DẪN NHẬP
Bản văn chúng tôi muốn trình bày là những ý kiến của tác giả A. Giudici. Nội dung của bản văn này không phải là những suy tưởng gì lớn lao về Cánh chung học Kitô giáo, nhưng chúng tôi muốn nhắm đến một vài mối liên hệ đến những vận hành tinh thần của môn cánh chung, dưới khía cạnh lịch sử.
Mối liên hệ này được gợi ra theo hai hướng căn bản. Trước hết là những nét phác thảo về việc mô tả sự trùng hợp giữa đặc sủng khổ hạnh và trương lực cánh chung. Sau đó chúng ta sẽ tìm hiểu xem qua các biến chuyển tôn giáo để hiểu hơn về cánh chung học, rồi tiếp tục xem có cách nào để hiểu được những thực tại cuối cùng này không.
Có thể nói bản văn của tác giả Giudici này, cũng mang một hình thức “đoàn sủng thần học”; nó cũng thuộc lĩnh vực thần học, nói theo nghĩa chuyên môn của hạn từ. Trong mức độ mà mầu nhiệm này trình bày kinh nghiệm lịch sử về đức tin, thì những suy tư thần học mà nó đang hướng dẫn sẽ được nối kết trực tiếp với việc thực hành các nhân đức; vì vậy nó là một điển hình hiện đại, một thực tại sâu xa.
Để đi vào vấn đề chính, trước hết chúng tôi trưng dẫn ý tưởng của một trong những bậc thầy có uy thế nhất trong lãnh vực thần bí và thần học, Thánh Bernard de Clairvaux. Đa số các bài thuyết giảng của vị Tiến sĩ Hội Thánh này đều nói đến mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô. Chính trong lúc chiêm niệm mầu nhiệm, ngài đã tìm ra lý do sâu xa sự hiện hữu của các đan sĩ. Nhưng mầu nhiệm Phục sinh chính là chủ đề của việc hướng đến cánh chung. Việc chiêm ngắm bầu trời Giêrusalem cũng như là mục đích đời sống tôn giáo. Suy tư của Thánh Bernard về cuộc sống ẩn sĩ được phát triển theo cách sau đây.
Vị đan sĩ để mặc thế gian, ngay mỗi Kitô hữu cũng làm như vậy. Và hơn thế nữa, vì một ơn gọi đặc biệt, đan sĩ từ bỏ thế gian, rồi đi vào thinh lặng, thường là trên núi, để thực hiện tốt hơn chương trình mà Giáo hội, trong ngày lễ Phục Sinh, đã nói với tất cả các tín hữu rằng: “chúng ta sẽ đi vào cư ngụ trong nước trời” (in caelestibus habitemus). Khi Đức Giêsu khuất dần sau đám mây vinh quang của Ngài, các môn đệ vẫn còn ngước mắt trông lên trời. Hai thiên thần đến báo cho họ biết rằng họ sẽ thấy Người trong ngày Người lại đến. Rồi sau đó Người lại đến cùng họ trong khi họ ra đi khắp cùng trái đất để gieo hạt giống Tin Mừng và xây dựng Giáo hội. Nhưng các đan sĩ lại được đặc ân nữa là nhìn thấy Nước Trời. Họ biết rằng mình sẽ không được nhìn thấy Thiên Chúa: họ sống điều đó bằng đức tin, tuy nhiên họ vẫn ở đấy, trên đỉnh núi Phục Sinh. Thập Giá của họ sẽ là việc yêu mến cho dù không thấy và vẫn luôn ngước nhìn Thiên Chúa chăm chú không ngơi, nhìn Đấng không thấy được nhưng lại hiện hữu. Chứng cứ của họ đối với thế gian là, bằng chính sự hiện diện của mình, chỉ ra cho mọi người phương hướng phải nhìn. Bổn phận của họ là thúc đẩy việc hoàn thiện nước Chúa, bằng kinh nguyện và lòng ước muốn.
Chúng tôi đưa ra những tư tưởng của Thánh Bernard, vì đó là sự mô tả rõ ràng, đơn giản của ơn gọi ẩn tu trong mối liên hệ với mầu nhiệm cánh chung. Trong tư tưởng đó, lý do trở thành đan sĩ là ở việc nhắc lại cho Giáo hội việc định hướng cánh chung của mình. Nhà ẩn sĩ cũng nhắc lại cho tất cả mọi người rằng con người không phải sinh ra cho thế gian. Thánh Bernard nhận ra rằng các Kitô hữu, đặc biệt là các Tông đồ, phải đi rao giảng từ nơi thế gian. Ngài cũng nhận ra rằng Giáo hội cũng phải dấn thân vào thế gian. Nhưng ngài đành cho đan sĩ nhiệm vụ chung cuộc: đoàn sủng của các đan sĩ là khuynh hướng cánh chung. Đó là phần tóm tắt chủ đề mà tôi muốn giới thiệu ở đây bằng việc minh họa trước hết quan điểm lịch sử, và sau đó là bằng việc chỉ ra đâu là điểm tương đồng trong nếp sống hiện thời.
I – TINH THẦN KITÔ HỮU VÀ SỰ TRƯƠNG LỰC CÁNH CHUNG
Cần phải phân tích tư tưởng của thánh Bernard trong hoàn cảnh lịch sử của tinh thần Kitô hữu. Phải chăng những biến động tôn giáo của Kitô hữu đã nổi lên và phát triển theo định hướng này? Nhưng trước hết, cần phải nhận ra đặc tính của tinh thần Kitô hữu so với những tinh thần khác. Dĩ nhiên, ở đây sự phân tích này rất là giản lược.
1. Tôn giáo và hiện tượng thần bí
Thần bí là một hiện tượng tôn giáo phổ biến : tất cả các tôn giáo đều đưa ra cho con người một hoặc nhiều Vị thần đầy quyền năng để tôn thờ hay kính sợ. Trong nhiều trường hợp, sự sùng kính đơn thuần của những đấng có quyền năng như thế không đủ chắc chắn; một vài người khát vọng sâu sắc hơn trong những cuộc gặp gỡ thân mật, sâu sắc hơn với vị thần của mình.
Nói một cách chung chung rằng ước muốn kết hợp với thiên tính tương xứng với một ơn gọi đặc biệt, một lời mời gọi từ phía trên, và rằng sự tiến triển của nó tất yếu phải có một sự chuẩn bị khó khăn, đi vào trong sự từ bỏ mọi thú vui trần thế, biểu hiện bằng cuộc sống khắc khổ nghiêm túc.
