Thông Điệp Populorum Progressio (Phát Triển Các Dân Tộc) Của ĐGH Phaolô VI (Ngày 26-03-1967)

0
3999


THÔNG ĐIỆP POPULORUM PROGRESSIO

(PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

VỀ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC

NGÀY 26 THÁNG 03 NĂM 1967

***

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI

***

GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP

 

Thông điệp “Phát triển các dân tộc” (Populorum progessio) của Đức Phaolô VI xuất hiện trong dịp lễ Phục Sinh năm 1967 (26/03) để mang đến ánh sáng của Tin Mừng và của sự Phục sinh cho các vấn đề xã hội của thời đại. Thông điệp trực tiếp đưa ra lời mời gọi thay đổi tầm nhìn. “Ngày nay sự kiện quan trọng mà mỗi người đều phải ý thức, đó là vấn đề xã hội đã trở nên mang tính toàn cầu”. Vấn đề đã mở rộng đến tầm mức hoàn vũ, nhưng cũng có kèm theo những hệ lụy liên quan đến cá nhân từng người trong bối cảnh quốc tế những năm 60 và khoảng thời gian sau Công đồng Vatican II.

Bối cảnh xã hội trên toàn cầu thập niên 60

Có rất nhiều hiện tượng lớn lao đánh dấu thời kỳ này và tạo nên một hậu cảnh cho Thông điệp.

Trước hết là sự kiện giải phóng các thuộc địa, sẽ lan rộng ra trong khoảng 20 năm, dẫn tới sự độc lập chính trị của nhiều quốc gia mới và trẻ trung, và Liên Hiệp Quốc phát triển về số lượng thành viên. Trong giai đoạn chuyển mình đó, các quốc gia ấy đối mặt với các cường quốc lớn, trong những tương quan lực lượng đã thay đổi.

Để không trở thành trò lừa bịp, sự độc lập về chính trị đòi phải có một sự độc lập về kinh tế tối thiểu. Làm thế nào để sống trong công bằng, liên đới, trong sự tôn trọng lẫn nhau trong các quan hệ quốc tế mới nhằm ưu tiên phát triển các dân tộc đó cũng như cho họ được hưởng cách công bằng những tài nguyên có sẵn, tự nhiên cũng như do chế biến mà không quên những thiện ích về sức khoẻ, về giáo dục…

Trong suốt thập niên 50 và 60, những nước phát triển đã tăng trưởng môt cách mạnh mẽ về kinh tế và mở rộng đường cho những trao đổi thương mại, với mức sống được nâng cao, đầy dẫy những nhu cầu mới, cuộc sống ổn định sung túc, nếu không nói là dư giả. Nhiều dân tộc hoàn toàn trở nên giàu có. Trong lúc đó, nhiều dân tộc khác lại kém phát triển và lệ thuộc, mà dân số lại gia tăng mạnh mẽ. Như thế, những vùng nghèo dù tương đối hay tuyệt đối, lại càng nhiều hơn. Tình trạng chênh lệch này, đặc biệt giữa các dân tộc giàu và các dân tộc nghèo là một tình trạng không chấp nhận được như một ngòi nổ, Đức Phaolô VI tố giác tình trạng đó nhân danh tình liên đới nhân loại phổ quát và sự công bằng. Ngài kêu gọi mỗi người hãy ra sức sửa chữa lại tình trạng đấy. Thông Điệp mở đầu và kết thúc với cùng một tiếng kêu ngôn sứ, lo sợ và khẩn thiết (Số 4 và 87).

Trong những năm 50 và 60, người ta xúc tiến việc hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng thách thức của cuối thế kỷ XX đó. Phát triển tổ chức FAO (Về nông nghiệp và lương thực); Khai sinh ra CNUCED (Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển). Thập kỷ phát triển thứ nhất (1960 –1970); Chương trình hỗ trợ song phương và đa phương. Làm thế nào để Giáo hội và các Kitô hữu tham gia vào những sáng kiến này và làm cho chúng nên hữu hiệu hơn nữa?

Dù cho có những hoàn cảnh khó khăn, đôi khi đạt đến cực điểm (Vụ tên lửa Cuba), giữa hai cường quốc lớn, người ta cũng cố thiết lập tình trạng hòa hoãn giữa Đông và Tây, tuy vẫn không ngừng “Chạy đua vũ trang đến mức kiệt cạn”. Hy vọng được nhóm lên vì lẽ sự phát triển liên đới của các dân tộc trở nên điều bảo đảm tốt nhất cho hòa bình thế giới. Đức Phaolô VI đã phát biểu như thế tại Liên Hiệp Quốc năm 1964 một cách mạnh mẽ và bức xúc; ở đây Ngài lập lại như một niềm xác tín dựa trên “Phát triển là tên gọi mới của hòa bình” ( Số 76).

Giáo hội của Vaticanô II

Dù cho bắt nguồn từ thông điệp Mater et Magistra (1961) của Đức Gioan XXIII, là tài liệu đã bàn đến những quan hệ giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển (MM số 157-185), thông điệp này của Đức Phaolô VI là một hệ quả trực tiếp của Công Đồng Vaticanô II, theo 3 cách:

Trước hết, Công đồng đã tiếp đón các Giám Mục thuộc mọi miền trên thế giới; Những hàng Giáo phẩm bản địa, được thiết đặt sớm và vào lúc được độc lập chính trị, cũng hiện diện và có tiếng nói của mình. Trong quá trình soạn thảo Hiến Chế Mục Vụ “Giáo hội trong thế giới ngày nay”, các Giám mục Á châu, Phi châu, Mỹ châu La tinh, vì e ngại văn kiện thiên về Tây phương chỉ quan tâm đến những vấn đề của các nước phát triển đã nhấn mạnh rằng, ngay từ đầu trong phần trình bày về những mất quân bình của thế giới hiện nay, phải làm nổi bật lên những “chênh lệch” giữa các nước giàu, các nước ít giàu hơn và các nước nghèo (GS 8) và việc phân phối của cải không công bằng; Những chủ đề được nhắc lại nhiều lần (GS 29,63,83).

Hơn nữa, Công Đồng đã bày tỏ mong ước thành lập một cơ quan thường trực của Giáo hội để theo đuổi những vấn đề được đặt ra bởi công cuộc phát triển. Đó sẽ là việc làm của Đức Phaolô VI: Thiết lập ủy ban Giáo hoàng “Công lý và Hòa Bình” đi liền với thông điệp (GS 90, 3; PP 5).

Sau cùng, Công Đồng giúp Giáo hội tự ý thức về mình tốt hơn nữa cũng như ý thức về trách nhiệm của mình trong việc biến đổi thế giới. Mối quan hệ của Giáo hội với thế giới được soi sáng bởi hiến chế Gaudium et Spes. Đức Phaolô VI sẽ đem ứng dụng vào việc phát triển các dân tộc (pp số 12 đến 22); ngài sử dụng lại những từ ngữ của Công Đồng: Giáo hội, chuyên viên về con người, theo dõi các “dấu chỉ của thời đại” và tự đặt mình vào vị thế phục vụ cho con người bằng những phương thế đặc biệt và trong một nhãn giới toàn cục về lịch sử. Đức Phaolô VI đã nói minh nhiên ở phần đầu thông điệp. “Thời gian ngay sau Công Đồng chung Vatican II, nhờ ý thức mới mẻ về sứ điệp Tin Mừng, Giáo hội thấy mình có bổn phận làm người phục vụ cho con người nhằm giúp họ nắm bắt hết mọi chiều kích của vấn đề hê trọng này và nhằm thuyết phục họ cấp bách phải liên đới với nhau vào thời kỳ bước ngoặt quyết định này của lịch sử nhân loại.” (PP 1)

* Các nguồn

Ngoài những văn kiện của Vatican II, đặc biệt là Gaudium et spes, là nơi thông điệp chính yếu múc lấy cảm hứng của mình, những nguồn tài liệu khác đều thuộc về Đức Phaolô VI.

Trước hết, những tham chiếu Kinh thánh, có rất nhiều, đã làm cho văn kiện mang đậm sắc Tin Mừng; tất cả những dụ ngôn về người giàu và người nghèo đều được nhắc tới; và sức mạnh của lời chất vấn ngôn sứ thu hút sự chú ý của mọi người và mỗi người hướng đến những tình thế không thể chấp nhận được nữa, sự phán xét của Thiên Chúa được chuẩn bị và sẽ tỏ lộ! Do đó, để loan báo trước sự phán xét ấy, một lời kêu gọi chung nhất được gởi tới “Hết mọi người và hết mọi dân tộc hãy đảm nhận lấy trách nhiệm của mình” (PP số 80). Khác với những Thông Điệp trước, đường lối của giáo huấn xã hội này của Giáo hội đi tới một cam kết trực tiếp hơn, nhân danh Tin Mừng, mà không thông qua những diễn dịch triết học – dù cho nó có vay mượn ngữ vựng của một thứ triết học nào đó (“hiện hữu” và “sở hữu”) – cũng không vòng qua quyền tự nhiên thuần túy.

Một điểm mới nữa, đó là Đức Phaolô VI đã tham khảo tới công trình của các nhà thần học, triết học, các chuyên gia và nhắc đến họ một cách minh nhiên. các Cha như: Lubac và Chenu, Đức Cha Larrain (Chilê), J. Maritain và nhất là Cha Lebret, người sáng lập ra “Kinh tế và chủ nghĩa Nhân Bản” là những người mà Thông Điệp cậy nhờ đến rất nhiều: họ giúp cho biết nhạy cảm hơn với các vấn đề, với các cách diễn đạt, với những giải pháp khả dĩ; trong Thông Điệp ta cũng còn thấy những yếu tố của tư tưởng của nhà kinh tế học F. Perroux. Suy tư còn để mở ngỏ. Dẫu sao, Thông Điệp, trước hết là mọt lời kêu gọi (ý thức và mời gọi hành động), không trực tiếp đóng vai trò như một sưu liệu rộng rãi, đôi khi mang tính kỹ thuật như mười lăm năm qua đã tập trung vào những vấn đề phát triểnvà quan hệ giữa các nước giàu và các nước nghèo. Đây trước hết là một cái nhìn, một cảm nhận, một trình bày với những nét lớn khiêm tốn có tính độc đáo biểu hiện hoàn cảnh chung. Những “dữ kiện của vấn đề” chiếm một chỗ giới hạn (vài đoạn ngắn từ số 6 đến số 12), với tầm nhãn giới mở rộngvà nhấn mạnh đến những điểm cấp thiết: khát vọng của con người (số 6), thực dân và chủ nghĩa thực dân (7), sự chênh lệch gia tăng (8), tăng triển lương tâm (9), va chạm giữa các nền văn minh (10), và cuối cùng là một lời cảnh báo về những mối nguy hiểm trầm trọng có thể phát sinh từ những hoàn cảnh đó (11).

Nguồn mạch sau cùng có tính cách cá nhân: đó là những chuyến du hành của Đức Phaolô VI trước và trong triều đại Giáo hoàng của ngài, đến châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Ấn Độ, Cận Đông và đến Liên Hiệp Quốc. Đức Phaolô VI, vốn không phải là người của đám đông lớn, đã được khắc ghi bởi những gì Ngài đã thấy, đã nghe, đã chạm tới trong thời gian những lần di chuyển nhanh chóng đó. Nhờ đó, Ngài có thể phát biểu bằng những lời lẽ cụ thể với từng độc giả dưới hình thức tự vấn của một lương tâm đã canh tân (47) và lời kêu gọi thay đổi tùy theo lãnh vực của người vai chính và lãnh vực mà họ trách nhiệm. Trong chương cuối, ngài lần lượt nói với những người Công Giáo, những Kitô hữu, những kẻ tin, với những người thiện chí, với các viên chức Nhà Nước, với các hiền nhân, và cũng nói với những người trẻ, những chuyên viên…

* Cấu trúc và lý luận

Phát triển, là ý tưởng chủ đạo của Thông Điệp, bảo đảm tính thống nhất của Thông Điệp; nhiều tính từ được đưa ra để thử xác định nội dung của nó: nó phải đúng, đầy đủ, trọn vẹn, có tính liên đới… Nó vượt xa hơn chứ không chỉ đơn thuần là sự tăng triển kinh tế, tuy tăng triển ấy là cần thiết và những kết qủa của nó phải được phân phối công bằng giữa các dân tộc. Nhưng cái đích nhắm sâu xa là sự phát triển của con người, của toàn thể con người và của mọi người, nhắm đến “hiện hữu” của con người hơn là “sở hữu”.

Hai phần đã tạo nên cấu trúc văn kiện và, nhờ tiêu đề, chúng cho thấy những dòng khẩu hiệu hành động: “vì một sự phát triển toàn diện của con người” (phần I, khía cạnh con người cá nhân) và “hướng đến sự phát triển nhân loại trong tình liên đới” (phần II, khía cạnh tập thể nhiều hơn); và ta nhận thấy trong hai kiểu thức này, cái sắc thái riêng của những từ ngữ được dùng: vì, một, toàn diện, (tiêu đề 1) và hướng đến, sự liên đới (tiêu đề 2).

Nhân học Kitô giáo về phát triển trở thành ơn gọi của con người (15); con người đó đem thực hiện những năng lực của trí tuệ, tự do và hành động mà Thiên Chúa đã phú cho. Trong sự phát triển, có những ngưỡng cửa mà con người phải vượt qua để có thể trở nên là người hơn (số 20 và 21), với cả một thang những giá trị để đánh giá các giai đoạn này.

Khái niệm phát triển các dân tộc không dễ gì xác định. Tại khởi điểm, có một cái ngưỡng phải vượt qua (cuộc đấu tranh chống cái đói) và những mức sống tối thiểu phải đạt cho được, đáp ứng những nhu cầu cốt yếu (sức khỏe, việc làm, giáo dục…); kế đến là sự thăng tiến về mặt xã hội, chính trị và văn hoá trong sự tôn trọng những nét đặc thù của từng dân tộc, sau cùng là cùng thỏa thuận chung quanh các giá trị luân lý. Công cuộc phát triển các dân tộc này phải được khai sinh từ mong muốn có một tình liên đới giữa mọi người, nhờ việc thăng tiến công lý và tình huynh đệ; nó được đặt trong khuôn khổ những mối quan hệ quốc tế, với mong ước sự hợp tác quốc tế sẽ đạt tới mức tạo lập được một trật tự pháp lý cả thế giới công nhận (78) và thậm chí xây dựng được – như Đức Gioan XXIII đã nói đến trong Thông Điệp Pacem in Terris – “một quyền lực quốc tế hữu hiệu”. Chính trong viễn cảnh lớn lao như thế mà công cuộc phát triển sẽ phục vụ cho nền hoà bình thế giới và sẽ mang cùng tên gọi đó (76).

