THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XV NHÂN KỶ NIỆM 700 NĂM NGÀY SINH VỀ TRỜI CỦA THÁNH ĐA MINH

0
804

Giới thiệu

Ngày 29 tháng 6 năm 1921, Đức thánh cha Bênêđictô XV đã ban hành thông điệp Fausto appetente die (Đang khi chờ đợi ngày hồng phúc), bằng tiếng Latinh, đăng trên Công báo Tòa thánh 20 (1921) 329-335, nhân kỷ niệm 700 năm ngày tạ thể của thánh Đa Minh (ngày 6 tháng 8 năm 1221). Đây là thông điệp thứ bảy và cuối cùng của triều giáo hoàng (1914-1922).

Trong phần mở đầu, đức thánh cha ôn lại kỷ niệm về vị thánh giảng thuyết được an táng tại thành phố Bologna, nơi mà ngài đã từng làm giám mục. Kế đó ngài nêu bật ba đặc điểm của công cuộc giảng thuyết của thánh nhân: đạo lý vững chắc, trung thành với Tòa Thánh, và lòng tháo kính đặc biệt với Trinh nữ Maria.

1/ Được đào tạo vững chắc về Kinh thánh và thần học, thánh nhân đã bảo vệ đức tin công giáo chống lại lạc giáo Albigeois, và dẫn đưa họ trở về với Hội thánh. Ý thức tầm quan trọng của việc huấn luyện thần học, ngài đã thúc đẩy việc học hành trong các tu viện, với kết quả là từ đó xuất thân những vị thánh nổi tiếng về việc loan báo Tin mừng cũng như trong lãnh vực nghiên cứu thần học.

2/ Thánh Đa Minh đã trung thành với Tòa thánh, và truyền lại cho con cái đức tinh này, trong đó nổi bật nhất là thánh Tôma Aquinô và thánh nữ Catarina Siêna.

3/ Lòng sùng kính Đức Mẹ Maria được đánh dấu đặc biệt với việc truyền bá Kinh Mân côi, mang lại biết bao kết quả cho công tác tông đồ.

Trong phần kết luận, Đức thánh cha nhắn nhủ các con cái của thánh nhân hãy noi gương vị tổ phụ trong việc hăng say rao giảng Lời Chúa, để giúp cho các tín hữu được tăng thêm lòng yêu mến Giáo hội và Đức Maria, đặc biệt qua việc đọc kinh Mân Côi.

Anh Giuse Nguyễn Trị An O.P. chuyển ngữ từ bản tiếng Anh trên mạng của Tòa Thánh: http://w2.vatican.va/content/benedict-xv/en/encyclicals/documents/hf_ben-xv_enc_29061921_fausto-appetente-die.html

————-

Kính gửi các vị Thượng phụ, Trưởng giáo, Tổng Giám mục, Giám mục, và các Bản quyền trong bình an và hiệp thông với Tông Toà. Xin gửi lời chào thăm và phép lành Tòa thánh.

Chúng ta đang chờ đợi ngày hồng phúc, mà cách đây bảy trăm năm, cha Đa Minh, một ngôi sao thánh thiện, đã từ khổ luỵ trần gian bước về ngai toà của các thánh vinh phúc. Từ nhiều năm, Chúng tôi vẫn thuộc về số những kẻ mộ mến ngài, đặc biệt kể từ khi Chúng tôi bắt đầu cai quản giáo phận Bologna, nơi mà các di tích của thánh nhân được lưu giữ và kính nhớ. Từ Tông toà, Chúng tôi vui mừng được khích lệ toàn dân Thiên Chúa hãy cử hành việc tưởng nhớ vị thánh lừng danh này. Như vậy, không những Chúng tôi thỏa mãn lòng ngưỡng mộ của riêng mình, mà còn là cách thức bày tỏ tấm lòng tri ân đối với vị thánh lập pháp và đối với Dòng nổi tiếng do ngài sáng lập.

