Tôi Tin Xác Ngày Sau Sống Lại (4)

0
2174


ĐỀ TÀI: TÔI TIN XÁC NGÀY SAU SỐNG LẠI

Hướng dẫn: Linh mục Augustino Nguyễn Văn Trinh

Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn – Khóa V

***

 

***

 

A. TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI NGÀY SAU SỐNG LẠI VÌ

I. THIÊN CHÚA LÀ CHA TOÀN NĂNG – ĐẤNG TẠO HOÁ: NGUỒN SỰ SỐNG

II. ĐỨC GIÊSU CON THIÊN CHÚA – ĐẤNG PHỤC SINH

III. CHÚA THÁNH THẦN – ĐẤNG BAN SỰ SỐNG

B. TÔI TIN THỂ XÁC SỐNG LẠI

2. Phục sinh của con người

“Có người thắc mắc hỏi rằng: Kẻ chết sống lại như thế nào? Họ sẽ trở về với thân xác nào đây?” (1Cr 15, 35). Đây có lẽ như là thắc mắc “vớ vẩn” của “một số người còn hoài nghi” về thân xác phục sinh của Đức Giêsu (Mt 28, 17b). Tuy nhiên, đây cũng là nỗi trăn trở chính đáng của nhiều tín hữu Côrintô nói riêng và người tín hữu nói chung, dù rằng họ có biết đến “mẫu thức” thân xác phục sinh của Đức Kitô, song đối với họ hình như rất khó đồng nhất hóa được thân xác phục sinh của Đức Kitô với thân xác của kẻ chết sống lại. Sự phục sinh thân xác của Đức Giêsu, vị Thiên Chúa – người thì có lẽ còn dễ hiểu; còn sự phục sinh thân xác của con người với những đặc tính như thế nào thì là một bí ẩn, khó hiểu đối với họ, bởi vì giữa sự sống lại của Ngài và sự sống lại của chúng ta vẫn còn cả một mầu nhiệm sâu thẳm của đức tin.

Tuy vậy, sách Giáo Lý Công Giáo xác quyết: “mọi người đã chết đều sẽ phục sinh: ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án” (số 998).

a. Quan niệm thân xác của thánh Phaolô và Gioan

Khi Phaolô trả lời vấn nạn này, điều đó chứng tỏ nó là vấn đề khá quan trọng đối với một số người tín hữu Côrintô, mà có lẽ họ là những người có một số vốn kiến thức nhất định, bởi vì, thực ra thân xác đã không được quan niệm như nhau giữa các dân tộc, các nền văn hóa hay các thế hệ khác nhau. Nếu như Platon cho rằng: Thân xác là tù ngục của linh hồn và đáng bỏ đi như “đồ phế liệu”, thì ngược lại nơi người Ai Cập mà nhất là các Pharaon thì thân xác là cái gì đáng quý kể cả sau khi chết. Nếu một số bản Tin Mừng trình thuật lại thân xác Đức Kitô phục sinh hay những lời rao giảng Tin Mừng của các Tông đồ thì lại nhìn thân xác phục sinh dưới nhãn quan của người Do Thái, trong khi người Côrintô lại quan niệm thân xác bị ảnh hưởng rất nhiều bởi triết học Hy Lạp.

Người Do thái coi “linh hồn” với “tấm thân” đều là cách để diễn tả một thực tại duy nhất là con người, như Tv 62, 2: linh hồn khát khao và xác hao mòn vì mong đợi Chúa; ở 1Tx 5, 23: theo thánh Phaolô, con người toàn diện gồm: “Thần trí, tâm hồn và thân xác”. Bên cạnh đó, người Do Thái chỉ có một từ Bâsâh để nói về thịt khác bởi xương, thì Hy Lạp có hai từ để nói về Bâsâh đó là Sarz (thịt) và Sôma (thân xác). Chính vì quan niệm về con người và thân xác khác nhau giữa hai nền văn hóa như vậy nên một số người Côrintô đã đặt câu hỏi thứ hai: thân xác nào đây? là điều có thể hiểu được.

Thánh Phaolô đưa ra quan niệm của mình về thân xác và ngài đặt đối kháng giữa Pneuma với Sarz, giữa Sarz hay Psychè với Pneuma. Thực ra, thánh nhân muốn nhấn mạnh đến sự yếu đuối của con người và quyền lực của thần trí. Ở Rm 1, 3, Sarz được ngài sử dụng theo quan niệm xưa cổ của Giáo Hội là thuộc về thế giới trần tục, hạn hẹp và chóng qua, đối kháng với thượng giới của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Sarz ở đây có nghĩa tiêu cực như tội lỗi và chống lại Thiên Chúa, nhưng là bị giới hạn, yếu đuối và chóng qua, nghĩa là bình diện trần tục, không quyết định gì cho ơn cứu độ. Cách thứ hai dể hiểu đối kháng Sarz và Pneuma ngay chính trong bản chất của con người. Sarz nói lên xác thịt xuất phát từ Ađam, nói lên con người yếu đuối, nằm trong sự yếu đuối, nằm trong sự hạn hẹp của con người, và tư tưởng của thánh Phaolô vượt lên trên tư tưởng triết học của Hy-lạp trong quan niệm về Sôma – thân xác. Thân xác theo thánh Phaolô không chỉ là xác thể theo quan niệm triết học do mô thể và chất thể đón nhận sự hạn hẹp và cá vị, nhưng thân xác là vị trí hiệp thông với mọi người. Sôma không phải là con người nội tại với chính mình, nhưng là con người khi họ liên hệ với mọi kẻ khác! Con người là Sôma, khi hướng về người khác, khi liên kết với thế giới trong sự mong chờ sống lại, trong khả năng vâng phục và tự hiến [1].

Do vậy, thánh Phaolô coi xác thịt như là biểu tượng của tội lỗi, ích kỷ, và do đó không mấy thiện cảm; vì thế, để nói lên thực thể hữu hạn thì ngài dùng tiếng “thân thể” (Sôma, corpus), thân thể này ngày sau sẽ được sống lại.

Thánh Gioan cũng đưa ra quan niệm: “Xác phàm” (Ga1, 14; 17, 2), theo ngài Sarz là khung cảnh trần thế của con người trong sự hạn hẹp của nó, chứ không nhấn mạnh đến tính chất tội lỗi nào cả. Chính vì thế mà “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm” và Cha “đã ban cho Ngài quyền trên mọi xác phàm”. Tuy nhiên, nơi ngài có sự phân biệt giữa “xác phàm” và “xác thịt” (Ga 3, 6) và “xác thịt” mang tính tiêu cực của nó: “xác thịt thì không ích gì” (Ga 6, 63).

Vì xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với thần khí (Gl 5, 16-23; Rm 8, 5-13;…). Tuy nhiên, “xác thịt” và “thần khí” không còn phải là hai thành phần cấu tạo nên con người cho bằng hai nguyên lý điều khiển các hành vi luân lý của con người[2]. Như vậy, theo quan niệm của thánh Phaolô và Gioan thì: “xác thịt khí huyết” (1Cr 15, 44; Ga 1, 13) thường hướng về những điều thuộc xác thịt và hứng theo xác thịt là chết (Rm 8, 5-6), nên nói theo cách của Arrguin: “lúc tôi bỏ cái “tôi giả” (tội nhân) đi, chính là lúc Thiên Chúa ban cho tôi cái “tôi thực” (nghĩa tử), và nhờ Thần Khí tác sinh-“tôi thực” sẽ được phục sinh ngày sau.

Dù có sự cố gắng vượt lên trên tư tưởng Hy lạp về thân xác, nhưng khi triết học Hy lạp quan niệm con người gồm hồn và xác đã làm cho “bối rối” rất nhiều người. Do vậy, khi quan niệm của ngài về Pneuma, Sarz, Sôma,… thân xác con người được phân ra làm hai đã giúp ngài giải đáp về thân xác phục sinh của con người. Tuy nhiên, nó cũng làm xuất hiện những khó hiểu giữa Sarz và Sôma, mà có khi chính thánh nhân và nhiều người cũng cảm thấy khó khăn trong sự phân biệt này.

b. Thân xác phục sinh và thân xác đang sống là một trong sự biến đổi

Để trả lời cho vấn nạn thân xác nào phục sinh và phục sinh như thế nào? Không phải ngẫu nhiên thánh Phaolô sử dụng lại hình ảnh hạt lúa mì mà chính Đức Giêsu đã dùng để loan báo về sự chết và phục sinh của Ngài (Ga 12, 24). Sự biến đổi kỳ diệu từ hạt lúa trở thành cây lúa được diễn tả bởi từ “chết đi” mang nhiều ý nghĩa và đầy sức sống, tính năng động trong chính sự tương phản của cặp từ ngữ chết – sống hơn rất nhiều so với từ “thối đi”, song có lẽ rất nhiều người còn dừng lại ở quan niệm “thối đi” của hạt lúa mì! Cha Teilhard de Chardin nhận xét: “Rất ít đầu óc nắm bắt được khái niệm biến đổi. Khi thì sự vật được biến đổi với họ là sự vật cũ không có gì thay đổi, khi thì họ thấy đó là cái hoàn toàn mới lạ”.