Để tiến gần đến những niềm hy vọng này, Đức Phaolô VI, vượt qua những tranh luận ý thức hệ về các cơ cấu xã hội mà mỗi quốc gia tự chọn cho mình; nhấn mạnh đến những việc phải làm và đề nghị thành lập những tổ chức (Qũy phát triển thế giới). Ngài mau chóng đụng chạm tới vô số vấn đề của con người liên quan đến phát triển: dân số, xoá nạn mù chữ, lao động nhập cư, kế hoạch hóa, đón nhận các sinh viên… Chấp nhận sự đa dạng, đồng thời nhắc đến vài tư tưởng nền tảng về quyền sở hữu, về lao động, về cám dỗ bạo động…

Một vấn đề độc đáo và thời sự được bàn tới một cách sâu xa hơn: sự công bằng đối xử trong những quan hệ thương mại quốc tế (57 đến 66), với việc nghiên cứu về những cách thức trao đổi mua bán với giá cả hợp lý và về những điều kiện để xây dựng hợp đồng công bằng.

Những vấn đề khó khăn này, trong khoảng thời gian ấy, đã được đề cập đến tại các hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (1964, 1968, 1972,…) mà Tòa Thánh có tham dự.

* Tầm mức và ảnh hưởng

Thông điệp về “Phát triển các dân tộc” đã được đón nhận một cách tích cực không những với các nhà chức trách về chính trị và kinh tế, mà còn bởi các tổ chức tư nhân và công luận. Nó khích lệ và định hướng cho các Kitô hữu đang dấn thân trong công tác phát triển; nó khơi dậy những ơn gọi mới mẻ và nhắc mỗi người ý thức trách nhiệm của mình khi đứng trước thách thức lớn của giai đoạn cuối thế kỷ XX này. Thông Điệp đã góp phần mở rộng tầm nhìn. Không đưa ra những giải pháp hoặc mô hình có sẵn, mà chỉ đề nghị những hướng đi và khơi dậy những động cơ hành động. Hẳn nhiên, để trở nên khả thi, những khuyến dụ này cần phải được trải qua một cuộc phân tích chặt chẽ nhiều hoàn cảnh khác nhau và những nguyên nhân của tình trạng kém phát triển. Kế đến vấn đề còn lại là lựa chọn những mục tiêu cần đạt được và những chiến lược phát triển để theo đó mà thi hành, đồng thời phải xét tới những cản trở và các giai đoạn, liên hệ tới biến chuyển thời cuộc quốc tế: khủng hoảng kinh tế; biến chuyển về những tương quan lực lượng trong những lãnh vực kỹ thuật công nghệ, tài chánh, quân sự…; những thay đổi về cách suy nghĩ và việc thích ứng giữa các nền văn hoá… thiện chí thôi thì không đủ, kể cả khi có những dự án hào phóng nhất cũng thế thôi, nếu thiếu cố gắng liên hệ thực tế.

Năm 1967, những lời ngôn sứ này của Đức Phaolô VI đã được phát đi; nó đã được nhiều người đón nhận; đã nảy mầm và triển nở thành rất nhiều sáng kiến, những sáng kiến ấy, nếu muốn hữu hiệu và được triển khai rộng cần phải xét tới những chuyển biến thời cuộc, những khó khăn do hoàn cảnh, và cả kinh nghiệm nữa, đã làm thay đổi theo thời gian những hoài bão trong thực tại.

***

NỘI DUNG THÔNG ĐIỆP

 

Vấn đề xã hội ngày nay mang tính toàn cầu.

Sự phát triển các dân tộc. Giáo huấn xã hội của các Đức Giáo Hoàng. Một sự kiện lớn. Những cuộc du hành công lý và hoà bình {1-5}

I- Vì một sự phát triển toàn diện cuả con người

1- Những dữ kiện của vấn đề. Những khát vọng của con người.Thực dân và chủ nghĩa thực dân. Chênh lệch ngày càng tăng. Nhận thức lương tâm tăng triển. Đụng chạm giữa các nền văn minh.

Kết luận {6-11}

2- Giáo hội và phát triển. Việc làm cuả các nhà truyền giáo. Giáo hội và thế giới. Nhãn quan Kitô về phát triển ơn gọi hướng tới sự tăng triển. Một nghĩa vụ cá nhân, và cộng đoàn. Thang giá trị tăng triển hai mặt. Hướng tới một điều kiện sống nhân bản hơn. Lý tưởng theo đuổi {12-21}

3-Việc phải tiến hành mục đích chung của cải {22}. Sự sở hữu {23}. Sử dụng những lợi tức(24). Công nghiệp hóa (25). Chủ nghĩa tư bản tự do (26). Việc làm (27). Tính hai mặt của nó (28). Việc làm cấp bách (29). Cám dỗ bạo động (30). Cách mạng (31). Cải cách (32). Chương trình đã kế hoạch hóa (33). Để phục vụ con người (34). Xóa mù chữ (35). Gia đình (36). Dân số (37). Các tổ chức nghề nghiệp (38). Chủ nghĩa đa nguyên hợp pháp (39). Phát triển văn hoá (40). Cám dỗ duy vật (41). Hướng tới chủ nghĩa nhân bản toàn diện (42)

II- Hướng tới sự liên đới phát triển của nhân loại

Dẫn nhập: Tình huynh đệ giữa các dân tộc (43-44)

1- Hỗ trợ kẻ yếu kém: Đấu tranh chống cái đói. Ngày nay, ngày mai. Nghĩa vụ liên đới với nhau. Sự thặng dư. Những chương trình Qũy quốc tế, những thuận lợi, sự cấp bách, đối thoại để thành lập, sự cần thiết (45-55).

2- Công bằng trong những quan hệ thương mại. Bất công ngày càng tăng. Bên kia chủ nghiã tư bản tự do. Lẽ công bằng trong các thoả ước giữa các dân tộc. Những biện pháp cần sử dụng. Công ước quốc tế. Những trở ngại phải vượt qua: chủ nghĩa quốc gia; chủ nghiã sắc tộc. Hướng tới một thế giới liên kết. Các dân tộc tự thực hiện vận mạng của mình ( 57 – 65 ).

3- Đức ái phổ quát: nghĩa vụ đón tiếp. Thảm kịch của các sinh viên trẻ. Những người lao động nhập cư. Ý nghĩa xã hội. Sứ mạng phát triển. Phẩm chất của các chuyên gia. Đối thoại giữa các nền văn minh. Lời kêu gọi thanh niên. Cầu nguyện và hành động (67 -75).

4- Phát triển là tên gọi mới của hòa bình. Ra khỏi tình trạng cô lập. Hướng tới một thẩm quyền quốc tế hữu hiệu. Niềm hy vọng dựa trên một thế giới tốt hơn. Tất cả mọi người liên kết với nhau (76 -80).

Lời kêu gọi sau cùng: ngỏ với những người Công Giáo; với các Kitô hữu và những kẻ tin; với những người thiện chí; với các nhà cầm quyền; với các bậc hiền giả. Mọi người cùng bắt tay hành động (81 -87).

***

THÔNG ĐIỆP POPULORUM PROGRESSIO

(PHÁT TRIỂN CÁC DÂN TỘC)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

NGÀY 26 THÁNG 03 NĂM 1967

***

Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI

***

MỞ ĐẦU

VẤN ĐỀ XÃ HỘI NGÀY NAY

ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT VẤN ĐỀ CỦA THẾ GIỚI

 

Giáo hội chú ý tới sự phát triển của các dân tộc

1. Sự phát triển của các dân tộc, nhất là những dân tộc đang cố thoát khỏi cảnh ô nhục vì đói khát, cùng cực, bệnh tật, ngu dốt; đang tìm cách tham gia nhiều hơn vào thành quả của văn minh; đang đòi hỏi phải đánh giá đúng mức hơn những khả năng của con người họ trong mọi hoạt dộng; đang quyết chí vươn mình tới một sự nảy nở trọn vẹn: sự phát triển của các dân tộc đó được Giáo hội Công giáo hằng tha thiết lưu ý.

Thực vậy, sau khi công đồng Vatican II kết thúc, Giáo hội đã nhận thấy rõ ràng và sâu xa hơn đòi hỏi của Phúc Âm là phải dấn thân phục vụ con người, không những để giúp họ nhận rõ tất cả mọi kích thước của vấn đề tối quan trọng này, mà còn để thuyết phục họ phải cấp tốc hành động liên đới với mọi người trong khúc quanh quyết định này của lịch sử nhân loại.

Giáo huấn của các Giáo Hoàng về vấn đề xã hội

2. Các vị Giáo Hoàng trước chúng tôi như Đức Lêô XIII trong thông điệp “RERUM NOVARUM”[1], Đức Piô XI trong thông điệp “QUADRAGESIMO ANNO”[2], Gioan XXIII trong “MATER ET MAGISTRA”[3] và “PACEM IN TERRIS”[4]. Khỏi nói đến Đức Piô XII với các sứ điệp truyền thanh gửi toàn thế giới[5]- các vị giáo hoàng đó đã chu toàn sứ mạng của mình là luôn luôn chiếu sáng Phúc âm trên những vấn đề xã hội của thời đại các Ngài.

Một vấn đề mà mọi người đều biết

3. Ngày nay, có một điều mà mọi người đều biết chắc là vấn đề xã hội đã trở thành một vấn đề của thế giới. – Đức Gioan XXIII đã quả quyết rõ ràng điều đó[6], và Công Đồng cũng nhắc lại trong Hiến chế mục vụ “Về Giáo hội trong thế giới ngày nay”[7]. Giáo huấn này hết sức quan trọng, vì thế phải cấp bách thi hành. Các dân tộc đói khổ đang hạch sách các dân tộc giầu sang. Giáo hội cũng động lòng run rẩy khi nghe tiếng kêu phát ra tự niềm thao thức ấy, và kêu gọi mọi người hãy vì yêu thương đáp lại tiếng gọi của người anh em mình.

Chính Đức PhaoLô VI đã thấy trong các cuộc du hành

4. Trước khi lên Ngôi giáo hoàng, trong hai chuyến đi Nam Mỹ năm 1960 và Phi Châu năm 1962, Chúng tôi đã được tiếp xúc trực tiếp với những khó khăn ghê gớm đang bóp chặt hai lục địa đầy sức sống và đầy hy vọng.

Sau khi được chọn làm giáo hoàng Chúng tôi cũng được thấy tận mắt và như sờ tận tay, ở Thánh Địa cũng như ở Ấn độ, những nỗi khổ cực mà những dân tộc có nền văn minh cổ kính ấy phải chịu đựng để cố gắng mở mang xứ sở.

Lúc Công Đồng Vatican II sắp kết thúc, do Thiên Chúa sắp đặt, chúng tôi đã được tới trụ sở Liên hiệp quốc để biện hộ cho các dân tộc nghèo trước hội trường rộng lớn đó.

Một chương trình gồm hai điểm: Công Bằng Và Hòa Bình

5. – Sau hết, vừa rồi đây để thể hiện nguyện vọng của Công Đồng và cũng để cho mọi người thấy Tòa Thánh ủng hộ chính nghĩa của các dân tộc đang cố gắng phát triển như thế nào, chúng tôi thấy có bổn phận phải thiết lập thêm tại Giáo triều Roma một uỷ ban trực thuộc giáo hoàng, có nhiệm vụ “làm cho toàn thể dân Chúa ý thức trọn vẹn được vai trò mà thời đại hiện tại đang đòi hỏi ở mình, giúp cho các dân tộc nghèo được thăng tiến: làm cho có sự công bằng giữa các dân tộc; viện trợ cho các dân tộc kém mở mang, để họ có thể tự phát triển”[8]. “Công bằng và hòa bình” là tên và là chương trình của uỷ ban này. Chúng tôi nghĩ rằng chương trình này có thể liên kết những người thiện chí với người công giáo, con cái chúng tôi, và các Giáo hữu Kitô, anh em chúng tôi – vì thế hôm nay Chúng tôi long trọng kêu gọi mọi người liên kết ý kiến và hành động để phát triển toàn diện mỗi một con người và cùng phát triển mối liên đới giữa mọi người.

***

PHẦN I

ĐỂ TIẾN TỚI MỘT SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CỦA CON NGƯỜI

 

1. Những vấn đề hiện tại

Khát vọng của con người

6. Khát vọng của con người hôm nay là có được chắc chắn của ăn, sức khỏe, việc làm ổn định; là có được trách nhiệm nhiều hơn, để khỏi bị áp bức, để thoát cảnh nhục nhã xâm phạm đến con người; là được học hành hơn. Nói tóm lại là được LÀM được BIẾT, được có nhiều hơn, để sống cho ra người hơn. Thế mà một số lớn đang phải ở trong những điều kiện không bao giờ thể hiện được khát vọng nói trên. Hơn nữa những dân tộc, mới thâu hồi được độc lập, thấy không những cần có quyền tự do chính trị, mà còn cần cả quyền phát triển tự lập về kinh tế và xã hội. Có như thế mới mong làm cho dân chúng phát triển đầy đủ và dám nhận lấy chỗ đứng của mình trong cộng đoàn các dân tộc.

Cơ cấu của thực dân để lại

7. Để thể hiện công cuộc khó khăn và tối quan trọng ấy, những phương tiện của thời xưa để lại như một di sản, tuy thiếu sót, nhưng không phải là hoàn toàn không có. Thực ra nên nhìn nhận các nước thực dân đã luôn luôn chỉ tìm lợi lộc, quyền hành và vinh danh của họ. Vì thế khi ra đi họ để lại một tình trạng kinh tế què quặt. Chẳng hạn, chỉ dựa vào nguyên một loại canh tác độc nhất. Giá cả của hoa mầu nay lại lên xuống thất thường – Nếu phải nhìn nhận một số tai hại và ác quả của chế độ thực dân, thì đồng thời cũng phải ghi nhận công trạng của những thực dân, nhờ có khoa học và kỹ thuật nơi nhiều miền xấu số những thành quả tốt – các cơ sở để lại, tuy không hoàn bị, nhưng cũng có thể giúp chiến đấu với ngu dốt bệnh tật, thiết lập giao thông thuận lợi và cải tiến đời sống.

Hiện tình càng ngày càng chênh lệch

8. Tuy phải nói và nhìn nhận điều đó, sự thật quá hiển nhiên vẫn là sự trang bị ấy không đủ để đối phó với thực trạng kinh tế khó khăn ngày nay. Cứ bỏ mặc theo đà tự nhiên của nó thì guồng máy kinh tế hiện tại sẽ đem thế giới tới những mức sống chênh lệch trầm trọng hơn, chứ đừng nói giảm bớt. Các nước giàu phát triển nhanh, trong lúc các nước nghèo phát triển chậm. Sự chênh lệch cứ tăng thêm; Có nước sản xuất thực phẩm thừa thãi, có nước lại thiếu thốn một cách tàn nhẫn. Những nước này nếu có nguồn lợi dư thừa nào, thì hoặc khi có khi không, hoặc không chắc gì đã có thị trường để xuất cảng.

