Thời Toàn Thịnh Của Văn Chương Tiền Nicea: Eusèbe Giám Mục Césarée

0
1059


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG III

THỜI TOÀN THỊNH CỦA VĂN CHƯƠNG TIỀN NICEA

(190 – 325)

***

ĐOẠN IV : EUSÈBE GIÁM MỤC CÉSARÉE (263? – 339)

 

I. NHÂN CHỨNG VỀ GIÁO HỘI CỔ THỜI

Sống vào giao thời giữa hai thế kỷ III và IV, Eusèbe đích thực là một nhân chứng quan trọng về Giáo hội cổ thời. Sinh khoảng năm 263, có lẽ tại Césarée và mất năm 339, Eusèbe đã trải qua và đã sống mạnh mẽ “thời bình an đầu tiên” của giáo Hội, rồi cuộc bách hại rộng lớn, tiếp đến là sự lật ngược vị thế của người Kitô hữu trong Đế quốc vào những năm 312-313 (năm ông được chọn làm Giám mục Césarée xứ Palestine) và cuối cùng là triều đại Constantin vị hoàng đế đầu tiên theo Kitô giáo, vấn đề Ario, Công đồng Nicée và những hậu kết của nó. Ông đã giữ vai trò chủ chốt trong cuộc tranh cãi về Origène mà ông hết lòng bênh vực, trong cuộc tranh luận về Ario mà ông có nhiều thiện cảm, nhất là trong chính Công đồng Nicée (325) mà những quyết định cuối cùng đã không được ông tán thành là mấy.

Với trí óc uyên bác lạ lùng ông đã chia sẻ những mối bận tâm và khát vọng của thời đại mình. Ông có tham vọng xây dựng một tổng hợp lớn lao về hộ giáo và giáo lý, nhưng đã thành công về hộ giáo hơn là về thần học. Ông đã là người tiên phong trong suy tư mang chiều kích vừa chính trị vừa tôn giáo về lịch sử và về các quan hệ giữa giáo Hội và Đế quốc theo Kitô giáo. Ông còn mơ tưởng đảm nhận cách dứt khoát di sản của văn hoá trong một nhãn quan Kitô giáo toàn thắng. điều này đã dẫn ông tới chỗ quan tâm không biết mệt mỏi đến quá khứ dù gần hay xa, tới việc sưu tầm các tài liệu và khai thác một nền văn chương còn tồn tại lại ở thời ông. Nhờ vậy ông đã truyền lại cho chúng ta cả một kho tài liệu tham khảo vô giá về các thời đại cổ xưa, nhất là về các thời đại của Kitô giáo thuộc thế kỷ II và III.

II. MÔN ĐỆ CỦA PAMPHILE VÀ ORIGÈNE

Eusèbe đã theo học tại trường Césarée xứ Palestine do Origène thiết lập trước đây với một thư viện thời danh, mà lúc đó linh mục Pamphile (môn đệ của Origène) tiếp tục điều khiển và đã biến thành một trung tâm phổ biến tư tưởng và các phương pháp khoa học của Origène nhất là về Thánh Kinh. Pamphile sớm khám phá ra những năng khiếu của người học trò trẻ tuổi nên đã dốc lực đào luyện Eusèbe trở thành con người làm việc hăng say và thành một nhà thông thái uyên bác. Để nhớ ơn và tỏ lòng sùng mộ người cha tinh thần, Eusèbe đã tự xưng danh là “Eusèbe de Pamphile” (Eusèbe (con) của Pamphile). Qua Pamphile, Eusèbe cũng là người con tinh thần của Origène nữa.

Từ rất sớm Eusèbe đã bắt đầu phần trước tác của Ông nhưng cơn bắt đạo tái bùng nổ vào năm 303 cướp đi vị Thầy Kính mến mà nay ông đã trở thành cộng tác viên là Pamphile (tử đạo cách anh hùng năm 310) khiến ông phải bỏ trốn tới Tyr, rồi từ đó sang miền Sa mạc Thébade bên Ai cập. Tại đây ông bị phát hiện, bị bắt và tống ngục cho tới năm 312-313 mới được thả tự do và được đặt làm Giám mục Césarée.