– Trong “những tôn giáo nguyên thủy”, đạo Samon là một thí dụ về sự thần bí cổ xưa. Đạo Samon được hình thành từ một trường phái cổ nhờ vào một vài phương pháp đặc biệt để giao tiếp với thần linh và có được những khả năng đặc biệt, như sự tiên đoán về tương lai.
– Trong Ấn giáo, sự thần bí trù định nhận ra Thiên Chúa trong tất cả mọi sự trên thế giới cùng là trong chính nội tâm. Con đường để có sự diệu cảm được miêu tả trong Kinh Vệ Đà (Upanishad) và trong Chí Tôn Ca (Bhagavad-Gitâ). Cốt lõi của kinh nghiệm thần bí là sự đồng nhất tính của Tuyệt Đích, Đấng Chí Tôn, hay Đại Ngã với mọi thực tại. Thế giới bên ngoài và tất cả những biểu hiện cụ thể (tức vật chất, Tiểu Ngã) được xem như một cánh buồm che khuất Đại Ngã (Brahman). Sự đồng nhất tính này hướng về loại bỏ ý nghĩa của thế giới và lịch sử, bởi thế lịch sử tự thân như là một chiếc mặt nạ lừa gạt.
Trong Phật giáo, người ta cũng gặp sự thần bí như thế. Mục đích của Phật giáo là đạt đến Niết bàn (Nirvana), đó là một trạng thái an tĩnh hoàn toàn, trong đó con người được giải thoát hoàn toàn khỏi lạc thú và phiền não. Nhiều năm khổ luyện là cần thiết để đạt đến Niết bàn ; Cần phải kinh qua con đường lĩnh hội đúng đắn tư duy chính xác, nói năng phải lẽ (cẩn ngôn), hành động chính trực, những phương tiện (cách thế hiện hữu) thiết đáng, nỗ lực đúng mực, dụng tâm trung dung và sự tập trung xác đáng [( Phật ; ( Du già / Thiền].
Như vậy chúng ta thấy rằng, mục đích sâu xa của những sự diệu cảm có định hướng là sự giải trừ sự đồi bại đơn độc của cá nhân trong sự duy nhất, nhờ làm cho mất đi sự đồi bại, đó của cá nhân.
Có một hình thức riêng biệt của sự khổ hạnh cũng phát triển trong trào lưu Tân Platon. Ở hình thức đó, sự cố gắng thần bí là giải thoát khỏi chất thể, khỏi thế giới vật chất, nguồn gốc của tất cả những sự dữ, để cho phép tâm hồn cảm nhận thường xuyên sự hiệp nhất với thần linh. Sự hiệp nhất hoàn toàn xảy đến sau cái chết ; đó là lúc linh hồn thoát khỏi thân xác. Trong trường hợp đó, sự khổ hạnh là một trương lực ; nhưng trương lực không định vị trong giới hạn của lịch sử, nó ở trong sự tương phản giữa chất thể và tinh thần : đó là một sự tương phản không gian.
2. Thần bí trong truyền thống Thánh Kinh
Những nhân vật lớn của Cựu ứơc là những nhà tu khổ hạnh theo một ý nghĩa đặc biệt của từ này: Họ cảm nghiệm thái độ lắng nghe và chấp nhận đối diện với Đức Chúa. Vị Chúa này can thiệp vào lịch sử của con người. Trước hết, không phải sự nhiệm hiệp được đặt hàng đầu, nhưng là việc đi theo (sequela), tức là đòi hỏi khả năng sẳn sàng lên đường. Ýùnghiã sâu sắc nhất, đó là sự tiến triển lịch sử theo chiều hướng tương lai.
Tổ phụ Áp-bra-ham là con người ở gần Thiên Chúa ; Đó là người cha của những kẻ tin. Ơn gọi của ông thúc đẩy ông thay đổi nơi ở ; Điều chính yếu của niềm hy vọng của ông, đó là một dân tộc tương lai. Tôn giáo của ông dựa vào sự lang thang không ngừng, đến nỗi mà, đối với ông việc kiếm tìm Thiên Chúa là sựï chờ đợi tương lai mang tính lịch sử.
Ông Môi-sê là một gương mặt tôn giáo vĩ đại của bộ sách Ngũ thư. Giavê Thiên Chúa nói với ông như là một người bạn thân tình (Đnl 34, 10). Nhưng Môisê là vị thủ lãnh xuất hành, ông là người đi theo Thiên Chúa hiện diện trong đám mây hướng dẫn dân đến miền đất hứa. Đối với ông, việc kết hiệp với thầân tính chỉ có thể đạt được trong việc tiến đến gần kinh nghiệm diệu cảm riêng biệt (Vd: kinh nghiệm của bụi gai đang cháy) ; kinh nghiệm này cần được tìm kiếm theo chiều hướng hy vọng mang chiều kích lịch sử. Diệu cảm xuất hành được định nghĩa rõ ràng bởi sự nghịch lý của nó: hình ảnh con bò vàng thể hiện khuynh hướng định vị (nhốt) Thiên Chúa; loại trừ Thiên Chúa ra khỏi lịch sử, để đặt Thiên Chúa vào không gian của phụng tự.
Qua các ngôn sứ (bốn ngôn sứ lớn: Isaia, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, Đa-ni-en), qua những câu chuyện của họ chúng ta có thể thấy những kinh nghiệm thần bí, những thị kiến, những cuộc xuất thần. Công trình của Chúa Giêsu và sứ điệp cánh chung của Ngài nằm trong đường lối ngôn sứ: mỗi lời giảng dạy của Ngài làm triệt rõ nét hơn truyền thống ngôn sứ.
Với Thiên Chúa làm người, Tân Ước đã mở ra viễn tượng thứ hai cho diệu cảm Kitô giáo (huyền nhiệm thứ nhất là huyền nhiệm nhắm tới cánh chung): Vấn đề ở đây là cái nhìn tích cực những thực tại trần thế, những thực tại này hoàn toàn được Đức Kitô gánh vác lấy.