Ý thức càng ngày càng cao

9. Trong lúc đó, những vụ tranh chấp trên những vấn đề xã hội đã lan rộng gần khắp thế giới. Những xáo trộn trước kia chỉ xâm nhập các giai cấp nghèo trong các nước kỹ nghệ, giờ đây lan đến những miền mà kinh tế gần như hoàn toàn dựa vào nông nghiệp. Người nông dân cũng ý thức được cảnh bần cùng oan ức của họ[9]. Thêm vào đó còn có những chênh lệch bất xứng và nhục nhã không những trong việc hưởng thụ của cải, mà cả trong việc sử dụng quyền hành. Ở nhiều miền, chỉ một thiểu số được ưu đãi sống trên nhung lụa, còn lại tất cả dân chúng, nghèo nàn và tản mác, không còn có thể có sáng kiến và trách nhiệm và lắm lúc phải ở trong một hoàn cảnh sinh sống và làm việc bất xứng với phẩm giá con người[10].

Sự đụng độ giữa hai văn minh

10. Hơn nữa nền văn minh cổ truyền và văn minh kỹ nghệ mới đang đụng độ nhau, làm tan vỡ những cơ cấu không còn thích ứng với nhu cầu của thời đại, do đó những người lớn tuổi nghĩ rằng khuôn khổ ca nền văn minh cổ truyền, tuy càng ngày càng thu hẹp, vẫn còn có thể là nơi nương tựa cho đời sống cá nhân cũng gia đình, vì thế họ cố bám vào đó. Trái lại vì cho rằng đó chỉ là một chướng ngại vật vô bổ, lớp trẻ tìm cách thoát ly để hăng say hướng đến một hình thức mới của đời sống xã hội. Vì đụng độ giữa hai thế hệ mà người ta đi đến chỗ phải lựa chọn bi đát như sau: hoặc giữ lại cơ cấu và tư tưởng của cha ông, thì phải từ chối tiến bộ; hoặc đón nhận kỹ thuật và văn minh ở ngoài đem đến thì phải bỏ tập tục cổ truyền với những giá trị nhân bản của nó. Thực ra lắm lúc chúng tôi thấy rằng nghị lực luân lý, tinh thần, và tôn giáo của một số người lớn tuổi suy giảm và hơn nữa họ không chen chân vào được trong thế giới mới này.

Kết luận

11. Trong cơn khủng hoảng đó người ta rất dễ bị lôi cuốn theo những lời hứa hẹn rất hấp dẫn, những giả dối của những kẻ tự nhận là cứu tinh mới. Ai lại chẳng thấy những nguy hiểm do đó mà phát xuất ra, như phản ứng bạo động của quần chúng, nổi loạn hỗn độn, nghiêng về những ý thức hệ độc tài? Tầm quan trọng của vấn đề đó, chắc ai cũng thấy.

2. Giáo hội và vấn đề phát triển

Sự nghiệp của các vị thừa sai

12. – Giáo hội hằng trung thành với giáo huấn và gương mẫu của Chúa Kitô, Đấng đã lấy việc loan báo Tin mừng cho người nghèo khó, làm như dấu hiệu của sứ mệnh Ngài[11]. Vì thế, Giáo hội đem Tin Mừng đến đâu thì cũng cố gắng giúp phát triển con người dân tộc ở đó. Các thừa sai của Giáo hội trong lúc xây dựng Thánh đường, cũng lo xây dựng dưỡng đường, bệnh viện, và trường học đủ các cấp. Họ dạy cho người bản xứ phương thức khai thác một cách đầy đủ những tài nguyên thiên nhiên của họ, và còn bảo vệ họ khỏi lòng tham của ngoại nhân. Lẽ dĩ nhiên, các thừa sai cũng là người, công việc của họ có thể thiếu sót: có những kẻ đem pha trộn lối sống và lối suy tư của xứ sở họ vào việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô. Nhưng đồng thời họ cũng biết không những tôn trọng mà còn làm phát triển các cơ cấu địa phương. Có nhiều vị được kể vào số những chiến sĩ tiền phong phát động tiến bộ vật chất và văn hóa. Chỉ cần nhắc lại gương của Cha Charles de Foucauld cũng đủ. Ngài đã sống một đời yêu thương và đáng gọi là “anh em của mọi người”, chính Ngài đã soạn thảo một cuốn tự điển giá trị về tiếng Touareg. Đó là những kẻ đã được tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy, họ đã đi tiền phong, nhưng ít ai biết đến. Bổn phận của chúng ta là phải ca ngợi họ, cũng như phải ca ngợi những người kế tiếp họ, theo gương họ, những kẻ ngày nay còn đang phục vụ một cách đại độ và vô vị lợi, ở những nơi mà họ đến để giảng Tin mừng.

Sứ mạng của Giáo hội

13.Nhưng từ nay, sáng kiến của một người hay của nhiều người ở từng địa phương không còn đủ nữa. Tình thế của thế giới hiện tại đòi hỏi phải có một hành động chung, căn cứ trên một cái nhìn sáng suốt bao gồm tất cả mọi vấn đề: kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần. Giáo hội hiểu biết rất nhiều về những vấn đề của nhân loại, nhưng Giáo hội không can dự vào chuyện chính trị. Giáo hội chỉ có nhằm một mục đích duy nhất là tiếp tục, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, công việc của Chúa kitô, Đấng đã đến trong trần gian để làm chứng về sự thật, để cứu rỗi, chứ không phải để lên án, để phục vụ chớ không phải để được phục vụ[12]. Giáo hội được thiết lập là để xây dựng ngay tự đây nước trời ở trần gian, chớ không phải để chiếm đoạt một quyền lực trần thế. Vì thế Giáo hội quả quyết rõ ràng rằng: hai lãnh vực này khác biệt, cũng như hai quyền lực, giáo quyền và chính quyền, đều là hai quyền tối thượng, mỗi bên trong phạm vi của mình[13].

Nhưng Giáo hội lại sống giữa loài người, nên phải tìm hiểu những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy theo ánh sáng của phúc âm[14]. Những khát vọng đẹp đẽ nhất của con người cũng là của Giáo hội, nên Giáo hội đau buồn khi thấy những khát vọng ấy không được toại nguyện. Vì thế nên Giáo hội muốn giúp họ đạt tới sự phát triển đầy đủ của họ, đề nghị với họ điều mà Giáo hội có được, là một cái nhìn toàn diện về con người và nhân loại.

Tất cả con người và tất cả mọi người

14. Sự phát triển không chỉ nhằm nguyên việc mở mang kinh tế. Bởi vì sự phát triển đích thực là sự phát triển toàn diện, nghĩa là thăng tiến tất cả mọi người và toàn thể con người. Một chuyên viên lỗi lạc đã nói rất đúng về điều đó: “Chúng tôi không chấp nhận việc tách rời kinh tế khỏi vấn đề của con người, việc tách rời vấn đề phát triển khỏi nền văn minh liên hệ. Điều đáng kể đối với chúng ta là con người, là mỗi người, là mỗi đoàn người cho đến toàn thể nhân loại[15].

Mỗi người phải phát triển

15. Trong ý định của Thiên Chúa, mỗi người sinh ra là để được phát triển, vì mỗi đời sống là một sứ mạng. Thực vậy, từ khi mới sinh ra, mỗi người đã được những đức tính và năng khiếu như những mầm mống phải vun trồng cho lớn lên: nhờ giáo dục của xã hội hay cố gắng riêng của mình, những đức tính và năng khiếu lớn mạnh để mỗi người có thể đạt tới đích mà Đấng tạo hóa đã chỉ định cho mình. Vì con người có trí tuệ và tự do, nên con người có trách nhiệm về sự phát triển, cũng như về sự cứu rỗi của mình. Con người thường được những nhà giáo dục và những kẻ sống quanh mình giúp đỡ, nhưng cũng đôi khi bị họ gây trở ngại. Tuy ảnh hưởng đó thế nào đi nữa thì sự thành công hay thất bại của mỗi người cũng là chính do mỗi người tạo nên. Mỗi người có thể nhờ thông minh và ý chí, mà lớn lên trong đạo làm người, mà có thêm giá trị, mà sống ra người hơn.

Bổn phận của mọi người

16.Đàng khác, việc phát triển này không phải là việc để tùy ý. Cũng như tất cả thụ tạo phải hướng về Đấng tạo hóa, thì vật thụ tạo có lý trí cũng có nhiệm vụ phải tất nhiên hướng cuộc đời mình về Thiên Chúa, là chân lý nguyên khởi và thiện hảo tối thượng. Vì thế, việc phát triển con người được coi là tột đỉnh nghĩa vụ của chúng ta. Hơn thế nữa bản tính con người vốn đã điều hòa tốt đẹp, lại được mỗi người bằng việc làm và ý thức trách nhiệm của mình, kiện toàn mỗi ngày một hơn, bản tính ấy còn được quy hướng về một phẩm giá cao trọng hơn. Tháp nhập vào Chúa Kitô là Đấng đã làm cho ta được sống, con người còn tiến tới một sự phát triển khác, một nền nhân bản siêu việt làm cho con người được sống đầy đủ tột độ. Đó là mục đích tối hậu của việc phát triển con người.

Bổn phận của cộng đoàn

17.Nhưng mỗi người còn là thành phần của xã hội: mỗi người thuộc về toàn thể nhân loại. Vì thế không phải là người này hay người kia mà là tất cả mọi người đều được gọi để thực hiện sự phát triển toàn vẹn này. Các nền văn minh sinh ra, lớn lên rồi chết đi nhưng cũng như những đợt sóng thủy triều đang lên, mỗi đợt tiến thêm một chút vào bờ, nhân loại cũng tiến như thế trên đường lịch sử. Là người được thừa hưởng của các thế hệ đã qua và đang thụ hưởng công việc của người đương thời, chúng ta có những nghĩa vụ đối với tất cả, và chúng ta không có quyền thờ ơ với những người sẽ đến sau chúng ta để làm rộng lớn thêm đại gia đình nhân loại. Tình liên đới đại đồng là một điều có thực. Nó đem lại cho ta không những lợi ích mà còn bổn phận nữa.

Sắp đặt các giá trị

18.Việc phát triển của mỗi người và của toàn thể nhân loại sẽ bị tổn thương, nếu không đặt mỗi việc theo đúng giá trị quan trọng của nó. Con người có quyền ước muốn những của cải cần thiết để sống và có bổn phận phải làm việc để có những của cải đó: “Nếu ai không muốn làm thì người ấy cũng đừng ăn” [16]. Nhưng việc tìm kiếm của cải có thể đem con người đến lòng ham muốn quá độ, ham muốn có nhiều của cải hơn, có nhiều quyền lực hơn. Tật tham lam của mỗi người cũng như của các gia đình, các dân tộc có thể làm thấm nhập vào người nghèo nhất cũng như người giàu nhất và gây cho cả đôi bên một tinh thần duy vật bóp nghẹt tâm hồn.

Hai bộ mặt của sự phát triển

19.Đối với một dân tộc cũng như đối với một cá nhân có thêm nhiều của hơn không phải là mục đích tối hậu. Mỗi một sự thăng tiến đều có hai mặt: nó cần thiết để con người được nên người hơn, nhưng đồng thời nó cũng giam hãm con người một khi nó trở thành giá trị cao cả thật, không còn cho thấy giá trị nào khác. Lúc đó, lòng người trở nên chai đá và tinh thần khép kín lại, con người không còn đến với nhau vì tình nghĩa, nhưng chỉ vì lợi lộc. Lợi lộc để làm cho con người chống đối nhau và chia rẽ nhau. Vì thế nếu chỉ tìm của cải mà thôi thì không những sẽ làm cản trở cho sự phát triển của con người, mà còn phản lại sự cao cả bẩm sinh của con người. Đối với một quốc gia cũng như đối với một con người, tội tham lam là một hình thức lộ liễu nhất của tình trạng luân lý thấp kém.

Tiến tới một điều kiện xứng với con người hơn

20. Nếu để xúc tiến việc phát triển, cần phải có chuyên viên mỗi ngày mỗi nhiều, thì càng cần phải có nhiều hơn nữa những nhà hiền triết để suy nghĩ sâu xa, để tìm kiếm một thuyết nhân bản mới. Nhờ đó con người hiện đại như tìm lại được chính mình vì thấm nhuần những giá trị cao quý của tình yêu, tình bạn, cầu nguyện và chiêm ngắm[17] Có thế, mới thực hiện được trọn vẹn sự phát triển đích thực. Một sự phát triển đích thực đối với mỗi người cũng như đối với mọi người, là đi từ những điều kiện ít xứng với con người đến những điều kiện xứng với con người hơn.

Lý tưởng phải theo đuổi

21.Sống trong những điều kiện ít xứng với con người: trước tiên có nghĩa là những kẻ sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất như thiếu ăn thiếu mặc, thiếu thốn về tinh thần như sa đọa ích kỷ quá độ.

Sống trong những điều kiện ít xứng với con người: còn là những kẻ bị cơ cấu của xã hội đè nén: những cơ cấu do sự lạm dụng sở hữu, lạm dụng quyền hành, bóc lột nhân công cũng như buôn bán gian lận tạo nên.

Xứng với con người hơn, có nghĩa làm cho con người từ nghèo đói đến no đủ, loại trừ các tệ đoan xã hội, mở rộng được kiến thức, hấp thụ được văn hóa. Xứng với con người hơn: còn có nghĩa là kính trọng nhân phẩm của người khác hơn, hướng về một tinh thần nghèo khó[18], mưu cầu ích chung, quyết tâm hòa bình. Xứng hợp với con người hơn còn có nghĩa là con người nhìn nhận những giá trị tối cao, và nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng đích của mọi giá trị.

Xứng hợp với con người hơn, sau hết và hơn hết, là có nghĩa rằng: con người thành tâm đón nhận đức tin, tức là đón nhận ân huệ của Thiên Chúa, và hòa hợp các tâm hồn trong tình thương yêu của Đức Kitô, Đấng đã gọi chúng ta để được làm con, tham gia vào sự sống của Thiên Chúa hằng sống, Cha của mọi người.