Nhờ được đào tạo bởi Pamphile, Eusèbe đã trở thành nhà Kinh Thánh và đã góp phần độc đáo bằng việc cung cấp những dụng cụ làm việc cho khoa Kinh Thánh. Ông đã soạn thảo một tác phẩm quan trọng về địa lý Thánh Kinh mà chỉ một trong bốn phần nguyên thủy còn sót lại gọi tên là “Onomasticon”: đó là danh mục các địa danh trong Thánh Kinh (“Onoma” trong Hy ngữ có nghĩa là “tên”), kèm theo chú thích địa lý và lịch sử cho mỗi điạ danh. Cuốn này đã được thánh Jérôme dịch sang tiếng La tinh và phổ biến ở Tây Phương. Tài liệu quí hoá này về Thánh Điạ vẫn còn hữu dụng tới ngày nay.

Để việc nghiên cứu các sách Phúc âm được dễ dàng, Eusèbe đã theo sáng kiến của Ammonius (Alexandria thế kỷ III) chia Phúc âm thành những đoạn ngắn (chưa phải cách chia ta có hiện nay) đánh số liên tục cho mỗi Phúc âm. tiếp đến, dựa vào cách đánh số đó lập ra những bảng chỉ ra các đoạn chung của bốn, hoặc ba hoặc một Phúc âm. Thánh Jérôme sẽ dùng lại hệ thống đối chiếu này trong bản Phổ Thông.

Ngoài ra Eusèbe còn viết hai tác phẩm quan trọng, một cuốn “Chú giải về Isaia” và một cuốn “Chú giải các Thánh Vịnh”.

III. SỬ GIA KITÔ GIÁO

Nhưng thành công lớn nhất của Eusèbe được lưu danh thiên cổ nằm trong ngành lịch sử nói chung và Giáo sử nói riêng. Rất sớm ông đã quan tâm tới lịch sử. Tác phẩm đầu tiên ở đây là cuốn “La Chronique” (“Biên niên sử”, khoảng năm 303), tóm tắt lịch sử cổ đại, từ người Chaldée, Assyrie, Do Thái, Ai cập, Hy lạp đến người Roma, dựa vào sử liệu Do Thái và dân ngoại, sau đó đưa ra những bảng đối chiếu niên đại Thánh Kinh và niên đại lịch sử các dân tộc, để minh chứng rằng mạc khải của Mai-sen cựu trào hơn, nên đáng kính hơn triết học Hy lạp là thứ triết học muộn mằn hơn và dựa vào mạc khải Mai-sen. Với óc uyên bác lạ lùng Eusèbe đã biến cuốn sách này thành tác phẩm của một sử gia đích thực, một tác phẩm sẽ được rút tỉa trong nhiều thế kỷ và đến nay vẫn là nguồn giúp ta hiểu biết về thời Thượng cổ.

Sau một thời gian dài thu góp chất liệu, năm 312 Eusèbe đã cho phát hành bộ “Lịch sử Giáo Hội” (Histoire ecclésiastique) gồm 10 quyển, kể từ khi sáng lập Giáo Hội cho đến cuộc chiến thắng của Constantin trên Licinius (324). Sách được bổ túc giữa các năm 315 và 317, rồi được sửa chữa lần chót năm 324 sau khi Constantin chiến thắng Licinius để xoá bỏ tối đa ký ức về ông này. Đáng tiếc sách hầu như đã hữu ý dừng lại ở niên hiệu này (324), trước khi Công đồng Nicée ra đời (325), Công đồng mà Eusèbe là một trong những người chủ chốt, nhưng lại không mấy tán đồng, do thiện cảm cố hữu của ông đối với Ario.

