”, “tân / hậu cơ cấu” hoặc “hậu marxist” đứng trước những hiện tượng mới mẻ và càng ngày càng phức tạp.

Cũng nên thêm rằng hiện nay bên Hoa Kỳ có một nhóm nhà tư tưởng với cái nhìn phê phán, đang phát triển những cuộc nghiên cứu các hiện tượng toàn cầu hóa đang chế ngự thế giới hiện nay. Ta có thể kể đến danh tính của Noam Chomsky, Inmanuel Wallerstein.

Phần thứ ba

Xã hội học trong tương lai

6. Những tư tưởng mới của môn XHH cho xã hội vào thế kỷ XXI

Các nhà tư tưởng thế kỷ XXI, tiếp tục đường hướng của các bậc tiền bối, tìm cách khám phá ra những hướng tiến hóa của XHH. Hiện tượng toàn cầu hóa đã gây ra nhiều nhận định tương phản nhau: có phải đó là tiến bộ hay xáo trộn?

a) Một đàng, nhiều tiến bộ được ghi nhận: những “kỷ nguyên” mới của điều-khiển-học nhờ kỹ thuật số; sự chinh phục không gian thiên văn; công nghệ nano, công nghệ thông tin, và tổng hợp lại là “xã hội kiến thức”, “xã hội lỏng” hoặc “xã hội mạng lưới”.

b) Đàng khác là những xáo trộn như là: những cuộc chiến điều khiển từ xa; những khủng hoảng về dân số, di dân, bất an, bạo động, biến đổi khí hậu đe dọa sự sống của loài người và thiên nhiên. Chúng ta sống vào thời kết thúc của chủ nghĩa tư bản tân tự do, cho thấy rạn nứt của nền văn minh bắt đàu từ gần 5 thế kỷ vừa qua.

Những căng thẳng ấy đã dẫn đến những nhận định mang tính phê bình, tạo cho các thế hệ trẻ niềm hy vọng, biết lợi dụng những thành tích của sự tiến bộ nhưng không trở thành nạn nhân của văn hóa tiêu thụ. Các nhà tư tưởng này muốn gợi lên những phong trào bình dân dám chất vấn tính chất phi-nhân-đạo gây ra bởi những cuộc khủng hoảng vừa nói và đề nghị xây dựng một xã hội nhân bản hơn.

XHH đã tiến triển giữa sự phân cực của hai hệ thống sinh sống, những chiến tranh của chính sách bá quyền, toàn cầu hóa, gây ra những lo âu và khủng hoảng nhân đạo: khí hậu, sinh thái, dân số, tị nạn, lương thực, năng lượng, giá trị. Cần phái tái khám phá tinh thần và cái nhìn hội nhập mà những sáng lập viên XHH đã xây dựng những lý thuyết cổ điển.

Chúng tôi xin trưng dẫn tư tưởng của hai học giả đề ra những lý thuyết theo chiều kích mới của xã hội theo chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội

6.1 “Xã hội đặc” và “xã hội lỏng” của Zygmunt Bauman

Zygmunt Bauman (1925-2017) là một nhà xã hội học người Ba Lan, gốc Do-thái. Ông bắt đầu xuất bản các tác phẩm từ năm 1950, về những giai cấp xã hội, chủ nghĩa xã hội, thông diễn học, não trạng tiêu thụ, sự toàn cầu hóa, những cái nghèo mới. Ông đã đề xuất nhiều lý thuyết mới lạ, để hiểu biết xã hội hiện đại, trong đó có khái niệm “hiện đại lỏng” (liquid modernity).

a) XHH của sự biến đổi. Qua sự phân tích lịch sử sự tiến hóa của xã hội và XHH, ông đào sâu các ý tưởng về giai tầng xã hội, phong trào công nhân, cũng như những đề tài rộng lớn như là sự biến đổi của thời hiện đại. Ông đưa ra giả thuyết là mọi thay đổi xã hội đều nhằm thay đổi xã hội hiện đại, được quan niệm như là tương quan giữa xã hội đặc (sự an toàn, nội dung, giá trị) và xã hội lỏng (di dịch, bất định, giá trị tương đối). Sự biến đổi là con đường duy nhất, tất yếu để tránh những cuộc tranh chấp xã hội và để cải thiện điều kiện sinh sống. Người ta đi từ sự tiêu thụ đến chủ nghĩa tiêu thụ, và từ đó đến xã hội những người tiêu thụ trong đó những giai cấp nắm giữ tiền tài trở thành đối tượng được tôn sùng, còn “dân nghèo mới” là những người không có khả năng đạt đến sự tiêu thụ và hệ thống tư bản.

b) Thế nào là hiện đại lỏng và xã hội lỏng? Trở lại với lịch sử đối chiếu của xã hội, với đặc trưng là ý thức thuộc về của cá nhân, rất rõ rệt giữa các giai tầng xã hội.

