Lm. Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ.
Giám đốc Giáo Hoàng Học Viện Thánh Kinh tại Giêrusalem,
và phụ trách các tu sĩ Dòng Tên phục vụ tại Thánh Địa.
***
***
V. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẬN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG
Trong Tân Ước, ngoài những thực hành gặp trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta còn gặp những lời nhắc nhở, mời gọi như : “ Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (I Ga 4,1). “Anh em đừng dập tắt thần khí” (I Tx 5,19). Hai lời khuyên này bổ túc cho nhau. Đừng dập tắt thần khí, nhưng đồng thời phải cân nhắc, phải nhận định xem “có phải bởi Thiên Chúa không”. Đó là trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống và cũng là trách nhiệm đặc biệt khó khăn của những người có trách nhiệm dìu dắt cộng đoàn. Một nguyên tắc bổ sung khác làm cho ta an tâm, đó là nguyên tắc của ông Ga-ma-li-en: “nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tât sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì qúi vị không thể nào phá huỷ được” (Cv 5,38-39). Cả những người có trách nhiệm lãnh đạo cũng như các thành viên khác của cộng đoàn đều phải dựa vảo nguyên tắc trên đây. Khi đứng trước những cái mới mẻ trong cộng đoàn, có lúc thấy được rõ ràng, có lúc phải kiên nhẫn chờ đợi như ông Ga-ma-li-en đã khuyên Thượng Hội Đồng. Vấn đề chúng ta đặt ra là làm thế nào để nhận ra một sự thôi thúc trong lòng, một ý định nảy sinh, một trào lưu mới, một sáng kiến trong Giáo Hội, trong cộng đoàn… có phải bởi Thánh Thần hay bởi tà thần, có phải bởi Thiên Chúa hay bởi thế gian, xác thịt. Cũng có khi không phải là nhận định về một cái gì đã có trước mắt, mà nhận định xem Chúa muốn tôi, chúng ta làm gì trước một hoàn cảnh nào đó: có thể là cả cuộc sống (chọn bậc sống), có thể là một hoàn cảnh mới đòi thích ứng, đòi sáng kiến để đáp ứng.
Ở đây chúng ta có thể nhờ kinh nghiệm và chỉ dẫn của thánh I-nhã, người đã có một bề dày kinh nghiệm về nhận định thiêng liêng cá nhân và cộng đoàn. Sau khi đem cả tuổi trẻ của mình đi tìm danh vọng và quyền lực, một quả đại bác đã quật ngã người thanh niên quí tộc của dòng họ Loyola trong khi tử thủ pháo đài Pamplona. Trên giường bệnh, người thanh niên vừa đúng tuổi “tam thập như lập” này vẫn chưa chịu đầu hàng, vẫn sẵn sàng chịu mọi đau đớn để các thày thuốc đập khúc xương chỗ đầu gối vừa lành, nối lại cho ngay ngắn để tiếp tục mang đôi giầy qúi tộc, trong lòng vẫn tiếp tục dệt giấc mộng vàng danh vọng theo tiểu thuyết kiếm hiệp. Rồi một cái gì mới mẻ đã xâm nhập vào tâm hồn khi bất đắc dĩ phải đọc cuộc đời Chúa Kitô và hạnh các thánh, vì kho sách kiếm hiệp của lâu đài đã cạn. Xen kẽ với những mộng mơ kiếm hiệp, lại có những ước vọng noi gương các thánh, chinh phục những đỉnh cao ngược với danh vọng và quyền lực. I-nhã bắt đầu nhận thấy có sự khác biệt trong lòng tùy lúc mình đã thả hồn theo giấc mộng công danh hay theo khát vọng noi gương các thánh. Mơ mộng công danh để lại một sự khô khan trống vắng lạnh lẽo, khát vọng nên thánh để lại sự bình an ngọt ngào an ủi. Đó là bước khởi đầu của một kinh nghiệm rất phong phú về phân định thần loại mà ngài sẽ để lại trong kho tàng khôn ngoan của Hội Thánh. 30 năm sau, khi nhìn lại cuộc đời mình, ngài nói rằng lúc ấy chẳng có ai dạy dỗ ngài, nhưng Thiên Chúa đã dạy dỗ ngài như thày giáo dạy một cậu học trò nhỏ.