Bộ sách này đã làm nên vinh quang của sử gia Eusèbe do những ký ức ông đã để lại cho chúng ta về Giáo Hội của ba thế kỷ đầu. Những tư liệu dùng để viết ra bộ sách này được lượm nhặt từ những gì còn tồn tại của nền văn chương Kitô giáo cổ thời, cộng thêm những tác phẩm nay đã thất lạc, và phần thư tín của các Giám mục và của cả Origène về những đề tài tranh luận của thời đại.

Khi viết bộ “Lịch sử Giáo Hội” chủ ý của Eusèbe không nhằm dựng lại cách liên tục quá trình phát triển của Giáo hội, mà chỉ trình bày chớp nhoáng một số sự kiện tùy theo nội dung của tài liệu có được trong tay. Dầu vậy bộ sách lịch sử này vẫn vô cùng quí giá nhờ các nhân vật, các sự kiện và các tác phẩm được nó nêu lên mà chúng ta sẽ hoàn toàn không biết đến nếu không có nó, chẳng hạn như bức thư đầy xúc động của Giáo Hội Vienne và Lyon, về các cuộc bách hại năm 177, hoặc những nét phác họa về tiểu sử của Origène.

Ta có thể kể vào loại tác phẩm lịch sử do Eusèbe viết cuốn “Cuộc đời của Constantin”, nhưng cuốn này không mấy giá trị lịch sử khách quan. Lý do là vì Eusèbe là người phò Constantin vô điều kiện nên thực sự đã bị loá mắt như phần đông các tín hữu đương thời bởi những biến cố năm 312-313. Từ đây ông không ngớt ca ngợi tán dương quá đáng vị anh hùng của mình mà ông gọi là “bạn thân của Thiên Chúa toàn năng” là một “Mai-sen mới”, một dụng cụ của Thiên Chúa quan phòng, kiểu mẫu của một hoàng đế theo Kitô giáo, người kiến tạo sự phối hợp mẫu mực giữa Đế quốc và Giáo Hội, người bảo trợ Giáo Hội, và một cách nào đó, theo kiểu nói của chính Constantin, “là người canh giữ bên ngoài”. Đây thật là một liên minh vĩ đại và quyến rũ. Nhưng dường như Eusèbe đã không linh cảm được những nguy cơ tiềm ẩn đối với tự do của Giáo Hội. Thứ Thần học chính trị nhuộn mầu sắc đắc thắng này sẽ mau chóng bị các sự kiện phi bác.

IV. MỘT DỰ ĐỊNH HỘ GIÁO RỘNG LỚN (trích (J.Liébaert, Giáo Phụ Tập I, 244- 246)

Eusèbe được kể vào số những nhà hộ giáo chính của cổ thời, và cả về điểm này, Ngài là người thừa kế một truyền thống xa xưa. Cũng co thể nói đây là khía cạnh cơ bản nhất trong công trình của Ngài. Quả vậy, dường như toàn bộ các tác phẩm của Ngài về lịch sử, hộ giáo, tín lý đều nhằm thực hiện một dự định rộng lớn và độc nhất. Cuốn “Nhập môn căn bản tổng quát”, soạn thảo trước khi Ngài làm Giám mục, hẳn phải phác hoạ những đường nét chính của dự phóng: đi từ những sự kiện và tài liệu trích dẫn đồi dào (đây là một trong những đặc tính độc đáo trong công trình của nhà hộ giáo Eusèbe), ông cho thấy Kitô giáo chẳng những không phải là một sự canh tân ngạo ngược,mà lại là sự chín mùi và kết trái của những truyền thống đáng kính nhất mà người ta tìm lại được các dấu vết trong ngoại giáo cũng như trong Do thái giáo, một khi lột bỏ đi lớp vỏ thô thiển bên ngoài: Eusèbe đặc biệt nhạy cảm về lời trách cứ của văn hoá Hy lạp chống lại đức tin Kitô giáo: cho rằng đức tin còn “mới mẻ” và chỉ “mới có”. Đối với người thời đó, tính “cổ xưa” là tiêu chuẩn của chân lý và chủ nhân của chân lý là truyền thống. Đã từng có một tác giả Kitô giáo chống lại vị trí ưu việt đó của truyền thống hoặc của ”tục lệ” con người. Về phần mình, Eusèbe nghĩ Kitô giáo từ đây đã đủ mạnh, đủ hội nhập vào xã hội để có thể tự giới thiệu mình như là sự hoàn chỉnh của truyền thống chính thực và cổ xưa nhất, nó có thể vừa tiếp nhận truyền thống đó vừa gạn lọc nó một cách khắt khe, và như vậy dung hoà được tính mới mẻ thực sự của Kitô giáo và sự trung thành với quá khứ, đồng thời chứng minh được tính chất hữu lý của mình. Chính các tôn giáo dân ngoại mới bị xem là bước thụt lùi vô lý.

