Thông Điệp Caritas In Veritate (Bác Ái Trong Chân Lý) Của ĐGH Benedict XVI (Ngày 29-06-2009) – (1)

0
3202


THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE

(BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI

NGÀY 29 THÁNG 06 NĂM 2009

***

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI

***

LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Thông điệp mới của tôi “Bác Ái Trong Chân Lý”, vừa được công bố ngày 07-07-2009. Nhìn từ nền tảng, Thông điệp phát xuất từ một đoạn văn trong thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Êphêsô: “Sống trong chân lý và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô, vì Người là Đầu” (Eph 4,15).

Do đó, tình yêu trong chân lý là động lực chính cho sự phát triển chính thực của mỗi người cũng như của toàn thể nhân loại. Chính vì thế, toàn bộ giáo huấn của Giáo Hội về xã hội xoay quanh nguyên lý “Bác Ái Trong Chân Lý”. Chỉ với tình yêu được lý trí và đức tin soi sáng, loài người mới có thể vươn tới những mục tiêu phát triển mang tính nhân bản và nhân hoá. Là nguyên lý nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, tình yêu trong chân lý mang tính tiêu chuẩn cho mọi hành động luân lý của con người.

Trong phần dẫn nhập, Thông điệp ghi nhận hai tiêu chuẩn: công lý và công ích. Công lý là một thành phần toàn vẹn của tình yêu “trong việc làm và trong chân lý” (1 Ga 3,18). Mến thương ai thì muốn điều thiện hảo cho họ, và cố gắng mang lại điều thiện hảo cho họ. Bên cạnh điều thiện hảo cho cá nhân, còn có điều thiện hảo cho đời sống xã hội… Càng nỗ lực mang điều thiện hảo phù hợp với nhu cầu của những người quanh cận, chúng ta càng yêu thương họ cách thiết thực (xem số 6 của Thông điệp). Do đó có hai tiêu chuẩn cho mọi hành động của con người: công bằng và ích chung. Gắn kết với ích chung, bác ái mang chiều kích xã hội. Thông điệp mời gọi mỗi kitô hữu hãy thực thi bác ái, vì cơ cấu tổ chức xã hội mở ra lối đi cho bác ái.

Như các tư liệu giáo huấn khác của Giáo Hội, Thông điệp này cũng đi sâu vào việc phân tích cùng suy tư của Giáo Hội về những vấn đề sống còn của nhân loại trong thế kỷ XXI này. Nó gắn liền với những gì Đức Phaolô VI đã viết cách đây 40 năm trong Thông điệp “Sự Phát Triển Của Các Dân Tộc”, trong đó Ngài phác thảo những đường nét chính, đến nay vẫn mang tính thời sự, cho sự phát triển toàn vẹn của con người cùng thế giới hôm nay.

Theo như tin tức được phổ biến rộng rãi trong những ngày tháng gần đây, tình hình thế giới liên tục làm xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng, và chướng kỳ của những bất bình đẳng rõ ràng đang tiếp tục tồn tại bất chấp những nỗ lực trong thời gian qua.

Một mặt, xuất hiện những dấu hiệu về sự mất cân đối trầm trọng trong lãnh vực xã hội cũng như kinh tế. Mặt khác, từ nhiều phía, có lời kêu gọi cải cách, không thể trì hoãn nữa, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Hướng đến mục đích đó, hiện tượng toàn cầu hoá có thể là một cơ hội, nhưng chính vì lẽ ấy, điều quan trọng là khởi động một cuộc đổi mới sâu xa về luân lý và văn hoá, là có một sự phân định mang tinh thần trách nhiệm đối với những quyết định hướng đến công ích. Một tương lai tươi sáng hơn là điều khả thể cho mọi dân tộc, khi tương lai đó được xây trên nền tảng sự tái khám phá những giá trị căn bản của đạo đức. Điều cần là có một hoạch định mới về tài chính nhằm tái thiết tổng thể công cuộc phát triển trên nền tảng tinh thần trách nhiệm đối với Thiên Chúa cũng như đối với nhân loại là tạo vật của Ngài.

Tất nhiên, Thông điệp không nhằm cống hiến những giải pháp kỹ thuật cho những vấn đề xã hội rộng lớn trong thế giới hôm nay. Điều này nằm ngoài chuyên môn của thẩm quyền giáo huấn trong Giáo Hội. Thông điệp nhắc lại những nguyên tắc căn bản cần thiết cho công cuộc phát triển con người trong những năm sắp đến. Những nguyên tắc đó gồm có trước hết là mối quan tâm đến sự sống con người, được coi như trọng tâm của công cuộc phát triển chính thực; thứ đến là sự tôn trọng tự do tôn giáo là điều luôn luôn gắn liền với sự phát triển con người ; và từ bỏ quan điểm xác quyết chỉ có con người là tác giả tuyệt đối của vận mạng mình.

Niềm tin tuyệt đối vào tiềm năng của khoa công nghệ, đã được thời gian xác minh chỉ là ảo tưởng. Điều chúng ta cần là những con người ngay chính trong lãnh vực kinh tế cũng như chính trị, có lòng thành quan tâm đến ích chung. Đặc biệt, nhìn vào những tình huống nghiêm trọng trên thế giới, điều khẩn thiết là hướng dư luận quần chúng về thảm kịch đói khổ và an toàn lương thực bao trùm một phần lớn nhân loại. Thảm kịch này chất vấn lương tâm chúng ta: đối diện với thảm kịch đó, giới hữu trách có nhiệm vụ xóa bỏ những nguyên nhân trong cơ cấu tổ chức, đồng thời cổ võ phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo nhất. Tôi tin rằng con đường liên đới nhằm đến sự phát triển các nước nghèo nhất sẽ giúp tìm ra đáp số cho cuộc khủng hoảng toàn cầu hôm nay. Rõ ràng là vai trò và quyền hạn chính trị của các nhà nước cần được thận trọng thẩm định lại vào một kỷ nguyên mà bối cảnh kinh tế, giao thương và tài chính của thế giới hạn chế quyền lực tối cao của họ.

Mặt khác, không thể thiếu sự tham gia có trách nhiệm của mọi người dân trong lãnh vực chính trị quốc gia và quốc tế, một phần nhờ sự dấn thân mới của các liên đoàn lao động hướng đến thiết lập những hiệp hội quốc gia cũng như quốc tế. Trong lãnh vực này, các phương tiện truyền thông xã hội phải đóng vai trò hàng đầu nhằm gia tăng đối thoại giữa các nền văn hoá cùng các truyền thống khác nhau.

Vì thế, nếu muốn hoạch định một dự án phát triển không mang tính trì trệ và méo mó như hiện nay, điều cần là suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa và mục đích của phát triển. Tình trạng sức khoẻ của môi trường hành tinh đòi hỏi điều đó. Cuộc khủng hoảng văn hoá và luân lý khắp nơi trên địa cầu yêu cầu điều đó. Kinh tế cần những chuẩn mực đạo đức để có thể góp phần phát triển con người, cần khám phá sự đóng góp quan trọng của nguyên tắc nhưng không, “logic của quà tặng”, trong nền kinh tế thị trường mà quy luật không thể chỉ là lợi nhuận.

Tuy nhiên, điều này chỉ khả thi khi có sự dấn thân của mọi người thuộc mọi giới, kinh tế cùng chính trị, sản xuất cũng như tiêu dùng. Điều này giả thiết lương tâm phải được huấn luyện và phải biết chú tâm đưa những tiêu chuẩn luân lý vào trong phác thảo những dự án. Nhiều người lên tiếng nhắc nhở rằng những quyền con người phải đi đôi với những nghĩa vụ làm người, bằng không quyền đó có nguy cơ trở nên độc tài.

Điệp khúc ngày càng được lập lại là toàn thể nhân loại cần chọn một lối sống khác, một lối sống bao hàm sự gắn kết giữa hai loại nhiệm vụ, một là những nhiệm vụ của mỗi người đối với môi trường, hai là những nhiệm vụ của mỗi người đối với bản thân người khác cũng như đối với mối liên hệ của họ với mọi người.

Nhân loại là một gia đình, và cuộc đối thoại giữa niềm tin cùng lý trí chỉ phong phú hoá gia đình nhân loại, chỉ làm cho công việc từ thiện trong đời sống xã hội có hiệu quả hơn, đồng thời mở ra một lối đi cho sự hợp tác giữa người tín hữu với người không tín ngưỡng, cho mọi người cùng đồng hành trên con đường kiến tạo công lý và hoà bình cho thế giới hôm nay.

Trong Thông điệp, tôi có nêu ra nguyên tắc “phụ đới và liên đới”. Hai nguyên tắc nầy gắn liền với nhau, như tiêu chuẩn và đường lối cho sự hợp tác huynh đệ nêu trên.

Cuối cùng, trước những vấn đề với chiều sâu và chiều rộng của nó trong thế giới hôm nay, tôi cũng lưu ý cần có một cơ cấu tổ chức quyền lực chính trị quốc tế, theo luật định, biết tôn trọng hai nguyên tắc vừa nêu, có quyết tâm thực hiện ích chung, đồng thời quan tâm tôn trọng những truyền thống đạo đức và tôn giáo trong nhân loại.

Tin Mừng nhắc nhở chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh: không thể lấp đầy cơn khát của lòng người chỉ bằng những của cải vật chất. Rõ ràng là chân trời của nhân loại cao hơn và rộng hơn của cải vật chất… Vì thế, mỗi chương trình phát triển cần phải quan tâm hướng con người – gồm xác và hồn – đến sự tăng trưởng không những về phương diện thể xác, song còn về phương diện tâm linh. Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội không ngừng quy chiếu về sự phát triển toàn vẹn đó, một sự phát triển có định hướng và động lực là “tình yêu trong chân lý”.

Tôi cầu mong Thông điệp này giúp cho nhân loại cảm thấy mình thuộc một gia đình đang dấn thân kiến tạo một thế giới sống trong công lý và hoà bình. Tôi nguyện cầu cho người tín hữu đang hoạt động trong lãnh vực kinh tế và chính trị, hiểu rằng chứng từ Tin Mừng của mình thật sự quan trọng trong nhiệm vụ phục vụ đất nước và thế giới hôm nay. Cách riêng, tôi mời gọi các vị lãnh đạo các nước đang gặp gỡ nhau,… hãy cùng nhau đi đến thống nhất những định hướng và những quyết định hữu ích cho sự phát triển toàn vẹn và vững bền của các dân tộc, đặc biệt những dân tộc nghèo khổ nhất.

+ Benedict XVI, Giáo Hoàng

Chuyển ngữ: HY Gioan B. Pham Minh Mẫn

***

THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE

(BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝ)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI

GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ,

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC THÁNH HIẾN,

CÁC TÍN HỮU GIÁO DÂN VÀ TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI THIỆN CHÍ

VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN TRONG BÁC ÁI VÀ CHÂN LÝ

***

***

DẪN NHẬP

1. Bác ái trong chân lý (CARITAS IN VERITATE)! Chân lý mà Đức Giêsu đã làm chứng trong cuộc đời tại thế và nhất là qua cái chết và sự phục sinh của Người; tình yêu này là sức mạnh điều hướng chính yếu cho việc phát triển đích thực mỗi người và toàn thể nhân loại. Tình yêu – Caritas – là một sức mạnh ngoại thường, thúc đẩy con người dấn thân thật can đảm và quảng đại trong lãnh vực công lý và hòa bình. Đó là một sức mạnh bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng là TÌNH YÊU muôn thuở và là CHÂN LÝ tuyệt đối. Mỗi người sẽ tìm được hạnh phúc của mình khi sáp nhập vào kế hoạch Thiên Chúa dành cho họ, để hiện thực bản thân cách trọn vẹn. Trong kế hoạch này, con người sẽ tìm thấy sự thật về chính mình và họ sẽ được tự do khi gắn bó với sự thật đó (Ga 8, 22). Do đó, bảo vệ sự thật, xác định sự thật này cách khiêm tốn, xác tín và làm chứng cho sự thật này trong đời sống của mình, là những hình thái đúng đắn và tối cần thiết của tình yêu. Thật vậy, tình yêu “vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13,6). Mọi người đều cảm nhận sự thúc đẩy nội tâm để yêu một cách chân thật: tình yêu và chân lý không bao giờ hoàn toàn rời bỏ con người, bởi lẽ tình yêu và chân lý là ơn gọi Thiên Chúa đặt để trong tâm hồn và tâm trí của từng người. Đức Giêsu Kitô thanh tẩy và giải thoát việc tìm kiếm tình yêu và chân lý của chúng ta khỏi những nghèo hèn yếu đuối thuộc nhân tính, và Người mạc khải cho chúng ta cách trọn vẹn sáng kiến tình yêu và kế hoạch hướng đến sự sống đích thực Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Tình yêu trong chân lý trở thành gương mặt của Chúa Kitô; và trong Đức Kitô, tình yêu này trở thành ơn gọi của chúng ta. Ơn gọi của chúng ta là yêu thương anh em trong chân lý của chương trình Thiên Chúa dành cho họ. Thật vậy, chính Chúa Kitô là CHÂN LÝ (Ga 14,6).

2. Bác ái là tâm điểm trong giáo huấn của Giáo hội về xã hội. Mọi trách nhiệm và dấn thân mà giáo huấn ấy kêu gọi đều xuất phát từ tình yêu, mà theo lời dạy của Đức Giêsu, tình yêu này là bản tóm kết toàn bộ Lề Luật (Mt 22,36-40). Tình yêu đem đến nội dung chính yếu cho liên hệ cá nhân với Thiên Chúa và với tha nhân; tình yêu là nguyên lý không những cho những liên hệ vi mô – trong bạn bè, gia đình và từng nhóm nhỏ – nhưng cả cho những liên hệ vĩ mô – trong liên hệ xã hội, kinh tế và chính trị. Đối với Hội Thánh – được thấm nhuần Phúc Âm – tình yêu là tất cả, chỉ vì như thánh Gioan đã dạy chúng ta (1Ga 4,8.16) và tôi cũng đã gợi lên trong Thông điệp đầu tiên của tôi: “THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU – DEUS CARITAS EST”: mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều được định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều quy hướng về tình yêu ấy. Tình yêu là quà tặng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại; tình yêu là lời hứa của Người và là hy vọng của chúng ta.

Tôi biết tình yêu đã và đang bị tước đoạt ý nghĩa, từ đó đưa đến nguy cơ là người ta sẽ hiểu sai tình yêu, tách rời tình yêu ra khỏi đời sống luân lý và trong mọi trường hợp, đều bị mất giá trị. Trong các lãnh vực xã hội, pháp lý, văn hóa, chính trị và kinh tế, là những môi trường mà hiểm họa này nổi cộm nhất, tình yêu dễ dàng bị coi là không thích hợp trong việc giải thích và định hướng cho trách nhiệm luân lý. Vì thế, cần phải liên kết tình yêu với chân lý không những theo định hướng do thánh Phaolô chỉ dạy: VERITAS IN CARITATE – CHÂN LÝ (Sự Thật) TRONG BÁC ÁI (Ep 4,15), nhưng ngược lại cần phải bổ túc thêm: CARITAS IN VERITATE – BÁC ÁI TRONG CHÂN LÝ. Chân lý phải được tìm kiếm, khám phá và diễn đạt trong “nhiệm cục – économie –” của tình yêu, nhưng ngược lại tình yêu cũng phải được hiểu, được xác nhận và thực hiện trong ánh sáng của chân lý. Bằng cách này, không những chúng ta phục vụ tình yêu được chân lý soi sáng, mà còn mang lại tính khả tín cho chân lý, chứng minh sức thuyết phục và minh xác của chân lý trong bối cảnh thực tiễn của đời sống xã hội. Đây không phải là vấn đề nhỏ ngày nay, trong bối cảnh văn hóa và xã hội đang tương đối hóa chân lý, ít quan tâm tới chân lý, lại còn không muốn nhìn nhận sự hiện hữu của chân lý.

3. Do mối liên kết chặt chẽ với chân lý, bác ái có thể được nhìn nhận như cách diễn tả chính thực của nhân tính, là yếu tố có tầm quan trọng nền tảng cho các mối tương quan của con người – bao gồm cả bình diện công cộng. Chỉ trong chân lý, bac ái mới có thể chiếu tỏa và có thể sống một cách chính thực. Chân lý là ánh sáng trao ban ý nghĩa và giá trị cho tình yêu. Đó vừa là ánh sáng của lý trí vừa là ánh sáng của đức tin, nhờ đó, lý trí mới có thể đạt đến chân lý tự nhiên và siêu nhiên của tình yêu: lý trí có thể hiểu được ý nghĩa của tình yêu là dâng hiến, đón nhận và hiệp thông. Không có chân lý, tình yêu sẽ thoái hóa thành cảm tính. Tình yêu trở thành vỏ ốc trống rỗng, tìm cách lấp đầy bằng những gì mình yêu thích. Đó là nguy cơ trầm trọng mà tình yêu phải đối mặt trong một nền văn hóa không có chân lý. Tình yêu trở thành tế vật cho những xúc cảm và ý kiến chủ quan chóng qua, một từ ngữ bị lạm dụng và nát vụn đến độ mang ý nghĩa đối nghịch. Chân lý giải thoát tình yêu khỏi sự hạn hẹp của chủ nghĩa duy cảm là thứ tước đoạt nội dung xã hội và tương giao của tình yêu, và khỏi một thứ chủ thuyết duy tín tước đoạt khía cạnh nhân văn và vũ trụ của tình yêu, ngăn chận tình yêu có tầm nhìn nhân bản và phổ quát. Trong chân lý, tình yêu phản ánh chiều kích cá nhân và công cộng của niềm tin vào Đấng Thiên Chúa của Kinh Thánh, Đấng vừa là AGAPE – TÌNH YÊU vừa là LOGOS – LỜI: Bác ái và Chân lý, Tình yêu và Lời.