3. Công cuộc phải thể hiện

Của cải là của mọi người

22. Ở ngay trang đầu của Kinh Thánh, chúng tôi đọc được lời này: “Hãy lan tràn khắp mặt đất và hãy khắc phục trái đất”[19]. Lời đó dạy chúng ta rằng tất cả vũ trụ này được tạo dựng nên cho con người; con người có bổn phận phải dùng tài năng của mình để tăng giá trị của vũ trụ, và dùng việc làm của mình mà hoàn thành vũ trụ để hưởng dụng. Trái đất đã được tạo dựng nên để cung cấp phương tiện sinh sống và khí cụ tiến bộ cho mỗi người, thì mỗi người có quyền tìm thấy ở trong đó những điều cần thiết cho mình. Công đồng cũng đã nhắc lại điều đó rằng: “Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất và mọi vật trên đó là để mọi người và mọi dân tộc sử dụng. Vì thế của cải trần gian phải tràn đầy đồng đều cho mọi người, theo luật công bằng là một luật đi liền với luật Bác ái”[20].

Định luật này phải được ưu tiên trên mọi quyền hạn khác, bất cứ là quyền nào kể cả quyền tư hữu và quyền tự do buôn bán. Các quyền khác không những không được cản trở, mà trái lại phải giúp định luật này thể hiện dễ dàng. Vì đó, phải hiểu rằng bổn phận xã hội quan trọng và cấp bách nhất: là phải quy hướng các quyền nói trên về với cùng đích tiên khởi của chúng.

Quyền tư hữu

23.“Kẻ có của cải trên đời, nếu thấy anh em mình phải túng bấn, mà đi khóa lòng dạ lại không thương nó, thì lòng mến Thiên Chúa ở trong kẻ ấy thế nào?”[21].

Mỗi người đều biết các giáo phụ đã nói mạnh mẽ như thế nào về bổn phận phải có của người giàu đối với những kẻ đang lâm cảnh túng thiếu. Thánh Ambrosio nói: “Anh cho người nghèo, nhưng đó không phải anh lấy của anh mà cho, mà anh chỉ trả lại cho họ của cải của họ. Bởi vì của cải là để cho mọi người dùng chung, thì anh đã dành lấy một mình cho anh. Trái đất này là của mọi người, chứ không phải của người giàu” [22] Những lời đó có nghĩa là quyền tư hữu không cho một ai có quyền tuyệt đối và vô điều kiện. Không ai có quyền dành riêng, cho một mình mình, của dư thừa khi có những người khác đang thiếu những gì cần thiết để sống. Nói tóm lại, theo học thuyết truyền thống của các giáo phụ, và các nhà thần học danh tiếng thì không bao giờ được sử dụng quyền tư hữu khi thiệt hại đến ích lợi chung. Nếu có sự tranh chấp giữa quyền tư nhân đã được xác nhận và đòi hỏi quan trọng của cộng đoàn, thì chính phủ phải lo giải quyết với sự tham gia tích cực của các tư nhân và các tập thể.[23]

Sử dụng lợi tức

24.Vậy lắm lúc vì ích chung phải truất hữu. Chẳng hạn như khi sở hữu làm cản trở sự thịnh vượng chung vì rộng lớn quá, không khai thác đủ hoặc không khai thác được và gây khổ cực cho dân chúng hoặc làm thiệt hại lớn cho quốc gia. Công đồng Vatican II đã quả quyết rõ ràng điều đó và còn nhấn mạnh rằng: Không phải ai muốn sử dụng lợi tức của mình thế nào thì cứ sử dụng, và phải cấm đoán những vụ đầu cơ ích kỷ. Có những công dân có lợi tức dư thừa nhờ tài nguyên và sinh hoạt quốc gia, họ đem chuyển một phần lớn tài sản đó ra ngoại quốc để mình sử dụng riêng, mà không để ý tới thiệt hại tỏ tường của xứ sở[24].

Kỹ nghệ hóa

25. Việc kỹ nghệ hóa là một điều cần thiết cho sự phát triển kinh tế và cho sự tiến bộ của con người[25]. Kỹ nghệ vừa là dấu hiệu vừa là động cơ của sự phát triển. Con người nhờ xử dụng trí thông minh của mình và chịu khó làm việc, đã khám phá được lần hồi những định luật bí ẩn của vũ trụ và làm cho kho tàng phong phú của nó trở nên thêm hữu dụng. Do đó con người vừa điều hòa được nếp sống của mình vừa mở mang thêm óc tìm tòi và phát minh. Con người cũng nhờ đó trở nên can đảm, dám mạo hiểm, dám kinh doanh, dám có sáng kiến, dám lãnh trách nhiệm.

Chủ nghĩa tư bản

26. Nhưng từ những điều kiện mới mẻ ấy của xã hội, không biết sao lại phát sinh ra một chủ trương lấy lợi làm động cơ căn bản để phát triển, lấy tự do cạnh tranh làm định luật tối cao của kinh tế, lấy việc nắm giữ riêng những phương tiện sản xuất làm quyền tuyệt đối, bất chấp giới hạn và nghĩa vụ xã hội liên hệ. Thứ “tự do kinh tế” phóng túng này đã dẫn đưa tới một lối độc tài mà Đức Piô XI đã tố cáo đúng lý như cha đẻ của “đế quốc tiền bạc quốc tế“[26]. Những thứ lạm dụng kinh tế như thế không bao giờ bài xích cho đủ, bởi vì, còn phải long trọng lập lại một lần nữa, kinh tế là để phục vụ con người[27]. Quả thực có một hình thức tư bản nào đó đã phát sinh ra bấy nhiêu đau thương, bất công, và tranh chấp giữa anh em gây nên thiệt hại lâu dài. Nhưng thực là sai lầm nếu đem gán ghép cho chính việc kỹ nghệ hóa những tệ hại đó, là những tệ hại của một chủ nghĩa sai lạc cùng phát triển một lúc với việc kỹ nghệ hóa mà thôi. Cần phải công minh nhìn nhận sự góp phần cần thiết của sự tổ chức việc làm cách khoa học và những tiến bộ của kỹ thuật vào công cuộc phát triển.

Giá trị của việc làm

27. Cũng vậy, mặc dầu đôi lúc người ta đề cao quá đáng giá trị của việc làm, nhưng không phải vì thế mà không nhìn nhận rằng chính Thiên Chúa đã truyền phải làm việc và chúc lành cho công việc làm. Bởi vì đã được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa “con người phải cộng tác với Đấng Tạo hóa để hoàn thành công cuộc tạo dựng và cũng để ghi dấu thiêng liêng của mình trên trái đất”[28]. Thiên Chúa đã ban cho con người trí thông minh, óc tưởng tượng, và giác quan tức là đã cho con người phương tiện để như hoàn tất công cuộc của Ngài, bởi vì mỗi một người khi làm việc, dù là người nghệ sĩ hay thủ công, chủ nhân, công nhân, hay nông dân, đều làm công việc tạo dựng. Khi nghiêng mình làm việc trên một chất liệu rắn rỏi, người lao động in vào đó dấu riêng của mình, đồng thời cho mình thêm tính kiên nhẫn, tài khéo léo và óc sáng tạo. Hơn thế nữa, khi làm việc, chung đụng với nhau, cùng chia sẻ hy vọng, đau khổ, hoài bão và vui thú. Do đó việc làm nối kết các ý chí, kéo gần các tâm trí, hàn gắn các tâm hồn. Nhờ làm việc mà con người khám phá ra mình là anh em với nhau[29].

Việc làm dị nghĩa

28. Việc làm đã hẳn là dị nghĩa, vì nó hứa hẹn tiền tài, lạc thú, thể lực, lôi kéo lớp người này vào ích kỷ, lớp người kia vào nổi loạn. Tuy nhiên nó cũng làm phát huy lương tâm nghề nghiệp, ý thức bổn phận, và tình thương đối với người bên cạnh. Ngày nay việc làm khoa học và có tổ chức hơn, nhưng cũng vì thế mà có thể trở nên vô nhân đạo đối với người lao động: Người nô lệ đã trở thành như nô lệ của việc làm. Việc làm chỉ có thể nói được là của con người, khi con người làm việc một cách thông minh và tự do[30].

Đức Gioan XIII đã khẩn khoản nhắc nhở rằng phải cấp bách trả lại nhân phẩm cho người lao động và phải làm cho họ tham gia thực sự vào công cuộc chung: “Phải làm thế nào để xí nghiệp trở thành một cộng đoàn giữa người với người trong các mối liên lạc, việc làm, hoàn cảnh của mỗi người trong xí nghiệp”.

Sau hết đối với người giáo hữu, việc làm còn có sứ mạng cộng tác vào công cuộc tạo dựng một thế giới siêu nhiên[31]. Thế giới đó phải hoàn thành cho tới ngày mà tất cả chúng ta làm thành con người hoàn hảo mà Thánh Phaolô nói: “Con người thể hiện được sự viên mãn của Đức Kitô”[32].

Hành động cấp bách

29. Phải hành động gấp, bởi vì số người đau khổ còn quá nhiều và khoảng cách giữa người tiến bộ và những người không tiến bộ ngày càng lớn. Hơn nữa công cuộc phải làm cần phải được xúc tiến một cách hòa hợp, nếu không sẽ mất thăng bằng cần thiết.

Một cuộc cải cách điền địa thiếu sửa soạn chẳng hạn sẽ không đạt được kết quả. Một công cuộc kỹ nghệ hóa vội vàng có thể làm rối loạn các cơ cấu còn cần thiết, và gây nên những khổ cực trong xã hội. Đó lại là thoái hóa đối với văn minh nhân loại.

Dùng vũ lực

30.Quả đang có những tình trạng bất công kêu thấu tận trời. Thực vậy, khi dân chúng thiếu cả những điều cần thiết để sống, phải lệ thuộc vào người khác đến độ không còn quyền có sáng kiến và trách nhiệm, không còn tiến triển về mặt văn hóa và tham gia được vào đời sống xã hội và chính trị, thì người ta dễ dàng bị lôi cuốn muốn dùng vũ lực để chấm dứt cảnh nhục mạ nhân phẩm con người như thế.

Nổi loạn và cách mạng

31. Nhưng, ngoại trừ trường hợp để đánh đổ một chế độ độc tài rõ rệt và kéo dài đã quá lâu làm thương tổn nặng nề đến những quyền căn bản của con người và nguy hại lớn cho lợi ích quốc gia, những cuộc nổi loạn và cách mạng làm cho thêm bất công, đem đến thêm chênh lệch, và gây thêm tàn phá. Điều đó ai cũng biết – Như thế, người ta đâu có quyền diệt trừ một sự dữ trước mắt bằng một đường lối có thể đem đến một sự dữ tàn khốc hơn.

Cải cách

32. Chúng tôi muốn câu nói của chúng tôi được hiểu đúng như thế này là phải can đảm đối phó với hoàn cảnh hiện tại và phải diệt trừ cho được những bất công của nó. Sự phát triển đòi hỏi những thay đổi táo bạo, những đổi mới sâu xa. Phải khởi công ngay những cải cách mà không trì hoãn: Mỗi người phải đại độ lãnh lấy phần của mình, nhất là những người nhờ giáo dục, nhờ địa vị, nhờ quyền hành, có nhiều khả năng hành động. Ước gì, để làm gương họ lấy chính tài sản của họ để thể hiện điều đó, như nhiều Giám Mục, anh em của chúng tôi đã làm.[33] Có như thế họ mới đáp ứng sự chờ đợi của loài người và trung thành với Thánh Thần Chúa, bởi vì “Chính Phúc âm đã làm dạy lên và đang làm dạy lên, như men, trong lòng người, một đòi hỏi nhân phẩm không thể đè bẹp được”.[34]

Chương trình và kế hoạch

33.Thực ra sáng kiến cá nhân và luật cạnh tranh mà thôi không làm cho việc phát triển được thành công mỹ mãn. Bởi vì không được phép liều lĩnh để cho tài sản và quyền lực của kẻ giầu gia tăng, để cho sự cùng cực của người nghèo thêm rõ rệt và để cho ách nô lệ của những kẻ bị áp bức thêm nặng nề. Vì thế phải có chương trình để “nâng đỡ, khuyến khích phối hiệp, thay thế và bổ khuyết “[35] hoạt động của cá nhân cũng như của các tập thể trung gian. Chính phủ có quyền quyết định và bắt thể hiện những mục tiêu phải theo đuổi, những đích phải đạt, những phương tiện phải dùng để đi tới. Chính phủ cũng có bổn phận phải thúc đẩy nghị lực của tất cả những ai có trách nhiệm về công cuộc chung này. Nhưng chính phủ cũng phải lưu tâm để các tư nhân và các tập thể trung gian có thể giúp sáng kiến vào đó. Có thế thì mới tránh được nạn tập sản hóa tuyệt đối và kế hoạch hóa độc đoán, xâm phạm đến tự do và sử dụng các quyền căn bản của con người.

Phục vụ con người

34. Lập nên chương trình là để gia tăng sản xuất. Do đó một chương trình chỉ có lý do để tồn tại là khi phục vụ con người. Như thế chương trình là để làm giảm bớt chênh lệch, loại bỏ kỳ thị, giải thoát con người khỏi xiềng xích nô lệ, làm cho con người có thể tự mình cải tiến đời sống vật chất của mình, phát huy đời sống tinh thần và làm nảy nở đời sống siêu nhiên.

Khi nói “phát triển” là chúng tôi muốn nói tới sự quan tâm đến tiến bộ xã hội cũng bằng tiến bộ kinh tế. Bởi vì gia tăng tài sản chung cũng đủ để có sự phân phối công minh. kỹ thuật tiến bộ cũng không đủ để quả địa cầu này trở nên nhân đạo hơn, dễ cư ngụ hơn. Vì thế mà những nước đang mở mang phải chú ý tới những sai lầm của những kẻ đi trước, để tránh được nguy hiểm trong lãnh vực này. Nếu những ngày gần đây chế dộ chuyên viên trị thịnh hành, thì rồi cũng lại phát sinh ra những hiểm họa khủng khiếp không kém những hiểm họa do chủ nghĩa kinh tế tự do trước kia. Kinh tế và kỹ thuật không có nghĩa gì nếu không hướng về ích lợi con người để phục vụ. Và con người chỉ thực sự là con người trong mức độ mình làm chủ được hành động của mình và hiểu được tầm quan trọng của nó để tự mình làm cho mình phát triển. Sự phát triển này cũng phải phù hợp với bản tính mà Đấng Tạo hóa tối cao đã phú cho, gồm có những khả năng và đòi hỏi mà mình tự đón nhận.

