… TIẾP NỐI “CHA ĐẮC LỘ”…

2
742

Ts. Antôn M.Z. ‘Bok Kương OP

Nói lên “cha Đắc Lộ”, hẳn mỗi người Việt Nam chúng ta đều nhớ đến và mang ơn vị linh mục dòng Tên này đã sang truyền giáo tại Việt Nam, hết lòng yêu mến dân tộc chúng ta và mong muốn giảng dạy giáo lý cho người Việt chúng ta bằng tiếng Việt mà không cần thông dịch viên. Do đó, Ngài đã dày công học hỏi thông thạo và sưu tầm kỷ lưỡng tiếng Việt Nam đến nổi đã soạn sách giáo lý mang tên “Phép Giảng Tám Ngày” cho người Việt và nhất là cho xuất bản tại Rôma quyển tự điển VIỆT-BỒ- LA vào năm 1651 như giới thiệu tiếng quốc ngữ chúng ta cho toàn thế giới.

Trong quá trình truyền giáo của anh em Đa Minh tại giáo phận Kon Tum, cũng đã có 2 người anh em khi được cử lên vùng dân tộc thiểu số Sê Đăng tại giáo xứ Đak Mốt, huyện Ngọc Hồi thì không những cất công học hỏi ngôn ngữ của họ, nhưng còn đã cưu mang một nguyện vọng là chuyển dịch toàn bộ sách Phụng vụ Thánh Lễ gồm sách lễ Rôma và các sách bài đọc qua tiếng địa phương, để giáo dân bản xứ khi tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích có thể hiểu thấu đáo Lời Chúa qua ngôn ngữ của họ, để đức tin ngày một vững vàng hơn vì: “fides ex auditu”.

Tưởng cũng cần biết thêm, hiện nay tại Giáo phận Kon Tum có hơn 260.000 đồng bào Công giáo người sắc tộc gồm Bahnar, Rơngao, Sê Đăng, HơLăng, Jarai, Xơdrah, Giẻ Triêng Jơlơng… Tuy nhiên không phải sắc tộc nào cũng có các sách đạo bằng ngôn ngữ địa phương mình mà phải sử dụng – ngoại trừ tiếng Kinh – tiếng Bahnar, từ kinh đọc hằng ngày, học hỏi giáo lý cho đến việc ca hát các kinh đọc trong Thánh lễ được in trong sách Hlabar Khop. Những ai không biết gì về tiếng Kinh và Bahnar thì được các chú giáo phu có trình độ giải thích hoặc sẽ hiểu dần nhờ đọc đi đọc lại. Riêng về bản văn sách lễ dùng Phụng vụ Thánh lễ bằng tiếng sắc tộc tại Giáo Phận Kon Tum thì có các tài liệu sau:

1. Bản văn tiếng Bahnar: Đây là bản văn Phụng vụ chính thức của giáo phận được Tòa Thánh phê chuẩn và cho phép sử dụng. Bản văn này khởi sự từ rất lâu do các cha thừa sai Paris khởi xướng và được sửa chữa và bổ túc dần theo thời gian cho đến lần cuối cùng là năm 2013.

2. Bản văn tiếng Jrai: do cha Jacque Dournes khởi sự khi Ngài được sai đến truyền giáo cho người Jrai tại Phú Bổn từ năm 1955. Sau đó được các cha dòng Chúa Cứu Thế bổ xung và kiện toàn dần. Bản văn này vẫn đang được sử dụng thí nghiệm tại các buôn làng công giáo tỉnh Gia Lai.

3. Bản văn tiếng Sê Đăng (Đak Tô): do cha Giuse Võ Văn Dũng, cha xứ giáo xứ Tea Rơxá chủ biên phiên dịch với sự cộng tác của các giáo phu trong vùng huyện Đak Tô. Là một linh mục trẻ đam mê nghiên cứu tiếng dân tộc, sau khi về nhận giáo xứ trên, Ngài đã cùng chú giáo phu chuyển ngữ ra tiếng Sê Đăng- Đak Tô các bản văn kinh đọc hằng ngày, sách giáo lý cho trẻ em và sau cùng là các bản văn trong Thánh Lễ. Công trình dịch thuật này đã gần hoàn thành nhưng cần được góp ý  để kiện toàn dần.

Tuy nhiên, tất cả các tài liệu bằng tiếng Sê Đăng huyện Đak Tô trên nếu đem lên dùng trên huyện Ngọc Hồi thì không thể sử dụng được, vì tuy cùng một ngôn ngữ Sê Đăng, nhưng Sê Đăng tại Ngọc Hồi rất khác (do lai tạp với ngôn ngữ Rơ Ngao nhiều).

