Văn Chương Của Các “Tông Phụ”: Thánh Clément I Giáo Hoàng (+101?)

0
1240


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG I

VĂN CHƯƠNG CẢM HÓA HỖ TƯƠNG

CỦA CÁC “TÔNG PHỤ” HAY CÁC “GIÁO PHỤ TÔNG ĐỒ”

(96-125)

***

Đoạn I.  Thánh Clément I Giáo Hoàng (+101 ?)

 

I. NHỮNG ĐIỀU BIẾT CHẮC VỀ THÂN THẾ CỦA CLÉMENT

Theo danh sách cổ thời nhất do thánh Irénée thiết lập (adv, Haer. 3, 3, 3) thì thánh Clêmentê là vị Giám Mục thứ ba kế vị thánh Phêrô tại Giáo Đoàn Rôma (sau Lino và Anaclet), nhưng ta không rõ vào năm nào. Sử gia Eusèbe (Hist.  eccl. 3, 15, 34) cũng đồng ý kiến và chỉ rõ là Clément đã làm Giáo Hoàng từ năm thứ 12 triều đại Domitien đến năm thứ ba triều đại Trajan, tức từ năm 92 đến năm 101. Ngoài ra ta không biết gì đời sống của Clément về trước.

Clément sở dĩ được nổi tiếng và rất có uy thế trong Giáo Hội là nhờ “Bức thứ gửi cho Giáo Đoàn Corinthô” (khoảng năm 96) mà chính tay Ngài soạn thảo và gửi đi. Đây là một trong những tài liệu quan trọng nhất của thời hậu tông đồ. Về phương diện lịch sử, ngoài bộ Tân Ước, đây là một áng văn chương kitô giáo cổ thời nhất có mang tên tuổi và chức vị của một tác giả rõ rệt.

Với tư cách là Giám Mục Roma, Clément đã can thiệp khi tại Giáo Đoàn Corinthô lại xảy ra, vào thời Domitien, những cuộc tranh chấp giữa các bè phái mà trước đây thánh Phaolô đã lên án gắt gao. Lần này thì một số cá nhân kiêu căng và vô kỷ luật đã dấy lên lôi kéo dân chúng chống đối Giáo quyền và cách chức luôn một số lớn các linh mục đương nhiệm trong Giáo đoàn. Chỉ còn một thiểu số giáo dân là vẫn trung thành với những mục tử bị loại  bỏ. Tin này đã đến tai Clément, có lẽ do các kytô hữu người Roma sống tại Corinthô cho biết, Ngài liền viết bức thư nói trên để giải hoà các phe phái hầu tránh gương mù trước mặt dân ngoại.

1 – Về Nội dung, bức thư được chia ra như sau

Phần Nhập đề (đoạn 1-3), hai phần chính (đoạn 4-36 và 37-61), phần tóm kết (đoạn 62-65).

* Phần Nhập đề lưu ý đến tình trạng phồn thịnh của Giáo Đoàn Corinthô trước ngày có cuộc tranh chấp, mọi người sống hoà hợp và sốt sắng làm việc thiện. Ngược lại, đoạn 3 nhấn mạnh đến sự xáo trộn và đổ vỡ tan hoang của Cộng đoàn hiện nay.

* Phần I có tính cách tổng quát, lên án sự chia rẽ và ghen tương, được minh hoạ bằng những nết xấu kể trong Cựu Ước và Tân Ước (4-6). Rồi đưa ra những gương lành để khuyến khích lòng thống hối, đức hiếu khách, lòng đạo đức và khiêm nhu, bắt chước lòng nhân lành của Thiên Chúa và của Chúa Kitô.

* Phần II trực tiếp phán  luận về cuộc tranh chấp giữa các kitô hữu Corinthô. Thiên Chúa Đấng dựng nên trật tự trong vũ trụ đòi các thụ tạo của Người phải sống trật tự và vâng lời, theo gương kỷ luật và phục tùng trong quân đội La mã và phẩm trật gặp thấy trong Cựu Ước. Đó là lý do khiến Đức Kitô đã chọn lựa các Tông Đồ, và đến lượt các Ngài lại chỉ định các Giám Mục và Phó tế. Tình yêu phải thay thế chia rẽ, và bác ái phải sớm vãn hồi hoà giải và đem lại tha thứ. Những kẻ chủ mưu chia rẽ hãy tự biết sám hối và tỏ ra nhẫn nhục.

* Phần kết luận tóm lược những lời khuyên trên và bày tỏ hy vọng tha thiết là những người đưa thư này sớm đem về (Roma) những tin tức tốt lành về sự bình an được vãn hồi tại Corinthô.

Chú ý : Bức thư này là một tài liệu rất phong phú cho việc khảo cứu về đời sống Giáo Hội thời ban sơ, cũng như cho lịch sử các Tín điều và cả lịch sử Phụng Vụ nữa.

2. – Về Văn bản

Hiện nay ta có 2 bản bằng Hy ngữ (trong Codex Alexandrinus : Thánh Kinh, thế kỷ V), 1 bản bằng La văn, 1 bản bằng Copte và 1 bản bằng Syriaque. Bản dịch La văn do Dom Morin khám phá năm 1894 tại Đ.C.V. Namur (Bỉ). Bản này chỉ có một mình trong khi hai bản Hy ngữ còn có thêm thư “IIa Clementis”. La văn rất cổ phỏng năm 150-180.

Tại sao biết được bức thư này là của Clément ?