Trong thế kỷ XVIII, và vào cuối thể kỷ XIX, những biến chuyển trong xã hội, cách riêng là do sự đấu tranh giai cấp giữa giới vô sản và giới chủ nhân sản xuất, đã đưa đến sự tan rã của các đoàn ngũ xã hội.

Những sự thay đổi nhanh chóng của các chủ nghĩa đế quốc thương mại vào cuối thế kỷ XX đã gây ra sự toàn cầu hóa, với sự cổ động của các chính phủ tân tự do. Một trong những hậu quả của thời hiện đại là những “dư thừa” tích lũy của dân số thế giới, và cụ thể là những “rác rưởi con người”, sản phẩm của các cuộc di dân và toàn cầu hóa, là một hệ quả của thời hiện đại. Sự di chuyển các khối người từ các nước nghèo đã gây ra tình cảnh khó xử cho các nước giàu như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Vấn đề di dân trở thành một bài toán chính trong chính sách của những nước đang nắm quyền bá chủ thế giới.

Làm thế nào để sống chung với “người khác”? Đây là cả một vấn đề nan giải của xã hội Tây phương: hoặc là tách biệt khỏi “người khác” bằng cách loại trừ họ (strategy emic). Tính hiện đại lỏng là một tiến trình biến chuyển một giá trị duy nhất thành một căn tính uyển chuyển để có thể thích ứng với những thực tại biến chuyển không ngừng trên đời. Việc tìm kiếm căn tính là một nghĩa vụ của con người khi sống trên đời này, nhằm giúp ta phát triển nhân cách của mình. Thế nhưng, hiện tượng toàn cầu hóa đã biến các căn tính trở thành lỏng lẻo, dễ uốn nắn. Nói đúng ra, căn tính ngày này không phải là của cá nhân nữa, nhưng là của người công dân trong toàn thể nhân loại. Dĩ nhiên đây là chuyện nghịch lý, bởi vì căn tính mà thuộc về “của chung” như vậy, thì đâu còn gì là căn tính nữa. Tuy nhiên, điều này muốn lên rằng cần phải “chế ra” những căn tính mới, không còn cố định như trước đây nữa, và ta phải chuẩn bị để thích nghi không ngừng với những tình trạng mới: ta cần phải xác định căn tính của mình trong tương quan với nhân loại không ngừng biến chuyển. Đó là tình trạng “lỏng” của xã hội thời nay.

6.2 “Xã hội mạng” của Manuel Castells

Xã hội hậu hiện đại, ngoài hiện tượng toàn-cầu-hóa siêu-quốc-gia, còn chứng kiến cách mạng kỹ thuật số, được truyền bá qua các phương tiện truyền thông đại chúng (điện thoại di động, internet). Thế giới được liên kết bởi nhiều tương quan xã hội, như một mạng lưới chằng chịt của những xã hội phức tạp. Đây là một thách đố lớn cho các nhà XHH.

Ông Manuel Castells, giáo sư môn kỹ thuật truyền thông của đại học California, cùng với một số đồng nghiệp đã khai thác những quy tắc và động lực của “xã hội mạng” (network society). Từ cuối thế kỷ XX đến nay, đã gia tăng ảnh hưởng của sự toàn cấu hóa kinh tế văn hóa và cuộc cách mạng công nghệ số trong ngành truyền thông. Đây là kỷ nguyên của công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communication Technology: viết tắt ICT), và những mạng lưới xã hội đã sản xuất nhiều lãnh vực mới của thế giới thực nghiệm. Dựa trên những dữ kiện của khoa thống kê và dân tộc học, được thực hiện suốt 15 năm tại các xã hội như Trung Hoa, Ấn Độ, châu Âu, Hoa Kỳ và Mỹ châu La-tinh, ông đã phác thảo lịch sử của cuộc cách mạng công nghệ và di truyền. Ông đã cứu xét sự biến đổi của thông tin, sự toàn cầu hóa của kinh tế và sự nảy sinh một văn hóa mới (Castells 2005/a). Đây là một hình thức mới của tổ chức xã hội trong “kỷ nguyên thông tin” gồm bộ ba: kinh tế, xã hội và văn hóa (Castells, 2006-b).