4. Vì tình yêu tràn đầy chân lý, nên con người có thể nắm bắt, đón nhận và truyền đạt giá trị phong phú của nó. Thật vậy, chân lý là LOGOS – LỜI, Lời tạo nên DIA-LOGOS – ĐỐI THOẠI và do đó, kiến tạo truyền thông và hiệp thông. Khi giúp con người thoát khỏi những ý kiến và ấn tượng chủ quan, chân lý giúp họ có khả năng vượt lên trên những giới hạn văn hóa và lịch sử, giúp nhau xác định giá trị và bản chất của mọi vật. Chân lý khai mở và kết hợp tâm trí của chúng ta với LOGOS của tình yêu: đó là sứ điệp và chứng tá của tình yêu Kitô giáo. Trong môi trường văn hóa xã hội hiện hành có xu hướng tương đối hóa chân lý, việc sống bác ái trong chân lý giúp người ta hiểu rằng việc gắn bó với các giá trị Kitô giáo không những hữu ích, nhưng còn là một yếu tố tất yếu để xây dựng một xã hội tốt đẹp và giúp phát triển con người cách toàn vẹn và đích thực. Một thứ Kitô giáo chủ trương bác ái mà không có chân lý sẽ dễ dàng bị lẫn lộn với một mớ tình cảm tốt đẹp, tuy hữu ích cho sự gắn kết về mặt xã hội, nhưng không có tác động bao nhiêu. Nói cách khác, sẽ không còn vị trí đích thực nào cho Thiên Chúa trong thế giới. Nếu không có chân lý, bác ái bị dồn vào những liên hệ hạn hẹp và cá nhân. Trong sự trao đổi giữa nhận thức và thực hành, bác ái bị loại khỏi những dự án và tiến trình thúc đẩy sự phát triển con người trong chiều kích phổ quát.

5. CARITAS (Bác ái) là tình yêu được đón nhận và trao ban. Bác ái là CHÁRIS – ÂN SỦNG. Nguồn gốc của bác ái là tình yêu vô thủy vô chung của Thiên Chúa Cha ban cho Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Bác ái là tình yêu, từ Chúa Con tuôn trào đến chúng ta. Bác ái là tình yêu sáng tạo, từ tình yêu này chúng ta mới nhận được sự hiện hữu của mình; bác ái là tình yêu cứu độ, nhờ tình yêu này chúng ta mới được tái sinh. Đó chính là tình yêu được Đức Kitô mạc khải và hiện thực (x. Ga 13,1), “tuôn đổ vào trong tâm hồn chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần” (Rm 5,5). Là đối tượng tình yêu của Thiên Chúa, con người được đặt làm chủ thể của bác ái, được kêu gọi trở thành khí cụ của ân sủng để truyền đạt bác ái của Thiên Chúa, kiến tạo những mạng lưới bác ái.

Giáo huấn xã hội của Giáo hội đáp ứng cho tính năng động này của bác ái được đón nhận và trao ban. Giáo huấn đó là CARITAS IN VERITATE IN RE SOCIALI: loan báo chân lý (về) tình yêu của Đức Kitô trong xã hội. Giáo huấn này là một sự phục vụ cho bác ái, nhưng cứ điểm của giáo huấn là chân lý. Chân lý duy trì và biểu lộ sức mạnh giải phóng của bác ái trong những biến cố không ngừng thay đổi của lịch sử. Chân lý vừa là chân lý của đức tin vừa là chân lý của lý trí, cả hai bình diện nhận thức này vừa phân biệt với nhau vừa gặp gỡ nhau. Chân lý này cần thiết cho sự phát triển, cho công ích xã hội và cho sự kiếm tìm một giải pháp thỏa đáng những vấn đề kinh tế xã hội khó khăn đang đè nặng con người. Và còn cần thiết hơn nữa là chân lý này phải được yêu mến và minh chứng. Không có chân lý, không có sự tin tưởng và tình yêu đối với chân lý, sẽ không có lương tâm và trách nhiệm xã hội: hoạt động xã hội cuối cùng ra chỉ phục vụ những lợi ích riêng tư và logic của quyền lực, đưa đến những hậu quả phá tán xã hội, nhất là một xã hội đang trên đường tiến đến việc toàn cầu hóa và ở những thời điểm khó khăn như hiện nay.

6. Caritas in Veritate là chân lý trung tâm của giáo huấn xã hội của Giáo hội. Nguyên lý ấy được thể hiện cách cụ thể qua những tiêu chuẩn hướng dẫn hành động luân lý. Trong những tiêu chuẩn đó, tôi muốn quan tâm đặc biệt đến hai tiêu chuẩn có ý nghĩa đặc biệt đối với nỗ lực phát triển trong một xã hội ngày càng mang tính toàn cầu: CÔNG LÝ VÀ CÔNG ÍCH.

Trước tiên là công lý: “UBI SOCIETAS, IBI IUS” – Ở ĐÂU CÓ XÃ HỘI Ở ĐÓ PHẢI CÓ CÔNG LÝ: mỗi xã hội xây dựng một hệ thống pháp lý riêng của mình. BÁC ÁI PHẢI VƯỢT TRÊN CÔNG LÝ, vì yêu thương là trao ban cho kẻ khác điều “thuộc về tôi”; nhưng bác ái không thể hiện hữu nếu không có công lý, là điều buộc tôi phải trao trả cho kẻ khác điều “thuộc về họ”; điều thuộc về họ căn cứ vào hữu thể và hoạt động của họ. Tôi không thể “ban tặng” cho kẻ khác điều “thuộc về tôi” mà trước tiên không trao trả lại cho họ điều thuộc về họ dựa theo công lý. Ai yêu thương anh em trong tình bác ái, thì trước hết phải thực thi công lý đối với họ. Công lý không những không xa lạ với bác ái, cũng không phải là con đường thay thế hay song song với bác ái: công lý liên kết chặt chẽ với bác ái,[1] công lý là yếu tố nội tại của bác ái. Công lý là con đường đầu tiên của bác ái hay – như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói – là “tiêu chuẩn tối thiểu” của bác ái,[2] một thành phần cơ bản của tình yêu này trong “hành động và chân lý” mà thánh Gioan tông đồ đã khuyến khích. Một mặt, bác ái đòi buộc công lý: nhìn nhận và tôn trọng quyền lợi hợp pháp của từng cá nhân và của các dân tộc. Bác ái cố gắng xây dựng “đô thị trần gian” theo luật pháp và công lý. Mặt khác, bác ái vượt trên công bằng và đưa công bằng đến chỗ hoàn thiện trong logic của trao ban và tha thứ.[3] “Đô thị trần gian” được phát triển không chỉ đơn thuần nhờ những tương quan quyền lợi và nghĩa vụ, nhưng ở mức độ rộng lớn và nền tảng hơn, còn nhờ những tương quan vô vị lợi, nhân từ và hiệp thông. Cũng thế, bác ái luôn biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa trong những tương quan nhân loại, bác ái mang lại giá trị thần học và cứu độ cho mọi dấn thân phục vụ công bằng trên thế giới.

7. Tiếp đến, phải đặt mối quan tâm đặc biệt khác cho công ích. Yêu một người nào đó có nghĩa là phải chú ý đến lợi ích của người đó và cố gắng để thực hiện được. Bên cạnh lợi ích cá nhân còn có một lợi ích gắn bó với đời sống con người trong xã hội: đó là công ích. Đó là lợi ích của “chúng ta tất cả”, từ từng cá nhân, gia đình và những nhóm nhỏ, tạo thành một cộng đoàn xã hội.[4] Đó không phải là lợi ích chỉ được dành cho cá nhân mình, nhưng cho những con người liên hệ với nhau trong một cộng đồng xã hội, và chỉ trong cộng đồng này họ mới có thể đạt được lợi ích thực sự và có hiệu quả. Khao khát và nỗ lực vươn tới công ích là đòi hỏi của công lý và bác ái. Dấn thân cho công ích có nghĩa là, một mặt bảo vệ và mặt khác phục vụ cho toàn bộ các cơ chế qui định đời sống xã hội về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa, với cách thức này đời sống xã hội trở thành POLIS (thành phố). Chúng ta càng nỗ lực bảo đảm công ích cho phù hợp với những nhu cầu đích thực của tha nhân, thì chúng ta càng yêu thương họ cách hiệu quả. Mỗi Kitô hữu đều được gọi để thực hành đức bác ái này theo cách thế phù hợp với ơn gọi của mình và theo mức độ ảnh hưởng mình có trong polis. Đó là con đường mang tính cơ chế – người ta cũng có thể nói mang tính chính trị – của bác ái, con đường tuyệt hảo và hiệu quả không thua kém gì hình thức bái ái khi trực tiếp gặp gỡ tha nhân, bên ngoài trung gian cơ chế của POLIS. Sự dấn thân cho công ích do bác ái tác động, sẽ có một giá trị cao hơn sự dấn thân thuần túy thế tục và chính trị. Cũng như mọi dấn thân cho công lý, công ích có một vị trí trong chứng tá của đức ái, dọn đường cho thành đô vĩnh cữu qua những hoạt động trần thế. Khi hoạt động của con người trên trái đất được bác ái gợi hứng và nâng đỡ, hoạt động ấy sẽ mang tính chất xây dựng cho Nước phổ quát của Thiên Chúa, mà gia đình nhân loại đang hướng tới như điểm đến của lịch sử. Trong một xã hội ngày càng mang tính toàn cầu, công ích và sự dấn thân cho công ích phải mang những chiều kích của toàn thể gia đình nhân loại, nghĩa là cộng đồng các dân tộc và quốc gia,[5] để xây dựng đô thị trần gian theo hướng hiệp nhất và hòa bình – và một cách nào đó – tạo những tiền đề cho thành đô không bị chia cắt của Thiên Chúa.

8. Khi công bố Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO vào năm 1967, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã soi sáng đề tài lớn về việc phát triển các dân tộc dưới ánh quang chân lý và ánh sáng tình yêu của Chúa Kitô. Ngài xác quyết rằng đời sống trong Chúa Kitô là yếu tố đầu tiên và chính yếu của phát triển[6] và khuyến khích chúng ta tiến bước trên con đường phát triển này với con tim và lý trí của chúng ta,[7] có nghĩa là với nhiệt tình của bác ái và sự khôn ngoan của chân lý. Đây là chân lý nguyên thủy của tình yêu Thiên Chúa, một ân sủng được ban tặng cho chúng ta, giúp đời sống của chúng ta mở ra để đón nhận ân huệ và có khả năng giúp hy vọng của chúng ta trở thành hiện thực, một hy vọng vào việc phát triển con người toàn diện và nhân loại toàn diện[8] tiến từ những điều kiện ít nhân bản đến những điều kiện nhiều tính nhân bản hơn[9] khi chiến thắng mọi khó khăn không thể tránh được trên đường đi.

Bốn mươi năm sau ngày công bố Thông điệp, tôi muốn nhắc nhớ đến vị Giáo Hoàng vĩ đại Phaolô VI và tôn vinh ngài, khi lấy lại những giáo huấn về việc phát triển con người toàn diện và dõi theo con đường đã được vạch ra để áp dụng cho hoàn cảnh ngày hôm nay. Tiến trình hiện tại hóa này đã bắt đầu với Thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS, qua Thông điệp này, tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn kỷ niệm hai mươi năm ngày công bố Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO. Cho đến lúc đó Hội Thánh chỉ kỷ niệm Thông điệp RERUM NOVARUM mà thôi. Hai mươi năm sau, tôi xác tín rằng Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO xứng đáng được xem như Thông điệp RERUM NOVARUM của thời đại chúng ta, soi sáng con đường nhân loại đi đến hiệp nhất.

9. Bác ái trong chân lý – CARITAS IN VERITATE – là một thách thức lớn cho Hội Thánh trong một thế giới trên đường toàn cầu hóa đang phát triển và phổ biến. Nguy cơ của thời đại chúng ta là sự tương thuộc đương nhiên (de facto) giữa các dân tộc và các quốc gia lại không đi đôi với sự tương tác về mặt đạo đức của lương tri, từ đó không thể đưa đến một sự phát triển nhân bản đích thực như kết quả. Chỉ trong bác ái được ánh sáng lý trí và đức tin soi sáng, chúng ta mới có thể đạt được những mục tiêu phát triển mang những giá trị nhân văn và nhân hóa. Việc chia sẻ của cải và tài nguyên, từ đó có thể đưa đến một sự phát triển đích thực, không thể chỉ đơn thuần do những bước tiến kỹ thuật hay những tương quan lợi nhuận, nhưng do sức mạnh của tình yêu chiến thắng điều ác bằng điều thiện (Rm 12,21), mở ra con đường hướng tới sự tương hỗ của lương tâm và tự do.

Giáo hội không đưa ra những giải pháp kỹ thuật[10] và cũng không đòi hỏi “nhúng tay vào chính trị của Nhà Nước bằng bất cứ cách nào”.[11] Dù vậy, Giáo hội phải chu toàn trong mọi thời gian và mọi hoàn cảnh sứ mạng phục vụ chân lý nhằm xây dựng một xã hội xứng với con người, với phẩm giá và ơn gọi của họ. Không có chân lý, con người sẽ rơi vào một nhân sinh quan mang tính thường nghiệm và hoài nghi, không đủ khả năng vượt lên trên bình diện thực tiễn do thiếu quan tâm đến việc nắm bắt các giá trị – đôi khi cả những ý nghĩa của sự vật – là những điều giúp con người phán đoán và điều hướng cuộc sống. Sự trung thành đối với con người đòi buộc sự trung thành với chân lý, vì chỉ có chân lý là điều bảo đảm cho tự do (Ga 8,32) và khả năng phát triển con người toàn diện. Chính vì thế, Giáo hội tìm kiếm chân lý, rao giảng không mệt mỏi và nhìn nhận chân lý bất cứ nơi nào nó biểu lộ. Sứ mạng phục vụ chân lý này đối với Giáo hội là sứ vụ Giáo hội không bao giờ được khước từ. Giáo huấn xã hội của Giáo hội là một phương diện đặc biệt của việc rao giảng này: đó là một sự phục vụ chân lý giải phóng. Mở rộng ra để đón nhận chân lý, dù chân lý này từ đâu đến, giáo huấn xã hội của Giáo hội đón nhận chân lý ấy, thu nhận những mảnh vụn thường bị phân tán vào trong một tổng thể và đưa chân lý ấy vào trong thực tiễn cuộc sống không ngừng thay đổi của các dân tộc và các quốc gia.[12]

***

CHƯƠNG I

SỨ ĐIỆP CỦA POPULORUM PROGRESSIO

10. POPULORUM PROGRESSION đã ra đời trên bốn mươi năm, việc đọc lại Thông điệp này mời gọi chúng ta phải trung thành với sứ điệp bác ái và sự thật hàm chứa trong đó, đặt Thông điệp này trong toàn bộ giáo huấn đặc biệt của Đức Phaolô VI, và tổng quát hơn, trong truyền thống của giáo huấn Giáo hội về xã hội. Hơn nữa, phải lượng giá các điều kiện khác mà vấn đề phát triển ngày nay phải chạm trán so với 40 năm về trước. Quan điểm đúng đắn là quan điểm của truyền thống đức tin của các Tông đồ,[13] là gia sản vừa cũ vừa mới, tách khỏi gia sản này Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO sẽ là một tài liệu mất gốc và những vấn đề liên quan đến phát triển bị giản lược thành những dữ kiện xã hội học đơn thuần.

11. Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO – Phát triển các dân tộc – được công bố ngay sau khi bế mạc Công Đồng Vatican II. Ngay trong những đoạn đầu, Thông điệp xác nhận liên hệ chặt chẽ với Công Đồng.[14] Hai mươi năm sau, trong Thông điệp SOLLICITUDO REI SOCIALIS – ƯU TƯ VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI – Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến phiên mình, nhấn mạnh liên hệ phong phú của Thông điệp này với Công Đồng, đặc biệt với Hiến Chế Mục Vụ GAUDIUM ET SPES.[15] Ở đây cả tôi cũng muốn nhắc đến tầm quan trọng của Công Đồng Vatican II đối với Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và với huấn quyền tiếp nối của các Đức Giáo Hoàng sau này trong vấn đề xã hội. Công Đồng đã đào sâu điều vốn vẫn thuộc về chân lý đức tin, tức là Giáo hội, khi phục vụ Thiên Chúa, cũng phục vụ thế giới dựa theo những tiêu chuẩn tình yêu và chân lý. Chính từ nhãn quan này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khai triển để chia sẻ với chúng ta hai chân lý quan trọng. Chân lý đầu tiên là toàn thể Giáo hội, khi rao giảng, cử hành Bí tích Thánh Thể và hoạt động trong bác ái, trong toàn thể bản chất và hoạt động của mình, phải nhằm vào việc thúc đẩy sự phát triển toàn vẹn con người. Giáo hội có một vai trò trong đời sống công cộng, vượt trên những hoạt động giáo dục và bác ái: mọi năng lực Giáo hội đem đến cho sự tiến bộ của nhân loại và tình huynh đệ phổ quát được biểu lộ khi Giáo hội có thể hoạt động trong bầu khí tự do. Trong nhiều trường hợp, tự do này bị ngăn cản do luật lệ cấm cản và bách hại hay bị hạn hẹp, khi sự hiện diện công khai của Giáo hội bị giới hạn chỉ trong những công tác bác ái. Chân lý thứ hai là, sự phát triển đích thực của con người phải quan tâm đến sự toàn diện con người trong mọi chiều kích.[16] Nếu không có tầm nhìn vào đời sống vĩnh cửu, sự phát triển con người sẽ thiếu vắng sức sống trong thế giới này. Nếu sự phát triển này chỉ hạn hẹp vào trong thế giới này mà thôi, sẽ gặp nguy cơ là chỉ chú tâm vào việc gia tăng của cải; như thế nhân loại sẽ mất đi sự can đảm để sẵn sàng đón nhận những điều thiện hảo cao trọng hơn, để thực hiện những công tác lớn lao, vô vị lợi mà bác ái phổ quát thúc đẩy. Con người không thể tự sức mình để phát triển bản thân, cũng không phải do bên ngoài đưa đến sự phát triển này. Trong dòng lịch sử, người ta thường nghĩ rằng việc tạo ra các cơ chế là đủ để bảo đảm cho nhân loại thỏa mãn quyền phát triển. Tiếc thay người ta đã đặt tin tưởng quá đáng vào các cơ chế này, làm như các cơ chế này sẽ tự động đưa đến thành quả mong ước. Trong thực tế, các cơ chế này tự chúng không đủ, vì sự phát triển toàn vẹn con người trước tiên là một ơn gọi và đòi hỏi mọi người phải nhận trách nhiệm của mình cách tự do và liên đới. Ngoài ra, một sự phát triển như thế đòi buộc phải có một cái nhìn siêu nhiên về con người, cần có Thiên Chúa: không có Thiên Chúa, sự phát triển hoặc sẽ bị phủ nhận hoặc được trao phó cách độc đoán cho con người với ý nghĩ sai lầm rằng con người có thể cứu độ chính mình, cuối cùng ra lại chỉ cổ võ một hình thái phát triển phi nhân. Mặt khác, chỉ qua sự gặp gỡ Thiên Chúa, chúng ta mới có thể thấy được nơi tha nhân điều gì đó lớn hơn một thụ tạo bình thường, tức là nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi người khác[17] và như thế mới có thể thực sự khám phá người khác và triển khai tình yêu, một tình yêu “chăm sóc kẻ khác vì kẻ khác”.[18]

12. Mối liên kết giữa Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO và Công Đồng Vatican II không có nghĩa là giáo huấn xã hội của Đức Phaolô VI đứt đoạn với giáo huấn của các vị Giáo Hoàng trước, vì Công Đồng đào sâu giáo huấn này trong tính liên tục của đời sống Giáo Hội.[19] Theo nghĩa này, một số phân chia trừu tượng trong giáo huấn xã hội của Giáo hội đã không góp phần làm rõ các vấn đề, vì những phân chia này áp dụng vào giáo huấn xã hội của các Giáo Hoàng những tiêu chuẩn xa lạ. Không thể có hai loại giáo huấn xã hội khác nhau, một trước Công Đồng và một sau Công Đồng, nhưng chỉ có một giáo huấn duy nhất, liên kết chặt chẽ và luôn luôn mới.[20] Thật vậy, phải chú ý đến những điểm đặc biệt của Thông điệp này với Thông điệp khác, giáo huấn của vị Giáo Hoàng với vị Giáo Hoàng khác, nhưng không bao giờ rời mắt khỏi sự liên kết chặt chẽ của toàn thể Corpus – Tổng thư của giáo huấn.[21]

Sự liên kết chặt chẽ không có nghĩa là đúc kết vào một hệ thống, nhưng đúng hơn là sự trung tín năng động với ánh sáng đã được đón nhận. Giáo huấn xã hội của Giáo hội soi sáng các vấn đề luôn luôn mới xuất hiện bằng một ánh sáng không bao giờ thay đổi.[22] Điều này bảo vệ đặc tính liên tục và lịch sử của gia sản giáo thuyết,[23] vốn là thành phần của Truyền thống sống động trong Giáo hội.[24] Giáo huấn xã hội của Giáo hội được xây dựng trên nền tảng được các Tông đồ truyền đạt cho các giáo phụ và được các tiến sĩ nổi tiếng của Hội Thánh tiếp nhận và đào sâu. Giáo huấn này hướng đến Con Người mới, vị Ađam cuối cùng, “Đấng là thần khí ban sự sống” (1Cr 15,45) và là nguyên lý của đức ái “không bao giờ tàn tạ” (1Cr 13,8). Giáo huấn này được xác nhận bằng chứng tá của chư thánh và của tất cả những ai dâng hiến cuộc sống mình cho Đức Kitô, Đấng Cứu độ, trong lãnh vực công lý và hòa bình. Trong giáo huấn này chúng ta thấy được trách nhiệm ngôn sứ của các vị Giáo Hoàng: hướng dẫn Giáo hội Chúa Kitô theo cách thức các tông đồ và nhận ra những đòi hỏi mới mẻ của việc Phúc Âm hóa. Vì những lý do này, Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, được trứ tác trong dòng chảy vĩ đại của truyền thống, vẫn còn nhiều điều có thể nói với chúng ta.

13. Ngoài việc liên hệ đầy ý nghĩa của Thông điệp với toàn giáo huấn xã hội của Giáo hội, Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO gắn kết với toàn bộ giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và đặc biệt với giáo huấn của ngài trong các vấn đề xã hội. Giáo huấn xã hội này có một tầm quan trọng: nhấn mạnh vai trò tất yếu của Phúc Âm cho việc xây dựng xã hội theo nghĩa tự do và công lý, trong viễn cảnh lý tưởng và lịch sử của một nền văn minh được tình yêu tác động. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI hiểu rõ rằng, vấn đề xã hội đã bao trùm cả thế giới;[25] ngài nắm bắt được mối liên hệ hỗ tương giữa nỗ lực hướng đến sự hiệp nhất nhân loại và lý tưởng Kitô giáo về một gia đình duy nhất bao gồm các dân tộc sống trong tình liên đới và huynh đệ. Ngài cho việc phát triển theo nghĩa nhân bản và Kitô giáo là trọng tâm giáo huấn xã hội của Giáo hội và đề nghị bác ái Kitô giáo như sức mạnh chính yếu để phục vụ cho việc phát triển. Với khao khát làm cho người đồng thời của mình thấy được tình yêu của Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vững vàng đối mặt với những vấn đề đạo đức, không chiều theo những yếu đuối của văn hóa thời đại.

14. Trong Tông thư OCTAGESIMA ADVENIENS vào năm 1971, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đề cập đến ý nghĩa của chính trị và mối nguy hiểm do những nhãn giới mang tính ảo tưởng và ý thức he, đe dọa những chiều kích đạo đức và nhân bản trong chính trị. Đây là những vấn đề liên kết chặt chẽ với sự phát triển. Tiếc rằng những ý thức hệ tai hại vẫn không ngừng nở rộ. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã khuyến cáo về nguy hiểm to lớn của chủ trương kỹ trị, đang rất phổ biến ngày nay khi trao phó toàn bộ tiến trình phát triển chỉ cho kỹ thuật mà thôi,[26] vì theo cách thức này sẽ không có định hướng cho sự phát triển. Kỹ thuật có hai mặt. Một mặt, nếu ngày nay vẫn có xu hướng hoàn toàn tin tưởng phó thác tiến trình phát triển cho kỹ thuật, thì mặt khác, người ta nhận thấy những ý thức hệ xuất hiện, phủ nhận hoàn toàn sự hữu ích của phát triển, xem sự phát triển như phi nhân bản và sẽ đưa tất cả vào sa đọa. Cuối cùng, xu hướng này kết án không những định hướng đôi khi sai lệch và bất công mà người ta gán cho phát triển, nhưng còn lên án cả những khám phá khoa học, lẽ ra nếu được sử dụng đúng đắn, sẽ đưa đến cơ hội phát triển cho mọi người. Quan niệm về một thế giới không có phát triển nói lên sự thiếu tin tưởng vào con người và Thiên Chúa. Đó là một sai lầm nặng nề, khi đánh giá thấp những khả năng của con người trong việc kiểm soát những lệch lạc trong phát triển, hay quên rằng con người ở tự thân luôn hướng đến một “hiện hữu phong phú hơn”. Tuyệt đối hóa phát triển kỹ thuật theo ý thức hệ hay khao khát cách ảo tưởng về một nhân loại quay trở về tình trạng nguyên thủy là hai cách thế tương phản nhau, nhưng đều tách biệt sự phát triển khỏi giá trị luân lý và qua đó khỏi trách nhiệm của chúng ta.

15. Hai tài liệu tiếp theo của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, tuy không có mối liên hệ trực tiếp với giáo huấn xã hội – Thông điệp HUMANAE VITAE ngày 25.7.1968 và Tông Huấn EVANGELII NUNTIANDI ngày 8.12.1975 – cũng rất quan trọng, vì nói lên nội dung sự phát triển con người toàn diện theo đề nghị của Giáo hội. Vì thế cần phải đọc hai bản văn này trong sự liên kết với Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO.

Thông điệp HUMANAE VITAE nhấn mạnh ý nghĩa hai mặt của tính dục là sự kết hợp và sinh sản, xây dựng xã hội trên nền tảng của đôi vợ chồng, người nam và người nữ, cả hai đón nhận nhau trong sự khác biệt và bổ túc cho nhau; như thế đôi vợ chồng mở ra cho sự sống.[27] Đây không phải chỉ là luân lý cá nhân: Thông điệp HUMANAE VITAE cho thấy những liên hệ chặt chẽ giữa đạo đức của sự sống và đạo đức xã hội, khai mở một đề tài giáo huấn được triển khai trong nhiều tài liệu của huấn quyền, và cuối cùng trong Thông điệp EVANGELIUM VITAE của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.[28] Giáo hội nhấn mạnh sự liên hệ giữa đạo đức của sự sống và đạo đức xã hội, vì Giáo hội biết rằng: “một xã hội sẽ không thể có nền tảng vững chắc khi một đàng khẳng định những giá trị như phẩm giá con người, công lý và hòa bình, nhưng đàng khác, lại hành động ngược lại khi chấp nhận hay nhân nhượng những hình thức khinh rẻ và xúc phạm đến sự sống của con người, nhất là đối với những sự sống yếu đuối hay bị gạt ra bên lề”.[29]

Tông huấn EVANGELII NUNTIANDI liên kết chặt chẽ với phát triển – như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết – “sẽ không thể có việc Phúc Âm hóa trọn vẹn nếu không chú ý đến những liên hệ cụ thể và thường trực hiện hữu giữa Tin Mừng và đời sống cá nhân và xã hội của con người”.[30] “Có những liên hệ thực sự giữa việc Phúc Âm hóa và đòi hỏi nhân bản – phát triển và giải phóng”.[31] Từ nhận thức này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đặt liên hệ rõ ràng giữa việc rao giảng Đức Kitô với đòi hỏi của con người trong xã hội. Làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô qua các công việc xây dựng công lý, hòa bình và phát triển, là thành phần của việc Phúc Âm hoa, vì đối với Đức Giêsu Kitô, Đấng yêu thương chúng ta, con người trọn vẹn rất quan trọng. Khía cạnh truyền giáo[32] trong giáo huấn xã hội của Giáo hội như yếu tố chính yếu của việc Phúc Âm hóa đều đặt nền tảng trên những giáo huấn quan trọng này.[33] Giáo huấn xã hội của Giáo hội loan báo và làm chứng cho đức tin. Đó là khí cụ và khung cảnh tất yếu của việc giáo dục đức tin.

16. Trong Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI muốn nói với chúng ta, sự phát triển căn cứ theo nguồn gốc và bản chất của nó là một ơn gọi: “Theo chương trình của Thiên Chúa, mỗi người được kêu gọi để tự phát triển; chỉ vì toàn cuộc sống là ơn gọi”.[34] Chính điều này cho phép Giáo hội can thiệp vào những vấn nạn của phát triển. Nếu sự phát triển chỉ liên quan đến những khía cạnh thuần túy kỹ thuật của đời sống con người, chứ không liên quan gì đến ý nghĩa của đời sống con người qua dòng lịch sử cùng với những con người khác, hoặc không liên quan gì đến việc xác định mục tiêu của đời sống con người, thì Giáo hội không có quyền gì để nói lên những điều này. Cũng như Đấng tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong Thông điệp RERUM NOVARUM,[35] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ý thức rằng phải chu toàn một trách nhiệm trong triều đại ngài, đó là đem ánh sáng Phúc Âm rọi vào các vấn đề xã hội thời của ngài.[36]

Nhìn phát triển như một ơn gọi có nghĩa là một mặt, phải công nhận phát triển xuất phát từ một ơn gọi siêu vượt và mặt khác, phát triển không tự đem đến cho mình ý nghĩa tối hậu được. Không phải là không có lý khi thuật ngữ “ơn gọi” xuất hiện trong một đoạn khác của Thông điệp, trong đó nói rằng: “Không có chủ nghĩa nhân bản đích thực nào mà không mở ra với Tuyệt Đối và ý thức về ơn gọi đã ban tặng cho đời sống con người ý nghĩa đích thực”.[37] Cái nhìn về sự phát triển này là trọng tâm của Thông điệp POPOLORUM PREGRESSIO và động viên mọi suy tư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về tự do, chân lý và bác ái trong sự phát triển. Đó cũng là lý do chính yếu làm cho Thông điệp này vẫn còn mang tính thời sự.

17. Ơn gọi là tiếng kêu đòi hỏi phải có một câu trả lời tự do và có trách nhiệm. Sự phát triển toàn diện con người giả thiết sự tự do có trách nhiệm của mỗi con người và của các dân tộc. Không một cơ cấu nào có thể bảo đảm cho sự phát triển này, nếu như bỏ qua hay vượt trên trách nhiệm con người. Những thứ chủ nghĩa cứu thế hứa hẹn đủ điều nhưng chỉ tạo ra những ảo tưởng[38] vì đưa ra những đề nghị dựa trên việc phủ nhận chiều kích siêu việt của phát triển, cho rằng việc phát triển hoàn toàn nằm trong tầm tay của mình. Sự bảo đảm sai lệch này sẽ chuyển thành những yếu kém, vì kéo theo việc nô lệ con người, hạ thấp con người thành một phương tiện cho việc phát triển, trong khi sự khiêm tốn của người đón nhận ơn gọi sẽ được biến đổi thành sự tự lập đích thực vì nó làm cho con người thành tự do. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI không nghi ngờ rằng sẽ có những chướng ngại và hoàn cảnh làm chậm lại sự phát triển, nhưng ngài cũng chắc chắn rằng “mỗi người sẽ là tác nhân chính yếu cho thành công hay thất bại của mình, dù các ảnh hưởng có đè nặng trên họ”.[39] Sự tự do này không chỉ liên quan đến hình thái phát triển chúng ta đang xem xét nhưng còn liên quan đến cả những hoàn cảnh kém phát triển, không do tình cờ hay tất yếu lịch sử, mà do trách nhiệm của con người. Đó là lý do tại sao “các dân tộc đang đau khổ vì đói kém…kêu gọi khẩn thiết các dân tộc giàu có”.[40] Đó cũng là tiếng gọi của những chủ thể tự do gửi đến những chủ thể tự do khác để cùng nhau lãnh nhận trách nhiệm. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã có một ý thức sắc bén về tầm quan trọng của các cơ cấu và cơ chế kinh tế, nhưng ngài cũng nhận thức rõ bản chất của những cơ cấu và cơ chế này chỉ là những dụng cụ phục vụ cho sự tự do của con người. Chỉ khi có tự do, sự phát triển mới có thể là phát triển con người toàn diện; chỉ trong bầu khí tự do có trách nhiệm, phát triển mới có thể gia tăng cách thỏa đáng.