Denys Giám mục Corinthô năm 170-175 viết cho Giám mục Roma là Soter đã nói : “Vậy hôm nay chúng tôi đã cử hành ngày của Chúa, và chúng tôi đã đọc thư của Ngài, chúng tôi sẽ giữ nó mãi để đọc như là một lời cảnh cáo, cũng như bức thư thứ nhất mà Clement đã viết cho chúng tôi “ (cf. Eusèbe de Césarée Hist. Eccles., Livre IV, chap. 23, n.11) ; và chính Eusèbe, (“Hist. Eccl.” I, 13), còn nói đến Clément Giám mục Roma trong thời Domitien bắt đạo, (cf. ch. 7, n.1,1).

Ngoài ra Clément thường được coi như vị Giáo Hoàng thứ 4 trong Giáo Hội : Phêrô – Linô – Anaclet – Clêmentê (cf. Irénée, Adversus haereses, III, 3, 3).

II. TRUYỀN KHẨU VÀ BIẾN NGÔN ( 4 giai đoạn)

1. Origène nói có biết hai thư của Clément, ( thực ra thư IIa Clementis không phải của Clément de Rome) vị Giáo Hoàng thứ 4. Ông còn thêm là Clément có biết thánh Phaolô, cf. Phil. 4,3 (Eusèbe, Hist. Eccl., III, 15).

2. Clément trở thành em họ của Hoàng Đế Domitien (Hoàng tộc Flaviens) dưới tên Lãnh sự Titus Flavius Clémens bị xử tử vì tội “vô thần” (Kitô giáo hồi đó) năm 95-96. Có lẽ 2 Clément khác nhau.

3. Clément đã bị đày và tử đạo tại Chersonèse trên bờ Hắc Hải, theo một bản văn Hy ngữ thế kỷ IV gọi Ngài là tử đạo. Nhưng thánh Jérôme, Irénée và Eusèbe không hề gọi Clément tử đạo.

4. Ở Roma có một thánh đường mang tên là Clément (tên chủ), dần dần người ta gọi là nhà thờ thánh Clément. Năm 867, thánh Cyrille tông đồ dân Slaves đã dời xương thánh Clément từ miền Hắc hải về đó.

III. ĐỊA VỊ CỦA BỨC THƯ CLÉMENT TRONG GIÁO HỘI

Địa vị rất quan trọng trong Giáo truyền :

– 2 bản Hy ngữ được đặt vào “Codex Alexandrinus”, nghĩa là được coi như bản “mặc khải, có tính cách linh ứng.

– Giáo Hội Syriaque kể vào bản Thánh lục.

– Thánh Irénée (Adv. hoer., III, 3, 3,) gọi là “một bản văn rất quan trọng”.

– Eusèbe nói : “ bức thư quan hệ và đáng ngưỡng mộ này được đọc công khai trong Giáo hội và như vậy cho tới ngày nay”.

IV. NHỮNG ĐIỀU QUẢ QUYẾT QUAN TRỌNG CỦA BỨC THƯ

1. – Về mặt Giáo sử : Bức thư được coi như là một “nhân chứng “ về cuộc tử đạo của thánh Phêrô và Phaolô tại Roma dưới thời Néron (đoạn 5 và 6). Nhưng không rõ ở đây tiếng “marturia” có thật có nghĩa là “tử đạo”(chết vì đạo) hay chỉ có nghĩa đơn giản thông thường là “chứng cớ” “lời chứng”, “nhân chứng”thôi. Dầu sao, hiểu là “tử đạo”thì đúng văn mạch hơn. Phụng vụ Tây Phương kính thánh Clêmentê I Giáo Hoàng tử đạo ngày 23- 11.

2. – Về lịch sử Tín lý, đây là điều khẳng quyết đầu tiên của Giáo Truyền về “quyền giải cấm” (khoá mở) của Giáo Hội, lãnh nhận từ các Tông đồ, và qua các ngài, từ Đức Kytô, và qua Đức Kytô, từ Thiên Chúa (đoạn 42, 1-4, 1-3).

3. – Cũng về mặt tín lý, bức thư được coi như lần đầu tiên Giáo đoàn Roma biểu lộ ý thức về “Tối-Thượng-quyền “ của mình (59,1-2 ; 63, 2). Nhưng ở đây, một phần có lẽ cũng do ảnh hưởng chính trị và kinh tế giữa Roma và Corinthe (trước đây đã bị tàn phá và đã được Roma tái thiết năm 44 a. J.C.)

4. – Đoạn 32 có mang một công thức của thánh Phaolô : “Công chính hoá bởi đức tin , và đoạn 49 đặc biệt đề cao thánh Phaolô cũng như uy thế và giáo thuyết của Ngài. Nhưng đoạn 20 nói về trật tự trong vũ trụ, tỏ rõ ảnh hưởng của triết phái Khắc kỷ. Nhờ đó chúng ta có thể quyết đoán Clément không phải là một môn đệ của thánh Phaolô, mà là một “Dothái Kytô hữu” sinh  trưởng trong môi trường Hy lạp, điều này đặc biệt trong cách trưng dẫn thánh kinh với xu hướng dành ưu tiên cho Cựu Ước. Đàng khác Clément không bao giờ đích danh xưng tên mình, trong khi đối với Phaolô đó là một thói quen.

Dầu sao tư tưởng  Clément cũng rất giống Phaolô, đặc biệt là khi nói đến :

* Việc ta được công chính hoá ngay từ hiện thế,

*  và sự công chính hoá đó là tác dụng của Thiên Chúa.