Dù hình ảnh hạt lúa trở thành cây lúa là một sự diễn tả khiếm khuyết, không trọn vẹn được sự phục sinh thân xác, vì đó là sự biến đổi thuộc vật chất theo jen di truyền và bị chi phối bởi luật tự nhiên, còn sự phục sinh thân xác là một sự biến đổi “tận căn” từ vật chất đến thiêng liêng. Tuy vậy, nó cũng là hình ảnh sống động cho sự phục sinh thân xác con người mà cách trực tiếp thánh Phaolô và gián tiếp là Đức Giêsu đã dùng để trả lời cho con người về sự phục sinh thân xác của mình.

Joergensen, tác giả cuốn “Cuộc đời” thánh Phanxicô Assisi đã viết rất hay về sự biến đổi của hạt lúa mì. Hạt lúa đó không “thối đi” hoàn toàn mà nó chỉ “chết đi”, cái nó ” thối đi” và “chết đi” là cái gì đó thuộc “ngoại diện” và tùy thuộc trong chính bản chất của nó, song rất quan trọng, nếu không có nó có thể nói là hạt lúa không trở thành cây lúa, đó chính là: vỏ lúa, không có vỏ lúa hạt gạo không trở thành cây lúa được. Điều cần phân biệt là: chất gạo trong vỏ lúa ở trong đất không bị thối đi mà biến đổi để trở thành cây lúa, tính năng động và sức sống chính là ở đây. Tất cả những gì trong quả trứng đều được tận dụng và biến đổi để trở thành con gà con – Cái vỏ rất cần thiết cho lúc trước thì lúc này sau khi đã hoàn thành chức năng của nó đã trở thành không cần thiết, được “tách” ra khỏi cây lúa, con gà, nó không còn “phù hợp” với một tiến trình mới, một cuộc sống mới.

Trả lời cho sự sống lại của thân xác, điều thánh Phaolô xác quyết đầu tiên và cũng được coi là điều kiện của sự sống lại đó là: phải chết, chết và táng xác như Chúa Giêsu, “các ngươi gieo có sống được không, nếu không phải chết” (1Cr 15, 36). Thánh Grégoire de Nysse cũng nói: “Bản chất của con người không thể đạt tới điều kiện và tình trạng tốt hơn nếu như không có sự sống lại, và sự sống lại sẽ không xảy ra nếu trước đó đã không diễn ra sự chết”. Bên cạnh đó, trong tính di truyền jen của hạt lúa mì, có vẻ như thánh nhân nói đến sự phục sinh thân xác theo giống loại (1Cr 15, 38-39) và ngài như còn ảnh hưởng quan niệm phục sinh tập thể của Do Thái. Qua tính giống loại , thánh Phaolô như đề cao dự định của Thiên Chúa, bất tử tính và thân xác phục sinh đặc biệt của con người so với các giống loại, vật thể khác. Tuy nhiên, không vì thế mà thánh Phaolô không có quan niệm về sự phục sinh thân xác cá nhân. Ngược lại, quan niệm về sự thưởng phạt và phục sinh cá nhân thể hiện rất rõ trong tư tưởng của ngài: “Không phải xác nào xác nấy như nhau cả!” (1Cr 15, 39), “nhưng ai nấy theo thứ tự của mình” (1Cr 15, 23)… vì: “ở trong quốc gia, cá nhân có thể bị hy sinh cho quyền lợi chung để cứu cả thể cộng đồng, nhưng trước Thượng Đế và ở trong vương quốc của Thượng Đế thì cá nhân là một mục đích tự thân” [3].

Trong nhãn quan về “hạt lúa mì”, thánh Phaolô đã từng viết trước đó: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2Cr 4, 16). Rõ ràng, nơi con người có một sự “biến đổi” chứ không phải “thay đổi”. Từ ngữ “biến đổi” có lẽ cũng là từ hay được áp dụng và rất quan trọng đối với thánh nhân (và nhiều người sau này nữa như: Lubac, Teilhard) khi đề cập đến sự chết và phục sinh thân xác con người. (Pl 3, 21; 1Cr 15, 51-52). Sự “biến đổi” vẫn bảo toàn tính nối dài của cái cũ trong thực tại mới, từ đó, thánh Phaolô (trong 1Cr 15) đã liệt kê những đặc tính mang tính biện chứng của “hạt lúa mì” và là thân xác của con người: “Gieo xuống trong hư họai, sống lại trong bất họai; gieo xuống trong ô nhục, sống lại trong vinh quang; gieo xuống trong yếu đuối, sống lại trong quyền năng; gieo xuống là xác khí huyết, sống lại là xác thần thiêng” (1Cr 15, 42-44). Vì thế, Đức Giêsu đã tuyên bố sau phục sinh “chính Ta đây” (Lc 24, 39), nên “có một sự liên tục thật sự giữa con người đã sống trên trần gian và con người phục sinh. Nếu như không có sự liên tục của một yếu tố tồn tại thuộc con người, con người đã sống trên trần gian và con người sẽ sống lại sẽ không cùng một “cái tôi” đơn thuần” [4].

Quan niệm về cái chết và phục sinh thân xác, Karh Rarhner nghĩ: khi con người còn ở dương gian, xác nó bị giới hạn trong một khối nhỏ vật chất, trong vật chất dưới mặt số lượng và phức đa của nó. Nhưng vật chất không chỉ có mặt phức đa, mà còn mặt nhất tính nữa. Khi xác chết, hồn chỉ lìa xác dưới mặt phức đa, do đó biến dịch. Hồn vẫn là sự hiển định của xác, nhưng bây giờ thì sự hiển định hướng về vật chất dưới mặt nhất tính của nó. Có nghĩa là hồn mô thức hóa vật chất thành xác riêng của mình. Để rồi xác vinh phúc sẽ là “biểu hiện tinh thần của tương quan với toàn vũ trụ mà bản vị được vinh phúc hóa có” [5]. Cha H. Lubac cũng nói: “Thân xác chúng ta không phải bị tất định phải bắt đầu lại không ngừng sự hiện hữu xác thịt nơi trần thế, chỉ ít nhiều được thăng hoa bởi ít đặc tính kỳ khôi; thân xác chúng ta được hứa hẹn, không phải một sự tái họat động nào đó, nhưng là một sự biến đổi hoàn toàn, sự biến đổi phải làm cho nó thành một “thân xác thiêng liêng” như thánh Phaolô nói.

Theo cha Fx. Varillon: thân xác con người in dấu ấn của thời gian tính, không gian tính, xã hội tính, do vậy, thân xác mang tính cá vị riêng, độc đáo nơi mỗi người, nhờ đó là một “tôi” chứ không phải ai khác, “sự phục sinh đạt đến đã được múc nơi một năng lực xác thể có những đặc thù riêng, và năng lực xác thể ấy đã bước vào những quan hệ thân thích, bạn bè, tình yêu riêng tư đối với từng người” [6]. Cũng như Đức Giêsu, qua thân xác phục sinh mà Ngài nói: “Chính là Ta” và các môn đệ đã nhận ra Ngài. Tuy nhiên, “giữa những kẻ còn tin một cuộc sống sau cái chết, nhiều người tưởng tượng cuộc sống mới trên trần gian theo thuyết luân hồi, như vậy, cuộc sống trần thế không còn là duy nhất nữa” (J. Ratzinger). Thế nên, chính con người trọn vẹn, trong sự thống nhất hữu thể được sáng tạo của mình, được cứu độ nhân vị trọn vẹn trong tính duy nhất của mình, mà “ngay trong sự hao mòn thân xác, cũng chính con người duy nhất vẫn tiến thẳng về vĩnh cửu và như là tạo vật của Thiên Chúa, được chuẩn bị ngay trong đời sống thể lý, để chiêm ngắm Thiên Chúa” [7]. “Chúng ta không quên rằng thân xác thực tại của chúng ta, khi sống lại, sẽ giống như thân xác vinh quang của Chúa Kitô (Pl3, 21), “Đó là sự sống lại theo hình ảnh của Đức Kitô, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (2Cr 15, 49).

Như thế, “mẫu mã của sự sống lại đã được Đức Kitô trao ban trong ánh sáng phục sinh của Ngài, cái nhìn gắn bó vào Chúa Kitô phục sinh cho thấy sự duy thực phải được bảo quản một cách nào đó mà không loại bỏ việc chuyển đổi thân xác tồn tại trên trần với thân xác vinh quang”[8], và Công đồng Latran (năm1215) cũng đã tuyên bố: “Mọi người sẽ sống lại trong chính thân xác mà chúng ta đang có trong hiện tại” (DS 801). “Thánh Phaolô nói thân xác phục sinh là một “thân xác thiêng liêng” (2Cr 15, 42), nhưng thánh nhân không giảng triết lý cho chúng ta. Vô ích nếu tìm cách trình bày cho một thân xác như thế là cái gì, rồi sẽ đi đến một thứ khí (gaz) lóng lánh sáng nào đó mà chẳng biết ở thể khí[9]. Vì thế, Công đồng Toledo (năm 675) đã khẳng định: “Dựa theo mẫu gương của Chúa, chúng ta tin rằng sẽ có sự sống lại xác thể của những kẻ đã chết. Theo niềm tin, chúng ta sẽ sống lại không phải trong một thân xác siêu khí hay khác biệt như nhiều người quả quyết, nhưng là ngay trong thân xác chúng ta đang sống, đã tồn tại và đã họat động” (DS 540). Sự sống lại này sẽ hiện thực “trong chính các thân xác đã chết, vì nếu như không phải các thân xác đó, thì kẻ chết sẽ không sống lại”. Vì thế, các giáo phụ nghĩ rằng, nếu không có sự đồng nhất về mặt thể lý, thì khó bảo vệ tính đồng nhất của nhân vị. Không bao giờ Giáo Hội dạy, chính chất liệu là cần thiết để có thể xác nhận là cùng một thân xác. Nhưng trong việc tôn kính Thánh tích, qua đó các tín hữu tuyên xưng rằng, thân xác các vị thánh ngày xưa là các chi thể sống động của Đức Kitô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần sẽ nhờ Người mà được phục sinh để sống đời bất tử và vinh quang, cho thấy rằng: người ta không thể giải thích việc sống lại hoàn toàn độc lập với thân xác đang sống[10].