18. Ngoài sự đòi buộc tự do, sự phát triển toàn diện con người được xem như ơn gọi cũng đòi buộc tôn trọng chân lý. Ơn gọi hướng đến sự phát triển thúc đẩy con người “phải hoạt động nhiều hơn, nhận thức nhiều hơn, chiếm hữu nhiều hơn để hiện hữu phong phú hơn.[41] Vấn đề được nêu lên: hiện hữu phong phú hơn nghĩa là gì? Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trả lời câu hỏi này khi ngài chỉ cho thấy phẩm chất chính yếu của sự phát triển đích thực: phát triển phải toàn diện, phải đem thiện hảo đến cho con người toàn diện và cho tất cả mọi người.[42] Giữa những quan niệm về con người đang cạnh tranh nhau trong xã hội hôm nay, và còn nhiều hơn nữa vào thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, cái nhìn của Kitô giáo có điểm đặc thù là vừa củng cố vừa khẳng định giá trị vô điều kiện của nhân vị và ý nghĩa của việc phát triển con người. Ơn gọi Kitô giáo hướng đến việc phát triển giúp thúc đẩy sự tiến bộ của tất cả mọi người và của con người toàn diện. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Điều quan trọng đối với chúng ta là con người, mỗi một người và mỗi nhóm người, và bao hàm toàn thể loài người”.[43] Khi thúc đẩy sự phát triển, đức tin Kitô giáo không dựa vào đặc quyền hay vị trí quyền lực cũng không dựa vào công trạng của các Kitô hữu, chắc chắn đã có và hiện có cho dù có những ranh giới tự nhiên,[44] nhưng chỉ dựa vào Đức Kitô, Đấng mà mọi ơn gọi đích thực cho sự phát triển toàn vẹn con người đều qui về. Tin Mừng là yếu tố nền tảng cho sự phát triển, chỉ vì trong đó Đức Kitô “biểu lộ trọn vẹn con người trong mạc khải về mầu nhiệm Thiên Chúa Cha và tình yêu của Người với nhân loại”.[45] Nhờ Chúa chỉ dạy, Giáo hội đào sâu các dấu chỉ của thời đại, giải thích chúng và trình bày cho thế gian “điều thực cốt lõi: một cái nhìn bao quát về con người và nhân loại”.[46] Chính vì Thiên Chúa nói lên tiếng “vâng” với con người,[47] nên con người không thể từ chối mở rộng tâm hồn để đón nhận ơn gọi của Thiên Chúa nhằm thực hiện sự phát triển của mình. Chân lý về sự phát triển hệ tại ở tính toàn thể: nếu như sự phát triển không nhằm con người trọn vẹn và từng người một, thì đó không phải là phát triển đích thực. Đó là Sứ điệp trọng tâm của Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, vẫn còn giá trị cho hôm nay và mãi mãi. Việc phát triển toàn vẹn con người trong chiều kích tự nhiên là lời đáp trả trước tiếng gọi của Thiên Chúa sáng tạo.[48] Sự phát triển đó đòi hỏi sự hoàn thành bản thân “nhờ chủ thuyết nhân bản siêu việt đem lại cho con người sự tròn đầy cao độ nhất: đó là mục đích và ý nghĩa cuối cùng của sự phát triển con người”.[49] Do đó, ơn gọi Kitô giáo hướng đến việc phát triển này đụng chạm không những đến bình diện tự nhiên mà còn cả bình diện siêu nhiên; đó là lý do tại sao: “khi đẩy Thiên Chúa vào trong bóng tối, khả năng của chúng ta sẽ chao đảo không còn nhận ra trật tự tự nhiên, mục đích và sự “thiện”.[50]

19. Cuối cùng, quan niệm về sự phát triển như ơn gọi đòi buộc bác ái phải nằm ở trọng tâm của sự phát triển này. Trong Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cho thấy những nguyên nhân của việc chậm phát triển không chủ yếu nằm trong trật tự vật chất. Ngài mời gọi chúng ta phải tìm những nguyên nhân đó trong những chiều kích khác của con người. Trước tiên là trong ý chí, thường xao nhãng những trách nhiệm liên đới. Thứ đến trong suy tư, đã không định hướng ý muốn cho đúng đắn. Vì thế, khi theo đuổi sự phát triển, “cần có tư tưởng và suy nghĩ của những người khôn ngoan trong việc tìm một chủ thuyết nhân bản mới, giúp con người hôm nay tìm lại được chính mình”.[51] Nhưng đó không phải là tất cả. Việc kém phát triển có một nguyên nhân còn quan trọng hơn là thiếu suy nghĩ: đó là “thiếu tình huynh đệ giữa con người và giữa các dân tộc”.[52] Con người có thể đạt được tình huynh đệ này tự cố gắng của mình hay không? Xã hội càng ngày càng đi đến toàn cầu hóa giúp chúng ta gần gũi nhau, nhưng chưa làm cho chúng ta thành anh em với nhau. Lý trí ở tự nó có thể hiểu sự bình đẳng giữa con người và thiết lập một đời sống dân sự ổn định, nhưng không thể tạo được tình huynh đệ. Tình huynh đệ này bắt nguồn từ ơn gọi siêu việt của Thiên Chúa Cha, Đấng yêu thương chúng ta trước và dạy dỗ chúng ta qua Người Con để biết bác ái huynh đệ là gì. Trong việc trình bày tiến trình phát triển con người dưới nhiều mức độ, sau khi đã gợi lên đức tin, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói lên đỉnh điểm là “sự hiệp nhất trong tình yêu của Chúa Kitô, Đấng kêu gọi mọi người như con cái chia sẻ vào cuộc sống của Thiên Chúa sống động, là Cha của mọi người”.[53]

20. Những viễn cảnh do Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO khai mở vẫn luôn là nền tảng mang lại niềm phấn khởi và định hướng cho việc dấn thân phát triển các dân tộc. Ngoài ra Thông điệp còn luôn nhấn mạnh đến sự khẩn thiết phải canh tân[54] và kêu gọi phải hành động cách can đảm và không ngần ngại khi đối mặt với những vấn đề lớn lao của sự bất công trong việc phát triển các dân tộc. Chính tình yêu trong sự thật kêu gọi sự khẩn thiết này. Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta “CARITAS CHRISTI URGET NOS” (2Cr 5,14). Sự khẩn thiết không những nằm nơi các dữ kiện, cũng không xuất phát từ sức ép của các biến cố hay vấn nạn, nhưng từ chính vấn đề đang được quan tâm: sự thực hiện một tình huynh đệ đích thực. Tầm quan trọng của mục đích này đòi hỏi chúng ta mở trí để hiểu cho sâu và huy động bản thân từ bên trong, để bảo đảm rằng tiến trình xã hội và kinh tế hiện nay sẽ hướng đến những kết quả đầy tính nhân bản.

***

CHƯƠNG II

PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA

21. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có cái nhìn rất rõ ràng về phát triển. Với thuật ngữ “phát triển”, ngài muốn cho chúng ta thấy mục đích trước tiên là giúp các dân tộc chiến thắng nghèo đói, khổ ải, những bệnh truyền nhiễm và tình trạng mù chữ. Từ quan điểm kinh tế, điều này có nghĩa là sự tham gia tích cực của các dân tộc vào đời sống kinh tế quốc tế với những điều kiện bình đẳng; từ quan điểm xã hội, điều này có nghĩa là các dân tộc tiến đến chỗ trở thành những xã hội có giáo dục được ghi dấu bằng tình liên đới; từ quan điểm chính trị, điều này có nghĩa là sự củng cố những chế độ dân chủ có khả năng bảo đảm tự do và hòa bình. Sau bấy nhiêu năm, chúng tôi thực sự lo lắng khi thấy các cơn khủng hoảng cứ gia tăng tiếp nối trong thời đại chúng ta cũng như hậu quả của chúng; chúng tôi tự hỏi, những sự mong chờ của Đức Giáo Hoàng Phaolô đã được thỏa mãn đến mức độ nào dựa theo mẫu phát triển được áp dụng trong những thập niên cuối cùng này. Do đó, chúng ta nhận ra rằng Giáo hội có lý khi âu lo về khả năng của một xã hội thuần kỹ thuật, tự đặt cho mình mục đích thực tế và những phương tiện sử dụng trong tầm tay. Lợi nhuận cũng hữu ích nếu được xem là phương tiện hướng đến mục đích, và mục đích ấy đem lại ý nghĩa cho việc sản xuất cũng như sử dụng. Một khi lợi nhuận trở thành mục tiêu duy nhất, nếu lợi nhuận được làm ra bằng những phương thế không thích hợp và không nhắm đến công ích như mục đích tối hậu, thì lợi nhuận có nguy cơ hủy diệt sự giàu có và tạo ra nghèo đói. Sự phát triển kinh tế được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắm đến phải sản sinh một sự tăng trưởng thực sự dành cho mọi người và tồn tại cụ thể. Thực sự là đã có sự tăng trưởng và sự tăng trưởng đó đã là và sẽ là một yếu tố tích cực để giải thoát cả tỷ con người khỏi khổ ải và cuối cùng sẽ đem lại cho nhiều đất nước khả năng trở thành những đối tác hữu hiệu trong lãnh vực chính trị quốc tế. Dù vậy, phải nhìn nhận rằng sự tăng trưởng kinh tế như thế đã và vẫn bị đe doạ vì những xáo trộn và những vấn đề bi thảm, và còn nổi cộm hơn nữa trong hoàn cảnh khủng hoảng hiện tại. Cơn khủng hoảng này buộc chúng ta phải đứng trước những quyết định liên hệ chặt chẽ với vận mệnh con người, vận mệnh này không thể tách ra khỏi bản chất của con người được. Những sức mạnh kỹ thuật được áp dụng, những mối tương tác mang tính toàn cầu, những hậu quả tai hại trên nền kinh tế thật sự của một hoạt động tài chính bị áp dụng sai lệch và hơn nữa, một số đông làn sóng di tản, thường bị khơi dậy do một vài hoàn cảnh đặc thù rồi không được quan tâm đúng mức, sự khai thác cách độc đoán các tài nguyên – tất cả những điều này bắt chúng ta phải suy nghĩ về những mức độ cần thiết để giải quyết những vấn đề không những mới so với thời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, nhưng còn có ảnh hưởng quyết định đến thiện ích hiện tại và tương lai của nhân loại. Những khía cạnh khác nhau của cơn khủng hoảng, những cách giải quyết, cũng như bất cứ sự phát triển mới mẻ nào trong tương lai, đều liên kết với nhau nhiều hơn, lệ thuộc vào nhau, đòi buộc những cố gắng mới để nhận định cách tổng thể và một tổng hợp mới về nhân bản. Tính phức tạp và tầm quan trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại gây âu lo cho chúng ta, nhưng chúng ta phải chọn thái độ thực tế khi đón nhận những trách nhiệm mới mẻ với niềm tin tưởng và hy vọng, với những trách nhiệm này chúng ta phải nhìn thấy viễn ảnh một thế giới đang cần có một cuộc canh tân văn hóa sâu xa và việc tái khám phá những giá trị nền tảng, dựa vào đó có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Cuộc khủng hoảng đòi buộc chúng ta phải vạch một con đường mới, đưa ra những lề luật mới và tìm những hình thức mới để dấn thân, định hướng trên những kinh nghiệm tích cực và loại bỏ những kinh nghiệm tiêu cực. Do đó, khủng hoảng trở thành cơ may để phân định, định hình cho một nhãn quan mới về tương lai. Trong nhãn quan tin tưởng hơn là do dự này, thật là thích hợp khi bàn đến các khó khăn hiện tại.

22. Bức tranh phát triển ngày nay có nhiều lớp chồng chéo lên nhau. Những động lực và các nguyên nhân của chậm tiến cũng như việc phát triển cũng rất đa dạng, công và tội cũng như thế. Sự kiện này thúc đẩy chúng ta phải thoát ra khỏi các ý thức hệ thường đơn giản hóa thực tế cách giả tạo. Sự kiện đó cũng đưa ta đến chỗ phải xem xét cách khách quan chiều kích nhân bản của các vấn đề. Làn ranh phân định giữa các nước giàu nghèo không còn rõ rệt như thời Thông điệp Populorum progressio, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ cho thấy.[55] Sự giàu có trong thế giới gia tăng ở mức độ rất cao, nhưng những sự bất bình đẳng cũng gia tăng lớn lao. Trong các nước giàu, nhiều thành phần xã hội mới đang sa sút, từ đó nẩy sinh các hình thức mới của nghèo khổ. Trong những vùng nghèo hơn, một số nhóm được hưởng sự phát triển cao độ, tiêu thụ và phung phí, đối nghịch một cách không thể chấp nhận được với những hoàn cảnh thường xuyên đầy đau khổ phi nhân. Tình trạng “cớ vấp phạm của bất công vẫn đang kêu gào”.[56] Tiếc thay, tham nhũng và bất tuân luật pháp vẫn tồn tại trong lối sống của những người đại diện kinh tế và chính trị trong những nước giàu cũ cũng như mới, cũng như trong những nước nghèo. Đôi khi những công ty đa quốc gia hay những nhóm sản xuất địa phương không tôn trọng quyền lợi nhân bản của những người lao động. Những sự trợ giúp quốc tế thường làm sai lệch mục đích vì những hành động thiếu trách nhiệm trong giới người cho cũng như những người nhận. Trên bình diện những nguyên nhân phi vật chất hay văn hóa của việc phát triển hay chậm phát triển, chúng ta cũng có thể nhận thấy những chuỗi trách nhiệm như thế. Có những hình thức bảo vệ kiến thức của những nước giàu qua việc áp dụng chặt chẽ quyền sở hữu tri thức, đặc biệt trong lãnh vực y tế. Đồng thời trong vài nước nghèo cũng có những mẫu văn hóa và luật lệ xã hội làm chậm tiến trình phát triển.

23. Ngày nay, dù không vững chắc và không thuần nhất, nhiều vùng trên trái đất đã phát triển và bước vào vòng những quyền lực mạnh mẽ, giữ một vai trò quan trọng trong tương lai. Dù vậy, phải nhấn mạnh rằng, nếu chỉ phát triển về mặt kinh tế và kỹ thuật thì không đủ. Sự phát triển cần phải đích thực và toàn diện. Việc bước ra khỏi tình trạng chậm phát triển về mặt kinh tế, dù tự nó là một sự kiện tích cực, sẽ không giải quyết được những vấn đề phức tạp liên quan đến sự tiến bộ của con người: không những không giải quyết được trong những đất nước được hưởng trực tiếp những thành quả tiên tiến, mà cũng không đối với những nước còn nghèo đói, những nước phải đau khổ không những dưới những hình thức bóc lột trong quá khứ, nhưng còn dưới những hậu quả tiêu cực của một sự phát triển trệch hướng và bất bình đẳng.

Sau sự sụp đổ những hệ thống kinh tế và chính trị của những nước cộng sản Đông Âu và chấm dứt điều thường được gọi là “những khối chống đối”, người ta cần có một suy tư mới mang tính toàn cầu về phát triển. Đó là điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II yêu cầu vào năm 1987; ngài đã cho thấy sự hiện hữu “những khối” này như một trong những nguyên nhân chính làm chậm phát triển[57] vì chính trị đã rút ruột tài nguyên kinh tế và văn hóa, và ý thức hệ bóp chết tự do. Vào năm 1991, sau những biến cố của năm 1989 khi các khối chấm dứt, ngài đòi hỏi một chương trình toàn cầu về phát triển, không những cho những nước này, nhưng cả phương Tây và trong những phần thế giới trên đà phát triển.[58] Điều này mới chỉ thực hiện được một phần và vẫn còn là một trách nhiệm thật sự cần được đảm nhận, có lẽ nhờ những chọn lựa cần thiết để vượt qua những vấn đề kinh tế hiện hành.

24. Thế giới vào thời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, cho dù xã hội đã tiến triển đến mức ngài có thể nói về vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, vẫn chưa tiến triển như ngày hôm nay. Hoạt động kinh tế và phận vụ chính trị phần lớn được thực hiện trong cùng một không gian và có thể nương tựa lẫn nhau. Hoạt động sản xuất diễn ra trong ranh giới quốc gia và những việc đầu tư tài chính có một vòng xoay hạn hẹp ở ngoại quốc, đến độ chính trị của nhiều quốc gia đặt ưu tiên trên kinh tế, và một cách chắc chắn, có thể điều chỉnh tiến trình với những phương tiện sẵn có. Vì lý do này, Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO đặt một vai trò quan trọng cho “quyền lực công cộng”,[59] nhưng không độc đoán.

Trong thời đại chúng ta, Nhà Nước phải đối mặt với những giới hạn áp đặt trên quyền hành của mình, do bối cảnh mới mang tính quốc tế về mặt thương mại và tài chính – một bối cảnh được đánh dấu bằng sự cơ động gia tăng của ngân sách tài chính và những phương tiện sản xuất về mặt vật chất lẫn phi vật chất. Bối cảnh mới mẻ này đã thay đổi quyền lực chính trị của các Nhà Nước.

Ngày nay, khi suy tư về những bài học mà cơn khủng hoảng kinh tế hiện hành đem đến, trong đó quyền lực công cộng phải trực tiếp lo lắng để sửa lại các sai lầm và kinh tế suy thoái, việc đánh giá lại vai trò và quyền lực của Nhà Nước xem ra cụ thể hơn; vai trò cũng như quyền lực của Nhà Nước cần được xem xét và cấu trúc lại, sao cho có thể đáp trả những thách đố trong thế giới hôm nay, nhờ những hình thức dấn thân mới. Với vai trò được điều chỉnh lại tốt hơn của quyền lực công cộng, người ta hy vọng rằng những hình thức mới của việc tham gia vào chính trị quốc gia và quốc tế được củng cố hơn, những hình thức này được hiện thực nhờ hoạt động của các tổ chức đang làm việc trong các xã hội dan sự. Theo nghĩa này, hy vọng rằng sự chú tâm và tham gia tích cực của các công dân vào công việc chung (res publica) được phát triển rộng rãi hơn.