Chính vì vậy, khi được cử lên ở giáo xứ Đak Mốt và học tiếng Sê Đăng vùng này, với một vốn kiến thức anh em thâu lượm được do học tiếng Bahnar khi còn ở giáo xứ Kon Robang, anh em Đa Minh đã nghĩ đến chuyện chuyển ngữ toàn bộ sách lễ Roma từ tiếng Việt hoặc tiếng Bahnar ra tiếng Sê Đăng Đăk Mốt. Anh em đã dự phóng trước, tài liệu này không những chỉ dùng cho giáo dân giáo xứ, mà còn có thể dùng cho nhiều giáo xứ trong huyện Ngọc Hồi, và xa hơn nữa cho bà con Sê Đăng của họ ở Buôn Hằng 1 tỉnh Đak Lak, do hoàn cảnh chiến tranh đã di dời về đó từ năm 1973 và định cư luôn đó với dân số hiện nay đã lên 8000 người.

Tuy nhiên để thực hiện công trình này không phải dễ dàng. Vì công việc dịch thuật đâu phải chỉ là việc ráp từng chữ (mot à mot) là được, nhưng phải biết chọn những từ ngữ thế nào cho nó vừa có thanh âm vừa có ngữ âm để câu văn đọc được xuôi tai. Những từ được chuyển ngữ đó phải vừa có tính học thuật một chút nhưng người bình dân vẫn hiểu được, vừa phải có tính phổ quát vừa phải có tính đặc thù. Trong khi đó, hai anh em này chỉ mới học xong khóa thần học chính qui thì đã lãnh chức phó tế rồi lên Giáo Phận Kon Tum truyền giáo, rồi sau đó lãnh chức linh mục và phục vụ luôn tại giáo phận này. Không ai được đi du học để có kiến thức sâu về Kinh Thánh hoặc các tiếng cỗ ngữ Do Thái, Hy Lạp. Anh em cũng chưa có kinh nghiệm làm việc chung trong việc phiên dịch như nhóm phiên dịch Phung vụ Giờ Kinh ở Sài gòn. Tuy nhiên vì yêu mến người dân tộc đang phục vụ, anh em ước mong họ sớm được nghe Lời Chúa qua ngôn ngữ của họ nên anh em đã xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng giúp sức cho rồi quyết tâm vừa làm vừa trau dồi và rút thêm kinh nghiệm.

Với vốn liếng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, vốn liếng tiếng Anh đã được học trên ghế nhà trường, và nhất là vốn liếng tiếng Bahnar vừa mới học khi lên Kon Tum, anh em đã dựa trên 3 bản dịch tiếng Việt “Sách lễ Rôma” của Hội đồng giám mục VN – 1992, bản dịch tiếng Bana “Hlabar Plang Xoi Mixa” – 2013 của giáo phận Kontum, và bản dịch “The Roman Missal” – 2011 của United states of America) để “dấn thân” vào “công việc lịch sử” này.

Công trình được khởi đầu từ cha Antôn Phạm Minh Châu OP. Sau khi được bổ nhiệm từ giáo xứ Kon Robang về giáo xứ Đak Mốt vào năm 2014, cha đã khởi công học tiếng Sê Đăng với các chú giáo phu tại giáo xứ. Qua năm 2016 cha đã đề nghị với các chú hợp lực làm công việc chuyển ngữ trên.

Sau gần 2 năm miệt mài, cha đã dịch được 5 quyển bài đọc: Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa chay và Phục sinh, Lễ kính các thánh và 2 quyển Lễ thường niên. Công trình đó đã được cha xứ lúc đó là cha Simon Phan Văn Bình rất ủng hộ. Anh em trong dòng cũng như các cha trong giáo phận khi biết chuyện cũng rất lấy làm cảm phục và khuyến khích. Trong thư tường trình cuối nhiệm kỳ của cha cựu Giám Tỉnh Giuse Nguyễn Đức Hòa OP khi đề cập đến vấn đề truyền giáo đã nhắc đến công việc này của cha Châu OP “như một việc làm nền tảng đầu tiên cho việc truyền giáo lâu dài tại miền đất quê hương này.[1]

Công trình cha Antôn Châu OP đang thực hiện thì đến đến tháng 4 năm 2018, do nhu cầu mục vụ, cha được bổ nhiệm về lại Kon Robang làm chánh xứ, tỉnh dòng đã sắp xếp cha Giuse Trần Ngọc Thanh O.P tới thay thế.

