Tông Thư Vicesimus Quintus Annus Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 04-12-1988)

0
1099


TÔNG THƯ VICESIMUS QUINTUS ANNUS

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

KỶ NIỆM 25 NĂM BAN HÀNH

HIẾN CHẾ PHỤNG VỤ THÁNH SACROSANCTUM CONCILIUM

NGÀY 04 THÁNG 12 NĂM 1988

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

 

Gửi đến chư huynh trong chức Giám mục và linh mục,

Lời chào và phép lành Tòa Thánh!

1. Hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày 4 tháng 12 năm 1963, khi Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Hiến chế Sacrosanctum Concilium về Phụng vụ thánh vừa mới được các nghị phụ của Công Đồng Vatican II hợp nhất trong Chúa Thánh Thần chấp nhận.[1] Đó là một biến cố đáng ghi nhớ vì nhiều lý do. Bởi vì đó là trái quả đầu tiên của Công Đồng được triệu tập theo ý Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhằm “cập nhật hóa” Giáo Hội, đã được chuẩn bị bởi một cao trào phụng vụ và mục vụ, và đó cũng là một biến cố mang hy vọng sự sống và canh tân trong Giáo Hội.

Khi tiến hành cải tổ phụng vụ, Công Đồng đã thực hiện một cách hoàn toàn đặc biệt, mục đích cơ bản mà Công Đồng đã đề ra: “Phát huy đời sống Kitô giáo ngày càng hơn nữa nơi các tín hữu, làm cho những định chế nào có thể thay đổi, thích ứng với những nhu cầu của thời đại chúng ta, cổ xúy những gì khả dĩ góp phần hiệp nhất mọi người đã tin theo Chúa Kitô và kiện cường những gì hỗ trợ cho việc mời gọi mọi người vào lòng Giáo Hội”.[2]

2. Ngay từ buổi đầu thời gian mục vụ của tôi trên ngai Phêrô, tôi đã nhất mực “đặt nặng tầm quan trọng thường xuyên của Công Đồng Vatican II” và tôi đã “chính thức dốc tâm vào việc áp dụng Công Đồng cách cẩn thận”. Tôi đã nói thêm rằng cần phải thúc đẩy đến thành quả, theo hướng của phong trào và đời sống, những mầm giống phong nhiêu mà các nghị phụ Công Đồng, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, đã gieo vãi vào đất tốt (x. Mt 13, 8-23), nghĩa là các giáo huấn có thẩm quyền của các ngài, và những chọn lựa mục vụ của các ngài.[3] Sau đó, đã nhiều lần, tôi đã khai triển, trên những điều khác biệt giáo huấn của Công Đồng về Phụng vụ,[4] và tôi đã nhắc lại tầm quan trọng của Hiến chế Sacrosanctum Concilium đối với đời sống của Dân Chúa: trong Hiến chế này, người ta đã có thể khám phá cốt lõi của học thuyết về Giáo Hội mà Đại Hội Công Đồng sẽ đề ra sau đó. Hiến chế Sacrosanctum Concilium là văn kiện Công Đồng đầu tiên theo thứ tự thời gian, mào đầu[5] cho Hiến chế tín lý Lumen gentium về Giáo Hội và ngược lại được phong phú thêm nhờ vào giáo huấn của Hiến chế này.

Sau một phần tư thế kỷ, một thời gian mà Giáo Hội và xã hội đã gặp bao thay đổi sâu xa và nhanh chóng, giờ đây nên vạch rõ tầm quan trọng của Hiến chế Công Đồng này, tính hiện thực của nó trước sự xuất hiện của những vấn đề mới và giá trị thường hằng của những nguyên tắc của nó.

I. CANH TÂN THEO HƯỚNG ĐI CỦA TRUYỀN THỐNG

3. Để đáp ứng những mong mỏi của các Nghị phụ Công Đồng Trentô quan tâm đến vấn đề cải tổ Giáo Hội thời các ngài, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V đã tiến hành cải tổ các sách Phụng vụ, trước hết là sách nguyện và sách lễ. Đó cũng là mục tiêu mà các Giáo Hoàng Rôma theo đuổi suốt nhiều thế kỷ sau đó khi các ngài cập nhật hoặc xác định rõ lễ nghi và sách phụng vụ, và bắt đầu từ buổi đầu thế kỷ này, các ngài đã thực hiện một cuộc cải tổ tổng quát hơn.

Thánh Giáo Hoàng Piô X đã thiết lập một Ủy ban chuyên trách về việc cải tổ mà ngài nghĩ rằng cần phải có nhiều năm mới hoàn tất được công trình, nhưng ngài đã đặt viên đá đầu tiên cho tòa nhà bằng cách khôi phục việc cử hành Thánh lễ Chúa nhật và cải tổ sách nguyện Rôma.[6] Ngài quả quyết: “Quả thực, tất cả những điều đó, theo đánh giá của các chuyên viên, đòi hỏi một công việc rộng lớn xét về tầm vóc và thời gian đòi hỏi, vì thế cần phải có nhiều năm làm việc trước khi “tòa lâu đài” phụng vụ, có thể nói được như thế… tái xuất hiện trong vẻ đẹp huy hoàng của sự cao trọng và hài hòa của nó, một khi được tẩy rửa sạch những vết nhăn vì thời gian”.[7]

Rồi Đức Giáo Hoàng Piô XII cũng đã lập lại dự định lớn lao cải tổ phụng vụ khi ngài ban hành Thông điệp Mediator Dei[8] và bằng việc thiết lập một Ủy ban mới về vấn đề này.[9] Mặt khác, ngài đã có những quyết định về những điểm quan trọng, như bản dịch mới về thánh vịnh, nhằm làm cho việc cầu nguyện với thánh vịnh được dễ hiểu,[10] giảm nhẹ việc giữ chay Thánh Thể nhằm thúc đẩy việc hiệp lễ được dễ dàng cho mọi người, sử dụng sinh ngữ trong các lễ nghi, và nhất là lập lại vọng phục sinh[11] và Tuần thánh.[12]

Ở đầu Sách lễ Rôma năm 1962 có trích lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII như sau “những nguyên tắc lớn hướng dẫn việc cải tổ toàn bộ phụng vụ phải được đưa ra cho các Nghị phụ trong Công Đồng sắp tới”.[13]

4. Một cải tổ phụng vụ toàn bộ như thế đã đáp ứng được sự chờ đợi chung trong Giáo Hội. Vì tinh thần phụng vụ đã lan rộng càng lúc càng hơn trong hầu khắp mọi giới, với mong ước được “tham dự sinh động hơn vào những mầu nhiệm rất thánh và vào việc cầu nguyện trang trọng của Giáo Hội,[14] cùng với khát khao nghe Lời Chúa nhiều hơn. Vì gắn liền với việc cải tổ Kinh Thánh, với phong trào đại kết, với việc nghiên cứu về Giáo Hội học, nên việc cải tổ phung vụ phải đóng góp vào việc đổi mới toàn bộ Giáo Hội”. Tôi đã nhắc lại điều đó trong thư Dominicae Cenae của tôi: “có một liên hệ rất chặt chẽ và hữu cơ giữa việc canh tân phụng vụ và canh tân toàn bộ đời sống Giáo Hội. Giáo Hội hoạt động trong phụng vụ, nhưng Giáo Hội cũng tự diễn đạt trong phụng vụ, Giáo Hội sống phụng vụ và kín múc trong phụng vụ những nguồn lực sinh động của mình”.[15]

