Thời Toàn Thịnh Của Văn Chương Tiền Nicea: Origène (185? – 255)

0
1706


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG III

THỜI TOÀN THỊNH CỦA VĂN CHƯƠNG TIỀN NICEA

(190 – 325)

***
ĐOẠN II : ORIGÈNE (185? – 255)
I. THÂN THẾ

Origène là giáo phụ đầu tiên mà chúng ta có đầy đủ chi tiết về thân thế, nhờ Eusèbe đã dành hầu như trọn cuốn VI trong “Giáo sử” để nói về Ngài. Đây là một bậc Thầy lỗi lạc và nhân đức vào bậc nhất trong Giáo Hội cổ thời. Origène thật là một con ngưòi có bản lãnh cao cả và trí óc thông minh vượt xa mức độ thông thường của nhân loại.

Sinh năm 185 có lẽ tại Alexandrie, trong một gia đình Kytô giáo gương mẫu, Origène là con cả trong 7 anh em. Cha tên là Léonidas (tử đạo năm 202) đã lo lắng giáo dục con mình một cách thật cẩn thận trong Đức tin Kytô giáo. Ông còn cho con theo học những lớp Thánh Kinh và khoa học phần đời với những bậc danh sư của thời đại. Hầu chắc Origène đã là môn sinh của Clément tại Alexandrie.

Mặc dầu được rửa tội từ tuổi nhỏ (cf. Origène, bài chú giải Rom. 5, 9 và bài giảng 14 về thánh Luca), Origène vẫn không mang tên Kytô giáo, mà mang một tên “đời”, có tính cách ngoại giáo là khác: “Origène” có nghĩa là: con của OR (thần sông Nil). Mãi sau này người ta mới tặng cho ông một tên “đạo” là “Adamantius”(“con người thép”), nhưng tên này cũng không có mầu sắc gì là Kytô giáo hết. Những tên Kytô giáo chỉ xuất hiện thực sự vào thế kỷ IV.

Năm 202 cuộc bắt đạo của Septime Sévère tàn phá đến tận gia đình Origène. Cha Ngài bị bắt và tử đạo. Nếu không bị mẹ giấu quần áo thì Origène (17 tuổi) trong niềm khao khát được chết vì Chúa Kytô đã chạy theo cha và nộp mình cho pháp trường. Không theo cha được, Origène viết thư khuyến khích cha chịu chết vì đạo: “xin cha đừng vì chúng con mà thay lòng đổi dạ”(H.E. (Eusèbe) 6. 2, 26). Cha ngài chết rồi, mọi của cải trong gia đình đều bị tịch biên và 8 mẹ con lâm cảnh cơ hàn đói khổ. Origène, lúc đó 17, 18 tuổi, xoay nghề dạy học để nuôi mẹ và các em.

Đức Giám mục Alexandrie là Demetrius nhận thấy óc thông minh và tài ba của vị giáo sư trẻ tuổi liền trao cho Ngài trọng trách tổ chức và điều khiển Trường Giáo lý của địa phận. – Lúc này Clément, vì cuộc bắt đạo, đã trốn sang Cappadoce và trường Giáo lý tư của ông tại Alexandrie cũng bị tan luôn -. Đây là trường giáo lý chính thức, gọi là Didascalie, được Orgène tổ chức tại Alexandrie vào năm 202. Trường có mục đích dạy giáo lý để chuẩn bị cho lương dân chịu phép Rửa tội, và giúp đỡ những người dự tòng cũng như tân tòng thực hành đời sống Kytô giáo. Nhưng rất sớm, Origène đã biến trường Didascalie thành một trường Giáo lý cao đẳng trong đó mọi khoa học của thời đại đời cũng như đạo đều được đem dậy.

* 202 – 212: tại Alexandrie, thời kỳ thứ I

Rất nhanh chóng, Origène trở thành một nhà bác học và giáo sư nổi tiếng đâu đâu cũng biết tới. Nhiều môn sinh bỏ các trường lạc giáo và các môn phái triết học ngoại giáo để đến thụ huấn tại trường Cao đẳng giáo lý của Ngài. Tại đây, ban đầu Origène dạy biện chứng pháp nhập môn, vật lý, toán học, hình học và thiên văn, một trật với hai môn chính là triết học Hy lạp và Thần học suy luận. Không bao lâu, vì công việc quá nặng nề Ngài phải nhường lại những môn phụ cho một người bạn thân và là học trò, tên là Héraclas, để chỉ giữ lại những môn chính là Triết học, thần học, và đặc biệt là lớp Cao Đẳng THẦN HỌC THÁNH KINH, NAY ĐÃ TRỞ THÀNH CHUYÊN KHOA CỦA BẢN TRƯỜNG.

Origène chủ trương muốn học hỏi Thánh Kinh cho thấu đáo không thể bỏ qua những khoa phần đời. Vì vậy trường phải dạy triết học, toán học, văn chương, vật lý, thiên văn, âm nhạc và các ngôn ngữ. Tất cả đều được xem là phương tiện để giúp cho việc học hỏi Thánh kinh. Môn học này gồm hai giai đoạn:

1. Đọc chính bản văn: Phải đọc bằng tiếng Hy bá, rồi tìm tòi và so sánh các bản dịch chính bằng Hy ngữ, ví dụ bản LXX, bản Aquila, Symaque v.v…., sau đó so sánh các bản dịch Hy ngữ với nguyên bản Hy bá. (cf. Bản Lục trụ Hexaples dưới đây, tr. 133)

2. Tìm hiểu ý nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng của Thánh Kinh (chúng ta sẽ trở lại vấn đề Thánh kinh dưới đây).

Dầu bận bịu đến đâu, Origène vẫn còn tìm ra thì giờ để cùng với Héraclas, theo học thêm những lớp giảng huấn của nhà triết học nổi tiếng AMMONIUS SACCAS, ông tổ của triết học tân-Platon và là thầy của Plotin sau này.

Chính trong thời kỳ dạy học tại Alexandrie này, một đàng vì lòng sốt sắng, đàng khác để tránh mọi ngờ vực có thể xảy ra (vì trong số những người theo học với ngài cũng có nhiều thiếu phụ và thanh nữ) Origène đã theo nghĩa đen đọc thấy trong câu Phúc âm thánh Matthêô 19, 12:”Có những kẻ tự hoạn mình vì nước Trời. “, mà thực hành lời khuyên đó. Về sau Ngài nhận thấy làm thế là lầm.

* 212 – 218 (20): Du hành và lưu ngụ tại Palestine thời kỳ thứ I

Năm 212 Origène đi hành hương Roma với mục đích thăm viếng “Giáo đoàn rất cựu trào của người Lamã” (Eusèbe, H.E. 6, 14, 10). Thánh Jérôme nói, tại Roma, Origène đã làm quen và nghe những lời giảng huấn của thần học gia nổi tiếng thời đó là Hippolyte, đặc biệt về Thánh kinh.

Thanh thế Origène được đồn đi khắp nơi, nên năm 215 Ngài được vị toàn quyền Lamã tại xứ Arabie mời sang dạy đạo cho ông. Sau đó, lại đến lượt bà mẫu hậu Julia Mamea, mẹ hoàng đế Alexandre Sévère, mặc dầu không theo Kytô giáo, cũng mời ngài sang Antioche giảng giáo lý cho bà nghe.

Vào năm 216 Hoàng đế Caracalla cướp phá Alexandrie, đóng cửa các trường học và truy nã các giáo sư, nên Origène đành phải lánh sang xứ Palestine. Tại đây ngài làm quen và trở thành bạn thân của Alexandre Giám mục Jérusalem và của Théoctiste Giám mục Césarée. Vô tình, các vị này đã gây cho Origène những khó khăn không nhỏ sau này. Các ngàiđã xin Origène giảng trong nhà thờ, mặc dầu ông chỉ là một bổn đạo thường. Hay tin, Giám mục Demetrius rất phẫn nộ và lập tức cho triệu hồi Origène về Alexandrie để tu chỉnh và điều khiển trường Cao đẳng Giáo lý như xưa. Khi đó vào năm 218 hoặc 220.

* 218 (20) – 230: Tại Alexandrie, thơiì kỳ thứ II

Vâng lời trở về quê nhà, Origène tu chỉnh lại trường Didascalie và được sự giúp đỡ đắc lực về tiền của do một người tân tòng hảo tâm tên là Ambroise. Với sự có mặt và dưới sự điều khiển của Origène, trường Cao đẳng Giáo lý Alexandrie lại lấy lại được uy thế đã có trước đây.

Vào khoảng năm 230, được Giám mục Demetrius phái sang Hy lạp để phi bác lạc giáo, trên đường, Origène ghé thăm Jérusalem và Césarée. Lợi dụng dịp này, hai Giám mục tại đây liền truyền chức linh mục cho ngài, để từ nay ngài có thể giảng trong các nhà thờ mà không còn gặp khó khăn như trước nữa.

Ngược hẳn lại dự tính của hai Giám mục Jérusalem và Césarée, Demetrius phản ứng mãnh liệt. Lấy cớ là theo giáo luật, Origène không thể làm linh mục vì câu truyện tự hoạn của ông. Đàng khác, việc truyền chức này, vẫn theo Demetrius, là bất hợp pháp vì không có giấy ủy quyền của Giám mục sở tại (Alexandrie). Nhưng có lẽ nhận định sau đây của Eusèbe là đúng sự thật hơn cả: “Thấy Origène thành công và trở thành một người có danh tiếng đâu đâu trong  thiên hạ cũng biết tới và ca ngợi, (Demetrius) đã cảm thấy những tâm tình nhân loại”(Hist. Ecc. 6, 8, 4). Dầu sao, Demetrius cũng đã triệu tập Hội đồng Địa phận và ra vạ tuyệt thông cho Origène với Giáo đoàn Alexandrie. Năm 231, một hội đồng khác lại được nhóm họp để truất chức linh mục của Origène. Năm 232, Giám mục Demetrius qua đời, Origène trở về Alexandrie, nhưng Héraclas, người cộng sự viên năm xưa, nay lên kế vị Demetrus vẫn chủ trương giữ nguyên vạ tuyệt thông, vì thế mà Origène đành trở lại Palestine, và được hai Giám mục Jérusalem và Césarée nồng nhiệt đón rước.

