Thời Toàn Thịnh Của Văn Chương Tiền Nicea: Denys Giám Mục Alexandrie (+ 265)

0
664


GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG III

THỜI TOÀN THỊNH CỦA VĂN CHƯƠNG TIỀN NICEA

(190 – 325)

***
ĐOẠN III : DENYS GIÁM MỤC ALEXANDRIE (+ 265)
 

I. THÂN THẾ

Trong số các môn sinh của Origène, Denys là người nổi tiếng nhất. Sau khi vị Tôn Sư rời khỏi Alexandrie, Héraclas, một môn sinh đã thay thế ngài để điều khiển Trường Giáo Lý, rồi khi Giám mục Démétrios qua đời lại lên kế vị tại Alexandrie. Chính Denys là người kế nghiệp Héraclas trong cả hai nhiệm vụ kể trên (248-265).

Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo giầu có Denys đã trở lại theo Kytô giáo nhờ có kiến thức sâu rộng và do lòng yêu chuộng chân lý (cf. Eusèbe, H.E. 7, 7, 1-3). Làm Giám mục vào giữa thời Hoàng đế Dèce bắt đạo, Ngài đã phải trốn khỏi Alexandrie và chỉ trở về sau ngày Dèce băng hà. Nhưng Valérien lên kế vị lại đày ngài sang Libye, rồi sang Ai cập, tại Maréotis (257-258). Sau ngày được thả về Alexandrie (260) ngài lại gặp thêm nhiều thử thách nữa do cuộc nội chiến và nạn dịch tễ gây nên. Khi công đồng miền Antioche nhóm họp vào năm 264 thì Denys đã cao niên và lâm bệnh không thể tham dự, và đã qua đời năm sau đó, 265.

Hậu thế đã tặng cho Ngài danh hiệu “Denys Cả” (Denys le Grand) để tỏ lòng thán phục tính cương nghị và lòng quả cảm của ngài giữa mọi thử thách gian lao. ngài đích thực là một vĩ nhân trong Giáo Hội và có ảnh hưởng sâu rộng vượt xa khung cảnh riêng tư của Giáo đoàn Alexandrie. Ngài đã viết rất nhiều tác phẩm bàn về những vấn đề tín lý cũng như giải đáp các thắc mắc thực tiễn. Qua phần thư tín chúng ta nhận thấy ngài đã giữ một vai trò chủ động trong mọi cuộc tranh biện tín lý của thời đại.

Không may, hiện giờ ta chỉ giữ được một đôi mẩu vắn vỏi còn sót lại từ phần văn phẩm đồi dào đó. Đây cũng là nhờ sử gia Eusèbe đã dành hầu như trọn Quyển VII trong bộ “Giáo Sử” để nói về Denys d’Alexandrie.

II.  SỰ NGHIỆP

Như vừa nói, ngoại trừ hai bức thư còn nguyên vẹn, ta chỉ còn giữ được một vài đoạn hay những mẩu nhỏ sót lại từ các tác phẩm của Denys d’Alexandrie. Nhiều khi người ta chỉ còn biết tên tác phẩm mà không rõ nội dung nữa, chẳng hạn trường hợp cuốn “Bàn về các Cám dỗ” được gởi cho một người tên gọi Euphranor, mà Eusèbe có nhắc đến trong H.E. 7, 26, 2. Dưới đây là tên và sơ lược nội dung của một vài tác phẩm :

1. Bàn về thiên nhiên (Peri fusewz)

Sách được viết dưới hình thức thư tín cho Timothée, trong đó sau khi phi bác thuyết duy vật của khoái lạc chủ nghĩa xây dựng trên nguyên tử thuyết của Démocrite, Denys trình bày giáo lý Kytô giáo về Sáng tạo. Những mẩu nhỏ còn được bảo tồn trong cuốn “Praeparatio Evangelica” (14, 23-27) của Eusèbe chứng tỏ Denys rất thành thạo triết học Hy lạp và có thiên tài trong lối hành văn. Lởi lẽ ngài thật là lôi cuốn khi ngài biện hộ về trật tự trong vũ trụ và sự quan phòng thiên linh, chống lại cách giải thích hoàn toàn duy vật về thế giới này.