Việc cải tổ những lễ nghi và các sách phụng vụ đã được tiến hành hầu khắp ngay sau khi công bố Hiến chế Sacrosanctum Concilium và đã được thực hiện trong vòng vài năm nhờ việc làm đáng kể và vô vụ lợi của một số đông các chuyên viên và chủ chăn của mọi miền trên thế giới.[16]

Công tác này đã được hoàn thành theo nguyên tắc Công Đồng: trung thành với truyền thống và cởi mở với tiến bộ chính đáng.[17] Vì thế, người ta có thể nói rằng việc cải tổ phụng vụ là rất truyền thống theo qui luật của các Thánh Giáo phụ (ad normam Sanctorum Patrum).[18]

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO CỦA HIẾN CHẾ

5. Những nguyên tắc chỉ đạo của Hiến chế, trước đây đã là nền tảng cho việc cải tổ, thì nay vẫn là cơ bản để hướng dẫn tín hữu đến việc cử hành sinh động các mầu nhiệm, “nguồn mạch tiên khởi và tối cần cho tinh thần Kitô hữu chân chính”.[19] Ngày nay khi mà phần lớn các sách phụng vụ đã được xuất bản, dịch và lưu hành, thì vẫn cần phải không ngừng tham chiếu và đào sâu những nguyên tắc này.

a. Hiện tại hóa mầu nhiệm phục sinh

6. Trước hết đó là nguyên tắc hiện tại hóa mầu nhiệm phục sinh trong phụng vụ Giáo Hội: “vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô bị treo trên thập giá mà bí tích khả kính của toàn Giáo Hội được sinh ra”.[20] Tất cả đời sống phụng vụ xoay quanh hy lễ Thánh Thể và những bí tích khác, nơi đó chúng ta kín múc tận những nguồn mạch sống động của ơn cứu chuộc (x. Is.12,3).[21] Vì thế chúng ta phải ý thức rõ là “nhờ mầu nhiệm phục sinh, chúng ta đã được mai táng với Chúa Kitô trong bí tích rửa tội, ngõ hầu cùng với Ngài, chúng ta sống một đời mới”.[22] Khi người tín hữu tham dự vào bí tích Thánh Thể, họ phải hiểu rằng thực sự “mỗi khi cử hành hy lễ tưởng niệm này, thì chính là công trình Cứu chuộc chúng ta được thực hiện”.[23] Vì thế mà các chủ chăn phải kiên nhẫn huấn luyện họ cử hành trong mỗi ngày Chúa nhật công trình kỳ diệu mà Chúa Kitô đã hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt qua của Ngài để rồi đến lượt họ, họ loan báo Ngài cho thế giới.[24] Đêm phục sinh phải tái hiện trong tâm hồn mọi người – chủ chăn và tín hữu – với tầm quan trọng duy nhất của nó trong năm phụng vụ đến độ thực sự là ngày lễ của các ngày lễ.

Bởi vì sự chết của Chúa Kitô trên thập giá và sự phục sinh của Ngài cấu tạo nên nội dung của đời sống thường ngày của Giáo Hội[25] và là bảo chứng của cuộc vượt qua đời đời của mình,[26] nên phụng vụ có trách nhiệm hàng đầu là không ngừng dẫn đưa chúng ta trên đường phục sinh do Chúa Kitô khai mở, nơi đó mọi người chấp nhận chết để đi vào sự sống.

7. Để hiện tại hóa mầu nhiệm phục sinh của mình, Chúa Kitô vẫn luôn hiện diện với Giáo Hội, nhất là trong những hoạt động phụng vụ.[27] Vì phụng vụ là “nơi” đặc biệt để người Kitô hữu gặp gỡ Thiên Chúa và Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 17,3). Chúa Kitô luôn hiện diện trong Giáo Hội khi Giáo Hội tụ họp cầu nguyện nhân danh Ngài. Chính thực đó là điều xây dựng nên sự vĩ đại của cộng đoàn Kitô hữu và tạo nên lý do đòi phải có sự tiếp đón huynh đệ – đến mức độ tha thứ (x. Mt 5,23-24) – và cũng đòi phải có sự trang trọng trong thái độ, cử chỉ và những bài hát.

Chúa Kitô hiện diện và hành động trong vị linh mục cử hành.[28] Linh mục không chỉ là người được trao một trách vụ, nhưng do bởi bí tích truyền chức mà ngài đã nhận, nên đã được thánh hiến để hành động “với tư cách Chúa Kitô” (In persona Christi). Vì đó mà thái độ bên trong và bên ngoài của ngài phải phù hợp với tư cách đó, kể cả đến những trang phục phụng vụ, nơi chốn ngài cử hành và những lời ngài công bố.

Chúa Kitô hiện diện trong lời của linh mục, được công bố trong cộng đoàn và qua bài giảng bình giải. Lời này phải được lắng nghe trong đức tin và đón nhận trong lời cầu nguyện. Điều đó phải được mọi người nhìn thấy ở dáng vẻ khả kính của sách và nơi công bố lời Chúa, trong cung cách của người đọc sinh và trong thái độ ý thức mình là phát ngôn viên lời Chúa trước mặt anh em của mình. Chúa Kitô hiện diện và hành động bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trong các bí tích, và một cách đặc biệt và tuyệt vời (sublimiori modo), trong hiến tế thánh lễ dưới hình thái Thánh Thể,[29] ngay cả khi Thánh Thể được gìn giữ trong nhà Chầu ngoài thánh lễ, để dự phòng trước hết cho các bệnh nhân được rước Mình Thánh Chúa và cho giáo dân tôn thờ.[30] Về vấn đề hiện diện thực sự và mầu nhiệm này, các chủ chăn phải thường xuyên nhắc nhở, qua việc giảng dạy giáo lý, về điểm giáo lý đức tin này mà người tín hữu phải sống và các nhà thần học được kêu gọi đào sâu. Niềm tin vào sự hiện diện của Chúa dẫn đến dấu chứng tôn kính bề ngoài đối với thánh đường, là nơi thánh mà Thiên Chúa tỏ hiện trong mầu nhiệm của Ngài (x. Ex 3,5), nhưng nhất là qua những lần cử hành bí tích: mong sao cho những sự thánh luôn được đối xử cách thánh thiện!