Eusèbe đặt câu hỏi: Các Kitô hữu có phải là người Hy lạp không? có phải là người “man di” không (tức không phải là người Hy lạp)? hay là một chủng tộc thứ ba? Cảm tưởng người Kitô hữu tạo nên một “tertium genus” không phải là hiếm nơi các nhà hộ giáo trước đó. Câu trả lời của Eusèbe tinh tế hơn: chủng tộc thứ ba, nếu có sẽ không chối từ hai chủng tộc kia; các Kitô hữu “Hy lạp theo chủng tộc, Hy lạp theo tinh thần” khước từ di sản tôn giáo ngoại đạo, chứ không khước từ phần đóng góp tích cực của di sản văn hoá và triết học của nó. Cũng thế, họ đảm nhận cả phần di sản “man di”, của Do thái giáo. Kitô giáo vượt qua điều có trước mình bằng cách hoàn tất nó, có thể đảm nhận những gì tốt nhất của nó vì đó là một sự “chuẩn bị cho Phúc âm” do ý Chúa quan phòng.

Dưới mắt của Eusèbe, lịch sử cho thấy rằng ngay từ đầu Thiên Chúa đã nhẫn nại hướng dẫn việc dạy dỗ nhân loại. Với giờ của Kitô giáo thì sự lên ngôi của một nhân loại thành toàn đã điểm. “Chiến thắng” của Giáo Hội do ý Chuá quan phòng đối với những kẻ bách hại hiển nhiên xác nhận điều đó. Chiến thắng này đem lại cho niềm hy vọng Kitô giáo một mầu sắc mới. Nước trời đã được xây dựng trong thế giới này. Song song với tác phẩm lịch sử, Eusèbe còn soạn thảo một công trình hộ giáo cách có phương pháp. Những cuốn chính của công trình này là: “Chuẩn bị Phúc âm”, “Minh chứng Phúc âm” “Thần hiển”. Cuốn thứ nhất cho thấy mạc khải Do thái giáo ưu việt hơn ngoại giáo cũng như sự hài hoà của nó với triết học; cuốn thứ hai muốn chứng minh rằng mầu nhiệm Đức Kitô được loan báo trong tất cả Cựu Ước, cuốn thứ ba trình bày công trình của Ngôi Lời trong tạo dựng và nhập thể. Ngoài những mục tiêu tổng quát, tất cả chứng minh Ngài đưa ra là nhắm vào cuốn “Chống người Kitô hữu”, một cuốn sách có lời lẽ đanh thép, và tương đối mới ra của Porphyre, triết gia lừng danh theo khuynh hướng Tân-Platon. Eusèbe hiểu tầm quan trọng của cuốn sách này và chúng ta biết Ngài đã soạn cả một tác phẩm lớn có hệ thống để phản bác lại, tiếc rằng tác phẩm đó đã thất lạc.