Kinh nghiệm này ngài đã truyền đạt trong cuốn sách nhỏ “Linh Thao”, vận dụng cùng với nhóm bạn đầu tiên trong cuộc nhận định cộng đoàn đưa tới việc thành lập Dòng Chúa Giêsu và trong việc soạn thảo Hiến chương Dòng Chúa Giêsu cũng như việc quản trị Dòng mới này suốt 15 năm, tạo ra một nếp sống và một đường lối quản trị theo Thánh Thần, tồn tại hơn 450 năm qua giữa bao thử thách, sóng gió, kể cả cái chết (suốt 40 năm, 1774-1814) khi dòng bị chính Đức Giáo Hoàng ký lệnh giải thể.
Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã cho những nguyên tắc để phân biệt thần loại và cách thức thực hiện một cuộc chọn lựa để quyết định về bậc sống hoặc để chỉnh đốn cuộc sống. Những chỉ dẫn này giúp chúng ta biết cách thức “cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không”. Những nguyên tắc này chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất tương ứng với tuần thứ nhất của tiến trình Linh Thao, tức là thời gian suy niệm về tội lỗi để xin ơn hoán cải sâu xa. Nhóm thứ hai tương ứng với tuần thứ hai tức la thời gian chiêm ngắm Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể và cuộc sống công khai, để xin ơn “biết Chuá hơn, yêu Chúa hơn và theo Chúa hơn”. Ta thử đọc lại những nguyên tắc ngài đã nêu trong sách :
313. QUY TẮC ĐỂ CẢM BIẾT VÀ NHẬN RA PHẦN NÀO NHỮNG THÚC ĐẨY KHÁC NHAU TRONG LINH HỒN ĐIỀU TỐT ĐỂ ĐÓN NHẬN VÀ ĐIỀU XẤU ĐỂ LOẠI BỎ (các quy tắc này thích hợp hơn cho tuần thứ nhất).
314. QUY TẮC I: Đối với những người sa ngã hết tội trọng này sang tội trọng khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bề ngoài, xui họ tưởng đến những khoái lạc và vui thú giác quan để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Với những người như thế, thần lành dùng phương pháp ngược lại, bằng cách thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ bằng luật tự nhiên của lẽ phải.
315. QUY TẮC II: Nơi những người tiến mạnh trong việc diệt trừ tội lỗi và đang tiến lên hơn mãi trên đường phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, thì lại có phương pháp ngược lại với quy tắc thứ nhất. Vì khi đó, đường lối riêng của thần dữ là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới, còn cách thức riêng của thần lành là làm cho can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho người ta tiến lên trong đàng lành.
316. QUY TẮC III: Về an ủi thiêng liêng. Gọi là an ủi trong khi linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, và do đó, không có thể yêu một tạo vật nào trên mặt đất vì chính tạo vật ấy, nhưng chỉ yêu trong Đấng tạo dựng mọi sự. Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kitô, Chúa chúng ta, hay vì những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa. Sau cùng, còn gọi là an ủi mọi gia tăng của lòng tin- cậy- mến, cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo (tâm hồn) đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.
317. QUY TẮC IV: Sự sầu khổ thiêng liêng. Gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với quy tắc thứ ba, như sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mên; (linh hồn) cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình. Vì như an ủi trái ngược với sầu khổ thế nào, thì các tư tưởng do an ủi sinh ra cũng trái ngược với các tư tưởng do sầu khổ sinh ra như vậy.
318. QUY TẮC V: Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đây. Vì cũng như trong khi được an ủi, phần nhiều là thần lành hướng dẫn khuyên nhủ ta thế nào, thì trong cơn sầu khổ, thần dữ cũng (làm) như vậy, mà theo lời khuyên của nó, ta chẳng thể gặp được con đường đưa tới đích.
319. QUY TẮC VI: Trong cơn sầu khổ, nếu như không nên thay đổi những điều đã quyết định, thì lại rất nên cương quyết thay đổi chính mình để chống lại với cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình theo cách nào thích hợp.
320. QUY TẮC VII: Đang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng, để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả các xao động và cám dỗ của kẻ thù; như vậy ta vẫn có thể chống trả được, nhờ ơn Chúa vẫn giúp đỡ dù ta không cảm thấy rõ ràng. Vì Chúa rút bớt lòng sốt sắng nồng nàn, lòng mến bao la và ân sủng mạnh mẽ nhưng vẫn để lại ân sủng đủ cho sự cứu rỗi đời đời.