Chống mù chữ

35.Người ta còn có thể quả quyết rằng sự phát triển kinh tế tùy thuộc nhiều nhất ở sự tiến bộ về mặt xã hội. Do đó giải quyết nạn mù chữ là mục tiêu thứ nhất của một chương trình phát triển. Thiếu học cũng làm suy nhược quả không kém thiếu ăn: Một người mù chữ là một trí óc không được nuôi dưỡng đủ. Biết đọc, biết viết, biết được một nghề là có được lòng tự tin và khám phá được rằng mình có thể cùng tiến với người khác. Như chúng tôi đã nói trong điệp văn gởi Đại hội UNESCO năm 1965 ở Teheran, biết chữ, đối với con người, là một yếu tố thứ nhất và quan hệ nhất để đi vào đời, cũng như để thêm giầu có riêng, còn đối với xã hội, nó là một dụng cụ đặc biệt để tiến bộ về kinh tế và để phát triển[36]. Do dó chúng tôi rất hoan hỷ khi thấy đã có nhiều công cuộc được thực hiện do các sáng kiến cá nhân, các cơ quan công quyền cũng như các tổ chức quốc tế trong địa hạt này: đó là những kẻ góp công thứ nhất vào sự phát triển, bởi vì họ làm cho con người có khả năng tự sức mình theo đuổi sự phát triển.

Gia đình

36. Nhưng con người chỉ đầy đủ là con người trong môi trường xã hội của mình. Trong đó, gia đình đóng một vai trò chính yếu. Vai trò này có thể là quá đáng, khi ở một vài nơi và một vài lúc, nó đã làm tổn thương đến những quyền tự do căn bản của con người – những khung cảnh xã hội cũ của các nước chậm tiến tuy lắm lúc quá cứng rắn và kém tổ chức, nhưng vẫn còn cần thiết một thời nữa, nếu biết nới rộng dần dần sự kiềm chế quá đáng của nó. Nhưng gia đình theo bản chất tự nhiên của nó nghĩa là một vợ một chồng, và vĩnh viễn, đã được Thiên Chúa dự liệu[37] và đạo Kitô giáo thánh hóa, để làm nơi gặp gỡ của nhiều thế hệ, để giúp nhau ngày thêm khôn ngoan từng trải và dung hòa quyền lợi của con người với những đòi buộc của đời sống xã hội. Gia đình đó chính là nền tảng của xã hội[38].

Vấn đề sinh sản

37. Không nên chối rằng lắm lúc dân số tăng lên mau quá gây thêm khó khăn cho việc phát triển: Vì dân số tăng nhanh hơn tài nguyên hiện có, nên người ta có cảm tưởng không còn lối thoát. Lúc đó, người ta dễ chiều theo ý kiến giảm bớt việc tăng gia sinh sản bằng những biện pháp cực đoan.

Chắc chắn là các chính phủ, trong phạm vi quyền hạn của mình, có thể can thiệp, bằng cách giáo dục dân chúng về vấn đề ấy và dùng những biện pháp thích ứng, miễn là những biện pháp đó phù hợp với đòi buộc của luân lý và tuyệt đối kính trọng sự tự do chính đáng của vợ chồng. Bởi vì nếu quyền kết hôn và sinh sản là những quyền cố định mà bị tước đoạt thì còn gì là phẩm giá con người. Sau hết việc định đoạt số con phải có là trách nhiệm của cha mẹ, một khi đã thấu triệt vấn đề. Trách nhiệm ấy họ phải nhận lấy trước Thiên Chúa, đối với nhau, đối với những đứa con đã được sinh ra và đối với cộng đoàn liên hệ với họ theo đúng đòi buộc của lương tâm đã được đào tạo trong lề luật Chúa giải thích một cách trung thực, và đã được mạnh mẽ nhờ cậy tin ở Chúa[39].

Các tổ chức nghề nghiệp

38.con người phát triển, trước nhất là nhờ có gia đình nơi sinh sống, và thường cũng có các tổ chức nghề nghiệp giúp đỡ. Các tổ chức này được lập ra để mưu cầu quyền lợi cho các hội viên. Tuy nhiên vẫn có trách nhiệm lớn đối với vấn đề giáo dục, một công cuộc mà các tổ chức đó có thể làm rất nhiều để giúp cho các hội viên ý thức được quyền lợi chung và trách nhiệm của mỗi người đối với quyền lợi đó.

Chủ thuyết khác nhau

39. Mỗi một hoạt động xã hội đều có hàm chứa một chủ thuyết. Người giáo hữu Kitô không thể chấp nhận một chủ thuyết dựa trên triết lý duy vật và vô thần, không tôn trọng hướng tôn giáo của cuộc đời là hướng về cùng đích tối hậu đời đời, cũng như không tôn trọng tự do và phẩm giá của con người. Tuy nhiên, miễn là không tổn thương đến những giá trị đó, có thể chấp nhận nhiều tổ chức nghề nghiệp và nghiệp đoàn khác nhau. Đứng về một vài phương diện, điều đó lại có lợi, miễn là bảo đảm được tự do và khuyến khích sự thi đua. Và chúng tôi hoan hỷ ca ngợi những ai đang cố gắng hy sinh phục vụ anh em mình một cách vô vị lợi.

Phát triển văn hóa

40.Ngoài những tổ chức nghề nghiệp ấy, còn có những cơ cấu đang hoạt động, để góp phần không kém vào việc phát triển. Bằng những lời trịnh trọng Công đồng tuyên bố: “Tương lai của thế giới sẽ lâm nguy, nếu thời đại chúng ta không biết tạo nên cho mình những người hiền”. Công đồng còn thêm: “Có nhiều quốc gia nghèo về vật chất, nhưng giàu về tinh thần có thể giúp ích cho rất nhiều nước khác về phương diện ấy”[40]. Giàu hay nghèo, mỗi xứ sở đều có một nền văn minh do tiền nhân để lại: đó là những cơ cấu cần có cho đời sống vật chất và những phát biểu cao thượng của đời sống tinh thần như nghệ thuật, tri thức và tôn giáo. Nếu những sinh hoạt tinh thấn này có hàm chứa những giá trị nhân bản đích thực, thì là một lầm lẫn lớn, khi bỏ nó để chỉ tìm những thể hiện vật chất kia. Một dân tộc mà làm như thế là bỏ mất cái gì quý giá nhất của mình và như thế là sống mà bỏ mất lý do của cuộc sống. Lời dạy dỗ sau đây của Đức Kitô cũng áp dụng cho các dân tộc: “Có cả thế giới ích gì cho con người, nếu phải mất sự sống của mình”[41].

Sự cám dỗ vật chất

41.Các dân tộc nghèo không bao giờ đề phòng cho đủ để chống với sự cám dỗ vật chất do các dân tộc giàu đem đến. Phơi bày những thành công mỹ mãn của kỹ thuật và văn hóa, các dân tộc giàu, đồng thời cũng nêu cao nếp sống sinh hoạt kinh tế chỉ nhằm theo đuổi sự thịnh vượng vật chất. Sự thực vật chất tự nó không ngăn cản sinh hoạt tinh thần. Mà trái lại, tinh thần, “ít phải lo lắng về vật chất, có thể dễ dàng thờ phượng và chiêm ngắm Đấng Tạo Hóa hơn”[42]. Nền văn minh hiện đại thường có thể làm cho khó gần Thiên Chúa hơn. Điều đó không tự tại bản chất của nền văn minh, mà bởi vì tại nền văn minh quá đi sâu vào vật chất[43]. Các dân tộc kém mở mang, cần phải lựa chọn trong những điều người ta đem đến cho mình: phải biết cân nhắc và loại bỏ những giá trị giả dối, chỉ làm hạ thấp giá trị cao đẹp của con người; nhận lấy giá trị tốt lành và hữu dụng để làm phát triển thêm cùng một lúc với những tinh hoa của mình theo tài trí riêng của mỗi dân tộc[44].

Kết luận

42. Đó là một nền nhân bản hoàn hảo phải cổ võ. Nhân bản hoàn hảo là gì, nếu không phải là phát triển toàn diện con người và tất cả mọi người? Một nền nhân bản đóng kín không chấp nhận những giá trị tinh thần cũng như không chấp nhận Thiên Chúa là nguồn gốc những giá trị ấy, nền nhân bản đó có thể chỉ thắng thế ngoài mặt. Đã hẳn là con người có thể tổ chức thế giới này không có Thiên Chúa, nhưng loại bỏ Thiên Chúa ra thì rốt cuộc con người chỉ có thể tổ chức để chống lại con người. Một nền nhân bản không đếm xỉa gì tới những giá trị khác, là một nền nhân bản phi nhân[45]. Vậy một nền nhân bản chân thực chỉ có thể là một nền nhân bản hướng về Thiên Chúa Chí Tôn, khi nhìn nhận bổn phận mà chúng ta được mời gọi thể hiện là bổn phận đem lại cho đời sống con người ý nghĩa chính xác. Không đời nào con người lại là tiêu chuẩn cuối cùng cho con người. Con người chỉ thể hiện được con người cho trọn vẹn một khi con người tự vượt lên khỏi mình, đúng như một lời rất chí lý của Pascal: “Con người vượt quá trăm ngàn lần con người”[46].

***

PHẦN II

ĐỂ TIẾN TỚI SỰ PHÁT TRIỂN LIÊN ĐỚI TOÀN THỂ NHÂN LOẠI

 

Nhập đề

43. Sự phát triển toàn diện của con người phải đi liền với sự phát triển của nhân loại. Chúng tôi đã nói điều đó ở Bombay: “Con người phải gặp con người, các quốc gia phải gặp nhau như anh em, chị em, như con cái của Thiên Chúa. Nhờ hiểu biết nhau, thân thiện nhau, và cảm thông với nhau một cách linh thiêng, chúng ta cũng phải bắt đầu hoạt động chung với nhau để xây dựng tương lai chung của nhân loại”.[47]

Chúng tôi cũng đã đề nghị nên tìm những phương thức tổ chức và hợp tác hữu hiệu, để chung góp những tài nguyên sẵn có, và để thiết lập những liên hệ thực giữa các dân tộc.

Tình huynh đệ giữa các dân tộc

44. Đó trước tiên là bổn phận của các nước giàu có. Bổn phận này bắt nguồn từ tình huynh tự nhiên và siêu nhiên gồm ba khía cạnh: Trước tiên, bổn phận liên đới, là các nước giàu phải giúp đỡ các nước kém mở mang, thứ đến, bổn phận công bằng xã hội, là phải cải thiện mối quan hệ thương mại giữa các nước mạnh và các nước yếu. Sau hết bổn phận bác ái đại đồng là phải cố gắng xây dựng một thế giới nhân đạo hơn cho mọi người, trong đó ai cũng phải cho, ai cũng được nhận, mà sự phát triển của nước này không cản trở sự phát triển của nước kia. Vấn đề này thật quan trọng bởi vì liên hệ tới tương lai văn minh nhân loại.

Chống nạn đói

45.Thánh Giacôbê nói, “Nếu có người anh em hay chị em không có áo mặc, không có cơm ăn, mà một người trong anh em chỉ nói với họ rằng: chúc anh em về bình an, hay cố mặc cho ấm, cố ăn cho no, rồi không cho họ gì cần cho thân xác họ, thì lời nói đó nào có ích gì?”[48]. Ngày nay không ai mà không biết rằng: trên nhiều lục địa, biết bao người đang bị nạn đói hành hạ; biết bao trẻ em thiếu ăn, đến nỗi một phần lớn phải chết lúc còn nhỏ tuổi; bao nhiêu người khác không phát triển được về vật chất lẫn tinh thần cũng vì đói. Cũng vì vậy mà dân chúng trong bao nhiêu miền rộng lớn đang lâm vào cảnh tuyệt vọng thê thảm.

1. Giúp đỡ các nước nghèo

Hôm nay

46.Nhiều lời kêu gọi cứu trợ đã vang lên thống thiết. Lời kêu gọi của Đức Gioan XXIII đã được nhiệt liệt đón tiếp[49]. Chúng tôi cũng đã lặp lại lời kêu gọi đó trong Thông điệp Giáng Sinh 1963[50], và vừa rồi đây năm 1966 để cứu trợ Ấn Độ[51]. Chiến dịch chống nạn đói do “Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế” khởi xướng và Tòa Thánh khuyến khích đã được hưởng ứng một cách rộng rãi. Tổ chức Caritas quốc tế của Chúng tôi cũng đang hoạt động khắp nơi. Và nhiều Tín hữu Công giáo, do sự thôi thúc của các Giám Mục, anh em chúng tôi, hy sinh không tiếc gì cả, để giúp đỡ những ai đang quẫn bách, tăng thêm số người anh em thân cận.

Ngày mai

47. Nhưng những công cuộc cứu trợ đó, cũng như những việc bỏ vốn tư và công, viện trợ và cho vay, đều không đủ. Bởi vì không phải chỉ có chuyện thắng nạn đói và giảm bớt nạn khổ: chống bần cùng, tuy cấp bách và cần thiết, nhưng không đủ. Vấn đề chính là thiết lập một xã hội trong đó, mỗi người, không phân biệt nòi giống, tôn giáo, quốc tịch, có thể sống một cuộc sống đầy đủ là con người – Con người không còn bị con người áp bức, không còn bị thiên nhiên chưa được chế ngự hành hạ. Chúng tôi muốn nói tới một xã hội, trong đó tự do không còn là một danh từ trống rỗng và người nghèo như Ladarô cũng được ngồi vào một bàn ăn với người giàu[52]. Điều này đòi hỏi ở người giàu nhiều đại độ, nhiều hy sinh và một cố gắng không ngừng. Mỗi người phải tự xét lương tâm. Lương tâm như đang nói với thời đại chúng ta bằng một âm thanh mới. Mỗi người có sẵn sàng bỏ tiền của để nâng đỡ các cơ cấu và tổ chức nhằm giúp đỡ người nghèo không? Mỗi người có sẵn sàng đóng thêm thuế để chính phủ có thể gia tăng nỗ lực phát triển không? Mỗi người có sẵn sàng mua đắt thêm những hàng hóa nhập cảng để người làm ra hàng hóa ấy được hưởng lương tương xứng không? Mỗi người có sẵn sàng rời bỏ quê hương, khi cần và khi tuổi còn cường tráng, để giúp phát triển ở các nước kém mở mang không?

Bổn phận liên đới

48. Bởi vì bổn phận liên đới giữa người với người cũng là bổn phận liên đới giữa các dân tộc với các dân tộc, “nên các dân tộc… đã mở mang có bổn phận rất khẩn cấp là phải giúp các dân tộc đang mở mang”[53]. Tài liệu Công đồng đó cần phải được đem áp dụng. Bất cứ dân tộc nào quả cũng có quyền hưởng dụng ưu tiên tài nguyên thiên nhiên cũng như của cải do chính mình làm ra. Nhưng không một dân tộc nào được phép giữ lấy tài sản cho một mình mình hưởng dụng. Mỗi dân tộc đều phải sản xuất nhiều hơn và tốt hơn để cho mọi người dân trong nước có được một mức sống xứng với phẩm giá con người và đồng thời để giúp nhân loại cùng phát triển. Khi còn có nhiều nước kém mở mang mỗi ngày một đói khổ, thì phải coi là chuyện thường, nếu một nước giàu đem nhường một phần tài sản của mình để giúp các nước đó. Cũng là chuyện thường khi một nước tiên tiến đào tạo giáo sư, kỹ sư, chuyên viên, bác học để cho họ đem hiểu biết và kinh nghiệm phụng sự các nước đó.