25. Từ quan điểm xã hội, những hệ thống bảo vệ và tiên liệu, vốn đã có trong nhiều quốc gia từ thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, thấy rất khó và trong tương lai còn khó hơn nữa để theo đuổi mục đích xây dựng một sự công bằng xã hội thực sự trong khung kinh tế đã thay đổi sâu xa. Thị trường mang tính toàn cầu thúc đẩy các nước giàu đi tìm những vùng đất, ở đó có thể sản xuất các sản phẩm với giá rẻ, hạ giá thành nhiều sản phẩm, gia tăng sức mua lên cao và nhờ đó nâng cao tỷ suất tăng trưởng căn cứ trên sự tiêu thụ càng lớn dần trong một thị trường nội địa. Hậu quả là thị trường kích thích những hình thức đua tranh giữa các quốc gia nhằm thu hút đầu tư nước ngoài thiết lập các trung tâm sản xuất, với những phương thế khác nhau – trong đó có chế độ thu thuế thuận lợi và làm rối loạn thị trường lao động. Tiến trình này đưa đến việc tìm kiếm những ưu thế cạnh tranh lớn hơn trên thương trường quốc tế, sẽ phải trả giá bằng việc hạn hẹp mạng lưới bảo vệ xã hội, sẽ đưa đến nguy hiểm trầm trọng cho quyền lợi của các công nhân, các quyền lợi căn bản của con người và sự liên đới được thực hiện qua các hình thức truyền thống của Nhà Nước dân sự. Các hệ thống an ninh xã hội sẽ mất khả năng thực hiện trách nhiệm của mình, không những trong các nước nghèo, nhưng cả trong những nước mới phát triển cũng như trong những nước đã phát triển từ lâu. Trong những nơi đó, những chính sách tiền tệ với những cắt giảm chi phí xã hội do sức ép của các tổ chức tài chính quốc tế, làm cho người dân thành bất lực khi phải đối mặt với những nguy cơ cũ cũng như mới; sự bất lực này còn dâng cao do không được bảo vệ hữu hiệu về phía những hiệp hội các công đoàn. Do toàn bộ những sự thay đổi về xã hội và kinh tế tác động, các tổ chức công đoàn sẽ gặp những thử thách lớn, khó chu toàn vai trò đại diện cho lợi ích của các công nhân, cũng vì các chính quyền, do nhu cầu kinh tế, đã hạn hẹp những tự do hay khả năng thương thảo của các nghiệp đoàn. Những mạng lưới liên đới truyền thống phải luôn vượt lên trên những ngăn trở nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Do đó, đề nghị của giáo huấn xã hội Công Giáo – bắt đầu với Thông điệp RERUM NOVARUM [60] – kêu gọi các công đoàn lao động đứng lên để bảo vệ quyền lợi cho cuộc sống của mình, ngày nay còn cấp bách hơn nữa, để đưa ra một câu trả lời nhanh và có tầm nhìn xa hơn trước nhu cầu khẩn thiết phải có những hình thức hợp tác mới không những cho địa phương, nhưng cả về mặt quốc tế.

Tính cơ động của lao động liên kết với việc rối loạn phổ biến, tạo thành một hiện tượng quan trọng cũng có vài khía cạnh tích cực vì có thể kích thích sản xuất và trao đổi văn hóa. Dù vậy, khi có sự bất ổn về các điều kiện lao động do tiến trình cơ động và xáo trộn, sẽ xuất hiện nhiều hình thức bất ổn về mặt tâm lý, những khó khăn để hoạch định đời sống, ngay cả trong hôn nhân. Từ đó sẽ có những hoàn cảnh không những phung phí sức lực xã hội, mà cả việc sa đọa về mặt con người. So sánh với những tổn thất của xã hội công nghiệp trong quá khứ, sự thất nghiệp ngày hôm nay sẽ kéo theo những hình thức loại trừ mới về mặt kinh tế, và cơn khủng hoảng hiện tại sẽ làm cho hoàn cảnh thêm tệ hơn. Việc thất nghiệp một thời gian dài hay sự lệ thuộc vào sự trợ giúp công khai hay tư nhân, sẽ đánh mất tự do và tính sáng tạo của cá nhân, cũng như những liên hệ gia đình và xã hội, đem đến những đau khổ nặng nề trên bình diện tâm lý lẫn tinh thần. Tôi muốn nhắc nhớ mọi người, đặc biệt là những người cai trị, những người cố gắng đem lại cho trật tự kinh tế và xã hội thế giới một gương mặt mới, trọng tâm cần được bảo vệ và được đánh giá cao của con người, chính là nhân vị trong sự trọn vẹn của mình: “Thực vậy, con người chính là tác giả, trung tâm và mục đích tất cả đời sống kinh tế – xã hội”.[61]

26. Trên bình diện văn hóa, so sánh với thời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, sự khác biệt còn gây ấn tượng nhiều hơn nữa. Phải nói rằng, vào thời đó, các nền văn hóa được xác định tương đối rõ ràng và có nhiều cơ hội để tự bảo vệ trước những tấn công san bằng văn hóa. Ngày nay, những khả năng tương tác giữa các nền văn hóa đã gia tăng đáng kể và tạo không gian cho những viễn cảnh mới của việc đối thoại liên văn hóa – một cuộc đối thoại để có thể tạo được nhiều hiệu quả – đòi hỏi cả hai phía trao đổi một ý thức sâu xa về căn tính của mình. Dù vậy, người ta cũng phải chú ý tình trạng thương mại hóa việc trao đổi văn hóa sẽ đem lại một nguy hiểm có hai mặt. Trước tiên người ta thấy có một chủ nghĩa chiết trung về mặt văn hóa (kulrureller Ekletizismus – un éclectisme culture – culrural ecleticism) thường được đón nhận một cách không phê phán: các nền văn hóa cứ được đặt cận kề nhau, xem như có thể trao đổi giữa nhau vì có cùng giá trị theo bản chất. Điều này sẽ dẫn tới việc rơi vào chủ nghĩa tương đối, một chủ nghĩa không giúp gì nhiều cho việc trao đổi văn hóa đích thực; trên bình diện xã hội, chủ nghĩa tương đối tạo ra một đời sống tách biệt, sống cận kề nhau của những nhóm văn hóa không có đối thoại đích thực và cũng không có sự hội nhập thực sự. Thứ đến, còn có nguy cơ đối nghịch hẳn lại, đó là nguy cơ đưa đến việc san bằng văn hóa và đồng nhất các thái độ và cách sống. Theo cách này, ý nghĩa sâu xa của nền văn hóa của các quốc gia khác nhau và các truyền thống của nhiều dân tộc khác nhau sẽ bị đánh mất, những nền văn hóa và truyền thống xa xưa đã giúp con người đối mặt với những vấn nạn cơ bản của đời sống.[62] Chủ nghĩa chiết trung và san bằng văn hóa đều nhằm vào việc tách biệt văn hóa ra khỏi bản tính con người. Như thế các nền văn hóa không còn tìm được tiêu chuẩn của mình nơi chúng đã xuất phát[63] và cuối cùng giảm thiểu con người thành một dữ kiện văn hóa. Nếu như điều này được thực hiện, nhân loại sẽ gặp nhiều nguy hiểm mới là sẽ bị nô lệ và bị thao túng.

27. Trong nhiều nước nghèo, đời sống con người hết sức bất ổn do sự thiếu hụt lương thực, đưa đến nguy cơ ngày càng nặng nề hơn: nạn đói vẫn hành hạ không biết bao nhiêu người giống như Lazarô xưa, không được phép ngồi đồng bàn với các kẻ giàu – như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mong muốn.[64] “Cho kẻ đói ăn” (Mt 25,35.37.42) là mệnh lệnh luân lý cho Giáo hội toàn cầu, để đáp lại lời giáo huấn về tình liên đới và chia sẻ của Đấng sáng lập là Đức Giêsu Kitô. Hơn nữa diệt trừ sự nghèo đói trên thế giới trong thời đại toàn cầu hóa đã trở thành mục tiêu phải theo đuổi cách khẩn thiết để bảo đảm hòa bình và bền vững trên trái đất. Tình trạng nghèo đói không lệ thuộc vào sự thiếu thốn vật chất cho bằng sự thiếu thốn về những tài nguyên xã hội mà quan trọng nhất là cơ chế. Nói cách khác, cái thiếu sót là một mạng lưới các cơ chế kinh tế, có khả năng bảo đảm việc chuyển đạt đều đặn những phẩm vật dinh dưỡng quan trọng như nước và lương thực, cũng như có thể giải quyết những nhu cầu cơ bản và khẩn cấp, thường xảy ra trong trường hợp khủng hoảng lương thực thật sự; các khủng hoảng này có thể do các nguyên nhân tự nhiên hay cũng có thể do sự thiếu trách nhiệm về mặt chính trị quốc gia hay quốc tế. Vấn đề bất ổn về mặt lương thực cần được quan tâm giải quyết trong một viễn cảnh lâu dài, loại bỏ những nguyên nhân về mặt cơ cấu đã dẫn đến tình trạng đói nghèo, và thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp cho những nước nghèo nhất. Điều này chỉ có thể thực hiện qua việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở nông nghiệp, trong hệ thống cung cấp nước, trong việc vận chuyển, trong các tổ chức siêu thị, đào tạo và phát triển kỹ thuật nông nghiệp thích hợp – tức là qua đầu tư thích ứng với các nguồn nhân sự, thiên nhiên và kinh tế xã hội đang có trong địa phương, sử dụng một cách tốt nhất để bảo đảm sự bền vững trong một thời gian dài. Tất cả những điều này phải được thực hiện với sự tham gia của các cộng đồng địa phương trong những chọn lựa và quyết định có ảnh hưởng đến việc sử dụng đất nông nghiệp. Trong viễn cảnh này, có thể hữu ích khi xem xét những khả thể mới mở ra nhờ sử dụng đúng đắn các kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo truyền thống cũng như cách thức mới, với điều kiện những cách thức mới này, sau khi được học hỏi kỹ lưỡng, được công nhận là hữu ích, thích hợp với môi trường và chú tâm đến những nhóm dân chúng bị bất lợi nhất. Đồng thời cũng không nên quên vấn đề cải cách đất đai cho công bằng trong các nước đang phát triển. Quyền về lương thực cũng như nước uống giữ một vai trò quan trọng trong việc đạt được những quyền lợi khác, bắt đầu trước tiên với quyền căn bản là được sống. Vì thế điều quan trọng là phải hình thành ý thức liên đới, công nhận lương thực và có nước uống là quyền lợi chung của tất cả mọi người, không phân biệt hay kỳ thị.[65] Ngoài ra cũng thật quan trọng để nhấn mạnh, con đường liên đới với sự phát triển của các nước nghèo có thể là một dự án để giải quyết cơn khủng hoảng thế giới hiện hành; ngày nay các nhà chính trị và những người chịu trách nhiệm của các cơ quan quốc tế phải nắm vững điều này: khi giúp đỡ các nước nghèo về mặt kinh tế bằng những chương trình tài chính phát xuất từ tình liên đới, để các nước này có thể từng bước đáp ứng các nhu cầu của dân chúng về sản phẩm tiêu thụ và phát triển, người ta không những nhắm vào sự phát triển kinh tế đích thực, nhưng còn nâng đỡ các khả năng sản xuất của các nước giàu đang gặp nguy cơ bị lấn cấn vì khủng hoảng.

28. Một trong những phương diện nổi cộm nhất về việc phát triển hôm nay là tính chất quan trọng của đề tài tôn trọng sự sống, là điều không thể tách rời khỏi những vấn nạn khác trong việc phát triển các dân tộc. Đây là một phương diện ngày càng có ý nghĩa quan trọng, buộc chúng ta phải nới rộng quan niệm về nghèo đói[66] và chậm phát triển, liên kết với việc đón nhận sư sống, nhất là ở những nơi sự sống bị ngăn cản bằng nhiều cách.

Không những nghèo đói gây nên trong nhiều vùng trẻ em phải chết sớm với mức độ cao, nhưng nhiều nơi trên thế giới chính quyền vẫn còn kiểm soát dân số thường qua việc phát thuốc ngừa thai hay còn đi xa hơn là áp đặt việc phá thai. Trong những nước phát triển về mặt kinh tế, luật lệ chống đối sự sống đã thành phổ biến, gây ảnh hưởng trên thái độ thực hành luân lý, góp phần phổ biến não trạng bài sinh sản; tìm cách phổ biến qua các nước khác và xem đó như là một bước tiến về mặt văn hóa.

Một vài tổ chức phi chính phủ (NGO) cũng tích cực trong việc phổ biến việc phá thai và đôi khi thúc đẩy việc triệt sản trong các nước nghèo, kể cả trong một số trường hợp không cho phụ nữ biết. Ngoài ra, cũng có đủ lý do để nghi ngờ, đôi khi việc trợ giúp phát triển cũng gắn liền với những chính sách về y tế mà trên thực tế liên kết chặt chẽ với việc kiểm soát sinh sản. Ngoài ra cũng đáng lo ngại việc ban hành các luật lệ cho phép thực hiện an tử (Euthanasie) cũng như phải lo ngại về áp lực của những nhóm thuộc quốc gia hay quốc tế đòi hỏi phải công nhận tính chất pháp lý của luật này.

Việc mở ra với sự sống nằm ở trung tâm việc phát triển đích thực. Khi một xã hội đi về hướng từ chối và áp chế sự sống, cuối cùng sẽ không tìm được những động cơ và năng lực cần thiết để phục vụ cho sự thiện hảo đích thực của con người. Khi con người cá nhân cũng như xã hội đánh mất sự nhạy bén trong việc đón nhận một sự sống mới, thì những hình thức đón nhận khác, hữu ích cho đời sống xã hội cũng bị khô héo.[67] Việc đón nhận sự sống củng cố các sức lực luân lý và tạo khả năng cho sự trợ giúp lẫn nhau. Khi các dân tộc giàu cố gắng mở ra cho sự sống, họ có thể hiểu được những nhu cầu của các dân tộc nghèo rõ ràng hơn; có thể tránh được sự phung phí những nguồn kinh tế và trí thức để thỏa mãn những tham vọng ích kỷ nơi các công dân của mình, và thay vào đó là những hoạt động tốt đẹp nhằm vào việc sản xuất mang tính luân lý lành mạnh và đầy tình liên đới, trong việc tôn trọng quyền căn bản của từng dân tộc và của từng người cho sự sống.

29. Còn một phương diện khác của đời sống hôm nay có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển: việc từ chối quyền tự do tôn giáo. Tôi không chỉ nói đến những cuộc chiến và những xung đột trong thế giới có những động cơ tôn giáo, kể cả khi động cơ tôn giáo chỉ đơn thuần là vỏ bọc bên ngoài để che đậy những nguyên do khác như khao khát quyền lực và của cải. Cũng như vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cả chính tôi cũng thường nhắc cách công khai,[68] ngày nay người ta nhân danh Thiên Chúa để hủy diệt. Bạo lực dưới mọi hình thức đều ngăn chận sự phát triển đích thực và ngăn cản bước tiến của các dân tộc đến mức sống cao hơn về mặt kinh tế xã hội và tinh thần. Điều này được áp dụng cách đặc biệt cho chủ nghĩa khủng bố với chủ trương bảo thủ cực đoan (fondamentalisme),[69] chủ nghĩa này đã gây nên đau khổ, phá hoại và chết chóc, ngăn cản việc đối thoại giữa các quốc gia và rút đi phương tiện tài chính lớn lao cho những cố gắng hòa bình và dân sự. Còn phải nói thêm nữa, cũng như chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo ngăn cản trong nhiều vùng việc thực thi quyền tự do tôn giáo, việc cố tình cổ võ sự dửng dưng tôn giáo hay chủ nghĩa vô thần thực hành trong nhiều nước cũng chống lại những đòi hỏi phát triển của các dân tộc, vì tước đi sự phong phú tinh thần và nhân bản của các dân tộc. Thiên Chúa là Đấng bảo đảm cho sự phát triển đích thực của con người, vì Ngài đã dựng nên con người theo hình ảnh mình, Ngài đặt nền tảng cho phẩm giá siêu việt của con người và luôn khơi dậy nơi họ sự khao khát được “hiện hữu cao hơn”. Con người không phải là một nguyên tử trong một vũ trụ ngẫu nhiên,[70] nhưng là một thọ tạo của Thiên Chúa, được lãnh nhận từ Thiên Chúa một linh hồn bất tử và từ ngàn xưa đã được Ngài yêu thương. Nếu con người chỉ là kết quả của một sự ngẫu nhiên hay tất yếu, hoặc nếu con người phải hạ thấp những khát vọng của mình vào chân trời hạn hẹp của thế giới họ đang sống, nếu tất cả chỉ là lịch sử và văn hóa, và nếu con người không có một bản tính hướng đến một cuộc sống siêu nhiên, thì người ta có thể nói về tăng trưởng hay tiến hóa, nhưng không thể nói về phát triển. Khi Nhà Nước đòi hỏi, dạy dỗ hay thiết đặt những hình thức của một chủ nghĩa vô thần thực tiễn, thì Nhà Nước đã rút đi sức mạnh luân lý và tinh thần của các công dân, vốn là sức mạnh cần thiết để đạt đến phát triển con người trọn vẹn, và ngăn cản họ tiến bước với sức năng động mới trong nỗ lực đáp trả quảng đại hơn đối với tình yêu của Thiên Chúa.[71] Trong những liên hệ về mặt văn hóa, thương mại và chính trị, cũng xảy ra việc các nước đã phát triển về mặt kinh tế hay những nước đang phát triển phổ biến trong các nước nghèo cái nhìn giản lược nói trên về con người và định mệnh của họ. Quả là một thảm họa mà các nước “siêu phát triển”[72] gây ra cho việc phát triển đích thực, nếu tình trạng siêu phát triển về kinh tế đi kèm theo sự “chậm phát triển về mặt luân lý”.[73]