Thật giống như cá gặp nước, trước đây cha Thanh OP đã từng ở giáo xứ Kon Robang, cũng đã có một số vốn về tiếng Bahnar và xem ra có khiếu với ngoại ngữ. nên khi lên giáo xứ Dak Mốt, cha bắt tay ngay vào việc học tiếng nói và văn hóa người Sê Đăng Đak Mốt với nguyện vọng tiếp nối công trình của cha Antôn Châu.

Cha làm quen và mời thêm được nhiều thành phần tham gia vào ban dịch thuật. Trước hết là soát lại và hiệu đính các sách bài đọc trên, tiếp đến là tiếp tục dịch sách lễ Roma cho đủ trọn bộ. Sau khi dịch được một phần của sách, cha mời nhiều người đọc và góp ý để rút kinh nghiệm và học hỏi thêm, trong số đó có: linh mục (cha Simon Bình), quý thầy chủng viện (Thầy Noan, Thầy Noat), chú giáo phu (chú Bet), cựu chủng sinh Kontum (Thầy Dia), giáo viên dạy nhà trường (Thầy Sâm), và cả tín hữu dạy lớp bình dân học vụ (Yă Jeang); có cả đàn ông đàn bà, cả người lớn tuổi người nhỏ tuổi, nhằm giúp cho nhiều người có thể hiểu bản văn nhất có thể.

Tới nay, bản dịch các bản văn Phụng vụ Thánh lễ đã hoàn tất. Tổng cộng 5 quyển sách bài đọc trong thánh lễ và sách lễ Roma lên tới gần 2800 trang A4.

Từ đó, cha đã tổng hợp các bài đọc trong các sách bài đọc trên và bổ xung những phần còn thiếu để làm thành quyển « Kinh Thánh Tân Ước » cho người Xê Đăng Đăk Mốt dựa theo quyển “Kinh thánh Tân Ước – 2011” của nhóm Giờ kinh phụng vụ tiếng Kinh và sách Kinh Thánh Tân Ước tiếng Bahnar.

Thật là một kỳ công.

Hoan hô và chúc mừng 2 anh em và nhóm dịch thuật.

Tuy việc chuyển ngữ trên là một cố gắng của anh em, nhưng vẫn là những bản văn chưa thể sử dụng trong phụng vụ theo đúng luật. Do đó, cần còn nhân sự chuyên môn để chỉnh sửa trước khi chính thức được dùng trong phụng vụ.

Ngoài ra, cha Giuse Thanh đã tận dụng vốn liếng Sê Đăng của mình đang có để tiến tới việc soạn tự điển Xêđăng-Anh-Việt (dựa trên “Tự điển Xơđăng- Anh- Việt-Pháp” – 2012 của Kenneth D.Smith đã làm cho người Sê Đăng Đak Tô).

Một trang tự điển Sê Đăng Anh Việt của cha Thanh

Quả là một “Đắc Lộ” Đa Minh cho dân tộc Sê Đăng Đak Mốt. Thật diễm phúc cho dân tộc Sê Đăng. Người ta vẫn nói: Còn ngôn ngữ là còn  dân tộc, mất ngôn ngữ là mất dân tộc. Ước mong sao anh chị em dân tộc Sê Đăng biết trân trọng những công việc mà hai cha Antôn Châu và Giuse Thanh dòng Đa Minh đã thực hiện để bảo tồn ngôn ngữ và dân tộc của anh em. Chúng ta cũng ước mong công trình dịch thuật các bản văn Phụng Vụ này được hoàn chỉnh một cách tốt nhất để xin các Đấng Bản Quyền phê chuẩn cho phép sử dụng trong Phụng vụ Thánh lễ của các nhà thờ người Sê Đăng, ít là với tính cách thử nghiệm ít là với tính cách thử nghiệm như các bản văn của Sắc tộc Bahnar, Jrai.

Ước mong cũng sẽ có nhóm anh em Đa Minh trẻ thương mến các anh em dân tộc thiểu số và sẽ bước theo công trình của hai anh Châu và Thanh, cố công học hỏi và dám mở ra những công trình dịch thuật cho nhiều sắc tộc thiểu số khác nữa chưa có sách Lời Chúa như người Việt chúng ta đã từng được huởng nhờ công trình dịch thuật của cha Đắc Lộ.

Lễ kính thánh Hiêrônimô tiến sĩ 2021

—————–

[1] Tỉnh hội 2019, thư tường trình cuối nhiệm kỳ của cha Giám Tỉnh, trang 105.

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here