* 232 -255: Tại Palestine, thời kỳ thứ II

Như vừa nói ở trên đây, Origène đã ở lại Palestine kể từ năm 230. Nhưng mãi năm 232 bị bài trừ khỏi Alexandrie, ngài mới bắt đầu thực sự giai đoạn lưu ngụ thứ hai tại Thánh địa. Không mảy may lưu ý đến vạ tuyệt thông và truất phế do Demetrius, các Giám mục xứ Palestine mời Origène tới giảng tại khắp các Địa phận. Théoctiste, Giám mục Césarée còn yêu cầu ngài lập một trường Thần học tại Địa phận Ngài. Trường mới này rập theo khuôn khổ y hệt trường Didascalie tại Alexandrie xưa. Trong số các môn sinh đến theo học tại trường này, phải kể Alexandre (Giám mục Jérusalem), Theoctiste (giám mục Césarée), Firmilion, và Grégoire (le Thaumaturge).

Suốt 20 năm trời điều khiển trường Thần học Césarée, Origène luôn luôn tỏ ra là một nhà bác học lỗi lạc, và rất ý thức về vai trò linh mục của mình. ngài đặc biệt lưu tâm đến những người nghèo khổ và nhỏ bé. Ngài thường rửa chân cho người nghèo khó và cho bổn đạo, Ngài nói: “rửa chân cho anh em mình, là khuyến khích họ thực hành chân lý….(Bài giảng thứ 8, 5, về Thánh Kinh).

Trong cuộc bắt đạo của hoàng đế Dèce, vào những năm 249-255, Origène đã bị bắt, tra tấn dã man, xiềng xích và tống ngục; sau cùng được tha khi cuộc bắt đạo chấm dứt. Nhưng sau đó ít lâu, Ngài đã từ trần do những thương tích đã chịu vì danh Chúa Kitô. Năm đó là 255. Theo một truyền thống thì Origène đã tử đạo tại Tyr, xứ Phénicie, và nơi đây có ngôi mộ của Ngài (cf. Eusèbe, H.E. 6, 39, 5).

II. SỰ THÁNH THIỆN CỦA ORIGÈNE

Đặc điểm trổi vượt nhất trong đời sống của Origène là sự thánh thiện. Origène là một vị thánh đích danh. Những đặc tính của sự thánh thiện nơi ngài được biểu lộ như sau:

1. Khao khát phúc Tử đạo. (cf. Ignace d’Antioche)

Ngay từ tuổi nhỏ Origène đã khao khát phúc tử đạo. Đặc biệt năm lên 17 tuổi, khi cha bị bắt ngài đã muốn chạy theo cha để nạp mình chịu chết vì đạo. Bị trở ngại không thực hiện được ý định, Origène đã viết một bức thư khuyên cha can đảm chịu chết vì Chúa Kytô bằng những lời lẽ thống thiết như sau: “Xin cha đừng vì chúng con mà thay lòng đổi dạ”. (cf. H.E. 6. 2,-6). Và gương tử đạo của Léonidas, cha ngài, đã đánh dấu tất cả cuộc đời Origène. Đặc biệt là gương tử đạo đó đã ảnh hưởng sâu rộng trên giáo lý của ngài về tình phụ tử của Thiên Chúa. Cũng vì thế mà ngài luôn luôn khuyên bảo bổn đạo hết lòng trọng kính cha mẹ.

Trót đời, trong lời nói cũng như trong hành động, ngài tỏ ra luôn luôn luyến tiếc ơn tử đạo, và quan niệm đời sống khổ hạnh như một cách thức để thay thế phần nào ơn tử đạo mà ngài tự cho mình không xứng đáng lãnh nhận. Ngài thâm tín rằng ơn tử đạo là chóp đỉnh của đời sống Kytô giáo. Quan niệm này được diễn đạt cách sâu rộng trong cuốn “Exhortatio ad martyrium”  được viết vào năm 235, dưới thời bắt đạo của Maximin le Thrace.

2. Kiểu sống nhiệm tu

Trong đời sống của ngài, Origène đã áp dụng nghĩa đen của Phúc âm theo kiểu thánh Fran(ois d’Assise sau này (cf. Eusèbe, H.E., 4, 3, 8-13). Ngài sống thật là nhiệm nhặt: ăn chay, bớt ngủ, nằm trên đất, đi chân không, chịu túng thiếu và không muốn có hai bộ quần áo để theo đúng lời khuyên của Chúa Kytô. Câu truyện tự hoạn đã xảy ra cũng vì muốn thực hành lời khuyên của Phúc âm (Mt. 19, 12) theo nghĩa đen.

3. Trung thành với Giáo hội

Đây là điểm quan trọng vì trong khá lâu người ta vẫn coi Origène như một nhà tư tưởng thật dồi dào đời sống Kytô giáo, nhưng lại cô lập, lẻ loi, và sống bên lề Giáo hội, chứ không hoàn toàn nhập cuộc. Đây là một nhận định sai lệch rất lớn lao. Bởi vì không tước hiệu nào được Origène quí chuộng cho bằng được gọi là “Ecclesiasticos”: một con  người của Giáo hội giáo sĩ.

Ngoài ra trong giáo lý của Ngài, Origène luôn luôn muốn nắm giữ đức tin chân chính và tông truyền của Giáo hội. Ngài viết: “Chỉ được chấp nhận là chân thật điều gì không đi trệch ra ngoài, bất cứ dưới phương diện nào, truyền thống của Giáo hội tông truyền” (De Principiis, praef., 2). Trong bài giảng thứ 7 về Phúc âm thánh Luca, Ngài còn thêm:

“Tôi muốn là một người con của Giáo hội, không muốn được biết đến như kẻ sáng lập bất cứ một lạc thuyết nào, nhưng muốn mang tên Chúa Kytô; tôi muốn mang danh hiệu đó, danh hiệu được chúc tụng trên địa cầu của chúng ta. Đó là niềm khát vọng của tôi: chớ gì tinh thần và sự nghiệp của tôi cho tôi quyền được gọi là Kytô hữu.

Nếu tôi, kẻ trước mắt người khác, được coi như tay phải của Giáo hội, tôi kẻ mang danh hiệu linh mục và có sứ mạng rao giảng Lời (Chúa), lại đi tới chỗ phạm lỗi gì nghịch với giáo lý của Giáo hội hay nghịch với qui luật Phúc âm, và vì vậy trở thành một gương mù cho Giáo hội, Giáo hội hãy đồng thanh quyết định cắt bỏ tôi (cho dầu là) tay phải của mình, và quẳng tôi cho xa khỏi Giáo hội” (lời mở đầu cuốn: “Origène, Esprit et Feu”, I, Urs von Balthasar, Paris, Cerf, 1959).

Ý chí trung thành đó đối với Giáo hội, Origène đã cố gắng nắm giữ suốt đời, và trước khi lìa thế còn lấy máu mình để đóng ấn nữa (trung thành trong cơn bắt đạo).

4. Sùng mộ Thánh Kinh

Về điểm này, Origène cũng đã chịu ảnh hưởng của Léonidas, cha ngài (cf. Eusèbe, H.E. 6, 2, 7-12). Ngài luôn luôn thâm tín rằng việc học hỏi Thánh Kinh đòi buộc một thái độ thiêng liêng, một nếp sống luân lý, một sự từ bỏ những tư tưởng riêng tư. Nói tắt phải biết chấp nhận một sự nghèo túng nào đó của tinh thần. Khi phân tích Thánh Kinh một cách khoa học, Origène đã luôn luôn làm việc đó trong đức tin, chứ không hề phiêu lưu theo sở thích. Cũng vì thế mà ý nghĩa ngài rút ra từ Thánh Kinh đối với ngài đã trở thành một “manna”  đích thực từ trời ban xuống vậy.

Một con người như vậy hẳn là một vị thánh đích danh. Nhưng số mệnh đã dành cho Ngài thật nhiều hẩm hiu! Ngay trong lúc sinh thời cũng như sau khi tạ thế, Origène đã là đối tượng cho nhiều đả kích và chống đối. Không ai đã lôi kéo được nhiều bạn hữu như Ngài, và có lẽ cũng không ai đã gây ra cho mình nhiều kẻ thù như ngài. Nhưng như chúng ta sẽ coi trong điểm IV dưới đây, phần nhiều những lý do chống đối đều đã bắt nguồn từ một cái nhìn thiên vị hoặc quá thiển cận, hoặc vì lý do hoàn toàn chính trị hay thế tục nữa!

Ngày nay hầu hết mọi người đều thừa nhận Origène là một vị thánh đích thực, và chỉ cần Giáo hội tuyên bố để chúng ta có thể tôn kính Ngài như một VỊ THÁNH. Dầu sao, ngay từ giờ chúng ta vẫn có thể coi Ngài là một THÁNH NHÂN.

III.  SỰ NGHIỆP CỦA ORIGÈNE

Origène đã viết rất nhiều. Ngài vượt xa mọi Giáo phụ khác về số lượng. Eusèbe đã kê khai hơn 1000 tác phẩm của Origène. Nhưng phần lớn đã bị thất lạc. Hiện nay chỉ còn giữ được phỏng một phần mười những tác phẩm nói trên. Dầu sao, số nhỏ những tác phẩm còn lại này cũng chiếm trọn 7 cuốn trong bộ “Giáo Phụ Hy lạp”, từ cuốn XI đến cuốn XVII.