Hai nhà thần bí lớn trong Tân Ước là thánh Phaolô và thánh Gioan. Thánh Phaolô đã viết chủ đề về sự kết hiệp viễn tượng căn bản trong những bức thư của Ngài và khát vọng sâu xa nhất trong suốt cuộc đời Ngài. Sự kết hiệp này hoàn thành trong cộng đồng Kitô hữu, nhất là trong mầu nhiệm Thánh thể. Tuy nhiên điều còn lại cực kỳ quan trọng của việc nhận thức được hướng tới cánh chung tác động đến tư tưởng của thánh Phaolô, là nhằm tới việc kết hiệp với Đức Kitô, điều đó được biểu hiện, đối với mỗi cá nhân và đối với toàn thể cộng đồng nhân loại qua việc mong chờ Chúa Kitô trở lại. Mặt khác, việc hướng tới hiệp thông đảm nhiệm thực tại lịch sử cụ thể. Sự hướng tới này chỉ có thể được khai thác hết trong lịch sử, làm cho lịch sử trở nên hướng tới cánh chung.
Thánh Gioan được mọi người xem như nhà diệu cảm vĩ đại của Tân Ước . Sự diệu cảm của ngài cho phép khoa chú giải hiểu những bản văn của Ngài. Trong Tin Mừng, khoa cánh chung học được đặt trước và cuộc sống vĩnh cửu thì có thể đạt tới ở người tin ; và điều này đặt nền móng cho khả năng của một cuộc sống được thấm đượm cách sâu xa bởi tình huynh đệ, nơi đó Thiên tính được tỏ bày trong mối quan hệ bàn tiệc và phép Thánh thể. Trong Khải Huyền, việc hướng tới diệu cảm chú ý đến bên kia thời gian hiện tại ; việc hướng tới này trở nên sự nóng lòng chờ đợi thành tựu cuối cùng. Đó là tiếng thở than vĩnh cửu: “Xin Ngài ngự đến” (Kh 22, 17-20). Hai phương diện này không đối lập nhau ; Chúng tạo thành hai mặt của một thực tại: với Chúa Giêsu và với ân huệ của Thánh Thần, sự hiệp thông với Thiên Chúa trở nên sự trình bày trong lòng thực tại lịch sử con người được biến đổi bởi sự hiện hữu. Nhưng sự hiệp thông này chờ đợi sự biểu lộ toàn thể và cả thế giới ; sự biểu lộ này chờ đợi việc hoàn thành sẽ có được vào thời gian cuối cùng. “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2).
Cho nên, dường như tính chuyên biệt của huyền nhiệm Kinh thánh Kitô giáo nằm một cách chính xác trong hai tính chất riêng biệt. Mặt khác, có quan điểm ngôn sứ của Cựu Ước được đào sâu trong Tân Ước. Việc hướng tới hiệp thông với Thiên Chúa đồng nhất ở đây với sự hướng tới cánh chung. Mặt khác, có bài học nền tảng của Tân Ước mang điểm trung tâm trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Sự nhắm tới diệu cảm không bỏ qua những thực tại trần thế phía sau nó, nhưng trái lại, sự nhắm tới này đảm nhận những thực tại như là những dấu chỉ của sự hiệân diện thần thiêng. Ở đây, diệu cảm không đi một mình tới tương lai, nhưng đi kèm với mỗi thực tại được đảm nhận bởi thân xác của Ngôi Lời.
Trong khi đó, việc hướng tới cánh chung nhấn mạnh tính siêu việt của Thiên Chúa, tính khác biệt của Ngài so với thế giới và với lịch sử con người, sự thăng hoa thực tại nhấn mạnh tính nội tại của Thiên Chúa, tức là sự hiện diện của Ngài trong mỗi sự vật.
II – ĐAN TU TRÀO VÀ CÁNH CHUNG
1. Nguồn gốc của trào đan tu
Trào Đan tu xuất hiện từ thế kỷ thứ 3. Trước đó hình thức đan tu chỉ có tính cách cá nhân riêng lẻ. Các đan sĩ tự miệt mài với cuộc sống chiêm ngưỡng. Theo một số người, nguồn gốc đan tu trào đã được tìm thấy trong Tin Mừng.
Nhìn một cách khái quát, ta thấy ẩn sĩ và đan sĩ là những người nối tiếp đời sống tử đạo. Nói cách khác, trong tình trạng mới của Giáo hội, đan tu như là một cuộc tử đạo liên lỉ lạ lùng hơn. Tử đạo là chứng nhân của sự can đảm, người tử đạo chấp nhận hiến tế cuộc sống của mình bởi vì họ mong chờ được hiệp nhất cùng Thiên Chúa (1Pr 3,13-16). Trong tình trạng xã hội vào thế kỷ thứ 3, chứng nhân của cánh chung không chỉ là tử đạo, nhưng còn là đan sĩ ẩn tu trong sa mạc. Những Kitô hữu này đi vào một cuộc sống thiếu thốn về thể xác và họ chuyên cần cầu nguyện và chiêm ngưỡng. Họ làm nổi bật nét chính yếu, cốt lõi của đời sống Kitô hữu là ở những thực tại tương lai.
2. Linh đạo đan tu và cánh chung học
a. Sự phân cách với thế giới
Từ bước đầu của ơn gọi, người đan sĩ rút khỏi thế giới để sống thinh lặng trong sa mạc, trên một ngọn núi hoặc trong một nơi xa sôi hẻo lánh. Nhưng khi đan sĩ cùng nhau sống trong những cộng đoàn nhỏ, họ ở những nơi rất riêng biệt, xa những người khác. Họ muốn được tách biệt với thế gian. Cassien (khoảng thế kỷ V) so sánh ơn gọi của đan sĩ với Abraham, và chú giải bản văn của sách sáng thế “hãy ra khỏi đất, họ hàng, nhà cửa và xứ sở của ngươi”, ông nói đến ba vấn đề từ bỏ của đan sĩ, đó là kết quả của sự hoàn toàn từ bỏ thế gian.
