Văn Chương Của Các “Tông Phụ”: Thánh Ignace Giám Mục Antioche (+110-117)

0
1691


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG I

VĂN CHƯƠNG CẢM HÓA HỖ TƯƠNG

CỦA CÁC “TÔNG PHỤ” HAY CÁC “GIÁO PHỤ TÔNG ĐỒ”

(96-125)

***

Đoạn II.  Thánh  Ignace Giám Mục Antioche (+110-117)

 

I. MỘT SỐ NHỮNG TÀI LIỆU CHÍNH XÁC

Vào năm 110 Ignace Giám Mục Antioche (Syrie) bị áp giải bằng đường thủy sang Roma theo lệnh của Hoàng đế Trajan. Dọc đường ngài viết 7 bức thư cám ơn và ủy lạo các giáo đoàn, đã cử đại diện đến chào đón ngài trên những trạm ngừng (bến tầu) trong cuộc áp giải sang Roma, một trật cũng là những lời ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa về ơn tử đạo (cf. Eusèbe, Hist. eccl. , L. III, ch. 32 và 36). Các thư đó được viết làm 2 giai đoạn : tại Smyrne và Troas.

– Giai đoạn 1 : Tại Smyrne 4 thư cho các giáo đoàn:

EPHÈSE – MAGNÉSIE – TRALLES – ROME

Ba bức thư đầu để cảm ơn những Giáo đoàn liên hệ đã cử phái đoàn đón chào ngài trên đường Tử đạo. Riêng bức thư thứ 4 phản đối Giáo đoàn Roma đã vận động để mong tránh án tử đạo cho ngài. Ngài yêu cầu họ hãy để ngài đi gặp Thiên Chúa như lòng khao khát. Đây là bức thư quan trọng nhất.

– Giai đoạn 2 : Tại Troas 3 thư:

+ Hai thư cho giáo đoàn Philadelphie và Smyrne (có lẽ viết tại Néapolis),

+ Bức thứ ba cho Giám Mục Smyrne là Polycarpe (cf. Eusèbe, Hist. Eccl. III, 36,10).

Ba bức thư này có mục đích là xin những nơi và người liên hệ gửi phái đoàn đến Antioche để chúc mừng giáo đoàn này vì cuộc bắt đạo đã chấm dứt sau ngày chính Ignace bị bắt.

Thánh Ignace bị kết án bỏ cho thú dữ xé xác tại Roma, vào những năm cuối đời của hoàng đế Trajan : 110- 117. Cuộc tử đạo này Eusèbe ghi nhận xảy ra năm 107, nghĩa là năm thứ 10 của triều Trajan (cf. Chronique, RHL. ,p. 194). Nhưng có lẽ như vậy là hơi sớm. Còn thánh Jérôme thì quả quyết là “Ignace đã chịu tử đạo năm 11 đời Trajan” (De viris ill., chap. 16, PL XXII, col. 635).

Ngoài 7 bức thư nói trên đã được Giáo Truyền công nhận là chính xác, đôi khi người ta còn nói đến 6 bức thư khác nữa của Ignace trong số đó có 1 bức viết cho Đức Mẹ. Nhưng tất cả đều chỉ là hoang đường. Dưới đây là một vài chứng nhân đáng tin cậy của 7 bức thư đầu :

1) – Thánh Polycarpe, người đã nhận được 1 trong 7 bức thư, khi viết cho Giáo đoàn Philippes (13, 2) đã nhắc đến cả một tập thơ của Ignace. (S.C. n. 10, p. 223).

2) – Thánh Irénée đã trưng dẫn 1 câu trong thư của Ignace gởi Giáo đoàn Roma (4,1) ::Tôi là hạt lúa mì của Thiên Chúa”. (Adv. hoer., V, 20, 4).

3) –  Origène  đã trích dẫn thư gởi Giáo đoàn Ephèse trong bài giảng thứ 6 về Lc. 19,1 và thư gởi Roma trong bài tiền ngôn về sách Nhã Ca.

4) – Eusèbe là người đầu tiên đã nói rõ về tên của 7 bức thư đó (Hist. Eccl. III, 36, 4, 5, 10). (S.C. n. 31 p. 148-149).