321. QUY TẮC VIII: Đang cơn sầu khổ hãy gắng giữ sự nhẫn nại, là sự trái ngược với những xáo trộn xảy đến, và nghĩ rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ được an ủi, nếu hết sức chiến đấu với cơn sầu khổ ấy, như đã nói ở quy tắc thứ sáu.
322. QUY TẮC IX: Có ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ:
– thứ nhất: vì ta không sốt mến đủ, lười biếng hay chểnh mảng trong các việc thiêng liêng; vậy là vì lỗi ta mà sự an ủi thiêng liêng lìa bỏ ta;
– thứ hai: để thử coi sức ta tới đâu và ta có thể vươn tới đâu trong việc phụng sự và ca ngợi Chúa, khi không được thưởng công bằng bấy nhiêu an ủi và ân sủng bao la;
– thứ ba: để ta học biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân điển của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và để ta đừng “làm tổ ở nhà người khác”, và đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo, khoe khoang, tự gán cho mình lòng sốt sắng hay các hoa trái khác của ơn an ủi thiêng liêng.
323. QUY TẮC X: Khi được ơn an ủi, phải nghĩ tới cách xử sự trong cơn sầu khổ sẽ đến, đồng thời dành lấy sức cho lúc đó.
324. QUY TẮC XI: Ai được an ủi, phải gắng tự khiêm và tự hạ chừng nào có thể, bằng cách nghĩ mình nhỏ hèn biết mấy trong cơn sầu khổ, khi không có ân sủng này. Trái lại, người lâm cơn sầu khổ phải nghĩ mình có thể làm được nhiều nhờ ơn đủ của Chúa trợ giúp, để chống trả mọi kẻ thù, nhờ lấy sức nơi Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.
325. QUY TẮC XII: Kẻ thù xử sự như đàn bà, vì khi ta chống trả thì nó yếu, và khi ta để mặc thì nó mạnh. Quả vậy, đặc tính của đàn bà khi gây gỗ với người đàn ông, là mất can đảm và chạy trốn khi người đàn ông thẳng tay chống trả. Trái lại, nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm, thì cơn giận, sự trả thù và sự hung dữ của người đàn bà thật không sao lường được.
Cũng vậy, đặc tính của kẻ thù là yếu nhược, khiếp đảm và bỏ chạy với những chước cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đàng thiêng liêng thẳng tay chống trả các cám dỗ của nó bằng cách làm điều ngược hẳn lại. Trái lại, nếu người ấy bắt đầu sợ hãi và mất can đảm trước cơn cám dỗ, thì trên mặt đất này, không có vật nào hung dữ cho bằng kẻ thù của bản tính loài người trong việc theo đuổi ý định xấu xa của nó cách dữ dằn chừng ấy.
326. QUY TẮC XIII: Kẻ thù cũng còn sử xự như kẻ si tình lẳng lơ, muốn giữ bí mật để khỏi bị lộ. Quả vậy, một người đàn ông đồi bại dùng lời xảo trá quyến rũ một thiếu nữ con nhà lành, hoặc vợ một người đứng đắn, thì muốn cho những lời dụ dỗ của hắn được giữ kín; trái lại hắn rất bất mãn khi thiếu nữ mách với cha, thiếu phụ mách với chồng những lời quyến rũ và ý xấu xa của hắn, vì hắn dễ dàng suy ra rằng, không thể nào thành công được với chuyện hắn đã bắt đầu.
Cũng vậy khi kẻ thù của bản tính loài người đưa những sự xảo trá và xúi giục của nó vào linh hồn ngay lành, thì mong muốn những điều đó được tiếp nhận và giữ kín. Nhưng khi linh hồn tỏ ra với cha giải tội tốt hay một người đạo đức nào khác am tường những dối trá và sự hiểm độc của nó, thì nó rất bất mãn, vì nó kết luận rằng không thể đạt tới điều xấu xa mà nó đã bắt đầu, vì sự dối trá rõ rệt của nó đã bị phanh phui.
327. QUY TẮC XIV: Kẻ thù lại còn xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Vì như một vị chỉ huy cầm đầu đội quân, sau khi đặt doanh trại và xem xét lực lượng hoặc cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất; thì cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người lượn quanh để dò xét những nhân đức đối thần, các nhân đức trụ [1] và các nhân đức luân lý khác của ta, và điểm nào nó thấy ta yếu nhất và dễ nguy nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó và cố hạ ta.