2- Thật vậy, cũng như cha Đa Minh đích thực là một “con người của Thiên Chúa”[1], thì ngài cũng hoàn toàn là một con người của Giáo Hội Chúa, một chiến sĩ kiên cường bảo vệ đức tin. Dòng Anh Em Giảng Thuyết do ngài sáng lập xưa nay vẫn là thành trì kiên cố của Giáo Hội Rôma. Vì thế, không những có thể nói rằng thánh Đa Minh là người chấn chỉnh đền thờ vào thời của mình (Hc 50,1), mà đã góp sức vào việc bảo vệ Hội thánh đến muôn đời, làm tròn những lời nhận xét mang tính tiên tri của Đức giáo hoàng Honoriô III khi châu phê Dòng vừa được thành lập: “Các anh em của Dòng sẽ là những chiến sĩ đức tin, và ngọn đèn soi sáng thế giới”.

3- Thực vậy, như chúng ta đã biết, để mở rộng vương quốc của Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã không dùng vũ khí nào hơn ngoài lời rao giảng Tin Mừng, nghĩa là tiếng nói sống động của các người loan truyền giáo lý bởi trời đến hết mọi nơi. Chúa đã truyền: “Anh em hãy giảng dạy muôn dân (Mt 28,19), loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16,15). Vì thế, nhờ lời giảng của các Tông đồ, đặc biệt là thánh Phaolô, được tiếp nối lời dạy của các giáo phụ và các tiến sĩ, mà các trí tuệ được soi sáng bởi chân lý và các tâm hồn được hâm nóng bởi lòng yêu mến các nhân đức. Theo chiều hướng nhằm thánh hóa các linh hồn, cha Đa Minh đã quyết tâm cho bản thân và cho các đồ đệ của mình “hãy chuyển trao cho tha nhân những gì đã chiêm niệm”. Để thực hiện điều này, cha nhắc nhớ anh em nuôi dưỡng nơi bản thân một nếp sống khó nghèo, thanh khiết, vâng phục tu trì, và còn đòi buộc nghĩa vụ nghiêm nhặt phải chuyên chăm học hỏi đạo lý và rao giảng chân lý.

4- Việc giảng thuyết của tu sĩ Đa Minh biểu lộ ba đặc tính: vững chắc về đạo lý, hoàn toàn trung thành với Tông Toà, và kính mến Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa.

Thực vậy, tuy dù dã cảm nhận ơn gọi giảng thuyết từ khi còn trẻ, nhưng cha Đa Minh chỉ khởi sự thi hành tác vụ sau khi đã trau dồi kiến thức triết học và thần học tại đại học Palencia, và dưới sự hướng dẫn của các giáo phụ, cha đã thực sự thấm nhuần nguồn mạch Kinh thánh, đặc biệt là thánh Phaolô.

5- Người ta đã sớm nhận ra đạo lý thâm sâu của cha khi bắt đầu những cuộc tranh luận với những kẻ lạc giáo. Mặc dù họ sử dụng hết mọi phương thế và lập luận tinh vi để chống lại các đạo lý đức tin, nhưng cha đã biện bác và sửa sai họ.  Điều này xảy ra đặc biệt ở Toulouse, sào huyệt và trung tâm của phe lạc giáo, nơi quy tụ những đối thủ uyên bác nhất. Các sử gia ghi nhận rằng cha Đa Minh, cùng các anh em tiên khởi, mạnh mẽ về lời nói và việc làm, đã đương đầu với thái độ ngang ngược của những kẻ lạc giáo, nên không những đã ngăn cản không để họ bành trướng và còn dùng lòng bác ái bao dung để lôi kéo được rất nhiều người trở về với Giáo Hội. Chính Thiên Chúa đã đến trợ giúp cha cách hữu hình trong cuộc chiến đức tin; tựa như khi chấp nhận những kẻ lạc giáo thách thức rằng mỗi bên phải quăng quyển sách của mình vào đống lửa, thì phép lạ đã xảy ra khi chỉ riêng quyển sách của cha Đa Minh không bị đốt cháy. Có thể nói, nhờ sự dũng cảm của cha, mà châu Âu đã thoát khỏi mối nguy lạc giáo Albigeois.