Phần dư thừa

49. Cũng cần nhắc lại rằng: phần dư thừa của các nước giàu phải đem giúp các nước nghèo. Giới luật, ngày xưa bắt phải giúp đỡ người thân cận, ngày nay bắt phải giúp đỡ tất cả mọi người nghèo trên thế giới. Làm như thế, kẻ giàu là người trước tiên được lợi. Trái lại nếu cứ keo kiệt mãi thì sẽ bị Thiên Chúa nguyền rủa và người nghèo phẫn nộ: hậu quả sẽ khôn lường. Các nước hiện nay giàu có phủ phê mà chỉ lo cho quyền lợi của mình, sẽ làm tổn thương đến những giá trị cao quý nhất của mình, nếu muốn thâu hoạch thêm nhiều của cải là đóng một vai trò trọng đại và chính đáng hơn (trong cộng đồng các dân tộc).

Có thể đem áp dụng cho các nước đó dụ ngôn về người phú hộ gặt hái về không biết để đâu: “Chúa bảo người đó: đồ dại dột, ngay đêm nay, người ta sẽ lấy mạng sống của ngươi”[54].

Chương trình

50. Những cố gắng đó muốn thực hiện hữu hiệu, không thể để trong một tình trạng phân tán và rời rạc, càng không thể để đối chọi nhau vì uy thế hay quyền lợi của một số người: hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi những chương trình có phối hợp, bởi vì một sự giúp đỡ có kế hoạch bao giờ cũng hữu hiệu hơn một sự giúp đỡ, tùy cơ hội, do thiện chí của từng người. Như chúng tôi đã nói ở trên, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nêu rõ mục tiêu, chỉ định phương tiện, tập trung các nỗ lực, để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và những đòi hỏi của tương lai. Hơn nữa những chương trình như thế còn vượt quá những mục tiêu của việc phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội: nghĩa là làm cho công cuộc sẽ thực hiện có ý nghĩa, có giá trị, và làm cho con người có thêm phẩm giá trong lúc chỉnh trang thế giới.

Ngân quỹ quốc tế

51. Còn phải đi xa hơn nữa. Tại Bombay, chúng tôi đã kêu gọi thiết lập một ngân quỹ quốc tế đóng góp bởi một phần kinh phí, để đem giúp đỡ những nước đói kém nhất[55]. Chống nghèo đói cần thiết như thế nào thì phát triển các dân tộc cũng cần thiết như vậy. Ngân quỹ quốc tế này vừa là hình ảnh, vừa là khí cụ của sự hợp tác giữa các dân tộc. Chỉ có sự hợp tác như thế, mới có thể giúp vượt qua được những tranh chấp vô ích và khơi nguồn cho một cuộc đối thoại phong phú và thanh bình giữa các dân tộc.

Ích lợi của ngân quỹ quốc tế

52. Lẽ dĩ nhiên hiệp ước ký kết giữa hai nước hoặc nhiều nước vẫn còn nên giữ lại vì những hiệp ước ấy thiết lập những mối giao hảo thân thiện và bình đẳng về pháp lý cũng như chính trị để thay thế cho những mối tương quan bất bình đẳng và hằn học dưới thời thực dân. Những hiệp ước đó, nếu được đặt trong một chương trình hợp tác quốc tế, sẽ tránh được mọi nghi ngờ. Thực vậy các nước được hưởng viện trợ sẽ bớt lo ngại rằng: một thứ thực dân mới có thể núp dưới hình thức viện trợ tài chánh và kỹ thuật, để gây áp lực chính trị và đô hộ kinh tế, đồng thời để củng cố hoặc để thiết lập sự thống trị của một thiểu số.

Cần cấp thời

53. Vả lại ai mà không thấy rằng, Ngân quỹ quốc tế như chúng tôi đã đề cập tới, sẽ cho phép trích bớt đi một số chi phí mà người ta phải hao tốn vì sợ hãi hay kiêu căng ! Một khi bao dân tộc còn đói khát, bao gia đình còn đau khổ vì túng quẫn, bao người còn chìm đắm trong dốt nát, bao trường học, bệnh xá, nhà ở hẳn hoi còn chưa xây cất, thì tất cả những phí phạm công hay tư, tất cả những chi tiêu huênh hoang của nhà nước hay cá nhân, tất cả cuộc chạy đua võ trang đến kiệt quệ, tất cả điều đó trở thành một điều ô nhục không tha thứ được, chúng tôi có nhiệm vụ nặng nề phải tố cáo điều đó, xin các vị hữu trách hãy nghe chúng tôi, trước khi quá trễ.

Đối thoại

54. Vì thế các dân tộc cần phải đối thoại với nhau, đối thoại như chúng tôi đã tha thiết mời gọi trong Thông điệp đầu tiên, ECCLESIAM SUAM[56]. Nếu có được đối thoại như thế giữa những nước giúp phương tiện và những nước lãnh nhận thì dễ dàng tính toán đúng những sự giúp đỡ cần thiết không những tùy theo lòng quảng đại và khả năng của bên cung cấp, nhưng còn tùy theo những nhu cầu thực sự và những khả năng hưởng dụng của bên lãnh nhận. Như vậy, các nước kém mở mang khỏi bị đeo nợ nặng nề, và chỉ lo trả lãi là hết lợi tức rồi. Vậy phải quy định số phân lãi và thời hạn trả nợ, sao cho cả đôi bên có thể chịu đựng được, nghĩa là quân bình những món biếu không, những khoản vay khỏi mất lãi hay lãi rất nhẹ, và thời hạn các khoản phải trả dần. Cũng phải bảo đảm cho những kẻ trả vốn, đảm bảo về việc sử dụng ngân khoản theo một kế hoạch đã đồng ý và với một hiệu năng hợp lý, bởi vì không nên khuyến khích những kẻ lười biếng và ăn bám. Về phía người hưởng dụng sẽ có thể đòi hỏi người ta không được can thiệp vào nội bộ chính trị, cũng không được làm xáo trộn cơ cấu xã hội của mình. Là những quốc gia có chủ quyền, chỉ có họ mới có quyền điều khiển công việc, hoạch định chính sách và tự do lựa chọn chính thể của mình. Vậy phải đi đến một sự cộng tác tự nguyện, một sự tham dự hữu hiệu của cả đôi bên, trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau, để xây dựng một thế giới nhân đạo hơn?

Sự cần thiết

55. Đề nghị trên đây hầu như không thể thực hiện được trong những vùng mà việc lo ăn hằng ngày đã chiếm hết cuộc sống gia đình đến nỗi không còn lòng trí nào để nghĩ tới một chương trình khả dĩ sửa soạn cho một tương lai bớt cùng cực. Nhưng chính những người đó là những người cần được giúp đỡ, cần được khuyến khích để họ vừa tự nguyện bước vào con đường tiến bộ của họ, vừa tự mình tìm lấy những phương tiện cần thiết để tiến bộ. Chắc chắn công cuộc này đòi hỏi góp sức kiên trì và can đảm. Nhưng mỗi người phải thâm tín rằng đây là một vấn đề sống còn của các dân tộc nghèo, của sự hòa hợp dân tộc trong các nước kém mở mang, và của hòa bình thế giới.

2. Công bằng trong giao dịch thương mại

56.Tất cả cố gắng để giúp đỡ các nước kém mở mang về phương diện tài chánh và kỹ thuật, dầu lớn lao đến đâu, quan hệ thương mại giữa nước giàu và nước nghèo làm cho những sự giúp đỡ kia một phần nào bớt hiệu lực. Các nước nghèo sẽ hết tín nhiệm ở nước giàu khi họ có cảm tưởng là tay này cho vay tay kia lấy lại.

Tình trạng chênh lệch

57. Các nước đã có kỹ nghệ cao, thì xuất cảng nhiều nhất là các hàng hóa chế tạo, còn các nước kém mở mang thì chỉ có thể bán ra các nông phẩm và nguyên liệu. Nhờ có tiến bộ kỹ thuật và hàng hóa các nước kỹ nghệ tăng giá trị nhanh chóng và bán được dễ dàng. Trái lại, những nguyên liệu của các nước kém mở mang bán ra lại thường bị nạn giá cả lên xuống bất ngờ và quá đáng: nếu giá trị hàng hóa còn lâu mới tăng được đều đặn. Các nước kém kỹ nghệ gặp khó khăn trầm trọng, khi phải đặt một phần lớn hy vọng vào việc xuất cảng để quân bình nền kinh tế và thực hiện kế hoạch phát triển. Vì thế, các dân tộc đã nghèo lại càng nghèo thêm, các dân tộc đã giàu thì càng giàu hơn nữa.

Tự do trao đổi

58. Như thế có nghĩa là luật “tự do trao đổi” một mình nó mà thôi, không còn đủ để chi phối mối quan hệ giữa các dân tộc. Khi các nước hiệp thương với nhau mà tình trạng kinh tế không quá chênh lệch, thì tự do trao đổi quả là có lợi, bởi vì nó kích thích phát triển và tương lệ nỗ lực. Vì thế mà các nước có kỹ nghệ phát triển cho rằng nguyên tắc tự do trao đổi là một luật công bằng. Nhưng giữa các nước có tình trạng kinh tế quá chênh lệch, thì không còn nói như thế được nữa: vì giá cả “tự do thỏa thuận” trên thị trường có thể đưa tới những hậu quả bất công. Phải nhìn nhận rằng: cần xét lại chính cái nguyên tắc căn bản của thuyết “tự do” dùng làm quy luật cho các cuộc giao thương.

Công bằng trong các thỏa ước quốc tế

59. Học thuyết của Đức Lêô XIII trong thông điệp Rerum Novarum vẫn còn giá trị. Theo đó thì trong những điều kiện cũng sẽ trở thành hoàn toàn ảo tưởng và vô ích, nếu những quá xa nhau, sự đồng ý của hai bên ký kết không đủ để đảm bảo cho tờ hợp đồng được công bằng, và luật tự do ưng thuận còn phải lệ thuộc vào những đòi buộc của luật tự nhiên[57]. Điều gì phải giữ để cho đồng lương của mỗi một người thợ được công bằng, thì cũng phải đem áp dụng cho các thỏa ước quốc tế. Bởi vì hệ thống thương mại không còn thể chỉ dựa trên nguyên luật tự do cạnh tranh. Tuy nói tự do, nhưng thường khi nó lại phát sinh một nền kinh tế độc tài. Tự do giao thương chỉ công bằng khi nào tuân theo những đòi hỏi của công bằng xã hội.

Những biện pháp phải theo

60. Tuy nhiên chính những nước đã mở mang cũng đã hiểu điều đó – họ cố gắng bằng những biện pháp thích ứng, đem lại sự quân bình trong nền kinh tế gia, mà nếu để mặc cho tự do cạnh tranh, thì sẽ xáo trộn nặng nề. Vì thế họ thường nâng đỡ nông nghiệp bằng cách buộc các ngành kinh tế thịnh vượng hơn phải hy sinh đóng góp. Cũng vì thế, để nâng đỡ những giao dịch thương mại giữa các nước, nhất là trong một thị trường chung, chính sách tài chánh, thuế khóa và xã hội của họ phải cố giúp cho các ngành kỹ nghệ kém thịnh đạt cũng có thể phát triển được như những ngành khác.

Những hiệp ước quốc tế

61. Cần phải dùng một đấu thực đồng đều để đo lường đối với nền kinh tế của nước mình thế nào, đối với mối quan hệ thương mại giữa các nước tiến bộ với nhau thế nào, thì đối với cuộc quan hệ thương mại giữa những nước giàu với những nước nghèo cũng vậy. Tuy không loại bỏ cạnh tranh trên thị trường, nhưng phải giữ cho cạnh tranh đó ở trong giới hạn công bằng, hợp đạo và xứng với con người hơn. Trong việc thương mại giữa những nền kinh tế phồn thịnh với những nền kinh tế kém mở mang, hoàn cảnh quá khác nhau và khả năng cũng không đồng đều. Sự giao dịch thương mại giữa các nước, muốn cho ngay thẳng và nhân đạo, theo luật công bằng, phải cho hai bên, ít nhất, những sự may mắn mua bán đồng đều. Đó là mục đích về lâu dài. Nhưng muốn đạt tới đó, phải tạo lập ngay từ bây giờ sự công bằng thực sự trong các cuộc thảo luận và thương thuyết. Trong các vấn đề này, nếu có được những thỏa hiệp ký kết giữa một số đông quốc gia, thì rất lợi: vì những thỏa hiệp đó sẽ đặt những nguyên tắc tổng quát để điều hòa một số giá cả, để bảo đảm cho một số sản phẩm để nâng đỡ một số kỹ nghệ mới phát sinh. Ai mà lại không thấy rằng: một cố gắng chung để tiến tới công bằng hơn giao dịch buôn bán giữa các nước, sẽ đem lại cho các quốc gia kém mở mang một sự giúp đỡ hữu hiệu: kết quả tuy chưa thấy ngay, nhưng sẽ còn mãi.

Chủ nghĩa suy tôn quốc gia quá độ.

62. Còn có những chướng ngại vật khác đang cản trở việc xây dựng một thế giới công bằng hơn và có cơ cấu vững chắc hơn trong tình liên đới nhân loại. Đó là: Chủ nghĩa suy tôn quốc gia và chủng tộc quá độ.

Người ta nhận thấy rằng có những dân tộc mới thâu hồi được độc lập, hết sức lo lắng bảo vệ một sự thống nhất chưa có gì vững mạnh; cũng có những dân tộc có nền văn minh cổ kính, hãnh diện về di sản của cha ông để lại. Những tâm tình đó chính đáng, nhưng phải được nâng cao lên tới một mức độ toàn thiện, nhờ một tình yêu đại đồng bao trùm lấy tất cả nhân loại. Chủ nghĩa suy tôn quốc gia làm cho các dân tộc chia rẽ nhau, và có hại cho lợi ích chính của họ. Tai hại nhất là những miền mà kinh tế nghèo nàn đòi buộc phải góp chung với nhau nỗ lực, hiểu biết và phương tiện tài chánh để thể hiện những chương trình phát triển kinh tế và gia tăng trao đổi thương mại và văn hóa.

Chủ nghĩa suy tôn chủng tộc quá độ

63. Đề cao chủng tộc quá độ không phải chỉ là chuyện riêng của các quốc gia mới độc lập. Ở các xứ này, nó thường là nguyên nhân của những vụ tranh chấp giữa các bộ lạc hay đảng phái chính trị, chẳng những vi phạm nặng nề đến đạo công bằng, mà còn đe dọa đời sống yên hàn và sinh mạng của dân chúng.