Một vấn đề được đặt ra: Các thánh có phải là người không hay là ma[11]? Tuy vậy, với thời gian rồi tất cả các mộ phần sẽ là các “mồ trống” và mỗi người được phục sinh đều có thể như Gióp nói: “sau khi thức dậy, tôi sẽ đứng gần Ngài, và trong xương thịt tôi, tôi sẽ trông xem Ngài” (G 19, 23-27), và chỉ vào mình như Đấng Phục Sinh: “Chính là tôi đây mà, ma nào có xương thịt”. Như ĐHY. Ratzinger quả quyết trong tài liệu của uỷ ban thần học quốc tế số 5. 2: “Thật bất xứng với Thiên Chúa nếu như Ngài cứu độ chỉ nửa con người”.

c. Một thân xác thần khí

Con người ngày nay nhận ra trong vòng bảy năm, về mặt sinh học: cấu trúc vật chất của một con người đã được hoàn toàn đổi mới và con người cũng chỉ quen nhận diện những trường hợp thông thường của vật chất. Quả thực, trước những tính cách sâu kín của năng lượng và vật chất họ biết rất ít. Bên cạnh đó, sự sống là gì? vẫn là một vấn nạn, có thể theo Bichat thì sự sống là “toàn thể những chức năng chống cự lại cái chết”, còn Aristote thì: “Sự sống là một chuyển động tự phát và nội tại”, tuy nhiên, dù trong sự tiến triển của khoa học kỹ thuật, trước sự sống sinh học của các sinh vật, của chính mình, con người cũng phải thừa nhận: sự sống tự nó là một hiện tượng huyền diệu.

Theo quan niệm của thời thượng cổ Hy lạp, hay của Trang Tử, con người được cấu thành bởi sự hội tụ của “khí”, hay của những khí “nặng” và “thô”. Vì thế, qua cái chết, thân xác con người tan rã hay được tinh luyện để trở nên một loại khí “nhẹ” hơn, siêu hình hơn, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian và mắt thường không thể thấy được.

Do vậy, dù tin rằng thân xác đang sống này sẽ phục sinh, song “thân xác con người phục sinh như thế nào là điều vượt quá sức tưởng tượng và hiểu biết của chúng ta. Chúng ta chỉ hiểu được trong đức tin” (GLCG 1000). Tuy nhiên, có thể quả quyết: thân xác không trở thành thân xác khác, nhưng trở nên khác – thân xác phục sinh là “thân xác thần khí” (2Cr 15, 44).

Thánh Gioan đã đặt sự đối kháng giữa xác thịt và thần khí, “thần khí mới tác sinh, xác thịt không có gì” (Ga 6, 63), “sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh bởi thần khí là thần khí” (Ga 3, 6), song cũng chính điều này cách nào đó nói lên mối liên hệ giữa thân xác và thần khí mà được biểu lộ rõ nhất là trong Đấng Phục Sinh, một thân xác được phục sinh bởi Thần Khí và đầy tràn Thần Khí nên Ngài đã không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian; từ đó, thân xác phục sinh con người cũng thế, một khi giống như thân xác vinh hiển của Đức Kitô (Pl 3, 21) và là một “thân xác thần khí” (1Cr 15, 44) thì như: “Khí muốn đâu thì thổi đến, nghe được tiếng, nhưng nào có biết được từ đâu mà đến hay lại đi đâu? Cũng vậy, về mọi kẻ tác sinh bởi Thần Khí” (Ga 3, 8).

Nơi các Tin Mừng Nhất Lãm, bên cạnh việc thân xác phục sinh của con người giống như thân xác vinh hiển của Đức Kitô, các thánh sử cho thấy một vài chi tiết liên quan đến sự sống lại và thân xác phục sinh của con người, đó là biến cố Đức Kitô đi trên biển và biến cố biến hình của Ngài. Đặc biệt nơi biến cố biến hình (Mt 17, 1-8) có sự xuất hiện của Môsê và Êlia, dù đó có thể coi là biểu tượng của Luật và Tiên Tri. Rõ ràng, phần cuối cuộc đời của hai ngài chứa đựng nhiều kỳ bí, song sự hiện ra của hai ông ” cho họ” (Mt 17, 3) mà ba Tông đồ đều có thể nhận ra phản ánh một thực tại sống động của hai ngài – hiện ra và biến đi trước mắt các ông. Cũng thế, ngay trong “ngày thứ sáu” ấy thánh Matthêu cũng mô tả một bức tranh về thân xác phục sinh của con người được coi như là tiên báo và được lồng trong sự phục sinh của Đức Kitô: “mồ mả mở toang ra, và xác của nhiều thánh đã yên nghỉ được sống lại. Họ ra khỏi mồ sau khi Ngài sống lại, mà vào thành thánh và hiện ra cho nhiều người” (Mt 27, 52-53). Như thế, thân xác phục sinh của con người ra khỏi mồ với sự siêu-thực (chứ không phải phi-thực) của nó và hiện ra, biến đi; nên: thân xác phục sinh đã không còn phụ thuộc vào những quy luật tự nhiên như không gian và thời gian, nói như cha Fx. Varillon, đó là: “thân xác tự do”, nó có một năng lực kỳ diệu, năng lực Thần Khí – nguyên lý sống không còn là sinh vật mà chính là Thần khí. Ngoài ra, tình trạng thân xác phục sinh cũng được xác định trong sự sung mãn của nó qua cuộc tranh luận của Đức Giêsu với nhóm Sa-đốc: “Thời phục sinh, người ta không còn cưới vợ lấy chồng, nhưng người ta như thiên thần ở trên trời” (Mt 22, 30).

Theo thánh Gioan, Đức Giêsu phục sinh tràn đầy Thần Khí, có thể nói thân xác Ngài là thân xác Thần Khí, chính vì thế Ngài mới có thể trao ban Thần Khí và không bị giới hạn bởi không gian, thời gian,… Đối với thánh Phaolô, thân thể của mỗi người đã được thánh hóa để trở nên Đền Thờ của Ngài và Ngài cư ngụ trong mỗi con người (Rm 8, 11); cũng chính “nhờ bởi” Ngài mà “xác khi sống lại là xác thần thiêng” (1Cr 15, 44). Để đi đến kết luận này, trước đó thánh nhân đã có những câu “sống lại trong bất họai, trong vinh quang, trong quyền năng” (1C 15, 42-43), “vinh quang, bất tử, quyền năng “hay” sáng rực như lửa” (Kn 3, 7) là những biểu trưng của Thần Khí, nên sống lại của con người là sống lại ở trong Thần Khí. Do vậy: thân xác thần khí (thần thiêng) có thể coi là hệ quả tất yếu “nhờ bởi” của Thần Khí, nhờ đó mà thân xác con người “đi đón Chúa trên làn khí” được (1 Tx 5, 17) và “vào buổi được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ sáng rực như tia lửa cháy thiêu đám rạ” (Kn 3, 7).

Theo Cha Durrwell: như thân xác của Đức Giêsu, thân xác của con người khi sống lại sẽ là thân xác vinh hiển, thân thể có thần khí, thân xác này không mông lung, vô định, là một thân xác hữu hình. Vì Thiên Chúa không tiêu hủy tạo vật mà kiện toàn bằng sinh khí Thần linh của Ngài.

d. Sống lại lúc nào?

“Hymênê và Philêtô đã lạc xa chân lý khi họ cho rằng phục sinh đã diễn ra rồi, và chủ trương như thế là huỷ diệt đức tin” (2Tm 2, 17). Chúa Giêsu cũng cho biết: phục sinh sẽ xảy ra vào ngày sau hết (Ga 6, 39. 40. 44. 54). Thế nhưng, vấn nạn vẫn cứ được đặt ra, vấn nạn không có nghĩa là phủ nhận, chối bỏ đức tin – vấn nạn là vấn nạn; tuy nhiên “tôi vẫn tin xác loài người ngày sau sống lại”

Nếu kẻ chết sống lại và với thân xác nào? là vấn nạn nan giải mà một số người Côrintô đặt ra và thánh Phaolô đã lý giải, trả lời khá khúc chiết, rõ ràng trong ánh sáng và mẫu mực của Đấng Phục Sinh nhờ Thần Khí thì câu hỏi về sự sống lại lúc nào? lại làm cho thánh nhân bối rối.