6- Cha Đa Minh cũng muốn cho con cái của mình phải được trang bị bằng đạo lý vững chắc. Ngay sau khi Dòng được Tông Toà phê chuẩn và xác nhận với danh hiệu Anh Em Giảng Thuyết, cha đã cho thành lập nhiều cộng đoàn tu viện ở gần các trường đại học danh tiếng, để các môn sinh của ngài có thể dễ dàng tiếp cận với các lãnh vực văn hoá khác nhau, và một số đông những người học thức đã gia nhập gia đình mới này. Nhờ thế, Dòng Đa Minh ngay từ khi mới thành lập đã có tiếng là Dòng học thức, và quan tâm đặc biệt đến việc chữa lành các thương tích sâu xa gây ra bởi những sai lầm, và chiếu toả ánh sáng đức tin Kitô giáo. Cha Đa Minh cùng các anh em đã nhận thấy rằng chính sự lầm lạc đạo lý và dốt nát về chân lý đã cản trở người ta đến với ơn cứu độ vĩnh cửu. Thế nên, không có gì lạ khi thấy mọi người ngạc nhiên và được chinh phục bởi hướng hoạt động tông đồ mới, vừa được đặt nền tảng trên Tin Mừng và giáo huấn của các vị Giáo phụ, vừa được bồi dưỡng bởi các kiến thức rộng rãi của các ngành học khác.

7- Sự khôn ngoan của Thiên Chúa dường như dược bộc lộ qua tiếng nói của các anh em Đa Minh, khi từ Dòng mới đã xuất thân rất nhiều nhà giảng thuyết và bảo vệ Đức tin, tựa như thánh Giaxintô, thánh Phêrô tử đạo, thánh Vinh Sơn Phêriê; hoặc các khuôn mặt học thức uyên bác như thánh Albertô Cả, thánh Raymundo Pênhapho, đặc biệt là thánh Tôma Aquinô, một người con vĩ đại của cha Đa Minh, qua đó Thiên Chúa đặc biệt “rủ lòng thương chiếu toả ánh sáng trên Giáo Hội của Người”. Nhờ giáo huấn chân lý của thánh nhân, Dòng rất được trân trọng, và nhận một vinh dự mới khi Giáo hội tuyên nhận giáo huấn của thánh Tôma như là của Giáo hội, và thánh tiến sĩ lừng danh này không ngừng được các vị giáo hoàng tán dương và được đặt làm thầy dạy và bổn mạng và các trường Công Giáo.

8- Cùng với lòng nhiệt thành gìn giữ đức tin, cha Đa Minh còn nuôi dưỡng lòng yêu mến, kính trọng đối với Tông Toà. Lịch sử kể lại rằng ngài đã quỳ dưới chân Đức Inôcentê III và hứa sẽ hết lòng bảo vệ Giáo hoàng, rồi vào đêm hôm sau, vị tiền nhiệm của Chúng tôi đã thấy một thị kiến, trong đó cha Đa Minh kề đôi vai gan dạ để vác đỡ Vương cung Thánh đường Lateranô đang nghiêng ngả. Cũng có nguồn sử kể lại, khi hướng dẫn các anh em đầu tiên của Dòng tiến bước trên đường hoàn thiện Kitô giáo, cha Đa Minh đã ấp ủ ý tưởng quy tụ một nhóm giáo dân nhiệt thành và đạo đức, thành lập nhóm chiến binh thánh thiện, sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của Giáo hội, mạnh mẽ chống phe lạc giáo. Đó là nguồn gốc của Dòng Ba Đa Minh, cổ động sự thánh thiện giữa các tín hữu giáo dân, đã mang lại cho mẹ Giáo hội một sự hỗ trợ và nâng đỡ đáng kể.

9- Thụ hưởng tinh thần của vị tổ phụ, các tu sĩ Đa Minh hết lòng kính trọng, bảo vệ Toà Thánh. Khi các tâm trí bị lung lạc bởi những sai lầm, hoặc khi Giáo hội bị chao đảo bởi những cuộc xáo trộn của nhân dân hay các quyền bính, thì Toà Thánh vẫn luôn có các tu sĩ Đa Minh, những nhà bảo vệ chân lý và công lý, tương trợ đắc lực và hữu hiệu, giữ gìn danh dự và uy tín của mình. Trong lãnh vực này, ai lại không biết đến những việc làm vẻ vang của một trinh nữ Dòng Đa Minh, thánh Catarina Siena? Với lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, thánh nữ đã thành công thuyết phục Đức Giáo hoàng trở về trụ sở của mình ở Rôma sau 70 năm xa cách, điều mà không một ai có thể thực hiện. Thêm nữa, trong khi Giáo Hội Tây Phương bị chia tách nặng nề với cuộc đại ly giáo, thì chính thánh nữ là người đã giúp rất nhiều anh chị em tín hữu trung thành, vâng nghe Đức giáo hoàng hợp pháp.