II. MỘT BỘ MẶT: IGNACE

Qua các bức thư trên, ta nhìn thấy bộ mặt của Ignace như là tổng hợp giữa lòng sốt mến của Yoan và mối nóng lòng của Phaolô. Nóng lòng nhưng phần nào đã mãn nguyện, nên Ignace đã trở thành một “ca sĩ” trong Giáo hội :

–  về mối Hợp nhất (Unitas)

–  về chức Giám mục

–  về Chúa Kytô

Đây là 3 đề tài trọng yếu vào bậc nhất trong khoa thần học hiện đại. Dưới đây chỉ trưng dẫn mấy ví dụ điển hình :

1) – Nóng lòng :

Ignace nóng lòng chờ đợi  ngày nhận được ơn tử đạo, chờ đợi giờ phút đi gặp mặt Thiên Chúa để được kết hợp với Chúa Kytô :

– Rom. 1, 2  : “Ước chi nhờ ân sủng tôi được thanh thoát lãnh phần gia nghiệp Chúa dành cho tôi”

– Rom. 1, 1  : “Chưa bao giờ tôi gặp được thời gian thuận tiện như thế để đạt tới Thiên Chúa. Anh em hãy để tôi tự hiến cho Thiên Chúa đang lúc mà bàn tế còn đón chờ tôi”.

– Rom. 4, 1  : “Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa và nhờ hàm răng của muông thú tôi được nghiền tán để trở nên tấm bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”

– Eph. 1, 2 : “Bị xiềng xích vì danh (Chúa) và niềm hy vọng chung của chúng ta trong khi mong đợi hạnh phúc, nhờ lời cầu nguyện của anh em, được chiến đấu với thú vật tại Roma… để có thể trở thành môn đệ “.

– Eph. 3, 1 :”Nếu tôi bị xiềng xích vì danh (Chúa) thì tôi vẫn chưa được hoàn tất trong chúa Giêsu Kitô”.

– Trall. 4, 2 : “Dĩ nhiên là tôi ước ao được chịu đau khổ, nhưng tôi không biết mình có xứng đáng hay không”.

– Trall. 5, 2 : “Cho dầu bị xiềng xích… nhưng không phải vì thế mà tôi đã là một môn đệ. Chúng ta còn thiếu rất nhiều điều để Thiên Chúa khỏi thiếu cho chúng ta”.

2) – Phần nào mãn nguyện :

Ignace mang tên Kytô hữu là “Théophore” (Dung thần), có nghĩa là “mang Thiên Chúa”, Thiên Chúa hiện diện trong mình. (Cả 7 bức thư đều bắt đầu bằng câu :”Ignace cũng gọi là “Théophore”).  Đối với Ignace tất cả các tín hữu đều có Thiên Chúa hiện diện trong mình, họ đều là những người mang Thiên Chúa. Mà vị Thiên Chúa đó là chính Đức Giêsu Kytô vậy :

– Phil. 7, 2 :”Hãy gìn giữ thân xác anh em như là đền thờ của Thiên Chúa”.

– Eph. 15, 3: “Hãy làm mọi sự vì biết rằng Thiên Chúa ngự trị trong ta, để chúng ta trở thành đền thờ của người và để Chúa Giêsu Kitô ở trong chúng ta như là Thiên Chúa của chúng ta”.

– Eph. 9, 1-2: “Vậy tất cả anh em cũng là bạn đường mang Thiên Chúa và mang đền thờ Ngài, mang Chúa Kitô…”

– Magn. 13, 1: “Tôi  biết rằng anh em không vênh vang kiêu ngạo, bởi vì anh em có Chúa Giêsu Kitô trong anh em”.

3) – “Ca sĩ” trong Giáo hội

Đối với Ignace có 3 yếu tố làm nên Giáo Hội Công giáo, “Katholikè Ekklèsia”. Ngài nói “”Ở đâu có Giám mục hiện diện, là ở đó có cộng đồng, cũng thế ở đâu có Chúa Giêsu Kitô là ở đó có Giáo hội Công giáo”(Đây là lần đầu tiên tiếng “Katholikè” (Công giáo) được dùng trong ngôn ngữ Kitô giáo) (là où para (t l’Évêque, que là soit la communauté, de même que là où est le Christ Jésus, là est l’Église catholique) (Smyrn. 8,2).

Vậy 3 yếu tố đó là :

–  Mối duy nhát

–  Chức Giám mục

–  Chúa Kytô

Vì thế mà Ingnace đã “lấy chính cung điệu của Thiên Chúa” (Eph. 4,2) để lớn tiếng ca ngợi 3 yếu tố đó trong Giáo Hội. Ta lưu ý, đây là lần đầu tiên từ “Katholikè=Kaqolikh” (Công giáo) được dùng trong ngôn ngữ Kytô giáo.

a) Duy nhất (Unitas)

– Phil. 3, 2-3 : “Bởi vì tất cả những ai thuộc về Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô đều hợp nhất với Giám mục, và tất cả những ai biết hối lỗi và trở về với sự duy nhất của Giáo Hội, thì cả họ nữa cũng thuộc về Thiên Chúa để được sống động theo gương Đức Giêsu Kitô”.

– Phil. 6, 3 : ”Nhưng tất cả anh em, hãy qui tụ lại trong một trái tim không chia cắt”.

– Phil. 7, 2 : ”Hãy yêu mến sự đoàn kết, hãy tránh xa sự chia rẽ”.