328. QUY TẮC VỀ CÙNG MỘT VẤN ĐỀ ĐỂ PHÂN BIỆT CÁC THẦN RÕ HƠN (Các quy tắc này thích hợp hơn cho tuần thứ hai.)
329. QUY TẮC I: Đặc điểm của Chúa và các thiên thần khi soi giục là ban sự sảng khoái và vui vẻ thiêng liêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn đặc điểm của kẻ thù là chống lại sự sảng khoái và niềm an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện không cùng.
330. QUY TẮC II: Chỉ có Thiên Chúa, Chúa chúng ta, mới ban ơn an ủi cho linh hồn mà không cần có nguyên do trước; vì quyền riêng của Đấng Tạo Hóa là vào, ra, đánh động linh hồn, lôi cuốn trọn vẹn linh hồn làm cho linh hồn yêu mến Ngài. Tôi nói không có nguyên do, nghĩa là, không có một tình cảm hay một nhận thức về một đối tượng nào trước, nhờ đó sự an ủi phát sinh do tác động của trí tuệ và ý chí.
331. QUI TẮC III: Khi có nguyên do, thần lành cũng như thần dữ đều có thể an ủi linh hồn, nhưng nhằm mục đích trái ngược nhau: thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và ngày càng tốt lành hơn, còn thần dữ nhằm điều ngược lại, để rồi lôi cuốn linh hồn theo ý xấu xa đồi tệ của nó.
332. QUI TẮC IV: Đặc điểm của thần dữ là giả dạng thần lành đi vào theo chiều hướng của linh hồn trung tín để rồi kéo linh hồn ra theo đường của nó; nghĩa là nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần gắng lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý đồi tệ của nó.
333. QUI TẮC V: Cần chú ý nhiều về diễn biến của tư tưởng. Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, hay không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm, hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ, kẻ thù của sự tiến tới và phần rỗi ta.
334. QUI TẮC VI: Khi đã cảm thấy và nhận ra kẻ thù của bản tính loài người bởi cái đuôi rắn của nó và mục đích xấu xa nó muốn đưa tới, thì điều có ích cho người bị cám dỗ là sau đó duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt nó bày ra và khởi đầu của những tư tưởng ấy, và xem nó đã lần lần tìm cách khiến ta rời sự dịu ngọt và niềm vui siêu nhiên vốn có trước, cho đến chỗ đưa ta tới ý định đồi tệ của nó như thế nào; để nhờ nhận biết và ghi lại những kinh nghiệm đó, ta sẽ giữ mình cho khỏi những dối trá thường lệ của nó sau này.
335. QUY TẮC VII: Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn thần dữ thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược, thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ cảm thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp thì các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở.
336. QUY TẮC VIII: Khi an ủi không có nguyên do, thì không có cạm bẫy, vì như đã nói trên, đó là ơn của riêng Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Song người sống thiêng liêng được Chúa ban ơn yên ủi phải tỉnh thức, và chú ý xem xét và phân biệt thời gian được an ủi với thời gian tiếp sau, khi linh hồn còn nóng nảy và sung sướng vì ơn an ủi vừa qua và dư hưởng của ơn ấy. Qủa vậy, trong thời gian tiếp sau ấy, nhiều khi tự mình suy nghĩ theo tư tưởng và suy luận riêng, hoặc do ảnh hưởng của thần lành hay thần dữ, ta hoạch ra những dự định và ý kiến mà không phải do Thiên Chúa, Chúa chúng ta, trực tiếp ban cho, và vì thế, cần xét xem thật kỹ trước khi hoàn toàn tin tưởng ở những điều ấy và đem ra thực hành.
VI. THỰC HÀNH NHẬN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG
Điều kiện tiên quyết để có thể cân nhắc cũng giống như khi ta muốn sử dụng cái cân, nếu là cân bàn thì phải điều chỉnh cho kim chỉ đúng số không, nếu là cân móc thì phải xê dịch quả cân cho tới khi cán cân thật thăng bằng. Đó là điều thánh i-nhã gọi là sự bình tâm, nghĩa là giữ cho lòng mình không nghiêng về phía nào cả, chỉ sẵn sàng theo đàng nào Chúa muốn thôi. Cũng như sức hút của trái đất giữ cho cán cân thăng bằng và tạo nên sự giao động khi có trọng lượng được đặt lên cân, thì ở đây chính sức hút của Thiên Chúa làm cho tâm hồn “bình tâm”.