2. Bàn về những Lời hứa (peri epaggeliwn)

Sách gồm hai cuốn. Theo Eusèbe thì đây là trường hợp và nội dung của tác phẩm :

“Thêm vào tất cả những cái đó, Denys còn sáng tác hai cuốn Bàn về những Lời hứa, mà đối tượng là Népos, Giám mục địa phận Arsinoé tại Ai cập : Vị này dậy rằng những lời (Thiên Chúa) hứa với các thánh trong Thánh Kinh phải được cắt nghĩa theo kiểu người Do thái. Ông còn tưởng tượng sẽ có một ngàn năm cho cuộc sống thể xác trên mặt đất. Dầu sao, ông muốn củng cố tư tưởng riêng tư đó bằng cách nại đến sách Khải huyền của Yoan ; hơn nữa còn viết về vấn đề này một cuốn sách nhan đề là Phi bác những (tác giả) ẩn dụ. Chính để chống lại cuốn sách này mà Denys đã viết lên 2 cuốn Bàn về những Lời hứa : Trong cuốn nhất, Ngài trình bày tư tưởng riêng của mình về vấn đề ; trong cuốn hai, ngài luận về sách Khải Huyền của Yoan”(Eusèbe, H.E. 7, 24, 1-37).

Népos Giám mục địa phận Arsinoé đã nại đến sách Khải Huyền của Yoan để bênh đỡ Thiên niên thuyết của ông, và phi bác kiểu chú giải Thánh Kinh theo lối ẩn dụ của Origène. Cuốn sách của Népos đã có ảnh hưởng rất lớn lao, ngay cả sau ngày tác giả qua đời, đến nỗi Eusèbe phải thừa nhận là “hằng loạt Giáo đoàn đã ly khai và bội phản “ với Giáo hội (H.E. 7). Vì lý do đó Denys đã phải đích thân đến Arsinoé để chủ toạ cuộc tranh luận về thiên niên thuyết :

“ Tôi đã triệu tập các linh mục và tiến sĩ trong hàng anh em sống tại các làng mạc, và trước mắt các anh em tình nguyện, tôi đã đề nghị xét nghiệm công khai cuốn sách (của Népos). Họ liền đưa cuốn sách cho tôi như là một vũ khí (bén nhọn) và một chiến lũy kiên cố ; ròng rã suốt 3 ngày tôi bàn cãi với họ từ sáng tới chiều, để cố gắng sửa chữa những gì đã được viết (trong đó)…”

Sau cùng, khuất phục bởi những lý lẽ của Denys, Coracion, Giám mục chủ trì trong môn phái, chấp nhận từ bỏ lý thuyết sai lạc. Khi trở về tới Alexandrie, Denys thấy cần tiếp tục cuộc bàn cãi để bài trừ tận gốc rễ ảnh hưởng tai hại mà cuốn sách của Népos có thể gây nên trong tương lai, nên ngài sáng tác hai cuốn Bàn về những Lời Hứa nói trên.

Một điều đáng được chú ý ở đây là trong khi phi bác Népos, Denys đã không thừa nhận Yoan Thánh sử là tác giả của Khải Huyền thư :

“Vậy tên Ngài (tác giả sách Khải Huyền) là Yoan và cuốn sách đó đã do Yoan viết, tôi không chối cãi ; tôi cũng đồng ý ngài là một con người thánh thiện và đã được Thiên Chúa linh ứng. Nhưng tôi khó có thể chấp nhận được rằng đây là vị Tông đồ, con ông Zébédée, em Giacôbê, tác giả của Phúc âm nhan đề là “Theo Yoan” và của những bức “Thư Công giáo”. Bởi vì theo như tôi ức đoán, dựa trên hình thức của lối hành văn, và dựa trên điều người ta gọi là cách bố cục của cuốn sách, thì đây không phải là cùng một nhân vật. Thực thế (trái với ở đây) không hề thấy chỗ nào vị thánh Ký có ghi tên mình và cũng không hề thấy ngài có xưng danh, cả trong Phúc âm cả trong các bức thư”. (Eusèbe, H.E. 7, 25, 6-8).

3. Phi bác và minh giáo (Biblia elgkou kai apologiaz)

Sách gồm 4 quyển , gởi cho mợt người đồng tên là Denys, Giáo hoàng Roma (259-268), (Eusèbe H.E. 7, 26, 1).