Có thể nói, vấn nạn về phục sinh lúc nào: cũng gần như vấn nạn về “khởi thủy” là gì? Thiên Chúa tạo dựng trời đất lúc nào? (St 1, 1), vì cả hai như đều đặt vấn nạn về thời tính của tác động Thiên Chúa, nhưng rõ ràng câu hỏi trước thì lý trí con người nói chung và triết học kinh viện nói riêng,… có thể trình bày một phần khá hữu lý, nhưng “phục sinh lúc nào?” thì sự tìm hiểu của lý trí con người dường như thất bại.

Trước vấn đề này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, nếu thân xác không phục sinh khi chết mà chỉ đến ngày tận thế thì các thánh là ai? Là người hay là ma? “Khoảng thời gian chờ đợi” đó linh hồn ở đâu và làm gì?

Thuyết cổ điển phân biệt hai giai đoạn bất tử và phục sinh. Sau khi chết, linh hồn bất tử sẽ lãnh phần thưởng hay án phạt. Đến ngày tận thế, thân xác sẽ sống lại và chia sẽ sự thưởng phạt vĩnh viễn với linh hồn.

Theo thuyết Oscar Cullman, chỉ chấp nhận phục sinh vào ngày tận thế. Khi chết thì không còn gì tồn tại. Ngày tận thế, Chúa sẽ cho người lành chỗi dậy, sự phục sinh là một cuộc tái tạo.

Không như hai thuyết trên, thuyết thứ ba chủ trương trung dung hơn: sau khi chết, con người sống lại liền, chứ không cần chờ phải đến ngày tận thế. Khi đã ra khỏi cuộc đời này, thì yếu tố thời gian trước sau, quá khứ vị lai không còn ý nghĩa gì nữa.

Nhìn vào Đấng Phục Sinh, con người chỉ biết được thời gian tính phục sinh của Ngài: “Ngày thứ ba” (Mt 16, 21). Nếu “Ngày thứ ba” đó cũng được coi như là khoảng và điểm thời tính xác định đối với Đức Giêsu; ngược lại, “Ngày thứ ba” lại là khoảng thời tính mang tính biểu tượng khá mơ hồ về sự phục sinh thân xác của con người, nói lên: dù chết thì con người vẫn thuộc về thời gian và quyền năng của sự sống “vì theo quan niệm người xưa, việc hư nát thường xảy ra vào ngày thứ tư” (GLCG 627).

Trong các Tin Mừng, chỉ có Ga 6, 39. 40. 44. 54 là nói rõ: sự sống lại của con người sẽ xảy ra vào ngày tận thế; còn những nơi khác, thời tính của sự phục sinh con người cũng rất khó định rõ, khi hiệu năng của sự sống lại nơi Đấng Phục Sinh đối với ơn cứu độ và sự phục sinh con người như ở thời hiện tại: “hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng làm một với Ta!” (Lc 23, 44), và “mồ mả mở toang, xác của nhiều vị thánh đã yên nghỉ được sống lại” (Mt 27, 52), “theo quan niệm Do Thái, đây được coi là hiện tượng của ngày thế mạt”. Nhưng ở Ga 16, 16 Đức Giêsu nói: “một ít nữa các ngươi sẽ không còn thấy Ta, một ít nữa các ngươi sẽ xem thấy Ta”. Cụm từ “một ít nữa” nơi Tin Mừng thánh Gioan cũng đồng nghĩa với “ngày thứ ba” trong Tin Mừng nhất lãm; tuy nhiên, nó có vẻ mông lung, khó xác định và khó hiểu hơn nên gây thắc mắc cho các môn đồ: “một ít Ngài nói đó là gì?” (Ga 16, 18), như trước đó họ đã từng hỏi nhau: “sống lại từ cõi chết nghĩa là gì” (Mc 10, 9).

Điều bối rối này của các Tông đồ cũng lặp lại nơi thánh Phaolô nhưng mang tính hiện sinh hơn, trong những thư đầu tiên, thánh Phaolô nghĩ rằng: ngày quang lâm sẽ xảy ra trong đời mình là “những kẻ sống sót lại vào thời quang lâm của Chúa” (1Tx 4, 15), “và ta sẽ không chết hết thảy nhưng hết thảy ta sẽ được biến đổi” (1Cr 15, 51); vì vậy, ngài không đặt vấn nạn này, nhưng về cuối đời mới thấy vấn nạn và ngài “đành lòng xuất dương lìa xác, để được trú ngụ bên Chúa” (2Cr 5, 8; Pl 1, 21-22). Tuy vậy, thánh nhân xác quyết: trong ngày quang lâm, người chết sẽ chỗi dậy bất họai. (1Cr 15, 52), nhưng đồng thời ngài cũng nói: “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối. ” (1Tx 5, 2).

Như vậy, “mọi người sẽ sống lại vào ngày sau hết, ngày tận thế, ngày hồng phúc – ngày Đức Giêsu, Đấng cức độ chúng ta ngự đến. Ngày kẻ chết sống lại chính là ngày Đức Kitô quang lâm” (GLCG 1001) -“Ngày thứ ba” đích thực (Norberto).

Vấn nạn về linh hồn sẽ ra sao sau khi con người chết kéo dài đến mãi thế kỷ XXII, khi thần học Kitô giáo nhất trí về số phận con người sau khi chết bằng Tông hiến “Benedictus Deus” của Đức Giáo Hoàng Benedicto XIII, theo đó: Linh hồn các tín hữu (con người) sau khi chết sẽ được thanh luyện và được diện kiến Thiên Chúa diện đối diện (GLCG 1023).

Bên cạnh lời xác quyết của Giáo Hội về ngày kẻ chết sống lại là ngày tận thế, thì những cách trình bày về tình trạng linh hồn sau cái chết trong tài liệu của Huấn quyền có thể nói vẫn còn những giới hạn, điều này có lẽ do giới hạn của con người trong nhận thức về thời gian cũng như một vài yếu tố khác.

Theo Bultmann, khi con người khách thể hoá tác động của Thiên Chúa thì sẽ làm mất đi chiều kích mầu nhiệm nơi tác động của Ngài mà đặc biệt là biến cố phục sinh của Đức Kitô và của con người. Dù cách nhìn của Bultmann sẽ làm giảm thiểu hay mất đi chiều kích lịch sử của tác động Thiên Chúa, nhưng cách thức mà con người nhìn tác động của Ngài như tác động của một phàm nhân thì cũng sẽ lệch lạc và càng làm cho tác động mầu nhiệm của Thiên Chúa trở nên “mầu nhiệm” -khó hiểu hơn; mặt khác, nó đánh mất đi chiều kích thần linh và quyền năng của Thiên Chúa – vì, hành động của Ngài là một hành động vĩnh cửu, siêu việt và đường lối, thánh ý của Ngài phàm nhân làm sao biết được!

Ngoài ra, quan niệm về thời gian rất khác nhau trong từng lãnh vực, thời kỳ hay các triết gia; song cái phạm trù tiên thiên (thời gian) của Kant và quan niệm của ông về nó vẫn chi phối cách nhận thức của con người, con người không thể nào quan niệm gì về một sự việc mà không có không gian và thời gian. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và phân tích thời gian tương đối theo kiểu vật lý với các yếu tố: vận tốc và thời gian của Einstein đã giúp con người phần nào thoát khỏi quan niệm cổ điển về thời gian theo cái nhìn của Kant. Theo đó, thì thời gian không phải bên ngoài những biến đổi của mỗi thực tại. Nó không có hiện hữu riêng, bên ngoài những biến đổi ấy nên chẳng có thời gian như một thực thể riêng biệt, thậm chí như một bản thể. Cái có thực chỉ là từng con người và từng sự vật cùng với những biến đổi liên tục của chúng. Như vậy, nền tảng cho ý niệm thời gian ở thực tại, chứ chính thời gian thì không, nên thời gian thuộc văn hóa hơn là bản tính.

Trong tương quan với thời gian vĩnh cửu được quan niệm là: không phải thời gian, cũng chẳng không thời gian; giữa vĩnh cửu và thời gian còn có ý niệm huyền nhiệm: là cái vừa ở trong thời gian vừa vượt trên thời gian.

Như thế, theo quan niệm thời gian của Kant, con người nhiều khi đã “xử dụng một thứ triết lý về thời gian rất xa lạ với quan niệm thời gian của Thánh Kinh” (Ratzinger), vì thế họ rất khó hiểu và khó chấp nhận một sự chờ đợi của linh hồn đến ngày quang lâm. Nhưng nếu quan niệm trong tương quan với thời gian còn có ý niệm huyền nhiệm và nền tảng cho thời gian là ở thực tại, cũng như cách nhìn thời gian của thánh Phêrô: “nơi Chúa một ngày cũng tày ngàn năm, và ngàn năm cũng như một ngày” (2Pr 3, 8), thì thời gian tính của cuộc phục sinh và khoảng chờ đợi đến ngày tận thế là điều không có gì quan trọng! Như thế, phục sinh như là biến cố ở thì hiện tại, bởi vì: “tất cả chúng ta đã chìm sâu trong thực tại của Thiên Chúa” và “thân xác con người đã được đặt nơi chính cung lòng của Thiên Chúa” rồi! (R. Guardini).