30. Theo viễn cảnh này, đề tài phát triển con người toàn diện lại còn mang tầm mức phức tạp hơn nữa: sự liên hệ giữa những yếu tố đa dạng của phát triển đòi buộc người ta phải cố gắng thúc đẩy sự tương tác giữa các bình diện khác nhau của tri thức nhân loại nhằm cổ võ sự phát triển đích thực các dân tộc. Người ta thường cho rằng sự phát triển, hay những biện pháp kinh tế-xã hội kèm theo, chỉ đòi hỏi được thực hiện như kết quả của một hành động chung. Tuy nhiên, hành động chung này phải được định hướng, chỉ vì “mọi hành động xã hội đều giả thiết có một lý thuyết trước đã”.[74] Đứng trước tính chất phức tạp của vấn đề, rõ ràng các ngành khoa học khác nhau phải cùng cộng tác theo hướng trao đổi liên ngành. Bác ái không loại trừ tri thức, vâng, bác ái còn đòi hỏi, đòi buộc và động viên sự hiểu biết từ nội tại. Sự hiểu biết không bao giờ chỉ là công trình của lý trí. Chắc chắn nó có thể bị giảm thiểu thành những tính toán và thực nghiệm, nhưng nếu tri thức muốn là sự khôn ngoan, thì phải hướng dẫn con người trong ánh sáng của những nguyên lý đầu tiên và mục đích cuối cùng của con người, như thế tri thức phải được thêm gia vị của “muối” tình yêu mới đậm đà. Hành động sẽ mù quáng nếu không có sự hiểu biết, và sự hiểu biết sẽ khô cằn nếu không có tình yêu. Chỉ vì, “người yêu đích thực là người chịu khó khám phá những nguyên nhân của sự khốn khổ, tìm những biện pháp để lướt thắng và tiêu diệt”.[75] Đối mặt với những vấn đề đang có trước mắt, bác ái trong chân lý trước hết đòi buộc chúng ta phải có một nhận thức và hiểu biết trong ý thức tôn trọng thẩm quyền đặc biệt của mỗi bình diện hiểu biết. Bác ái không phải là điều gì phụ thuộc được thêm vào sau, tương tự như một phụ lục thêm vào công trình đã được hoàn thành của các khoa khác nhau, nhưng bác ái đã hiện diện với các khoa ấy ngay từ đầu cuộc đối thoại. Những đòi hỏi của bác ái không đi ngược với các bộ môn lý trí. Sự hiểu biết của con người không đầy đủ, và những kết luận của khoa học ở tự nó không thể dẫn đến việc phát triển con người toàn vẹn được. Sự hiểu biết của con người luôn cần phải tiến xa hơn – đó là điều bác ái trong chân lý đòi hỏi.[76] Vượt xa hơn không bao giờ có nghĩa hạ giá các kết luận của lý trí, cũng không phải đối nghịch với các kết quả của chúng. Lý trí và bác ái không tách biệt nhau (nhưng thấm nhập vào nhau): có thứ bác ái tràn đầy lý trí và lý trí tràn đầy bác ái.

31. Điều này có nghĩa là, những đánh giá về mặt luân lý và tìm tòi khoa học phải cùng nhau tăng triển, và bác ái phải làm cho cả hai được sinh động trong một tổng thể liên ngành (interdisciplinaire) thật hài hoà, hợp nhất nhưng phân biệt với nhau. Giáo huấn xã hội Công giáo có một chiều kích liên ngành quan trọng,[77] từ viễn cảnh này có thể chu toàn một phận vụ có hiệu quả ngoại thường. Giáo huấn này cho phép đức tin, thần học, siêu hình học và khoa học tìm được vị trí của mình trong sự cộng tác để phục vụ con người. Chính ở đây mà giáo huấn xã hội của Giáo hội cụ thể hóa chiều kích khôn ngoan của mình. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thấy rõ, một trong những nguyên nhân gây nên việc chậm phát triển là thiếu sự khôn ngoan, suy nghĩ và một tư tưởng có khả năng đưa ra một hệ thống định hướng,[78] hệ thống này cần phải có “một cái nhìn rõ ràng các phương diện về kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần”.[79] Việc phân chia quá đáng sự hiểu biết thành nhiều lãnh vực chuyên khoa,[80] các khoa học nhân văn khép kín lại đối với siêu hình học,[81] những khó khăn trong việc đối thoại của các môn khoa học với thần học, gây khó khăn không những cho việc phát triển sự hiểu biết, nhưng còn cho cả sự phát triển các dân tộc, chỉ vì trong những trường hợp như thế, rất khó phân biệt điều thiện hảo trọn vẹn của con người trong nhiều chiều kích khác nhau. Việc “mở rộng quan niệm của chúng ta về lý trí và việc sử dụng lý trí”[82] là điều cần thiết để có thể đánh giá mọi yếu tố của câu hỏi về phát triển và cách giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội.

32. Trong nhiều trường hợp, những yếu tố mới trong bức tranh phát triển các dân tộc ngày nay cần phải có những cách giải quyết mới. Những cách giải quyết này phải được tìm hiểu đồng thời với việc tôn trọng các luật riêng của từng thực tế và đồng thời dưới ánh sáng của một cái nhìn trọn vẹn về con người, phản ánh nhiều phương diện khác nhau của con người, và một cái nhìn được đức ái thanh lọc. Bấy giờ người ta mới khám phá những đồng thuận độc đáo và những khả năng giải quyết cụ thể, mà không phủ nhận bất cứ thành phần cơ bản nào của đời sống con người.

Phẩm giá nhân vị và những đòi hỏi công bằng yêu cầu – đặc biệt là trong ngày hôm nay – những quyết định về mặt kinh tế không được phép gia tăng những cách biệt về của cải một cách quá đáng, không chấp nhận được về mặt luân lý[83] và phải theo đuổi mục tiêu ưu tiên là tạo công ăn việc làm ổn định cho tất cả mọi người. Đây cũng là đòi hỏi của “logic kinh tế”. Việc gia tăng có hệ thống sự bất bình đẳng giữa những nhóm xã hội trong một nước và giữa dân chúng trong những vùng khác nhau, cũng có nghĩa là gia tăng khối lượng sự nghèo đói theo nghĩa tương đối, không những gây hại cho sự kết hợp xã hội mà theo cách thức này còn mang theo nguy hại cho nền dân chủ. Trên bình diện kinh tế điều này cũng tác hại cách tiêu cực: qua việc xói mòn cách tiệm tiến “vốn xã hội” tức là tổng hợp các liên hệ tạo sự tin tưởng, sự vận hành và tuân giữ các luật lệ, đó là những gì cần thiết cho đời sống cộng đồng của các công dân.

Khoa kinh tế còn cho chúng ta thấy tình trạng bất ổn về mặt cơ chế sản sinh ra những thái độ ngăn cản sức sản xuất và phung phí các tài nguyên nhân bản, trong mức độ những người lao động dần dần lệ thuộc cách thụ động vào chủ nghĩa cơ giới tự động thay vì phát triển tính sáng tạo của mình. Trong điểm này cũng có sự đồng thuận giữa khoa kinh tế và cách đánh giá luân lý. Giá trị nhân bản luôn là một giá trị kinh tế, và những lệch lạc về mặt kinh tế luôn kéo theo những giá trị nhân bản.

Cũng nên nhắc lại, sự giảm thiểu các nền văn hóa vào chiều kích kỹ thuật mà thôi, dù trong một thời gian ngắn có tạo được lợi nhuận, nhưng thời gian dài sẽ đưa đến sự ngăn cản việc làm phong phú cho nhau và sự năng động trong hoạt động chung. Điều quan trọng là phải phân biệt những quyết định kinh tế hay xã hội ngắn hạn và dài hạn. Việc hạ thấp mức bảo vệ quyền lợi của người lao động hay từ bỏ việc tái phân phối lợi nhuận nhằm đất nước đạt được khả năng cạnh tranh lớn hơn trong thương trường quốc tế, sẽ ngăn cản việc thực hiện sự phát triển bền vững. Hơn nữa, phải cẩn thận đánh giá lại các hậu quả trên con người của những xu hướng hiện tại cho một kinh tế ngắn hạn, hay thật ngắn hạn. Điều này đòi buộc một suy nghĩ mới mẻvà sâu xa về ý nghĩa kinh tế và mục đích của nó,[84] cũng như phải có một cái nhìn sâu sắc và rộng rãi về mẫu thức phát triển, để sửa chữa lại những khiếm khuyết và lệch lạc của nó. Ngoài ra, tình trạng môi sinh của hành tinh đòi hỏi điều đó; và nhất là cuộc khủng hoảng văn hóa và luân lý của con người qua những hiện tượng đã rõ ràng từ lâu trên toàn thế giới cũng đòi hỏi điều đó.

33. Trên bốn mươi năm sau Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, đề tài căn bản của nó là sự phát triển vẫn còn là một vấn đề bỏ ngỏ, đã trở nên gay gắt và cấp thiết hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Nếu có vài vùng trên trái đất ngày xưa bị nghèo đói hoành hành và ngày nay đã có những sự thay đổi đáng ghi nhận theo nghĩa tăng trưởng kinh tế và tham gia vào sản xuất quốc tế, thì những vùng khác vẫn còn nằm trong tình trạng khổ đau như thời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, trong một số trường hợp người ta phải nói tình trạng còn tệ hại hơn. Cũng phải thấy, vài nguyên nhân của hoàn cảnh này đã được nhận diện trong Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, tỉ như những nước phát triển về mặt kinh tế đã nâng cao thuế má, đã ngăn cản những sản phẩm đến từ các nước nghèo không cho vào thị trường của các nước giàu. Những nguyên nhân khác cũng được Thông điệp nói đến thoáng qua, nay đã lộ diện rõ ràng. Trường hợp cụ thể là việc đánh giá tiến trình giải phóng thực dân, lúc đó đã vươn đến đỉnh cao. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã hy vọng nhìn thấy hành trình tiến đến sự tự lập trong tự do và hòa bình. Sau bốn mươi năm, chúng ta phải công nhận, tiến trình này khó khăn như thế nào, có thể là do các hình thức mới của chế độ thực dân và tình trạng tiếp tục lệ thuộc vào các quyền lực nước ngoài cũ cũng như mới, và có thể là do sự thiếu trách nhiệm trầm trọng ngay trong những đất nước đã được độc lập.

Điều mới mẻ chính yếu là sự bùng nổ mối tương thuộc mang tính toàn cầu, đó là điều ngày nay gọi là “toàn cầu hóa”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thấy trước một phần nào, nhưng không thể lường trước được tốc độ tiến hành của sự kiện này. Xuất hiện từ các nước phát triển về mặt kinh tế, tiến trình này theo bản chất của nó đã thu hút toàn bộ các nền kinh tế. Đây là động lực chính yếu làm cho nhiều vùng đất trên thế giới thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, và được xem như một cơ hội lớn. Dù vậy, nếu không có sự hướng dẫn của bác ái trong chân lý, động lực toàn cầu này sẽ gây nên những thảm hại cho đến bây giờ vẫn chưa được biết và những sự chia rẽ giữa gia đình nhân loại. Vì thế, bác ái và chân lý đặt chúng ta trước một trách nhiệm hoàn toàn mới và đầy sức sáng tạo, chắc chắn sẽ rộng lớn và phức tạp. Đó là phải khai triển lý trí và giúp lý trí có khả năng nhận ra và hướng dẫn những năng động mới đầy ấn tượng, bằng cách linh động hóa những sức mạnh này từ bên trong theo viễn tượng nền “văn minh tình thương” mà Thiên Chúa đã gieo trong mỗi dân tộc và trong mỗi nền văn hóa.

***

CHƯƠNG III

TÌNH HUYNH ĐỆ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI DÂN SỰ

34. Bác ái trong chân lý đặt con người trước kinh nghiệm ngỡ ngàng về quà tặng. Tính chất nhưng không hiện diện trong đời sống con người dưới nhiều hình thức, thường không được nhận ra vì cái nhìn thuần túy mang tính sản xuất và thực dụng. Con người được tạo dựng để lãnh nhận quà tặng và chính quà tặng diễn tả và thực hiện chiều kích siêu việt của họ. Đôi khi con người thời đại xác tín cách sai lầm khi cho mình là tác giả duy nhất của chính mình, của sự hiện hữu của mình và của xã hội. Sự tự tôn này là hậu quả của việc tự đóng kín mình cách ích kỷ – và nói theo ngôn ngữ đức tin – do nguyên tội mà có. Sự khôn ngoan của Giáo hội luôn đề nghị phải quan tâm đến nguyên tội cả trong việc giải thích các sự kiện xã hội lẫn trong việc xây dựng xã hội: “Việc không nhìn nhận con người có một bản chất đã bị thương tích, nghiêng chiều về điều xấu, sẽ dẫn đến các sai lầm nặng nề trong lãnh vực giáo dục, chính trị, hoạt động xã hội và phong hóa”.[85] Trong danh sách các lãnh vực thể hiện những hậu quả tai hại của tội, từ lâu đã có lãnh vực kinh tế. Chúng ta có được chứng cứ rõ ràng trong thời đại chúng ta. Xác tín rằng tự mình là đủ và có khả năng vượt thắng được điều xấu trong lịch sử hiện tại bằng chính hoạt động của mình, xác tín đó đã đưa con người đến chỗ lẫn lộn hạnh phúc và ơn cứu độ với những hình thức nội thế của sự phong phú vật chất và hoạt động xã hội. Hơn nữa, xác tín cho rằng kinh tế đòi buộc phải có sự độc lập và không thể bị vấn đề luân lý ảnh hưởng, đã dẫn con người đến chỗ lạm dụng tiến trình kinh tế cách phá tán. Theo thời gian, những xác tín này đã đưa đến các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị, bóp nghẹt sự tự do của nhân vị và của nhiều nhóm xã hội, và vì lý do này, không đủ khả năng để bảo đảm sự công bằng như chúng hứa hẹn. Như trong Thông điệp SPE SALVI tôi đã viết, nếu theo cách này, niềm hy vọng Kitô giáo bị tước đoạt khỏi lịch sử,[86] đang khi niềm hy vọng này là một nguồn lực xã hội mạnh mẽ để phục vụ cho việc phát triển toàn diện con người, và cũng là điều được tìm kiếm trong tự do và công bằng. Hy vọng động viên lý trí, đem cho lý trí sức mạnh để hướng dẫn ý chí.[87] Hy vọng đã hiện diện trong đức tin, đức tin gợi lên hy vọng. Bác ái trong chân lý được hy vọng dưỡng nuôi và đồng thời biểu lộ hy vọng. Xét như là quà tặng hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa, hy vọng ùa vào đời sống chúng ta cách nhưng không, vượt trên mọi thứ luật lệ về công bằng. Ở tự bản chất, quà tặng vượt trên công trạng, lề luật của nó là sự sung mãn. Quà tặng bước vào tâm hồn chúng ta như dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và là một sự chờ đợi của Thiên Chúa đối với chúng ta. Chân lý cũng như bác ái là một quà tặng lớn hơn chúng ta, như lời dạy của thánh Augustin.[88] Cũng thế, sự thật về chính mình, sự thật về lương tâm trước hết là quà tặng được ban cho ta. Trong mọi tiến trình nhận thức, chân lý không phải là điều gì đó ta làm ra, nhưng luôn là cái gì được tìm thấy hay đúng hơn, được lãnh nhận. Cũng như tình yêu, chân lý không phát sinh “từ tư tưởng và ước muốn, nhưng có thể nói là áp đặt trên con người”.[89]

Vì là quà tặng mà mọi người đã lãnh nhận, bác ái trong chân lý là một sức mạnh xây dựng cộng đoàn, kết hợp mọi người lại với nhau đến nỗi không còn rào chắn, không còn ranh giới. Chính chúng ta có thể xây dựng cộng đoàn con người, nhưng tự sức mình, cộng đoàn này không thể nào trở thành một cộng đoàn huynh đệ trọn vẹn và lướt thắng các rào chắn được, có nghĩa là trở thành một cộng đoàn thực sự phổ quát: sự hiệp nhất nhân loại, hiệp thông huynh đệ vượt trên mọi phân cách, phát sinh từ Lời kêu gọi tập họp của Thiên Chúa – Tình yêu. Để giải quyết vấn đề quyết định này, một mặt chúng ta phải xác định logic của quà tặng không loại bỏ sự công bằng, cũng không chỉ đơn thuần được thêm vào sau đó từ bên ngoài; mặt khác, sự phát triển về mặt kinh tế, xã hội và chính trị, muốn thực sự là nhân bản, phải quan tâm đến nguyên tắc về tính nhưng không (principe de gratuité) như cách biểu lộ tình huynh đệ.