10- Và, tuy phải bỏ qua nhiều công trình hiển hách khác, nhưng không thể nào quên được sự kiện là đã có bốn vị Giáo hoàng xuất thân từ hàng ngũ anh em Đa Minh. Trong số đó, vị gần đây nhất là thánh Giáo hoàng Piô V, người mà hết thảy Kitô hữu lẫn xã hội dân sự đều không ngớt lời tri ân. Sau biết bao nỗ lực, Đức Piô V đã liên kết được cánh tay của các vua chúa Công giáo, và nhờ sự phù trợ của Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà thánh giáo hoàng kính cẩn cúi chào với tước hiệu “Đấng phù hộ các giáo hữu”, Kitô giáo đã chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ ở vịnh Lepantô.

11- Biến cố này làm nổi bật đặc tính thứ ba của việc giảng thuyết Đa Minh như chúng ta đã nhắc đến: đó là lòng sùng kính, mộ mến Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Người ta nói rằng nhờ một thị kiến mà Đức giáo hoàng Piô V đã biết được cuộc chiến thắng ở Vịnh Lepantô vào chính lúc xảy ra, đang khi trong toàn thể thế giới Công giáo, các hiệp hội cùng nài xin Đức Mẹ trợ giúp qua việc đọc Kinh Mân Côi mà chính Đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết đã khởi xướng, và các tu sĩ Đa Minh sau này phổ biến. Với lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Diễm phúc như từ mẫu, phó thác cho sự bảo trợ của Mẹ, cha Đa Minh bắt đầu cuộc chiến đức tin. Trong nhiều lập luận, tư tưởng, bè rối Albigeois tấn công cả tình mẫu tử thánh thiêng lẫn sự khiết trinh của Đức Maria. Khi họ đả kích với lời lẽ châm biếm, cha Đa Minh đã nỗ lực hết mình bảo vệ các đạo lý thánh, ngài tha thiết khấn xin Mẹ trợ giúp, thường cất lên những lời như sau: “Lạy Đức Trinh Nữ rất thánh, xin cho con được xứng đáng ca tụng Mẹ; xin đoái thương trợ giúp, để con mạnh mẽ chống lại những kẻ thù nghịch của Mẹ[2]. Hẳn là Đức Nữ Hoàng Thiên Quốc rất vui với lòng mộ mến của tôi tớ Mẹ, và chúng ta dễ dàng hiểu rằng qua cha Đa Minh, Mẹ truyền dạy cho toàn thể Giáo Hội là Hiền thê của con Mẹ, về Kinh Mân Côi rất thánh; cất lời cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, trên môi miệng và với cả con tim, suy niệm đặc biệt các mầu nhiệm thánh, đọc 15 lần lời Kinh Lạy Cha, lặp lại nhiều chục lần kinh Kinh Mừng, là cách thức thông dụng nhất để thúc đẩy và duy trì đức mến và các nhân đức khác nơi các tín hữu. Vì thế, thánh Đa Minh đã truyền cho anh em của ngài, khi giảng Lời Chúa thì hãy giúp mọi người ghi nhớ cách thức cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, đón hưởng ơn ích của lời kinh này như chính ngài đã cảm nghiệm. Thêm vào đó, cha Đa Minh còn thấu hiểu uy quyền của Mẹ trước nhan thánh Chúa, bất cứ ơn lành nào Chúa ban cho nhân loại thì chính Mẹ sẽ cộng tác để chuyển trao. Cha Đa Minh cũng nhận biết Mẹ Maria rất nhân lành và hay thương xót, Mẹ hằng cứu giúp những ai lầm than khốn khổ, Mẹ chẳng bao giờ từ chối những người thành kính chạy đến kêu cầu. Vì vậy, Giáo hội vẫn xác tín và khẩn cầu Đức Maria với tước hiệu “Mẹ của ân sủng và của lòng thương xót” trong mọi trường hợp, và cách riêng là khi nguyện Kinh Mân Côi. Bởi thế, các Đức Giáo hoàng vẫn luôn nhắc đến kinh Mân Côi và khích lệ bằng việc Ban Ân Xá Tông Toà cho những ai yêu mến, cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.