Ta hãy đọc lại “lời phi lộ” của thánh I-nhã :
Trong mọi việc lựa chọn tốt, trong mức độ hết sức có thể, con mắt ý hướng chúng ta phải đơn sơ, chỉ nhằm cái (mục đích) vì đó tôi đã được dựng nên, ấy là để ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta và để cứu rỗi linh hồn tôi; như thế dù tôi lựa chọn cách nào thì việc lựa chọn ấy cũng phải nhằm giúp tôi đạt tới cứu cánh vì đó tôi được tạo dựng, nên không được xếp đặt và khuôn cứu cánh theo phương tiện, nhưng phải xếp đặt và khuôn phương tiện theo cứu cánh.
Làm sao đạt đuợc sự bình tâm? Trong tiến trình cầu nguyện mà thánh I-nhã đã đúc kết để giúp người khác đi vào kinh nghiệm cầu nguyện đã biến đổi cuộc đời ngài, ngài đặt cái tựa đề : “Linh thao để tự thắng mình và sắp xếp cuộc sống cho có trật tự mà không quyết định theo một tình cảm lệch lạc nào”. Làm sao để có thể quyết định mà không dựa theo một tình cảm lệch lạc nào? Điều có thể nói ngay là phải loại trừ mọi tình cảm lệch lạc trước đã. Nhưng lấy gì làm chuẩn để có thể nói một tình cảm nào đó là lệch lạc? Lấy sức ở đâu mà uốn nắn được tình cảm của mình cho đúng chuẩn mực và khỏi lệch lạc?
Tiến trình Linh Thao sẽ giúp người “luyện tập” tìm được sự bình tâm, nhận biết những lệch lạc nơi bản thân và tìm được chuẩn mực cùng sức mạnh để uốn nắn tình cảm của mình.
Để tìm sự bình tâm, phải đặt mình dưới tác động của sức hút duy nhất là Thiên Chúa, cùng đích cuộc sống của con người, điều thánh I-nhã gọi là nguyên lý và nền tảng :
Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng tạo vật theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở. Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm [1] đối với mọi tạo vật trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả.
Suy niệm, nghiền ngẫm chân lý nền tảng này của đức tin, nhận ra những hệ luận cho cuộc sống và mọi tương quan của mình, cầu xin ơn Chúa giúp để có thể đạt tới sự tự do nội tâm khiến mình không còn tìm chi khác ngoài Thiên Chúa là cùng đích đời mình. Đó là chiều kích hiện sinh của lòng tin. Thiên Chúa không chỉ là Đấng ngự trên cao, Ngài đã tự ban mình làm cùng đích cuộc đời tôi. Đón nhận ân huệ cao cả này và chấp nhận mọi hệ quả. Đây chính là quy luật của tình yêu: yêu một người là chấp nhận sự hiện diện của người ấy và mọi hậu quả của sự hiện diện ấy trong cuộc đời mình. Đó là “kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự” như ta vẫn đọc trong kinh “kính mến”.
Khi lời kinh “kính mến” không còn là lời thuộc lòng phát ra trên đầu môi chót luỡi, nhưng thành thái độ chân thành và sâu xa, thì tâm hồn ta được hoàn toàn tự do. Lúc này ta mới có thể nhìn vào những lệch lạc trong tâm hồn và cuộc sống của mình mà đỉnh cao là tội lỗi. Nhìn dưới ánh sáng của Tình Yêu đầy nhân lành và thương xót của trái tim Thiên Chúa, ta sẽ gớm ghét mọi tội lỗi và lệch lạc để lăn xả vào lòng Cha nhân lành, để cho Ngài yêu ta và để tình yêu của Ngài biến đổi ta.
Gạt bỏ được những lệch lạc rồi, ta đi tìm chuẩn mực để có thể cân nhắc các thần khí bằng cách chiêm ngắm Chúa Giêsu, vì Ngài là Con Đường, là Sự Thật và Sự Sống. Là Kitô hữu, ta chấp nhận bước theo Chúa Giêsu trên con đường Ngài đi. Việc chiêm ngắm Chúa Giêsu giúp ta gắn bó với Ngài đến nỗi chỉ muốn nên giống Ngài trong mọi sự như thánh Phaolô nói: mặc lấy Đức Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. Rm 8,29; Gl 3,27). Như vậy ta có một chuẩn mực tuyệt đối là Đức Giêsu Kitô: nghiêng về cái gì Chúa Giêsu đã chọn, chọn cái gì làm cho tôi nên giống Chúa Giêsu hơn cả. Với tiêu chuẩn tuyệt đối này ta có thể bắt đầu nhận định.