35. Khi được đặt nền trên sự tin tưởng lẫn nhau, “thị trường” là một cơ chế kinh tế tạo ra sự gặp gỡ giữa con người, xét như là những chủ thể kinh tế sử dụng những khế ước để điều chỉnh mối liên hệ của họ khi trao đổi của cải và các dịch vụ với nhau, nhằm thỏa mãn những nhu cầu và ước muốn. Thị trường phải phục tùng những nguyên tắc của “công bằng giao hoán”, là sự công bằng điều hành các liên hệ cho và nhận giữa những chủ thể bình đẳng. Nhưng giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn luôn nhấn mạnh đến tính chất quan trọng của “công bằng phân phối”“công bằng xã hội” cho kinh tế thị trường, không những vì nó nằm trong một bối cảnh xã hội và chính trị lớn hơn, mà còn vì mạng lưới rộng lớn của những mối liên hệ trong đó nền kinh tế này vận hành. Thật vậy, một khi chỉ dựa vào nguyên tắc tương đồng về giá trị của các sản phẩm được trao đổi, thị trường không thể tạo ra sự gắn kết trong xã hội vốn là điều cần thiết để thị trường có thể hoạt động tốt. Nếu không có những hình thức nội tại về sự liên đới và tin tưởng hỗ tương, thị trường không thể chu toàn phận vụ kinh tế một cách trọn vẹn được. Ngày nay sự tin tưởng đã mất đi rồi và sự mất tin tưởng là một sự mất mát trầm trọng.

Trong Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh rằng chính hệ thống kinh tế được hưởng lợi khi thực thi công bằng cách rộng rãi, vì những người đầu tiên được hưởng lời từ sự phát triển các nước nghèo lại là những nước giàu.[90] Đây không chỉ là vấn đề sửa lại những lệch lạc do viện trợ. Không được xem người nghèo như một “gánh nặng”[91] nhưng là một tài nguyên, ngay trong nhãn quan thuần túy kinh tế. Phải loại bỏ cách nhìn sai lạc của một số người nghĩ rằng kinh tế thị trường theo cơ cấu cần đến một phân số nghèo đói và chậm phát triển, để có thể vận hành tốt hơn. Quan tâm của thị trường là kích động sự giải phóng, nhưng để đạt được điều đó, nó không thể chỉ dựa vào sức mình, vì nó không có khả năng tự mình đạt được điều vượt quá khả năng của mình. Nó cần đến những sức mạnh luân lý của các chủ thể khác, có khả năng làm nẩy sinh những sức mạnh này.

36. Hoạt động kinh tế không thể nào giải quyết được mọi vấn đề xã hội qua việc áp dụng logic thương mại cách đơn giản. Logic này phải nhắm đến việc đạt được công ích, là điều mà cộng đồng chính trị phải có trách nhiệm cách đặc biệt. Vì thế, không được quên rằng, một trong những nguyên nhân tạo nên sự mất quân bình trầm trọng là tách rời hoạt động kinh tế – vốn được quan niệm chỉ là sự làm giàu – với hoạt động chính trị vốn được coi là phương thế phục vụ công bằng qua việc tái phân phối.

Giáo hội luôn cho rằng không được xem hoạt động kinh tế như điều gì chống lại xã hội. Thị trường tự nó không phải là và cũng không được phép là nơi người giàu áp bức người nghèo. Xã hội không cần phải xa tránh thị trường, làm như thể việc phát triển thị trường “ipso facto” đương nhiên đưa đến chỗ dập tắt những liên hệ nhân bản đích thực. Chắc chắn, thị trường có thể có một hướng tiêu cực, không phải do bản chất của nó nhưng vì một ý thức hệ nào đó đã định hướng cho nó. Cũng không nên quên rằng, thị trường không hiện hữu với tình trạng nguyên tuyền, nhưng mang hình thức những dữ kiện văn hóa đã định dạng và định hướng cụ thể cho nó. Kinh tế và tài chính, xét như là những phương tiện, có thể bị sử dụng theo hướng xấu, khi người chịu trách nhiệm theo đuổi những mục đích thuần túy ích kỷ. Như thế, người ta có thể biến những phương tiện tự nó là tốt trở thành những phương tiện có hại. Chính lý trí đen tối của con người sản sinh các hậu quả này, chứ không phải những phương tiện ở tự nó. Vì thế lời kêu gọi không nhằm đến các phương tiện nhưng nhằm đến con người, đến lương tâm luân lý và trách nhiệm cá nhân và xã hội của con người.

Giáo huấn xã hội của Giáo hội cho rằng những mối liên hệ nhân bản và xã hội đích thực trong tình bạn và xã hội, tình liên đới và hỗ tương, có thể phát huy trong hoạt động kinh tế chứ không chỉ bên ngoài hay sau đó. Lãnh vực kinh tế không trung lập về mặt luân lý cũng không phải tự nó là phi nhân hay chống lại xã hội; nó thuộc về hoạt động của con người, và chính vì là của con người nên phải được cơ cấu hóa và tổ chức một cách có đạo đức.

Một thách thức lớn đang có trước mắt chúng ta, thách thức phát sinh từ những vấn nạn về phát triển trong thời đại toàn cầu hóa và càng trầm trọng hơn nữa do cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính: đó là trên bình diện suy tư cũng như hành xử, chúng ta phải chứng minh rằng không những không được hạ giá những nguyên tắc truyền thống về đạo đức xã hội như trong sáng, trung thực và tinh thần trách nhiệm, mà trong những “quan hệ thương mại, nguyên tắc nhưng không và logic của quà tặng” hiểu như cách biểu lộ tình huynh đệ còn có thể có và phải có một vị trí trong hoạt động kinh tế bình thường. Đó là điều đòi hỏi của con người trong thời đại chúng ta, nhưng cũng là một lời đòi hỏi cho suy tư kinh tế, đồng thời cũng là đòi hỏi của bác ái và chân lý.

37. Giáo huấn xã hội của Giáo hội luôn xác nhận rằng “công bằng phải hiện diện trong mọi giai đoạn của hoạt động kinh tế”, chỉ vì công bằng liên hệ đến con người và những nhu cầu của họ. Việc khám phá tài nguyên, việc tài chính, sản xuất, tiêu thụ và mọi giai đoạn khác phải luôn có hiệu quả luân lý. Vì thế mọi quyết định kinh tế đều có một hệ quả luân lý. Các khoa học xã hội và những xu hướng kinh tế ngày nay đều xác nhận điều này. Có một thời gian người ta nghĩ rằng kinh tế được trao cho việc sản xuất của cải, còn chính trị có trách nhiệm phân phát sự giàu sang đó. Ngày nay điều này xem ra khó hơn, vì những hoạt động kinh tế không bị hạn hẹp trong ranh giới địa lý, trong khi thẩm quyền chính trị bị hạn hẹp trong ranh giới địa phương. Vì thế các luật lệ công bằng ngay từ đầu phải được tôn trọng khi tiến trình kinh tế bắt đầu, chứ không phải sau đó hay song song. Điều cũng cần thiết là trong thị trường, phải tạo không gian hoạt động cho những người muốn chọn lựa hành động theo những nguyên tắc khác hơn là chỉ chạy theo lợi nhuận, nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế. Nhiều hình thức kinh tế xuất phát từ những sáng kiến mang tính tôn giáo hay thế tục cho thấy điều này có thể thực hiện được.

Trong thời đại toàn cầu hóa, kinh tế chịu ảnh hưởng bởi những mô hình cạnh tranh, gắn liền với các nền văn hóa rất khác nhau. Những hình thái kinh tế và kỹ nghệ xuất phát từ đó cách chung tìm được một điểm gặp gỡ trong việc tôn trọng sự công bằng giao hoán. Chắc chắn đời sống kinh tế đòi hỏi những hợp đồng để điều chỉnh việc trao đổi dựa theo giá cả thích hợp. Nhưng đời sống này cũng cần đến những “luật lệ thật công bằng và những hình thức tái phân phối” do chính trị điều hành, vàvượt lên trên là những công việc mang “tinh thần của quà tặng”. Kinh tế mang tính toàn cầu xem ra đề cao logic thứ nhất tức là việc trao đổi theo hợp đồng, nhưng trực tiếp và gián tiếp cũng cho thấy nó cũng cần đến hai hình thức khác, đó là logic chính trị và logic quà tặng vô điều kiện.

38. Đấng tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã hướng ý đến vấn nạn này, khi ngài cho thấy cần đến một hệ thống với ba chủ thể trong Thông điệp CENTESIMUS ANNUS – Một trăm năm: thị trường, Nhà Nước và xã hội dân sự.[92] Ngài nhìn thấy trong xã hội dân sự những khung thích hợp cho một nền kinh tế mang tính nhưng không và huynh đệ, nhưng ngài không muốn loại bỏ hai bình diện kia. Ngày nay chúng ta có thể nói, đời sống kinh tế phải được hiểu như một thực tại mang nhiều chiều kích: trong từng chiều kích, với những mức độ khác nhau và tùy theo những thể thức đặc biệt, phải luôn luôn có sự hiện diện tình huynh đệ hỗ tương. Trong thời đại toàn cầu hóa, hoạt động kinh tế không thể từ bỏ tính nhưng không được; tính nhưng không phổ biến và nuôi dưỡng tình liên đới và ý thức trách nhiệm đối với công bằng và công ích trong nhiều chủ thể và nhà hoạt động khác nhau. Cuối cùng đây là hình thức cụ thể và sâu xa của tính dân chủ kinh tế. Tình liên đới trước tiên là mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm với nhau[93] và vì thế không được chỉ trao phó cho Nhà Nước. Có thể ngày xưa người ta nghĩ rằng, trước tiên phải chăm lo sự công bằng rồi sau đó mới thêm vào tính nhưng không như phụ chú, ngày nay người ta phải nhận rằng, không có tính nhưng không, người ta không thể nào thực hiện sự công bằng được. Vì thế cần có một thị trường, trong đó việc kinh doanh theo đuổi cách tự do những mục đích theo cơ chế khác nhau, trong những điều kiện giống nhau. Cạnh những kinh doanh tư nhân chỉ nhắm lợi nhuận và nhiều loại khác nhau của kinh doanh Nhà Nước, cũng cần có một chỗ cho những tổ chức sản xuất theo đuổi những mục tiêu hỗ tương và xã hội, hoạt động và phát triển. Chính từ việc gặp gỡ mang tính tương hỗ trên thương trường này mà ta có thể hy vọng sẽ có sự hoà hợp giữa nhiều hình thức thương mại, nhờ đó quan tâm hơn đến nền văn minh hóa kinh tế. Bác ái trong chân lý trong trường hợp này có nghĩa là phải đem lại hình thức và cơ chế cho các hoạt động kinh tế, tuy không phủ nhận lợi nhuận, nhưng vượt qua thứ logic của việc trao đổi tương xứng và thứ logic xem lợi nhuận như mục đích tự tại.

39. Trong Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO Đức Giáo Hoàng Phaolô VI yêu cầu một mẫu kinh tế thị trường có khả năng, hay ít ra có xu hướng, hội nhập tất cả mọi dân tộc, chứ không phải chỉ những nước có khả năng tham gia. Ngài kêu gọi thị trường quốc tế phải phản ánh một thế giới nơi “mọi người đều có gì để cho và để đón nhận, mà không làm cho sự phát triển của những người này trở thành rào cản cho sự phát triển của kẻ khác”.[94] Bằng cách đó, ngài áp dụng ở mức độ toàn cầu những yêu cầu và khát vọng hàm chứa trong Thông điệp RERUM NOVARUM – Tân sự. Thông điệp RERUM NOVARUM được viết sau cuộc cách mạng công nghiệp, ở đó lần đầu tiên đưa ra ý tưởng (cách nào đó, đã đi trước thời đại) rằng: để tồn tại, trật tự dân sự cũng cần đến sự can thiệp từ phía Nhà Nước nhằm mục đích tái phân phối. Ngày nay tầm nhìn này không những được đặt lại do tiến trình mở rộng những thị trường và những nhóm xã hội, mà còn được cho là chưa đủ để thỏa mãn những đòi hỏi của một nền kinh tế mang tính nhân bản trọn vẹn. Những gì mà giáo huấn xã hội của Giáo hội vẫn bảo vệ, xuất phát từ tầm nhìn về con người và xã hội, thì ngày nay vẫn đòi hỏi như thế, do chính những năng động của toàn cầu hóa.

Khi logic của thị trường và logic của Nhà Nước thỏa thuận với nhau để mỗi bên tiếp tục giữ độc quyền trong lãnh vực ảnh hưởng của mình, thì về lâu dài, tình liên đới trong những tương quan giữa các công dân sẽ mất đi. Cũng mất dần sự cảm thông, sự tham gia, những hoạt động vô vị lợi vì những điều này thuộc về một bản chất khác hơn thứ “logic cho đi để có lại”, tức là thứ logic đổi chác, cũng khác với thứ “logic cho đi vì bổn phận”, tức là thứ logic của đời sống công cộng được điều hành bằng những luật lệ của Nhà Nước. Để chiến thắng tình trạng chậm phát triển, đòi hỏi phải có hành động không những để làm tốt hơn hoạt động hoán chuyển dựa trên việc trao đổi sản phẩm và thiết lập những cơ cấu phục vụ phúc lợi chung, nhưng nhất là phải từ từ “mở ra ở tầm vóc toàn cầu những hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu bằng tính nhưng không và xã hội”. Mô hình liên kết độc đoán Thị trường-Nhà Nước sẽ phá tan ý nghĩa xã hội. Ngược lại, những hình thức của đời sống kinh tế mang tính liên đới, được tìm thấy nơi những vùng sung mãn nhất trên bình diện xã hội dân sự, không tự đóng kín mình lại, sẽ tạo được tình liên đới. Không có thứ thị trường “cho không” và người ta cũng không thể dùng lề luật để áp đặt cách ứng xử “cho không”. Dù vậy, cả thị trường lẫn chính trị cũng đều cần đến những con người sẵn sàng sống hiến tặng và trao ban.

40. Sân khấu kinh tế quốc tế hiện hành với những sai lệch và lạm dụng nặng nề đòi hỏi phải có “sự thay đổi sâu xa trong cách hiểu về kinh doanh”. Những hình thức xưa của hoạt động kinh doanh dần biến mất, nhưng nhiều hình thức mới đầy hứa hẹn đã ló dạng ở chân trời. Một trong những nguy hiểm lớn nhất rõ ràng là việc kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm đối với những người đầu tư và cuối cùng giá trị xã hội phải bị bào mòn. Do sự tăng trưởng những chiều kích và nhu cầu vốn liếng ngày càng quan trọng, càng ngày càng ít những công ty có chủ điều hành ổn định, chịu trách nhiệm về đời sống và kết quả của công ty về lâu về dài, kể cả ngắn hạn cũng không, đồng thời việc kinh doanh ít khi lệ thuộc vào một vùng đất duy nhất. Ngoài ra, điều được gọi là di chuyển địa điểm hoạt động sản xuất sẽ làm giảm ý thức trách nhiệm của nhà đầu tư đối với những người nhận lợi ích như công nhân, nhà cung cấp, người tiêu thụ, môi trường tự nhiên và nhìn xa hơn, xã hội chung quanh, vì những người hoạt động không bị ràng buộc vào một địa điểm xác định, luôn di chuyển bất thường. Thị trường tài chính quốc tế ngày nay thật sự là một sân chơi rộng lớn. Đồng thời, ý thức về sự cần thiết một “trách nhiệm xã hội” rộng khắp cũng đang lớn dần. Nếu như không phải mọi quan niệm đạo đức xác định sự tranh luận về trách nhiệm xã hội của kinh doanh, đều có thể được chấp nhận từ cái nhìn giáo huấn xã hội của Giáo hội, thì thực tế có một xác nhận căn bản đang được phổ biến, theo đó việc hướng dẫn kinh doanh “không được phép chỉ chú tâm vào lợi ích của những nhà tài chính, nhưng còn phải chú tâm đến lợi ích của những hạng người khác có góp phần vào đời sống kinh doanh”: những công nhân, những khách hàng, những người cung cấp những thành phần khác nhau trong sản xuất, cộng đoàn lệ thuộc vào đó. Trong những năm qua, đã gia tăng một giai cấp mới là những nhà quản lý xuyên quốc gia, thường chỉ chịu trách nhiệm đối với các cổ đông (thường là những quỹ vốn vô danh) là những người trong thực tế trả lương cho họ. Ngược lại, có nhiều nhà quản lý nhìn xa trông rộng, càng ngày càng ý thức về những mối liên hệ sâu xa giữa công ty của họ và vùng đất hay những vùng đất mà công ty họ đang hoạt động. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mời gọi mọi người chú tâm đặc biệt đến tổn hại có thể gây ra cho đất nước của mình khi chuyển vốn liếng ra ngoại quốc thuần túy chỉ vì lợi nhuận cho cá nhân.[95] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng ghi nhận rằng, “việc đầu tư ngoài ý nghĩa kinh tế còn có một ý nghĩa luân lý”.[96] Phải nhấn mạnh rằng điều này ngày nay vẫn còn giá trị, cho dù thị trường vốn liếng được tự do cách đáng kể, và cho dù cách suy nghĩ thời kỹ thuật tân tiến có thể cho rằng việc đầu tư chỉ là hành vi thuần túy kỹ thuật chứ không phải là hành vi nhân bản và đạo đức. Không có lý do để phủ nhận một nguồn vốn thật sự có thể tạo nên của cải khi đầu tư ở ngoại quốc hơn là ở quê hương. Dù vậy, những đòi hỏi xuất phát từ công bằng phải chú ý rằng nguồn vốn này đã được tạo thành như thế nào và tai hại sẽ đem lại cho các cá nhân nếu nguồn vốn này không được sử dụng ở nơi nó đã được làm ra.[97] Điều phải tránh là đừng chiều theo cơn cám dỗ chỉ “sử dụng những nguồn tài chính” nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong một thời gian ngắn mà không quan tâm đến sự bền vững của công ty trong thời gian dài, cũng như không quan tâm đến phúc lợi cho một nền kinh tế thật sự và đẩy mạnh những sáng kiến kinh tế trong những nước cần phát triển bằng những phương thức thích hợp. Cũng không có lý do để phủ nhận rằng việc chuyển ra ngoại quốc vốn đầu tư và việc giáo dục, cũng có thể đem lại điều tốt đẹp cho dân chúng của đất nước sở tại. Lao động và kiến thức khoa học là thiện hảo mang tính phổ quát. Dù vậy cũng không được phép xuất khẩu những thiện hảo này chỉ để nhắm mục đích hưởng lợi cách đặc biệt hay bóc lột nước khác, mà không đem lại một sự đóng góp đích thực cho xã hội địa phương, bằng cách giúp thực hiện một hệ thống sản xuất và xã hội vững bền, đó là điều kiện tất yếu cho một sự phát triển bền vững.