12- Chư Huynh đáng kính, anh em biết rằng sự hiện diện của các tu sĩ Đa Minh ngày nay vẫn còn cần thiết giống như vào thời Đấng Sáng Lập. Vẫn còn biết bao tâm hồn đang bị tê liệt vì thiếu tấm bánh sự sống là đạo lý của Giáo hội. Biết bao người xa rời đức tin vì bị lừa dối bởi hệ tư tưởng sai lạc.  Làm thế nào các linh mục, nhờ tác vụ Lời Chúa, có thể đáp ứng các nhu cầu ấy nếu họ không đầy tràn lòng nhiệt thành với ơn cứu độ các linh hồn, và được chuẩn bị tốt trong các thánh khoa? Rồi còn phải nói gì đến những con cái Giáo Hội đang sống hờ hững, vô ơn, quay lưng với vị Đại diện Chúa Kitô trên trần gian: họ cần có người dẫn lối để biết trở về với Giáo Hội. Để có thể chữa lành những sự dữ vừa nói và những sự dữ khác nữa, chúng ta rất cần sự bảo trợ và nâng đỡ của Mẹ Maria!

13- Như thế, các tu sĩ Đa Minh thấy mở ra một cánh đồng thật bao la, hầu như bất tận, để họ phục vụ  ích chung. Chúng tôi ước mong rằng việc cử hành long trọng nhân dịp kỷ niệm bảy thế kỷ sinh nhật trên trời của cha thánh sẽ giúp anh chị em Đa Minh hôm nay canh tân đời sống, thêm lòng nhiệt thành, bước theo khuôn mẫu thánh thiện của Đấng Sáng Lập, biết làm cho cuộc sống hằng ngày trở nên xứng đáng hơn nữa với vị tổ phụ cao cả. Dĩ nhiên các tu sĩ thuộc hàng giáo sĩ cần phải làm gương cho các thành phần khác, càng ngày càng dấn thân hơn vào việc rao giảng Lời Chúa, để tăng thêm sự tùng phục vị kế nhiệm thánh Phêrô, và hết lòng sùng kính, mộ mến Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, và học biết chân lý. Còn các tín hữu giáo dân thuộc gia đình Đa Minh, Giáo Hội cũng đang trông chờ rất nhiều nơi anh chị em. Hãy chuyên cần học hỏi, trau dồi bản thân theo tinh thần của thánh tổ phụ, cộng tác vào việc hướng dẫn, giúp đỡ những anh chị em còn lầm lạc hay vụng về trong đời sống đức tin và luân lý. Ước mong anh chị em giáo dân Đa Minh sẽ là những tín hữu chuyên chăm vì thiện ích của các linh hồn. Cuối cùng, chúng tôi ước mong tất các các con cái thánh Đa Minh hãy cố gằng phổ biến, khích lệ các tín hữu đọc Kinh Mân Côi, mà chúng tôi, theo gương vị tiền nhiệm là đức Lêo XIII, hết lòng mời gọi trong thời kỳ thử thách này. Nếu được như vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc kỷ niệm bách chu niên này thật sự mang lại hoa trái.

Như dấu tỏ của những ân huệ thiêng liêng và bằng chứng của muôn phúc lành quý báu, tôi ban Phép Lành Tông Toà cho Chư huynh, hàng giáo sĩ và toàn thể đoàn dân của Anh em

Làm tại Rôma, cạnh Đền thánh Phêrô, ngày 29 – 06 – 1921,
Năm thứ bảy triều đại Giáo hoàng của Chúng tôi
Bênêđictô XV. 

[1] Đây là một thứ chơi chữ: trong tiếng Latinh, Dominicus có nghĩa là “thuộc về Thiên Chúa” (Dominus).

[2] Câu xướng đáp vẫn còn được Dòng duy trì sau khi hát kinh Lạy Nữ Vương: “Dignare me laudare te, virgo sacrata. Da mhi virtutem contra hostes tuos

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here