– Magn. 6, 1-2 : ”Hãy yên tâm làm mọi sự trong mối thuận hoà thiên linh… Chớ gì đừng có chi làm chia rẽ anh em, nhưng anh em hãy hợp nhất với Giáo hội và với các vị lãnh đạo để nên hình ảnh và bài học về sự bất hoại”.

– Magn. 14, 15 : ”Anh em hãy tùng phục Giám mục và mỗi người hãy tùng phục nhau để gây mối đoàn kết cả về thể xác lẫn tinh thần. Hãy sống an mạnh trong mối thuận hoà của Thiên Chúa bằng cách nắm giữ tinh thần không thể chia cắt là Đức Giêsu Kitô”.

– Eph. 4, 2 (Cộng đồng Kytô hữu là 1 ca đoàn duy nhất): ”Trong sự nhất trí về tâm tình và sự hoà hợp trong đức ái anh em hát mừng Chúa Giêsu Kitô”.

– Eph. 5, 2 : ”Chớ gì mỗi người trong anh em nữa, cũng làm thành một ca đoàn, để trong sự hoà hợp tâm tình, anh em lấy cung điệu của Thiên Chúa trong sự hiệp nhất mà đồng thanh hát lên nhờ Chúa Giêsu Kitô”.

b) Giám mục:

– Smyrn. 8, 1- 2 : ”Tất cả hãy suy phục Giám mục như Chuá Giêsu Kitô suy phục Cha Ngài… Chớ gì đừng ai làm điều gì có liên hệ đến Giáo Hội ngoài (ý muốn của) Giám mục” (S.C.n. 1-. p. 163).

– Smyrn. 9, 1 : ”Ở đâu có Giám mục hiện diện thì ở đó cũng có Cộng đồng (ubi episcopus, ibi Ecclesia)”.

– Trall. 2, 1-2 : ”Vì thế anh em cần phải bước đi trong sự nhất trí với Giám mục của anh em, điều mà anh em vốn đã làm rồi”(S.C.n. 10, p. 113).

– Eph. 4, 1 : ”Vì nếu lời cầu nguyện của hai người hợp lại có một sức mạnh như thế thì lời cầu nguyện của Giám mục và tất cả Giáo hội còn có giá trị hơn biết bao”.

– Eph. 5, 2-3 : ”Vậy chúng ta hãy cẩn thận đừng bao giờ chống lại Giám mục, để luôn luôn phục tùng Thiên Chúa”.

– Eph. 6, 1 : ”Vậy hiển nhiên là chúng ta phải coi Giám mục như là chính Chúa vậy”.

– Phil. 7,1-2 : ”Anh em hãy gắn bó với Giám mục, với Linh mục đoàn và với cả các phó tế nữa. Đừng làm gì mà không có Giám mục”

– Magn. 3, 1-5 : ”Còn về phần anh em, không nên lợi dụng tuổi trẻ của Giám mục anh em…nhưng phải dành cho Ngài tất cả sự tôn kính, bởi vì không phải chỉ là Giám mục hữu hình mà người ta lạm dụng, mà là chính Giám mục vô hình (Đức Giêsu Kitô) người ta tìm cách đánh lừa”.

– Magn. 6, 1-2 : ”Anh em hãy lưu tâm làm tất cả mọi sự trong sự hoà hợp thiên linh, dưới sự chủ toạ của Giám mục, đấng nắm giữ địa vị của Thiên Chúa…”.

c) Chúa Kytô :

Theo thư gửi giáo đoàn Ephèse thì Chúa Kytô là “tên và mối hy vọng chung của chúng ta “ (Eph. 1, 2). Ignace nói : “nếu tôi bị xiềng xích vì Tên (Đức Kytô), tôi vẫn chưa được hoàn tất trong Đức Giêsu Kytô (Eph. 3,1)

Các tín hữu chỉ cần biết một mình Chúa Yêsu Kytô mà thôi (Trall. 9, 1-2). Ignace bảo họ : ”Hãy cầu xin Đức Kytô cho tôi “ (Rome. 4, 3) ; người Kytô hữu là người cầu xin Đức Kytô như là Thiên Chúa, và ca ngợi Ngài như ca ngợi Thiên Chúa. (Eph. 4, 1).

Ignace thấm nhuần tinh thần khiêm nhường của Chúa Kytô : Ngài luôn luôn gọi các thầy phụ tế (diakonoi = diakonoi) là “bạn đồng sự” của Ngài. Còn bổn đạo thì Ngài gọi là các “bạn đồng môn” với Ngài. Ngài coi chức Giám mục là một phận sự để phục vụ dân Kytô giáo, theo gương Chúa Kytô “đã đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt. 20, 28).