Theo thánh Phaolô, sau cái chết là cuộc gặp gỡ và cư trú trong Đức Kitô (2Cr 5, 8), do vậy: “ngay sau cái chết, các người diễm phúc sẽ lập tức được hiệp thông với Đức Kitô phục sinh” [12]. “Vì thế, cuộc sống được sắp xếp để đi đến hiệp thông với Chúa Kitô sau cái chết, diễn ra ngay khi linh hồn bị tách biệt ra khỏi thể xác, đương nhiên tình trạng này về mặt hữu thể không hoàn toàn trọn vẹn [13]. Tuy nhiên, “cả với các linh hồn của những người diễm phúc, cho dù đã đi vào hiệp thông với Đức Kitô, Đấng đã thực sự phục sinh một cách thể xác, cũng không thể xem như không có liên hệ với thời gian được” [14].

Cha Fx. Varillon trong cái nhìn về con người như là tổng thể những mối tương quan (với Thiên Chúa, vũ trụ, con người) cho rằng: “Sự phục sinh đã bắt đầu ngay cái chết nhưng chỉ hoàn toàn khi thời gian viên mãn. Khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa sự chết, chúng ta sẽ gặp Đức Kitô phục sinh và cái phục sinh trong tôi, là quan hệ của tôi với những người khác và với vũ trụ,… tức là tất cả những gì thân xác tôi tác động, liên quan đến qua các họat động của mình. Chính những mối quan hệ này với một mãnh lực, một cường độ thần linh đích thực, đến từ Đức Kitô hằng sống, nhưng được cảm nghiệm là của tôi. Thực vậy, sự phục sinh này bắt đầu ngay lúc chết đi “không có phòng đợi cho linh hồn đã lìa khỏi xác, ngồi chờ đến lúc tận thế mới lấy lại đượcs thân xác!” nhưng nó sẽ hoàn tất khi thời gian viên mãn, bởi vì tôi chỉ là tôi khi cùng có tất cả anh em tôi[15].

Theo cha Rey Mermet: “ai kết hợp với Đức Kitô thì đã được sống lại với Ngài” (Cl 2, 12; Ep 2, 6). Dù cuộc sống mới ấy chỉ được tỏ hiện vào thời quang lâm (Cl 3, 3-4), nhưng vì là chi thể trong thân mình Đức Kitô nên khi ta chết đi, linh hồn sẽ không phân ly thân xác (theo nghĩa rộng), vì khi ấy thân xác ta không phải là thân xác trần tục này nữa mà là chính thân xác vinh hiển của Đức Kitô. Chính Thân Thể ấy từ khi sống lại đã gồm tóm nơi mình toàn thể vũ trụ và tất cả những kẻ chết (1Tx 4, 16) [16](không có nghĩa theo thuyết vạn vật phục hồi).

Như vậy, “phục sinh chỉ là tiếp cận của một cách thức hiện hữu cho con người như thể lịch sử của nó đã cấu thành nó. Bởi vì lịch sử bị ấn dấu – “đã được làm việc” – bởi định mệnh phục sinh của Đức Kitô. Trong hành trình không chống cãi được hướng về sự chết, nó được mời gọi sống lại, ít ra trong những khía cạnh tích cực, trong đó tình yêu con người biến thành tự hiến, sức mạnh của giải phóng và của liên đới đại đồng. Cuộc tái nhận này sẽ là cùng đích của lịch sử và đồng thời là hoàn tất của nó. Bấy giờ, Nước Chúa sẽ được thể hiện sung mãn – chính nó, muốn được cấu thành trong Chúa Kitô, đang bí ẩn diễn tiến trong dòng lịch sử”. [17] C. Schoenborn cũng chủ trương: những linh hồn vẫn khao khát đươợc sống lại với thân xác, không phải vì cảm thấy thiếu thốn hay là niềm hy vọng mong chờ cho cá nhân mình được hạnh phúc hơn – đã được chiêm ngưỡng Thiên Chúa hằng sống thì còn có thể chờ mong gì hơn nữa? Các linh hồn không đặt hy vọng ở nơi một cuộc sống lại đặc biệt, nhưng là ở nơi “sự sống lại thân xác”, nghĩa là ở nơi việc hoàn tất cái đã dứt khoát bắt đầu với sự sống lại của Đức Giêsu, vì muốn được kết hợp với Chúa thâm sâu hơn, và mong ước cho Nước Ngài trị đến.

Dù các nhà thần học trong hướng nhìn căn bản về sự phục sinh của con người dưới Huấn quyền của Giáo Hội và có một vài quan niệm khác nhau, thì cũng công nhận rằng: sự phục sinh thân xác con người “chúng là những điều thuộc về tương lai, nhưng trong Đức Kitô, thì ngược lại, chúng đã được thực hiện rồi”[18] vì “Thiên Chúa luôn đi từ hướng tương lai để đến với con người” (Pannenberg).

3. Phục sinh hiện sinh

“Con người trong văn minh hiện tại ít cảm thấy sự cuối cùng”, và dòng triết học hiện sinh (vô thần) như kéo cái nhìn của con người vào hiện tại, rồi sự phát triển của thần học giải phóng mặt nào đó mang khuôn mặt của “thần học hiện sinh”. Tất cả những điều đó đã đặt con người vào hiện tại như J. Molmann nói: “người kitô hữu đã bỏ rơi tương lai vì thế giới bên này, đã bỏ rơi Thiên Chúa vì Thiên Chúa hiện có đấy, đã bỏ rơi “cái chưa đến” vì “cái đã ở đấy”; tệ hơn, con người đã khách – thể hoá thế giới bên kia thành thế giới bên này và biến nó thành một thực tại có thể xử dụng được (R. Bultmann).

Con người cảm nhận được sức mạnh của “bàn tay vô hình” trong nền kinh tế của Adam Smith, nhưng lại ít nhận ra sức mạnh chi phối của tương lai và “Đấng hôm qua hôm nay và mãi mãi”. Người ta sống trong hiện tại nhưng lại ít sống thực tại! Mặt khác, con người hướng về tương lai nhưng như muốn cắt đứt mối tương quan giữa hiện tại và tương lai (như vấn đề môi sinh, luân lý…). Tuy nhiên, giữa lòng “lo âu có hy vọng” trong cuộc sống của con người, sự phục sinh đã khởi đầu.

“Ngày nay người ta nghiêng về cánh chung hiện sinh” [19]; như thế, thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi vậy (1Cr 10, 11) và “Đức Kitô sẽ cho chúng ta sống lại “ngày sau hết”, nhưng có thể nói, chúng ta đã phục sinh với Đức Kitô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời kitô hữu đã dự phần vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô ngay từ đời này” (GLCG 1002), “Trong Đức Kitô, những điều thuộc về tương lai đã được thực hiện rồi” (Ratzinger).

Cuộc đời mỗi người như thể hiện cuộc vượt qua của Đức Kitô, như thánh Phaolô: dù sống dù chết, tất cả đều thuộc về Đức Kitô (Rm 14, 7-8); việc thông hiệp vào cái chết với Đức Kitô còn diễn tả ra bên ngoài việc cử hành các Bí Tích, thánh nhân”cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô vào thập giá (Gl. 2, 19), cảm thấy cái chết của Đức Kitô họat động nơi ngài (2 Cr. 4, 10-12), khiến ngài chết mỗi ngày (1 Cr. 15, 31), theo thư Do thái, ngay từ bây giờ các tín hữu đạt được ơn cứu độ, bởi vì họ đã dấn thân trong cái chết của Đức Kitô (Dt. 10, 19tt) nên, mỗi ngày sống là một sự vượt qua trong thời gian, trong cuộc sống để chiến thắng cái chết trên những bình diện khác nhau, một nền “văn minh sự chết” bằng một nền “văn minh sự sống” và đi đến sự viên mãn, cùng đích của mình với “mỗi ngày có sự khốn khó của ngày đó”, “vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta”. Như thế, thập giá đã hiện diện trong cuộc sống của mỗi người, mà nơi nào có thập giá nơi đó có vinh quang, có Đấng Phục Sinh.

a. Trong Tân Ước

Trong Tin Mừng Gioan, phán xét và án xử đã được thực hiện ngay trong chính sự chọn lựa nơi cuộc sống niềm tin của con người, “kẻ tin vào Ngài thì không bị án xử, kẻ không tin thì đã bị án xử rồi (Ga 3, 18). Trong diễn từ về Bánh hằng sống, Đức Giêsu cũng đã tuyên bố: ngay khi ai ăn Bánh là Thịt của Ngài thì có sự sống đời đời (Ga 6, 51), và “kẻ nào tin thì nhờ Ngài mà khỏi phải hư đi, được sự sống đời đời, khỏi đến tòa phán xét nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống (Ga 3, 16). Nên, cánh chung đã hiện diện ngay ở thời Tân ước, nhất là sau cái chết của Đức Kitô (với tín điều xuống ngục tổ tông).