b. Việc đọc Lời Chúa

8. Điểm thứ hai là về nguyên tắc hiện diện của Lời Chúa. Hiến chế Sacrosanctum cũng đã muốn tái lập “việc đọc Thánh Kinh dồi dào hơn, uyển chuyển hơn và thích ứng nhiều hơn”.[31] Lý do sâu xa của việc tái lập này được diễn tả trong Hiến chế phụng vụ: “ngõ hầu sự kết hợp mật thiết giữa nghi thức và lời đọc trong phụng vụ được tỏ lộ rõ rệt”,[32] và trong Hiến chế tín lý về Mạc khải thần linh: “Giáo Hội đã luôn luôn tôn kính Thánh Kinh, cũng như Giáo Hội đã luôn làm như thế đối với chính Thánh Thể, nhất là trong phụng vụ thánh, Giáo Hội không ngừng lấy bánh hằng sống từ bàn tiệc Lời Chúa và từ bàn tiệc Mình Thánh Chúa để phân phát cho tín hữu”.[33] Sự phát triển đời sống phụng vụ, và tiếp đó là sự tiến bộ trong đời sống Kitô hữu sẽ không thể có được nếu người ta không thường xuyên thúc đẩy nơi các tín hữu, và trước hết là nơi các linh mục, một “lòng mộ mến say mê và sống động đối với Thánh Kinh”.[34] Ngày nay Lời Chúa được biết đến nhiều hơn trong các cộng đoàn Kitô hữu, nhưng một sự canh tân đích thực vẫn còn và luôn đặt ra những yêu cầu khác nữa: đó là sự trung thành với nghĩa xác thực của Thánh Kinh là điều luôn phải giữ: đặc biệt khi Thánh Kinh được dịch ra những ngôn ngữ khác: cung cách công bố Lời Chúa để Lời Chúa được đón nhận chính xác chân thực, việc sử dụng những phương tiện kỹ thuật thích hợp, thái độ nội tâm của các thừa tác viên Lời Chúa để chu toàn xứng đáng trách vụ của mình trong cộng đoàn phụng vụ,[35] “việc chuẩn bị cẩn thận bài giảng nhờ nghiên cứu và suy niệm, sự quan tâm của người tín hữu vào việc tham dự bàn tiệc Lời Chúa, lòng mộ mến cầu nguyện với thánh vịnh, ước muốn khám phá Chúa Kitô trong Thánh Kinh cũng như trong Bánh được chia sẻ, như các môn đệ làng Emmaus xưa”.[36]

c. Giáo Hội tự biểu lộ

9. Sau hết, Công Đồng đã muốn thấy sự hiển linh của Giáo Hội trong phụng vụ. Phụng vụ là Giáo Hội cầu nguyện. Khi cử hành phượng tự thần linh, Giáo Hội diễn tả chính mình: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Giáo Hội tự biểu lộ là duy nhất, sự duy nhất này xuất phát từ chính Thiên Chúa Ba Ngôi,[37] nhất là khi dân thánh của Thiên Chúa tham dự “vào cùng một Thánh Thể, trong một lời nguyện duy nhất, bên bàn thờ duy nhất nơi Giám mục chủ tọa cùng với linh mục đoàn và các thừa tác viên của ngài”.[38] Ước gì đừng có chuyện gì gây đổ vỡ và suy yếu cho sự duy nhất này của Giáo Hội trong việc cử hành phụng vụ!

Giáo Hội diễn tả sự thánh thiện đến với mình từ Chúa Kitô (x. Eph 5,26-27), khi được qui tụ trong một thân thể do Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa[39] và ban sự sống.[40] Giáo Hội thông truyền cho các tín hữu mọi ân sủng và phúc lành của Chúa Cha, qua bàn tiệc Thánh Thể và những bí tích khác.[41]

Trong cử hành phụng vụ, Giáo Hội diễn tả tính Công giáo, bởi vì trong Giáo Hội, Thánh Thần Chúa qui tụ mọi người thuộc mọi ngôn ngữ cùng tuyên xưng một niềm tin chung,[42] và từ phương Đông đến phương Tây, Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha hiến lễ là Chúa Kitô và cùng dâng hiến chính mình hợp với Chúa Kitô.[43]

Sau hết, trong phụng vụ Giáo Hội biểu lộ là một Giáo Hội tông truyền, bởi vì đức tin mà Giáo Hội tuyên xưng thì được xây dựng trên chứng tá của các tông đồ, bởi vì trong việc cử hành các mầu nhiệm được giám mục kế vị các tông đồ chủ sự, hoặc do một thừa tác viên được ủy nhiệm kế tục sự nghiệp các tông đồ. Giáo Hội trung thành chuyển lại những gì mình đã nhận từ truyền thống tông đồ, bởi vì việc phụng tự mà Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa dạy cho Giáo Hội rằng mình có sứ vụ tỏa chiếu Tin Mừng trong thế giới này.

Như thế, chính trước hết là trong phụng vụ mà mầu nhiệm Giáo Hội được loan báo, thưởng nếm và được sống.[44]

III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG NHẰM HƯỚNG DẪN CANH TÂN ĐỜI SỐNG PHỤNG VỤ

10. Từ những nguyên tắc nói trên rút ra được những qui luật và định hướng hướng dẫn việc canh tân đời sống phụng vụ. Nếu như việc cải tổ phụng vụ theo như mong muốn của Công Đồng Vatican II có thể xem như là đã được hoàn tất rồi, thì ngược lại, việc mục vụ phụng vụ tạo nên một bổn phận thường xuyên ngõ hầu luôn kín múc ngày càng dồi dào hơn nữa trong phụng vụ sung mãn, sức mạnh đầy sinh lực, phát xuất từ Chúa Kitô và tràn lan sang các chi thể của Nhiệm thể Người là Giáo Hội.

Bởi vì phụng vụ là việc thi hành chức linh mục của Chúa Kitô, nên cần thiết phải luôn duy trì cho sống động lời xác quyết của người môn đệ đứng trước sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa Kitô: “Chính Thầy đó!” (Ga 21,7). Trong phụng vụ, không thể có điều gì chúng ta làm mà được tỏ ra như là quan trọng hơn điều Chúa Kitô thực hiện cách vô hình nhưng thực sự, do Thánh Thần của Người. Vì đức tin sinh động dẫn đến đức ái, do đó sự tôn thờ, lời ca ngợi Chúa Cha và sự thinh lặng chiêm niệm sẽ luôn là những mục tiêu đầu tiên mà việc mục vụ phụng vụ và bí tích phải đạt đến.

Bởi vì phụng vụ luôn thấm nhuần Lời Chúa, nên mọi lời khác phải hòa hợp nhịp nhàng với Lời Chúa, trước hết là bài giảng, nhưng ngay cả các bài hát và các lời hướng dẫn cũng thế. Không được dùng một bài đọc nào khác để thay thế lời Thánh Kinh, và lời loài người phải phục vụ Lời Thiên Chúa, chứ không được che khuất Lời Chúa.