Sau cùng Ignace khinh miệt mọi sự trên trần gian và chỉ khao khát phúc tử đạo để bắt chước Chúa Kytô cách hoàn toàn và kết hợp với Ngài trong một unio mystica (Roma. 6, 1).

Trong buổi sơ khai của Giáo Hội, Ignace – qua các thư của Ngài – đã là nhà giảng thuyết hùng hồn nhất về việc “noi gương Chúa Kytô” : “Nếu ta muốn sống cuộc  sống của Chúa Kytô thì phải noi  theo những nguyên tắc và nhân đức của Ngài (Eph. 7,2).

Như Chúa Kytô đã bắt chước Cha Ngài, ta cũng phải bắt chước chính Ngài : “Anh em hãy trở nên những kẻ noi gương Chúa Giêsu Kytô, như Ngài đã noi gương Chúa Cha” (Phil.7, 2).

Noi gương Chúa Kytô không phải chỉ cần tuân thủ giới luật luân lý thôi, mà còn đòi buộc ta sống phù hợp với giáo huấn của Ngài, đặc biệt là sống phù hợp với cuộc tử nạn của Ngài. Bởi vậy, Ignace khẩn khoản xin tín hữu Roma : ”Anh em hãy để tôi nên kẻ noi gương cuộc tử nạn của Thiên Chúa tôi“ (Rom. 6, 3). Và đối với Ngài, cách noi gương hoàn toàn nhất, lý tưởng nhất, là chết cho Chúa Kytô : “Tôi chưa nên trọn hảo nơi Chúa Giêsu Kytô. Bây giờ tôi mới chỉ bắt đầu học hỏi và tôi gởi lời cho anh em như cho các bạn đồng môn của tôi”(Eph. 2,).

III. “KYTÔ GIÁO” TRONG NHÃN GIỚI CỦA IGNACE

Ignace là người đầu tiên đã dùng từ “Kytô giáo” (Christianismos) :

– 3 lần trong Mgn. 10, 1, 3 :”Vì thế chúng ta hãy trở thành môn đệ của Ngài (Đức Kytô) và hãy học để sống theo Kitô giáo. Bởi vì không phải Kitô giáo đã tin vào Do thái giáo. nhưng là Do Thái giáo đã tin vào Kitô giáo”.

– 1 lần trong Phil. 6, 1 :”Vì nghe một người được cắt bì nói về Kitô giáo thì hơn là nghe một người không cắt bì nói về Do thái giáo”

– 1 lần trong Rom. 3, 3 :”Bởi vì Kitô giáo không phải là công trình của lời cảm hoá mà là công trình của sức mạnh khi bị thế gian căm ghét”.

Trong Rom. 3, 3 và Magn. 10, 1 trên đây Ignace thuyết phục các giáo hữu hãy “sống theo Kytô giáo’ bởi vì “Kytô giáo không phải là một công việc cảm hoá mà là một tác động sức mạnh, khi bị thế gian ghét bỏ’ (Rom. 3, 3). Chắc chắn Ignace có ý nói : Khi bị bắt bớ, Kytô giáo không dùng khoa lợi khẩu nhân loại để biện minh, nhưng sẽ là dịp để sức mạnh và quyền lực của Thiên Chúa được tỏ lộ. Dầu sao ta cũng còn có thể hiểu:  đức tin Kytô giáo không phải chỉ là xác tín suông,mà còn phải vững mạnh trong hành động nữa, nhất là trong thời cấm cách.

Kytô giáo đó, Ignace trình bày dưới hai khía cạnh :  thần bí và phẩm trật.

1) – Thần bí : Chúa Kytô và Thánh Thể.

Chúa Kytô và Thánh Thể của Ngài  là đề tài chính yếu. Chúa Kytô đã nhập thể thực sự, và Thánh Thể là đích thực thịt máu Ngài để ban đời sống vĩnh cửu của Ngài cho ta :

* Ca vãn kính Chúa Kytô :

– Eph. 7, 2 :”Chỉ có một thầy thuốc, vừa thể xác vừa tinh thần, vừa thu sinh vừa bất sinh, đã đến trong xác thịt, là Thiên Chúa, đã chết và sống thật, sinh ra từ Đức Maria và từ Thiên Chúa, trước tiên đã thụ nạn nhưng bây giờ thì là bất thụ nạn, tức là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”.

* Những đoạn văn Thánh Thể :

– Eph. 5, 2 : “chớ gì đừng có ai lạc đường; nếu ai không ở trong đền thánh (bàn thờ) thì người đó mất quyền ăn bánh của Thiên Chúa”. (Jn. 6, 33)

– Rom. 7, 3 : ”Tôi không còn thèm muốn của ăn hay hư nát, hoặc những thú vui đời này ; Tôi ao ước chính bánh của Thiên Chúa là mình (thịt) Đức Giêsu Kitô bởi dòng dõi David ; còn về của uống thì tôi khao khát máu Ngài là chính tình yêu không hề băng hoại”.