Theo thánh Gioan, có thể nói, với biến cố Nhập thể, Lời đã đem vĩnh cửu vào trong hiện tại. Tin vào Đức Giêsu – Lời là yếu tố cốt yếu để có sự sống đời đời và sống lại trong ngày sau hết; bên cạnh đó, thánh Phaolô quan niệm: đức tin chỉ phù hợp, có ích trong cuộc đời lữ hành người kitô hữu (1Cr 14, 13). Như vậy, với đức tin trong cuộc đời này, con người đã được ban sự sống đời đời và sự sống lại ngày sau hết. Vì: “các thực tại cánh chung đó chưa có đấy, chúng là thế kỷ tương lai, sẽ đến. Tuy nhiên, ngay từ cuộc sống trần thế của Đức Giêsu, trong con người Thần Linh nhập thể của Ngài, thế kỷ tương lai đã đi xuống trong thế kỷ hiện tại, trong cái hôm nay của chúng ta – cái bên kia đã có đấy rồi [Cl 3, 1-4]”[20].

Trong Tin Mừng nhất lãm, diễn từ thế mạt (Mt 24; Mc 13; Lc 21) dùng thì tương lai, song các điềm báo trước như ở thì hiện tại, rất thường nhật và hiện sinh như: giặc giã, dân này sẽ dấy lên chống dân kia, nước này chống nước nọ, động đất, ôn dịch, đói kém, biển gầm vỗ, mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng, người ở ngoài đồng và người mẹ cho con bú (Lc 21, 20-33). Các biến cố như thế có thể nói thời nào cũng có. Như vậy, ngày thế mạt – ngày kẻ chết sống lại đã đang hiện diện ngay giữa lòng thực tại của thế giới này.

Theo thánh Luca, Tin Mừng cứu độ Thiên Chúa trao ban cho con người không phải ở trong tương lai, mà là “ngay hôm nay”, Tin Mừng cứu độ luôn ở thì hiện tại.

Bên cạnh đó, sự sống lại của Đức Giêsu vào “ngày thứ ba” và biến cố xuống ngục tổ tông đã khai mở thời cánh chung, thời cùng tận mà Cựu ước đã chờ đợi (Đn 12, 2; 2Mcb 7), nên sự sống lại của Ngài được đặt trong tương quan với niềm hy vọng về thời cánh chung và được xem như một biến cố cánh chung (Norberto). Theo Bultmann, niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu và xác sống lại cũng chính là niềm tin vào biến cố cánh chung.

Đức Giêsu, vì thế là thực tại chung cục đã được đạt tới trước thời gian nhờ vào sự vén màn của tính lịch sử này của mạc khải, chúng ta cảm thấy tin cậy đối phần còn lại của cuộc hành trình mạo hiểm của nhân loại mà vẫn còn chưa xác định trước được: nếu như cái thường ngày cho dù vẫn còn mang dáng dấm hàm hồ và mờ mịt, tuy nhiên, nó sẽ được Thiên Chúa nắm lấy và dẫn đưa tới tình trạng hoàn tất của nó. Thiên Chúa vẫn luôn luôn trở lại từ hướng tương lai để đảm nhận lấy trách nhiệm phần mình đối với thế giới (Pannenberg). Hơn nữa, theo niềm tin Kitô giáo, Đức Giêsu phục sinh: tương lai về thực thể mới đó chỉ mới bắt đầu nơi Ngài một cách tiềm thể, còn về phần chúng ta vẫn chưa ở trong thực tại hiện thực của thực thể mới mẻ; tuy nhiên, do bởi niềm tin và niềm hy vọng, nên bây giờ, chúng ta được thông phần “sức mạnh của thế giới đó” (J. Moltmann).

Đối với thánh Phaolô: “Nhờ Thanh Tẩy, ta đã được mai táng làm một với Người trong sự chết, ngõ hầu như Đức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, đã được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới (Rm 6, 34; Cl 2, 12; GLCG 1214). “Đề cập đến việc cùng chết với Đức Kitô, thánh Phaolô không sử dụng hình ảnh theo lối văn so sánh phép Thanh tẩy với sự chết: thánh nhân quả quyết rằng trong Bí Tích này, chúng ta sẽ chết bằng cách chia sẻ thật sự cái chết của Đức Kitô” [21]. Như thế, Bí Tích Thánh Tẩy triển khai mầu nhiệm Vượt Qua trong suốt cuộc đời người kitô hữu, ngay khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, con người đã được tháp nhập và sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô luôn hiện diện trong mỗi người, nghĩa là họ đang sống mầu nhiệm phục sinh.

Và bởi vì niềm hy vọng và thực tại của sự phục sinh tương lai đang chi phối cuộc sống hiện tại, nên thánh Phaolô đã có thể miêu tả sự sống lại như một thực tại đã hiện diện đó rồi (Ep 2, 16; Cl 3, 10).

Nếu quang lâm được coi là sự hiện diện của Đức Kitô, thì “ngày sau” đã trở thành “ngày hôm nay” khi Đức Kitô hiện diện và “ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20) trong cuộc đời mỗi người (dù mang tính cá nhân hóa).

b. Trong phụng vụ Bí Tích và Kinh Nguyện của Giáo Hội

Cuộc đời mỗi người đã “chìm sâu trong thực tại Thiên Chúa với “tất cả là hồng ân”. Cách riêng, cuộc sống người kitô hữu đã được bao bọc bởi tình yêu, ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi trao ban nơi các Bí Tích, cưu mang họ suốt cuộc lữ hành, trong từng ngày từng biến cố của cuộc đời, từ lúc sinh ra cho đến lúc lìa đời (GLCG 1683). Nên, sự sống bất tử và sự phục sinh đã được họ cảm nếm trước và đã sống cái “sức mạnh của tình yêu đã yêu thương chúng ta cuối cùng đã chiến thắng”.

J. Ratzinger đã nối kết giữa Bí Tích với hiện hữu của con người, đó là hai mặt của một vấn đề: “Bí Tích là gì? Hiện hữu củaq con người là gì? Hai câu hỏi này liên hệ với nhau đến nỗi chỉ cần phân tích câu hỏi về Bí Tích cũng đủ nhận ra câu hỏi về hiện hữu của con người; vì thế: Bí Tích Kitô giáo tạo nên hiện sinh Kitô giáo, chúng diễn tả chiều kích dọc của hiện sinh con người, chúng đem lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, cái duy nhất làm cho con người là người. Nhưng chúng cũng đem lại chiều ngang của lịch sử Đức tin bắt nguồn từ Đức Kitô, vì trong hình thức cụ thể của nó, hiện sinh nhân loại dựa trên đường ngang này” [22].

Trong cái nhìn “phân biệt chứ không tách biệt” về tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong mỗi Bí Tích; nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, và được tái sinh làm con cái, trở thành chi thể của Đức Kitô và là thành viên con cái của Giáo Hội (GLCG 1213), với “ấn tín” không bao giờ phai mờ, “ấn tín của sự sống muôn đời”. Bí Tích Thánh Tẩy xác nhận mỗi người là con cái của Thiên Chúa và là “sở hữu” của Ngài, mà khi sống Bí Tích Thánh Thể, người tín hữu an giấc trong niềm tin, hy vọng được sống lại trong vinh quang (GLCG 1274). Bí Tích Hòa Giải – Thống Hối sẽ củng cố mối liên hệ và tình trạng này để ơn cứu độ của Thiên Chúa được trao ban cho mỗi người, nên khi lãnh nhận Bí Tích Hoà Giải – Thống Hối, con người – tội nhân nhận trước sự phán xét mà họ phải chịu khi lìa đời (GLCG 1470), Bí Tích này thực hiện một cuộc phục sinh thiêng liêng đối với họ (GLCG 1468). Vì thế, Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thống Hối – Hoà Giải là Bí Tích ban sự sống mới cho con người (GLCG 1225).

Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, người kitô hữu “mặc lấy Đức Kitô”, trở thành tạo vật mới trong Đức Kitô (2Cr 5, 17; Gl 6, 15) và là chi thể của Đức Kitô, cùng chết, mai táng và sống lại với Người trong đời sống mới; khi thống hối và tin tưởng quay về với Chúa Kitô, tội nhân sẽ từ cõi chết bước vào cõi sống (GLCG 1470), chính nhờ hiệu năng của Bí Tích Thanh Tẩy mà: “nhờ Bí Tích Thánh Tẩy người tín hữu này đã cùng chết với Đức Kitô, xin cho họ cùng được sống lại với Người”; qua Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu “cư ngụ” trong mỗi người, và “sở hữu” họ như Phaolô đã cảm nghiệm (Gl 2, 20), và Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích ban sự sống mới, sự sống lại cho con người (GLCG 1225).

Bên cạnh đó, qua Bí Tích Thánh Tẩy, người kitô hữu được sinh nhờ Nước và Thánh Thần, thánh Phaolô gọi Bí Tích này là tắm trong Chúa Thánh Thần để được tái sinh và đổi mới (Tt 3, 5; GLCG 1215), ngoài ra, người chịu Bí Tích Thêm Sức nhận lãnh “dấu ấn”, “ấn tín Chúa Thánh Thần” (GLCG 1295). Nên, mỗi người, và người kitô hữu là đền thờ của Chúa Thánh Thần và thuộc “sở hữu” của Ngài. Do đó, khi được lãnh nhận Thần khí, cho dù thân xác còn trên dương gian, nhưng tâm hồn có thể chiêm ngắm những sự trên trời như trông vào gương [23]. Nhờ tác động của Đấng Bảo Trợ, mỗi ngày “con người tự do” đấu tranh với “nền văn mình sự chết” để “nền văn mình sự sống” chiến thắng “tên thủ lãnh thế gian này” [24].