Dưới thời thực dân, nó thường xảy ra giữa kiều dân và người bản xứ, cản trở cả đôi bên hiểu biết nhau một cách hữu ích và gây nên nhiều hận thù vì những tủi nhục phải gánh chịu. Nó cũng cản trở không cho các nước nghèo cộng tác với nhau. Nó còn là một mầm chia rẽ và hận thù ngay giữa lòng các dân tộc, khi người ta không kể gì những quyền bất khả di nhượng của con người mà loại ra một bất công hoặc cá nhân hoặc gia đình, không cho hưởng những quyền căn bản như các công dân khác, chỉ vì màu da hay chủng tộc.

Một thế giới liên đới hơn

64. Một tình trạng như thế đang đe dọa trầm trọng ngày mai, làm cho chúng tôi đầy tràn lo âu và đau khổ. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng rằng nhờ có một ý chí cộng tác mỗi ngày một mạnh mẽ và một ý thức liên đới mỗi ngày một sâu xa, Những nghi kỵ và ích kỷ cuối cùng cũng sẽ bị đánh bại. chúng tôi hy vọng rằng các quốc gia kém mở mang biết lợi dụng sự lân cận để cùng nhau tổ chức trên những phần đất rộng lớn, làm những vùng phát triển có phối hiệp: như thiết lập những chương trình chung, điều hợp với đầu tư, phân phối khả năng sản xuất, và tổ chức trao đổi hàng hóa. Chúng tôi hy vọng rằng các tổ chức đa phương hoặc quốc tế, rồi đây nhờ cải tổ lại tùy nhu cầu, sẽ tìm thấy phương thức giúp đỡ các nước kém mở mang thoát khỏi ngõ bí hiện tại của họ và để chính họ khám phá ra con đường tiến bộ về xã hội cũng như văn hóa, mà vẫn giữ được quốc tính của mình.

Ước nguyện của các dân tộc

65. Đàng nào cũng phải tiến tới đó. Tình liên đới giữa các dân tộc, mỗi ngày một hoạt động ráo riết, làm cho các dân tộc có thể tự mình nắm lấy vận mệnh của mình. Trong quá khứ, mối tương quan giữa các dân tộc thường chỉ là mạnh được yếu thua. Ước gì tới ngày thanh bình, mối tương quan giữa các dân tộc sẽ mang dấu: Tôn trọng lẫn nhau, thân thiện với nhau, tùy thuộc vào nhau để cùng cộng tác, cùng thăng tiến với nhau, nhưng mỗi người một trách nhiệm. Các nước đang vươn lên còn thiếu thốn, cũng đòi được tham gia tích cực vào việc xây dựng một thế giới đẹp hơn, kính trọng quyền lợi và sứ mạng của mỗi người hơn. Đó là một ước nguyện chính đáng, mỗi người phải lắng nghe và đáp ứng.

3. Tình thương yêu đại đồng

Một xã hội thiếu tình huynh đệ

66. Xã hội loài người đang đau ốm trầm trọng. Nguyên nhân của bệnh tình này không phải là tài nguyên của thiên nhiên kiệt quệ hay lòng tham của một số người vơ vét, mà chính là thiếu tình thương huynh đệ giữa người với người cũng như giữa dân tộc với dân tộc.

Bổn phận đón tiếp

67. Vì thế Chúng tôi nghĩ rằng không bao giờ nói cho đủ về bổn phận đón tiếp, bổn phận đón tiếp vì liên đới con người cũng như vì tình thương của Chúa Kitô, bổn phận đón tiếp trong các gia đình cũng như đón tiếp trong các tổ chức văn hóa của các quốc gia có người tới cư ngụ. Nhất là đối với lớp trẻ, cần phải có nhiều gia đình và cư xá hiếu khách. Trước tiên là để cho họ khỏi cô đơn, tuyệt vọng làm suy giảm nghị lực của họ; thứ đến là giúp họ khỏi rơi vào cảnh sa đọa của nơi họ tới ở, khi bắt buộc phải so sánh cảnh cơ cực tuyệt độ của quê hương họ với nếp sống sa hoa xài phí phủ phê đang bao vây họ. Cũng để giúp họ khỏi bị lôi cuốn theo những học thuyết khuấy rối và những cám dỗ bạo động luôn luôn ám ảnh tâm tư họ, mỗi khi họ nhớ tới số phận bần cùng không đáng phải chịu của dân tộc họ[58]. Sau hết để họ có được một bầu không khí huynh đệ, được thấy mẫu gương của một đời sống lành mạnh và nhờ đó mà thấy được tình thương đích thực của người giáo hữu Kitô, một tình thương hữu hiệu và yêu mến những giá trị thiêng liêng cao cả.

Thảm trạng của các sinh viên du học

68. Thực là đau đớn cho chúng tôi khi nghĩ rằng có nhiều thanh niên tới các nước giàu có để học về khoa học, kỹ thuật và văn chương, mong có khả năng để phục vụ quê hương quả họ đã được đào tạo hết sức đầy đủ, nhưng lắm lúc họ cũng hết yêu chuộng những giá trị tinh thần, mà nền văn minh của quê hương họ vẫn có như một gia tài quý báu.

Hoàn cảnh của các người di dân

69. Cũng phải dành một sự đón tiếp tương tự cho các công nhân xa quê hương. lắm lúc họ sống trong những điều kiện không xứng với con người, cố dành dụm một phần đồng lương gởi về giúp đỡ gia đình đang sống cực khổ trên quê hương.

Bổn phận xã hội của các nhà kinh doanh

70. Bằng lời khuyến dụ này chúng tôi lại muốn kêu gọi những kẻ đến kinh doanh trong những nước mới kỹ nghệ hóa: các kỹ nghệ gia, thương gia, chủ nhân hoặc đại diện các xí nghiệp lớn. Ở trong nước họ, họ thường vẫn không thiếu tinh thần xã hội. Nhưng tại sao, khi đến kinh doanh trong các nước kém mở mang, họ lại trở về với nguyên tắc vô nhân đạo là chỉ phục vụ lợi ích của mình? Hoàn cảnh ưu đãi của họ đáng lẽ thôi thúc họ dẫn đầu trong công cuộc phát triển xã hội và tiến bộ con người, nơi họ đến kinh doanh – óc tổ chức của họ đáng lẽ giúp họ tìm ra phương thức cải tiến việc làm của người bản xứ, đào tạo thợ chuyên môn, sửa soạn cho có kỹ sư và cấp lãnh đạo, cho họ có sáng kiến đem họ vào dần trong những nhiệm sở cao cấp, giúp họ chia sẻ với mình, trong một tương lai gần, trách nhiệm lãnh đạo. Ít nữa, ước gì luôn luôn có sự công bằng làm mẫu mực trong mối liên lạc giữa cấp trên và cấp dưới. Ước gì có những khế ước hợp pháp, nêu rõ nghĩa vụ đôi bên, làm căn bản cho mọi liên lạc. Nhất là, ước gì đừng có ai ở bất cứ cương vị nào, bị bất công vì chuyên chế.

Sứ mạng của các chuyên viên.

71. Chúng tôi rất hoan hỷ nhận thấy rằng: số chuyên viên được các tổ chức quốc tế, tổ chức song phương hoặc cơ quan tư nhân gởi đi giúp phát triển mỗi ngày một đông. Họ đừng “xử sự như chủ mà chỉ nên xử sự như phụ tá và cộng tác viên”[59]. Dân chúng thấy rất nhanh; ai đến giúp đỡ họ với yêu thương, ai không; ai đến chỉ để áp dụng kỹ thuật, ai đến để nâng cao phẩm giá con người. Tín thư của họ có thể không được chấp nhận, nếu nó không được gói ghém trong một tình yêu thương huynh đệ.

Đức tính của các chuyên viên

72. Nếu những khả năng chuyên môn là cần, thì càng cần hơn nữa, kèm theo, những dấu hiệu đích thực biểu lộ một tình thương vô vị lợi. Các chuyên viên phải không còn có tinh thần suy tôn quốc gia mình quá độ và tránh mọi hình thức kỳ thị chủng tộc; họ phải tập cộng tác với mọi người và bất cứ ai. Họ nên chân thành nhìn nhận rằng kiến thức và khả năng chuyên môn của họ không cho họ đứng đầu trong mọi lãnh vực. Cho dù nền văn minh đã đào tạo họ có chứa đựng ít nhiều tính chất nhân bản đại đồng nhưng đừng nghĩ rằng nền văn minh đó là độc nhất và hơn hết. Bởi thế khi đem du nhập vào các nước ngoài thì phải được thích nghi đầy đủ với hoàn cảnh địa phương. Những ai lãnh trách nhiệm như thế là phải lưu tâm khám phá ra lịch sử cũng như những tính chất và kho tàng văn hóa của xứ sở đón tiếp họ. Nhờ tiếp xúc với nhau như thế, cả hai nền văn minh đều sẽ cùng thêm phong phú.

Đối thoại giữa các văn minh

73. Văn minh là văn minh, cũng như người đối thoại với người chân thành dễ làm phát sinh đoàn kết và huynh đệ. Công cuộc phát triển chung này sẽ làm cho các dân tộc thêm gần nhau, nếu tất cả mọi người, từ những người đứng đầu và những người đại diện họ cho tới một chuyên viên tầm thường nhất đều có tình thương huynh đệ và đều chân thành mong ước một nền văn minh đại đồng cho thế giới. Lúc đó mới bắt đầu một cuộc đối thoại biết chú trọng đến con người chứ không phải chỉ chú trọng đến tài nguyên và hàng hóa. Cuộc đối thoại này sẽ có nhiều thành quả, nếu nó mở đường cho các dân tộc trong cuộc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần: nếu các kỹ thuật gia làm công việc của các nhà giáo dục và nếu nền giáo dục này có được một sắc thái cao quý hơn, ảnh hưởng đến tâm hồn cũng như phong tục, không những làm phát triển kinh tế, mà còn làm thăng tiến con người. Như thế, khi viện trợ đã chấm dứt, mối giây liên lạc đã được thiết lập vẫn tồn tại vững mạnh. Ai lại không thấy những mối giây liên lạc như thế sẽ góp phần vào việc bảo vệ hòa bình trên thế giới?

Kêu gọi Thanh Niên

74. Chúng tôi biết rằng có rất nhiều thanh niên đã hăng hái và nhanh chóng đáp lại lời kêu gọi của Đức Piô XII để làm thành một tổ chức giáo dân truyền giáo[60]. Ngoài ra chúng tôi cũng biết, một số thanh niên khác đã tự nguyện đặt mình dưới quyền sử dụng của các tổ chức, công cũng như tư, có mục đích nhằm cộng tác với các nước đang mở mang. chúng tôi cũng hoan hỷ nghe tin rằng ở vài nước, “quân dịch” có thể một phần trở thành “dịch vụ xã hội”, hoặc gọi tắt là “dịch vụ”. Chúng tôi hoan hỷ chúc lành cho các sáng kiến đó và những người có thiện chí thể hiện điều đó. Ước gì những ai tự nhận mình là đồ đệ của Chúa Kitô hãy nghe tiếng gọi của Người: “Ta đói và các con đã cho Ta ăn, Ta khát và các con đã cho Ta uống, Ta từ xa tới, và các con đã đón tiếp Ta, Ta bị tù và các con đã đến gặp Ta”[61]. Không ai có quyền thản nhiên nhìn số phận của người anh em mình, đang chìm đắm trong bần cùng, đang bị ngu dốt dày vò, đang khổ cực vì thiếu an ninh. Người tín hữu cũng phải chạnh lòng như Chúa Kitô, Đấng đã nói ra “Ta thương xót quần chúng”[62].

Cầu nguyện và hành động

75.Tất cả mọi người cũng thành khẩn kêu cầu Thiên Chúa toàn năng, cho nhân loại, một khi đã thắng những tai họa to lớn ấy, thì để lòng trí mà tìm cách đẩy lui nó. Cùng với lời cầu nguyện đó, mỗi người còn phải tự nguyện dấn thân, tùy sức lực và khả năng của mình, chiến đấu chống sự kém mở mang của các dân tộc. Ước gì cá nhân, đoàn thể, tất cả các quốc gia, nắm tay nhau như anh em, kẻ mạnh giúp kẻ yếu lớn lên, bỏ vào đó tất cả hiểu biết hăng say và tình thương vô vị lợi của mình. Hơn ai hết, người có tình thương anh em sẽ có biệt tài khám phá nguyên nhân của bần cùng, tìm thấy phương thức để diệt trừ nó. Là người xây dựng hòa bình, “họ lên đường, nét mặt vui tươi, đổ tràn ánh sáng và ân sủng vào lòng mỗi người trên thế giới, giúp mọi người, dầu đi tới đâu, dầu vượt ra ngoài biên giới, cũng nhận ra những bộ mặt anh em và bạn hữu”[63].

Một trật tự mới

76. Những chênh lệch quá lớn lao giữa các dân tộc về phương diện kinh tế, xã hội, và chủ thuyết, gây nên hận thù tranh chấp và đe dọa hòa bình thế giới. Như Chúng tôi đã nói với các nghị phụ Công đồng sau khi đi Liên Hiệp Quốc về: “Chúng ta phải chú trọng đến hoàn cảnh sống của các nước kém mở mang; và nói rõ hơn, tình thương của chúng ta đối với người nghèo vô số trên thế giới, phải vồn vã hơn, hữu hiệu hơn và đại độ hơn”[64]. Chống bần cùng, chống bất công không phải chỉ là làm cho đời sống con người dễ chịu hơn, mà còn phát huy tinh thần đạo đức của mọi người và mưu cầu lợi ích chung của nhân loại. Hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, hòa bình cũng không phải là thành quả của một sự quân bình giữa các sức mạnh, luôn bấp bênh – hòa bình được xây dựng ngày này sang ngày khác bằng cách thiết lập một trật tự công bằng hơn giữa loài người như Chúa muốn[65].

Ra khỏi cảnh cô độc

77. Các dân tộc chỉ thể hiện được sự mở mang của mình khi tự mình đảm nhiệm lấy mọi trách nhiệm. Nhưng công cuộc đó cũng không thể hoàn thành, nếu mỗi nước một mình cô độc. Vậy phải có những thỏa ước ký kết giữa các dân tộc nghèo cùng một miền, để giúp đỡ lẫn nhau; phải có những thỏa hiệp rộng rãi hơn để giúp đỡ các nước đó; phải có những hiệp ước khác quan trọng hơn giữa các nước khác nữa để thiết lập những chương trình chung: đó là những thứ cột làm mục tiêu trên con đường đưa đến những tiến bộ, đưa đến hòa bình.