–  Rom. 4, 1 : ”Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa và nhờ hàm răng của muông thú tôi được nghiền tán để trở nên tấm bánh tinh tuyền của Chúa Kitô”.

–  Eph. 20, 2 : ”Anh em tụ họp lại trong cùng một lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô để chia sẻ cùng một tấm bánh là linh dược bất tử, là thuốc giải độc để khỏi chết mà được sống đời đời trong Chúa Giêsu Kitô”.

–  Phil. 4  :”Hãy cẩn thận để chỉ tham dự vào một phép Thánh Thể duy nhất, bởi vì chỉ có một thân xác của Chúa Giêsu Kitô, và chỉ có một chén Thánh để kết hợp chúng ta lại trong máu Ngài “.

–  Smyrn. 7, 1

* Những đoạn văn chống phái ảo thân (docétisme) :

– Smyrn. 6, 1-7, 2 : Họ không tin Thánh Thể là mình (thịt) Chúa Kitô.

– Trall. 9-11 : Chúa Kytô đã thực sự nhập thể, bởi vì Ignace đã thực sự bị xiềng xích : Thánh giá là mầu nhiệm kết hợp với Thiên Chúa. (cf.  Smyrn. 4, 2). 

– Smyrn. 1-4 : Chúa Kytô đã thực sự chịu tử nạn chứ không phải chỉ bề ngoài thôi.

2) – Phẩm trật  (Giáo phẩm) : Giám mục, Linh mục, Phó tế (Phụ tế).

Ở trên đã nói Ignace là 1 “Ca sĩ” trong Giáo hội về mối duy nhất và về chức Giám mục : 6 trên 7 bức thư đã nhấn mạnh đến tinh thần phẩm trật đó trong Giáo hội, là điều mỗi giáo đoàn đều có :

“Một Giám mục, một Linh mục đoàn và các phó tế (diakonoi = Diakonoi)” (Phil. 7, 1)

* Trall. 2, 1-3 : Phải phục tùng Giám mục và Linh mục đoàn ; các phụ tế phải hoàn toàn.
* Trall. 3, 1-2 : Không có Giám mục, Linh mục và phụ tế thì không có Giáo Hội :
– Giám mục là hình ảnh của Chúa Cha

– Linh mục và phụ tế là thượng viện của Thiên Chúa và tông đồ đoàn.

* Magn. 6, 1 idem.
 

Nhưng thư gởi giáo đoàn Roma không hề nói đến Giáo hội theo trật tự tam đẳng. Tại sao vậy ? Trước hết vì bức thư này không có cùng một đối tượng như 6 bức thư kia : Ignace không hề có ý định dạy bảo tín hữu Roma. Đàng khác có lẽ trật tự tam đẳng ít rõ rệt tại Roma hơn các nơi khác.

Dầu thế, Ignace đã chào kính Giáo đoàn đó một cách đặc biệt khác hẳn với các giáo đoàn khác và Ngài đặt một mối dây liên lạc chặt chẽ giữa giáo đoàn này với hai vị Tông đồ Cả là Phêrô và Phaolô (Rom 4, 3) (Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, một nhân vật ngoài Giáo đoàn Roma đã dành một địa vị ưu tiên và thừa nhận một thế giá đặc biệt cho giáo đoàn này). Điều này chứng tỏ đối với Ignace, những yếu tố sau đây làm thành Giáo Hội Chúa Kytô, hay Kytô giáo :

a. – Duy nhất về cơ thể ở bình diện Giáo đoàn địa phương.

b. – Duy nhất trong đức ái (agapè) giữa các Giáo đoàn với nhau.

c. – Một sắc thái và địa vị đặc biệt của Giáo đoàn Roma (lãnh đạo cộng đồng bác ái, agapè).

N.B. Để có một ý niệm về tâm tình của Ignace trên đường tử đạo, chúng ta hãy đọc bức thư Ngài gửi Giáo đoàn Roma dưới đây :
Thư gởi Giáo đoàn La Mã

Inhaxiô cũng gọi là Dung thần (Theophorus) nguyện chúc cho Giáo đoàn đã được Chúa Cha cao cả và Đức Giêsu Kytô quí tử độc nhất của Ngài, thương xót và khoan hồng.

Cho giáo đoàn đã được âu yếm và soi dẫn nhờ ý chí của Đấng đã muốn cho mọi loài hiện hữu theo lòng bác ái của Đức Giêsu Kytô Thiên Chúa chúng ta.