Bí Tích Xức Dầu hoàn tất điều Bí Tích Thánh Tẩy đã khởi sự và người tín hữu được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô chịu chết và sống lại, sẽ giúp chúng ta an toàn trong cuộc chiến đấu cuối cùng trước khi vào nhà Cha (GLCG 1523), và hợp cùng với Bí Tích Thống Hối, Thánh Thể, các Bí Tích này chuẩn bị cho con người trở về quê trời (GLCG 1525).

Vì vậy, “Trong các Bí Tích, Đức Kitô tiếp tục “chạm” đến để chữa lành và hoàn tất cuộc lữ hành trần thế của chúng ta” (GLCG 1504;1525), hiệu quả của các Bí Tích luôn luôn sống động và ban phát sự sống (GLCG 1116), vì trong “nhiệm cục Bí Tích: Thiên Chúa ban phát hiệu quả mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trong cử hành phụng vụ của Hội Thánh” (GLCG. 1076). Do đó, ơn cứu độ làm việc trong suốt cả đời người (Hans Kung).

Là Bí Tích của đức tin (GLCG1123) các Bí Tích được coi như dấu chỉ cánh chung, nên khi “sống niềm tin trong các Bí Tích” (Rey Mermet), người Kitô hữu đã sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô và “cuộc sống của họ đang trở thành khác nhờ đức tin và Phép Rửa nhưng đó không phải là đời sống khác. Như vậy, đức tin là yếu tố “kéo” tương lai, niềm hy vọng phục sinh thân xác vào trong thực tại. Sự sống này chỉ sau cái chết mới được thể hiện hoàn toàn, thế nhưng trong đức tin ngay từ bây giờ đã là ánh sáng chân lý, đã là nguồn mạch ý nghĩa cho cuộc sống và đã là bước đầu thông phần vào sự viên mãn trong cuộc nối gót theo Chúa Kitô [25].

Ngoài ra, chính Giáo Hội (Bí Tích phổ quát) là một hiện tượng của thời cánh chung, vì trong suốt chiều kích lịch sử, Giáo Hội luôn tham gia vào bản chất tối hậu của lịch sử do biến cố sống lại khai mở – điều đó có nghĩa Giáo Hội không thể bị hư họai, Giáo Hội sẽ luôn hiện hữu. Trong “cuộc đàm đạo” giữa Thiên Chúa hằng sống với con người, với Giáo Hội trong phụng vụ kinh nguyện đã cho con người được tiếp xúc và sống “Lời ban sự sống đời đời” trong chính cuộc sống của mình. Do vậy, khi giữ và kết hợp với Lời – người kitô hữu đã sống “nhưng không phải tôi, nhưng chính là Đức Kitô sống trong tôi”, nên sự sống bất tử và Đấng Phục Sinh đã có nơi mỗi người.

Hội Thánh được coi như một dấu chỉ cánh chung vì luôn có những người con một cách công khai hay âm thầm trung thành với đức tin, sẵn sàng hy sinh, từ bỏ mạng sống của mình để làm nhân chứng tình yêu của Thiên Chúa giữa lòng thế giới trong niềm tin: “Vua vũ trụ sẽ cho sống lại, Người sẽ hoàn lại cho sự sống mãi đời đời” (2Mcb 7, 9). Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, Hội Thánh cầu nguyện: cho những người đã qua đời, để “xin Chúa ban cho họ sự sống đời đời”.

Như vậy, mỗi người cùng với Giáo Hội trong đức tin đã sống và đang sống những thực tại về phục sinh thân xác cùng những người con – “những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng của mình”, “những kẻ chết trong Đức Kitô” (1Tx 5, 16), để trở thành những “chứng nhân của niềm hy vọng”.

Dù con người đã được hồng ân Thiên Chúa bao bọc, hay đã tiếp xúc, và sống thực tại của những “Bí Tích” khác (hiểu theo nghĩa rộng) của Ngài và Ngài đã nhiều lần, nhiều cách, qua nhiều con người,… để đánh động họ (Dt 1, 1). Điều này đòi hỏi sự vươn lên trong tự do chọn lựa của mỗi người. Tuy nhiên, là người kitô hữu, chúng ta tin vào tình yêu và quyền năng của Ba Ngôi Thiên Chúa, chứ không tin vào “sự chọn lựa cuối cùng” (như chủ trương của P. Glorieux, L. Boros, L. Boff) vì “con người không thể đảo ngược được quá khứ” và “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”; mặt khác, “biện chứng Kitô giáo thì khác hẳn với biện chứng của Hegel. Theo Hegel, chính đề thì ở thời một, phản đề thì ở thời hai, và cái tổng hợp thì ở thời ba. Không, trong Kitô giáo, có thể nói, chính đề, phản đề và tổng hợp ở cả trong đời này”. “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” [26], nên “giá trị” của ơn cứu độ tùy thuộc vào sự ý thức, trách nhiệm mà thập giá của mỗi người vác đi trong cuộc sống hiện sinh của mình (dù sự hiện sinh đó ngắn ngủi như các phôi thai) – từ bỏ mình và lãnh nhận chính mình không phải là hai “điều”, song là hai khía cạnh của một điều mà Thiên Chúa trao ban cho con người.

c. Bí Tích Thánh Thể: Lương thực của sự sống và sự sống lại

Chăm sóc cho sự sống về thể lý của dân Israel, Đức Giavê đã ban cho họ nước (Xh 17), chim cút và Manna (Xh 16), thế nhưng, “Tất cả những người trong sa mạc đã ăn Manna và đã chết” (Ga 6, 49).

Nếu phép lạ hóa bánh ra nhiều được thực hiện trong khung cảnh “Lễ Vượt Qua đã gần” (Ga 6, 4), thì diễn từ về Bánh Hằng Sống đã được thánh Gioan muốn “kéo” và “đặt” vào khung cảng của Lễ Vượt Qua. Như vậy, giữa Bánh Hằng Sống và Lễ Vượt Qua có mối liên hệ với nhau, như “Bí Tích Thánh Thể là để tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô” (GLCG 1337), và để “con người sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Chương 6 trong Tin Mừng của thánh Gioan đã trở nên diễn giải về Bí Tích Thánh Thể duy nhất trong bốn Tin Mừng. diễn từ về Bánh Hằng sống được khẳng quyết ngay từ đầu, đó là: Bánh Bởi Trời và “Lương thực này sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời” (Ga 6, 27).

Khúc ngoặc được mở ra khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Bánh sự sống chính là Ta” (Ga, 35), và: “Ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại” (Ga 6, 40. 44). Ở đây, phản ứng của người Do Thái cũng như người Hylạp ở Athen đối với Phaolô về diễn từ sự sống lại của thân xác. Đức Giêsu đã nối kết gần như đồng hóa Bánh bởi Trời – Ngài – Sự sống đời đời và phục sinh thân xác, “được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Đức Kitô, Ngài “sở hữu” con người bởi vì họ đã thuộc về thân thể Ngài, và liên kết với con người một cách không phân ly cả về không gian, thời gian, và thể lý: “Kẻ ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì lưu lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Sự “cư ngụ” này của Đức Giêsu bảo đảm cho những “Ai ăn Thịt và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta sẽ cho nó sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Bên cạnh đó, nhiều lần hiện ra của Đấng Phục Sinh có mối liên quan đến các “Bữa ăn” (Mc 16, 14; Lc 24, 28-31; Ga 21, 5-14). Qua các “Bữa ăn” đó, Ngài tiếp xúc và trao ban đức tin sự hy vọng cho các Tông đồ. Như vậy, “Bữa ăn” của Đấng Phục Sinh như dấu hiệu và dấu chứng về sự phục sinh của con người khi họ được tham dự vào”Bữa ăn” đó, “trong bữa tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai” (GLCG 1325). Vì thế, Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích của cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, là Bí Tích từ cõi chết đến cõi sống, từ thế gian này mà về cùng Cha (GLCG 1524).

Ngoài ra, theo Isaia (25, 6-9) và như lời Đức Giêsu nói (Lc. 22, 14-17) thì “Bữa ăn” – Bí Tích Thánh Thể là dấu chỉ của tiệc cánh chung, Bí Tích này cũng đã cưu mang chiều kích cánh chung trong lòng thực tại của nó.