Ngoài ra trong số 1/10 tác phẩm được bảo tồn này cũng chỉ có một phần nhỏ bằng nguyên bản Hy lạp, còn bao nhiêu là bản dịch La ngữ cả.
Những tác phẩm của Origène được chia làm 4 loại:

1 – Thánh kinh

2 – Thần học và minh giáo

3 – Tu đức

4 – Thư từ

Dưới đây chúng ta chỉ bàn đến hai loại đầu, tức những tác phẩm liên quan tới Thánh Kinh, và những tác phẩm về Thần học và minh giáo.

Còn loại thứ 3 (tu đức) thì có cuốn “De oratione” nói chung về việc cầu nguyện, trong đó Origène giải thích tỉ mỉ về kinh “Lạy Cha”. Thuộc loại thứ 4 (Thư từ), hiện chỉ còn giữ được có hai bức trong số rất lớn những thư của Origène, một gởi cho thánh Grégoire (Le Thaumaturge) và một dởi cho Jules Africain.

A /  NHỮNG TÁC PHẨM LIÊN QUAN TỚI THÁNH KINH

Đây là phần quan trọng và dồi dào nhất trong sự nghiệp của Origène. Với những tác phẩm loại này, Origène đã xứng đáng tước hiệu nhà sáng lập khoa chú giải Thánh Kinh. Ở vào một thời mà các tác phẩm ngoại giáo được đem phân tách và cắt nghĩa một cách khoa học, Origène cũng muốn làm việc đó đối với Thánh Kinh. Mục đích của ngài là giúp cho người Kytô hữu khỏi phải đầu hàng khi đụng chạm với người Do thái trong những vấn đề liên hệ tới Thánh Kinh.

1 – Bản Lục trụ (Hexaples) (+Cửu trụ và Tứ trụ)

Trong tác phẩm đặc sắc này, Origène sưu tầm những bản văn hiện hữu của toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước và xếp đặt thành 6 cột song hành như sau:
 

Cột 1 2 2 4 5 6
  H. Hg. Aquila Symaque LXX Théodotion

Cột 1: Bản Thánh Kinh Cựu Ước bằng tiếng Hi bá (tr.CN)

Cột 2: Bản Hi bá nhưng được viết bằng vần Hy lạp

Cột 3: Bản dịch Hy lạp của Aquila (Do thái, tk.II)

Cột 4: Bản dịch Hy lạp của Symmaque (Do thái,tk.II)

Cột 5: Bản dịch Bảy Mươi (LXX) (tk.III-I tr.CN) với một vài ký hiệu đặc biệt dùng để so sánh với bản Hi bá (H.), ví dụ ((obèle) chỉ những gì có thêm so với bản H và * (hình sao). chỉ những gì thiếu so với bản H.

Cột 6: Bản dịch Hy lạp của Théodotion (Do thái,tk.II)

Mục đích của Origène là thiết lập một bản văn hoàn toàn đúng bằng cách đối chiếu các bản dịch với nhau. sau đó bản dịch đúng nhất lại được đem đối chiếu với bản chính bằng tiếng Hi bá. Bản văn được tìm tòi đó là bản LXX, vì thế cột 5 đã được khảo cứu một cách cặn kẽ nhất. Đối với Origène bản dịch Hy lạp chính thức của Giáo hội là bản LXX, Ngài coi đây là bản linh ứng thực. Ngược lại với chủ trương “Veritas Hebraica” của thanh Jérôme sau này, Origène luôn luôn nghĩ rằng Veritas nằm trong bản LXX chứ không nằm trong bản Hy bá.

Riêng phần THÁNH VỊNH lại được cộng thêm 3 bản dịch khác nữa, nên thay vì Hexaples nay ta có Ennéaples (cửu trụ) hay 9 cột.

Ngoài ra Eusèbe còn nói đến một bản Tứ trụ (Tétraples) chỉ gồm 4 bản dịch Hy lạp thôi, tức là bản Aquila, Symmaque và Théodotion đối chiếu với bản LXX.

Công việc vĩ đại trên đây Origène đã khởi sự ở Alexandrie và hoàn tất tại Césarée. Bản chính của tác phẩm được tàng trữ tại thư viện Césarée: và chưa khi nào được sao lại đầy đủ. Rất nhiều nhà chú giải Thánh Kinh, đặc biệt là thánh Jérôme, đã đến tận nơi để tra cứu tác phẩm không lồ này bằng cách chép lại từng đoạn một. Đáng tiếc là đến thế kỷ IV thư viện Césarée bị hoả hoạn và tác phẩm cũng bị thiêu hủy! Ngày nay ta chỉ còn những mẩu sao lại, nhưng ngắn ngủi và không được hoàn toàn.
 
2 – Chú thích (vvSkolia , scholia, scholies)

Đây là một phương sách do các tác giả văn chương và các nhà văn phạm dùng để cắt nghĩa những câu hay những chỗ khó trong một đoạn văn. Thường người ta ghi một dấu hiệu nào đó trong bản văn rồi ngoài lề trang sách chua thêm một vài lời chú thích. Dần dần những lời chú thích này trở thành một tập tuyển. Origène đã dùng phương sách scholia này để giải nghĩa ít nhiều đoạn hay từ ngữ khó hiểu trong Thánh Kinh. Nhưng nay khó mà biết rõ những scholia nào là đích thực của Origène, bởi vì chúng ta không có một cuốn sách riêng biệt nào ghi chép những scholia đó, mà chỉ thấy được ghi trong những “Chánes scripturaires” hay “chánes exégétiques” là một phương sách chú giải Thánh Kinh bằng cách trưng dẫn ra bên lề trang sách một loạt ý kiến của các tác giả tên tuổi, thường là các vị thánh, ví dụ: Origène – Grégoire – Augustin…..

3 – Bài giảng ( Omiliai , tractatus, homélies) (SC.7,16,29,37,71)

Đây là những bài diễn thuyết hoặc giảng về Thánh Kinh có tính cách bình dân. Số lượng của những bài giảng này thật lớn lao, nhưng hiện nay hầu như không còn giữ được bài giảng nào về Tân Ước, ngoại trừ một vài mẩu nhỏ về thư I Corinthô và thư gởi người Hi-bá-lai. Còn tất cả đều là những bài giảng về Cựu Ước (gồm 5 cuốn trong bộ Giáo phụ mệnh danh là “Corpus de Berlin”). Những bài giảng này chỉ có một số rất nhỏ bằng nguyên văn Hy lạp, còn tất cả đều là bản dịch La ngữ do Ruffin, Jérôme, Hailaire de Poitiers, và một học giả vô danh.

Chính  trong loại Homelia mà chúng ta có thể biết được Origène đích thực là một vị rao giảng lời Chúa:

a) Điạ vị của Homélia trước cử toạ và trước lời Chúa. Điều chú ý đầu tiên của Origène là làm phát sinh một lời cầu nguyện nơi thính giả và nơi chính mình:”Vậy chúng ta hãy khẩn xin Cha của Lời Hằng Sống (Đức Yêsu Kytô, Đấng phán dạy trong Thánh Kinh) khứng đặt Lời Ngài trong miệng tôi hầu tôi có thể dâng một chút nước trong lành để giải khát chúng ta (Homelia 13 về sách sáng thế, P.G. t. 2, col. 230, C). như vậy thực là đặt chính mình và cử toạ vào thái độ cầu nguyện để van xin Chúa Cha bố thí Lời Ngài cho chúng ta. Theo Origène thì chính Ngôi Lời mới là vị giảng thuyết:”Anh em hãy cầu xinh để Ngài (Ngôi Lời) thấy trong tôi một lời nói mạnh mẽ để ca ngợi Ngài (fortitudo mea et laus mea) “

b) Vai trò của Homelia. Đi từ câu truyện các chiếc giếng do các Tổ phụ dân Israel đào xưa và bị dân Philistins lấp đi Origène quan niệm giảng viên là người đào giếng, nghĩa là tìm thấy ý nghĩa của Thánh Kinh rồi đem nuôi cử toạ:“Vậy ai trong chúng ta là thừa tác viên của Lời Chúa thì đào một cái giếng và tìm ra nước trong lành để bổ sức lại cho thính giả “. Nói khác, vai trò chính yếu của giảng viên là đào bới nghĩa là khảo cứu Lời Chúa, tức Thánh Kinh vậy.    

c) Gặp gỡ cử toạ.  Trong khi đào bới (khảo cứu) Thánh Kinh, giảng viên sẽ gặp gỡ các thính giả. Bởi vì thừa tác viên không thể đào bới Lời Chúa mà một trật lại không đào bới tâm can con người. Origène quan niệm rằng khảo sát Lời Chúa cũng là khảo sát tâm hồn con người: cf. câu truyện hai môn đệ đi Emmau:”Nào tâm hồn chúng ta đã chả nóng bỏng khi Ngài (Đức Kytô) giải thích Thánh Kinh cho chúng ta đó sao ? “.

Điều mà Đức Kytô đã làm thì nay thừa tác viên cũng phải làm: giảng thuyết và đốt cháy tâm hồn con người. Vậy khi Origène giảng tới câu nói của 2 môn đệ Emmau trên đây, Ngài nghĩ ngay:

1/ Phúc âm chỉ có thể có một vai trò thiêng liêng: giảng Phúc âm là sửa soạn và làm cho đức Kytô hiện diện thực sự trong các tâm hồn;

2/ Lời Chúa mở tâm trí con người để nghe tiếng Chúa Thánh Thần.