Cho Giáo đoàn cầm đầu tại thủ đô người La mã, thánh thiện, đáng kính đáng chúc phúc, đáng ca tụng, đáng được như lòng ước nguyện, (giáo đoàn đó) thực trong sạch xứng đáng, đang cai quản toàn thể cộng đồng bác ái, mang danh Chúa Giêsu Kytô và Chúa Cha, tôi gửi lời thăm hỏi (giáo đoàn đó) nhân danh chúa Giêsu Kytô, quí tử của Chúa Cha.

Cho các giáo dân đã kết thân với mọi huấn giới của Ngài bằng cả thể xác và tinh thần, toàn thể đã cùng được tràn đầy ân sủng Thiên chúa và đã được tẩy trừ khỏi mọi màu sắc ngoại giáo.

Tôi  nguyện chúc (cho tất cả) nguồn hạnh phúc dồi dào trong trắng nơi Đức Giêsu Kytô, Thiên chúa chúng ta.

A. Với xiềng xích mà tôi hy vọng gặp anh em.

Nhờ tha thiết  cầu cùng Thiên Chúa, tôi được ơn nhìn thấy khuôn mặt thánh thiện của anh em và tôi còn được hơn sự tôi cầu khẩn nữa, vì chưng với tư cách bị xiềng xích vì Đức Giêsu Kytô mà tôi hy vọng thăm hỏi anh em, miễn là thánh ý Chúa thương ban cho tôi được xứng đáng bước tới cùng. Bởi vì khởi điểm thì dễ, ước chi nhờ ân sủng tôi được thanh thoát lãnh phần gia nghiệp Chúa dành cho tôi. Nhưng tôi sợ tình yêu của anh em gây nên tai hại cho tôi chăng. Với anh em, anh em dễ làm được điều anh em mong muốn, phần tôi, tôi thực khó mà đạt tới Thiên Chúa được, nếu như anh em vẫn không chịu buông tha cho tôi.

B. Anh em chớ cản trở tôi Tử Đạo.

Tôi không muốn làm  đẹp lòng anh em với tư cách là loài người nhưng muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa như thể anh em vẫn làm đẹp lòng Ngài. Chưa bao giờ tôi gặp được thời gian (thuận tiện) như thế để đạt tới Thiên Chúa ; phần anh em không thể kể cho anh em đã làm được một công việc nào cao quí hơn là anh em cứ nín lặng đừng can thiệp vào. Vì chưng nếu anh em cứ nín lặng không can thiệp về tôi thì tôi sẽ được thuộc về Thiên Chúa ; mà nếu anh em quá mến chuộng thân xác tôi, tôi lại phải còn chạy đua mãi. Anh em đừng có tìm cho tôi cái gì hơn là để tôi tự hiến tế cho Thiên Chúa đang lúc mà bàn tế còn đón chờ tôi. Vậy anh em hãy tập họp thành một ca đoàn bác ái mà ca tụng Chúa Cha trong Đức Giêsu Kytô vì Thiên Chúa đã đoái thương cho vị Giám Mục xứ Syria từ Đông sang Tây. Tôi mà được khuất khỏi thế gian về cùng Thiên Chúa để được mọc lên trong chính Ngài thì thực là tốt đẹp.

C. Tốt hơn, anh em hãy khẩn cầu Thiên Chúa ban cho tôi sức mạnh tử đạo.

Không bao giờ anh em đố kỵ ai ; anh em đã dạy dỗ người khác, nhưng tôi cũng muốn rằng điều anh em dạy và truyền cần phải vững chãi. Tôi chỉ xin anh em hãy cầu khẩn cho tôi được mạnh sức bên trong và bên ngoài để tôi trở nên Kytô hữu không những bằng cách nói thôi mà còn thực lòng ước muốn, không phải bằng danh từ suông, nhưng trở nên thực. Vì nếu tỏ ra là Kytô hữu thực, tôi sẽ đáng được nhận tên đó và khi tôi đã khuất khỏi thế gian, bấy giờ tôi mới trở nên trung tín thực, không có gì hiển hiện ra bề ngoài lại có tính cách vĩnh cửu. Vì những cái xem thấy được thì tạm thời còn những cái không xem thấy mới có tính cách vĩnh cửu. Vì chính Đức Giêsu Kytô Thiên Chúa chúng ta sở dĩ được rạng ngời hơn là khi Ngài lại trở về với Chúa Cha. Kytô giáo không những chỉ là một công việc làm trong thầm lặng nhưng còn là một công cuộc anh hùng.