1. Nhận định thiêng liêng
Ta quen dịch từ “spitualis” (spirituel, spiritual) là thiêng liêng. Trong trường hợp nói về nhận định thiêng liêng, ta phải trở lại với gốc của từ này là Spiritus : nhận định trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần để nhận ra sự thôi thúc của Thánh Thần, phát hiện được sự thôi thúc của tà thần, của thế gian và xác thịt. Đây là một tiến trình cầu nguyện.
Trong sách Linh Thao, thánh I-nhã hướng dẫn rất tỉ mỉ phần này. Một đàng là những đề tài cầu nguyện về Ba Mẫu người và Ba bậc khiêm nhường để củng cố sự bình tâm, một đàng là những lời chỉ dẫn về “những điều có thể lựa chọn”, sau đó ngài nói đến ba tình huống có thể xảy ra:
2. Về ba thời kỳ thích hợp để làm việc lựa chọn tốt lành
175. THỜI KỲ THỨ NHẤT: Là khi Thiên Chúa Chúa chúng ta đánh động và lôi kéo ý muốn đến nỗi linh hồn trung tín tuân theo điều đã được chỉ vạch không hồ nghi mà cũng không thể hổ nghi; thánh Phaolô và thánh Matthêu đã làm như thế khi các Ngài theo Đức Kitô Chúa chúng ta.
176. THỜI KỲ THỨ HAI: Khi nhận được đủ ánh sáng và sự hiểu biết bởi kinh nghịêm những an ủi và sầu khổ, cũng như bởi kinh nghịêm phân biệt thần tốt và thần xấu.
177. THỜI KỲ THỨ BA: Thời kỳ thứ ba thì trầm lặng; trước hết suy xét con người sinh ra để làm gì, tức là để ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và để cứu linh hồn mình. Và với lòng ước ao sự ấy, chọn làm phương thế, một cuộc sống hay một bậc trong phạm vi Giáo Hội chấp nhận, để gặp được ở đó sự giúp đỡ cho việc phụng sự Chúa và cứu rỗi linh hồn mình.
Tôi nói, thời kỳ trầm lặng, nghĩa là khi linh hồn không bị xao động bởi thần tốt hay thần xấu, và sử dụng những khả năng tự nhiên của mình cách tự do và yên tĩnh.
Tình huống thứ nhất thì không có gì để bàn thêm.
Tình huống thứ hai chính là kinh nghiệm bản thân của thánh I-nhã ở Loyola, lúc mới được ơn Chúa. Nó cũng có thể xảy ra cho nhiều người.
Tình huống thứ ba là thông thường trong cuộc sống của mỗi người, mỗi cộng đoàn. Đối với tình huống này Thánh I-nhã đưa ra hai cách để làm một cuộc chọn lựa tốt đẹp.
3. Nếu cuộc lựa chọn không làm được trong thời kỳ thứ nhất hay thứ hai, thì sau đây là hai cách để lựa chọn theo thời kỳ thứ ba.
a. Cách thứ nhất để làm việc lựa chọn tốt lành(gồm sáu điểm):
178. ĐIỂM NHẤT: Là đặt mình trước những điều tôi toan lựa chọn, chẳng hạn một chức vụ hay bổng lộc để nhận hay bỏ, hoặc bất cứ điều gì khác mà sự lựa chọn có thể thay đổi được.
179. ĐIỂM HAI: Tôi phải nhằm đến cứu cánh vì đó tôi đã được dựng nên, là ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta và cứu rỗi linh hồn tôi; lại nữa tôi phải giữ bình tâm, không có một quyến luyến lệch lạc nào, đến nỗi không hướng chiều và cũng không tha thiết để nhận điều đã được đề nghị hơn là từ chối hoặc từ chối hơn là nhận; nhưng tôi phải giữ mình ở vị thế cân bằng như cái kim của một bàn cân; chỉ nghiêng theo đàng nào tôi “cảm thấy” hợp hơn cho vinh quang và sự ca ngợi Chúa cùng việc cứu rỗi linh hồn tôi.