Vào thế kỷ thứ V, thánh Euchère thực hiện hai tác phẩm nhỏ ca ngợi tinh thần khổ hạnh của các đan sĩ. Thánh Euchère nhấn mạnh thinh lặng và từ bỏ thế gian không chỉ có ý nghĩa nối kết với tình yêu Thiên Chúa, mà còn để tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Thánh Gregorio Cả nói trong cuốn đối thoại về ba cấp bậc của con người: hiện hữu trong Giáo hội, xác định các đan sĩ và các nữ tu kín cách đặc biệt, sống tách biệt khỏi thế gian. Đời sống thanh vắng thể hiện sự hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa; chính việc thánh hiến của các đan sĩ mang nét đặc thù trong Giáo hội. Sự kiện tự tách biệt khỏi thế gian cũng được hiểu như một cuộc sống không quê hương trên trái đất này. Vậy, sự cô tịnh là bước đầu của việc tìm kiếm chỗ ở khác, mà cuộc sống là một sư ïđợi chờ và là một chứng tá của cánh chung.
b. Chiêm ngắm
Kinh nghiệm diệu cảm là một sự thực, trực tiếp từ Thiên Chúa và sự hiện diện của Ngài. Chiêm ngắm là bước đầu của cuộc sống thần bí, vì vậy chiêm ngưỡng chính là kinh nghiệm về sự hiện diện. Các nhà thần bí khẳng định rằng chiêm ngắm là một thực tại cánh chung. Sự hiện diện của Thiên Chúa chỉ trở lên trọn vẹn trong ngày sau cùng. Trong kinh nghiệm diệu cảm, sự khao khát hiệp nhất với Thiên Chúa sẽ chỉ hoàn hảo trong chốn vĩnh hằng. Vì vậy, tất cả cuộc sống chiêm ngắm trở lên một kinh nghiệm chờ đợi, một lối sống luôn luôn hy vọng. Chúng ta sẽ tìm thấy những ý này trong sách Khải huyền.
c. Sự chờ đợi cánh chung trong các lời khấn
Dường như rất vô ích khi nhắc lại quan hệ giữa những lời khấn của tu sĩ và cánh chung. Các thánh là những chứng nhân tuyệt vời về Thành đô Thiên Chúa, và sự thánh thiện là giá trị cốt yếu của cánh chung. Để công bố cách làm căn bản có thể trở nên tuyệt đỉnh của sự hiệp nhất một cách một cách dứt khoát với Đức Kitô, người ta chấp nhận mất đi cuộc sống nơi trần thế. Vì vậy, vị tử đạo là nhân chứng đầu tiên của thời cánh chung. Người ta không thể tử đạo theo nghĩa vật chất với kỳ hạn, mà theo nghĩa thiêng liêng, ngang qua các lời khấn. Người khổ tu từ bỏ tất cả những gì tốt lành theo nghĩa trần thế, để chú ý đến những gì tốt lành tuyệt mức trong nước Thiên Chúa. Để công bố tình yêu vô tận của Thiên Chúa, người tu sĩ từ bỏ những thiện hảo nguyên căn của đời sống gia đình. Sau cùng là để bày tỏ sự cần thiết là đặt niềm tin vào thánh ý Thiên Chúa trên hết tất cả. Họ chấp nhận để sự tự do của họ được kiểm soát bằng một trung gian nhân loại có thẩm quyền.
Tất cả những cử chỉ đó là những dấu chỉ để biện chứng cho sự cao cả của nước Thiên Chúa, và đó là những giá trị nguyên thủy của cánh chung, vì những giá trị đó được tham gia ngay trên thế gian này như những điều kiện chắc chắn được hưởng sự sống muôn đời. Nếu không có sự qui chiếu về cánh chung, thì không những lời khấn mất tất cả giá trị mà nó còn trở lên một điều không thể hiểu được.
Jean Leclercq là nhân vật chuyên về linh đạo Đông phương. Ông định nghĩa tất cả thần học đan tu như mầu nhiệm cánh chung. Các tổ phụ của khoa thần học này, đều là những vị tiến sĩ dạy về lòng khao khát, họ không làm gì khác ngoài việc mô tả sự khao khát được kết hiệp với Thiên Chúa. Nội dung của văn hóa đan tu được tỏ hiện ra như biểu hiệu được tổng hợp bởi hai danh từ: qui phạm và cánh chung. Một đàng việc nhận thức các từ ngữ thì cần thiết đến gần Thiên Chúa và bày tỏ điều mà người ta tìm thấy về thực tại, đàng khác phải luôn luôn vượt lên trên những văn hóa để hướng tới đời sống vĩnh cửu. Vậy cái biểu hiệu mạnh mẽ nhất và thường xuyên nhất của việc vượt lên trên được tìm thấy trong những gì nói về đời sống cánh chung.
III – THỰC TẠI CÁNH CHUNG THEO TRUYỀN THỐNG DIỆU CẢM
Ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh cách riêng đặc tính khổ hạnh như: đang khi triển khai dòng suy tư phong phú mà một phần giống với giòng suy tư của thần học tín lý; thần học đan tu cũng đã không ngừng nhấn mạnh trạng huống vui mừng của những thực tại sau cùng. Không còn nghi ngờ gì nữa, những người khổ hạnh cũng đã nói nhiều về hỏa ngục; họ đã diễn tả nó trong những thị kiến nơi tự phản chiếu những ý tưởng của họ về thế giới bên kia. Nhưng những tưởng tượng của họ về thế giới bên kia chấm hết ở Thiên đàng.
Quả vậy, có rất nhiều văn chương đan tu về Giêrusalem thiên quốc. Đối với thánh Bênađô, đan sĩ là một công dân của Giêrusalem. Bởi vì Giêrusalem ở khắp nơi, nơi mà người ta giữ linh hồn mình hướng tới Thiên Chúa. Trong các đan viện cổ, người ta tập”exercise de Jérusalem”. Người ta nghĩ về trời cao, nguyện xin ơn thánh sủng và gợi lên ước muốn có thể đạt tới đó. Rất nhiều tác phẩm cố gắng diễn tả thực tại nước trời tương lai với một sự tự do hết sức lãng mạn. Chẳng hạn chỉ cần nhớ tới bài thơ của vị thánh Phêrô Đamianô về Vinh quang thiên đàng cũng đủ. Tất cả đời sống của người đan sĩ là một sự nếm hưởng nước trời, một sự tham dự trước việc chiêm ngắm Thiên Chúa. Chính vì vậy sự chiêm ngắm là một hoạt động cơ bản của khoa diệu cảm.
Nếu truyền thống thiêng liêng có gì đặc thù nói về những thực tại cánh chung, thì cần phải tìm kiếm điều đó trong sự ưu tiên tuyệt đối mà truyền thống này trao cho hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên đàng. Sự suy nghĩ của người đan sĩ chú tâm về thiên đàng hơn là suy nghĩ về hỏa ngục, nhưng khoa diệu cảm còn đi xa hơn: nó hiểu Thiên Chúa như Đấng tuyệt đối và xem thấy những thực tại sau cùng dười Ánh sáng của tình yêu này. Những thực tại sau cùng chính là sự khởi thắng của tình thương Thiên Chúa. Đó là sự chấm hết của sự đau khổ và sự dữ ở chốn trần ai. Và để bắt đầu nguồn bình an và niềm hạnh phúc vô hạn.