Một uy quyền quốc tế hữu hiệu

78. Sự cộng tác giữa các dân tộc trên thế giới đòi hỏi những cơ cấu để sửa soạn, phối hiệp và điều khiển công cuộc đó cho tới lúc có một cơ cấu pháp lý được mọi người nhìn nhận. Chúng tôi hết lòng khuyến khích những tổ chức nhằm cộng tác với nhau để giúp các dân tộc phát triển, và chúng tôi cầu chúc cho uy tín các tổ chức gia tăng. Vì thế khi ngỏ lời trước các đại biểu Liên Hiệp Quốc tại Nữu Ước chúng tôi có nói: “Sứ mạng của quý vị là cổ võ tình anh em, không phải chỉ giữa một vài dân tộc, mà tất cả mọi dân tộc. (…) Ai lại không thấy cần phải tiến dần như thế tới chỗ thiết lập một uy quyền quốc tế khả dĩ hành động hữu hiệu trên bình diện pháp lý và chính trị”[66].

Hy vọng một thế giới tốt đẹp hơn

79. Có người sẽ cho những hy vọng như thế là không tưởng. Có thể là lối nhận định thực tại của họ có gì thiếu sót. Họ đã không nhận thấy động lực của một thế giới trong đó con người đang muốn sống với nhau như anh em hơn; và con người mặc dầu xa cách vì ngu dốt, lầm lạc, và mặc dầu mò mẫm lầm lạc, và tội lỗi, mặc dầu lắm lúc sa đi ngã lại trong lối sống man rợ, và mặc dầu mò mẫm dài dẳng xa con đường cứu độ, con người ấy cho dầu không ý thức đi nữa vẫn dần dà xích lại gần Đấng Tạo Hóa của mình. Đường lối tiến đến chỗ nhân đạo hơn ấy đòi hỏi cố gắng và hy sinh, nhưng ngay cả khổ đau khi được chấp nhận vì tình thương đối với anh em chúng ta, cũng đem theo tiến bộ cho tất cả gia đình nhân loại. Các người giáo hữu Kitô biết rằng kết hợp với lễ hy sinh của Đấng Cứu Thế là để góp công xây dựng Thân Mình Đức Kitô cho thành toàn, là để quy tụ dân Thiên Chúa lại[67].

Tất cả mọi người đều liên đới

80. Trên con đường ấy, tất cả mọi người đều phải liên đới. Do đó chúng tôi thấy có bổn phận nhắc nhở mọi người về vấn đề rất nghiêm trọng ấy và về công cuộc phải cấp bách thể hiện. Giờ hành động đã điểm, bởi vì sự sống của bao trẻ em vô tội, hy vọng của bao gia đình nghèo khổ, hòa bình của thế giới, văn minh của nhân loại, tất cả đang bị đe dọa, hết thảy mọi người và hết thảy mọi dân tộc đều phải lãnh lấy trách nhiệm.

***

LỜI KÊU GỌI KẾT THÚC

 

Nói với người công giáo

81. Trước tiên, chúng tôi khẩn khoản kêu gọi tất cả con cái chúng tôi. Bởi vì trong những nước kém mở mang cũng như trong những nước khác, giáo dân có bổn phận phải cải thiện đời sống xã hội của mình. Nếu vai trò của hàng Giáo phẩm là giảng dạy và giải thích, với thẩm quyền, các nguyên tắc luân lý phải theo trong lãnh vực này, thì phần của các giáo dân, là nhờ những sáng kiến tự do của họ và không vòng tay ngồi đợi mệnh lệnh và chỉ thị, đưa tinh thần Chúa Kitô vào trong não trạng và phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đồng mình sống (68). Có những thay đổi cần thiết, có những cải tổ sâu xa phải thực hiện; thì nghĩa vụ của họ là làm hết sức để thổi vào đó tinh thần Tin Mừng. Riêng với các con cái chúng tôi thuộc về những nước may mắn thịnh vượng hơn, chúng tôi yêu cầu họ đem khả năng chuyên môn cộng tác tích cực với các tổ chức công, hay tư, đời hay đạo, có mục đích lướt thắng những khó khăn của các nước còn phải mở mang. Chúng tôi đoan chắc rằng họ sẽ sẵn sàng đứng đầu hàng ngũ những kẻ không từ chối một cố gắng nào để xây dựng trong thực tế một nền luân lý quốc tế hợp đạo công bình.

Nói với mọi tín hữu Chúa Kitô và những tín hữu khác

82. Chúng tôi chắc rằng toàn thể các Kitô hữu, anh em của chúng tôi sẽ muốn tăng sức cố gắng chung và đồng thời nhằm giúp thế giới thắng được ích kỷ, kiêu hãnh, và các mối tị hiềm, vượt lên trên những tham vọng và bất công, mở lối cho tất cả đi vào một nếp sống cho ra người hơn trong đó ai cũng được yêu thương và giúp đỡ như đồng loại, như anh em. Và, lòng còn cảm xúc vì cảnh hội ngộ không thể quên được ở Bombay với các anh em của chúng tôi ở ngoài Kitô giáo, một lần nữa chúng tôi xin mời họ đem hết tất cả tâm trí ra hoạt động để làm sao cho con cái loài người có cơ hội sống một cảnh đời xứng đáng với con cái Thiên Chúa.

Nói với những người thành tâm

83. Sau cùng, chúng tôi hướng về tất cả những người thành tâm ý thức rằng con đường hòa bình phải đi qua phát triển. Là các đại diện trong các cơ quan quốc tế, là các chính khách, là các ký giả, là các nhà giáo dục, các ngài tất cả mỗi người ở chỗ đứng của mình, đều là những kẻ xây dựng một thế giới mới. Phần chúng tôi, Chúng tôi khẩn cầu Thiên Chúa Toàn Năng soi sáng trí tuệ và củng cố lòng can đảm của các ngài, để thức tỉnh lương tâm mọi người để ý tới những vấn đề tối quan trọng và thúc đẩy các dân tộc tìm cách giải quyết những vấn đề đó. Các nhà giáo dục, phần việc của các ngài là nhóm lên từ thuở thơ ấu tình thương đối với các dân tộc khốn cùng. Các ký giả, phần việc của các ngài là đưa ra trước mắt chúng tôi những cố gắng đã được thực hiện để xúc tiến việc tương trợ giữa các dân tộc cũng như ảnh tượng những khốn cùng mà người ta dễ quên cho yên lương tâm: ước gì những kẻ giàu ít ra cũng biết rằng các kẻ nghèo ở ngay trước cửa nhà họ và đợi chờ phần thừa thãi từ các bữa tiệc của họ.

Nói với các chính khách

84. Các chính khách, nghĩa vụ của các ngài là làm cho các cộng đoàn tùy thuộc các ngài liên đới chặt chẽ hơn với mọi người; thuyết phục họ bằng lòng cho trích một phần xa hoa xài phí của họ để xúc tiến việc mở mang các dân tộc và bảo vệ hòa bình. Sau hết một phần lớn nhờ các ngài, quý vị đại diện trong các cơ quan quốc tế, để có thể thay thế những cuộc đụng độ bằng vũ lực nguy hiểm và vô bổ bằng sự hợp tác tinh thần, ôn hòa và vô vị lợi, để cho nhân loại được phát triển đồng đều và con người được nảy nở thêm lên.

Các người hiền

85. Thực ra thế giới bất ổn chẳng qua cũng vì thiếu suy tư. Vì thế chúng tôi kêu gọi những kẻ thức thời và những người hiền, những người công giáo và Kitô giáo, những kẻ tôn thờ Thượng Đế, những ai khát vọng công bình và chân lý tối cao, nghĩa là tất cả những ai thành tâm thiện chí. Chúng tôi dám mượn lời của Đức Kitô khẩn khoản thỉnh cầu các ngài: “Hãy tìm rồi sẽ gặp thấy”[68], hãy mở rộng các nẻo đường cho mọi người giúp đỡ nhau, hiểu biết thêm, yêu thương hơn, đưa tới một đời sống huynh đệ hơn, trong một cộng đồng nhân loại thật là đại đồng.

Tất cả mọi người tra tay vào việc.

86. Sau hết, anh em tất cả là những kẻ đã nghe tiếng kêu than của các dân tộc nghèo khổ, ra sức đáp lại tiếng gọi ấy. Có thể nói anh em là những tông đồ của một công cuộc phát triển đích thực và hữu ích, nghĩa là không phải thứ phát triển chỉ nhằm có của cải một cách ích kỷ và yêu mến nó như một cùng đích, nhưng là một thứ phát triển dựa trên một nền kinh tế nhằm phục vụ con người, nhằm phân phối đều cơm bánh hằng ngày cho mọi người như một nguồn tình thương huynh đệ và dấu hiệu Chúa quan phòng.

Chúc lành.

87. Chúng tôi hết lòng chúc phúc cho anh em, và chúng tôi kêu gọi mọi người thành tâm đến hợp sức với anh em trong tình huynh đệ. Bởi vì nếu ngày hôm nay phát triển là danh hiệu mới của hòa bình, thì ai lại không đem hết tâm trí và sức lực vào công cuộc phát triển ấy? Vì vậy chúng tôi khuyên mời anh em, vì Danh Thiên Chúa, hãy mau đáp lại tiếng gọi lo âu của chúng tôi.

 

Ban hành tại Vatican, cạnh Đền Thánh Phêrô,

Lễ Phục Sinh, ngày 26 tháng 03 năm 1967

+ PAULUS VI

Giáo Hoàng

 

 

Bản dịch của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn

 


[1] Thông điệp quan trọng đầu tiên về vấn đề xã hội (15-5-1891)

[2] Thông điệp nhân ngày kỷ niệm 40 năm ban hành thông điệp RN (15-5-1931) Đức Piô XI xác định lại học thuyết của Đức Leo XIII và đề cập tới những sự kiện và vấn đề trong khoảng 40 năm qua.

[3] Thông điệp MM, một thông điệp xã hội rất quan trọng, sau RN và QA.

[4] Thông điệp nói về hòa bình và nhưng điều kiện để thể hiện Hòa bình.

[5] Trong số những thông điệp quan trọng của Đức Piô XII về vấn đề xã hội có thể kể là:

-Thông điệp 1-6-1941 để kỷ niệm 50 năm thông điệp Rerum Novarum

– Thông điệp Giáng Sinh năm 1942

[6]Thông điệp Mater et Magistra

[7] Hiến chế mục vụ về “Giáo hội trong thế giới ngày nay “số 63-72

[8] Tự sắc “Giáo hội Công giáo của Chúa Kitô” (6-1-1967) là văn kiện thành lập Uỷ ban “Công lý và Hòa bình”.

[9] Thông điệp Rerum Novarum

[10] Hiến chế mục vụ về “Giáo hội trong thế giới ngày nay”, số 63

[11] Lc 7,22.

[12] Hiến chế mục vụ … 32.

[13] Thông điệp Immortale Dei (1-11-1885) của Đức Leo XIII

[14] Hiến chế mục vụ số 4 đoạn 1 .

[15]  L.J.Lebert “Dynamique concrète du développement” Paris 1961 trang 28

[16] 2Tx 3,10.

[17] x. J.Maritain “Les conditions spirituelles du progrès et de la paix”.

[18] Mt 5,3.

[19] Sách Sáng thế 1,28.

[20] GS  số 69 đoạn 1.

[21] Thư thứ nhất của Thánh Gioan 3,17

[22] Xem 1 R.Palanque “Saint Ambroise et l”Empire romain” – Paris 1933 trang 336

[23] Thư gởi tuần lễ xã hội ở Brest (đọc trong “L”homme et la révolution urbaine” Lyon 1965 trang 8-9

[24]  Hiến chế mục vụ … số 71 đoạn 6.

[25]  Hiến chế mục vụ … số 65 đoạn 3

[26] thông điệp Quadragesimo Anno

[27] thông điệp Quadragesimo Anno

[28] x.chẳng hạn “Colin Clark, The conditions of economic progress” New York 1965 trg 6

[29] Xem chẳng hạn M.D.Chenu “Pour une théologie du travail”, Seuil 1955

[30] Mater et magistra

[31] x. chẳng hạn O.Von Nel Breuning:“Wirtschaft und Gesellschaft” Herder 1956 t.I tr.183

[32] Thư Thánh phaolô gởi giáo hữu Ephêso 4,13.

[33] Xem chẳng hạn Mg. Larrain Errazruriz “Lettre pastorale sur le développement et la paix”. Paris 1965

[34] Hiến chế mục vụ, số 26 đoạn 4

[35] Thông điệp Mater et Magistra ibid trang 414

[36] Báo Osservatore Romano 11-9-1965

[37] Matthêu 19, 6 .

[38] Hiến chế mục vụ … số 52 đoạn 2.

[39] Như trên số 50  51 và 87 đoạn 2,3

[40] Như trên số 15 đoạn 3.

[41] Matthêu 16, 26

[42] Hiến chế mục vụ … 57 đoạn 4.

[43] Hiến chế mục vụ … 19 đoạn 2

[44] Xem chẳng hạn J.Maritain “L”humanisme intégral” Paris 1936

[45] H.de Lubac “Le drame de l”humanisme athée” Paris 1954 tr. 10

[46] Pascal “Pensée”, Ed. Brunschvicg số 434. Xem M. Under “L”homme passe l”homme” Paris 1954 trang 10

[47] Diễn văn tiếp đại diện các tôn giáo ngoài Kitô giáo 3-12-1964 tại Bombay, AAS 57 (1965) trang 132 .

[48] Thư của Thánh Giacôbê 2, 15-16

[49] Mater et Magistra ibid trang 440.

[50] AAS 56 (1964) 57-58

[51] Documentation Catholique quyển 43, 1965 cột 403-40

[52] Luca 16, 19-31.

[53] Hiến chế mục vụ 86 : 3 .

[54] Luca 12,20 .

[55] Điệp văn gởi thế giới 4-12-1964 AAS 57 (1965) trang 135 .

[56] Rerum Novarum (xem acta Leonis XIII (1892) trang 13) .

[57] Rerum Novarum (xem acta Leonis XIII (1892) trang 98) .

[58] Hiến chế mục vụ số 85 đoạn 2

[59] Thông điệp Fidei Donum 21-4-1957 AAS 49 (1957) trang 246

[60] Matthêu 25,35-36 .

[61] Marco 8,2

[62] Điệp văn của Đức Gioan XXIII dịp trao giải thưởng Balzan 10-5-1963

[63] Văn kiện Tòa Thánh AAS 57 (1965) trang 896 .

[64] Thông điệp Pacem in Terris (xem văn kiện Tòa Thánh AAS 55 (1963) trang 301

[65] Văn kiện AAS 57 (1965) trang 880

[66] Xem Êphêsô 4,12 ; Hiến chế về Giáo hội số 13

[67] Sắc lệnh Công đồng về Tông đồ giáo dân số 7,13,24 

[68] Luca 11,9.