Xã hội mạng (Castells/b) là sự tương tác giữa công nghệ và xã hội, và nó mang tính quyết định như là những mạng truyền thông điện tử trong những bối cảnh văn hóa và định chế rất khác nhau: kinh tế, doanh nghiệp, sản xuất, thị trường tài chính, lao động và việc làm. Việc sử dụng internet, điện thoại di động, và những sản phẩm số đã cho phép mỗi người có một quan niệm khác nhau về thời gian và không gian đô thị, vùng miền và thế giới, qua việc trau dồi thêm căn tính văn hóa, giáo dục, sức khỏe, tham gia phát biểu ý kiến vào các phong trào chính trị và các hoạt động khác trong cuộc sống thường nhật.

Phải chăng chúng ta thuộc về thế hệ của những gia đình và bạn hữu sống lệ thuộc vào Facebook, mạng lưới xã hội, điện thoại di động, internet và các công cụ khác để truyền thông cho nhau? Chúng ta có mất thói quen chuyện trò với nhau “diện đối diện” và tình người ấm áp để chào hỏi nhau hay không? Khoa XHH cần phải đối diện với những thách đố ấy, và đưa ra những lý thuyết phê bình lối sống theo “số” với nguy cơ khiến chúng ta đánh mất tình người vào lúc mà chúng ta đang cần đến tình liên đới với nhau.

Một kết luận ngắn

Bài viết ngắn ngủi và hạn hẹp này cho phép chúng ta nhận ra rằng môn XHH, được thành hình từ tư duy luận lý vào thời kỳ đang diễn ra những biến đổi của văn hóa chủ nghĩa tư bản, vẫn còn tiếp tục hoạt động trong thế kỷ XXI. Tình hình rối ren của xã hội công nghệ tư bản đã khiến cho XHH khi vừa ra đời đã bị phân rẽ giữa các chủ nghĩa chính trị, kinh tế, giữa các quan điểm của chế độ tự do và cộng sản.

Thế kỷ XXI và khởi đầu thiên niên kỷ mới vẫn tiếp tục đặt ra những thách đố mới, khiến chúng ta cảm thấy đang tiến tới gần một cuộc khủng hoảng của xã hội nhân loại. Tuy vậy, chúng ta cũng đừng quên rằng các thách đố luôn được đặt ra trong dòng lịch sử, và gợi lên niềm hy vọng rằng nhân loại sẽ đạt đến một mức sống cao hơn.

Những câu hỏi sau đây còn đặt ra cho chúng ta những thách đố: Có gì khác biệt giữa cách tư duy hiện nay so với xã hội châu Âu thế kỷ XIX? Chúng ta đã có ý thức như thế nào về thế giới hậu hiện đại (thế giới ảo của internet, điện thoại di động) sản sinh một tư tưởng “lỏng”, sản phẩm của “xã hội mạng”? Căn tính cá nhân và xã hội của chúng ta đã biến đổi như thế nào?

Vào giữa thế kỷ XX, năm 1959, Octavio Paz đã viết như sau:

Chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tại; nếu cần thì phải phát minh những từ ngữ mới và tư tưởng mới cho những thực tại mới ra đời. Suy nghĩ là nghĩa vụ đầu tiên của nhà trí thức, và đôi khi là nghĩa vụ duy nhất.

Vào thập niên 90 của thế kỷ, I. Wallerstein ghi nhận rằng:

Có thể là chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của một thứ tư duy không còn thích hợp với khoa học, lý luận hoặc các hệ thống xã hội vào thời buổi này nữa…; thêm vào đó, ngày nay có một lối tư duy kỹ trị… như là phiên bản mới của chủ nghĩa duy lý hiện tại, một thứ biến thái của thuyết Darwin xã hội (Wallerstein: 8).

Các nhà tư tưởng thuộc những hình thức tư tưởng khác nhau cần phải học cách suy tưởng và xây dựng XHH, Khoa học xã hội và Khoa học thiên nhiên trong đời sống hằng ngày. Đó là thách đố lớn lao nhất.