Truyền thống thần bí chủ yếu lạc quan về hồi kết của lịch sử nhân loại, bởi vì nó không ngừng nhấn mạnh sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa. Không phải tình cờ mà nhiều Giáo Phụ như : Didyme, Clément, Grégoire de Nysse, Grégoire de Naziance, Jérôme và Ambroise, đã làm rõ cách thức khác nhau về cuộc khải hoàn đầy đủ và trọn vẹn của tình yêu Thiên Chúa đến tận cùng lịch sử nhân loại.
IV – CHIỀU KÍCH CÁNH CHUNG VÀ SỰ DẤN THÂN VÀO THẾ GIỚI
Khi bàn đến cánh chung học theo Kinh Thánh, chúng ta gặp thấy một trong những chiều kích của khoa khổ chế Kitô giáo, đó là việc thăng thiên của thực tại nhân loại. Theo sau cuộc nhập thể, thực tại này trở thành “thân mình” có thần tính. Trương lực cánh chung nằm nơi trung tâm của đời sống tu trì, khi đó không phải là một sự chạy trốn thực tại, không dấn thân vào lịch sử hay một sự thoái thác tình liên đới với những vấn đề thuộc về con người và trái đất này. Đúng hơn, đó là một sự hiện diện giữa lòng thực tại, dưới Ánh sáng của triều đại Thiên Chúa, Đấng phải đến. Chúng ta hãy phân tích hai phương diện này của thực tại cánh chung.
1. Chiêm niệm và đời sống hoạt động
Tương quan giữa sự hướng tới cách chung và sự dấn thân vào thế giới đã được diễn tả ngay từ những buổi đầu do việc suy tư về đời tu với những từ “chiêm niệm” và “đời sống hoạt động”. Những hình ảnh Kinh Thánh thường sử dụng nhiều nhất để diễn tả tương quan này, đó là hình ảnh hai người vợ của Gia-cóp: Lia và Rachel, và đương nhiên là hình ảnh của Maria và Mát-ta trong Tân Ước. Thánh Âu-tinh là người đầu tiên đối diện với vấn đề này cách hệ thống, chính ngài là người mà tất cả các truyền thống thần bí Tây Phương phải lệ thuộc vào. Trong cuốn 19 của tập Thành Đô Thiên Chúa (De Civitate Dei) ngài viết: “Không ai có thể đạt đến đỉnh cao chiêm niệm mà không còn nghĩ đến nhu cầu của người khác, cũng không ai có thể đạt đến đỉnh cao hoạt động mà lại quên tìm kiếm chiêm ngắm Thiên Chúa. Trong chiêm niệm, không phải người đó ung dung nghỉ ngơi, nhưng là tái tìm kiếm và tái khám phá chân lý, để tiến lên trong đó, và để gìn giữ điều mình đã khám phá ra mà không ghen tị với người khác. Trong hoạt động, ta cũng không phải yêu cuộc đời, cũng không phải yêu danh dự hay quyền lực; ta yêu chính công việc mà ta làm với danh dự hoặc do có uy quyền, ta phải chu toàn nó cách đúng đắn và với cách thức hữu hiệu để công việc ấy tạo điều kiện cho anh em hưởng ơn cứu độ.”
Thánh Grégoire diễn tả tương quan đó như sự cần thiết nội tại được xây dựng trên chính bản chất của con người: “Khi chúng ta nâng mình lên từ cuộc sống hoạt động đến cuộc sống chiêm niệm thì tinh thần của chúng ta không có thể ở lâu trong chiêm niệm […] Do sự khốn khổ của chúng ta, chúng ta quên khuất đi tính cao thượng của sự cao cả này và chúng ta rơi vào chính chúng ta. Khi đó, cần thiết phải quay trở lại cuộc sống hoạt động và liên tục thực hiện những công việc tốt […] và dưới sự trợ giúp của những công việc tốt, tinh thần sẽ lại lên đến việc chiêm niệm để nhận của ăn tình yêu xuất từ đồng cỏ chân lý đã được chiêm ngắm.”
Thánh Bernard cảnh giác những cạm bẫy của một khuynh hướng nhiệm hiệp sai lạc hay rõ hơn là cạm bẫy của một sự chiêm niệm không được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng những công việc tốt. Phát triển khuynh hướng này, ngài nhận thấy đời sống hoạt động là hoa trái thiết yếu của đời sống chiêm niệm. Những dòng chiêm niệm đã luôn cố gắng nối kết việc tìm lại Thiên Chúa với hành động cụ thể của đức ái đối với anh em mình và đối với những người cần đến mình. Quả thực, chiêm ngắm Thiên Chúa, Đấng đã lên trời, vẫn luôn là chức năng có tính Giáo hội và xã hội. Cũng vì lý do này mà thần bí Kitô giáo không phải là mầu nhiệm của sự đơn độc. Việc những nhà khổ tu sống thành cộng đoàn thì không phải là một điều phụ. Điều đó trực tiếp đáp ứng ý thức có tính Giáo hội của họ.
2. Từ bỏ hay chấp nhận thế gian?
Theo kinh nghiệm thần bí thiết thực, sự từ bỏ thế gian chỉ là một giai đoạn tiêu cực được đặt ra để chuẩn bị cho người tu bước vào sự chấp nhận khác và sâu xa hơn của thực tại. Nhìn sâu hơn về vấn đề này, giai đoạn tách biệt luôn được theo sau bởi sự ý thức tự do hơn và có tính nhân văn hơn về tất cả sự vật. Nếu sự từ bỏ diễn tả một sự cố gắng để tự do đối với thế gian vì Triều Đại Thiên Chúa, thì sự chấp nhận về sau diễn tả sự tự do vì thế gian. Người Kitô hữu đích thực sống giữa những thực tại trần thế, và nhận ra thế gian này thật tuyệt, bởi vì người đó hiểu rằng Thiên Chúa là trung tâm không thể diễn tả được của tất cả thực tại. Không chỉ mỗi thực tại trần thế có một vị trí riêng, nhưng nó cũng được hiểu và được sống theo cách thức hoàn toàn mới. Thực tại trần thế hoàn toàn được khôi phục giá trị, đến nỗi mà tu sĩ là người ở giữa những người khác, sống một tương quan tích cực với tất cả sự vật. Gương của thánh Phan-xi-cô cho thấy điều đó. Sau khi từ bỏ sự sang trọng, ngài đã sống hết sức nghèo khó. Nhưng sau giai đoạn này, và bởi vì ngài đã có kinh nghiệm về giai đoạn này, nên ngài đã trở thành thi sĩ tuyệt vời về thiên nhiên. Những bài ca của ngài về thụ tạo diễn tả cách tuyệt vời khả năng sống trong một tương quan mới mẻ và sâu đậm hơn với tất cả mọi sự, từ những thụ tạo to lớn như mặt trời, mặt trăng đến những cái nhỏ bé như bông hoa, ngọn cỏ.