V. MỘT THẦN HỌC CÒN TRANH CÃI (J. Liébaert, Giáo Phụ Tập I, 250-251)

Các tác phẩm hộ giáo của Eusèbe rất dồi dào và hết sức uyên bác gây thích thú cho khoa học ngày nay, các tác phẩm đó còn là một dẫn nhập vào thần học. Những năm cuối đời, Eusèbe quả thực đã hoàn thành được tác phẩm “thần học của Giáo hội” (Théologie ecclésiastique), trong đó chủ yếu Ngài khai triển học thuyết của mình về Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Trong tác phẩm đó, Ngài cũng rõ ràng nhắm vào một đối thủ lúc bấy giờ là Giám mục Marcel thành Ancyre (Ankara), nhà thần học cuối cùng theo hình thái thuyết, còn sót lại ngay giữa thế kỷ IV. Eusèbe đã từng lên tiếng chống lại ông trong cuốn “Chống Marcel” (Contra Marcellum). Hai tác phẩm tín lý này hoàn toàn có lý khi bác bỏ hình thái thuyết, dầu vậy vẫn để lộ những hạn chế của Eusèbe nhà thần học. Giáo lý của Ngài về Ngôi Lời thoát thai điển hình từ một quan niệm phẩm trật trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần được xếp vào hàng thấp hơn về thần tính, dù vẫn siêu việt trên các thụ tạo. Từ nơi Origène, Eusèbe chỉ còn giữ lại khuynh hướng hạ phục thuyết này nhưng lại không có những sửa chữa mà vị thầy đã thực hiện. Cách hiểu của Ngài về Nhập thể như là sự kết hợp của Logos với một thân xác nhân loại, trong đó Logos đóng vai trò linh hồn, là một sai lạc do hoàn toàn quên đi giáo lý phong phú của Origène về linh hồn nhân loại của Đấng cứu thể. Thần học của Ngài tuy không yếu kém như thần học của Lactance, dầu vậy vẫn là thứ thần học chắn chắn đã lỗi thời.

Niềm tin của Eusèbe vào Đức Kitô Con Thiên Chúa chắc chắn là điều không thể nghi ngờ; Ngài không bao giờ tán đồng những luận đề táo bạo nhất của Arius, nhưng Ngài không phải là không có thiện cảm với các lý tưởng của Arius. Ở Nicée, Ngài cố gắng làm sao cho tín biểu của Giáo hội Césarée được chấp thuận, vì tín biểu này có những từ ngữ đủ rộng để mở ngỏ cho Arius Ngài tán thành từ ngữ “đồng bản thể” (consubstantiel), nhưng với sự ngập ngừng và lúng túng. Sau Công đồng, Ngài mau mắn đứng vào hàng ngũ các Giám mục che chở nhóm Arius. Ngài đã dự phần vào những vận động mưu mô, có sự hỗ trợ của hoàng đế, nhằm chống lại những người bênh vực tín biểu Nicée là Eustache thành Antioche và thánh Athanase thành Alexandrie. Khi cùng với các Giám mục mưu mô tiếp tay cho cuộc bút chiến tệ hại này, Ngài chịu một phần trách nhiệm về việc làm cho tranh luận về Arius kéo dài một cách tai hại. Tuy nhiên, người ta có thể tin được rằng Ngài là con người ngay thật và vô vị lợi: để thưởng công cho các việc làm của ngài, Constantin muốn đưa Ngài lên toà giám mục Antioche lừng tiếng, Eusèbe đã từ chối, Ngài muốn ở lại nơi Ngài đã làm việc lâu năm, bên cạnh thư viện Césarée. Có thể nói, chính nhờ những con người như Origène, Pamphile, Eusèbe mà Giáo hội Đông phương đã có được một hàng giáo sĩ có trình độ trí thức rất cao trong suốt thế kỷ IV.