Bởi vì “những hành động phụng vụ không phải là những hành động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo Hội là bí tích hiệp nhất”,[45] nên kỷ luật phụng vụ chỉ tùy thuộc nơi quyền theo phẩm trật Giáo Hội.[46] Phụng vụ thuộc về thân thể của Giáo Hội.[47] Chính vì đó mà không cho phép người nào, ngay cả linh mục, hoặc một nhóm nào bất cứ, được tự ý thêm vào, bỏ bớt hoặc thay đổi bất cứ điều gì.[48] Sự trung thành với các lễ nghi và bản văn chính thức của phụng vụ là một bó buộc theo “luật cầu nguyện” (lex orandi), là luật phải luôn phù hợp với “luật đức tin” (lex credendi). Thiếu sót trong việc trung thành về điểm này có thể đụng chạm đến chính việc thành sự của bí tích.

Bởi vì là việc cử hành của Giáo Hội, phụng vụ mời gọi sự tham dự đầy đủ, ý thức và sống động của mọi người, tùy theo cấp bậc và phận vụ:[49] mọi người, thừa tác viên và tín hữu, trong khi chu toàn phận vụ của mình, nên thi hành trọn vẹn những gì thuộc lãnh vực mình thôi.[50] Chính vì đó mà Giáo Hội quý chuộng việc cử hành cộng đồng hơn, khi bản chất của các lễ nghi đòi hỏi.[51] Giáo Hội khuyến khích việc huấn luyện những người giúp lễ, đọc sách, ca viên, người dẫn giải; vì những người này chu toàn một thừa tác vụ phụng vụ thực sự,[52] Giáo Hội đã tái lập việc đồng tế,[53] Giáo Hội khuyên nên cùng chu toàn với nhau Kinh Nhật tụng.[54]

Bởi vì phụng vụ là trường dạy cầu nguyện của Giáo Hội, nên xét thấy là tốt việc sử dụng và phát triển các sinh ngữ mà không bỏ việc sử dụng La ngữ đã được Công Đồng giữ lại cho các lễ nghi Latinh,[55] – ngõ hầu mỗi người có thể nghe và tung hô những kỳ công của Thiên Chúa bằng tiếng mẹ của mình (x. Ac 2,11); và cũng xét thấy là tốt việc thêm số những kinh Tiền Tụng (préfaces) và những kinh nguyện Thánh Thể, làm giàu cho kho tàng cầu nguyện và thâm hiểu những mầu nhiệm Chúa Kitô.

Bởi vì phụng vụ có giá trị mục vụ lớn lao, nên các sách phụng vụ đã dự trù một quyền rộng rãi cho việc thích nghi với từng cộng đoàn và những cá nhân, và cũng dự trù khả năng mở rộng cho các tinh hoa và văn hóa của các dân tộc khác nhau.[56] Việc duyệt xét lại các lễ nghi nhằm tìm kiếm nét đơn sơ cao quí[57] và những dấu chỉ dễ hiểu, nhưng sự đơn sơ mong ước không được làm nghèo đi nét đẹp của các dấu chỉ. Trái lại, các dấu chỉ, nhất là những dấu chỉ bí tích, phải có được nét diễn đạt phong phú hơn nữa. Bánh và rượu nho, nước và dầu, nhưng còn cả đến hương, tro, hoa, đèn và hầu hết mọi yếu tố của tạo vật đều có chỗ đứng trong phụng vụ như là của lễ dâng lên Đấng Tạo hóa và góp phần vào nét thanh cao và vẻ đẹp của việc cử hành các lễ nghi.

IV. ÁP DỤNG CỤ THỂ CỦA VIỆC CẢI TỔ

a. Những khó khăn

11. Cần phải nhìn nhận rằng việc áp dụng cải tổ phụng vụ đã gặp phải những khó khăn nhất là do bối cảnh chưa thuận lợi lắm bởi việc tư nhân hóa lãnh vực tôn giáo, bởi một sự chối bỏ nào đó mọi cơ cấu, bởi sự hiện diện ít rõ nét hơn của Giáo Hội trong xã hội, bởi việc đặt lại vấn đề đức tin cá nhân. Người ta cũng có thể ước đoán rằng bước quá độ từ sự tham dự đơn giản, thường khá thụ động và câm lặng sang đến việc tham dự tích cực và sống động hơn đã là một đòi hỏi quá mạnh mẽ đối với nhiều người. Vì đó nảy sinh nhiều thái độ khác biệt và ngay cả đối kháng với việc cải tổ: một số người đã đón nhận những sách mới cách khá dửng dưng hoặc không tìm hiểu cũng như không làm cho người khác hiểu những động cơ của những thay đổi, một số người khác, khốn thay, vẫn cứ khư khư đơn phương bám chặt những hình thức phụng vụ trước đây, mà một số người quan niệm rằng các hình thức đó là bảo đảm duy nhất cho đức tin, sau cùng một số người khác đã khởi xướng những đổi mới tuỳ hứng, xa cách với những qui luật do Thẩm quyền Tòa Thánh hoặc các giám mục thiết lập, gây xáo trộn cho sự hiệp nhất Giáo Hội và lòng đạo đức của tín hữu, đôi khi đụng chạm đến cả những dữ kiện đức tin.

b. Những kết quả tích cực

12. Nhưng không vì thế mà quên rằng rất đông đảo các chủ chăn và dân Kitô giáo đã đón nhận việc cải tổ phụng vụ với tâm tình vâng phục và hăng say phấn khởi nữa. Chính vì đó phải tạ ơn Thiên Chúa vì đã ban cho ta cuộc viếng thăm của Thánh Thần Ngài trong Giáo Hội, tức là công cuộc canh tân phụng vụ vừa qua,[58] và bàn tiệc Lời Chúa, từ nay được mở rộng cho tất cả mọi người,[59] tạ ơn vì nỗ lực to lớn được thực hiện trên khắp thế giới nhằm cung cấp cho dân Kitô giáo những bản dịch Thánh Kinh, Thánh lễ và những sách phụng vụ khác, tạ ơn vì sự tham dự gia tăng của các tín hữu vào bí tích Thánh Thể và những bí tích khác qua lời kinh nguyện và lời ca, qua những cử chỉ và lúc thinh lặng, tạ ơn vì những tác vụ do giáo dân chu toàn và những trách nhiệm họ gánh vác do chức linh mục cộng đồng họ đã lãnh nhận qua bí tích rửa tội và thêm sức, tạ ơn vì sinh lực lan tỏa của nhiều cộng đoàn Kitô giáo, sinh lực được kín múc ở suối nguồn phụng vụ.

Đó là bao động cơ để trung thành gắn bó với giảng huấn của Hiến chế Sacrosanctum Concilium và với những cải tổ mà Hiến chế cho phép thực hiện: “Việc canh tân phụng vụ là hoa trái hiển nhiên nhất của toàn bộ công trình của Công Đồng”.[60] Đối với nhiều người, sứ điệp của Công Đồng Vatican II đã được nhận thấy trước hết qua việc cải tổ phụng vụ.

c. Những áp dụng lệch lạc

13. Bên cạnh những thành quả của việc cải tổ phụng vụ, cần phải nhìn nhận và hối tiếc một số những lệch lạc ít nhiều trầm trọng hơn trong việc áp dụng cải tổ.