Thực tại đã được xem xét dưới Ánh sáng của trương lực cánh chung, dưới ánh sáng tích cực của sự kết thúc của lịch sử nhân loại. Thực tại ở đây mang một ý nghĩa đặc biệt, cao hơn nhiều những gì xảy ra khi ta bằng lòng chấp nhận nó.
Như vậy, khoa diệu cảm làm chứng về một quan niệm đặc biệt về thực tại, vì chính đặc sủng cánh chung của nó. Nó nhìn thế giới dưới Ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu, và tin vào sức mạnh của việc sáng tạo mới sẽ đến.
3. Tham dự trước vào ngày hưu lễ cánh chung
Do đặc sủng có tính cánh chung, người tu trì, nhờ đời sống chiêm niệm, tham dự trước vào ngày hưu lễ cuối cùng của ngày lễ vĩnh cửu giữa Thiên Chúa, con người và thiên nhiên. Truyền thống đã xem xét sự chiêm niệm như là một Utium, một sự nghỉ ngơi vui mừng của thụ tạo đối diện với Đấng tạo nên mình, một thời gian giải trí khi đó người ta tự do chuyện trò. Vì sự liên đới với thiên nhiên, vì quan niệm lạc quan về lịch sử và về đời sống chiêm niệm, người tu sĩ tham dự trước vào thực tại cánh chung của ngày hưu lễ sau cùng.
Tự do của người tu trì đối với những lo lắng thường nhật đã cho phép người đó có một tương quan vui vẻ với tất cả mọi sự vật. Tình bằng hữu nhỏ bé mà trong đó người tu trì sống là một dấu chỉ của bữa tiệc sau hết mà Thiên Chúa chuẩn bị cho mọi người. Cuộc sống độc thân muốn là một dấu hiệu của ngày lễ sau hết mà Thiên Chúa sẽ cử hành với toàn thể nhân loại. Sự thanh thản mà trong đó người tu sống và chết là niềm hy vọng của một ngày lễ sau hết. Người tu làm chứng rằng buổi lễ này được dành cho mọi người.
Nhưng sự tham dự trước vào ngày hưu lễ cánh chung lại trở thành tiêu chuẩn Kitô giáo để nói một cách khá chính xác về thực tại trong tương quan với định mệnh sau hết của nó. Trong hướng đi này, linh đạo Kitô giáo gợi lên một điều gì đó liên quan đến vấn đề gai góc nhất của khoa sinh thái học. Nó cũng có thể mang lại điều gì đó đang được suy nghĩ về thời gian tự do và sự rảnh rỗi.
V – CÁNH CHUNG HỌC TRONG ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN
Suy tư của chúng ta sẽ có cung giọng khác đi nếu chúng ta xem xét cách có hệ thống đời sống thiêng liêng của Kitô hữu giữa lòng đời. Trương lực cánh chung tạo nên đặc tính của ơn gọi tu trì nhưng cũng không kém hơn trong đời sống của người giáo dân, nhưng là theo cách thức khác. Kitô hữu sống trong thế gian cũng được nhận biết qua việc chờ đợi Vương Quốc, cũng được thúc đẩy bởi niềm hy vọng, cũng hướng về Chúa Kitô Phục sinh, Đấng sẽ tỏ lộ ra như vị Chúa của tất cả lịch sử nhân loại. Nhưng cuộc sống cụ thể của Kitô hữu thì được trực tiếp kêu gọi để biến đổi thế giới này nhiều hơn và “làm chứng về niềm hy vọng” trong việc xây dựng và để xây dựng thành đô trần thế.
Một mặt người ta nói rằng đoàn sủng cánh chung của đời tu trì được bổ sung nhờ đời sống của Kitô hữu, là người làm chứng cho trương lực cánh chung ở trọng tâm của sự dấn thân vào thế giới. Mặt khác người ta cũng có thể nói rằng trương lực của đời sống Kitô hữu ở giữa lòng thế giới được soi sáng bởi sự làm chứng của đời sống tu trì. Người giáo dân và tu sĩ bổ sung cho nhau, người này cần đến người kia. Người giáo dân sẽ nói cách thân tình với tu sĩ bằng chính những lời của Kinh Thánh: “Tại sao các anh còn đứng đó mà nhìn trời?” (Cv 1,11). Và người tu, cũng theo cách thức ấy, nhắc nhỡ người giáo dân bằng những câu hỏi khác của Kinh Thánh: “Tại sao các anh tìm người sống giữa những kẻ chết? Ngài không ở đây, Ngài đã sống lại rồi” (Lc 24,5-6).
Nói cách khác, nếu việc “là Kitô hữu” của chúng ta hệ tại ở việc cầu nguyện và hành động giữa mọi người theo sự công chính, thì người tu trì làm cho lời cầu nguyện thành thực tại trọn vẹn của đời sống ấy, theo nghĩa là lời cầu nguyện trở nên đối với người đó là nhân tố phối hợp và thúc đẩy tất cả con người của mình, trong khi người giáo dân sẽ đảm nhận phần mình là dấn thân vì sự công chính. Không ai trong cả hai chỉ thấy một phương diện của hai thực tại này. Sự có mặt của Kitô giáo đều cần đến sự có mặt đồng thời của người giáo dân và người tu sĩ. Nhưng mỗi Kitô hữu, vì những giới hạn của mình, mà sẽ hướng nhiều hơn đời sống của mình về phương diện này hay phương diện kia. Trong hạn từ thần học, thì đây là vấn đề “đặc sủng”.
1. Những thực tại áp chót
Trong hệ thống thuộc ngữ của Bonhoeffer, những thực tại áp chót, đó là công việc của con người, sự dấn thân của con người trong đời sống; đó cũng là hữu thể tôn giáo của con người, được hiểu như sự tham dự vào công việc mà Thiên Chúa đã hoàn thành trong thế giới và trong lịch sử. Chúng ta dùng lại hạn từ này để hiểu rằng Kitô hữu có vị trí của mình trong lịch sử và để chỉ rõ đối cực thứ hai của đời sống Kitô hữu là hành động giữa mọi người, theo sự công chính. Trong viễn tượng này ta sẽ nói rằng Kitô hữu phải dấn thân sâu vào trong những thực tại áp chót, người đó sẽ hiến mình không do dự, như là đối với những thực tại sau hết. Chắc hẳn những thực tại sau hết được hiểu như sự phán xét và hành động của Thiên Chúa, thì còn ở “trong kho” so với những thực tại áp chót. Điều này nhắm đến ý hướng tối hậu của hành động và giá trị của Kitô hữu trước Thiên Chúa. Kitô hữu phải có vị trí của mình trong những vấn đề áp chót và phải dấn thân vào đó.