Ngay khi đọc không có chú giải, Lời Chúa vẫn có sức tác động sâu xa trong tâm hồn, bởi vì từng nét trong Phúc âm đều được Ngôi Lời chiếu rọi bằng sức mạnh và lời ngợi khen của ngài. Đó là chính Phúc âm thiêng liêng vậy:”Bất cứ ai giảng Lời Chúa nhân danh Ngài (Đức Kitô) đều chia sẻ Thánh Thần cho những thính giả của mình”(Urs Von Balthasar, op. cit. II, pp. 174-5). Origène đồng hoá giảng viên với chính Chúa Giêsu, dựa theo hình ảnh của Gioan tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc ly: ta chỉ có thể lãnh nhận Phúc âm như Gioan đã lãnh nhận Đức Mẹ Maria từ tay Chúa Yêsu.

4 – Chú giải (Tomoi ,volumina, commentaires)

Đây không còn phải là những bài giảng ứng khẩu như trên, nhưng là những bài chú giải sâu rộng về bản văn hoặc về ý nghĩa thần học của Thánh Kinh, có tính cách bác học và chuyên môn. Tuy nhiên vẫn còn một vài hình thức giống kiểu bài giảng bởi vì Origène đã đọc miệng những bài chú giải này cho thư ký chép. Tiếc một điều là chúng ta không còn giữ được nguyên vẹn một bản chú giải đầy đủ về một cuốn sách nào trong bộ Thánh Kinh, trong khi chính Origène đã chú giải đầy đủ ít nhất những sách sau đây của Cựu Ước: Sáng thế, châm ngôn, Isaia, Nhã ca; và của Tân Ước: Matthêô, Luca, Yoan và Phaolô; ấy là không kể đến những cuốn chú giải có tính cách chọn lảy. Đại đa số những bài chú giải nói trên đã bị thất lạc, lý do là vì số lượng quá lớn của chúng đã làm nhụt chí cả những dịch giả kiên cường nhất như thánh Jérôme chẳng hạn!

Chính trong những bản chú giải này mà người ta gặp thấy lối giải thích ẩn dụ (exégèse allégorique) của Origène. Tại sao Origène đã dùng lối chú giải ẩn dụ này ? Nói khác, ngài hiểu Thánh kinh như thế nào?

a) Trọng nghĩa đen nếu có thể

Trước hết Origène không khinh miệt hoặc coi thường nghĩa đen, trái lại phải bảo tồn mỗi khi có thể. Nhưng đôi khi với nghĩa đen, người ta lâm vào ngõ bí, lúc đó Origène không ngần ngại bỏ qua nghĩa đen vì có những trường hợp ẩn dụ hay ngụ ngôn sẽ là phương thế duy nhất để diễn đạt chân lý thiêng liêng, nhưng không phải bao giờ cũng có một nghĩa đen. Nếu đôi khi ngài ngả theo khuynh hướng này “quá đáng” là vì theo ngài chỉ có người Do thái mới cố chấp bám lấy nghĩa đen (Cựu Ước); ngưòi Kytô hữu trái lại phải có cái nhìn bao quát toàn bộ Thánh Kinh (Cựu và Tân Ước) để biết đọc ra trong đó vận mệnh của con người. Cha Henri de Lubac nói: ”Nơi ngài (Origène) có một năng khiếu Phúc âm lạ thường để thiêng liêng hoá tất cả”. Origène thấy Đức Kytô ở mọi nơi, ngài bị Ngôi Lời chiếm hữu, và trong toàn bộ Thánh Kinh, điều ngài nhìn thấy là chính Đức Kytô.
 
b) Origène lý luận về Thánh Kinh y hệt khi lý luận về Nhập Thể

Với ngài, việc Chúa Kytô đến trong trần gian bằng nhục thể sẽ hoàn toàn vô ích nếu ngài không đến cách thiêng liêng bằng ân sủng trong các linh hồn.Nghĩa là cuộc nhập thể phải đưa người Kytô hữu đến chỗ “chiếm đoạt” được Chúa Kytô trong đức tin. Cũng thế, Thánh Kinh, xét như là chữ viết, chỉ có ích nếu nhờ đó mà người Kytô hữu “chiếm đoạt” được Chúa Kytô. Chúng ta chỉ có thể giải nghĩa được Thánh Kinh bằng cách nhìn nhận Đức kytô trong đó. Đây là Phúc âm thiêng  liêng: sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ có thể được diễn ra trong Thánh Thần.

c) Phân biệt thân xác, Linh hồn và tinh thần trong Thánh Kinh

Origène rất quen dùng kiểu phân biệt tam phương này, và trong điểm này ngài cũng đã bị chỉ trích rất nhiều. Trước hết nó có một ý nghĩa nhất thời, áp dụng vào lịch sử cứu rỗi:

– Thân xác của Thánh Kinh là chính nghĩa đen đối với người Do thái, nghĩa là chữ viết của bản văn Cựu Ước:
– Linh hồn của Thánh Kinh là ý nghĩa mà người Kytô hữu phải tìm ra;
– Tinh thần của Thánh Kinh là thực tại trên trời mà chúng ta sẽ được tiếp xúc sau này trong đời sống vinh quang.
Nhưng ngoài ý nghĩa nhất thời trên đây, Thánh Kinh, đối với Origène, còn gồm một thân xác, một linh hồn, một tinh thần thực thụ, vì thế sưu tầm Thánh Kinh sẽ giúp ta đạt tới tinh thần của Thánh Kinh ngay từ hiện thế chứ không phải chờ đến đời sống mai hậu trên Thiên quốc. Sự phân biệt xác, hồn và tinh thần không phải chỉ là một mánh lới, một lối thoát, nhưng là một điều rất quan trọng đi liền với thực tại con người: khảo cứu Thánh Kinh tức là khảo cứu chính con người vậy. Thế mà theo Thánh Kinh (cf. Phaolô) con người lại gồm một thân xác, một linh hồn và một tinh thần. Linh hồn giữ vai trò lựa chọn trong con người, nó có thể tùy ý chọn Thiên Chúa hay tội lỗi: Chọn Thiên Chúa, nó sẽ sống trong tinh thần; bằng chọn tội lỗi, nó sẽ sống trong xác thịt. Mục đích của Thánh Kinh là đưa linh hồn ra khỏi xác thịt tội lỗi để làm cho nó ở với tinh thần, theo lời thánh Phaolô trong Rm 8, 9:…”Anh em không còn trong xác thịt mà là trong tinh thần” Linh hồn kẻ tội lỗi ở trong xác thịt, còn linh hồn người công chính ở trong tinh thần, trong thần khí vậy.

d) Phương pháp chú giải Thánh Kinh của Origène

Ở điểm này Origène đã anh hưởng rất nhiều trên các Giáo phụ khác, vì vậy ta cần tìm hiểu quan niệm và phương pháp của ngài mới mong hiểu được những bài chú giải Thánh Kinh nơi phần đông các Giáo phụ.

Ý lực của Origène về Thánh Kinh có thể gồm tóm trong câu nói sau đây của thánh Phaolô:Usque in hodiernum enim diem idipsum velamen in lectione veteris testamenti manet non revelatum; quoniam in Christo evacuatur (…. vì cho đến ngày nay, cũng bức màn ấy vẫn còn rủ xuống khi họ đọc giao ước cũ; chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Kytô, nó mới được hủy đi!): (2 Cor, 3, 14): Bức màn che này chỉ được cất đi khi Chúa Kytô giáng trần. Cũng như thánh Phaolô, Origène coi Cựu Ước là hình ảnh tiên báo Tân Ước (f. 1 Cor 2, 9-16; 10, 1-11; 11, 25; 13, 12; 2 Cor. 3, 6-18; Gal. 3, 15-17; 4, 11-31; 6, 16; Col. 2, 16-17; Eph. 5, 32). Cựu Ước vừa là một chuẩn bị, vừa là một hình ảnh báo trước những thực tại của Tân Ước là Chúa Kytô, là Giáo Hội, là linh hồn người tín hữu và là Thiên quốc. Vì thế, Origène và do ảnh hưởng ngài nhiều Giáo phụ khác cho rằng trong Cựu Ước ngoại trừ nghĩa đen theo mặt chữ (sens littéral) còn có 4 ý nghĩa khác:

– Ý nghĩa thuộc Chúa Kytô (sens Christique)
– Ý nghĩa thuộc Giáo Hội (sens Ecclésial)
– Ý nghĩa thần bí (sens mystique)
– Ý nghĩa cánh chung hay thế mạt (sens eschatologique).
Nghĩa đen, như đã coi trên, rất hữu ích nhưng bất toàn: Origène viết: “Ai muốn (chỉ) hiểu Thánh Kinh theo văn tự thì phải coi người ấy thuộc Do thái giáo chứ không phải thuộc Kytô giáo. Ai muốn là (tín hữu) Kytô giáo và là môn đệ của thánh Phaolô thì phải nghe lời Ngài dậy: Cựu Ước có một ý nghĩa thiêng liêng”. Và chỗ khác Ngài thêm:“Maisen đã diễn tả những mầu nhiệm tương lai bằng tượng trưng, hình ảnh và ngụ ngôn”.

Vậy Chúa Kytô đến mạc khải cho ta hiểu nội dung sâu xa của Cựu Ước, vì những lễ nghi, những biến cố của Cựu Ước đều báo trước về Ngài. Việc chính của một nhà chú giải là tìm hiểu những mối liên hệ, tương hợp của Tân Ước với Cựu Ước. Nếu như Beaudelaire nói “Vũ trụ thụ tạo là một rừng tượng trưng”phản chiếu Thiên Chúa thì ta cũng có thể nói: Rừng Thánh Kinh bao la đối với Origène đầy rẫy những biểu tượng: tất cả đều có một ý nghĩa ở ngoài nghĩa đen. Tất cả đều nói về Chúa Kytô sẽ đến (sens Christique) về Giáo Hội của Ngài (sens Ecclésial), về ân điển (sens mystique), về Thiên quốc (sens eschatologique). Mục đích của nhà chú giải Kytô giáo là học biết và ăn ở thế nào để có thể hiểu ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh “quo possit dignus spiritualium fieri secretorum”.