Người ta nhận thấy đôi khi có những thêm bớt trái phép, những lễ nghi được sáng chế vượt khỏi những qui luật ấn định, những cử chỉ hoặc những bài hát không nâng đỡ cho đức tin hoặc cảm thức thiêng liêng, những lạm dụng trong việc cử hành sám hối tập thể, nhưng lẫn lộn giữa chức linh mục thừa tác do việc truyền chức và chức linh mục cộng đồng của tín hữu có nền tảng trong bí tích rửa tội.

Không thể chấp nhận việc một số linh mục tự cho mình có quyền soạn những kinh nguyện Thánh Thể hoặc thay thế những bản văn Thánh Kinh bằng những bản văn thường (profanes). Những sáng kiến như thế, thay vì gắn liền với việc cải tổ phụng vụ hoặc với những sách phát xuất từ cải tổ, thì lại trực tiếp đi ngược cải tổ, bóp méo cải tổ và khiến người Kitô hữu phải mất mát những nguồn phong phú đích thực của phụng vụ Giáo Hội. Các giám mục có nhiệm vụ cấm những lạm dụng này, bởi vì việc quản lý phụng vụ tùy thuộc giám mục, trong những giới hạn thẩm quyền,[61] và vì đời sống Kitô hữu của người tín hữu phát xuất từ ngài phần nào.[62]

V. TƯƠNG LAI CỦA CÔNG CUỘC CANH TÂN

14. Hiến chế Sacrosanctum Concilium đã diễn tả sự đồng thanh nhất trí của Giám mục đoàn qui tụ chung quanh người kế vị thánh Phêrô, và với sự trợ giúp của Thánh Thần chân lý đã được Chúa Giêsu hứa ban (x. Ga 15,26): Hiến chế vẫn còn tiếp tục lôi kéo Giáo Hội theo hướng canh tân và đường thánh thiện, đồng thời phát huy đời sống phụng vụ đích thực.

Những nguyên tắc đưa ra trong tài liệu này cũng là những định hướng cho tương lai của phụng vụ, sao cho việc cải tổ phụng vụ luôn được thấu hiểu và được thực hiện hơn nữa. “Vì thế cần thiết và rất thích hợp tổ chức lại việc huấn luyện tập trung (éducation intensive) nhằm giúp khám phá những phong phú chứa đựng trong phụng vụ hiện nay.[63]

Phụng vụ của Giáo Hội vượt lên trên cả việc cải tổ phụng vụ. Chúng ta không đứng ở cùng một tình trạng như năm 1963, một thế hệ gồm những linh mục và tín hữu trước đây chưa hề biết đến các sách phụng vụ trước thời kỳ cải tổ, thì ngày nay đang thi hành những trách vụ trong Giáo Hội và xã hội. Vì thế người ta không thể tiếp tục nói về vấn đề thay đổi như vào thời điểm phát hành tài liệu, nhưng là nói về vấn đề đào sâu luôn mãi mạnh mẽ hơn về phụng vụ Giáo Hội, được cử hành theo những sách hiện hành và được sống trước hết như một thực tại thiêng liêng.

a. Việc huấn luyện Thánh Kinh và Phụng vụ

15. Nhiệm vụ khẩn thiết nhất hiện nay là việc huấn luyện Thánh Kinh và Phụng vụ cho dân Thiên Chúa, chủ chăn và tín hữu. Hiến chế đã có nhấn mạnh điểm này: “Sẽ không có hy vọng nào đạt được thành quả đó, (sự tham dự đầy đủ và sống động của toàn dân), nếu trước hết chính các chủ chăn không thấm nhuần sâu rộng tinh thần và sức mạnh của phụng vụ cũng như không đủ khả năng giảng dạy phụng vụ”.[64] Đó là cả một công trình lâu dài, phải được bắt đầu trong các Chủng viện và những Học viện huấn luyện,[65] và phải được tiếp tục theo đuổi suốt đời linh mục.[66] Việc huấn luyện này, được thích ứng với bậc sống của họ, cũng rất cần thiết đối với giáo dân,[67] càng cần thiết hơn khi trong nhiều miền trên thế giới, giáo dân được mời gọi đảm nhận những trách nhiệm càng lúc càng cao trong cộng đoàn.

b. Việc thích ứng

16. Một trách vụ khác nữa cho tương lai là trách vụ thích ứng phụng vụ cho nhiều văn hóa khác biệt. Hiến chế đã đưa ra nguyên tắc và hướng dẫn thể thức tiến hành đối với các Hội Đồng Giám Mục.[68] Việc thích ứng các ngôn ngữ đã tiến hành nhanh chóng, mặc dù đôi lúc cũng thực hiện khó khăn. Tiếp theo là việc thích ứng về lễ nghi, có phần tế nhị hơn, nhưng cũng cần thiết. Nỗ lực theo đuổi vẫn còn dài nhằm làm cho phụng vụ được bén rễ trong những nền văn hóa khác biệt, bằng cách đón nhận nơi một nền văn hóa những cung cách diễn đạt có thể hòa nhịp với những khía cạnh của tinh thần phụng vụ đích thực và chính thống, trong sự tôn trọng tính duy nhất bản thể của lễ nghi Rôma (unité substantielle du rite romain) được diễn tả trong những sách phụng vụ.[69] Việc thích ứng phải lưu ý đến sự kiện này là trong phụng vụ, nhất là phụng vụ bí tích, vẫn có một thành phần không thay đổi (une partie immuable) – bởi vì đó là do Thần lập (d’institution divine) -, mà Giáo Hội là người bảo vệ, và những thành phần có thể thay đổi (parties susceptibles de changement) mà Giáo Hội có quyền và đôi khi phải nói là có bổn phận thích ứng với những văn hóa của những dân tộc mới được Tin Mừng hóa.[70] Đây không phải là vấn đề mới mẻ trong Giáo Hội: sự dị biệt phụng vụ có thể là nguồn sung mãn, cũng có thể gây nên căng thẳng, bất đồng và ngay cả ly giáo. Trong lãnh vực này, rõ ràng là sự dị biệt không được làm hại đến sự hiệp nhất. Dị biệt chỉ có thể diễn đạt trong sự trung thành với niềm tin chung, với những dấu chỉ bí tích mà Giáo Hội đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, và với sự thông hiệp theo phẩm trật. Sự thích ứng với các văn hóa đòi hỏi một sự hoán cải nội tâm, và nếu có thể được, thì đó là những đoạn tuyệt với những tập tục tổ tiên không thích hợp với đức tin công giáo. Điều đó đòi hỏi một sự huấn luyện nghiêm túc về thần học, lịch sử và văn hóa, và đòi hỏi một sự phê phán lành mạnh để phân biệt cái gì là cần hoặc hữu ích, hoặc trái lại là bất lợi hoặc nguy hiểm cho đức tin. “Một tiến bộ thỏa đáng trong lãnh vực này chỉ có thể là thành quả của sự trưởng thành tiệm tiến trong đức tin, cảm thức về Giáo Hội phổ quát, trong một sự nhất trí rộng lớn”.[71]

c. Lưu tâm đến những vấn đề mới

17. Nỗ lực canh tân phụng vụ còn phải đáp ứng được những yêu cầu của thời đại chúng ta. Phụng vụ không phải là phi nhập thể (désincarnée).[72] Từ hai mươi lăm năm nay, những vấn đề mới đã được đặt ra hoặc đã có một điểm nổi cộm mới, chẳng hạn như vấn đề thi hành chức phó tế được trao cho những nam nhân có gia đình, những trách vụ trao phó giáo dân nam và nữ, trong các buổi cử hành, các buổi cử hành phụng vụ cho thiếu nhi, cho giới trẻ và cho những người khuyết tật, những phương thức soạn thảo những bản văn phụng vụ thích hợp một xứ nào.