Bonhoeffer trình bày hướng đi ấy theo cách thức sau đây: “Người ta không thể và không được nói lời cuối cùng trước điều áp chót, mà phải dấn thân vào đó. Chúng ta sống trong những thực tại áp chót, và chúng ta tin vào những thực tại sau cùng.” Những thực tại sau cùng như là những thực tại của chính Thiên Chúa : sự phán xét của Người trên thế giới, công trình tái thiết lập Triều Đại và công việc công chính hoá đối với con người. Những điều áp chót tạo nên khả năng sau hết của con người và con người phải triệt để hiến thân vào đó, bởi vì chúng biểu thị tất cả những gì con người có thể làm và phải làm.
Bonhoeffer nói thêm: “Người ta chỉ yêu sự sống và trái đất, khởi từ việc nghĩ rằng tất cả sẽ mất đi, rằng ta có thể tin vào việc người chết sống lại và một thế giới mới. Người nào đã không dùng hết tất cả những khả năng của con người và đã không hiến thân cho chúng với tất cả niềm tin tưởng của con người thì sẽ không biết những khả năng tối hậu của Thiên Chúa và không thể hiểu những khả năng ấy. Người ấy không thể thấy chúng như những khả năng duy nhất của Thiên Chúa, bởi vì người đó không biết thế nào là khả năng tối hậu của con người. Thiên Chúa sẽ được tôn thờ nếu chúng ta nhận biết cuộc sống với tất cả những giá trị của nó. Cuộc sống này, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, chúng ta phải sống và yêu mến cuộc sống cho đến cùng. chúng ta sẽ đau khổ nếu chúng ta thấy những giá trị hiện sinh bị biến dạng hay mất đi. Thái độ này tôn thờ Thiên Chúa hơn là sự phủ nhận những giá trị của cuộc sống.
2. Đối diện với những thực tại sau hết
Những thực tại áp chót đòi hỏi trọn vẹn sự tận tâm của Kitô hữu; những thực tại này là cuộc sống và cái chết của Kitô hữu, là khả năng sau cùng của người đó. Nhưng, dưới Ánh sánh của những thực tại tối hậu, những thực tại áp chót lại xuất hiện như những khả năng duy nhất của con người. Khi người ta loại những thực tại tối hậu của Thiên Chúa ra, thì những thực tại áp chót trở nên cách thiết yếu là những thực tại sau hết. Dự định của người ta khi đó sẽ có tham vọng trở thành tuyệt đối; một giai đoạn lịch sử sẽ được đặt ra như là cùng đích của lịch sử; Giáo hội sẽ hòa chung với Triều Đại Thiên Chúa; con người sẽ tự coi mình là Thiên Chúa của chính mình. Người ta sẽ không chấp nhận để cho Thiên Chúa đón nhận nữa. Tương quan giữa những thực tại áp chót và những thực tại sau hết có thể sẽ được xem xét theo cách thức sai lầm. Giải pháp giả tạo căn bản sẽ chỉ xem xét những thực tại tối hậu, trong sự trái ngược tuyệt đối của chúng với những thực tại của thế giới này. Khi đó người ta sẽ nói rằng Kitô hữu không nên bận tâm đến thế giới, bởi vì mọi thực tại của thế giới này đã mang dấu vết tội lỗi và chết chóc. Giải pháp sai lầm thứ hai đó là giải pháp thỏa hiệp. Những thực tại sau hết khiến cho tất cả những gì hiện hữu thành chính đáng. Trong trường hợp thứ nhất, người ta có một sự chia cắt quá rõ ràng, trong giả thuyết thứ hai, ta có một sự kết hợp quá vội vàng.
Về vấn đề này, Bonhoeffer còn viết: “Như vậy, cuộc sống của Kitô hữu không được làm bởi chủ nghĩa cấp tiến, cũng không phải bởi sự thỏa hiệp […] chủ nghĩa cấp tiến luôn phát sinh từ sự căm thù ý thức hay không ý thức đối với những gì hiện hữu…. Sự thỏa hiệp luôn phát sinh từ sự ghê tởm đối với những thực tại sau hết. Chủ nghĩa cấp tiến không nhìn nhận thời gian, sự thỏa hiệp không nhìn nhận sự vĩnh cửu; chủ nghĩa cấp tiến không nhìn nhận sự kiên nhẫn, sự thỏa hiệp không biết việc quyết định; chủ nghĩa cấp tiến không nhìn nhận sự cẩn trọng, sự thỏa hiệp không biết sự đơn giản; chủ nghĩa cấp tiến không nhìn nhận chừng mực, sự thỏa hiệp không biết cái vô biên; chủ nghĩa cấp tiến không nhìn nhận thực tại, sự thỏa hiệp không biết đến Lời.” Vài hàng sau đó, Bonhoeffer chỉ rõ viễn tượng của giải pháp: “Vấn đề của đời sống Kitô hữu không tìm được lời giải đáp quyết định trong chủ nghĩa cấp tiến hay trong sự thỏa hiệp, nhưng chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu Kitô. Chỉ nơi Người, tương tác giữa thực tại áp chót và thực tại sau hết mới được giải quyết.” Điều này có nghĩa: không có sự tách biệt triệt để, bởi vì trong Đức Giêsu Kitô, không có sự chia cắt giữa con người và Thiên Chúa, cũng không có sự lộn xộn giữa thực tại áp chót và thực tại sau hết. Phải sống những thực tại áp chót trong khi tin tưởng vào thực tại sau hết.