41. Trong mạch văn của tài liệu này, cần phải thấy “hoạt động kinh doanh” có một “ý nghĩa nhiều giá trị” và ý nghĩa này càng ngày càng được công nhận hơn. Từ lâu, sự kết hợp nổi bật giữa Thị trường-Nhà Nước làm cho chúng ta quen suy nghĩ về nhà kinh doanh tư nhân theo kiểu tư bản chủ nghĩa, và mặt khác là Nhà Nước đóng vai trò hướng dẫn. Trong thực tế, cần phải có một lối hiểu đa dạng hơn về hoạt động kinh doanh. Điều này là kết quả do một chuỗi lý do thuộc tầm kinh tế vĩ mô. Hoạt động kinh doanh trước khi mang ý nghĩa nghề nghiệp đã có một ý nghĩa nhân bản.[98] Nó là thành phần của mọi công việc, được hiểu như là “actus personae” – hành động của nhân vị;[99] chính vì thế mỗi công nhân phải có cơ hội đóng góp phần của mình, cách nào đó nhận biết rằng họ đang làm việc cho chính họ.[100] Không phải tình cờ mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dạy rằng “mỗi người làm việc là một người sáng tạo”.[101] Chính vì để đáp lại cách đúng đắn những đòi hỏi và phẩm giá của người lao động cũng như những nhu cầu của xã hội mà có nhiều loại kinh doanh khác nhau, hơn là chỉ phân biệt giữa “tư nhân”“quốc doanh”. Mỗi việc kinh doanh đòi hỏi và thực hiện một khả năng kinh doanh đặc biệt. Để đạt được một nền kinh tế có thể phục vụ cho công ích quốc gia và quốc tế trong một tương lai gần, cần phải chú ý đến ý nghĩa rộng lớn của hoạt động kinh doanh. Quan niệm rộng rãi này đòi buộc phải có một sự trao đổi và đào tạo hỗ tương giữa nhiều loại hoạt động kinh doanh với một sự chuyển đổi thẩm quyền từ bình diện không thu nhập sang thẩm quyền có thu nhập và ngược lại, từ lãnh vực công sang xã hội dân sự, từ những vùng kinh tế phát triển sang những nước đang phát triển.

Cả “thẩm quyền chính trị” cũng có “ý nghĩa đa giá trị” và không được coi nhẹ ý nghĩa này trong tiến trình xây dựng một trật tự mới về sản xuất-kinh tế, có tính trách nhiệm về mặt xã hội và có tính nhân bản. Cũng như người ta muốn xây dựng một hoạt động kinh doanh khác biệt trên toàn thế giới, cũng cần phải có một thẩm quyền chính trị hoạt động hữu hiệu trên nhiều bình diện được phân chia khác nhau. Kinh tế phát triển trong thời đại của chúng ta không loại trừ vai trò của các Nhà Nước, nhưng càng đòi buộc các chính quyền phải làm việc chung chặt chẽ với nhau. Sự khôn ngoan và cẩn trọng khuyên chúng ta chớ vội loại bỏ Nhà Nước. Việc giải quyet cơn khủng hoảng hiện tại cho thấy vai trò Nhà Nước lại càng lớn lên, khi thu hồi lại nhiều thẩm quyền của mình. Hơn nữa, trong một vài quốc gia, việc xây dựng hay tái lập Nhà Nước là yếu tố mấu chốt cho sự phát triển. Sự “trợ giúp quốc tế” trong khuôn khổ một chương trình giải quyết những vấn đề kinh tế hiện tại phải củng cố hệ thống cơ chế, pháp lý và quản trị trong những đất nước chưa được hưởng trọn vẹn những ích lợi này. Cùng với sự trợ giúp kinh tế cần có sự hỗ trợ để củng cố những bảo đảm riêng của Nhà Nước pháp quyền: một hệ thống hữu hiệu của trật tự công cộng, việc giam giữ phạm nhân nhưng phải tôn trọng nhân quyền và những cơ chế thật sự dân chủ. Không cần thiết Nhà Nước ở mọi nơi đều có chung những nét đặc thù như nhau: việc nâng đỡ nhằm củng cố hệ thống pháp lý yếu kém có thể đi đôi với sự phát triển của những chủ thể chính trị khác mang tính chất văn hóa, xã hội, địa phương hay tôn giáo bên cạnh Nhà Nước. Việc phân chia thẩm quyền chính trị trên bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế và xã hội dân sự quốc tế và trên bình diện siêu quốc gia và xã hội toàn cầu, là một trong những con đường chính yếu để có thể hướng dẫn sự toàn cầu hóa về mặt kinh tế. Đó là phương thế để tránh xói mòn nền tảng dân chủ.

42. Đôi khi người ta có cái nhìn mang tính tất định về “toàn cầu hóa”, làm như thể những năng động vận hành ở đó phát sinh ra từ những sức mạnh hay cơ cấu vô danh và phi ngã, không lệ thuộc vào ý chí con người.[102] Theo đó, nên nhớ rằng chắc chắn cần hiểu toàn cầu hóa như một tiến trình kinh tế xã hội, nhưng đây không phải là chiều kích duy nhất. Đàng sau tiến trình cụ thể, có một thực tế: chính nhân loại đang ngày càng gắn bó với nhau; nhân loại được làm nên bằng những con người và các dân tộc được hưởng nhờ phúc lợi và phát triển từ tiến trình này,[103] khi họ đảm nhận những trách nhiệm liên quan đến họ, dù cá nhân hay tập thể. Việc vượt qua những biên giới không chỉ đơn thuần là sự kiện vật chất, nhưng còn là vấn đề văn hóa xét cả về nguyên nhân lẫn hiệu quả. Nếu người ta nhìn việc toàn cầu hóa mang tính chất định mệnh, thì các tiêu chuẩn cho việc đánh giá và những định hướng của nó sẽ mất giá trị. Xét như là một thực tại nhân văn, toàn cầu hóa là sản phẩm của những xu hướng văn hóa khác biệt, cần phải xem xét cẩn thận. Sự thật về tiến trình toàn cầu hóa và tiêu chuẩn đạo đức nền tảng của nó xuất phát từ sự hợp nhất của gia đình nhân loại và sự phát triển của nó hướng đến điều thiện hảo. Do đó, phải làm việc liên lỉ để “thúc đẩy tiến trình hội nhập toàn cầu mang tính văn hóa nhân bản và cộng đồng, hướng đến sự siêu việt”.

Mặc dù không thể phủ nhận một vài chiều kích mang tính cơ cấu, nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa những chiều kích đó, việc “toàn cầu hóa a priori tiên thiên không tốt cũng không xấu. Nó sẽ trở thành đều người ta muốn cho nó”.[104] Chúng ta không thể trở thành tế vật, nhưng là người chủ chốt, khi chúng ta tiến bước với hậu ý tốt, được bác ái và chân lý hướng dẫn. Chống đối cách mù quáng là thái độ sai lệch, một thành kiến, cuối cùng đưa chúng ta đến việc không nhận ra một tiến trình có nhiều mặt tích cực, và sẽ rơi vào nguy hiểm là bỏ qua một cơ hội lớn, có nhiều khả năng đưa đến phát triển đa dạng. Tiến trình toàn cầu hóa được lập theo kế hoạch và thực hiện thích hợp có khả năng phân chia lại sự giàu có trên bình diện thế giới mà từ xưa đến nay chưa thực hiện được; ngược lại, khi tiến trình này bị thực hiện cách sai lệch, sẽ gia tăng sự nghèo đói và bất bình đẳng cũng như những cơn khủng hoảng trên thế giới. Cần phải sửa sai những thiếu sót nặng nề của tiến trình này, đã gây nên những sự chia rẽ mới giưa các dân tộc và ngay trong một dân tộc, và phải lo lắng để việc phân chia lại sự giàu có không lôi kéo theo việc phân chia hay gia tăng sự nghèo khó, đây là mối nguy hiểm thực sự nếu tình trạng hiện tại không được điều hành cho tốt. Trong một thời gian dài, người ta nghĩ rằng những dân tộc nghèo nên ở lại trong một giai đoạn tiền phát triển cố định và phải bằng lòng với sự trợ giúp của các nước phát triển. Trong Thông điệp POPULORUM PROGRESSIO, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đi ngược lại cách suy nghĩ này. Ngày nay những tài nguyên vật chất được sử dụng để giúp cho các dân tộc này thoát ra khỏi sự nghèo đói đã phong phú hơn ngày xưa nhiều, nhưng phần lớn những tài nguyên này lại nằm trong tay những người đến từ các nước phát triển, họ là những người được hưởng lợi nhiều hơn trong tiến trình tự do hóa thương mại qua việc chuyển động vốn và lao động. Việc phổ biến rộng rãi sự sung túc không thể bị chặn lại vì những kế hoạch ích kỷ, chỉ nhắm bảo vệ mình và chỉ tìm lợi ích cá nhân. Sự liên kết giữa các nước trên đà phát triển và các nước phát triển có thể giúp giải quyết cơn khủng hoảng. Sự chuyển tiếp nội tại trong tiến trình toàn cầu hóa đem đến nhiều khó khăn và nguy hiểm lớn, chỉ có thể vượt thắng, khi người ta ý thức về chiều kích nhân bản và đạo đức, chiều kích này thúc đẩy cách sâu xa việc toàn cầu hóa theo hướng nhân bản hóa trong liên đới. Tiếc rằng chiều kích này thường bị lay động và trấn áp do cách nhìn đạo đức và văn hóa mang tính cá nhân và thực dụng. Việc toàn cầu hóa là hiện tượng đa phức và đa diện, phải được nắm bắt trong tính đa dạng và thống nhất mọi chiều kích khác nhau của nó – bao gồm cả chiều kích thần học. Điều này cho phép sống và định hướng việc toàn cầu hóa nhân loại theo nghĩa liên hệ, cộng đoàn và chia sẻ.


[1] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26.3.1967, 22: AAS 59 (1967), 268; Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 69.

[2] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Giáo huấn nhân ngày Phát triển (Bogota 923.8.1968): AAS 60 (1968), 626-627.

[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, sứ điệp ngày quốc tế cầu nguyện cho hòa bình, 2002: AAS 94 (2002), 132-140.

[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 26.

[5] Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (11.4.1963): AAS (1963), 268-270.

[6] Ibid., số 16.

[7] Ibid., số 82.

[8] Ibid., số 42.

[9] Ibid., số 20.

[10] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 36; Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông thư Octagesima Adveniens (14.5.19710,4: AAS 63 (1971), 403-404; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1.5. 1991), 43: AAS 83 (1991), 847.

[11] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26.3.1967), số 13.

[12] Ủy Ban Tòa Thánh Công Lý Và Hòa Bình, Toát yếu chủ thuyết xã hội của Giáo hội, số 76.

[13] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Giáo huấn nhân dịp khai mạc Hội nghị khoáng đại Hội đồng Giáo mục Nam Mỹ và vùng Karibê (13.5.2007): Insegnamenti III, 1 (2007), 854-870.

[14] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio (26.3.1967), số 13.

[15] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis (30.12.1987), số 6-7: AAS 80 (1988), 517-519.

[16] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio, số 14.

[17] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25.12.2005) số 18: AAS 98 (2006), 232.

[18] Ibid., số 6.

[19] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Giáo huấn cho giáo triều Rôma vào dịp Giáng sinh (22.12.2005): Insegnamenti I (2005), 1023-1032.

[20] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 3.

[21] Ibid., số 1.

[22] Ibid., số 3.

[23] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens (14.9.1981) số 3: AAS 73 (1981), 583-584.

[24] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (1.5.1991), số 3.

[25] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio (26.3.1967), số 3.

[26] Ibid., số 34.

[27] Ibid., số 8-9; Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Giáo huấn cho những tham dự viên Hội nghị đại học Lateran nhân dịp 40 năm Thông điệp Humanae vitae (10.5.2008): Insegnamenti, IV, 1 (2008), 753-756.

[28] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (25.3.1995), số 93: AAS 87 (1995), 507-508.

[29] Ibid., số 101.

[30] Ibid., số 29.

[31] Ibid., số 31.

[32] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 41.

[33] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 5.54.

[34] Ibid., số 15.

[35] Ibid., số 2; Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum (15.5.1891): Leonis XIII P.M. Acta, XI, Romae,. 1892, 97-144; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 8; Thông điệp Centesimus Annus, số 5.

[36] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 2.13.

[37] Ibid., số 42.

[38] Ibid., số 11; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 25.

[39] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 15.

[40] Ibid., số 3.

[41] Ibid., số 6.

[42] Ibid., số 14.

[43] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 53-62; Thông điệp Redemptor Hominis (4.3.1979), số 13-14: AAS 71 (1979), 282-286.

[44] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio, số 12.

[45] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 22.

[46] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 13.

[47] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Giáo huấn cho các tham dự viên Đại hội Giáo hội Ý lần thứ 4 (19.10.2006): Insegnamenti II, 2 (2006), 465-477.

[48] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 16.

[49] Ibidem.

[50] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp cho giới trẻ, Sydney, ngày 17.7.2008.

[51] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 20.

[52] Ibid., số 66.

[53] Ibid., số 21.

[54] Ibid., số 3.29.32.

[55] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 28.

[56] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 9.

[57] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 20.

[58] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 22-29.

[59] Ibid., số 23.33.

[60] Ibidem.

[61] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 63.

[62] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 24

[63] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis splendor (6.8.1993), số 33.46.51: AAS 85 (1993); Sứ điệp cho Liên Hiệp Quốc nhân dịp 50 năm thành lập (5.10.1995, số 3.

[64] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 47; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 42.

[65] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Giáng Sinh 2007: AAS 99 (2007), 933-935.

[66] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium vitae (25.3.1995) số 18.59.63-64.

[67] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2007, số 5: Insegnamenti, II, 2 (2006) 778.

[68] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2002, 4-7.12-15: AAS 94 (2002) 134-136.138-140; Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2006, 9-10.

[69] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2002; Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2006, 9-10.

[70] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài giảng ở Regensburg (12.9.2006): Insegnamenti II,2 (2006), 252-256.

[71] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus Caritas Est (25.12.2005), số 1.

[72] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 28.

[73] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 19.

[74] Ibid., số 39.

[75] Ibid., số 75.

[76] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 28.

[77] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 59.

[78] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 40.85.

[79] Ibid., số 13.

[80] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio (14.9.1998) số 85: AAS 91 (1999), 72-73.

[81] Ibid., số 83.

[82] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Bài giảng tại đại học Regensburg (12.9.2006): Insegnamenti II, 2 (2006), 265.

[83] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 33.

[84] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Hòa Bình Thế Giới 2000, số 15.

[85] Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 407; Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 25.

[86] Ibid., số 17.

[87] Ibid., số 23.

[88] Thánh Augustin triển khai giáo lý này cách chi tiết trong “Đối thoại với ý chí tự do”(de libero arbitrio II 3,8ff). Ngài nói về “ý nghĩa nội tại” hiện diện trong linh hồn con người. Ý nghĩa này nằm trong hành động, có thể thực hiện bên ngoài những phạn vụ bình thường của lý trí, một hành động không cần suy nghĩ và đồng thời đầy bản năng, nhờ qua lý trí, khi ý thức điều kiện chóng qua và yếu đuối, chấp nhận sự hiện hữu của một cái gì Vĩnh Cửu, tuyệt đối chân thật và chắc chắn. Thánh Augustin gọi chân lý nội tại này là Thiên Chúa (Tự thú Như trên, số, 24,35; XII, 25,35; De libero arbitrio II 3,8) và thường là Đức Kitô (De magistro 11,38; Tự thú VII 18,24; XI 2,4).

[89] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus Aritas Est, số 3.

[90] Ibid., số 49.

[91] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 28.

[92] Ibid., số 35.

[93] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei Socialis, số 38.

[94] Ibid., số 44.

[95] Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 3.

[96] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 36.

[97] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 24.

[98] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, số 32.

[99] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, số 24.

[100] Ibid., số 15.

[101] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, số 27.

[102] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn thị Libertatis Conscientia (22.3.1987), số 74.

[103] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Phỏng vấn báo La croix ngày 20.8.1997.

[104] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Giáo huấn cho phân khoa khoa hoc xã hội (27.4.2001 ): Insegnamenti XXIV, 1 (2001), 800.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here