Hiến chế Sacrosanctum Concilium không đề cập đến những vấn đề này, nhưng đưa ra những nguyên tắc chung tổng quát nhằm phối hợp và cổ vũ đời sống phụng vụ.

d. Phụng vụ và lòng đạo đức bình dân

18. Sau hết, để gìn giữ việc cải tổ và bảo đảm sự tiến bộ của phụng vụ,[73] cần phải lưu ý đến lòng đạo đức bình dân Kitô giáo và những tương quan của nó với đời sống phụng vụ.[74] Lòng đạo đức bình dân này không thể bị quên lãng hoặc bị đối xử dửng dưng hoặc khinh chê, bởi vì lòng đạo đức này có nhiều giá trị [75] và lâu nay tự chính mình, lòng đạo đức này diễn tả nền tảng tôn giáo của con người đối với Thiên Chúa. Nhưng nó không ngừng cần được Tin Mừng hóa ngõ hầu đức tin gợi hứng cho lòng đạo đức này, được diễn tả bởi một hành vi luôn có suy nghĩ hơn và chân thực hơn. Những việc đạo đức của dân Kitô giáo,[76] cũng như những hình thức sùng mộ khác, đều được đón nhận và khuyến khích, miễn là chúng không thay thế và không lẫn lộn với những cử hành phụng vụ. Mục vụ phụng vụ chân thực biết dựa trên sự phong phú của lòng đạo đức bình dân, thanh luyện chúng và hướng chúng về phụng vụ như là hiến vật của toàn dân.[77]

VI. NHỮNG CƠ QUAN CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CANH TÂN PHỤNG VỤ

a. Thánh bộ Phượng tự thánh và kỷ luật bí tích

19. Trách nhiệm cổ vũ cho việc canh tân phụng vụ trước hết thuộc về Tòa Thánh.[78] Cách đây bốn trăm năm, Đức Giáo Hoàng Sixto V đã thiết lập Thánh Bộ Lễ nghi và trao cho Thánh bộ trách vụ giám sát việc thực thi phụng tự thánh, được cải tổ do Công Đồng Trento. Thánh Piô X cũng đã thiết lập một Thánh bộ khác về kỷ luật bí tích. Nhằm để vận dụng Hiến chế phụng vụ của Công Đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập một Hội đồng,[79] sau đó là Thánh bộ Phượng tự thánh [80] đã hoàn thành trọng trách nhận lãnh với lòng quảng đại, đầy năng lực và nhanh nhẹn. Theo sự sắp đặt mới của hệ thống giáo triều Rôma, như Tông hiến Pastor bonus đã tiên liệu, thì mọi lãnh vực phụng vụ thánh đều được thống nhất và qui về tòa án duy nhất là Thánh bộ Phượng tự và Kỷ luật bí tích.[81] Ngoại trừ Thánh bộ về giáo lý đức tin vẫn giữ nguyên thẩm quyền, Thánh bộ nói trên có nhiệm vụ điều chỉnh và cổ vũ phụng vụ mà các bí tích là thành phần thiết yếu, bằng cách khuyến khích hoạt động mục vụ phụng vụ,[82] nâng đỡ những cơ quan khác chuyên lo về việc mục vụ phụng vụ, về thánh nhạc, về bài hát và nghệ thuật thánh,[83] và giám sát về kỷ luật bí tích.[84] Đó là cả một công tác quan trọng, bởi vì trước hết chính là việc trung thành gìn giữ những nguyên tắc lớn của phụng vụ công giáo, được minh họa và khai triển trong Hiến chế Công Đồng và đồng thời là việc thấm nhuần các nguyên tắc đó ngõ hầu cổ vũ và đào sâu việc canh tân phụng vụ trong toàn Giáo Hội.

Vì đó, Thánh bộ sẽ giúp đỡ các giám mục địa phận trong trách vụ các ngài để dâng lên Thiên Chúa việc phượng thờ Kitô giáo và điều chỉnh việc phượng thờ đó theo những huấn lệnh của Chúa và luật lệ của Giáo Hội.[85] Thánh bộ sẽ liên lạc mật thiết và tin tưởng với những Hội Đồng Giám Mục trong những gì liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng Giám mục trong lãnh vực phụng vụ.[86]

b. Những Hội Đồng Giám Mục

20. Những Hội đông giám mục có trọng trách chuẩn bị những bản dịch cho các sách phụng vụ.[87] Những yêu cầu hiện thời đôi khi đưa đến việc sử dụng những bản dịch tạm thời, được chuẩn nhận “ad interim” (cách tạm thời). Nhưng đã đến lúc phải suy nghĩ lại những khó khăn lâu nay, và sửa chữa một số những khuyết điểm hoặc một số điểm chưa hoàn chỉnh, bổ túc những bản dịch từng phần, sáng tác hoặc chuẩn nhận những bài hát sử dụng trong phụng vụ, giám sát việc tôn trọng các bản văn đã được chuẩn nhận, và sau hết ấn hành những sách phụng vụ trong một tình trạng mà mọi người có thể xem như là được chấp nhận lâu dài và được trình bày xứng đáng với những mầu nhiệm được cử hành.