Băn khoăn trước tư tưởng thần học của Denys về Thiên Chúa Ba Ngôi mà họ cho là có khuynh hướng phụ thuộc thuyết, các Giám mục Ai cập đã báo cáo sự việc với Giáo hoàng Lamã. Vị này liền yêu cầu Denys giải thích đức tin của Ngài về mầu nhiệm nói trên (cf. Athanase, Ep. de sent. dion., 13). Để trả lời, Denys viết cuốn “Phi bác và minh giáo” trong đó ngài trình bày giáo thuyết chính thống của ngài. Hiện giờ chỉ còn một hai đoạn sót lại từ tác phẩm dài 4 quyển này nơi Eusèbe (Praeparatio Evangelica, 7, 9) và Athanase (De sententia Dionysii episc. Alex.). Điểm tranh tụng nhằm mối liên hệ giữa chúa Cha và Chúa Con, và Denys phát biểu quan điểm Ngài như sau :

“Không hề có một thời gian nào Thiên Chúa lại không là Cha. Không phải đã có một lúc Chúa Cha thiếu Ngôi Lời, thiếu sự khôn ngoan và quyền lực, và rồi sau Ngài mới sinh ra Chúa Con. Tuy nhiên, Chúa Con không có sự hiện hữu tự mình, nhưng đã nhận nơi Chúa Cha.

Vì là vẻ rực rỡ của ánh sáng vĩnh cửu, nên chính Ngài cũng tuyệt đối vĩnh cửu. Nếu ánh sáng có từ muôn thuở, thì chắc chắn vẻ rực rỡ của nó cũng có từ muôn thủơ. Bởi chưng người ta  nhìn nhận sự hiện hữu của ánh sáng nhờ vẻ rực rỡ của nó, và đã là ánh sáng thì không thể không soi chiếu… Thiên Chúa là ánh sáng vĩnh cửu không có khởi thủy, cũng chẳng bao giờ có tận cùng. Bởi vậy sự chiếu rọi của ngài là vĩnh cửu…và đồng hiện hữu với Ngài…

Chúa Cha vĩnh cửu, vì thế Chúa Con cũng vĩnh cửu, Aïnh sáng bởi Aïnh sáng. Đúng thế, nếu đã có vị chủ sinh thì cũng phải có vị thụ sinh. Và nếu không có vị thụ sinh, thì làm sao vị chủ sinh có thể trở thành Cha và cha của cái gì chứ ? Nhưng cả hai đều hiện hữu, và việc đó từ muôn thủơ. Bởi vì Thiên Chúa là Aïnh sáng thì Chúa Kytô là vẻ Rực rỡ. Và bởi vì (Thiên Chúa) là Thần Khí – vì Thánh Kinh nói, Thiên Chúa là Thần khí (Jn. 4, 24)  thì gọi Chúa Con là “Hơi thổi” cũng rất thích hợp. Vì chưng Ngài nói, Ngài là “hơi thổi của quyền lực Thiên Chúa” (Sap. 7, 25).

Hãy nói thêm rằng : Con Một, vì đồng hiện hữu từ muôn thủơ với Chúa Cha và tràn đầy Đấng hiện hữu, thì chính Ngài cũng hiện hữu, một khi Ngài lãnh nhận sự hiện hữu từ nơi Chúa Cha”.

4. Thư từ

Phần thư tín của Denys là một nguồn suối quan trọng giúp ta biết về thân thế cũng như thời đại của ngài. Cuốn “Giáo Sử” của Eusèbe đã trưng dẫn rất nhiều từ nguồn suối này. Ngoại trừ hai lá thư còn nguyên vẹn, tất cả chỉ là những mẩu vụn vặt còn sót lại. Dầu sao, qua đó ta cũng có thể thấy được Denys đã có ảnh hưởng rất rộng rãi và ngài đã lưu tâm đến hầu hết mọi vấn đề.
 

a) Thư gởi Novatien

Cuộc lý giáo của Novatien vào năm 251 đã là dịp để Denys viết nhiều bức thư khuyên giải ngụy giáo hoàng và các đồ đệ trở về với Giáo hội. Đây cũng là dịp để ngài van xin Giáo quyền khoan hồng cho những kẻ đã chối đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế Dèce. dưới đây là một bức thư ngắn gửi cho chính Novatien, còn giữ được nguyên vẹn trong Hist. Eccl. 6, 45 của Eusèbe :