180. ĐIỂM BA: Xin Thiên Chúa, Chúa chúng ta đoái thương đánh động ý muốn tôi và đặt vào linh hồn tôi điều tôi phải làm đối với việc đã được đề nghị, để ngợi khen và làm vinh danh Chúa hơn, bằng cách dùng trí khôn suy xét đúng đắn và trung thành, và lựa chọn hợp với ý cực thánh và nhân lành của Người.
181. ĐIỂM BỐN: Suy xét xem việc được chức vụ hay bổng lộc nói đây sẽ sinh thuận tiện và ích lợi cho tôi bao nhiêu, duy để ngợi khen Thiên Chúa, Chúa chúng ta và cứu rỗi linh hồn tôi; và ngược lại cũng theo cách thức ấy, suy xét những bất tiện và nguy hiểm nếu được điều ấy. Trong phần thứ hai cũng làm như vậy, nghĩa là xét những thuận tiện và ích lợi bởi việc không được điều ấy, và ngược lại cũng xét những bất tiện và nguy hiểm nếu không có điều ấy.
182. ĐIỂM NĂM: Sau khi đã suy nghĩ và cân nhắc vấn đề dưới mọi khiá cạnh như thế, coi xem lý trí nghiêng về phiá nào, và phải lựa chọn theo sự thúc đẩy mạnh nhất của lý trí chứ không theo sự thúc đẩy nào của tình cảm.
183. ĐIỂM SÁU: Khi đã làm xong việc lựa chọn hay quyết định ấy, người đã lựa chọn phải mau mắn đi cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và dâng cho Ngài cuộc lựa chọn đó, để Chúa Chí Tôn đoái nhận và xác chuẩn cho, nếu điều ấy giúp phụng sự và ngợi khen Ngài hơn.
b. Cách thứ hai để làm việc lựa chọn tốt lành (gồm bốn quy tắc và một ghi chú.)
184. QUY TẮC I: Lòng yêu mến đánh động và làm tôi lựa chọn điều nào đó, phải từ trên mà xuống, bởi lòng kính mến Thiên Chúa, như thế người lựa chọn trước hết phải cảm thấy trong lòng rằng tình yêu mến nhiều hay ít đối với điều họ chọn, hoàn toàn hướng về Đấng Tạo Hóa và Chúa họ.
185. QUY TẮC II: Tưởng tượng ra một người mà tôi chưa bao giờ gặp và cũng chẳng quen biết, với lòng ước ao cho họ được hoàn thiện trọn vẹn, suy xét điều tôi sẽ khuyên họ làm và lựa chọn để sáng danh Thiên Chúa, Chúa chúng ta hơn cả và làm cho linh hồn họ nên trọn lành hơn; và tôi cũng làm như vậy, tuân theo quy tắc tôi đặt cho người khác.
186. QUY TẮC III: Xét coi, ví như tôi đang ở vào giờ chết, thì thái độ và quy tắc mà lúc ấy tôi muốn mình tuân theo trong công việc lựa chọn hiện bây giờ như thế nào, và rắp tâm quyết định hoàn toàn tuân theo quy tắc đó.
187. QUY TẮC IV: Nhìn ngắm và suy xét tình trạng của tôi trong ngày phán xét. Nghĩ xem lúc ấy tôi muốn mình đã định đoạt về công việc hiện tại như thế nào; quy tắc mà lúc ấy tôi muốn mình đã tuân theo, tôi nhận lấy ngay bây giờ, để lúc ấy tôi được hạnh phúc và mừng vui trọn vẹn.
188. GHI CHÚ: Một khi đã nhận lấy những quy tắc trên đây để được cứu rỗi và an nghỉ đời đời, tôi sẽ làm việc lựa chọn và dâng cho Thiên Chúa, Chúa chúng ta, theo như điểm thứ sáu trong cách lựa chọn thứ nhất.
Phương pháp nhận định và chọn lựa này có thể vận dụng trong đời sống cá nhân khi chọn lựa bậc sống (nhận định ơn gọi) cũng như khi muốn canh tân đời sống, trong đời sống cộng đoàn khi phải đáp ứng những tình huống mới mẻ, khi phải chỉnh đốn nếp sống, khi phải chọn lựa hoạt động tông đồ hay giải quyết những vấn đề khác của cộng đoàn.
Khi áp dụng cho cộng đoàn thì toàn thể cộng đoàn phải cùng nhau đi vào cầu nguyện, mỗi người phải đạt tới sự bình tâm và sẵn sàng đón nhận những gì Chúa sẽ bày tỏ qua cộng đoàn.