Để thi hành công tác phiên dịch, nhưng cũng để có được sự nhất trí rộng lớn hơn theo tầm vóc toàn quốc, các Hội Đồng Giám Mục phải thiết lập một Ủy ban quốc gia và tìm được sự cộng tác của những người chuyên môn trong những ngành khác biệt về khoa học (…) tông đồ phụng vụ.[88] Cũng cần phải tìm hiểu về bản tổng kê gồm phương diện tích cực hoặc tiêu cực của Ủy ban này, về những định hướng và sự trợ giúp mà Ủy ban đã nhận được từ phía Hội Đồng Giám Mục trong sự hình thành hoặc hoạt động của Ủy ban. Vai trò của Ủy ban này càng tế nhị hơn rất nhiều khi Hội đồng muốn bàn đến một số biện pháp nhằm thích ứng hoặc hội nhập văn hóa sâu rộng hơn;[89] đó lại càng là lý do để giám sát và cắt cử vào đây những nhân sự thật chuyên môn.

c. Giám mục Địa phận

21. Trong mỗi Địa phận, Giám mục là người phân phát chính yếu những mầu nhiệm Thiên Chúa và cũng là người tổ chức, người phát động và bảo vệ toàn bộ đời sống phụng vụ trong Giáo Hội được trao phó cho ngài.[90] Mỗi khi giám mục cử hành phụng vụ giữa dân ngài, thì đó chính là mầu nhiệm của Giáo Hội được tỏ lộ. Vì đó mà giám mục cần phải xác tín mạnh mẽ về tầm quan trọng của những cử hành như thế đối với đời sống Kitô hữu của tín hữu của ngài. Những cử hành đó phải là mẫu mực cho toàn địa phận.[91] Cũng còn nhiều việc phải làm nhằm giúp các linh mục và tín hữu thâm hiểu ý nghĩa của các nghi lễ và những bản văn phụng vụ, ngõ hầu phát triển phẩm giá và vẻ đẹp của những cử hành phụng vụ và nơi phụng vụ, hầu cổ vũ, theo cách nói của các Nghị phụ, một “huấn giáo thần bí” (catéchèse mystagogique) của các bí tích. Để chu toàn trách vụ này, giám mục phải thiết lập một hoặc ngay cả nhiều Ủy ban cấp địa phận nhằm trợ giúp ngài cổ vũ hoạt động phụng vụ, thánh nhạc và nghệ thuật thánh trong địa phận của ngài.[92] Về phần Ủy ban địa phận, Ủy ban sẽ hoạt động theo tư tưởng và chỉ đạo của Giám mục, và phải đặt niềm tin tưởng vào quyền bính và sự khuyến khích của ngài để hoàn thành vai trò của mình.[93]

KẾT LUẬN

22. Phụng vụ không phải là tất cả hoạt động của Giáo Hội, nhưng Phụng vụ là nguồn mạch và là đỉnh cao.[94] Phụng vụ là nguồn mạch bởi vì, chính yếu trong các bí tích mà người tín hữu múc lấy dồi dào nước ân sủng tuôn chảy từ cạnh sườn Chúa Kitô trên thập giá. Lấy lại hình ảnh thân quen của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, phụng vụ như là giếng nước của thôn làng, nơi mỗi thế hệ đến kín múc nước luôn đầy sức sống và mát mẻ. Phụng vụ là đỉnh cao, bởi vì tất cả hoạt động của Giáo Hội hướng về việc kết hiệp đời sống với Chúa Kitô và chính trong phụng vụ mà Giáo Hội biểu lộ và thông ban cho tín hữu công trình cứu độ đã được Chúa Kitô thực hiện một lần thay cho tất cả.

23. Xem ra đã đến lúc cần tìm lại luồng gió lớn đã nâng Giáo Hội lên vào thời điểm Hiến chế Sacrosanctum Concilium được chuẩn bị, thảo luận, bỏ phiếu, công bố và vào lúc Hiến chế đã chứng kiến những biện pháp áp dụng ban đầu. Hạt giống đã được gieo vãi: đã chịu kinh nghiệm sự khắc nghiệt của mùa đông, nhưng hạt giống đã lên mầm, đã trưởng thành nên cây lớn. Vì thế, đây đúng là vấn đề tăng trưởng hữu cơ của cây: càng đâm rễ sâu vào đất truyền thống thì cây càng mọc khỏe lên.[95] Tôi muốn nhắc lại ở đây điều mà tôi đã nói với Hội nghị các Ủy ban phụng vụ vào năm 1984: là trong công trình canh tân phụng vụ theo mong muốn của Công Đồng, cần phải luôn quan tâm “cách quân bình nhất, đến phần của Thiên Chúa và phần của con người, giáo phẩm và tín hữu, truyền thống và tiến bộ, luật lệ và việc thích nghi, cái riêng và cái chung, thinh lặng và xướng hát. Như thế phụng vụ trần gian sẽ nối kết với phụng vụ thiên quốc, nơi (…) sẽ hình thành một ca đoàn duy nhất (…) để đồng thanh cất lên bài ca chúc tụng dâng về Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu Kitô”.[96]

Với ước nguyện tràn đầy tin tưởng, biến thành lời cầu nguyện trong lòng tôi, tôi ban phép lành tòa thánh cho tất cả chư huynh.

 

Ban hành tại Vatican, ngày 4 tháng Mười Hai 1988,

năm thứ mười một triều đại Giáo Hoàng của tôi.

+ JOANNES PAULUS PP II

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] AAS 56 (1964), tr. 97-134.

[2] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Sacrosanctum Concilium, số l.

[3] Sứ điệp đầu tiên gửi thế giới (17 tháng 10, 1978): AAS 70 (1978), tr. 920- 921.

[4] Xem đặc biệt: Thông điệp Redemptor hominis (4 tháng ba 1979), số 7. 18-22: AAS 71 (1979), tr. 268-269, 301-324; Tông huấn Catechesi trandendae (16 tháng mười 1979), số 23. 27-30. 33. 37. 48. 53-55. 66-68: AAS 71 (1979), tr. 1296-1297, 1298-1303, 1305-1306, 1308-1309, 1316; Thư Dominicae Genae về mầu nhiệm và về lễ nghi Bí tích Thánh Thể (24 tháng hai 1980): AAS 72 (1980), tr. 115-148; Thông điệp Dives in misericordia (30 tháng mười một 1980), số 13-15: AAS 72 (1980), tr. 1218-1232; Tông huấn Familiaris consortio (22 tháng mười một 1981), số 13.15.19-21.33.38-39. 55-59. 66-68: AAS 74 (1982), tr. 93-96, 97, 101-106, 120-123, 129-131, 147-152; Tông huấn sau Thượng hội đồng Reconciliatio et paenitentia (2 tháng 12. 1984): AAS 77 (1985), tr. 185-275, đặc biệt các số 23-33, tr. 233-271.

[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ gửi các tham dự viên Đại hội các chủ tịch và Thư ký các Ủy ban phụng vụ quốc gia (27 tháng mười 1984), số l; Insegnamenti, VII, 2 (1984) tr. 1049.

[6] Đức Giáo Hoàng Piô X, Tông hiến Divino afflata (1 tháng mười một 1911): AAS 3 (1911), tr. 633-638.

[7] Motu proprio Abhinc duos annos (23 tháng mười 1913): AAS 5 (1913), trg 449-450.

[8] 20 tháng mười một 1947: AAS 39 (1947), tr. 521-600.

[9] Thánh Bộ Lễ nghi, Ban lịch sử, số 71. Memoria sulla riforma liturgica (1946).

[10] Đức Giáo Hoàng Piô XII, Motu proprio In cotidianis precibus (24 tháng ba 1945): AAS 37 (1945), tr. 65-67.

[11] Thánh Bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Dominicae Resurrectionis (9 tháng hai 1951): AAS 43 (1951), tr. 128-129.

[12] Thánh Bộ Lễ nghi, Sắc lệnh Maxima Redem ptionis (16 tháng mười một 1955): AAS 47 (1955), tr. 838-841.