Chúng tôi xin lặp lại câu nói: “Các Khoa học xã hội của thế kỷ XXI còn đang hình thành” (Scribano, trang 422).

—————————

Thư mục

Álvarez, Uría, Femando (2007), Karl Marx, Max Weber y Emilio Durkheim, So­ciología y Educación. Những văn bản và phát biểu của các nhà xã hội học cổ điển. NXB Morata, Madrid, España.

Bourdieu, Pierre, “La Sociología: ¿Es una ciencia?”, en www.memoria.com. mx/158/bourdieu.htm

Castells, Manuel (2005-a), La era de la información (vol.1): Economía, So­ciedad y Cultura. La sociedad red, Alianza Editorial, España, en: http:// www.casadellibro.com/libro-la-era-de-la-informacion-vol1-economia-so- ciedad-y- cultura-la-sociedad-red/9788420677002/1030171

Castells, Manuel (2006-b), La sociedad red, Alianza Editorial, España, en: http:// www.casadellibro.com/libro-la-sociedad-red/9788420647845/U01018

Elias, Norbert (2006), Sociología Fundamental, Editorial, Gedisa, Primera reimpresión, Barcelona, España.

Giddens, Anthony (1994), Sociología, 2a. Edición, Alianza Editorial, Madrid, España.

Gurvitch, Georges (1971), Dialéctica y Sociología, 2&. Edición, Alianza Edito­rial, Madrid, España.

Kon, I (redactor, S.F.), Historia de la Sociología del siglo XIX, Comienzos del XX, Editorial Progreso, Moscú, URSS.

“Obra y pensamiento de Zygmunt Bauman”, en https://es.wikipedia.org/wiki/ Zygmunt_Bauman

Parsons, Talcot /a, (compilador-1969), La sociología norteamericana contemporánea (perspectivas, problemas y métodos), editorial Paidós, Argentina.

Parsons, T /b, (1968), Hacia una teoría general de la Acción, Editorial Kapelusz, Buenos Aires, Argentina.

Raison, Timothy (1970), Los padres fundadores de la ciencia social, Editorial Anagrama, Barcelona, España.

Ritzer, George (1994), Teoría Sociológica Contemporánea, McGraw-Hill Edi­tores – 2 tomos, México, D.F.

Simmel, George (2012), Cuestiones fundamentales de sociología, Gedisa Edi­torial, 2a. edición, Barcelona, España.

“Sociología: principales autores y evolución histórica”, en http://www.taringa. net/posts/ciencia- educacion/14240931/sociologia-principales-autores-y- evolucion-historica.html

Soto Acosta, Willy y Morales Camacho, María Fernanda (2015), “Tendencias de Investigación en Ciencias Sociales en América Latina”, en: Ciencias Sociales y Relaciones Internacionales: Nuevas Perspectivas desde Améri­ca Latina, Escuela de Relaciones Internacionales, Universidad Nacional- UNA, Costa Rica-Clacso.

Scribano, Adrián (2015), “Metodología de la Investigación Social en el siglo XXI: Notas sobre algunos desafíos”, en: Ciencias Sociales y Relaciones Internacionales: Nuevas Perspectivas desde América Latina, Escuela de RR II, Universidad Nacional-UNA, Costa Rica-Clacso.

Spencer, Herbert (1942), La Ciencia Social, Editorial Tor, Buenos Aires, Argentina.

Timasheff, Nicolas S. (1983), La Teoría Sociológica, décima reimpresión, Fondo de Cultura Económica, México D.F.

Torres Rivas, Edelberto (1993), “Curso de actualización de la Teoría Social: El pensamiento teórico-clásico de Marx, Durkheim y Weber”, Facultad Latinoamericana de Ciencias Sociales (Flacso), -impresión-, El Salvador

Vargas-Mendoza, J. E. (2007), “Sociología: 10 grandes pensadores”. México: Asociación Oaxaqueña- Psicología, en http://www.conductitlan.net/socio- logos.ppt

Wallerstein, Inmanuel (1996), Abrir las Ciencias Sociales, Siglo XXI Editores, México.

—————

[1] Chú thích của người dịch. Nên phân biệt các từ ngữ: Protestant (Phàn kháng), Reformation (Cải cách), Evangelical (Tin Lành).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here