B/  NHỮNG TÁC PHẨM THẦN HỌC VÀ MINH GIÁO

Mặc dầu ít phong phú hơn, số lượng của chúng cũng rất lớn lao, nhưng ngày nay hầu hết đã thất lạc. dưới đây ta chỉ nói đến 3 tác phẩm, kể như còn đầy đủ, thuộc loại này:

– De Principiis
– Đàm thuyết với Héraclide
– Contra  Celsum.
 
1/ – DE PRINCIPIIS  (Peri arkwn).

Cuốn“nguyên tắc luận” này là một cuốn tổng luận thần học gồm những quan niệm tín lý và luân lý của Origène. Lẫn với những ý kiến thật sâu sắc và cao đẹp, đôi khi cũng thấy có những sai lạc đáng tiếc (của bước đi dò dẫm lúc ban đầu của khoa thần học suy luận) sẽ là đề tài của bao cuộc tranh luận thần học vào những thế kỷ IV – VI.

a) Niên hiệu: Người ta thường tin là tác phẩm đã được viết khoảng năm 220-230, nghĩa là vào lúc Origène đã hơn kém 40 tuổi. Nhưng thực rất khó tìm ra niên hiệu của cuốn sách này trong đời sống của Origène. Nếu đây là một tác phẩm đầu tay thì tư tưởng đã tiến bộ quá xa. Nhưng nếu là một tác phẩm đã được viết vào thời đứng tuổi thì tư tưởng lại quá ít tiến bộ. Dầu sao, nên ghi nhận một điều là tư tưởng của Origène rất ít thay đổi, so sánh với phần đông cách Giáo phụ khác.

b) Bản dịch: Hiện nay chúng ta không còn nguyên văn Hy lạp nữa mà chỉ còn bản dịch La ngữ, và đây cũng là căn cớ gây nhiều khó khăn cho tác giả
Trước hết có bản dịch của Rufin, một linh mục la mã sống vào thế kỷ thứ IV, rất ngưỡng mộ và trung thành với Origène. Đây chỉ là một bản dịch thoáng, trong đó Rufin đã chú thích:”tôi đã luôn luôn loại bỏ những đoạn (có thể coi là) “rối đạo” mà tôi đã gặp thấy”!

Thánh Jérôme, kẻ thù số một của Origène, sống đồng thời với Rufin, đã đọc bản dịch này và nhận thấy “không thể ngửi được “! Vì thế Jérôme đã  dịch lại cuốn De Principiis, nhưng bản dịch thứ hai  này cũng đã thất lạc và chỉ còn lại một vài mẩu nhỏ.

Justinien, một nhân vật thù nghịch khác của Origène, cũng đã dịch tác phẩm ngài, nhưng bản dịch của ông cũng thất lạc, và chỉ còn lại một hai đoạn ông trưng dẫn nguyên văn Hy lạp của Origène.

c) Dàn bài:

– Quyển   I: Thiên Chúa và những hữu thể có lý trí

– Quyển  II: Thế giới (cánh chung, thế mạt luận)

– Quyển III: Con người (luận về tự do)

– Quyển IV: Thánh Kinh (luận về linh ứng và chú giải T.K.)

Điều đáng chú ý là trong phần Nhập đề, Origène đã kể một đàng toàn bộ những chân lý phải tin và một đàng những chân lý mà đức tin không bó buộc phải chấp nhận.

2/ ĐÀM THUYẾT VỚI HÉRACLIDE

a) Hoàn cảnh:

1/. Origène đã mở rất nhiều cuộc Diễn thuyết thần học (Conférences théologiques). Chúng ta biết được sự việc này nhờ một lá thư của chính Origène. Ngoài ra Eusèbe cũng nói đến trong H.E. VI, 33; và thánh Jérôme trong thư 33 nhắc tới cuộc đàm thoại giữa Origène và tên rối đạo Candidus theo thuyết Valentin (ngộ đạo).

2/. Người ta đã phát hành những bản tóm các cuộc diễn thuyết thần học nói trên. Origène có nhắc đến việc đó trong một lá thư. Còn Rufin thì viết rằng: Origène đã phàn nàn với những bạn thân là hiện có một số bản tóm những cuộc diễn thuyết thần học của ngài đang được lưu hành, và những bản tóm đó không đúng với những điều ngài đã nói.

3/. Những bài diễn thuyết trên được chia làm hai loại:

– hoặc là một cuộc đối thoại với một tên lạc đạo, trường hợp Candidus.

– hoặc là những cuộc đàm thuyết đích danh với các Giám mục và giáo sĩ để làm sáng tỏ một nghi vấn trong đức tin.

Vậy năm 1941 Quân đội Hoàng gia Anh đã khám phá tại Toura (cách le Caire 10 km.) một số tác phẩm cổ thời trong đó có một bản lược tóm hoàn toàn đầy đủ về một cuộc đàm thuyết giữa giáo sĩ dưới sự chủ toạ của Origène có lẽ tại Arabie vào khoảng năm 250. Cuộc đàm thuyết đó được mệnh danh là: ”Cuộc đàm thuyết của Origène với Héraclide và các Giám mục đồng liêu của ông về Chúa Cha, Chúa Con và về linh hồn”. Ta gọi tắt là“Đàm thuyết với Héraclide”, hoặc vắn hơn: ”Đàm thuyết “ (Entretien).

b) Nội dung cuốn “Đàm thuyết”:

Các Giám mục và một số giáo sĩ (miền Arabie?) họp mặt dưới sự chủ toạ của Origène để qui định về một số vấn đề nan giải:

1/. Đức tin của Giám mục Héraclide có chính thống hay không ? (đối tượng chính)

– Héraclide lý luận rất chính xác về Đức Kytô: Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người v.v…

– Nhưng đức tin của ông không còn minh bạch khi phải phân biệt Chúa Con tách biệt Chúa Cha, có thần tính như Chúa Cha, và tiền hữu nơi Chúa Cha trước khi nhập thể. Ông chỉ trưng dẫn một cách đơn giản mà không dám chú thích thêm những câu Phúc âm Joan 1, 1-3 “Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời v.v..”

Để minh định vấn đề, Origène, dựa vào Phil. 2, 6:”Ngài, phận là phận của một vị Thiên Chúa”,quả quyết rằng Đức Giêsu Kytô có một ngôi vị biệt lập và Ngài tiền hữu như là Thiên chúa. Rồi kết luận:”Vì thế chúng tôi không ngại quả quyết rằng, theo một ý nghĩa nào đó, có hai Thiên Chúa (duo qeouz), và theo một ý nghĩa khác, có một Thiên Chúa độc nhất “(2, 5-6). Nghe nói có hai Thiên Chúa, Héraclide hoảng sợ không dám chấp nhận. Nhưng sau cùng, bằng cách dùng lý luận chặt chẽ và thay thế hẳn tiếng “Jesu-Kytô” bằng tiếng “Chúa con”, Origène đã lần lượt minh chứng thần tính của Chúa Cha, ngôi vị biệt lập của Chúa Con sánh với Chúa Cha, và thần tính của Chúa Con, để rồi lại cũng đưa ra kết luận là có thể nói có hai Thiên Chúa. Thế là Héraclide phải chấp nhận vì không thể khước từ được nữa, nhưng ông thêm:”Phải. Quyền   lực (dunamiz) thì là một”. Dưới đây là một mẩu đối thoại:

– Origène: “Chúng ta tuyên xưng có hai Thiên Chúa ?”

– Héraclide:”Phải. Nhưng quyền lực thì là một “(2, 26-27).

Cần chú thích ngay rằng chúng ta đang sống ở thời chập chững tập đi của khoa thần học suy luận. Giữa lúc tất cả còn đang là dò dẫm và chưa tìm được những từ ngữ cũng như những cách diễn đạt thích ứng để thoát ngõ bí như trường hợp khó khăn ở đây (khác nhau về “ngôi vị” nhưng đồng nhất về “bản tính “), thiết tưởng trách cứ quá nặng sự vụng về của Origène thì thật là thiển cận, cố chấp và bất công! Thánh Cyrille d’Alexandrie khi nói về bản tính nơi Chúa Kytô đã quả quyết “chỉ có một bản tính duy nhất của Ngôi Lời nhập thể” (mia fusiz tou logou sesarkwmenh ). Kiểu nói này chắc chắn là phản tín lý, nhưng đặt mình vào hoàn cảnh của Thánh Cyrille d’Alexandrie muốn bênh vực sự kết hiệp chặt chẽ giữa hai bản tính nơi Chúa Jésu Kitô… không ai nỡ kết án ngài… điều mà người ta đã không làm cho Origène khi ông cố gắng lý luận để phân biệt các ngôi vị thần linh.

Vả lại những lời giải thích kèm theo của Origène đủ minh chứng đức tin chính thống của ngài:”nhưng bởi có nhiều người trong anh em chúng ta lấy làm chứơng tai khi nghe quả quyết có hai Thiên Chúa,  nên tôi cần phải cắt nghĩa cặn kẽ và minh chứng dưới khía cạnh nào có hai Thiên chúa, và dưới khía cạnh nào cả hai chỉ là một Thiên Chúa “(2, 28-31). Ngài tiếp:”Đấng Cứu chuộc và Chúa chúng ta, trong mối liên hệ với chúa Cha, và Chúa Tể vụ trụ thì là một Thiên Chúa. Bởi chưng… trong trường hợp Đức Kitô kết hợp với Chúa Cha, thì không được dùng tiếng “xác thịt”, cũng không được dùng tiếng “tinh thần”, nhưng phải dùng một tiếng hùng diệu hơn thế nhiều, đó là tiếng “Thiên Chúa”. Vì thế, câu nói: “Ta và Cha Ta chỉ là một, chúng ta phải hiểu đúng như vậy”(3, 20-25 – 4,1-2). Và sau cùng Origène kết luận: “Vậy thì Thánh Kinh muốn nói gì, chẳng hạn trong câu:”Trước Ta không có Chúa nào khác, và sau Ta cũng chẳng có Chúa nào nữa”, và trong câu: “Chính Ta là Đấng hiện hữu và không có Chúa nào khác ngoài Ta”. ? Trong những công thức đó, không được tin rằng mối duy nhất áp dụng cho Thiên Chúa của vũ trụ… tách biệt khỏi Chúa Kitô, hoặc cho Chúa Kitô tách biệt khỏi Thiên Chúa. Hãy nói rằng ở đây cũng y hệt như trong lời của Chúa Yêsu: “Cha Ta và Ta chỉ là một”. (4, 9-16).