[13] Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Motu proprio Rubricarum instructum (25 tháng bảy 1960): AAS 52 (1960), tr. 594.

[14] Đức Giáo Hoàng Piô X, Motu proprio Tra le solleci tudini dell’officio pastorale (22 tháng 11, 1903): Piô X, Pontificis Maximi Acta, I. tr. 77.

[15] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thư Dominicae Cenae (24 tháng hai 1980), số 13: AAS 72 (1980), tr. 77.

[16] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 25.

[17] Ibid., số 23.

[18] x. Ibid., số 50; Sách lễ Rôma, lời nói đầu, số 6.

[19] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 14.

[20] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 5; Missel romain, Vọng phục sinh, lời nguyện sau bài đọc 7.

[21] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 5-6, 47.61.102.106-107.

[22] Sách lễ Rôma, Vọng phục sinh, cải tổ việc tuyên xưng đức tin Bí tích Rửa Tội.

[23] Ibid., Lễ chiều kính nhớ Tiệc ly của Chúa, Lời nguyện trên lễ vật.

[24] Ibid., Préface của các ngày Chúa nhật, I.

[25] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis (4 tháng ba 1979), số 7: AAS 71 (1979), tr. 268-270.

[26] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thư Dominicae Cenae (24 tháng hai 1980), số 4: AAS 72 (1980), tr. 119-121.

[27] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 7; x. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei (3 tháng 9, 1965): AAS 57 (1965), tr. 762, 764.

[28] x. Thánh Bộ Lễ nghi, Huấn thị Eucharisticum mysterium (25 tháng 5, 1967), số 9: AAS 59 (1967), tr. 547.

[29] x. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei (3 tháng chín 1965): AAS 57 (1965), tr. 763.

[30] x. Ibid., tr. 769-771.

[31] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 35.

[32] Ibidem.

[33] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Dei Verbum (Lời Thiên Chúa), số 21.

[34] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 24.

[35] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thư Dominicae Cenae (24 tháng hai, 1980), số 10: AAS 72 (1980) tr. 134-137.

[36] x. Phụng vụ giờ kinh, thứ hai tuần IV, lời nguyện kinh chiều.

[37] x. Sách lễ Rôma, Lời tựa các ngày Chúa Nhật VIII.

[38] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 41.

[39] x. Sách lễ Rôma, Lời nguyện Thánh Thể II và IV.

[40] x. Ibid., Lời nguyện Thánh Thể III, Kinh tin kính Công Đồng Nicée-Constantinople.

[41] x. Ibid., Lời nguyện Thánh Thể I.

[42] Sách lễ Rôma, Lời chúc lành trọng thể lễ Chúa nhật Hiện xuống

[43] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ gửi các tham dự viên Hội nghị các Chủ tịch và thư ký Ủy ban quốc gia về phụng vụ (27/10/1984).

[44] Cf. Address to the Congress of Presidents and Secretaries of National Liturgical Commissions (27 October 1984), 1: Insegnamenti, VII 2 (1984), p. 1049.

[45] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 26.

[46] Ibid., số 22 và 26

[47] Ibid., số 26.

[48] Ibid., số 22.

[49] Ibid., số 26.

[50] Ibid., số 28.

[51] Ibid., số 27.

[52] Ibid., số 29.

[53] x. Ibid., số 57; x. Thánh Bộ Lễ nghi, Sắc lệnh chung Ecclesiae semper (7 tháng ba 1965): AAS 57 (1965), tr. 410-412.

[54] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 99.

[55] Ibid., số 36.

[56] Ibid., số 37-40.

[57] Ibid., số 34.

[58] Ibid., số 43.

[59] x. Công Đồng Vatican II, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, số 21; Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 51.

[60] Báo cáo chung kết của Đại hội bất thường Thượng Hội Đồng Giám Mục (7 tháng 12, 1985), II, B,b,1.

[61] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), số 22,1.

[62] Ibid., số 41.

[63] Thư Dominicae Cenae (24 tháng hai 1980), s. 9: AAS 72 (1980).

[64] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 14.

[65] x. Thánh Bộ Lễ Nghi, Huấn thị Inter oecumenici (26 tháng 9, 1964) ss. 11-13: AAS 56 (1964); Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, “Ratio fundamentalis” về việc huấn luyện linh mục (6 tháng 1, 1970), ch. VIII: AAS 62 (1970); Huấn thị In ecclesiasticam futurorum về huấn luyện phụng vụ trong các chủng viện (3 tháng 6, 1979) Roma 1979.

[66] x. Thánh Bộ Lễ Nghi, Huấn thị Inter oecumenici (26 tháng 9, 1964) ss. 14-17: AAS 56 (1964).

[67] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 19

[68] Ibid., s. 39.

[69] Ibid., ss. 37-40.

[70] Ibid., s. 21.

[71] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ gửi nhóm giám mục Hội Đồng Giám Mục Zaire (12 tháng tư 1983) s. 5: AAS 75 (1983).

[72] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ gửi các thành viên Hội nghị các chủ tịch và thư ký các Ủy ban quốc gia về phụng vụ (27 tháng mười 1984) s. 2: Insegnamenti, VII: 2 (1984).

[73] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 1.

[74] x. Ibid., ss. 12-13.

[75] x. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8/12/1975) s. 43: AAS 68 (1976).

[76] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 13.

[77] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ gửi Hội nghi các giám mục Abruzzos và Molise qua chuyến viếng thăm “ad limina” (24/4/1986) ss. 3-7: AAS 78 (1986).

[78] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 22, 1.

[79] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông thư Sacram Liturgiam (25 tháng 1, 1964), ss. 3-7: AAS 78 (1966).

[80] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông hiến Sacra Liturg Rituum Congregatio (8 tháng 5, 1969): AAS 61 (1969).

[81] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông hiến Pastor Bonus (28 tháng 6, 1988), s. 69: AAS 80 (1988).

[82] x. Ibid., s. 64-65: 1.c.

[83] x. Ibid., ss. 63 và 66: 1.c.

[84] x. Ibidem.

[85] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen Gentium, s. 26; Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 22, 1.

[86] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông hiến Pastor Bonus (28 tháng 6, 1988), s. 64, 3: 1.c.

[87] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, s. 36 và 63.

[88] x. Ibid., s. 44.

[89] x. Ibid., s. 40.

[90] x. Sắc lệnh Christus Dominus, s. 15.

[91] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các giám mục Ý tham dự khóa huấn luyện phụng vụ (12 tháng hai 1988) s. 1: l’Osservatore Romano, 13 tháng hai 1988.

[92] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, ss. 45-46.

[93] x. Ibid., s. 10.

[94] x. Ibid., s. 23.

[95] x. Ibid., ss. 45-46; s. 23.

[96] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn từ gửi các tham dự viên Hội nghị các chủ tịch và thư ký Ủy ban quốc gia về phụng vụ (27 tháng mười 1984), s. 6: Insegnamenti, VII, 2 (1984).