Qua Bí Tích Thánh Thể, xác thịt con người tiếp với Đấng là sự sống, thân xác con người ngày càng nên giống với thân xác của Chúa Kitô, vì “sự hợp nhất mầu nhiệm của thân xác con người với xác thịt của Chúa Kitô chỉ đạt được sự hoàn thành trọn vẹn, và có thể nói sự thánh hiến Bí Tích của nó nhờ sự hiệp nhất của Thịt và Máu hiển vinh của Ngài với thân xác con người” (Suarez), và như thế, Đức Kitô sống trong mỗi người khi lãnh nhận Thánh Thể (Gl 2, 20), nhờ vậy, “Lạy Chúa Giêsu, xin cho việc nhận lãnh Mình Thánh Chúa, nhờ tình Chúa yêu thương, hãy trở thành sự bảo vệ linh hồn và thân xác con” [27] và “trở nên phương dược muôn đời cho thân xác cũng như cho linh hồn người anh em của chúng con” [28]. Thế nên, “Bí Tích Thánh Thể là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn đem lại sự sống muôn đời trong Đức Kitô” (GLCG 1045), “khi lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể là “phương dược bất tử”, người kitô hữu nhận được sự bảo đảm sẽ được chia sẻ vào sự phục sinh của Người”[29]. Chính Thánh Thể đã đặt trong linh hồn một sự đòi hỏi, một nguyên lý, một khả năng căn bản của sự sống lại, “trong Bí Tích này, Ngài không chỉ là nguyên nhân sự sống lại của linh hồn mà còn là nguyên nhân sự sống lại của thân xác nữa” (Augustinô).

Thánh Irênê nói: “Thân xác chúng ta không còn là những thân xác dễ hư nát, bởi vì thân xác chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thể, và nắm chắc niềm hy vọng sống lại” (GLCG 1000), và thánh Toma viết: “Lợi ích của lương thực này rất lớn lao, vì nó ban sự sống vĩnh cửu cho linh hồn, nhưng cũng lớn lao vì còn ban sự sống muôn đời cho thân xác ta”, vì: “thân xác chúng ta được Thánh Thể nuôi dưỡng, có bị chôn xuống đất và bị tiêu tan đi trong đó thì sẽ sống lại vào thời gian của chúng, bởi sự phục sinh của Ngôi Lời sẽ ban cho thân xác ta ơn này vì vinh quang Thiên Chúa Cha. Bởi vì thật sự Ngài bao bộc thân xác hay hư nát của ta bằng tính bất tử, Ngài ban tính bất hủ cho thân xác dễ hư thối của ta, bởi vì sức mạnh của Thiên Chúa được thực hiện cách tròn đầy nơi sự yếu đuối của ta. ” [30].

Thực vậy, “Trong Bí Tích Thánh Thể, Đức Kitô hiện diện nhờ sự biến đổi Bánh và Rượu thành Mình và Máu Đức Kitô” (GLCG 1375) và khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được nếm trước việc thân xác chúng ta được biến đổi nhờ Đức Kitô (GLCG 1000).

Trong phần nói về sự phục sinh thân xác cho tín hữu Côrintô, thánh Phaolô cũng viết: “Và người chết sẽ chỗi dậy bất họai, và ta sẽ biến đổi, vì chưng cái hư họai này sẽ mặc lấy bất họai, đồ chết dở này sẽ mặc lấy trường sinh bất tử” (1Cr 15, 52-53). Như vậy, có ba sự biến đổi liên quan mật thiết với nhau đều nhờ bởi Đức Kitô. Chính Ngài thực hiện sự biến đổi trong Bí Tích Thánh Thể cũng biến đổi con người trở nên một Đức Kitô khác (trong Bí Tích Thánh Thể) (Gl 2, 20) và cũng bởi “Adam cuối cùng” (1Cr 15, 45) mà “người chết sẽ chỗi dậy”. Chính nhờ sự “biến đổi” này mà hạt lúa mì trở nên cây lúa và trổ sinh hoa trái (Ga 12, 24), “biến đổi một vật thì dễ hơn sáng tạo ra nó” (GLCG 1375), thì Bí Tích Thánh Thể vừa là một thực tại dấu chỉ báo trước và là một bảo chứng cho sự sống lại của thân xác con người – một cuộc tạo dựng mới ” biến đổi” các thực tại vật chất trở nên thần thiêng nhờ Đức Kitô (GLCG 1405) và “tiền dự vào vinh quang Thiên Quốc (GLCG 1402); nên, trong Thánh Lễ, Giáo Hội đã khẩn nguyện: “sự sống không bị huỷ diệt, nhưng biến đổi” (Kinh Tiền Tụng Lễ Các Đẳng). Nếu Ludwig Feuerbach duy vật hóa con người: “Con người là cái nó ăn”, thì cách nào đó, con người được thần hóa và phục sinh nhờ nó “ăn” Đấng Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể – Lương thực của sự sống và sự sống lại.

d. Sống như người đã phục sinh

Hêsiôdô nói: “Bạn hãy trở thành cái bạn đang là”. Hơn nữa, các việc con người làm sẽ có giá trị vĩnh cửu, nó sẽ đi theo họ (Kh 14, 13), giữa “là Thiên Chúa” với “làm con Thiên Chúa” – giữa “đã, đang và sẽ” phục sinh cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Vì vậy, con người cần xoá bỏ khoảng cách giữa sự chết và sự sống. nói theo Kant, thì con người không có ý niệm gì hư vô, oai tưởng tượng được, thế nên con người sẽ không biến tan thành hư vô, mà bước vào một cuộc biến đổi – Đời sống đổi thay, chứ không bị tiêu diệt để đạt tới sự sung mãn của cuộc sống. Thánh Phaolô nói: “Mỗi ngày tôi chết dần”. Mỗi ngày cái chết đến gần nghĩa là những gì “cũ kỹ” trong mỗi con người dần dần tan biến, để nhường chỗ cho bản sắc thật của con người được tỏ hiện, để cho mầm mống sự sống lại trong mỗi người hoàn toàn triển nở.

Ngoài ra niềm tin vào sự phục sinh sẽ phá đổ cái nhìn khép kín về thế giới, một thế giới tự đặt ra cho nó những giới hạn tuyệt đối và không dành một khoảng không gian nào cho những sáng tạo mới mẻ của Thiên Chúa mà con người không thể suy diễn được. Do đó, niềm tin vào sự phục sinh không chỉ đặt vấn đề lại cho mọi hình thức, cách nhìn của triết học về thế giới, con người,… nhưng còn là một quyết định cơ bản về phương hướng sống và ý nghĩa của cuộc sống.

Dù con người “thức” hay “ngủ” thì hạt giống phục sinh và hiệu năng của nó vẫn cứ âm thầm mọc lên (Mt 4, 27). Nhưng không vì vậy mà có thái độ “Mackeno” mà chôn đi “nén bạc” đã được trao ban (Lc 19, 11-26).

Vì thế, mỗi ngày ngay từ dưới thế này, hãy sống như những người đã sống lại, để sự sống lại trong ngày cuối cùng của mình không phải là tủi nhục và án phạt (Đn 12, 2), vì “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, “hiện tại mới có thể làm nên tương lai”. Niềm tin vào sự phục sinh chỉ có giá trị và là niềm hy vọng khi nó có ý nghĩa với mỗi người từ hôm nay biết “vui sống vui tin yêu” (Fx. Varillon), mà nói như Teilhard de Chardin: “Con người đạt tới trời bằng cách hoàn tất đất”.


[1] Lm. Nguyễn Văn Trinh, Cánh chung học, tr. 160-161.

[2] Thời sự thần học số 7, tr. 58.

[3] Hegel – Mỹ học, tập 2, tr. 494.

[4] J. Ratzinger – Tài liệu uỷ ban thần học quốc tế, số 5.4.

[5] Ibidem, trang 121.

[6] Fx. Varillon – Vui sống vui tin yêu, tr. 91-92).

[7] Lm. Nguyễn Văn Trinh, Cánh chung học, tr. 183-184.

[8] J. Ratzinger – TLUBTHQT số 1.1.

[9] Fx. Varillon – Vui sống vui tin yêu, tập 2, tr. 86.

[10] J. Ratzinger –Tài liệu uỷ ban thần học quốc tế số 1.2.5.

[11] Lm. Nguyễn Văn Trinh, Cánh chung học, tr. 109.

[12] Ratzinger – TLUBTHQT, nhập đề, số 3.

[13] Ratzinger – TLUBHQT số 6.3.

[14] Ratzinger – TLUBHQT số 2.2.

[15] Fx. Varillon – Vui sống vui tin yêu, tập 2, tr. 82-83.

[16] Kinh Tin Kính, tr. 264.

[17] Từ điển thần học Kitô giáo I, tr. 101.

[18] Ratzinger -TLUBHQT số 1.2.

[19] Lm Nguyễn Văn Trinh, Cánh Chung Học, tr. 271.

[20] Rey Mermet – Kinh Tin Kính.

[21] Fx Durrwell-Mầu nhiệm Thiên Chúa Cha,tr. 366.

[22] Chỉ một Chúa, một đức tin, tr. 45.57.

[23] Cyrille de Jérusalem, Bài giáo lý, XVI, 16.

[24] ĐGH Giaon Phaolô II Thông điệp về Chúa Thánh Thần số 60.

[25] ĐGH Gioan Phaolô II Thông điệp Ánh Sáng Rạng Ngời Chân Lý, số 12.

[26] Hector Zagal Arrguin, HTTH số 23, tr. 124.

[27] Kinh “nguyện thầm”, ngày thứ 4, CN IV mùa chay.

[28] Kinh nguyện trao ban của ăn đàng cho người hấp hối.

[29] Ratzinger – Tài liệu của uỷ ban thần học quốc tế, số 6.3.

[30] Irênê, Adv. Horeses V,2 (P.G. VII,1127).