2/. Những vấn đề linh tinh: 2 vấn đề

* Vấn đề 1:

Một nhân vật trong cử toạ là Denys đặt câu hỏi sau đây:”Có thật linh hồn là máu hay không ? bởi vì Thánh Kinh quả quyết như thế. Đây là một vấn nạn gây nhiều thắc mắc, vì nếu thực linh hồn là máu thì nó sẽ không bất tử. Origène trả lời vấn nạn nan giải này theo một đường lối hết sức độc đáo. ngài nói:”đừng vất hạt ngọc cho loài heo”. Vậy phải cắt nghĩa Thánh kinh một cách hoàn toàn  thiêng liêng: tiên vàn con người phải cải tạo tâm hồn và trở về qui phục Lời Chúa đã, nếu không, có cắt nghĩa Lời Chúa cũng vô ích. Phải kêu gọi kẻ có tội sám hối trước đã thì mới trông Lời Chúa đánh động tâm hồn họ và họ mới hiểu được Thánh Kinh. Vậy sau khi đã kêu gọi mọi người trong cử toạ thống hối, Origène cắt nghĩa câu “Linh hồng là máu”như sau: Sách Sáng thế nói đến hai câu truyện tạo dựng con người. Câu truyện thứ nhất: Thiên Chúa tạo dựng con người giống Hình ảnh Ngài; câu truyện thứ hai: Thiên  Chúa làm nên con người bằng  bùn đất. Origène đặt câu hỏi cho cử toạ: các ngài có thể chấp nhận được rằng Thiên Chúa là thể chất, giống như con người mà chính Ngài đã làm nên từ bùn đất không ? Chắc là không!
 

Sau đó Origène thêm: nơi thánh Phaolô cũng nói đến một con người bề trong và một con người xác thịt. Con người bề trong đó chính là Hình ảnh của Thiên Chúa (Tân Ước), còn con người xác thịt là bùn đất (Cựu Ước) vậy. Ngài kết luận: nói “Linh hồn là máu” có nghĩa là máu đối với con người xác thịt là gì thì linh hồn đối với con người bề trong cũng là thế. Ta có thể hình dung tư tưởng của Origène dưới công thức sau đây:

 

máu   linh hồn
người xác thịt   người bề trong
Vậy phải vượt qua cách cắt nghĩa Thánh Kinh theo nghĩa đen: “Linh hồn là máu” phải được hiểu cách thiêng liêng (hình ảnh). Mỗi khi chúng ta gặp bình diện thể chất và xác thịt, lập tức phải vươn lên bình diện thiêng liêng để khám phá ra ý nghĩa đích thực của Lời Chúa.
* Vấn đề 2:

“Linh hồn bất tử”. Thế là cử toạ chấp nhận nguyên tắc “Linh hồn bất tử”. Nhưng Origène cảnh cáo: linh hồn bất tử, phải, nhưng không chỉ đơn sơ theo nghĩa chân lý triết học của người Hy lạp đâu, mà là theo Thánh Kinh. Vậy đối với Thánh Kinh có 3 thứ chết:

a/. chết thông thường: linh hồn bất tử (không chết như thân xác).

b/. chết cho tội lỗi: linh hồn phải chết cho tội lỗi để sống với Đức Kytô, với Thiên Chúa.

c/. chết vì tội lỗi: linh hồn không bất tử, tội giết được nó. Loại chết thứ 3 này ta có thể tránh được, nhờ Đức Kytô đã chết vì ta.

3/ – “CONTRA CELSUM”  (kata  Kelsou ).

Đây là một tác phẩm minh giáo. Origène đã viết cuốn này vào lúc ngài đã ngoại lục tuần, phỏng năm 246 (Eusèbe, H.E. 6, 36, 1). Sách có mục đích phi bác cuốn  AlhqhslogoV (Chính ngôn, lời chân thật), của một triết gia thuộc tân phái Platon tên là CELSE. Ông này đã dùng óc triết học của mình để khích bác Kitô giáo một cách rất khôn khéo và hăng say. Rất thành thạo về Kitô giáo, Celse muốn đưa ra những chứng lý đủ mạnh mẽ để phá hủy được niềm “mê tín” của người Kytô hữu. Đối với ông, Chúa Kytô chỉ là một tên bịp đời số một, còn những Kitô hữu thì là hạng vô học thức và cuồng tín đáng khinh miệt. Ngược lại, ông quả quyết rằng tôn giáo và triết lý của người Hy  lạp trởi vượt gấp bội.

Thực ra cuốn sách của Celse đã chẳng gây được ảnh hưởng gì đáng kể nơi các tín hữu. Vì thế không một tác giả Kitô giáo nào quan tâm tới. Nếu Origène đã viết nên cuốn “Contra Celsum” thì chỉ vì nể lời yêu cầu của một người bạn thân là Ambroise sợ một vài luận điệu xảo quyệt của Celse có thể gây nguy hại. Dầu sao, trong lời phi lộ Origène cũng đã nói rõ là không thấy lý do cần thiết:”Hỡi bạn Ambroise nhân đức, tôi không hiểu vì sao bạn muốn tôi viết một bản phi bác những lời tố cáo điêu ngoa của Celse chống lại các Kitô hữu và những lời đả kích đức tin của các giáo đoàn trong cuốn sách của hắn. Nào chính những sự kiện lại đã chẳng là một lời phi bác hùng hồn, và giáo lý (Kytô giáo) là một câu trả lời trổi vượt hơn bất cứ một văn phẩm nào sao ? Lời phi bác đó bẻ gẫy mọi luận điệu gian ngoa và không để lại cho những cáo giác một mảy may giá trị nào đáng tin cậy hết “.(Contra Celsum, Préf. I).

Phương pháp của Origène ở đây là nương theo Celse từng điểm một để phi bác những lý lẽ của hắn với một giọng điệu bình thản và đích đáng, tỏ ra một bộ óc uyên bác và một tâm hồn đạo đức thâm tín tới độ mà người đọc phải hoàn toàn tán đồng những lý chứng trưng dẫn, còn đối phương thì phải lui hẳn vào bóng tối.

IV. SỐ MỆNH CỦA ORIGÈNE

Nhập đề: Học thuyết Origène (l’ Origénisme).

Học thuyết Origène có ảnh hưởng rất lớn cả ở Đông phương lẫn Tây phương. Xét tổng quát thì là một ảnh hưởng tốt. Origène là nhà thần học tiên phông nên phần đông các Giáo phụ Đông Tây đều có chịu ảnh hưởng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tư tưởng của ông. Trong số, chúng ta đặc biệt kể thánh Grégoire hay làm phép lạ, Denys thành Alexandrie, thánh Athanase, thánh Hilaire, thánh Ambroise và qua Ngài thánh Augustin, thánh Jérôme và Linh mục Rufin. Thế nhưng “bị chống đối “hầu như đã là ”số mệnh”của ông.

A – Những cuộc tấn công

Con người rất từ tốn thông minh và thánh thiện này ngay từ lúc sinh thời đã gặp rất nhiều khó khăn. Nếu những năm ngài điều khiển Trường Giáo lý tại Alexandrie là những năm tốt đẹp nhất, thì ngay sau khi thụ phong linh mục tại Palestine, ngài bắt đầu gặp chống đối (cf. supra). Nhưng những bất hạnh của Origène chỉ thực sự bắt đầu 100 năm sau ngày ngài qua đời. Dưới đây là sơ lược những cuộc chống đối mà Origène đã là nạn nhân:

1. Thánh Méthode d’Olympe và thánh Eustathe d’Antioche.

Hai vị này sống vào đầu thế kỷ thứ IV, bắt đầu công kích Origène về một vài ý kiến thần học: Chúa Ba Ngôi, linh hồn và thể xác, và việc lạm dụng phương pháp chú giải Thánh Kinh theo ẩn dụ…vv. Nhưng với thánh Eïpiphane cuộc tấn công mới trở thành quyết liệt.

2. Thánh Epiphane

Origène đã qua đời được hơn một thế kỷ thì vào năm 380-385 thánh Epiphane, Giám mục tại Salamine đảo Chypre, cho xuất bản một cuốn sách nhan đề là “Panarion”. Sách kể tên 80 bè rối (80 hầu thiếp của Salomon ở trong Nhã ca 6, 8). Bè rối thứ 63 được mệnh danh là “phái đồ đệ Origène”, bè rối thứ 64 thì mang đích tên “Origène”. Ở đây Epiphane bôi nhọ chính cuộc đời Origène bằng câu truyện bịa đặt sau đây: Bị bắt với danh nghĩa là kitô hữu dưới triều Hoàng đế Dèce, sau một thời gian mạnh mẽ xưng đạo, Origène đã dâng lễ tế thần khi bị các quan tòa cho một phụ nữ người Ethiopie làm nhục thân xác ông. Vì tội bội giáo đó, Origène đã bị  Giám mục Demetrios trục xuất khỏi Giáo đoàn Alexandrie. Ông liền trốn sang Palestine, được nhận vào hàng giáo sĩ, thụ phong linh mục và trao phó việc chú giải Thánh Kinh. Ngày kia giữa công hội ông gặp đoạn Thánh vịnh 49, 16-17:”Nhưng kẻ gian ác, Chúa phán cùng nó rằng: “Cớ sao ngươi tới đây đọc những huấn lệnh của Ta làm chi, tại sao miệng ngươi tuyên bố giao ước của Ta làm gì, ngươi, kẻ ghét bỏ giới luật Ta và quẳng lại sau lưng những lời Ta truyền dạy ?”.Đọc lên rồi, Origène không chú giải được nữa, gấp sách lại và khóc nức nở. Cả cử toạ hiểu ý và cũng khóc theo. Dầu vậy, Epiphane thêm, Origène vẫn tiếp tục giáo thuyết của ông qua lời giảng giải.