D. Anh em hãy để tôi bị răng của muông thú nghiền tán hầu nên tấm bánh của Chúa Kytô.

Tôi viết cho các giáo đoàn và căn dặn mọi người là tôi vui lòng chết vì Thiên Chúa miễn là anh em đừng có cản trở tôi. Toi khuyên anh em đừng có chiều chuộng tôi không phải lúc, anh em hãy để tôi trở nên mồi cho muông thú vì nhờ chúng mà tôi được thừa hưởng Thiên Chúa. Tôi là hạt miến của Thiên Chúa và nhờ hàm răng của muông thú mà tôi được nghiền nát để trở nên tấm bánh tinh tuyền của Chúa Kytô. Tốt hơn anh em hãy vuốt ve muông thú để chúng trở nên như ngôi mộ an táng tôi và thân xác tôi, để chúng không để lại mợt chút gì, kẻo, sau khi tôi chết, tôi trở nên gánh nặng cho một người nào đó trong anh em chăng. Khi nào mà thế gian không nhìn thấy thân xác tôi nữa, lúc ấy tôi mới trở nên môn đệ Chúa Kytô thực thụ. Anh em hãy khẩn khoản cầu xin Chúa Kytô cho tôi để nhờ có những dụng cụ đó mà tôi trở nên của hiến tế. Tôi không truyền cho anh em như Phêrô và Phaolô ; với các Ngài, các Ngài là những Tông đồ, còn tôi, tôi là kẻ bị khép án ; các Ngài tự do, còn tôi, đến bây giờ tôi chỉ là tôi đòi nô lệ nhưng nếu tôi chịu đau khổ, tôi sẽ được chúa Kytô giải phóng cho và trong chính Ngài tôi sẽ được tái sinh làm người tự do. Bây giờ tôi bị trói buộc, tôi học biết không nên ước mong sự gì có tính cách trần tục và giả trá.

E. Tôi muốn chết.

Từ xứ Syria đến Lamã tôi hằng chiến đấu cùng thú dữ trên đất cũng như dưới biển, ban đêm cũng như ban ngày, tôi bị trói buộc với mười  con báo, đó là một đội quân ; càng nhận bổng lộc đút lót chúng càng tỏ ra hung ác hơn. Với những ngược đãi của chúng, tôi càng được học biết hơn, nhưng không phải vì thế mà tôi được công chính hoá. Ôi ! biết bao giờ tôi mới được ra trước bầy muông thú đang đón chờ tôi ! Ước chi chúng nhanh nhẹn vồ lấy tôi ; nếu cần tôi sẽ ve vãn chúng để ngay lập tức chúng cắn xé tôi để không như đối với vài người kia chúng sợ không dám chạm tới, mà nếu như chúng khinh khỉnh không muốn thì tôi sẽ dùng sức cưỡng ép chúng. Xin anh em cứ để cho tôi đặc ân đó nhé, phần tôi, tôi biết cái gì có lợi cho tôi hơn. Lúc này đây tôi bắt đầu trở nên môn đệ thực, ước chi không có tạo vật hữu hình hoặc vô hình nào phen bì sự tôi chiếm hữu Chúa Giêsu Kytô. Nào lửa thiêu, nào Thập Giá, nào đoàn muông thú, nào móc thịt, nào xé thân, nào đánh trật khớp xương, nào chặt tay chân, nào nghiền nát toàn thân, nào các khổ hình của quỉ ma hãy đổ trên thân tôi miễn là tôi được hưởng Chúa Giêsu Kytô.

F. Ước chi nhờ cái chết của tôi mà tôi được sống thật.

Những khoái lạc trần gian chẳng sinh ích gì cho tôi. Những vương quốc ở đời này ích gì cho tôi ? Đối với tôi được chết vì Chúa Giêsu Kytô còn vinh dự hơn đuọc cai trị khắp mặt đất vì chưng, nào có ích gì cho con nguời đuợc lời cả thế gian mà linh hồn bị thiệt hại ? Tôi tìm chính Đấng đã chịu chết vì chúng ta. Tôi muốn chính Đấng đã vì chúng ta mà phục sinh. Tôi sắp được cái lợi đó. Hỡi anh em, xin anh em hãy bỏ qua tôi đi ! Đừng có ngăn cản tôi sinh ra trong đời sống thật, đừng muốn tôi phải chết mất. Tôi ước ao thuộc về Thiên Chúa, đừng nộp tôi cho thế gian (cám dỗ). Anh em hãy để tôi lãnh nhận nguồn sáng tinh tuyền ; đến lúc ấy tôi sẽ thành Người của Thiên Chúa thật. Anh em hãy đồng ý để tôi bắt chước sự khổ nạn của Thiên Chúa ta. Nếu có một ai mang Thiên Chúa trong lòng, thì ước chi người đó hiểu biết điều tôi muốn và ước chi ngườ đó thương xót tôi vì biết cái tôi ước muốn đang thôi thúc tôi.