Bonhoeffer kết luận: “Quả thực, sự nghiêm túc của đời sống Kitô giáo nằm ở mức độ những thực tại sau hết, tuy nhiên, những thực tại áp chót cũng có tính quan trọng của chúng.” Không bao giờ được nhầm lẫn hai thực tại này […] Những thực tại sau hết và áp chót liên kết với nhau cách chặt chẽ. Như vậy cần phải cho thấy tầm quan trọng của những thực tại áp chót, đồng thời loan báo cách mạnh mẽ hơn những thực tại sau hết. Cũng vậy, cần phải bảo vệ những thực tại sau hết đồng thời che chở những thực tại áp chót.” Chính xuyên qua trương lực biện chứng này mà cánh chung học có mặt trong đời sống thường nhật của người giáo dân giữa lòng thế giới. Để là chân thực và có tính lịch sử, sự dấn thân này phải có ý thức về tính tương đối của nó trong tương quan với Triều Đại Thiên Chúa. Cánh chung học, đặc sủng của đời tu trì nói theo nghĩa chặt, duy trì cái nhìn của giáo dân vượt quá giới hạn thời gian. Nhưng đó không phải là một sự đãng trí làm nên vật cản của việc dấn thân vào lịch sử. Trái lại, đó là khả năng duy nhất có tính “cách mạng” thường xuyên, bởi vì cái nhìn vượt biên giới bác bẻ tính mong manh của sự dấn thân.
VI – ĐẶC SỦNG CÁNH CHUNG TRONG NỀN VĂN HÓA HIỆN THỜI
Đối với con người thời nay, chứng từ của bậc tu trì được giảm thiểu vào trong khả năng làm chứng về niềm hy vọng. Ngày nay, vấn nạn về Thiên Chúa thường được giảm thiểu vào vấn nạn của tương lai. Nếu chứng từ về niềm hy vọng là công việc của tất cả mọi kẻ tin, thì ơn gọi đặc biệt của tu sĩ phải nằm ở trọng tâm của niềm hy vọng này.
1. Làm chứng về tương lai
Phận vụ của tu sĩ không phải làm chứng cho quá khứ. Như chúng ta đã thấy, nếu đặc sủng cách chung và đặc sủng của người tu chỉ là một, thì khoa thần bí Kitô giáo phải không ngừng làm chứng cho niềm hy vọng ở tương lai. Người tu trì ngăn cản Giáo Hội để cho Giáo Hội không bị rơi vào trong lối sống ổn định tiện nghi của tình trạng hiện thời. Như vậy, tu sĩ phải luôn là người đi đầu đoàn dân của Thiên Chúa băng qua sa mạc để tiến về đất hứa. Nhưng ngay cả khi tu sĩ nhìn lại quá khứ của mình, nhìn lại truyền thống, nhìn lại đấng sáng lập của Dòng mình, thì một cái nhìn lại như thế không phải là mục đích ơn gọi của ông, nhưng đó là phương thế để đào sâu sức mạnh và niềm hy vọng và chỉ cho Giáo Hội thấy một tương lai mới.
Hiến chế tín lý về Giáo Hội mô tả những người tu trì bằng việc nói về đặc sủng có tính tiên tri. “Thực vậy, dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này, nhưng đi tìm một thành trì mai sau, nên bậc tu trì giải thoát người tu sĩ khỏi những lo lắng trần tục, tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho mọi tín hữu thấy của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này và làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang Nước Trời.” (LG 44). Trong sắch lệnh đổi mới đời sống tu trì, Công Đồng Vatican II nói về sự khiết tịnh được chọn lựa vì Nước Trời. Công Đồng định nghĩa khiết tịnh như là “dấu chỉ đặc biệt về những phúc lộc trên trời” (PC 12). Quan niệm về đặc sủng tu trì này tìm được lịch sử khẳng định. Mỗi lần Giáo Hội cố gắng đổi mới, thì lại tìm được trong sức mạnh của bậc tu trì khả năng thực hiện sự đổi mới ấy.
2. Làm chứng về một tương lai vui mừng
Trong thời đại của chúng ta, một nỗi sợ hãi liên quan đến tương lai của nhân loại thường đang trải rộng. Người ta tiên báo sự cùng tận kinh hoàng của thế giới do vũ khí nguyên tử gây nên. Những khả năng can thiệp lớn mạnh của con người trong việc xác định tương lai đã làm gia tăng nỗi sợ hãi về tương lai. Dĩ nhiên, ta không thể bỏ qua trách nhiệm của con người trong việc xây dựng lịch sử. Tuy nhiên vẫn còn có lời chứng của niềm tin, đó là sự mong đợi trong hy vọng Nước Trời sẽ đến trong hân hoan vui mừng. Lời chứng này liên quan đến Giáo Hội trong toàn thể của nó, nhưng bậc tu trì lại có một vị trí đặc biệt, vì đặc sủng cánh chung của họ.
Công Đồng Vatican II đã xây dựng vai trò đặc biệt này của bậc tu trì. Trong Gaudium et Spes, Công Đồng miêu tả sự hành hương của tất cả nhân loại. Nhân loại là đại gia đình của Thiên Chúa, đang mong đợi trời mới và đất mới (GS 38). Trong đại dân tộc đang lữ hành này, Thánh Thần hoạt động qua các ân huệ khác nhau. Ngài kêu gọi một số người “làm chứng tỏ tường cho sự mong đợi quê trời, bảo tồn chứng tích sống động trong gia đình nhân loại”. Cũng chính Thánh Thần đó kêu gọi những người khác “hiến mình phục vụ con người trên trần thế này, bằng sự phục vụ ấy chuẩn bị chất liệu cho Nước Trời.” Bản văn Công Đồng kết thúc thế này: “Người giải thoát tất cả, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế cho cuộc sống con người, tất cả mọi người hướng về ngày mai, ngày mà nhân loại trở nên của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.” (GS 38).
Tóm lại, chúng ta nói rằng đặc sủng cách chung của bậc tu trì có 2 phận vụ: đối với Giáo Hội, đó là nhiệm vụ ngăn cản Giáo Hội khi Giáo Hội cứ mãi mê với những cuộc chinh phục của quá khứ, với an ninh giả tạo của quyền lực nhất thời; đối với đại gia đình nhân loại, đó là nhiệm vụ làm chứng về niềm hy vọng vui mừng đang chờ đợi lịch sử nhân loại.
Thiết nghĩ, có một khuôn mặt trong Kinh Thánh diễn tả đặc sủng cách chung và đặc sủng của bặc tu trì, đó là khuôn mặt của nữ tiên tri Maria, chị của Aharon. Bà vừa hát vừa nhảy múa khi cùng dân xuất hành: nhiệm vụ của bà là ca hát và nhảy múa, bà là người bắt giọng hát cho tất cả mọi người: “Hãy hát mừng Đức Chúa, Đấng cao cả uy hùng” (Xh 15,20-21)