3. Thánh Jérôme

Bôi nhọ Origène như vậy, Epiphane chưa cho là đủ, năm 392 ngài còn hăng hái gây nên cuộc chiến giữa thánh Jérôme và Jean Giám mục Jérusalem người đã chấp nhận giáo thuyết Origène. Epiphane đã thành công mỹ mãn trong việc này. Trước kia Jérôme là một con người sùng mến Origène đến tột độ và mạnh mẽ bênh vực cũng như trưng dẫn dồi dào các tác phẩm của ngài. Riêng trong thư 33 gởi Paula, Jérôme đã hết lời khen ngợi Origène. Nơi khác Jérôme còn nói:”Thế giới Thượng cổ ca ngợi những tác phẩm của Origène”.

Con người sùng mến đó, dưới ảnh hưởng của Epiphane, bỗng đổi thành kẻ thù không đội trời chung! Jérôme trở mặt tố cáo Origène là rối đạo, đả kích Giám mục Jean đã theo “lạc thuyết “  Origène; một trật cũng tố cáo luôn Rufin vì còn dám bênh vực Origène một cách quả cảm.

Riêng Epiphane thì đích thân từ đảo Chypre đến Jérusalem làm áp lực để Giám mục Jean lên án luận phi Origène. Không thành công, ngài liền đoạn thông với Giám mục Jean và viết lại cho vị này một bức thư với lời lẽ thật hùng hổ. Bức thư bằng tiếng Hy lạp này gặp ngay được dịch giả hữu hiệu nơi Jérôme, vì lý do đó mà ngày nay ta gặp thư 51 của thánh Epiphane trong Tập Thư bằng La ngữ của thánh Jerôme vậy. Nên chú thích rằng cũng chính Jérôme đã phiên dịch ra La ngữ các thư Epiphane viết chống Jean Chrysostome vì vị giám mục Constantinople này đã kiên trì bênh vực Origène tới cùng.

4. Théophile d’Alexandrie

Cuộc tranh biện kéo dài đến năm 400 thì Théophile Giám mục Alexandrie, một con người rất xảo quyệt và tham quyền cố vị, với sự ủng hộ của Epiphane, đã triệu tập một công đồng địa phương lên án luận phi Origène, “niềm vinh quang của chính giáo đoàn Alexandrie”. Théophile còn khôn khéo xin được cả Giáo Hoàng Anatase cùng lên án luận phi nữa. Rồi vào dịp lễ Phục sinh năm 402 Théophile ra một lá thư chung trong đó Origène bị nhục mạ không tiếc lời và bị gọi là “con quái xà của các bè rối”(l’hydre des hérésies”). Lá thư liền được Jérôme lập tức phiên dịch ra La ngữ.

5. “Cuộc chiến giữa các Thầy Dòng”

Gần một thế kỷ rưỡi trôi qua trong yên hàn, bỗng phong trào chống đối lại tái phát vào năm 537. Lý do là tại Palestine có một số Thầy Dòng bị coi là theo giáo thuyết Origène (moines origénistes). Cha Festugière cho rằng đây có lẽ chỉ là nhóm tu sĩ “trí thức”. Họ bị anh em không đồng tư tưởng chống đối mãnh liệt và tố cáo với Hoàng đế Justinien. Bản cáo trạng còn được kèm theo cả 24 khoản”rối đạo”  trích tỉa từ các tác phẩm của Origène. Nắm lấy mợt cơ hội rất thận lợi cho chính trị của nhà vua, Justinien liền lên án luận phi Origène. Aïn được ban hành vào năm 543 kèm theo 10 vạ chu trục các tu sĩ bị tố giác theo chủ thuyết Origène. Aïn luận phi này cũng được cả Giáo Hoàng Vigile chuẩn phê. Nhưng cuộc tranh biện tiếp tục kéo dài suốt 10 năm.

6. Luận  phi lần chót

Năm 553 Hoàng đế Justinien lại tái xác nhận bản án năm xưa và cũng được Giáo hoàng Vigile đồng chuẩn y. Kế đó Công Đồng Chung thứ V, họp tại Constantinophe, đưa ra khoản luật 11 sau đây:”nếu ai không ra vạ chu trục cho Arius, Eunomius… Nestorius, Eutichès, ORIGÈNE và các tác phẩm phản tắc của chúng thì bị vạ tuyệt thông”. Thế là một đàng vì ác ý, một đàng do thiếu hiểu biết, người ta đã kết án và liệt kê vào hàng “rối đạo” nhà thần học nổi tiếng nhất của Giáo Hội Đông Phương, con của một vị tử đạo, và bản thân là một kẻ xưng đạo bất khuất; một trong những ngôi sao sáng láng nhất trong hàng giáo Phụ và là vinh quang của Giáo Hội toàn cầu. Việc này xảy ra ở một thời vừa thiếu thốn về suy tư thần học, vừa vắng bóng một nền đạo đức chân chính vậy!

Thực ra ngay trước khi Công Đồng khai mạc, án luận phi Origène đã được sắp xếp sẵn sàng rồi, và trong suốt thời gian Công Đồng nhóm họp nội vụ Origène đã không hề được đem ra bàn cãi mảy may. Thật là một bất công tầy trời! một loại tranh chấp điển hình trong hàng ngũ giáo sĩ! Người ta đã tước bỏ cả danh hiệu “Confessor”(kẻ tuyên tín) của Origène. Và cho tới đầu thế kỷ 17, thánh Fran(ois de Sales hãy còn tin là Origène đã thực sự chối đạo. may thay, thánh Athanase và các Giáo phụ Cappadoce (Basile, Grégoire de Nazianze, Grégoire de Nysse) cũng như Jean Chrysostome đã không hề bước theo đường hướng đó. Các ngài đã luôn luôn trưng dẫn Origène như một Giáo phụ đích danh và có thế giá vào bậc nhất.

B – Origène đã bị tố cáo những gì ?

Người ta đã ghép ngài vào tội rối đạo về 3 điểm:

– Theo phụ thuộc thuyết
– Chủ trương linh hồn tiền hữu
– tin có tái lập chung cuộc.
 

1. Phụ thuợc thuyết (subordinatianisme).

a) Không có một bằng chứng nào chắc chắn

Théophile d’Alexandrie đã khám phá ra rằng theo Origène thì Ngôi Lời chỉ là “giả tạo” (mendacium) so với Chúa cha, nghĩa là ngài không có thật. Thực ra Origène nói như sau: linh hồn chúng ta là “hình ảnh phát sinh từ Hình Aính” (verbum de Deo Verbo procedens, In Math., ser. 85). Origène giải nghĩa: tất cả sự chân thật siêu nhiên nơi chúng ta đều là ở nơi Ngôi Lời, cũng thế Ngôi Lời, Hình Aính của Chúa Cha đều có tất cả sự chân thật của mình nơi Chúa Cha. Théophile thì lại hiểu rằng nói như vậy có nghĩa là Ngôi Lời không có chân lý nơi mình!…

Nhưng tư tưởng của Origène đích thưcû là giáo thuyết chính tông về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa sáng tạo: Chúa Cha là Chân lý, Ngôi Lời là Hình Aính phát sinh từ Chân lý; linh hồn chúng ta là hình ảnh phát sinh từ Ngôi Lời, cho dầu không cùng một cách thức như việc niệm sinh của Ngôi Lời.

b) Có thật Origène nhận một đẳng cấp giữa các ngôi vị Thần linh không ?

Đúng, và chúng ta ngày nay cũng chấp nhận như vậy. Đẳng cấp đó Origène đã diễn đạt dựa trên Phúc âm, dĩ nhiên là trên những câu Phúc âm rất dễ làm người ta ngả sang bè rối (Phụ thuộc thuyết), nhất là vào thời Origène và các Giáo phụ tiền- Nicée: “Để chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa độc nhất và chân thật” (Jn. 17, 3); “Cha Ta thì lớn hơn Ta”(Jn. 14, 28). Dầu sao đây là những câu Phúc âm đích thực, nên không thể đả kích Origène về điểm này. Đây là đẳng cấp xuất phát (origine) trong thần học vậy. Xét về nguồn gốc thì Ngôi Con tùy thuộc Ngôi Cha.

c) Theo Origène thì Ngôi Con có thua kém Ngôi Cha không ?

Phải thẳng thắn trả lời rằng: khi thì có, khi thì không.

CÓ:  Trong cuốn “De Oratione” XV, 1, đáp lại một vấn nạn về vấn đề cầu nguyện, Origène nói: Trong lời cầu nguyện thờ lạy (adoration) phải cầu nguyện một mình Chúa Cha qua trung gian Chúa Con thôi.