G. Tôi khao khát đuọc chết vì ước muốn của tôi bị đóng đanh rồi.

Vị thủ lãnh thế gian này muốn cướp đoạt tôi, và làm cho ý chí tôi đối với Thiên Chúa phải lung lạc. Vậy chắc không một ai trong anh em có mặt lại  “nối giáo cho giặc”. Hay hơn, anh em hãy đứng về phía tôi. Đó là phía Thiên Chúa. Anh em đừng có nói tới Đức Giêsu Kytô ngoài môi miệng mà tâm địa lại ao ước thế gian. Chớ chi lòng anh em không chứa chấp mối ghen ghét. Nếu như khi tôi ở giữa anh em mà van nài anh em thì anh em chớ có tin tôi ; nhưng hãy tin những điều mà tôi viết cho anh em ngày hôm nay. Đang sống đây mà tôi viết cho anh em vì ta ao uóc  đưọc chết. Uớc muốn của tôi đã bị đóng đanh và tôi chẳng còn nóng nảy yêu mến vật chất nữa, nhưng chỉ còn giòng nuớc tuôn chảy rì rào trong con nguời nội tâm tôi hằng nhắc nhở  tôi rằng : Hãy về cùng Chúa Cha. Tôi chẳng còn lấy của ăn dễ hư hỏng làm thích thú, tôi cũng chẳng còn chuộng khóai lạc trần gian. Tôi muốn ăn bánh Thiên Chúa, bánh trời ; bánh hằng sống là thịt Chúa Giêsu Kytô con Thiên Chúa, Đấng đã sinh ra trong thời gian cuối cùng bởi dòng dõi Abraham và Đavid. Và tôi chỉ muốn uống của uống Thiên Chúa, đó là Máu Người, nguồn bác ái bất diệt và nguồn sống vĩnh cửu.

H. Anh em hãy làm ơn cho tôi.

Tôi không còn muốn sống cái đời sống trần tục này nữa. Mà điều đó chỉ thành tựu nếu anh em muốn vậy. Anh em hãy muốn đi, tôi van nài, để anh em cũng được Thiên Chúa tỏ lòng hào hiệp với anh em. Trong một ít  lời tôi  viết xin anh em, xin anh em hãy tin tôi. Đức Giêsu Kytô sẽ làm sáng tỏ cho anh em biết tôi nói thực ; chính miệng lưỡi Ngài chân thực vì nhờ đó Chúa Cha đã nói lên thực sự. Anh em hãy cầu xin cho tôi đuọc thành công. Tôi viết cho anh em không phải theo tính xác thịt mà là theo thần trí Thiên Chúa. Nếu tôi mà chịu khổ hình thì đó là anh đã xử đãi tốt với tôi. Trái lại nếu tôi không đuọc lãnh nhận khổ hình đó là anh em ghét tôi vậy.

I. Anh em hãy cầu nguyện cho giáo đòan Syria

– LỜI CHÀO KÍNH –

Trong lời kinh nguyện, anh em hãy nhớ đến Giáo đòan xứ Syria vì từ khi tôi đi khỏi thì chỉ còn có Thiên Chúa là nguòi chăn dắt thôi.Chỉ có Đức Giêsu Kytô và lòng bác ái của anh em là Giám mục cai quản xứ đòan đó mà thôi. Tôi hổ nguơi vì đuọc kể là một phần tử trong số đó, vì tôi bất xứng, tôi là nguời rốt hết trong số này, tôi là đứa con đẻ non. Nhưng nếu tôi chiêm hưởng Thiên Chúa thì hồng ân Ngài ban sẽ làm cho tôi nên người. Thần trí tôi hiệp cùng lòng bác ái của các giáo đòan gửi lời chào anh em ; các giáo  đòan này đã nhân danh Chúa Giêsu Kytô tiếp nhận tôi không phải với tính cách một nguòi qua đàng suông. Cũng còn phải kể cả những giáo đòan dù không có liên quan gì đến cuộc hành trình của tôi xét theo thân xác này, cũng đã tụ họp nghênh đón tôi hết thành này qua thành khác.

J. Kết thúc.

Từ thành Smyrna tôi viết lá thư này cho anh em, tôi chuyển qua các bậc vị vọng thành Ephesô, là những nguòi đáng chúc phúc, mà giao lại cho anh em. Cùng với tôi có nhiều nguời khác và cả Crocus, nhân vật tôi mến chuộng. Với những nguời đã từ Syria đến Lamã truớc tôi để làm vinh danh Thiên Chúa ; ta nghĩ rằng anh em đã quen biết họ cả, vậy anh em hãy báo tin cho họ biết rằng tôi sắp tới nơi. Tất cả những người đó đều thánh thiện và đáng cho anh em quí mến, anh em cũng nên giúp đỡ, khích lệ họ trong mọi sự. Tôi viết cho anh em lá thư này ngày 9 trước đầu tháng IX (tức ngày 23 tháng 8). Kính chúc anh em an mạnh, can đảm cho tới cùng trong niềm mong đợi Đức Yêsu Kytô. Amen.