“Denys kính chào Novatien, quí đệ. Nếu thực sự như đệ nói, đệ đã bị giật dây ngoài ý muốn, thì đệ hãy làm sáng tỏ điều đó bằng cách tự mình trở về (với Giáo Hội). Thực thế, phải chịu đựng mọi sự còn hơn xé lẻ Giáo Hội Thiên Chúa, và bằng chứng đưa ra do việc không làm ly giáo chẳng có kém vẻ vang hơn bằng chứng đưa ra do việc chối từ thờ lạy ngẫu tượng ; tôi thiết nghĩ, nó còn lớn lao hơn là khác. Bởi vì ở đây chỉ làm chứng cho phần hồn của riêng mình, còn ở kia thì cho toàn thể Giáo hội. Và giờ đây, nếu đệ có thể dùng lời khuyên nhủ hay dùng đến sức lực mà đưa anh em về lại với sự thông hảo, thì sự sửa sai này sẽ làm vinh dự cho đệ hơn là sự lầm lỗi của đệ : việc sau sẽ quên đi còn việc trước sẽ được ca ngợi. Và nếu đệ yếu thế trước sự bất khẳng của chúng (đồ đệ) thì ít nhất đệ hãy cứu lấy linh hồn của riêng đệ. Tôi cầu cho đệ được an mạnh luôn ,một khi biết thiết tha tìm cuộc sống an hoà với Chúa ”. (Eusèbe, H.E, 6, 45).

b) Thư gởi Basilide

Đây là bức thư thứ hai được giữ nguyên vẹn, gởi  cho Basilide, giám mục miền Pentapole, tức Ngũ Tỉnh thuộc xứ Libye. thư trả lời nhiều câu hỏi của vị Giám mục nói trên về thời hạn của Mùa chay và về những điều kiện vật chất phải giữ trong việc Rước lễ. Bức thư này hiện được giữ trong bộ Thư chính lục của Giáo hội Hy lạp và là một trong những nguồn suối chính của bộ Giáo luật Đông phương.

c) Thư gởi Fabius

Viết cho Giám mục Antioche là Fabius bức thư này chỉ còn sót lại một đoạn đã được Eusèbe trưng dẫn trong H.E. 6, 44, 2-6. Đoạn thư vắn tắt này rất có giá trị về mặt lịch sử của bí tích Sám hối và Thánh thể. Denys biện luận về một vấn đề hết sức chông gai của thời đại là việc tháo giải cho những kẻ đã bội giáo trong thời bắt đạo. Để biện hộ cho giải pháp khoan hồng của mình, ngài đưa ra một ví dụ rất sống động và cảm kích là trường hợp của một cụ già tên gọi Sérapion. Ông này trước đây đã chối đạo vì yếu đuối, nay chỉ khao khát và đã nhiều lần đích thân xin được giải hoà với Giáo hội. Tới lúc lâm trọng bệnh ông già vẫn cầm cự với tử thần và chỉ an tâm chết sau khi đã nhận được ơn tha thứ. (cf. Quasten II, p. 130-131).

d) Thư chung Phục sinh (Lettres festales)

Cho tới thế kỷ thứ IX, các Giám mục Alexandrie hằng năm vẫn giữ thói quen gởi tới các Giám mục trong toàn xứ Ai cập những “chỉ thị” định rõ ngày mừng lễ Phục sinh và ngày khởi đầu mùa Chay để chuẩn bị cho ngày lễ. Những “chỉ thị” mang hình thức một bức thư chung trong đó các Cộng đồng được khuyến khích sốt sắng giữ Mùa Chay và mùa Phục Sinh. Denys, là Giám mục đầu tiên được biết đã gởi những bức thư loại đó. Eusèbe kể sự việc này như sau :

“Denys, ngoài những thư ngài viết đã được kể trên đây, còn sáng tác vào thời đó những lá thư Phục sinh (Lettres festales) còn lưu truyền tới thời chúng ta và trong đó ngài đã cao giọng dùng những kiểu nói trịnh trọng về ngày lễ Phục sinh. Trong số những thư đó, ngài gởi một lá cho Flavius, một lá khác cho Domitius và Didyme ; trong thư cuối cùng này, ngài đề nghị một qui chuẩn (canon) cho một chu kỳ 8 năm và giải thích tại sao chỉ nên mừng lễ Phục sinh vào sau ngày Xuân phân”(H.E. 7, 20).

Từ loại Thư chung Phục sinh này, hiện chỉ còn sót lại những mẩu vụn vặt.  Ngoài đối tượng chính, là Mùa Chay và lễ Phục sinh, Denys còn lợi dụng để đề cập đến những vấn đề quan trọng có liên hệ đến đời sống giáo Hội của thời đại.

.