Nhưng đó là trên lý thuyết. Trong thực hành, có thể nói, Origène đã dùng tất cả thời giờ của ngài để cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Chính Ngàiđã là khởi thủy của phong trào “kết hợp thần bí giữa linh hồn và Ngôi Lơi”,rất thịnh hành vào thời Trung cổ. Trước nhiều bài giảng Origène đã quì gối và cầu nguyện: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Giêsu của tôi”. Khi chú giải đoạn Thánh Kinh nói về Siméon, ngài nói: “Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa toàn năng, và cũng cầu xin Giêsu nhỏ bé”.

Sự khác biệt trong lý thuyết và thực hành trên đây có lẽ là hậu quả của một truyền thống không mấy chính xác về thần học, nhưng lại quá mạnh về uy thế lúc đó đã bắt buộc Origène phải mâu thuẫn với niềm thâm tín của mình. Nhưng ngay trên điểm mà tư tưởng thần học của ngài tỏ ra thiếu sót này, đời sống đích thực của ngài (lòng yêu mến Chúa Giêsu) lại là một lời phản cung hùng hồn. Vậy phải xét xử một người trên toàn sự nghiệp của họ. Hơn nữa ta còn có thêm nhiều xác quyết tích cực.

KHÔNG: Nhưng xác quyết thời danh sau đây mà mọi Công Đồng đều đã trưng dẫn chống lại bè rối Ariô đủ nói lên cách hùng hồn tư tưởng đích thực của Origène về tính cách vĩnh cửu và ngang hàng  của Chúa Con sánh với Chúa Cha:”Không có một lúc nào mà Ngài đã không hiện hữu” (De Princ. 1. 2, 9; 2; 4, 4, 1; In Rom. 1, 5) và:”Đã không hề có một thời gian nào mà Ngôi Con đã không là Con “ (In Hebr. 24, 259). Bởi vì đây là một “aeterna ac sempiterna generatio” (In Jer. 9, 4; De Princ. 1, 2, 4). Cho nên sánh với Chúa Cha Đức Kitô không phải là “per adoptionem spiritus filius, sed de natura filius” (De Princ. 1, 2, 4), và mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con là một mối liên hệ xây trên sự duy nhất về bản thể. Chính Origène là người đã sáng chế ra tiếng Omoousioz (omoousios, “đồng bản thể) (In Hebr. 24, 359) mà sau này sẽ trở thành một từ ngữ then chốt trong thần học về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

((Nhận định: Mỗi khi gặp đoạn Thánh Kinh khó giải nghĩa thì ta thường thấy Origène có vẻ ngả về khuynh hướng “phụ thuộc”, ví dụ: Jn. 1, 14; 14, 24; 1Cor. 15, 28; Hebr. 7, 25; Jn. 17, 3; Mc. 10, 18; Mt. 20, 23. Nhưng khi nhìn tổng quát thì ta bó buộc phải thừa nhận tính cách chính thống của tư tưởng ngài. Các giáo phụ Cappadoce cũng như thánh Athanase và Jean Chrysostome đã thừa nhận tính cách xác thực và chính thống của tư tưởng Origène.
 
2. Linh hồn tiền hữu.

Ở đây Origène đã bị ảnh hưởng của câu truyện sáng tạo con người được kể hai lần trong Thánh Kinh: sáng tạo theo Hình Aính (Gn. 1, 26-27) và sáng tạo từ bùn đất (Gn. 2, 7). Ngài coi cuộc sáng tạo lần nhất, theo Hình Aính, là cuộc sáng tạo thiêng liêng, nghĩa là sáng tạo linh hồn (cf. Kho trữ linh hồn). Còn cuộc sáng tạo lần thứ hai là cuộc sáng tạo vật chất, nghĩa là sáng tạo thể xác: Thiên Chúa lấy bùn đất mà nặn ra con người. Cả hai cuộc sáng tạo đều là công trình tốt lành của Thiên Chúa, nhưng không may tội lỗi đã chen vào giữa hai cuộc sáng tạo này, vì thế Thiên Chúa đã dùng cuộc sáng tạo thứ hai vừa như là một hình phạt tội lỗi, vừa như là để giáo dục con người, chính Thiên Chúa đã can thiệp để phạt tội và giáo huấn con người tội lỗi. Vậy việc tạo dựng thể xác không phải là hậu quả trực tiếp của tội lỗi, mà là một công trình do Thiên Chúa hoạch định từ trước khi có tội lỗi, nhưng nay vì có tội lỗi, nên mang một sắc thái riêng.

3. Tái lập chung cuộc Apokatastasiz (apocatastase).

Thực sự Origène đã gặp tiếng “tái lập” hay “phục hồi” (restitution) trong Thánh Kinh: “Đấng mà hiện trời cao phải đón lấy, cho đến thời buổi phục hồi vạn vật, điều mà Thiên Chúa đã phán do miệng các thánh tiên tri của Người từ muôn thủơ” (Ac. 3, 21). Origène tin sẽ có cuộc tái lập chung cuộc toàn thể vạn vật trong tình trạng nguyên thủy, nghĩa là tình trạng hoàn toàn thiêng liêng. Theo Ngài, điều này thánh Phaolô đã nói trong 1 Cor. 15, 25-28: “Vì Ngài phải giữ quyền làm vua cho đến khi Ngài đặt mọi địch thù dưới chân Ngài” (c. 25). “ Vì: muôn sự Người đã bắt phục cả dưới chân Ngài… Và khi mọi sự đã phục quyền Ngài. thì bấy giờ Con cũng sẽ phục quyền Đấng đã bắt mọi sự phục quyền mình, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự”. (c. 27-28).

Trong nhãn giới đó, Origène nghĩ rằng sau khi thân xác này chết đi, những linh hồn đã phạm tội tại trần gian, sẽ phải chịu một cuộc thanh tẩy trong lửa; còn những linh hồn kẻ lành, thì được đưa vào Thiên đàng chờ ngày Chúa Kitô tái giáng. Origène không nói đến ngọn lửa đời đời, cũng không nói đến hình phạt hoả ngục. Theo Ngài, tất cả mọi kẻ có tội, sau khi được thanh luyện sẽ được cứu rỗi. Judas đã được cứu rỗi chính vì nhờ “paenitentia ductus” (thúc đẩy bởi lòng sám hối) mà đã tự tử để tìm cách xuống ngục Tổ Tông trước chúa Cứu thế hầu khi Ngài xuống mở cửa ngục thì cùng được giải thoát!  –  Hình như trong tư tưởng của Origène, cả ma quỷ và có lẽ chính Satan cũng sẽ được Ngôi Lời thanh tẩy. Điều này không được rõ rệt. Nhưng Théophile d’Alexandrie thì khẳng quyết ngay rằng: “Origène đã cả gan dậy rằng Chúa chúng ta đã chịu chết cho cả ma quỷ nữa!”. Có một điều chắc chắn là những “thần dữ”(mauvais esprits) mà Origène nói đến, không là ma quỷ mà chỉ là những thần thụ tạo bị đặt dưới quyền ma quỷ. – Khi mọi sự đã hoàn tất thì Chúa Kitô sẽ tái giáng, sau đó là cuộc sống lại của tất cả mọi người – lành cũng như dữ, nhưng kẻ dữ đã được thanh luyện rồi -, với thân xác không còn là vật chất mà là thiêng liêng, thế là thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự:

“Ngày tận thế và ngày chung tất sẽ xảy ra khi mỗi người sẽ lãnh chịu hình phạt về tội mình. Thời lúc mà Thiên Chúa sẽ trả cho mỗi người theo công trang họ, thì chỉ một mình Ngài biết được. Theo thiển ý của tôi, thì lòng nhân lành của Thiên Chúa, nhờ trung gian Đấng Kitô là Ngài, sẽ đưa hết mọi tạo vật về một cùng đích duy nhất, kể cả những quân thù của Ngài, sau khi đã bá chủ và khuất phục được chúng. Vì chưng Thánh Kinh nói thế này: “Chúa đã nói cùng Chúa tôi rằng, con hãy ngồi bên hữu Cha, cho tới khi Cha đặt các thù địch làm bệ dưới chân con” (Ps. 109, 1) (De Princ., 6, 1).

“Còn về phần kẻ thù cuối cùng, kẻ thù mà ta gọi là sự chết, thì sự hủy diệt của nó cũng đã được loan báo để không còn một lý do nào làm ta phải buồn phiền nữa, bởi vì không còn chết chóc, cũng chẳng còn chống đối, mà hoàn toàn vắng bóng mọi kẻ thù “(De Princ. 3, 6, 4).

Origène không tin sẽ có sự huỷ diệt chung cuộc và đổ vỡ toàn diện; ngài nói:

“Thực vậy, không có gì lại không thể làm được đối  với Đấng Toàn năng, và không có gì mà Đấng Tạo hoá lại không thể chữa trị được. Ngài đã đựng nên mọi sự để chúng hiện hữu, và cái Ngài đã đựng nên để hiện hữu thì không thể thôi hiện hữu được…”(De Princ. 3, 6, 4).

Chúng ta cần chú nhận rằng, về điểm apocatastase này chắc chắn Origène đã có lầm lẫn. Nhưng sự lầm lẫn của ngài không hề do hữu tình hoặc cố chấp mà do lòng nhiệt thành quá mức trong việc sưu tầm Thánh Kinh, cũng như do niềm tin cậy vô bờ bến nơi lòng khoa dung nhân hậu của Thiên Chúa. Sống vào giữa lúc mà nhiều vấn đề còn đang được Giáo hội bỏ ngỏ và chưa có một xác quyết hoặc định tín nào rõ rệt, Origène với bộ óc thông minh và ham mộ hiểu biết của ngài, đã muốn nương theo Thánh Kinh để đặt vấn đề và cố gắng đưa ra những giả thuyết khả dĩ giải đáp phần nào những thắc mắc của con người. Thiết tưởng chúng ta phải hiểu tư tưởng của ngài ở đây theo chiều hướng đó. Như vậy mới hợp lẽ công bằng.